TRỌNG ÁN "QUÌ HOA BẢO ĐIỂN"
Quãng Nhẫn 04.05.2009 19:18:43 (permalink)
Hồi thứ nhất:
     
Bến Da Vàng thằng nhỏ bán báo theo gót lão ăn mày nhập mộng

Ngưu Gia Thôn hào kiệt tứ xứ hội về  lâm  phụng bảo tranh  công


     
1.

     
Con đường Lê Lợi  ở Huế chạy dài từ Đập Đá-Vỹ Dạ lên tận ga là một trong những đại lộ lớn nhất của  Cố Đô Huế. Chạy dọc  song song với nó là một công viên rất ngoạn mục nằm bên bờ  nam  Sông Hương,. Từ khách sạn Hương Giang đến mố chân cầu Tràng Tiền là một bãi cỏ xanh mướt quanh năm. Sát bên bờ nước thỉnh thoảng có vài cây đoác (một loại cọ cổ thụ) nghiêng bóng xuống dòng  Hương rất trữ tình, đây là đoạn công viên trước  cổng trường Đại Học Sư Phạm (Trường Trung Học Kiểu Mẫu cũ), cho nên bãi cỏ này lại càng được đậm màu sắc  mơ mộng hơn, khi mỗi chiều xuống từng đôi nam nữ  sinh viên dạo gót quanh đó.
 
Bắt đầu từ bên kia chân cầu Tràng Tiền là một kè đá chạy dọc theo bờ sông lên tận gần trên cầu Bạch Hổ. Khoảng giữa kè đá và đường Lê Lợi là một công viên trồng rợp tràm hoa vàng, phượng vĩ và cây long não. Mỗi khi hè về  hoa tràm màu vàng, hoa phượng màu đỏ, với tán lá sum sê của long não đan quyện vào nhau như một bức tranh rất ngoạn mục, cùng với tiếng ve râm ran, là tiếng học trò xôn xao của hai trường Quốc Học và Đồng Khánh, tạo nên một khung cảnh không lãng mạn  gợi cảm, không ăn tiền. Cái bến nước sau kè đá sát chân cầu Tràng Tiền đó dân  Cố Đô gọi là  Bến Da Vàng. Ngày xưa ở đó có cái quán cà phê chuyên  mở nhạc Trịnh, sau này quán đóng cửa nhường lại khuôn viên trữ tình  cho đài truyền hình.

 
Một  buổi chiều như mọi buổi chiều khác, cũng oi ả tiếng ve, cũng thâm bầm màu phượng chín, và bãng lãng tiếng chuông rơi  của Huế.  Cu  Tèo ghé lại  Bến Da Vàng,  trần truồng nhảy tòm xuống sông xả nóng sau một tua  bán báo dạo dọc đường Lê Lợi.

Như mọi khi tắm xong,  cu Tèo leo lên kè đá oánh một giấc đã đời, sau đó tạt vô gốc long não,  lấy que vạch một bàn cờ tướng, lượm sỏi màu thay quân cờ tự chơi với mình mấy bàn. Khi tự hưởng thụ mấy bàn cờ kỳ phùng địch thủ với chính mình xong  cu Tèo mới túc tắc đến mấy chỗ quen  bán nốt số báo còn lại, sau đó mới về qua  Thương Bạc nộp tiền cho Đại ca Khánh Nổ, một đầu nậu Giang Hồ cai quản tụi  đánh giày bán báo lừng danh ở  đường Trần Hưng Đạo.

   

Cu  Tèo  vừa vạch xong bàn cờ, đang sắp xếp các viên sỏi theo vị trí của tướng sĩ tượng xe pháo mã tốt, thì tự dưng đâu có một lão ăn mày mò đến. Nhận ra là ăn mày vì cái  túi tượng trên vai và cái tô  men mẻ cầm nơi tay, chứ ông này chẳng có dáng dấp bần hàn gì cả.  Cu Tèo hơi dờn dợn, ớn cái hạng người nửa mỡ nửa nạc này lắm. Nhưng vì đạo lý giang hồ, đánh giày bán báo, bán vé số hay ăn mày ăn xin cũng  đều cùng một duộc dưới đáy cả, nên khi gặp nhau  dù xa lạ,  bao giờ cũng chào và hỏi thăm tình hình là làm ăn thế nào, đói hay no, có mùi xít gì không.
  
Cu  Tèo thấy lão ăn mày ngó chăm chăm vào bàn cờ cất tiếng hỏi:

- Ngày ni mần ăn khấm khớ không Bá, trời nắng quá hè. Bá ở mô đến đây mần ăn mà ngó lạ hoắc rứa!

Lão ăn mày không trả lời  thẳng vào câu hỏi cu Tèo, mà hỏi ngược lại
- Mi đánh cờ một chắc à (một mình)
- Dạ! - cu Tèo lễ phép trả lời- thi thoảng cũng có mấy đứa trong Nội ra chơi, dưng bọn nớ chơi như ẻ, không phải là đối thủ của tui, nên tui hay bày ra đánh một chắc rứa đó.
- Dưng mà cờ làm bằng sỏi như ri, thấy con mô cũng y con mô, mần răng phân biệt được mà đánh
- Ha ha..- Cu Tèo cười khoái chí- rứa mới kêu là cao thủ, đánh tới mô nhớ tới đó, cần phải chi ghi tướng sĩ tượng pháo mã ..
- Mi đi tới mô, nhớ nước, nhớ quân cờ tới đó à, thiệt không?- lão ăn mày hỏi
- Chứ răng, tui ngày mô mà nỏ bày cờ ra đây đánh, ai mà nỏ chộ.
- Mi có dám đánh với tau vài bàn không?- Lão ăn mày hình như không tin nói
- Chơi thì chơi chớ sợ à, Bá cầm quân đen hay quân trắng.
- Hì hì..mi sắp cờ kiểu ni thì biết mô là quân đen mô là  quân trắng. Thôi chừ mi chạy lên trên đường mua cái chi xuống đây ăn, để Bá pha ấm trà, ngồi ngó cho nhớ quân cờ  cái đã- Vừa nói lão vừa rút ra một tờ tiền rất to, to đến nổi cu Tèo chưa bao giờ cầm được một tờ tiền có chỉ số to như rứa, đưa tiền cho cu Tèo, ông thong thả nói- Mi coi mua nhiều nhiều thứ nghe , để bá cháu mình ăn chung mới có sức đấu cờ hỉ.

Cu Tèo cầm tiền  vừa chạy lên đường vừa nghĩ: "không biết cái ông ăn mày ni tiền mô mà dữ quá hè,  ăn mày cứt chi mà coi tiền như rác rứa tê". Nghĩ vậy nhưng hắn vẫn chạy  mua lẹ mấy thứ đồ ăn, rồi tất tưởi quay trở lại. Hắn thấy ông ăn mày trải cái  mền ra dưới cội long não, trên đó có một bình thủy, một bộ ấm chén pha trà. Hắn thấy lão ăn mày  tay đang mân mê ly trà, mắt nhìn chằm chằm vào bàn cờ, hắn trố mắt lên hỏi:
- Trời ơi! Bá đi ăn xin chi mà sang rứa hè, tiền thì cả đống, lại còn chơi sang uống trà mạn trong bình cổ nữa chứ.
- Ngồi xuống mần mấy ván đi, rồi nói chuyện sau- lão ăn mày nói

Cu Tèo ngồi xuống và bắt đầu ra quân trước, đó là cái lệ của người đánh cờ dân dã, cứ nhỏ tuổi hơn thì được đi trước, không kể nước cờ cao thấp, hắn nhặt một viên sỏi lên và nói:
- Con chơi cờ thủ, ghểnh tượng lập thế pháo gánh.
- Mi nhỏ tuổi mà ra quân có vẻ chừng mực, thủ trước công sau, lượng sức mình rồi mới  đãi người rứa là hiếm đó, Bá thì không vô pháo đầu như thường lệ mà giục tốt cánh
- Hè hè..Bá định chơi cú thí mã, lập trận song long tốt, phá trận pháo gánh của con chứ gì, con đưa xe  lên trấn trên hà, mần răng mà Bá phá trận ni nổi
- Răng mi biết trước là Bá dụng trận ni, mi giỏi thiệt
- Hè hè...trận ni chú Tám xe thồ chơi hoài, lần mô cũng bị con túm, trận ni bọn con kêu là "lưỡng trận đầu xà phá thành Tương Dương"- cu Tèo hớn hở trả lời
- Răng mi kêu cái tên trận chi lạ rứa, trong kỳ phổ mần chi có trận nớ
- Hè hè...tại bởi bọn con có biết kỳ phổ kỳ phiếc chi mô, thích nghe chuyện chưởng Kim Dung rồi cứ phăng bậy ra rứa cho vui
- Mi cũng thích đọc chuyện Kim Dung à?
- Chứ răng, không những thích mà nghiền nữa chớ..chiếu tướng rồi đó Bá, hè hè...bàn ni Bá phải thí cả xe pháo, bên con chỉ hao một mã một tốt. Chơi lại nghe Bá, thế cờ của Bá là thế cờ thua, Bá có ngó ra chưa?...

Hai Bá cháu cứ thủ thỉ thù thì, đánh hết ván này đến ván khác, ván được, ván thua, nhưng không khí  không  căng thẳng mấy, dù là vẫn có những thế cờ  hiểm hóc đến nghẹt thở. Vừa sắp một bàn cờ mới cu  Tèo vừa hỏi:
- Bá không phải là dân ăn xin có phải không?
- Răng mi biết?
- Nhìn cái phong độ ung dung không suy chuyển sắc mặt khi đi cờ, nhìn cách uống trà, nhìn cái mặt hồng hào của Bá, trong khi Bá  có nhiều tiền, lại coi tiền như rác rứa thì ai nói Bá là ăn mày!
- Ừ, Bá thật ra không phải làm nghề ăn xin, nhưng hôm ni đúng Bá là thằng ăn mày thứ thiệt đó
- Rứa là răng con không hiểu?
- Mi có biết huyện Hương Điền không?
- Trời răng mà không biết, ngoài Hương Trà chứ gì, thi thoảng con cũng theo thằng Bi lơ xe, nhảy xe đò ra đó chơi mà, răng mà Bá hỏi rứa hè?
- Ngoài Hương Điền ngày xưa có mấy cái làng nghề, có làng thì chuyên làm nghề thợ rèn, có làng thì chuyên đan rổ, có làng thì cả làng đều làm nghề cắt tóc, và có cái làng kêu là làng ăn mày.
- Rứa người làng nớ cả làng đều đi ăn mày hả Bá?
- Không! rứa thì không phải, cái làng này do một ông tổ lập ra, mà ông tổ ni xuất thân từ ăn mày, sau tới đây lập nghiệp làm nghề nông. Con cháu truyền đời đều làm nghề nông, nhưng vì ông tổ thành hoàng của làng là ăn mày nên mới kêu là làng ăn mày. Làng làm ăn phát đạt, con cháu ăn ra làm nên, nhưng tục lệ của làng là trai đinh trong làng hàng năm phải có một ngày đi ăn mày, dù là người có danh tiếng, giàu sang cự phú cũng bắt buộc như vậy
- Rứa là hôm nay Bá phải làm "nghĩa vụ quân sự" của làng hả, có đúng là Bá nói Bá chính là người làng này không đó.
- Thì đúng rứa đó!
- Nhưng nghề thiệt của Bá là mần nghề chi
- Bá làm Thầy giáo
- Thầy giáo làng hả Bá?
- Không! Là giáo viên đại học
- Trời! té ra Bá là Giáo Sư, hè hè..Giáo Sư đi ăn mày..- cu Tèo ôm bụng cười ngặt nghẽo- rứa mà con cháu của Bá cũng cho Bá đi ăn xin à, rứa lỡ như Bá gặp sinh viên của bá thì Bá mần răng..hè hè...lạy ông đi qua lạy bà đi lại bố thí cho con cuốn sách, tập vở à...he hè..he hè..cu Tèo vừa nói trêu lão ăn mày vừa rung rung cười vì chuyện ngộ nghĩnh.
- Một năm chỉ cần một lần, nên Bá chọn lúc sinh viên nghỉ hè về quê hết, và lén con cháu đi, chứ đâu có dám cho tụi nó biết. Tụi nó rầy chết... chiếu tướng, bắt xe,..bàn ni mi thua rồi.
- Tại Bá kể chuyện làng ăn mày, nên con cười không để ý, đi nhầm cái nước mã quì, chứ răng mà Bá thắng trận ni được, trận ni con đã bày thế Độc Xà Xuất Động, Giáo Chủ Quang Lâm rồi đó chứ, Bá đừng hòng mà vô lọt trận, tiếc rằng con mắc cười quá, động cái con mã quì lạc một nước nên thất thế.
- Lại có cái tên thế cờ gì mà lạ hoắc rứa?
- Hè hè..toàn là tên đặt theo chuyện chưởng đó mà Bá
- Mi học đánh cờ theo chuyện chưởng hả Tèo
- Dạ! con cứ tưởng tượng theo các thế võ của Kim Dung rồi ép vào nước cờ, nhiều khi cũng tự nhiên thành nhiều nước hay lắm Bá ơi!
- Sống như mi rứa sướng thiệt đó chớ!
- Răng mà nói sống như rứa thì sướng hả Bá
- Thì cứ sống trong một thế giới chỉ có đạo nghĩa giang hồ, trong cái thế giới có cái qui luật bất di bất dịch là Tà không thể thắng Chánh rứa là sướng rồi, chứ ngoài đời không có chuyện nớ mô. Đời nay tà chánh mù mờ, đạo nghĩa đảo điên, trắng đen lẫn lộn, khổ lắm. Giả sử bây chừ cho mi sống trong chuyện chưởng thì mi thích sống chỗ mô nhất.
- Dạ, con thích Ngưu Gia Thôn!
- Răng mi không thích núi Tung Sơn, Núi Võ Đang, hay Côn Lôn, Hoa Sơn, hay chí ít cũng Động Đình Hồ, hay là Ngũ Đài Sơn mà lại thích Ngưu Gia Thôn.
- Vì làng con ở ngoài Quảng Trị, hồi xưa là chỗ giáp ranh biên giới như Ngưu Gia Thôn , lúc ba mẹ con chết, con lưu lạc vô đây, nhưng lúc mô cũng thấy hình ảnh cái làng nớ hiện về mờ mờ trong tâm trí, nên con thích Ngưu Gia Thôn là vì rứa.
- Chừ mi có muốn tới Ngưu Gia Thôn không- lão ăn mày vừa hỏi nhìn thẳng vào mắt cu Tèo. Cu Tèo thấy ánh mắt của lão ăn mày nhìn xoáy vào mình như dòng điện, hắn như thấy mắt mình trĩu xuống, mệt mỏi không mở ra được, rồi hắn từ từ nằm xoài xuống trên tấm mền của lão ăn mày, bên tai hắn vẫn còn nghe giọng nói mơ hồ của lão ăn mày ...Ngưu Gia..Thôn....Ngưu...Gia ...Thôn...

Cu Tèo thấy lão ăn mày cầm tay mình phi thân lên ngọn long não, chân đạp lên tiếng ve, tay níu vào tiếng chuông và bay vùn vụt  tới một vùng rất xa xăm, bay mãi, bay mãi như thế không biết bao lâu. Cuối cùng dừng lại trên một  cánh rừng bao la bát ngát. Lão ăn mày chỉ cho cu Tèo thấy một xóm làng thấp thoáng sau bìa rừng và nói với nó đó là Ngưu Gia Thôn. Cu Tèo buông tay lão ăn mày, lao nhanh về hướng đó. Lão ăn mày chạy theo sau gọi với tới
-Tèo..Tèo.. chờ Bá với, đừng vội đến đó, giang hồ hiểm ác lắm Tèo ơi...
    
2.
 
Cu  Tèo nghe tiếng lão ăn mày gọi vẫn không chịu dừng lại, hắn quá háo hức muốn tận mắt chứng kiến cái làng Ngưu Gia Thôn mà hắn đã bao lần chìm đắm trong đó khi đọc chuyện chưởng  ra sao, có giống với cái làng trong trí tưởng tượng của hắn hay không. Lão ăn mày thấy cu Tèo vẫn cắm đầu cắm cổ chạy, sợ thằng nhỏ gặp nguy hiểm liền gia tăng công lực lướt nhẹ tới phía trước, chặn đầu kéo tay nó đứng lại. Cu Tèo bị lão ăn mày kéo tay dừng lại, vẫn bình thường không có một tý gì mệt mỏi, không hổn hà hổn hển thở khi phải chạy một quãng đường xa. Mọi khi nếu có vụ việc gì đó bị công an đuổi rượt, hắn chỉ chạy có một khúc mà đã thấy bở cả hơi tai, sao bây giờ thấy người nhẹ bẫng và thư thái rất lạ. Hắn ngạc nhiên quay sang hỏi lão ăn mày:


- Bá ơi! Sao con chạy hoài mà không thấy mệt gì cả, hay là Bá đã truyền công lực cho con rồi, mà đâu có đúng, mỗi khi truyền công lực là phải đả thông hai mạch Nhâm- Đốc, hoặc ít ra cũng phải ngồi xếp bằng, mắt nhắm nghiền, bốn chưởng úp vào nhau, trên đầu xì khói như mấy ông Toàn Chân Thất Tử ấy chứ, hoặc ít ra cũng phải chỉ ngón tay lì xì xẹt điện ra như Đoàn Nam Đế chọc nhất dương chỉ trị thương Thiết Sa Chưởng cho Hoàng Dung , con đâu có thấy Bá làm vậy?




 - Đó là Mộng Trung Chân Khí, cái loại chân khí nguyên sơ truyền kiếp này ai cũng có cả con ạ. Chỉ là khi nào có duyên mới  tự phát tiết ra. Ai trên đời này mà không có vài lần như vậy, có người lại thường xuyên nữa ấy chứ!
-  À con biết rồi, có phải  là cái loại  nguyên lực phát tiết một lần khi gặp nguy hiểm để cứu mạng như kiểu cái O anh hùng nhỏ thó chi đó  bị bom đánh tức  quá, tự nhiên vùng dậy vác quả đạn 125 kg chuồi vô nòng sung bắn trả quân thù  có phải không Bá?
-  Không, không!..không phải cái  loại nguyên lực O du kích đó mần, loại nguyên lực đó kêu là sức mạnh của ý chí, loại đó ăn nhằm chi con.  Mộng Trung Chân Khí oai chấn hơn nhiều, loại chân khí này còn vác được cả quả núi ấy chứ,  ba cái viên đạn ấy nhằm nhò chi con.
-  Bá chỉ được cái hù con thôi, mần chi mà có loại chân khí đó thiệt hả Bá.
- Thì con cứ thử coi, bi chừ là con đã phát tiết loại chân khí đó rồi đó, con thử vận tay nâng thử cái tảng đá khổng lồ trước mặt coi có được không?
Cu Tèo hồ nghi chạy đến bên tảng đá to vật như một con trâu mộng bên đường, cũng giả vờ xuống tấn hét kiai như trong phim Lý Tiểu Long, bám tay vào viên đá, ý định của nó là dỡn chơi với lão ăn mày thôi, ai dè hắn vừa nâng lên thì viên đá nặng cả ngàn cân đó nhẹ bẫng như một nùi bông gòn. Hắn không tin vào mắt mình nữa, mắt cứ trân trân vừa nhìn tảng đá trên tay, vừa nhìn lão ăn mày hỏi:
 -  Ri là răng Bá hè, là răng Bá hè?
 -  Thì là Mộng Trung Chân Khí chứ răng nữa mà hỏi, thôi bỏ tảng đá đó xuống, lại đây Bá dặn nì!
Cu Tèo bỏ tảng đá xuống, chạy đến bên lão, tỏ vẻ rất hâm mộ lão:
 -  Hè hè,  lạ dữ ha, con chỉ thấy chuyện ni có trong chuyện chưởng, chứ ngoài đời chưa thấy khi mô cả, hay là Bá đã bí mật truyền công phu cho con, như kiểu  Mã Ngọc bí mật truyền nội công tâm pháp của Toàn Chân Giáo cho Quách Tỉnh ấy.
Lão ăn mày không trả lời mà tủm tỉm cười nói với cu Tèo:
- Bây chừ con đã có Mộng Trung Chân Khí thượng thừa rồi, nhưng loại chân khí này không biết vận động theo ý chí thì không làm nên cơm cháo gì đâu, chạy thì hai chân không cất lên nổi, bị người ta rượt thì hai chân víu vô nhau không thoát ra được cuộc đuổi rượt, đánh nhau thì cánh tay không cất lên được mà đỡ, rồi sinh ra hoảng loạn ú ớ không ngừng. Bây chừ Bá chỉ cho con một cách để vận động loại chân khí ni cho linh hoạt hỉ.
-  Chỉ ngay cho con đi Bá- cu Tèo hào hứng nói
-  Khi gặp chuyện gì nguy hiểm, con cứ đặt ngón tay cái vô trong lòng bàn tay, rồi dùng bốn ngón còn lại nắm bóp thật chặt ngón cái lại, là tự động chân khí được phát tiết theo ý của con thôi, muốn phi thân đi đâu cũng được, muốn làm chi cũng được.
-  Đơn giản vậy thôi hả Bá- cu Tèo thất vọng
-  Thì bi chờ con cứ làm thử đi thì biết, con nắm tay như Bá nói rồi phi thân lên đọt cây thông phía trước xem
Cu Tèo không tin tưởng lắm, nhưng cũng làm theo lời lão ăn mày, nắm chặt ngón tay cái lại hít một hơi rồi cất chân nhảy lên. Nó không ngờ người nó như có cánh, vút bay lên ngọn thông rồi từ từ theo ý của hắn sà sà lướt tới cạnh lão ăn mày,  mặt hớn hở nói:
-   Hay thật, thiêng thật, cái chiêu nội công ni gọi là chiêu chi  hả Bá!
-  Là Trấn Kinh Tâm Pháp của Phật Gia
-   Phật  Gia nhưng là phái mô trong Kim Dung rứa Bá, Thiếu Lâm hay Tây Vực
- Nỏ có của phái mô cả, phàm tất hết những người học võ ai ai cũng đều phải biết đến phép trấn kinh định thần cả. Cái chiêu mà Bá truyền cho con là tuyệt chiêu Vô Ảnh Thuyết Mộng của Tam Tổ Yên Tử đã thất truyền từ lâu, mần răng Ông Kim Dung biết được mà viết thành chuyện được.*


  
Cu Tèo nghe lão ăn mày nói vậy, hắn nghĩ chắc có lẽ hắn đã được gặp dị nhân truyền cho võ công thượng thừa để ngạo thị quần hùng, tranh bá võ lâm nên sụp xuống chân lão ông mày nói:

- Cho con lạy sư phụ một lạy ạ.

Lão  ăn mày cười khì :

-  Mi mần chi rứa, đây có phải là truyện chưởng của Kim Dung mô mà răng mi nhập vai rứa hè.
-   Hè hè...con cứ quên, cứ tưởng như trong truyện chưởng thiệt đó chớ.
 -  Nì, chừ nghe Bá dặn hỉ. Sắp tới Bá và con chuẩn bị bước vô Ngưu Gia Thôn, có nghĩa là đã dấn thân vô giang hồ. Cái thứ giang hồ này rất dị thường. Đối với Bá và con thì họ là cảnh giới hư. Nhưng đối với họ, Bá và con cũng là cảnh giới hư của họ. Chúng ta và họ khác nhau về cảnh giới trú ngụ. Nhưng cũng có chung một thân phận là đã từng hiện hữu. Có thể họ chỉ hiện hữu trên trang sách, hiện hữu trong  ý niệm, chúng ta hiện hữu trong đời thường. Nhưng dù sao cũng đã từng hiện hữu. Đã có pháp hiện hữu thì tất phải có pháp tướng. Họ là hư của ta, ta là hư của họ, nhưng cả hai phía đều chịu sự chi phối của pháp hiện hữu. Vì vậy khi đến Ngưu Gia Thôn tất cả chúng ta đều ở chung trong cái cảnh giới thực của pháp tướng. Có nghĩa là ta và họ đều bình đẳng, đều có chung một cảnh giới trú ngụ trong pháp tướng hiển diện, vì vậy đó là thực tướng trong hư giới. Mà đã là thực tướng trong hư  giới thì cũng là thực, cũng như hư tướng trong thực giới cũng là hư. Bá nói thế con có hiểu gì không?
- Không ? - cu tèo trả lời tỉnh rụi
- Ví dụ như lúc con tư duy, con suy nghĩ, con tưởng tượng..những điều có trong  tư duy, trong tưởng tượng của con, không có trong đời thực, đó là cảnh giới Hư, nhưng việc con đang tư duy, đang suy nghĩ là có thật, con là một con người là có thật, nên đó là Thật. Và ngược lại việc con đang tư duy, tưởng tượng là thực sự đang xảy ra, đó là Thực. Nhưng những điều con tư duy, thực tế không có, hoặc chưa có ở đời thường nên đó là Hư.
- Trời, Trời! có phải là như cái Ông Thầy Thiện Minh trên Chùa Huyền Không hay nói , Có cũng là Không, Không cũng là Có, phải rứa không Bá?
- Đúng rồi! con nói cái ví dụ ni nghe hay quá trời luôn. Nói tóm lại là bây chừ Bá và con đang bước vào một thế giới giang hồ thực của một thời đại ảo.

-   Mà giang hồ thì hiểm ác, người trong giang hồ không thể tự chủ, có phải là Bá muốn nói với con điều đó không?
-   Ừ! thằng ni ngó bộ rứa mà căn cơ trí tuệ dữ ha!
-   Hè hè..căn cơ chi mô Bá, trong mấy cuốn truyện của Kim Dung cuốn nào mà chẳng có vài ba lần nhắc câu đó.
-  Ờ,  con biết rứa thì tốt. Nhưng cái thế giới giang hồ ảo này nó nguy hiểm hơn trăm vạn lần thế giới giang hồ thật con ạ, bởi vì chúng ta vừa phải hiện hữu trong cảnh giới thực của pháp tướng, vừa phải tâm niệm rằng chúng ta đang đối đầu với một cảnh giới ảo. Có nghiã là chúng ta  phải phân thân thành hai mảnh để dụng phép đối đãi với đối tượng giao tiếp, vừa rất hư ảo mà cũng đích thị là rất thực
-  Con biết rồi, là coi "đời như một cơn mê" chứ gì. Chuyện chi chớ chuyện ni con rành lắm, con lên mạng chát hoài nên cái "công phu"  lưu lạc giang hồ kiểu blogs mà Bá nói ni con hiểu. Con cứ vận vô như cái kiểu giao tiếp trên mạng là biết ngay, nó cũng y chang rứa thôi.
-  Ờ! Nó cũng na na rứa đó, hiểu được rứa thì khi bước vô Ngưu Gia Trang, Bá không còn lo cho con nữa
Lão ăn mày và cu Tèo vừa đi vừa trò chuyện, nên bước vào Ngưu Gia Trang lúc nào không hay.

    
Ngưu Gia Trang mấy năm gần đây trở lại rất thanh bình, nó không còn cái cảnh máu chảy đầu rơi của cái thời Dương Thiết Tâm và Quách Thiếu Thiên lánh nạn giặc Kim về đây trú ẩn, rồi hội ngộ với Thường Xuân Tử Khưu Xứ Cơ nữa. Hoặc không còn cái cảnh nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn, chồng vợ tan tác như cái thời của Dương Khang, Quách Tỉnh, Mục Niệm Từ, hay là cái thời đạo nghĩa đảo điên, thù hận chồng chất của Lý Mạc Sầu, Dương Quá. ..Kể từ dạo đó đến nay giang hồ đã quên lãng. Cư dân trong Ngưu Gia Thôn không còn mấy ai biết đến cái làng quê thanh bình hiền hòa mà họ đang trú ở, có một thời là bãi chiến trường tanh hôi mùi máu. Xác chết loạn giang hồ.

   
Mấy ngày gần đây Ngưu Gia Thôn lại tấp nập anh hùng tứ xứ kéo đến. Nghe nói bởi vì Lâm Bảo Chủ của Lâm Phụng Bảo kế gần Ngưu Gia Thôn thông báo với hắc bạch hai lộ anh hùng võ lâm là Lâm Phụng Bảo sẽ lập đài hiển lộ công khai Quì Hoa Bảo Điển. Nếu anh hùng lộ nào thể hiện được công phu thượng thừa  đánh được với một  dị khách đặc biệt của Lâm Phụng Bảo  10 chiêu  thì được quyền thưởng lãm Bảo Điển. Đánh được 30 chiêu thì được sao chép Bảo Điển, còn ai cầm cự  được vị dị khách kia 100 chiêu thì Bảo Điển thuộc về người đó.

3.
  

Lão ăn mày và cu Tèo càng đi sâu vào trong thôn, thì lại càng thấy tấp nập hơn. Hai người thấy có rất nhiều người, cứ từng tốp từng tốp, kẻ thì đeo kiếm, người vác đao, nhiều người đi tay không, có người phe phẩy quạt, kẻ thì lăm lăm phất trần.. họ cứ lầm lỳ, lầm lỳ tiến vào trong thôn. Hầu như họ không nói chuyện, không nhìn thẳng vào nhau chỉ thỉnh thoảng liếc nhìn nhau qua vành nón  hay là mạng che mặt, nhưng dù là liếc qua cái gì thì ánh mắt của ai cũng sắc như dao cạo. Đúng là mắt giang hồ mà.
Cu tèo bây giờ thấy trong dạ không yên, một phần vì háo hức hiếu kỳ, một phần vì rờn rợn cái không khí đặc quánh như kẹo kéo sặc mùi chết chốc này. Hắn đi sát vào lão ăn mày thì thầm hỏi:
- Bá ơi! Hình như ở đây đang xảy ra chuyện chi hay răng à Bá
- Xụyt, từ từ tìm một lữ quán, vô đó rồi tìm hiểu sau- Lão ăn mày quay qua nó nhắc khẽ.
- Có phải lữ quán là tửu điếm không Bá?, mình vô đó ngồi, rồi đập bàn hô "Tiểu nhị cho một cân nữ nhi hồng" hè hè ...cái ni nghe ngó bộ hay à nghe, y chang như Kim Dung hay Cổ Long viết vậy. Lần này thì tụi thằng Quẹt đánh giày, thằng Bi lơ xe, phải trợn tròn mắt ra mà ganh tỵ với con rồi hè hè...

Hai người từ từ vừa đi vừa ngó xung quanh, thỉnh thoảng có một vài người lướt xẹt ngang qua họ cái vèo như xe máy doa nòng chạy đua trên xa lộ vậy, cu Tèo thấy phấn khích lắm. Cuối cùng họ cùng nhau tiến vào một khách điếm.
Trong khách điếm đã có rất đông khác giang hồ rải rác ngồi ở tất cả các bàn, không thấy tiếng xì xồ ồn ào tán chuyện hay tiếng hô "dzô..trăm phần trăm" như ở các quán ăn khác. Thấy ai cũng lặng lẽ, kẻ thì mắt lơ đãng tay vân vê hũ riệu, thỉnh thoảng  đưa lên tợp ừng ực. Người thì cúi gầm mặt vô tô mì húp rồn rột. Có bàn chỉ một người ngồi, có bàn thì hai người, có bàn thì cả một đám. Người thì bỏ kiếm trên bàn, người thì gác đao trên đùi, có người thì một tay cầm kiếm, một tay cầm đũa..
Lão ăn mày nắm tay cu Tèo bóp chặt nói nhỏ:
- Phải thật cẩn thận, không được vọng động, nói năng tầm bậy, mọi chuyện để Bá xử lý, rõ chưa.
- Dạ! yên tâm đi Bá, mấy cái vụ giang hồ ni con quen lắm, con biết những chuyện hệ trọng ni, khi mô cũng để cho người trên xử lý trước, cũng như mấy khi khác, có chuyện xích mích với băng Phú Cam, hay băng An Cựu, khi mô cũng đại ca Khánh Nổ nói chuyện trước, đại ca nói tụi con dục, thì a lê xô tiến lên, đại ca nói tụi con thoái, thì mạnh thằng mô thằng nớ chạy, vậy thôi chứ gì.
- Ừ ừ, cứ rứa mà mần- Lão ăn mày tủm tỉm cười vì cái nghĩa khí giang hồ đơn giản của thằng Tèo.

Lão ăn mày nhìn quanh, thấy một bàn trong góc quán chỉ có một thanh niên dáng dấp thư sinh, nét mặt có vẻ hiền lành, liền dắt cu Tèo tiến vào hướng đó,  chỉ vào mấy cái ghế còn trống hỏi:
 - Thưa huynh đài, chỗ này đã có ai ngồi chưa, nếu chưa thì cho phép chúng tôi ngồi chung được không?
- Tự nhiên, tự nhiên- gã thư sinh nhũn nhặn đáp
- Đa tạ, đa tạ!

Lão ăn mày kéo tay cu  Tèo ngồi xuống. Vừa ngồi xuống, cu Tèo dang tay, vỗ mạnh xuống bàn hô lớn:
- Tiểu nhị cho một cân nữ nhi hồng!

Cả quán đột nhiên ai cũng lặng im, tất cả dướn mắt nhìn về hướng hai Bá cháu. Lão ăn mày không ngờ cu  Tèo lại đột nhiên phách lối vậy, lấy chân di nhẹ vào chân cu Tèo thì thầm "là nói để Bá xử lý mà, sao con nóng nảy thế". Cu  Tèo ngước mắt nhìn lão ăn mày cũng thì thầm "thì con chỉ muốn thử coi có y như trong Kim Dung không thôi".
Gã thư sinh nhíu mày nhìn cu Tèo rồi rồi quay sang hỏi lão ăn mày:
- Thưa lão bá, hắn là cao đồ của ông à
- Không, không! Chúng tôi chỉ là bèo nước gặp nhau, rồi kết bạn chung đường thôi, chúng tôi có việc đi ngang qua đây, chứ không phải người trong giang hồ
- Không phải người trong giang hồ mà tiểu tử này có khí phách ngang tàng lắm
- Thưa huynh đài, trẻ nhỏ chưa biết chuyện, vả lại chúng tôi đi từ xa lại, có thể vì hắn khát quá nên nóng nảy vậy thôi, mong huynh đài lượng thứ

Gã thư sinh gật đầu hỏi lại:
 - Lão Bá từ đâu lại vậy?
- Dạ, chúng tôi từ Hoàng Bì Ngạn đến ( Bến Da Vàng)
- Hoàng Bì à, chưa nghe qua , có phải ở Tây Xuyên không?
- Dạ không, chỉ là một vùng quê hẻo lánh quá miệt Sơn Đông thôi!
- À ra vậy, các vị từ xa đến có phải vì Quì Hoa Bảo Điển Không?
- Không, không, chúng tôi chỉ là thảo dân thấy có chỗ náo nhiệt thì ghé lại coi thôi, chứ có phải vì võ công bí kíp gì đâu?

Vừa nghe lão ăn mày trả lời gã thư sinh xong,  tất cả mọi người trong quán đều đổ dồn mắt về phía bá cháu lão ăn mày. Lão ăn mày biết mình lỡ lời, nhưng không còn kịp nữa.

  
Một hán tử trung niên, thân hình vạm vỡ, ngồi với tốp người ở cái bàn giữa quán đứng dậy chấp tay về phía lão ăn mày hỏi:

- Xin hỏi lão trượng, lão trượng thuộc môn phái nào, tại sao lại biết Quì Hoa Bảo Điển là một bí kíp võ công.

Lão ăn mày chưa kịp trả lời thì cu Tèo đã nhanh nhẩu:
 - Ha ha..Chú ni lạ hè, trên đời ni, ai mà đã từng đọc Kim Dung, thì ai mà nỏ biết Quì Hoa Bảo Điển và Tạch Tà Kiếm Phổ là một, là một môn võ công tà đạo oai chấn võ lâm, đã biết bao nhiêu cao thủ bị táng mạng dưới tay Đông Phương Bất Bại cũng vì Quì Hoa Bảo Điển.

Một vị đạo sĩ, tay cầm phất trần, nãy giờ im lặng ngồi trong góc quán thình lình đứng dậy quát lớn:
- Cuồng đồ loạn ngôn, căn cứ vào đâu mà dám nói Quì Hoa Bảo Điển là võ công bí kíp. Quì Hoa Bảo Điển là là một bí kíp để luyện thuốc trường sinh của Đạo Gia, xưa nay ai cũng biết điều đó, đạo sĩ vừa nói vừa đẩy về phìa cu Tèo một luồng kình lực từ tả chưởng.

Thấy nguy, cu Tèo nghe theo lời dặn của lão ăn mày tay trái nắm chặt ngón tay cái vào lòng bàn tay để thi triển Định Tâm Chân Khí  của Yên Tử Tam Tổ, tay phải phẩy một cái, hóa giải nhẹ nhàng luồng kình lực của vị đạo sĩ vừa hất lại. Cả quán ai cũng kinh  ngạc ồ lên một tiếng trước thủ pháp kỳ lạ của cu  Tèo. Lão ăn mày  ngồi bên cạnh cũng không kịp ngăn lại.
Chuyện xảy ra chỉ trong chớp mắt, ngoài sức tưởng tượng của mọi người.

  
Vừa lúc đó thì Bá cháu lão ăn mày thấy một sức ép nặng nề áp tới, và có hai bóng lam  lao đến đứng trước hai người. Một người  già râu tóc bạc phơ, và một cô bé rất trẻ chỉ trạc tuổi cu Tèo. Lão ăn mày liếc nhìn cu Tèo, thấy cu Tèo tay bắt ấn định kinh, mặt vẫn nhơn nhơn không tỏ ra có gì sợ sệt, ông nghĩ thầm trong bụng "Thằng bé ni quả là có bản lãnh thật sự". Nghĩ vậy nhưng ông vẫn lo, nhắc khẽ cu Tèo.

- Tèo, xảy ra chuyện rồi, tất cả để Bá xử lý, phải thật cẩn thận nghe chưa
- Dạ, bá cứ yên tâm mà. Cu Tèo khoái chí trả lời

Lão già áo lam, đến trước mặt lão ăn mày chắp tay nói:
- Xin cho tại hạ được thọ giáo quí danh
- Tại hạ chỉ là thảo dân, cái tên hèn mọn chắc không thể thỏa mãn được sự hiếu kỳ của đại hiệp- lão ăn mày lễ độ nói- Tại hạ họ Nguyễn Đình, tên Mân từ Hương Điền tới.
- Hương Điền là địa hạt nào của Trung Nguyên.
- Dạ, Hương Điền là một vùng quê hẻo lánh không thuộc vào Trung thổ, nằm ở cực nam bên ngoài của mạn Sơn Đông, chắc quí vị anh hùng ở đây không ai biết tới đâu.
- Quả thật là tại hạ bôn tẩu giang hồ đã lâu, tung hoành tứ xứ, nhưng chưa bao giờ nghe ai nhắc đến cái tên Nguyễn Đình Mân và vùng Hương Điền cả, và kể cái môn phái Hoàng Bì, tại hạ cũng chưa từng nghe qua- Lão già áo lam vừa nói xong, thì cu Tèo cười phá lên:
- he he...các người là võ lâm Trung Nguyên của Kim Dung, làm sao mà biết chúng tôi đến từ Huế được, và Sư phụ ta đây- hắn chỉ lão ăn mày nói- có biệt hiệu là Nhất Nhật Thần Cái (ăn mày một ngày) lừng danh trong giới Giáo Sư. Sinh viên nào nghe danh mà không kính cẩn nghiêng mình. Các ngươi chỉ là mấy thứ tào lao trong Kim Dung thôi, làm sao mà biết đến danh tiếng lẫy lừng của Sư phụ ta, nói chuyện huề vốn không à.

Lão già áo lam nghe cu Tèo nhắc đến Nhất Nhật Thần Cái, thối lui mấy bước, mặt tái xanh tái xám. Cô bé đi theo nghe cu Tèo nói vậy  hậm hực lao đến vung tay đánh vào mặt cu Tèo một tát. Cu Tèo vận Định Thần Chân Khí lách người lướt  tránh, ai ngờ Định Thần Chân Khí có năng lực thượng thừa, không những né tránh cái tát  từ thủ pháp nhanh như điện xẹt của cô bé, mà còn thấy bay vút ra bên cạnh như cánh chim. Mọi người trong quán đều ồ lên
- Hảo thân pháp.

Cu Tèo thoát khỏi cái tát của cô bé áo lam, nhìn kỹ lại thì thấy cô bé có nét mặt quen quen, hắn mường tượng như đã gặp đâu đó rồi thì phải, hắn nhíu mày suy nghĩ,  chợt nhớ ra, đúng rồi, là con Bẹp con bà bán phở  nơi quán 444C  đường Hùng Vương đây mà. Xí!  bày đặt cũng bôn tẩu giang hồ như ai..hè hè..hè..cái con ni mọi khi hiền khô mà, sao hôm nay đanh đá dữ rứa hè, mọi khi gặp ngày xui, quán phở nhà nó bán ế tổ mồ, nó hay gọi thằng  Tèo và mấy đứa bán báo khác vô cho gặm xí quách (xương) còn sót lại trong nồi nước lèo, rồi quấn quít bên tụi thằng Tèo nói "Mấy eng đi giang hồ sướng thật". Cu Tèo cũng hay đe nó "Mi đừng có mơ tưởng tầm bậy, bọn tau không cha không mẹ, không nhà không cửa mới đi giang hồ, đói no thùng bất chi thình, ngủ bờ ngủ bụi, cực  chết cha chết mạ đi, mi cứ đọc ba cái chuyện tầm phào của Duyên Anh rồi ngồi đó mà mơ tưởng". Mọi khi nghe hắn nói rứa con Bẹp cười khì khì ngưỡng mộ nói "Eng Tèo khí khái hỉ". Giờ con Bẹp bày đặt đi theo cái lão áo lam làm giang hồ thiệt, mà răng thay đổi tính nết đành hanh đỏ mỏ dữ rứa. Cu Tèo nghĩ vậy tiến tới nói:
 - Bẹp, mi bỏ nhà đi bụi từ hồi mô rứa, ai giúp mạ mi chụm lửa nồi nước lèo đây hỉ, mà mần răng bữa ni mi hàm hồ dữ rứa hè.

Cô gái áo lam nghe cu Tèo  nói không hiểu gì cả, trố mắt nhìn hắn, thấy cái bản mặt hắn nhơn nhơn, cười cười, nói nói thì hiểu ra hắn ghẹo mình, tức tối la lên.
- Tiểu tử thúi, hôm nay bổn cô nương không cho mi nếm mùi Phiên Phiên Phách Hồn Chưởng thì bổn cô nương không phải là Quách Thiếu Hoa của thành Tương Dương nữa.  vừa nói cô ta vừa lướt tới phóng vào cu Tèo một chưởng

Cu Tèo mặt tỉnh bơ tay bắt ấn định thần, nhẹ nhàng lách người tránh luồng cuồng phong từ chưởng lực của Quách Thiếu Hoa, vừa cười:
- Hè hè... Bẹp thì nói Bẹp đi cho rồi, bày đặt là Quách Thiếu Hoa thành Tương Dương, mi đọc Kim Dung quá nhiều rồi chừ bị tẩu hỏa nhập ma hay răng hả Bẹp, mi định làm con cháu của Quách Tỉnh, Hoàng Dung hay răng mà cải thành họ Quách rứa hả Bẹp. Rứa thì cái quán phở 444C Hùng Vưong từ nay không có ai hương hoả hay răng hả  Bẹp ..hè..hè....

Cô gái áo lam nghe cu Tèo nói vậy tức run lên cầm cập, rùn người xuống, múa tay một vòng trước mặt rồi từ đưa cả hai chưởng đẩy về phía cu Tèo.
Mọi người trong quán thất thanh la lên:
- Lạc Anh Chưởng....



       
(Muốn biết  trận quyết đấu giữa cu Tèo và hậu duệ của họ Quách thành Tương Dương ra sao xin xem hồi sau sẽ rõ)
___

Chú Thích:

* "..Vô Ảnh Thuyết Mộng của Tam Tổ Yên Tử đã thất truyền từ lâu, mần răng Ông Kim Dung biết được mà viết thành chuyện được.*"... lấy  ý từ  Phổ Thuyết Sắc Thân của Trần Thái Tông,  trong phần giải,  Ngài có nói về Mộng Trung Thuyết Mộng (Trong mộng  lại lại thấy mình đang ngủ mơ tiếp) rằng " Tịch nhiên thường tồn, tồn nhi bất tri, thị vi hoạt Phật" (Yên nhiên là còn mãi, còn mãi mà không biết thế là Phật sống ) - Thiền Học Trần Thái Tông- Nguyễn Đăng Thục

____________________________________
Hồi thứ hai:

Trong  lữ quán cu Tèo cãi lộn với quần hùng
Ngoài bìa rừng Bảo chủ lâp đài  dâng Bảo Điển


       
Lại nói khi cô gái áo lam phóng chưởng lực về phía cu Tèo, và mọi người trong quán hoảng hốt la lên: Lạc Anh Chưởng Pháp. Ai cũng nghĩ rằng tính mạng của cu Tèo khó qua khỏi cơn hiểm nguy này. Vì dù là cao thủ trong giang hồ có mấy chục năm công lực, cũng rất ít ai có thể  tránh nổi Lạc Anh Chưởng, đó là môn võ công trấn môn của Đào Hoa Đảo Chủ Hoàng Dược Sư lừng danh hơn  trăm năm về trước, ngay cả các cao thủ thượng thặng trong Võ Lâm Ngũ Bá cũng không dám coi thường đừng nói chi hạng võ lưu nhất nhì trong hắc bạch lưỡng đạo. Thấy nguy cơ trùng trùng xuất hiện, tính mạng cu Tèo bị đe doạ, lão ăn mày nhảy ra đứng chắn trước cu Tèo, hay tay liên hồi bắt Phật Thủ  An Nhiên Ấn Pháp trong bộ Khoá Hư lục của  Nhị Tổ Thái Tông, nhằm hóa giải  kiếp nạn. Miệng quát nhỏ cu Tèo:

 -Tèo,  con không được xúc phạm đến quí cô nương kiệt kiệt đây!

  
Bên kia lão già áo lam  cũng vội nhảy ra, hai tay  đảo  bộ ngũ hành thần công  hút chưởng  lực của cô gái áo lam vào  song chưởng của mình và hóa giải ngay, đồng thời cũng đẩy cô áo lam ra sau lưng mình và quát lên:

 - Thiếu Hoa, cháu không được hỗn láo với nhị vị anh hùng đây. Nói xong quay sang lão ăn mày ra vẻ khiêm nhường  mà rút tay thủ về trước ngực,  cẩn thận đề phòng nói:
 - Mong lão trượng và thiếu hiệp đây nể tình  Hàn mỗ  bỏ qua cho sự cuồng ngạo của điệt nữ. Hàn mỗ là lão nhị trong Trung Nguyên Tứ Kiếm , tục danh là Trừng  Phi, được  đồng đạo giang hồ yêu mến, phong cho cái danh Hàn Phong Kiếm, Hàn mỗ là ngoại tổ (ông ngoại) của con nhỏ  Thiếu Hoa này. Điệt nữ là con của Thiết La kiếm Quách Hoài, hậu duệ đời thứ 5 của Quách Phá Lỗ, con trai độc nhất của   Đại hiệp Quách Tỉnh và Nữ Hiệp Hoàng Dung danh trấn Trung Nguyên năm xưa. - nói xong lão áo lam quay sang cu Tèo nói tiếp- cho phép Hàn mỗ được phép hỏi Thiếu hiệp đây một câu, Điệt nữ của Hàn mỗ lần đầu tiên rời thành Tương Dương theo Hàn mỗ ra giang hồ, vậy thì Thiếu hiệp đã gặp Điệt nữ từ lúc nào mà lại thoá mạ Điệt nữ là con nhà bán phấn buôn hương.
  
Cu Tèo vòng ra phía trước lão ăn mày, rồi cũng chấp tay cung kính, giả giọng điệu kiếp hiệp đọc được trong Kim Dung ra nói:

-  Kính thưa Hàn tiền bối, Tiểu Tèo ta đây cũng có mấy lời muốn thọ giáo Tiền bối. Thứ nhất là Tiểu Tèo ta  nhớ không lầm, thì vợ chồng Quách Đại hiệp danh chấn giang hồ năm xưa có 3 người con, cô con gái cả tên là Quách Phù, đành hanh ỷ thế con nhà gia thế đã hàm hồ ghen ăn tức ở mà  chém  cụt tay Đại hiệp Thần Điêu Dương Quá. Sau đó thì Nữ hiệp Hoàng dung sinh ra một cặp song sinh, nam là Quách Phá Lỗ sau này theo cha trấn thủ thành Tương Dương công danh được ghi truyền trong sử sách, và cô con gái  tên là Song Nhi Quách  Tường, là một nữ kiệt lừng danh thân mang tuyệt học cả trăm nhà, sau đó có cơ may cùng với Trương Quang Bảo phản đồ của Thiếu Lâm học được một ít  nội công tâm pháp của Cửu Dương Thần Công, kết hợp với tinh túy võ học  của nhiều phái lên núi đi tu lìa bỏ tục trần, lập nên phái Nga Mi hiển hách trong thời Đồ Long- Ỷ Thiên Kiếm, cùng với phái Võ Đang do Trương Quang Bảo lập ra,  và các phái Thiếu Lâm, Cái bang, Hoa Sơn, Không Động tạo thành thế lực võ lâm Lục Đại Phái tranh bá với Minh giáo vào thời bắc Tống. Sự thật là như vậy cớ sao Tiền bối tự xưng là người nhà của họ Quách mà lại nói Quách Đại hiệp chỉ có một con trai duy nhất. Thứ hai là tiểu Tèo chỉ nói cô nương đây là con nhà bán phở,  thì Tiền bối lại nghe nhầm phở là phò nên nói ta hàm hồ cho cô nương đây là con nhà bán phấn buôn hương vậy  thì khác chi "ngậm máu phun người". Thứ ba là thú thật thì cô nương đây có khuôn mặt giống y chang con Bẹp con bà bán phở trên đường Hùng Vương, là bạn của tiểu Tèo hồi còn lưu lạc trong giang hồ bán báo đánh giày trên Hoàng Bì Ngạn (Bến Da Vàng). Có thể thiên hạ người giống người nên tiểu Tèo ta đã nhầm, có gì thất thố cũng xin Tiền bối và cô nương đây lượng thứ cho- nói xong hắn háy liếc cô gái áo lam một cái thật dài và lung búng chủi thầm trong miệng: "Đù má !, tý nữa cha mi về, cha mi hỏi bà Gái bán phở cho ra chuyện, coi mi có còn phách lối nữa không?"

Ông lão áo lam nghe cu Tèo trình bày xong cười lên ha hả nói:

-Thiếu hiệp trẻ tuổi mà không những là thân mang tuyệt học võ nghệ  siêu phàm mà con thông hiểu rất rõ chuyện cổ kim  giang hồ, thật là một trang tuấn kiệt của đời nay. Nhưng xin nói cho thiếu hiệp hay, Hàn mỗ nói Quách Phá Lỗ là con trai độc nhất của vợ chồng Quách Tỉnh, chứ có nói là  con độc nhất đâu. Mà thiếu hiệp nói gia đình Quách Đại Hiệp có 3 con người con cũng không chính xác. Vì sau khi thành Tương Dương thất thủ, vợ chồng Đại hiệp bôn tẩu lánh nạn, đúng trong thời kỳ đúc Đồ Long đao và rèn Ỷ Thiên kiếm, thì Nữ hiệp Hoàng Dung lại sinh hạ một người con gái nữa. Người con gái này lớn lên được Đại Hiệp Dương Quá và Hiệp Lữ Tiểu Long Nữ nhận làm con nuôi, sau này nối nghiệp của phái Cổ Mộ. Cô này thích luyện tiên dược, ham học đạo Vô Vi, thích một đời nhàn hạ, không màng chi đến việc rèn luyện võ nghệ, ghét chuyện thị phi giang hồ, hậu duệ của cô này chỉ có một lần độc nhất xuất hiện trong giang hồ mà thôi, đó là lần giải quyết ân oán về việc  Chu Chỉ Nhược của phái Nga Mi dùng Ngũ Âm Bạch Cốt Trảo ngạo thị giang hồ trong vụ xủ lý Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn. Từ vụ đó về sau phái Cổ Mộ cũng tuyệt tích giang hồ luôn, nên ít ai biết được , truyền nhân đời thứ 4 của phái Cổ Mộ, chính là cô con gái út của vợ chồng Quách Đại Hiệp.

Cu Tèo nghe ông già áo lam họ Hàn nói vậy lại đứng ra chắp tay nói:

- Cảm ơn lão Tiền bối đã chỉ giáo tận tình, những điều Tiền bối vừa nói quả thật tiểu Tèo chưa nghe qua, mấy lão họ Kim , họ Cổ , họ Đàm, họ Từ ..không ghi chép trong mấy pho trước tác nên  Tèo ta chưa có đọc. Còn việc lão Tiền bối cho ta là trang tuấn kiệt của đời nay, thì Tèo ta hổng dám nhận đâu. Tiểu Tèo ta chỉ là một thằng bụi đời rong ruổi trong nghề bán báo đánh giày thôi, đến cái gã đầu nậu Khánh Nổ, hét  một cái ta còn mắt xanh mũi vàng nữa, thì nói chi đến chuyện tuấn kiệt của giang hồ.
   
Lão ăn mày n
ãy giờ ngồi yên, hai mắt nhắm hờ thủ Ấn An Nhiên, nghe cu Tèo đối đáp với lão họ Hàn trong bụng nghĩ thầm "Chà thằng nhỏ ni đối đáp cũng lanh lẹ thiệt, có nhu có cương, không ngờ một thằng con nít mà xử lý việc giang hồ cũng hay đáo để, không như khối người tài cao học rộng, cứ thấy ai đụng đến mình thì ngoác miệng lên lấy trí tuệ hiểu biết ra loè thiên hạ, kiểu như lấy thịt đè người, nhìn thấy mà muốn ói, ừ! hắn lanh lẹ thế ta cũng  đỡ áy náy  vì chuyện lỡ kéo hắn vào giấc mộng thị phi này".

   
Người Đạo sĩ lúc nãy  đã tiếp chưởng với cu Tèo, tay cầm phất trần thủng thẳng đứng dậy chắp tay nói:

-  Thưa các vị đồng đạo võ lâm, thiếu hiệp đây quả là có trí tuệ phi phàm, thông kim bác cổ, bần đạo  xin mạn phép hỏi thiếu hiệp một câu
-  Đạo sĩ cứ tự nhiên, những gì Tèo biết, Tèo sẽ không ngại trả lời đâu- cu Tèo khảng khái nói
- Xin hỏi thiếu hiệp các người mang họ Kim, họ Cổ mà thiếu hiệp vừa nhắc đến là các bậc tiền nhân của thời nào, và trước tác của họ là bí cấp võ công gì. Và xin được hỏi thêm, môn công phu Bán Báo và Đánh Giày mà thiếu hiệp đã khổ công tu luyện có phải là võ công thượng thừa xuất xứ từ Trung Nguyên không? Và vị Đại hiệp có tên là Đầu nậu Khánh Nổ mà làm cho thiếu hiệp còn kinh hãi ấy có Võ hiệu gì thuộc lộ anh hùng nào trong võ lâm. Người có võ công ghê hồn vậy sao đồng đạo võ lâm ít ai biết đến
Cu  Tèo nghe lão Đạo sĩ hỏi xuýt nữa là cười phá lên, nhưng nhớ lời dặn của lão ăn mày nói cái gì là cảnh giới hư, hư, thực thực ..nên cu Tèo cố nén bụng dằn cơn trào lộng, e hèm chắp tay nghiêm trang nói!
-  Thưa Đạo sĩ, các vị họ Kim, họ Cổ đó là người trong giới  Chấp Bút Chưởng vào thời đại a-còng, trước tác của họ là những biên niên khảo về chuyện giang hồ từ cổ chí kim, chứ không phải là bí kíp võ công. Còn Bán Báo và Đánh Giày có lẽ là thứ võ công không phải xuất xứ từ Trung Nguyên, vì Báo và Giày là hai thứ vũ khí lợi hại do ngưới Tây Dương sáng chế ra, vì vậy nội công tâm pháp của nó cũng từ Tây Dương mà có, nhưng nó được phát dương quang đại ở Trung thổ và các nước lân cận. Ở Tây Dương hiện nay hai môn võ công đó đã bị thất truyền. Nó chỉ còn tồn tại ở Trung thổ  và vùng phụ cận mà thôi. Còn đầu nậu Khánh Nổ thì nói thật với quí vị anh ta là Đại ca của Tèo. Anh ta cai quản việc thu thuế bảo kê dọc theo hai bờ Sông Hương. Ở Cố Đô Huế cứ nghe đến cái công phu võ liều, võ củ đậu, và công phu Đạp Xế (cướp xe hàng) của Đại ca thì ai ai cũng táng đởm kinh hồn, ngay cả Thần du đảng Trần Đại  Dakao của Duyên Anh cũng còn phải gọi bằng cụ.

   
Lão ăn mày vốn đang bắt Ấn An Nhiên, phàm những người có ngộ tánh, có lòng tin mỗi khi bắt ấn này, thì bất kỳ chuyện thị phi vui buồn đến cỡ nào thì tâm cũng không lay động, vậy mà nghe cu  Tèo nổ chuyện võ lâm, nhất là đoạn nói về cái thứ nội công tâm pháp của hai môn công phu bán báo và đánh giày tý nữa là phì cười, ông có nén cười đến độ phải xì ra mấy quả rắm thối um cả quán

  
Lão đạo sĩ nghe cu Tèo trả lời xong hỏi tiếp:

-  Thưa  thiếu hiệp, theo như thiếu hiệp nói các trước tác của các vị Kim, Cổ, Đàm, Từ có ghi lại lịch sử võ lâm, thiếu hiệp đã có cơ duyên đọc qua, cho phép bần đạo được hỏi trong các trước tác đó có nhắc đến một vật gọi là Quì Hoa Bảo Điển không?
-  Có chứ- cu Tèo hãnh diện trả lời-  Nhưng chỉ có một cuốn của Kim Dung lão tiền bối là có nhắc đến rõ nhất. Quì Hoa Bảo Điển là một môn tà công, ai luyện nó cũng đều phải Tịnh Dương (Thiến), trở thành bê đê ráo trọi, người nào công phu thâm hậu cũng bị rụng tóc, rụng  râu, giọng nói trở thành õng ẹo như đàn bà, cử chỉ uốn éo đực không ra đực cái không ra cái, lúc nào cũng phẩy tay nghiêng người ưỡn qua vẹo lại và thường hay nói  " ghét dzễ sợ...đồ quỉ sứ.." nghe ghê lắm,  ớn cả da gà lên lận. Năm xưa Đại hiệp Lâm Viễn Đồ đi bảo tiêu qua miền Giang Nam có được một bản sao đặt tên là Tạch Tà Kiếm Phổ, khi Ông lập nên Phước Oai Tiêu Cục, biết đây là một môn tà công nên đem giấu biệt tăm, không cho con cháu luyện tâp, vì vậy mới xảy ra vụ án Phước Oai Tiêu Cục, gây nên một cuộc tranh chấp máu chảy đầu rơi thê thảm khôn lường, cuộc tranh gành này làm tiêu tùng cả mấy phái võ trong Ngũ Nhạc Kiếm Phái. Cuối cùng rồi tất cả cũng  đều bị bại dưới tay Giáo Chủ Ma giáo Đông Phương Bất Bại, sau này nhờ có Lệnh Hồ Đại Hiệp và Thánh Cô Nhậm Doanh Doanh song kiếm hợp bích kết hợp với việc tấu bản Tiếu Ngạo Giang Hồ, làm nhiễu loạn tâm trí của Giáo chủ, một phần vì Đông Phương Bất Bại bị phân tâm vì thương xót cái gã đồng cô Dương Đình Liên bị chết thảm, nên mới bị hai vị ấy giết chết. Nghe đâu Quì Hoa Bảo Điển đã bị cựu giáo chủ Ma giáo Nhậm Ngã Hành hủy bỏ trước mặt đồng đạo võ lâm rồi. Từ đó trên đời đâu còn thứ võ công tà ma ngoại đạo ấy nữa...
    
Cu Tèo đang thao thao bất tuyệt kể chuyện Tiếu Ngạo Giang Hồ của Kim Dung với quần hùng trong tửu điếm thì, thình lình nghe một tiếng rầm, cánh cửa của tửu quán bật tung, một thanh niên hào hoa tuấn nhã tay phe phẩy quạt, phi thân đạp cửa xông vào hét lớn:

- Tiểu tử to gan,  dám miệt thị Quì Hoa Bảo Điển báu vật trấn môn Lâm Phụng Bảo, hãy nếm thử mùi Thủy Hỏa Phách Phi kiếm của ta.
Quần hùng trong quán dạt cả ra hai bên hoảng hốt la lên: "Lâm Thiếu Bảo Chủ giá lâm". Sở dĩ quần hùng khiếp hãi là vì Lâm Bảo chủ của Lâm Phụng Bảo hiện là đương kim minh chủ của võ lâm, Bảo chủ tính tình trầm mặc, rất ít khi giao thủ với người của võ lâm. Nhưng  con trai ông ta, Thiếu Bảo chủ Lâm Bạch Phong khét tiếng giang hồ với 18 chiêu  Thủy Hỏa Phách Phi Kiếm, giết người trong nháy mắt, chiếc quạt có tên Phách Phi Kiếm trong tay của hắn ta mỗi khi vung lên là có một khách giang hồ bị cứa ngang cổ. Lâm Bạch Phong vừa đạp cửa xông vào đã vũ lộng chiếc quạt trên tay tấn công thẳng vào cu  Tèo. Cu Tèo đang ba hoa chích choè chuyện  Tiếu Ngạo Giang Hồ, không kịp đề phòng để thủ ấn Định Kinh, hốt hoảng mặt cắt không còn hột máu, khi thấy hai luồng sát khí vừa nóng vừa lạnh từ chiếc quạt của Lâm Bạch Phong tạt tới. Trong cơn nguy kịch, tự nhiên nghe một tiếc hét lanh lảnh vang lên.
- Thiếu Bảo chủ là cái thá gì, mà phách lối ở đây, hãy để bổn cô nương tiếp thử vài chiêu Thuỷ Hoả Phi Kiếm của nhà người xem có đủ để quạt mát cho cô nương hay không

   
Tiếng hét vừa dứt thì một bóng lam xẹt tới trước mặt cu Tèo. Hoá ra là Quách Thiếu Hoa của thành Tương Dương. Quách Thiếu Hoa xẹt tới nhanh như chớp, đồng thời rút cây Ngọc tiêu trong lưng quần ra cái xoẹt, chọc thẳng vào màn kiếm ảnh trùng trùng từ chiếc quạt của Thiếu bảo chủ. Một tiếng keng khô khốc vọng lên kèm theo một loạt tiếng roẹt roẹt...Thiếu bảo chủ thối lui ra ngoài cửa, hổ khẩu rách toạc máu chảy đầm đìa, còn cái quạt thì nát bươm như một tàu lá chuối gặp bão, lăn lốc dưới nền nhà. Lâm Bình Phong mặt tái mét, mồ hôi chảy ra như tắm lập cập run run hỏi:

 -  Tiểu cô nương dùng pháp môn tà ma gì mà có thể phá kiếm pháp của ta trong chớp mắt vậy, đây nhất định không phải là võ công của Trung Nguyên, xin hỏi cô nương có quan hê với truyền nhân của Xích Luyện Tiên Nữ Lý Mạc Sầu
  
Quách Thiếu Hoa cất lên một tràng cười lanh lảnh:

-  Hay cho một Thiếu chủ của Lâm Phụng Bảo đến cả một chiêu đơn giản nhất của Ngọc Tiêu Kiếm Pháp của Đảo Đào Hoa cũng còn không đỡ nổi, theo ta nghĩ Lâm Phụng Bảo cũng chỉ có cái hữu danh mà vô thực.  Nàng nói xông liếc qua cu Tèo hứ một tiếng rồi đỏng đảnh đánh mông cái tách quay mặt đi về hướng ông Ngoại. Cô vừa mới nhấc bước, thình lình đâu có một ngọn phi tiêu  từ trong đám quần hung phóng tới. Thiếu Hoa né tránh dùng ngọc tiêu đánh giạt xuống đất. Nàng đang định cúi xuống nhặt cái phi tiêu lên xem, thì gã thư sinh ngồi cùng bàn với cu Tèo vội la lên:
-   Cô nương, cẩn thận có độc.
  
Quách Thiếu Hoa giật mình đứng dậy quay sang gã thư sinh gật đầu nói:

-   Đa tạ thiếu hiệp nhắc nhở- nói xong nàng qua ra đám quần hùng lớn tiếng-  vị anh hùng nào vừa phóng tiêu, có muốn thì ra đây đấu đàng hoàng với bổn cô nương, bổn cô nương sẳn sàng nhường 3 chiêu, chứ cần chi phải chơi trò đánh lén ấy.

Trong đám quần hùng không có ai lên tiếng, nàng hứ lên một tiếng: Đúng là đồ chuột nhắt, rồi ngúng nguẩy đi về chỗ. Chưa kịp nhớm chân thì  nghe cái bụp, và  trên vai đau nhói. Nàng giận dữ quay lại nghĩ là bị ai đánh lén, nào ngờ đâu có kẻ nào đó phóng vào vai nàng một chiếc đũa, thủ pháp nhanh đến đến ngoài sức tưởng tượng, nàng hơi chột dạ nói lớn:

- Vị anh hùng nào có gan ra đây tiếp bổn cô nương vài chiêu, cần gì làm cái trò hèn hạ ấy- vừa nói đến đó thì nghe một tiếng hừ dội lên từ trong góc quán- Thiếu Hoa nhìn vào thì thấy một vị đầu đà ngồi nhìn nàng trân trân, miệng tủm tỉm cười. Nàng nổi nóng thấy mình bị xúc phạm múa chưởng tấn công ngay vị đầu đà. Vị đầu đà khẽ nhún mình vọt qua mấy dãy bàn ghế vung tay tiếp chưởng ngay. Vừa lúc đó thì lão già áo lam Hàn Trừng Phi hô to :
-  Thiếu Hoa tránh ra
Một luồng cuồng phong ào tới hất Thiếu Hoa  sang một bên.  Lão già áo lam đồng thời vung song chưởng tiếp luồng nội lực ào ạt  xô tới từ lão Đầu Đà. Bùm...cả  tửu quán chấn động vì bốn chưởng của hai người chạm nhau. Hàn Trừng Phi thối lui 3 bước, còn lão Đầu Đà vẫn đứng yên không suy chuyển.

  
Lão nhị của Trung Nguyên Tứ kiếm, định thần  và chấp tay thi lễ.

 -  Không ngờ mấy mươi năm cách biệt Tiên Nguyên Thiết Hỏa Chưởng của  Hoắc huynh đã đến độ siêu thần nhập hóa rồi
-   Không dám, không dám, nếu Hàn huynh không vì phân tâm cho điệt nữ, thì bần đạo đây cũng khó có thể đỡ nổi Hàn Phong chưởng của danh chấn giang hồ của Hàn huynh- Nói xong lão quay sang cu Tèo dằn tiếng hỏi:
-   Tiểu tử, mi căn cứ vào đâu mà nói Quì Hoa Bảo Điển là một bí kíp võ công, mà lại là một thứ võ công tà ma ngoại đạo. Quì Hoa Bảo Điển là một cuốn Kinh của nhà Phật dùng để tụng kinh diệt dục, nó không phải là bí kíp võ công, những lời của ngươi nói sẽ gây ra một cuộc xáo loạn tranh chấp giang hồ mi có biết không. Loại con nít chưa dứt hơi sữa như mi  chưa biết chuyện giang hồ thì đừng nên gây chuyện thị phi giang hồ, ta phải dạy cho mi một bài học mới được- Nói xong lão từ vận chân khí vào tay, bàn tay của lão từ từ đỏ hồng lên hướng về cu Tèo chuẩn bị xuất chưởng.
 -  Dừng tay- một tiếng trầm đục vang lên hàm chứa một nội công cực kỳ thâm hậu, đồng thời một bóng người  lơ lửng  như một làn khói từ từ trôi dạt vào quán. Thông thường những phép phi thân, thì nhanh như điện chớp, nhờ vào nguồn nội lực nâng bổng và đẩy ào đi, còn người vừa lên tiếng lại có phép phi thân lơ lửng trôi chậm như làn khói  thế này, chứng tỏ là người có một tuyệt đỉnh công phu khó có thể nào mà lường nổi. Người vừa đến chưa kịp hạ xuống, thì cả Hàn Trừng Quang và Lão Đầu Đà họ Hoắc đều đồng thời vung chưởng tấn công ngay. Người vừa đến cười gằn một tiếng đang ở trên không vung tay tiếp chưởng luôn

  
Ầm...tửu quán rung chuyển như một vụ động đất, lắc lư chao đảo, bát đĩa trên bàn rơi loảng xoảng, quần hùng có rất nhiều người la lên ôi ối, một vài người ngã quị đổ ầm xuống nền nhà,  người nào còn đứng vũng thì máu cũng ri rỉ trào ra trên mép. Lão họ Hàn bật dạt vô vách quán miệng thổ ra một búng  máu, còn lão đầu đà thì ngồi bệt xuống nền nhà vận công hổn hển, cả hai đã bị nội thương vì cuộc so chưởng vừa rồi.
   
Trong tửu quán chỉ có 3 người không hề hấn gì, đó là người vừa đến, Lão ăn mày và cu Tèo.

Người vừa đến mặc một cái áo choàng màu huyết dụ, đỏ bầm như màu máu, bịt mặt, cất tiếng trầm đục nói.
-  Kể từ hôm nay đến ngày kia, không được một ai nhắc đến Quì Hoa Bảo Điển, người nào nhắc đến là phải chết. Đúng giờ ngọ ngày kia,  Lâm Bảo Chủ sẽ thiết một  lôi đài tại khu rừng mé đông của Ngưu Gia Thôn, đến giờ khắc đó ai đánh thắng người của Lâm Bảo chủ 10 chiêu, thì được mở hộp đựng Bảo Điển để nhìn rõ Quì Hoa Bảo Điển là cái gì, ai đánh thắng 30 chiêu thì được  giữ Bảo Điển trong một đêm, và tùy nghi sao chép hay sử dụng, ai đánh thắng 100 chiêu thì Bảo Điển thuộc về người đó. Từ đây đến ngày đó cấm không được ai bàn tán, đoán mò gây tranh chấp trong giang hồ. Kẻ nào trái lời thì như chiếc bàn này
Nói xong người mặc  huyết y đặt tay  nhẹ nhàng lên mặt bàn và từ vận công, cái bàn cứ từ từ sụm xuống và tơi ra như bột cám.
  

Cu Tèo trố mắt lên nhìn một thứ võ công kỳ dị chưa  thấy Kim Dung mô tả bao giờ. Còn người mặc huyết bào cũng kinh ngạc nhìn cu Tèo không bị hề hấn gì qua cuộc đấu chưởng vừa rồi,. Ông ta càng kinh ngạc hơn khi thấy lão ăn mày nét mặt vẫn điềm nhiên, rất bình thản  mắt khép hờ ngồi bắt ấn trên ghế. Người huyết y từ nâng tay lên hướng về phía lão ăn mày. Lão ăn mày tay vẫn thủ ấn An Nhiên cũng từ nâng lên ngang lòng ngực để chuẩn bị tiếp chiêu. Cu Tèo thấy vậy thất thanh la lên:
-  Bá bá, coi chừng, lão này cực kỳ lợi hại

  
Cu Tèo có v
ội hét lên thì cũng đã muộn...

        
(Muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra , xin xem hồi sau sẽ rõ)

<bài viết được chỉnh sửa lúc 04.05.2009 19:36:09 bởi Quãng Nhẫn >
#1
    Quãng Nhẫn 05.05.2009 17:49:19 (permalink)
    Hồi thứ ba:

    Hồi Thứ Ba:
    Đường Hùng Vương cu Tèo thám thính quán phở 444 C
    Dâng  Bảo Điển quần hùng một phen táng đởm kinh hồn


       
    Lại nói khi Huyết y nhân vận song chưởng chuẩn bị xuất thủ đánh lão ăn mày. Cu Tèo thấy vậy cả kinh la lên báo động "Bá bá, coi chừng lão này lợi hại lắm". Nhưng đã muộn, song chưởng của  Huyết y nhân cuồn cuộn như một cơn bão táp chuẩn bị đổ ụp lên người lão ăn mày.  Lão ăn mày vẫn bình thản hay tay thong thả chuyển thế của thủ Ấn miệng lầm rầm đọc một cái gì đó không rõ. Chưởng phong của Huyết y nhân như một quả cầu lửa đổ ụp lên người lão ăn mày.  Cu Tèo thất thanh la lên "Nguy rồi, lão  Bá bá đã thọ nạ". Nói xong hắn vội vàng nhảy đại vào quả cầu lửa hy vọng có thể lôi được lão ăn mày ra, một luồng kình lực nóng như thiêu như đốt  tạt vào mặt nó và hất tung nó ra, bay bổng lên mấy chục trượng và ném rầm nó vào một tảng đá. Cu Tèo thấy mặt mình nóng rát, mạng sườn bị quật vào tảng đá buốt nhói lên dữ dội. Lúc hắn bị luồng chưởng lực quẳng lên trên không hắn nhắm nghiền mắt lại coi như  đã từ giã cõi trần. Mãi đến khi thấy mình vẫn còn cảm giác nóng rát và đau buốt, thì cu Tèo mới nghĩ là mình còn sống, và từ từ hé mắt ra nhìn quanh.

        
    Cu Tèo kinh ngạc thấy cảnh vật quen thuộc với nó hàng ngày vẫn nguyên vẹn chẳng có vẻ  gì là nơi đây vừa xảy ra một trận huyết chiến kinh hoàng cả. Tiếng gió vẫn lao xao trên tán cây long não, dưới bến nước tiếng sóng vẫn ì oạp vỗ vào Bến Da Vàng. Chỉ có bóng cây long não đã chếch xa về hướng khác, làm cái nắng tháng năm  nóng như rang táp vào mặt hắn bỏng rát. Hắn mở mắt thao láo ra nhìn, thấy lão ăn mày vẫn ngồi bán già  bên cạnh, mắt nhắm nghiền nhưng miệng thì vẫn cứ lầm rầm đọc một cái gì đó. Cu Tèo ghé tai lắng nghe thì  thấy lão ăn mày đang đọc một thứ thổ âm gì kỳ lạ lắm : "Um soa phà va súd đa, sạt đạt mà, soa phà va sud đa hàm...Um, va ja ra át ni, pra nàm bi đa ya- xóa ha...Nam mô su sit đi ta ri ta ri, măng đa, măng đa- xóa ha...."** .

          
    Cu Tèo thấy lão ăn mày không cựa cựa nhúc nhích cứ làm ràm cái câu ấy lặp đi lặp lại mãi, hắn sợ làm phiền ông, nên không hỏi gì cả, chỉ ngồi lặng lẽ nhìn ông và hồi tưởng lại chuyện tỷ võ vừa qua, hồi lâu hắn cũng lắp bắp nhẩm theo ông cái câu ngộ nghĩnh đó. Nhẩm đọc theo một hồi hắn bỗng nhiên cảm thấy tâm thần mình thư thái hẳn lên, một cảm giác lâng lâng an lành rất khó tả, hắn không còn cảm thấy sự sợ sệt kinh hãi trong trận đấu vừa qua nữa, cũng không còn cái cảm giác náo nức, hồ hởi dấn thân vào cái thế giới kỳ bí hoang đường của những câu chuyện giang hồ của Kim Dung nữa. Hai người ngồi vậy không biết bao lâu, cho đến khi mặt trời xế bóng. Cu Tèo giật mình nghĩ đến đống báo chưa hết vội vã ôm tệp báo lao lên đường Lê Lợi. Hắn chạy hối hả đến mấy chỗ người quen hay mua báo của hắn, quên luôn là lão ăn mày có còn đó, dưới gốc long não hay không.

        
    Khi đã bán hết báo, và qua Thương Bạc nộp tiền cho đại ca Khánh Nổ xong, cu tèo nghĩ đến lão ăn mày, không biết lão có còn ngồi đó không, nghĩ vậy,  hắn vùng đứng dậy nói với mấy thằng bạn, nhờ sáng mai lấy báo cho hắn, rồi tức tốc vọt lên cầu Tràng Tiền chạy qua bến Da Vàng. Trời đã sẩm tối trên gốc cây hồi trưa hắn và lão ăn mày đánh cờ, giờ đây đã có một đôi nam nữ ngồi tự tình ở đó. Cu Tèo nhăn mặt xì một cái và thọc tay vô  tuí quần xà lỏn  thất thểu chán nản lê bước trở lên đường cái. Hắn chợt nghĩ đến con Bẹp, không biết con Bẹp giờ này có nhà không, hắn nghĩ đến cái tiểu Cô nương Quách Thiếu Hoa trong tửu quán ở Ngưu Gia Thôn và tủm tỉm mỉm cười, chẳng biết thật hư ra răng nữa. Hắn quyết định đến đường Hùng Vương xem con Bẹp có còn ở đó không, hay biết đâu con Bẹp  đã bỏ đi bụi thật sự rồi.

         
    Cu Tèo không dám đến thẳng quán phở của Bà Gái, dù sao hắn cũng còn có tý sĩ diện, đến đường đột, không khéo bà Gái và con Bẹp lại nghĩ hắn đói bụng đến xin ăn nữa thì ê mặt lắm, hoặc là con bẹp nghĩ hắn có tư ý gì dị chết. Mà hắn ghé
     đến quán cà phê Bông Sứ đối diện với quán phở 444C của  bà Gái.
       
    Khúc đường này trên đại lộ Hùng Vương, nhưng cũng khá yên tĩnh, không nườm nượp như khúc dưới có cái quán chè Hẽm nổi tiếng, cũng không ồn ào như khúc trên có cái  Nhà Hát Lớn.  Quán cà phê Bông Sứ cũng chỉ lẹt đẹt có vài cặp tình nhân ngồi mà thôi. Cu Tèo gọi một ly sữa đá và một điếu thuốc lá Hoa Mai, hắn chẳng mấy khi hút thuốc, cũng không tập tành uống rượu như mấy thằng bụi đời cùng cỡ tuổi hắn. Không phải là vì hắn đạo đức chi, đã là bụi đời lê lết ngoài đường phố thì cứ xả láng cho biết mùi đời chứ tội chó gì mà phải kiêng cữ cho nó mệt xác. Căn bản là mỗi lần hắn hút thuốc thì bị ho sặc sụa, tối về nằm trên Thương Bạc, sương lạnh xuống thì khó thở kéo suyễn khò khè rất khó chịu, nên hắn không thèm hút mà thôi. Còn uống rượu thì cứ nốc vào mấy hớp thì cả người cứ nổi mề đay lên từng dề, gãi toạc cả da, nên hắn cũng không thèm uống luôn. Nhiều lúc thấy vậy đại ca Khánh hay càu nhàu "Đù má! Đi bụi mà không chích choác rượu chè cho nó đã đời, thì đi bụi mần cứt chi, ở nhà mà rúc đáy quần mạ cho rồi". Mỗi khi vậy hắn chỉ cười hè hè, đánh trống lảng  hỏi "Đại ca có muốn tẩm quất không? em mới học được mấy chiêu của mấy thằng ngoài Bắc để em đánh thử cho đại ca duyệt hỉ".
      
    Hôm ni hắn phá lệ, đã vô quán cà phê, mà không hút thuốc thì thiên hạ họ cười cho thúi mũi. Hắn châm thuốc bập bập mấy hơi như cắc kè ngậm tẩu chứ có dám rít đâu, mà cà phê cũng chỉ để có cớ ngồi rình coi con Bẹp có nhà không thôi, chứ cái thứ nước đen sì và đắng nghét này cũng nỏ có chi ngon, cái ngon nhất đối với hắn cũng là vớt miếng nước đá ngậm cho mát miệng là cùng.
      

    Huế có cái thiệt lạ, là tắt mặt trời khoảng 9-10 giờ đêm là đường phố vắng teo vắng ngắt, không như các thành phố khác. Vì vậy mà bụi đời tụi nó hay hát cái khúc đồng dao về phố phường của Huế :
         
    Huế khi tắt mặt trời

    Heo hắt không bóng người
    Đường thì vắng tiếng cười
    Gió thì không đọc báo
    Trăng thì không mang giày
    Thôi thì về Thương Bạc
    Ngửa mặt nằm nhìn mây
    Thôi thì về  Thương Bạc
    Gác chân và gối tay
    Uống câu hò no say...

       
    Cu Tèo cứ nhong nhóng dòm qua quán bà Gái, mà không thấy con Bẹp đâu . Giờ này thông thường quán ấy đã bắt đầu dọn dẹp đóng cửa. Công viêc ni 
    con Bẹp hay làm, sao giờ này vẫn không thấy nó đâu nhỉ.
       
    Lòng dạ cu Tèo không yên, không lẽ cái chuyện nó thấy trong lúc ngủ mê dưới gốc long não là thiệt, không khéo con Bẹp đi bụi rồi cũng nên, cho nên mới báo mộng cho nó thành hình ảnh cái cô tiểu thư  đỏng đảnh thành Tương Dương là vậy. Dám lắm, vì dù gia cảnh con Bẹp không đến nỗi nào, ngày ngày vẫn được cắp sách tới trường, không lo chuyện ăn chuyện mặc. Nhưng con bẹp hay đọc chuyện Duyên Anh, lại rất thích chơi với tụi đánh giày bán báo như tụi hắn. Nghĩ đến đó hắn  quyết định không chờ nữa, phải sang tận nơi hỏi cho ra nhẽ. Nếu con Bẹp đi bụi thật hắn sẽ bắt con Bẹp về. Con Bẹp có nhập băng nào cũng không sao, cả cái thành Huế này có băng nào dám qua mặt được băng của đại ca Khánh. Chỉ cần hắn nhờ đại ca một tiếng, nói con Bẹp là em bà con, chắc đại ca không nỡ không dàn xếp.

       
    Cu Tèo gọi tính tiền và hối hả chạy qua bên quán phở. Bà Gái đang dọn dẹp thấy hắn tới, ngẩng mặt lên bình thản hỏi:

    • - Mi đi mô giờ ni còn lang thang đây hả Tèo?
    • - Dạ, con đi công chuyện, con Bẹp có nhà không O - cu Tèo nóng ruột hỏi
    • - Có, mai thi học kỳ học kiếc chi đó, trong tuần thì nhác học chừ đang ngồi chổng khu gạo bài trong buồng á- bà Gái trả lời cu Tèo rồì cất tiếng vô trong nhà gọi- Bẹp ơi, có thằng Tèo bán báo hỏi con đây nì.

    Con Bẹp mang bộ đồ bộ, lẹp chẹp đôi xăng đan chạy ra vồn vã:
    • - Ui! Eng Tèo hả, cả ngày ni eng đi mô mà nỏ chộ eng ghé, khi chiều mấy thằng ghé đây hỏi có thấy eng mô không đó.
    • - Tau có công chuyện, mà ngày ni mi có đi mô không rứa,- thằng tèo vừa hỏi vừa chăm chăm xoi mói nhìn con Bẹp.
    • - Dạ, tui có đi mô mô, lo học ôn thi học kỳ đây ni, mà tui biết đi mô hè, răng mà eng hỏi rứa - rồi như cảm nhận ra có chuyện gì lạ, vì thằng Tèo cứ nhìn nó đăm đăm , con bẹp dị đỏ cả mặt lung búng - ơ cái eng ni có chi mà hôm ni lạ hè, cứ ngó tui lơm lơm là răng?
    • - Mi có bộ đồ màu lam mô không rứa- cu Tèo không trả lời mà giở giọng cật vấn
    • - Không! Em nỏ có bộ đồ lam mô cả
    • - Mấy bữa ni có ai rủ mi đi mô không?
    • - Không! Đã nói là ôn thi mà, mà lỡ có ai rủ thì cũng chỉ có mấy eng rủ đi ăn chè Hẽm hay đi ăn kem thui, chứ có ai rủ mô. Có chuyện chi rứa eng Tèo
    • - Nỏ có chuyện chi hết, đó là tau suôn miệng thì hỏi rứa thôi. Lo học bài thi đi hỉ, chừ tau về, nhớ có ai rủ đi mô thì đi hỉ
    • - Ơ, cái eng ni hôm ni chắc mát hay răng hè, nói chi tầm phào, tầm phổi rứa. Eng về bên Thương Bạc hay còn đi mô nữa không. Eng ăn chi chưa, để tui hỏi mạ còn dư chút chi tui mần cho ăn.
    • - Tau ăn rồi, nỏ mượn mi lo mô, thôi tau về đây.



    Cu Tèo  chào bà  Gái, lại thong thả đút tay vô quần xà lỏn,  cuốc bộ ngược đường Hùng Vương đi về phía Tràng Tiền.  Hắn vừa đi vừa huýt sáo cái bài " em tan  trường về, đường mưa nho nhỏ..tóc dài vớn bay vờn bay... Khi đi đến giữa cầu đột nhiên hắn ôm bụng ngồi xuống cười sặc sụa : " không lẽ là mình khùng, tự nhiên nằm ngủ mê, rồi tưởng thiệt, đi  hỏi tầm bậy , đúng là khùng thiệt rồi, mà mắc mớ chi mình lại cật vấn con Bẹp..Không lẽ có cái chuyện hư hư thực, thực thực hư như lão  Bá ăn mày nói thiệt ư. Không khéo chuyện của mình, cái thằng cu Tèo này đây lại là giấc mơ của một người nào đó. Có nghĩa chính mình chỉ là hình ảnh hư ảo trong giấc mơ của một thằng cha căng chú kiết nào đó, như kiểu lão Bá  ăn mày nói vậy. Mình là hình ảnh trong giấc mơ của cái thằng đó, rồi cái thằng đó lại cũng là hình ảnh trong giấc mơ của một người khác nữa... hè hè...cứ như lão  Bá  nói thì đời người ta đâu có thiệt hè. Có một người nằm ngủ, nằm mơ thấy cái thằng cha căng chú kiết đó, thằng đó lại nằm mơ thấy cái thằng Tèo này, rồi thằng  Tèo là mình này lại nằm mơ ra cái cô tiểu thư Quách Thiếu Hoa đó...hè hè..như rứa là người đầu tiên là giấc mơ Cố, thằng cha căng chú kiết là giấc mơ  Ông, cu Tèo mình  đây là giấc mơ Cha, còn cái ả Thiếu Hoa và mấy người trong tửu quán ở Ngưu Gia Thôn là giấc mơ Con, rồi  khi cái ả  Quách Thiếu Hoa  nằm ngủ trong giấc mơ của Tèo này , ả lại cũng nằm mơ nữa, thì cái hình ảnh mà ả nằm mơ gọi là giấc mơ Cháu , hè hè ...vui thiệt đó chớ, rồi khi mình  tỉnh dậy như bây chừ, thì mình đã tỉnh trong giấc mơ Cha,  nhưng vẫn còn ngủ trong giấc mơ Ông, mà giấc mơ Ông thì vẫn còn đang miên man trong giấc mơ Cố. Chà chà ... Bá bá ăn mày ni siêu thiệt, cái Ông ta nói "chi là cảnh giới hư, chi là cảnh giới thực hóa ra là cái ni đây..."  Nghĩ  đến đoạn đó cu Tèo lại cười lăn cười lộn,  cười đến độ nằm bẹp xuống  đường đi bộ trên cầu mà lăn qua lộn lại, xém nữa  tuột ra lan can rớt xuống sông Hương.
     
    2.
    Một năm sau.
    Vẫn là một mùa hè như mọi mùa hè khác, vẫn buổi trưa râm ran tiếng ve trên hàng long não, vẫn màu phượng tím bầm vì nắng hắt về quá lửa, vẫn  cái ngõ giao duyên ríu rít tiếng học trò tan trường đổ về hai  ngả đường Lê Lợi. Huế không có gì thay đổi, hay nói cách khác Huế dùng dằng thay thổi như dòng Hương vốn dùng dằng không muốn chảy về xuôi. 100 năm sau, có lẽ là 1000 năm sau Huế vẫn vậy. Vẫn là „Học trò trong Quảng ra thi, gặp cô gái Huế bỏ đi không đành" . Vẫn là „ Kim Luông gái đẹp mỹ miều, trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm lên..". 1000 năm sau vẫn vậy, vẫn như cái thủa „lá trúc che ngang mặt chữ điền". Vẫn nổi nhớ sân trường chín mùa  phượng đỏ, vẫn nỗi nhớ nón Huế, với tà áo trắng bay bay mổi khi  „em tan trường về, anh theo Ngọ về...".
    .
    Huế dừng lại, trong  từng khoảnh khắc của thế kỷ.
     Chỉ có khác đi chút ít là cu Tèo không còn cởi truồng nhảy xuống bến Da Vàng, hắn đã biết vận cái xà lỏn khi nhảy tùm xuống dòng Hương mỗi khi chánh ngọ. Và bàn cờ của hắn ở dưới gốc long não không xếp bằng những viên sỏi khác màu nữa, mà chỉ có những ô vuông  vẽ bằng những nét cào ngoạch ngoạc từ một nhánh cây.  Khai cuộc hay tàn cuộc cũng chỉ một mình nó đánh với nó, không cần những quân cờ, chỉ cần cái que chỉ nước đi và lời đọc thế cờ. Nào là mã ngũ bình tam, pháo thất thối tứ, xa lục tấn cửu ..v..v....
    .
    Có những bàn cờ cu Tèo toát cả mồ hôi hột, chống đỡ , hay tấn công liên hồi nhưng ai nhìn vào cũng không biết gì cả, vì trên bàn cờ không thấy một quân cờ nào ráo trọi, không thấy quân cờ biết đâu mà lường. Người ta chỉ thấy cu Tèo nhăn mặt nhăn mũi thở hổn hà hổn hển, là biết trận đấu rất căng thẳng, chứ không ai có thế nhớ hết đến nước đi để mà tận hưởng những cuộc cờ kỳ phùng địch thủ ấy. Có ngày, người ta thấy hắn vừa huýt sáo vừa cầm tệp báo đi rao, thì người ta biết ngày đó hắn  đánh thắng chính với hắn. Có ngày người ta thấy mặt mũi ỉu xìu vừa đi vừa lẩm bẩm chửi thề một ngày xui, là người ta đoán hắn hôm đó đánh cờ thua với chính hắn.

     
    Trưa hôm nay cu Tèo đang phấn chấn dí cái que vạch nước cờ, hắn tỏ ra rất đắc chí, vì hình như hắn có mấy nước hay làm cho trận thế của đối thủ (cũng là chính hắn) rối loạn bị động. Đang thừa thắng đưa cái đầu que vạch nước đi của một quân cờ vây cung của đối thủ, miệng tí tửng hô vang „ pháo tam bình tứ, chiếu tướng hết cờ..". Thì bất chợt có một đầu que khác chỉa vào, cùng với tiếng hô: „ Bỏ xe tam, gểnh hữu tượng cứu sơn hà". Cu Tèo không cần biết là ai, thấy nước cờ thí xe quá hay, nên nhập hồn vô trận đấu, liên tực hô, mã mã pháo pháo, tam  tứ tứ loạn xạ cả lên. Hồi lâu đột nhiên  có giọng  từ người cầm cái que đối thủ bật lên ha hả: „ quên rồi  hay răng hè, con mã thất  bình ngũ từ nước thứ 19,  bây giờ làm gì còn có mã thất nữa mà tấn cửu". Cu Tèo không thèm ngẩng đầu lên xem là ai, vứt cái que xuống gốc long não  giả  bộ hậm hực nói „ Phá được thế Hồi Mộng Mã ni, trên thế gian chỉ có một người duy nhất đó  là chân truyền của  Tam Tổ, người thấu ngộ Mộng Trung Thuyết Mộng  mới biết cái thế hư ảo của Hồi Mã Mộng của trận cờ này, người đó là Nhất Nhật Thần Cái lão Bá Bá." Nói xong  cu Tèo mới cười hè hè  ngẫng đầu lên nhìn lão ăn mày:
    - Một năm ni Bá đi mô, con tìm hoài nỏ chộ. Con đi hỏi mấy trường Đại học trong phố, nỏ có trường mô có Giáo sư Nguyễn Đình Mân cả.
    - Con hỏi những trường Đại học mô?
    - Dạ, đầu tiên con đến Sư phạm, sau qua Tổng Hợp, rồi lần lượt đến Y Khoa, cuối cùng qua bên Nông Nghiệp, tất cả các trường không có giáo viên nào tên ấy cả.
    - Răng con không tới hỏi ở Mỹ Thuật trong Đại Nội, mà mần răng con biết tên ta là Nguyễn Đình Mân.
    - Nhưng mà Mỹ Thuật mô có phải Đại Học, là chỉ Cao Đẳng thôi mà, còn tên của Bá, không phải là Bá đã từng xưng danh với lão đạo sĩ thúi hồi ở Ngưu Gia Thôn rồi sao?
    - Té ra con biết tên thật của ta trong một giấc ngủ trưa, Nguyễn Đình Mân là tên cúng cơm của ta, còn danh hiệu của ta là nhạc sĩ Cát Hòa, ta dạy về nhạc cụ Dân Tộc ở Cao đẳng Mỹ Thuật Âm Nhạc trong Đại Nội. Vì chưa tới duyên, nên con quên không tìm đến đó, mà có tìm đến đó thì không có ai biết cái tên cúng cơm của ta để nói cho con hay. Vạn sự tùy duyên mà, đúng không?
    - Dạ, nhưng con chỉ tiếc là không được cùng Bá đến dự buổi tỷ võ dâng Bảo Điển của Lâm Phụng Bảo ở Ngưu Gia Thôn, không biết quần hùng hôm đó có ai mục kích sở thị được Quì Hoa Bảo Điển không?
    - Tại răng lại không đến đó được, vì trận thư hùng dâng Bảo Điển đâu đã xảy ra!
    - Nhưng Huyết Nhân Y nói là trưa ngày mốt, trong khi từ hồi đó đến giờ đã hơn một năm rồi, lẽ nào trận đấu vẫn chưa xảy ra?
    - Một ngày trong mộng đôi khi là một tháng, đôi khi là một năm đôi khi là cả một đời người ở cõi thực. Và ngược lại đôi khi một khắc của đời thường là cả trăm năm trong mộng. Như giấc mộng Hoàng Lương vậy. Một cái chợp mắt bên nồi cháo kê đang nấu trên bếp, cũng có thể là trải qua hết cả một đời thăng trầm hoạn lộ từ khi đi thi cho đến khi thăng quan tiến chức, tột đỉnh công danh cho đến ngày cáo lão hồi hương vui thú điền viên..khi giật mình choàng mở mắt ra thì nồi cháo kê vẫn còn chưa chín.
    - Chưa hết- cu tèo tiếp lời-
    Khi đã tỉnh ra trong giấc mộng nồi cháo kê rồi, biết đâu cái chàng thư sinh ngồi bên nồi cháo đó chỉ mới tỉnh ra trong giấc mộng Con. Còn giấc mộng Cha, giấc mộng Ông nữa thì đâu đã tỉnh, mà vẫn là đang ngủ mê đó chứ phải không Bá
    • - - Ha ha.... Ta đã sống sắp hết một đời, học hành giảng dạy mấy chục năm gặp biết bao nhiêu là cao nhân học sĩ, vẫn chưa thấy có được một ai thấu ngộ được "đời chỉ là một cơn mộng" sâu sắc như một thằng bán báo.
    • - - Thôi mà Bá! dẹp cái chuyện học sĩ sang một bên nghe Bá, thế bây giờ mình có thể còn đi được Ngưu Gia Thôn không hả Bá


  • - - Con muốn đến đó xem trận thư hùng dâng Bảo Điển à, vậy thì đi- nói đến đó lão ăn mày vỗ vào vai cu Tèo một cái và gầm lên trong họng một chuổi âm thanh trầm dài.. "..úm..ma.........h..ù...m...".
    Cu Tèo lại thấy mắt mình trỉu xuống. Rồi thấy lão ăn mày bay vút lên một đám mây trắng. Cu Tèo tay bắt ấn Mộng Trung Chân Khí lộn một vòng nhảy lên cành long não, đề khí lướt sang tán phượng bên cạnh, hắn ngắt một cánh hoa phượng  nhìn  xem lão ăn mày bay về hướng nào, rồi thông thả ném cánh hoa phượng về hướng đó đồng thời vận chân khí đạp lên cánh hoa lướt tới.  Đuổi gần kịp  đám mây mà  lão ăn mày đang ngồi ung dung. Cu Tèo thấy đám mây trắng tinh dập dềnh trôi đi như một cổ xe song mã, hắn nhìn kỹ  thì hóa ra đó là một cổ xe song mã thật.

        
    Đám mây được đóng yên cương vào hai con thần câu, một con màu trắng như tuyết, một con màu xanh như ngọc. Con màu trắng như tuyết hiện thân  từ  tiếng chuông chùa Từ Đàm mà ra, nó có tên là Thiên Môn Tầm Nguyệt. Con màu xanh như ngọc hiện thân từ chùa Thiên Mụ và có tên là Vạn Lý  Truy Phong. Hai tiếng chuông từ hai ngôi Đại Tự của  tả và hữu ngạn Sông Hương nhịp nhàng gõ nước kiệu kéo đám mây mà lão ăn mày đang ngồi bồng bềnh trên  bầu trời của Truồi nhằm hướng Tây Bắc mà tiến. Cu Tèo thấy lão ăn mày ngồi uy nghi trầm mặc, tay thủ ấn Chân Như, hắn cảm tưởng như lão chính là Đường Tam  Tạng tái hiện. Thế là hắn giả bộ hi hi ha ha như thần hầu, tưởng tượng mình là Tề Thiên Đại Thánh, đưa tay cào cào vào mặt, co một chân lên như dùng phép Cân Đẩu Vân lướt nhanh tới phía trước miệng hô to: „Sư Phu..Sư Ph...u....".


     
       
    3.

    Hai người tới Ngưu Gia Thôn thì cũng còn mấy khắc nữa là chánh Ngọ, họ không chần chừ phi thân nhanh về hướng  bìa rừng nơi có lôi đài dâng Bảo Điển của  Lâm Phụng Bảo.
       
    Lão ăn mày quay lại dặn dò cu Tèo thật cẩn thận. Lão nói :
    - Từ đây là bắt đầu cảnh giới của hiện hữu. Đã là có pháp hiện hữu thì hư cũng là thực. Dù chỉ là hiện hữu trong một lời nói, trong một câu thơ, trong một trang sách hay trong một giấc mơ đi nữa. Nhưng khi ta đã hóa thân vào đó cùng với xúc cảm của chính mình, thì đó là lúc ta đã thực hiện pháp hiện hữu. Ta đã biến từ cảnh giới Hư thành cảnh giới Thực. Đó chính là Vạn Pháp từ  Tâm khởi. Có nghĩa tất cả mọi cảnh giới, mọi sự kiện, mọi khái niệm đều từ Tâm sinh ra. Chứ không phải nó chỉ tồn tại khi xúc giác của mình tiếp xúc được với nó. Con người đã ngộ nhận một sai lầm thật thô thiển mà tưởng đó là Chân Lý. Họ chấp nhận những cái nhìn thấy được, nghe được, sờ mò được mới  chính là Hiện Thực. Và chịu sự gò bò khống chế từ các qui luật của đối tượng Hiện Thực đó. Trong khi ý thức của họ từng phút, từng giây, từng satna nảy sinh ra hằng hà sa số ý niệm. Ý Niệm đó cũng chính là một Hiện Thực đang tồn tại trong Tiềm Thức, trong Tâm của họ. Chấp nhận sự tồn tại cảnh giới  TÂM  như một thế giới hiện hữu, thì tư duy và nhận thức của con người thoát ra khỏi ý niệm đối đãi của vật chất. Khi thoát ra khỏi sự so sánh hữu hình của cảnh vật thực thể. Cảnh giới tâm linh sẽ được nâng lên một giai tầng khác rộng lớn hơn, bao trùm hơn, bát ngát thanh thang và viên mãn hơn, không còn lệ thuộc vào qui luật vụn vặt của vật chất nữa. Cái cảnh giới Ngưu Gia Thôn mà Bá và con đang đi đến là một trải nghiệm hiện hữu của Tâm. Vì vậy sự hiện hữu của chúng ta ở đó là một thực tại trong một thế giới như thật. Ở đây có chuyện ân oán giang hồ, ta và con đã trở thành những thành viên trong giang hồ đó. Cho nên cũng phải tuân thủ theo luật giang hồ của cảnh giới này. Ta nói từ nãy đến giờ con có hiểu đuợc chút gì không?
    - Dạ, không hiểu hết ạ, nhưng đại khái là con hiểu rằng chúng ta đang ở giấc mơ Con. Cái cuộc đời của con và Bá ở Huế, bên bến Da Vàng là ở giấc mơ Cha. Ai đó, người nào đó, sinh linh nào đó, họ đang nằm mơ thấy cái cảnh giới con và Bá gặp gỡ đánh cờ với nhau bên bờ Sông Hương là họ đang ở giấc mơ Ông. ..hè hè ..giấc mơ nào mà chẳng phải là mộng mị. Tỉnh ra ở giấc mơ nào thì ở đó là sự thật hiện hữu cuộc đời ở đó.  Tỉnh ra ở bến Da Vàng thì hiện hữu Bá và con hiện hữu con đường  Lê Lợi, hiện hữu Huế, hiện hữu nước Việt. Tỉnh ra ở Ngưu Gia Thôn thì hiện hữu giang hồ lục lâm thảo khấu, hiện hữu Lâm Gia Bảo. Cũng như cái sinh linh nào đó đang nằm mơ thấy con và Bá hiện hữu trên bến Da Vàng, họ tỉnh ra nơi cảnh giới tồn tại của họ, ví dụ là ở một cõi trời Đao Lợi nào đó, thì ở đó sẽ hiện hữu sự hoan loạc vô ưu chẳng hạn...Bây giờ con và  Bá ở Ngưu Gia Thôn thì chúng ta là người trong cảnh giới của Ngưu Gia Thôn là đúng rồi


  • - - Thật là không uổng công ta đưa con đến nơi này. Con rất có căn cơ để thấu ngộ ý chỉ Mộng Trung Thuyết Mộng của Yên Tử Tam Tổ.

     
      
    Hai Bá cháu vừa đi vừa trò chuyện, chẳng mấy chốc đã đến khu vục lôi đài của Lâm Phụng Bảo.

    Quần hùng đã tụ hội về đây đầy đủ, từ những bang hội mới quật khởi gần đây, cho đến những võ phái lừng danh có một lịch sử lâu đời như Thiếu Lâm, Nga Mi, Võ Đang, Cái Bang Không Động...cũng đều có mặt.  Kể cả những bang phái nhỏ từ miền duyên hải như phái Hải Sa, Cự Kình Bang, Thiên Ngư bang cho đến Thập Nhị Lộ anh hùng của Động Đình Hồ, Ngũ Gia Thái Bảo ở Giang Nam  cho đến một vài hiệp sĩ độc hành  nổi danh trên giang hồ cũng đều về dự.
        
    Tất cả đều tề tựu  theo  theo vị trí thứ lớp địa vị giang hồ đâu ra đấy rất qui củ. Chứng tỏ uy danh của bảo chủ Lâm Phụng Nguyên đích thực là một minh chủ tài ba.

       
    Lôi đài để hiện thị Bảo Điển với quần hùng  dựng trên một gò đất cao.  Ngồi giữa ghế chủ tọa là Bảo Chủ Lâm Phụng Nguyên đương kim minh chủ võ lâm. Phía bên trái là 2 vị phó minh chủ. Một vị là chưởng môn phái  Côn Luân Hà Thúc Vĩ. Một vị nữa là Đại hiệp Lý Gia Hàm  Động chủ của Thập Nhị lộ Động Đình Hồ. Phía bên hữu là Huyết Y Nhân quái khách của Lâm Phụng Bảo  có hai thị nữ theo hầu.

       
    Phía trước mặt Bảo Chủ là một cái bàn phủ nhiểu đỏ, trên đó để một cái tráp gổ sơn son thiếp vàng, khách chạm rất tinh vi, cái tráp không lớn lắm chỉ  nhỉnh to hơn cuốn Từ Điển Bách Khoa Toàn Thư chút đỉnh mà thôi

       
    Lão ăn mày dắt cu Tèo lẫn vào đám dân làng đứng bao xung quanh xem náo nhiệt, chứ không  dứng về phía khách giang hồ. Vì lão và cu Tèo không thuộc về một lộ anh hùng nào hết. Cu Tèo bị lão ăn mày nắm chặt tay giử lại sát bên mình, nhưng lòng dạ nó không yên, cứ nhớn nhao nhớn nháo dõi tìm mấy người quên bữa trước. hắn thấy Quách Thiếu Hoa và Ông Ngoại ngồi trong đám giang hồ danh môn chánh phái. Mấy lần cu Tèo đưa tay vẫy vẫy mà Quách Thiếu Hoa không để ý. Cu  Tèo bụng bảo dạ, „Đúnh là người trong mộng dễ quên nhau thật"

       
    Khi tất cả đã yên vị. Lâm bảo Chủ đứng ra trịnh trọng tuyên bố:

    • -- Thưa quí vị đồng đạo võ lâm. Xưa nay ai cũng biết Quì Hoa Bảo Điển là một báu vật trong nhân gian. Cách đây mấy trăm năm về trước. Nghe nói Bảo Điển đã gây nên một cuộc can qua trong giang hồ, làm cho giang hồ náo loạn, máu chảy thịt rơi, chém giết lẫn nhau không ngừng. Qua một thời gian tranh chấp, giang hồ li loạn, xác chết ngập đường, nhưng vẫn không có ai biết Quì Hoa Bảo Điển là cái gì, mặt mũi nó ra làm sao?. Và sự thật là có một Quì Hoa Bảo Điển tồn tại hay không?. Điều đó cũng không một vị anh hùng nào từ cổ chí kim lý giải được. Quí vị luyện tập võ nghệ cho rằng Quì Hoa Bảo Điển là một bí kíp võ công thượng thừa, đúc kết tinh hoa võ thuật của các vị kỳ nhân dị sĩ thời xưa để lại. Quí vị luyện thuật trường sinh theo Đạo Giáo thì cho đó là một bí cấp luyện thuốc trường sinh bất tử . Nhà Chùa thì cho rằng đó là một cuốn Mật Kinh, dùng để tịnh tâm diệt dục. Các nhà sưu tầm vũ khí thì cho đó là một thứ vũ khí lợi haị vô song, có thể rút ra là khống chế được trăm ngàn cao thủ. Một vài vị tao nhân mặc khách thì cho đó là một nhạc phổ hiếm có trên thế gian, có thể tấu được trên đủ các loại nhạc cụ khác nhau như cầm tiêu phách cổ, nhạc phổ đó mỗi khi tấu lên thì mây ngưng gió lặng, đất trời rực rỡ hào quang, và đây đó tiên nữ sẽ về tụ hội múa ca theo tiếng nhạc. Có vị thì cho rằng Bảo Điển là một tấm đồ chỉ nơi chứa một kho tàng bí mật. Nhiều vị Y gia thì cho Bảo Điển là một bài thuốc cải tử hoàn sinh chữa được bách bệnh. Nói tóm lại cứ mạnh ai thì nghĩ, cứ ước đoán thế, nên cuối cùng Quì Hoa Bảo Điển trở thành một vật bí hiểm khôn lường. Không dấu gì quí vị, như Lâm mổ đây gốc gác ở Giang Đông là hậu duệ của Đại hiệp Lâm Viễn Đồ lừng lẫy năm xưa. Vì nghe đồn rằng Quì Hoa Bảo Điển đã từng xuất hiện, và mất dấu ở Ngưu Gia Thôn, nên di cư đến đây lập nên Lâm Gia Bảo để thăm dò tông tích của Bảo Điển. Lâm mổ thăm dò mấy chục năm rồi mà vẫn cũng không biết thực hư ra sao. Cho đến tháng trước có một người khách từ phương xa đến thăm, và dâng lên một vật nói đó là chính là Quì Hoa Bảo Điển. Tại hạ thoạt đầu không tin, nhưng khi nghe người khách đó nói. Muốn biết Bảo Điển thực hư như thế nào thì phải tự mình nhìn mới biết. Mà muốn mở hộp ra để thực thị Bảo Điển thì phải đấu thắng người khách đó 10 chiêu. Quí vị có thể tưởng tượng ra nổi rắng, dù quí vị xuất xứ từ môn phái nào, luyện kỳ công gì, khi thi đấu với quí vị, người khách đó cũng dùng môn võ chính của quí vi để tiếp chiêu. Lâm mổ đã 3 lần đấu với vị dị khách này, nhưng cả ba lần đều thua ở chiêu thứ 9 bằng, mà lại thua với chính môn Long Phụng Trảo của Lâm mổ. Vì vậy đến bây giờ Lâm mổ vẫn chưa có dịp thị lãm Quì Hoa Bảo Điển..

       
    Lâm Bảo chủ nói đến đó thì có tiếng quần hùng la ó lên dữ dội. Có nhiều vị nói Lâm Bảo Chủ  bốc phét, làm gì có thứ võ công kỳ quái vậy, làm gì trên đời này có người biết được võ nghệ tinh thông của vạn nhà được. Lâm bảo Chủ thấy quần hùng la ó, đưa tay ra hiệu im lặng và nói tiếp:


  • -- Thưa quí vị, muốn biết rỏ thực hư ra sao xin mời quí vị cứ tự nhiên thử mới biết- nói đến đó Bảo Chủ đưa tay chỉ cái tráp và nói- Thưa quí vị đồng đạo đây là hộp đựng Quì Hoa Bảo Đìển, còn đây là Mộ Dung Phi tiên sinh, dị khách mà tôi vừa nói đến

     
        
    Bảo Chủ vừa giới thiệu với quần hùng di khách Huyết Y Nhân, thì có một bóng đen vụt  ra như tia chớp phóng lên lôi đài chộp vào cái tráp. Bóng đen chưa tới kịp bên tráp thì ự lên một tiếng và rơi bịch xuống đất. Mọi người ồ lên kinh hãi, không biết thủ pháp của ai mà ra tay nhanh lẹ và ác độc như vậy. Vì kẻ vừa phi thân lên cướp Bảo Điển đã tắt thở, mà máu từ  hai lỗ nhỏ nơi cuống họng vẫn không ngừng trào ra. Quần hùng nhìn kỹ thì ra kẻ vừa thọ nạn chính là Thánh Thủ Cổ Dực Vương, một đại đạo khét tiếng giang hồ. Xưa nay ai cũng biết Thánh Thủ Cổ Dực Vương là một tay đạo chích chưa bao giờ thất thủ, trên đời này hắn muốn cái gì là lấy cho bằng được. Có rất nhiều nhà cự phú, nhiều nhân sĩ giang hồ bị hắn cướp đồ mà không làm gì được, vì hắn không những võ công siêu phàm, mà thân pháp của hắn cực kỳ nhanh nhẹn và kỳ bí, lại chuyên ra tay ác độc. Nên ai cũng khiếp hãi hắn. Không ngờ Thánh Thủ hôm nay chưa kịp ra tay lại bị tắc tử, mà lại chết dưới ngọn Đoạt Mạng Huyết Chỉ của  chính hắn.

      
    Mộ Dung Phi thấy quần hùng kinh ngạc, mới từ từ đứng ra chấp tay nói:

    • - - Ai chưa đấu với tại hạ qua 10 hiệp mà đã mon men đến Bảo Điển đều phải chết như vậy.

      
    Mộ Dung Phi vừa nói xong, thì có một đại hắn tay cầm khoái đao nhảy lên lôi đài nói:

    • - - Tại hạ vô danh tiểu tốt, không lượng sức mình, xin thọ giáo tiên sinh mấy hiệp

      
    Một Dung Phi quay nhìn đại hán rồi bình thản nói,:


  • -- Người sử dụng khoái đao đi lại trên giang hồ không ít, nhưng cây khoái đao của các hạ bóng xanh như nước hồ, sát khí ngùn ngụt, xin hỏi có là có phải là cây Ngạc Đao mà năm xưa Độc hành Đại đạo họ Điền vẫn tung hoành ngạo thị Ngũ Nhạc đó không?

     
      
    Đại hán thoáng giật mình rồi coi như không có chuyện gì dương đao lên nói:

    • - - Tại hạ chỉ là khách giang hồ, háo kỳ muốn xem Bảo Điển là cái gì, nên mạo muội muốn lãnh giáo tiên sinh vài chiêu, có phải Ngạc Đao hay không không liên quan trong việc này

      
    Mộ Dung Phi cất giọng cười sang sảng nói:


  • -- Không có gì liên quan, nhưng tại hạ cũng muốn biết các hạ có phải truyền nhân của họ Điền hay không. Vì năm xưa có một Ni cô Nghi Lâm của phái Hằng Sơn bị họ Điền cưởng hiếp, sau mang bầu, đẻ được một đứa con trai, được lão Bất Giới Hoà Thượng cưu mang, và truyền lại mấy chiêu khoái đao của họ Điền. Hậu duệ của họ Điền xưa nay không dính đến chuyện giang hồ, mai danh ẩn tích nơi thôn dã, Không biết ngọn gió nào lại đưa Ngạc Đao đến đây, không lẽ cũng vì Bảo Điển chăng. Các hạ không muốn lộ thân thế cũng không sao. Nhưng để tỏ tấm lòng ngưỡng mộ đến bạn bè của Lệnh Hồ Đại Hiệp năm xưa, tại hạ cũng phải dùng khoái đao để tiếp chiêu với các hạ- Mộ Dung Phi quay sang tỳ nữ nói tiếp - Thảo Nhi lấy khoái đao cho ta...

     
      
    (Muốn biết trận kịch đấu của khoái đao ra sao, xin xem tiếp hồi thứ tư)





    (còn nữa)


  • <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.05.2009 07:43:15 bởi Quãng Nhẫn >
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9