Những truyện ngắn của Thái San (tiếp theo) - Mùa Lạ
NuHiepDeThuong 27.03.2005 22:18:06 (permalink)

MÙA LẠ

Thái San

Chất lỏng đục khoét cơ thể hay sự va chạm từ miệng chai cho anh hiểu được anh không còn đủ bình tĩnh kiểm thảo lấy hành vi vụng dại của mình nữa, tuy vậy anh cũng còn biết kết thúc chai bia thứ mười ba để đứng dậy về.

Kể cả sáu năm quân ngũ với ngần ấy tuổi đời anh vẫn âm thầm sống như cành trắc bá diệp bị ép trong những trang sách của trẻ thời học sinh, vì thế lúc này anh phải vùng đứng dậy, sự đứng dậy vì nhân phẩm, vì không còn chịu đựng mãi vậy được nữa.

Từ khi một chế độ được thay thế bằng một cuộc cách mạng. Đời sống nhân dân có phần thay đổi nhiều từ lập trường chính nghĩa đến không biết dựa vào đâu làm tiêu chuẩn, lòng dân hoang mang lo lắng, anh cũng chẳng biết phải làm gì hơn, vì dù một con ruồi rơi vào tô canh đi nữa, thiên hạ vẫn lì lợm vớt ra và ăn như thường, chỉ khổ cho thân con vật, phải hy sinh.

Nguyên nhân say sưa của anh được khơi nguồn từ đó. Anh lang thang trong quán rượu hàng ngày, làm gì? Còn gì nữa? Chỉ những ly rượu làm quen với ngày tháng , quen lần từng giờ giấc của các quán. Từ ngày tự giải thoát mình ra khỏi hàng ngũ, nếp sống ngoài đời không còn bắt ép mình một cách kham khổ nhục nhằn. Vẫn tiếp tục ăn báo, và đều đều ra quán từ ngày một chai bia chín đồng, bây giờ giá đã đến hơn ba chục.

oOo

Trong gia đình kể cả ba tôi, ai cũng đều cho tôi là kẻ thất tình, tôi cũng chẳng cần phải đính chính, vì có giải thoát gì cho những câu chuyện hiện thời đâu. Tôi vẫn yên lặng chấp nhận vẫn không có thái độ nào hơn, kể cả bạn bè. Chúng vẫn là thường trêu tôi, gọi tôi là không thật tính người, tôi vẫn âm thầm nhẫn nhục trong những ngày qua vô vị. Gia đình bắt đầu chán ghét tôi, tự nhận phải thoát ly cho khỏi phiền lụy…..
Cho đến nay tôi mới thực sự rời khỏi gia đình. Không như một đứa trẻ lang thang trên vỉa hè đường phố, tôi đến sống với một đứa bạn có thể giúp tôi ẩn dật qua ngày. Xa nhà, dứt khoát tôi cảm thấy thương nhớ mấy đứa em tôi vô hạn, vì tuổi chúng còn nhỏ dại vẫn phải khép mình trong luân lý khắt khe vô kể.

Tiếng đời dị nghị, mặc, tôi vẫn âm ỉ đốt cháy một tiêu chuẩn, đâu có phải đàn bà là mềm yếu cả đâu, tôi vùng lên sống cũng như anh đứng dậy vì nhân phẩm, hai cuộc đời có một sự trùng hợp, sự trùng hợp đó làm dan díu tôi, trong nhiều lần gặp nhau trong quán, anh vẫn cố định một giờ giấc, một góc bàn, tôi không vậy nhưng vẫn phải ném con mắt vào chỗ nhất định và không bao giờ thất vọng, bóng anh làm cho màu đèn của quán thêm phần ý nghĩa, cái ý nghĩa cho nhiều thực khách lý thú chứ chẳng riêng ai. Tôi biết anh hôm nay có sự gì buồn ghê gớm lắm nhưng không ai chia sẻ nỗi buồn được nên với ngần ấy chai bia dìu anh vào trạng thái ngớ ngẩn, thiếu trí giác con người, một phương thuốc an thần.

Sau chai bia chót tôi đến ngồi bên cạnh anh dìu anh đứng dậy nhưng không hiểu vì sao anh ngồi lại và kêu tiếp. Không dằn được xúc động tôi đưa tay ra như nửa muốn ngăn cản. Tôi bắt gặp đôi mắt xỉa xói ngay vào hành động làm tôi đứng ngây như phỗng.
Anh rót vào ly vẫn với thái độ bình thường, ung dung đó, giúp tôi gợi chuyện:
_Ông vui lòng cho tôi ngồi cùng bàn?
_Vâng tôi đang muốn có người bạn đối ẩm!
_Nhưng cho tôi được một hân hạnh nữa là được uống phần rượu của ông?
_Như vậy có nghĩa gì thưa…..?
- Tôi được uống chai thứ mười ba đó chứ ạ ? Chấp nhận chứ hở ông?
- Xin lỗi quên mời ngồi..
Nói xong anh di chuyển ly rượu cho tôi, chỉ nở một nụ cười nhếch mép như thỏa mãn sự kêu cứu của anh, đã được đáp lại bằng đoái hoài nhân thế.
Tôi ngồi xuống ghế với chiếc ly kéo lại rót thêm vào chờ cho đá đủ ngấm:
_Thưa ông hình như có điều gì phiền muộn dâng tràn như ly rượu này có thể cho tôi mạn phép chia sớt được không?
_Không trên thế gian này có gì có thể làm tôi buồn được, chỉ bắt tôi phải suy nghĩ hơn lên thôi.
_Tôi có cảm tưởng ông là Phạm Ngũ Lão thứ hai thì phải ?
_Không tôi chỉ là một hạt cát và chẳng có gì khi mình làm một chuyện nhỏ mọn.
Tôi bưng ly rượu nhắp một hơi rồi nói lại:
_Những gì phiền muộn dâng tràn như ly rượu tôi có thể mạn phép chia xẻ với ông từ nay được chăng?
Anh lẳng lặng ngồi nghe và nhìn tôi uống.
Tôi thấy vụng dại trong cử chỉ, sự ngồi yên không trả lời gần như chấp nhận tôi trong cuộc đời, tôi tự hãnh diện, sự hiện diện của tôi trên trần thế này chưa phải là thừa thãi, tôi hy vọng đi sâu vào tâm tư anh, và phủ nhận quên đi gia đình đem xoa dịu một tâm hồn. Với dáng dấp anh tôi chưa thấy cử chỉ gì mà tôi đánh giá được con người. Sau phút im lặng tôi đề nghị:
_Mình đi dạo mát?
Anh gật đầu.
Chúng tôi đi bên nhau như người tình thực thụ. Anh không nói, vì sợ uống nhiều nói sẽ lỗi nên im lặng vì thế chúng tôi chẳng khởi đầu được câu chuyện gì.
Trên khúc đường có bóng cây râm mát thực, nhưng không khí giữa chúng tôi nhạt nhẽo vô kể. Tôi cố gắng dùng tài năng của mình để biết sự gì đã làm anh buồn đến như vậy nhưng anh vẫn cười. Từ lúc quen anh đến giờ, tôi thấy anh vui nhiều hơn, nhưng thực đó chỉ là cái vỏ của người từng trải đời chỉ biết cười khi đau buồn, nụ cuời ẩn trong những niềm chua chát.
Đi với anh không lý thú bằng nhìn anh uống rượu. Tôi cảm thấy đến lúc phải rút lui và kiếu từ anh.
Gió chiều trên đường về mát rượi.

Đến ngã ba đường chúng tôi chia tay nhau. Những nhục nhằn của anh sau khi muốn xóa nhòa tình cảm bằng những ly rượu cũng chẳng còn gì hơn là những rã rời chân tay.
Khoảng đại lộ nghe như dài ra, anh chợt dẫm phải hàng sách vỉa hè, chân anh dơ bẩn, bà cụ già cằn nhằn, nhìn áo bà mặc anh không làm ngơ được, đành phải cúi xuống lượm những cuốn dơ bẩn đó hỏi giá và trả tiền, rồi vội đi như bị ma đuổi.
Không biết anh nghĩ tới tôi làm sao.

Tôi nhìn xuống khoảng đại lộ rộng lớn, ánh nắng ngoài kia đã dịu hẳn nhường chỗ cho bóng tối ngự trị.
Tôi bước về nhà trên con hẻm lầy lội, những vũng nước ối đọng từ hôm chập chờn sau làn chớp.
Trước mặt tôi chập chờn một người đàn ông mập mạp bệ vệ dáng như một ông chủ một xí nghiệp nào. Tôi nghĩ một người ăn vận như vậy không thể nào bước vào ngõ hẻm lầy lội vào giờ này.
Mấy đứa trẻ con trong xóm chạy ồ ra làm tung toé nước lên quần áo ông. Ông đứng ngay lại quắc mắt lên, tay chỉ đứa lớn nhất, tiến đến cửa gặp người đàn bà, ông vẫn chưa thôi. Ông hăm dọa một ngày nào đó sẽ trị tội.

oOo

Kể từ buổi chiều trên đại lộ vắng lặng đó tôi không hề bước chân ra khỏi nhà. Và cũng từ hôm đó tôi không còn một đồng xu dính túi nên vắng bóng tại quán, cũng làm chủ quán lạ biết bao nhiêu.

Thuốc lá, cà phê dự trữ dần tan biến như núi lở, ăn uống cũng vừa đủ tháng vì đã đóng trước; tự thấy không dám bước ra ngoài ngõ để bù vào chỗ trống ấy, tôi vẫn cặm cụi trên chiếc bàn như người vô tri giác như bao lần, viễn tượng lăn lóc để kiếm lấy một số tiền để trả nợ linh tinh và các chi tiêu vụn vặt thường ngày, cho cuộc sống hiện tại.
Tôi vô vi như ông thầy tu ăn chay niệm Phật.
Nằm sống trong lòng đô thị say nóng của mùa hè.
Ngay lúc này tôi hoàn toàn yên lặng để nghe chính bản thân mình, giảm nhẹ hơi thở để phân tích thái độ của kẻ đòi uống phần rượu chót ngày đó, những mẩu chuyện kỳ thú bên lề đường, trên mấy cuốn sách dơ tôi vấp phải, tôi đâu biết sự im lặng của tôi đi với người trên con đường lúc ấy đã bắt người thoái thác một cách không trông hòng gì. Phải mỗi tôi không suông sẻ như vậy, uống rượu nhiều không phá phách, không to tiếng đã đốt cháy một ngọn lửa thắc mắc tự trong lòng người như con khủng long chui lên từ mặt đất, họ thắc mắc tại sao có một thứ khủng long hiền hậu, dạn dĩ đến độ điều khiển được tâm linh…..
Vẫn với ngày tôi đề nghị với chính tôi chỉ nên ăn một bữa thôi, thì chịu đựng tiền bạc được lâu hơn, mặc cho bao tử cồn cào cấu xé, có cho mình một cảm giác như mình vừa được hưởng thụ được một cơn say, may chăng tiết kiệm được trong những lúc bần cùng này.
Nói thực, dù có đang mùa nào chăng nữa, tôi cũng có cảm tưởng là đang mùa hè, vẳng bên tai tiếng kêu quạt trần nhà ru vọng sang như ve nùa hè nở trên hoa đỏ kêu than.
Tôi vẫn bị chứng tích ghi đậm vào hồn đời bằng những kinh nghiệm chát chúa, có lẽ hôm đấy người buồn tôi lắm, đi sóng đôi với nhau mà không dìu nhau vào ngõ tình cảm.
Tôi không muốn nắm lấy linh hồn nhau để lúc buông tha phải ngồi nhìn nhau quằn quại, bắt tôi phải có một sự kiện là phải làm gì cho nhau, ta phải làm gì, nó là một trong những điều tôi không muốn trong lúc này, không phải tôi hèn nhát, bởi thế trên con đường ngoại cảnh tôi cũng đành sống sượng chia tay nhau để trở về với kiếp cô đơn, khổ nỗi những đêm cô độc bắt tôi trả lời sao với tôi, với khoảnh khắc tâm linh có nhiều mầu nhiệm, gắn bó hành động với hành động, trách nhiệm với trách nhiệm, linh hồn với linh hồn.
Tôi mê man trong giấc ngủ mơ màng…
Đất nước trong những cơn nguy hiểm nhất vẫn còn có những thằng vô trách nhiệm, trách nhiệm của chúng là những tiền bạc, là đàn bà, là nhà lầu, là xe hơi… Hoặc… Tôi không thèm nghĩ nữa đã nát óc lắm rồi.
Tôi nghe vẳng vọng một giọng nói nhẹ nhàng nhà bên cạnh:
_Xin lỗi cho tôi hỏi thăm, đây là ngõ hẻm mười bốn ạ?
_Phải rồi… người muốn tìm nhà ai?
_Một người mới đến xóm này vài tháng.
Ngẫm nghĩ ông ta có vẻ đắc chí gật gù:
_Một chú …một thanh niên…người hay uống rượu.
_Đúng nó là bạn ta, tên là ..J…iên…người cứ đến gõ cửa đó.
Ông chỉ tay:
_Và cứ gõ cửa và đẩy vào.
_Xin cám ơn bác…….Người đã uống thế cho phần rượu hôm ấy và bây giờ ?
_Thăm anh sau một ngày mưa gió, nếu hôm qua không mưa chưa chắc.
_Sao đến khuya khoắt thế?
_Vì bây giờ khởi đầu một cơn mưa nội tâm.
Chúng tôi nói chuyện đến đây.
Ngoài đường tiếng còi hụ báo động, chúng tôi không thèm chạy vì cũng chăng biết chạy đi đâu bây giờ, nếu pháo kích, trúng chỗ nào ăn chỗ đó.
Có nhau chúng tôi tự thấy mạnh dạnh hơn lên mặc kệ ngoài đường tiếng loa phóng thanh oang oang cấm dân chúng không được tụ tập đông và không nên ra khỏi nhà cho đến khi có lệnh mới.
Nhưng người có vẻ run sợ, tôi chìa tay cho người cầm níu chặt. Vẫn cảm giác muôn đời bất diệt tôi vẫn là phản tướng của người, có lẽ đã lắng đọng run sợ, chỉ dạt dào.
Tiếng máy thu thanh rẻ tiền, rè rè vẳng bên hàng xóm…..Lại đảo chánh nữa rồi, sao khoẻ thế. Tiếng cửa đập rầm rầm rồi bật tung…
_???
Trong nhà giam…..
_Ngày mai tôi phải ra đi. Anh nhớ, tôi được chấm dứt cuộc đời phản loạn.
Tôi nói thực với anh, ngày ấy tôi chán cuộc đời lính vì biết tìm đâu ra lý tưởng nữa nên tự vuợt ra khỏi hàng rào để buông thả lấy cuộc đời lính, rồi một đêm kia lúc đang ngồi nghe lắng đọng yêu thương trời đem tới, người uống cho tôi phần rượu, người đem hy vọng đến cho đời tôi, đang lúc tràn trề hy vọng đó tôi lại bị bắt và khoác cho tôi tội phản loạn, trong người không một giấy tờ gì:
_Mi là tàn quân phản loạn.
_Cho tớ nhắn:” Tôi đi, nếu một ngày nào có người đến kiếm thăm, thì nhắn rằng cánh chim đã được thả tung trong khói sóng, cũng chẳng phàn nàn, số phận tôi như một con số đã được lồng vào sẵn trong bánh xe của người, guồng máy con tạo, nhưng chính là do người tạo ra, dù người ở trong khung cảnh nào người cũng kiên nhẫn để vuợt qua để kiện toàn một lý tưởng, và bạn đã được chứng kiến trong những ngày qua.
Bạn cho tôi bắt tay bạn lần cuối, đất nước đang cần những bàn tay như bạn. Thôi đưa ban tay đây xiết chặt lần cuối, xiết chặt tình thân hữu, hẹn sẽ gặp nhau trên vạn nẻo đường, tạm biệt…..
Khoảng nham thạch cao vòi vọi trông như một chiếc nấm vĩ đại. Dưới kia là loài người đang gieo rắc các loại cỏ phân biệt, những lá cỏ to lớn khum vào như cái thùng, cái vòi hình bông sen, cực nhọc chăm tưới đám cỏ vào những giờ đã dịnh.
Tôi đứng trên này ngọn đồi đã lâu để nhìn những hoạt động của loài người lọt qua khung kính.
Ngay lúc này tôi còn buông những ánh mắt sống xuống loài người, nhưng lát nữa đây chúng tôi lại có người không được diễm phúc ngồi lại thế gian để nhìn những cái xanh mát hay cực nhọc, vì trong cuộc chiến có ai nắm chắc được cuộc sống trong giây phút.
Tôi miên man suy nghĩ về cuộc chiến đã kéo dài một phần tư thế kỷ, dân tộc phải đắm chìm trong đói khổ, không thoát khỏi những gì mà họ muốn xua đuổi, tẩy trừ.
Tôi ngồi yên tĩnh nghe một giọng ca lè nhè của một người say rượu:

_Bạn ta ơi bạn ta
Chú đưa an ủi vào đời ta
Chú mang tâm trạng một người lớn
Bạn ta ơi bạn ta,
Tiên cảnh đón nụ cười,
_Bây giờ chú thoát đời.
…………

Giọng lè nhè ảo não, tôi không thể quên được dù lão già đã đi xa rồi, tiếng xe của lão đã lan dần ra phía đầu ngõ.
Không hiểu lão ám chỉ ai, có người bạn thân nào, lão dùng câu ca ám chỉ một người bạn đã khuất, nghe nói ngày xưa lão cũng là một chính khách, nhưng thời thế tạo cho lão trở thành kẻ say men khất thực.
Tôi bước ra hành lang nhìn theo bóng ông lảo đảo trong vầng sánh chồm lên của buổi chiều rồi lịm tắt như tuổi của lão.
Hình ảnh của ông làm nhớ lại một lão cái bang, bên vai vắt chiếc khăn màu không định. Tôi như cảm thấy tự buộc chặt vào nỗi buồn chung của lão, tôi không hiểu tự nơi đâu dâng lên một nỗi buồn được báo động bằng một giác quan nào đó khác, một thế giới cực ảo, tôi vào trong giường đặt mình xuống, thấy không yên, nóng nẩy từ đâu khơi nguồn, dằn vặt suốt, từ lúc lão già say ngớ ngẩn, tôi tìm một cuốn sách để đọc hầu xóa lấp những ý nghĩ không đâu trong tâm hồn được yên ổn, nhưng mắt tháo láo nhìn vào mà chẳng hiểu mình đọc gì, buông sách, tôi đứng ngồi không yên, tiềm thức báo động một điều gì thâm sâu rơi mất không như lúc thường, nhất định vậy, trong lúc khoảng cháy lên một mùi khét này, giả dụ mình là một tiên tri chóng nhìn thấy hạnh phúc, chóng nhìn thấy thất vọng, cũng được, miễn là phương thuốc mau lẹ nhất đừng ray rứt con người , sự ray rứt độc hại quá tệ.

Mở chiếc máy thu thanh lên nghe hầu xóa đi những phiền muộn hiện tại, bớt đi những gì trong lúc nóng bỏng này, nóng bỏng không phải là thèm khát, hay thiếu thốn, hay khắc khoải mà trong góc cùng tận giác quan báo tin sự tận cùng của một sinh vật.
Chiếc radio vang tiếng nhè nhẹ:
_Thi văn sĩ Hoàng Viên tạ thế ngày mười ba tháng bảy năm sáu mươi chín ai là bà con xin đến…..
Tôi không nghe rõ thêm, lặng quay ra cửa cắm đầu chạy theo hướng ông già vừa khuất. Giờ này mới đi tìm rõ lai lịch..
_Tại sao ngày đó không cho em biết rõ anh là ai đi.
Tôi nhìn ai cũng không phải ông già, cứ chạy, vẫn có những lời tán tỉnh của vài chú thanh niên đuổi theo, tôi muốn văng tục, tôi theo đuổi như ảo hình vì chính mình có nhớ rõ được ông già là ai, mặt mũi như thế nào, nhưng khi gặp thế nào cũng biết và cũng sẽ nhận ra.
Ngoài kia gió cứ thổi hoàng hôn cứ xuống.


Đã mang vào thư viện rồi
<bài viết được chỉnh sửa lúc 28.03.2005 05:18:45 bởi NuHiepDeThuong >
#1
    NuHiepDeThuong 27.03.2005 22:34:18 (permalink)
    NHỮNG VỠ TAN NGÀY NÀO

    Thái San

    Chiếc quan tài, đang được khiêng từ trên chiếc xe nhà binh xuống. Hai bên đường bao nhiêu con mắt đổ xô nhìn vào lá cờ phủ trên. Một vòng hoa dại, đem theo phần quà cho người vắn số, chỉ có ngần ấy: “Chỉ có ngần ấy thôi Hoàng. Chúng ta bắt đầu từ giã nhau một cách thực sự. Sau ngày hôm qua, ngày hôm nay anh nằm yên và sự chết “.
    Lúc buổi chiều nào còn với Thảo, với tôi, với ngày hôm qua, quãng sống thật gần mà không biết được sự hôm nay, nhưng anh cũng như bao nhiêu người trong cuộc đều hình dung rõ rệt từ lâu, bây giờ anh là kẻ đã gặp. Những khi đó chúng ta thấy cuộc chiến chưa đưa đến cho mọi người điều gì lành.

    Nhìn những người đến đón chiếc quan tài, tôi chết lặng theo sự xúc cảm, đối với thành phố này xúc cảm như một thói quen, khi trận chiến tràn lan trên quê hương đau khổ, những con mắt thường nhìn quan tài nặng vì hiếu kỳ, tôi tự cúi xuống bước đi lặng lẽ. Tiếng khóc và đám người theo sau vào ngõ hẻm, tôi bước sang đường để xa hẳn dấu vết vừa qua, tôi tự nghĩ đến phận mình ngày nào rồi cũng phải nằm trong hòm gỗ với thân thể không trọn vẹn từng khúc từng phần phá lìa. Những ý nghĩ hỗn tạp ấy theo tôi suốt buổi chiều, dọc con phố đến tìm Lan, đi với nhau như kẻ mất hồn, Lan biết tính tôi thường thế, nhưng với tôi hôm nay bỗng dửng dưng ngay cả với Lan, với cuộc đi chơi bên cạnh nàng, phải chăng ám ảnh ngày hôm nay rõ rệt khi Hoàng nằm xuống.

    Tôi đưa Lan vào quán, vì bận, nàng kiếu từ, để lại một mình tôi với chiếc bàn phía sông, gió thổi lành lạnh. Tôi kêu rượu mạnh uống một mình. Tự trong góc hồn: ”Hoàng , mày chết lúc này được ích gì?”. Chỉ một sự thiêng liêng nào đó mới thay đổi được cục diện mà thôi. Hoàng thường nói với nhau ngoài bờ tuyến. Những khoanh kẽm gai đan với nhau và lặng lẽ một mầu đỏ rỉ sét. Hoàng thường bi quan một điều thực: "Gia đình mình vào nam không ai họ hàng, khéo cũng đến anh em mình giết nhau”.
    Quá rõ rệt phải không Hoàng, phải không, khi mày nằm xuống trên một con đường gần một khu chiến sâu thẳm, vùng biên giới có vết chân thú tương tàn, tao hình dung, những đứa em con chú mày kể, nó cũng đã lớn, nếu tính ra đã hai mươi năm ở lại đất bắc, trong lúc mày cũng miệt mài với kiếp thú rừng xanh chập chùng để tìm, để giết, để gây ai oán trong khi lương tâm mày không muốn vậy, khi cuộc sống của miền mày hiện hữu, nhiều lần tao cũng không thể chấp nhận cho chính tao điều đó. Nhưng đó là điều đau đớn mà mày đã ra đi. "Lòng con người còn tha thiết gì nữa không hở Hoàng ?”.
    Tôi lảo đảo đứng dậy, đi không thật bước, sự rã rời thể chất làm tôi thèm một chỗ ngủ yên nào để quên lãng bớt chuyện đã qua. Ngày nào tôi còn dửng dưng với những chuyến xe, chiếc tầu mang dấu thập hồng đi vội vã về bệnh viện để làm một việc mâu thuẫn, tìm kiếm để giết, và vội vã hớt hải để dành giựt từng giây với tử thần để cứu sống. Bây giờ đứa bạn thân nối tiếp sự chết để tôi thấy rõ hình hài của chiến tranh đã tới gần sát mình, bộ mặt thực của nó hung dữ tinh quái, đem loài người xa nhau, đem dân tộc tương tranh khốn cùng .
    Tôi lặng thinh nghe cồn cào với chất men nồng. Hoàng, ngày nào như tiên tri, tiên đoán cho ngày này: "Một ngày nào ta đem phiền muộn nhỏ nhoi về bên kia và những cơ hàn nhược tiểu”. Cuộc đời chỉ là một vùng sương mù mông lung. Tôi nghĩ đến Hoàng và bao phiền toái khác. Tôi nghĩ đến Thảo . Không biết Thảo đã biết Hoàng...

    Buổi sớm sau. Tôi với Hoàng ra phần mộ. Cuộc sống vẫn hời hợt với những bình thường như mọi ngày trong thành phố. Tôi tự thấy bất hoà huynh đệ, của dân tộc, của đắm chìm và cái chết. Có thể trở về trước để nhìn lại. Hàng nghìn năm nằm sát với chiến tranh, kế đến cái đói của Thân Dậu, bây giờ hàng ngàn căn nhà bị sụp đổ với bom đạn tân kỳ, những mồ chôn tập thể lạnh mình sởn gáy.
    Thế là Hoàng đã đi qua. Một ụ đất mới được đắp lên trong hàng ngũ mộ bia xa hẳn chỗ loài người. Ngày tháng lạt phai dần tên tuổi. Người còn lại quên đi như chiếc áo rách.
    Mọi người đã lũ lượt kéo nhau về. Những người thân ở lại đắp cho xong mộ đất. Cuối cùng vẫn chưa thấy Thảo, có lẽ Thảo không biết chăng.
    Tôi nghĩ: "Hoàng chỉ còn lại Thảo, người tình duy nhất. Tôi cúi xuống thắp mấy nén hương, lặng lẽ nhìn ngôi mộ một lần cuối rồi bước đi.”
    " Hoàng, chiến tranh đưa mày xa loài người , mày mất đi trong ngộ nhận, mày có thấy những đứa em mày đi bộ đội, không nhìn thấy mày trên chiến trường khi đối mặt, đã ngộ nhận nhau trong kiếp thú, kiếp đó đã đánh mất nhân tính, bằng những danh từ hoa mỹ, bằng những hàng ngũ, bằng những tư tưởng của kẻ cầm đầu, Hoàng ạ, mày sẽ được gặp những đứa trẻ vô tư, những tập thể đông đảo, với nỗi oan ức ngậm câm trong nấm mồ chung”.
    Nắng đã đổ xuống nóng bỏng. Tôi nghĩ đến Thảo “ một lần yêu một lần đò lỡ chuyến, một lần yêu một lần khóc tiễn đưa”. Thảo nghe tin này như sét đánh. Hoàng, Thảo và tôi, cả ba gần nhau nhất, nay Hoàng đã bước vào vô tư thinh lặng.

    Buổi sáng tiễn đưa không còn để lại dấu vết gì trên đường, khu phố như không hề có chuyện gì xảy ra. Tôi chậm chân nhìn cảnh hai bên đường. Trăm ngàn thứ đồ Mỹ cũ bầy bán ngay vỉa đường cho tôi biết điều dửng dưng với cái chết cho bất cứ ai lúc này.
    Sáng lần nào đi với Hoàng trên con đường về phía quãng vắng lặng, nơi có rừng cây thường xảy ra nhiều chiến trận. Một chuyến xe vô tình do người đàn bà lái. Tôi và Hoàng quá giang để về cho sớm như dự định. Người thiếu phụ mau miệng hơn cả lơ xe. Chiếc đèn xe mù mờ như những ngọn đèn cầy trên quan tài gỗ. Chiếc xe chao đi chao lại theo cánh tay thon gầy mạo hiểm như không vững lắm. Nhiều lúc tôi rùng mình khi chiếc xe bò cọc cạch đi phiá trước không đèn. Người thiếu phụ giảm bớt tốc lực lẩm bẩm những gì không rõ tiếng, Hoàng cũng chẳng nói với tôi một câu. Gió lạnh lùa vào đến gai người . Sự im lặng thoáng đến u ám trong khoảng đường rừng trùng điệp.

    Hoàng xốc lại thế ngồi như sẵn sàng chờ bất trắc xảy đến. Chiếc xe vẫn chạy chậm như trước. Hoàng cũng như tôi muốn nhẩy lại để giành tay lái vì không mấy hài lòng với tốc độ, tuy vậy cả hai vẫn ngồi yên, nhìn sâu vào đầu những con đường mòn đi qua, từng gốc cây từng mô đất, đến những đoạn đường hai bên ruộng thì dịu hẳn hồi hộp, rồi lại tới rừng. Chừng như Hoàng muốn hút thuốc, quay lại hỏi tôi, tôi không nghe rõ tiếng, Hoàng cũng chẳng nói thêm một câu nào, đốm lửa xòe lên, làn khói cuốn thật nhanh theo gió thì trên đường giăng ngang hai bóng người. Hoàng chao về phiá trước, một loạt đạn xé tan màn đêm, át tiếng xe nổ, khói súng làm cay mắt. Tim tôi muốn vọt ra khỏi lồng ngực. Người thiếu phụ ré lên buông tay lái. Tôi lao thẳng chộp lấy vô lăng, đẩy thiếu phụ sát cửa, ngồi chênh vênh khoảng trống giữa hai ghế nhấn ga thật mạnh. Hàng trăm tiếng nổ kêu rít chát chúa găm đầy từ phía ngang xe bên phải, rồi phía sau, qua đầu qua cổ, kề sát lạnh người, trời như sập xuống, tiếng người hú lên những tiếng man dại thê lương chờ chết và chiếc xe vụt đi nhu con thú lao giữa rừng trống, không bình tĩnh chao đảo qua lại dễ sợ. Tôi vẫn không hở tí chân ga, trong khoảng đường tối đen, qua hẳn khúc quanh. Tiếng súng vẫn đuổi theo, tầm đạn lùi hẳn về phía sau, tôi mới quay qua để ý đến Hoàng. Hoàng gục trên thành cửa xe, điếu thuốc đã buông xuống đùi.
    Tôi dừng xe xuống mở cửa. Người thiếu phụ cũng lịm đi, mặc người thiếu phụ. Tôi đóng cửa lại lái xe đến một nơi an toàn đợi sáng. Trời chớm sáng. Những tia nắng đỏ rọi lên tôi mới nhìn rõ làn máu ứa ra từ miệng Hoàng. Người thiếu phụ đã tỉnh lại không hề bị một vết thương. Tôi lặng người đi muốn ứa nước mắt nhìn mặc người thiếu phụ buộc vết thương cho Hoàng, một vết thương thật to nơi ngực. Tôi lắc đầu ngầm khóc cho đến khi xe tới một tiểu khu xa lạ.

    oOo

    Nhà Thảo nằm chênh vênh trên gò đất.
    Chung quanh không có vườn hoa, nhưng có tường vây kín. Con chó quen thuộc phe phẩy đuôi trong hàng cổng sắt.
    Một căn nhà đúc rộng đẹp, chỉ có một mình nàng. Lấy chồng rồi chồng chết, Ngôi nhà thừa hưởng hiện ra. Tôi nghĩ đến thân phận người con gái, tôi tiếc thương hoàn cảnh rơi vỡ hạnh phúc của Thảo, nhưng cũng an lòng khi thấy Hoàng thân mật và hy vọng Thảo mau thành gia thất. Giờ phút này tôi mang tin đau lòng đến, lại một sự tan vỡ, không biết Thảo đau đớn đến bực nào . Tôi im lặng nhận chuông, tôi nghe rõ cả tiếng chuông vang lên trong nhà, lâu không thấy người ra, chờ thêm một chút rồi bước đi trong cơn buồn nhớ Hoàng.

    Rời chiếc cổng trên đường tráng nhựa về nhà. Con ngõ u buồn tăm tối. Con ngõ đưa người vào vũng tối lầy lội trong xóm lao động nghèo nàn. Tôi thấy trong đầu ấm ức những gì về Hoàng với Thảo. Cho đến lúc này không thấy hình dáng nàng, Thảo đi đâu? Biết được tin gì về Hoàng chưa?.
    Tôi bước vào nhà, tìm một giấc ngủ yên lành cho đầu óc lắng dịu rồi mệt thiếp đi một chút nhưng không ngủ được. Tôi băn khoăn bồn chồn lạ lùng, không biết được điều gì mình muốn, phải điều trăn trối chăng? phải sự bâng khuâng cảm giác sau cái buồn vắng Hoàng? Không thực sự như vậy, tôi bồn chồn đến độ quên cả sự mê thiếp đi sau cuộc vận động mệt mỏi của cơ thể. Tôi đứng bật dậy đến nhà Hoàng, tìm lại một hơi hám quen thuộc, tìm lại nếp sống cô quạnh trong căn nhà cũng có dáng người bạn.
    Tôi lắm lúc trách mình, vì Hoàng chưa vĩnh biệt ra đi, tôi cũng chẳng thường năng lui tới, tôi cũng chẳng biết được điều gì khác hơn là Hoàng không còn mẹ, và hình như người em gái đã lấy chồng. Hoàng cũng đôi lần kể cho tôi nghe vài mẩu chuyện về sự nổi trôi của ba Hoàng, về người em rể vui tính, khôi hài, tuyệt nhiên không một lần Hoàng nhắc đến người kế mẫu đã có ba mặt con với ba Hoàng, chuyện của Hoàng là chuyện trời trăng mây nước chuyện thở dài của tuổi thanh niên của thời dầu sôi lửa bỏng trên đất nước, chuyện phản kháng văn nghệ, nghe phê bình một vài tờ báo, vài bài thơ, nhưng thường chỉ thấy Hoàng ngồi trầm tư với điếu thuốc trong đôi kính mầu mờ. Bây giờ Hoàng qua đi nhưng nét đó tự dưng nổi hẳn lên trong hồn tôi không thể một sớm một chiều phai nhạt.

    Những tiếng reo hò phía trước rộn lên. Tôi ngước nhìn. Một chiếc nồi bún của bà hàng đổ chan hòa trên mặt đất. Dăm ba đứa trẻ xúm lại hớt chỗ bún chưa chạm đất, ngồi xổm cạnh đấy húp xì xụp. Tiếng bà hàng giọng trách móc xui xẻo. Tôi tự dâng lên niềm thương xót, nhớ đến điều răn jê-su đã dạy.
    Tôi nghĩ đến cảnh nghèo, có một lũ con nheo nhóc trông chờ tiền của gánh bún.

    Đi sâu vào ngõ hẻm. Trời cũng khuya lắm. Còn khoảng độ gần trăm thước nữa mới đến nhà Hoàng. Gió và hơi nước tanh tưởi của con lạch thổi vào muốn lợm giọng. Một tiếng rên như muốn đứt hơi quanh đâu đây nghe thật rợn. Tiếng người con gái. Dừng lại định thần. Tôi nhìn thẳng vào bóng tối bước tới gan dạ.
    Một bóng trắng nằm phía trong đống củi mục. Giọng thều thào: “Cứu tôi “.
    Tôi đoán ra một điều gì đã xảy đến. Không kể sự bẩn thỉu của rác rưởi, của những lon rỉ sét, của bao thứ tạp uế. Tôi cúi xuống xốc người con gái ra đường trở lại chỗ sáng. Chiếc áo trắng bị xé dọc hàng nút, máu me khắp người. Mái tóc quen thuộc ngày nào. Mái tóc đã vắng bóng trong những ngày qua mà tôi đang đi tìm, báo một điều chẳng lành.

    Ngày mà Hoàng đã nằm yên trong quan tài đi tới tha ma mộ địa.
    Sáng hôm sau Thảo mất.
    Chim khuyên đã đủ đôi trong mùa đông lạnh lẽo xa vùng thế tục.


    <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.03.2005 22:48:34 bởi NuHiepDeThuong >
    #2
      NuHiepDeThuong 27.03.2005 22:58:13 (permalink)
      CHIẾC CẦU GẪY VÀ LÁ XANH.

      Thái San


      Xuân im lặng ngồi trên mỏm chiếc cầu gỗ vụn của con đường đất đỏ này chạy ra một thị tứ nhỏ, nhưng đông đúc nhất vùng, còn phía kia đi ra bờ sông rồi nghẽn mất.
      Cứ mỗi buổi chiều mang súng đạn đến lô cốt nhỏ đầu xóm. Công việc đơn thuần đi theo ngày tháng. Chiều nào như nấy, khi ánh mặt trời dần xuống, khi loài người vội vã để sẵn sàng đưa nếp sống vào đêm tối, những cánh chim bay xa xa ngoài sông thật mau, và ánh sáng của mặt trời trở nên vàng vọt trên con sông thênh thang thì chiếc xe bò cọc cạch băng qua cây cầu gẫy đã được chắp vá tạm thời bằng vài mảnh gỗ. Tiếng roi quất trên mình con vật, tiếng đục khàn khàn của ông già vang lên liên tục cho đến khi chiếc xe vượt qua khỏi khu cầu. Xuân cũng thuần đi cả tiếng xe, tiếng giục bò như một âm thanh ngấm dần vào tập quán.

      Xuân nhớ mang máng những hình ảnh chạy loạn với cha mẹ trong những năm tháng sống trên miền Bắc, vất vưởng lạc lõng trong dòng đời luân lưu với sự bần hàn, gia tài vỏn vẹn trong đôi quang gánh, cả cha lẫn mẹ thay phiên nhau gánh gồng lưu lạc.
      Cho đến bây giờ Xuân chấp nhận trên tay cây súng nói để bảo vệ xóm làng sau khi được cha mẹ nâng niu trong đoạn sống bương chải. Xuân nhiều lúc tự hỏi lòng về công việc giết để tạo một sự an bình cuộc sống. Đổi chác ấy làm Xuân không trắng bạch tư tưởng và Xuân cũng mặc kệ sự lu mờ của trí tưởng.
      Dầu sao Xuân cũng biết mình sắp đến tuổi phải đi lính, vì vậy tự đâu bắt buộc Xuân phải suy nghĩ lung lắm. Xuân không rõ được khúc quanh của thế hệ này đã đưa đến học đường, tuổi trẻ những sa đoạ, những tin đọc được trên báo trò đánh thầy, học sinh làm áp lực đuổi thầy khỏi nơi dạy, cho Xuân thấy không còn một chút trật tự, nếp nang xa xưa đáng tôn quý, cho trí óc Xuân một dấu hỏi những điều thu lượm được ở nhà trường. Xuân nhìn đâu đâu cũng đầy dẫy những hình ảnh không mấy đẹp, những đứa con Tây mẹ Việt Nam, những trận hiếp dâm hằng bọn hằng lũ, những đứa mắt láu liên vồ xe. … Còn hàng ngàn hàng vạn hình ảnh khác. Xuân chỉ nghĩ được rằng: vì chiến tranh kéo dài quá nhiều trên mảnh đất này, nhưng đó là điều suy luận bạc nhược không lối thoát.

      Tiếng kêu quen thuộc của chiếc xe bò từ xa. Xuân nhìn vào ngõ hẻm cụt, biết nhà ông già ở đó, nhưng chưa một lần biết được gia cảnh. Nhìn xa thấy chiếc nón lá, Xuân đã hình dung ra được ông mỉm cười nhìn, ông ngồi trên chiếc xe an nhàn thụ hưởng thong thả sau một ngày mệt nhọc. Chưa kịp chào Xuân thì ông phải chú ý đến con cầu gẫy. Chiếc xe lăn dần xuống chỗ thấp của cầu, hai con bò cố sức để vượt qua. Lên khỏi cầu ông già dừng lại ngay bên vệ đường lấy nón phe phẩy hỏi Xuân:
      - Tình hình đánh nhau ngoài đẳng sao chú, ngoài Trị Thiên hay Bình Long nó đánh mạnh dữ lắm mà?
      - Thưa bác cháu cũng không được rõ lắm, chắc cũng có đánh.
      Xuân nói như thế để có chuyện nói. Ông già ngưng quạt nhìn Xuân kể lể:
      - Tôi có thằng con ở miệt ngỏai, nhưng chắc hổng sao đâu, con nhà thẳng thắng, trên cũng phò trợ. Cứ mỗi lần qua đây, nhìn thấy chú tôi không cầm nhớ được nó.
      Xuân vâng nhẹ rồi nở nụ cười khi ông già lên xe với nét vui tươi tin tưởng.
      Lòng con người luôn cưu mang điều tha thiết chân tình, nhưng cũng lòng con người gây lên những điều tương khốc cắn răng. Xuân cũng luôn mang một niềm tin như ông già, từ ngày ký ức bắt lớn lên trong niềm cơ cực của gia đình, trong những ngày chạy lọan vào miền Nam nắng cháy, nhưng niềm tin đó đã rã rời mất khắp nơi trên đất nước ngay cả trong căn bản mẫu giáo, ngay cả trong nếp sống thường nhật của tuổi, của sự tận tụy người cha đi làm công trong cơ sở người ngọai quốc, niềm tin đã đánh mất ngay khi Xuân sắp bước vào ngưỡng cửa đời sống, tương lai của Xuân là một vùng xa mù và dĩ nhiên Xuân cũng như mọi người lặng thinh chờ đời điều tuần tự phải đến sẽ đến.

      Cũng như mọi ngày ánh nắng lặn mất trên sông Xuân cũng sửa sọan xong những công việc thường lệ để tìm một sự yên tĩnh trong giấc ngủ. Chiếc xe nhà binh không qua được cầu, nên phải ngưng lại đưa chiếc quan tài xuống trên vai những người lính để đi qua. Lá cờ phủ trên màu sọc đỏ trùng hợp với hàng nến gắn không đều nhau trên nắp.
      Tôi cúi đầu tỏ dấu lần cuối khi chiếc quan tài đi qua. Có lẽ tôi thấy mình cũng tệ bạc như bao người, mặc dù lâu rồi chưa một chuyến đưa người tử trận về khu nầy, nhưng tôi đã bị tiêm nhiễm những dửng dưng từ những lần chạy giặc và bao thây phơi máu đỏ ối đầy người đầy miệng trên đồng ruộng, trên bờ đê, trong bụi tre, khóm mía…
      Tôi cũng đã thấm nhuần sự dửng dưng trong gang tấc của thần chết. Tôi nhìn theo chiếc quan tài đi theo người hướng dẫn đến ngõ cụt.
      Sáu người lính bồng súng đi theo sau như người chết có thể ngồi dậy ra khỏi quan tài, ý nghĩ ngộ nghĩnh, chua chát.
      Họ đưa chiếc quan tài đến một căn nhà trống không cửa, không một người nào chạy ra để khóc, căn nhà vắng người, họ phải quàng quan tài lại, chờ đợi người nhà về để nhận xác.
      Sự trống vắng vô tư của cuộc sống giữa những số phận để thấy sự oan uổng chăng nào đó của cái chết, nên thiếu thần giao cách cảm.
      Tôi thấy những cái chết bất chợt ùn ùn đưa về những nơi thành thị, những phố đông người của cội rễ, của nguồn, và từ đó để nhìn thật tha thiết, chua xót, tiếc thương.

      Trong cuộc chiến đang tràn đấy trên đất, con người không còn điềm nhiên chấp nhận một cuộc sống đơn thuần, phải lao mình vào sự tự vệ chung và thế thì nhìn thấy nhan nhản những sự chết không còn là điều bất thường.
      Một vài người lính bồng súng đứng cạnh quan tài, còn lại, họ tản mát ra chung quanh trong xóm với những lũ trẻ và người lớn hiếu kỳ, quấn vào màu lá cây xanh của bờ dậu, của ánh nước sông khi trời ngã tối. Họ chưa hiểu làm sao cho đến giờ phút này không thấy một bóng người để nhận xác.
      Họ nóng lòng, đôn đáo đi kiếm tìm, và rồi vẫn phải chờ đợi.
      Thật xa, chiếc xe bò chậm chạp lờ mờ trong một khúc quanh co như con đường vô ảnh. Ông già vẫn như hàng ngàn ngày với chiếc nón nắng mưa, ngủ gà vịt.
      Có tiếng xôn xao trong xóm. Chỉ cho một người lính về hướng ông già. Bộ mặt người lính bừng lên như sắp sửa thóat một món nợ.
      Tôi nhìn thấy sự an nhàn vô tư như thường lệ của ông già khi chiếc xe đến gần cây cầu xập xệ. Tiếng vẫn khua vang như vô tình một thay đổi. Ông vẫn nhìn tôi nhướng mắt một cách bình thản với nụ cười cố hữu.
      Ông ngước nhìn phớt qua về phía ngõ cụt nhà ông và một thoáng ngơ ngác về sự hiện diện của đám người. Tròn trong mắt ông một màu xanh long lanh ngời ngợi như hai bờ bên dòng sông đang luân lưu, những dừa, những bụi sói cao thấp nằm trong hàng ngũ sinh vật bỗng dưng vô tình chịu gió bão.
      Đôi mắt dịu hiền này không mang một chút ảnh hình của chiến tranh. Tôi bỗng thấy dâng lên trong lòng một chút phiền muộn. Tôi thương xót ông, ngần này tuổi đời chịu uất nghẹn nhìn lá xanh rụng xuống.
      Ông mang niềm tin mãnh liệt, với chiếc xe bò như không hề xảy ra chuyện gì.
      Có người đã lanh lẹ chạy ra báo tin sớm cho ông dưới nhiều con mắt.
      Hai hàng nước mắt người đàn bà không cầm được khi nói với ông điều gì ai cũng biết.
      Thấy ông cúi xuống nhìn người đàn bà rồi lại ngẩng lên nhìn về phía quan tài. Có lẽ ông đã bắt đầu đánh rơi mất niềm tin ngày nào và bây giờ là một sự hiển nhiên nhãn tiền. Tay ông bỗng dưng quất liên tiếp vào đôi bò. Chiếc xe đi mạnh xuống chiếc cầu sập, vì vội vã quá nên chiếc xe bò không vượt lên được. Bỗng nhiên tiếng ông già khóc rống gọi con. Bỏ chiếc xe bò, nhảy xuống chạy bay vào nhà, nơi chiếc quan tài nằm đó. Tiếng gọi “Thằng Năm con tôi” còn văng vẳng vang lên trong lòng buổi chiều.
      Hai con bò ngúc ngoắc một mình với chiếc xe nhìn theo bóng dáng chủ.

      Sáng sớm, khi ngọn đèn thành phố vừa tắt được một chập. Chiếc xe đò mới ra khỏi rừng xe của đô thị. Chiếc xe lao đi, trong đó có Xuân chễm chệ ngồi trên chiếc ghế đẩu. Xuân đáo nhậm đơn vị, Xuân đã suy nghĩ nhiều rồi nên sự ngạc nhiên phải đến không làm hoang mang, dù là số phận nhược tiểu dĩ nhiên trên bản đồ thế giới.
      Những vui buồn nào điềm nhiên khép lại trong sự chấp nhận hữu lý của miền mình. Xuân biết rõ những gì về sinh vật trên trái đất này, một cây và hàng ngàn ức lá xanh rụng xuống nhòa đi trong niềm căm phẫn, những xác chết và chết thật nhiều mang về phần cội những mầu mỡ tươi tốt, trên mặt đất có những nguyên sinh động vật hiện hữu.
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.03.2005 23:05:26 bởi NuHiepDeThuong >
      #3
        NuHiepDeThuong 27.03.2005 23:14:52 (permalink)
        CUỐI ĐƯỜNG THƯƠNG MẾN

        Thái San

        (TRONG TẬP NGCL2 CỦA TS)


        -Thưa thầy, thầy đừng cho em nói cho có chuyện, cũng đừng cho là nhiễu sự, cũng đừng khoác vội lên em lo chi chuyện người, nhưng tất cả mọi người đều như thế cả thì ..., thầy đã dạy em : đất nước cần những bàn tay đen đúa và những bàn tay trong sạch!?

        Tôi bất chợt quay quắt nhìn thẳng vào trong mắt đứa học trò, rõ thật lòng mình thương mến, khựng lại, bước chân dường như chệnh choạng trong nhiều giây.
        Phía trước mặt, trên một đồi mờ về cuối chiều. Thoáng nhanh trên những đồi gần đó những đốm lửa của ai vô tình hay hữu ý đã đốt trọc đất thành những mảng loang lổ. Để cho tôi bỗng dưng thấy cái đói của người, thấy những mồ hôi và nước mắt, mang sức lực trải lên đất để bới lên món độn no lòng. Tôi đánh trống lảng:
        -Em có cầm chắc vào lớp mười được không ?
        -Thưa không chắc lắm.
        -Sao ?
        - ....
        Hôm nay tâm trí thầy như chiếc lá khô thả trên dòng sông. Chí của thầy chùng xuống phó mặc. Thầy chỉ còn duy nhất một người đồng chí, đồng song và vốn là một đám đồng hành: người vợ và các con tòng vong.
        -Những chiến công và hào khí tranh đấu của sinh viên phật tử của thầy.
        -Hừm.
        -Em xin thứ lỗi. Thầy quên hẳn ư ? Và còn bao nhiêu nữa....
        -Thầy hiểu.
        Hai người cùng im lặng đi với nhau thật xa, xuống sâu dưới vùng thung lũng, vượt qua nhiều mảng nương rẫy còi cọc đến một vùng bình nguyên duy nhất, nơi tôi và tất cả gia đình phải dốc đổ mồ hôi nước mắt gieo trồng, để rồi đau đớn nhìn, trải ra trước mắt bụi cây mè vượt lên, mặc cho những đám sâu cắn phá vì thiếu thuốc.
        Tôi không nói được gì vì sự thể đã vậy, vì đã biết rằng trong cuộc đời thường khác với trên bục giảng dù cho là có ý chí cũng không thể thánh hóa cũng không thể cứu vớt nỗi, khi biết rằng chiếc lá trong dòng sông, dòng sông định mệnh, tôi chẳng là ai đó để xum xoe với đám đông rằng mình đang tỉnh táo khi đang mang một vết thương đau đớn vẫn muốn nghĩ gì ngoài cái đau, vẫn muốn thánh hướng lý tưởng đổi đời, với cái bụng lép kẹp, khi bị bủa vây bằng cái bá đạo của lũ....tôi không muốn nhìn thấy đàn con thương yêu bị thui chột trong cuộc sống tha phương cầu thực với những gánh gà hay thùng nước mắm, ôi lạy ông trời, tôi còn phải nói gì? Phải làm gì? khi căn nhà chòi được dựng lên trên mảnh đất nhờ nhệch rung rinh mỗi lần gió bấc lao xao để đêm về nằm trên chiếc chõng nghe mọt cọt kẹt trong những đòn tay tràm trên mái trên nóc vào những ngày thất nghiệp mới được bị ở nhà, nhưng...
        “Thầy vẫn thường dậy các em không thể dùng chữ nhưng, chữ nếu.. Vì thầy biết cùng sanh biến, biến sanh thông và khi nào tỵ sẽ hay “.

        Tôi ngước lên nhìn đoàn xe lửa chậm lại trước khi vào ga.
        Kỷ niệm ngày nao cũng vậy rền rã biết bao nhiêu giấc ngủ trên con tầu sắt và một lần đào bới tìm cứu đứa em bị đè nghiến dưới xác con tầu lật, không biết lúc nào đó tôi có cảm nghĩ tôi đã vi hành vào cuộc sống tận cùng để thản nhiên vô vi chỉ đủ lấy hăm bốn tiếng. “Thầy đã thấy chữ nếu rồi, chữ nếu xảy ra giữa đứa con gái của thầy và trong cửa hàng ăn uống, Thầy cám ơn chữ huyền diệu đó.”
        -Thầy chúc em may mắn.

        Tôi ngước đầu đảo quanh nhưng không chú tâm nhìn cảnh vật. Đầu tôi u mê lổn nhổn với chữ may mắn. và nghĩ đến phước đức ông bà để lại , trong tôi có lẽ do cái chân và thiện phò trợ. Kể từ lúc đó tôi chờ đợi mọi sự đến như hão huyền, mặc khen chê vụn vặt....tôi gặp được một đứa con lai giả chạy chọt giấy tờ và rồi được xuất ngoại đi Hoa kỳ.

        Những kỷ niệm ngày đó như một sao chổi hội ngộ với thái dương hệ mặt trới bằng một chu kỳ nhật nguyệt thực xa xôi, tính bằng niên kỷ ánh sáng trùng lập cầm tinh của một con người, trùng lập với cả một gia đình ứng với quẻ kiêu sa diệu kỳ nhiệm mầu.

        Tôi muốn dâng những lời thân ái với những sao đồng hành một thời xa xưa nào đó.
        Còn phần tôi vẫn cuộc sống thường nhật, vẫn điềm nhiên tự tại trong cả cách vận hành đa duy.
        Xin cho tôi mượn mây nhắn gió gửi về nơi xa xôi những thành tâm ý thiện đủ mua buồn không nỗi một trống canh, trong giây phút hoài niệm nhân tình.


        TS90
        #4
          NuHiepDeThuong 27.03.2005 23:24:06 (permalink)
          MỤ HÀNG VỊT XỨ MIỀN ĐÔNG NAM

          Thái San

          Ông Khuất quản lý khu chợ này nhiều năm. Vóc dáng không cao lắm, so với tầm mức của người Việt mình, da mặt hồng hào và vẻ mặt phúc hậu, mái tóc được cắt ngắn bình thường không theo mốt thời trang nhưng theo kiểu trọng tài đá banh, biểu hiện một con người trung thực, duy nhất có cặp mắt tinh tường cộng thêm trí phán đoán được dân chúng khen ngợi rất nhiều về thành tích bắt bọn móc túi, trộm vặt.

          Kể từ ngày giải phóng đến nay đã bước sang năm thứ hai mươi mốt, thì ông cũng trụ được mười tám năm tròn.
          Không chê trách là nhu nhược qụy lụy hay ông tính kỹ quá, nhưng qua biết bao gian truân, chịu đựng một cách khôn khéo để trụ vững với cái công việc quản lý khu chợ của cái xứ miền đông ngặt nghèo này không phải dễ như nhiều người ta tưởng.

          Nghe đến chữ chợ là ai cũng hiểu ngay ra một nơi phức tạp muôn mặt.
          Ngoài việc đấu thầu công khai bằng phong bì kín, ẩn, sau, phía trong những cái hụi chết lớn của ông này, nhỏ của bà kia, còn những ưu tiên chỗ sạp bán, lặng thinh với những gian hàng phải kiêng nể, tránh né hoặc lờ đi, bao nhiêu những cái vụn vặt, cấu ngắt, nhờ mua linh tinh vô hình vô dạng, những cái biếu xén qụy lụy cho đến những kẻ xin xỏ đớn hèn bẩn thỉu, sang trọng hay mạt hạng, không sao kể hết những phức tạp phiền toái.

          Ông thừa sức hiểu cho mấy cái nghề không mấy người ưa thích này, thậm chí ngày nào, ít nhiều cũng xảy ra vài vụ việc to tiếng cãi vã mà với khả năng linh hoạt khéo léo ông đã giải quyết êm thắm, chính vì công việc đã mang lại cho bản thân ông và gia đình một cuộc sống trung bình, nên đành phải chịu, sự chấp nhận, sự hiện hữu, dù rằng đã bao lần tìm hướng chọn việc khác thay đổi.
          Nói như thế chứ thực sự những cái lợi nhỏ không ít, tất nhiên cái phiền toái bực dọc cũng rất nhiều. Vậy nhưng nó là một công việc có nhiều người đứng ngoài ngấm nghé thèm thuồng, nào ai có biết ông đang đứng tần ngần.

          Lần đầu tiên ông giận uất người, vì một bà bán vịt.
          Trước mặt ông, người đàn bà bán vịt, bà vẫn khăng khăng không chịu đóng tiền hoa chi. Ông kiên nhẫn:
          -Tôi đề nghị chị đóng cho, tôi còn nhiều việc.
          Trên một khoảng góc trước bên phía phải của chợ. Mặt trước của khu chợ hướng về phía đông nam. Người đàn bà vẻ mặt đanh chắc, hai môi mỏng dính, thể hiện cho ta thấy một loại người nói nhiều, nhiều chuyện, chiếc áo cánh mặc không gọn gàng biểu hiện có tính nết bừa bãi, chật vật với cơm áo, bà ngồi chồm hổm với một bầy vịt mập màu lông sẻ. Tiếng the thé:
          -Lấy bóp mắt người ta sao? Tưởng nuôi được mấy con vịt dễ lắm hả. Vốn liếng giống, thức ăn đâu có sẵn để nhặt không. Cả ngày dang mưa dang nắng ngoài đồng, có phải ngồi trong mát, trong rợp, vô biên chế, rồi quy hoạch quy định.
          Nuôi vịt chẳng khác gì người, nặng nhẹ với nó, nó không đẻ, làm dữ nó chạy tán loạn, không gom lại một chỗ chỉ có nước ngồi đấy mà khóc.
          Ông Khuất bực lắm nhưng cũng vẫn phải lên tiếng:
          -Thôi tôi không nói nhiều với bà nữa. Đề nghị bà đóng hoa chi cho xong, tôi còn phải đi thu nơi khác.
          Mụ hàng vịt cố ý làm dữ nhưng ông Khuất vẫn kiên quyết nhẫn nại. Mình không khen hay ông Khuất, vì dù sao với ngần ấy năm nghề nghiệp, cuối cùng bà phải xuống nước. Bà nhìn ông hơi né tránh, đôi mắt chớp chậm lại như muốn che dấu ý tưởng tiểu xảo không muốn cho ông biết rõ rằng bà đã chịu xuống nước nhượng bộ.
          Lúc này bà hàng vịt cố tình nhìn thẳng vào ông Khuất như bắt gân nhau, biết không thể làm cách nào khác vẫn nói giữ trịch:
          -Cho tôi đóng làm hai lần?
          Ông Khuất cũng làm lởi xởi, như tự khẳng định cái cách xử sự vốn dĩ nó được tạo ra bởi những thành công trước bao nhiêu học hỏi sàng lọc “mềm nắn rắn buông”. Ông buông thõng to tiếng:
          -Được. Đóng trước năm ngàn, lát thu thêm.
          Ông Khuất trả lời dứt khoát như vuốt đầu kẻ thua cuộc, đưa tay nhận tiền thủng thẳng đếm lại, không xé biên lai bước đi.
          -Phải vậy chứ.
          Bà hàng vịt nói như chiến thắng của chính mình vừa đạt được, khi ông Khuất quay đi thật nhanh giấu nụ cười nghề nghiệp. Nghề dạy cho ông biết phải xử trí ra sao. Đằng sau mẹ hàng vịt vẫn sang sảng, như phân bua với quanh đấy.
          -Các ông bà thấy không. Cái xã miền đông này nhỏ như con cóc lại nằm dọc theo hai bên con đường nhựa thẳng, có năm sáu ấp đòi tinh giảm biên chế. Tinh giảm cái gì? Tôi thử hỏi tinh giảm bớt cái bộ máy cồng kềnh để tránh bớt cái đám ăn không ngồi rồi trên trốc chứ gì, không các bà đừng có mơ. Tôi đã nói thì tôi không sợ, đã sợ thì không nói. Tinh giảm bằng cách chia xã ra làm hai. Như vậy ta có hai bộ máy chính quyền xã vậy thì tinh giảm ở chỗ nào?
          Một số người lảng tránh. Bà hàng vịt ngưng một chút để cân vịt, rồi tiếp tục, đôi môi cong dẻo quẹo:
          -Ngẫm nghĩ chính là tui đây nè. Trước chứ vịt, một mình tôi chăn nuôi tất cả ba bốn trăm con, nay chia đôi cho thằng nhỏ nó nuôi một nửa, nó nuôi thì nó xài chứ nó nuôi cho mình xài đâu mà mừng.
          Có tiếng người ngoài xen:
          -Nhưng vịt nó khác, ấp nó khác, bà nói đến làm chi vậy.
          -Y chang. Vịt hay người, thì người nuôi xài chứ vịt nó xài ha? Đối với người thì người trên xài cũng vậy.
          Vẫn có người cãi lại:
          - Nhưng chia xã thì ít ấp đi.
          -Đấy chính là ở chỗ đấy. Ít người, nhưng ráng gồng lên nuôi thêm một cái bộ máy nữa, các ông, các bà nghe kịp không?
          -Cái này nữa này. Bầu cử các người hội đồng nhân dân ấp xã. Lẽ ra muốn để cho người dân chọn một danh sách thì chính quyền phải có lấy hai ba danh sách cho dân chọn chứ, đằng này chỉ có một để chọn một, rồi thêm vào đó một vài người lót đường để gạch bỏ. Ai gạch, bố trí con em, hoặc chọn sẵn người của mình ngồi đấy gạch theo quy định. Tôi không nói thì thôi chứ tôi nói rồi tôi phải nói cho hết.
          Có lẽ cách rao hàng của bà bán vịt đã thành công. Khách mua đã vây quanh, bà đã tíu tít nên không còn phát ra những âm thanh chộn rộn nữa.
          Hàng vịt vào cuối năm nay đắt khách. Chẳng mấy chốc bầy vịt đã vơi dần. Ông Khuất cũng thỉnh thoảng cũng đáo qua lại.
          Người dân ở đây chưa ai dám ăn nói hồ đồ, nên khi thấy mụ hàng vịt liều mạng nói ra những điều không nên nói, cũng có người khen kẻ chê.
          Thời buổi này khôn dại tại miệng nói năng không cẩn thận, đi tù như chơi.
          Nhiều người đoán, không chừng mụ thuộc gia đình cách mạng.
          Ông Khuất vẫn cứ tiếp tục công việc. Nhưng những câu nói của bà bán vịt vẫn ám ảnh theo ông. Giữa nơi chợ búa đông người coi như chỗ không người, bà đã phát ngôn bừa bãi. Ông cũng là một nhân viên cán bộ cơ quan nho nhỏ, ông cảm thấy bực mình. Đứng khách quan ta thấy bà hàng vịt nói có phần nào đúng, nhưng chỗ chợ không phải chỗ phát biểu lung tung. Thôi đành cho qua đi tất cả. Ông nghĩ vậy và cũng chẳng suy nghĩ thêm. Tiếng của bà hàng vịt cũng đã chấm dứt, tíu tít với khách hàng nên quên bẵng câu chuyện ban đầu.
          Lúc này nhiều người nhìn ông Khuất như dò phản ứng, chọc ghẹo:
          -Sáng sớm đã bị bà hàng vịt cho uống cà phê đen không đường mà cũng đành lòng vậy sao?
          Ông Khuất chữa thẹn:
          -Thôi kệ hơn thua với họ làm gì nữa cho thêm ồn ào.
          Ông Khuất trở lại qua hàng vịt một lần nữa.
          Bộ mặt bà hàng vịt né tránh cái nhìn của ông hơi cúi xuống, nhưng điềm nhiên hơn vui tốt hơn vì có lẽ đã bán hết đám vịt.
          Tự nhiên trong lòng ông dâng lên một nỗi niềm khó tả, giận sự vật xung quanh thì ít, bục dọc với chính mình thì nhiều. Nghĩ một điều gì mông lung lắm, hoặc phải đắn đo kỹ lưỡng nó có tính cách không công bằng, tất nhiên ở đời khôn dại cái miệng, họ phải chịu.
          Ông Khuất bước qua đường, vô tình chẳng ai nhìn theo.
          Có lẽ ông đang đi đến phòng điện thoại.
          Mọi người trong chợ bị câu chuyện bà hàng vịt gieo vào trong đầu như đám bụi đường tung lên rồi cả khu chợ hít phải gây khó chịu. Phần đông hay giật mình khi nghe tiếng rít của thắng xe, không ai hẹn ai cùng quay quắt trông nhìn dáo dác như một cái gì bất chợt có thể xảy đến. Và chắc nó sẽ phải xảy đến thôi ai ai cũng đều hiểu như vậy.
          Nhiều xe máy đứng chờ những người nhà vào chợ cũng tan dần.
          Phiên chợ cũng ngàn bớt qua đi.
          Nhưng có thể tin phong thanh trong chiều nay hoặc sớm mai đầy ắp trong buổi chợ sớm, khi mặt trời bắt đầu ló dạng, tin thật trăm phần hoặc đơm đặt thêm cho nhiều ý vị, hay do miệng lưỡi của người.
          Ai cũng cảm thấy một điều băn khoăn thật nhỏ thật nhẹ.
          Dẫu gì tin chẳng mấy vui vẻ như nhiều tin khác, trong sự thinh lặng chịu đựng có sức dẻo dai xu thời của khu chợ miền đông nam.
          #5
            NuHiepDeThuong 27.03.2005 23:45:03 (permalink)
            NHỮNG GÌ CÒN LẠI

            Thái San


            Chúng tôi ngồi yên lặng trên chiếc xe chở thật đông người, đi đến một khu rừng miền nam, miền cây cối tốt.
            Từ lâu không một làng mạc nào được dựng trên mảnh đất này.
            Gia đình tôi được định cư trên mảnh đất cao.
            Khó nhăn đầu tiên của đám người mới đổ xuống là chia nhau mảnh đất rồi lo kiếm nước, tìm nơi ngủ. Tuy nhiên sự cực nhọc cũng qua đi khi đứa con trai đầu lòng ra đời.

            Nàng vào đây tứ cố vô thân với hai đứa em gái. Trong những tháng ngày đầu tiên tôi thấy nàng làm việc luôn tay không dứt. Cả những đêm tối, đứa con tôi còn nhỏ không sữa mẹ khóc nghe não nề, rầu ruột, Hoài cũng qua để dỗ dành dùm.
            Tôi thấy bất lực trong công việc này và nàng như nuôi hẳn đứa con tôi để tôi đi làm nuôi cả hai gia đình trọn năm người. Những buổi tối đi làm về tôi cũng làm thêm cho cả hai gia đình như rào hàng kẽm gai lại cho khu đất, hay ngăn tấm vách tre, liếp cho căn nhà đôi chung được cấp phát. Được sự đồng ý tôi mở cánh cửa cho đôi bên thông thương tiện dụng. Cũng có lần nàng đặt đứa bé xuống, giúp tay vào nhiều công việc như việc mộc, v...v…

            Lúc tối trở về, đêm tối mỗi người một bên. Nàng với hai em, tôi với đứa con đỏ tháng. Sự cơ cực mất ngủ để mỗi sáng dậy đi làm, nàng đề nghị tôi để nàng trông coi đứa bé, nhưng trong lòng tôi chẳng dám vì tôi khác hẳn mất rồi.
            Ngồi nhìn đứa con mà nhớ lại những ngày người vợ mới qua đời lúc đôi bàn tay trắng chẳng có một đồn xu dính túi, tay trắng bần hàn. Tôi không dám nghĩ nhiều thêm vì rõ là nàng chết vì sau khi sanh thiếu thuốc.
            Trong căn lều (tăng) nóng như thiêu đốt của xứ miền nam. Tôi quây lấy căn phòng đẻ bằng vỏn vẹn với miếng vải bông phần gia tài duy nhất. Tiếng đứa trẻ khóc, Hoài lách cửa bước sang. Tôi cúi đầu như một thân tội đồ.
            Tiếng nói nàng nhẹ nhàng làm tôi tỉnh lại:
            _Sao anh để cho nó khóc?
            _Biết làm sao bây giờ.
            Nàng thánh thiện, còn tôi là một người qua một đời vợ. Tôi nhìn chong vào mắt nàng chờ đợi….. Nàng nói nhanh:
            _Để em giúp cho.
            Trong lòng tôi dâng lên một niềm xúc động và hoàn toàn thần thánh. Tôi nhìn kỹ nàng và tưởng tượng như một thiên thần. Tôi nói nhẹ:
            - Em nên đi nghỉ đi cho khỏe, ngày mai chúng ta còn phải làm việc.
            Trong lòng tôi mơ ước, giúp đỡ tôi trong cơn bấn loạn này nhưng…..
            Nàng lặng thinh như không nghe thấy. Hiện không nói gì, nàng tiến tới bế đứa bé lên dỡ như thân quen tự bao giờ. Một lúc đứa bé không khóc. Tôi êm dịu hẳn xuống.

            Chàng cảm thấy tương lai mờ mịt và không hiểu rõ rồi đây cuộc sống của mình và con ra sao nữa. Tôi lặng thinh và bước ra, hai tay đưa kên vò bứt tóc, vừa suy nghĩ:
            _Hay đề nghị nàng chung sống với mình và cùng nhau nuôi những đứa em, con..
            Nhưng tự ái của một người đàn ông, và chàng cũng chẳng dám mở lời, vì chàng là một người qua một đời vợ, còn nàng.
            Suy nghĩ chỉ vì đời sống đang thời khó khăn không việc làm chắc chắn. Nàng lên tiếng trước:
            _Em không biết rồi đây cuộc đời của ba đứa ra sao nữa?
            _Ừ cũng... , nhưng chẳng khó mấy đâu.
            _Em không biết làm gì dù một tí nghề, vốn liếng cũng không.
            Nét mặt nàng đăm chiêu, và nàng cũng nói:
            _Thì tạm thời vẫn cứ như vầy đã, rồi biến chuyển dần dần.
            _Nhưng tiếng đời và dư luận nữa chứ em?
            _Cái đó cũng đáng để ý nhưng đời sống nó bắt và phải như thế thì sao nào?
            Cả hai ngồi yên lặng, thật yên lặng. Nhìn trên con đừng được làm từ thời Pháp, lâu lắm, thật lâu lắm mới có một chuyến xe đi qua. Tiếng trẻ, con của mình, khóc, làm cả hai tỉnh người lại.
            Một lúc sau đứa bé khóc và khóc to hơn, tôi sốt ruột và nàng cũng nóng như tôi hỏi:
            _Có cần cho bé đi khám bệnh không?
            Tiếng nàng rất trìu mến, tôi cảm thấy mến nàng hơn bao giờ hết. Tôi nói như an ủi chính tôi:
            _Chắc nó đau bụng, để anh giúp cho.
            Nói xong tôi mới biết mình nói sai, con của mình mà mình giúp cho ai, và trời lúc này cũng lác đác những giọt mưa. Khi nghe được tiếng mưa chắc là mưa cũng đã nặng hột, vì mái tranh nên thường cũng chẳng mấy để ý đến được tiếng mưa.
            Ngoài kia lốp đốp có tiếng súng phía dưới miền suối mà phía tôi định nếu đi đưa con vào thăm khám y tá, tôi tiến đến bảo nàng đặt đứa bé xuống giường tôi lấy tay xoa nhẹ vào bụng dứa con khiến tiếng khóc dịu dần, không biết có phải là khỏi hay bớt chưa nữa. Nàng nói nhìn chòng chọc vào mặt tôi nhưng trời chẳng sáng lắm với cái đèn hoa kỳ tù mù. Nàng nói:
            _May ra nó bớt thì đỡ khổ cho tất cả.
            _Bác sĩ may ra ?
            _Thì nó khỏi rồi đấy.
            Thấy hiệu quả tôi lấy chiếc khăn nhúng nước ấm và đắp vào bụng cho con, và nhớ phải đắp bằng lá trầu hơ nóng, nhưng vào giờ này kiếm đâu ra lá trầu, nhất là, lại mới đến vùng đất này, ai đã cất công trồng thứ này. Lúc này có lẽ cả hai đã đoán trúng thằng bé đau bụng nhưng cơn đau đã dịu hẳn nhiều.
            Vì mệt quá tôi và nàng nằm cạnh hai bên đứa bé và thiếp đi một lúc chẳng ai nói với ai điều gì. Bỗng chợt trời mưa nặng hột hơn và đứa bé bắt đầu khóc to hơn. Nàng lên tiếng trước:
            _Em đưa xuống nhà y tá Đức. Được không anh?
            Hiện ngoị ngằn, chần chừ vì tiếng súng to dần phía ấy.
            _H…ừ…m.
            Chần chừ một lúc sau:
            _Em đi bộ xuống chỗ đang giao tranh sao?
            Một câu hỏi vừa đồng ý. Nàng đứng bật dậy tự tròng vào mình một chiếc puncho. Hiện cũng chẳng biết gì hơn, tự ngồi xuống xắn gấu quần cho nàng bảo:
            _Chờ một chút đã nào.
            Một câu nói hai ý, Hiện ngồi bệt xuống đất lấy tay cuộn ống quần nàng lên cao, lên cao.... anh cảm thấy da thịt của Hoài êm dịu, dù sao anh cũng đã qua một đời vợ nên biết con gái là gì. Anh biết rung cảm tình dục nhưng ở chỗ này, cảm thấy nàng như vị thiên thần hộ mệnh cho gia đình mình, và ngay bây giờ cho chính con mình, lòng cảm mến không có một chút tà ý. Cái ống quần thời này rộng rãi không bó hẹp như thời kỳ nào. Hoài nói nhẹ như ru chính ông bố:
            _Anh nhới kỹ nhé ở đây chỉ có mấy đứa em dại của em và con anh mà thôi, chúng ta sống chung được không anh?
            _Đó là lời mở trước cho chàng.
            Câu nói của nàng làm tôi chợt tỉnh hẳn cơn mê trong dục vọng, Chàng hỏi lại khi nhìn thật rõ vào mắt nàng:
            _Ý em nói?
            _Thì sống chung với nhau chứ sao anh?
            Chàng ầm ừ chưa dứt khoát vì không đề phòng, vì luôn lúc nào chàng vẫn nghĩ chàng là một người có gia đình nên không dám nghĩ hơn nữa và bản chất chàng không muốn lợi dụng ai quá đáng. Nhưng cô gái thì lại khác. Luôn nghĩ mình đang cần một chỗ dựa khi mới đến chỗ định cư này, nơi khỉ ho cò gáy làm nàng sợ hãi không có chỗ nương tựa. Chàng nói:
            _Nếu em đồng ý chúng ta đồng vui sướng khổ cho trọn vẹn chứ em?
            _Đến bây giờ anh còn phân vân ư?
            _Tại cuộc chiến nó gây cho anh những suy nghĩ khôn nguôi, vì anh và em đang cưu mang một đứa con của người chết đó thôi.
            Anh nói trong suy nghĩ chín chắn và tiếp:
            _Anh cũng chẳng muốn anh, em, chúng ta lại bị một lần nữa em ạ.
            Anh nói khi nhìn thẳng vào cô gái với lòng thành thật.
            Cô gái nói nhanh như sợ bị anh từ chối:
            _Cũng được anh ạ. Hay mai ta cưới nhau đi?
            Anh trố mắt nhìn nàng va không hiểu nàng đang nghĩ những gì nữa anh hỏi:
            _Có thật không em?
            Cả hai im lặng vài giây, chàng bước tới ôm chặt nàng vào trong lòng thật chặt, cả hai như đã thân nhau tự thuở nào, bao nhiêu xúc cảm dâng lên tột độ vì đã vô tình và cố ý nên nó muốn bung mà không được phép, phải chờ, phải chờ. Nàng nói thật dịu hiền.
            _Anh chờ em về ta bắt đầu nhé?
            Chàng đáng ra cũng chẳng bắt đầu được vì cái thế của chàng chẳng muốn lợi dụng, đúng ra cái ý là của nàng mà thôi, nên nghĩ vì mình có thể cần thiết cho nàng. Trong đầu vẫn băn khoăn nàng quá trẻ, còn mình đã qua một đời vợ, và riêng nàng là một cô gái yếu đuối dễ thương và thần thánh.
            Tôi luôn tôn trọng như đứa em gái mà thôi và luôn có ý giúp đỡ nàng là chính dù một ý nhỏ. Tôi tự cu-ki với và lúng túng trong hoàn cảnh này, chỉ một mình chẳng muốn theo số phận người khác, theo vết chân buồn của đời và không chừng trong những ý nghĩ đó mang theo những may mắn của người khác kéo theo không biết sự tình nào kéo theo sự tình nào. Và cũng không biết cuộc chiến do Mỹ tạo dựng để thử nghiệm và tiêu thụ sản phẩm chiến tranh của một siêu cuờng thì số phận nhược tiểu của đời mình ra sao nữa!!! Số phận nhược tiểu của mình thoát khỏi quy luật “cây gậy hoặc củ cà rốt” và đến bao giờ được. Tôi cúi xuống mới nhớ ra nình vẫn đang ôm Hoài sự thật nhãn tiền không chối cãi tức đã xác định có và cần nàng trong đời.
            Chợt cơn mưa nhẹ bớt đi và tiếng súng bắt đầu giảm hẳn. Chàng cúi xuống, bận cuộn lại gấu quần nàng một lần nữa tay chàng chạm vào da thịt chợt nàng rùng mình. Nàng nói ngay như thoát khỏi lôi kéo khác:
            _Em đi đây.
            Chàng nhấc cái tấm mưa phía trước đưa đứa bé vào lòng Hoài và đội thêm nón. Nàng chậm bước ra khỏi cửa quay mặt nhìn anh lần chót vào chỗ nơi ông y tá tiếng súng bắt đầu to hơn và mau hơn. Đứng nhìn nàng bước đi hy sinh cho con mình mà lòng xúc động thực sự. Tôi chẳng bước vào giường vì nghe tiếng đứa em nàng bắt đầu trở mình trong cái mùng vá chằng vá chịt và đi tới đi lui suy nghĩ lung lắm rồi dựa vào bao lúa ngủ lúc nào không biết.
            Định sáng sớm lên trình với cha xứ như ông vua một cõi để xúc tiến công việc chắc việc của chúng tôi không có gì làm khó khăn nên an toàn, hợp tình, lý. Tôi nghĩ vậy nên ên đềm vào giấc mộng lúc nào chẳng hay có sự hiện diện của nàng đang rên xiết vì sung sướng, tự dưng cả cơ thể tôi rung lên bần bật khi nàng nói:
            _Em cảm thấy quá hạnh phúc anh ạ.
            Có tiếng xe thắng mạnh ngoài đầu đường. Tôi quay ra nhìn thấy một hình sao trắng trên ca bô tôi lửng lơ với những gì mình đang mơ mộng vừa qua, thì có tiếng nói của người ngoại quốc đoán là người Mỹ nên tôi nhìn thật kỹ vào, ngẩn ra vài giây một toán người đang khiêng chiếc băng ca vào lúc này tôi mới định thần biết và đó chính là Hoài và đứa bé con tôi. Nước mắt tôi tuôn trào đầy mặt và từ đó tôi chẳng còn trông thấy gì nữa và sự thể ra sao cũng chẳng bao giờ còn được nhắc đến sau khi tôi ra viện vào sau đó nghe mọi người nói là hai năm đổi một hạnh phúc để lấy một hạnh phúc và chẳng bao giờ có hạnh phúc nào cả.

            Hỡi thượng đế nếu có người dã man quá đi thôi đánh mất của tôi tất cả! Vậy sao từ đó tôi chẳng bao giờ nhắc đến chúa hay bà nào nữa cả.
            Một ông già nhất trong xóm là người thổ dân chính hiệu nói với tôi:
            _Nếu mai này anh về chắc anh sẽ mở chỗ chữa bệnh miễn phí để cứu bá tánh chứ.
            _Dạ thưa ông, lòng thì vậy nhưng có lúc lại không, vì rằng thời thế không cho phép, lại nữa lấy đâu ra chi phí để thuê những nhân viên tập sự cái đã, sau đó khi làm xong họ nhẩy chồm hổm vào quản lý nhà nước tức là chẳng có gì được quyền của mình ạ?
            Và nghiễm nhiên họ thu vào cho chính bản thân, họ cứ việc lấy tiền trong lúc mình cứu tế là chính, thưa ông, sau đó có khi còn tống cổ mình đi nữa chứ ạ?
            #6
              NuHiepDeThuong 27.03.2005 23:47:20 (permalink)
              Sis Ly thân mến,

              Cảm ơn sis đã duyệt lại bài và mang vào thư viện.

              Thay mặt tác gỉa Thái San cảm ơn sis Ly nhiều nhiều đã tận tình giúp đỡ.

              #7
                Ct.Ly 28.03.2005 05:47:55 (permalink)
                #8
                  NuHiepDeThuong 28.03.2005 06:44:54 (permalink)
                  Cảm ơn sis nhiều nhiều đã giúp đỡ.

                  Mời sis Ly qua nhà hàng của BN ăn tiệc nha.

                  http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=47625&mpage=1&key=먉

                  Tiệc này NH đãi đó.
                  #9
                    Chuyển nhanh đến:

                    Thống kê hiện tại

                    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                    Kiểu:
                    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9