Chưa bao giờ, đất Hà thành lại có nhiều thứ chè như bây giờ. Những hàng chè lớn, nhỏ, đủ loại mọc lên nhan nhản khắp nơi, nhất là vào mùa hè.
Quán đẹp và chè "tây" Chả mấy ai ăn chè ở những gánh hàng rong trên phố nữa. Thay vào đó thì các quán lớn trang trí đẹp, bàn ghế lịch sự, biển hiệu rực rỡ với thực đơn hàng chục loại chè khác nhau.
Dạo một vòng quanh Thủ đô bạn gặp rất nhiều hàng chè, từ nhỏ đến lớn, có thương hiệu hoặc không, trên các con phố trung tâm đến các ngóc ngách xóm ngõ. Không kể những hàng chè nhỏ xuất hiện ở các khu dân cư, tính sơ sơ ở Hà Nội giờ cũng có cả trăm loại chè đợi bạn lựa chọn tuỳ khẩu vị.
Chè thập cẩm Chục năm trở lại đây, chè Sài Gòn, chè Huế bắt đầu xuất hiện và chiếm ưu thế tại Thủ Đô. Những quán chè với nồi nhôm, chậu thủy tinh đầy màu sắc đã trở nên quen thuộc. Món ăn mới và đặc biệt là phong cách xứ lạ là những yếu tố thu hút sự quan tâm của người Hà Nội. Chè Sài Gòn hợp với khẩu vị của những thực khách ưa ngọt. Chè Huế hợp với những người kỹ tính, cầu kỳ trong ăn uống. Vẫn từ những nguyên liệu mang hương đồng gió nội như hạt sen, nhãn nhục, cùi dừa… nhưng chè Huế luôn đem lại cho người thưởng thức cảm giác đậm đà khó quên.
Đủ loại trà sữa
Nhưng đó là chuyện của chục năm về trước. Giờ đây, chè Sài Gòn hay chè Huế cũng đã giảm bớt sức nóng bởi cơn lốc chè “ngoại”. Món chè Thái Lan len lỏi vào trong các quán chè nội địa từ lâu những chưa thể làm nên một trào lưu chè mới. Chè Singgapo với cái tên Bobochacha hấp dẫn cũng chỉ loáng thoáng được vài quán. Chỉ đến khi trà sữa trân châu Đài Loan vào Việt Nam thì một “cơn lốc” thực sự được hình thành. Quán đẹp rực rỡ với thực đơn đa dạng, phong cách “fast foot” hiện đại đã khiến trà sữa Trân châu trở nên thịnh hành, mặc dù giá không hề mềm chút nào. Trào lưu thưởng ngoạn “chè ngoại” đã lấn lướt các loại chè nội. Có lẽ phải chăng vì bây giờ nhiều người đã có tiền và thích chơi sang. Ăn, tiêu thứ gì cũng phải sang, lạ mới là sành điệu.
Chè xoài
Chè quê: Một mai liệu có còn? Sống giữa mảnh đất Thủ đô, không biết có ai đó tự hỏi “Tại sao không có những quán chè Hà Nội?”. Đã có những quán bia, cà phê của người Hà Nội, vậy mà chè Hà Nội - một món ăn truyền thống của đất Tràng An lại vắng bóng.
Đọc tới đây có lẽ bạn sẽ đặt ra câu hỏi vậy chè Hà Nội thực sự ở đâu? Tại sao trên chính mảnh đất của những người nổi tiếng sành ăn lại rất ít quán chè mang tên “ Chè Hà Nội”. Nhiều khách tham quan đến từ mọi miền đất nước cũng thắc mắc điều này.
Chè sen
Giờ đây, món chè Hà Nội dường như chỉ còn thấy vương vấn ở những gánh chè rong, hay các hàng chè ở phố cổ, chợ Đồng Xuân, Hàng Da… Nơi đó, các bà, các mẹ vẫn giữ nếp xưa, dùng hoa nhài, hoa bưởi để tạo hương, nước đường chưng quện với hương cốm Vòng, đỗ đen, hạt sen… Tất cả tạo nên vị ngọt dịu, thanh mát của món chè Hà Nội thủa xưa. Và cũng chỉ có các bà, các mẹ trong mỗi lần đi chợ vẫn nhớ mua những thứ thơm thảo đó về tự tay nấu chè để nhớ lại một thủa chè quê.
Muốn thưởng thức các món chè Hà Nội, bây giờ bạn phải vào các chợ hoặc các hàng chè nhỏ trên phố. Có thể nhận ra ngay hương vị đặc biệt của chè Hà Nội, vị thanh, mát, lại phảng phất hương thơm nhẹ của nước đường chưng quyện lẫn trong hương hoa nhài hoa bưởi nồng nàn. Các món chè Hà Nội chế biến khá đơn giản nhưng cũng rất tinh tế và người làm phải thật chú tâm chè mới ngon được. Chè sen, chè cốm, chè đỗ đen, đỗ xanh, chè kho là những loại chè được người Hà Nội xưa rất ưa chuộng.
Chè kho
Cho đến hôm nay, những người nội trợ tinh tế chốn Hà Thành vẫn không quên bỏ vào làn đi chợ nguyên liệu làm những món chè này cho gia đình giải nhiệt trong cái nóng của mùa hạ. Bởi vậy, tuy ít quán mang tên “Chè Hà Nội” song chè Hà Nội lại ăn sâu trong lòng mỗi gia đình Hà Nội, lâu lâu không ăn lại thấy háo háo, nhớ nhớ.
Liệu rằng mai đây khi thêm những văn hóa ẩm thực lạ từ bên ngoài vào thì chè Hà Nội có còn được lưu giữ hay chỉ còn là hoài niệm.
Theo: Thư giãn