Tìm hiểu về một số Thành Ngữ và Tục Ngữ trong tiếng Việt
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 19 bài trong đề mục
Trương Củng 27.03.2005 05:21:23 (permalink)
VỀ VẤN ĐỀ GIẢI NGHĨA TỤC NGỮ

Chúng ta có một gia tài tục ngữ [TN] thật đồ sộ với khoảng trên dưới năm sáu nghìn đơn vị. Lý thú hơn nữa là hầu như đơn vị nào trong cái di sản đó cũng đều mang dáng dấp một châm ngôn (maxim), truyền đạt một triết lý đậm đà chất hiền minh dân gian, và cũng đều được diễn đạt bằng những phương tiện ngôn từ vốn làm nên những tinh hoa của tiếng Việt. Cái khối ngữ liệu bề thế và quý giá cả về nội dung lẫn hình thức ấy, tiếc thay, hiện vẫn đang bị lãng phí một cách oan uổng, vì tới tận bây giờ hàng loạt câu hết sức thông dụng vẫn chưa được thuyết minh ngữ nghĩa đủ minh xác, khả dĩ có thể làm chỗ dựa đáng tin cậy trong việc giảng dạy tiếng Việt cho học sinh, sinh viên.
Mục đích của bài này là thử trả lời câu hỏi : đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng đáng suy nghĩ đó ? Để dễ trình bày, chúng tôi tạm xếp các nguyên nhân sắp đề cập thành ba nhóm lớn :

1. nguyên nhân về ngữ nghĩa ;
2. nguyên nhân về ngữ pháp và
3. nguyên nhân về văn hoá học.
Sau đây, xin lần lượt đi sâu vào từng nhóm.

1. Nguyên nhân về ngữ nghĩa
Hiểu không đúng nghĩa của bất cứ từ ngữ nào trong câu bao giờ cũng dẫn tới một hậu quả đáng tiếc : khó có thể đưa ra cho câu TN cần giải nghĩa một thuyết minh ngữ nghĩa đủ chính xác. Đây là chuyện rất quen thuộc đối với giới sưu tập TN và nhất là với giới biên sọan từ điển tường giải các đơn vị hữu quan. Xin nêu vài dẫn chứng để minh họa.


• Dẫn chứng 1
Do hiểu nhầm nghĩa từ vựng của từ TRÀNG trong "Áo cứ TRÀNG, làng cứ xã", Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam [TĐTN & TNVN] đã chép chữ đó thành CHÀNG và đinh ninh rằng CHÀNG này cũng chính là từ mà "phụ nữ dùng để gọi chồng hoặc người yêu còn trẻ, có ý thân thiết", như lời giảng trong Từ điển tiếng Việt (1994). Đó chính là lý do khiến tác giả cuốn từ điển vừa dẫn gán cho câu TN trên một lời giải nghĩa khá "kỳ lạ" :
"(Xã là chức dịch trong làng). Nói tính ỷ lại của người đàn bà, cũng như tính ỷ lại của những người dân trong thôn xóm, không thấy được vai trò làm chủ của mình” (tr.10).
Một công trình khác, cuốn Đại từ điển tiếng Việt [ĐTĐTV], tuy không lầm lẫn từ ngữ tai hại như thế, nhưng có lẽ không "dám" cắt nghĩa khác với TĐTN & TNVN, nên vẫn giảng :
"Phải biết dựa vào người đứng đầu để giải quyết công việc, ví như muốn tìm ai thì cứ túm lấy vạt áo, muốn lệnh cho làng thì cứ dựa vào xã trưởng" (tr. 40).
Các tác giả công trình đó có lẽ quên mất rằng làm sao có thể "túm lấy vạt áo" của ai đó trong khi đang muốn "tìm" chính người mặc chiếc áo ấy.
Thực ra, như Huệ Thiên (1998: 92), một nhà khảo cứu giàu kinh nghiệm, từng nêu rõ,
TRÀNG là từ trước đây dùng để chỉ ‘cái cổ áo’ (như Alexandre de Rhodes đã giảng trong Từ điển An Nam–Bồ Đào Nha–La Tinh) ; còn bây giờ thì dùng để chỉ cái ‘vạt trước của chiếc áo dài’. Căn cứ vào cách hiểu vừa nhắc, ta có thể dễ dàng kết luận rằng nghĩa của câu TN trên chắc hẳn phải là :
‘Áo thì hãy dựa vào tràng [mà bình phẩm] ; còn làng thì hãy dựa vào lý trưởng [mà xét đoán hoặc cắt đặt công việc]’.

• Dẫn chứng 2
Do lầm tưởng THẢ CÁ trong Thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc là 'thả cá xuống ao đầm để nuôi', các tác giả ĐTĐTV đã giảng :
"Một kinh nghiệm làm giàu : thả cá mang lại nhiều lợi, gá bạc thu lắm tiền (nhưng là nghề bất lương)" (tr.1612).
Đọc lời cắt nghĩa này, chắc ai cũng phải liên tưởng ngay đến cách thuyết minh được đưa ra trước đó mươi năm :
"Việc thả cá có lợi là đúng và cần khuyến khích, còn gá bạc thì ngày nay là một tội phạm, vì đó là là một việc làm ăn bất chính" (TĐTN & TNVN : 277).

Dễ dàng nhận thấy rằng muốn giảng đúng câu trên, điều cần làm trước tiên ở đây là phải xác định thật chính xác nghĩa của cụm THẢ CÁ. Như nhiều nhà khảo cứu từng vạch rõ, do đi đôi với GÁ BẠC, nên cụm này ắt phải có liên quan về nghĩa với chuyện cờ bạc. Giở Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức ra tra thì thấy : THẢ CÁ có nghĩa là "thách cá, nói trong một độ chọi gà hay chọi cá thia thia, sau khi xem xét kỹ lưỡng con vật rồi, những người cầm chắc con vật mình chọn sẽ thắng, bèn thách mọi người bắt số tiền cá của mình". Như vậy là giả thiết trên đã được hoàn toàn xác nhận : "thả cá" và "gá bạc" đều là những trò đỏ đen, và chẳng có việc nào đáng được coi "là đúng và cần khuyến khích" cả ! Đến đây, có lẽ chúng ta đã có đủ cơ sở để đi đến kết luận :
'Thả cá và gá bạc là hai trò đỏ đen thuộc loại chóng sinh lợi nhất nhì [thời trước]'.

• Dẫn chứng 3
Xin thêm một dẫn chứng nữa minh hoạ cho sự tác hại của việc ngộ nhận nghĩa từ vựng của các từ ngữ khi giải nghĩa TN. Theo TĐTN & TNVN (tr.168), câu "LÚA tốt xem biên, người hiền xem tướng" có nghĩa là :
"(Biên là bờ ruộng; trong chế độ cũ, người thợ cấy thường cấy cẩn thận những hàng lúa ở gần bờ hơn là ở giữa ruộng). Ý nói : chỉ nhìn tướng mạo một người cũng biết đó là người hiền hay người dữ".

Lời giải nghĩa này quả tình quá khác biệt với cách hiểu vẫn lưu truyền rộng rãi trong
dân dã lâu nay, vì nó để lộ một điều phi lý quá dễ thấy : chẳng lẽ người chủ ruộng nào "trong chế độ cũ" cũng lại ngờ nghệch đến mức chỉ căn cứ vào những dấu hiệu do người "thợ cấy" dùng mánh khoé tạo ra ở dọc "biên" (= bờ ruộng) để đánh giá chất lượng tốt xấu của chân ruộng (mà họ đã thuê cấy) ? Thậm chí nó cũng không giống chút nào với lời giải nghĩa từng được nhiều từ điển ghi nhận, chẳng hạn :
"Muốn biết lụa tốt hay xấu cứ xem ở biên : biên mà săn, đều sợi là lụa tốt ; muốn biết người hiền hay ác cứ xem mặt khắc rõ (ĐTĐTV: 1058).
LỤA mà chép thành LÚA thì giảng sai là chuyện đương nhiên !
Nhân tiện cũng xin nói thêm : có nhà khảo cứu còn cho rằng trong trường hợp này, ta nên hiểu HIỀN với nghĩa 'Có đức lớn, tài cao, theo quan niệm thời trước', chứ đừng nên hiểu với nghĩa 'Không dữ, không có những hành động, những tác động trực tiếp gây hại cho người khác', vốn phải căn cứ cả vào cách ăn ở (chứ không phải chỉ có tướng mạo !) mới đoán định được. Tiếc thay, chúng tôi chưa tìm được một chứng cứ ngôn từ khách quan nào cho thấy phải hiểu theo cách vừa trình bày. Bởi vậy, ở đây chỉ xin đưa ra một cách giải nghĩa mang đậm tính chất tham khảo :
‘Muốn biết phẩm chất của lụa là tốt hay xấu thì hãy căn cứ vào mép của cây lụa ; muốn biết phẩm chất của một người là hiền đức hay thiển cận thì hãy căn cứ vào tướng mạo của anh ta’.
Tiếp theo, xin bàn đến các nguyên nhân thuộc nhóm thứ hai.

2. Nguyên nhân về ngữ pháp
Ngữ pháp, như ta đều biết, là phương tiện mà ngôn ngữ cấp cho người nói để anh ta có thể truyền đạt cho người nghe mọi nội dung ngữ nghĩa mà anh ta cần/muốn "chuyển giao". Đó là lý do cho biết tại sao không hình dung đúng cấu trúc cú pháp [CTCP] của các đơn vị TN cần giải nghĩa, chúng ta thường rất khó đạt được cái đích cần vươn tới, tương tự như thiếu xe cộ hay các phương tiện vận chuyển khác, chúng ta thường khó lòng tiếp cận được với những nơi muôn trùng cách trở. Xin minh hoạ bằng một vài dẫn chứng.
• Dẫn chứng 4
Trong kho TN của chúng ta có một câu hết sức ngắn gọn và cũng hết sức thông dụng : "Ăn no, lo được". Giá xử lý đúng khía cạnh cú pháp của nó, coi đó là một câu ghép do hai câu đơn có CTCP phân minh là ăn thì no và lo thì được việc]/đặng hợp thành, tức :
CGHÉP
CA ĐA: Ăn TA:no, CB ĐB:lo TB:được [đặng]
các tác giả ĐTĐTV chắc hẳn đã không nỡ vất bỏ một cách oan uổng cái dấu phảy đặt giữa hai câu thành tố (Ăn no và lo được hay Ăn no và lo đặng), và chắc hẳn họ càng không thể bằng lòng với cách giảng :
"Ăn no lo được = Nh. Ăn no lo đặng" (tr. 55)
"Ăn no lo đặng = Ăn nhiều, ăn khoẻ thì có sức khỏe để đảm đương công việc (tr. 55).
Trong chuyện này, các tác giả ĐTĐTV xem ra không đơn độc. Chứng cớ ? Trước họ, TĐTN & TNVN cũng đã có cách thuyết minh ngữ nghĩa na ná như vậy :
"Ăn no lo được = Có nghĩa : có ăn mới có sức lo công việc" (tr. 17).
Như đã nói, CTCP của câu TN đang xét rõ ràng không cho phép ta giảng như vậy, mà chỉ chấp nhận cách giảng :
'Ăn ắt no ; [biết] lo [liệu] ắt được [việc]'.

• Dẫn chứng 5
Với câu "Ăn lúc đói, nói lúc say" ta cũng gặp một tình hình tương tự. Thật thế, do coi nhẹ CTCP của câu đang xét, TĐTN & TNVN tưởng nghĩa của nó chỉ đơn giản là :
"Chế người say rượu hay nói nhiều" (tr. 15).
Cách thuyết minh của ĐTĐTV cũng chưa thật thuyết phục, vì họ cũng giảng :
"1. Hành động trong trạng thái mất tự chủ, không kiềm chế được mình, ví như khi đói quá thì ăn sẽ không từ tốn, khi say quá thì nói năng bừa bãi, lung tung, thiếu suy nghĩ.
2. Lúc đói ăn cảm thấy ngon, lúc say nói thường rất hay" [!?] (tr. 52).
Giá chịu khó phân tích cú pháp một tí, coi đây là một câu ghép, như đã xử lý với trường hợp vừa nêu ở dẫn chứng 4, tức :
CGHÉP
CA ĐA: Ăn TA:lúc đói, CB ĐB:nói TB:lúc say,
chắc hẳn chúng ta sẽ tìm được ngay một lời giải nghĩa thoả đáng :
'Ăn [là thứ nhu cầu hay ám ảnh con người ta] vào lúc đói, nói [là thứ nhu cầu hay ám ảnh con người ta] vào lúc say '.
• Dẫn chứng 6
Cũng vì chưa coi trọng mặt ngữ pháp (đúng hơn là cú pháp), tác giả TĐTN & TNVN cho rằng nghĩa của câu "Bồi ở, lở đi" là :
"Chê người vụ lợi và không có tình" (tr.34).
ĐTĐTV đã thấy rõ CTCP của câu đó, nên giảng đúng hơn :
"1. Hay tốt thì ở lại, xấu dở [thì] đi chỗ khác".
Tiếc thay, ngoài cái nghĩa vừa nói, các tác giả còn gán thêm cho câu này một nghĩa nữa (chắc là cho giống với các bậc đàn anh đi trước !) :
"2. Vô ơn bạc nghĩa, sống không có trước có sau" (tr. 191).
Giá dành thời giờ nhiều hơn cho việc tìm hiểu CTCP của câu, chắc họ cũng sẽ đi đến kết luận :
1. [nghĩa đen] 'Nơi nào đất được bồi đắp thêm thì ở lại đó mà sinh sống ; nơi nào đất bị sạt lở thì rời bỏ nơi ấy mà ra đi'.
2. [nghĩa bóng] Nơi nào được đối đãi tử tế thì ở lại đó ; nơi nào bị bòn rút, cắt xén (công xá) thì bỏ nơi ấy mà ra đi.
• Dẫn chứng 7
Trường hợp sắp nêu dưới đây là một dẫn chứng hết sức tiêu biểu, minh họa cho tác hại của việc xác định nhầm CTCP của các đơn vị TN.
Dựa theo mô hình Chủ–Vị, tác giả TĐTN & TNVN đinh ninh rằng RẮN MAI và RẮN HỔ trong Rắn mai tại lỗ, rắn hổ về nhà là chủ ngữ của cặp câu vừa dẫn. Bởi vậy, ông đã giảng :
"(Mai là mai gầm, hổ là hổ mang). Nhận xét cho rằng rắn mai gầm thường ở trong hang, còn rắn hổ mang thì thường ra ngoài" (tr. 244).
Trong lời cắt nghĩa này có một điểm rất dễ khiến hết thảy chúng ta phải bối rối : không rõ dựa vào đâu mà tác giả dám công nhiên khẳng định rằng NHÀ của RẮN HỔ không phải là HANG của nó, mà là Ở NGOÀI [HANG] ? Chứng cớ là trong lời giải nghĩa vừa dẫn, ông đã đặt một dấu bằng quá lớn giữa hai cụm VỀ NHÀ và RA NGOÀI.
Thực ra, như các nhà khảo cứu giàu kinh nghiệm từng chỉ rõ (xin x., chẳng hạn, Huệ Thiên 1998: 97), đây không chỉ đơn thuần là một "nhận xét", mà là một "kinh nghiệm sinh tử" của những người lấy nghề bắt rắn làm kế sinh nhai :
'Bị mai gầm cắn thì (nạn nhân, tức người bắt rắn) thường chết ngay tại "lỗ" (= hang của nó) ; bị hổ mang cắn thì (nạn nhân) thường có thể lê về tới nhà mình mới tắt thở', bởi nọc của mai gầm độc hơn nọc của hổ mang đến 4 lần .
Hoá ra trong trường hợp này, cả RẮN MAI lẫn RẮN HỔ đều không phải là chủ ngữ, mà NGƯỜI bị rắn mai (hay rắn hổ) cắn mới chính là chủ ngữ của cặp câu trên !
Tiện thể xin nói thêm : đây lại là một bằng chứng rất có trọng lượng nữa cho thấy sự bất cập của mô hình Chủ–Vị khi được vận dụng để xử lý các đơn vị TN.
Tiếp theo, chúng tôi xin chuyển sang phần bàn về những nguyên nhân liên quan đến khía cạnh văn hoá.

3. Nguyên nhân về văn hoá
TN trực tiếp phản ánh cách thức ông cha ta cảm nhận (tri giác và suy ngẫm) thế giới, mà cách cảm nhận thế giới lại là nhân tố không thể không liên quan đến văn hoá, nên TN có lẽ là một trong những tấm gương phản chiếu trung thực nhất những nét đặc sắc của nền văn hoá chúng ta. Những dẫn chứng sắp nêu dưới đây cho thấy : chúng ta sẽ phải trả một cái giá đắt đến mức nào nếu không chú ý thích đáng đến các đặc trưng văn hoá được tàng trữ trong kho văn chương truyền khẩu này.
• Dẫn chứng 8
Như mọi người đều biết, Vịt già, gà tơ là câu cửa miệng đông đảo người Việt và hàng trăm năm nay đã đi vào tâm thức của bao thế hệ. Nhưng do chưa để ý đến những đặc trưng tinh tế trong văn hoá ẩm thực của người Việt, TĐTN & TNVN đã chép nhầm chữ TƠ trong câu trên thành TO, rồi giảng :
"Vịt già thì ăn được ; còn gà thì phải TO BÉO, chứ gà già thì thịt dai" [!?] (tr. 311).
Người ta còn có thể trách tác giả ở một điểm nữa : trong cách giảng vừa dẫn, rõ ràng ông đã tỏ ra quá hờ hững với một đặc trưng văn hoá khác, thể hiện hết sức nổi bật qua cách thức ông cha ta cảm nhận thế giới : bức tranh thế giới được TN khắc hoạ, như ta đều biết, bao giờ cũng là những tiểu phẩm có bố cục hình thức hết sức cân xứng và hài hoà. Nói cách khác, mọi từ ngữ chủ chốt trong bất cứ câu TN thông dụng nào bao giờ cũng đều được đặt vào thế đối chọi nhau, chẳng hạn :
Chó già, gà non (già >< non) ;
Ăn chân sau, cho nhau chân trước (ăn >< cho; sau >< trưóc) ;
Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài (bầu >< ống; tròn >< dài) ;
Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ (ra đường >< về nhà; già >< trẻ) ;
Trong nhà chưa tỏ [mà] ngoài ngỏ đã hay (trong >< ngoài; chưa >< đã) ;
Con gái giống cha giàu ba họ, con trai giống mẹ khó ba đời (gái >< khó) ;
v.v... và v.v...
Theo đặc điểm trên, to và già đương nhiên không thể là một cặp đối cân xứng của nhau : yếu tố đối ứng cân xứng của già trong trường hợp này phải là tơ [= non] !
Nếu vậy thì nghĩa của câu TN trên ắt hẳn phải là :
‘Vịt thì phải ăn lúc đã già (mới ngon vì không bị “hôi lông”) ; còn gà thì phải ăn khi còn đang tơ (mới khoái khẩu)’.
• Dẫn chứng 9
Tác giả TĐTN & TNVN cho rằng "Ẵm con chồng hơn bồng cháu ngoại" là câu có ngụ ý :
“Khuyên những người vợ kế nên thương yêu con [của] vợ trước” (tr. 11).
Cách giảng này rõ ràng chỉ mới nêu được ý ‘ẵm con chồng’; còn hai ý khác – “[tốt] hơn” và “bồng cháu ngoại” – đã không hề được đề cập.
ĐTĐTV cũng giảng tương tự :
"Có tư tưởng coi trọng đàn ông, coi thường phụ nữ, ví như thà ẵm con của chồng tuy không yêu quý, thích thú gì, nhưng dẫu sao vẫn thuộc dòng họ nội, còn hơn bế con của con gái mình" (tr. 45).
Giá chú ý đến những đặc trưng về văn hoá hôn nhân được tàng trữ trong câu đang xét, chắc hẳn chúng ta sẽ thấy ngay : câu TN trên không hề đả động đến chuyện “dì ghẻ con chồng”. Trọng tâm chú ý của tác giả ở đây hoàn toàn khác : mách cho các cô gái “cao số" (nên thường lận đận về đường chồng con) một kinh nghiệm quý được đúc kết từ thực tiễn sinh động và nghiệt ngã của cuộc sống :
‘Thà lấy người goá vợ làm chồng và bế ẵm (= chăm sóc) lũ con mà anh ta đã có với người vợ trước còn hơn là ở vậy và lúc về già chỉ còn biết bồng bế đám cháu phía bên ngoại của chính mình (cho đỡ cô quạnh).
• Dẫn chứng 10
Chết đuối đọi đèn chỉ là một “trích đoạn” chưa từng được ai sử dụng trong thực tế. Vậy mà cả TĐTN & TNVN lẫn ĐTĐTV đều giảng :
“Thất bại một trường hợp không có gì đáng e sợ” (TĐTN & TNVN: 52) hoặc
"Thất bại hoặc chết vì những hoàn cảnh, lý do, duyên cớ tầm thường, không đáng phải chịu chết thiệt (ĐTĐTV: 345).
Vậy thì đâu là "xuất xứ" của mẩu "trích đoạn" vừa dẫn ? Theo nhiều người am hiểu, Chết đuối đọi đèn chỉ là phần "đuôi" của câu TN Chết sông, chết suối, không ai chết đuối đọi đèn. Nhưng câu này, lại được giảng là :
“Thà thua kém chỗ đáng thua kém, chứ không chịu thua kém kẻ bất tài”
trong TĐTN & TNVN (tr. 53) hoặc
"Thà phải đương đầu với khó khăn lớn lao, chứ không chịu thất bại trước một đối tượng tầm thường"
trong ĐTĐTV (tr. 347).
Đọc những lời cắt nghĩa kiểu "vọng văn sinh nghĩa" vừa dẫn, chắc ai cũng phải lấy làm tiếc : không hiểu sao các soạn giả lại không chịu chú ý đến "tập quán thề nguyền" của người Việt ngày trước ? Giá dành chút ít thì giờ cho khía cạnh đó, chắc họ sẽ lập tức thấy ngay là hồi xưa, khi thề nguyền, ông bà chúng ta thường thốt ra một câu thề độc (như sẽ chết ngay tức khắc nếu đơn sai...), rồi lấy các vật thể trường tồn trong vũ trụ (như núi non, sông biển, v.v.), các nguồn sáng (như mặt trời, mặt trăng, các vì sao, đèn nến, v.v.) hoặc các lực lượng siêu nhiên (như thần linh, ma quỉ, v.v.) ra làm "đấng" chứng giám cho lời thề ấy.
Ngoài ra, chắc họ cũng sẽ nhận thấy thêm : thời chưa có dầu hoả hoặc điện, ông bà ta thường phải dùng một cái đĩa hoặc một cái bát [= đọi], trong đựng dầu lạc [= đậu phụng] và một ngọn bấc [= tim] để làm đèn – khí cụ dùng để thắp sáng. Đó là lý do cho biết tại sao trong câu TN đang xét có hai chữ ĐỌI ĐÈN.
Dựa vào những tri thức văn hoá vừa trình bày, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết đâu là nội dung ngữ nghĩa đích thực của câu trên :
1. [nghĩa đen] 'Người ta chỉ có thể bị chết đuối trong sông, trong suối, chứ không bao giờ lại có thể bị chết đuối trong đọi (= bát) dầu lạc, – vật dùng để thắp sáng và thường được đưa ra để chứng giám cho những lời thề bồi’.
2. [nghĩa bóng] ‘Một lời thề, dù độc đến mấy chăng nữa, vẫn chỉ là một lời thề (tức không thể coi như một chứng cứ xác đáng)’.

NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
-Huệ Thiên. Những sơ sót đáng tiếc trong “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” của Nguyển Lân.Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên Huế. Số 2/1998.
- Nguyễn Lân 1989. Từ điển thành ngữ và tục ngữ tiếng Việt. Nxb Văn hoá.
- Nguyễn Như Ý (chủ biên) et al 1999. Đại từ điển tiếng Việt. Nxb Văn hoá – Thông tin.

Nguồn: Người Viễn Xứ
<bài viết được chỉnh sửa lúc 27.03.2005 05:24:47 bởi Trương Củng >
#1
    Trương Củng 27.03.2005 05:26:38 (permalink)
    Ông già Ba Tri

    Ông già Ba Tri: Tên thật Thái Hữu Kiểm, cháu nội ông Thái Hữu Xưa, gốc người Quảng Ngãi, đã sanh cơ lập nghiệp tại Ba Tri từ thế kỷ 18; đã có công giúp Chúa Nguyễn Ánh và được phong chức Trùm Cả An Bình Đông quận Ba Tri.
    Năm 1806, Cả Kiểm dựng chợ Trong nằm bên cạnh rạch Ba Tri, đấp đường xá; chợ càng ngày càng tấp nập phát triển. Chợ có trước là chợ Ngoài, cách chợ Trong 3km. Ông Xã Hạc ở chợ ngoài chơi ép, đấp đập ngăn chận ghe thuyền từ sông Hàm Luông không vào được chợ Trong. Bị hiếp đáp, Cả Kiểm kiện , Phủ Huyện địa phương xử chợ Trong bị thua với lập luận: ”Mỗi làng đều có quyền đấp đập trong địa phận làng mình”. Dân chợ Trong không chấp phán quyết bất công trên, cử Cả Kiểm cùng hai kỳ lão: Nguyễn Văn Tới và Lê Văn Lợi, tất cả khăn gói lên đường đi bộ từ Ba Tri ra Huế - đường dài trên 1000 cây số - để thượng tố lên Vua xin phúc thẩm lại phán quyết bất công của địa phương!
    Khi ba ông già xứ Ba Tri này... đi bộ đến Huế thì Vua Gia Long vừa băng hà, Vua Minh Mạng thụ lý và phán: "Dù là làng riêng, nhưng rạch là rạch chung, là đường giao thông chung của cả chợ Ngoài lẫn chợ Trong. Phủ Huyện phải cho dẹp bỏ đập”...
    Do lòng cương quyết, không ngại đường xa, được hun đúc bởi ý chí tranh đấu cho lẽ phải và công bằng; phái đoàn do Cả Kiểm hướng dẫn làm xong nhiệm vụ là dẹp bỏ được đập ngăn chận rạch Ba Tri từ chợ Ngoài! Từ đó, dân BếnTre gọi Cả Kiểm là “Ông già Ba Tri” và hiện nay, khi nghe nói đến Bến Tre là liên tưởng đến vùng đất của những Ông già Ba Tri: 1 ông già Ba Tri gốc Quảng... cùng hai ông người Ba Tri... cộng lại là ba ông già Ba Tri ... đi bộ từ Bến Tre ra Huế!

    (ST)
    Nguồn: Người Viễn Xứ
    #2
      Trương Củng 27.03.2005 05:30:01 (permalink)
      Cả vú lấp miệng em

      Nhiều bà mẹ, khi nghe trẻ khóc, không cần dỗ dành, vỗ về, nựng nịu gì cả mà lập tức dùng bầu vú sữa sẵn có trên mình để lấp miệng đứa bé. Nhờ được bú tí mẹ, đứa trẻ không còn khóc nữa. Mới hay là, với đứa bé, bầu vú của mẹ có thế mạnh và ứng nghiệm trông thấy. Cái hiện tượng bình thường mà chúng ta vẫn gặp, vẫn thấy hàng ngày được dân gian khai thác và khái quát thành câu cả vú lấp miệng em để chỉ hiện tượng dùng quyền lực, thế mạnh của mình để chèn ép, lấn át kẻ khác.
      Về xuất xứ và ý nghĩa chung của thành ngữ cả vú lấp miệng em như thế là đã rõ. Tuy nhiên, ở thành ngữ này, chúng ta cần quan tâm đến một số điểm khá lý thú về mặt chữ và nghĩa. Vú ở đây là bầu sữa mẹ, được dùng để biểu trưng cho thế mạnh, cho sự lợi thế, trong khi đó em vừa là từ xưng gọi em bé, vừa là từ biểu trưng cho người cấp dưới, người yếu thế hơn. Miệng trong thành ngữ đang xét không chỉ là miệng ăn, miệng bú mà còn là miệng nói. Vì thế, miệng được biểu trưng cho lời nói, cho ý kiến, đề nghị, phê bình phản đối của người khác đối với người trên. Còn lấp là hành động che, bịt lại, không cho lộ ra, không cho phát ngôn, không cho nói.
      Ở trong thành ngữ này, riêng từ cả là ít giá trị biểu trưng nhất, lại hơi khó hiểu. Nhiều người đã hiểu cả trong cả vú lấp miệng em có chức năng chỉ gộp, chỉ tổng thể với nghĩa là “tất cả, toàn bộ”, như trong cả nhà, cả bản, cả con gà… Nhưng cách hiểu này là không chính xác. Thực ra, cả trong thành ngữ này có ý nghĩa là “to, lớn”, như nghĩa của cả trong đũa cả, "cả lưng rộng háng", "cả hơi lớn tiếng"… Sự giao kết nghĩa của các yếu tố, nhất là nghĩa biểu trưng của chúng đã tạo thành câu "cả vú lấp miệng em" nhằm hàm chỉ một thói xấu của người đời là hay ỷ vào thế lực, sức mạnh để chèn ép, lấn át người kém mình về thế lực và địa vị trong cuộc sống.

      Nguồn: Người Viễn Xứ
      #3
        Trương Củng 27.03.2005 05:32:46 (permalink)
        Tên lò cò từ đâu đến?

        Theo Chim Việt

        Trẻ con Việt Nam ngày nay, từ thành thị đến thôn quê, đứa nào chả biết trò chơi lò cò. Vừa giản dị, vừa dễ chơi. Chỉ có tên gọi, hơi khó hiểu, mới đáng được mang ra bàn.

        Tên lò cò có gì mà khó hiểu?



        Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 1988) định nghĩa Lò cò là "Co một chân lên và nhảy bằng chân còn lại từng quãng ngắn một. Thí dụ: Đau một chân phải nhảy lò cò. Vịn thành giường lò cò tập đi ".

        Theo Từ điển tiếng Việt thì lò cò là một động từ, thể hiện một cách nhảy. Nếu vậy thì chưa chắc cả hai thí dụ đã đúng với định nghĩa. Người lớn bị đau chân, phải co chân đau lên, nhảy bằng chân còn lại từng quãng ngắn một, là điều vừa đúng vừa thường thấy. Một đứa bé vịn thành giường tập đi mà lại co một chân lên và nhảy bằng chân còn lại thì quả là chuyện hiếm có và khó làm.

        Có ai nói là một đứa bé đâu? Người lớn bị đau chân thì sao? Người lớn bị đau chân thì chả cần phải vịn thành giường, chỉ việc nhảy lò cò (như thí dụ thứ nhất) là xong !

        Phan Kế Bính (Việt Nam phong tục, Tổng Hợp Đồng Tháp, 1990, tr. 8) cho biết xưa kia (khoảng 1915) "con nhà nào ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng biết lò cò chạy chơi, là hợp vào ca thì dễ nuôi mà mai sau làm nên người".

        Chả lẽ một đứa bé mới được chín tháng đang tập đi mà đã có thể vừa co một chân vừa nhảy được rồi ? Rõ ràng là nhận xét của Phan Kế Bính cũng như thí dụ thứ nhì kể trên, đều không đúng với định nghĩa của Từ Điển Việt Nam.

        Phan Kế Bính viết sai hay Từ Điển Việt Nam thiếu sót ?
        Bắt buộc phải lùi lại thời Phan Kế Bính hay xa hơn nữa để tìm hiểu.

        Tự điển xưa định nghĩa:

        - Cò rò, lò cò: Bộ chậm lụt, dở dang (Huỳnh Tịnh Của, 1895). Lò cò là tính từ.
        - Cò rò: marcher avec lenteur, nonchalance (đi chậm chạp, uể oải).
        - Đi lò cò: Chanceler en marchant (đi lảo đảo). Tituber (đi chập chững, lắc lư).
        - Nhắc cò cò: aller à cloche-pied (đi bằng một chân) , clopin-clopant (đi khập khiễng).
        - Lò cò (tính từ): idiot, sot (ngu xuẩn) (Génibrel, 1898) .
        - Cò, cò rò, lò cò: marcher pas à pas (đi từng bước một, đi chậm chạp). Đi cò rò từng bước (Gustave Hue, 1937).

        Mấy định nghĩa trên cho thấy rằng Lò cò vừa là tính từ vừa là động từ.

        Cuối thế kỉ 19, tính từ lò cò có nghĩa là chậm chạp, dở dang, ngu xuẩn. Động từ đi lò cò, nhắc cò cò là đi bằng một chân, đi khập khiễng (Huỳnh Tịnh Của, Génibrel).
        Phan Kế Bính hiểu nghĩa tính từ lò cò giống Huỳnh Tịnh Của và Génibrel. Đứa bé chín tháng còn tập đi, tức là còn đi chậm chạp, vụng về.

        "Vịn thành giường lò cò tập đi" nên được hiểu là tập đi một cách chậm chạp, vụng về. Ngày nay thường nói trẻ con "ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi".
        Định nghĩa của Từ điển tiếng Việt chỉ đúng cho động từ chạy lò cò hay nhảy lò cò, nhưng không đúng cho tính từ lò cò(tập đi).

        Tên lò cò từ đâu đến?

        Tự điển Huỳnh Tịnh Của có một số từ nghe lạ tai, có vẻ như là không phải tiếng Việt.

        - Cờ lờ, cờ rờ: bộ chậm chạp, bộ ngu ngơ.
        - Cờ lơ: bộ bơ vơ. Đi cờ lơ thất thơ (ngày nay nói đi cà lơ thất thểu).
        - Cờ lờ, cờ rờ, cờ lơ,cò rò, lò cò đều có nghĩa là chậm chạp, dở dang, ngu ngơ, bơ vơ.

        Từ điển Larousse của Pháp định nghĩa:

        - Cloche (tính từ): maladresse (vụng về), stupide (ngu xuẩn, ngu ngơ), incapable (không có khả năng), ridicule (lố bịch).
        - Clocher (động từ): présenter un défaut (có khuyết tật), aller de travers (đi lảo đảo, đi quàng xiên).

        Định nghĩa của Huỳnh Tịnh Của tương đương hoặc trùng hợp với Larousse. Điều này cho thấy rằng Cờ lờ, cờ rờ, cờ lơ, cò rò có thể đã được Huỳnh Tịnh Của dùng để diễn tả âm "clo" của cloche hay clopin - clopant.

        Từ đơn Cò (Gustave Hue) cũng là âm rút gọn của "clo". Lò cò, cò cò là từ láy. Chữ lò của lò cò, cũng như chữ lò của các từ lò dò, lò mò, chỉ là láy âm.

        Nói tóm lại, lò cò (tính từ) nghĩa là chậm chạp, dở dang, ngu xuẩn. Động từ lò cò nghĩa là đi bằng một chân, đi khập khiễng. Các tác giả xưa thường nói rõ là đi, chạy hay nhắc lò cò.

        Ngày nay, tính từ lò cò bị bỏ quên, chỉ còn lại động từ lò cò. Vì thế mà đôi khi xảy ra nhầm lẫn ngữ nghĩa. Trẻ con chín tháng lò cò tập đi là đúng. Lớn lên độ năm, sáu tuổi mới bắt đầu chơi chạy lò cò hay nhảy lò cò.

        Tìm hiểu nguồn gốc từ lò cò còn dẫn đến kết luận là trò chơi chạy lò cò là của người Pháp, được đưa vào miền Nam nước ta từ cuối thế kỷ 19. Về sau, trẻ con bắt chước trò chơi marelle của Pháp, vẽ ô trên sân chơi nhảy lò cò.

        Nguồn: Người Viễn Xứ
        #4
          Trương Củng 27.03.2005 05:35:56 (permalink)
          “THIẾU ĐẤT TRỒNG DỪA; THỪA ĐẤT TRỒNG CAU” Có phải là thành ngữ?

          Cách đây vài năm, một cây bút rất quen thuộc với độc giả tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống có thẳng thắn đề nghị: không nên coi “Thiếu đất trồng dừa; thừa đất trồng cau” là tục ngữ (xin x. Ngôn ngữ & Đời sống, số 9-2002, tr. 32). Lí do khiến ông làm thế hết sức dễ hiểu: tục ngữ chưa bao giờ khuyên các thế hệ mai sau làm những việc thiếu khôn ngoan kiểu ‘HÃY TRỒNG DỪA KHI ĐẤT CÒN THIẾU VÀ HÃY TRỒNG CAU KHI ĐẤT ĐÃ THỪA’, vì, như tất cả chúng ta đều biết, mỗi gốc dừa cần một khoảng “không gian sinh tồn” rộng hơn cau gấp cả chục lần!
          Đề nghị này càng tăng thêm sức hấp dẫn khi tác giả cho rằng nghĩa của thành ngữ “Thiếu đất trồng dừa; thừa đất trồng cau” rất gần với nghĩa của thành ngữ “không một tấc đất cắm dùi”, tức cũng chỉ những mẩu thổ cư rất ‘chật hẹp’, đến mức ‘chỉ trồng một gốc dừa thôi là đã thiếu chỗ’.
          Tiếc thay, đề nghị vừa nêu chưa thật xác đáng lắm vì nhiều lẽ. Trước hết, cái nghĩa ‘chật hẹp’ ấy chỉ mới ăn khớp với phần đầu của câu chúng ta đang phân tích (“Thiếu đất trồng dừa” = ‘chỉ trồng một gốc dừa thôi là đã thiếu chỗ’), chứ khó lòng ăn khớp được với phần sau. Thật vậy, giả sử chúng ta cũng giảng “thừa đất trồng cau” theo cái cách như đã làm với phần đầu, chắc chắn chúng ta sẽ thu được một kết quả không đáng mong đợi (= ‘chỉ trồng một gốc cau thôi là đã thừa chỗ’), và như vậy thì cái nghĩa ‘chật hẹp’ kia rõ ràng sẽ “hết đất để sinh tồn”.
          Hơn nữa, ngẫm nghĩ kĩ thêm chút nữa ta còn có thể nhận thấy rằng DỪA và CAU dùng ở đây xem ra không hề đối lập nhau ở khía cạnh ‘cần nhiều đất’/‘cần ít đất’ để sinh sống, mà chỉ đối lập với nhau về “lợi ích”: một bên là lợi ích “kinh tế” và bên kia là lợi ích “văn hoá” (hay “tinh thần”). Sự tương phản này từng được tục ngữ khai thác rất nhiều lần, chẳng hạn, CẢNH CAU; MÀU CHUỐI (= ‘Trồng làm cảnh thì cau là phù hợp nhất; trồng làm hoa màu thì chuối là phù hợp nhất’), CẢNH KHÔNG GÌ BẰNG CAU; RAU KHÔNG GÌ BẰNG KHOAI (= ‘Trồng làm cảnh thì không gì bằng cau; trồng để lấy rau ăn thì không gì bằng khoai’), CẢNH CAU; MÀU MÍT (= ‘Trồng làm cảnh thì cau là phù hợp nhất; trồng làm hoa màu thì mít là phù hợp nhất’), CHIM GÀ; CÂY CAU; RAU CẢI; NHÂN NGÃI VỢ; ĐẦY TỚ CON (= ‘Chim thì không giống nào hữu ích hơn gà; cây thì không giống nào hữu ích hơn cau; rau thì không giống nào hữu ích hơn cải; nhân ngãi thì không ai gắn bó hơn vợ [mình]; đầy tớ thì không ai dễ sai bảo hơn con [mình]), v.v...
          Sau cùng, ngoài cái nghĩa đen thiếu đất = ‘đất chưa đủ rộng’ và thừa đất = ‘đất đã đủ rộng’, hai cụm từ này rõ ràng còn có thể được dùng với nghĩa bóng, hay nghĩa hoán dụ (metonymical meaning): thiếu đất = ‘đất chưa mang lại cho con người đủ cái ăn’, thừa đất = ‘đất đã mang lại cho con người dồi dào cái ăn’.
          Từ những gì vừa diễn giải, chúng ta có thể đi đến kết luận: vẫn nên coi “Thiếu đất trồng dừa; thừa đất trồng cau” là tục ngữ, vì:
          Về hình thức, “Thiếu đất trồng dừa; thừa đất trồng cau” rõ ràng là một câu ghép gồm hai cấu trúc Đề–Thuyết (Đ–T) sóng đôi cân xứng. Mà đã là câu thì chúng ta không nên gò nó vào khuôn khổ của thành ngữ,– thứ đơn vị ngôn từ vốn chỉ là những ngữ (phrase), chứ chưa phải câu.
          Hơn nữa, kiểu cấu trúc Đ–T sóng đôi này là hình thức diễn đạt hết sức thông dụng trong TN: Ra đường hỏi già; về nhà hỏi trẻ – Gần mực thì đen; gần đèn thì sáng – Ở bầu thì tròn; ở ống thì dài – – Bốc mả kiêng ngày trùng tang; trồng lang kiêng ngày gió bấc – Bán gà kiêng ngày trời gió; bán chó kiêng ngày trời mưa – Ăn vóc; học hay [1] – Vàng gió; đỏ mưa [ 2] – Chân ngay bắt cò; chân co bắt chuột [ 3] , v.v. và v.v.
          Về nội dung, “Thiếu đất trồng dừa; thừa đất trồng cau” là một lời khuyên rất mực hiền minh mà tổ tiên ta muốn nhắn nhủ lại cho các thế hệ mai sau: ‘Hễ còn thiếu cái ăn thì nên trồng dừa trước đã; khi đã thừa cái ăn rồi thì [bấy giờ] hẵng trồng cau’.

          NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG

          [ 1 ] Có nghĩa là ‘Được ăn thì vóc dáng thêm cao lớn; được học thì đầu óc thêm mở mang’.
          [ 2 ] ‘Nền trời đằng tây vào lúc chiều tà mà ửng lên sắc vàng là điềm báo trước ngày mai sẽ có gió mạnh; nền trời đằng tây vào lúc chiều tà mà ửng lên sắc đỏ là điềm báo trước ngày mai sẽ có mưa to’.
          [ 3 ] (Một kinh nghiệm chọn mèo) ‘Khi tóm gáy xách lên, hễ con nào chân vẫn thẳng ra thì sau này sẽ giỏi bắt chim; hễ con nào chân cứ co lại thì sau này sẽ giỏi bắt chuột’.

          Nguồn: Người Viễn Xứ
          #5
            Trương Củng 27.03.2005 05:38:21 (permalink)
            Bưng tráp

            Tiếng gọi chung, sau còn lại duy tiếng bưng. Bưng tráp có lẽ do beng trop, tên một địa danh Khmer Việt hóa ra. (Danh từ "bưng" là âm theo Việt, và trong các sách Pháp thường âm "beng" là tiếng Khmer chỉ định những vũng nước bùn lầy cỏ mọc lúp xúp, dựa theo sông Cái Cửu Long trên đất Cao Miên, những chỗ sâu của rừng ngập mùa nước lớn, làm nơi trú ẩn cho nhiều cá tôm sinh đẻ, và khi nào nước rút hạn khô, nhưng beng này biến thành ao cá trên cạn.
            Dọc bờ Cửu Long Giang vẫn có nhiều beng, khi viết trapeang, khi khác thâu gọn lại còn beng rồi bưng, từ tiếng Miên qua tiếng Việt miền Nam không mấy hồi.
            Vả lại sự biến hóa của tiếng thật mau lẹ, tỷ dụ tiếng Préa Trapéang, sau nói gọn còn Préa
            Patang, rồi thành danh luôn nếu không khéo biên chép lại thì ngày sau khó truy căn lắm.
            Xét ra Cửu Long Giang rất khác với những sông ta thường thấy. Mùa nước lụt, Cửu Long có đến ba giòng nước, giòng giữa là con sông chính, hai bên là hai giòng beng, bưng, chứa đầy cá tôm, và Cửu Long chảy tràn hòa với đất liền, nhờ vậy khỏi đắp bờ đê, cá tôm tha hồ lên ruộng, lên bưng sinh sản và ở luôn tại chỗ cho thổ dân nhờ, chớ không chạy thẳng ra biển như Nhĩ Hà đất Bắc.
            Từ lâu đời, người Khmer trên Nam Vang đã biết lợi dụng và biến đổi beng, bưng thành đất liền để sau trổ nên ruộng tốt bằng cách đào thêm mương cạn cho beng bưng ăn vào trong sâu. Phù sa nhơn đó theo lên lâu đời sình lầy động đặc lại thành đất nạc. Beng, bưng chia ra có ba hạng, hạng thật sâu, thì có một loại cây mọc dầy đến voi tượng không tuông pha trong ấy được, hạng trung sâu độ năm sáu thước thì chứa loại lác cọng rất dài, dùng dệt chiếu và hạng có nước lé đé độ non thước Tây như đã kể.

            VƯƠNG HỒNG SỂN (trích Tự vị tiếng nói miền Nam)
            Nguồn: Người Viễn Xứ
            #6
              Trương Củng 27.03.2005 05:40:43 (permalink)
              Bợm già mắc bẫy cò ke
              “Bẫy cò ke” là một loại bẫy thô sơ dùng để bẫy chim. Bẫy bằng tre, hình tam giác, phía trên có cần bật nối với lẫy và mồi. Mồi của bẫy thường là quả cò ke nên gọi là “bẫy cò ke”.
              Cò ke là một loài thân thảo. Có hai loại cò ke: loài dây leo có tên khoa học là Grewia astropelata và loại thân đứng có tên là Grewia paniculata. Quả cò ke khi chín có màu đen, vỏ nhẵn, là món ăn đặc biệt ưa thích của các loài chim.
              Bẫy cò ke có cấu tạo đơn giản nhưng hiệu quả cao. Nếu chim đã chui đầu vào ăn mồi (ăn quả cò ke) thì đều bị cần đập gẫy cổ chết ngay. Vì vậy mà chim đã bị “mắc bẫy cò ke” thì khó lòng thoát chết.
              Theo kiểu bẫy cò ke dùng bẫy chim, người ta làm ra những chiếc bẫy chó tương tự và cùng tên. Vì thế trong tự điển Đào Văn Tập, bẫy cò ke này được giải thích là “một thứ bẫy chó rất sơ sài”, và nghĩa bóng là “mưu lừa tầm thường”. Chính vì xuất phát từ đặc điểm rất thô sơ, đơn giản nhưng lại đạt hiệu quả cao nên bẫy cò ke mới có nghĩa bóng là mưu lừa tầm thường.
              Trong câu tục ngữ “Bợm già mắc bẫy cò ke” có một sự đối lập thú vị: “Bợm già” là những tay bợm lão luyện, lọc lõi trong nghề lừa lọc, thế mà lại bị mắc bẫy cò ke - tức là bị mắc mưu lừa tầm thường! Và khi đã sa cơ thì dù có là bợm già cũng phải bó tay! Tục ngữ này phản ánh một hiện thực xã hội: những kẻ dầu có “anh hùng”, “ngang dọc” mà chủ quan thì có lúc cũng bị sa cơ, thất thế bởi những mưu chước rất tầm thường.
              (Theo “Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ”)

              Nguồn: Người Viễn Xứ
              #7
                Trương Củng 27.03.2005 05:42:15 (permalink)
                Con cà con kê

                Trong giao tiếp hằng ngày, chúng ta thường gặp một số người có thói quen nói dài, nói dai, nói hết chuyện này đến đến chuyện khác. Thói quen đó đã được dân gian đúc kết lại bằng một thành ngữ rất cô đọng: “Con cà con kê”.
                Vì từ “con” mà từ trước đến nay vẫn có hai cách hiểu khác nhau về thành ngữ đó.
                Nhiều người cho rằng “con cà con kê” là một thành ngữ có sự kết hợp của hai từ cùng có ý nghĩa trong tiếng Việt và tiếng Hán, đó là “cà” (trong tiếng Việt cổ “cà” nghĩa là “gà’) và “kê’ (tiếng Hán có nghĩa là “gà”). Nghĩa đen của thành ngữ này hiểu một cách nôm na là: dài dòng, luẩn quẩn và trùng lặp, “hết con gà lại quay lại con gà”.
                Lại có người giải thích theo một cách khác rằng “cà” và “kê’ trong thành ngữ nêu trên không phải là “gà” mà là “cây cà” và “cây kê”. Cà gieo thành đám. Trăm nghìn cây con mọc lên. Kê gieo thành đám như mạ. Cây cà, cây kê đến tuổi trồng, người ta nhổ lên, bó thành từng bó nhỏ rồi đưa đi trồng. Công việc trồng cà, trồng kê đòi hỏi tỷ mẩn. Vào những ngày mưa, việc tỉa cà , kê ra từng cây một rất rề rà. Từ đó, nghĩa đen của thành ngữ này là: dài dòng hết cây cà lại sang cây kê, không dứt.
                Hai cách giải thích đều có lý lẽ riêng khá thuyết phục. Nhưng cách giải thích thứ hai phù hợp với cách dùng phổ biến hiện nay của mọi người.
                (Theo “Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ”)

                Nguồn: Người Viễn Xứ
                #8
                  Trương Củng 27.03.2005 05:44:53 (permalink)
                  Bầu dục hay Dùi đục chấm mắm cáy?

                  Trong cuốn “Thành ngữ tiếng Việt” (NXB KHXH, H.1978), Nguyễn Lực và Lương Văn Đang đã thu thập cả hai dạng thành ngữ này và giải thích cùng một nghĩa là “không phù hợp, thô bạo, thiếu tế nhị” (tr.57)
                  Trong thực tế giao tiếp hằng ngày, người ta thường nói “dùi đục chấm mắm cáy ” hơn là “bầu dục chấm mắm cáy”. Tuy vậy “bầu dục chấm mắm cáy” lại là dạng ban đầu, dạng khởi thủy; còn “dùi đục chấm mắm cáy” chỉ là biến thể do đọc chệch “bầu dục” ra “dùi đục” mà thành.
                  Nghĩa của thành ngữ “bầu dục chấm mắm cáy” hình thành trên cơ sở của sự chênh lệch hay tính không tương hợp giữa thức ăn và gia vị. Bầu dục là món ăn ngon và hiếm. Chẳng thế mà trong kho thành ngữ, tục ngữ của Việt Nam còn có câu:
                  Sáng ngày bầu dục chấm chanh
                  Trưa gỏi cá cháy, tối canh cá chày
                  Vậy mà cái món ngon và hiếm ấy lại đem chấm với mắm cáy, một thứ mắm xoàng nhất, có thể nói là mạt hạng trong các loại mắm ở vùng biển. Bầu dục nếu ăn đúng cách phải chấm với chanh hay nước nước gừng. Còn mắm cáy chỉ dùng để ăn với rau muống, dua, cà...
                  Trong “Phú Việt Nam” có bài “Đàm tục phú” -một bài phú khuyết danh từ thế kỷ trước-khi phê phán những kẻ văn dốt, võ nhát nhưng lại ham muốn học đòi những người có khả năng kinh bang tế thế, cũng liên hệ đến sự chủng chẳng, không phù hợp giữa bầu dục và mắm cáy:
                  Chủng chẳng như bầu dục mắm cáy, muốn bậc kinh luân
                  Chình chịch như khối đất nắm ao bèo, toan bề thao lược
                  Có thể là do những nét tương tự về ngữ âm giữa bầu dục và dùi đục mà xuất hiện biến thể “dùi đục chấm mắm cáy”. Vả lại, biến thể này cũng cho phép có một cách giải thích khách của nó mà xem chừng cách giải thích ấy cũng có thể chấp nhận được
                  (Theo Kể chuyện thành ngữ tục ngữ)

                  Nguồn: Người Viễn Xứ
                  #9
                    Trương Củng 27.03.2005 05:46:31 (permalink)
                    Bán cá mũi thuyền

                    Mỗi lần thuyền đánh cá về bến, dân buôn cá đổ xô xuống để mua cá tươi. Cá cứ đong bằng rổ, xếp đầu mũi thuyền. Dân mua cá đứng trên bờ, mặc cả với chủ thuyền.
                    Thỏa thuận được giá thì chuyển cá từ mũi thuyền lên bờ. Bên nhận cá, bên lấy tiền. Người đánh cá quay thuyền rời bến. Người mua cá gánh cá lên chợ. Mua cá ở thuyền rẻ hơn nhiều so với ở chợ.
                    Cùng một phần cá được chia. Người khéo bán hoặc cả gan giữ cá, chờ lên bờ mới bán, có khi tiền thu được bằng cả hai phần được chia. Người non gan bán ngay trên thuyền, thu được ít hơn. “Bán cá mũi thuyền” là thành ngữ chỉ hành vi bán cái gì đó nóng vội, thiếu cân nhắc, rẻ và đã trao tay là xong, dứt khoát không trả lại.
                    Gần nghĩa với “bán cá mũi thuyền” là thành ngữ “đá qua be thuyền’, tức là bán cà hoặc trao đổi hàng hóa qua be thuyền để chỉ sự trao đổi vội vàng, chênh lệch giá trị hoặc tình trạng phủi tay cho xong việc.
                    (Theo “Kể chuyện thành ngữ tục ngữ”)

                    Nguồn: Người Viễn Xứ
                    #10
                      Trương Củng 27.03.2005 05:52:24 (permalink)
                      Ăn ốc, nói mò

                      Mới nghe qua dường như có thể giải thích thành ngữ "ăn ốc nói mò" nhờ vào quan hệ nhân quả: "ăn ốc thì nói mò" hay "vì ăn ốc nên nói mò". Tương tự như khi hiểu các tổ hợp từ "ăn ốc lạnh bụng", "uống rượu nhức đầu", "hút thuốc khản giọng"... Song cái ý "nói mò" (tức nói đoán chừng, hú họa, không chắc trúng, vì không có đủ căn cứ để nói) của "ăn ốc nói mò" lại chẳng có mối liên hệ nào với việc ăn ốc cả. Nói cách khác, ở đây giữa "ăn ốc" và "nói mò" không có quan hệ nhân quả. Vậy thì, "ăn ốc" và "nói mò" kết hợp với nhau theo quan hệ gì? Và thành ngữ "ăn ốc nói mò" đã xuất hiện như thế nào?
                      Có người cho "ăn ốc nói mò" có xuất xứ ở việc uống rượu ăn ốc ở các quán đầu làng. Rượu vào lời ra. Người quá chén thường nói năng lung tung, hết chuyện này sang chuyện khác, đúng, sai, hay, dở, tục, thanh, không để ý tới. Cách giải thích này xem ra có một ít lý lẽ, song chưa thể yên tâm được. "Nói mò" trong "ăn ốc nói mò" không phải nói lung tung, chuyện này sang chuyện nọ như người say rượu, mà là nói hú họa, đoán chừng về một điều cụ thể, vốn xác thực nhưng không biết hoặc chưa biết chắc chỗ đúng của điều cần nói là đâu.
                      Cũng có người nghĩ tới quan hệ điều kiện - giả định giữa việc "ăn ốc" và việc "mò ốc" : "muốn ăn ốc phải mò ốc" để cắt nghĩa xuất xứ của "ăn ốc nói mò". Nhưng tại sao ý "muốn ăn ốc phải mò ốc" lại liên hội được với ý "nói mò, nói hú họa, nói không có chứng cớ" của "ăn ốc nói mò" đã nêu trên.
                      Chúng ta thử tìm hiểu nguyên lai của thành ngữ này theo một hướng khác. Như đã biết, trong tiếng Việt có một từ "mò" là động từ (mò ốc, mò cua...) và một từ "mò" là trạng từ (nói mò, đoán mò...). "Mò" trong "ăn ốc nói mò" chính là từ "mò" trạng từ, chỉ cách thức hành động. Như vậy, giả định có quan hệ điều kiện giữa "ăn ốc" và "mò ốc" nêu trên là không có lý. Điều cần làm rõ ở đây là, vậy thì (nói) "mò" đã đi vào "ăn ốc nói mò" bằng con đường nào ?
                      Trong lời ăn tiếng nói của dân gian, bên cạnh "ăn ốc nói mò" chúng ta còn gặp các cách nói "ăn măng nói mọc, ăn cò nói bay", "ăn măng nói mọc" dùng chỉ sự bịa đặt, dựng chuyện, vu khống; "ăn cò nói bay" nói về thói chối bay, chối phắt, coi như không có, không biết điều đó có xảy ra thật. Ở hai cách nói này, gánh nặng ý rơi vào các vế sau (nói mọc, nói bay), giống như cách nói "ăn ốc nói mò". Và, vế đầu (ăn măng, ăn cò) dường như chỉ giữ chức năng cấu tạo hình thái chứ không mang chức năng biểu ý. Đây là một loại cấu trúc độc đáo, rất hiếm thấy trong thành ngữ tiếng Việt. Có thể hình dung cơ chế tạo lập kiểu cấu trúc như sau:
                      1. Có một từ A biểu thị một hiện thực, ví dụ "mọc" trong "ăn măng nói mọc" biểu thị tính hay vu khống, dựng chuyện ở một loại người nào đó.
                      2. Do nhu cầu diễn đạt có tính hình ảnh, gây ấn tượng mạnh mẽ hơn, người ta đã tạo ra lối nói mới dựa trên khuôn mẫu của cách nói đã có trước trong ngôn ngữ. Cách nói mới này được xây dựng trên nguyên tắc:
                      a) Tìm trong ngôn ngữ một từ B có quan hệ lôgich với A, sao cho được một quan niệm khi kết hợp với A (theo trật tự AB hay BA) hợp với logic nhận thức bản ngữ. Ví dụ: nếu A là "mọc" thì B phải là "măng" (hay "trăng", "răng",...), vì nói "măng mọc" (hay "trăng mọc", "răng mọc",...) đều có thể quan niệm được. Còn nếu A là "bay" thì B phải là "cò" (hay "chim", "cờ", "lá",...) vì nói "chim bay" ("cờ bay", "lá bay")... đều hợp logic.
                      b) Tùy vào đặc tính phạm trù của điều được nói đến và của hiện thực do B biểu đạt, tìm một hình thức (từ hoặc tổ hợp từ) có khả năng tương kết với AB (BA) theo luật này hay khác (chẳng hạn, điều được nói tới trong "ăn măng nói mọc" (ăn ốc nói mò, ăn cò nói bay...) có thể quy vào phạm trù ứng xử nói năng. Do đó, các từ được chọn làm các yếu tố cấu trúc có thể là "ăn nói", "lời lẽ", "nói năng"... Vì B là từ chỉ sự vật thuộc phạm trù cái ăn được, nên người nói đã chọn từ "ăn nói" trong số các từ trên tương kết với "măng mọc".

                      Cuối cùng, dùng luật đối và điệp, vốn là biện pháp được dùng rất phổ biến trong thành ngữ, tục ngữ tiếng Việt, với tư cách là chất gắn kết các yếu tố A, B để tạo thành khuôn mới. Cụ thể "ăn măng nói mọc" được phân tích ra như sau: "ăn nói" tương kết với "măng mọc" nhờ luật đối và điệp tạo thành "ăn măng nói mọc" giống như dân gian đã dùng các từ "ong bướm" và "lả lơi" để tạo ra thành ngữ "bướm lả ong lơi" hoặc dùng các từ "đi về" và "mây gió" để tạo ra "đi mây về gió". "Ăn cò nói bay" và "ăn ốc nói mò" đều được tạo thành theo con đường nói trên.
                      (ST)
                      Nguồn: Người Viễn Xứ
                      #11
                        HongYen 13.04.2005 15:22:08 (permalink)

                        Về nội dung, “Thiếu đất trồng dừa; thừa đất trồng cau” là một lời khuyên rất mực hiền minh mà tổ tiên ta muốn nhắn nhủ lại cho các thế hệ mai sau: ‘Hễ còn thiếu cái ăn thì nên trồng dừa trước đã; khi đã thừa cái ăn rồi thì [bấy giờ] hẵng trồng cau’.


                        Kính TC,

                        Cho xin xen vào Thành ngữ và Tục Ngữ.

                        Thật ra còn lẫn lộn Ca dao, tục ngữ, thành ngữ, và những câu nói lề.

                        Khi thấy nói về dừa và cau thì có vài ý kiến vì rằng xung quanh nhả có trồng mà chưa quan tâm lắm. Bây giờ đọc đến đây mới thấy mình sống bao nhiêu năm với cau và dừa mà đâu có để ý cái gì.

                        Trước tiên không dám lạm bàn về ý nghĩa mà chỉ thấy thực tế và nói ra.

                        Dừa rất lợi cho thức ăn hằng ngày va có cũi chụm nữa. Lá dửa nhúm lửa rất mau khỏi bị mẹ rầy. Tuy vậy chẻ sóng dửa và phơi là cả công trình mệt nhọc, mà vẫn phải làm... Khi trồng dừa có ngưới nói phải ngồi, hay trồng rồi phải bước ngang qua đầu cây con và dặn rằng mà không được cao hơn tao. Nhớ rằng trồng dừa không đụng là, trồng cau phải đâu cành. Dừa chiếm rất nhiều đất và rễ bám rất chặt vào đất không cây cỏ nào có thể mọc được được gốc dừa. Khi sóng thần xảy ra, những cây dừa chắn gió, sóng, bảo và đã cứu bao nhêu mạng người.....

                        Riêng cau, phải trồng gần để dể hái bằng cách du ngọn nầy qua ngọn kia như xiếc. Trồng gần để dể tưới nước. Thấy Ông Ngọai thích thân cau lắm vì khi tắm thì ông cọ cọ lưng vào thân cây. Tàu cau là một diểu thích thú với lũ trẻ, có thề làm tàu kéo, xe hơi, xe lửa...Tàu non còn được dùng dở cơm với khô loan phòng là một trong những thứ xa xí hay cao lầu của tuổi trẻ....

                        Mong đây là ý cá nhân trước khi hiểu về tục ngữ: thiếu đất trồng dừa, thừa đất trồng cau....
                        #12
                          HongYen 15.04.2005 07:16:10 (permalink)

                          Thiếu đất trồng dừa; thừa đất trồng cau


                          Kính TC,

                          Chưa thấy TC dạy bảo điểu gì khi nói về thành ngữ hay tục ngữ dù rằng ý kiến cá nhân. Đa tạ.

                          Vậy cho Xin mạn bàn thêm về dừa và cau trong cái nhìn của học và dạy.

                          Khi đến Mỹ tho hay Tiền Giang là coi như xứ mận và dừa dù rằng có tiếng dửa Bến Tre.

                          Lúa bạt ngàn miền Đông Nam Bộ thì khoảng giữa Phan Rang và Nha Trang các bạn sẽ thấy xe ba-lua hya xe cam- nhông hay xe tải nối đuôi nhau chở dừa, dừa và trái dừa. Tuy vậy thơ mộng vẫn là dừa của xứ Hawaii và các nàng thiếu nữ múa trên bãi biển dừa...

                          Trở lại dửa Mỹ Tho, nói cụ thể lại Chợ Nhỏ. Có nhiều ghe hay tàu đò chở những bó là dừa, những buồn chuối chì vài ba nải để bán. Phải bao nhiêu lâu và bao nhiêu công sức để có những sản phẩm đó hay bao nhiêu nhịn thẻm thuồng của trẻ con trong gia đình đó mới đem bán được như vậy. Chưa hết người bán đã vậy, người mua còn kỳ kèo bớt một thêm hai. Vậy làm sao giải quyết vấn đề sống đây. Còn bao nhiêu là cảnh như vậy Đừng vội lên mặt thương người....Phải học và dạy thế nào để có công bằng xã hội từ một tàu dừa.

                          Khi nói thiếu đât và thừa đất là đã mang hình thái kinh tế...Trong bối cảnh xa xưa cái ăn cái mặc gần như nổi trội. Gần đây thì chính trị mà chính trị và tôn giáo là nhạy cảm.

                          Trở lại tàu cau. Trên phương diện y học thật là phản khoa học dù khoa học là then chốt. Vây cũng đưa vào dạy và học hay làm thầy đời dỏm....

                          Tàu cau rất có lợi khi chuột xống lá để làm chổi quét nhà, quét sân và quét cho sạch... HY đã từng là nạn nhân hàng chục năm của chổi tàu cau. Trẻ từ 5, 6 tuổi đã dạy nò quét nhà, quét sân mà sân đất. Cứ nghĩ là sạch nhà cửa như: "nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon". Không thấy ba cái tai hại rất lớn.

                          1. Bụi vào mũi mà người quét phải hít năm nầy đến tháng kia, biết bao vi trùng vào phổi.
                          2. Khom lưng để quét vì cán chổi ngắn, gây nên một trong những thoái vị cột sống khi lớn tuổi vì cán chổi ngắn
                          3. Cái hại nhiều hơn cái lợi...

                          Ở những nước tân tiến thì sao. Trước khi nó có máy hút bụi, thì cuộc sống có lẻ như ta. Rồi dần dần rác rến được dùng lại như phâh bón hữu cơ. Gần như không có đốt rác...Đã có lần HY hứa sẽ nói về than cũi. Lại hứa.

                          Chúc bạn vui với tàu dừa và tàu cau trong ý nghĩa tích tịch và tiêu cực.
                          #13
                            Trương Củng 18.04.2005 05:03:29 (permalink)

                            Chưa thấy TC dạy bảo điểu gì khi nói về thành ngữ hay tục ngữ dù rằng ý kiến cá nhân


                            Xin gửi lại HY hai chữ "dạy bảo" nhé. Đây là kiến giải cá nhân của TC về Thành Ngữ đối với Tục Ngữ.
                            Thành ngữ là lời nói gọn, xét về mặt ngữ pháp thường chỉ là một ngữ chưa thành một câu, có cách dùng từ đôi khi rất mộc mạc nhưng ý nghĩa diễn tả thì ví von ngụ được ý sâu mà không cần phải dùng lời dông dài.
                            Tục Ngữ thì thường là một câu chỉnh về mặt ngữ pháp, và phải mang một những giá trị truyền đạt có tính cách giáo dục của thế hệ đi trước về mặt Ý nghĩa: Luân lý, triết lý - tâm lý, Phong tục - Lễ nghĩa, Lịch sử, Địa dư, Khoa học thường thức (y học, thời tiết, thảo mộc...), Nghề nghiệp chuyên môn....
                            Nói thì vậy nhưng khi ứng dụng để phân tích cụ thể từng câu thì thường gặp vấn đề vì ngữ pháp VN khá rắc rối, trong lối nói gọn như thành ngữ, tục ngữ nhiều khi người ta lúng túng không phân tích ra được đâu là câu đâu là ngữ. Đó là trường hợp của: "thiếu đất trồng dừa, thừa đất trồng cau", "Chết đuối đọi đèn ", "Mũi vạy/dại lái chịu đòn", "Ăn vóc học hay"....
                            Chúc vui
                            TC
                            #14
                              HongYen 18.04.2005 07:56:50 (permalink)

                              "thiếu đất trồng dừa, thừa đất trồng cau", "Chết đuối đọi đèn" , "Mũi vạy/dại lái chịu đòn", "Ăn vóc học hay"


                              Kính TC.

                              Xin phép nhận lại "dạy bảo" để mong được học hỏi nơi TC và Quý Bạn.

                              "thiếu đất trồng dừa, thừa đất trồng cau"


                              Ha, phảỉ chi hồi đi học Thầy Cô cho làm bài phê bình hay giảỉ nghĩa câu nầy thì giờ đây đâu có lúng túng. Câu đọc thì nghe dễ hiểu mà ý thật là khó tìm dẫn chứng, nhất là phảỉ dẫn chứng từ điễn tích xa xưa và phổ cập....

                              Nhớ rằng:

                              Dàn baì:
                              I. Mở baì với hai, ba ý trọng tâm... (xã luận hay cao hơn thì 4, 5 ý..)
                              II. Thân bài:
                              1. Diễn tả ý thứ nhất
                              2. Diễn tả ý thứ hai
                              ...
                              ÌII Kết luận tổng kết lại những ý kia theo thứ tự, không lộn xộn....
                              XIN noí nhỏ biết đâu thầy cô cũng đâu có hiểu nghiã để mà ra đề taì nầy. Suy bụng ta ra bụng người.

                              "Chết đuối đọi đèn"


                              Có dàn bài kia rồi. Câu trên hình như là toàn tiếng Nôm hay nôm na là tiếng Việt phổ cập. Chết thì hiểu, chết đuối thì hiểu, đọi đây hơi khó ăn; không lẻ cắn bút. Rồi đến đèn xaì thường ngày mà câu trên chắc uợc noí đến khi chưa có đèn điện. Vậy rồi toàn câu nghiã là gì. Có lẻ phảỉ theo lối suy luận 5 ăn 3 thua. Chết đuối là nguy hiểm, chấm dứt Đọi đèn; tốt hay xấu, hay có htể vớt vát được gì chăng hay liên hệ đến hình ảnh naò.

                              Toát mồ hôi hay chết cạn với câu nầy rồi. Phaỉ làm bài thôi vì có lẻ đề tài cho trong 60 phút. Câu nầy theo phân tách là đối vế hay bổ nghiã hay là nhị nguyên và lưỡng nghi ( đang học ứng dụng từ Hán Việt). Đàng naò cũng phải có bố cục mau gọn để rồi đánh nhanh rút lẹ...

                              Đấy caí khó là chỗ học và daỵ trong một vấn đề đơn giản mà rắc rối. Tới câu "mũi dại lái chiụ đòn" có lẻ dể ; vậy nếu như muĩ vaỵ thì sao.

                              Cám ơn TC đã đưa ra vaì câu đơn giản nhưng không kém phần hóc buá.

                              Chúc vui mạnh

                              PS. A, chưa hết còn phải hiểu những cậu trên được hình thành trong thời kỳ nào và ở đâu cuả xã hội.....thì mới biết nghiã đen và nghiã bóng cuả nó. Đấy laị đi vaò học và daỵ vô bờ bến.
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 19 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9