Cây thốt nốt là loại cây đặc sản của người Khme Nam Bộ, trồng nhiều nhất ở hai huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn thuộc tỉnh An Giang. Thốt nốt ít choán đất, vì thường trồng cặp các bờ thửa, bờ ranh của những mảnh ruộng hoặc trồng quần tụ tại các khoảnh đất hẹp không trồng được cây ăn quả. Thân thốt nốt tròn, cao, tán lá ngắn xòe ra tựa hình nan quạt. Công dụng lá thốt nốt phơi khô làm giàn để nhử dơi lấy phân và làm quạt bán. Nguồn lợi kinh tế chính của thốt nốt là lấy nước uống giải khát, chế biến rượu vang, nấu đường. Trái thốt nốt to cỡ trái bưởi, màu sắc giống hệt trái măng cụt, ruột bên trong có cơm như dừa nước. Trên ngọn thốt nốt có nhiều vòi hoa. Cây đực ít vòi lại không có trái. Còn cây cái, nhiều vòi hoa mỗi cây từ 30-40 vòi. Lúc trổ hoa, vòi nhô ra dài khoảng 4-5 tấc. Người ta cắt vòi hoa dùng thanh tre kẹp lại đeo ống tre lên hứng nước tiết ra từ cái vòi hoa. Sau một tuần hoặc 10 ngày, cây thốt nốt sẽ cho nước. Mỗi ngày thay kẹp tre 2 lần, lấy ống nước cũ xuống thay ống mới lên. Cây thốt nốt từ trồng cho đến thu hoạch phải vài, ba mươi năm, nhưng tuổi thọ của chúng rất cao, sống trên trăm năm. Do đó, trồng thốt nốt đời này truyền cho 2-3 thế hệ kế tiếp thụ hưởng. Quân bình một cây thốt nốt lấy nước quanh năm, được 100kg đường. Điều này cho ta thấy trồng cây thốt nốt có hiệu quả kinh tế cao. Trái thốt nốt còn non, tươi đem bổ đôi lấy ruột pha đường và nước đá vào, trộn chung với bột gạo là nguyên liệu làm bánh bò tuyệt hảo.
Đường thốt nốt đã cung cấp cho người tiêu dùng từ xưa đến nay với hương vị thơm, ngon, đậm đà, chất lượng béo ngọt, hơn hẳn các loại đường thông dụng khác. Độc đáo nhất, một sản phẩm mới từ nguồn nguyên liệu của nước thốt nốt ra đời gây được sự chú ý của nhiều giới, đó là thạch thốt nốt, một mặt hàng tiêu thụ mạnh trên thị trường hiện nay. Đây là tín hiệu rất phấn khởi để phát triển công nghiệp chế biến của tỉnh An Giang.
Chè thạch thốt nốt
Nước thốt nốt lấy từ thân cây xuống nên không sử dụng sau 24 giờ sẽ bị lên men, đem nấu đường kém chất lượng. Còn làm thạch thốt nốt phải kỹ hơn nấu đường rất nhiều. Nước thốt nốt lấy xuống cần đủ trọng lượng đem lược saci, xử lý bụi rồi đem nấu sôi trong vòng 50 phút mới cho những phụ liệu cần thiết vào như ta nấu “rau câu” vậy. Sau đó đun sôi trở lại mới đổ ra thùng, để nguội rồi đổ vào khuôn, đậy kín các khuôn bằng loại giấy thông thường hay giấy báo, trong thời gian 10 ngày, dung dịch cô đặc thành thạch, đem xả chua và ngâm trong thùng nước lã 3 ngày, rồi đưa thạch thốt nốt vào máy cắt thành từng viên vuông nhỏ, công đoạn sau cùng là đem xếp vô keo nhựa cùng với nước đường và hương liệu đặc trưng của thốt nốt được chiết xuất từ tinh chất của trái thốt nốt chín. Đây là yếu tố quyết định của sản phẩm thạch thốt nốt gây cho người tiêu dùng thích thú. Mỗi keo nhựa thạch thốt nốt có trọng lượng 800 gam, giá bán mỗi keo thành phẩm 7.000 đồng.
Thạch thốt nốt là sản phẩm vừa lạ, vừa quen, chất lượng hơn hẳn thạch dừa, tạo cảm giác ngạc nhiên và thích thú cho người tiêu dùng, mùi vị đặc trưng hấp dẫn, dai dai, giòn giòn, vừa béo, vừa ngọt làm mát dịu, thấm đậm và nhớ lâu.
Nguồn: Diendan.Eva.Vn
.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 13.05.2009 01:06:14 bởi Ct.Ly >