18 Tháng 12 2005 - Cập nhật 22h01 GMT
Đi học ở Anh Tôn Thất Tuấn
Chuyên gia phân tích điện toán UBS viết cho BBC
Tôn Thất Tuấn và bạn gái trong chuyến thăm Việt Nam đầu năm nay
Tôi đến Luân Đôn vào khoảng tháng một năm 1989. Sau hai tháng ở Sài Gòn nhộn nhịp chuẩn bị Tết, cái Tết đầu tiên ở Luân Đôn thật là buồn và vô vị.
Sau gần hai tháng ở nhà coi phim Hollywood, Hong Kong mà ở Việt Nam không được coi, ba chị em chúng tôi được nhận vào trường học.
Bản thân tôi đi học trường Catholic School ở Maida Vale (London), học năm nhứ nhất của bậc phổ thông cơ sở GCSEs.
Những ngày đầu ở trường học mới, tôi như một người câm và điếc mặc dù đã học tiếng Anh ở Việt Nam được bốn năm.
Những gì học ở VN chỉ giúp tôi đọc được một chút, còn phát âm thì không ai hiểu nổi.
Nhưng ngược lại, những môn kỹ thuật như Toán, Lý, Hóa thì tôi vượt bậc các bạn trong lớp.
Điều này làm cho thầy giáo và bạn bè coi trọng tôi hơn và đồng thời cũng tội nghiệp cho tôi nên người ta thật tình giúp đỡ và làm thân, bày cho tôi cách phát âm và những câu đầu tiên bạn bè bày là những câu chửi thề tiếng Anh!
Trường 'tai tiếng' Sau đó Ba tôi cũng cố gắng cho tôi vô học lớp tiếng Anh sau giờ học ở trường, mỗi tuần hai bữa do cô giáo người Anh dạy.
Lớp học có khoảng 12 người lớn từ khắp mọi quốc gia và tôi là người nhỏ nhất, 15 tuổi.
Trường St George's Catholic School sau này trở nên tai tiếng với vụ ông Hiệu trưởng Phillips Lawrence can thiệp khi học sinh đánh nhau nhưng chính ông bị học sinh đâm chết. Cô giáo khuyến khích tôi nói và phát âm thật to, sai cũng không sao để cô sửa. Khoảng hơn một năm sau, tôi không còn học lớp tiếng Anh nữa và cũng lên năm thứ hai của GCSE.
Noel 1990 là lần thi thử, tôi rụng như sung. Thế rồi không hiểu sao đó tiếng Anh của tôi vượt bậc.
Cũng vào lúc đó tôi bắt đầu học đuổi các môn khác, học suốt 13-14 tiếng một ngày để theo kịp các môn học chỉ dựa vào bài kiểm tra như tiếng Anh và Văn học Anh.
Thật ra thì lúc ở Việt Nam, Văn là môn mà tôi giỏi nhất cho nên đối với tôi, chuyện phân tích những tác phẩm văn học của Charles Dickens, William Shakespeare không khó.
Cũng lúc đó những môn như Toán, Lý, Hóa và Sinh của tôi đều vượt trình độ của học sinh bên này cho nên tới mùa thi GCSE cuối cùng năm 1990 tôi đậu được chín môn trong đó có sáu môn hạng C đó là tiếng Anh, Văn học Anh, Toán, Lý, Sinh và Hóa học.
Cũng phải nói thêm trường tôi học rất tệ, tệ đến nỗi điểm thấp như vậy tôi vẫn xếp thứ hai trong trường và là một trong sáu trong số 100 học sinh tiếp tục học lên A Levels.
Trường St George's Catholic School sau này trở nên tai tiếng với vụ ông Hiệu trưởng Phillips Lawrence can thiệp khi học sinh đánh nhau nhưng chính ông bị học sinh đâm chết (8 tháng mười hai 1995).
''Không sợ nữa'' Sau GCSE đến lượt A Levels. Phải thú thực lúc ấy tôi vẫn còn có vấn đề về tiếng Anh cho nên đôi lúc vẫn không hiểu hết bài giảng.
Tôn Thất Tuấn nói anh đã cố vượt lên nỗi sợ khi còn đi học
Hai năm sau, A Levels cũng xong và Đại học Imperial nhận tôi vô mặc dù điểm A Level không cao lắm (B, C, D cho các môn Máy tính, Toán và Lý).
Thời gian này cũng là lúc tôi bắt đầu quen biết người Việt ở Luân Đôn qua các sinh hoạt cộng đồng.
Tôi còn nhớ năm đầu ở Đại học thật là rụt rè.
Trước khi đưa tay lên hỏi câu hỏi thì tim tôi đập thình thịch.
Hay làm presentation thì tôi thật là mắc cỡ, nói không ra lời.
Nhưng cũng may lần làm presentation thứ hai, thôi thấy thích và từ đó nói với mình rằng ''không sợ nữa'' và nên đương đầu với cái sợ.
Từ đó trở đi tôi vẫn run khi nói chuyện trước đám đông, nhưng tôi lại càng thích làm nữa để rồi quên đi.
Chính cái ý chí mạnh mẽ mà tôi tự tập cho mình đã giúp tôi vượt qua được những khó khăn khi đi học và sau này khi đi làm và trong cuộc sống.
Lúc đầu tôi đăng ký học lấy bằng Đại học ngành Khoa học và Cơ khí, học xong năm thứ hai vẫn chưa biết mình sẽ làm gì nên tôi đổi qua bằng Thạc sỹ, có nghĩa là phải học thêm một năm so với bằng Đại học chỉ ba năm.
Bằng Thạc sỹ cho tôi những kiến thức về kế toán, kinh tế, quản lý mà tôi rất thích.
Và khóa học Thạc sỹ cũng cho tôi cơ hội đi làm thực tập ba tháng ở Lyon, Pháp.
Đây là lần đầu tiên tôi được đi nước ngoài từ khi tới Anh.
Vì đã trải qua giai đoạn thích nghi từ khi tới Anh cho nên tôi sống ở Lyon cũng ổn.
Thời gian ở một mình ở Lyon tuy buồn nhưng lúc nào tôi nhìn lại cũng thấy đó là một thời gian và kinh nghiệm qúy báu.
Lấy xong bằng Thạc sỹ, tôi vẫn chưa muốn đi làm, có lẽ là chưa biết mình muốn làm gì hay là vẫn sợ ra ngoài đời.
Hay là trong suốt quãng đời học của tôi, tôi đã quen với cuộc sống sinh viên.
Thế là tôi tới làm tiến sỹ ngành dược phẩm ở Đại học Queen Mary and Westfield College.
Vì được học bổng £8.000 một năm, cộng thêm tiền dạy học, chấm bài, coi thi, tôi sống cũng thoải mái và có dịp về Việt Nam lần đầu và đi du lịch những nước khác nữa.
Làm thêm Hè năm 1990 là lần đầu tiên tôi được đi làm ở Pizza Hut, lương chỉ có gần £3 một giờ.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên được khách thưởng 50 xu vì phục vụ tốt.
Kinh nghiệm làm việc cũng hữu ích, nhất là nghề hầu bàn tại vì nó dạy cho mình cách tổ chức, đa nhiệm vụ.
Là người Việt Nam, tôi làm việc rất siêng và tận tình, được bầu làm ''Employee of the Month'' - ''Nhân viên trong tháng''!
Kinh nghiệm làm việc cũng hữu ích, nhất là nghề hầu bàn tại vì nó dạy cho mình cách tổ chức, đa nhiệm vụ.
Vừa phải nhận đơn đặt hàng của bàn này, đem nước cho bàn khác, dọn bàn mới cho khách mới tới vv...
Cộng thêm là những người khác mình gặp và nói chuyện, những người bạn làm chung với mình sau này trở thành luật sư, nhà giáo, nhân viên ngân hàng.
Lúc đó tôi không nghĩ gì xa. Chỉ nghĩ tới vị quản lý ở đó lương được £15.000 một năm là thấy ghê lắm rồi.
Nhìn lại, kinh nghiệm hầu bàn của Pizza Hut dạy cho tôi rất nhiều về con người, xã hội và nó giúp cho tôi rất nhiều sau này.
Những bài học Sau ba năm học xong Tiến sỹ ởĐại học Queen Mary and Westfield College , tôi bắt đầu đi làm trong ngành IT, bây giờ là Business Analyst của ngân hàng đầu tư UBS.
Hiện tôi đang viết một bài về kinh nghiệm làm việc ở nước Anh và hy vọng có thể chuyển tới quý vị trong năm mới.
Nhưng để kết thúc bài viết này, tôi xin chia sẻ một số bài học mà tôi đã tự rút ra cho bản thân.
1. Người Việt Nam vốn có kiến thức về các môn kỹ thuật hơn học sinh bản xứ, cộng với sự siêng năng và khả năng học hỏi cho nên chúng ta có thể vượt qua khó khăn lúc ban đầu. Công thêm vào đó là tính thật thà và hiền hậu của chúng ta sẽ làm cho thầy giáo và bạn học thật lòng giúp đỡ mình hơn.
Cũng nói thêm là trong khoảng thời gian đầu tôi không có bạn bè người Việt cho nên có thể dành 100% thì giờ thực tập tiếng Anh. Bởi vậy mới nói ''trong cái xui có cái hên''.
2. Quãng đường học vấn của tôi như là lội nước qua sông mà không bao giờ dừng lại hỏi mình có nên đi đường khác không. Lý do có thể là lớp đi trước không biết các ngành nghề, hệ thống học và làm bên Anh nên không khuyên nhủ mình được.
Quãng đường học vấn của tôi như là lội nước qua sông mà không bao giờ dừng lại hỏi mình có nên đi đường khác không.
Mà cũng có thể là mình không bao giờ có ý định hay là biết đi kiếm người để hỏi.
Chúng ta học các ngành kỹ sư hay kỹ thuật vì chúng ta chỉ giỏi những ngành này thôi.
Nhưng mỗi nước mỗi khác, ví dụ kỹ sư vật liệu ở Mỹ được trọng dụng, ở Anh lại không.
3. Ngoại trừ những ngành kỹ thuật, có những ngành mà theo truyền thống người thiểu số không vào như ngân hàng đầu tư, bảo hiểm, luật. Nếu chúng ta giỏi toán không có nghĩa là chỉ học toán. Nếu hết hợp toán và tài chính sẽ trở thành phân tích gia, một ngành thử thách và được đền đáp xứng đáng.
4. Sự hài lòng trong công việc không chỉ là tiền bạc. Khi đi học chúng ta nên lấy lời khuyên của người đi trước. Không nhất thiết học ngành gì phải đi làm ngành đó.
5. Trong lúc học chúng ta nên cố gắng phát triển những kỹ năng khác về con người như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nói chuyện trước đám đông, vv..
Sau này đi làm bạn sẽ thấy sự nổi trội kỹ thuật chỉ là một nửa của thành công. 6. Đừng ngại việc khó, chẳng hạn phải đi làm thêm tại các nhà hàng. Miễn sao cái khó đó chỉ là ngắn hạn để nó làm mình mạnh hơn, biết cách tổ chức để sau này có thể làm nhiều việc một lúc.
------------------------------------------------------------------------
BBC hoan nghênh ý kiến nhận xét của qúy vị về bài viết này hoặc những kinh nghiệm ở xứ người mà qúy vị có thể chia sẻ với BBC. Xin dùng hộp thoại bên tay phải để liên hệ
Trả lời của anh Tôn Thất Tuấn cho thính giả Tuan Nguyen Sự nhận xét của Tuan Nguyen rất tinh tế. Từ tháng 12 cho tới tháng 5 năm sau, tiếng Anh của tôi vượt bậc với 2 lý do: học thêm buổi tối và được thầy kèm thêm sau giờ học (người thầy tử tế Mr Bill Boardman sau này trở thành người bạn gia đình).
Trong thời gian này tôi học rất nhiều, làm nhiều coursework để bù lại những ngày trước, ví dụ như học sinh học GCSEs và làm bài cho môn Anh Văn trong 2 năm (điểm đậu là 100% coursework bao gồm 20 essays), tôi thì viết 20 bài essays trong vòng 3-4 tháng.
Còn những môn học khác như Toán, Lý, Hóa, Sinh thì trình độ học ở VN cao hơn bên này cho nên một khi tiếng Anh khá lên rồi thì học bài và làm thi được hơn; còn những môn khác như Office Studies, Địa Lý thì khác ở VN cho nên tôi không đậu cao lắm. Chung quy lại, có 2 điều: thứ nhất là có sẵn căn bản, và thứ hai là có thêm tiếng Anh thì sẽ vận dụng được căn bản có sẵn hơn nữa.
Lan Nguyen, Đức Bài viết của anh Tuấn phản ánh khá chính xác thời gian đầu hội nhập vào hệ thống học tập ở một nước tiên tiến của một học sinh Việt Nam. Tuy nhiên anh Tuấn vẫn còn may mắn là thời điểm hội nhập tương đối sớm (phổ thông cơ sở). Khi tôi sang Đức du học thì tôi 24 tuổi, học tiếng Đức hoàn toàn từ đầu và luôn có cảm giác khả năng diễn đạt của mình không bằng một đứa trẻ 10 tuổi.
Khi bắt đầu học đại học, đôi khi tôi hơi ghen tị với những anh chị Việt Kiều sang Đức khi mười mấy tuổi vì họ có khả năng tiếng Đức tốt hơn. Nhưng sau vài năm, cảm giác đó trong tôi hoàn toàn không còn nữa. Tôi nghĩ tất cả đều nằm trong sự cố gắng crua chính mình mà thôi.
Về điểm anh Tuấn bảo là người Việt mình chỉ phù hợp với ngành tự nhiên, tôi không đồng ý. Tôi cho rằng điều đó chỉ đúng với người Việt có khả năng ngoại ngữ giới hạn do bắt đầu học ngôn ngữ trễ. Nhưng nếu một học sinh Việt Nam được tiếp xúc với tiếng Anh từ rất nhỏ thì vấn đề đó không còn nữa.
Nguyễn Hữu Nam, Hà Tây Quả thực em rất xúc động sau khi đọc bài viết của anh. Du học là điều kiện tốt nhất để thành công. Em rất mong có thể được đi du học để sau này có thể về xây dựng đất nước, xóa đi nỗi nhục quốc thể về một nước nghèo nàn, lạc hậu.
Nhat Xuan, tp HCM Xin cảm ơn những lời khuyên của anh và chúc anh gặt hái được nhiều thành công hơn nữa.
Tuan Nguyen, Hoa Kỳ Bài viết của anh thật sự ấn tượng vì đó là nỗ lực của ban thân mình. Chúc anh đã đạt được thành công như vậy. Nhưng em vẫn không biết tại sao sau năm 1990 sau khi anh fail ở test thì sau đó lại suddently vượt bậc ở English. anh có thể nói rõ hơn làm cách nào để anh khắc phục được những điều đó.
Phan Anh Tuan, Hải Dương Theo tôi để đi học được ở nước ngoài từ các lớp phổ thông thì gia đình phải có nguồn tài chính mạnh, ít gia đình có điều kiện như bạn Tuấn. Đây là khó khăn và cũng là cơ hội tốt để các bạn tự bươn trải, tự khắc phục khó khăn nhất là rào cản về ngôn ngữ, phong tục tập quán... Ở VN sinh viên thường quá thụ động trong học tập, họ thường ngóng xem các giáo viên đưa cho họ cái gì, các vấn đề khác thì cái gì cũng bố, cái gì cũng mẹ. Tôi phát hiện ra qua bài viết này là các trường ở Anh không bị bệnh thành tích như ở VN (có đến 99.99% vượt qua các kỳ thi cuối cấp, tỷ lệ học sinh khá giỏi rất cao...).
Cách giáo dục của họ làm cho học sinh bắt buộc phải tự tìm tòi, tự định hướng nghề nghiệp của mình. Họ đặc biệt coi trọng các thảo luận nhóm theo các chủ đề, hợp tác nhóm... làm cho học sinh năng động hơn, độc lập hơn. Nhìn chung tôi thấy đa số sinh viên VN học ở nước ngoài đều đi làm thêm để có thu nhập. Mặt khác đây là điều kiện tốt để nâng khả năng giao tiếp và tích luỹ kinh nghiệm thực tế, làm quen với nhiều thành phần trong xã hội. Rất mong có nhiều người như bạn Tuấn về nước để thay thế các vị lãnh đạo có lối tư duy cũ mòn, chỉ quen ra lệnh từ trên cao, không được đào tạo bài bản cho thích ứng với những đòi hỏi mới. Vấn đề là họ có biết sử dụng những người này? Phong trào du học hiện nay rất mạnh. Mong các gia đình có điều kiện tài chính cố gắng cho các em đi du học. Đây là cách nhanh nhất để xã hội VN xoá được nỗi nhục nghèo nàn và tiến đến dân chủ - Đỉnh cao của xã hội loài người.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2005/12/051218_peter_education.shtml