tiếp....
4/Kết cấu xã hội trong đảng Cộng sản, cuộc vận động cách mạng của đảng cộng sản (Lịch sử đảng cộng sản Việt nam):
Khi chủ tịch Hồ chí Minh (Nguyễn tất Thành, Nguyễn ái Quốc…) truyền bá chủ nghĩa Mác Lênnin vào Việt nam thì phong trào Duy tân không còn mà biến tướng của nó là lớp trí thức thành thị thấm nhuần nền giáo dục Pháp học. Đội ngũ tuyên truyền của chủ nghĩa Marx, một số được đào tạo ở Liên xô, Trung quốc, một số do chính chủ tịch Hồ chí Minh dạy bảo, một số học được trong nhà trường của Pháp hoặc qua sách vở dịch từ Pháp ngữ, Hoa ngữ (Karl Marx được phiên âm theo cách người Hoa là Mã khắc Tư). Những đảng viên ban đầu chủ trương vô sản hóa để thâm nhập vào nhà máy hầm mỏ giác ngộ cách mạng cho công nhân. Một số khác về vùng nông thôn thâm nhập vào thành phần bần cố nông. Một số tìm đường phát triển trong lực lượng học sinh,sinh viên, trí thức. Dù đào tạo từ nguồn nào thì những đảng viên ban đầu là trí thức. Sau một thời gian vận động,giác ngộ thì có thêm các thành phần khác. Khi thống nhất ba đảng thì bộ phận miền Trung có nhiều đảng viên là trí thức (Tân Việt cách mạng đảng phát triển chủ yếu trong trí thức). Nhưng nhìn chung, yếu tố nông dân vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối.
Nhìn chung trong kết cấu lực lượng về ý thức xã hội, đảng có 3 thành phần chính
1/Thành phần có hoài bão, mơ ước về một dân tộc Việt nam là một khối thống nhất không phân biệt sắc dân, địa phương giai cấp, tôn giáo, tín ngưỡng, một Việt Nam độc lập, dân chủ, phú cường mà các giá trị nhân văn được bảo vệ và được loài người công nhận. Có thể phân thành 2 loai: ý thức công dân rõ ràng: Trí thức từ nước ngoài về tham gia kháng chiến: giáo sư Trần đại Nghĩa, tiến sĩ Trần đức Thảo…), trí thức thành thị có ý thức dân tộc như nhà giáo, cử nhân sử địa Võ nguyên Giáp các trí thức là nhà văn, nhà thơ nhà nghiên cứu Xuân Diệu, Huy Cận…mà điển hình là Phan Khôi và nhóm Nhân văn giai phẩm về sau. Thành phần này tin rằng khi cách mạng thành công thì không chỉ giải phóng được nhân dân khỏi áp bức bóc lột, đói nghèo mà nuớcViệt nam độc lập có một nền chính trị dân chủ, nhân dân Việt nam ở bất cứ đâu trên đất nước là một dân tộc thống nhất. (Một số thanh niên học sinh sinh viên thành thị miền Nam trong chỗ riêng tư đã chân tình nói: Hóa ra mình đi theo cách mạng là do các sách vở thời trước 1945, chủ yếu là Tự lục văn đoàn. Đó là lòng yêu nước (khởi đầu của ý thức dân tộc) tiểu tư sản như các nhà lý luận Mác xít nhận xét. Sau 1975 một số đảng viên lắc đầu :phong trào đô thị quả là phức tạp. Những người ấy giác ngộ chủ nghĩa Mác thì ít mà mang tâm tình, ý thức yêu nước tiểu tư sản tham gia cách mạng thì nhiều. Chính thành phần này khi có điều kiện sẽ mạnh lên đưa đảng Cộng sản đến gần với lợi ích dân tộc. (tìm đọc Các hồi ký của các nhân vật liên quan: Hồ chí Minh, Võ nguyên Giáp, Trần Độ, Tô Hoài, Hoàng Cầm…)
2/Thành phần thứ hai được rèn luyện chủ nghĩa rất bài bản, có ý thức đảng rất cao (tính đảng): tổng bí thư Trần Phú(học ở Liên xô) với khẩu hiệu nổi tiếng “trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ”. Khẩu hiệu khét tiếng đó một thời được cho là mang đậm màu sắc Mác xít. Xem xét kỹ thì bên trong cái vỏ Mác xít có cái ruột nông dân đói nghèo triền miên.
3/ Thành phần thứ ba đại bộ phận là nông dân nghèo ở nông thôn, thợ thuyền trong các nhà máy,công nhân hầm mỏ (công nhân nhà máy, hầm mỏ thuộc loại này vì tuy họ là công nhân nhưng tuyệt đại bộ phận gia đình họ lại sống ở nông thôn hoặc trong các khu ổ chuột ở các thành thị làm nhiều nghề mưu sinh khác nhau). Tuy đủ thành phần như thế nhưng nhìn chung bản chất vẫn là bần cố nông. Tạm xếp loại đảng viên này là thành phần mang đậm Ý thức làng (xã) - Trong đó lẫn lộn ý thức họ tộc, ý thức vùng miền…Cái vỏ bọc cho các loại ý thức đó là ý thức đảng (quan điểm, lập trường Mác xít, tính đảng). Trong cơ cấu tổ chức nhóm quyền lực chóp bu hiện nay cũng cho thấy đặc điểm vùng miền khá rõ. Có người nói: có lẽ trời sinh ra người Việt ba miền có ba khả năng khác nhau. (tìm đọc chương: Tầm văn hóa thấp của trào lưu Cộng sản trong tiểu luận Chia Tay Ý Thức Hệ - Hà sĩ Phu - Đà lạt Việt nam (tên thật, Nguyễn xuân Tụ, tiến sĩ ) trên một số web site.
Tôi không dùng từ giai cấp vì nhận định sau đây của học giả Nguyễn hiến Lê về giai cấp tôi cho là phù hợp với Việt nam. Ông viết:”… định nghĩa dưới đây trong Le 18 brumaire de Louis Napoléon-tức Napoléon III)(của Karl Marx), rõ ràng đầy đủ nhất (lược bỏ phần tiếng Pháp)…”Khi nào có nhiều triệu gia đình sống trong những điều kiện khiến cho từ lối sống đến quyền lợi, văn hoá của họ đều cách biệt với lối sống, quyền lợi, văn hóa của các giai cấp khác, và họ sinh ra tương phản, thù nghịch với những giai cấp khác đó, khi nào như vậy thì những gia đình đó họp thành một giai cấp. Khi nào chỉ có một sự đoàn kết tổng quát giữa các tiểu nông với nhau mà sự đồng quyền lợi của họ không tạo nên sự thống nhất, đoàn kết dân tộc, cũng không tạo nên một tổ chức chính trị,khi nào chỉ như vậy thì họ không thành một giai cấp”(tr.41-42)”. …Theo định nghĩa đó thì nông dân Việt nam từ xưa tới năm 1945 chưa bao giờ thành một giai cấp cả…Công nhân cũng vậy…chưa bao giờ thợ thuyền Việt chống tư bản Việt;các nhà tư bản Việt như Bạch thái Bưởi ở Bắc,Trương văn Bền ở Nam,nhỏ quá, đâu đã làm mưa làm gió gì được?”
Tôi cũng không thấy có thành phần nào tham gia cách mạng với ý thức dân tộc mạnh mẽ, rõ ràng(theo cách hiểu ý thức dân tộc là ý thức của người dân về cộng đồng người chung sống trên một lãnh thổ, bình đẳng và chia sẽ quyền làm chủ đất nước, mỗi chủ thể là công dân có quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm như nhau được pháp luật công nhận, bảo vệ, ý thức về một cộng đồng người trong một quốc gia có nhiều chủng tộc, nhiều tầng lớp, tín ngưỡng, tôn giáo là cùng một dân tộc). Người ta tham gia cuộc kháng chiến, có thể có hoài bảo, ước mơ về một dân tộc Việt nam thống nhất dân chủ độc lập phú cường (nhân tố biến thành ý thức dân tộc nếu có thêm các điều kiện cần có) và chỉ là hoài bảo, ước mơ thôi.
Theo định nghĩa sau đây: “Ý thức là: Hình thức cao của sự phản ánh của thực tại khách quan,hình thức mà chỉ riêng con người mới có. Ý thức con người là cơ năng của cái “khối vật chất đặc biệt phức tạp, mà người ta gọi là bộ óc con người”…Người ta quan niệm ý thức xã hội là toàn bộ những tư tưởng, lý luận và quan niệm xã hội phản ánh những điều kiện của sinh hoạt vật chất của xã hội và phương thức sản xuất của cải vật chất…Ý thức con người hình thành trong quá trình hoạt động xã hội trong sản xuất, nó là sản phẩm của sự phát triển xã hội…Sự xuất hiện của ý thức gắn liền với sự xuất hiện của ngôn ngữ; ý thức và ngôn ngữ đều ra đời cùng một lúc. Sự hình thành của ngôn ngữ đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự hình thành và phát triển của ý thức. Ngôn ngữ có âm thanh là một trong những lực lượng đã giúp cho con người phát triển ý thức và tư duy của mình…Vật chất, tồn tại là cái có trước so với ý thức; hiện tượng đó đã được chứng minh bằng sự việc là đến một giai đoạn phát triển nào đó của vật chất, của tự nhiên thì ý thức mới xuất hiện; bằng sự việc là những tư tưởng và lý luận cấu thành ý thức con người chỉ là sự phản ánh hoàn cảnh chung quanh vào bộ óc của con người; bằng sự việc là toàn bộ ý thức xã hội - tức là sinh hoạt tinh thần của xã hội – là do những điều kiện sinh hoạt vật chất, do phương thức sản xuất của cải vật chất quyết định. Sinh hoạt xã hội của con người quyết định ý thức xã hội của con người…Trong xã hội có giai cấp, ý thức xã hội của con người bao giờ cũng có tính giai cấp”. (Trích,từ Ý thức trang 344,Từ điển triết học,NXB Sự thật-Hà nội- 1957)
Định nghĩa trên còn có chỗ tranh luận (duy vật, duy tâm…) nhưng căn cứ vào đó để xem xét thì xã hội Việt nam cho đến nay chưa xuất hiện cái gọi là ý thức dân tộc vì “trong xã hội có giai cấp (có đấu tranh giai cấp như đảng khẳng định) ý thức xã hội của con người bao giờ cũng có tính giai cấp (ý thức giai cấp,trong khi ý thức dân tộc là ý thức về dân tộc thống nhất không quan tâm đến ai thì thuộc giai cấp nào). Nhưng vì xã hội Việt nam không có giai cấp như Marx nói vì vậy người Việt không có ý thức giai cấp (Mác xít). Các điều kiện khách quan cũng chưa có để người Việt có ý thức dân tộc. Hiện thực khách quan là gia đình, dòng họ,l àng xóm, vùng miền (sau này càng rõ, nói là do người pháp nhưng đã hình thành từ thời Lê Trịnh Nguyễn và đảng Cộng sản tiếp tục công nhận(củng cố, phát huy): Cơ cấu 3 kỳ (Bắc, Trung, Nam) trong liên bang Đông dương thuộc Pháp: Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, Lào, Cao Miên (Campuchia) và (tôi nhớ không rõ và cũng không còn tài liệu): Hoàng triều cương thổ (Tây nguyên ngày nay). Hiện thực đó tất yếu hình thành ý thức vùng miền (tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng). Người đảng viên Cộng sản tất yếu phải có ý thức vùng miền. Cựu thủ tướng Võ văn Kiệt yêu cầu bỏ yếu tố vùng miền (thư gửi BCH TW đảng, diễn đàn BBC), một số trí thức có thâm niên đảng cũng nói yếu tố làng xã vùng miền thực chất là độc tài, phân tán quyền lực (đưa đến rối loạn xã hội - tìm đọc bài nói chuyện của cố vấn kinh tế Lê đăng Doanh với BCT đảng CS Việt nam trên một số WEB site). Nếu điều ấy có thực thì nhu cầu thống nhất của dân tộc đã tác động đến cái vỏ ý thức đảng của một số đảng viên cộng sản.
Nếu xem xét cơ chế quyền lực triều đình phong kiến Trung quốc, Việt nam và quyền lực cai trị ở làng xã Việt nam thì thấy rõ đó là thứ quyền lực không đầu(không có nguyên thủ). Ở Trung Quốc từ Tần Hán qua Minh Thanh đến Cộng hòa nhân dân đều có điểm chung: Không rõ quyền lực tối cao nằm ở đâu. Lịch sử Trung hoa cho thấy thế lực hoạn quan, ngoại thích, vũ trang thường khuynh loát triều đình. Sử gọi đó là loạn ngoại thích, loạn hoạn quan, loạn biên trấn (tướng ngoài biên có nhiều quân, thường buộc vua làm theo ý mình). Việt nam cũng vậy. Từ Ngô, Lý, Trần cho đến Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam cũng chẳng thấy rõ ai là nguyên thủ quốc gia. Xét quyền lực ở làng xã Việt nam thì Lý trưởng đứng đầu nhưng lại có hội đồng kỳ mục bên cạnh. Đó là một thứ lãnh đạo tập thể mà thực quyền nằm trong tay các thế gia vọng tộc (truyện Chí Phèo của Nam Cao cho thấy rõ tình trạng quyền lực không đầu đó). Vua Trần thái Tông sợ Trần thủ Độ hơn con sợ cha, nghe nói sau này có vị chủ tịch cũng biết nể sợ các ủy viên. Người nông dân (người dân nói chung) phải làm gì trong tình thế đó? Để không bị chèn ép thì người dân làng (xã) phải tìm cách xếp hàng sau các thế lực. Một cái làng con con vài mươi nóc nhà cũng có đến mấy phe phái. ”Phép vua thua lệ làng” còn nói lên quan điểm của quyền lực: chỉ có làng, không có nước, “chờ mạ thì má đã sưng”, “kêu trời không thấu”, (Vụ chia nhau ruộng đất hiện nay ở đồng bằng sông Cửu long (do báo chi phát hiện) chứng minh quan điểm đó). Tình trạng quyền lực ở làng xã như vậy thì người dân yêu làng hay yêu nước, hay yêu cái thế lực mà mình đứng trong đó? có thể sinh ra ý thức quốc gia, dân tộc được không? (Phần này nói về nhận thức, ý thức không liên quan gì đến tình cảm yêu mến, nhớ nhung,quyến luyến nơi chôn nhau cắt rốn, quê nhà, mồ mả tổ tiên, bờ ao, khóm chuối, bến nước, chiều về, đêm trăng làng quê, cô thôn nữ, tình bạn ấu thơ V.V…mà ai cũng có. Đôi khi tình quê hương - nhớ làng quê được nâng lên thành lòng yêu nước). Khi nói:”Trên nói dưới không nghe” thì không nhất thiết là tất cả “dưới” đều không nghe “trên”. Vì lẽ “dưới”của ai thì chỉ nghe “trên” của mình thôi .Cũng như vậy, “không thể cách chức thuộc cấp” không phải là không thể, chỉ không thể với thuộc cấp của ai đó. Cuối cùng sẽ có một giải pháp “phải phép” cho các bên quyền lực để tạo lối ra êm đẹp đôi ba đường. Tham nhũng,làm bậy không trị được là vì vậy.
Thực chất là chính trị Á đông (có cả Nga ở trong đó) không có một học thuyết về quyền lực nhà nước hoàn chỉnh và luôn cải tiến (do tranh luận) cho phù hợp với sự tiến hóa của xã hội. Từ khi Khổng tử đưa ra học thuyết “thánh nhân trị nước do mệnh trời” từ trước Công nguyên thì mọi ông vua, mọi vị tổng bí thư đảng, các ông tổng thống đều là thánh nhân, thiên tử. Nguyên nhân là vì các xã hội ấy chưa bao giờ có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận cả. Các vụ án chính trị (oan sai) về ngôn luận, học thuật từ trước đến nay ở Trung quốc cũng như Việt nam đều xuất phát từ quan điểm “dị chí”. Dị chí là không nghĩ như vua (thực chất là thế lực có thực quyền, thực lợi đằng sau ông vua), không nói như đảng (có lẽ cũng vậy). Không nói không nghĩ như vua như đảng tất là phản động, chống vua chống đảng. Đó là truyền thống văn hóa Á đông, cái mà quyền lực hiện nay ở Trung quốc và Việt nam (Nga cũng vậy, Bắc Triều tiên còn tệ hơn nữa) viện ra để thực hiện đổi mới cà nhắc.N gày trước vua phán “dị chí” thì tru di tam tộc. Ngày nay đảng phán “diễn biến hòa bình” thì vô tù. Một xã hội không có hoạt động học thuật tự do thì văn minh tiến bộ thế nào được.
Học thuyết về quyền lực cai trị ở phương Tây nếu không có tự do tư tưởng thì cũng “đóng băng” như học thuyết quyền lực chính trị của Á đông. Có thứ học thuyết nào tồn tại đến hơn 2000 năm không đổi mà vẫn còn đúng? Học thuyết Mác Lênin thực chất là học thuyết về “tước đoạt”, phần nói về quyền lực cai trị thì rất hàm hồ. Quyền lực do giai cấp nắm giữ, đội tiên phong của giai cấp là đảng. Vậy quyền lực do đảng nắm giữ (tồng bí thư). Nhưng lại nói quyền lực cao nhất thuộc ban chấp hàng trung ương, tập thể lãnh đạo, đó là một thứ quốc hội của đảng. Bên cạnh lại có chính quyền có thêm một quốc hội của dân nữa (nhưng tuy hai mà là một). Hai quyền lực cai trị trong một quốc gia tất yếu sinh ra cục bộ, địa phương, bè phái, dòng họ, làng xã. Mô hình đó có gì khác với mô hình quyền lực làng xã? Có lý trưởng lại thêm hào mục (còn gọi là Kỳ mục, kỳ hào: những người giàu có, lớn tuổi ở làng) và các thế lực ngầm đằng sau. Xã hội sinh ra nhiều Chí Phèo là lẽ đương nhiên, rất tệ nếu Chí Phèo lại nắm quyền lực.
Nếu xét từ mối quan hệ ý thức – ngôn ngữ: “sự xuất hiện của ý thức gắn liền với sự xuất hiện của ngôn ngữ” (nói, viết) thì có thể nói ý thức dân tộc chỉ có thể sinh ra từ sau khi phong trào Duy tân-Đông kinh nghĩa thục ra đời (chưa đầy trăm năm tính từ 2005) sử dụng chữ quốc ngữ để dịch các sách về dân quyền, xã ước(Montesquieu,J.J.Rousseau…) từ tân thư của phong trào duy tân Trung quốc hoặc từ sách chữ Pháp (Ý thức dân tộc là từ Hán Việt). Vì xét thấy trong các sách sử, biện khảo quan trọng của Việt nam trong thời quân chủ chưa thấy từ đó xuất hiện( Đại nam nhất thống chí, Đại nam thực lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Lịch triều hiến chương loại chí, Vân đài loại ngữ…không có từ đó hoặc từ tương đương, vì không có ngôn ngữ viết ghi trong sách sử nên suy ra Người Việt trong chế độ quân chủ chuyên chính chưa có ý thức dân tộc). Ý thức dân tộc không phải là tình cảm dân tộc, tình đồng bào, lòng tự hào dân tộc,tự tôn dân tộc…Nhưng những thứ đó thêm một số định chế kháclại là tiền đề hình thành ý thức dân tộc thống nhất. Trong tiểu thuyết lịch sử Hoàng lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái - Nguyễn đức Vân, Kiều thu Hoạch dịch - NXB Văn học - 1987), sáng tác trong khoảng từ cuối Lê đầu Nguyễn mô tả tình hình đất nước cuối thế kỷ 18. Truyện có những đoạn đối đáp giữa vua tôi chúa Trịnh với vua Lê, Vua Lê với Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ cho thấy giới thống trị ngày đó không coi dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt nam là một, mà là nước An Nam, nước Tây sơn, nước Bắc hà, nước Nam hà.V.V. Cho đến nay cũng khó chứng minh được mọi công dân Việt nam đều có ý thức dân tộc mạnh mẽ .
Nếu định nghĩa ý thức là sản phẩm của tư duy trừu tượng, độc lập với hiện thực khách quan(duy tâm,duy lý) như tư duy trong môn toán cao cấp mà trong chế độ quân chủ chuyên chính người dân đã có ý thức dân tộc thì xảy ra hai tình huống: 1.có trong ý thức nhưng chưa bao giờ nói ra công khai với người khác hoặc ghi lại bằng chữ nghĩa trong một tài liệu. Như vậy ý thức đó là của một vài cá nhân chưa trở thành ý thức phổ quát, thành ý thức xã hội, 2. Đã nói ra và có ghi lại thì nhất định bị buộc tội khi quân phạm thượng, nhẹ thì lưu đày viễn xứ, nặng thì có hàng trăm, có thể là hàng ngàn người ra pháp trường. Đó là tội tru di tam tộc vì có dị chí, muốn tranh giành quyền làm chủ đất nước với ông vua, dòng họ chịu thiên mệnh (tất yếu lịch sử?) cai trị đất nước.
Khi chủ tịch Hồ chí Minh nói: ”Nước Việt nam là một, dân tộc Việt nam là một” thì chứng tỏ Ông có ý thức dân tộc nhưng không nhất thiết người Việt nam nào trong thời điểm đó cũng có ý thức dân tộc vì hiện thực xã hội chưa đủ yếu tố để hình thành ý thức dân tộc trong mỗi người dân. Ý thức làng (xã) và các loại ý thức dẫn xuất của nó vẫn là ý thức thống trị, phổ biến trong xã hội Việt nam ngày nay, đặc biệt rất rõ ràng, sâu sắc trong đảng Cộng sản Việt nam. Xét toàn bộ vấn đề, có một loại ý thức khác đang lớn mạnh trong xã hội đó là ý thức vô chính phủ do quyền lực không có nguyên thủ sinh ra, ngự trị trong đảng và ngoài xã hội. Càng chuyên chính thì càng vô chính phủ. Tôi nghĩ đảng cũng đã thấy ra như vậy. Nếu ngày nay có một cuộc nổi dậy nào đó tranh giành quyền lực với đảng Cộng sản bằng bạo lực và lật đổ thì đó vẫn là cuộc nổi dậy của nông dân mà tính chất của cuộc nổi dậy ấy là giống với tính chất của các cuộc nổi dậy (phong trào nông dân) trong lịch sử dân tộc Việt nam.
Món nợ nông dân. Ở giai đoạn đầu của cuộc vận động cách mạng,người Cộng sản nói gì với nông dân? Tổng bí thư đảng đầu tiên Trần Phú đưa ra khẩu hiệu hành động khét tiếng:”Trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ” làm nhiều người kinh hoảng nhưng khẩu hiệu đó có thể hiểu nôm na là: ”cướp của nhà giàu chia cho người nghèo”. Đó là khẩu hiệu mà các phong trào khởi nghĩa nông dân trước đó thường dùng và thực hiện. Từ loạn 12 sứ quân cho đến các cuộc nổi dậy về sau đều làm vậy cả. Sau nạn đói kinh khủng làm chết 2 triệu người ở miền Bắc năm 1945 thì phá kho thóc của Nhật,của nhà giàu, địa chủ chia cho người đói đã tập hợp được đông đảo người tham gia cách mạng. Lời hứa của đảng với nông dân là:”Cơm ăn, áo mặc,ruộng cày”.
Về cái gọi là bi kịch trí thức đi theo cách mạng. Sau 1954, nhiều trí thức đi theo cách mạng hoang mang vì chưa thấy đảng thực hiện dân chủ, tự do nên đã lên tiếng đòi tự do dân chủ. Phan Khôi viết trên Nhân văn giai phẩm:”Nhược bằng bắt mọi người viết phải viết theo một lối với mình,thì rồi đến một ngày kia, hàng trăm thứ hoa cúc đều phải nở ra cúc vạn thọ hết” (theo: “Trăm hoa đua nở trên đất Bắc”, NXB Mặt trận bảo vệ tự do văn hóa - Sài gòn - 1959). Nhóm Nhân văn giai phẩm(Phan Khôi, Trần Dần, Phùng quán, Hoàng Cầm…) bị trừng trị thẳng tay do tin lời của đảng về tự do dân chủ. Sau 1975 nhiều trí thức Sài gòn ra khu kháng chiến hoặc tham gia phong trào đô thị, kẻ phải ra nước ngoài, người bị khai trừ khỏi đảng cũng vì phát biểu cùng giọng với Phan Khôi. Những dẫn chứng đó đưa đến kết luận tất yếu là trí thức đi theo cách mạng Mác xít thường phải gánh chịu bi kịch (Liên xô, Đông Âu,Trung quốc đều như vậy cả). Có người mỉa mai những trí thức tham gia 2 cuộc kháng chiến: Các anh(chị) lựa chọn hay quá. Bi kịch của trí thức hay bi kịch của ai? Ghi chú: Đảng nói chỉ có trí thức tiểu tư sản, hữu khuynh, bị lung lạc, hông vững vàng thì mới bị “kỷ luật”, trí thức xã hội chủ nghĩa kiên định lập trường, quan điểm vẫn được trọng dụng. Như vậy những trí thức còn giữ các chức vụ trong đảng đều là trí thức có giác ngộ giai cấp, kiên định quan điểm lập trường cách mạng.
Cho đến tận thời điểm này,cuộc cách mạng của đảng đã giải quyết xong mục tiêu nào? Công bằng mà nói có một mục tiêu về cơ bản đã giải quyết được: Đói, áo mặc. Cái đói nghèo ngàn năm của người nông dân đã được thanh toán cơ bản về lượng (thiếu ăn nhưng hết đói?). Chỉ có mục tiêu đó thôi. Ba mươi năm đất nước thống nhất người nông dân mới hết đói về lượng cho thấy các mục tiêu cách mạng đặt ra là chưa giải quyết được. Có lẽ đảng còn muốn nhân dân hy sinh một thời gian nữa. Hy sinh bao lâu và với cách làm hiện nay thì có đến được độc lập - tự do - hạnh phúc không? Có thể giải thích là nhu cầu thời đại còn là miếng ăn manh áo, người nông dân đòi tự do dân chủ để làm gì khi ăn chưa no (lượng và chất), bệnh không có thuốc (một điều tra quốc tế mới đây cho thấy công bằng trong chăm sóc sức khỏe, Việt nam nằm nhóm dưới cùng). Bi kịch không phải là của trí thức, bi kịch lớn hơn là thuộc về nông dân, lực lượng đông đảo nhất đã hy sinh cho cuộc kháng chiến. Bi kịch ở chỗ nông dân còn nghèo mà nhiều đảng viên lại giàu lên kinh khủng (đỉnh và đáy cách nhau đến 13 bậc, tính bình quân, phấn đấu không còn hộ nghèo tức thu nhập bình quân đầu người đạt 3.000.000VND/năm, chưa bằng một tiệc nhậu nho nhỏ của các quan chức). Bi kịch ở chỗ nông dân bịnh còn thiếu thuốc, con cái bỏ học nửa chừng, vợ con phải bán thân nuôi miệng, còn phải làm tá điền cho những ông chủ đất kiểu mới mà đảng cứ một mực khẳng định cơ sở chính trị của đảng là liên minh công nông.Bi kịch của trí thức chỉ là hạt cát. Bi kịch của trí thức,của nông dân thực chất là bi kịch của cả dân tộc. Trong hoàn cảnh đó người nông dân Việt nam có ý thức gì?
Trước tình hình xã hội có sóng ngầm như vậy tất yếu quyền lực cai trị thi hành chính sách dân tuý (chủ nghĩa dân tuý: “Thể hệ tư tưởng tiểu tư sản duy tâm…Lênin đã định nghĩa chủ nghĩa dân túy như sau:”Nó đại biểu quyền lợi của những người sản xuất về phương diện họ là những người tiểu sản xuất,người tiểu tư sản”…Về cơ bản họ là nông dân cách mạng,kịch liệt phản đối bọn tự do;họ đi vào “dân chúng”(vì thế gọi là “dân tuý”)”.(Từ “dân túy (chủ nghĩa) trang 183,Từ điển triết học, NXB Sự thật-Hà nội-1957), mị dân. Chính trị dân túy thoạt nhìn thì hình như là dân chủ mà thực chất là độc tài chuyên chính. Chính sách công hữu về ruộng đất, công khai là để nhà nước điều tiết ruộng đất không để cho cường hào ác bá và người có tiền cướp không ruộng đất của nông dân là phương tiện chống đói nghèo của nông dân, rất hay, nhưng thực chất là xác nhận quyền không được làm chủ ruộng đất của nông dân. Quyền tư hữu tài sản (cốt lõi là tư liệu sản xuất) là cơ sở hình thành ý thức làm chủ xã hội.Có làm ông chủ (tài sản, tư liệu sản xuất) thì mới có ý thức làm chủ. Không có ý thức làm chủ thì người nông dân vẫn cứ là tá điền cho các ông chủ. Những ông chủ thực đang bốc lột sức lao nông dân tá điền hiện nay là ai?
Khẩu hiệu tập hợp nông dân cho cuộc cách mạng là”người cày có ruộng cày” vẫn chưa thành hiện thực. Đó là món nợ người cày có ruộng. Một chính sách ruộng đất dân chủ thì phải khẳng định rõ: Người nông dân (người dân nói chung) có quyền tư hữu ruộng dất. Đó cũng là chính sách gắn nông dân với ruộng đất, là chính sách nông nghiệp phát triển bền vững cũng là chính sách bảo vệ môi trường tốt nhất. Khi người ta làm chủ có cơ sở bảo đảm thì người ta mới làm chủ các vấn đề liên quan đến cơ sở đó. Chính sách ruộng đất công hữu, không xác định rõ ông chủ cụ thể sẽ hình thành ý thức làm ăn chụp giựt, kiểu ăn xổi ở thì. Cứ như vậy Việt nam không có được nền sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Suy rộng ra là Việt Nam không thể phát triển bền vững nếu không xác định quyền tư hữu tài sản rõ ràng, trước hết ruộng đất phải là tài sản tư của nông dân. Công thức làm chủ: “đảng lãnh đạo,nhân dân làm chủ,nhà nước quản lý” nói quyền làm chủ đất nước là thuộc về nhân dân nhưng thực chất là trên đầu ông chủ này còn có ông chủ khác (đảng lãnh đạo), ông chủ này trong thực tế là “đầy tớ” của ông chủ lớn hơn. Không thể có hai ông chủ cùng lúc cho mọi đối tượng. Ông chủ có thực quyền loại ông chủ danh nghĩa ra khỏi ghế ông chủ. Đảng viên,cán bộ loại nông dân ra khỏi ruộng đất là lẽ tất yếu. Đấy chỉ là một dẫn chứng “dân tuý” nằm ở chỗ nào từ vị trí người nông dân. Ở những vị trí khác mà nhìn thì màu sắc “dân tuý” cũng cùng một kiểu.
Khái quát là đảng Cộng sản Việt nam còn mắc nợ nhân dân (cả người sống lẫn người chết) món nợ dân chủ. Khi người dân thấy trên đầu còn có ông chủ khác thì nhất định không thể sinh ra ý thức dân chủ, ý thức dân tộc, độc lập, thống nhất.
Các mô hình, khái niệm: kinh tế thị trường tự do, quyền tư hữu tài sản, dân quyền,nhân quyền, ý thức dân tộc, dân chủ đại nghị, quyền dân sự,phổ thông đầu phiếu, quyền tự do v.v…gộp chung lại ta có cái gọi là văn minh phương Tây. Văn minh phương Tây có tên gọi khác là văn minh Thiên chúa giáo. Nền văn minh ấy làm cho phương Tây giàu lên, xã hội công bằng, văn minh. Công cuộc đổi mới lần thứ hai (duy tân, Âu hóa) như vậy không chỉ là trách nhiệm của đảng Cộng sản Việt nam mà chính là trách nhiệm của tất cả các bên cấu thành nền văn minh làng xã (Có những tên gọi khác: truyền thống dân tộc, bản sắc dân tộc) và nhất định phải loại bỏ những yếu tố bảo thủ, cố chấp, xích xiềng trong cái gọi là bản sắc dân tộc (ý thức làng xã và các dẫn xuất của thứ ý thức ấy). Có người lo ngại cải tiến văn minh làng (xã) thì lấy gì chống ngoại xâm. Đó là lo âu có cơ sở,vậy ngày nay ngoại xâm từ đâu đến, làm gì để chống ngoại xâm? Chỉ có một nền chính trị dân chủ thực sự mới huy động được sức mạng toàn xã hội tham gia công cuộc Âu hóa. Vì chỉ trong một nền chính trị dân chủ thực sự thì ý thức dân tộc mới phát sinh. Mỗi người dânViệt nam có ý thức dân tộc mạnh mẽ thì đất nước mới thật sự thống nhất ,mới có sức mạnh tổng hợp. Đoàn kết dân tộc trong một đất nước còn nặng ý thức làng xã, vùng miền, họ tộc thì chỉ là khẩu hiệu mị dân (dân túy). Đổi mới với ý thức dân tộc mạnh mẽ chính là cuộc cách mạng mà nhân dân, đất nước Việt nam cần có.
-------
Tài liệu đọc thêm: bộ 3 cuốn: 1. Cú sốc tương lai, 2.Thăng trầm quyền lực 3. Làn sóng thứ 3 của nhà tương lai học người Mỹ Alvin Toffler. Hai cuốn trên do nhà xuất bản Thông tin lý luận, Hà nội dịch ấn hành, cuốn sau là tài liệu lưu hành nội bộ.
-----------------------------------------------------------------------
Nam, TP. HCM
Bài của bạn Trần Minh Thảo và bạn Minh đều hay và thú vị, thể hiện sự quá trình dày công nghiên cứu. Hy vọng BBC tiếp tục cho ra mắt những bài như vậy. Theo tôi hiểu, quan điểm của hai bạn khác nhau: bạn Thảo cho rằng tính làng xã là vấn nạn, cần dẹp bỏ. Bạn Minh cho rằng tính làng xã là cái hay (vì nó duy trì đạo đức), cần duy trì, thậm chí khuyến khích. Các hoạt động rầm rộ hiện nay như lập hội đồng hương, nhà thờ họ, xây lăng Âu Cơ cạnh đền Hùng, v.v. cho thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam đang đi con đường bạn Minh chọn.
Cái mà bạn Thảo cho là tốt, thì đáng tiếc lại là những kinh nghiệm thất bại của Duy tân, Tự lực văn đoàn, và xa hơn nữa là của Hồ Quý Ly. Vậy có thể nói rằng, văn hoá làng xã, dù tốt hay xấu, là một thực tế, ! cần công nhận. Cái mình cần là "dụng nhân như dụng mộc" - làm sao sử dụng tính làng xã để xây dựng đất nước. Ở Trung quốc có phong trào xây dựng xí nghiệp hương trấn, ở Đài Loan có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Đấy cũng là cách để ta học tập.
Có những điểm xấu của tính cục bộ, làng xã cần loại bỏ, thì theo tôi tốt nhất nên bỏ mục "quê quán" ở bất kỳ bản sơ yếu lý lịch, Chứng minh nhân dân hay hộ khẩu đi. Đó là mầm mống của sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Khi đó, tất cả chúng ta đều là người Việt Nam.
Minh, Việt Nam
Bây giờ trời đã về khuya. Bài viết quá dài và mang tính tham khảo nặng về tư liệu do đó không biết đóng góp hay trao đổi gì vì không thể nắm bắt trọn nội dung không hiểu tất cả những gì Minh Thảo trình bày. Bây giờ tôi chỉ xin cô đọng những ý kiến của tôi mà thôi. Theo tôi không phải chỉ khi người phương tây vào người Việt mới biết kinh doanh. Cứ lấy Hà Nội làm thí dụ: Vào thế kỷ thứ 13 mảnh đất mà bây giờ gọi là Hà-Nội đã là nơi buôn bán sầm uất sau đó trở thành 36 phố phường với một lối kinh doanh rất văn minh trật tự gồm các hàng như Hàng bạc, hàng đào, hàng thiếc, hàng mã... Vào thế kỷ thứ 17 trên đà mở cửa bang giao với nước ngòai tính thương mại của khu phố này càng định hình hơn. Kiến trúc nhà ống hẹp bề ngang nhưng lại rất dài là kết quả một phần của đặc tính thương mại vì lúc đó người ta cứ theo bề rộng mà đánh thuế. Đình làng tượng trưng cho nền văn minh làng xã phát triển ở mức độ dân chủ và tự trị tương đối. Thời Lý trần không thể gọi là làng xã. Lúc đó chỉ là trang-thái ấp với quan hệ quý tộc nông nô (giống bên Châu âu). Quần cư làng xã rõ nét vào thời nhà Lê với quan hệ địa chủ nông nô (giống bên Mỹ thời lập quốc). Đình làng là nơi diễn ra những hoạt động của dân làng, văn minh cũng như hủ lậu. Từ họp việc làng, xử kiện, phạt kẻ trộm, kẻ ngoại tình... Ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời gian nào cũng có những trì trệ và hủ lậu và thường những điều này là những cái bia cho người ta nhắm vào mà đả phá. Phá thì dễ nhưng xây cái mới thì khó.
Theo tôi "đình làng" ở VN giống một dạng gọi là Meeting house của nông dân Mỹ thế kỷ 19. Đó là trụ sở hành chánh ở cấp thấp nhất. Có chăng là nước Mỹ có những nhà lãnh đạo có tài năng và nhiệt huyết. Meeting house là nơi mà những nông dân sau một ngày làm việc mệt nhọc đã hội họp để nghe và cổ vũ cho người lãnh đạo địa phương nơi họ ở. Những người này sau đó là đảng viên của đảng Bình dân (populists). Cuộc bầu cử năm 1890 đã đưa đảng này lên nắm quyền ở 12 bang phía nam và tây Hoa Kỳ dẫn đến những cuộc cải cách về tiền tệ, lập ra cả một hệ thống Quốc trái phục vụ cho nông dân, đưa đến sự kiểm soát công cộng sở xe lửa cũng như chia từng bực thuế lợi tức... Số phận của một quốc gia tuỳ thuộc vào nền học vấn của người dân nước đó. Cái lỗi không phải vì hủ tục, vì lệ làng vì người nông dân không có học. Lỗi ấy ở những người có học mà không có hành. Văn hoá là những giá trị chắt lọc qua nhiều đời. Thấm nhuần giá trị đó con người sẽ phù thực được cương thường,chấn chỉnh được phong hoá, bảo tồn được quốc thể, duy trì được thế đạo nhân tâm. Nếu không biết giá trị văn hoá nước mình không hiểu mình thì làm sao hiểu người? Từ trước tới giờ có biết bao người trí thức muốn canh tân thế sao VN vẫn chìm trong đói nghèo lạc hậu? Họ đem cái mới từ ngoài vào nhưng lại không hiểu và trân trọng những giá trị văn hoá cơ bản của ông cha nếu không nói là làm sụp đổ mọi giá trị cũ.
Những thứ chủ nghĩa như cộng sản, quốc gia, tự do, dân chủ đã trở nên nháo nhào ở VN và làm cho dân tộc chúng ta điêu đứng bao phen. Trong cuốn "Pour le comprehension de l'Indochine" Henry Bernard Maitre nhận xét về văn miếu như sau: Đó là loại đền thờ duy nhất trên thế giới vì không phải để cầu kinh, làm bùa phép "temple unique au monde ni prière ni magic" nhưng để ghi ân tổ tiên để khắc cốt minh tâm học đạo làm người. Văn hoá VN nằm trong vùng ảnh hưởng Tam Giáo mở rộng từ Tibet đến Tích lan từ sông Gange đến Nhật Bản. Vậy mà các nhà lãnh đạo VN hình như đã không hấp thụ được tính tương dung của Tam giáo thì phải? Nếu Các mác sống lại và tôi có dịp nói với ông thì tôi sẽ nói như sau:N ếu ông lấy phương pháp khoa học mà thuyết minh tình hình kinh tế cho rằng chế độ của XH cùng tất cả những cái thuộc về tinh thần là theo sự phát đạt của vật chất thì tôi lại nói ngược lại là bản thể của tự nhiên là tinh thần mà hiện tượng của vật chất cũng chỉ là tác dụng của tinh thần. Nếu ông không tin thì cứ nhìn vào nước VN của tôi nơi các đệ tử của ông đã ra sức biến cái thuyết mà ông đã lao lực để tìm ra (phát sinh từ tình thương bao la của ông với giới lao động bị áp bức) thành một con quái vật làm điêu đứng dân tộc tôi hàng bao nhiêu năm qua. Ông biết tại sao không? Vì họ chưa học làm người mà đã đòi làm lãnh đạo. Chính họ đã chứng minh cho ông thấy sự sa đoạ về tinh thần của con người sẽ nguy hiểm cho nhân loại và xã hội đến mức nào, Tinh thần đạo đức là trên hết bởi nếu không thế thì: Đạo lớn, người làm nó ra nhỏ, Đạo công người biến nó ra tư, Đạo rộng người làm ra nó hẹp (Lục Cưu Uyên).
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2005/05/050504_tranminhthao.shtml