LT tìm thấy 1 tài liệu hay về chụp ảnh chân dung, nguồn từ thư viện của vnphoto.
Nguyên tác của nhiếp ảnh gia Michael Freeman. Người dịch: Xman, từ nguyên bản tiếng Pháp.
LT cũng có thấy cuốn sách này trong thư viện, hồi đó chỉ xem lướt qua. Cảm nhận sau khi đọc cuốn sách này, LT thấy nó rất bổ ích cho ai muốn thử mình trong lĩnh vực ảnh chân dung, 1 thể loại cực khó trong nhiếp ảnh.
Nếu trước đây có ai đó cắt mấy tấm hình trong sách này, hỏi LT nghĩ nó thế nào, chắc chắn mình sẽ nói nó được chụp từ 1 người vừa mua máy ảnh ở tiệm cách đây vài giờ. Vì với quan niệm trước đây, ảnh bị cắt đầu, ảnh thiếu sáng đến nổi chụp 1 nhóm mà không thấy mặt vài người, bố cục đơn điệu...tất nhiên không thể nào đẹp được.
Đôi khi chúng ta lại cố nhào nặn cái lý thuyết : 1 bức ảnh phải chứa nhiều "tâm tư" trong đó, nhiều khi việc này dẫn chúng ta tới ngõ cụt, vì nhiều bức chẳng có "tâm tư" gì cả. Đơn giản chỉ là ghi lại 1 hoạt động hàng ngày. Nó bình dân như mỗi sáng ngồi trên ghế đẩu, kế bên là ly cà phê đá, trên tay là tờ báo Tuổi Trẻ.
Cũng như trong nhiếp ảnh có 1 thể loại gọi là Lomography, với tiêu chí của họ là: Don't think, just shoot - Đừng suy nghĩ, cứ chụp đại đi. Dù nghe có vẻ đơn giản, nhưng nó vẫn có luật chơi riêng.
Nếu có ai đó lấy hình từ thể loại Lomography, bảo đảm nhiều người sẽ vứt vào sọt rác không suy nghĩ. Vì sao? Vì nó không giống cái họ từng nghĩ. Họ sẽ kể ra ít nhất cũng phải cả chục lỗi thường mắc phải ở nhiếp ảnh.
Quay lại chủ đề. Lời người dịch:
Để bổ sung thêm kiến thức về thể loại chân dung cho forum, tôi xin truyền tải lại nội dung cuốn sách của Micheal Freeman " Photographie numérique: le portrait".
Tôi cũng đã nghiên cứu qua một vài cuốn sách chân dung của các tác giả khác nhau, nhưng thích cuốn này nhất vì nó giúp ta có một cái nhìn tổng quan nhưng sâu sắc về thể loại rất khó nắm bắt này. Tác giả không có mục đích tỉ mỉ chỉ ta từng bước phải làm gì, mà nhằm cho ta những khái niệm đúng đắn với phương tiện để đạt lấy nó, giống như một vài bác nói đùa trong forum là cho cái cần câu chứ không phải cho con cá. Khi hiểu vấn đề thì mỗi người có thể tự phát triển một style riêng biệt, không phải lặp đi lặp lại một kĩ thuật có sẵn.
Lúc trước tôi hình dung thể loại chân dung (portrait) là chụp hình mẫu toàn thân, bán thân hay khuôn mặt, nhưng thực tế nó rộng hơn nhiều. Nói đơn giản là bất cứ một bức ảnh có chủ thể là con người có thể xếp vô thể loại này.
Vì nội dung khá dài, không có nhiều thời gian đọc đi đọc lại trau chuốt văn phong nên chắc chắn sẽ có nhiều chỗ lủng củng như bài "màu sắc trong nhiếp ảnh" trước đây, vì vậy rất mong các bác giúp đỡ sửa chữa cho hoàn chỉnh.
Làm như vậy sẽ chạm đến bản quyền của tác giả, nhưng thiết nghĩ đây là một forum phi thương mại nên tôi cũng nhắm mắt làm đại.
LỜI MỞ ĐẦU CỦA TÁC GIẢ: Chúng ta là chủ đề của nhiếp ảnh. Ngày từ khi được phát minh thì máy ảnh có mục đích thể hiện hình ảnh con người trước tất cả chủ đề khác. Là loài người, ngoài những quan tâm đến bản thân, chúng ta có một khát vọng không cưỡng được là khám phá người khác như thế nào, họ làm gì, chúng ta giống cái gì. Mỗi bức chân dung, ngay cả loại ảnh chụp lấy liền chất lượng tồi, có thể mê hoặc quyến rũ ai đó. Thêm vào đó các kĩ năng, trí tưởng tượng, các khả năng mang lại từ máy ảnh kĩ thuật số, và chúng ta sẽ có được những bức ảnh gây xúc động đáng chú ý.
Tựa đề cuốn sách này là "chân dung", nhưng sau khi suy nghĩ chín chắn mà tôi chuyển hướng nó, bởi vì tôi muốn đưa vào nó một cái gì đó khác hơn là một loạt những khuôn mặt nhìn chòng chọc người xem. Vậy định nghĩa của chân dung là gì? Tối thiểu là nét nhận biết của một nhân vật, nôm na hơn là khuôn mặt của họ. Nhưng nếu "nét nhận biết" chỉ có nghĩa giống được nhân vật thì ta chỉ cần phó thác vào một cái máy vận hành tốt. Sự tìm kiếm thực sự của các nhà chân dung, điêu khắc gia, họa sĩ và nhiếp ảnh gia là thể hiện được bản chất của con người, chỉ ra được một khía cạnh của cá tính. Vậy sẽ có vô vàn vấn đề tế nhị để khai thác.
Hãy so sánh các bức chân dung gia đình hòang gia được vẽ bởi Hans Holbein với tranh của họa sĩ đương đại Lucian Freud. Hai nghệ sĩ này, hai họa sĩ chân dung lớn của thời đại, đã chia sẻ chung mối quan tâm: khả năng giải mã được cá tính của nhân vật. Tất nhiên kĩ thuật và phong cách của họ không có cái gì tương đồng, một người họa sĩ tiểu họa tinh vi, người kia phóng bút bằng những động tác mạnh mẽ làm cho là da gần như sống động. Trong nhiếp ảnh cũng vậy, phong cách thay đổi theo thời cuộc, thể loại chân dung hiện nay hay lồng vào cảnh các hoạt động và tính thực tại của chủ thể.
Để bắt đầu, những gì người ta mong đợi từ một bức chân dung là sự nhận biết, tính lôi cuốn nhất có thể, và chỉ ra được cá tính. Nói cách khác là thể hiện một cách đáng yêu không chỉ các nét nhận biết của khuôn mặt mà còn khám phá ra được cá tính. Sự đơn giản chính là từ khóa. Khuôn mặt con người bản thân nó đã đủ thú vị mà không cần thêm vào đó các kĩ thuật phức tạp hay một bố cục khác thường. Bạn chỉ cần bắt đúng diễn cảm của nét mặt, bức ảnh sẽ thành công.
Để đạt được sự đơn giản đó, bạn cần phải khuyến khích mẫu thư dãn và thể hiện một cách tự nhiên, nhất là đừng gò ép trong tư thế cứng nhắc, và cũng đừng đóng kịch. Ngoài kĩ thuật nhiếp ảnh thì kĩ năng quan trọng nhất cần đạt được là khiến người ta thoải mái gạt bỏ mọi gượng gạo. Một bức chân dung không cần thiết phải kiểm soát hoàn toàn, chiếu sáng hoàn hảo hay được xếp đặt. Phần lớn các bức ảnh chân dung thành công nhất do ứng biến không chuẩn bị, chụp trong cảm hứng hành động, do người chụp bắt lấy cơ hội. Với máy kỹ thuật số, không có lí do phải do dự vì bạn không có gì để mất, ngay cả tiền phim.