Đường xe lửa Đông Dương
HongYen 21.03.2005 15:57:23 (permalink)
Đường xe lửa Đông Dương
Friday, March 18, 2005 Trần Văn Chi



Sau 50 năm đọc lại Luân Lý Giáo Khoa Thư

Đông Dương bấy giờ là từ ngữ để chỉ năm nước thuộc địa Pháp : Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Miên và Lào. Cũng có khi gọi là Liên Bang Đông Dương thuộc Pháp.

Sau khi Pháp ổn định việc chiếm đóng Đông Dương thì họ chú tâm vào công cuộc khai thác thuộc địa bằng từ ngữ hào nhoáng là “gieo rắc văn minh”, thể hiện qua các công trình có tánh công cộng. Đó là lập nhà dây thép hệ thống nước máy, trường học, chợ búa, giao thông . . .

Việc thiết lập đường xe lửa Đông Dương nằm trong chương trình đó.

Xe lửa ngoài Bắc kêu là tàu hỏa, là cái gì xa lạ đối với người mình bấy giờ, cho nên tác giả Quốc Văn Giáo Khoa Thư (QVGKT) mới có bài dạy học trò lớp Dự Bị, lớp Nhì trường làng ngày xưa : “Đường xe lửa chạy suốt Đông Dương…“

Con người sau khi khám phá ra cái vòng tròn, đã đưa đến việc phát minh ra cái bánh xe lăn tròn trên mặt đất, làm giảm sự ma sát. Đó là một cuộc cách mạng lớn của con người.

Ở nhà quê mình xưa nông dân kéo mạ, kéo lúa trên ruộng bằng “cái mong”, “cái cộ”; (trẻ con kéo chơi trên sân bằng cái mo cau, tàu dừa) nên rất nặng nề và cực nhọc

Trở lại một chút, về lịch sử cái xe ở xứ mình : khởi đầu từ xe ngựa, xe bò, xe trâu (do vật kéo), rồi đến xe kéo, xe lôi, xe xích lô (do người kéo), sau này ta thấy xe do máy kéo như xích lô máy, môbylette kéo, such kéo, Honda kéo . . .

Tất cả hình ảnh chiếc xe người kéo, ngựa kéo hoặc máy kéo chắn chắc đã tạo cho các thế hệ người Việt chúng ta nhiều ấn tượng, nhiều kỷ niệm về kiếp con người Việt Nam.

Trong QVGKT mở đầu bài: “Đường xe lửa chạy suốt Đông Dương”, tác giả viết: “Ở xứ Đông Dương người Pháp đã đặt ra nhiều đường xe lửa để chở hành khách và hàng hóa, hiện nay những đường ấy đã qua những nơi giàu có và nông dân ở rồi”.

Xe lửa có ở Việt Nam hồi nào ? Và lịch sử con đường xe lửa Đông Dương ra sao ?

Theo tài liệu thì vào năm 1879, ông Thévenet, Giám Đốc Nha Công Chánh Nam Kỳ, theo lịnh ông Thống Đốc Nam Kỳ bấy giờ là Le Myre de Vilers, (tên trường trung học Nguyễn Đình Chiểu đầu tiên là Le Myre de Vilers), thiết lập dự án đường xe lửa Nam Kỳ.

Dự án đường xe lửa đầu tiên ở Việt Nam này được Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ thông qua với 9 phiếu thuận, 5 phiếu chống sau 6 giờ tranh cải. Hôm ấy là ngày 22-11-1880. Có thể nói đấy là ngày lịch sử của hệ thống xe lửa Việt Nam chúng ta.

Dự án của Le Myre de Vilers dự trù làm tuyến đường sắt bắt đầu từ Saigon qua các thành phố ở Lục Tỉnh đến tận Châu Đốc của Việt Nam, rồi tiếp đến Nam Vang (Campuchia) , Vạn Tượng (Laos) và cuối cùng là Vân Nam (Trung Hoa).

Kế hoạch không được chánh quốc (Pháp) chấp thuận vì con đường thông thương lên Vân Nam bấy giờ đã được khai thông qua ngã sông Hồng Hà ở Bắc Kỳ rồi.

Cuối cùng dự án xe lửa Đông Dương không thành, nên Pháp chỉ cho phép xây đường xe lửa Saigon – Mỹ Tho với tánh cách thử nghiệm cho việc thiết lập con đường xe lửa Đông Dương về sau.

Con đường xe lửa Saigon –Mỹ Tho đã trở thành lịch sử, mở đầu cho hệ thống xe lửa trên toàn Việt Nam.

Người dân Mỹ Tho chắc khó quên hình ảnh con tàu sắt to tướng, nhà khói, bóp còi, ngày ngày chạy qua khu Vòng Nhỏ êm đềm ngày xưa ! ! !

Bạn biết không ? Con đường đó khởi công vào tháng 11 năm 1881 với kinh phí 11.6 triệu Francs và lăn bánh đầu tiên vào 20-7-1885. Thuở đó cầu xe lửa Bến Lức bắt qua Vàm Cỏ Đông chưa xây xong, nên hành khách phải sang xe. Đến tháng 5-1886 xe lửa mới chạy suốt Saigon Mỹ Tho, dài 71 km qua các ga Saigon,An Đông, Phú Lâm, An Lạc, Bình Điền, Bình Chánh, Gò Đen, Bến Lức, Bình Ảnh (?), Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Lương Phu, Trung Lương, và Mỹ Tho.

Những địa danh mà xe lửa đi qua chắc đã tạo nhiều hình ảnh kỳ thú, hấp dẫn đối với người Việt bấy giờ.

Rồi năm 1958, Ông Ngô Đình Diệm ra quyết định bãi bỏ con đường xe lửa Saigon – Mỹ Tho, sau 73 năm hoạt động; gây xúc động lớn trong lòng người Mỹ Tho và Miền Nam bấy giờ ! ! !

Tác giả QVKGT viết tiếp về bài “Đường xe lửa chạy suốt Đông Dương” như sau :

“Trong các con đường xe lửa ấy, con đường quan trọng nhứt là đường chạy suốt cõi Đông Dương, khi nào làm xong rồi thì các nơi từ biên thùy nước Tàu, cho tới biên thùy nước Xiêm có thể giao thông với nhau được”.

Trong khi khai thác rừng núi, làm đường xe lửa người Pháp sử dụng nhân công lao động, trả công rẻ, sống cơ cực, đau ốm, chết chóc rất nhiều. Sau đó, Pháp đề ra chánh sánh mộ phu, lập khu định cư tại các trạm xe lửa để khuyến dụ dân nghèo. Cũng giống như người Mỹ, lúc mở đường xe lửa đông – tây qua tận San Francisco cũng sử dụng chánh sánh mộ phu từ bên Tàu qua mà hiện vẫn còn nhiều dấu vết lịch sử.

Dự án xe lửa của Le Myre de Vilers sau thay thế bằng dự án xe lửa xuyên Việt : từ Saigon - Huế đến Hà Nội qua Vân Nam, cho tới nay vẫn còn sử dụng.

Sách QVKGT viết tiếp: “Hiện nay đã làm xong được hai đoạn đầu: một đoạn về Bắc từ Na Sầm đến Cửa Hàn, một đoạn từ Nha Trang đến Saigon. Nhưng đợi đến khi cả đường làm xong thì có ô tô chở hành khách từ Nha Trang ra Cửa Hàn và từ Saigon sang Xiêm. Thành thử từ Bắc vào Nam chẳng mất mấy nỗi thời giờ, đi thẳng một mặt chỉ mất có 2 ngày rưỡi mà thôi”.

Tác giả viết bài “Đường xe lửa chạy suốt Đông Dương” vào đầu thế kỷ xx, lúc ấy con đường chưa hoàn thành xong. Do đó có chỗ không có xảy ra về sau như dự định.

Thuở đó, người đi xe lửa từ Bắc vào Nam mất hai ngày rưỡi kể cũng quá nhanh, vượt ra ngoài tưởng tượng của người mình.

Con đường xe lửa xuyên Việt chủ yếu chạy theo con đường cái quan, con đường của vua ngày xưa dùng cho việc quân, việc quan, nó đẩy lùi cái hình ảnh chủ quyền của ta về quá khứ, thay thế bằng chế độ bảo hộ.

Nhưng khách quan mà nói, hệ thống xe lửa đã góp phần thay đổi diện mạo Việt Nam từ đời sống vật chất đến tinh thần.

Trong khi đó tại các đô thi như Saigon, Mỹ Tho, Cần Thơ, rồi Hà Nội . . . Pháp đã thay đổi bộ mặt thành phố từ hình ảnh xe ngựa kéo bằng xe người kéo.

Những tiếng kêu “leng keng”, “lốc cốc” của chiếc xe thổ mộ hoặc xe kiếng được thay thế bằng tiếng thở hổn hển của người phu kéo xe…

Bởi lẽ vào năm 1888, Pháp nhập vào Saigon 400 chiếc xe kéo tay (gọi là xe kéo) để phục vụ cho lớp người quyền thế, và xe thổ mộ bị đưa ra ngoài thành.

Rồi đến năm 1934, một viên quan Pháp cải tiến xe kéo tay có vẻ nô lệ, bằng xe xích lô đạp, đầu tiên nhập vào Nam Vang sau đó qua Saigon rồi đến Bạc Liêu.

Cái xích lô đạp (cyclo) được người mình gọi là “xích lô Tây”, người phu ngồi phía sau, coi có vẻ lịch sự và văn minh, bớt nô lệ hơn!

Người Việt tiếp nhận xe kéo tay, xe xích lô và cải tiến nó thành chiếc “xe đạp lôi” đa dụng: chở người, chở hàng, trên nhiều địa thế, tận hang cùng ngõ hẻm, làm giảm bớt sự cực nhọc của phụ nữ, giải phóng đôi vai các bà mẹ, bà chị Việt Nam.

Chiếc xe đạp lôi có mặt đầu tiên ở Việt Nam vào năm 1917 tại tỉnh Gò Công, do người Gò Công sáng chế.

Bên cạnh “những văn minh”, cái lạc hậu vẫn tồn tại lâu dài vì số người mình thời đó vẫn uống nước sông, nước giếng, xài đèn dầu, kéo xe, đạp xích lô.

Dù sao, thì qua lịch sử của cái xe; từ cái xe kéo tay đến hệ thống xe lửa Đông Dương cũng cho thấy có sự tiến bộ .

Nay có dịp trở về nước, thăm quê, đi qua những địa danh mà ngày nào chiếc xe lửa Saigon-Mỹ Tho chạy qua, quả là thú vị và gợi lại trong chúng ta những buồn vui lẫn lộn.

Hoặc giả ngồi lại trên chiếc xích lô, dạo quanh khu Saigon, trong lòng chúng ta như nỗi lên một chút buồn man mác, như nuối tiếc một thời đã qua, những gì đã mất.

Và phải chăng cái tâm trạng đó chỉ có đối với người viễn xứ mà thôi ?

tranvanchi@earthlink.net

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=20573&z=16
#1
    Easyman 22.03.2005 02:56:05 (permalink)

    Đông Dương bấy giờ là từ ngữ để chỉ năm nước thuộc địa Pháp : Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, Miên và Lào. Cũng có khi gọi là Liên Bang Đông Dương thuộc Pháp


    ??? sao lại là 5 nước nhỉ??3 nước thôi chứ ,Việt Nam khi đó bị chia ra làm 3 kỳ ( như ở bên Tây Âu gọi là tiểu bang ).
    #2
      HongYen 22.03.2005 04:50:08 (permalink)
      Hi anh EM à,

      Thời xưa em là gái xứ Nam Kỳ, anh là trai xứ ( có lẻ còn trong pụng). Tây nóí gọi một nuớc Việt Nam bây giờ là ba xứ khác nhau, mà không biết có 3 cờ khác nhau không.

      Xứ Đông Dương là do China (Trung Hoa) + India (Ấn Độ); vì vậy cần gì có tên nào là Việt Nam.....

      May mà dân mình noí tiếng Việt dù có biết chữ viết hay không. Mong rằng "toa" với moa là EM với HY.

      Chúc vui với tên goị tiền nhân

      PS. Bây giờ người Hoa vẫn gọi mình là "ố nàm dành" khác "thòng dành". Nghiã là gì mong chỉ biết âm thanh thôi.
      #3
        QVPT 23.03.2005 04:22:57 (permalink)
        Những con đường "Thiên Lý" đầu tiên

        Xưa kia vùng đất Sài Gòn - Gia Định còn hoang vu, rừng rậm, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Muốn đi lại, dân chúng phải dùng xuồng ghe. Đường bộ rất không thuận lợi. Từ sau khi chúa Nguyễn chính thức đặt bộ máy cai trị ở vùng đất mới, hệ thống đường bộ mới bắt đầu được chú ý xây dựng mà quan trọng nhất là các đường bộ từ Sài Gòn đi các hướng: Bắc, Nam, Đông, Tây gọi là đường Thiên Lý.

        Thoạt đầu, vào năm 1748 vị quan Điều Khiển Nguyễn Hữu Doãn cho xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường Thiên Lý từ Gia Định ra phía Bắc: bắt đầu từ Cầu Sơn (thuộc quận Bình Thạnh nay) đến núi Châu Thới (Biên Hòa) rồi đổ về Mô Xoài (Bà Rịa). Con đường khi qua mương ngòi thì bắc cầu, gặp chỗ bùn lầy thì lót cây, đắp đất, gặp sông lớn thì đặt đò qua sông, người chèo đò được miễn thuế. Con đường Thiên Lý ra Bắc được hình thành từ đó.

        Sau khi xây dựng Thành Qui (Thành Bát Quái) để làm kinh đô triều Nguyễn, vua Gia Long cho đắp các đường Thiên Lý để mở rộng giao thông đường bộ từ vùng đất Sài Gòn đi các hướng chính. Năm 1815 các con đường Thiên Lý đi về phía Tây và phía Nam được xây dựng.

        Đường Thiên Lý đi về phía Tây được đắp từ cửa Đoài Duyệt - Thành Qui đến A Ba (Cao Miên) dài 439 dặm, nay là đường Cách Mạng Tháng 8 đi từ Bà Quẹo, Hốc Môn qua Tây Ninh sang Campuchia.

        Đường Thiên Lý đi về phía Nam khởi đầu từ cửa Thốn Thuận - Thành Qui, đến Thủ Đoàn (nay là Thủ Thừa), Trấn Định (nay thuộc Tiền Giang). Đường này nay là đường Nguyễn Trãi vào Chợ Lớn đi Phú Lâm xuống Mỹ Tho và đi với các tỉnh miền Tây.

        Đường xe lửa đầu tiên

        Hai mươi năm sau khi chiếm được Sài Gòn, năm 1881, nhà cầm quyền Pháp đã cho khởi công làm đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho dài 71 km. Toàn bộ tuyến đường với hệ thống các ga được hoàn thành vào cuối năm 1882. Nhưng mãi đến ngày 20 tháng 7 năm 1885, tuyến đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho mới chính thức đưa vào khai thác vận chuyển hành khách và hàng hóa từ Sài Gòn đi Mỹ Tho và ngược lại.

        Đến năm 1897, tại cuộc họp khóa đầu tiên vào ngày 6 tháng 12, Hội đồng tối cao Đông Dương đã đề ra chương trình xây dựng đường xe lửa Đông Dương dài 3.200km trong đó có đường xe lửa Sài Gòn - Hà Nội và Sài Gòn - Phnôm Pênh. Năm 1902, cầu Bình Lợi qua sông Sài Gòn được xây dựng, trên cầu có đường xe lửa nối Sài Gòn - Biên Hòa. Cầu có 6 nhịp, có một nhịp quay do hãng Lavelois Perret đấu thầu.

        Năm 1910, tuyến đường xe lửa Sài Gòn - Nha Trang được khởi công. Đến ngày 16/7/1913, tuyến xe lửa này được hoàn thành và đưa vào khai thác. Cũng trong năm 1913, tuyến xe lửa Gò Vấp - Hốc Môn (qua Hạnh Thông Tây - Chợ Mới - Quán Tre) và tuyến phụ Gò Vấp - Sài Gòn (qua cầu Bông) cũng được thiết lập. Cuối cùng, phải đến ngày 01/10/1936, toàn bộ tuyến đường xe lửa xuyên Đông Dương mới được hoàn thành.(internet)

        #4
          Easyman 23.03.2005 04:58:12 (permalink)

          Xứ Đông Dương là do China (Trung Hoa) + India (Ấn Độ); vì vậy cần gì có tên nào là Việt Nam.....


          Theo Easy thì Xứ Đông Dương không phải như HY viết đâuChina (Trung Hoa) + India (Ấn Độ);
          Mà xứ Đông Dương hay người Pháp lúc đó gọi là INDOCHINE nghĩa là bao gồm Việt Nam,Lào và Cambodscha ( Cam phu chia ) !

          - Easy còn nhớ một câu chuyện là : có mấy người Việt Nam phải đi lính cho Pháp và đã đánh nhau với quân Đức Quốc Xã và bị bắt làm tù binh, với giấy tờ tùy thân lúc bấy giờ người Đức đã lầm tưởng ( INDOCHINE )và ghi là China... tất cả những lời khai và nói chung những gì liên quan tới những người lính này đều còn được lưu giữ trong kho lưu trữ của Đức!!
          #5
            HongYen 28.03.2005 11:21:15 (permalink)

            Theo Easy thì Xứ Đông Dương không phải như HY viết đâuChina (Trung Hoa) + India (Ấn Độ);
            Mà xứ Đông Dương hay người Pháp lúc đó gọi là INDOCHINE nghĩa là bao gồm Việt Nam,Lào và Cambodscha ( Cam phu chia ) !


            Khá khen EM đã lục lọi trong thư khố Đức quốc. Vậy ra con cháu mấy người lính kia nên thưa Đức dể đòi bồi thường chiến tranh

            Còn nữa đã nói 3 Việt Kỳ + 1 Lào + 1 Mên = 5 nước = Indochine

            Rồi theo Pháp Indo mà không chịu lối viết ngắn của Ấn Độ và chine -> viết ngắn của nước Trung Hoa.

            Từ từ, nhẫn một chút đi nghe QV kể chuyện dòi8 xưa trên đường Thiên Lý

            Chúc vui với 5 nước và

            7 châu 5 biển. Có chiến tranh nguội đến. Từ từ rồi EM cũng thắng hay thua
            #6
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9