MÁI TÓC NGƯỜI VỢ,TÌM DÂU THẢO,CHÓ ĐÁ,MIẾU ĐÔ SAAO
Khải Nguyên HT 10.05.2009 21:46:08 (permalink)
                  MÁI TÓC NGƯỜI VỢ
                   
-truyện kể- 
 
 
HỘI LÀNG MẤT VUI

       Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta.
Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuối. Một hồi trống mừng người thắng vang lên. Cụ già cầm trịch đứng dậy chỉ vào mấy vuông vải điều treo làm giải nói to, vần vè theo lối nói rao ở các làng quê xưa mỗi dịp tương tự:
       Hội gần trọn ba ngày
       Mười đô vào thử sức
      Chạm phải tay đô Lức
      Đều phơi bụng lấm lưng
      Còn ai kẻ anh hùng
       Giải làng treo còn đó
           Mau mau vào thi thố!
       Một sự im lặng chờ đợi. Một lát, cụ già lại lên tiếng:
       Quả hết mặt anh tài
       Giải làng xin trao tay
       Cho đô Lức vô địch.

       Cụ trùm vừa vươn tay định hạ giải xuống thì một tiếng nói vang lên:
      -Khoan! Xin được thử sức.
       Một chàng trai rẽ đám người đi vào, vừa đi vừa nói:
       Thưa, tôi đi đốt than
       Về có hơi chậm chân.
       Có nhiều tiếng nói to trong đám đông:
       A, chàng trai họ Đoàn
       Đáng mặt địch đô Lức.
       Xôn xao trong đám các cô gái. Các cô bấm chí trêu chọc một cô ngồi hàng đầu:
     - Kìa! Nàng Bùi cho anh chường mượn dây lưng lấy may đi!
     Nàng Bùi thẹn đỏ mặt, lùi lẩn sau các bạn. Cụ già bảo:
     - Được! được! Mời hai đô chuẩn bị vào sới.
     Đô Lức người đậm, da đen sạm, bắp thịt nổi vồng ở tay và chân. Chàng họ Đoàn mảnh người hơn, da bánh mật, toàn thân nom rắn câng như gỗ lim bào nhẵn. Hai đô xuống  tấn khom người múa vờn thăm dò, mắt dán vào nhau. Một người chắc, một người dẻo. Tiếng trống giục liên hồi. Bất thình lình đô Lức bắt chặt tay đối phương giật mạnh rồi xông vào hòng vít cổ. Chàng Đoàn né người, xoạc một chân ra phía sau đô Lức phá thế hiểm. Hai đô quần nhau trong tiếng trống thúc và tiếng hò la cổ vũ của dân làng.
     Keo vật đang say thì đám người xem mé bắc bỗng nhốn nháo từ phía sau rồi dần dãn ra trước một toán quân Tầu đang xồng xộc tiến vào xới vật, dẫn đầu là tên quan chỉ huy.
     - Cái lũ mọi này dám tụ tập a! - tên quan gằn giọng - Định làm cái loạn hả?
     Hai đô vật trong xới buông nhau ra, ngạc nhiên, chưa hiểu ngay sự thể.   Mọi người xung quanh cũng lặng phắc. Tên giặc đảo mắt từ sới vật sang gườm gườm nhìn cụ trùm. Đoạn hắn lia mắt điểm mặt người xem. Chợt mắt hắn dừng nơi nàng Bùi và ánh lên những tia thú vật
     - Ái dà! Xứ man di mà có cái của này coi được a! Hảo lớ a!
     Hắn tới gần thò tay kéo cô gái. Nàng Bùi vùng vằng chống cự. Làn tóc mây sổ ra. Tên Tàu trố mắt:
     - Cha, cha! Cái con gái Nam man có mái tóc hảo hảo à!
     Cô gái trừng mắt nhìn hắn, khoé mắt tưởng chừng rách được. Hắn lùi lại quát thủ hạ:
     - Quân bay! Bắt nó về làm con tin à! Nếu nó khéo hầu hạ các quan thiên triều thì tạm dung tha tội làm loạn của bọn mọi này à.
     Bọn lính ùa tới chỗ các cô gái. Chàng Đoàn, đô Lức và các đô khác chặn chúng lại. Tên chỉ huy thét lên: “Ải! Ải!”, quài tay rút gươm. Nhưng gươm hắn chưa kịp ra khỏi vỏ thì hắn đã bị chàng Đoàn quật ngã, và gươm bị tước mất.  Các đô và các trai làng xông vào bọn lính. Bọn này ít người yếu thế bị đánh bò lê bò càng.
     Có tiếng thét to: “Cho chúng về chầu Diêm vương cả đi!”
     Cụ trùm can: “Đừng! đừng làm bẩn ngày hội”. Cụ đến  trước mặt tên quan đang ngồi bệt trên đất nghiêm giọng bảo hắn:
     - Các người tự dưng đến phá đám ngày vui của chúng tôi. Gây sự, lẽ ra các người phải gánh hậu quả. Nhưng thôi, bây giờ mời các người xéo đi cho!
     Bọn giặc lủi thủi kéo nhau đi. Ra khỏi vòng người, tên võ quan trỏ tay doạ:
    - Nhớ lấy! Bọn nị sẽ biết oai quân tướng thiên triều a!
     Bọn chúng đi khỏi, cụ già bảo dân làng: “Giết chúng chỉ bõ tức nhất thời. Chẳng nên chọc giận kích quân tướng chúng tới trả thù”.
     Đô Lức nói: “Bàn tay bọn đô hộ đang thọc sâu mọi ngóc ngách bóp chặt dân ta. Tôi e rằng thế nào chúng cũng trả thù”.



 “CHƯA CHĂN GỐI CŨNG VỢ CHỒNG”

     Đô Lức nói đúng. Chỉ hai hôm sau, bọn giặc Minh đã hùng hổ kéo đến, một đội quân hơn hai trăm tên sát khí đằng đằng. Lúc ấy chàng Đoàn đang đi săn trong núi. Đang dở buổi, chàng tự nhiên cảm thấy nóng ruột. Chàng leo lên một đỉnh cao ngóng về làng. Chàng thấy phía ấy khói đen bốc lên cuồn cuộn, vẳng lại những tiếng nổ lốp bốp. Chàng đoán ra ngay sự thể. Nét mặt chàng âm thầm và căm hận.
     Chàng xuống đồi, theo đường tắt chạy về làng. Tới bìa rừng, tót lên một ngọn cây, chàng thấy cả làng đang bốc cháy. Chàng tìm cách lẻn vào làng. Nhưng vừa qua một chỗ ngoặt, chàng đụng phải một toán quân chốt chặn. Chàng vật ngã hai đứa, chém quị hai đứa đuổi theo. Bọn còn lại vừa bám đằng sau chàng, vừa kêu đồng bọn tiếp ứng. Rừng cây đã bao bọc chàng mặc quân thù lùng sục. Chàng đi sâu vào núi. Đường gấp khúc, gập ghềnh. Chỗ thì cây cối rậm rì, chỗ thì mô đá lởm chởm. Đêm trong rừng xuống nhanh. Ánh trăng thượng tuần mờ toả xuống lạnh lẽo. Chàng bỗng giật mình. Sườn đồi trước mặt thấp thoáng một bóng người đang len lỏi lần bước. Một đám mây chợt che khuất vầng trăng. Chàng nắm chặt chuôi gươm, vừa nấp, vừa tiến tới gần. Chàng rút gươm nhảy ra chặn đường bóng đen và quát hỏi: “Ai?”. Bóng đen sững người kêu lên một tiếng: “Ối!”. Tiếng con gái, rất quen. Trăng sừng trâu ló ra khỏi đám mây. Chàng Đoàn sửng sốt: “Nàng Bùi!”.
     Đúng là nàng Bùi. Nàng lảo đảo ngồi phệt xuống cỏ: “Ôi! Anh ơi! Chúng giết sạch, đốt sạch tan hoang cả rồi”. Chàng đỡ nàng đứng lên. Mái tóc nàng xoã ra chảy xuống như một dòng suối huyền, gần chấm đất. Chàng dùng ngón tay chải rồi cuốn gọn vào khăn vấn lên đầu cho nàng. “Làm sao em thoát được?”.- “ Lúc chúng ập vào làng thì em đang đi hái nấm”. Chàng bảo nàng: “Bây giờ chúng mình tìm nơi ẩn náu rồi chiêu tập người về đuổi giặc ra khỏi quê hương”.
     Hai người đi mãi, đi mãi mà chưa tìm được nơi có thể dung thân. Đến chân một quả núi, nàng Bùi đã mệt lắm, mặt tái, hơi thở hổn hển: “Anh ơi! Em không đi được nữa đâu”. Chàng Đoàn dìu nàng đến ngồi lên một tảng đá. Chàng rải một ít lá khô cho đỡ lạnh. Nàng xoải người nằm lăn ra. Mái tóc nàng lại bung ra, tuôn dài. Chàng ngồi cạnh, tay vuốt ve mái tóc ấy, miệng khẽ hát:
       Tóc em là sóng lúa, tóc em là lời ru
       Vì quân giặc thù, tóc cũng long đong
         Trông ra sông núi trập trùng.
       Hỡi ai! Nỡ để mịt mùng mãi sao?
       Nàng Bùi thiêm thiếp trong giấc ngủ nhọc nhằn. Chàng Đoàn ngồi gục đầu vào vòng tay khoanh trên gối đắm vào những suy tính khó khăn. Chợt có tiếng ầm ào như xa, như  gần, thoảng trong hơi gió, và đất dưới chỗ hai người như cựa mình. Hai người sực tỉnh. Một ánh hào quang loá ra trên đỉnh núi. Hai người ngửng nhìn. Một ông già râu tóc bạc phơ đứng trong vầng mây sáng.
     - Hỡi hai người con của đất nước! Sao các con lạc bước tới đây?
     Tiếng cụ già trầm ấm vọng xuống.
     - Người là ai? - Chàng Đoàn ngước hỏi.
     - Ta là Thần Sông Núi. Ta hội tụ khí thiêng non sông cõi nước Nam này.
     - Người là Thần Sông Núi sao lại để sông núi đắm chìm dưới gót giặc ngoại xâm?
     - Sông núi là cái nôi. Ta đùm bọc, nuôi dưỡng. Các con phải tự mình gìn giữ cái tổ ấm của mình. Ta không thể làm thay. Ta chỉ có thể hỗ trợ. Ban nãy, ta hỏi thử các con thôi. Ta biết các con đang cần một nơi ẩn náu. Các con hãy trông đây!
     Thần vỗ tay ba cái. Vách đá trước mắt hai người bỗng chuyển động và nứt ra một cái cửa hang. Thần Sông Núi nói tiếp:
     - Khi cần đóng cửa hang, các con hãy khấn thần chú “Hồng Lạc”, còn khi muốn mở thì hãy nhẩm “Tiên Rồng”. Hãy thử đi!
     Chàng Đoàn làm theo. Quả y như lời. Ngửng lên thì thần đã biến mất. Hai người đánh lửa đốt đuốc dìu nhau lần bước vào hang. Vào trong, hang phình rộng ra, phía trên có lỗ hổng nhìn thấy trời xanh, ánh sáng có thể từ đấy rọi xuống. Hai người đi thăm thú khắp hang thấy thoáng đãng mà kín đáo. Chỉ hiềm muốn có nước, phải ra suối bên ngoài lấy. Thức ăn hiện tại cũng chỉ trông vào quả, củ, chim, thú của rừng. May mà họ có mang theo một cục đá lửa.
     Hai người ngồi nghỉ lấy sức. Chàng Đoàn lựa lời bảo nàng Bùi:
     - Em ạ, chúng mình đã trao trầu cau cho nhau, hai bên cha mẹ đã ưng lòng. Bây giờ chỉ còn lại hai ta. Chúng mình coi nhau như vợ chồng…
     - Nhưng bây giờ chúng ta đang lận đận, quê hương tan tác, đau thương…
     - Anh chưa nói hết. Chúng mình coi nhau như vợ chồng nhưng khoan sống như vợ chồng cho tới khi tính nợ xong với quân giặc thù. Em bằng lòng chứ ?
     Nàng Bùi gục đầu vào vai chồng: “Anh!”
     Chàng Đoàn vuốt nhẹ suối tóc đổ dài trên lưng vợ. Một lát, chàng nâng nàng dậy, chỉ tay: - Ở đây có hai tảng đá phẳng, rộng đủ làm giường ngủ ở hai nơi kín đáo. Để anh đi tìm cỏ khô.
     Nàng Bùi nhỏm dậy: - Để em cùng đi với anh.


MÁI TÓC LƯU TÌNH

     Một ngày nắng ráo. Ánh sáng hào phóng chiếu vào hang. Chàng Đoàn đang mài gươm. Nàng Bùi xách ống bương nước ngồi cạnh thỉnh thoảng rưới lên đá mài cho chồng. Nàng cất tiếng hát, tiếng mài gươm đệm cho lời ca:
          Gươm mài đá núi đá mòn
          Thù quân cướp nước hãy còn nặng vai
          Quê hương gót giặc xéo dày
          Nào ai nghĩa khí về đây chung lòng
       Chàng Đoàn hát nối:
          Còn đây con cháu Lạc Hồng
          Trăm khe sẽ chảy về trong sông dài.
       Chàng đứng lên bảo vợ: - Bây giờ anh đi dò tình hình quân giặc và tìm kiếm những người cùng chí hướng. Em ở lại cẩn thận nhé. Ban ngày không được ra khỏi hang. Bọn giặc thường hay đi ăn mảnh. Có đứa dám sục sâu đấy, em ạ.
     Chồng đi rồi, nàng Bùi thơ thẩn trong hang, chẳng có việc gì làm. Thu dọn hang thì bất quá dăm nhát chổi trong lòng hang, mươi cái quơ tay nơi đệm cỏ nằm, chẳng bõ bèn gì với một cô gái hay lam hay làm như nàng. Nàng băn khoăn đi đi lại lại, đứng lên ngồi xuống . Chợt nghĩ: vách đá hang trống lạnh quá, phải đi kiếm ít hoa lá về trang hoàng cho ấm cúng lên mới được. “Mình nhớ ngoài kia có dây tầm xuân, lại có những loại hoa rừng lâu tàn. Nhưng chàng đã căn dặn mình… Chậc! mình chỉ đi men cửa hang thôi mà”. Nàng đi ra nhẩm lời mở cửa hang, núp sau một tảng đá quan sát. Nàng rón rén bước ra, cẩn thận nhìn quanh. Vắng lặng. Nàng yên tâm bứt dây leo, hái hoa mang về hang. Nàng khéo léo trang trí nơi ở, vừa làm vừa khe khẽ hát. Xong, nàng đứng ngắm công trình của mình, vẻ hài lòng. Nàng đến chỗ các ống bương đựng nước. Nàng cầm lên lắc lắc, ống nào cũng rỗng khô. Nàng đứng tần ngần. “Ban ngày em không được ra khỏi hang”, lời chồng vẳng bên tai. Nàng đặt ống bương xuống, đến ngồi trên phiến đá vợ chồng thường ngồi. Nàng cảm thấy bứt rứt. Chàng về lại phải ra suối. Mà ngay bây giờ mình cần nấu cháo chỗ khoai mài kia để chàng ăn cho khoẻ người sau một chuyến đi vất vả. Suối cũng gần đây thôi. Nàng chần chừ giây lát rồi quả quyết xách hai ống bương đi ra. Nàng thận trọng lần bước đến suối nước. Đứng trên mô đá nhô lên bên suối, nàng cúi soi mình, sổ tóc ra dùng ngón tay nhẹ chải. Nàng ngắm làn tóc mây đen nhánh buông trên dòng nước, mỉm cười cùng cô gái đang lay động dưới suối nhìn lên, nhớ đến những ngón tay mơn trớn của chàng như còn vương trên từng sợi tóc. Nhưng nàng sực nhớ ra vội vấn lại tóc, xuống suối vục nước uống, rồi múc đầy hai ống bương, vội vã vác về. Lần này, nàng không để ý đến xung quanh, mải miết đi. Bỗng có tiếng cười ghê rợn nổi lên, một giọng lơ lớ tiếp theo: - Hố, hố… Cái tiên nữ á! Ngộ đi lạc lại hoá may á.
     Nàng Bùi hốt hoảng ngửng nhìn. Một tên quân Tầu đang đứng kề lùm cây trước mặt. Tên giặc nói tiếp:
     - Cái nị con gái cho ngổ uống nước với nào! Ngổ đang khát đây, khát cái con gái đây. Cho ngổ rồi ngổ đưa về nhà cao cửa rộng, khỏi phải ở nơi rừng rú này a.
     Hắn sấn đến. Nàng Bùi ném cả hai ống bương vào hắn rồi ù té chạy. Tên giặc tay ôm ngực, tay vuốt nước trên mặt, miệng chửi: “Tỉu nà ma cái nị á!”.  Hắn định thần, đuổi theo. Nàng Bùi không dám chạy về hang sợ lộ chỗ ở. Nàng chạy quanh quéo lẩn vào rừng. Thằng giặc quyết không buông. Thế rồi từ trong rừng cây vang lên tiếng thét của nàng Bùi: “Bỏ tao ra! Quân khốn nạn!”. Tiếng cười vừa khả ố,vừa man rợ của tên giặc dội lên…
     Rừng đột nhiên im ắng, nặng nề. Mây úa đầy trời.
     Nàng Bùi thất thểu bước ra, tóc tai rũ rượi, quần áo tả tơi. Nàng đến bên bờ suối ôm mặt khóc rất lâu. Nàng đứng lên ngoảnh mặt về phía hang chắp tay vái vọng, rồi xoay mình chồm người bên dòng suối chực nhảy xuống.
     - Con ơi! Con định liều mình sao?
     Nàng Bùi giật mình ngước lên. Thần Sông Núi đang đứng bên nàng.
     - Con khổ lắm. - Nàng quì xuống khóc nức lên.
     - Ta biết con phiền não. Nỡ nào con để cho người bạn đường và bạn đời của con vò võ? Chàng đang nuôi chí lớn. Con đang rất cần cho chàng. Ta không thể can thiệp vào những việc làm của con. Ta chỉ có thể khuyên can thôi.
     Thần giơ lên hai ống bương: “Những cái này của con phải không?” Nàng Bùi vẫn thổn thức, thưa: “Vâng”. “Để ta giúp con một tay”. Thần đến bên suối, hai tay cầm hai ống dộng thẳng đứng ba lần rồi trao cho nàng Bùi: “Con hãy cầm lấy! Con ạ, mọi vết nhơ do quân giặc nước gây ra chỉ có thể rửa bằng chính nước mắt hoặc máu của chúng. Nhưng nước từ lòng Đất Mẹ có thể làm dịu bớt những nỗi thương đau. Con hãy bình tĩnh lại đi! Ta đang trên đường tìm đến những nơi hào kiệt tụ nghĩa mang tới tiếng gọi của non sông”. Thần biến đi trong hơi gió ào qua.
     Nàng Bùi đứng ngẩn ngơ một lúc rồi vác hai ống nước nặng nhọc lê bước về hang. Nàng đi vật vờ trong hang. Đến trước chỗ dùng làm giường nằm của chàng Đoàn nàng đứng ngắm giờ lâu, giơ tay định sửa sang nhưng vội rụt tay lại, xát mạnh hai bàn tay vào thân áo như kì cọ. Nàng chợt bật khóc, kêu lên não ruột:
     - Chàng ơi! Em không thể thiếu chàng, nhưng em không mặt mũi nào mà nhìn thấy chàng nữa. Cái quí nhất đời con gái em vẫn đinh ninh dành cho chàng đã bị cướp đoạt. Thân em đã bị ô uế rồi!
     Nàng va phải ống bương làm đổ ngang, nước tuôn ra. Nước từ lòng Đất Mẹ có thể làm dịu đau thương thì nước ấy cũng sẽ giúp ta rũ sạch nhơ nhuốc. Suối ơi! hãy chờ đón ta vào lòng!”. Nhưng tiếng thần như còn văng vẳng: “Nỡ nào con để chàng vò võ một mình?”. Nàng lắc mạnh đầu. Suối tóc xoã sóng sánh ôm ấp thân nàng. Nàng sực nghĩ ra: “Phải rồi! Chàng vẫn yêu quí mái tóc này”. Nàng tìm dao cắt tóc gần tận gốc, buộc đầu thành một lọn to, dài mượt. Nàng nâng niu chải kĩ, rồi treo đầu giường nằm của chồng. Lúc này, mắt nàng đã khô lệ. Nàng vân vê dải tóc thì thầm:
     - Tóc ơi! Tóc là một góc của ta. Không! Tóc là cả tâm hồn ta. Tóc hãy thay ta làm bạn với chàng.
     Nàng đưa mắt trìu mến nhìn một lượt khắp hang lần cuối rồi đi ra.


TÓC KHÓC

     Chàng Đoàn trở về. Chàng nói từ cửa hang: - Em ạ, anh gặp hai bạn cùng chí hướng. Lát nữa họ sẽ đến đây cùng chúng ta bàn kế. - Chàng nhìn quanh ngơ ngác- Ủa! Em ở đâu? - Chàng thấy nơi ở đẹp ra, lòng vui vui, chợt đứng sững ra đầu giường mình, nhìn chằm chằm vào lọn tóc - Tóc nào đây? Đúng là tóc nàng rồi.- Chàng nghi hoặc- Sao nàng cắt tóc để lại? Chẳng lẽ nàng bỏ đi tu! Hay là ở đây khổ quá nên về với lũ chó Ngô? - Chàng bỗng cười khẩy - Phải rồi! Về với chúng thì không được vấn khăn nữa, để tóc dài làm chi cho bận, cắt đi cho rảnh nợ là phải. - Chàng thở dài buồn bã - Nàng thấy ta gắn bó với mái tóc này nên để lại lưu chút tình đây, cũng như nàng sửa sang nhà cửa cho ta trước khi bỏ ta. Ta đâu cần thứ tình đó. Nhưng mái tóc này mang nét riêng của phụ nữ Việt, tục Việt, ta sẽ trân trọng mãi. - Chàng ấp iu mái tóc - Tóc ơi! Đã bao lần ta chải, ta vuốt ve tóc. Hẳn là tóc chẳng bao giờ phụ ta như người từng mang tóc đâu nhỉ.
     Có hai tiếng cú rúc phía ngoài. Chàng Đoàn lật đật bước ra. Lát sau, cùng hai chàng trai đi vào, một trong hai người là Đô Lức. Đô Lức mấy lần ngó Đoàn, lên tiếng:
     - Nom anh có chiều ủ dột?
     - Không sao? - Đoàn vội nói - Tôi mải nghĩ đến công việc của chúng ta đấy thôi. Ta vào việc ngay đi - Chàng quay sang người thứ hai - Thế nào, anh Nguyễn ?
     Chàng Nguyễn: - Tôi vừa đò biết có một toán chừng mươi đứa giặc Tàu sắp đi sục sạo khu rừng kề suối đây. Tôi và anh Lức bàn nhau nên đánh.
Chàng Đoàn:- Phải ra phục trước mới được. Ta đi thôi!
     Ba người sắp đi, bỗng nghe như có tiếng đàn bà khóc ti tỉ. Nguyễn nhìn Đoàn nghi ngại:
     - Hình như ngoài ba chúng ta, ở đây còn người thứ tư nữa.
     Mọi người lắng tai nghe. Tiếng khóc lúc chìm lúc rõ. Đoàn ngập ngừng lại gần chỗ có lọn tóc. Đúng là tiếng khóc từ đó phát ra. Đoàn nói thầm thì như khấn: “ Ta phải đi đánh giặc cứu nước. Tóc ở lại đừng buồn. Ta sẽ quay về ngay mà”. Tiếng khóc có vẻ to hơn. Đoàn cau mày, quả quyết quay lưng lại tới chỗ các bạn:
     - Chẳng có ai đâu. Tiếng gió lùa đấy. Ta lên đường ngay cho kịp. 
      Ba người đến một đoạn đường rừng khuất khúc cách hang chừng ba lằn tên, chia nhau chỗ nấp. Một toán giặc sục tới, xì xồ chỉ trỏ. Bà chàng bất ngờ xông ra. Ba tên bị hạ ngay. Bọn còn lại bỏ chạy. Ba người đuổi đánh. Chạy trong rừng thì bọn giặc khó bì kịp dân địa phương. Chúng sắp bị diệt đến nơi thì một toán giặc khác ập đến sau lưng đánh úp. Ba chàng quần nhau với giặc một hồi, đánh ngã thêm ba đứa. Nhưng rồi Lức và Nguyễn bị giết. Đoàn chạy thoát. Chàng đánh lạc hướng bọn địch, lần về hang. Khi bọn lùng sục mò đến chỗ núi đá, chúng chỉ thấy vách núi sừng sững. Chúng đứng ngẩn ngơ nhìn một lúc rồi bỏ đi.
     Trong hang, chàng Đoàn buồn rầu, mệt mỏi đến nằm trên giường đá vắt tay lên trán thở dài. Từ lọn tóc vẳng ra tiếng khóc. Chàng nhỏm dậy, bực bội: - Tóc đừng khóc nữa! Ta đang rối ruột đây. Nhưng ta quyết không thoái chí.
Tiếng khóc lịm dần. Chàng lại nằm xuống, thiếp đi. Trong mơ, người vợ xưa rủ tóc đứng đầu giường, hai hàng nước mắt lã chã tuôn dài, nghẹn ngào nói với chàng: “Đã can, sao chàng chẳng nghe?”. Chàng muốn nắm tay nàng, nhưng bóng dáng nàng cứ chập chờn, rồi chỉ còn thấp thoáng mái tóc. Chàng giật mình tỉnh dậy, dụi mắt nhìn lọn tóc treo đầu giường, thở dài.
     Chàng Đoàn lại đứng lên mang gươm ra đi.


TÓC CƯỜI 

       Ánh trăng từ trên vòm hang rọi xuống sáng lạnh, kì ảo. Chàng Đoàn và hơn mười chàng trai đang cùng nhau bàn bạc.
     - Mỗi đồn chúng có hai chục tên. Chịt cổ bọn gác xong, đánh tập kích chúng ta thừa sức diệt. Nhưng hai đồn khá gần nhau, ta đánh đồn này nếu không gọn, lây nhây ra, đồn kia tới cứu thì phiền cho ta.
     - Phải dùng mẹo. Cho một tốp vờ đánh đồn Hạ, còn tập trung đánh đồn Thượng.
     - Ta ít người, chia nhỏ ra không lợi.
     - Chúng vừa cướp thóc của dân dồn lại ở đồn Hạ chưa kịp chuyển đi .Ta cho người đốt đồn này rồi tập kích đồn kia.
     - Đúng! Đồn Hạ có hàng rào tre dễ cháy lắm. Mấy lâu nay chúng chẳng bị ai đụng đến, mải ăn no, ngủ sướng, không phòng bị đâu.
     - Ta xông thẳng vào thì khó nhằn. Chi bằng đào hố trên đường độc đạo đón bọn đi chữa cháy. Lương thực là cực hệ trọng, thế nào bọn chúng cũng chia người đến cứu. Ta đánh úp diệt bọn còn lại trong đồn.
     - Hay! Thoạt đầu, cứ để cho chúng tưởng là quấy rối vặt thôi. Làm cho gọn bọn đi tiếp sức chữa cháy, lột trang phục cho người mình khoác vào quay về gọi mở cửa đồn, xử bọn lính gác. Người của ta ém sẵn bên ngoài chỉ việc ùa vào đồn cho nhẹm. Sau đó, thừa cơ ta lừa diệt luôn đồn kia.
     Cả bọn đang sửa soạn khí giới để đi đánh trận ngay trong đêm thì vẳng nghe tiếng cười trong trẻo. Các chàng trai ngạc nhiên. Chàng Đoàn đi đến gần lọn tóc lắng nghe. Quả chàng không nhầm. Chàng lẩm nhẩm: “Tóc có gì vui mà cười thế? Ta sắp đi đây. Ta đánh thắng về, tóc hát cho ta nghe nhé!”. Chàng trở lại nói với các bạn:
     -Chỉ là tiếng suối sau hang đó mà. Chúng ta đi thôi!

     * * *
     Trận đánh thắng trọn. Trong hang, một số người đang sắp xếp lại chiến lợi phẩm. Một số người đang nấu nướng. Lát sau, họ ngả một bữa tiệc đơn sơ mừng chiến thắng.
     Khuya. Mọi người đi nghỉ. Đoàn thu xếp cho các bạn yên chỗ xong, về giường đá của mình. Vừa đặt người xuống, chàng nghe mơ hồ tiếng hát đâu đây. Định thần, chàng nhận ra tiếng hát phát ra từ lọn tóc. Chàng nhỏm dậy nâng mớ tóc ấp lên mặt: “Tóc hát mừng bọn ta phải không? Cảm ơn tóc nhé!”. Chàng cởi lọn tóc đặt lên gối. Mùi dầu sả từng ướp thơm lòng hang mỗi khi nàng Bùi gội đầu xưa kia dường như vẫn còn lẩn quất trong mớ tóc. Chàng tái tê nhớ nàng. Chuyện giận hờn lùi xa. Chàng trằn trọc mãi trước khi chìm vào giấc ngủ nặng nề. Chàng thấy người vợ xưa hát lượn quanh chàng trong một điệu múa chào đón và chúc tụng. Bỗng nàng choàng tay ôm đầu chàng, gục mặt vào ngực chàng âm thầm khóc. Chàng tỉnh giấc, trong lòng hồ nghi. Chàng sẽ sàng đi ra ngoài hang. Trăng xế non tây dãi ánh sáng mờ nhạt lạnh lẽo lên núi rừng. Sương mù đang dâng lên. Chàng đứng lặng, ngậm ngùi. Nàng đã bỏ ta mà đi, sao vẫn còn ám ảnh ta hoài? Có uẩn khúc gì đây!
     Thần Sông Núi lại đến với chàng. Trong màn sương dầy, chàng cảm nhận hơn là thấy rõ bóng dáng thần mờ ảo trên sườn núi. Và một giọng nói quen và ấm cúng đối với chàng lúc này truyền đến tai chàng, đến tâm can chàng:
     - Hỡi chàng trai anh dũng và khổ đau! Chẳng phải vợ của con phụ tình con đâu. Nàng đã bị một tên giặc làm nhục khi ra suối lấy nước. Mái tóc nàng đã thay nàng ở lại bên con, góp sức với con. Mỗi khi con ra quân không lợi, mái tóc ấy khóc; trái lại, nếu chắc thắng, mái tóc cười. Con hãy nhớ lấy! Nhân đây, ta báo cho con tin vui: Cách đây khoảng bốn trăm dặm về hướng tây - nam có một vị anh hùng đã dựng cờ đại nghĩa chiêu tập hào kiệt bốn phương để đánh đuổi quân cướp nước. Các con hãy mau mau đi tụ nghĩa!
     Chàng Đoàn bàng hoàng. Thì ra vợ chàng … Vậy mà chàng nỡ ngờ oan cho nàng. Thật đáng xấu hổ! Thật đớn đau! Em ơi! Hãy tha thứ cho anh. Anh sẽ chuộc tội với em bằng những đòn giáng xuống đầu thù.
     Khi chàng tĩnh trí lại, thần Sông Núi đã biến mất. Nhớ tới lời thần báo, chàng vội chạy vào hang. Chàng nai nịt gọn gàng, khoác cuộn tóc vào cổ cho hai đầu nhét gọn trong ngực áo. Đoạn chàng đứng ra giữa hang vỗ vào gươm nói to:
     - Dậy! Dậy! Các bạn ơi! Phải đi ngay đến nơi tụ nghĩa!
     Mọi người bật dậy. Khi hiểu ra sự tình, họ hồ hởi và háo hức sửa soạn để lên đường ngay trong đêm.
         


MÁI TÓC THUỶ CHUNG

      Chàng Đoàn và các bạn của mình đã tìm đúng minh chủ. Những đốm lửa khởi nghĩa, âm ỉ hay bộc phát, từ khi có người cầm lái vững vàng, dần dần nhóm lại và bùng lên thiêu đốt quân thù. Đoàn, trong hàng ngũ nghĩa quân, rong ruổi trên các chặng đường đuổi đánh giặc nước. Chàng chẳng lúc nào rời cuộn tóc, di vật của người vợ thân thương, ngay cả trong những ngày gian nan nhất, những bận khốn đốn nhất vì những đòn phản kích của quân thù.
     Cuối cùng, cuộc khởi nghĩa toàn thắng. Giặc Minh bị quét sạch khỏi bờ cõi nước ta. Chàng Đoàn rời đoàn quân đang ca khúc khải hoàn, một mình một ngựa trở về  quê cũ. Chàng muốn góp sức xây dựng lại quê xưa, nơi từng in bóng người vợ bất hạnh của chàng. Trên cổ chàng vẫn cuộn tóc ấy thay cho vòng hoa chiến thắng.
      Một chiều, chàng qua một miền đất có vẻ hoang vu. Người lưng mỏi, ngựa chân chồn. Chàng lỏng dây cương mặc cho ngựa đưa mình đi. Hoàng hôn đã ngấp nghé từ các lùm cây. Chàng chưa biết sẽ trú lại nơi đâu. Chàng ngửng nhìn trời. Một đôi chim đang nối đuôi nhau soãi cánh bay về phía rặng cây cao xa xa, hẳn là chúng đang dìu nhau về tổ. Chàng chạnh lòng, bất giác hát lên nỗi niềm gửi vào làn gió hoang:
        Non sông giành lại được rồi
        Tìm đâu cho thấy bóng người ngày xưa?
        Đường đời chẳng ngại nắng mưa
        Ngại chăn chiếu lạnh sớm trưa bẽ bàng.
       Chợt nghe tiếng chuông chùa ngân xa như một tiếng thở dài. Chàng giục ngựa nương theo tiếng chuông lần tới. Một ngôi chùa náu mình dưới những tàng cây cổ thụ trên một ngọn đồi thoai thoải. Trong ánh chiều hôm, ngôi chùa trông càng có vẻ hiu quạnh. Nếu không có tiếng chuông thì ngỡ đâu chùa đã bị bỏ quên. Chàng vào đến sân vẫn chẳng gặp ai. Chàng buộc ngựa rồi nhẹ chân lọt qua cánh cửa nửa khép. Trước điện thờ Phật có một vị sư đang ngồi thiền định. Ánh sáng vàng vọt của mấy đĩa đèn dầu không đủ rọi cả gian chùa, nhưng cũng đủ cho chàng nhận ra đó là một sư nữ. Không muốn làm kinh động phút nhập định của ni cô, chàng sẽ sàng đi sang gian phụ bên cạnh, nơi có ánh đèn hắt ra. Chàng thấy có một cỗ quan tài nắp đậy hờ. Chàng nghĩ đó là thứ dự phòng của người lo xa, thường là người già. Nhưng sao lại chong đèn như thể đèn thờ? Chàng bỗng thấy xốn xang và cuộn tóc quanh cổ chàng cụ cựa như khi người ta sốt ruột. Chàng trở lại gian đại điện, đang chưa biết làm thế nào để hỏi chuyện được thì ni cô đang thiền định bỗng mở mắt: “Ta biết người đang nóng lòng muốn biết điều gì. Hãy ngồi xuống đây!” Bấy giờ chàng mới nhìn rõ mặt người ngồi trước Phật đài, một nhà tu hành đã có tuổi.
      - Một đêm cách đây hơn mười năm, - vị ni già kể - ta được đức Bồ-tát báo mộng bảo ra bờ suối sau chùa này. Ta gặp xác một người con gái nằm nổi trên mặt nước, không trôi đi. Ta vớt lên thấy không còn thở. Ta cố cứu chữa song chẳng được. Ta lau rửa cái thi thể bằng nước thơm và rảy nước cành dương - nước thiêng của Phật - rồi khâm liệm tử tế. Nhưng thân thể người nữ đã chết ấy vẫn mềm nên ta không nỡ chôn. Đến bây giờ vẫn vậy, chẳng hề cứng.
     Chàng Đoàn xin được xem. Lão ni nói:
     - Ta cũng đã nghĩ cần phải vậy. Người nên xem. Ta đã cảm nhận một sự xao động lạ lùng từ khi người có mặt nơi đây.
     Lão ni đem thêm một cây đèn vào cái phòng bên mà ta đã biết. Đoàn giúp mở nắp quan tài. Chàng còn chưa kịp nhìn rõ gì cả thì cuộn tóc trên cổ chàng bỗng bung ra rồi bay vút tới đính vào đầu người nằm trong quan tài. Suối tóc đen chùm lên mặt và trải dài phủ dọc thân. Chàng kinh ngạc, đứng sững. Ni cô dùng tay vẹt tóc trên mặt người chết để lộ ra khuôn mặt. Đoàn trố mắt nhìn rồi kêu lên: “Nàng Bùi!”. Tiếng kêu như có phép lạ khiến mi mắt người chết rung rung và mắt từ từ mở ra. Chàng Đoàn vừa mừng vừa sợ, chưa hiểu ra sao. Bên ngoài, một ngọn gió lành bỗng dậy lên lao xao thổi. Vọng trong tiếng gió lời Thần Sông Núi mà chàng đã nghe quen:
       - Hỡi chàng trai trung hậu! Đất Mẹ gửi trả người vợ thủy chung cho con, sau khi non sông ta sạch mọi dấu vết nhơ nhớp của quân thù. Các con hãy sống sao cho trọn nghĩa, trọn nghĩa với nhau, trọn nghĩa với đồng bào, trọn nghĩa với quê hương./.

(Gợi  ý từ một mẩu chuyện kể dân gian
vùng Liễu Đôi – Hà Nam.)

<bài viết được chỉnh sửa lúc 23.05.2009 16:35:41 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9