Tình Già - Vĩnh Liêm
Viet duong nhan 03.04.2009 05:16:03 (permalink)
Tình Già

Già không phải vì tuồi già đâu nhé!
Già vì ta chẳng biết được yêu thôi!
Hãy yêu nhau, hãy yêu mến cuộc đời!
Hãy tha thiết – tình yêu là lẽ sống!

Tình yêu ấy là tình yêu sống động,
Yêu vẫn còn yêu mãi chứ không thôi!
Ta yêu nhau vì lẽ sống cuộc đời,
Nếu không thế, cuộc đời buồn tẻ ngắt!

Hãy yếu mến! Yêu cuộc đời cho gắt,
Vì không còn lẽ sống để mà yêu!
Nếu không yêu, ta chẳng được nuông chiều,
Ai âu yếm mà đưa ta vào mộng?

Vâng! Thực tế tình yêu đầy sống động!
Ai không yêu thì chẳng được tình yêu!
Cuộc sống này còn lại được bao nhiêu
Mà không để tình yêu tràn hơi thở?

Yêu đi chứ! Ðừng bao giờ khất nợ!
Mỗi lần yêu, cuộc sống lại thăng hoa!
Vì đời ta, ai cũng gặp tuổi già!
Ðến lúc ấy, chẳng còn gì yêu được!

Yêu là thuốc, là món quà linh dược!

(Ðức Phố, 01-04-2009)

VĨNH LIÊM
#1
    Viet duong nhan 07.05.2009 05:50:52 (permalink)
    Nhân ngày Lễ Mẹ/Lễ Hiền Mẫu (Mother's Day), xin tặng bài thơ Mẹ để cùng nhau tạ ơn Mẹ, bậc hiền mẫu của chúng ta. Vĩnh Liêm.
     
    Mẹ

    *  Kính dâng từ mẫu thay lời tạ lỗi
    *  Kính tặng các bậc hiền mẫu Việt Nam
    Cám ơn Trời Phật đã cho Mẹ buớc qua con số 90,
    tính tới Tết Kỷ Sửu 2009. Cầu chúc Mẹ vượt qua
    giai đoạn khởi phát của chứng bịnh già.


    Mẹ ơi! Con đã lớn rồi,
    Ðầu hai thứ tóc mà đời chưa vui!
    Hằng đêm nhớ Mẹ, ngậm ngùi,
    Hận cho ly biệt chôn vùi tuổi thơ.
    Con đi quá đỗi tình cờ,
    Làm sao Mẹ biết mà chờ đợi con!
    Bây giờ xa cách nước non,
    Nhớ hình bóng Mẹ mỏi mòn đêm thâu.
    Quê nhà còn mãi khổ đau,
    Như đời của Mẹ dãi dầu gió sương.
    Mẹ là hình ảnh quê hương,
    Tình thương của Mẹ đại dương dâng đầy.
    Bao năm khổ nhọc hao gầy,
    Nuôi con khôn lớn, chờ ngày vinh quang.
    Nhưng đời Mẹ vẫn lầm than,
    Khi con khôn lớn, giang san nát nhầu!
    Quê hương gấm vóc nhiệm mầu,
    Như tình của Mẹ căng bầu sữa thơm.
    Nhớ bàn tay Mẹ vo cơm,
    Nhớ từng khúc cá, lửa rơm bập bùng.
    Nhớ bàn tay Mẹ giăng mùng,
    Ðêm khuya đập muỗi, thức cùng đêm đen.
    Mỗi lần trở bệnh ho hen,
    Mẹ lo cạo gió, thuốc men đi tìm…
    Con thì đuổi bướm, bắt chim…
    Ham chơi nên ngỡ đời im lặng thường.
    Ðâu ngờ đất nước tai ương,
    Chiến tranh loạn lạc, tình thương chia lìa!
    Mẹ còn ở lại bên kia,
    Ðếm bao nhiêu tấm mộ bia đổi đời…

          * * *
    Bao giờ gặp lại Mẹ ơi!
    Cho con sống lại tuổi đời hoa niên.
    Cầu mong Mẹ được bình yên,
    Chờ con quay bước, đoàn viên sum vầy.
    Ôm con vào một vòng tay,
    Như con của Mẹ những ngày ấu thơ…
    Mẹ ơi! Ngày ấy bao giờ?!

    (Ðức Phố, ngày 30 tháng 1 năm 1993)

    Vĩnh Liêm
    (Trích trong Tị Nạn Trường Ca, Tập V)
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 07.05.2009 05:51:54 bởi Viet duong nhan >
    #2
      Viet duong nhan 16.05.2009 17:29:39 (permalink)
      Thuyền Bát Nhã

      Thuyền Bát Nhã đưa ta vào Bến Giác,
      Cõi hư không, trầm mặc với bao la.
      Gác ngoài tai chuyện thế tục, phồn hoa,
      Mặc nhân thế đắm chìm mùi lục vị.

      Sống mặc khải, cuộc đời thêm ý nhị,
      Giữa thiên nhiên, tâm ý sáng như tơ.
      Mở cửa lòng giải thoát hết điều nhơ,
      Mọi thành ý ươm đầy hương tinh khiết.

      Cũng là lúc tâm hồn đầy quán triệt,
      Niềm vô ưu, bản ngã, chất men đời...
      Như con thuyền dong lướt giữa biển khơi,
      Không vướng mắc bến bờ ràng buộc, trói…

      Bình minh rạng, ánh mặt trời chói lọi,
      Biển và mây cùng hợp tác với nhau.
      Như vôi nồng quyện thắm với trầu cau,
      Làm sự sống nẩy mầm trong vô tận.

      Thuyền Bát Nhã nâng tinh thần tinh tấn,
      Ý thanh tao, cốt cách đượm nho phong.
      Coi mọi điều trần tục có-như-không,
      Có rồi mất, mất cũng là mầm có.

      Coi chuyện khó chẳng phải là chuyện khó,
      Khó cũng là kết quả của không-không.
      Chẳng có gì phải rối rắm, long đong,
      Rồi mọi việc sẽ tinh tường giải quyết.

      Ðiều hệ trọng nên giữ lòng tinh khiết,
      Chớ bận tâm nghi kỵ, ý dèm pha.
      Ðừng bao giờ dùng tới những lời ngoa,
      Thêm chuốc lấy ưu phiền cho trí não.

      Người Tâm Phật không bao giờ ảo não,
      Cứ an vui tự tại với tâm thành.
      Rồi cuộc đời ngát tỏa một màu xanh,
      Hoán đổi hết những gì không chân chính.

      Trước vật chất chẳng bao giờ bịn rịn,
      Mọi vật đều là những bóng phù du.
      Chẳng bận tâm vì bóng tối thâm u,
      Mở tâm sáng vút cao thành vô lượng.

      Thuyền Bát Nhã là con thuyền định hướng,
      Cõi Bồng Lai rực rỡ ánh bình minh.
      Ðạo cùng Ðời vượt thoát cõi u minh,
      Nâng lẽ sống thăng hoa cùng tuệ giác.

      Sự kỳ diệu hân hoan thành nhã nhạc,
      Vút cao lời tâm ý ngát thiên hương.
      Dẫn ta đi vào hội cảnh thiên đường,
      Nơi tìm đến con người cùng Giác Ngộ.

      Ðó là lúc Phật Ðà ra tế độ,
      Ánh Ðạo Vàng rạng chiếu cảnh Bồng Lai.
      Mọi người cùng thiền định với Như Lai,
      Tâm tức Phật, Phật tức Tâm là thế!

      Sống tâm Phật đi vào lòng thế hệ,
      Ðể con dân được sống cảnh an nhàn.
      Ðể muôn người đuợc nói tiếng hân hoan,
      Ðể sự sống muôn loài thành tâm ý.

      Không còn cảnh phải lo toan, ích kỷ,
      Không duy tâm mà cũng chẳng duy linh.
      Nên cuộc đời tràn ngập ánh bình minh,
      Muôn tiếng hát líu lo bừng sức sống.

      Thuyền Bát Nhã là con thuyền linh động,
      Có rồi không, không rồi có, như nhau.
      Chỉ có thuyền chỡ hết nỗi khổ đau,
      Thuyền là ý, ý là Thuyền Bát Nhã.

      (Ðức Phố, ngày 02 tháng 02 năm 1997)
      #3
        Viet duong nhan 16.05.2009 17:30:34 (permalink)
        Vô Ngã Vô Ưu

        Cái Ta có tự bao giờ?
        Sống như huyễn mộng bất ngờ thế thôi!
        Cuộc đời là một cái nôi,
        Lắc lư thì ngộp, khi thôi thì buồn.
        Cái nôi là lẽ vô thường,
        Nghiệp trong nhịp lắc, đoạn trường miên man.
        Tham, Sân, Si – bệnh thế gian,
        Rước chi cái nghiệp đa mang cho phiền?!
        Tâm hư mắc bệnh ham tiền
        Xưa nay Ðức Phật, Thần, Tiên đâu cần.
        Buồn phiền làm hại cái thân,
        An nhiên tự tại tinh thần thảnh thơi.
        Thế gian bày một trò chơi,
        Ðừng ham quá độ khiến đời long đong.
        Cuộc đời sắc tức thị không,
        Sao mang tai họa vào trong làm gì?
        Có nghe Phật dạy từ bi?
        Tu hiền chưa muộn, thử đi sẽ tường.

        (Ðức Phố, 4 .11.2002)

        Vĩnh Liêm
        #4
          Viet duong nhan 16.05.2009 17:31:17 (permalink)
           
          Cuộc Sống Ðẹp
           
          Cuộc sống đẹp là thăng hoa nếp sống,
          Nét tinh anh trong suy tưởng việc đời.
          Là niềm tin an lạc, ý vui tươi;
          Yêu mến cả muôn loài, muôn vật thể.
           
          Cuộc sống đẹp là an vui tinh thể,
          Ðể tinh thần thơ thới vút lên cao.
          Chẳng bận tâm vì những chuyện tào lao;
          Chẳng để ý chuyện bàng quan thiên hạ.
           
          Cuộc sống đẹp là sống trên tất cả,
          Những việc đời nhỏ nhặt của trần gian.
          Dù giàu sang hay trong cảnh cơ hàn,
          Vẫn thanh thản, vững lòng yêu cuộc sống.
           
          Cuộc sống đẹp như trời cao, biển rộng,
          Khi thác rồi, thi thể vẫn còn trong.
          Vì máu tươi còn sắc thắm trong lòng,
          Rồi siêu thoát cùng con thuyền Bát Nhã.
           
          Cuộc sống đẹp thì con người tao nhã.
           
          (Ðức Phố, 13 tháng 6 năm 2004)
           
          Vĩnh Liêm
          #5
            Viet duong nhan 16.05.2009 17:32:05 (permalink)
            Luận về Tam-nghiệp

            (3 nghiệp chướng)

            Tóm lược các ý chánh của Ðức Huỳnh Giáo Chủ PGHH:
            1.  Thân-nghiệp - tội lỗi do thân xác gây ra. Thân-nghiệp sanh 3 điều ác:
                 (1)  Sát-sanh (giết người, giết thú vật)
                        a.  Người đối với người: giết nhau vì tiền bạc, vì sắc đẹp, vì lợi danh, vì quyền thế, vì thù hiềm, vì háo thắng…
                        b.  Người đối với thú cầm sinh vật: giết thú vật vì miếng ăn, vì sự dị đoan mê tín, vì sự vui thích.
                 (2)  Ðạo-tặc (bất lương vô đạo):
                        -  không làm muốn có ăn, không lo muốn có mặc.
                        -  khoét vách đào tường, cướp giựt (cướp của và đoạt giựt tài sản của lương dân)
                        -  sống ngoài vòng pháp luật, trốn chui trốn nhủi
                 (3)  Tà-dâm (hiếp dâm, cưỡng dâm, gian dâm)
                        -  giàu ỷ của hiếp dâm kẻ khó
                        -  quan ỷ quyền cưỡng bức dân hèn
                        -  gian phu dâm phụ
            2.  Khẩu-nghiệp - tội lỗi do miệng lưỡi gây ra. Khẩu-nghiệp sanh 4 điều ác:
                 (1)  Lưỡng-thiệt (do miệng lưỡi gây ra)
                        -  gây ra sự hiểu lầm nhau, bất hòa, hiềm khích
                        -  gây ra những sự cãi vã, gây gổ sinh oán thù
                        -  tạo ra những sự chia rẽ, những cuộc phân tranh
                        -  phá tan sự đoàn kết và tình thân yêu giữa nhân loại
                 (2)  Ỷ-ngôn (ỷ quyền, ỷ thế, ỷ tiền, ỷ khôn)
                        -  chủ ỷ quyền mắng nhiếc tôi tớ
                        -  quan ỷ thế mắng chửi dân ngu
                        -  kẻ giàu có ỷ tiền xài xể người nghèo
                        -  kẻ xảo quyệt ỷ sự khôn lanh nói những điều thất thiệt
                        -  kẻ học thức ỷ sự khôn ngoan dùng lời nói hạ nhục người dốt nát
                 (3)  Ác-khẩu (thề thốt, lỗ mãng, hăm he, chửi mắng tực tằn, trù rủa, kêu réo Phật Trời)
                        -  Dùng những tiếng thề thốt, lỗ mãng, chửi mắng tục tằn
                        -  Con chửi mẹ mắng cha, không kể luân thường hiếu thảo
                        -  Mạnh bạo hăm he đánh giết những kẻ yếu hèn
                        -  Hiếp đáp xóm chòm cô bác
                        -  Chửi gió mắng mây, trù rủa gia đình, không kiêng Thần Thánh, kêu réo Phật Trời
                 (4)  Vọng-ngữ (thêm thừa huyễn hoặc, có nói không, không nói có)
                        -  gây ra những sự bất công
                        -  giấu giếm sự quấy, thêu thùa sự tốt
                        -  đặt điều nói xấu, che đậy cái điều phải của người khác
                        -  khoe khoang tự đắc, xảo trá đa ngôn
            3.  Ý-nghiệp- tội lỗi do ý tưởng gây ra. Ý-nghiệp sanh 3 điều ác:
                 (1)  Tham-lam (tham danh, tham lợi, tham sắc, tham tài, tham quyền, tham thế)
                        -  gây nên những thảm họa tầy trời: chiến tranh, cướp của giết người, hối lộ…
                        -  làm cho nhân loại điêu linh
                        -  làm cho con người đau buồn hận khổ
                        -  cấu xé lẫn nhau, nồi da xáo thịt, tương sát tương tàn
                (2)  Sân-nộ (tánh nóng nảy)
                        -  làm những chuyện bất công sái phép, chém giết oán thù nhau
                        -  cuồng trí, mất tự chủ, dữ dằn bạo tợn
                        -  chẳng còn nghĩ đến việc công bình, lẽ phải trái
                (3)  Mê-si (do sự thiếu óc phán đoán, thiếu sự suy nghĩ mà ra)
                        -  không phân biệt được lẽ phải trái
                        -  bo bo giữ thiển kiến sai lầm
                        -  chẳng chịu nhìn nhận chân lý     
                        -  cả đời ngu muội
                        -  chỉ biết tin bướng làm càn

            Thơ (Tóm lược các ý chánh)
             
            Tam-nghiệp

            Thân-nghiệp

                  Thân ta chính nó hại ta,
            Nghiệp mang vì nó gây ra ba điều:
                  Sát-sanh tội lỗi quá nhiều.
            Lại còn Ðạo-tặc sanh điều bất lương.
                  Tà-dâm phá chuyện luân thường,
            Hỡi ơi! Thân-nghiệp khó lường vậy sao?!

            Khẩu-nghiệp

                  Lại thêm Khẩu-nghiệp sa vào,
            Cũng do miệng lưỡi! Làm sao không phiền?
                  Bốn điều độc ác luân phiên,
            Là do Lưỡng-thiệt đầu tiên tạo thành.
                  Ỷ-ngôn làm chuyện chẳng lành,
            Còn thêm Ác-khẩu, thanh danh chẳng còn.
                  Thế rồi Vọng-ngữ tô son,
            Nói lời huyễn hoặc, soi mòn người ta.

            Ý-nghiệp

                  Tội do Ý-nghiệp mà ra,
            Ba điều nên tránh để mà giữ thân.
                  Tham-lam là tội rất gần,
            Tham quyền, tham thế… khiến thân mệt nhừ.
                  Lại thêm Sân-nộ tính hư,
            Dữ dằn, mất trí, từ từ giết nhau…
                  Mê-si thiếu óc tự hào,
            Chẳng phân biệt được lẽ nào đúng sai!

            (Ðức Phố, 28-01-2005)

            Vĩnh Liêm

            Thân-Nghiệp

                  Thân gây tội lỗi cho ta,
            Nếu không tu sửa, tới già còn mang.

                  Sát-sanh là tội giết càn,
            Mạng người, cầm thú.. vô vàn khổ đau!
                  Giết nhau vì lợi, tham giàu,
            Tị hiềm, háo thắng, thù nhau, vì tiền…
                  Bất lương Ðạo-tặc rất phiền,
            Không làm mà muốn có tiền xài chơi.
                  Ðào tường, cướp giựt của người,
            Ngoài vòng pháp luật, cả đời trốn chui…
                  Tà-dâm mới thật hổ ngươi,
            Cậy quyền, ỷ thế, hiếp người, cưỡng dâm.
                  Gian phu dâm phụ ăn nằm,
            Mặc ai đau khổ, tà-dâm chẳng chừa…

                  Ðó là Thân-nghiệp có thừa,
            Hãy nên bắt chước gương xưa mà từ.

            (Ðức Phố, 28-01-2005)

            Vĩnh Liêm


            Khẩu-nghiệp

                  Lưỡi ta gây khổ cho ta,
            Miệng càng nói xấu sanh ra hiểu lầm.

                  Ác do Lưỡng-thiệt nhiều năm,
            Gây ra hiềm khích, tình thâm chia lìa.
                  Oán thù, cãi vã, rẽ chia,
            Phá tan đoàn kết, mai kia bất hòa…
                  Ỷ-ngôn - lời nói điêu ngoa,
            Cậy quyền, ỷ thế nói xa nói gần.
                  Ỷ khôn chửi mắng người dân,
            Ỷ giàu xài xể người bần cố nông…
                  Lại thêm Ác-khẩu nằm lòng,
            Chửi cha mắng mẹ, cũng không nể Trời.
                  Thánh Thần kêu réo đả đời,
            Tục tằn, lỗ mãng, dùng lời hăm he…
                  Lại thêm Vọng-ngữ đậy che,
            Ðặt điều nói xấu, tự khoe khoang mình.
                  Gây ra những sự bất bình,
            Thêm thừa, huyễn hoặc, trá hình, đa ngôn…

                  Tạo chi Khẩu-nghiệp xảo ngôn!
            Dùng lời chơn thật để còn sống lâu.

            (Ðức Phố, 28-01-2005)

            Vĩnh Liêm


             Ý-nghiệp

                  Nghiệp do ý tưởng mà ra,
            Nó gây tội lỗi, thân ta mang vào.

                  Tham-lam gây cảnh buồn đau,
            Làm cho cấu xé lẫn nhau, tương tàn…
                  Chiến tranh, khổ hận, lầm than,
            Nồi da xáo thịt, vô vàn điêu linh…
                  Sân-nộ tánh nóng của mình,
            Nếu không tu sửa tính tình cuồng say.
                  Gây ra thù oán hàng ngày,
            Bất công, sái phép, đọa đày thân ta…
                  Mê-si do óc mà ra,
            Không phân biệt được điều tà, lẽ ngay.
                  Cả đời ngu muội, đắng cay,
            Bo bo thiển cận, ai ai cũng phiền…

                  Ðó là Ý-nghiệp triền miên,
            Phải nên xa lánh, tu hiền sửa thân,

            (Ðức Phố, 28-01-2005)

            Vĩnh Liêm
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 16.05.2009 17:33:24 bởi Viet duong nhan >
            #6
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9