Tìm hiểu về một số Thành Ngữ và Tục Ngữ trong tiếng Việt
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 19 trên tổng số 19 bài trong đề mục
Trương Củng 18.04.2005 13:33:33 (permalink)
Câu “Thiếu đất trồng dừa, thừa đất trồng cau” Nguyễn Đức Dương đã giải nghĩa rõ trong bài post số 5.

Sau cùng, ngoài cái nghĩa đen thiếu đất = ‘đất chưa đủ rộng’ và thừa đất = ‘đất đã đủ rộng’, hai cụm từ này rõ ràng còn có thể được dùng với nghĩa bóng, hay nghĩa hoán dụ (metonymical meaning): thiếu đất = ‘đất chưa mang lại cho con người đủ cái ăn’, thừa đất = ‘đất đã mang lại cho con người dồi dào cái ăn’.
Từ những gì vừa diễn giải, chúng ta có thể đi đến kết luận: vẫn nên coi “Thiếu đất trồng dừa; thừa đất trồng cau” là tục ngữ, vì:
Về hình thức, “Thiếu đất trồng dừa; thừa đất trồng cau” rõ ràng là một câu ghép gồm hai cấu trúc Đề–Thuyết (Đ–T) sóng đôi cân xứng. Mà đã là câu thì chúng ta không nên gò nó vào khuôn khổ của thành ngữ,– thứ đơn vị ngôn từ vốn chỉ là những ngữ (phrase), chứ chưa phải câu.
Hơn nữa, kiểu cấu trúc Đ–T sóng đôi này là hình thức diễn đạt hết sức thông dụng trong TN: Ra đường hỏi già; về nhà hỏi trẻ – Gần mực thì đen; gần đèn thì sáng – Ở bầu thì tròn; ở ống thì dài – – Bốc mả kiêng ngày trùng tang; trồng lang kiêng ngày gió bấc – Bán gà kiêng ngày trời gió; bán chó kiêng ngày trời mưa – Ăn vóc; học hay [1] – Vàng gió; đỏ mưa [ 2] – Chân ngay bắt cò; chân co bắt chuột [ 3] , v.v. và v.v.
Về nội dung, “Thiếu đất trồng dừa; thừa đất trồng cau” là một lời khuyên rất mực hiền minh mà tổ tiên ta muốn nhắn nhủ lại cho các thế hệ mai sau: ‘Hễ còn thiếu cái ăn thì nên trồng dừa trước đã; khi đã thừa cái ăn rồi thì [bấy giờ] hẵng trồng cau’.


Những câu TC trích đã được nhiều người bàn cãi với những kiến giải khác nhau.

Ăn vóc học hay: Vóc có nghĩa là hình thể, thân hình của một vật sống (Người, con vật, cây cối), hay một cái gì có thể tự hình thành phát triển (tổ chức, quốc gia, công ty,..), hoặc được tạo dựng bởi con người (pho tượng điêu khắc, kiến trúc...) chữ vóc hiện nay ít khi đứng một mình, thường thì đi với chữ khác mới rõ nghĩa như tầm vóc, dáng vóc, vai vóc, sức vóc. Câu này Lê Ngọc Trụ giải nghĩa là ăn cho nên vai nên vóc thì học cũng phải cho nên người. Sau này có người cho chữ vóc có nghĩa là ít, cho là chữ vóc là từ chữ vốc (một vốc gạo, vốc nước) mà ra??? rồi giải nghĩa là ăn ít thì học hay (giỏi)??? (giải nghĩa kiểu này thì xin đầu hàng hai tay)

Câu mũi dại lái chịu đòn thường được hiểu là người chèo mũi (nhỏ/cấp dưới/con em) dại nên người lèo lái (lớn/cấp trên/cha anh) phải chịu/bị đòn.
Nhưng một số học giả có kiến giải khác như sau: Chữ dại là do đọc trạnh từ chữ vạy, cho nên câu đó phải đọc đúng là mũi vạy lái chịu đòn. Vạy tức là lệch qua một bên, chữ vạy thường dùng với tà vạy, cong vạy. Câu trên theo Lê Ngọc Trụ có nghĩa là: Người bẻ lái thuyền phải chịu trách nhiệm cả đằng mũi khi người chèo mũi vô ý làm cho thuyền đâm bậy. Người đứng ra điều khiển công việc phải chịu trách nhiệm tất cả việc làm của bộ hạ, hoặc cha anh phải chịu trách nhiệm việc làm của con em.

Và sau đây là cách giải thích của Nguyễn Đức Dương về câu “Mũi vạy lái chịu đòn”
Câu «mũi dại lái phải chịu đòn», chẳng hạn, là một kết quả của từ nguyên dân gian trong đó «dại» là một kẻ tiếm lập đã chiếm chỗ của từ «vạy» vì hình thức nguyên thuỷ của câu tục ngữ là «mũi vạy lái phải chịu đòn». Đây vốn là lối nói của nghề ghe thuyền. «Mũi vạy» là mũi thuyền đi lệch hướng, thường là do ảnh hưởng của dòng nước xiết hoặc cơn nước xoáy. Trong tình thế khó khăn này, người cầm lái phải vững vàng thì mới có thể đưa con thuyền đi trở lại cho đúng hướng mà vượt qua chỗ nguy hiểm được. Chính vì thế mà anh ta phải «chịu đòn», nghĩa là phải ra sức ghị cây đòn lái cho thật chắc theo hướng đã định để cho con thuyền khỏi bị cuốn theo cơn nước xoáy hay dòng nước xiết. Động từ «chịu» ở đây chỉ là một với «chịu» trtrong «chịu mũi», «chịu lái», «đứng mũi chịu sào», … chứ «chịu đòn» ở đây không phải là nhận hình phạt bằng roi vọt. Chỉ vì không hiểu lối nói này của nghề ghe thuyền nên người ta mới nói trại tiếng thứ hai của câu tục ngữ đang xét từ «vạy» thành «dại» rồi hiểu «đòn» ở đây là roi vọt mà thôi.

Câu chết đuối đọi đèn Nguyễn Đức Dương đã giải nghĩa rõ ở post số 1 như sau:


Ngoài ra, chắc họ cũng sẽ nhận thấy thêm : thời chưa có dầu hoả hoặc điện, ông bà ta thường phải dùng một cái đĩa hoặc một cái bát [= đọi], trong đựng dầu lạc [= đậu phụng] và một ngọn bấc [= tim] để làm đèn – khí cụ dùng để thắp sáng. Đó là lý do cho biết tại sao trong câu TN đang xét có hai chữ ĐỌI ĐÈN.
Dựa vào những tri thức văn hoá vừa trình bày, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết đâu là nội dung ngữ nghĩa đích thực của câu trên :
1. [nghĩa đen] 'Người ta chỉ có thể bị chết đuối trong sông, trong suối, chứ không bao giờ lại có thể bị chết đuối trong đọi (= bát) dầu lạc, – vật dùng để thắp sáng và thường được đưa ra để chứng giám cho những lời thề bồi’.
2. [nghĩa bóng] ‘Một lời thề, dù độc đến mấy chăng nữa, vẫn chỉ là một lời thề (tức không thể coi như một chứng cứ xác đáng)’.


Thật ra các tục ngữ xưa thường rất bí hiểm, vì có nhiều từ ngày nay ít được dùng hoặc đã mất nghĩa, và thêm cấu trúc của câu quá cô đọng càng làm điên đầu nhiều học giả chứ không phải riêng TC hay HY. Vậy nếu thấy câu tục ngữ nào mà mình không hiểu nghĩa cũng đừng nghĩ là mình dốt, so với tiền nhân chúng mình đều dốt cả.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 18.04.2005 13:36:22 bởi Trương Củng >
#16
    Trương Củng 18.04.2005 13:46:00 (permalink)
    Vừa đọc được bài viết dưới đây của Nguyễn Đức Dương ở báo Người Viễn Xứ giải thích rõ hơn về việc phân biệt giữa thành ngữ (ThN) và tục ngữ (TN):


    Nhận diện tục ngữ




    1.Hầu hết các từ điển tục ngữ (TN) hiện có ở ta đều gộp chung TN với thành ngữ (ThN) vào làm một rồi xử lí (*). Lẽ nào “ranh giới” giữa hai thứ đơn vị ngôn từ đó lại “mong manh” đến như vậy? (Lê Xuân Mậu 2002). Hay “ngay tự khởi nguồn đã có sự bất phân rồi”? (Lê Xuân Mậu 2003: 33).

    Để trả lời thoả đáng hai câu hỏi đó, có lẽ chúng ta nên điểm lại những cố gắng nhằm phân biệt TN với ThN từng được đưa ra từ trước tới nay.

    2. Người đầu tiên cảm thấy cần phân biệt TN với ThN là nhà học giả Dương Quảng Hàm. Trong Việt Nam văn học sử yếu, ông cho rằng: “Một câu TN tự nó phải có một ý nghĩa đầy đủ, hoặc khuyên răn, hoặc chỉ bảo điều gì; còn ThN chỉ là những lời nói có sẵn để ta tiện dùng mà diễn đạt một ý gì hoặc tả một trạng thái gì cho có màu mè” (Dương Quảng Hàm 1943: 15).

    Ra đời vào những năm ngành ngữ học nước nhà chưa mấy phát triển, cách nhận diện TN và ThN của nhà học giả khả kính này rõ ràng còn có chỗ chưa thật rõ. Chính vì vậy mà Vũ Ngọc Phan đã không lấy gì là tâm đắc lắm với giải pháp đó và đã định nghĩa lại như sau trong bộ Tục ngữ – ca dao – dân ca của ông: “TN là một câu tự nó diễn trọn vẹn một ý, một nhận xét, một kinh nghiệm, một luân lý, một công lý, có khi là một sự phê phán. Còn ThN chỉ là một phần câu sẵn có, một bộ phận của câu mà nhiều người đã quen dùng, nhưng tự riêng nó không diễn được một ý trọn vẹn” (Vũ Ngọc Phan 1971: 31).

    Tiếc thay, cả định nghĩa này nữa vẫn chưa hé mở cho chúng ta một viễn cảnh nào sáng sủa cả, nhất là khi đem vận dụng vào thực tiễn (như tuyển chọn TN cho các bộ sưu tập, chẳng hạn). Bởi vậy, ngay sau ngày tạp chí Ngôn ngữ ra đời (từ 1969), nhiều chuyên gia về tiếng Việt đã phải lần lượt lên tiếng với hi vọng đưa ra một giải pháp hữu hiệu hơn.

    Tiếng nói đầu tiên trên Ngôn ngữ về đề tài đó là của nhà giáo Nguyễn Văn Mệnh. Theo ông, “về hình thức ngữ pháp, mỗi ThN chỉ là một cụm từ, chưa phải là một câu […]. TN thì khác hẳn. Mỗi TN tối thiểu phải là một câu” (Nguyễn Văn Mệnh 1972: 13).

    Giải pháp này bị Cù Đình Tú, một chuyên gia về phong cách học, bài bác, cho là “chưa thật xác đáng”, vì chỉ “dựa vào nội dung lô gích” [!?] để chỉ ra và giải thích sự khác nhau giữa hai thứ đơn vị đó; trong khi “sự khác nhau cơ bản giữa ThN và TN là sự khác nhau về chức năng”. “ThN là những đơn vị có sẵn, mang chức năng định danh”; còn “TN […] có chức năng khác hẳn”, đảm nhiệm phận sự “thông báo: […] thông báo một nhận định, một kết luận về một phương diện nào đó của thế giới khách quan. Do vậy, mỗi TN đọc lên là một câu hoàn chỉnh, diễn đạt trọn vẹn một ý tưởng […]” (Cù Đình Tú 1973: 41).

    Đáng buồn là cả giải pháp này nữa cũng chưa giúp ích được bao nhiêu cho việc sàng lọc các đơn vị cụ thể. Có lẽ chính vì thế mà chất lượng các bộ sưu tập TN ra đời sau Tục ngữ Phong dao (1928) của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc đến gần nửa thế kỉ, như Tục ngữ Việt Nam của Chu Xuân Diên – Lương Văn Đang – Phương Tri (1975) chẳng hạn, vẫn chưa được người đọc đánh giá cao.

    3.Thực trạng đáng suy nghĩ này rõ ràng chỉ là hậu quả khó tránh của việc những tác giả đi sau chỉ “cải biến” chút đỉnh quan niệm của nhà học giả Dương Quảng Hàm. Thật vậy, như tất cả chúng ta đều biết, chức năng chính của “cụm từ” là định danh; còn chức năng chính của câu là thông báo. Và khi hình dung ThN là “cụm từ” và TN là câu, chắc ai trong số các tác giả vừa nhắc cũng đều ngầm hiểu phận sự của các đơn vị đó y hệt như Cù Đình Tú. Và sở dĩ họ không nói thẳng ra điều đó chung qui chỉ vì họ tự thấy không nhất thiết phải nhắc lại những tri thức cơ bản mà ai cũng đã biết rõ mười mươi. Nói khác đi, việc chúng ta chưa thể phân biệt được thật rạch ròi TN với ThN chẳng qua chỉ vì chúng ta chưa có được trong tay một dấu hiệu hình thức giúp nhận biết dễ dàng và mau lẹ đơn vị nào là câu, đơn vị nào không phải là câu, chứ không phải vì chúng ta lúng túng với việc định rõ chức năng của hai thứ đơn vị đang bàn.

    Và chẳng phải vô cớ mà đến tận bây giờ, gần 30 năm sau ngày Cù Đình Tú “hoàn tất” việc phân định ranh giới, chuyện phân biệt TN với ThN, đối với rất nhiều người, vẫn đang là vấn đề cần được làm rõ (xin x., chẳng hạn, Lê Xuân Mậu 2002 và 2003, Phạm Thuận Thành 2003).

    Nhân đây, chúng tôi cũng xin mở ngoặc nói thêm: chúng tôi mạn phép không bàn đến ở đây một cách nhận diện nữa, cách của Chu Xuân Diên (1975),– một nhà khảo cứu văn chương dân gian dày dạn kinh nghiệm. Theo nhà khảo cứu này, hai thứ đơn vị đang xét vốn có một ranh giới “khá dễ xác định”: TN là những sản phẩm thuộc lĩnh vực “ý thức xã hội” ; còn ThN – thuộc “lĩnh vực ngôn ngữ”. Sở dĩ chúng tôi phải né tránh chuyện đó chung qui chỉ vì cho tới bây giờ chúng tôi vẫn chưa trả lời nổi câu hỏi vốn đậm màu sắc triết học: ngôn ngữ, – một “hiện tượng xã hội đặc biệt” (như sách vở thường giảng), – có thuộc lĩnh vực “ý thức xã hội” hay không ?

    4. Tóm lại, biện pháp tiện dụng và hữu hiệu hơn cả để nhận diện TN chính là phải xác định xem cái đơn vị ngôn từ cần nhận diện ấy có phải là câu hay không. Bởi lẽ phàm đã là TN thì đơn vị nào cũng phải được lập thức dưới dạng câu, như Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) từng nêu rõ: Tục ngữ là những câu ngắn gọn, thường có vần điệu, đúc kết những tri thức, những kinh nghiệm sống và đạo đức mà nhân dân đã chắt lọc được từ thực tiễn.

    Tuy nhiên, việc làm sáng tỏ vấn đề đơn vị nào là câu (hay đơn vị nào không phải là câu) là đề tài của một bài viết khác, mà chúng tôi hứa sẽ bàn đến vào một dịp khác.

    NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG


    (*) Chẳng hạn, Nguyễn Lân (1989). Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nxb Văn hoá; Vũ Dung – Vũ Thuý Anh – Vũ Quang Hào (1993). Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Nxb Giáo dục; Việt Chương (1995). Từ điển thành ngữ, tục ngữ và ca dao Việt Nam, 2 tập, Nxb Đồng Nai; v.v...
    ___________________________
    TÀI LIỆU TRÍCH DẪN

    - Chu Xuân Diên – Lương văn Đang & Phương Tri 1975. Tục ngữ Việt Nam. Nxb. KHXH, Hà Nội.
    - Dương Quảng Hàm 1951 [1943]. Việt Nam Văn học sử yếu, in lần thứ hai. Hà Nội.
    - Hoàng Văn Hành (chủ biên) 1988. Kể chuyện ThN – TN. Nxb. KHXH. Hà Nội.
    - Lê Xuân Mậu 2002. Ranh giới mong manh. Ngôn ngữ & Đời sống, số 7 (81).
    - Lê Xuân Mậu 2003. Bàn thêm về ThN, TN. Ngôn ngữ & Đời sống, số 5 (91).
    - Nguyễn Văn Mệnh 1972. Ranh giới giữa ThN và TN. Ngôn ngữ, số 3.
    - Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc 1928. Tục ngữ – phong dao, tập 1, Vĩnh Hưng Long thư quán xuất bản. Hà Nội.
    - Vũ Ngọc Phan 1971. Tục ngữ – ca dao – dân ca, in lần thứ bảy, NXB. KHXH. Hà Nội.
    - Phạm Thuận Thành 2003. Bàn thêm về ranh giới ThN – TN. Ngôn ngữ & Đời sống, số 1+2 (87+88).
    - Cù Đình Tú 1973. Góp ý kiến về việc phân biệt ThN với TN. Ngôn ngữ, số 2.

    #17
      HongYen 18.04.2005 15:06:33 (permalink)

      Về nội dung, “Thiếu đất trồng dừa; thừa đất trồng cau” là một lời khuyên rất mực hiền minh mà tổ tiên ta muốn nhắn nhủ lại cho các thế hệ mai sau: ‘Hễ còn thiếu cái ăn thì nên trồng dừa trước đã; khi đã thừa cái ăn rồi thì [bấy giờ] hẵng trồng cau’.


      Kính TC,

      Thật ra cấp tiểu học mà cho bài luận văn kiểu nầy thì chắc là vui lắm. Có những bài mà thầy cô giáo phải gom góp lại để tìm xem là trẻ em hiểu như thế nào; rồi từ đó may ra mới giảng giải có kết quả. Trong trường hợp nầy thầy cô giáo cũng phải có kiến thức tổng hợp và hào hứng trong việc tìm hiểu học và dạy...

      Nếu như ở cấp hai hay trung học thì lại còn khó hơn vì cần điều kiện gần như trên 50% ý nghĩa xác thực...

      Tại đây là trường đời và trong bối cảnh tự do. Tự do dân chủ, nói cho xôm chớ tự do trong tư tưởng nhưng phải có sự tương kính căn bàn lẫn nhau, dù rằng không cùng quan điểm.

      Đây chỉ là đi vào ý nghĩa của câu nói chớ không tỵ hiềm hay ganh đua hơn thua. Nghe rằng toán học, nhất định phải có đáp số đúng 100%. Vậy bây giờ kết luận 100% có còn giá trị 100% chăng.....

      Như câu trên "thiếu cái ăn thì nên trồng dừa" thì trồng dừa; chưa chỉnh cho nhà vườn miệt khô như xóm làng của HY. Vì rằng dừa trồng hằng chục năm thì lấy đâu mà sống. Ở đây không bàn dửa dâu và vùng sông nước; vì dừa nầy mau có trái ba bốn năm....

      Riêng "khi đã thừa cái ăn rồi thì [bấy giờ] hẵng trồng cau" có lý vì cau cũng rất lâu năm mới có trái, đó là không nói cau tây, trái xay (chưa đúng chính tả) nhỏ mà chỉ vài năm. Thường dùng làm kiểng....

      Kính TC

      Khi nói đến ông Lê Ngọc Trụ hình như ở miền Trung và sống trong Nam lâu năm. Ông có bộ tự điển Hán Việt mà cháu ông là Trẩn Thượng Thủ đã vun bồi cho cuốn sách đó.....Có ảnh hưởng về dịa phương chăng khi bàn dại và vạy....

      Chúc vui với những câu nghe mộc mạc mà khó suy luận. Nếu ta cứ khăng khăng là đúng e rằng không còn thích hợp với tràu lưu phân tách tỉ mỉ và có chứng minh cụ thể xen vào.

      Chúc vui mạnh trong thôn xóm dừa hay cau.
      #18
        HongYen 10.05.2005 03:53:40 (permalink)
        Hi Quý Bạn góp tay với.

        1. Trong tâm tư của các con Việt Nam là hằng giây hằng phút

        2. Ngày của Mẹ theo phong tuc Việt Nam trong ca dao, tục ngữ, và bài hát.

        3. Ngày của Mẹ trong Thiên Chúa, Mẹ Maria sáng ngời trong bài hát Mẹ Maria hằng ngày.

        4. Ngày của Mẹ trong Phật Giáo là Rằm Tháng Bảy. Trùng với tín ngưởng Việt Nam là Tết Trung Nguyên giải tội oan hồn, đặc biệt Việt Nam là lo cho cả linh hồn sống và chết.

        5. Ngày của Mẹ theo Mỹ là ngày 8 tháng May.

        6. Ngày của Mẹ riêng HY là có thương, có ghét, có oán trách, có hối hận, và có yêu Mẹ hơn Cha.

        Chúc chúng ta tìm được nhiều đề tài về Mẹ.
        #19
          Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 19 trên tổng số 19 bài trong đề mục
          Chuyển nhanh đến:

          Thống kê hiện tại

          Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
          Kiểu:
          2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9