MÁI TÓC NGƯỜI VỢ,TÌM DÂU THẢO,CHÓ ĐÁ,MIẾU ĐÔ SAAO
Khải Nguyên HT 10.05.2009 21:46:08 (permalink)
                  MÁI TÓC NGƯỜI VỢ
                   
-truyện kể- 
 
 
HỘI LÀNG MẤT VUI

       Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta.
Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuối. Một hồi trống mừng người thắng vang lên. Cụ già cầm trịch đứng dậy chỉ vào mấy vuông vải điều treo làm giải nói to, vần vè theo lối nói rao ở các làng quê xưa mỗi dịp tương tự:
       Hội gần trọn ba ngày
       Mười đô vào thử sức
      Chạm phải tay đô Lức
      Đều phơi bụng lấm lưng
      Còn ai kẻ anh hùng
       Giải làng treo còn đó
           Mau mau vào thi thố!
       Một sự im lặng chờ đợi. Một lát, cụ già lại lên tiếng:
       Quả hết mặt anh tài
       Giải làng xin trao tay
       Cho đô Lức vô địch.

       Cụ trùm vừa vươn tay định hạ giải xuống thì một tiếng nói vang lên:
      -Khoan! Xin được thử sức.
       Một chàng trai rẽ đám người đi vào, vừa đi vừa nói:
       Thưa, tôi đi đốt than
       Về có hơi chậm chân.
       Có nhiều tiếng nói to trong đám đông:
       A, chàng trai họ Đoàn
       Đáng mặt địch đô Lức.
       Xôn xao trong đám các cô gái. Các cô bấm chí trêu chọc một cô ngồi hàng đầu:
     - Kìa! Nàng Bùi cho anh chường mượn dây lưng lấy may đi!
     Nàng Bùi thẹn đỏ mặt, lùi lẩn sau các bạn. Cụ già bảo:
     - Được! được! Mời hai đô chuẩn bị vào sới.
     Đô Lức người đậm, da đen sạm, bắp thịt nổi vồng ở tay và chân. Chàng họ Đoàn mảnh người hơn, da bánh mật, toàn thân nom rắn câng như gỗ lim bào nhẵn. Hai đô xuống  tấn khom người múa vờn thăm dò, mắt dán vào nhau. Một người chắc, một người dẻo. Tiếng trống giục liên hồi. Bất thình lình đô Lức bắt chặt tay đối phương giật mạnh rồi xông vào hòng vít cổ. Chàng Đoàn né người, xoạc một chân ra phía sau đô Lức phá thế hiểm. Hai đô quần nhau trong tiếng trống thúc và tiếng hò la cổ vũ của dân làng.
     Keo vật đang say thì đám người xem mé bắc bỗng nhốn nháo từ phía sau rồi dần dãn ra trước một toán quân Tầu đang xồng xộc tiến vào xới vật, dẫn đầu là tên quan chỉ huy.
     - Cái lũ mọi này dám tụ tập a! - tên quan gằn giọng - Định làm cái loạn hả?
     Hai đô vật trong xới buông nhau ra, ngạc nhiên, chưa hiểu ngay sự thể.   Mọi người xung quanh cũng lặng phắc. Tên giặc đảo mắt từ sới vật sang gườm gườm nhìn cụ trùm. Đoạn hắn lia mắt điểm mặt người xem. Chợt mắt hắn dừng nơi nàng Bùi và ánh lên những tia thú vật
     - Ái dà! Xứ man di mà có cái của này coi được a! Hảo lớ a!
     Hắn tới gần thò tay kéo cô gái. Nàng Bùi vùng vằng chống cự. Làn tóc mây sổ ra. Tên Tàu trố mắt:
     - Cha, cha! Cái con gái Nam man có mái tóc hảo hảo à!
     Cô gái trừng mắt nhìn hắn, khoé mắt tưởng chừng rách được. Hắn lùi lại quát thủ hạ:
     - Quân bay! Bắt nó về làm con tin à! Nếu nó khéo hầu hạ các quan thiên triều thì tạm dung tha tội làm loạn của bọn mọi này à.
     Bọn lính ùa tới chỗ các cô gái. Chàng Đoàn, đô Lức và các đô khác chặn chúng lại. Tên chỉ huy thét lên: “Ải! Ải!”, quài tay rút gươm. Nhưng gươm hắn chưa kịp ra khỏi vỏ thì hắn đã bị chàng Đoàn quật ngã, và gươm bị tước mất.  Các đô và các trai làng xông vào bọn lính. Bọn này ít người yếu thế bị đánh bò lê bò càng.
     Có tiếng thét to: “Cho chúng về chầu Diêm vương cả đi!”
     Cụ trùm can: “Đừng! đừng làm bẩn ngày hội”. Cụ đến  trước mặt tên quan đang ngồi bệt trên đất nghiêm giọng bảo hắn:
     - Các người tự dưng đến phá đám ngày vui của chúng tôi. Gây sự, lẽ ra các người phải gánh hậu quả. Nhưng thôi, bây giờ mời các người xéo đi cho!
     Bọn giặc lủi thủi kéo nhau đi. Ra khỏi vòng người, tên võ quan trỏ tay doạ:
    - Nhớ lấy! Bọn nị sẽ biết oai quân tướng thiên triều a!
     Bọn chúng đi khỏi, cụ già bảo dân làng: “Giết chúng chỉ bõ tức nhất thời. Chẳng nên chọc giận kích quân tướng chúng tới trả thù”.
     Đô Lức nói: “Bàn tay bọn đô hộ đang thọc sâu mọi ngóc ngách bóp chặt dân ta. Tôi e rằng thế nào chúng cũng trả thù”.



 “CHƯA CHĂN GỐI CŨNG VỢ CHỒNG”

     Đô Lức nói đúng. Chỉ hai hôm sau, bọn giặc Minh đã hùng hổ kéo đến, một đội quân hơn hai trăm tên sát khí đằng đằng. Lúc ấy chàng Đoàn đang đi săn trong núi. Đang dở buổi, chàng tự nhiên cảm thấy nóng ruột. Chàng leo lên một đỉnh cao ngóng về làng. Chàng thấy phía ấy khói đen bốc lên cuồn cuộn, vẳng lại những tiếng nổ lốp bốp. Chàng đoán ra ngay sự thể. Nét mặt chàng âm thầm và căm hận.
     Chàng xuống đồi, theo đường tắt chạy về làng. Tới bìa rừng, tót lên một ngọn cây, chàng thấy cả làng đang bốc cháy. Chàng tìm cách lẻn vào làng. Nhưng vừa qua một chỗ ngoặt, chàng đụng phải một toán quân chốt chặn. Chàng vật ngã hai đứa, chém quị hai đứa đuổi theo. Bọn còn lại vừa bám đằng sau chàng, vừa kêu đồng bọn tiếp ứng. Rừng cây đã bao bọc chàng mặc quân thù lùng sục. Chàng đi sâu vào núi. Đường gấp khúc, gập ghềnh. Chỗ thì cây cối rậm rì, chỗ thì mô đá lởm chởm. Đêm trong rừng xuống nhanh. Ánh trăng thượng tuần mờ toả xuống lạnh lẽo. Chàng bỗng giật mình. Sườn đồi trước mặt thấp thoáng một bóng người đang len lỏi lần bước. Một đám mây chợt che khuất vầng trăng. Chàng nắm chặt chuôi gươm, vừa nấp, vừa tiến tới gần. Chàng rút gươm nhảy ra chặn đường bóng đen và quát hỏi: “Ai?”. Bóng đen sững người kêu lên một tiếng: “Ối!”. Tiếng con gái, rất quen. Trăng sừng trâu ló ra khỏi đám mây. Chàng Đoàn sửng sốt: “Nàng Bùi!”.
     Đúng là nàng Bùi. Nàng lảo đảo ngồi phệt xuống cỏ: “Ôi! Anh ơi! Chúng giết sạch, đốt sạch tan hoang cả rồi”. Chàng đỡ nàng đứng lên. Mái tóc nàng xoã ra chảy xuống như một dòng suối huyền, gần chấm đất. Chàng dùng ngón tay chải rồi cuốn gọn vào khăn vấn lên đầu cho nàng. “Làm sao em thoát được?”.- “ Lúc chúng ập vào làng thì em đang đi hái nấm”. Chàng bảo nàng: “Bây giờ chúng mình tìm nơi ẩn náu rồi chiêu tập người về đuổi giặc ra khỏi quê hương”.
     Hai người đi mãi, đi mãi mà chưa tìm được nơi có thể dung thân. Đến chân một quả núi, nàng Bùi đã mệt lắm, mặt tái, hơi thở hổn hển: “Anh ơi! Em không đi được nữa đâu”. Chàng Đoàn dìu nàng đến ngồi lên một tảng đá. Chàng rải một ít lá khô cho đỡ lạnh. Nàng xoải người nằm lăn ra. Mái tóc nàng lại bung ra, tuôn dài. Chàng ngồi cạnh, tay vuốt ve mái tóc ấy, miệng khẽ hát:
       Tóc em là sóng lúa, tóc em là lời ru
       Vì quân giặc thù, tóc cũng long đong
         Trông ra sông núi trập trùng.
       Hỡi ai! Nỡ để mịt mùng mãi sao?
       Nàng Bùi thiêm thiếp trong giấc ngủ nhọc nhằn. Chàng Đoàn ngồi gục đầu vào vòng tay khoanh trên gối đắm vào những suy tính khó khăn. Chợt có tiếng ầm ào như xa, như  gần, thoảng trong hơi gió, và đất dưới chỗ hai người như cựa mình. Hai người sực tỉnh. Một ánh hào quang loá ra trên đỉnh núi. Hai người ngửng nhìn. Một ông già râu tóc bạc phơ đứng trong vầng mây sáng.
     - Hỡi hai người con của đất nước! Sao các con lạc bước tới đây?
     Tiếng cụ già trầm ấm vọng xuống.
     - Người là ai? - Chàng Đoàn ngước hỏi.
     - Ta là Thần Sông Núi. Ta hội tụ khí thiêng non sông cõi nước Nam này.
     - Người là Thần Sông Núi sao lại để sông núi đắm chìm dưới gót giặc ngoại xâm?
     - Sông núi là cái nôi. Ta đùm bọc, nuôi dưỡng. Các con phải tự mình gìn giữ cái tổ ấm của mình. Ta không thể làm thay. Ta chỉ có thể hỗ trợ. Ban nãy, ta hỏi thử các con thôi. Ta biết các con đang cần một nơi ẩn náu. Các con hãy trông đây!
     Thần vỗ tay ba cái. Vách đá trước mắt hai người bỗng chuyển động và nứt ra một cái cửa hang. Thần Sông Núi nói tiếp:
     - Khi cần đóng cửa hang, các con hãy khấn thần chú “Hồng Lạc”, còn khi muốn mở thì hãy nhẩm “Tiên Rồng”. Hãy thử đi!
     Chàng Đoàn làm theo. Quả y như lời. Ngửng lên thì thần đã biến mất. Hai người đánh lửa đốt đuốc dìu nhau lần bước vào hang. Vào trong, hang phình rộng ra, phía trên có lỗ hổng nhìn thấy trời xanh, ánh sáng có thể từ đấy rọi xuống. Hai người đi thăm thú khắp hang thấy thoáng đãng mà kín đáo. Chỉ hiềm muốn có nước, phải ra suối bên ngoài lấy. Thức ăn hiện tại cũng chỉ trông vào quả, củ, chim, thú của rừng. May mà họ có mang theo một cục đá lửa.
     Hai người ngồi nghỉ lấy sức. Chàng Đoàn lựa lời bảo nàng Bùi:
     - Em ạ, chúng mình đã trao trầu cau cho nhau, hai bên cha mẹ đã ưng lòng. Bây giờ chỉ còn lại hai ta. Chúng mình coi nhau như vợ chồng…
     - Nhưng bây giờ chúng ta đang lận đận, quê hương tan tác, đau thương…
     - Anh chưa nói hết. Chúng mình coi nhau như vợ chồng nhưng khoan sống như vợ chồng cho tới khi tính nợ xong với quân giặc thù. Em bằng lòng chứ ?
     Nàng Bùi gục đầu vào vai chồng: “Anh!”
     Chàng Đoàn vuốt nhẹ suối tóc đổ dài trên lưng vợ. Một lát, chàng nâng nàng dậy, chỉ tay: - Ở đây có hai tảng đá phẳng, rộng đủ làm giường ngủ ở hai nơi kín đáo. Để anh đi tìm cỏ khô.
     Nàng Bùi nhỏm dậy: - Để em cùng đi với anh.


MÁI TÓC LƯU TÌNH

     Một ngày nắng ráo. Ánh sáng hào phóng chiếu vào hang. Chàng Đoàn đang mài gươm. Nàng Bùi xách ống bương nước ngồi cạnh thỉnh thoảng rưới lên đá mài cho chồng. Nàng cất tiếng hát, tiếng mài gươm đệm cho lời ca:
          Gươm mài đá núi đá mòn
          Thù quân cướp nước hãy còn nặng vai
          Quê hương gót giặc xéo dày
          Nào ai nghĩa khí về đây chung lòng
       Chàng Đoàn hát nối:
          Còn đây con cháu Lạc Hồng
          Trăm khe sẽ chảy về trong sông dài.
       Chàng đứng lên bảo vợ: - Bây giờ anh đi dò tình hình quân giặc và tìm kiếm những người cùng chí hướng. Em ở lại cẩn thận nhé. Ban ngày không được ra khỏi hang. Bọn giặc thường hay đi ăn mảnh. Có đứa dám sục sâu đấy, em ạ.
     Chồng đi rồi, nàng Bùi thơ thẩn trong hang, chẳng có việc gì làm. Thu dọn hang thì bất quá dăm nhát chổi trong lòng hang, mươi cái quơ tay nơi đệm cỏ nằm, chẳng bõ bèn gì với một cô gái hay lam hay làm như nàng. Nàng băn khoăn đi đi lại lại, đứng lên ngồi xuống . Chợt nghĩ: vách đá hang trống lạnh quá, phải đi kiếm ít hoa lá về trang hoàng cho ấm cúng lên mới được. “Mình nhớ ngoài kia có dây tầm xuân, lại có những loại hoa rừng lâu tàn. Nhưng chàng đã căn dặn mình… Chậc! mình chỉ đi men cửa hang thôi mà”. Nàng đi ra nhẩm lời mở cửa hang, núp sau một tảng đá quan sát. Nàng rón rén bước ra, cẩn thận nhìn quanh. Vắng lặng. Nàng yên tâm bứt dây leo, hái hoa mang về hang. Nàng khéo léo trang trí nơi ở, vừa làm vừa khe khẽ hát. Xong, nàng đứng ngắm công trình của mình, vẻ hài lòng. Nàng đến chỗ các ống bương đựng nước. Nàng cầm lên lắc lắc, ống nào cũng rỗng khô. Nàng đứng tần ngần. “Ban ngày em không được ra khỏi hang”, lời chồng vẳng bên tai. Nàng đặt ống bương xuống, đến ngồi trên phiến đá vợ chồng thường ngồi. Nàng cảm thấy bứt rứt. Chàng về lại phải ra suối. Mà ngay bây giờ mình cần nấu cháo chỗ khoai mài kia để chàng ăn cho khoẻ người sau một chuyến đi vất vả. Suối cũng gần đây thôi. Nàng chần chừ giây lát rồi quả quyết xách hai ống bương đi ra. Nàng thận trọng lần bước đến suối nước. Đứng trên mô đá nhô lên bên suối, nàng cúi soi mình, sổ tóc ra dùng ngón tay nhẹ chải. Nàng ngắm làn tóc mây đen nhánh buông trên dòng nước, mỉm cười cùng cô gái đang lay động dưới suối nhìn lên, nhớ đến những ngón tay mơn trớn của chàng như còn vương trên từng sợi tóc. Nhưng nàng sực nhớ ra vội vấn lại tóc, xuống suối vục nước uống, rồi múc đầy hai ống bương, vội vã vác về. Lần này, nàng không để ý đến xung quanh, mải miết đi. Bỗng có tiếng cười ghê rợn nổi lên, một giọng lơ lớ tiếp theo: - Hố, hố… Cái tiên nữ á! Ngộ đi lạc lại hoá may á.
     Nàng Bùi hốt hoảng ngửng nhìn. Một tên quân Tầu đang đứng kề lùm cây trước mặt. Tên giặc nói tiếp:
     - Cái nị con gái cho ngổ uống nước với nào! Ngổ đang khát đây, khát cái con gái đây. Cho ngổ rồi ngổ đưa về nhà cao cửa rộng, khỏi phải ở nơi rừng rú này a.
     Hắn sấn đến. Nàng Bùi ném cả hai ống bương vào hắn rồi ù té chạy. Tên giặc tay ôm ngực, tay vuốt nước trên mặt, miệng chửi: “Tỉu nà ma cái nị á!”.  Hắn định thần, đuổi theo. Nàng Bùi không dám chạy về hang sợ lộ chỗ ở. Nàng chạy quanh quéo lẩn vào rừng. Thằng giặc quyết không buông. Thế rồi từ trong rừng cây vang lên tiếng thét của nàng Bùi: “Bỏ tao ra! Quân khốn nạn!”. Tiếng cười vừa khả ố,vừa man rợ của tên giặc dội lên…
     Rừng đột nhiên im ắng, nặng nề. Mây úa đầy trời.
     Nàng Bùi thất thểu bước ra, tóc tai rũ rượi, quần áo tả tơi. Nàng đến bên bờ suối ôm mặt khóc rất lâu. Nàng đứng lên ngoảnh mặt về phía hang chắp tay vái vọng, rồi xoay mình chồm người bên dòng suối chực nhảy xuống.
     - Con ơi! Con định liều mình sao?
     Nàng Bùi giật mình ngước lên. Thần Sông Núi đang đứng bên nàng.
     - Con khổ lắm. - Nàng quì xuống khóc nức lên.
     - Ta biết con phiền não. Nỡ nào con để cho người bạn đường và bạn đời của con vò võ? Chàng đang nuôi chí lớn. Con đang rất cần cho chàng. Ta không thể can thiệp vào những việc làm của con. Ta chỉ có thể khuyên can thôi.
     Thần giơ lên hai ống bương: “Những cái này của con phải không?” Nàng Bùi vẫn thổn thức, thưa: “Vâng”. “Để ta giúp con một tay”. Thần đến bên suối, hai tay cầm hai ống dộng thẳng đứng ba lần rồi trao cho nàng Bùi: “Con hãy cầm lấy! Con ạ, mọi vết nhơ do quân giặc nước gây ra chỉ có thể rửa bằng chính nước mắt hoặc máu của chúng. Nhưng nước từ lòng Đất Mẹ có thể làm dịu bớt những nỗi thương đau. Con hãy bình tĩnh lại đi! Ta đang trên đường tìm đến những nơi hào kiệt tụ nghĩa mang tới tiếng gọi của non sông”. Thần biến đi trong hơi gió ào qua.
     Nàng Bùi đứng ngẩn ngơ một lúc rồi vác hai ống nước nặng nhọc lê bước về hang. Nàng đi vật vờ trong hang. Đến trước chỗ dùng làm giường nằm của chàng Đoàn nàng đứng ngắm giờ lâu, giơ tay định sửa sang nhưng vội rụt tay lại, xát mạnh hai bàn tay vào thân áo như kì cọ. Nàng chợt bật khóc, kêu lên não ruột:
     - Chàng ơi! Em không thể thiếu chàng, nhưng em không mặt mũi nào mà nhìn thấy chàng nữa. Cái quí nhất đời con gái em vẫn đinh ninh dành cho chàng đã bị cướp đoạt. Thân em đã bị ô uế rồi!
     Nàng va phải ống bương làm đổ ngang, nước tuôn ra. Nước từ lòng Đất Mẹ có thể làm dịu đau thương thì nước ấy cũng sẽ giúp ta rũ sạch nhơ nhuốc. Suối ơi! hãy chờ đón ta vào lòng!”. Nhưng tiếng thần như còn văng vẳng: “Nỡ nào con để chàng vò võ một mình?”. Nàng lắc mạnh đầu. Suối tóc xoã sóng sánh ôm ấp thân nàng. Nàng sực nghĩ ra: “Phải rồi! Chàng vẫn yêu quí mái tóc này”. Nàng tìm dao cắt tóc gần tận gốc, buộc đầu thành một lọn to, dài mượt. Nàng nâng niu chải kĩ, rồi treo đầu giường nằm của chồng. Lúc này, mắt nàng đã khô lệ. Nàng vân vê dải tóc thì thầm:
     - Tóc ơi! Tóc là một góc của ta. Không! Tóc là cả tâm hồn ta. Tóc hãy thay ta làm bạn với chàng.
     Nàng đưa mắt trìu mến nhìn một lượt khắp hang lần cuối rồi đi ra.


TÓC KHÓC

     Chàng Đoàn trở về. Chàng nói từ cửa hang: - Em ạ, anh gặp hai bạn cùng chí hướng. Lát nữa họ sẽ đến đây cùng chúng ta bàn kế. - Chàng nhìn quanh ngơ ngác- Ủa! Em ở đâu? - Chàng thấy nơi ở đẹp ra, lòng vui vui, chợt đứng sững ra đầu giường mình, nhìn chằm chằm vào lọn tóc - Tóc nào đây? Đúng là tóc nàng rồi.- Chàng nghi hoặc- Sao nàng cắt tóc để lại? Chẳng lẽ nàng bỏ đi tu! Hay là ở đây khổ quá nên về với lũ chó Ngô? - Chàng bỗng cười khẩy - Phải rồi! Về với chúng thì không được vấn khăn nữa, để tóc dài làm chi cho bận, cắt đi cho rảnh nợ là phải. - Chàng thở dài buồn bã - Nàng thấy ta gắn bó với mái tóc này nên để lại lưu chút tình đây, cũng như nàng sửa sang nhà cửa cho ta trước khi bỏ ta. Ta đâu cần thứ tình đó. Nhưng mái tóc này mang nét riêng của phụ nữ Việt, tục Việt, ta sẽ trân trọng mãi. - Chàng ấp iu mái tóc - Tóc ơi! Đã bao lần ta chải, ta vuốt ve tóc. Hẳn là tóc chẳng bao giờ phụ ta như người từng mang tóc đâu nhỉ.
     Có hai tiếng cú rúc phía ngoài. Chàng Đoàn lật đật bước ra. Lát sau, cùng hai chàng trai đi vào, một trong hai người là Đô Lức. Đô Lức mấy lần ngó Đoàn, lên tiếng:
     - Nom anh có chiều ủ dột?
     - Không sao? - Đoàn vội nói - Tôi mải nghĩ đến công việc của chúng ta đấy thôi. Ta vào việc ngay đi - Chàng quay sang người thứ hai - Thế nào, anh Nguyễn ?
     Chàng Nguyễn: - Tôi vừa đò biết có một toán chừng mươi đứa giặc Tàu sắp đi sục sạo khu rừng kề suối đây. Tôi và anh Lức bàn nhau nên đánh.
Chàng Đoàn:- Phải ra phục trước mới được. Ta đi thôi!
     Ba người sắp đi, bỗng nghe như có tiếng đàn bà khóc ti tỉ. Nguyễn nhìn Đoàn nghi ngại:
     - Hình như ngoài ba chúng ta, ở đây còn người thứ tư nữa.
     Mọi người lắng tai nghe. Tiếng khóc lúc chìm lúc rõ. Đoàn ngập ngừng lại gần chỗ có lọn tóc. Đúng là tiếng khóc từ đó phát ra. Đoàn nói thầm thì như khấn: “ Ta phải đi đánh giặc cứu nước. Tóc ở lại đừng buồn. Ta sẽ quay về ngay mà”. Tiếng khóc có vẻ to hơn. Đoàn cau mày, quả quyết quay lưng lại tới chỗ các bạn:
     - Chẳng có ai đâu. Tiếng gió lùa đấy. Ta lên đường ngay cho kịp. 
      Ba người đến một đoạn đường rừng khuất khúc cách hang chừng ba lằn tên, chia nhau chỗ nấp. Một toán giặc sục tới, xì xồ chỉ trỏ. Bà chàng bất ngờ xông ra. Ba tên bị hạ ngay. Bọn còn lại bỏ chạy. Ba người đuổi đánh. Chạy trong rừng thì bọn giặc khó bì kịp dân địa phương. Chúng sắp bị diệt đến nơi thì một toán giặc khác ập đến sau lưng đánh úp. Ba chàng quần nhau với giặc một hồi, đánh ngã thêm ba đứa. Nhưng rồi Lức và Nguyễn bị giết. Đoàn chạy thoát. Chàng đánh lạc hướng bọn địch, lần về hang. Khi bọn lùng sục mò đến chỗ núi đá, chúng chỉ thấy vách núi sừng sững. Chúng đứng ngẩn ngơ nhìn một lúc rồi bỏ đi.
     Trong hang, chàng Đoàn buồn rầu, mệt mỏi đến nằm trên giường đá vắt tay lên trán thở dài. Từ lọn tóc vẳng ra tiếng khóc. Chàng nhỏm dậy, bực bội: - Tóc đừng khóc nữa! Ta đang rối ruột đây. Nhưng ta quyết không thoái chí.
Tiếng khóc lịm dần. Chàng lại nằm xuống, thiếp đi. Trong mơ, người vợ xưa rủ tóc đứng đầu giường, hai hàng nước mắt lã chã tuôn dài, nghẹn ngào nói với chàng: “Đã can, sao chàng chẳng nghe?”. Chàng muốn nắm tay nàng, nhưng bóng dáng nàng cứ chập chờn, rồi chỉ còn thấp thoáng mái tóc. Chàng giật mình tỉnh dậy, dụi mắt nhìn lọn tóc treo đầu giường, thở dài.
     Chàng Đoàn lại đứng lên mang gươm ra đi.


TÓC CƯỜI 

       Ánh trăng từ trên vòm hang rọi xuống sáng lạnh, kì ảo. Chàng Đoàn và hơn mười chàng trai đang cùng nhau bàn bạc.
     - Mỗi đồn chúng có hai chục tên. Chịt cổ bọn gác xong, đánh tập kích chúng ta thừa sức diệt. Nhưng hai đồn khá gần nhau, ta đánh đồn này nếu không gọn, lây nhây ra, đồn kia tới cứu thì phiền cho ta.
     - Phải dùng mẹo. Cho một tốp vờ đánh đồn Hạ, còn tập trung đánh đồn Thượng.
     - Ta ít người, chia nhỏ ra không lợi.
     - Chúng vừa cướp thóc của dân dồn lại ở đồn Hạ chưa kịp chuyển đi .Ta cho người đốt đồn này rồi tập kích đồn kia.
     - Đúng! Đồn Hạ có hàng rào tre dễ cháy lắm. Mấy lâu nay chúng chẳng bị ai đụng đến, mải ăn no, ngủ sướng, không phòng bị đâu.
     - Ta xông thẳng vào thì khó nhằn. Chi bằng đào hố trên đường độc đạo đón bọn đi chữa cháy. Lương thực là cực hệ trọng, thế nào bọn chúng cũng chia người đến cứu. Ta đánh úp diệt bọn còn lại trong đồn.
     - Hay! Thoạt đầu, cứ để cho chúng tưởng là quấy rối vặt thôi. Làm cho gọn bọn đi tiếp sức chữa cháy, lột trang phục cho người mình khoác vào quay về gọi mở cửa đồn, xử bọn lính gác. Người của ta ém sẵn bên ngoài chỉ việc ùa vào đồn cho nhẹm. Sau đó, thừa cơ ta lừa diệt luôn đồn kia.
     Cả bọn đang sửa soạn khí giới để đi đánh trận ngay trong đêm thì vẳng nghe tiếng cười trong trẻo. Các chàng trai ngạc nhiên. Chàng Đoàn đi đến gần lọn tóc lắng nghe. Quả chàng không nhầm. Chàng lẩm nhẩm: “Tóc có gì vui mà cười thế? Ta sắp đi đây. Ta đánh thắng về, tóc hát cho ta nghe nhé!”. Chàng trở lại nói với các bạn:
     -Chỉ là tiếng suối sau hang đó mà. Chúng ta đi thôi!

     * * *
     Trận đánh thắng trọn. Trong hang, một số người đang sắp xếp lại chiến lợi phẩm. Một số người đang nấu nướng. Lát sau, họ ngả một bữa tiệc đơn sơ mừng chiến thắng.
     Khuya. Mọi người đi nghỉ. Đoàn thu xếp cho các bạn yên chỗ xong, về giường đá của mình. Vừa đặt người xuống, chàng nghe mơ hồ tiếng hát đâu đây. Định thần, chàng nhận ra tiếng hát phát ra từ lọn tóc. Chàng nhỏm dậy nâng mớ tóc ấp lên mặt: “Tóc hát mừng bọn ta phải không? Cảm ơn tóc nhé!”. Chàng cởi lọn tóc đặt lên gối. Mùi dầu sả từng ướp thơm lòng hang mỗi khi nàng Bùi gội đầu xưa kia dường như vẫn còn lẩn quất trong mớ tóc. Chàng tái tê nhớ nàng. Chuyện giận hờn lùi xa. Chàng trằn trọc mãi trước khi chìm vào giấc ngủ nặng nề. Chàng thấy người vợ xưa hát lượn quanh chàng trong một điệu múa chào đón và chúc tụng. Bỗng nàng choàng tay ôm đầu chàng, gục mặt vào ngực chàng âm thầm khóc. Chàng tỉnh giấc, trong lòng hồ nghi. Chàng sẽ sàng đi ra ngoài hang. Trăng xế non tây dãi ánh sáng mờ nhạt lạnh lẽo lên núi rừng. Sương mù đang dâng lên. Chàng đứng lặng, ngậm ngùi. Nàng đã bỏ ta mà đi, sao vẫn còn ám ảnh ta hoài? Có uẩn khúc gì đây!
     Thần Sông Núi lại đến với chàng. Trong màn sương dầy, chàng cảm nhận hơn là thấy rõ bóng dáng thần mờ ảo trên sườn núi. Và một giọng nói quen và ấm cúng đối với chàng lúc này truyền đến tai chàng, đến tâm can chàng:
     - Hỡi chàng trai anh dũng và khổ đau! Chẳng phải vợ của con phụ tình con đâu. Nàng đã bị một tên giặc làm nhục khi ra suối lấy nước. Mái tóc nàng đã thay nàng ở lại bên con, góp sức với con. Mỗi khi con ra quân không lợi, mái tóc ấy khóc; trái lại, nếu chắc thắng, mái tóc cười. Con hãy nhớ lấy! Nhân đây, ta báo cho con tin vui: Cách đây khoảng bốn trăm dặm về hướng tây - nam có một vị anh hùng đã dựng cờ đại nghĩa chiêu tập hào kiệt bốn phương để đánh đuổi quân cướp nước. Các con hãy mau mau đi tụ nghĩa!
     Chàng Đoàn bàng hoàng. Thì ra vợ chàng … Vậy mà chàng nỡ ngờ oan cho nàng. Thật đáng xấu hổ! Thật đớn đau! Em ơi! Hãy tha thứ cho anh. Anh sẽ chuộc tội với em bằng những đòn giáng xuống đầu thù.
     Khi chàng tĩnh trí lại, thần Sông Núi đã biến mất. Nhớ tới lời thần báo, chàng vội chạy vào hang. Chàng nai nịt gọn gàng, khoác cuộn tóc vào cổ cho hai đầu nhét gọn trong ngực áo. Đoạn chàng đứng ra giữa hang vỗ vào gươm nói to:
     - Dậy! Dậy! Các bạn ơi! Phải đi ngay đến nơi tụ nghĩa!
     Mọi người bật dậy. Khi hiểu ra sự tình, họ hồ hởi và háo hức sửa soạn để lên đường ngay trong đêm.
         


MÁI TÓC THUỶ CHUNG

      Chàng Đoàn và các bạn của mình đã tìm đúng minh chủ. Những đốm lửa khởi nghĩa, âm ỉ hay bộc phát, từ khi có người cầm lái vững vàng, dần dần nhóm lại và bùng lên thiêu đốt quân thù. Đoàn, trong hàng ngũ nghĩa quân, rong ruổi trên các chặng đường đuổi đánh giặc nước. Chàng chẳng lúc nào rời cuộn tóc, di vật của người vợ thân thương, ngay cả trong những ngày gian nan nhất, những bận khốn đốn nhất vì những đòn phản kích của quân thù.
     Cuối cùng, cuộc khởi nghĩa toàn thắng. Giặc Minh bị quét sạch khỏi bờ cõi nước ta. Chàng Đoàn rời đoàn quân đang ca khúc khải hoàn, một mình một ngựa trở về  quê cũ. Chàng muốn góp sức xây dựng lại quê xưa, nơi từng in bóng người vợ bất hạnh của chàng. Trên cổ chàng vẫn cuộn tóc ấy thay cho vòng hoa chiến thắng.
      Một chiều, chàng qua một miền đất có vẻ hoang vu. Người lưng mỏi, ngựa chân chồn. Chàng lỏng dây cương mặc cho ngựa đưa mình đi. Hoàng hôn đã ngấp nghé từ các lùm cây. Chàng chưa biết sẽ trú lại nơi đâu. Chàng ngửng nhìn trời. Một đôi chim đang nối đuôi nhau soãi cánh bay về phía rặng cây cao xa xa, hẳn là chúng đang dìu nhau về tổ. Chàng chạnh lòng, bất giác hát lên nỗi niềm gửi vào làn gió hoang:
        Non sông giành lại được rồi
        Tìm đâu cho thấy bóng người ngày xưa?
        Đường đời chẳng ngại nắng mưa
        Ngại chăn chiếu lạnh sớm trưa bẽ bàng.
       Chợt nghe tiếng chuông chùa ngân xa như một tiếng thở dài. Chàng giục ngựa nương theo tiếng chuông lần tới. Một ngôi chùa náu mình dưới những tàng cây cổ thụ trên một ngọn đồi thoai thoải. Trong ánh chiều hôm, ngôi chùa trông càng có vẻ hiu quạnh. Nếu không có tiếng chuông thì ngỡ đâu chùa đã bị bỏ quên. Chàng vào đến sân vẫn chẳng gặp ai. Chàng buộc ngựa rồi nhẹ chân lọt qua cánh cửa nửa khép. Trước điện thờ Phật có một vị sư đang ngồi thiền định. Ánh sáng vàng vọt của mấy đĩa đèn dầu không đủ rọi cả gian chùa, nhưng cũng đủ cho chàng nhận ra đó là một sư nữ. Không muốn làm kinh động phút nhập định của ni cô, chàng sẽ sàng đi sang gian phụ bên cạnh, nơi có ánh đèn hắt ra. Chàng thấy có một cỗ quan tài nắp đậy hờ. Chàng nghĩ đó là thứ dự phòng của người lo xa, thường là người già. Nhưng sao lại chong đèn như thể đèn thờ? Chàng bỗng thấy xốn xang và cuộn tóc quanh cổ chàng cụ cựa như khi người ta sốt ruột. Chàng trở lại gian đại điện, đang chưa biết làm thế nào để hỏi chuyện được thì ni cô đang thiền định bỗng mở mắt: “Ta biết người đang nóng lòng muốn biết điều gì. Hãy ngồi xuống đây!” Bấy giờ chàng mới nhìn rõ mặt người ngồi trước Phật đài, một nhà tu hành đã có tuổi.
      - Một đêm cách đây hơn mười năm, - vị ni già kể - ta được đức Bồ-tát báo mộng bảo ra bờ suối sau chùa này. Ta gặp xác một người con gái nằm nổi trên mặt nước, không trôi đi. Ta vớt lên thấy không còn thở. Ta cố cứu chữa song chẳng được. Ta lau rửa cái thi thể bằng nước thơm và rảy nước cành dương - nước thiêng của Phật - rồi khâm liệm tử tế. Nhưng thân thể người nữ đã chết ấy vẫn mềm nên ta không nỡ chôn. Đến bây giờ vẫn vậy, chẳng hề cứng.
     Chàng Đoàn xin được xem. Lão ni nói:
     - Ta cũng đã nghĩ cần phải vậy. Người nên xem. Ta đã cảm nhận một sự xao động lạ lùng từ khi người có mặt nơi đây.
     Lão ni đem thêm một cây đèn vào cái phòng bên mà ta đã biết. Đoàn giúp mở nắp quan tài. Chàng còn chưa kịp nhìn rõ gì cả thì cuộn tóc trên cổ chàng bỗng bung ra rồi bay vút tới đính vào đầu người nằm trong quan tài. Suối tóc đen chùm lên mặt và trải dài phủ dọc thân. Chàng kinh ngạc, đứng sững. Ni cô dùng tay vẹt tóc trên mặt người chết để lộ ra khuôn mặt. Đoàn trố mắt nhìn rồi kêu lên: “Nàng Bùi!”. Tiếng kêu như có phép lạ khiến mi mắt người chết rung rung và mắt từ từ mở ra. Chàng Đoàn vừa mừng vừa sợ, chưa hiểu ra sao. Bên ngoài, một ngọn gió lành bỗng dậy lên lao xao thổi. Vọng trong tiếng gió lời Thần Sông Núi mà chàng đã nghe quen:
       - Hỡi chàng trai trung hậu! Đất Mẹ gửi trả người vợ thủy chung cho con, sau khi non sông ta sạch mọi dấu vết nhơ nhớp của quân thù. Các con hãy sống sao cho trọn nghĩa, trọn nghĩa với nhau, trọn nghĩa với đồng bào, trọn nghĩa với quê hương./.

(Gợi  ý từ một mẩu chuyện kể dân gian
vùng Liễu Đôi – Hà Nam.)

<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.05.2009 16:35:41 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Khải Nguyên HT 16.05.2009 12:35:05 (permalink)
     
    TÌM DÂU THẢO
    -truyện kể-

     
     
           Chuyện này mẹ tôi nghe kể cách nay đã hơn nửa thế kỉ. Còn chuyện xảy ra vào thời nào thì chịu, không một ai biết rõ.
           Vợ chồng nhà nọ nhờ chăm chỉ làm ăn và khéo thu vén, lại ăn tiêu tùng tiệm trở nên giàu có. Hiềm nhà hiếm hoi, đẻ muộn chỉ được một đứa con trai.  Cậu quí tử nom cũng khôi ngô, khoẻ mạnh nhưng lêu lổng vì bà mẹ quá nuông chiều từ bé. Gia đình mời thầy về dạy ngay trong nhà nhưng cậu lười quá, học được dăm ba chữ đã cho là đủ, thường tạ cớ để trốn học. Thầy chán, bỏ đi. Cậu thừa dịp đua bạn bè sống bê tha. Người cha lo buồn lắm. Hừm! Thằng này sẽ là đứa “phá gia chi tử”. Một mai ta nằm xuống thì cơ đồ của cả đời hai vợ chồng ta tần tảo sẽ đội nón ra đi. Nếu tìm được nàng dâu thảo thì may ra … Nhưng thảo như thế nào mới cầm cương nổi thằng nghịch tử ấy? mới đảm đang được cơ nghiệp?
            Một hôm, đang dạo chợ, ông để ý đến hai cô gái nom thùy mị, nết na, lại ưa nhìn. Khi họ ra về, ông đi theo. Hai cô gái, là hai chị em ruột, thấy một ông già đi sau bèn nép bên đường nhường bước. Ông đi trước nhưng cố ý thong thả giữ một khoảng cách vừa phải. Trời nắng mà ông cắp ô vào nách. Đường khô ráo, ông vẫn dép cầm tay. Qua đoạn đường rợp bóng mấy cây đa sum sê, ông giương ô lên. Đi phía sau thấy vậy, cô em bảo chị:
           - Người đâu mà lẩm cẩm! Chỗ nắng thì để đầu trần, chỗ râm lại che ô. - Cô nói nhỏ nhưng cũng đủ cho người đi trước nghe thấy.
           - Chúng mình biết đâu được thâm ý người ta. - Người chị ngăn em - Có khi ông cụ sợ chim chóc đậu trên cây bậy xuống.
           Đến khúc đường trũng lầy bùn, ông già xỏ chân vào dép lội qua.
           - Ông này đúng là khùng rồi. - Cô em lại không nhịn được nói - Dép lại dành để sục bùn!
           - Em thật là! - Cô chị trách em - Ngộ nhỡ có gai náu trong bùn thì sao?
           Ba người đã đi được một đỗi đường dài. Sắp đến một làng. Ông già bỗng ngồi phịch xuống vệ đường. Người em định vượt qua. Cô chị ghé lại ân cần hỏi:
           - Cụ làm sao thế ạ?
           - Không can chi. - Ông già mệt mỏi đáp- Tôi đi nhiều trong người khó chịu một chút thôi.
           - Cụ còn phải đi xa nữa không ạ?
           - Cũng hơi xa.
           - Nhà chúng cháu cũng gần đây. Mời cụ ghé lại nghỉ tạm, chờ khoẻ người rồi hãy đi tiếp, cụ ạ.
           Ông già theo hai chị em về nhà họ. Nhà tranh, vách liếp. Đồ đạc trong nhà đơn sơ nhưng sạch sẽ, ngăn nắp. Ông được biết hai chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ đã hơn ba năm. Hai cô mời khách nằm nghỉ trên một chiếc phản trải chiếu tinh tươm, sau khi mời một bát nước vối. Lát sau, cô chị bưng đến một mâm gỗ trên có một bát cơm gạo hẩm, một đĩa tép kho, một đĩa rau luộc và một bát con tương. Cô có vẻ ngượng ngùng nói:
           - Mời cụ xơi tạm đỡ lòng đường xa. Chúng cháu không kịp sửa bữa cho tươm tất, xin cụ cảm phiền.
           Ông già mở tay nải lấy ra một vốc gạo trắng, nói:
           - Không dám quấy quả hai cô. Tôi có gạo đây. Nhờ các cô nấu sao cho vừa có cơm, vừa có cháo, lại vừa có vầng cơm cháy. Ấy! Cũng là tật của người già. Muốn húp tí cháo cho tỉnh, muốn nuốt tí cơm cho chắc dạ, lại muốn có tí cơm cháy nhai cho thơm miệng. Có phiền các cô lắm không?.
           Cô em tròn mắt:
           - Có một dúm gạo như thế này, một bát cơm chẳng nổi nữa là. Lại còn …
           Cô chị đỡ lời:
          - Dạ, không sao ạ. - Cô nhỏ nhẹ bảo em- Em để chị nấu.
           Cô vo gạo cho vào một cái niêu đất đổ nhiều nước. Cơm sôi, cô gạn nước cùng chừng một thìa to gạo ra một niêu đất khác bắc lên bếp đun nhỏ lửa. Niêu kia thì cô đem vùi trong đám tro trấu đang cháy âm ỉ. Chẳng mấy chốc, cô được các món đúng ý khách.
           Trời tà, ông già từ tạ ra về. Mấy hôm sau, ông cho người mối đến hỏi cô chị làm vợ cho con trai. Cô từ chối, vì không muốn bỏ em lại một mình. Ít lâu sau, khi người em đã yên bề gia thất (có sự góp sức gián tiếp của ông già nọ), cô mới thuận tình, trước hết là do cảm kích về sự chu đáo của ông già.
           Cô về làm dâu chưa được bao ngày thì mẹ chồng rồi cha chồng nối nhau qua đời. Trước khi nhắm mắt mãi mãi, ông già gọi con dâu đến bên giường dặn:
           - Cha lo cha chết đi thì thằng con ta sẽ phá tan tài sản nhà ta. Con chẳng ngăn được nó đâu. Cha giao cho con cái cẩm nang này phòng khi gia tài khánh tận. Lúc ấy, con hãy mở ra, có thể giúp con dựng lại cơ nghiệp. Cha trông cậy ở con. Nhưng con nên nhớ rằng chồng con là đứa bất trị, quen hưởng thụ mà chẳng chịu mó tay làm gì cả.
           Cha mẹ chết đi, được làm chủ cả một cơ nghiệp, anh con trai nhà phú hộ thả sức ăn chơi. Rượu chè, cờ bạc, đàng điếm. Chị vợ hết sức khuyên can mà chẳng ăn thua. Nhà cửa, ruộng vườn lần lượt bị cầm cố hoặc gán nợ. Chỉ hơn một năm sau, vợ chồng phải ra ở nhờ nơi một cái điếm canh bỏ không. Ngày ngày người vợ đi làm thuê làm mướn kiếm ăn. Người chồng không chịu được vất vả bỏ mặc vợ tự lo, đi biệt.
           Sống lang bạt, chẳng có nghề ngỗng gì, lại lười biếng, anh ta chẳng còn cách gì khác hơn ngoài cách đi ăn mày. (Cũng còn may là không sa vào vòng trộm cướp). Anh ta lê la xin ăn hết chợ gần đến làng xa, rồi bặt tăm tích.
           Thấm thoắt đã mấy năm…
           Một hôm, tại các chợ trong vùng nghe rao lên rằng: vào ngày ấy, tháng ấy, tại cơ ngơi cũ của phú hộ họ Nguyễn làng Phúc có phát chẩn cho hành khất. Sẽ phát làm ba đợt, mỗi đợt mỗi người được một bát gạo và ba đồng tiền.
           Đến ngày hẹn, trời vừa sáng, những người xách bị gậy đã đứng chật trước cổng nhà cũ của anh-chồng-ăn-mày, ngôi nhà mà anh ta đã đánh mất. Trong số người đó có cả chính anh ta.
           Người quản gia thay mặt chủ nhà điều khiển buổi phát chẩn cho đám người đến nhận chẩn xếp hàng ngang trong cái sân rộng trước nhà kho. Anh-chồng-bị-gậy ngồi ngay đầu hàng bên phải.
           Quản gia ra lệnh. Ba tiếng trống vang lên. Bắt đầu phát từ bên trái. Phát gạo cùng với phát tiền đúng như đã rao. Phát xong cho người áp chót thì mọi thứ đã chuẩn bị vừa vặn hết. Một hồi trống ngắn, rồi một tiếng hô:
           - Đợt một xong! Ổn định chỗ ngồi, chờ đợt phát tiếp theo!
           Trong khi đám người cấp phát sửa soạn những thứ cần thiết thì anh-chồng-hành-khất vội vàng đến ngồi vào đầu hàng bên trái. Cuộc phát chẩn lại tiếp tục. Sau ba tiếng trống, người ta bắt đầu từ bên phải. Và oái oăm thay! đến lượt anh ta thì gạo và tiền chuẩn bị cho đợt này đều hết nhẵn. Lại một hồi trống và lời tuyên bố kết thúc đợt hai, chuẩn bị cho đợt cuối cùng.
           Đợt thứ ba, anh chàng chen ngồi giữa hàng, chắc mẩm lần này có mà chệch đằng trời. Khác với hai lần trước, đợt chót người ta phát từ hai đầu lại. Và, chẳng hiểu sao, lần này nữa, của phát chẩn cũng sạch trơn khi đến người cuối cùng. Mà người cuối cùng vẫn là anh chàng rủi ro mà ta đã biết. Tiếng trống bãi cuộc buông một hồi gọn. Đám người bị gậy lục đục đứng lên, nối nhau ra cổng. Các bị đều lùm lùm vướng một bên nách.
           Các hành khất đã kéo đi hết. Anh ta ngồi trơ một mình trên cái sân rộng thênh. Những người phát chẩn cũng chẳng buồn hỏi đến anh ta. Trời đã gần trưa, bụng anh ta đang làm loạn. Đi ra cũng dở, ở lại cũng dở. Chợt có tiếng hỏi to nghe giật cả mình:
           - Này, anh kia! Còn ngồi ăn vạ đó hả?
           Anh ta ngước nhìn lên. Người quản gia đang đứng trên thềm. Anh ta thiểu não nói:
           - Thưa bà, tôi chẳng được hạt gạo, đồng tiền nào cả.
           - Hả? Anh nói lạ!
           Anh ta dốc ngược bị lên. Một củ khoai lang to đúng bằng ngón tay út và một cái bát mẻ rơi ra. Người đàn bà xuống thềm tới gần tỏ vẻ ái ngại:
           - Sao không bảo ngay lúc nãy? Bây giờ bà chủ cho lệnh cất sổ, khoá kho rồi.
          - Bà ơi! Tôi đói quá. Từ chiều qua tới giờ chưa có chút gì vào bụng, những trông vào buổi hôm nay…
          - Bây giờ chưa vào bữa. - Người quản gia làm ra vẻ nghĩ ngợi- Thôi được! Có lưng bát cơm nguội, anh ăn tạm. Xong, đến chỗ góc sân đằng ấy chẻ đống củi kia. Anh sẽ được bữa ăn ra trò đấy.
           Anh ta nghi ngại liếc nhìn đống củi chẳng lấy gì làm to, song cũng đứng lên theo chân người kia đến thềm nhà bếp. Anh ta nhận chẳng phải lưng cơm mà một bát đầy hẳn hoi với một quả cà. Loáng cái bát cơm đã nhẵn. Đặt bát cơm xuống, liếc nhìn nhanh xung quanh không thấy ai, anh ta vớ lấy bị gậy len lén đi ra phía cổng. Nhưng anh ta mới đi được mấy bước đã nghe tiếng quát:
           - Anh kia! Đi đâu? - Bà quản gia có mặt chẳng đúng lúc tí nào!
           - Ơn bà đã cho ăn. Tôi xin kiếu.
           - Hà, hà. - Một anh người nhà vừa đi đến  cười riễu- Bổ củi, anh chẳng bõ làm chứ gì? Cổng đóng rồi, có chó dữ canh đấy. Giỏi thì anh đi ra đi!
           - Xin các ông, các bà để cho tôi ra. Tôi không quen những việc ấy.
           - Đi xin thì quen phải không? - Bà quản gia chép miệng- Này! Chủ tôi đã xin với quan trên tư giấy đi các nơi, từ rày không ai được bố thí cho những hành khất trai trẻ, khoẻ mạnh như anh nữa đâu. Dễ mà người ta mướn những người ngại việc à? Được ăn lại có chỗ trú ngụ khỏi mưa nắng lại không thích! Có khi còn được tiền công. Chịu khó làm đi! Có gì chúng tôi chỉ vẽ cho.
           Anh ta miễn cưỡng nghe theo. Thật là một thứ cực hình! Đống củi hình như không chịu vơi. Mà mặt trời cũng ỳ ra. May mà mãi rồi cũng đến lúc được nghỉ. Đống củi còn già nửa. Đến bữa, anh ta được dọn cho ăn riêng. Có mâm gỗ đàng hoàng, cơm nóng đủ no, có rau dưa, có tương. Tối đến, anh ta được ngủ trong hiên nhà bếp. Vậy cũng tốt chán, có chõng nằm, có chiếu đắp.
           Hôm sau, anh ta được giao làm cỏ vườn. Cái cuốc mới nặng làm sao! khó bảo làm sao! Chẳng nhẹ nhõm, ngoan ngoãn như cái gậy ăn xin. Vung gậy xua chó những nhà đến xin ăn lắm khi phải tả xung hữu đột, còn ra cái mẽ xông pha, dẫu chỉ để tránh đòn chứ chẳng bao giờ dám đánh chúng (ăn xin mà đánh chó nhà chủ thì có mà…!). Đâu có đơn điệu như vung cuốc lên, bập cuốc xuống. Chà! mệt quá xá! Phải ngả lưng tí. Nghĩ là làm, nằm luôn xuống đất. Và “khò” luôn. Quản gia ra ngó xem, lắc đầu sái cổ. Cả một buổi, anh ta rẫy cỏ được một khoảnh rộng bằng… ba chiếc chiếu. Bữa đó, anh ta chỉ được ba lưng cơm hẩm với vài quả cà muối. Tuy vậy, anh ta vẫn được giao việc này, việc nọ, thường là có người cùng làm để bảo ban, kèm cặp. Anh ta những muốn đánh bài chuồn, nhưng hiềm nỗi một anh người nhà đã rỉ tai: “Anh chớ tự tiện bỏ đi mà dại. Người ta hô lên là anh ăn cắp rồi trốn thì làm sao? Lính hoặc tuần chúng nó gô cổ lại ngay”. Anh ta buồn cho số mình gặp nạn (!).Đành phải nai lưng (?) mà làm. Hôm nào làm khá thì được ăn cơm dẻo với canh rau, có khi còn được tí thịt hoặc cá. Còn hôm nào mà nổi cơn lười lên thì … tệ  hơn cả cơm ăn mày. Quản gia thường khuyến khích và ân cần chỉ bảo. Dần dần anh ta biết trồng cây, chăm quả, biết cả cày bừa, gặt hái, kham được những việc nặng nhọc. Anh ta đã được ăn ở chung với người làm. Anh ta hầu như quên mình là ai, nhìn vẻ ngoài thấy vô tư lự, tuy ít nói.
           Vậy là một năm đã trôi qua, từ ngày anh ta gác bị gậy. Một hôm quản gia gọi anh ta đến trao cho một bộ quần áo bà-ba trắng vải cát bá và một cái áo dài the đen cùng cái khăn nhiễu vấn đầu, bảo: “Anh đi tắm và thay quần áo đi. Đóng bộ này vào! Hôm nay giỗ cha chồng bà chủ. Anh bây giờ đã được coi là người nhà, phải đến trước bàn thờ trình diện”.
           Từ khi trở lại chốn từng là cơ ngơi của mình, anh ta chỉ được ra vào nơi dành riêng cho người làm kề nhà kho. Chưa một lần anh ta được đặt chân vào ngôi nhà chính. Chưa một lần anh ta được giáp mặt bà chủ. Cơ ngơi xưa dường như vẫn y nguyên. Anh ta thờ ơ, chẳng dính dáng gì. Chẳng phải vì nghĩ rằng bây giờ nó là của ai khác rồi. Mà chính là do tâm lí của kẻ sa cơ, phó mặc dòng đời. Bây giờ, không phải là “được” mà “phải” bước vào ngôi nhà ấy đến trước bàn thờ ra mắt vong linh một kẻ xa lạ đã chiếm chỗ vong linh người thân của mình. Mới thật thấm thía cái tội tày đình của mình đối với gia tộc, cha mẹ, và đối với vợ. Ôi! người vợ thảo hiền! Bây giờ lưu lạc nơi đâu? Hay là đã gửi nắm xương tàn trong lòng đất lạnh! Đó là tâm trạng người vốn là chủ xưa khi cất những bước chân nặng nề vào gian thờ của nhà mình. Bàn thờ và đồ thờ phụng vẫn được giữ nguyên như ngày anh ta và vợ phải cuốn gói rời đi. Vẫn cùng cách bày biện. Vẫn thứ nhang mùi thơm ngọt mà vợ anh ta chuyên thắp những lần giỗ, tết. Vẫn cùng một kiểu cỗ bàn. Anh ta nhìn lên bài vị người được cúng giỗ hôm nay, bỗng giật mình, mắt hoa lên. Trời! Sao lại tên cha mình? Anh ta sực nhớ ra đúng hôm nay là ngày giỗ cha. Từ ngày xách bị gậy đi ăn xin, anh ta dám đâu nghĩ đến chuyện giỗ chạp. Còn chỗ nào nữa để mà cúng? Chẳng lẽ mang vong hồn người thân theo trên bước đường ăn mày ăn nhặt! Anh ta phủ phục trước bàn thờ, tê lặng, không khóc nổi. Lòng rối tơ vò chẳng hiểu sự thể ra làm sao.
           - Bây giờ mời đi theo tôi.- Người quản gia nói, giọng dịu nhẹ.
           Chỗ ấy là phòng khách như xưa kia. Như xưa kia, những bàn ghế ấy, những tràng kỉ ấy, cái điếu bát ấy, bộ đồ pha trà ấy. Người quản gia để anh ta một mình đứng đó, lặng lẽ lui gót. Bần thần một lúc, anh ta mệt mỏi ngồi ghé xuống một chiếc tràng kỉ, vừa phân vân, vừa ngỡ ngàng. Có tiếng dép và một người đàn bà vén rèm cửa bên bước vào. Anh ta quay nhìn và… há hốc mồm đứng bật dậy. “Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao”, trước mắt anh ta là người vợ mà anh ta đã bỏ mặc trong cơn khốn khó. Thiếu phụ ra hiệu cho anh ta ngồi xuống và sẽ sàng đến ngồi trên tràng kỉ đối diện. Chị rót nước mời rồi lên tiếng:
           - Hôm nay, tôi mời anh đến đây để trao lại gia sản cho anh. Trước lúc mất, cha đã lo anh sẽ không biết giữ của cha mẹ để lại. Tôi đã hết sức chèo chống.  Nhưng anh chẳng những đã không nghe vợ mà lại lắm khi phũ phàng…
    Chị khóc nức lên. Chị nhớ như in cái cảnh cha chồng trước khi lìa đời nắm tay chị trăng trối. Chị nhớ lại những ngày cay đắng phải nhìn cơ nghiệp rã dần mà đành chịu… Giọng chị lại đều đều cất lên:
           - Khi gia sản nhà ta đã kiệt, tôi giở cẩm nang của cha để lại, biết chỗ cha chôn của. Tôi chưa dám lấy lên ngay, biết rằng anh sẽ vồ lấy đem nướng tiếp. Tôi muốn để anh nếm mùi lao động cực nhọc cho anh tỉnh ngộ đã. Không ngờ, - chị nghẹn lời- phá xong cơ nghiệp rồi, anh bỏ rơi luôn vợ trong cảnh gian truân. Tôi chịu cơ hàn hơn nửa năm trời đợi  anh nghĩ lại, quay về. Nhưng anh biệt  tăm. Nhờ số của cải cha để lại, tôi chuộc được nhà và vườn. Lần hồi làm ăn, dần dà tôi mua lại được những thứ đã mất, còn làm cho sinh sôi thêm.Giờ đây, anh đã trở về, anh hãy lo liệu lấy. Tôi đã thực hiện được ước nguyện cuối cùng của cha. Vậy là xong. Tôi sẽ đi.
           Nãy giờ anh chồng sượng sùng cúi đầu nghe vợ nói. Lúc này, ngửng lên lo lắng hỏi:
           - Mình đi đâu ?
           - Đi đâu mà chẳng được. Có thể tôi đi ăn mày lộc Phật.
           Người chồng sụp xuống trước mặt vợ:
           - Mình ơi! Tôi có tội với mình. Nếu mình không còn thương yêu tôi nữa thì cũng nên nghĩ tới tấm lòng của cha. Cha đã khổ công lặn lội đi tìm cho thằng con vô phước này một người vợ hiền thảo là vậy mà hắn nỡ phụ. - Anh ta khóc hu hu.
           - Tội của mình là tội với cha với mẹ ấy. - Chị vợ gạt nước mắt, ngậm ngùi nói- Còn tôi thì phận làm con, đạo làm vợ… Mình nghĩ được vậy là tôi cũng đã được hởi lòng, chẳng mong gì hơn. Tôi giờ mệt lắm rồi. Tôi không muốn bao biện nữa.
           Anh chồng đứng vụt dậy:
           - Không! Tôi đi mới phải. Tôi chẳng còn lòng dạ nào mà cáng đáng việc mình trao đâu. Tôi không xứng đáng. Đây là công của mình, là của của mình. Mình không giữ thì mình cho ai tuỳ mình.
           - Mình lại trở về nghiệp cũ ư ?
           - Không đời nào! Tôi giờ đi làm thuê cũng sống được rồi. Mà dẫu có chết đói tôi cũng không trở lại nghiệp ăn mày. Thôi, chào mình ở lại.
           - Khoan đã! Mình vẫn còn nông nổi như xưa. Được rồi! Tạm thời tôi chưa đi. Còn sau này, tôi đi hay ở là tuỳ thuộc vào mình. Tuỳ thuộc vào lòng dạ của mình, vào việc làm của mình, nhất là vào thái độ của mình đối với những đam mê trước đây.

           *    *    *
           Mẹ tôi ngừng kể. Tôi hỏi: “Mẹ ơi! Rồi sao nữa?”. Mẹ xoa đầu tôi cười: “Con muốn sao nào?”
     
    ___________________
     Phóng tác từ một chuyện kể dân gian được nghe từ thuở còn bé tí.
     

    <bài viết được chỉnh sửa lúc 16.05.2009 12:50:22 bởi Khải Nguyên HT >
    #2
      Khải Nguyên HT 20.05.2009 11:58:10 (permalink)
      CHÓ ĐÁ
       
       
       
       
             Xế trước đình làng tôi, cạnh lối vào làng hơi lùi xa một tí, gần một cây đề cổ thụ hiếm hoi còn sót lại ở làng quê, có một con chó đá ngồi chồm hỗm, to lớn, không nhe răng mà mắt dường như cụp xuống. Con chó đá này hẳn là từ thời câu chuyện “Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng”. Tôi tin vậy. Các bạn còn nhớ chuyện ấy không? Chuyện rằng: Ngày xửa, ngày xưa, có một anh học trò hễ đi học về ngang qua một con chó đá là nó đứng dậy vẫy đuôi “Chào cậu! Sau này, cậu sẽ đỗ ông Nghè”. Ông Nghè là ông tiến sĩ ấy, chắc các bạn đều biết cả. Anh ta liền hỉnh mũi lên. Cha mẹ anh ta cũng hỉnh mũi lên. Trong làng, trong tổng, ai làm gì phật ý họ là họ đe: “Đợi đấy! Con ta đỗ ông Nghè rồi sẽ biết tay!”. Con chó đá bèn thôi đón chào anh học trò nọ. Rồi anh ta thi khoa nào cũng trượt. Giá con chó đá đón chào tôi như vậy nhỉ! Tôi sẽ chẳng dại gì mà sớm hỉnh mũi. Có điều, chó đá đứng lên vẫy đuôi, nói thành lời e rằng khó. Trong giấc mơ thì có thể được. Các đấng thần linh có thể báo mộng mà. Con chó đá trong truyện kia ắt là chó thần rồi. (Lí ra phải gọi là “ông chó” hoặc “ngài chó”, nhưng hơi sượng miệng, đành chịu tội bất kính chút chút vậy). Một hôm, buổi hoàng hôn, lựa lúc mọi người đã về nhà hết, tôi mới lân la đến bên chó đá lẩm nhẩm khấn: “Chó đá báo tin vui cho tôi đi! Rồi tôi sẽ lau sạch bẩn trên mình cho, và dọn sạch sẽ chung quanh cho khỏi ô nhiễm(!)”. Tối hôm đó, chó đá hiện về thật, trong mơ. Chó chỉ buồn buồn nhìn tôi, mắt chớp chớp, nhưng tôi nghe rõ ràng có tiếng nói phát ra: “Cậu bé ơi! Cậu mặc cả với ta hơi kĩ đấy. (Chó mà xưng “ta” với người quả có hơi trối, nhưng đành cứ nghe đã). Ta chẳng phải là chó thần trong truyện Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng đâu. Ta là con chó ngao trong truyện Lưu Bình- Dương Lễ, vì giúp kẻ ác nên bị hoá đá đày giữa trần gian từ bấy đến nay. Ta không nỡ để cậu nuôi hi vọng hão”. “Ề, truyện Lưu Bình- Dương Lễ tôi đọc rồi, làm gì có chó ngao nào?”. “Cậu hỏi bà cậu ấy!” Tôi tỉnh giấc, vừa chán chường, vừa hồ nghi. Sáng ra, dậy chưa kịp rửa mặt, tôi đã chạy đến bà:
             - Bà ơi! Chó ngao trong truyện Lưu Bình - Dương Lễ ra sao hở bà ?
             - Ai bảo cháu đấy? - Bà cười móm mém- “Chuyện đời xưa” tích Lưu Bình- Dương Lễ còn phần sau, nhưng người ta quen chỉ kể, chỉ diễn phần đầu. Lâu ngày, rồi ít ai nhắc tới nữa.
             - Bà kể cho cháu nghe đi, bà!
             - Dài lắm. Cháu còn phải sửa soạn mà đi học chứ.
             Dù nôn nóng, tôi cũng phải chờ đến tối, sau khi đã học bài xong xuôi, mới được nghe bà kể.
             Thì ra, về sau Dương Lễ và Lưu Bình đều được làm quan tại triều. Nàng Châu Long (chuyện kể gọi bà vậy) đã từng nổi tiếng vì đẹp lại càng nổi tiếng vì ba năm thay chồng nuôi bạn chồng ăn học mà vẫn giữ được tiết sạch giá trong. Ai cũng ngưỡng mộ và khối kẻ ước ao có được người như vậy. Cả nhà Dương Lễ đang sống những ngày hạnh phúc thì tai hoạ bỗng ập xuống.
             Ngày nọ, quan thái sư- quan đầu triều- vào tâu riêng với vua rằng:
             - Tâu bệ hạ, triều chính không sáng, kỉ cương không vững là do trong triều gian ngay không phân. Thần có một con chó rất quí vào loại linh khuyển. Ai trung thần, ai gian thần, nó biết ngay.
             - Vậy thì buổi chầu ngày mai, - vua phán- khanh hãy đưa nó vào triều cho thử luôn.
             Hôm sau, khi các quan đã hội đông đủ hai hàng dọc đứng đối diện nhau, bên phải và bên trái ngai vàng từ chân bệ trở ra, quan thái sư cho dắt một con chó ngao vào. Chó ngao là loại chó săn rất khôn và rất dữ. Người ta đồn rằng dưới âm phủ, Diêm Vương hay dùng chó ngao để trị những kẻ gian tham trên trần chết đi bị đày xuống địa ngục. Con chó của thái sư vừa thấy Dương Lễ đã nhảy chồm tới cắn toạc bụng ông ra. Họ Dương bị qui là gian thần và bị giết cả nhà.
             Quan thái sư xin vua tha cho nàng Châu Long lấy cớ nàng là vợ lẽ, không con, lại ở riêng. Rồi quan tỏ lòng thương nàng bơ vơ, hỏi làm vợ bé. Nàng nhận lời nhưng đòi hai điều kiện: - một, được tự do hoàn toàn trong dinh cơ của thái sư; -hai, sau ba năm, đoạn tang chồng cũ rồi mới chung chăn gối. Nàng nghi có chuyện mờ ám trong cái thảm án nhà họ Dương. Quả nhiên, chưa đầy nửa năm, nàng đã moi được trong kho đồ cũ nhà thái sư pho tượng gỗ giống y Dương Lễ. Nhờ Lưu Bình và các quan công tâm khác, màn kịch được diễn lại.  Trước vua và triều thần, con chó ngao xông vào tượng gỗ như đã xông vào Dương Lễ ngày nào. Sự thật được phơi bày.
             Quan thái sư vốn có máu dê (lạ thật! trong các chuyện xưa, ít có quan thái sư tốt). Thèm muốn Châu Long, ngài quyết hại Dương Lễ. Ngài cho làm tượng đứng Dương Lễ, mặc phẩm phục họ Dương vào. Bụng tượng rỗng có thể phanh ra được. Cứ đến bữa, đích thân ngài đặt thức ăn, thường là lòng tươi, vào trong bụng tượng đóng lại. Ngài gọi chó đến mở bụng tượng cho nó ăn. Con chó quen dần, đến một lúc nó tự phanh bụng tượng ra tìm cái ăn. Trước hôm được chủ cho dắt vào triều con chó ngao còn bị bỏ đói một bữa, trách nào…
             Thái sư bị bêu đầu. Vua ngậm ngùi than tiếc- quá là muộn mằn- cho nhà họ Dương. Bấy giờ Lưu Bình mới tâu xin cho lập lại dòng dõi Dương Lễ. Trong cơn đại nạn của bạn, Lưu Bình xót họ Dương tuyệt tự đã đưa một đứa con trai của mình đánh tráo đứa trai út của bạn để thế mạng. May mà qua được mắt thái sư. Nàng Châu Long ở vậy nuôi đứa con côi sót lại của chồng nên người.
             Hẳn là vua cũng đã ra lệnh chém đầu con chó ngao, nhưng nó đã hoá đá. Có khi bị bêu vậy khổ hơn là chết. Chẳng hiểu sao nó phiêu bạt đến làng tôi. Điều này thì chắc là bà tôi chẳng biết đâu.
             Nghe chuyện bà tôi kể rồi, tôi không còn coi trọng con chó đá và càng không sợ nó. Mắt nó cụp xuống là phải. Tôi hay rủ bạn bè ra nghịch nó, cưỡi lên nó, - hơi khó cưỡi vì nó ngồi chứ không đứng. Cũng chẳng sao.
             Một đêm, con chó lại đến trong giấc ngủ của tôi: “Mai cậu hãy một mình ra dò bụng của tôi xem! Rồi cậu sẽ tự biết phải làm gì”. Hôm sau, tan buổi học chiều, tôi cố ý nán lại sau, rồi lỉnh tới chỗ con chó đá. Tôi cúi nhòm bụng nó, sờ đi sờ lại chẳng thấy gì. Bực mình, tôi vỗ mạnh một cái. “Bộp”, bụng nó rỗng! Tôi lại dò tìm. A! Rất khéo! Rất khéo! Bí mật nằm giữa hai chân sau, dấu kín dưới bộ sậu “của quí” được tạc rất khéo của con chó. Tôi moi ra một cái hộp nhựa tròn bằng quả quít to chứa đầy nữ trang hẳn là đắt tiền lắm. Ai giấu vào đây nhỉ? Chắc là của gian. Làm gì đây? Vẳng lời chó đá “Cậu tự biết phải làm gì?”. Mang trả - trả ai?- hay đem nộp công an? À, phải rồi! Tôi đặt cái hộp vào chỗ cũ rồi chạy bay đi. Khuya hôm đó, một bóng đen lò dò đến bên con chó đá cúi xuống mò mẫm, một lát sau đứng lên định chuồn. Ngay lúc đó, năm chiếc đèn pin cùng loé lên chiếu tập trung vào chỗ hắn. Tên gian lộ nguyên hình. Một vụ trộm được phanh phui.
             Mấy hôm sau, đi qua chỗ con chó đá, tôi thấy mặt mũi nó có vẻ phởn, mắt hơi ngước lên chứ không cụp xuống nữa. Tôi ngạc nhiên, thốt lên: “Như là một con chó khác ấy nhỉ?”.
             Thế rồi có một hội nghị, được tài trợ hẳn hoi (không có tài trợ thì còn "khuya" nhá!), về con chó đá làng tôi. Mấy vị đeo kính hoặc không đeo kính, tóc bạc hoặc tóc chưa bạc, tranh luận mãi không xong: những nét chạm, khắc trên thân hình con chó là thuộc thời Lê hay thời Nguyễn? Là điển hình nghệ thuật dân gian hay pha tạp nghệ thuật miếu đường? Cuối cùng thì con chó đá cũng được xếp hạng “di vật văn hoá”, và được rước vào trong đình làng, một di sản văn hoá đã được công nhận từ trước. Con chó được gắn chặt vào một cái bệ xi-măng hình chữ nhật xây hơi chếch phía trước bàn thờ thành hoàng để làm vệ sĩ cho ngài. Nhưng lí do chính, theo lời anh tôi, là để phòng bọn hay trộm cổ vật tuồn ra nước ngoài.
             Con chó ở chỗ ngồi cao, mắt nó hướng phía trên đầu lũ trẻ, nom có vẻ oai vệ và khinh khỉnh. Nhưng bọn nhóc chúng tôi đã quen với nó ở ngoài không gian thoáng đãng thì trông nó thộn thộn thế nào ấy. Vì không phải chỗ? Hay vì không phải nó?
       
       Hải Phòng, 3- 1999
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 20.05.2009 12:09:24 bởi Khải Nguyên HT >
      #3
        Ct.Ly 20.05.2009 16:44:58 (permalink)
        #4
          Khải Nguyên HT 20.05.2009 17:33:04 (permalink)
          Chào bạn Ct Ly,
          Lại phải có lời lại với bạn rồi, điều mà tôi khá ngại ngần vì e  bị cho là "đa sự".
          Rất cảm ơn bạn đã cho thêm mấy tác phẩm của tôi vào thư viện, nhưng rất tiếc lại cho nhầm vào giỏ "Khải  Nguyên"
          (Cái bút hiệu Khải Nguyên tôi đã dùng từ hồi mới chập chững cầm bút năm 1955 nhưng chưa có ý định theo "nghiệp văn". Mãi hơn hai thập kỉ sau mới có những sáng tác đầu tiên và kí bút hiệu ấy. Vốn ban đầu tôi đã định kí là Nguyên Khải nhưng e rằng "ăn theo" một nhà văn đã có tên tuổi nên đảo lại. Mấy năm gần đây tôi được biết mới có ngưòi khác mang bút danh này. Khi gia nhập VNTQ vì là "kẻ đến sau" nên phải thêm HT -viết tắt tên tỉnh quê gốc )
          Thật là phiền cho bạn vì sẽ phải thay đổi nhiều chỗ, kể cả ở mục lục nơi trang chính.
          K.N. 
          #5
            Khải Nguyên HT 23.05.2009 16:51:03 (permalink)
            MIẾU ĐÔ SAO
            -truyện kể- 
             

             
                   Gọi là miếu nhưng chỉ như cái chuồng chim đặt thấp tè bên gốc một cây gạo. Đô Sao xưa nổi tiếng một vùng, không chỉ vì tài vật. Ông là người đầu tiên mở lớp dạy vật trong làng. Đến nay vẫn được coi là tổ các lò vật vùng này. Ông chỉ huy dân làng nhiều phen đánh cướp. Và ông đã hi sinh trong một trận kịch chiến. Lẽ ra ông đã được tôn là thành hoàng làng, nếu không vì chuyện sau đây.
                   Đô Sao hồi chưa mở lò luyện vật cũng đã nổi danh lắm. Bốn năm liền, đô giật giải của làng. Tiên chỉ họ Trần không thích chuyện đó. - Đô Sao họ Nguyễn- Cháu tiên chỉ là Khoái đã hai lần vồ hụt giải. Khoái bèn đến tỉnh Bắc tìm thầy cầu học, quyết chí phục hận. Hội làng năm đó, Khoái đã trở về, sau khi đã thành một đô vật có hạng ở tỉnh Bắc. Tiên chỉ họ Trần bèn cho đô Khoái đứng giữ giải. Đứng giữ giải thì khỏi phải đấu loại. Giải năm nay khá to: năm vuông lụa điều và năm quan tiền. Hai ngày đã qua mà chưa ai phá được giải. Đô Sao vẫn im hơi. Sáng, con Sao, một chàng trai mười tám tuổi, to cao gần bằng cha, muốn dự đấu lắm nhưng cha không cho. “Con dự đấu để luyện thì được, dự tranh giải thì chưa nên đâu”.
                   Đến ngày thứ ba, sau khi hạ một đối thủ, thấy không còn ai ứng vật, đô Khoái lên tiếng:
                   - Hình như làng này hết người rồi.
            Đứng trong đám người xem, Sáng tức lắm, cởi áo, đóng khố bước vào xới.     Khoái nhìn Sáng khinh khỉnh, hất hàm hỏi:
                   - Cha mày đâu mà đẩy đứa còn hoi sữa vào sới ?
                   - Tôi là đủ rồi. - Sáng lầm mặt đáp.
                   Sáng khoẻ, hăng, có miếng có nghề, nhưng thiếu kinh nghiệm, địch sao đổi đô Khoái. Chưa được một hiệp, anh đã bị Khoái cho lấm lưng phơi bụng, nằm chỏng gọng. Đô Khoái, một tay chống nạnh, một tay chỉ vào mặt Sáng, bảo:
                   - Về bảo thằng Sao nhà mày ra đây. Thứ mày chỉ làm bẩn sới của làng.
                   Sáng lồm cồm bò dậy, chạy một mạch qua ba đỗi đồng về gặp cha. Sao vốn bị cảm nhẹ mấy hôm nay. Đang ngồi nấu cháo, mồm rên rẩm, nghe con thuật chuyện lại, ông ta hất đổ nồi cháo, đóng vội khố, lao vọt đi.
                   Thấy Sao ra, đám người xem reo hò, đoán trước một trận tranh hùng nẩy lửa. Những người thuộc phe Khoái thì la ó chế riễu. Sao cởi áo quẳng xuống đất bước đến trỏ tay vào nền sới, nhếch mép hỏi:
                   - Phải rải cát thế này ư ?
                   Đô Khoái hiểu ý ngay, nheo mắt hỏi lại:
                   - Rải sỏi nhá?
                   Đô Sao gật. Người ta nhanh nhanh kiếm sỏi về rải một lớp kín mặt sới. Thế là phạm “lệ” vật. Tiên chỉ biết vậy. Mặc kệ. Cho thằng Sao được bữa thâm mình thâm mặt, rõ đau mới biết thân.
                   Hai đô vào trận. Trống thúc liên hồi. Chưa dập bã trầu, đô Khoái đã bị quật ngã sấp. Quật chứ không đè. Đô Khoái vùng dậy xông vào địch thủ. Lại bị quật ngã. Liên tiếp bảy lần. Toàn ngã sấp. Người Khoái, phần trước, đầm đìa máu trộn mồ hôi, nhất là trên mặt. Theo lệ, bị ngã lấm lưng mới là thua. Chưa thua, tức là chưa phân thắng bại, thì cứ phải đấu tiếp. Lệ thường là vậy. Giá đô Khoái có “gan” tự nhận là thua! Tới keo thứ tám, Khoái nằm úp mặt không cụ cựa. Đô Sao nói to:
                   - Thưa các vị quan viên, có cần cho phơi bụng lấm lưng nữa không ạ? Hay là tôi cứ việc lĩnh giải ?
                   Bấy giờ tiên chỉ mới vỡ lẽ, quát:
                   - Quân giết người! Mày cố tình chơi ác mà còn mở mồm đòi giải à?
                   Tiếng quát như một hiệu lệnh. Lập tức, đám phe phái đô Khoái vung gậy xông vào đô Sao. Sao liếc nhanh nhìn quanh. Trên bàn nơi thềm đình có một con bò thui đã moi ruột chuẩn bị sẵn để lát nữa tế thần. Chỉ ba bước, ông đã đến bên bàn xốc con bò vác lên gạt địch thủ cướp đường chạy. Có đến mươi người đuổi đánh, gậy gộc tua tủa. Sao dùng con bò như cái khiên, như một thứ vũ khí, khi đỡ, khi đánh, chạy băng đồng thoát về xóm nhà. Đến được đấy là yên trí, có người trợ giúp rồi, những kẻ kia chẳng dám theo đến cùng. Con bò thui sau đó được ngả ra cho cả xóm dự, coi như khao thắng giải.
                   Đô Khoái được vực về nhà, ít lâu sau thì chết. Đô Sao từ đấy không bao giờ dự tranh giải nữa. Sau này, khi đánh lại bọn cướp bị thương nặng, biết không qua khỏi, ông gọi con lại dặn: “Cha vì tức khí một lúc mà làm hại một mạng người. Nay chết đi, dẫu có coi là đã trả được món nợ đời thì cũng không vì thế mà nhẹ tội. Con phải gắng tiếp tục rèn luyện cho ngày một giỏi hơn, nhưng đừng bao giờ ganh hơn thua, đừng bao giờ đem tài riêng ra hại người”.
                   Như trên đã nói, có công lớn với làng nhưng vì chuyện như     vậy, đô Sao chỉ được các môn đệ lập miếu thờ tại nơi ông ngã xuống.
             
            V-1996
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 23.05.2009 16:56:14 bởi Khải Nguyên HT >
            #6
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9