Đến Sài Gòn, thăm di tích Đại đồn Chí Hòa.
rongxanhag 25.04.2009 06:02:53 (permalink)
Đại đồn Chí Hòa

Đại đồn Chí Hòa (gọi tắt là Đại đồn) nằm ở làng Chí Hòa thuộc Gia Định xưa. Vào thời kỳ đó, đây là một hệ thống đồn lớn nhất Việt Nam, do tướng Nguyễn Tri Phương sai dựng nhằm cản ngăn và đánh bại các cuộc tấn công của liên quân Pháp - Tây Ban Nha trên đất Việt vào năm 1860-1861. Nhưng cuối cùng, mục đích đó không thực hiện được.

Ngày 12 tháng 2 năm 1859, thực dân Pháp chiếm thành Gia Định. Năm 1860, vua Tự Đức sung chức Gia Định Quân thứ cho tướng Nguyễn Tri Phương, để cùng Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển, trông coi việc quân sự ở miền Nam.
Để đương đầu với thực dân Pháp ở Gia Định, ngay khi mới vào thay tướng Tôn Thất Hiệp, Nguyễn Tri Phương đã cho tập trung sức quân, sức dân vào việc xây dựng một đại đồn lớn, để ngăn chặn và đánh bại các cuộc tấn công của liên quân Pháp - Tây Ban Nha.

Đại đồn mới của Nguyễn Tri Phương được xây dựng từ tháng 8 năm 1860 đến tháng 2 năm 1861 mới hoàn thành. Do công trình này ở tại làng chí Hòa nên được gọi là Đại đồn chí Hòa.[1].

Đại đồn dài 3.000m, rộng 1.000m, được chia làm năm khu bằng nhau, ngăn cách bằng một bờ rào gỗ có cửa. Tường đồn được xây bằng đất sét và đá ong, cao 3,5m, dày 2m, có rất nhiều lỗ châu mai.
Mặt trên và mặt ngoài tường đồn, có trồng nhiều cây gai gốc dày đặc. Bên ngoài đồn có nhiều lớp rào tre, nhiều mô đất, nhiều ao nước và vô số hố chông.
Trên mặt tường đồn, bố trí 150 đại bác các cỡ bắn bằng đạn gang. Bên phải của đại đồn về phía chùa Cây Mai và bên trái rạch Thị Nghè có đắp mỗi bên một chiến lũy dài, lấy đồn Hữu và đồn Tả làm điểm tựa. Đằng sau Đại đồn là nhiều đồn nhỏ yểm trợ: đồn Thanh Lương, đồn Thuận Kiều, đồn Rạch Tra...Ngoài ra, phía sau đại đồn còn có kho chứa quân lương, quân khí.
Khi ấy, ở đại đồn có khoảng 20.000 quân thường trực, 10.000 quân dân dũng. Vì vậy đối với thực dân Pháp, đại đồn Chí Hòa là một vật cản lớn cần phải đánh dẹp, để họ có thể tiến chiếm các nơi khác...

Ngày 23 tháng 2 năm 1861, quân Pháp do Đô đốc Charner chỉ huy với khoảng 5.000 quân và chiến thuyền các loại, bắt đầu công phá Đại đồn Chí Hòa. Đáp lại, tướng Nguyễn Tri Phương với khoảng 30.000 quân thường trực và quân dân dũng, cũng đã kháng cự mãnh liệt, nhất là trong hai ngày 24 và 25 tháng 2. Tuy nhiên, trước những vũ khí hùng hậu và hiện đại, lực lượng giữ Đại đồn cũng đã phải rút lui, để cho quân Pháp chiếm đoạt và rồi cho san bằng.

Nhận xét về hệ thống Đại đồn Chí Hòa, GS. Trần Văn Giàu viết:
Đại đồn là một cái đồn rộng quá, chiều dài 3.000 mét, chiều ngang 1.000 mét. Nó thiếu cao thừa rộng, mặt thì yếu (hai bên hông), mặt thì mạnh (mặt tiền ngó ra sông Sài Gòn), nên quân của đối phương dễ leo vào, đánh xuyên hông, đánh bọc hậu.

Về vũ khí, trên mặt tường đồn, có 150 đại bác đủ loại, nhưng phần nhiều là đại bác bắn đạn gang, trúng ai nấy chết. Nếu là chiến tranh thời trung cổ với vũ khí thô sơ, thì đại đồn có thể xem như khá kiên cố...nhưng ở đây nó phải đối chọi với những vũ khí hiện đại, hùng hậu, có sức công phá mãnh liệt...[2]

Trong sách Lịch sử cận đại Việt Nam, Tập I, có đoạn:

Xem địa đồ toàn cuộc, thấy hình thể Đại đồn giống như cái thân hình đồ sộ của một lực sĩ giang hai cánh tay (hai chiến lũy tả hữu) ôm lấy Sài Gòn - Chợ Lớn, quyết ném địch xuống sông. Nguyễn Tri phương tưởng đâu quân Pháp không thể bước qua Đại đồn nổi, cam chịu co rút trong Sài Gòn cho đến ngày phải rút đi như chúng nó đã rút đi khỏi Đà Nẵng hồi năm trước...[3]

Cũng theo GS. Giàu, thì:
Khoảng tháng 3 năm 1860, số quân Pháp ở Sài Gòn không quá 300 lính, vì phải bổ sung sang Trung Quốc. Tháng 4 năm 1860, quân Pháp nhiều gấp đôi, nhưng cũng chỉ có 555 lính. Rồi sau đó, số quân Pháp tăng lên được 800, nhưng cũng chỉ đủ để tự vệ…[4]Vậy mà, GS. Trần Văn Giàu viết:
Tuy có chủ trương “vừa công vừa thủ”, nhưng không hơn gì Tôn Thất Hiệp, Thống tướng Nguyễn Tri Phương vẫn án binh bất động, chỉ khác một điều là ông tập trung sức lực quân dân (khoảng 30.000 người) không phải vào việc đánh mà vào việc xây dựng Đại đồn Chí Hòa nhằm bao vây địch chặt chẽ hơn, tính không cho địch bung ra rộng hơn nữa.

Sau khi hòa ước Bắc Kinh được ký kết vào tháng 10 năm 1860, Đốc đốc Charner tập trung quân kéo về Sài Gòn vào ngày 7 tháng 2 năm 1861, nhưng cũng chỉ được khoảng 5.000 quân. Đưa ra những con số tương quan trên, GS. Trần Văn Giàu đúc kết:
Đại đồn xây dựng gần một năm với công sức của mấy vạn quân và dân, chỉ bảo vệ được hơn một ngày thì mất!...Đại đồn Chí Hòa, biểu hiện chiến lược phòng thủ tai hại của tướng Nguyễn Tri Phương...[5]
Sau thất bại nặng nề này, triều đình Huế như "điên dại". Vua Tự Đức tức tốc phái Nguyễn Bá Nghi làm Khâm sai đại thần, Tôn Thất Đính làm đề đốc mang 4.000 lính vào Biên Hòa tiếp viện... Để rồi viên tướng này đã tâu về triều rằng: Việc nước ta ngày nay, trừ một chước hòa không có chước nào khác...[6]


Ngày 7 tháng 11 năm 1929, trên Phụ nữ tân văn có đăng một bài thơ:

Qua Chí Hòa hoài cổ
Tiện bước qua thăm cảnh Chí Hòa
Đây nơi chiến địa buổi can qua.
Đống xương vô định sương vùi lấp,
Giọt máu hy sanh cỏ nhuộm lòa.
Cứu nước chẳng nề thân sống thác,
Liều mình không quản sức xông pha!
Người xưa, cảnh cũ nay còn nhớ?
Tang hải buồn thay nỗi nước nhà!
Sài Sơn P.H.C

Bùi Thụy Đào Nguyên, soạn.

Chú thích
1. ^ Tên đúng là Chí Hòa, nhưng Pháp nói trại là Kỳ Hòa. (Địa chí văn hóa TP. HCM, Tập I, Nxb TP. HCM, tr. 251). Trước Đại đồn nằm trong thôn Tân Hưng, đến năm 1836, đổi tên thôn là Hòa Hưng, thuộc tổng Bình Chánh Thượng. Năm 1910, thôn Hòa Hưng thuộc tổng Dương Hòa Thượng, tỉnh Gia Định. 
2. ^ GS. Trần Văn Giàu, Địa chí văn hóa TP. HCM, Tập I, Nxb TP. HCM, tr.252.
3. ^ Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm, Lịch sử cận đại Việt Nam, Tập I, Hà Nội, 1960, tr. 91 & 96.
4. ^ Theo như nhận định của các nhà nghiên cứu, “một cuộc giải phóng đất nước đã mở ra”. Nhưng tướng Tôn Thất Hiệp lại chủ trương “án binh bất động” để “ làm nản lòng địch”, do vậy , thời cơ đánh bật quân xâm lược ra khỏi bờ cõi bị bỏ qua. GS. Trần Văn Giàu cũng cho biết: Năm 1860, là năm Pháp can thiệp vũ trang vào Syrie, xung đột với thổ Nhĩ Kỳ. Vì thế Đô đốc Page không hy vọng được tăng viện từ Pháp để tồn tại vừa ở Đà Nẵng vừa ở Sài Gòn…Đáng buồn là cái nan giải của đối phương, triều đình Huế không hay biết gì ráo, nên không lợi dụng được tình thế. (Phan Khoang, Việt Nam thế kỷ XIX, Nxb TP. HCM, 2002, tr. 274).
5. ^ Địa chí văn hóa TP. HCM, Tập I, tr. 250-252.
6. ^ Phan Khoang, Việt Nam thế kỷ XIX (tr. 277) và Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên (quyển 5, tập thượng, Sài Gòn, 1962, tr. 129 và 133).

Tham khảo
-Huỳnh Minh, Gia Định xưa, Nxb VH-TT, 2006, mục Phòng tuyến Chí Hòa, tr. 98-104.
-Phan Khoang, Việt Nam thế kỷ XIX (1802-1884), Nxb TP. HCM, 2002.
-Nhiều người soạn, Địa chí văn hóa TP. HCM, tập I, Nxb TP. HCM.
-Trần Văn Giàu, Đinh Xuân Lâm, Lịch sử cận đại Việt Nam, Tập I, Hà Nội, 1960
-Nhiều tác giả, Hỏi đáp về Sài Gòn - TP. HCM, Nxb Trẻ, tr. 104-105
-Nhóm Nhân Văn Trẻ, Hỏi đáp lịch sử Việt Nam, Nxb Trẻ, 2007, tr. 49-51.

 
 
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9