DU LỊCH NAM BỘ
lyenson 31.03.2009 00:29:18 (permalink)
DU LỊCH TÂY NINH
Tác giả: Trần Huy Hùng Cường
(có bổ sung một số hình ảnh)

Tây Ninh là một tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, có chung đường biên giới với Campuchia dài 240 km. Trên đường biên giới này có hai cửa khẩu thông với nước bạn là Mộc Bài và Xa Mát. Phần đất còn lại của tỉnh ở phía nam giáp với Long An và thành phố Hồ Chí Minh, phía đông giáp với Bình Phước và Bình Dương.
Diện tích của tỉnh Tây Ninh khoảng 4.029 km2. Địa hình của tỉnh được xem như có hai vùng. Vùng nhiều rừng núi ở phía bắc, từ thị xã Tây Ninh trở lên, nơi tiếp giáp với cao nguyên Nam Trung bộ, trong đó có núi Bà Đen được xem như cao nhất Nam bộ. Vùng đồng bằng ở phía nam tiếp giáp với đồng bằng sông Cửu Long, đất khá bằng phẳng. Có hai con sông lớn chảy qua địa phận của tỉnh là sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Sông Sài Gòn được ngăn lại tạo nên hồ Dầu Tiếng làm công trình thủy lợi tưới tiêu cho nông nghiệp. Là vùng đất tiếp giáp giữa cao nguyên và đồng bằng, nên đất đai rất thích hợp cho việc trồng rừng và cây công nghiệp.
Dân số khoảng 1.017.100 người, gồm các dân tộc Kinh, Khmer và Hoa. Thị xã Tây Ninh là trung tâm hành chính của tỉnh. Tôn giáo gồm Công giáo, Phật giáo và Cao Đài. Tây Ninh là trung tâm của đạo Cao Đài, có tòa thánh Tây Ninh được xây dựng qui mô tại huyện Hòa Thành.
Quốc lộ 22, còn được gọi là đường xuyên Á, bắt đầu từ thành phố Hồ Chí Minh đi ngang qua tỉnh và sang Campuchia. Là chiếc cầu nối phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa giữa nước bạn và vùng miền Đông Nam bộ. Ngoài ra, còn có quốc lộ 22B từ thị trấn Gò Dầu đi ngang thị xã Tây Ninh và đến cửa khẩu Xa Mát khoảng 85 km.

 
BÁNH TRÁNG PHƠI SƯƠNG
& BÁNH CANH TRẢNG BÀNG
 


Đến Tây Ninh, du khách thường quan tâm đến hai món ăn rất bình dân nhưng cũng rất đặc trưng của vùng Nam bộ: bánh tráng phơi sương và món bánh canh Trảng Bàng.
Bánh tráng cuốn với thịt heo luộc thái mỏng, ăn kèm với khoảng 20 loại rau sống phổ biến và loại rau ở địa phương như diếp cá, ngò gai, rau tần, chuối trái sống, lá xoài non, khế chua, rau diếp, rau quế vị, cóc, mặt trăng, săng de, đọt mọt, rau thơm, rau nhái, dưa leo, củ kiệu, đồ chua…. Nước chấm là nước mắm pha loãng chua ngọt hoặc mắm nêm. Tuy nhiên, bánh tráng ở Trảng Bàng – Tây Ninh dùng để ăn món này thường được tráng không quá mỏng và có vị mặn hơn so với các loại bánh tráng tráng khác và được đem phơi sương trước khi phục vụ thực khách.
Món bánh canh cũng rất đơn giản, nhưng có hương vị và cách trình bày món ăn hấp dẫn. Sợi bún không to, mềm nhưng không quá dai. Nước lèo cho vào tô bánh cùng một khoanh giò heo đáng giá, thêm vài lát thịt heo nạc xung quanh. Hành lá xắt nhuyễn rải đều trên mặt, thêm vài lát ớt đỏ và tiêu cay. Khách ăn một lần sẽ nhớ mãi món ăn bình dân này.
 

TÒA THÁNH TÂY NINH

Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh là một công trình kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng tọa lạc trong một khuôn viên rộng một km2, có hàng rào bao bọc xung quanh, thuộc huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh. Tòa thánh cách thị xã Tây Ninh khoảng bốn km về hướng đông. Công trình thể hiện sự hài hòa giữa mỹ thuật kiến trúc Á Đông và kiến trúc phương Tây, gồm nhiều khu vực kiến trúc khác nhau: Tòa thánh, Hộ Pháp đường, đền thờ Phật Mẫu và các tháp mộ. Vòm mái và hoa văn trang trí khéo léo, tinh xảo thể hiện tinh thần tam giáo.
Công trình kiến trúc tôn giáo này được khởi công xây dựng vào năm 1933. Đến năm 1940, công trình đang được xây dựng thì bị Pháp khống chế. Năm 1946, công trình nay tiếp tục được xây dựng và hoàn thành năm 1947. Nhưng đến năm 1955, lễ khánh thành công trình mới được tổ chức.
Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh có 12 cửa. Cửa lớn nhất là chánh môn, là lối vào khu vực trung tâm Tòa thánh theo trục dọc, có hai con rồng chầu Cổ pháp của Phật. Ngay phía sau chánh môn là tháp thờ đức Hộ Pháp. Cửu trùng thiên được sơn ba màu vàng, xanh và đỏ thể hiện tinh thần tam giáo hòa hợp. Cột phướn và cuối cùng là đền thờ.
Đền thờ dài 140 mét, rộng 40 mét. Nóc có ba mái chồng tam cấp. Mặt ngoài có hai tháp cao 36 mét là lầu chuông còn gọi là Bạch Chung Cổ đài và lầu trống còn gọi là Lôi Âm Cổ đài. Hiệp Thiên đài cao 25 mét. Trên nóc ở giữa là Nghinh Phong đài, có con long mã đầu rồng mình ngựa đứng trên quả cầu. Trên nóc phía sau là Bát Quái đài, cao 30  mét có tượng các thiên tướng. Tín đồ theo đạo hoặc du khách đến viếng đền thờ phải vào bằng hai cửa bên hông, nam tả nữ hữu.
Bên trong cửa chính đền thờ là hành lang có bức tường vẽ tranh Tam thánh gồm Nguyễn Bỉnh Khiêm, Victor Hugo và Tôn Trung Sơn. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1442 – 1587) là nhà tiên tri danh tiếng thời nhà Lê của Việt Nam, thi đậu trạng nguyên nên còn được gọi là Trạng Trình. Victor Hugo (1802 – 1885) là thi gia trứ danh của Pháp. Tôn Trung Sơn (1866 – 1925) nhà đại cách mạng của Trung Quốc. Ba vị này đang mài mực để cùng viết lên dòng chữ: “Thượng đế và nhân loại, Tình yêu và công lý” (Dieu et humanité, Amour et justice).
Bên trong, ngay phía sau bức tường của hành lang thờ ba vị có tượng đứng gồm: đức Hộ pháp Phạm Công Tắc ở giữa có trách nhiệm về mặt tinh thần, pháp giới đối với tín đồ trong tôn giáo, bên tay phải là Thượng phẩm Cao Huỳnh Cư tay cầm quạt và đức Thượng sanh Cao Hoài Sang (cháu gọi ông Cao Huỳnh Cư là chú) phía bên trái.
Trong đền thờ có tất cả 28 cột rồng, gồm 18 cột xanh và 10 cột vàng. Phía trước chánh điện có bảy chiếc ghế được sắp xếp một cách trang trọng, gồm sáu chiếc xếp thành hai hàng ngang trước mặt một chiếc ghế lớn nhất, được đặt ở vị trí cao nhất là ngai vàng thờ đức Giáo tông Lê Văn Trung và các vị phụ tá có nhiệm vụ cai quản tín đồ trong đạo.
Chánh điện được thiết kế theo hình bát quái, thờ Thiên Nhãn được đặt trên Quả càn khôn với 3.072 ngôi sao. Xung quang có tám con bạch long đang hợp sức nâng quả càn khôn bằng đuôi. Thiên Nhãn tượng trưng cho Thượng đế, là hình thiêng của đạo Cao Đài.
Bao lam chánh điện được trang trí hình ảnh chín tầng mây, được gọi là “Cửu thiên khai hóa”. Có các vị tiên thánh của các tôn giáo được thể hiện theo hàng ngang và hàng dọc như sau: Hàng ngang, từ phải sang là Quan Thế Âm Bồ Tát, Lão Tử, Phật Thích Ca, Khổng Tử và Quan Công. Hàng dọc, từ Phật Thích Ca đến Lý Thái Bạch, Chúa Giêsu và Khương Tử Nha.
Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh là nơi hành hương, tham quan và tìm hiểu về một tôn giáo bản địa của rất nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi ngày. Với tinh thần hòa hợp, hiếu khách của các vị chức sắc ở Tòa Thánh, du khách sẽ được đón tiếp một cách nồng hậu để chiêm ngưỡng một công trình tôn giáo đặc sắc và được hướng dẫn giới thiệu từng đặc điểm của đền thờ cũng như những hình thức và đường lối của đạo.
 

ĐẠO CAO ĐÀI

Đạo Cao Đài còn mệnh danh là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, do ông Ngô Văn Chiêu, một công chức ở Phú Quốc – Kiên Giang sáng lập năm 1919. Đạo Cao Đài tôn thờ ba đấng tối cao là đức Phật, Chúa Giêsu và đức Cao Đài.
Ngày 07/10/1926, đạo Cao Đài ra tuyên ngôn chính thức thành lập được Thống đốc Nam kỳ phê chuẩn cho phép hành đạo tại miền Nam. Lễ ra mắt của đạo Cao Đài cũng là lễ tấn phong các chức sắc trong đạo được tổ chức long trọng trong ba ngày 18,19 và 20/10/1926, tại chùa Từ Lâm, gần Tây Ninh. Trong lễ ra mắt có Toàn quyền Đông Dương và Thống đốc Nam kỳ đến dự.
Ông Lê Văn Trung được tôn làm Đức Giáo Tông, là người đứng đầu Cửu Trùng đài có trách nhiệm điều khiển chung về mặt nhân sự. Ông Phạm Công Tắc được phong là đức Hộ pháp có trách nhiệm trong việc phép tắc của tôn giáo. Đức Giáo Tông có ba hàng chức sắc thuộc ba ngành: Khổng giáo có y phục áo đỏ, Phật giáo có y phục áo vàng và Lão giáo có y phục áo màu lam. Ba màu đỏ, lam và vàng cũng tượng trưng cho uy tín, đức hạnh và lòng bao dung của đạo. Màu trắng là đồng phục cho tín đồ theo đạo.
Linh vật được thờ là hình tượng con mắt trái, được gọi là Thiên nhãn. Con mắt là động cơ của trái tim, là cánh cửa của tâm hồn. Qua con mắt, con người nhận thức được chân tâm, minh định được con người thật của chính mình để hướng đến sự hoàn thiện. Một ngọn đèn luôn được thắp sáng nơi bàn thờ chánh điện, vì theo quan niệm của đạo Cao Đài thì hai vầng nhật nguyệt luôn thay nhau thắp sáng cho dương trần. Trên bàn thờ còn có Tam bửu: hoa, rượu và trà. Hoa tượng trưng cho tinh. Rượu tượng trưng cho khí. Trà tượng trưng cho thần. Người ta quan niệm rằng, trong cơ thể con người có ba phần tạo nên và vận hành khách quan đó là tinh, khí và thần. Khi hành lễ đốt thêm năm nén hương và trầm, năm nén hương tượng trưng cho kim, mộc, Thủy, hỏa, thổ.
Khi hành lễ, có một vị nam chức sắc mặc áo xanh đi đầu, ông giữ vai trò chủ tế trong buổi lễ. Ngoài ra, còn có một vị nữ chức sắc lớnn tuổi mặc áo trắng, đội tấm voan phủ từ đầu đến chân đứng cạnh chủ tế và nhiều tín đồ nam nữ tham dự mặc trang phục màu trắng.
Tín đồ đạo Cao Đài cúng lễ bốn thời: sáu giờ sáng, 12 giờ trưa, sáu giờ chiều và 12 giờ đêm. Đạo Cao Đài theo chủ trương trong tinh thần hòa hợp tôn giáo. Tín đồ theo đạo sống theo tinh thần cởi mở, tương thân tương ái, làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo khó là truyền thống tốt đẹp của người theo đạo Cao Đài. Đến nay, tín đồ theo đạo Cao Đài đã lan rộng khắp ba miền của đất nước. Tuy nhiên, đạo Cao Đài cũng đã chia ra nhiều môn phái.
NÚI BÀ ĐEN


Núi Bà Đen cao 986 mét, nằm ở phía đông bắc thị xã Tây Ninh, thuộc huyện Hòa Thành, giữa một vùng đồng bằng cách thị xã Tây Ninh khoảng 10 km. Nhìn từ xa, núi Bà Đen trông giống như chiếc nón rộng vành úp trên đồng bằng. Trên núi có nhiều đền chùa cổ kính, hang động đẹp, hoang sơ và nhiều loại cây cổ thụ.
Câu chuyện huyền thoại về Bà Đen được tín ngưỡng trong dân gian sùng kính: “Bà tên Lý Thị Thiên Hương, còn có tên là cô Đen sống ở huyện Dương Minh Châu. Nàng và chàng trai Lê Sĩ Triệt thề ước nên duyên, nhưng bị quan phủ Hoang Hóa muốn chia cắt mối tình. Ông bắt chàng đi lính để cưới nàng làm thiếp. Vì không muốn làm tỳ thiếp cho bọn quan lại, nên bà quyết định lên núi tu và bị cọp ăn thịt. Sau khi chết, bà rất linh thiêng và phù hộ cho nhiều người trong vùng. Theo cách giải thích từ góc độ Dân tộc học: vùng đất này có nhiều người Kinh và người Khmer sinh sống. Do đó, người phụ nữ được nhắc đến trong truyền thuyết có tên là bà Đanh, mà người Việt đọc trại thành Bà Đen”.
Lại có một truyền thuyết khác gắn liền với Gia Long – Nguyễn Ánh: “Khi Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn đánh nhau, ông bị thua trận và chạy lên ngọn núi này ẩn nấp. Trong giấc mơ, ông thấy có một cô gái xinh đẹp, nhưng nước da đen giòn hiện ra và chỉ cho ông nơi ẩn nấp an toàn nhất. Sau này lên ngôi, ông muốn trả ơn cứu mạng nên cho xây một miếu ở núi và đặt tên là miếu Bà Đen”.
Đường lên đỉnh núi Bà Đen quanh co với nhiều cảnh quan đẹp. Lên đỉnh, du khách có dịp nhìn ngắm toàn cảnh nơi đây và càc vùng lân cận. Nhiệt độ thoáng mát, dễ chịu, thấp hơn các nơi khác trong vùng. Trên núi có điện thờ Bà Đen, chùa Phật, phía sau chùa Phật có đường lên tượng Phật nhập Niết bàn, hang Gió và đường lên đỉnh núi, chùa Hang, động Ba Cô… và nhiều hang động trong núi như: động Kim Quang, động Thanh Long, hang Ông Hổ….
Dưới chân núi là khu du lịch di tích lịch sử văn hóa núi Bà có diện tích rộng hàng chục hécta, với nhiều khu vui chơi, giải trí, nhà hàng, nhà nghỉ và nhiều dịch vụ phục vụ du lịch khác. Đường bộ lên núi rất dễ đi. Song, khu du lịch này con có hai loại hình dịch vụ phục vụ đưa khách lên tham quan núi bằng cáp treo và máng trượt có chiều dài đoạn đường hơn 1.200 mét trong khoảng thời gian 20 phút. Sử dụng hai loại dịch vụ này, du khách có dịp thưởng thức những kỹ thuật công nghệ hiện đại và cảm giác ở độ cao trên không để nhìn ngắm cảnh vật xung quanh núi.
Từ lâu, núi Bà Đen là nơi hành hương tham quan hấp dẫn của Tây Ninh và cả vùng miền Đông Nam bộ đối với nhiều du khách trong và ngoài nước. Núi Bà Đen còn là căn cứ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Tại đây, có khu triển lãm bảo tàng trưng bày và giới thiệu những hình ảnh và hiện vật của cán bộ chiến sĩ của quân Giải Phóng trong cuộc kháng chiến.
 
HỒ DẦU TIẾNG

Hồ Dầu Tiếng thuộc huyện Dương Minh Châu, cách thị xã Tây Ninh khoảng hơn 30 km, giáp với địa phận tỉnh Bình Dương. Do điều kiện thiếu nước tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, nên Bộ Thủy Lợi và tỉnh Tây Ninh quyết định ngăn sông Sài Gòn, đắp đập hồ Dầu Tiếng để chứa nước phục vụ nông nghiệp.
Công trình được khởi công xây dựng ngày 29/4/1981 với các hạng mục: Đập chính cũng là bờ bao dài 1.100 mét, cao 30 mét. Đập phụ dài 29.000 mét, cao 10 mét bao quanh hồ. Một đập tràn xả lũ ra sông Sài Gòn. Hai cống dẫn nước ra kênh Đông và kênh Tây. Kênh Đông tưới tiêu cho các huyện Trảng Bàng, Gò Dầu, Dương Minh Châu và khu vực sông Vàm Cỏ Đông. Kênh Tây dẫn nước tưới tiêu cho khu vực các huyện Tân Biên, Hòa Thành, Châu Thành…. Công trình hồ Dầu Tiếng được hoàn thành ngày 10/01/1985. Hồ có diện tích 27.000 hécta, sức chứa 1,5 tỉ mét khối nước.
Hồ Dầu Tiếng là một công trình thủy lợi nhân tạo, nhưng cảnh quan thiên nhiên rất lãng mạn, trữ tình. Không gian rộng lớn, sơn thủy hữu tình. Không khí trong lành, thoáng mát. Hiện nay, hồ Dầu Tiếng là tuyến tham quan du lịch hấp dẫn kết hợp với Tòa thánh Tây Ninh và núi Bà Đen. Hoặc tuyến liên hoàn hồ Dầu Tiếng và thắng cảnh núi Cậu, chùa Thái Sơn của tỉnh Bình Dương.
 
CĂN CỨ TRUNG ƯƠNG CỤC MIỀN NAM

Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam cách Tây Ninh khoảng 64 km. Đây là căn cứ địa của cách mạng lãnh đạo và chỉ đạo nhân dân miền Nam trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi. Căn cứ này là di tích lịch sử đã được nhà nước công nhận năm 1989.
Di tích lịch sử Trung ương Cục miền Nam đã được Sở Văn hóa – Thông tin Tây Ninh cùng với Bộ Văn hóa – Thông tin xây dựng, phục hồi nguyên trạng và hoàn thành vào ngày 15/4/1995, gồm có 1.253 mét giao thông hào được phục chế bằng xi măng giả đất, 1.370 mét đường nội bộ, 13 hầm chữ A, nhà của các vị lãnh đạo, hội trường, phòng họp, nhà bếp. Mỗi ngôi nhà cách nhau 100 mét, được lợp bằng lá trung quân, trong một khu rừng rậm rạp.
Đến khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam, du khách có dịp tận mắt chứng kiến nơi ở và làm việc của các vị lãnh đạo cách mạng miền Nam như Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Thái Bường…. Căn cứ lịch sử cách mạng này là biểu tượng sáng ngời của trí thông minh, tài thao lược và tinh thần kiên dũng của nhân dân miền Nam.
 
Nguồn: CÁC TUYẾN DU LỊCH NAM BỘ nxb Trẻ 2006
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9