Trò chơi Thiện Ác
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 20 bài trong đề mục
Cát Tường 29.03.2009 11:52:12 (permalink)
Nguồn : Hoangthantai.com
Tác giả : Daihongcat

Trò chơi Thiện Ác
 
Trên đời này còn có hai dạng người…
Dạng thứ nhất là người chẳng có tài sản, địa vị gì cả, nhưng luôn tỏ ra là mình có tất cả. Họ luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người, sẵn sàng cho bạn mượn tiền… chỉ rất tiếc là họ không có tiền và cũng chẳng có cái gì để giúp mọi người được.
Còn dạng người thứ hai thì ngược lại, họ có tất cả nhưng chẳng muốn giúp ai cả, hễ cứ mở miệng ra là than nghèo, kể khổ… làm như sắp có kẻ đến mượn tiền của họ không bằng.
Giả sử hai dạng người này mà gặp nhau, cùng ngồi với nhau ở một nơi nào đó thì sao nhỉ ?
…………………………..
 
Hồ Vũ chắc thuộc dạng người thứ nhất, bởi vì y vốn dĩ là giáo viên tiểu học ở một trường làng. Khỏi phải nói thì ai cũng biết giáo viên trường làng khó có thể giàu được, nếu không muốn nói là thuộc dạng nghèo.
Nhưng Hồ Vũ sống rất hào sảng, vì thế mà y có khá nhiều bạn bè, hơn nữa y lại được thừa hưởng một miếng đất của ông bà để lại sát ngay bên dòng sông Đồng Nai, có người thuê lại miếng đất này để khai thác cát xây dựng.
Người đó là Kình Khá.
Mọi người chỉ đơn giản gọi y là Bác Kình.
Bác Kình chắc thuộc dạng người thứ hai vì y rất giàu có, có đến mấy cái Xáng-cạp, một chiếc Tàu kéo và bốn chiếc Sà-lan chở cát. Y cũng có đến bốn bà vợ, tỉ lệ với bốn chiếc Sà-lan của y. Vì thế Bác Kình luôn than nghèo kể khổ chuyện phải nuôi tới những bốn bà... Vài ba tháng y mới trả tiền thuê đất cho Hồ Vũ một lần, những lần đó y đều chờ để Hồ Vũ dẫn đi uống rượu. Hồ Vũ có tiền rủng rỉnh trong túi thì rất sẵn sàng mời bạn bè. Bố mẹ đã mất, cũng chẳng có anh chị em gì, vì thế đối với y chỉ có bạn bè là tất cả…
<bài viết được chỉnh sửa lúc 29.03.2009 11:55:05 bởi Cát Tường >
#1
    Cát Tường 29.03.2009 11:54:02 (permalink)
    Bác Kình tỏ ra là người rất tự tin.
    Nói chung thì bất cứ người đàn ông nào mà tiền chật túi thì đều tỏ ra tự tin như vậy.
    Hồ Vũ cũng thế, hôm nay y rất tự tin vì trong túi rủng rỉnh có tiền.
    Cả hai cùng ngồi ở một cái quán rất quen thân, bởi vì đó là quán của Bác Kình, đúng ra là quán của bà vợ thứ ba của y. Bác Kình đâu có thể để tiền của mình lại chảy ra ngoài được ?
    Một người đàn ông tự tin như Bác Kình thì khi nói chuyện tất phải đầy sức mạnh, khi cả hai đã hơi ngà ngà, y lè nhè với Hồ Vũ :
    - Đm… anh nói cho chú biết… Sống trên đời này đừng có tin vào bất cứ thằng nào… có tiền là có tất cả, kể cả bạn bè. Có tiền, vung một cái, em út bám đầy như đỉa - Có tiền, vung một cái, đàn em tứ phía, được ca tụng, nịnh bợ tận mây xanh. Như con vợ anh đó, anh lo cho nó đủ thứ, nhà cửa này, hàng quán này, thế mà nó làm ăn thua lỗ anh cứ phải bù tiền hoài. Mà bán đắt thế này thì lỗ làm sao được, chẳng qua là nó mang tiền về cúng cho gia đình nhà nó… anh cứ là chửi nó như con chó…
    “Con chó” của Bác Kình đâu có phải thuộc dạng tầm thường, mà là đẹp vô cùng, có thể nói là đẹp lộng lẫy thì mới đúng. Bà ta mặc một bộ bà ba mút-sơ-lin đời mới, cổ tròn xẻ rộng, tà ngắn xẻ cao phô diễn mọi đường cong của cơ thể, vừa kín đáo mà vừa lộ liễu. Cổ tay đeo một bộ vòng Ci-men cầu hai chục chiếc vàng chói sáng, mấy ngón tay xỏ vài chiếc nhẫn đính hột xoàn to tổ bố, còn trên cổ là một sợi dây chuyền rất khủng có hình ông phật Di-lặc bằng cẩm thạch đang cười tích toát.
    Ông phật cũng được bọc vàng rất đẹp.
    Hồ Vũ ngồi làm thinh nghe Bác Kình nói, y không hưởng ứng cũng không phản đối, dường như lời nói này tuy thô lỗ nhưng lại là sự thật. “Bà ba” tuy tất bật vẫn thỉnh thoảng lại ghé vào bàn dựa vai kề má với Bác Kình, cười cầu tài và cụng ly với Hồ Vũ.
    Gọi là “bà” có vẻ không đúng vì “bà” còn rất trẻ… chừng như hăm bốn tuổi…
    Cái quán này đông khách chắc cũng nhờ có “bà ba”, một người lúc nào cũng tươi tắn và sởi lởi.
    Bác Kình thì thào: “anh đâu có thèm ghen làm gì, mấy thằng nào mê thì cứ đến đây ăn nhậu rồi nộp tiền cho nó, buổi tối thì nó về ngủ với mình, có mất cái đếch gì?”
    Hồ Vũ không trả lời Bác Kình vì y không quan tâm lắm đến vẻ đẹp của “bà ba”, hạng đàn bà này ngoài đường có vô số. Họ có chút nhan sắc, biết cách ăn nói ngọt ngào, dễ dàng moi tiền từ những người đàn ông lắm tiền, nhiều của, mê gái. Họ lê la từ nhà hàng đến khách sạn, đánh đổi cả lòng tự trọng, sẵn sàng quen một người đáng tuổi cha, chú chỉ để được chu cấp vật chất đầy đủ, và vì thế họ dần dần trở nên chai lì và vô cảm.
    Hồ Vũ ngồi đây vì y đang chờ đợi một người, một kẻ trọc phú như Bác Kình chỉ giống như con sâu bò trên cái áo…
    Con sâu ấy đang ăn uống thật nhiệt tình, đang phun ra đủ thứ tào lao và đang lên mặt dạy dỗ mọi người về cách sống, về cách kiếm tiền.
    Hồ Vũ  ngồi chờ mãi…
     
    Không có tiền thường bị người khác nhìn với ánh mắt khinh thường, nhưng con người này có một cái dáng vẻ khiến người đối diện phải tôn trọng y mặc dù biết là y nghèo đấy.
    Y là Văn Thiên Thành.
    Văn Thiên Thành cao lớn, mũi thẳng, mặt vuông chữ điền, bộ râu quai nón còn ánh nét xanh xanh, nửa bên này nhìn cứ như cầu thủ Bagio của xứ Italy, còn nửa bên kia có một cái sẹo bỏng chạy dài bên má, xuống tận đến cổ khiến cho cái cần cổ của y cứ giật giật, vì thế mọi người còn gọi y là “Thành cháy”.
    Y là kẻ nửa đẹp nửa xấu, nửa thiện nửa ác…
    Hồ Vũ viết về y :
    “không là trắng, chẳng là đen,
    Chỉ là Thành cháy lem nhem, lờ nhờ.”
    Văn Thiên Thành trước đây vốn là chủ lò gạch, sau một tai nạn sập lò làm chết mấy người thợ, bản thân bị bỏng nặng, y phá sản và quyết định chuyển sang nghề khác.
    Đang trong tình trạng nợ nần chồng chất mà muốn làm một cái gì đó thì khó biết bao. Thế nhưng y có Hồ Vũ, thông thường thì người ta phải chờ đợi để được mượn tiền, còn Hồ Vũ thì lại phải chờ đợi để đưa tiền cho người khác mượn.
    Người đó chính là Văn Thiên Thành.
    Y biết rằng tiền trong túi nếu không đưa liền cho họ Văn thì sẽ xài hết.
    Bác Kình lại nói: “hôm đó nếu chú không lao vào cứu người thì đâu có bị bỏng nặng như vậy.”
    Văn Thiên Thành cũng làm thinh không nói gì, hình như bàn nhậu này chỉ có một người độc thoại, và người đó hình như cũng chẳng cần ai nói gì hết – Một mình y nói cho mọi người nghe là quá đủ rồi – Y đương thành công mỹ mãn và vô cùng tự đắc về những gì mình đã làm được.
    Văn Thiên Thành không thích Bác Kình cho lắm, nhưng y cũng kính nể Bác Kình vài phần vì đó là một kẻ “tay trắng làm nên” thật sự. Từ một kẻ chân đất áo rách mà làm nên một cơ ngơi như vậy, có được đàn bà đẹp quấn quít như thế thì cái đầu của kẻ đó ắt không phải tầm thường.
    Mặc dù y lưu manh thật.
    Một kẻ thất học như Bác Kình nếu không lưu manh và thủ đoạn thì sao có thể trở nên giàu có được? Biết bao kẻ đã từng muốn triệt hạ Bác Kình nhưng không hạ nổi y, mà ngược lại, y đã từng bước, từng bước đi lên.
    Y nói: “hôm đó nếu chú không lao vào cứu người thì đâu có bị bỏng nặng như vậy.”
    Nếu là Bác Kình thì nhất định y sẽ không làm điều đó, nhất định không bị phá sản vậy, và nhất định là không phải đi mượn tiền, và nhất định sẽ…sẽ…
     
    #2
      Cát Tường 30.03.2009 17:14:23 (permalink)
      Con người mà càng đông thì lại càng giống như con kiến, có điều con kiến có đường bò của nó, của bầy đàn - còn con người thì lại bò loanh quanh, luẩn quẩn, nói chung là bò quanh mép chảo. Đến một ngày nào đó cái chảo được nung nóng lên và con người tất sẽ phải rơi vào bên trong… Văn Thiên Thành cũng vậy, y muốn thử sức mình ở trong “Chảo lửa”.
      Cái “Chảo lửa” đó chính là đất SG hoa lệ quyến rũ, "gái sắc sảo mặn mà, trai đa tài đẹp mã", choáng ngợp và đầy cạm bẫy. Các cô gái quê mà lên trên này thì mười người hết cả mười một đi không trở lại, đam mê cuộc sống phồn hoa, không còn cái ý nghĩ trở về miền quê nghèo nàn ngày nào.
      Đối với Hồ Vũ thì cái đất SG cũng không xa lạ gì, có một thời gian y học Cao Đẳng ở trên đó, bây giờ y cũng muốn đi cùng với họ Văn…
      Văn Thiên Thành nói “tôi có một người bạn ở nơi đó…”
      Hôm đó trời mưa tầm tã, mưa như trút nước ngoài vườn, như đổ nước trong nhà. Những tán lá dừa đong đưa, run rẩy trong cơn gió. Những giọt nước ở chái hiên nhỏ xuống bị gió thổi tạt vào làm cả bên trong và bên ngoài cùng ướt như nhau. Hồ Vũ cũng ướt chèm nhẹp nhưng y lại cảm thấy khoan khoái, y thích dầm mình trong mưa như vậy.
      Căn nhà nhỏ của y sát ngay cạnh nơi khai thác cát, chỉ cách một con lạch nhỏ. Ngoài kệ sách và cái bàn, trong nhà có khá nhiều tranh. Hồ Vũ vốn là giáo viên dạy vẽ và nhạc. Thực ra thì nhạc hay họa cần phải có hai người dạy, nhưng ở cái trường nhỏ bé này thì một GV kiêm luôn cả hai… chứ biên chế nhiều quá thì không được mà cũng chẳng có ai nhận dạy nữa.
      Chưa có gia đình nên Hồ Vũ ít khi ở nhà, y dành thời gian cho bạn bè hơi bị nhiều. Đôi khi y men theo con lạch, dưới những rặng dừa nước um tùm, ra tuốt  phía đằng sau, đó là nhà của ông Ba Tri, chỉ có hai vợ chồng già và hai người con, sống bằng nghề chăn nuôi và làm ruộng.
      Ông Ba Tri nuôi đủ thứ, gà, vịt, ngỗng, heo mọi, cá chép…
      Hồ Vũ khoái nhất là chơi với những con heo mọi, chúng rất tinh khôn, suốt ngày thơ thẩn kiếm ăn ngoài vườn, tối tự chui vào chuồng để ngủ và nhảy xuống sình để ngâm khi trời nóng.
      Có ai lại không yêu một không gian thanh bình và hiền hòa như thế ?
      Ở nơi đó buổi tối giấc ngủ chìm trong tiếng ếch nhái kêu và côn trùng rả rích, bình minh thức dậy trong tiếng chim hót véo von và tiếng lá reo ca…
      Hồ Vũ vẽ rất nhiều, y vẽ cảnh bình minh thức dậy trong những giọt sương long lanh, cảnh mặt trời lên chiếu cái ánh nắng vàng tinh khôi qua từng kẽ lá, lấp lánh trên mặt nước. Vẽ cái không khí dường như ấm lên trên từng mái lá, từng bờ đất… cái cầu tre nho nhỏ bắc ngang qua con lạch quanh co. Vẽ buổi hoàng hôn trầm ấm với những hàng mây thẫm đỏ, những tia sáng cuối ngày trải dài theo dòng sông, buồn bã bên những cái cọc gỗ chơ vơ hay một con thuyền đã mục từ lâu.
       
      Ông Ba Tri còn có một cô con gái…
      Hồ Vũ vẽ cô gái đứng bên ngôi nhà lá đơn sơ trong ánh nắng vàng rực rỡ. Vẽ cô đang ngồi mệt mỏi đan những chiếc thúng để đựng lúa, cái bung, cái lọp để đặt tôm hay cái bội nhốt gà...
      Cô gái hiền lành và dịu dàng, có thể nói là cô rất đẹp.
      Chỉ đáng tiếc là cô lại bị mù.
      Một cơn sốt cao thuở nhỏ đã làm hai mắt cô mờ hẳn và bây giờ chỉ nhìn thấy sự vật như trong làn sương phủ. Có thể vì thế mà cô gái đẹp chịu an phận ở cái nơi nghèo nàn này?
      Nếu có một thế giới Tâm linh thì thế giới đó hẳn phải như một dòng sông, luôn tuôn chảy, mãnh liệt và thuần khiết. Dường như những người mù lại có được cái đặc ân là dễ dàng hòa nhập và tắm mình trong dòng sông ấy.
      Họ không nhìn được con người, nhưng họ lại Thấy được con người.
      Hồ Vũ hay nói chuyện với cô gái, diễn tả cho cô cảnh hoàng hôn dần buông xuống, tưởng ra cái ánh nắng vàng rực rỡ trải trên từng ngọn lá hay lấp lánh trên từng con sóng. Còn cô gái lại kể cho Hồ Vũ nghe về tiếng thì thầm của ngọn gió, tiếng nước vỗ róc rách, hay tiếng gọi của màn đêm…
      Hồ Vũ vẫn đi dạy học hàng ngày, y yêu mến những đứa trẻ, cảm thấy thích thú những bức tranh ngô nghê, hồn nhiên và tràn đầy màu sắc. Nhưng đã đến lúc y cảm thấy cần phải từ bỏ tất cả, y muốn đi tìm một chân trời mới, muốn đến một nơi rộng hơn, muốn thể hiện mình ở một nơi cam go hơn, muốn nhìn nhận cuộc sống ở nơi sâu xa nhất.
      Đó là điểm y khác với Văn Thiên Thành.
      Cũng như Bác Kình, Văn Thiên Thành xác định rất rõ cuộc sống là làm ăn, là làm giàu… Có giàu có rồi thì mới nghĩ đến chuyện gì đó khác được.
      Khi Bác Kình còn là một người làm thuê cho ông Mười, còn gọi là ông Mười Cân vì ông là chủ một tiệm chuyên sửa cân thì y nhận ra một điều – đó là tất cả các tiểu thương ngoài chợ, từ bà bán thịt đến ông bán gạo đều mang cân đến cho ông Mười chỉnh sửa, kẻ mua vào chỉnh cân non hơn, kẻ bán ra thì chỉnh cân già đi… từ một người bán hàng rong, mua ve chai cho đến chủ một đại lý lớn đều thấm nhuần cái câu “mua gian bán lận”.
      Đó là bài học đầu đời của Bác Kình.
      Y đã có một bứt phá ngoạn mục để thoát khỏi cái kiếp làm thuê là lấy ngay cô con gái của Mười Cân – Y còn hơn ông ta ở chỗ thay vì chỉ sửa chữa, y chuyển qua “buôn bán các loại cân” và Bác Kình còn rút ra thêm một bài học nữa, đó là “mua rẻ bán đắt”, dìm giá kẻ bán và cắt cổ kẻ mua.
      Y giàu lên trông thấy… đến một lúc nào đó thì Mười Cân lại trở thành người làm thuê cho y, cô vợ cưng ngày nào đã biến thành “con vợ già”, và chàng làm thuê Kình Khá nay đã trở thành “Bác Kình”.
      Một Bác Kình đang nói thao thao bất tuyệt…
      #3
        Cát Tường 30.03.2009 17:17:35 (permalink)
        Cho đến tận bây giờ Bác Kình vẫn còn nhớ rõ buổi chiều ngày hôm đó, bởi vì lâu lâu  y vẫn còn kể lại câu chuyện này…
        Chiều hôm đó thật là kỳ lạ, ráng chiều không vàng mà lại đỏ au, có con chim đậu trên ngọn cây hót líu lo, líu lo. Bác Kình đang ngồi sửa nốt chiếc cân cuối cùng để chuẩn bị dọn hàng, ông Mười Cân thì đã đi dự đám giỗ từ trưa, phía đằng sau cô con gái đang nấu bếp.
        Đang chăm chú sửa cân thì Bác Kình cảm thấy có một đôi mắt đang nhìn y chằm chằm, ngẩng lên thì thấy đó là một ông già mặc một bộ đồ bèo nhèo, cũ kỹ, đeo một cái túi nhỏ, đôi mắt đen đen, buồn buồn, ảm đạm. Là người đã từng vất vả làm thuê làm mướn nên chỉ nhìn sơ là họ Kình đã biết ông già này chắc là đang đói, có lẽ từ sáng đến giờ, cũng có khi là từ tận hôm qua, ông ta chưa có cái gì “bỏ vào bụng”. Thời đó cuộc sống rất khó khăn, nhiều người bị đi kinh tế mới chịu cực chịu khổ không nổi, phải lần mò chui nhủi, đi bộ hàng trăm ki lô mét về lại SG, ông già này chắc không là ngoại lệ.
        Lúc đó chắc lòng tốt của chàng trai họ Kình cũng còn to lắm chứ chưa teo tóp như bây giờ nên y đã làm một việc mà sau này y cảm thấy là “hên kinh khủng”, đó là mời ông già ăn vài chén cơm… cũng may là hôm đó không có ông Mười Cân, đúng là cái điềm trời sắp đặt.
        Bữa cơm chỉ có Bác Kình, con gái ông Mười và ông già, ông ta quả là quá đói nên không hề khách khí, ăn uống tận tình… ở đời “miếng ăn là miếng tồi tàn”, nhất là cái thời đó - cả hàng triệu con người phải chạy ăn từng bữa - có nhiều người cảm thấy ăn một miếng của người khác là đau khổ lắm - Ông già này cũng thế, chắc lúc trước ông ta cũng không phải là kẻ tầm thường, vì thời thế thay đổi, bể dâu xào xáo nên mới sa cơ lỡ vận mà phải đi ăn mày, ăn chực… những con người như thế khi ăn một của ai thì họ muốn trả mười “ăn quả khế, trả cục vàng”, đó là cái Tâm của những Đại Nhân sống ở trên đời, mà ai may mắn gặp được họ thì có khi thay đổi được cả một kiếp vận.
        Ăn uống xong, khi cô con gái mang đồ xuống bếp dọn dẹp, trước khi từ giã, ông già uống miếng nước rồi nói “tôi năm nay đã trên ngũ tuần, qua cái tuổi “tri thiên mệnh” rồi, sắp đến cái tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” mà lại sa cơ nghèo khó, nay được cậu đãi cho một bữa cơm, có được sức đi tiếp mà tìm về mái nhà xưa để có chết cũng cam lòng, thôi thì chẳng có cái gì, tôi chỉ đáp lại bằng một lời khuyên của người đi trước, theo hay không là tùy ở cậu…”
        - Ở đời người đàn ông khi trưởng thành lấy vợ là việc tối quan trọng, nếu lấy một người vợ tốt thì có thể được cả sự nghiệp, còn nếu lấy nhằm một người không ra gì thì có thể mất tất cả, vua thì có thể mất nước, tướng thì có thể mất mạng…  Nếu tìm được một người con gái có quý tướng mà lấy làm vợ thì không có gì bằng – Nay tôi thấy cô gái vừa rồi tuy xấu xí nhưng lại có cốt cách, tướng mạo của Rùa Vàng, nếu cậu lấy được làm vợ thì tất sau này đại phú đại quý…
         
        Cô con gái của Mười Cân quả là xấu thật, hai mắt hum húp y như mắt rùa, lỗ tai thì nhỏ, tóc thưa mà cằm lẹm, cái mũi thì hin hỉn, miệng thì rộng mà môi trên lại quặp xuống môi dưới, nom gương mặt cô ta giống hệt con rùa. Cái tướng của cô ta mới là xấu tệ, vừa lùn, vừa mập mà lại khum khum… đi đứng thì chậm chà chậm chạp, đúng là tướng của con rùa. Thảo nào mà tuy cô ta con nhà khá giả, quá tuổi cập kê mà chưa thấy có đám nào đến dạm hỏi. Lão Mười Cân lâu lâu còn tặc lưỡi “nhìn nó giống y hệch con gùa… bố thằng nào nó mà thèm lấy”.
        Ấy thế mà ông già lại nói cô ta có cái cốt của Rùa Vàng mới lạ chứ ? Cô ta chỉ có nước da là sáng hồng và đôi bàn tay, bàn chân thon thả rất đẹp.
        Người mà có tướng rùa thì từ mặt mũi đến vóc dáng, cách đi đứng… phải giống hệt con rùa, nhưng nếu nước da mà đen nhẻm, chân tay thô kệch thì là tướng con “Rùa Đen” cực khổ, hạ tiện cả đời. Còn nêu da trắng sáng, tai nhỏ nhưng dái tai lại dày, bàn chân bàn tay thanh quý thì lại là tướng “Rùa Vàng”, vượng phu ích tử. Tướng “Rùa Vàng” khi mới đẻ thì đầu trọc lóc, láng bóng, được ba tháng tuổi nhìn đưa bé nom giống như ông phật con, không khóc, không cười, đặt đâu nằm im đó. Gia đình nào mà đẻ con gái có tướng Rùa Vàng thì đang nghèo sẽ hóa giàu, đang giàu thì sẽ thành đại phú, đại gia… Cha đang làm công chức chính quyền thì tất sẽ được thăng chức, vinh hiển làm quan to… Còn đàn ông mà lấy được họ làm vợ thì sẽ công thành danh toại, phú quý tột bực.
        Cô con gái của Mười Cân tuy xấu xí nhưng từ bé lại ở trong nhà, chỉ nấu nướng làm việc vặt chứ đâu có cực khổ chịu mưa nắng gì nên da trắng hồng, chân tay thon nhỏ đẹp đẽ, tai nhỏ mà dái tai dày và có khuyên tròn, đúng là có quý tướng “Rùa Vàng”, thảo nào mà từ khi đẻ con gái lão Mười Cân khá lên thấy rõ, nhưng cái đầu ngu si của lão đâu có biết cái chuyện đó.
        Từ lúc nghe ông già nói thì Bác Kình nhìn cô con gái của Mười Cân bằng con mắt khác, lâu lâu y lại giúp cô bưng bê này nọ, hót vào tai cô ta vài câu ong bướm. Cô con gái xấu xí của lão Mười từ lúc dậy thì đến giờ vẫn chưa có mảnh tình vắt vai nào nên con tim thổn thức lắm, nhất là chàng trai họ Kình nom bề ngoài cũng đâu đến nỗi…
        Từ khi lấy được cô gái có cái tướng “Rùa Vàng” con của ông chủ Mười Cân, cuộc đời của chàng trai Kình Khá lên hương trông thấy. Vì thế sau này khi nằm ôm mấy cô vợ trẻ đẹp trong vòng tay, mây mưa cho thỏa cái chí của thằng đàn ông lắm tiền nhiều của, Bác Kình vẫn không dám bỏ bà vợ lớn nay đã già nua còm cõi vì sợ sẽ mất đi cái hên ngày nào.
        #4
          Cát Tường 30.03.2009 17:19:48 (permalink)
          Văn Thiên Thành cần một khoản tiền để đưa cho vợ trước khi đi xa, Hồ Vũ là kẻ giúp y khoản tiền nho nhoi đó, có nó thì y mới có thể mạnh dạn đi tìm một cơ hội mới.
          Y dám lên đất SG lập nghiệp vì rất tin tưởng vào một người bạn ở trên đó.
          Người đó là Lưu Hoàng Kim, nhưng cái tên đó ít được biết đến, bởi vì mọi người đều gọi ông ta bằng một cái tên rất thân mật, rất tôn kính : Lưu Đại Nhân.
          Lưu Đại Nhân cao lớn, bộ râu ba chòm dài tới ngang ngực, cặp mắt sáng quắc, y nổi tiếng là chịu chơi, hào sảng, và rộng lượng, Hồ Vũ mới gặp đã cảm thấy rất thích con người này.
          Nơi đây thuộc ven SG, sát ngay dòng sông, đó là một xưởng gỗ rất lớn, người ra kẻ vào nườm nượp, họ Lưu tỏ ra là một ông chủ hùng mạnh. Đất rộng, người đông, gỗ chất cao như núi, Lưu Đại Nhân chuyên khai thác gỗ trên rừng, sau đó mang bán sỉ cho các cơ sở mộc, các cơ sở xẻ gỗ. Y có một đội xe ben, ghe chài hùng hậu, chuyên chở gỗ từ Tây Nguyên, Miền Đông, Miên, Lào…, nếu nói về sự giàu có thì Bác Kình chỉ đáng xách dép cho Lưu Đại Nhân mà thôi.
          -         Ở đây công việc làm không xuể, anh đang cần những người mạnh mẽ, can đảm… các chú mà có khả năng, anh giao nguyên đoàn xe đi rừng khai thác gỗ cho các chú quản lý. Nhưng trước khi làm việc cứ ở chơi với anh ít bữa cho thoải mái cái đã.
          Những người như Lưu Đại Nhân góp phần làm cho những cánh rừng bạt ngàn ở Tây Nguyên, ở Miền Đông đất đỏ, ở Miên, ở Lào… thành những đồi trọc trơ trụi. Họ trở thành những lãnh chúa thật sự, giàu có vào hàng bậc nhất ở xứ sở này. Chỉ nhìn vào căn nhà bằng gỗ Bên với những cái cột to sừng sững, cất hoành tráng ngay bên sông có thể chứa cả hàng mấy trăm người là đủ hiểu họ Lưu vĩ đại như thế nào, những y lại rất bình dân, đầy đủ cái chất của một thợ rừng mộc mạc và can đảm.
          Buổi chiều có một đoàn xe chở gỗ từ Mã Đà về, tay chủ xe còn gọi là “Chín Lênh Đênh” vác trên vai một con nai thật to, y nói “bây giờ kiểm lâm cấm dùng súng săn nên tôi dùng bốn con chó vây bắt được con nai mang về biếu đại ca làm mồi nhậu”.
          Chín Lênh Đênh nhìn rất phong trần, cao gầy, tai thỏ, mỏ dơi nom rất gian ác nhưng đối với Lưu Đại Nhân tỏ ra rất nể phục, y là một trong ba đệ tử thân tín “Ba Chìm, Bảy Nổi, Chín Lênh Đênh” khét tiếng của họ Lưu. Y rất hãnh diện với việc dùng chó săn được nai nên cứ cười khành khạch suốt.
          Nơi đây quả là một nơi tụ hội của anh hùng hào kiệt, những con người thích lấy sông núi làm nhà, lấy đất trời làm mùng làm chiếu.
          Chín Lênh Đênh còn trổ tài làm thịt nai cực hay, y dùng một con dao nhỏ chọc tiết, sau đó cắt ngang nhưng không đứt đầu để lột lấy bộ da rất khéo, toàn bộ đồ lòng của con nai còn nằm nguyên trong cái bọc bụng. Thịt nai được chặt ra cho vào cái chảo to “xào khô” không cần nước vì nước sẽ làm thịt nai bị tanh.
          Riêng cái đuôi được chưng cách thủy, sau đó sẽ chia cho mỗi người dùng một ít vì đó là món đại bổ, một người mà ăn sẽ bị nứt thịt ngay.
          Tối hôm đó một bàn tiệc dài dằng dặc được dọn ra trên căn nhà gỗ đồ sộ, tất nhiên là Lưu Đại Nhân ngồi đầu bàn chủ tọa. Bọn Văn Thiên Thành, Hồ Vũ vì là khách mới nên được ưu tiên ngồi bên trái cạnh họ Lưu, đối diện là hai người khách đặc biệt nữa rồi mới tới bọn đệ tử, chủ xe ben, quản đốc các loại…
          Ba Chìm có cái mặt phèn phẹt lưỡi cày, nói giọng Nam Bộ đặc sệt, y càng uống rượu vào thì càng trở nên lầm lỳ, càng “chìm” xuống đáy… Bảy Nổi nhỏ thó, choắt cheo thì ngược lại, rượu càng vào thì càng nói nhiều, càng trở nên “nổi bật”. Chín Lênh Đênh gương mặt gian ác uống rượu vào thì trở nên xanh mét, lạnh như tiền, cả ba được Lưu Đại Nhân xem là cái “kiềng ba chân”, giúp y đứng vững trên mọi chiến trường…
          #5
            Cát Tường 30.03.2009 17:20:58 (permalink)
            Lưu Đại Nhân móc điếu thuốc ra hút, nhưng không mồi lửa, y nói “có thể hút thuốc mà không cần châm lửa, những khi cần phải cai thuốc tôi hay làm như vậy” – y lặp lại động tác hút thuốc rồi nói tiếp “làm như vậy để giải tỏa cái cảm giác thòm thèm khi không có thuốc, cái cảm giác nao nao khó chịu như thiếu vắng một cái gì đó” – Y bật quẹt và châm lửa – “rồi một ngày kia tôi tự hỏi, tại sao mình phải chịu cái cảm giác thèm thuồng để làm gì, sao không hút thử lại một điếu ? và rồi…” – Y nói tiếp – “đôi khi ta cũng muốn được như điếu thuốc này, ta cũng muốn được toàn vẹn, lúc đó ta cũng như một điếu thuốc chưa đốt, không mùi, không vị, không có đốm sáng và không có khói… đến một ngày kia ta cũng muốn được cháy lên, dù chỉ một lần, cũng như điếu thuốc, bốc khói và tỏa sáng trong đêm… nhưng đến một lúc nào đó chấp nhận phải bị tàn lụi, trở thành một đống tro, chấm dứt và hết…”.
            -         Con người cũng như thế, nếu anh muốn toàn vẹn thì anh cũng như một điếu thuốc chưa đốt… một khi anh muốn bừng cháy lên thì anh phải chấp nhận những cái giá phải trả, nhiều khi nó rát bỏng và đau khổ… nó khét lẹt và tàn lụi, nhưng có thể chính đó mới là cuộc sống… Tôi thích những con người như thế, họ dám chấp nhận và dám trả giá cho một điều gì đó.
            Cách đây nhiều năm, Chín Lênh Đênh còn làm nghề buôn bán nhỏ, chủ một  tiệm tạp hóa… Trong một lần gặp gỡ với Lưu Đại Nhân, được nghe ông ta nói “đàn ông không nên làm nghề buôn bán nhỏ, bởi vì những suy tính vụn vặt như bán vài gói mì, vài con ốc vít để kiếm lời… dần dần sẽ thấm vào con người anh ta, và anh ta sẽ luẩn quẩn trong những toan tính vụn vặt đó, không thể làm những chuyện lớn được nữa. Công việc tạo ra con người, môi trường tạo ra tính cách… đặc biệt là đối với đàn ông.” – Khi nghe những lời nói đó, Chín Lênh Đênh cảm thấy rất kinh ngạc, sau đó y đã bán sạch tất cả, sang lại cửa hàng và quyết tâm đi theo Lưu Đại Nhân “trước đây tôi quen tính toán nhỏ lẻ, trong ngày lời được trăm ngàn là cảm thấy mừng lắm rồi, cầm mấy triệu bạc là tay đã run lẩy bẩy… cảm thấy con người của mình sao nhỏ bé, không dám nghĩ đến một cái gì lớn chứ đừng nói đến chuyện bắt tay vào làm ? Về nhà thì nhiều khi so đo với vợ từng đồng cắc…”.
            Bây giờ thì y đã trở thành một con người khác, có thể đặt tay ký một hợp đồng bạc tỷ mà mặt vẫn lạnh như tiền – Thời buổi tiền bạc là quyết định này thì chỉ cần xem thái độ của người đàn ông trước tiền bạc… trước nhiều tiền bạc là có thể phán đoán được tư cách của họ như thế nào.
            Thời nào cũng vậy, cũng có những con người “Phú quý bất năng dâm - Bần tiện bất năng di - Uy vũ bất năng khuất”. Vì thế sau buổi tiệc Hồ Vũ cảm thấy mến họ Lưu vô cùng, cả y và Văn Thiên Thành đều muốn dốc sức vào công việc mới.
             
            Buổi tối, khi bắt đầu chìm vào trong giấc ngủ, Hồ Vũ cảm thấy dường như có một đôi mắt rất sáng đang nhìn mình. Y trằn trọc mãi không ngủ được, bèn đi ra ngoài tận bờ sông, trời đêm thật tĩnh mịch, không có trăng sao mà mờ mờ mây phủ. Chìm vào trong tĩnh lặng như thế Hồ Vũ mới nhớ ra đôi mắt ấy là của một người đàn bà…
            Đó là người ngồi bên tay phải của Lưu Đại Nhân, suốt buổi không hề ăn uống gì  nhưng lại rất kiên nhẫn ngồi trong bàn tiệc cho đến tận tàn cuộc. Bà ta có cái trán cao và rộng một cách kỳ lạ, mũi thẳng mà môi mỏng, mái tóc đen huyền phủ dài hai bên vai, cặp mắt đen thăm thẳm… nom bà ta giống y như người đàn bà trong bức tranh La Gioconde. Bà nom nhỏ con và thanh mảnh, những người đàn bà có gương mặt và dáng vẻ như thế này thường có một khả năng tâm linh trời phú rất kỳ diệu… Suốt buổi bà ta nhìn Hồ Vũ chằm chằm nhưng không nói gì, sau này trong một lần hiếm hoi gặp lại y mới biết bà ta từng có một cuộc đời phi thường, có thể nhìn thấy được quá khứ vị lai, chữa khỏi được một số bệnh chỉ qua một cái nắm tay…
            Bà ta nói “Cậu có số đào hoa… nhưng rồi lại phải chết vì hoa…” – Hồ Vũ chỉ cười cười, y đâu bao giờ nghĩ rằng một con người mạnh mẽ và can đảm như chính mình lại có thể chết vì đàn bà được?
            Không phải ngẫu nhiên mà Lưu Đại Nhân luôn dành cho bà ta một vị trí đặc biệt, lâu lâu Hồ Vũ thấy họ Lưu lại trao đổi với bà ta bằng một thứ ngôn ngữ rất lạ tai, sau này y mới biết đó là tiếng Hoa, nhưng là một thứ tiếng Hoa mà ngay cả người Hoa cũng ít người biết… một thứ thổ ngữ của vùng Phúc Kiến. Hiển nhiên giữa Lưu Đại Nhân là người đàn bà này có một mối liên hệ rất mật thiết nào đó.
            #6
              Cát Tường 30.03.2009 17:22:28 (permalink)
              Rất nhiều năm trước ở vùng núi phía Bắc vẫn thường có những lời đồn thổi về “mẹ mìn”, đó là những kẻ bắt cóc con nít ở miền xuôi mang bán lên miền ngược, bắt con nít miền ngược bán qua biên giới… họ thường đi thành từng đoàn từ bảy đến mười người, gồm đàn ông và đàn bà, xuyên qua những làng quê, những làng mạc, hễ thấy trẻ con không có người lớn canh giữ là tiện tay bắt lấy, mang đi. Hành trình của bọn họ rất vô định, từ vùng này qua vùng khác, vượt qua các nẻo đường hiểm trở của vùng núi phía Bắc trùng điệp như Hà Giang, Sơn La… thậm chí qua các vùng biên giới hẻo lánh của TQ hay Lào nên rất khó tìm kiếm, những gia đình bị mất con xem như là vô vọng.
              Có một bé gái xinh xắn đã bị bắt đi như thế ở một vùng ven Hà Nội, ở cái tuổi thơ ngây cô đã phải lưu lạc với bọn “mẹ mìn” qua bao vùng núi non và cuối cùng là qua tận TQ. Bọn “mẹ mìn” đối với trẻ con rất cứng rắn và tàn bạo, không hiểu sao đối với cô bé này bọn chúng lại chiều chuộng hơn hẳn, có thể vì cô bé có cái dáng vẻ bên ngoài nom như một thiên thần.
              Và cô ta có lẽ là một thiên thần thực sự.
              Bọn chúng còn gọi cô là “cô Tam”, sau đó một gia đình có bảy đời hành nghề bán thuốc ở Phúc Kiến đã mua lại cô bé.
              Nhìn bên ngoài không ai có thể biết được ông già bán thuốc lại là “ông chủ lớn” của một bang hội khét tiếng ngày xưa là “Thanh Bang”. Nếu không có ông già này thì cuộc đời của cô Tam chắc cũng rơi vào vòng lam lũ cực khổ ở một miền sâu xa nào đó hay phải bán phấn buôn hương ở một hang cùng ngõ hẻm thuộc chốn thị thành.
              Cô Tam hàng ngày chỉ phải làm những việc lặt vặt như phơi thuốc ngoài sân hay ngồi sắc thuốc bằng một con dao nhỏ, buổi tối được ngủ trên một cái giường có đệm và chăn đàng hoàng. Điều rất lạ là không hiểu sao chỉ một thời gian ngắn là cô không còn cảm thấy nhớ nhà nữa.
              Cô càng lớn càng trở nên xinh đẹp bội phần.
              Một ngày kia ông già còn được mọi người gọi là “Lưu Kiểng Đại Sư” dẫn cô đến một vùng núi cao nghìn trùng, lần đầu tiên trong đời cô nhìn thấy một ngôi nhà khổng lồ to tròn bằng đất...
               
              Đại sư thở dài “trước đây nơi này rất đông đúc, chiến tranh liên miên đã cướp đi sinh mạng nhiều người nên bây giờ chỉ còn lại rất ít, hơn nữa nhiều người lại bỏ lên thị thành kiếm sống… nơi đây đã hoang tàn lại càng trở nên hoang tàn…”.
              Ông ta dẫn cô vào trong căn nhà tròn, căn nhà này thật kỳ lạ, bên ngoài nhìn thì nhỏ nhưng vào bên trong lại thấy to rộng lạ thường. Cô Tam được dẫn đến bái kiến một bà lão tóc bạc phơ, ngồi xếp bằng trên một cái sập, xung quanh bà ta có khoảng ba bốn người đàn bà… cô Tam thấy nơi đây tất cả đều là đàn bà, chỉ khoảng hơn ba mươi người. Lưu Kiểng Đại Sư nói gì đó với bà lão, cô Tam lờ mờ đoán là ông ta nói về hoàn cảnh đáng thương của cô và xin bà lão cưu mang, bà gọi cô lại, nhìn ngắm và cuối cùng cho cô ở lại.
              Lưu Kiểng Đại Sư tạm biệt cô, ông căn dặn cô phải ngoan ngoãn và hứa là sẽ lên thăm khi nào có dịp, cô Tam cảm thấy rất yêu kính ông già đã nuôi cô bấy lâu.
               
              Trong ngôi nhà tròn này quả thực chỉ toàn là đàn bà, tuyệt đối không thấy bóng đàn ông lai vãng. Công việc cũng giống y như lúc cô ở với Đại Sư, tức là làm thuốc. Buổi sáng một nhóm sẽ lên núi hái các loại lá, rễ, cây thuốc, một nhóm sẽ phân loại và tiến hành phơi… tất cả đều theo sự điều động của bà lão mà mọi người đều gọi một cách tôn kính là “Nương Phi”.
              Nương Phi xem xét công việc làm thuốc rất kỹ lưỡng, ở nơi này cô Tam mới được chứng kiến công việc làm thuốc tỉ mỉ và phức tạp như thế nào.
              Lá và rễ được sao trên chảo nóng bỏng, sau đó phơi trong râm cho héo dần, có loại phơi nắng to cho khô ráo. Sau đó tùy theo từng loại mà sắc mỏng hay tán nhuyễn, mỗi loại có nhiều dụng cụ làm riêng biệt...
              Nương Phi có gương mặt thon nhỏ, gầy gò nhưng ánh mắt rất mạnh mẽ, bà quấn một chiếc khăn sặc sỡ trùm hầu như toàn thân, gọi cô Tam đến gần và nói, một giọng nói rất nhẹ nhàng “điềm trời đã mang con đến đây chứng tỏ con có duyên với chúng ta, ở đây chúng ta sống đoàn kết và đùm bọc nhau, mọi người làm gì thì con hãy làm theo, mọi người ăn gì, mặc gì thì con cũng ăn mặc như vậy, không có sự phân biệt gì cả…”
              Thỉnh thoảng lại có người được đưa lên đây trong tình trạng bất tỉnh hay gần chết, lúc đó Nương Phi lấy một cây gậy đen tuyền vẫn thường được đặt trên sập điểm lên họ, sau này cô Tam được biết đó là phương pháp “điểm huyệt”, khi những người này bắt đầu hồi tỉnh sẽ được mang ra nhà sau đắp và cho uống thuốc. Thỉnh thoảng còn có người cho là bị “tà nhập” mang lên đây trong tình trang nói lảm lảm hay la hét cũng được Nương Phi dùng cây gậy điểm lên đỉnh đầu là hết.
              Cô còn nhớ rất rõ một lần có bốn người khiêng một người đàn ông trong một chiếc cáng, người đàn ông này rất to lớn nhưng thân thể đầy máu, nằm bất động. Lần ấy tất cả mọi người trong nhà đều xôn xao… nghe nói ông ta là một võ sư rất có tiếng…, Nương Phi đã phải lao tâm khổ tứ lắm mới có thể cứu được người này.
              Cuộc sống ở đây thật thanh bình và giản dị, cô Tam ngoài việc phơi và sắc thuốc còn được giao cho việc nấu bếp, cô thường lấy nước ở cái giếng ngay giữa nhà tròn, cái giếng này nước trong vắt và lạnh một cách lạ kỳ, nước giếng chỉ để dùng nấu ăn và đun thuốc, tuyệt đối không được dùng vào việc gì khác. Vào những đêm trăng rằm, cô thấy Nương Phi và mọi người ngồi thiền bên thành giếng, khi ánh trăng lên đến đỉnh đầu thì ánh sáng của nó chiếu thẳng xuống giếng, một nguồn ánh sáng phát ra rực rỡ… Nương Phi há miệng uống lấy nguồn sáng này sau đó thổi về phía mặt trăng trên đỉnh đầu, sau đó lại hớp lấy ánh trăng phía trên rồi thổi xuống phía dưới lòng giếng phát ra những tiếng “um um” vang động làm cả không gian dường như lắc lư, lắc lư…
              Cô Tam cũng được Nương Phi chỉ dẫn tận tình về các loại cây thuốc và môn khí công để cơ thể khỏe mạnh, chống lại cái lạnh bên ngoài. Môn công phu này là gì thì cô không được biết, chỉ được dặn là phải cố gắng luyện tập mỗi ngày.
               
              #7
                Cát Tường 30.03.2009 17:24:32 (permalink)
                Chẳng mấy chốc mà ba năm đã trôi qua, một hôm Nương Phi gọi cô Tam vào một căn phòng nhỏ trên đỉnh của nhà tròn, căn nhà này là nơi thờ cúng, từ trước đến giờ không có ai được bước vào đây vì thế cô cảm thấy rất run sợ và hồi hộp. Cô nhìn thấy Nương Phi ngồi trang nghiêm bên bệ thờ, trên người vẫn khoác cái khăn đỏ, tay cầm chiếc gậy nói “con hãy đến đây và quỳ xuống bên cạnh ta”, bà đặt tay lên đầu cô Tam và nói tiếp “Trời đã mang con đến đây cho chúng ta để cho dòng chảy của chúng ta sẽ trường tồn mãi mãi… hôm nay ta sẽ cho con biết đây là đâu… Có bao giờ con ngạc nhiên vì tuy ta và con sinh ra ở hai xứ sở xa lạ nhưng lại rất giống nhau và hiểu nhau hơn tất cả không ? Bởi vì chúng ta là cùng một nhà, cùng một nguồn cội, cùng một dòng đang chảy trên kia, con có nhìn thấy dòng chảy đó không…”
                Cô Tam ngước nhìn lên, cô chỉ thấy một màu xanh biếc bao phủ cả bầu trời oi ả.
                Vũ trụ sơ khai
                Thiên địa hỗn độn

                Đại la thiên tiên
                Thần thông thi triển
                Huyền giả vi thiên

                Hành giả vi địa
                Âm dương qui nguyên
                -         Ta sẽ gọi tên con là Lưu Phi Phượng Vũ, bởi vì đó mới đích thực là cái tên gắn bó với số mệnh của con.
                Đứng trên tít tầng cao, Nương Phi chỉ ra xa xa, nơi những áng mây trắng bao trùm lên dãy núi Vũ Di, bà nói “đến một ngày nào đó tự con sẽ hiểu ra tất cả, tự con sẽ nhìn thấy tất cả, còn bây giờ ta sẽ giao cho con vật này…” – Nương Phi lấy trong người ra một miếng ngọc thạch sáng lấp lánh “đây là một tín vật, một báu vật, con hãy cất giữ nó thật cẩn thận” – Bà còn giao cho cô một cái khăn choàng màu đỏ thêu sặc sỡ và nói “đến một lúc nào đó con sẽ phải khoác tấm khăn này…lúc đó con sẽ nhớ đến chúng ta ở đây”.
                Như có điềm báo trước, mấy ngày sau cô bỗng thấy Lưu Kiểng Đại Sư xuất hiện, cùng đi với ông ta là hai người mặc sắc phục chính quyền, họ nói gì đó với Nương Phi rồi Đại Sư gọi cô Tam đến và bảo “Chính quyền đã tìm ra thân nhân của con và họ muốn trao con trở về VN”. Tất nhiên một khi đã có lệnh của chính quyền thì Nương Phi cũng không thể làm gì được.
                Tất cả mọi người đều lưu luyến đưa tiễn cô, một vài người trong số họ đã khóc, Nương Phi cũng chảy nước mắt… rất nhiều năm sau trong những giấc mơ cô Tam vẫn còn thấy những giọt nước mắt đó, chúng sáng lấp lánh như những giọt sương buổi sớm đọng trên tán lá sen.
                #8
                  Cát Tường 30.03.2009 17:26:03 (permalink)
                  Khi cô Tam về đến gia trang của Lưu Kiểng Đại Sư thì hai người của chính quyền cũng biến mất. Đại Sư kêu cô lên nhà trên để hỏi chuyện thì cô thấy bên cạnh ông ta còn có một người đàn ông nom quen quen, cô nhận ra đó chính là người bị thương nặng mà Nương Phi đã cứu ngày nào.
                  Lưu Kiểng Đại Sư nói “Những người của chính quyền đang làm các loại giấy tờ cần thiết để con có thể trở về quê hương, trong lúc chờ đợi thì con vẫn ở đây với chúng ta, hãy kể cho ta nghe ba năm qua con đã sống như thế nào, đã thấy và làm những gì” – cô Tam thành thật kể lại cuộc sống của cô, công việc làm thuốc và nấu bếp, cả những buổi tập khí công vào những đêm trăng tròn, lúc đó cô thấy người đàn ông to lớn kêu lên khe khẽ “… đó chính là Thái âm khí công… bà ta đã luyện nó đến mức có thể hút được sinh khí từ ánh trăng rồi…”
                  Theo yêu cầu của Lưu Kiểng Đại Sư, cô Tam thực hiện lại tất cả những động tác phức tạp và kỳ lạ mà Nương Phi đã dạy, cô còn nói rõ cách hít thở và dẫn khí như thế nào - Trong mắt của cô Lưu Kiểng Đại Sư vẫn là một người tôn quý và đáng trân trọng không kém gì so với Nương Phi.
                  Với cái nhìn của một bực thầy đầy kinh nghiệm, người đàn ông to lớn tỏ ra vô cùng mừng rỡ, ông ta vẽ lại các động tác của cô Tam và ghi chú kỹ lưỡng từ cách thở đến cách dẫn khí, không kìm được ông ta bỗng thốt lên “Sư huynh thật là tài giỏi, đã tìm ra được cái mà biết bao lâu nay nhiều huynh đệ của chúng ta phải bó tay không làm được”.
                  Cô Tam sống ở nhà Lưu Kiểng Đại Sư thêm mấy tháng nữa, cô băn khoăn không hiểu chính quyền làm các giấy tờ sao lâu thế, cô hồi hộp nghĩ đến ngày gặp lại những người thân mà cô đã xa cách từ lâu. Thỉnh thoảng Đại sư vẫn thăm hỏi cô, sau này ông tỏ ra ưu ái cô hơn trước rất nhiều.
                  Một hôm vào khoảng nửa đêm, theo thường lệ cô Tam vòng ra sau hậu viên ngồi tự luyện công phu, cô đột nhiên nghe tiếng thì thầm khe khẽ từ chánh điện trong nhà, ngạc nhiên và tò mò, cô lén lại gần bên cửa hậu và nhìn vào phía trong, cô thấy Lưu Kiểng Đại Sư và  khoảng bốn người tỏ ra rất căng thẳng, một người mặt xanh lè lè nói “lục soát khắp tất cả trong nhà mà không tìm ra miếng bội ngọc… cả trên người mụ già và mấy chục người kia cũng không thấy”. Cô nhìn thấy người đàn ông to lớn ngày nào còn nói “mụ già tuy công phu cao thâm nhưng sao có thể chống lại súng đạn được, chỉ một loạt AK là mụ về chầu trời ngay…” - Lưu Kiểng Đại Sư nói “Không tìm ra miếng bội ngọc cũng không sao vì đâu có ai biết nó là như thế nào, ta có thể lấy một miếng ngọc khác thay vào cũng được, quan trọng là ta đã biết được bí mật của Thái âm khí công thì xem như thành công một nửa rồi” – một người mặt đỏ lừ lừ còn nói “mụ già chết rồi thì sư huynh có thể tái lập lại Thanh Bang mà không sợ có ai cản trở nữa” – cô Tam thấy họ lấy ra một cây gậy đen tuyền mà cô vẫn thấy Nương Phi vẫn hay sử dụng để cứu người, trong khi trái tim cô chùng xuống thì người đàn ông to lớn cười nhẹ và nói “đây chỉ là một cây gậy bằng gỗ bình thường, vậy mà mụ già lại có thể sử dụng như một thứ vũ khí bá đạo thì chứng tỏ Thái âm thần công đáng để chúng ta nhọc công bấy lâu nay tìm kiếm…”, cô Tam lại nghe thấy ông ta thì thào “con nhỏ đó đã làm xong việc rồi, trước đây huynh hứa là sẽ gả cho đệ… đệ đã mang đủ vàng đến đây” ông ta lấy trong người ra một cái bọc “chỗ này là 50 lạng cả thảy”, Lưu Kiểng Đại Sư cười nhạt “con bé đó là một thiên thần, một trinh nữ thực thụ, số vàng này của ngươi chỉ đáng chạm vào cái móng chân của cô ta thôi…” – người đàn ông ngần ngừ một lúc rồi nói “vậy đệ sẽ đưa huynh 100 lạng vàng, nhớ ngày xưa huynh mua nó từ tay bọn mẹ mìn chỉ có một lạng, bây giờ xem như huynh lãi gấp trăm lần rồi còn gì” Lưu Kiểng Đại Sư lại nói “ngươi quên là thời gian mà ta đầu tư vào cô ta là biết bao nhiêu sao ? hơn nữa bây giờ cô ta là truyền nhân duy nhất có được Thái âm thần công, ta còn đang xem cô ta có che giấu điều gì hay không… số vàng này xem như là tiền cọc thôi… nếu ngươi làm tiếp một việc này nữa mà thành công như vừa rồi thì ta sẽ xem ngày gả con bé cho ngươi làm thiếp…”. – mấy người đó lại chụm đầu thì thầm gì đó khe khẽ, cô Tam cảm thấy trái tim dường như rạn vỡ, cô cắn chặt môi để khỏi khóc mặc dù nước mắt đã rơi lã chã…cô vội trở về phòng… cô cảm thấy đau đớn khi nghĩ đến những người đàn bà trong căn nhà tròn… Bây giờ cô mới hiểu vì sao Nương Phi lại nói “Trời đã mang con đến đây cho chúng ta để dòng chảy của chúng ta sẽ trường tồn mãi mãi…”, cô bỏ trốn ngay trong đêm đó.
                  #9
                    Cát Tường 30.03.2009 17:29:35 (permalink)
                    Để thoát khỏi sự truy đuổi của bọn Lưu Kiểng không phải là điều dễ dàng, nhất là đối với một cô gái không mấy khi được ra khỏi nhà, mọi thứ bên ngoài đều xa lạ, nhưng có lẽ linh hồn của những người đàn bà trong nhà tròn đã giúp cho cô Tam. Men theo dòng Mân Giang trên chiếc bè của một ông lão đánh cá, sau mấy tháng ròng rã cô đến được một làng nhỏ tên là Đông Ao, tại đây cô làm bất cứ việc gì để có thể sống được. Cô lẩn trốn trong những căn ngõ chật hẹp, giấu mình trong những xóm nghèo mà ở đó vẫn còn có đôi chút tình người. Một ngày kia khi đang chìm ngập trong đống bát đĩa ở một cái quán nhỏ tồi tàn thì bất ngờ bên ngoài có một người khách ngã lăn ra, sùi bọt mép… cô Tam ra xem và khi cô cầm lấy bàn tay lạnh giá của người khách này thì trong người cô có một điều gì đó dâng lên như nước thủy triều, một sức mạnh vô hình làm người khách bỗng từ từ tỉnh lại. Nhiều sự việc kỳ lạ xảy ra sau đó, những người bị động kinh, những người bị thấp khớp lâu năm không đi lại được, những đứa trẻ bị suy nhược… cô chỉ cần nắm tay họ một lúc là dường như có một lực vô hình nào đó truyền qua và họ sẽ dần dần khỏi bệnh. Những lời đồn lan ra và cô Tam cảm thấy nguy hiểm rình rập, cô lại bỏ trốn khỏi thành thị, trên bước đường phiêu bạt, cô ăn bất cứ cái gì có thể ăn được, uống bất cứ cái gì có thể uống được khi lang thang qua những triền núi mênh mông, những cách rừng bất tận. Đến một ngày kia cô đến được một ngôi làng cổ mà sau này cô mới biết là đã thuộc địa phận của tỉnh Quảng Đông, lúc này cô mới cảm thấy an tâm có thể thoát được sự truy đuổi.
                    Cô tạm thời xin làm người ở cho một gia đình khá giả, cô phải tự làm cho mình xấu đi và không dám thi thố một khả năng đặc biệt nào. Một ngày kia đứa trẻ ở trong nhà bỗng nhiên lên cơn động kinh, co giật, khi cô Tam chạm vào người thì nó bắt đầu nằm yên và một lúc sau thì tỉnh lại. Mỗi lần như vậy cô lại thấy trong người dâng lên một cái gì đó như là thủy triều, công phu mà bọn Lưu Kiểng gọi là “Thái âm khí công” càng trở nên mạnh mẽ trong những ngày trăng tròn, lúc đó cô cảm thấy một mối giao cảm kỳ lạ giữa trời và đất. Có một lần khi nhìn lên vòm cao xanh cô bỗng thấy cái gì đó xao động như một dòng chảy, trong khoảng không gian mênh mông bỗng hiện lên hình ảnh gương mặt hiền từ của Nương Phi... Cái khả năng kỳ lạ của cô Tam rõ ràng là khó che giấu và cô đã tính đến chuyện phải ra đi một lần nữa thì một điều bất ngờ đã đến…
                    Chiều hôm đó bầu trời tự nhiên vàng rực giống như sắp có bão, một màu vàng long lanh như màu mỡ gà phủ lên từng cái lá, từng ngọn cỏ, cô Tam đang ngồi bên dòng suối nhỏ giặt quần áo, trong cái ánh vàng lung linh phản chiếu trên mặt nước thì cảm thấy có điều gì đó… ngẩng lên thì cô thấy một chàng trai cao lớn đứng gần đó, thần sắc rạng ngời :
                    “Hiệp khách mạn hồ anh
                    Ngô câu sương tuyết minh…”
                    Chàng thanh niên mỉm cười, ánh mắt đen láy và rực sáng, nói bằng thứ thổ ngữ của vùng Phúc Kiến “tôi tên Lưu Hoàng Kim, mấy hôm nay có một cụ bà luôn hiện lên trong giấc mơ bảo tôi phải đến nơi này tìm cô…”
                    #10
                      Cát Tường 31.03.2009 16:15:59 (permalink)
                      Cả bọn có mười tám người cả thảy, tất cả đều là trẻ con, đều là đệ tử của Pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn.
                      Một Pháp sư muốn có đến mười tám đồng nam đệ tử để luyện phép là một điều không phải dễ dàng, nhưng đối với Pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn lại là điều không đáng để lo nghĩ, bởi vì ông ta đang được làm phép cho một người.
                      Một con người hùng mạnh bậc nhất ở nơi này.
                      Người đó là Khun-sa.
                      Khun-sa có một đội quân lên đến hàng ngàn trẻ con cầm súng nên việc tuyển ra mười tám đứa trẻ đẹp nhất, khỏe nhất là một chuyện rất dễ dàng. Là một viên tướng mạnh mẽ và độc tài, nhưng sau những thất bại liên tiếp và không đáng có, ông ta bắt đầu tìm đến những giải pháp siêu nhiên cho cuộc chiến và Pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn là người đã được ông lựa chọn.
                      Tay pháp sư sẽ luyện cho ông ta những người lính tinh nhuệ có thể chịu được đạn bắn và tàng hình trước mắt quân thù. Những người lính phi thường này sẽ thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt và nguy hiểm nhất.
                      Vùng Tam giác vàng  vẫn nổi tiếng là một hang ổ thuốc phiện với những cánh đồng trồng cây Anh túc bạt ngàn trong những khe sâu và núi rừng hiểm trở. Đó là một thứ thần dược đưa con người thoát khỏi cuộc sống trần trụi thường ngày để tìm đến một thiên đường trong ảo ảnh. Đó cũng còn là một thứ thần dược trị bách bệnh, cảm cúm, sổ mũi, nhức đầu chỉ cần hút một liều là khỏi ngay - tiêu chảy, kiết lỵ không thuốc gì cầm được thì cũng chỉ cần hút và nhai một liều là hết liền… các thứ bệnh về thần kinh như trầm cảm, đau buồn cũng sẽ qua đi nhanh chóng…vì thế hầu như tất cả người dân ở đây đều là những con nghiện hạng nặng. Thế nhưng để giữ vững sức mạnh, quân đội của Khun-sa cấm tuyệt đối việc dùng thuốc phiện, chỉ có một ngoại lệ duy nhất, đó là đội quân siêu nhiên mười tám người của Pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn.
                       
                      Trong các loài hoa thì hoa Anh Túc có một vẻ đẹp đặc biệt mê hoặc bởi sự mong manh, huyền ảo và mùi hương vô cùng quyến rũ. Hoa có rất nhiều màu, trắng tinh hay trắng hồng, tím nhạt hay đỏ thẫm, nhiều khi lại có sắc vàng óng ả kiêu sa.
                      Ta là hoa anh túc gây mơ
                      Chuốc các vị thần uống cạn
                      Kẻ tỉnh người mê đều ngon giấc
                      Gối đầu vào lòng hoa ngủ say
                      Giấc mơ về chắc ngẫu nhiên hay
                      Nên vẻ đẹp tuyệt trần nở rộ

                      Pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn dành hơn nửa đời người trồng loại hoa này trên những triền núi cao vời vợi không người lai vãng để hoa có thể hít cái không khí thanh khiết và hưởng những giọt sương trong lành nhất. Ông trồng cây không phải để lấy nhựa làm thuốc hút mà là để luyện ngải, một thứ ngải đặc biệt có thể đưa con người vào một thế giới phi thời gian và không gian… ma quỷ sẽ phải tránh xa ở nơi có mùi hương của cây ngải này, thần linh sẽ đến và ban cho nó những uy lực huyền bí… Một trong những năng lực tuyệt vời của nó là sẽ đánh thức những linh hồn của các chiến binh tử trận, tập hợp họ lại thành một đạo quân bất khả chiến bại.
                      Ở xứ sở này thì có vô vàn những linh hồn tử trận đang sẵn sàng như thế…
                       
                      Vì có cái năng lực đặc biệt nên cây Anh Túc của Pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn khác xa những cây bình thường. Cây Anh Túc của ông chỉ cao khoảng bốn tấc, thân gai xù xì bám cực chắc vào vách đá, đến tháng ba âm lịch mới trổ ra những bông hoa trắng muốt, nhưng vào giữa trưa nắng gắt lại chuyển sang màu đỏ huyết và buổi chiều thì lại óng ánh màu vàng kim đầy ma lực. Mười tám đệ tử đồng nam sẽ phải cùng với ông săn sóc những cây hoa này, họ phải sống biệt lập trên đỉnh núi cao, nằm gió phơi sương với những cánh hoa và dùng máu của mình để tưới cho một cây duy nhất, cây Anh Túc này sẽ là linh hồn của họ. Đến tận tháng bảy hoa bắt đầu rụng và cho ra những quả Anh Túc hình cầu, bấy giờ phải dùng một chiếc cào nhỏ bằng tre rạch từng đường vào thân quả để đến sáng hôm sau, từ khe nứt ấy ứa ra dòng nhựa màu trắng đục có vị chua chua. Ở cây Anh Túc thường, sau khi phơi nắng nhựa sẽ chuyển màu nâu đậm, nhưng nhựa cây Anh Túc của Pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn lại có màu huyết dụ lung linh.
                      Kắm-Lỳ cũng có một cây như thế.
                      Nó là một trong mười tám đệ tử của Pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn.
                      Khi Lưu Đại Nhân gặp Kắm-Lỳ thì nó giống như một bộ xương nằm vắt vẻo bên bờ suối dưới cái nắng hè cháy rực.
                      #11
                        Cát Tường 31.03.2009 16:18:07 (permalink)
                        Chưa lần nào xứ Thái và xứ Tàu lại mở một cuộc càn quét đại qui mô như lần này, quân đội của Khun-sa bị đánh tan tành, các cánh đồng thuốc phiện bị đốt sạch, các xưởng chế biến cũng bị phá hủy. Các đệ tử của Pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn không biết mình đồng da sắt cỡ nào, nhưng đều tan xác dưới những làn đạn của súng đại liên bắn từ trực trăng Huê Kỳ. Không thấy xác của vị Pháp sư, chắc ông ta đã kịp ẵm số vàng và chi phiếu của Khun-sa tàng hình về mấy hộp đêm bên Thái để tiếp tục luyện phép thần thông với các em vũ nữ. Tướng Khun-sa dẫn tàn quân chạy trốn về phía Miến, riêng Kắm-Lỳ chứng kiến cái chết tan xác của các huynh đệ thì kinh hồn bạt vía, bỏ chạy tuốt vào rừng.
                        Nó chắc là đệ tử duy nhất của Pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn còn sống sót. Đội quân của những linh hồn bất khả chiến bại chắc cũng bị thiêu rụi cùng với những cánh đồng thuốc phiện mênh mông.
                        Kắm-Lỳ đi sâu vào những cánh rừng Thượng Lào bất tận, không biết là bao lâu, sáu tháng hay một năm, một năm hay hai năm… nó lẩn trốn tất cả, muông thú và đồng loại, từ Thượng Lào nó xuyên rừng xuống tận Hạ Lào và một ngày kia gục ngã bên dòng Xê-Kông đang mùa khô cạn. Cả cánh rừng khộp xanh tươi ngày nào trở nên héo vàng trơ trụi trong cái nóng hầm hập của một mùa hè đỏ lửa, đó cũng là lúc Lưu Đại Nhân đang khai thác những cây gỗ cực to ở đó.
                         
                        Những câu thần chú không giúp được Kắm-Lỳ bằng cặp giò chạy nhanh như gió trong cơn mưa đạn, nhưng có lẽ khi lang thang trong rừng sâu, đối diện với rắn độc hay thú dữ, pháp lực của thần linh đã giúp nó sống sót được. Khi Hồ Vũ gặp Kắm-Lỳ thì chuyện đó đã xa vời – Kắm-Lỳ đã là một người trưởng thành, quá khứ vẫn hằn trên nét mặt và điều đó chỉ làm màu da đen bóng của y càng thêm đẹp… Ở nơi đây mọi người không gọi y là Kắm-Lỳ, mà gọi bằng một cái tên thân mật hơn nhiều : Bảy Nổi.
                        Thời gian như cánh chim bay, Hồ Vũ đã sống với Lưu Đại Nhân hơn nửa năm. Do có quá trình làm giáo viên nên phong thái y khá đĩnh đạc, cộng thêm khả năng viết lách và nói năng cũng khéo nên Hồ Vũ được họ Lưu giao quản lý các hợp đồng khai thác gỗ thuộc khu vực Miền Đông, cụ thể lúc đó tập trung nhiều vào Trị An – Nơi này đang chuẩn bị xây dựng công trình thủy điện lớn nên được cho khai thác rừng để tạo vùng trống. Lúc đó nơi đây còn thâm u, rừng thiêng nước độc lắm chứ không sầm uất như bây giờ.
                        Hồ Vũ ngày càng phong trần, lúc nào cũng mặc một cái quần jean bạc màu, khoác cái áo gió màu xám nhạt… ba giờ sáng là xe đã phải lên đường, ra đến ngã ba Vũng Tàu, xuất trình giấy tờ cho trạm xong là thẳng một mạch tới Trảng Bom, Hố Nai và điểm cuối là rừng Mã Đà.
                        Đoàn xe có ba chiếc cả thảy.
                        Bảy Nổi luôn cầm lái, y là một tay lái cừ khôi bực nhất.
                        Qua khỏi phà Mã Đà là bắt đầu thẳng tiến vào rừng, đường đi vô cùng lầy lội, những hố bom còn sót lại từ thời chiến to còn hơn cái ao, lơ mơ là xe tải bị lún sình, lật nghiêng ngay, lúc đó thì nằm chịu chết, phải chờ xe bánh xích đến kéo. Rừng nhiệt đới tầng tầng lớp lớp, dây leo chằng chịt, muỗi chi chít, nước thì rất độc, ai không quen uống vào là về bị hành nóng lạnh ngay. Đã có khá nhiều thợ rừng bỏ mạng vì sốt rét ác tính hay rắn độc cắn ở nơi này.
                        Độc hiểm như thế nên dân gian còn có câu“Mã Đà - Sông Bé anh hùng tận”. Hồ Vũ không biết có phải anh hùng hay không nhưng y suýt mấy lần phải bỏ mạng…
                        Đó là lần khi vừa qua phà sau một cơn mưa như trút, chiếc xe ì ạch leo lên dốc giữa chừng bỗng chết máy, sau đó tuột thắng trôi ngược trở lại với tốc độ kinh hồn, bên trong Bảy Nổi và Hồ Vũ làm đủ mọi cách cũng không làm chiếc xe dừng được, cũng may là lúc đó mới khoảng chừng năm giờ sáng nên bến phà còn ít người, chiếc xe may mắn không cán phải ai mà lọt tuốt xuống dòng sông chảy xiết trôi đi hàng mấy trăm mét, Hồ Vũ và Bảy Nổi đành phải bỏ xe bơi vào bờ trong sự hoảng loạn của mấy xe sau.
                        Còn một lần sau khi hạ một cây gỗ xong, lúc đang dùng cưa máy để xả ra thì bất ngờ trúng phải một quả đạn nằm sâu trong thân cây phát nổ làm hai tay thợ rừng bị thương nặng, Hồ Vũ đứng gần ngay đó bị một nhánh cây bật trúng đầu té lăn quay, máu chảy đầm đìa, phải khâu mười mấy mũi…
                        Nhưng Hồ Vũ lại cảm thấy yêu thích công việc cực khổ và nguy hiểm này, nhờ nó y được trưởng thành lên rất nhiều.
                        #12
                          Cát Tường 31.03.2009 16:20:04 (permalink)
                          Y đã hiểu được thế nào là “công việc làm ăn” ở cái xứ sở có lắm điều huyền bí này, hiểu được “cách sống” ở chỗ rừng thiêng nước độc và chốn thị thành sầm uất.
                          Việc khai thác lâm sản cũng phải có những mánh lới của nó, ví như hợp đồng chủ yếu trên giấy tờ là “khai thác gỗ cao su”, tức những cây cao su lâu năm không còn ra mủ được nữa sẽ phải đốn bỏ để trồng cây khác, đây là một loại gỗ rẻ tiền vì chất lượng thấp, để lâu ngày sẽ tự mủn ra như cám nên được khuyến khích khai thác, thuế rất rẻ… Bọn Hồ Vũ chủ yếu là đốn các loại gỗ quý như Giáng hương, Gáo Vàng, Dầu Gió… chất đầy phía dưới, còn phía trên mới để vài lớp gỗ cao su cho có, tất nhiên kiểm lâm dư biết việc này nên khoản “chung chi” bao giờ cũng phải “đều đều, đầy đủ”. Lần nào hạ được những cây thuộc nhóm 1 như cẩm lai, căm xe, mun, gõ, trắc… thì trúng mánh lớn vì loại gỗ này mang về tới thành phố cân ký bán cứ như là vàng. Khai thác rừng kiểu đó thảo nào Lưu Đại Nhân không giàu có vô thiên như vậy, “tiền rừng bạc biển” mà, dân gian từ xưa đã nói.
                          Tưởng ngon ăn, dân mới tập tành nhảy vô cái nghề này chưa quen đường quen lối, quen người quen dạng là bị dính nhiều chuyện có khi sạt nghiệp luôn.
                          Vì thế dân lâm tặc thời đó có bài thơ :
                          “Công an, phòng thuế, kiểm lâm
                          Trong ba thằng đó thì đâm thằng nào
                          Tiến lên chiến sĩ đồng bào
                          Trong ba thằng đó thằng nào cũng đâm…”
                          Trên đường đi có vô số trạm kiểm soát của CA, ngoài những trạm cố định đã chung “tiền tháng” thì với những trạm lưu động luôn cần có tiền mặt để “làm độ” liền, nếu không sẽ bị giam xe vì những sai phạm mà xe nào cũng có như chở quá tải, chở sai loại gỗ trong hợp đồng… Có lần trên đường về khi đi qua trạm ở ngã ba VT, Hồ Vũ không thấy bóng một tay CA nào mà sừng sững ở đó là mấy tay thương phế binh ở bên Miên mới về, một tay nói “tụi tui đóng doanh trại ngay gần đây, lúc này đời sống khó khăn  quá nên ra ngoài này mượn đỡ trạm vài tiếng đồng hồ thu chút đỉnh tiền về cải thiện đời sống cho anh em. Mấy ông có nhiều cứ đưa nhiều, có ít thì đưa ít, xong rồi đi, tụi tui không kiểm tra cái gì hết…” -  những lần như vậy là “đại hên” cho cánh buôn lậu, bọn Hồ Vũ ngoài đưa tiền, nhiều khi y còn chạy tuốt ra mấy chỗ bán vịt quay bên lề đường mua cả chục con mang về cho “các chú thương binh tối nay liên hoan tổng kết” – có lần y tò mò hỏi sao lại chiếm được trạm dễ dàng thế thì một tay thương binh cười khì khì, nói “thấy bóng tụi tui từ xa là các bố biến rồi, còn tay nào ngồi lỳ lại thì tui đến lấy trong túi ra trái lựu đòi cưa đôi thì cũng biến ngay – ông thấy đấy, tụi tui thằng thì cụt chân, cụt tay, mù mắt… trong người đủ thứ mảnh đạn, còn làm ăn cái gì được nữa, tiêu chuẩn thì đâu có đủ, lâu lâu phải ra kiếm thêm chút thịt nên các bố CA cũng thông cảm, nhưng chỉ được chiếm vài tiếng thôi, sau đó trả lại ngay.”.
                          Kiểm lâm thì có vô số chiêu để “hành” dân mới vào nghề, như khâu giấy tờ cho chạy tới chạy lui đóng ba cái dấu tròn đỏ không cũng đủ hết ngày, hoặc họ chờ cho thợ rừng chất đầy gỗ lên xe rồi thì mới xuất hiện yêu cầu “xạc xuống” để kiểm tra, tịch thu hết mấy súc gỗ quý, chỉ vài lần như vậy là lỗ to.
                          Nhưng lâm tặc cũng đâu có vừa gì, đều thuộc loại “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” cả, nên xảy ra chuyện đánh nhau giữa kiểm lâm và lâm tặc là như cơm bữa.
                          Một buổi sáng, trước khi chuẩn bị đi Hồ Vũ bỗng thấy một đôi mắt đen láy nhìn mình đăm đăm, y cảm thấy lòng xao động trước cái nhìn ấy, một cảm giác lạ lùng như chưa bao giờ có…
                          Đó là đôi mắt của một cô gái – Hồ Vũ đã nghe kể về cô gái này, cô ta là con của Lưu Đại Nhân tên Lưu Hoàng Yến…
                           
                          Tối hôm trước quả là một đêm kỳ lạ, trời se se lạnh và mưa rơi lất phất, hôm đó không biết tại sao những đóa hoa quỳnh bồng nhiên nở rộ. Sân nhà Lưu Đại Nhân trồng rất nhiều cây quỳnh, trong cái đêm mưa lất phất này, trong cơn gió thổi se se này tràn ngập một màu trắng.
                          Những bông quỳnh trắng muốt, nuột nà  như làn da của người con gái bừng tỉnh thức trong đêm, những cánh hoa xòe nở như chìm đắm vào thờigian, thật chậm chạp và lặng lẽ,  hương hoa thơm ngát , thoang thoảng như mùi hương của người trinh nữ, chỉ một lần rực rỡ trong đêm rồi vụt tắt…
                          Chỉ một lần rực rỡ trong đêm rồi vụt tắt…
                          Hồ Vũ đứng đó, y lặng yên chiêm ngưỡng vẻ đẹp trong trắng, dịu dàng của đóa quỳnh… nghe nói người xưa khi ngắm hoa quỳnh trong đêm họ không uống rượu bằng ly mà lấy từng viên sỏi nhỏ chấm vào ly rượu rồi đưa lên môi nhấm nháp… đó là cách để thời gian chậm lại… bởi vì ai cũng biết đoá quỳnh chỉ nở trong một đêm duy nhất, sáng hôm sau là đã bắt đầu tàn lụi… những khoảnh khắc thời gian thật quý biết bao.
                          Lúc đó cũng có một đôi mắt nhìn y đăm đăm, một đôi mắt thăm thẳm và dịu dàng.
                          Lưu Phi Phượng Vũ đứng nhìn y, bà ta nói “hoa quỳnh hay nở vào những đêm mưa phùn như thế này, trong làn gió mát và đẫm ướt…Đừng bao giờ vội ngủ trong những đêm như thế, bởi vì cuộc đời của chúng ta không đủ dài để có được nhiều hơn hai đên như vậy…”
                          Hồ Vũ cảm thấy bà ta thật là kỳ lạ nhưng y chưa bao giờ hỏi bà nhìn y để làm gì? Trong đời có những việc không nên hỏi… cũng như có những việc không cần phải biết.
                          Lưu Phi Phượng Vũ đẹp như một nữ hoàng, Giả sử có một chiếc gương thần, thì khi bà ta hỏi :
                          “Gương kia ngự ở trên tường
                           Thế gian ai đẹp được dường như ta”
                          Thì gương thần chắc chắn sẽ đáp
                          Người đó phải là Lưu Hoàng Yến…
                          Nhưng Lưu Hoàng Yến không phải là một công chúa, nàng là con của Lưu Đại Nhân, và nàng thật giống cha, cũng cao như vậy…
                          Nhưng nàng lại thanh mảnh, gương mặt thật sắc sảo với đôi mắt đen tuyền.
                          Nàng nói “sáng nay tôi sẽ phải đi với anh, có một số giấy tờ cần phải quyết toán xong trong quý này.”
                          #13
                            Cát Tường 31.03.2009 16:22:18 (permalink)
                            Đừng tưởng cái nghề “phá sơn lâm” này là đặc quyền của đàn ông, có khá nhiều người đàn bà theo cái nghề này. Nhưng vì nó là cái nghề có phần phiêu lưu và nguy hiểm nên những người phụ nữ này dần dần trở nên nam hóa, họ ăn nói sỗ sàng cứ y như là đàn ông vậy, không còn cái vẻ nữ tính gì nữa.
                            Nổi nhất là là một cô tên Liên, thuộc hàng băm rồi, cô ta to cao dễ sợ, lại mập mạp phốp pháp nên có cái biệt danh là “Liên voi”. Liên voi có gương mặt “nặng như chì”, hễ mở miệng ra là chửi thề, hôm nào mấy tay thợ rừng xếp gỗ không đúng theo ý, làm việc vận chuyển bị chậm chạp là Liên voi chửi vung vít :
                            -         đm… mấy thằng mặt l…, có bấy nhiêu đó mà cũng làm không xong… chúng mày chỉ giỏi cái việc ấy thôi, bà mà tức lên để bà làm cho mà coi…
                            Liên voi nhiều khi làm thiệt, cô ta cầm cái cưa máy to đùng bằng một tay nom nhẹ hều, cưa gỗ cứ là xoen xoét, thợ rừng mà lơ mơ là bị bỏ xa.
                            Tuy to lớn như vậy nhưng thằng bồ của Liên voi lại nhỏ con ốm nhách, đúng cái câu “tốt mái thì hại trống”. Thằng này sống bám vào cô ta, chuyên dùng chiếc Honda 67 chở Liên voi vòng vèo trong rừng, vừa là chồng hờ vừa kiêm chân chạy long tong. Tuy địa vị thấp kém như vậy nhưng thỉnh thoảng y cũng lên mặt, lúc nào không có Liên voi y nói “tại nó mê tao chứ cái thứ đàn bà mất zin rồi tao đâu có thèm…” –  những lúc trời mưa tầm tã, cánh thợ rừng không làm gì được thì chỉ có nước rủ nhau vào chòi để nhậu, về khoản uống rượu thì Liên voi thuộc hàng vô địch thủ, cô ta uống tì tì không thèm bỏ qua tua nào, đến khi nhiều thằng nằm lật chỏng gọng mà Liên voi vẫn tỉnh bơ. Có lần đang ngồi nhậu chung bên cạnh, Hồ Vũ bỗng thấy có cái nặng nặng đè lên… té ra Liên voi hứng quá gác cả một chân lên đùi Hồ Vũ…
                            Còn một cô nữa là “San sò”, sở dĩ có cái biệt danh này vì tánh cô ta trùm sò vô cùng, tính toán chi li từng đồng cắc, tìm đủ mọi cách để xù tiền công thợ, gian lận gỗ… những hôm nào mưa dầm, bàn nhậu mà có “San sò”là y như rằng đông đảo vì cô hễ say ngà ngà rồi là cho đám thợ rừng tha hồ mò mẫm lung tung, có khi uống rượu vào nóng quá, “San sò” cởi phăng luôn cái áo, phần trên chỉ còn mỗi cái “coọc” nhỏ xíu, nước da ngăm ngăm săn chắc, để lộ đôi gò bồng đảo căng phồng làm đám thầy thợ tối tăm cả mày mặt.
                             
                            Lưu Hoàng Yến thì không phải như vậy, cô ta tốt nghiệp đại học ngân hàng hẳn hòi, là kế toán kiêm thủ quỹ của công ty. Lưu Đại Nhân năn nỉ lắm cô ta mới chịu về giúp cha chứ Lưu Hoàng Yến sau khi học xong thì về làm ở một ngân hàng nhà nước.
                            Công việc của Lưu Hoàng Yến chủ yếu là giải quyết giấy tờ ở ngoài lâm trường, nhưng cô ta cũng hay thích vào sâu trong rừng, có lẽ do có cái máu mạo hiểm của cha chảy trong huyết quản. Những lúc như vậy vô khối tay thợ rừng lân la đến, chủ yếu là để “ngắm” Lưu Hoàng Yến.
                            Thời đó chưa có cái vụ thi hoa hậu, chứ như bây giờ thì cỡ như Lưu Hoàng Yến đậu là cái chắc. Gương mặt sắc sảo, sống mũi cao, đôi môi mỏng mà khêu gợi, mái tóc lượn như sóng biển, dáng lại cao ráo, eo lưng thì thon thả, ngực nở chân dài… Lưu Hoàng Yến mặc cái quần jean bó với cái áo thun trắng nom thật đẹp.
                            Đám đàn ông si mê cô ta nếu xếp hàng lại có lẽ còn dài hơn cả cái đám xếp hàng đi mua gạo thời đó…
                            Có cô ta đi cùng thì Hồ Vũ đành xuống xe sau ngồi chung với Tám Tàng …
                            Tám Tàng cũng có một thời xếp vào cái nhóm “mua gạo” đó, y có cái tật bình thường thì không sao, hễ nói nhanh thì lại cà lăm cà lặp : “tôi thích lấy… lấy con vợ…ợ…ợ… có nhà mặt iền… mặt iền… để sau này dễ làm ăn…làm ăn..ăn…”.
                            Đã đẹp lại con nhà giàu có, học thức nên xem ra chưa có ai lọt vào mắt xanh của Lưu Hoàng Yến cả, dạng như Tám Tàng thì chỉ đứng xa mà ngó chứ khó mà tới xách dép cho cô ta được vì đã có thằng khác tranh “xách” mất rồi.
                            Kể ra lấy được cô ta về làm vợ cũng sướng thật, thông thường con gái nhà đại gia hay bị “xấu người, xấu nết”, nên nếu lấy làm vợ thì phải cắn răng “chịu đấm ăn xôi”. Còn lấy Lưu Hoàng Yến thì lại xem như vừa được cục vàng ròng mà lại có phở để ăn mỗi ngày… có vợ đẹp như tiên này, lại có cơ được thừa hưởng cái gia tài khổng lồ của nhạc phụ nữa.
                            Con đường nhanh nhất để thành đại gia là lấy con của đại gia -  đám thanh niên có tí tí kinh nghiệm trường đời đều hiểu rõ điều này.
                            Tám Tàng cũng thế nhưng xem ra cái mộng này khó có thể thực hiện được, thà như Chín Lênh Đênh lại có cơ hơn mặc dù y từng có gia đình rồi.
                            Bởi vì Chín Lênh Đênh là kẻ biết nói chuyện, biết nịnh đầm… cái quan trọng nhất để thằng đàn ông thành công trong chuyện này là biết đoán và chiều ý của các nàng – cái đó thì y có thừa.
                             
                            Hôm đó trời mù mịt sương mù, bật pha cốt tối đa mà con đường phía trước chỉ nhìn thấy mờ mờ, qua khỏi Hố Nai là đường đi bắt đầu khó khăn và lầy lội, sau một cơn mưa, hình thành những vũng nước to còn hơn cái ao mà lại ngập ngụa sình nên xe đi rất khó khăn. Rừng Mã Đà có rất nhiều mèo rừng, có con to trên chục ký, lông xám đen, mặt rất dữ tợn chứ không hiền và đẹp như mèo nhà. Xe đi vào giờ này hay gặp những con mèo rừng đứng bên vệ đường, hai con mắt chúng sáng quắc, nhìn đèn ô tô không hề sợ hãi… Gần đến phà Mã Đà thì phía trước nghe ùm một cái, thoáng thấy bóng của con mèo rừng phóng vụt qua, xe của Bảy Nổi bị đảo tay lái, sụt vào một hố bom lật nghiêng qua, chìm luôn vào vũng sình. Tám Tàng và Hồ Vũ vội bỏ xe chạy ào tới, Hồ Vũ kéo được Lưu Hoàng Yến ra trước, nàng bị chấn động nên hơi thiêm thiếp, y bồng nàng lên mang ra ven đường, sau đó quay lại phụ với Tám Tàng kéo Bảy Nổi ra. Bảy Nổi chỉ bị thương nhẹ nhưng lúc xe bị chìm xuống vũng sình ngộp thở nên khi lôi lên được người y ướt sũng nom rất nhếch nhác.
                            Lưu Hoàng Yến vẫn còn chưa thật tỉnh, cái túi trong tay nàng bị xổ ra, Hồ Vũ bèn lấy xếp lại thì y thấy trong đó ngoài giấy tờ còn có một xấp phong bì dày cộm. Hồ Vũ chợt hiểu cô ta lên đây để làm gì, nếu chỉ để giải quyết ba cái giấy tờ thì y cũng có thể làm được… nhưng chuyện này thì Lưu Đại Nhân lại cần đến sự khôn khéo của người đàn bà. Y nhớ có lần nghe Ba Chìm nói “Ở xứ sở này một doanh nghiệp muốn làm ăn mà không có phong bì thì chú biết gọi là gì không ? – đơn giản hãy gọi đó là một sự khởi đầu thất bại.”
                            Đó là chất bôi trơn cho mọi vấn đề…
                            Là thứ bùa phép hoàn hảo nhất.
                            #14
                              Cát Tường 31.03.2009 16:24:08 (permalink)
                              Ba Chìm là một con người kỳ lạ, người ta khi uống rượu vào thì hay nói nhiều, riêng y càng uống vào thì càng im lìm – dường như y bị chìm lỉm vào quá khứ…
                              Đã lâu lắm rồi, thời còn chiến tranh, Ba Chìm lúc đó là một người lính trinh sát ở rừng Trường Sơn… biết bao đồng đội hy sinh, xương  phủ trắng rừng… y từng kể thấy đồng đội nằm chết trên võng, xác chỉ còn lại bộ xương khô và cái đầu lâu trắng hếu… rồi đường chín Nam Lào… chiến tranh gian lao và khốc liệt, thế mà Ba Chìm vẫn sống mà trên người không một mảnh đạn.
                              Sau 75 y được động viên chuyển qua ngành CA, với kinh nghiệm của một người lính trinh sát dạn dày trong khói lửa, y hoàn thành công việc một cách xuất sắc với tinh thần tận tụy quên mình, được cấp trên tin tưởng, trở thành đội trưởng đội điều tra xét hỏi…
                              Chỉ đến lần đánh tư sản lần hai, gọi nôm na là đám “tư sản dân tộc”, Ba Chìm – một con người không lay chuyển trước vàng bạc, của cải mà bỗng động lòng trước vẻ tội nghiệp của cô con gái, một cô gái trí thức có vẻ đẹp hoàn hảo, con của ông chủ tư sản giàu có. Y giúp đỡ và bao che cho gia đình cô ta khá nhiều, cuối cùng thì sự việc đổ bể và Ba Chìm bị đưa ra khỏi ngành, khai trừ đảng, sự nghiệp tan thành mây khói. Lúc đó đồng đội chửi y là bị trúng “viên đạn bọc đường”, bao nhiêu năm chiến tranh không làm y bị mất một mẩu da, mà bây giờ thì thân bại danh liệt, có sống cũng như “thằng chết rồi”. Chỉ riêng Ba Chìm là cảm thấy đang đắm trong một tình yêu thực sự, y không thể giải thích được điều mình làm là đúng hay sai mà chỉ cam tâm chấp nhận… Cuối cùng thì y cũng cưới được cô gái, hai vợ chồng thuê một căn nhà nhỏ ven đường, vợ bán cà phê còn y thì bơm xe đạp, sửa xe máy sống qua ngày.
                              Gánh nặng của quá khứ tưởng chừng sắp đè bẹp thì cuộc đời y chuyển qua một trang mới khi tình cờ gặp Lưu Đại Nhân… với mớ kinh nghiệm bao năm chiến đấu trong rừng rậm Việt, Miên, Lào… Ba Chìm nhanh chóng trở thành cộng sự đắc lực số một, là người được họ Lưu tin tưởng và ưu ái. Thế nhưng y vẫn cảm thấy như có một cái gì đó đáng buồn trong cuộc đời, đáng buồn với đồng đội, Hồ Vũ có lẽ là người mà y hay nói chuyện nhiều sau Lưu Đại Nhân. Có lần Ba Chìm nói “tôi vẫn nghĩ rằng mình đã không sai… mình đã không lựa chọn sai… nếu bạn ngộ nhận, không phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai, thì đến một lúc nào đó bạn sẽ không còn tin vào bất cứ một điều gì và lúc đó bạn cũng không còn tình yêu nữa, bởi vì một tình yêu đích thực được nuôi sống bởi niềm tin và hy vọng…”.
                               
                              Nhắc đến Ba Chìm thì phải nhắc đến một người, người đó từng là thầy của y, sau này thông qua Ba Chìm người đó tiếp xúc với Lưu Đại Nhân và ngay lập tức một sự liên kết được diễn ra nhanh chóng.
                              Không có gì vững mạnh bằng sự kết nối giữa quyền lực và tiền bạc.
                              Có lần Ba Chìm nói với Hồ Vũ và Văn Thiên Thành “tôi có một người anh kết nghĩa rất thân, hôm nào rảnh sẽ dẫn hai chú đến chơi để mở rộng thêm tầm mắt và sự quen biết.” - Một ngày kia y dắt hai người đến một căn biệt thự to lớn, kỳ vĩ, một nơi trang nghiêm gần trung tâm thành phố. Bên ngoài là tường rào cao, lối đi sâu thăm thẳm, Văn Thiên Thành thì đã từng trải qua chứ Hồ Vũ thực sự choáng ngợp trước vẻ hoành tráng, vĩ đại của ngôi biệt thự. Cầu thang lót đá Italy đen sì, phòng khách cao vòi vọi và rộng mênh mông, đúng kiểu La mã cổ đại, phải đứng một lúc Hồ Vũ mới hết bàng hoàng, choáng ngợp, xem ra sự giàu có của Lưu Đại Nhân đối với con người này vẫn chỉ là con muỗi… y thấy mình lọt thỏm trong bộ Salon da hổ, cũng may là chủ nhân lại tỏ ra rất hiền hòa và thân thiết.
                              Người đó là Ôn Đạt Sanh.
                              Sau khi yên vị, Ba Chìm lấy trong người một cái hộp gỗ, lấy ra mấy miếng vuông vuông , đen sì sì, cứng như đá và nói “lần này bọn em tự tay nấu lấy suốt mấy ngày mấy đêm, bảo đảm với anh Sanh là chất lượng tuyệt hảo” – “thế đó là cái gì ?” – “mọi người gọi nó là cao hổ cốt, nhưng bọn em gọi nó một cách đơn giản là cao Hùm”.
                              Để có mấy miếng cao này Ba Chìm đã phải nấu ba con hổ, và nấu nguyên chất như vậy, chỉ pha thêm một thứ mà Kắm-Lỳ nói là “vô tiền khoáng hậu” chỉ có pháp sư Khăm-Say-Vi-Sa-Vẳn là có thể biết được, đó là cây ngải Anh Túc được nuôi bằng máu người. “uống cao Hùm này tất phải mạnh như Hùm – đàn bà phải quì xuống mà trầm trồ thán phục”.
                              Ai mà không thích có một người đàn bà quỳ trước mặt mình, ngay cả Ôn Đạt Sanh cũng vậy. Nom ông ta thật là hiền hòa - Đạt Sanh có rất nhiều nghĩa, nhưng tựu chung nó thể hiện một sự thành đạt, một sự sanh sôi, thành đạt rồi sanh sôi hay sanh sôi rồi thành đạt thì cũng vậy. Ở cái xứ sở này những con người hùng mạnh đều tự xưng là cha, là chú, là ông, là bác cả, vì thế Ôn Đạt Sanh cũng nói với Hồ Vũ và Văn Thiên Thành “các chú cứ gọi ta là Bác Sanh là được rồi”.
                              Sau một thời vun vén, vơ vét… khi đã có đầy đủ rồi thì con người ta bắt đầu suy nghĩ lại. Bác Sanh không còn thèm làm ba cái việc linh tinh để kiếm tiền nữa, ông ta giao tất cả cho Lưu Đại Nhân, bây giờ ông chỉ làm mỗi một việc, đó là giúp đỡ mọi người, cụ thể là làm cái việc mà mọi người vẫn gọi là “làm từ thiện”.
                              Hồ Vũ chưa bao giờ gặp một con người đa cảm như thế khi nhắc đến những người nghèo khổ, cơ nhỡ hay trẻ mồ côi… Sau này khi y bắt đầu lớn hơn một chút, bắt đầu nhìn sâu hơn, bắt đầu thấy được những cái mà bằng con mắt trần tục không thể nhìn thấy được, Hồ Vũ mới dần hiểu thấu được hai chữ “con người”.
                              Hai cái chữ gọi là “con người”…
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 20 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9