CHUYỆN QUANH MỘT TRÁI QUÍT -kịch bản văn học
Khải Nguyên HT 29.04.2009 17:28:46 (permalink)
Chuyện quanh một trái quít
Kịch nửa vui, rất ngắn
(Dựa vào một chuyện có thật)


 
Các nhân vật:  - Hường, học sinh gái.
 - Thoa, học sinh gái.
 - Yến, học sinh gái.
 - Long, học sinh trai, biệt danh "Long tồ"
 - Bà bán quít (BBQ)
 -Người qua đường (NQĐ)
 - Ông chức trách (ÔCT)

Hai cảnh: - Cảnh đầu:  hồn nhiên (chủ yếu là trẻ em)
               - Cảnh sau:  hơi "ảo" một chút (chủ yếu là người lớn)

 
 
Cảnh một
Cảnh ngoài đường: Hường, Thoa, Yến, Long.

       Hường: Cô giáo nằm ở buồng nào, Thoa hỏi rồi chứ?
       Thoa: Hỏi rồi. Buồng 5, nội 4. Chúng mình mua gì làm quà chứ nhỉ.
       Yến: Mang quà đến cô không bằng lòng đâu. Cô chẳng đã từng bảo: "Các em đến thăm là quí rồi, không được bày vẽ chuyện quà cáp" là gì.
       Long: Mang hoa quả đến thăm người ốm thì chỉ có đúng thôi. Nào chúng mình góp tiền. Ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, ai không có không góp nghĩa là không muốn thăm cô giáo.
       Yến: Bạn Long tồ nói không đúng. Có phải ai cũng luôn luôn sẵn tiền trong túi như cậu đâu. Cha mẹ cậu...
       Thoa (dàn hoà): Thôi! Thôi! Mỗi người góp hai nghìn. Ai không có sẵn đây thì bạn nào đóng hộ rồi hoàn lại sau.
     (Cả bọn góp tiền cho Thoa)
     Thoa
: Chúng mình tìm chỗ mua quít đi. Mùa này nhiều người thích ăn quít. Ngọt thanh, mát. Mẹ mình mỗi khi se mình thích ăn lắm.
       Hường: Quít Trung Quốc thì không nên đâu. Bác cạnh nhà mình đi chơi Trung Quốc về nói bên ấy họ dồn các thứ quả cam hoặc quít vào đầy một phòng kín, nhiều quả còn xanh nguyên, rồi ủ bằng hoá chất. Chính cô hướng dẫn viên tham quan người Trung Quốc bảo: những thứ ấy bên họ có cho cũng chẳng ai thèm lấy.
       Thoa: Thì chúng mình mua quít ta.
       Hường: Chúng mình phân biệt sao được quít ta với quít Tàu?
       Thoa: Cứ hỏi thẳng người bán.
       Hường: Hỏi người bán ấy à!
       (Một chị đẩy cái xe bán cam, quít đi qua, cả bọn xúm lại)
       Long
: Quít ta hay quít Tàu đây, hả cô?
       Bà bán quít: Làm gì có quít Trung Quốc ở đây. Ai người ta ăn. Quít này ngon lắm. Các em mua đi! Chị bán rẻ cho.
       Thoa: Chúng cháu thăm cô giáo đang nằm viện. Cô chọn hộ một kí thật ngon cô nhá.
       Bà bán quít
: Quí hoá quá! Các em ngoan quá, biết quí thầy cô giáo thế. Đây! Chị lựa toàn quả vừa to, vừa mọng. Đáng mười một nghìn, chị chỉ lấy các em mười nghìn thôi.
       Thoa: Eo ôi! Sao mà đắt thế?
       B.B.Q: Chẳng đắt đâu, em ạ. Em đi khắp thành phố này xem ở đâu quít ngon mà bán rẻ như chị thì chị cho không em chỗ quít đây.
       Hường (nói nhỏ với bạn đứng cạnh): Này! Hồi sáng, bà chị họ mình mua một kí to hơn, ngon hơn mà chỉ có bảy nghìn rưởi.
      Thoa (với bà bán hàng): Cô ạ, chúng cháu chỉ có tám nghìn thôi. Cô bán cho chúng cháu nhé.
       B.B.Q (giọng đã hơi sẵng): ít tiền thì đừng sờ vào quít ngon. Lại còn đành hanh quít Tàu, quít ta. (Lấy lại vẻ xởi lởi) ừ thôi. Chỉ có tám nghìn thì lấy thứ bên này. Cũng ngon như vậy, chỉ bé hơn tí chút thôi. Thế là rẻ của chị mất đứt năm trăm rồi đấy. Thứ này, chị cũng bán tám nghìn rưỡi kia. Đây! Chị cân rõ tươi đấy nhá.
       (Thoa trả tiền. Một bàn tay thò vào đống quít nhón một quả lúc không ai để ý. Cả bọn kéo nhau đi. Đi một quãng khuất người bán quít, Hường chìa cho Thoa một quả quít to).
       Hường
: Đây một quả nữa này. Cậu cho vào túi luôn đi.
       Thoa (ngạc nhiên): Bạn lấy ở đâu ra thế?
       Hường: ở chỗ mua quít vừa rồi ấy. Lúc bà ta mải đếm tiền, mình lấy thêm một quả. Quả này to ngon mới đáng đem đến thăm cô giáo.
       Thoa: Sao bạn lại làm vậy? Như thế là ăn cắp.
       Hường: Ai bảo bà ta cứa cổ người mua. Bọn ta mua để thăm cô giáo mà chỉ bán cho loại hạng hai.
       Thoa: Chúng mình đã mua thì phải chịu. Mua chứ không ăn cắp.
       Hường (bặm môi, ấm ức): Ăn cắp, cậu nói cứ như gì ấy! Mình có lấy cho mình đâu.
       Cả bọn (lao nhao): Thế là lấy cắp rồi.
       Thoa: Hường! Bạn cầm lấy quay lại trả cho bà ta đi!
       Yến (lè lưỡi): Chu cha! Bà ta làm toáng lên cả phố thì có mà chui xuống đất. Rồi đến tai nhà trường thì chỉ có đeo mo. Đã trót rồi thì cứ để biếu cô giáo vậy.
       Thoa: Không! Không biếu cô của ăn cắp. Hường! Bạn cầm lấy!
       Hường: Tôi không ăn cắp. Tuỳ các bạn muốn làm gì nó thì làm. Đưa tôi, tôi sẽ quẳng đi.
       Long: Quẳng đi thì cũng đã lấy rồi. Thôi! Chúng mình cứ chén quách đi là xong.
       (Chưa ai kịp nói gì thì Long đã cầm lấy quả quít từ tay Thoa bóc ra).
       Long (nhẩm đếm múi quít):
Một, hai, ba, bốn,... A ha! Vừa vặn mỗi đứa hai múi. Hường! Đứng gần vào đây! Yến này! Thoa này! Hường ngoảnh lại đây! Tớ này. Kìa Hường! Nhiều nước mà ngọt ghê. Hường này! Bạn ấy dỗi. Thôi, Yến ăn đi này!
       Yến: Mình chẳng ăn nữa. Để Thoa ăn.
       Thoa: Không! Mình đang rát lưỡi.
       Long: Các "vị" cứ đùn nhau thì đây chén vậy. (Nhai nhồm nhoàm cố tình ầm ĩ) Uồm, uồm,... ngon quá. Tớ có thể chén một lúc năm quả.
       Hường (thủng thẳng): Các bạn còn bảo tôi ăn cắp nữa thôi!
      (Ba người đứng khựng, tròn mắt, ngớ ra. Long há mồm để lộ múi quít nhai dở chưa kịp nuốt. Bỗng Thoa đưa tay nắn cổ)
       Thoa (giọng vừa bực tức, vừa đau khổ): ọ, ọ,..., ọ... oẹ. Giá mà tôi nôn ra được!
       Yến: Thế là mất vui. Có đi thăm cô giáo nữa hay thôi?
       Long: Sao lại không? Chuyện đã nhỡ rồi, cho qua. Đi thôi!
       Yến: Cái Hường lỡm chúng mình, đừng cho nó đi thăm cô giáo nữa.
       Hường (lầm bầm): Các cậu không có quyền.
       (Thoa móc túi lấy ra tờ giấy bạc 2000 đồng chìa cho Hường, Hường gạt tay, tờ giấy bạc rơi xuống đất. Thoa quay người rất nhanh bỏ đi trước. Yến và Long đi theo. Hường đứng tần ngần...).

 

Cảnh hai
       Người qua đường đứng xa chứng kiến từ đầu, đi lại gần Hường.
       Người qua đường
: Này cháu! Can chi mà ứa nước mắt. (Chìa ra một quả quít) Cháu ăn đi sẽ dịu ngay thôi.
       Hường (lắc đầu): Cảm ơn bác.
       N.Q.Đ.: Sao cháu không ăn?
       Hường: Cháu không biết bác là ai.
       N.Q.Đ.: Cần gì phải biết ta là ai. Điều quan trọng là quả quít này tươi nguyên, to mọng, vàng hươm, ăn vào có thể nguôi phiền não.
       Hường: Không, cháu không ăn.
       Bà bán quít chạy vào, lượn quanh sân khấu.
       B.B.Q.:
Nghe nói có đứa trộm quít của tôi.
       N.Q.Đ. (chìa quả quít ra): Có phải của bà đây không?
       B.B.Q. (định chộp lấy): úi giời! Chẳng của tôi thì của ai. Ơn Chúa.
       N.Q.Đ.: Bà xem lại đi!
       B.B.Q.: Hì! Hì! Ông anh vừa đưa ra là em đã nhận ra ngay. Chỉ mỗi nhà em mới có bán thứ quít đẹp như thế chứ. Hì, hì,...
       N.Q.Đ.: Bà nhận chằng rồi.
       B.B.Q.: Ông anh cứ đùa!
       N.Q.Đ.: Tôi có đến nơi bà bán hàng đâu.
       B.B.Q.: Thôi, đúng rồi! Ban nãy con bé này mua quít của tôi cùng ba đứa nữa. Thì ra cha con ông gớm thật! Ông cứ dứ dứ, dở thật, dở đùa. Tưởng cứ ỡm ờ như thế thì qua được mắt con này phỏng!
       Hường (kêu lên): Không phải đâu. Quả quít của bà chúng nó ăn rồi.
       B.B.Q.: Hả? Vậy ra đúng là... Đấy nhá! Con bé đã xưng rồi nhá. Đi đến đồn công an với tôi, không thì tôi la làng cho người ta xúm đến bắt.
       N.Q.Đ.: Được thôi! Để mọi người biết bà đã lừa phỉnh để bán đắt cho bọn con nít như thế nào. Một quả chả đủ bù chỗ bà cứa cổ đâu!
       B.B.Q.: Chúng nó đã "nít" ra khối đấy. Thuận mua, vừa bán. A! Có anh chức trách kia rồi. Chú lại đây! Lại đây! Lại đây giải quyết giúp. Chị chẳng dám quên công chú.
       Ông chức trách (thủng thẳng đi đến): Tôi biết hết. Lấy không thì đúng là xâm phạm tài sản công dân rồi.
       N.Q.Đ.: Hiềm cái khoản tang chứng...
       Ô.C.T.: Thêm cái tội phi tang cố ý, càng nặng.
       N.Q.Đ.: À phải. Có khi còn tội hối lộ nữa.
       Ô.C.T.: (hơi bị bất ngờ): Hối lộ ư? Ờ, hay đấy!
       N.Q.Đ.: Mà hối lộ "siêu" nữa kia.
       Ô.C.T.: (gật gù): Hay đấy!
       N.Q.Đ.: Cô bé này để cho đối tượng nuốt trôi xong mới..., và thế là có chuyện "há miệng mắc quai". Ông có bị nhiều lần như vậy không?
       Ô.C.T. (một chút bối rối): Tôi ấy à? Tôi... (lấy lại tư thái, nghiêm giọng) Hừm! Ông nói vậy là có ý gì?
       N.Q.Đ.: Người lớn chúng ta, nói giả dụ, ai phải đi đút lót cho ai đó mà chẳng mong họ nhận đã đành, còn mong họ "mắc quai" nữa, một cách ăn chắc và dự phòng. Điều này đâu có dễ, phải không? Dân "ăn đút" bây giờ thạo "chùi mép" lắm lắm. Đằng này lại là một cô bé con. Mà...
       Ô.C.T.: Ừ ! Làm cho người ta mắc quai được thì đúng là hối lộ cao thủ rồi!
       N.Q.Đ.: Thế thì phải ghép ba nhỏ kia vào tội nhận hối lộ.
       B.B.Q. (nói chen vào): Còn cô giáo dạy dỗ con em nhân dân làm sao mà để chúng đi đánh thó, cũng có tội chứ.
       N.Q.Đ.: Ờ nhỉ. Còn cha mẹ chúng?  
       Ô.C.T.: Lấy để thăm cô giáo, đấy mới là vấn đề. Trách nhiệm cô giáo không dễ cho qua.

       N.Q.Đ.: Phải! Phải! Còn hiệu trưởng nữa, còn cấp trên nữa. Rồi cấp trên của cấp trên nữa,...
       Ô.C.T.: Hãy cứ tạm dừng lại ở cấp trường đã. Nâng cấp vụ việc, phải thỉnh thị, và chờ.
       N.Q.Đ. (nhắc): Còn cha mẹ chúng?
       Ô.C.T.: Tất nhiên cũng không bỏ qua. Sẽ xét sau; cũng còn phải xem là những ai đã. Trước mắt, phải giữ con bé kia lại . (Đến túm Hường).
       Thoa, Long, Yến cùng chạy vội vào.
       Cả ba
(đồng thanh): Không! Không! Xin chú đừng bắt bạn Hường.
       Ô.C.T.: Chính mấy đứa bay kết tội nó là ăn cắp đấy chứ. Chúng ta biết hết, chẳng có gì che tai, mắt nhà chức trách được đâu.
       Thoa (ấp úng): Chúng cháu...
       Long: Chúng cháu không tán thành việc làm của bạn ấy mà nói vậy thôi.
       Yến: Chúng cháu xin đền tiền vậy.
       Ô.C.T.: Tiền à? Ờ, chuyện tiền xét sau. Bây giờ phải "dẫn độ" về nơi Trạm giải quyết đã.
       Thoa: Nếu vậy, chúng cháu xin chịu chung tội với bạn ấy.
       Ô.C.T.: Ta đã định chưa truy cứu tội của bọn bay vội. Đã vậy thì bắt cả.
       N.Q.Đ.: Làm dữ quá ta!
       Ô.C.T.: Ông chẳng đã luận tội rất đanh thép đó sao?
       N.Q.Đ.: Chà! Phản đề lại ra công tố. Tôi nói lại được không?
       Ô.C.T.: Ông định dỡn với nhà chức trách chắc?
       N.Q.Đ.: Chẳng dễ tìm những cháu biết nghĩ như mấy cháu này đâu! Ông thử tìm trong đám con cháu của ông coi, may ra có đấy. Những câu "Quả ngon mới đáng đem thăm cô giáo" và "không biếu cô giáo của ăn cắp", tôi nay bạc tóc rồi ngẫm kĩ mình chưa chắc dám nói ra, nhất là câu sau. Còn ông, ông biếu các thầy, cô giáo của con, cháu ông những thứ gì?
       Ô.C.T.: Chuyện đạo lí để sau. Nào, bọn nhóc! Đi về Trạm!
       N.Q.Đ.: Thủ tục đơn giản nhỉ!
       Ô.C.T.: Để khỏi bị dân kêu là phiền hà. (Thấy Người-qua-đường đang định theo đi, nói tiếp) Cũng để khỏi phiền hà đến ông, mời ông cứ tiếp tục là người qua đường.
       N.Q.Đ.: À há! Cái đó thì do tôi tự quyết định, khỏi "phiền hà" ông bao biện cho tôi.
       Ông-chức-trách đẩy bọn trẻ đi, bà bán quít đi theo. Người qua đường đứng cau mày nghĩ ngợi.
       N.Q.Đ. (gọi B.B.Q.): Này bà! Quay lại đây một tí đã (B.B.Q. quay lại, đến gần) Bà thích, tôi cho bà quả quít này.
       B.B.Q.: Ông không sợ bị dùng làm tang vật à?
       N.Q.Đ.: Không! Bà cầm lấy. Tuỳ ý sử dụng. À, mà chớ cho bọn trẻ nhà bà ăn, cũng chớ bán cho đứa trẻ nào khác. (Dúi vào tay bà ta).
       B.B.Q. (rụt tay lại): Ôi! Tôi không thể...
       N.Q.Đ.: Bà có thể đấy! (Hất hàm về hướng mấy người vừa đi) Kia kìa!
       B.B.Q.: Tôi cũng chỉ muốn dằn mặt bọn trẻ cho chúng khỏi nhờn. Biết làm sao bây giờ?
       N.Q.Đ.: Tự bà biết phải làm sao chứ!
       B.B.Q. (vụt chạy đi theo hướng vừa nói, kêu to): Này ông gì ơi! Đừng! (ra khỏi).
       N.Q.Đ. (nhìn theo, nhìn quanh, nhìn trời): Chà, oi quá! Có tiếng sấm. Lạy trời xuống mưa mau lên!


Hải Phòng, (sửa lần cuối) 20/8/2002

Khải Nguyên

<bài viết được chỉnh sửa lúc 29.04.2009 22:18:14 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9