Hương vị Việt Nam nơi xứ tuyết
mickey 19.03.2005 04:40:27 (permalink)
0
Hương vị Việt Nam nơi xứ tuyết

Bùi Quang Thanh

Có lẽ bất kỳ ai mỗi khi phải sống xa quê, đều mang nỗi nhớ thương thường nhật về hương vị thân quen của bữa ăn hàng ngày nơi xứ sở. Cái hương vị ấy vừa cụ thể vừa vô hình, khi gần thì quá đỗi thân quen, nhiều khi xao nhãng. Nhưng khi chia tay, hương vị làm nên món ăn quê nhà lại gợi nỗi nhớ, trở thành biểu tượng mang dấu ấn văn hóa vật chất gần gũi, tạo ra sợi dây tình cảm thiêng liêng và có ý nghĩa dưới nhiều cung bậc. Điều đó bộc lộ khá rõ trong tiềm thức của người Á Đông, đặc biệt là người Việt Nam mỗi khi phải sống xa quê hương, đất nước. Không phải ngẫu nhiên mà trong kho tàng thi ca của người Việt ta, dễ bắt gặp một tâm trạng đời thường, một nỗi nhớ sáng trong và đáng quý:

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương

Hơn chục năm về trước, người Việt Nam mỗi khi có cơ hội được sang Liên Xô, trong hành trang của mình thể nào cũng cố gắng dành chỗ cho vài gói mì chính, một chút tôm, ớt khô...Dưới con mắt các nhà chức trách nơi cửa khẩu, tất cả đều nằm trong "cơ số". Người đi cần phải tính toán chặt chẽ, cân đong sao cho đủ "suất" của mình. Và bởi hiếm nên thành ra có giá. Một gói mỳ chính đổi được chiếc bàn là. Trong hoàn cảnh ấy, đã một thời, nhà hàng Cửu Long, nhà hàng Hà Nội nổi lên như những trung tâm rộng cửa đón các đại nhân lắm tiền đến thưởng thức các bữa ăn đặc sản mang hương vị quê nhà. Xem ra nào có cao sang, mấy chú cua bể, một đĩa rau muống, một bát tương Bần, dăm trái cà pháo và phất phơ mấy ngọn húng chó, rau răm... Giản dị, gần gũi với chốn quê mà sao nó thiêng liêng và có giá vậy! Ngày thường đã thế, nói chi ngày Tết nơi đất khách quê người. Đã bao nhiêu tất niên, ngồi nhìn chiếc bánh chưng gói bằng giấy báo, bọc túi nilon, nhẩm lại lời ca "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh" mà buồn!

Trong những khu ký túc xá công nhân, lưu học sinh Việt Nam sinh sống tại Matxcơva và nhiều thành phố khác của xứ tuyết mênh mông, ngồi ngẩn ngơ nhớ về quê cũ, nước mắt trào ra. Giữa cái Tết "đậm Tây, nhạt ta" ấy, có nhà doanh nghiệp trẻ tinh nhậy đã "đánh" một chuyến lá dong, gạo nếp, lạt giang xuất dương, vừa hợp lòng người, vừa tăng thu nhập, lại thêm danh tiếng!

Nhưng vài ba năm trở lại đây, tại những Trung tâm thương mại danh tiếng, các dãy hàng khô, hàng thực phẩm Việt Nam đã chứng minh một cách cụ thể sự thính nhạy và luật cung ứng kịp thời của những con người thông minh, thực tế ...Lượn qua các dãy hàng thực phẩm của Tổng Công ty Bến Thành, Trung tâm thương mại Quốc tế "KT", Trung tâm kinh tế thương mại Sông Hồng... người đầu bếp bình thường cũng có thể tìm đủ nguyên vật liệu cho một bữa "ẩm thực" khắt khe nhất trong hồn vía Việt Nam.

Hầu như các loại gia vị chủ chốt, quen thuộc của cả ba miền Bắc - Trung - Nam đã lần lượt âm thầm hành hương về xứ tuyết, ngắm nghía, khác gì những quầy hàng phong phú ở chợ Đồng Xuân, Bắc Qua, Hà Nội ta. Từ những địa điểm lừng danh này, gia vị Việt Nam lại khăn gói lên đường, theo những chuyến xe tỏa về hàng chục thành phố các nước cộng hòa - nơi có những người đồng hương của mình đang làm ăn sinh sống. Hàng chục đơn vị mặt hàng nhờ bàn tay và khối óc con người, theo luật cung cầu vượt qua chặng đường chục ngàn cây số để giúp người Việt Nam thưởng thức hương vị quê nhà, luôn sống trong cảm giác gần gũi quê hương. Đấy là chưa kể đến những gói tăm tre, đũa tre, bát sứ Hải Dương, những chiếc bát hương, thần tài, thần lộc, những đồ cúng lễ tượng trưng cho tấm lòng thành mang tính truyền thống văn hóa từ ngàn năm của cộng đồng người Việt.

Những người Việt Nam từng có mặt ở Matxcơva nói riêng và các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết trước đây, vào những năm tháng này, nếu được trở lại hẳn rấtâ kinh ngạc. Ai đoán được những khu dân cư ở ngoại ô lại có những thửa đất màu mỡ trồng cải cúc, su hào, rau thơm, cải bẹ? Ai nghĩ được ngay cạnh Tổ hợp thương mại Tôgi lại tồn tại hẳn một quán bánh đúc - mắm tôm đặc sệt Việt Nam? Ai khẳng định được có thể dễ dàng mua về làm thịt một chú lươn tươi, một chú ba ba đang bơi trong chậu nước Nga, mà cách đó vài hôm chúng đang còn quẩn quanh nơi ao đầm xứ nóng!...

Xin cám ơn các nhà doanh nghiệp đã góp phần tạo ra thế cân bằng cho cuộc sống cực nhọc, vất vả của cộng đồng người Việt đang sống xa quê, giúp họ có những bữa ăn thường nhật đậm đà hương vị, giàu sắc thái dân tộc. Không chỉ vậy, nhờ những bữa ăn này mà cung cách bang giao của người Việt Nam với bạn bè các dân tộc anh em, đặc biệt là người Nga, thêm phần gần gũi, gắn bó. Ước chi các nhà chức trách của các Bộ, ngành liên quan giúp cho gia vị Việt Nam hành hương cập nhật, chính danh, thu thêm một nguồn ngoại tệ xây dựng Tổ quốc. Bởi trong thực tại, những người Việt Nam lam lũ quên cả chủ nhật kia vẫn luôn sống trong tâm trạng lo lắng mỗi khi phải tự ứng xử để nguồn hương vị Việt Nam xuất dương cập bến. Cửa ải nhiều. Khó khăn lắm. Và tất nhiên thất bát đã nảy sinh. Nhưng tất cả vẫn đang vì gia đình, vì quê hương đất nước để làm giàu thêm bản sắc dân tộc.

May thay!

Quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam đến thính giả Mỹ (2-3)

Trong những nỗ lực không ngừng để quảng bá âm nhạc dân tộc Việt Nam đến thính giả Mỹ, Giáo sư dân tộc nhạc học Nguyễn Thuyết Phong, hiện đang định cư ở Mỹ, vừa qua đã có buổi thuyết trình và minh hoạ nhạc cho Hội nghị Giáo dục âm nhạc của Mỹ tổ chức tại Trung tâm Hội thảo thành phố Cincinnati, bang Ohio. Nội dung thuyết trình hướng dẫn các giáo viên âm nhạc thể hiện âm nhạc Việt Nam khi giảng dạy về âm nhạc thế giới. Giáo sư Phong đã đến Đại học Michigan nhân dịp Tết tổ chức cho trẻ em Mỹ và Việt Nam. Ông đã dành một giờ nói chuyện về âm nhạc và biểu diễn nhạc dân tộc cho thiếu nhi nghe. Đầu tháng 3 này, Giáo sư Phong sẽ đi giới thiệu âm nhạc Việt Nam ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, gồm các buổi thuyết trình tại Viện Đại học Havard và trình diễn ở Học viện Công nghệ Massachusetts, một trong những viện đại học danh tiếng của Mỹ.

T.H
(Theo mattran.org.vn)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9