NHẬT KÍ LANG THANG
Khải Nguyên HT 09.04.2009 10:55:06 (permalink)
NHẬT KÍ LANG THANG
                   

Thứ sáu 18-8-1989.

      Hừng “đông” cả ở phía tây. Nhìn xuống mờ mờ sương khói. Có lẽ đã vào đất Nga. Những đám rừng loang lổ làng mạc và thị trấn. Một cái sân bay với  hai dãy dài máy bay xếp đối diện ngay ngắn, nom nhỏ nhoi như đồ chơi con trẻ.
      Gần bảy giờ rưỡi (giờ Mat-xcơ-va), máy bay hạ  cánh xuống sân bay Sê-rê-met-sê-vô.  Lần đầu tiên đặt chân xuống đất Liên-xô, ước vọng của nhiều người, từ hồi nào. “Trăm nghe không bằng một thấy, Trăm thấy không bằng một sờ”. Cảng bay rất rộng, hai tầng, nhưng không trải ra nhiều khu vực đi mỏi chân như hai cảng bay Roat-xi I và Roat-xi II-Pari. Cũng rất ít các gian hàng miễn thuế trong khu cách li như ở hai ga bay kia.
      Băng cuốn trả hành lí bỗng ngừng chuyển quá lâu. Sốt ruột, một anh chàng trong đoàn sục vào phòng chất hành lí. Mình cũng theo vào. Một nhân viên ngăn lại. Anh này nói bằng tiếng Nga: ”Để chúng tôi vào xem trục trặc ở chỗ nào”. Va-li và túi du lịch của hành khách chất đầy nhiều lớp trên các giá trong phòng; băng tải vẫn nằm ỳ. Hai người tìm thấy va li  của mình, lôi ra. Người Nga kia chìa tay đòi tiền thù lao. Mình giật mình, trong túi chưa đổi được tờ giấy bạc Liên-xô nào. May, người đồng cảnh đã nói : “Liên-xô và Việt Nam, chúng ta cả mà”. Hai người ung dung xách “chiến lợi phẩm” đi ra, mặc anh nhân viên đực mặt nhìn theo. Thấy rõ sự xuống cấp về vật chất, và cả tinh thần, ngay tại điểm tiếp xúc quốc tế đầu tiên của một đất nước vĩ đại!
      Mấy cháu gái còn rất trẻ từ thành phố Hồ Chí Minh đi “xuất khẩu lao động” đến ga bay mong gặp người quen từ bên nước sang, nói rất tội khi mình hỏi chuyện: “Khổ lắm mấy chú ơi! Mỗi tháng chúng cháu chỉ để dành được 50 rúp”. Số rúp ấy đổi chui chỉ được hơn ba đô la Mĩ. Vậy mà bên nước nhà phải cậy cục, lo lót mới được đi làm thuê xứ người, kể cả số người có bằng cấp không xoàng, số người có chức vụ! Không lạ nếu họ phải xoay xở, kiếm chác, như hầu hết lưu học sinh, như người của các cơ quan ngoại giao hoặc thường trú,-người mình, tất nhiên! Dân “xuất khẩu lao động” có người xông xáo, giỏi chịu đựng, song không có lợi thế  tiếng Nga như “dân” công  tác thường trú và “dân” lưu học sinh. Nhất là, “dân” thực tập  sinh; họ không phải thi lấy bằng cấp, có thể học được chăng hay chớ, cũng chẳng phải chạy chọt, lo lót để được “đỗ”. Có câu rằng: “Nhất anh ngoại vụ, nhưng chưa bằng mụ Put-xkin”. “Anh ngoại vụ”, chẳng chỉ riêng dân ngoại giao. Còn “mụ Put-xkin” là nói những người Việt học bổ túc tiếng Nga ở trường Put-xkin, cả những người  học ở trường viết văn Goocki, và có thể suy rộng cho thực tập  sinh nói  chung.
      Hai thanh niên Việt đến hỏi: “Các chú, các bác có gì bán không?”. Họ cho biết: “Bọn Cộng chúng cháu nhặt hàng ở mọi nơi, mọi lúc”. Tiếng “Cộng” nghe lạ tai, sau mới biết là để chỉ những người Việt buôn bán trao tay trên đất Liên-xô và các nước Đông Âu. Một cậu tự động cho mình hai đồng 2 cô pếch để gọi điện thoại tại trạm công cộng.
      Xe của Aeroflot đưa về khách sạn. Ăn trưa xong, định thuê taxi đến một địa chỉ trong thành phố không tiện đường xe điện ngầm. Một anh cảnh sát chặn gần chục cái xe để hỏi giúp mình, nhưng khi biết nơi phải đến họ đều lắc đầu chẳng biết có phải vì trái tuyến hay không. Người cảnh sát nhiệt tình song không “thiêng”. Xem ra dân lái  xe ở đây chẳng sợ công an “một phép” như ở Việt Nam.
      Chuyển hướng, đi xe điện ngầm đến gặp T., phó ban... Ra khỏi ga ngầm có ba người Nga tốt bụng ba lần chỉ đường  mà lần không ra. Tại mình ngu ngơ tiếng Nga. Vào một trạm điện thoại tự động gọi để T. ra đón. May mà còn kịp nghĩ ra “sáng kiến” (!) này.
      Ga xe điện ngầm cao rộng hơn ở Pari nhiều, tựa một phòng khánh tiết lớn, có tranh, tượng trang trí, sạch sẽ, mát mẻ dù trên đường phố hơi nóng. Chừng ba phút một chuyến tàu, khá đúng giờ đến và đi. Nhìn trên bản đồ, một tuyến vòng tròn  bao quanh khu trung tâm cắt ngang các tuyến tia từ trung tâm toả ra mọi hướng rất tiện cho việc đổi tuyến  đường. Đường  ngầm nối các ga không dằng dặc như ở Pari. Có nhiều thang máy cuốn hơn.
 
19-8
.-Bảy giờ sáng (giờ Matx), dậy cảm thấy sảng khoái hơn mọi sáng. Trời mát. Nắng đẹp. Sực nhớ hôm nay là ngày kỉ niệm cách mạng Tháng Tám. Ở nhà chắc khẩu hiệu, cờ quạt chăng đầy; đài và báo nhắc nhở. Ở đây chẳng  có gì gợi cả, mà những người Việt Nam hình như chẳng có ý niệm gì!
      Muốn rủ người đi xem vườn Bách thảo, nhưng “thiên hạ” mải chạy hàng chẳng  có ai. Một mình lớ ngớ thế mà rồi cũng đến nơi. Ban đầu có cái e ngại lùm cây, bụi cỏ nơi rừng lạ. Nhưng rồi thấy được  ít nhiều cái thú đi trong rừng cây im mát. Rừng Nga, cây cối Nga... Ai bảo rừng ôn đới không có các bụi cây nhỏ và rậm? Có điều không thấy các cây có gai và dây leo thôi. Chưa nhìn thấy bạch dương. Cây và hoa hướng dương giống bên ta, song to hơn. Suối nước đỏ nâu không sạch, mà cũng chẳng  đẹp. Những bãi cỏ xa nom khá hấp dẫn, chỉ muốn được lăn mình lên đó. Đàn vịt bơi nơi xa, mình nghĩ là vịt giời. Đất Nga xám nâu tơi, không khác lắm một số nơi  ở Việt Nam.
 
20-8.
-Cùng bốn người nữa đi xem bảo tàng Bô-rô-đi-nô, bảo tàng về trận tướng Cu-tu-dôp chống Napôlêông xâm lược nước Nga đầu thế kỷ 19. Kì công là bức tranh tròn. Trong một gian phòng hình tròn khổng lồ người ta trưng những mô hình tĩnh và  động kết hợp với những tranh vẽ trên vách phòng. Tài  tình ở chỗ: bước vào, người xem ngỡ như đang đứng trước một chiến địa  mênh mông kéo ra tít tận chân trời.  Có thể bao quát toàn chiến trường khi theo dõi diễn biến  trận đánh.
      T. nữ giáo viên trường đại học sư phạm ngoại ngữ sang bổ túc tiếng Nga ở trường Put-xkin, kể rằng những người nước ngoài ở thủ đô Liên-xô muốn đi ra các tỉnh ngoài phải có vi-da, mà chuyện xin vi-da không đơn giản. Cô ta thường phải nhờ người Nga quen mua vé hộ; việc này cũng không đơn giản vì công an bám rất sát. Nói vậy, chứ được biết cô ta tung hoành buôn bán khắp nơi, một mình hoặc cùng một người bạn, có thể là trai, “đi đêm” nhiều mà có bị “gặp ma” lần nào đâu!
      23h15,  xuống đường đi dạo một vòng. Đường vắng. Vài người đứng đón taxi. Dăm chiếc xe phóng nhanh. Một cặp trai gái đứng một góc, tránh ánh đèn xe lẩn vào bóng cây.  ỞViệt Nam, hồi này đã dạn dĩ hơn kia! Trăng khuyết, đêm 20 ta. Trăng trên bầu trời Mat-xcơ-va nom to hơn ở nhà, ở các vùng nhiệt đới, có lẽ thế.

21-8 .– Ghé thăm khu “Triển lãm kinh tế quốc dân”. Khu này được mở ra từ năm 1964, một thời được báo chí của ta và của nhiều nước ca ngợi như là một thành tựu kinh tế, một thành tựu khoa học-kĩ thuật hơn là về mặt tuyên truyền, quảng cáo.  Khu vực rất rộng vượt quá sức tưởng tượng của mình. Các nhà trưng bày rải ra giữa các công viên, vườn hoa, có thể làm nơi đi dạo những khi vắng người. Mà hôm ấy cũng không đông khách tham quan. Các đồ trưng bày có vẻ cũ cũ, mình không am tường lắm nên chẳng đánh giá được song  cũng cảm thấy cái gì đó như là ít sinh khí. Một số nhà đóng cửa. Trước khu triển lãm có mô hình tên lửa bay vút lên trời cao, vừa thanh thoát, vừa hùng vĩ. Nơi bệ bằng đá tảng mài nhẵn, cỏ um tùm lách qua các khe hở. Nhìn chung, ấn tượng về một sự trì trệ, không gợi sự tươi mới, sự đi lên. Quán Pepsi-Cola vừa mở cửa đã trưng biển HET (không có). Quán kvat, hỏi đến chỉ thấy lắc đầu dù cửa hàng vẫn mở. Nhớ lại hôm qua đọc một thông báo: “ Phiếu đường tháng Bảy đến 10-10 hết hạn”.  Khan hiếm này có khi còn hơn ở bên nhà. Gooc-ba-chôp (tổng bí thư đảng Cộng sản Liên-xô) nói nghe rất hay, chẳng biết có xoay chuyển được gì không?
      Đi xe về nhà khách sứ quán. Nhìn nhanh ngoại ô  và ngoại vi  thành  phố. Những dãy nhà cao tầng (mươi tầng trở lên) đồ sộ nhưng đơn điệu. Những  rừng cây, vườn cây không tỉa tót. Thật trái ngược với bên Pari, quá tỉa tót! Một cánh đồng không rộng lắm. Thấp thoáng một miền quê xa.
 
22-8
– Có bản đồ Mat-xcơ-va  trong tay đi đâu cũng được, mặc dù tiếng Nga chỉ lõm bõm.  Thành phố này rộng lớn, đồ sộ; có nhiều công trinh cổ kính và hiện đại, có nhiều công viên và cảnh quan thiên nhiên đẹp. Song, một tay nguyên là một vụ trưởng bên nhà, từng học bảy năm tại đây lại bảo mình: “Mát không đáng xách dép cho Pari”.   Còn một bác sĩ thì nói: “Mát chỉ là một grand vilage (cái làng lớn) và các ga xe điện ngầm to tát nhưng mauvais goÛt (kém thẩm mĩ)”. Lại một cậu quan chức thành phố, hồi mình  còn ở nhà cũng bảo: “Em thấy Mạc-tư-khoa chỉ được cái to, chứ chẳng đẹp gì cả”. Phải vậy không? Cần  phải xem đã! Nếu họ căn cứ chủ yếu vào những cửa hàng hào nhoáng, những dịch vụ tối tân,... thì lại khác.
      Buổi chiều, đến Quảng trường Đỏ. Nhìn ảnh tưởng rất rộng. Một lần, nghe nhà văn T.H. nói lại tưởng tượng ra rất hẹp. Hoá ra đều không đúng. Trông được, không làm thất vọng. Nhưng quái! Sao vừa đến đầu bên phải đã thoảng mùi khai nước tiểu? Dân Nga thế thì tệ thật! “ Trái tim” mà để vậy được sao?
      Đảo qua cửa hàng  bách hoá tổng hợp trước mặt quảng trường, một trong những nơi  thu hút đông người đến Liên-xô trước đây, thời còn phồn thịnh. Đông người. Chẳng phải là nơi để mình dừng bước lâu.

23-8 – Đi cắt tóc. Ngồi chờ hơn nửa giờ, chẳng thấy một mống thợ cắt nào. Những người cùng ngồi chờ biến đi đâu hết. Mở cửa nhìn vào thấy có mỗi cậu Nga choai choai được cắt tóc dở dang đang ngồi trơ đó chẳng thấy ai khác. Các cửa hiệu cắt tóc ở đây đều quốc doanh, đã “tiến kịp” kiểu làm ăn quốc doanh và tập thể Việt Nam rồi đấy! Cơm chiều xong tìm đến hiệu khác. Lại đợi nửa giờ. Trong phòng cắt có ba thợ: hai gái, một trai, nhưng chỉ có một cô làm việc. Mình nói tiếng Pháp, cô ta chẳng hiểu. Cô ta nói gì, mình cũng mù tịt. Cả cắt và gội, nghe nói chỉ một rúp, mình đưa hai rúp, cô thản nhiên cầm bỏ hộp. Kể cũng lạ, ngồi chờ cắt tóc trên đất Nga, cạnh những người Nga, thế mà có lúc mình ngỡ như đang ở Việt Nam, có phải vì đang đọc một tác phẩm văn học tiếng Việt!
      Hơn 21 giờ vẫn còn ráng chiều. Ở quê nhà, lúc này đã quá nửa đêm.
      Đánh được một con muỗi no căng máu. Ai bảo xứ lạnh không có muỗi? Lại ở tầng 7! ở đây  không có thói quen nằm màn

24-8 – Nhà thờ chính giáo Nga với vòm củ hành thếp vàng, với những nét trang trí xanh đỏ nom giống đồ chơi trẻ con. Nhớ đến các trang sách minh họa các chuyện cổ tích đọc thời thơ ấu. 
      “Công viên trung tâm văn hoá và nghỉ ngơi Goocki”, một trong những công viên rộng và đẹp nhất thủ đô Liên-xô. Người ta bắt đầu giờ làm việc khá muộn. Nhiều cửa hàng dịch vụ cửa đóng im ỉm. Có khá nhiều trò chơi cho người lớn và trẻ con; một số trò chơi “dữ dội”. Ít người tham gia. Cạnh guồng quay thẳng đứng đường kính chừng hai chục mét, mấy trai Nga cho thuê ống nhòm làm “dịch vụ tư nhân” tự phát. Mình vừa ngồi vào giỏ treo, một đứa lại gần trao cái ống nhòm con, mình bất giác cầm lấy. Khi vòng quay được đưa lên cao, ống nhòm chẳng giúp gì được mình bởi chất lượng kém và cũng bởi sương mù nhẹ phảng phất trên thành phố. Vé ngồi guồng quay chỉ 10 cô-pếch, mà tiền thuê ống nhòm nó lấy đến 40 cô-pếch!
      Rải rác trong công viên những người ngồi bán những “mẹt” đồ chơi hoặc quà bánh. Một chị khá xinh,còn trẻ, ngồi bán một “mẹt” bánh kẹo. Một chiếc xe con chạy qua dừng lại, một tay cũng trẻ ló đầu ra  hỏi gì đó, chị ta lạnh lùng trả lời, nét mặt cao kì, “đài các”. Những dấu hiệu đầu tiên của  những “mẹt” hàng như ở Việt Nam những năm gần đây chăng?

26-8 – Mưa dầm dề.  Mùa thu  Mat-xcơ-va  đấy ư?
       Ở đây, cũng được nghỉ cả ngày thứ bảy.
 
28-8
– Sáng nay nắng đẹp.
       Trên hè đường, trước một nhà thờ “củ hành-xanh đỏ” có những bà già ăn xin, thấy từ hôm mới đến. Sáng nay thêm một cháu bé ngồi cạnh một bà già. Đây là một trong những hình ảnh không ngờ nhất của Liên-xô!

29-8 – Tay Lĩnh ở phòng lãnh sự làm ăn tắc trách. Đáng lẽ nó phải làm vi da. Người ta nói bọn Lĩnh đã thành “cáo cụ”. Tại bọn này vô trách nhiệm, chứ chẳng phải chỉ do người Nga nguyên tắc.
      Chuyện trò với T.C.K., phụ trách lãnh sự, biết thêm một số điều “thú vị”.
      + Chuyện luật giao thông của nước mình. Một xe con của sứ quán Bungari đang đi. Hai anh ả đang đèo nhau bằng xe đạp đột ngột quành trước mũi xe mà không xin đường, bi xe ô tô đâm phải. Xe đạp  của cặp đó hỏng, một xe đạp khác bị hỏng lây. Ta buộc tội lái xe “không chủ động tay lái”. Người của sứ quán Bun nói: “Như vậy, theo các đồng chí thì phải phạt tay lái xe: bắt; tước bằng; đuổi về nước; cấm đi nước ngoài. Lương tâm các đồng  chí có cho phép làm vậy không? Đó là về tình. Về lí  thì với tốc độ 40km/h, nếu phanh kịp xe còn còn lết đi ba mét. Đồng chí thử ném một con gà trước xe xem có làm chủ được tay lái không?”.
“Cũng về luật: cán phải gà, chó, lợn của dân phải đền. Tôi xin nói ý kiến quần chúng “5 đồng” (chỉ lính trơn): bảo vệ thủ trường, thậm chí tổng thống một nước ngoài (đang ngồi trong xe) hay là bảo vệ con chó (chạy ngang trước xe)? Chẳng hạn, xe đang xuống dốc, phanh ngay sẽ bị lật xe...”
      + Theo luật hôn nhân và gia đình thì con ngoài giá thú “mang án suốt đời”. Định nghĩa con ngoài giá thú là  “Bố mẹ không đăng kí kết hôn” như vậy thì ngay bộ trưởng bộ Tư pháp và vợ cũng đều là con ngoài giá thú, bởi cha mẹ họ thời trước làm gì có giấy “đăng ký kết hôn”! Chính một người Pháp cũng ngạc nhiên về điểm này.
      Qui định “con nuôi không được cải họ theo bố nuôi” cũng là điều lạ!
      + Việc sử dụng người ở bộ ngoại giao cũng khá là kì!
       Một chị kế toán  trung cấp được cho đi học nghiệp vụ về luật tại chức cấp tốc, thi đạt 34 điểm được đề bạt làm vụ phó, rồi vụ trưởng. Bố trí cho chị ta vào đảng uỷ bộ bằng cách chỉ đề cử có hai nữ, trong đó người kia là nhân viên thường, rõ ràng là để làm “đệm”; vậy mà chẳng ai bầu cho chị vụ trưởng. Trong khi đó, một ông nắm vấn đề nhưng thi chỉ đạt 15 điểm nên không được tín nhiệm. Kể cũng phải.
     Con ông chóp bu của bộ học về “hóa thực phẩm” lại làm  vụ trưởng đối ngoại!
     + Thời Lê D., có chủ trương “ngoại giao làm kinh tế”, ai nói “ngoại giao phục vụ kinh tế” thì bị cất chức ngay!

30-8 - Cái T., cháu dâu họ, chạy buôn lậu rất giỏi, hứa hươu hứa vượn rồi chẳng giúp được gì cả. Mình đích thân làm thì được ngay. Thật bất đắc dĩ mới nhờ cậy, mà cũng chớ cả tin!
      Một thanh niên Nga tận tình chỉ đường, rồi tự giới thiệu là kĩ sư  và ngỏ ý rất muốn sang Việt Nam công tác. Lúc chia tay còn nói: “Việt Nam good”. Cơn bĩ cực của dân Xô-viết.
 
31-8
- Ra ga đi Volgograt. Mình lúc thì rề rà, lúc thì nôn nóng, hấp tấp bắt tắc-xi lúc 12h30. Lạnh run. Mưa nhỏ và gió. Mình chỉ mặc complê, ngoài khoác măng-tô mỏng. Một người đàn bà Nga trạc trung niên đi đến nói bằng tiếng Pháp: “Ông còn phải chờ lâu, hãy vào phòng đợi tránh rét. Kia là bảng báo giờ tàu đi...”. Trên bảng điện tử không thấy báo giờ đi Vôn. Mình quẩn quanh, một lúc lại gặp bà ta: “ Tàu Vôn về chậm, ông có thể  đi tìm chút gì ăn. Hàng ăn ở đằng kia”. Mình cảm ơn và hỏi xã giao bà đi đâu, bà ta nói: “Tôi ra đây có chút việc”. Rất lạ là làm sao bà ta biết mình đi Vôn, lại biết mình biết tiếng Pháp? Bà ta không tiếp cận bằng tiếng Nga mà mở đầu ngay bằng tiếng Pháp. Người ta nói KGB theo dõi sự di chuyển của người ngoại quốc ra ngoại tỉnh rất chặt.  Nhẽ nào lại thế? Ở đây biểu lộ sự  ân cần đối với một người nước ngoài lọt thỏm giữa một biển người lạ lẫm. Ga rộng, khách đông, song chẳng thấy cảnh chen chúc, vạ vật.
      16 giờ lên tàu. Trễ 35 phút. Một mình một ngăn toa hạng nhất. Toa loại này chỉ có hai giường. Khá sang, nhưng tiện nghi xoàng. Chẳng hạn nước uống, nước rửa đều phải đến đầu  toa tự lấy. Các ngăn toa loại thường có bốn giường; hai ở tầng trên, không sáu giường  như ở ta, ở Tàu.
     Tàu qua ngoại ô Mát xuôi về phía  Nam. Mãi chẳng thấy đồng bằng. Địa hình nhấp nhô như cao nguyên mỏng.
      Những cây phong lá bắt đầu vàng, chưa phải “mùa thu vàng”  như trong  tranh Lê-vi-tan. Những cây bạch dương  gốc to và cành lá như bị bó,-thứ cây khiêm tốn tự thu mình để choán ít không gian.

01-9 – Sáng,tập dưỡng sinh. Tàu lắc quá xá, dữ hơn tàu ở Việt Nam. Khoảng 8 giờ, khó chịu trong người, sống lưng ớn lạnh. Thần sốt rét “hạ cố” chăng? Hậu quả của mấy ngày tất bật tại Mát, và tối hôm qua ít ngủ vì ngứa. May có mang theo Quinimax và biết tự tiêm lấy.
      Các ga tàu đỗ lại rất vắng. Vắng khách. Vắng hàng quà. Chỉ một lần thấy một bà lão bán táo rong dưới sân ga. Trên tàu, đến bũa có một bà đi các toa bán thức ăn,- có phải người của đường sẳt?
      Nằm dài gần suốt một ngày. Mình thích ngắm cảnh mà cảnh chỉ lướt qua tâm trí mệt mỏi và ốm đau.
      Ngoại vi  thành  phố Volgôgrat. Tượng bà mẹ Tổ quốc trên đồi Ma-ma-ep nhìn thấy từ  xa. Tàu lượn quanh quéo chân đồi, hành khách có thể nhìn thấy tượng hầu như từ  mọi phía. Có vẻ như tượng đứng trên một ngọn đồi hoang vu, kém hấp dẫn.
      Tàu phải dừng lâu nhiều lần  trước khi vào ga chính lúc 15h15. Trễ hơn hai tiếng đồng hồ. Khoảng một nghìn cây số đi chưa hết một ngày đêm, vậy mà ngồi trên tàu có cảm giác tàu chạy rề rà. Tàu lắc mạnh chắc một phần vì đường kém, một phần vì tốc độ cao hơn tàu ở Việt Nam. Đường sắt Hà Nội-TP Hồ Chí Minh dài 1726km, phải đi hết 52 giờ (những năm này) nếu thật trót lọt.
      Qua kính cửa sổ toa tàu, thấy sân ga thưa thớt người; không thấy bóng người da vàng nào. Nhưng khi mình vừa ra tới bậc lên xuống thì có tiếng gọi. Một người Việt, trạc bốn mươi, cao to, ăn mặc chững chạc, nét mặt cởi mở tới đón, đi trước Thịnh và một cô nữa.
      Đi taxi suốt 20km về chỗ trú. Một căn phòng có cửa sổ nhìn ra sông Vônga, con sông mình đã hơn một lần nhìn thấy qua phim ảnh và đọc trong hồi kí của Goocki.
      Thành  phố Vôn, trước 1962 mang tên Stalingrat, nằm dọc sông Vônga dài tới 80 ki-lô-mét song bề ngang thì chỉ chừng  mươi ki-lô-mét, bị những lạch trũng chạy từ dãy đồi phía tây ra sông cắt ngang. Cảnh quan hơi chắp vá, cả về mặt tự nhiên lẫn mặt xây dựng.
 
02-9  - Th. dẫn đi xem tượng bà mẹTổ quốc trên đồi. Đẹp hơn rất nhiều so với tưởng tượng từ trên tàu. Tượng đặt trên một ngọn đồi thoai thoải, là “đỉnh” của một quần thể kiến trúc tưởng niệm cuộc chiến đấu ác liệt bảo vệ và giải phóng Stalingrat  chống quân Hítle. Từ bờ sông leo dần lên, có rất nhiều tượng tròn, phù điêu trong các khuôn viên với bồn hoa, đài phun nước, giữa hồ nước, hai bên đường lên. Gần  đỉnh đồi có đường xoáy trôn ốc dẫn tới chân tượng. Thấy nói toàn thân tượng cao đến 52 mét, là bức tượng cao thứ nhì thế giới cho đến lúc này. Bề dày ngón chân cái của tượng cao tầm một cháu bé mười tuổi. Riêng thanh kiếm dài 29 mét và nặng 14 tấn. Người đàn bà Nga khổng lồ, tay trái dang ngang, tay phải cầm kiếm vung chếch lên trời, miệng mở to như ra lời kêu gọi, uy nghi, mạnh mẽ mà vẫn mang dáng vẻ duyên dáng, kiều mị của nữ giới. Thật  là tài nghệ, không chỉ về mặt kĩ thuật, một khối bê tông - cốt thép tám nghìn tấn mà vẫn tạo được dáng bay của tóc, nét lượn của vải, thần thái của mặt, vẻ đẹp của thân thể.
      Từ chân tượng bà mẹ-tổ quốc nhìn hơi chếch sang bên phải, không xa, là quảng trường “Mẹ thương đau” mà trung tâm là tượng một bà mẹ cúi đầu xuống đứa con trai trong tay mình, bị thương hoặc đã chết. Khối tượng đồ sộ cao hàng chục mét nổi lên giữa một bồn nước rộng như biểu tượng của nỗi lo và nỗi đau muôn đời của các bà mẹ.
      Từ chân tượng  nhìn hơi chếch sang bên trái, đối diện với  quảng trường “Mẹ thương đau” là ”Phòng vinh quang binh nghiệp”, một cái nhà tròn đường kính 40 mét, cao 13,5 mét. Chính giữa phòng là một bàn tay khổng lồ vươn lên nắm ngọn đuốc mang ngọn lửa bất diệt; chung quanh trên tường là những tấm bia ghi tên các liệt sĩ hi sinh vì Stalingrat.
      Một khu tưởng niệm kì vĩ! Một đất nước, một dân tộc biết tôn trọng chiến tích quá khứ như vậy ắt ẩn chứa một sức mạnh trường tồn. Song le trước mắt, qua nhận xét của mình và qua ý kiến của số người Việt hiện đang công tác hoặc học tập ở Liên-xô thì thấy có gì đó trì trệ.
      Th. ăn kẹo cao su mình mang từ một nước tư bản đến, thấy mấy đứa trẻ liền đem cho mỗi đứa một chiếc, cho cả vài chị gần đó. Họ có vẻ cảm kích lắm. Một thứ kẹo người phương tây nhai cho đỡ buồn mồm thì lại là thứ quí hiếm ở đây, ở bên nước mình nữa!.

06-9 - Thăm bảo tàng chiến dịch Stalingrat. Ngoài trời và trong nhà. Lại nhà tròn trưng bày và diễn tả toàn cảnh chiến dịch như  với trận Bô-rô-đi-nô. Cũng vẫn những mô hình tĩnh và  động kết hợp với những tranh vẽ trên tường vây quanh tạo một chiến địa mênh mông thấy cả chân trời. Ngoài trời có nơi trưng bày chiến cụ, vũ khí dùng trong các trận đánh và chiến lợi phẩm. Một toà nhà đầy thương tích chiến tranh còn được giữ lại. Một số chiến tích của ta, đặc biệt là trận Điện Biên Phủ, đáng được và cần phải bảo tồn theo kiểu như vậy.
      Buổi tối. Trăng đã lên cao trên hành trình của nó, nhưng chỉ là là sát chân trời, ngỡ là sắp lặn.
      Hồi chiều một nhận xét của Đ.: “Cả nước này đang lãn công” ảnh hưởng đến lớp trẻ, làm việc tuỳ tiện, kém kỉ luật, ngại khó, phân công việc gì mà tiền công ít thì phụng phịu, vùng vằng... Đâu rồi tinh thần lao động  xã hội chủ nghĩa vẫn thuyết người ta để chịu đựng một số kẻ lãnh đạo vừa dốt vừa nát, làm ăn thì kém mà thu vén cho cá nhân và gia đình thì giỏi? Có lẽ sự xuống cấp còn chậm hơn bên nước ta.

09-9 . Đi xem đêm văn nghệ của lưu học sinh Việt Nam tại bốn mươi trường cao đẳng và đại học Liên-xô. Hai tiết mục dân ca và kịch câm xem được. Hơi phiền là cô gái Việt mặc váy Âu để hát dân ca Việt! 23h30 ra về trong đêm lành lạnh một cách khinh khoái. Công viên trong đêm vắng lặng không có những cặp tình tự, cũng không ẩn dấu những mối đe doạ như ở ta. Vào giờ này ở đây tối  chưa lâu, vậy  mà  đường phố Vôn khá thưa người, trái với ở các thành  phố Việt Nam. Có phải vì bên ta nghèo nhưng dễ dàng tiêu phí tiền bạc và thời gian hơn?
      Nghe một trưởng khu (quản lí lao động) nói về T., trưởng vùng, là một tay “buôn tế nhị” và “tuần chay nào cũng có nước mắt” (ý nói con-ten-nơ nào của người  lao động gửi về nước cũng có suất của anh ta).

11-9 . Đi tàu trên sông Vônga, loại  tàu du lịch có cánh ngầm lướt như bay trên mặt nước, vận tốc có thể lên tới 60km/giờ. Cũng thú vị. Bên bờ tây dốc cao là thành phố trải dài; bên bờ đông thấp trũng nhiều b•i cây cối và hồ ao, rải rác các cụm dân cư. Tầm nhìn hạn chế. Nắng gắt, nóng nực tác động xấu  đến cảm hứng thưởng ngoạn. Đi lướt trước lối vào kênh đào Lê-nin. Nhìn rõ từ xa tượng Lê-nin, trước kia là tượng Stalin đã bị dẹp bỏ từ thời Khơ-rut-sôp.
     Th. kêu lên: “Kia có con chim hải âu đậu trên một con cá đang bơi!” nhưng đó chỉ là một thứ phao chỉ điểm.

12-9 . Đi xe lửa tới ga  Zakanal (Cận kênh đào) phía nam thành phố, qua kênh đào Lê-nin. Một bên sông, một bên núi. Nhà cao tầng xen những bãi đất hoang hoặc bề bộn vật liệu xây dựng. Đầy cỏ lau; -cỏ lau Nga có khác cỏ lau Việt Nam, khác cỏ lau Công gô, nhưng vẫn là thứ cỏ của hoang vu và bán khai. Xe lửa  chạy qua một đầu kênh đào Vônga-Đông,  cái kênh đào được tán dương rầm rộ một thời, hồi 1952-53.

14-9 . Trung tâm thành phố Vônga, có nhiều công viên và quảng trường đẹp và sạch. Đại lộ Lênin, ngoài cây cối hai bên đường, giữa hai dải đường được ngăn cách bởi một chuỗi công viên hẹp kéo dài. Cảng sông gần bến lên đi vào  trung tâm, gọn, xinh, sạch; một nhà tròn nhiều tầng lầu làm nơi ăn, uống, giải trí. Mình đến chỗ thang máy lên lầu, họ “không làm việc vì không phải giờ” dù đang là buổi sáng!
     Giá ở  Hải Phòng người ta quan tâm xây dựng và chăm chút các công viên như thế!
Buổi chiều tìm mãi mới đến được đoạn đường ra sông Vônga. “Ta đã lội xuống ngươi, rửa mặt  và rửa chân”. Nước sông khá trong nhưng nhiều vẩn, không bằng  sông  Phố,  sông  La “quê ta”.
 
16-9  . Đi thăm hội chợ trong dịp kỉ niệm hai trăm năm thành phố Xaritxưn- Stalingrat- Volgograt. Khắp  nơi  trung tâm, từng đám đông tưng bừng ca hát, nhảy múa. Mình và Th. đi qua một đám thanh niên đang say vũ điệu tập thể; một cô gái Nga ra “bắt cóc” mình vào nhảy. Mình thộn quá!
      Buổi tối, đi xe điện lên trung tâm. Xe đến chỗ một trạm rẽ, họ bảo hành khách xuống, tưởng xe đổi ca, dè  đâu họ về nghỉ luôn “theo qui đinh”, mặc khách đứng trơ ra đó. Thật khác với ở Pari, cả ở Matxcơva, tàu điện phục vụ đến một giờ sáng! Mình đang lớ ngớ. May có một gia đình gồm cha mẹ và bé gái, dẫn lên xe buýt  đến trạm cuối rồi cùng đi bộ ra bến cảng. Đúng là ngày hội.    Sáng như ban ngày, nhiều màu sắc. Người nườm nựợp, nhiều chỗ phải chen chân; song không có cảm giác xô bồ, chen lấn và nơm nớp bị móc túi như ở ta trong các trường hợp tương tự. Nhiều chỗ biểu diễn văn nghệ ngoài trời. Lần đến trước của vào thang máy lên lầu tròn. Rất nhiều thanh niên đang đứng vón tại đấy. Các tầng lầu đã chật chỗ. Thấy mình, một người ngoại quốc, bọn trai Nga nói gì với ông già coi thang máy. Bấy giờ của thang máy mới mở ra. Bên trên đúng là đã ních đầy người. ăn và uống, ồn ào và lôm côm như ở ta (không phải kiểu kết hợp làm ăn). Mấy cậu trai say rượu vào nhà vệ sinh để nôn oẹ.
      Chẳng mấy khi được đứng trên cao kề ngay bờ ngắm sông Vônga ban đêm.  ánh đèn thành  phố trải dài tít xa như không cùng.
 
23-9
.  Phía bắc Volgograt có đập thuỷ điện, sông Vônga phình ra thành hồ, cảnh đẹp, có nhiều cá. Qua bên kia là thành phố Vônxki,  một thành  phố nhỏ nhưng cũng rộng hơn nội thành Hải Phòng.
      Xe đưa mình đi qua một vùng đất hoang hoá đầy lau lách. Muốn  ngắm ruộng đồng Nga mà không được.
      Đi bộ vào một làng. Đường làng rộng rãi, ô tô lớn chạy tốt. Các nhà đều cửa đóng im ỉm, có vẻ như mọi người đi làm, đi học vắng. Tường nhà toàn bằng gỗ súc tròn, mái ván. Nhà nào cũng có một mảnh vườn lưa thưa cây. Những cây táo lá ít và xác, lấp ló dăm quả còn sót lại. Chưa phải là làng nông dân. Có lẽ là môt làng thợ hoặc viên chức kề  một thị tứ.

24-9. Sân bay Volgograt. Nhỏ nhưng sạch, ngăn nắp, trật tự hơn các sân bay Việt Nam mình biết cho tới lúc này.

01-10 . Sáng sớm trời đã lất phất mưa. Mặt đường loáng nước. Vĩnh biệt thành phố  trên sông Vônga.
      Lại ngăn toa hạng nhất. Lần này không chỉ mỗi mình. Trước đây chưa có lúc nào ngờ có ngày ngự  một cu-pê sang trọng trên một chuyến tàu tại đất Nga, cả hai vợ chồng. Tàu lướt qua đồng quê cổ kính hơn là hiện đại. Một cánh đồng rộng, họ gieo cây gì đã mọc xanh. Nhìn chung còn nhiều đất chưa kịp canh tác.
      Tàu lắc mạnh hơn lần trước, Th. bị say tàu nằm li bì. Xét trên khía cạnh này thì phương tiện giao thông đây chưa vượt hồi thế kỉ 19 bao nhiêu. Rung nhiều, nhiều chữ mình ghi méo mó, bất thành.
      Tàu qua một vùng có những vạt đất rộng, không  phẳng mà nhấp mô dàn trải, mới cày phơi màu đất đen. Kế tiếp những khoảng đã lún phún một màu xanh lục đậm.
      Mây xám đầy trời, song không u ám. Mưa nhẹ lưa thưa hầu như không nhận thấy. Dăm giọt bám vào kính cửa sổ vạch những vệt  xiên chéo như những đường vạch bằng mũi nhọn cứng.
      Càng lên bắc dấu hiệu của thu Nga càng rõ; cây lá vàng càng nhiều, từ  vàng chanh đến vàng rực, rồi vàng nâu.
Tàu đi  trong đêm không trăng sao. Nhìn ra ngoài mịt mù đêm. Thỉnh thoảng mới lấp loé ánh đèn gần hoặc xa. Các ga tàu ghé lại hay lướt qua dường như thu mình trong sự vắng vẻ không để hành khách   lưu tâm.         
02-10 Sáng sớm, nhìn hai bên đường tàu chạy qua, băng giá phủ
một lớp trắng mỏng lên các thảm cỏ
      11 giờ đến Matxcơva. Lạnh. Se hơn cái lạnh 6 độ C ngoài trời Pari, tháng 12 năm ngoái.
      Vẫy taxi mãi không được. Xếp hàng đến lượt, tay giữ trật tự nói “HET” mấy lần. Trong số người xếp hàng đằng sau hình như có kẻ nói: “Chỉ dành cho người Nga”. Nghe nói lưu học sinh và lao động người Việt đi buôn lậu nhiều, hay xài xe taxi trong khi người dân Nga  chỉ dùng xe điện ngầm hoặc xe buýt nên họ ghét. Thịnh cứ bắt một chiếc; mình đi đến. Có lẽ thấy mình chẳng  phải là dân “phe” nên không  thấy có phản ứng gì.
      Ở nhờ phòng C. , một nghiên cứu sinh vẽ đồ bản, trong khu kí túc xá một trường đại học. Một khu rộng, qui mô, hình thức tổ chức chặt, song kiến trúc đơn điệu và đã xuống cấp.
      C. biết dè xẻn lời nói, tỏ ra thạo đời. C. nói:  “Dân Liên-xô được cái giỏi xếp hàng, Stalin rèn cho được mỗi cái đó”. Người Việt ở đây ngày càng cần có nhiều hàng để gửi về nước bán, ở bên nhà, ai nhận được một công-ten-nơ hàng Liên-xô thì sung sướng lắm, khiến nhiều người ganh tị. Các thành phố  Liên-xô, người Việt vét các hàng  đồ điện, đồ nhôm, chủ yếu là hàng gia dụng, những thứ này trong các cửa hàng ngày một ít đi. Mà người Việt mình ít thích nghi với chuyện xếp hàng. Mình  nói:  “Chê khan hàng thì được, sao lại chê chịu khó xếp hàng, một nếp sống văn minh?.
 
03-10 .  Sáng ra thấy tuyết đầu mùa rơi. Lần đầu tiên thấy tuyết tận mắt. Những mẩu trắng như  những vụn bông  rũ ra từ một cái nệm bông mà một  bộ phim thần thoại của CHDC Đức từng phịa ra. Không như mình hằng tưởng tượng, không như người ta tả, không như trên màn ảnh, không có  “bông tuyết” mà là những mẩu không rõ hình thù. Tuyết rơi lúc thưa, lúc mau, càng  về sau càng dầy, song vẫn tủn mủn. Tuyết tan nhanh trên mặt đất. Sau khi tạnh một lúc chỉ lưu lại đây đó một ít mảng nhỏ.
      Buổi chiều, tạt vào một quầy giải khát mua một cốc nước, họ không bán, trưng ra cái biển ghi: “Chỉ bán cho người Nga”. Nơi này mình đã từng  ghé vào mua mấy lần, có sao đâu. Có phải do mấy vụ va chạm gần đây, trong đó có vụ một thanh niên Việt đâm một công an sở tại. Trong số những người lao động và lưu học sinh Việt ở  nước ngoài, tình trạng tiêu cực trong nước đã để lọt một số phần tử bất hảo. Sực nhớ  lời một người của sứ quán Việt Nam tại đây: “Người Việt bây giờ không được người dân Liên-xô thích, bị ghét nhất là ở Matxcơva”.
 
04-10
.  Mưa lạnh. Biết mùi mùa thu Matxcơva. Mưa không sụt sùi  như ở quê nhà. Cái lạnh không chích da thịt. Đường sá không bẩn.

10-10 . Nắng đẹp, đỡ lạnh. Đi ta-xi ra sân bay quốc tế. Ga Sê-rê-met-sê-vô gây cảm tình hơn hôm đến. Rộng rãi, thoáng đãng, sạch sẽ, ngăn nắp. Nhiều người nói những chuyến bay đến Hà Nội thường rất lộn xộn. Người Việt Nam hay mang theo các bao hàng cồng kềnh lại không “quen” xếp hàng;  mà những người  có trách nhiệm nhận khách vào cửa hình như chẳng thích can thiệp lắm, thái độ ác cảm ra mặt, khi sát giờ thẳng tay gạt lại  cả đống người và  hàng, đã có cả những hành động thô bạo (một ông đại sứ V.N. ở nước nọ còn kể rằng: có lần họ khám xét cả cán bộ ngoại giao của V.N.). Người Việt mình đã có người giở “bài” quen thuộc ở nhà là lo lót, thường là trước và theo “luồng” riêng. ( Lại “xuất khẩu” những thứ đáng buồn!). Hôm nay, lối vào quang quẻ, đi vào thong dong. Tay hải quan Nga có cặp mắt sắc lạnh, mình đã nghĩ là khó coi. Hắn thấy số ngoại tệ mình mang theo ít hơn số ghi trên tờ khai khi vào chắc nghi là đã dùng để mua kim loại quí đem theo ra. Họ đưa vào phòng khám hành lí, quần áo. Mình đã bực lắm. Đến đôi giầy, hắn bảo mình cởi ra. Mình ngồi thả người trên ghế, không thèm dùng tay, giơ hai chân vẩy mạnh mấy cái cho giày tụt văng ra. Thằng cha cầm lấy săm soi từng chiếc. Tất nhiên là chẳng mò được gì. May mà hắn không dùng lưỡi dao cạo tách đế giày như bọn hải quan thường làm;  nếu hắn làm vậy, mình sẽ có dịp bắt đền cho biết mặt. Xong xuôi, mình đòi gặp “sếp” của hắn, một người đàn bà trạc ba mươi. Mình yêu cầu người biết tiếng Pháp. Họ gọi một thanh  niên đến làm phiên dịch. Mình nói, giọng bất bình: “Tôi vốn yêu mến Liên-xô (nghe vậy tay phiên dịch thoáng nhếch cười, không ngờ những câu nói tiếp) nhưng đến đây tôi bị phiền nhiễu bởi các thủ tục, cách xử sự khi giải quyết công việc; bây giờ lại bị xúc phạm”. Người trưởng phòng ôn tồn nói, qua người phiên dịch: “Chúng tôi chỉ  làm nhiệm vụ. Mà ông có vi phạm, ông đã mang theo những tờ rúp trái với qui định của chúng tôi (sự thật, chẳng phải họ cần tìm mấy tờ giấy bạc này)“. Mình nói : “Mấy đồng rúp ấy, tôi bỏ quên trong túi. Ra khỏi đây tôi cần những ngoại tệ khác, những đồng rúp này chẳng dùng được vào việc gì cả. Mà chắc hẳn các người chẳng cần lục tìm mấy tờ giấy bạc kia, một việc làm gây mất cảm tình của những người nước ngoài đến đất nước này”. Nghĩ lại, mình thấy họ chỉ làm phận sự thôi. Điều đáng chê trách là chủ trương không để cho người ngoại quốc tiêu ngoại tệ mạnh trong xứ sở mình chỉ làm nghèo đất nước đi thôi. Cũng như qui định những người nước ngoài ở Mát phải có giấy chứng nhận lưu trú mới được mua hàng! Một cách đối phó với nạn khan hiếm hàng hoá thật bí bách!
 
Thứ  tư 11-10-1989
 
      Máy bay cất cánh lúc gần hai giờ sáng. Rời Matxơva trong đêm khuya khoắt, hình ảnh cuối cùng đọng lâu hơn  cả là cái vệt xanh hình chữ nhật dài và mỏng nằm ngang xa xa, chẳng biết là cái gì.

(còn tiếp)
<bài viết được chỉnh sửa lúc 09.04.2009 11:05:29 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9