TRĂNG NGUYÊN SƠ - NAM DAO
lyenson 30.03.2009 16:51:07 (permalink)


Lời phi lộ:
Cấu trúc tiểu thuyết này kết hợp với thể
cổ điển
nào là phóng sự, rồi cả chưởng Kim Dung,
tức một món lẩu đủ yếu tố "hậu hiện đại"
có thể gây sốc cho người đọc.
Nay cẩn cáo.
NAM DAO
14-11-2007

MỘT

Nghiêng mắt nhìn xuống, nghe
người bên cạnh bảo đê sông Hồng
đấy, năm nay lại phải đắp đê chống lũ.
Con nước mầu nâu đục ánh sắc đỏ lững
lờ, xung quanh ruộng đồng sau vụ gặt
nằm dài trơ trẽn. Lẳng lặng, tôi bấm
chiếc Palm, tìm địa chỉ ghi trong bộ
nhớ.
Cách đây hai tháng, hắn chắc cũng
như tôi, cũng nhìn xuống sông khi
máy bay lượn vòng trước khi đáp
xuống. Khi đó, mùa gặt, ruộng chưa
hoang vu. Cứ theo trí nhớ những đoạn
văn học thuở vỡ lòng, thế nào mà
chẳng có đàn cò trắng phau bay về
đậu trên những mô đất đợi dăm hạt
lúa rơi. Hẳn là thế, khác thế nào được.
Hắn xuống máy bay. Rồi hắn về một
khách sạn nào đó, đưa hộ chiếu. Lên
phòng, hắn viết nhật ký như một thói
nghiện ngập. Ở đấy, hắn khôn ngoan
chuyển qua e-mail ngay về cho tôi,
dặn giữ hộ, đất này lắm kẻ rình mò
trấn lột, kể cả nhật ký. Hắn viết:
11-03
"... chiếc xe Toyota của Vietnam
Airlines chạy chậm dần, chậm dần. Có
người hô, xuống xe, sửa soạn qua cầu
vào Kinh. Thế là nhốn nháo lên, xô đẩy
nhau. Đặt chân xuống đất, tôi chao
người suýt ngã. Đất bùn trơn như mỡ,
mầu đỏ như mầu tiết lợn nhầy nhụa.
Ngước lên, ô kìa, sao lại chỉ thấy toàn
xe trâu kéo. Xe thồ đủ thứ. Giường
chõng, bàn ghế, nồi niêu, chăn màn...
Nhìn quanh, thật lạ lùng. Mới đây là cô
tiếp viên thơm mùi nước hoa Gucci. Bây
giờ? Tôi hỏi đi đâu thế này? Có tiếng
véo von khúc khích:
"... anh giai ơi, ta di đô từ Hoa Lư về
Thăng Long mà".
Tôi quay lại. Cô bé gái vừa cất tiếng
nói mở miệng cười, vết quết trầu đỏ
thắm, hàm răng nhuộm đen tuyền như
những hạt na ánh lên dưới nắng trưa
ngột ngạt. Mùi cứt trâu bốc lên thối
hoắc.
Tôi đành bịt mũi. Mắt liếc như dao bổ
cau, cô bé trêu "... chưa về đến Kinh
mà anh giai đã văn minh ngay rồi à?".
Thế là các cô đi xung quanh cùng ré
lên cười lăn cười lóc.
Chúng tôi nối đuôi nhau, chân bám
vào bùn, tay xách nách mang trong
tiếng cười nói tưng bừng. Nhìn cô bé, tôi
ngập ngừng:
"... lối này đi đến cầu Long Biên,
phải không?".
Cô ấy ngạc nhiên:
"Cầu gì thì em không biết, nhưng từ
Hoa Lư, trai tráng đã đến bến sông
đóng bè ghép lại tháng trước".
Tôi buột miệng: "Cầu Long Biên do
Tây nó xây, xưa gọi là cầu Đuy-me..."
Cô bé lại ngặt nghẽo:
"Thôi đừng lỡm em, anh giai... Anh
người trại nào?".
Ngây người, tôi không biết trả lời làm
sao. Cô bé thấy tôi im lặng, nguýt dài,
lại trêu "Chẳng phải ngô, chẳng phải
khoai... Chàng đi em biết nhớ ai, em
chờ". Nói xong, cô chạy ra sau, miệng
hát:
Yêu nhau, cởi yếm, í à, cho
nhau
Về nhà, dối rằng, cha với mẹ
Rằng a ối a qua cầu
Tình tình tình gió bay.
Đám chị em vây quanh nàng đồng
thanh "tình tình tình gió bay" rồi phá
lên cười nắc nẻ, tiếng hát tiếng cười vút
lên đậu trên mây chín tầng chót vót.
Tiếp tục dấn bước, tôi ngoái nhìn phía
sau, nhưng chỉ thấy đôi mắt tinh nghịch
xanh mầu cốm non nheo lại chọc ghẹo.
Đến gần bờ sông, đám con gái rẽ lên
phía thượng lưu. Người con gái hát lúc
nãy bấy giờ mới chạy ra sau, nói với lại:
"Chúng em đến hồ Dâm Đàm định cư.
Có hỏi thì hỏi họ Đào, tên Hạ Trang,
quê ở Đông Hải nhé..."
Xe trâu phải vòng xuống hạ lưu, nơi
nước cạn ngang lưng để sang sông.
Đoàn người khoác gùi trên vai trèo lên
những mảng bè cột chặt bằng những
sợi chão làm từ vỏ cây sồi bện lại. Sang
đến bờ bên kia, lại phải chờ xe trâu.
Trời sẫm xuống. Mặt trời tím lịm phớt
lên mặt nước mầu hoa cà se sẽ chao
trong gió chiều. Một kỵ sĩ cưỡi con
ngựa ô ở đâu xồ tới, nhẩy xuống, đến
thì thào vào tai cụ già râu trắng như
cước. Ông cụ nói lớn cho mọi người
nghe, "Qua đêm ở đây, mai tốt ngày
mới được phép vào Kinh, nghe chưa!".
Đoàn người ồ lên, rồi chia nhau tìm
những gò đất khô ráo. Họ túm năm
tụm ba thổi lửa, nấu cơm, thỉnh thoảng
có kẻ cất tiếng hò lên gọi nhau. Tìm
một gốc cây, tôi ngả lưng, nhắm mắt
nhưng chẳng sao ngủ được. Chẳng lẽ
thoắt một cái tôi từ đầu kỷ XXI lộn
ngược gần 1000 năm quay về thời nhà
Lý đang dời đô đến Thăng Long. Thật
hay mơ? Không, mùi cứt trâu thối
hoăng lên có thật. Tôi đưa tay sờ mặt
đất ẩm bùn, bốc một bốc, bóp vụn ra.
Đất rơi tơi tả. Đất có thật. Tôi xuống bờ
sông rửa tay. Bùn đất trôi đi, tay tôi
sạch, và thế là nước có thật. Đất nước
có thật, nhưng còn cô bé Hạ Trang họ
Đào? Tôi đứng lên, tản bộ đi tìm. Đêm
len vào bịt mắt cản đường. Cứ thế, tôi
bước, tôi chong mắt nghển cổ ra nhìn.
Không thấy Hạ Trang đâu. Có thể Hạ
Trang không có thật. Hoặc là tôi đã
quay về kỷ XXI, thời điểm cách lúc này
chưa hơn vài giờ trước khi tôi lên máy
bay? Hay là , hay là…hoặc giả chính tôi
không có thật?
*
* *
Đúng như hắn dặn dò, tôi hỏi lấy
phòng 403 hoặc 503 tại khách sạn BK.
Cô bé tiếp viên lật hộ chiếu, ghi chép,
nheo mắt hỏi: "Anh về nước lần đầu?".
Tôi lắc. "Ai bảo mà anh biết phòng 403
để đòi ở đó?". Tôi đáp: "Ông anh tôi về
ở đây độ hai tháng trước bảo tôi thế!".
Nhân dịp, tôi hỏi:
"Anh ấy thấp người, đeo kính trắng,
cũng đến từ Canada... Em có gặp anh
ấy không?"
Cô bé lắc đầu, mời tôi xuống Bar ở
tầng dưới uống nước, đợi cô làm thủ
tục nhận phòng. Trưa, trời hầm hập, mồ
hôi đổ ra như tắm hơi. Đợi đâu mươi
lăm phút, điện thoại từ tiếp tân gọi
xuống. Tôi lên. Bà quản lý khách sạn,
tuổi sồn sồn, tươi cười "... Chúng tôi
tiếp thu nhu cầu của khách, nhưng
phải tính tiền dịch vụ, chỉ năm đô thôi".
Ngạc nhiên, tôi hỏi: "Phòng trống thì để
tôi ở, còn dịch vụ gì?".
"Dạ, khách thích mà được chúng tôi
thỏa mãn thì trả phí, ở đây như thế.
Thoả mãn được, là ở quyền hạn quản lý
của chúng tôi mà... Năm đô là lần này
thôi, giá phòng thì vẫn 20 đô một ngày,
như mọi phòng khác! Phòng 403 là
phòng tốt nhất đấy, vừa yên, lại nhìn
được ra hồ...".
Cố lấy vẻ thản nhiên như không có
chuyện gì lạ, tôi lẳng lặng thò tay móc
túi.
Nhoài người nằm thườn ra, tôi nhắm
mắt lấy lại sức. Ngồi trên máy bay gần
hai mươi giờ, không kể thời gian đợi
chuyển máy bay ở Tokyo, những bắp
thịt trong người nhừ ra như bị dần, đầu
không còn sức đề kháng, tôi gần như
mê mụ. Nửa thức nửa tỉnh, tôi chợp đi,
tai nghe loáng thoáng tiếng hắn
nghiêm trọng "Sắp tìm thấy nó rồi, hãy
về giúp một tay, cần lắm!", hệt như
trong cái e-mail cuối cùng tôi nhận
được cách đây vài tuần.
Người ngoài tưởng tôi và hắn là anh
em ruột, nhưng không phải vậy. Tôi vốn
là một đứa con rơi, bố mẹ nuôi tôi nhặt
về trong vụ đói năm Ất Dậu. Khi đó,
hắn mới lên hai. Mẹ nuôi tôi nựng hắn,
chỉ tôi, bảo... cho con có bạn. Còn bé,
tôi nào hiểu tôi là một thứ đồ chơi. Đến
năm lên sáu, tôi mới biết. Phận tôi, nó
thế. Bài học đầu tiên là phải biết cam
phận. Khi nó cắn cấu, chỉ được khóc. Và
chạy. Khi ăn, nhận phần ít. Và có thèm
chút âu yếm thì lần xuống nơi U già,
một người đàn bà lớn tuổi mắt đã lòa
thường ngồi ở góc bếp chẻ rau, vo
gạo... Thỉnh thoảng U giấu được cái
bánh, cái kẹo, giấm giúi vào tay, giục:
"Ăn đi, cho U xem!". Mắt lòa, U nào
thấy gì! Nói thế nhưng tôi chẳng oán
trách gì bố mẹ nuôi. Không chết đói, đã
là may lắm, U thỉnh thoảng dặn tôi
đừng quên. Chẳng qua phận tôi nó thế!
Nhưng cũng vì thế mà tôi thực tế. Từ
năm lên mười, tôi hiểu để tồn tại, tôi
phải mở mắt ra nhìn những người
chung quanh. Họ thế nào? Ai thương
ai, ai ghét ai? Và nhất là đối với chính
mình thì họ ra sao? Tôi không tranh ăn,
tranh chơi, lỉnh đi khi bố mẹ nuôi tôi
phát thuốc tễ, thuốc bổ... cho đám bốn
đứa con đẻ. Tôi biết nhanh nhẩu góp
tay vào bất cứ chuyện gì làm được,
nhất là khi bố mẹ nuôi tôi có mặt. Tôi
cố gắng nói thật ít, không bao giờ tỏ ra
ranh mãnh, che giấu tất cả bằng thứ
cung cách ngu ngơ hiền lành. Được đi
học, lại học cùng lớp, tôi làm sao cho
điểm của hắn lúc nào cũng nhỉnh hơn
điểm của tôi, tránh thành đối tượng
của so đo ganh tị... Tóm lại, tôi không
còn tuổi thơ, sống hai mặt, một là cho
riêng tôi. Mặt kia là tôi dưới mắt người
khác, nhợt nhạt, không cá tính và đôi
khi ngu ngu dở dở nhưng hiền lành.
Nhưng khi chỉ có tôi đối mặt với tôi, tôi
giữ một góc mơ mộng tư riêng. Tôi
tưởng tượng gốc gác tôi là con một vị
quan lang Mường ở chân núi Tản. Cha
đẻ tôi cầm đầu dân quân chống Pháp,
tử thương trong một trận giáp chiến.
Mẹ tôi bế tôi chạy đến một ngôi chùa,
bỏ tôi đấy rồi nhảy xuống giếng tự vận.
Sư ông ngôi chùa tôi đặt tên là chùa
Thiên Phương ở Lạng Sơn nhặt tôi, rồi
vì nhà chùa nghèo không đủ ăn nên
phải tìm người khá giả nhờ nuôi. Thế là
cái duyên đến buộc tôi vào gia đình bố
mẹ nuôi, lúc ấy tản cư từ Hải Phòng.
Họ Nguyễn là họ của bố nuôi. Tôi họ gì?
Tìm đọc sách nói về dân tộc Mường, tôi
tự gán cho tôi họ Bạch. Vâng, tôi họ
Bạch, một dòng quan lang xưa oanh
liệt nhưng nay thất cơ lỡ vận. Và để tạo
cho thiếu niên họ Bạch này sinh khí, tôi
cho mình đóng vai một điệp viên nhị
trùng, xông vào cuộc đời với nhiệm vụ
còn nằm trong bí mật. Trong khi chờ
đợi, tôi nhận lệnh phải học hành thế
nào cho giỏi, đợi ngày thoát ly. Và động
cơ ấy khiến tôi chong đèn, học, nhưng
học kín, không để ai dòm ngó.
*
* *
Ngủ mê mệt, khi tôi thức thì trời đã
chập choạng tối. Với tay rót một cốc
nước, tôi uống, đầu óc tỉnh táo dần. Tôi
lên sân thượng khách sạn, ngồi hóng
gió, gọi một chai Ashahi, đưa mắt nhìn
về phía Bờ Hồ. Những trụ đèn đã mọc
lên, khác thời tôi về Hà Nội mười năm
trước. Uống xong cốc bia, tôi mở Palm
xem tin nhắn. Không có gì. Tôi lại tìm
đọc những bức e-mail lưu trữ:
20-02
"... Chúng nó báo - về sẽ gặp nhau ở
Huế nhưng chẳng hiểu sao tôi tìm mãi
không được. Lần đó, dân đồn "Ông về",
nô nức trả tiền vé vào để chiêm ngưỡng
"Ông", đấng sẽ thế thiên hành đạo. Báo
chí có loan tin (dĩ nhiên với hoài nghi
của những kẻ thực dụng làm báo phải
đạo chính thống), và mặc dầu hy vọng
là thật, tôi vẫn giữ vẻ e dè, cùng đám
nghệ sĩ thuộc ty văn hóa đất Thần Kinh
lên đò sông Hương, đi nghe hò Huế
trong một đêm tối trời có đủ mưa, đủ
gió, và những người đàn bà giọng mặn
mà nữ tính của đế đô xưa.
"Thuyền từ Đông Ba thuyền qua Đập
Đá. Thuyền rời Vĩ Dạ tới ngã ba Sình...
Lờ đờ bóng ngả trăng chênh... Điệu hò
xa vắng đượm tình nước non". Giọng
ngân dài như không dứt được trong khi
chúng tôi đợi người đi dò tin "Ông" vẫn
chưa về. Mưa vẫn mưa rơi, tiếng tí tách
buồn bã. Mặt sông lấp loáng ánh dao
liếc lạnh rùng rợn. Người đàn bà vừa dứt
câu hò nhìn tôi, lo lắng:
"Ông về thiệt hỉ, anh?".
Ôi, đôi quầng mắt thẫm bóng những
đêm dài ngước đợi. Tôi nhỏ giọng "Về...
"Ông" sẽ về, nhất định thế!". Bàn tay
nào mượt mà nắm lấy tay tôi, mơn
man, như đòi vỗ về, như nhắc chút ân
tình đến từ một mối duyên chẳng ai
chờ ai đợi. Nhắm mắt, tôi khẽ nắm lấy
bàn tay ấy thay lời cảm ơn, giật mình
khi người đi kiểm tin "Ông về" đột ngột
xuất hiện, miệng cười hô hố, nói lớn:
"Không có "Ông" nào đâu. Một đồn
mười, mười đồn trăm, dân xếp hàng
mua vé năm ngàn đồng vô xem ông
cầm kiếm, miệng giáng những câu tiên
tri. Nhưng tui chỉ thấy hình ảnh phập
phồng một cái mang cua sống, khá lớn,
nhìn có thể tưởng tượng là người cầm
gươm, nhưng đâu có nghe thấy chi!
Một con nhỏ xưng là cô đồng thì nghe
thấy hết, nói lại cho người vô xem.
Nhưng công an Thừa Thiên bắt nó tội
dùng mê tín dị đoan làm loạn lòng
người, và bắt cả chủ nhà tội lừa đảo,
buộc hoàn lại tiền vé...".
Tôi nghe một tiếng thở dài bên cạnh.
Bàn tay đó buông tay tôi ra. Tôi với
chụp. Vô vọng. Gió lên. Tiếng chèo
khua nước nhịp thời gian. Trời chợt trở
lạnh hơn bao giờ. Tôi biết tôi vẫn còn
phải đi tìm... Người đàn bà vừa nắm
tay tôi đứng dậy, bước những bước
chòng chành lên bờ, để lại cho tôi đúng
một cái nhìn ánh màu tuyệt vọng...
Không, tôi ơi, đừng tuyệt vọng. Câu
hát của người bạn rong ca vang lên.
Chết, mới tuyệt vọng. Chúng ta chưa
có niềm ân sủng cho phép phủi tay ra
đi. Và nhất là tôi lại vừa mang ơn một
bàn tay níu vào tay mình trong khoang
con thuyền chòng chành gió. Mới năm
nào tôi viết: “Nhan sắc vẽ vời/ Lý tưởng
viển vông/ Chợt rụng rời giữa có và
không/ Mày xanh mi biếc môi hồng/
Tỉnh ra sóng đã bềnh bồng cuộn trôi/
Tôi ơi hỡi, tôi ơi!”. Mới năm nào tôi đã
định tự đi vào miên viễn mà không hỏi
phép bất cứ đấng Cao Xanh nào. Nếu
đến từ một niềm tuyệt vọng thì tôi ơi,
tôi chỉ đáng có đến thế sao. Trong khi
từ đỉnh non đến ven biển đấu trường
với toàn những kẻ trục lợi tranh danh
đang âm thầm tuốt kiếm chém những
nhát không khoan nhượng vào đồng
loại? Trong khi những người nắm thế
quyền đoạt nhà chiếm đất rồi bắt hằng
hà sa số nạn nhân cùng nhau hát vang
lên bài ca cho ngày mai?
Không thế được, tôi ơi, đừng tuyệt
vọng!
Suốt ba ngày, tôi đợi tin Rậm-ria và
Tiểu-quỷ. Tôi lang thang trên những
con đường của Huế. Qua cầu Tràng
Tiền, ghé chợ Đông Ba, đến Gia Hội...
Vòng lại Bến Ngự, ngơ ngẩn ngắm bức
tượng Phan Sào Nam xếch mắt nhìn
vào tiền đồ. Rồi tôi lại đi. Vào Hoàng
Thành, ngơ ngác giữa đám du khách.
Tôi luẩn quẩn với một quá khứ nặng
như chì buộc vào chân. Tôi lê về phía
trước với những bộc phá bom đạn còn
ghi nguyên vết ghẻ lở đậu mùa chi chít
khoét đục những bức tường cổ đổ nát.
Tôi đến chân Khiêm Cung thì gặp người
đàn bà tối nọ. Đến gần, người đàn bà
ấy làm như không thấy tôi, cúi mặt
nhìn những bó hương, bó nhang để
cạnh chồng giấy vàng, giấy bạc. Nàng
thoa chút phấn hồng trên má, môi
thoáng vết son rất dịu, mắt vẫn đẫm
bóng tối ngay khi nắng lên ngang đầu.
Tôi im lặng. "Ông" không về, tôi biết.
Nàng ngước lên cười, cái cười không
kém thê thảm như lần nàng nhìn tôi
khi lên bờ tối hôm nọ. Thình lình, nàng
bâng quơ:
"Ai tìm được cho em hy vọng, em
nguyện làm vợ, hiến thân này cho, cho
hết..."
Tôi hốt hoảng. Lát sau, tôi nghẹn
ngào, cố nói:
"Tôi về là để tìm điều đó cho em, cho
tôi, cho tất cả chúng ta..."
Nàng khẽ quay người, thì thào:
"Thì anh đi đi, chừ cứ đứng đó làm
sao thấy!"
Từng câu, từng chữ, nàng thuật lại
cho tôi chuyện người ta đổ đi tìm ở
dưới Mỹ Sơn, nơi cách Hội An đâu hơn
hai ba chục cây số. Rồi giục "... Chừ
anh đi nghe anh! Bữa mô tìm thấy thì
về đây với em!".
Sáng sớm hôm sau, tôi bắt xe hàng
xuống Đà Nẵng.
*
* *
Lần theo bản đồ chi chít tên đường,
tôi tìm được phố Lý Quốc Sư. Trước mặt
một quảng trường, Nhà Thờ nghễu
nghện chọc trời, tường xám xịt dấu vết
những tháng năm không chăm sóc tu
bổ. Dưới nắng rừng rực chực bốc lửa,
tôi vội bước, nhìn số nhà rồi rẽ vào một
cái ngách. Chục năm trước, tôi có đến
đây một lần nhưng bây giờ chẳng còn
nhận ra gì nữa. Quán rượu ngày xưa
giờ là căn nhà ba tầng bằng gạch, cửa
sắt khóa bằng một sợi dây xích sắt to
bằng ngón tay cái. Tôi bấm chuông.
Một đứa bé ra bảo: "Ông cháu đau,
không xuống được!". Tôi nhờ cháu lên
gác báo, khẩn khoản dặn: "Cháu cứ nói
thế, chắc ông cho gặp!". Quả vậy. Uốn
người, tôi leo một cái cầu thang hẹp,
bậc không đều, cao thấp khó lường.
Nhà thơ ngước mắt nhìn tôi. Ông ta
đây sao? Mười lăm năm trước, ông đã
đứng tuổi nhưng vẫn cường tráng mặc
dầu khi tôi gặp, ông mới bị quản chế
đâu gần ba năm vì cái tội chính thức là
bán rượu lậu. Tội không chính thức, ai
cũng biết, là tội chuyển thơ của ông ra
ngoại quốc. Chính hắn cũng bị liên
quan. Bị cấm cửa không có nhập cảnh
cho tới thời kỳ Đổi Mới mới lại được về,
hắn nói hắn oan, có tội thì là cái tội gà
chưa sáng đã gáy, kiến nghị chính sách
kinh tế gì đó. Nay, tóc ông bạc phau,
móm mém, mắt lờ đờ, nằm nghiêng phì
phò thở.
"Nhà thơ chắc không nhận ra... tôi!"
Ông lắc. Tôi nhắc lại buổi tôi gặp ông
với hắn cách đây mới thế mà đã mười
lăm năm. Ông mỉm cười:
"Lâu nhỉ! Mình trí nhớ kém rồi... Lại
mới ngã cầu thang, xương chậu bị vỡ,
ngồi lên không được! Xin lỗi phải tiếp
khách trong cái thế khó coi này!", ông
khẽ cười.
Hỏi ông đã gặp hắn chưa, ông nhắm
mắt, đáp:
"Bao giờ về cậu ấy cũng đến thăm
tôi. Sau dịp Tết vừa qua, cậu ấy từ Đà
Nẵng vào..."
"Anh ấy có nhắc sẽ đi tìm chùa Báo
Thiên... Thưa nhà thơ, chùa ấy ở đâu?"
"À... Chùa xây cuối đời Lý, bị phá thế
kỷ trước mất rồi... Người Pháp xây Nhà
Thờ Lớn ngay trên móng nhà chùa, ở
góc phố. Làm gì còn chùa Báo Thiên?
Khi cậu ấy hỏi, tôi đã bảo vậy!"
Tôi cân nhắc, rồi ngập ngừng:
"Nhà thơ có biết anh tôi đi tìm gì
không?"
"Biết..."
"Nhưng đó là một niềm hoang
tưởng..."
Tôi nhẩn nha kể lại cho nhà thơ
nghe nội dung những bức e-mail tôi
nhận được và kết luận:
"Sợ anh ấy hoang tưởng ở mức bệnh
hoạn... Cho nên tôi mới về gấp!"
Nhà thơ mỉm cười, từ tốn:
"Đừng sợ. Một thứ vật quý hiếm như
vậy, có hoang tưởng thì cũng tự nhiên
thôi. Vả lại, người nghệ sĩ nào chẳng
hoang tưởng. Động cơ tái tạo mọi hiện
thực phải giẫy bỏ để giải phóng sáng
tạo... Hoang tưởng càng lớn thì khả
năng nghệ thuật càng cao. Như cái
nghiệp ấy mà!"
Ngưng lại lấy hơi, nhà thơ thều thào
tiếp:
"Lấy cái số phôn của Thụy, gọi hỏi
xem... Tay này giao du rộng, cũng quen
biết anh cậu."
Bấm đốt ngón tay, ông lẩm nhẩm
một mình:
"... Thế là tháng nay không thấy mặt,
chẳng hiểu đã tìm ra chưa, rõ cơ khổ!"
Ra đường, tôi vòng lại Nhà Thờ. Đứng
dưới mái hiên một cửa hàng bán mỹ
nghệ cho khách du lịch, tôi ngước nhìn
cây thập tự cao vút chọc vào nền trời
sáng lóa mắt, tưởng tượng cảnh xe bò
chở tượng Phật đi để lấy tượng Chúa
thay vào thế chân trong một cuộc đuổi
nhà đổi chủ. Thế quyền và tâm linh
phải chăng là hai mặt một đồng xu
trong một thể cân bằng không bao giờ
ổn định. Đồng xu quay sau cái búng tay
của tên làm ảo thuật, quay tít thò lò, và
tiếng hô: "Nào đặt cược nào, sấp hay
ngửa!".
Khát đến khô cổ, tôi vào một quán
giải khát. Chọn một góc trống, ngồi mở
Palm đọc lại những bức mail.
*
* *
21-02
... Từ Lăng Cô nhìn xuống, cây xanh
lấp loáng nắng vạch một vòng chặn
biển sóng uốn lượn cứ như chực tràn
vào đất. Xe khách ngừng nửa giờ. Tâyba
lô xuống xe, tay lắc lắc khi đám trẻ
con bán Postcard chồm đến, mắt
ngước lên nhìn, miệng răng khấp
khểnh nhấp nhô ngọng nghịu "pho tao
dần, bli-bli" (four thousands, please,
please). Đến Đà Nẵng, tôi ghé vào Bảo
tàng Chàm nằm gần bến sông, định
mua một tấm bản đồ Mỹ Sơn, xưa là
thánh địa của dân tộc đã gần như bị
xóa sổ này. Cô bé bán hàng lưu niệm
lắc đầu, bảo tôi ra nhà sách. Gọi taxi,
tôi vừa nói thì anh tài hỏi liền: "Việt
kiều hỉ! Hổng có chỗ nào bán bản đồ
đâu, đi mô tui chở cho!". Đi đâu? Nói
thế nào bây giờ? Tôi vừa kể tôi nghe
đồn là có nhiều người đi kiếm thì anh
tài cười lớn: "Rồi, tui biết! Đi đào vàng
phải hông? Nhưng tui chở chú tới chớ
có được vô đào hay không thì còn phải
qua "ải" mấy trùm, tui không bảo
đảm". Anh hạ giọng:
"Ở đây thì cứ có đô xanh là cái gì
cũng được, lo chi..."
Xe chạy được khoảng gần một giờ,
đỉnh tháp Chàm nhô lên từ đầu những
ngọn cây xa xa khiến tôi hoang mang.
Tôi đâu có ý định đi tìm vàng. Mặc dầu
anh tài "xin" thêm năm đô để giúp tôi
móc nối với đường dây một ông trùm
anh quen thân, tôi vẫn không mấy yên
lòng. Chắc chắn ông trùm sẽ hỏi,
không tìm vàng thì tìm chi? Trả lời thế
nào nghe cho xuôi tai đây? Thôi, để hạ
hồi, linh động đối phó chứ làm sao biết
được mọi tình huống. Anh tài chỉ một
rặng núi xanh rì đằng trước, kêu:
"Trong kia là chỗ mình tìm đó, chú!".
Đến eo núi, anh tài thắng xe, móc
điện thoại di động, không nói gì nhưng
bấm tin nhắn. Lát sau, anh rồ máy,
quẹo xe vào một con dốc, nhấn ga. Đi
chừng ba trăm thước, một người vai
đeo AK ở đâu xô ra, tay làm dấu, quát:
"Ngừng!". Mắt trừng trừng, anh ta bảo
chúng tôi xuống xe. Anh tài ghé vào tai
thì thào thế nào mà anh ta gật gật. Tôi
theo anh gác cửa đi vào con đường bụi
bờ quanh co đến trước một cái lán. Lại
một người khác đeo AK trỏ tay vào cái
ghế đẩu trong góc, lạnh lùng bảo: "Chờ
đấy!" rồi quay lưng châm điếu cầy rít
thuốc, tiếng kêu sằng sặc như bị bóp
cổ.
Lúc ấy, mặt trời xế bóng nhưng vẫn
nóng gay gắt. Tôi xin một ly nước, lẳng
lặng uống, mắt nhìn về chỏm tháp
Chàm lung linh chớm nắng. Nhớ lại câu
nói của người đàn bà hôm rời Huế, tôi
buột miệng "Chắc anh sẽ về, chỉ mai
mốt...". Anh gác nghe, cười khẩy:
"Muốn thế thì đừng để rắn cắn, rắn độc
nhất là rắn mang hình người!". Được
thể, tôi bắt chuyện, hỏi. Anh ta giảng
giải: "Ai đào được vàng thì kẻ đồng loại
bên cạnh trở thành rắn ngay, có lần
hết người nọ đến người kia hóa rắn,
cắn nhau cướp vàng chết cả đàn. -
Giọng thương hại, anh tiếp - Vì vậy,
người ta đi đào đi một tốp năm ba
người. Anh đi một mình thì đào không
thấy là sống, mà thấy thì chắc toi, hiểu
chưa?".
"Nhưng tôi có định đi đào vàng đâu!"
Tôi buột miệng.
Anh gác hạ khẩu AK trên vai xuống,
lùi một bước, mắt lừ lừ nhìn tôi như
thôi miên. Chết chưa, tôi đã nói thật,
nguy rồi...
*
* *
Theo lời nhà thơ, tôi gọi cho Thụy
nhưng máy điện thoại di động hoặc bị
tắt, hoặc ở nơi không nhận được sóng.
Sáng sáng, tôi lên sân thượng khách
sạn ngắm trời Hà Nội lúc còn mờ
sương, đợi lúc xuống đi bộ quanh hồ
Hoàn Kiếm. Tôi nghĩ về tôi, những được
mất, và về cái thời niên thiếu đầy
những phút chạnh lòng tủi phận. Thời
đó, giấc mơ một ngày sẽ cao bay xa
chạy khiến tôi âm thầm trui rèn thứ vũ
khí thoát thân là học thế nào để có cái
may mắn được một học bổng đi ra
ngoại quốc. Đó là mơ ước hình như bọn
trẻ chúng tôi đứa nào cũng có. Ở tuổi
mười tám, chúng tôi có thể bị gọi đi
quân dịch nếu thi trượt Tú Tài 2. Nếu đỗ
Tú Tài 1 thì đi Thủ Đức ra trường thành
Chuẩn Úy, còn không thì vào Quang
Trung, chẳng cai chẳng đội tất binh nhì,
thế nào cũng bị đem "thí chốt" nếu
không khả năng chạy chọt. Chiến tranh
đã luẩn quẩn tới ven Thành Phố. Sợ
chưa hẳn sợ, nhưng vui thì chẳng mấy
vui, đối với một kẻ như tôi chỉ có một
giấc mơ là ra đi.
Nhưng hắn không vậy. Hắn là con
đầu lòng, được nâng như nâng trứng,
hứng như hứng hoa. Hắn hay ngồi
"chầu rìa" hóng chuyện "người lớn".
Chả là bố nuôi tôi quen biết giới báo
chí truyền thông, khi gặp nhau "người
lớn" bàn chuyện chính trường thời Đệ
nhất Cộng hòa miền Nam, chuyện
chống Cộng, rồi chuyện đám nhân sĩ
Bắc di cư bị chính quyền Diệm hắt
hủi... Hắn được mớ chuyện chính trị
tiêm nhiễm, tự cho mình một phận vụ
thiêng liêng, tìm sách về nghệ thuật
hùng biện trước công chúng, soi gương
hoa chân múa tay tập nói cái câu của
Tổng thống Mỹ Kennedy, nhưng bằng
tiếng Việt, "Đừng hỏi đất nước đã làm
gì cho ta, mà phải hỏi, ta đã làm gì cho
đất nước...". Tôi cố nhịn cười, tránh
tham gia vào những dự án đổi đời của
hắn. Không nhóm được ngọn lửa thiêng
trong lòng tôi, nhưng có lẽ thương hại,
hắn chỉ thỉnh thoảng nhắc chuyện chí
làm trai của Nguyễn Công Trứ, xuống
Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên.
Phải nói hắn thuyết phục được một số
bạn bè cùng lứa và viết lách in thơ in
truyện trên báo.
Năm ấy là năm học sinh sinh viên
"xuống đường" trong vụ đàn áp Phật
giáo của chính quyền Diệm. Trong
thành phố, giáo dân và Phật tử xung
đột tứ tung. Tin rỉ tai: sắp đảo chính.
Hắn không biết thế nào mà "mua" được
một số vũ khí của Địa Phương quân,
đem chôn giấu chục khẩu súng trường
thời đệ nhị thế chiến, dăm quả lựu
đạn... chờ thời cơ khởi nghĩa "chống
độc tài Diệm-Nhu". Vô tình biết chuyện
không phải là đùa này, tôi buộc phải
báo bố nuôi. Ông ta cho hắn một trận
mắng chửi ra trò. Chỉ kịp chỉ mặt tôi
quát "đồ mách lẻo" thì đã có người đến
hỏi hắn. Hóa ra tôi chẳng mách thì mật
vụ Nhu - Diệm cũng đã biết, cho rình
rập quanh xóm. Thế là bố nuôi tôi phải
tìm cách giấu hắn lên Hóc Môn. Và hè
năm đó, hắn không thi Tú Tài 2. Đây là
lần đầu tôi học, và đi thi, không có hắn
bên cạnh. Chạy chọt với công an, bố
nuôi tôi lại mang hắn về Sài Gòn để
hắn thi kỳ 2, đỗ nhưng điểm không vào
hạng xuất sắc. Làm cách mạng,
chuyện học thứ yếu thôi, tất nhiên.
Năm sau, tôi lẳng lặng nộp đơn và
nhận được một học bổng đi Canada.
Đợi đến khi chỉ còn một tháng là lên
đường, tôi mới báo cho bố mẹ nuôi tôi
biết để xin phép đi du học. Lúc đó, tôi
đã 18 tuổi, thành niên rồi, đi hay ở chỉ
tùy tôi. Ngày đầu, bố mẹ nuôi tôi không
nói gì, vui buồn khó đoán. Phần tôi, tôi
sửa soạn hành lý, mặc dầu chẳng có gì
để mang theo trừ một xấp thư của N
tôi mới gặp hè qua. Ít ngày sau, bố
nuôi tôi thân mật ôm vai, nhỏ nhẹ: "Tao
định cho anh mày đi cùng, nhà không
dư giả nhưng cũng có thể lo được một
phần chi phí. Đi xa có anh có em, học
bổng của con cũng là cái đỡ đần
được... cho bớt lo. Anh mày ở đây thì
còn rầy rà với mật vụ, sớm muộn
chúng nó cũng tìm cách đẩy vào lính
cho mà xem... Con thấy thế được
không?".
Tôi lên đường. Lần đầu ngồi máy bay,
tôi ngắm những đám mây trắng ngang
tầm mắt, không thấy luyến tiếc bất cứ
gì. Giấc mơ suốt thiếu thời đang chắp
cánh vượt những khoảng xa tôi ngờ
chẳng bao giờ lấp cho nổi. Ba tháng
sau, hắn cũng đến Quebec, nơi tôi đi
học. Khi đó, chính quyền Diệm-Nhu bị
lật, cả hai bị bắn chết. Chắc chắn hắn
không còn bị mật vụ nào rầy rà.
Hắn lấy hộ chiếu, đi dạng tự túc, hớn
hở kể ngày cách mạng thành công và
kết "Tiếc là không có mi ở đó, vui
lắm...".
*
* *
Mất ba ngày tôi mới liên lạc được với
Thụy. Anh ta đi quay phim ở Quảng
Bình, về đến Hà Nội mới mở e-mail,
nhận tin tôi và gọi điện thoại. Hỏi, anh
đáp:
"Tôi gặp anh ấy đâu tháng trước,
cùng đi với hai người bạn! Tôi không biết
tên, nhưng một cậu cao to, để râu, nói
giọng Bắc. Còn cậu kia, trẻ hơn, da
trắng như da con gái, nói eo éo, giọng
lai nửa Bắc nửa Nam... Hình như họ là
Việt kiều cả. Họ rủ nhau đi tìm..."
"Tìm gì hả anh?"
"Chịu, giời mới biết được! Chỉ thấy
họ nóng nẩy ra mặt. Mấy ngày sau,
anh ấy hỏi tôi cách xuống đáy núi
Nùng, và làm thế nào móc nối được
một người dẫn đường... Tôi giới thiệu
một tay xưa là đặc công, từng xung
phong vào chiếm Tân Sơn Nhất ngày
Giải phóng!"
"Rồi sao, anh?"
"Sau thì tôi đi xa nên không biết gì
thêm. Nhưng anh đợi tôi hỏi thăm cô
bé Trang xem sao. Tôi gặp anh ấy uống
bia với cô Trang chỗ nhà Thủy Tạ ở ven
hồ... Chỉ sợ cô ta về quê rồi!"
"Vâng, mong anh giúp cho. Tôi lo,
anh ấy... có vẻ không mấy bình
thường!"
"Lo gì cơ?"
Không muốn nhắc đến những bức
mail quái lạ, tôi bịa:
"Anh tôi bị tiểu đường, thuốc insulin
mang theo lại hết!"
"Ở đây thì cứ có đô xanh là cái gì
cũng có..."
*
* *
Đầu tháng 6, Hà Nội là lò lửa nung
cho thân người chảy thành nước. Ngủ
không được. Tôi dậy từ lúc trời còn
chập choạng tối, lên sân thượng khách
sạn ngồi. Nhìn xuống, nước hồ Hoàn
Kiếm lóng lánh gợn ánh đèn quanh hồ,
tháp gươm mơ hồ ẩn hiện. Bên kia,
chiếc cầu sơn đỏ bắc vào đền Ngọc Sơn
nhìn như vành môi mếu xệch của một
thiếu phụ mỏi mòn. Thỉnh thoảng, dăm
ba người lầm lũi bước, bóng khấp
khểnh trên hè phố. Lòng đường vắng
xe an bình chứ không dọa dẫm, và thật
là thần tiên khi tai không nghe tiếng xe
máy khằng khặc hầu như suốt ngày, từ
sáng sớm cho đến quá nửa đêm.
Quái, có tiếng gà gáy nghe ngay giữa
thành phố. Trời sáng dần. Bóng người
lao chao trên con đường ven hồ. Hàng
đoàn, họ đi ngược, đi xuôi. Tiếng người
bắt đầu xôn xao. Tôi xuống đường, nhập
vào đám đông, đi theo đoàn người
chuyển động theo chiều kim đồng hồ.
Họ bước những bước dài, hít thở theo
nhịp chân, nét mặt còn chút thư giãn
đầu ngày. Ở những quãng rộng, có
người chăng lưới đánh cầu lông. Gần
nhà Thủy Tạ, hơn ba chục người xếp
thành ba hàng, tay đưa lên, chân co
vào, chuyển mình theo tiếng của ai đó
gọi tên thế múa những bài quyền Thái
Cực. Tôi bước. Người bên cạnh bước.
Người đằng trước bước. Người đằng sau
cũng bước. Thật an toàn khi có những
người hệt như mình, cùng một động
tác, cùng một hướng đi. Khỏi phải nghĩ.
Cứ thế mà tiến đến phía trước, như mọi
người. Cùng với mọi người. Cảm giác
chỉ là một thứ hạt cơ bản quay vòng
vòng mà không cần gì đến ý thức khiến
tôi lâng lâng bay bổng. Cứ thế, tôi để
tâm trí trống rỗng trên quỹ đạo những
bước chân vòng vòng quẩn quanh, cứ
đúng 30 phút lại quay lại khởi điểm là
chân cầu Thê Húc.
Đi đến vòng thứ sáu, hạt cơ bản bị
một cái sốc ngoại sinh. Đó là một con
bé con khoảng mười hai, mười ba tuổi.
Tôi từng thấy nó lê la ở góc phố Hàng
Trống và Bảo Khánh, nơi tôi ghé uống
cà phê mỗi sáng. Không biết từ lúc nào
cái hạt bé bỏng đó bước theo bước chân
tôi, nhưng đến vòng thứ sáu nó mới níu
áo tôi lại, miệng nói:
"Chú không mệt hả?"
Tôi chậm chân, lắc đầu. Vẫn bước, tôi
bảo:
"Mỗi sáng đi bộ thế này tốt lắm...
Nhất là khi chưa có xe cộ, không khí
còn thở được!"
"Chú cho cháu tí tiền ăn sáng nhé.
Nó ráo hoảnh - ... đi theo chú đến đói
rã họng ra, tí nữa thì hụt hơi!"
"Ai bảo theo mà theo..."
Tôi ngừng bước, tay móc tiền đưa
cho con bé năm nghìn.
"Có thế thôi hả chú Việt kiều?"
Cơn bực mình ở đâu ùa đến. Làm sao
nó biết mình là Việt kiều? Năm nghìn
chưa đủ thì bao nhiêu mới đủ? Tôi nhìn
vào mặt con bé. Nó đen đủi, mắt to, mũi
hơi hếch, tóc kẹp, miệng hé ra cười
duyên.
"Sao mày biết tao Việt kiều? Bát phở
Thìn ở bên kia đường chỉ tám nghìn,
cho mày năm mà còn chưa đủ à?"
Con bé nghếch mặt:
"Chú Việt kiều thì dễ biết quá, chỉ
Việt kiều mới ở khách sạn. Còn như
muốn ăn bát phở thì không đủ, chú biết
đấy. Nó chìa tay, giọng nũng nịu - chú
cho thêm ba nghìn đi!"
Tôi lắc đầu, giật áo bước đi không
ngoái lại. Loa phát thanh của khu phố
lúc đó oang oang đọc tin buổi sáng. Tôi
không nghe. Và hình như cũng chẳng ai
nghe, người đi bộ vẫn bước, người múa
quyền Thái Cực vẫn co chân giang tay.
Đám đánh cầu lông cãi cọ được thua, có
kẻ sẵng giọng văng tục. Anh công an
đứng nhìn, tủm tỉm cười. Xe máy bắt
đầu lượn vòng, mùi xăng xông lên. Tôi
đến góc Lê Thái Tổ và Bảo Khánh. Một
cụ bà lưng còng nhấp nhổm qua đường,
mắt toét nhèm, đầu lắc lư nhìn ngang
nhìn ngửa. Tôi bảo cụ nắm tay cháu, ta
cùng qua. Bà cụ gật gật. Nhưng trong
lòng đường, tôi nhích lên một bước rồi
lại phải lùi xuống. Những chiếc xe máy
cứ vùn vụt lao thẳng tới. Con bé con ở
đâu lại xồ ra. Nó gọn lỏn "...Theo cháu"
rồi cứ thế đi qua đường, không thèm
nhìn trái, nhìn phải. Bà cụ hấp tấp chạy
theo. Con bé đặt chân lên hè phố bên
kia thì tiếng phanh rít lên, tiếng va đập
và một tiếng kêu ối giời ơi, sau là tiếng
chửi. Tôi xoè tay ôm mặt không dám
nhìn, chỉ nghe tiếng chân người chạy.
Và tiếng công an huýt còi.
Vào quán cà phê tôi vẫn đến ngồi đợi
tin Thụy, lại thấy con bé quanh quẩn.
Nó bảo "Xe cứu thương đến đưa bà cụ
đi rồi, nhưng chắc chẳng sống được!".
Tôi làm như không nghe thấy, mở Palm
ra tìm e-mail.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.03.2009 16:54:49 bởi lyenson >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9