Những Mảnh Vỡ Buồn Của Tuổi
nguyenannhien 13.05.2009 13:49:28 (permalink)
CHƯƠNG 1
Máy bay đáp phi trường quốc tế San Francisco vào lúc một giờ chiều. Ấn tượng đầu tiên của Thương về đất nước nổi tiếng này là ‘nhanh và gọn.’ Tất cả mọi việc từ lấy hành lý ra khỏi khoang, nhận hành lý từ ruồng quay, đến làm thủ tục hải quan, đều nhanh gọn và dễ hiểu. Khi đẩy hai vali qua chỗ xét hành lý, người nhân viên an ninh chỉ hỏi Thương có mang đồ cấm gì không và phẩy ta cho cô đi sau cái lắc đầu dứt khoát. Thương thở phào đẩy xe hành lý ra cửa, lòng khấp khởi mong gặp người mẹ đỡ đầu, bà chắc đang chờ Thương ở ngoài phòng đợi.
-Tình Thương, bên này nè con.
Tiếng reo khẽ ở phía trái và nụ cười tươi làm Thương nhận ngay ra mẹ Yên. Bà chạy ào ra ôm Thương vào lòng, vuốt tóc cô dịu dàng hỏi:
-Mệt lắm không con.
Thương mỉm cười thưa dạ không mệt lắm rồi quay sang chào người đàn ông đứng tuổi bên cạnh. Ông giơ tay ra bắt tay cô, giữ chặt giây lát, nhìn ngắm cô cẩn thận rồi nhẹ nhàng bảo:
-Con lớn hẳn lên, ra dáng thục nữ lắm rồi. Tóc cũng dài hẳn ra, khác với hồi bác gặp ba năm về trước nhiều lắm.
-Anh nói, người ta sinh viên đại học rồi chứ bộ. Thôi mình đi con, để bác Đông đẩy hành lý cho. Con có khát nước hay đói bụng không? Không hả, vậy để về nhà ăn uống luôn nghen.
Tiếng đồng hồ sau đó Thương bận trả lời các câu hỏi của người mẹ đỡ đầu đến độ không có dịp để ý đường đi hay cảnh vật xung quanh. Mãi đến khi xe dừng trước căn nhà màu gạch đỏ cô mới biết là đã đến nơi. Căn nhà thật dễ thương, trông nhỏ nhắn với vuông cỏ xanh rì đằng trước, một cây to có lá trông như lá bàng phía bên trái sân, trước hàng hiên là vài chậu phong lan treo lủng lẳng ra hoa rất đẹp.
Mẹ Yên dẫn cô vào phòng ngủ. Bốn bức tường được sơn hai màu cam và xanh lá cây đối lập tạo nên khung cảm ấm áp và trẻ trung. Cửa sổ vườn trông ra sân sau, cũng là vuông cỏ xanh rì được bao quanh bởi hàng cây ăn trái. Bác Đông để hai vali xuống sàn:
-Bác đề nghị mẹ con đừng trang trí gì, để tự con làm theo ý mình. Ngòai cái giường và nệm có sẵn ra, ngày mai mẹ và bác sẽ đưa con đi sắm từ ra giường đến màn cửa để cho vừa ý. Đến đầu tháng 9 con mới nhập học phải không? Mình có nhiều thời gian chuẩn bị mà. Con thấy sao?
-Dạ con thích lắm. Con thích lắm ạ. Thương lập lại câu nói rồi bẽn lẽn cười trước cái nheo mắt của mẹ Yên.
-Con nhỏ này y như mẹ ruột nó, dịu dàng thấy thương quá anh Đông heng. Thôi con tắm rửa cho thoải mái rồi nghỉ ngơi kẻo mệt, đói thì ra bếp mẹ để sẵn thức ăn nhẹ cho con rồi. Để mẹ email cho Tranh biết kẻo nó mong. Con có nhắn gì không?
-Dạ không, con sẽ email cho má con sau ạ.
Yên dắt con bé vào phòng tắm, cẩn thận chỉ dẫn đâu đó kỹ càng rồi mới yên tâm quay ra. Bà cười khi thấy ông đứng đợi ở bếp:
-Vậy là ổn rồi anh ha. Em cứ sợ mình không chu đáo, dù sao bao lâu nay không chăm sóc ai cũng quen rồi.
Đông cười trêu vợ:
-Ừ, bao lâu nay được chăm sóc quen rồi chứ gì, sướng quá có biết đâu.
Yên cười vòng tay qua cổ ông nhõng nhẽo:
-Đâu có thấy gì đâu, có thấy cưng chiều gì đâu à.
Rồi giật mình đẩy ông ra xa:
-Ý không được anh ơi, để con nhỏ thấy nó ngại chết. Cứ quen là nhà có hai người, từ nay phải cẩn thận nghen honey.
Đông cười lắc đầu trước cử chỉ của vợ, đã hơn hai mươi năm vợ chồng rồi mà Yên không khác hồi anh mới quen là mấy, lúc thật đứng đắn nghiêm trang như bà già, khi lại ngây thơ nhí nhảnh như trẻ nhỏ. Hy vọng con gái Tranh sẽ thoải mái trong ngôi nhà này.


CHƯƠNG 2

Đám sinh viên đứng vòng trong vòng ngoài xem trận đấu bida lỗ giữa một cô gái Á Châu và chàng trai da trắng. Họ đang đánh đến khúc ác liệt, trên bàn còn 8 viên bi, chàng trai vừa đánh hụt một cơ, tức mình chửi thề rồi nhường chỗ cho cô gái. Cô xoa phấn vào đầu cơ, tập trung quan sát bàn cơ rồi di chuyển quanh bàn, từng cơ từng cơ một đưa cái trái banh vào lỗ. Tiếng người xem ồ lên khi chỉ còn hai viên đen trắng trên bàn cơ. Một chàng trai thốt lên:

-Khó lắm, nằm sát nhau vậy kia mà. Lỗ lại nằm khá xa.

-Ừ, nếu đánh quá mạnh viên trắng rớt xuống theo thì thua vô lý lắm.

Cô gái hơi nhếch mép, cầm cán cơ bằng bàn tay phải, nhắm đầu cơ vào trái banh trắng. Bàn tay cô vững như thạch, không hề run rẩy, cây cơ như ngọn bút thẳng tắp, chỉ chờ đợi lực từ cổ tay cô. Bùm, viên bi đen bị đánh vào lỗ, viên bi trắng lăn theo rồi chậm dần chậm dần ngừng lại trước lỗ chứ không rớt xuống như vài lời bàn đã tiên đoán. Tiếng ồ lên thán phục xen lẫn bực bội của những người thua độ. Cô gái xoè bàn tay, chàng trai bỏ vào đó tờ 20 chục, vỗ vai cô khen ngợi rồi bước đi. Đám đông giải tán. Cô gái xoay người nhìn thấy đôi mắt đầy thán phục của Thương, mỉm cười thân thiện, hỏi bằng tiếng Việt:

-Rảnh không, đi ăn trưa?


Thương gật đầu đi theo chân người bạn mới quen vào cafeteria. Mỗi người đặt một cái mushroom burger rồi ngồi xuống im lặng ăn như thể đã quen nhau từ lâu. Ăn xong cô gái chìa tay ra bắt tay Thương, ngắn gọn:

-Jo, 20 tuổi .

Thương nhẹ nhàng:
-Vậy chị lớn hơn em. Em 18, tên Thương.

-Thương giống như là love hả?
-Đúng rồi. À, sao chị biết em người Việt?
-Mình học chung lớp Viết mà, còn ai không biết Thương là sinh viên du học từ Việt Nam, người mà giáo sư Shapiro khen nức nở là văn phạm vững nhất trong hơn mười năm ông dạy học.
-Ồ. Thương đỏ mặt cúi xuống nhìn tờ giấy napkin trên bàn.
-Sao, không quen được khen hả? Thương hay mắc cỡ thiệt, cái gì cũng đỏ mặt hết trơn.
Nói rồi Jo phá lên cười trước vẻ mặt người bạn mới.

-Chị đánh bida hay quá .
-Muốn học không?
-Muốn, nhưng mà em dở lắm.
-Đâu có sao, ai mới biết đánh không vậy. Muốn học thì mỗi ngày thứ 2 sau lớp vào chỗ hồi nãy Jo dạy cho, miễn phí.
-Thiệt heng. Có cần chuẩn bị gì không?
-Chẳng cần gì đâu, nhớ mặc đồ thoải mái, đi giày thấp. Cúi xuống nhìn giày cô, JO gật đầu hài lòng, như vậy là được rồi.

Thương đã gặp người bạn gái thân thiết đầu tiên tại Mỹ như vậy đó. Phần Jo không biết rằng cuộc gặp mặt này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong đời mình.

CHƯƠNG 3

Vừa bước vào phòng khách Thương đã nghe được mùa sốt cà chua từ bếp toả ra. Cô gọi lớn:
-Mẹ Yên nấu spaghetti à?
Không nghe tiếng đáp, Thương vội vã cất cặp sách, thay cái áo ngoài rồi vào bếp giúp bà. Chợt một cái bóng to lớn nhảy ra từ sau tủ lạnh là Thương hết hồn la lên. Giọng cười đàn ông rổn rảng và tiếng mẹ Yên trách:
-Đã nói đừng có hù con nhỏ, coi chừng có ngày nỏ xỉu ra đó rồi khóc .
Thương đấm thùm thụp vào chàng thanh niên, hét:
-Anh Hai, anh Hai. Anh đến hồi nào sao không báo cho em. Anh cà chua cà chớn làm em hết hồn nè.

Người được gọi là anh Hai vòng tay ôm Thương vào lòng, cốc đầu cô trêu:
-Chao ôi nó thành thiếu nữ rồi mẹ Yên hả? Kiểu này ra đường con đâu có dám ôm, mắc công bị mang tiếng có bồ thì uổng lắm. Sao đi học có vui không? Có gì cần anh giúp không?
-Em học tốt, vui lắm cần gì đâu. Mẹ Nguyên có đến không anh? Bố anh đâu rồi? Anh được nghỉ phép hả, có gì vui kể em nghe với.

Bà Yên từ bếp ra can thiệp:
-Thôi được rồi, hai đứa rửa tay dọn bàn giúp mẹ, mình ăn tối cả nhà cho vui. Hôm nay bác Đông đi gặp bạn bè họp mặt gì đó, chỉ có ba mẹ con mình thôi. Lĩnh, con nhớ gọi báo mom cho bà yên tâm nhé.

-Con gọi rồi. Mẹ Yên làm sao biết bác Đông đi họp mặt bạn bè. Con thấy ông còn phong độ lắm, đẹp trai dễ sợ, mẹ phải đi theo chứ?
-Mày cứ ba xạo hoài. Ông Đông mẹ có thả cho đi cũng không dám nhìn ngang liếc dọc.

Thương cười:
-Bác Đông là người đàn ông bị tuyệt chủng của thời đại này mẹ heng. Má con mỗi lần kể chuyện tình của hai người là cứ tấm tắc khen giống y như phim truyền hình thôi.

Bà Yên đỏ mặt, khoát tay:
-Tụi bây thiệt tình. Mẹ già rồi, nói chuyện tình cảm tụi bây kìa. Thẳng Lĩnh này nè, nghe mom con nói con đào hoa lắm hả, đừng có quá đáng mà sau này mang nợ nghe con.

-Đâu có, mom con nói oan cho con đó chứ. Mà nói thiệt chứ đào hoa có gì không tốt đâu, miễn đừng đào mỏ là đươc rồi .

Thương ôm bụng cười ngặt nghẽo,
-Anh Hai về Việt Nam có một năm mà tiếng Việt tiến bộ dễ sợ. Ai mà ngờ anh chàng tóc nâu mắt xanh lại nói tiếng Việt hay như vậy.

-Cái gì, cái gì, dám đem bề ngoài anh ra nói hả, phạt cái tội kỳ thị bây giờ .

Bữa cơm tối diễn ra ấm cúng và vui vẻ nhờ những câu nói đùa của Lĩnh. Bà Yên ngồi nhìn hai đứa trìu mến, thỉnh thoảng lại gặp thêm thịt cho LĨnh hay rót thêm nước sốt cho Thương. Tụi nhỏ lớn thật rồi, gần bằng hồi bà mới gặp Tranh và Nguyên còn gì . THời gian quả thật như bay .


CHƯƠNG 4

Jo cúi người sát bàn bida, tay phải cầm cơ, bàn tay trái đặt trên bàn, diễn tả:
-Bàn tay Thương phải để như vậy để lấy điểm tựa, ngón trỏ tạo hình tròn như vậy hay để kiểu nào tuỳ Thương, chỉ cần có chỗ vững cho cây cơ là được. Thương thử đi. Tay phải thì cầm cơ như vậy, vững nhưng không quá cứng, và khi thụt thì dứt khoát như vậy. Ok?

Thương gật gật đầu rồi làm theo hướng dẫn của Jo.
-Good, good. Thương thông minh lắm. Học rất nhanh. Ok, bây giờ thử đánh một trái banh xem nào. Ừm, được rồi. Bây giờ Thương thử nhắm cái lỗ ở đằng kia, đánh trái banh số 5 này vào đó cho Jo đi. Ok, tốt lắm. Thương có giỏi toán không? Trò chơi này vận dụng kiến thức về Physics và Geometry nhiều lắm, ví dụ như khi mình đánh trái banh số 3 vào trái banh số 6 thì hướng chạy của chúng sẽ ra sao, lực nặng nhẹ như thế nào, vv. HIểu không? It's ok, từ từ Thương sẽ hiểu.

Hai chị em say sưa người chỉ người học khoảng nửa tiếng thì Thương chợt nghe tiếng con gái hỏi cộc lốc:

-Khi nào chơi xong?

Vì Thương đang đánh nên không thể trả lời, Jo ngẩng lên nhìn người hỏi, một cô gái tóc vàng, da trắng, cao nhòng đang nhìn vẻ khó chịu. Jo khoác tay chỉ về phía phòng tiếp khách ý nói muốn gì thì ra kia hỏi rồi tiếp tục hướng dẫn Thương.

Cô gái bực tức gằn giọng:
-Này, không hiểu tiếng Anh sao? Ở đây là chỗ chơi chứ đâu phải chỗ dạy. Không biết thì về nhà mà học, ở đây làm mất chỗ của người ta.

Giọng len cao của cô gái làm nhiều sinh viên đang ngồi gần đó quay lại nhìn. Vài người biết Jo nhìn cô xem phản ứng. Thương đứng thẳng người, tính trả lời thì Jo khoát tay cản. Cô nhìn thẳng vào mắt người con gái lạ, giọng trầm lại gằn từng tiếng:

-Ở đây có luật cấm nói tiếng nước ngoài sao? Ở đây có luật cấm chỉ người khác chơi bida à? Cô từ hành tinh nào xuống vậy? Có biết đây là tiểu bang Cali không?

Vài tiếng cười lác đác làm cô gái đỏ bừng mặt, giận dữ chỉ ngón tay vào Jo:
-Đừng láo xược. Nếu hiểu tiếng Anh sao không trả lời cho tôi lúc đầu.

Jo bất thình lình quật cây cơ xuống đất cái ầm làm cả Thương và cô gái lạ giật mình nhảy lùi lại. Cây cơ bị gãy làm hai, Jo chĩa thẳng cây cơ vào mặt cô gái, mắt long lên:

-Đừng có giỡ thói kỳ thị ở đây ngay chưa? Cô là người lớn hay con nít mà không biết rằng khi mình hỗn xược thì người khác có quyền im lặng? Đừng tưởng rằng ai cũng sợ màu da trắng của mày. Đi chỗ khác chơi.

Mặt cô gái tái mét, hét lên:
-Này, cô doạ tôi đó à. Mọi người nghe nó doạ nạt tôi không? Tôi sẽ gọi cảnh sát đấy. Đồ mọi rợ.

Thương vội bước lên trước mặt Jo, trầm tĩnh nhìn vào người đối diện, nói:
-Tôi nghĩ rằng chị nên xem lại tư cách của mình. Những câu nói vừa rồi mang tính nhục mạ rất cao. Nếu gọi cảnh sát thì tôi cũng muốn kiện chị tôi lăng mạ nơi công cộng và kỳ thị màu da. Thêm nữa, bạn tôi không doạ nạt gì chị cả, chỉ mất bình tĩnh và nổi nóng vì bị chạm vào nỗi đau mà thôi. Mong rằng chúng ta ngừng ở nơi đây và học được bài học của riêng mình.

Không hiểu vì giọng nói bình tĩnh của Thương hay dáng dấp nhỏ bé hiền lành của cô, hay ý nghĩa logic trong lời nói của cô mà cô gái dịu lại. Một chàng trai bước ra kéo cô đi, nói nhỏ gì đó vào tai rồi bước ra ngoài. Thương nắm tay Jo, bàn tay còn run rẩy, tay còn lại cầm hai khúc gãy của cây cơ xếp vào góc phòng rồi bước ra ngoài. Đám đông giải tán, một vài người bước theo dúi vào tay Thương số điện thoại trong trường hợp cần liên lạc làm nhân chứng. Buổi học đầu tiên kết thúc không đẹp đẽ mấy.

CHƯƠNG 5

Jo ngồi lặng thinh trước bàn làm việc của Giáo Sư Wright, trưởng khoa Văn. Người phụ nữ với mái tóc bạc cắt sát đầu, nổi tiếng vì sự cương nghị, tính hóm hỉnh, và phong cách làm việc chuyên nghiệp. Đã hai lần bà bị căn bệnh ung thu ngực tấn công, và cả hai lần bà vượt qua nó, tiếp tục làm việc, dạy học, và sáng tác. Không một học sinh nào trong khoa mà không yêu quý và tôn trọng bà.

-Jo, tôi muốn nghe em nói về vụ việc xảy ra trong Student Hall hôm nọ. Tôi đã nghe từ Jackie, và bây giờ thì đến phiên em. Những lời em nói ở đây sẽ được bảo mật, chỉ tôi và em biết. Và buổi họp này được xảy ra trong tinh thần thân thiết giữa cô giáo và học trò. Mong em hợp tác với tôi.

Jo ngước lên nhìn sâu vào cặp mắt xám tro, hít một hơi dài nhẹ nhàng bảo:
-Em xin lỗi vì những hành động của mình. Em đã không kiểm soát được mình. Dù bạn ấy có những lời xúc phạm, nhưng đó không phải là lý do chính đáng cho hành động của em. Em thành thật xin lỗi cô.

Bà Wright với tay ra nắm lấy bàn tay Jo:
-Jo, em là học sinh ưu tú của khoa, được học bổng toàn phần. Các giáo sư đều yêu mến và đánh giá khả năng em rất cao. Các bạn cũng thích em, và chưa bao giờ có phàn nàn về em. Do đó...

-...

-Jo, cô xem lại hồ sơ thời trung học của em, em đã có những lần nổi giận như vậy. Dù rằng sau đó em sẵn sàng nhận lỗi và chịu phạt. Cô muốn em thành thật nói trả lời cô câu này. Em có nghĩ rằng mình có vấn đề về anger management không?

Jo cựa quậy mình trên ghế, bối rối trước cái nhìn chăm chú của người trưởng khoa đáng kính. Cô tiếp tục im lặng không trả lời.

-Jo, cô bị bệnh ung thư, và cô ghét cơn bệnh của mình lắm. Nhưng em biết không, cô học được rất nhiều từ nó. Một trong những bài học đó là sự can đảm, can đảm đối diện với sự thật là điều kiện căn bản để mình tiến bộ Jo ạ. Cô có người bạn là chuyên viên tâm lý, bà ấy người Việt như em, và rất nổi tiếng trong ngành. Khi nào em cảm thấy cần giúp đỡ, hãy gọi cho bà ấy và nói là sinh viên của cô, bà ấy sẽ giúp em ngay. Em có thể hứa rằng đừng vất tấm busines card này không.

-Em hứa thưa cô.

-Được rồi, em có thể đi. Bà nheo mắt hóm hỉnh khi Jo ra đến cửa. À, trường mình không cho phép cá độ đâu, nên lần sau có nhận tiền cược em đừng công khai quá nhé.

Jo rời văn phòng bà trưởng khoa nhẹ nhàng hơn khi bước vào. Tấm thiếp bà đưa rất đơn giản, một búp sen hồng vươn lên từ mặt nước lăn tăn. Tiến sĩ Yên Viet Tran, chắc chắn là người Việt. Cô đút tấm thiệp vào túi nhỏ trong cặp, dứt khoát bước về phía Cafeteria, nơi Thương đang đợi cô đến ăn trưa chung.
....
...
Yên vừa bước vào văn phòng thì chuông điện thoại đổ dồn dã, ra hiệu cho cô thư ký là mình bắc được, cô nhấc máy:
-Yên nghe đây.
Giọng phụ nữ quen thuộc từ phía bên kia:
-Yên, mình nè, Barb đây.
-Hey, vui vậy, gọi mình sớm vậy. Bạn khỏe chứ?
-Cũng được, mới xong xạ trị tuần trước, đang từ từ phục hồi.
-Tốt, cần giúp gì thì gọi cho mình. Có thể mình nên làm yoga với nhau đó.
-Ừ, mình sẽ gọi. Yên này, mình có chuyện cần bạn giúp.
-Ok, đang nghe đây.
-Mình có cô sinh viên, người VIệt, rất thông minh, được học bổng toàn phần, nhưng mình nghi nó có vấn đề với anger management hay tệ hơn nữa la PTSD. Mình đưa cho nó danh thiếp của bạn, không biết khi nào nó gọi, có gì Yên để ý giùm mình.
-Tên?
-Jo Phạm.
-Dấu hiệu bệnh?
-Mình không dám nói nhiều vì không rõ lắm. Nhưng tuần trước nó quật gãy cây cơ bida chỉ vào mặt một sinh viên da trắng khác vì cô này nói những lời nhục mạ. Nếu không bị can không biết chuyện gì đã xảy ra. Năm lớp 10 nó đốn ngã giò một cầu thủ đội bạn chỉ vì người này gọi nó là 'banana.' Năm lớp 11 nó tát tai một cô bạn chỉ vì cô này ăn hiếp một cô bé da đen mới vào trường. Năm lớp 12 nó tham gia một vụ đánh nhau có liên quan đến việc phân biệt chủng tộc. Cả 3 lần đều được giải quyết ổn thoả vì nó là sinh viên ưu tú, cầu thủ giỏi, và vì liên quan đến phân biệt chủng tộc.
-Và được học bổng toàn phần ư?
-Thì vậy mới nói. Hồi xem hồ sơ nó khoa đã tranh cãi rất nhiều. Mình là người ủng hộ nó mạnh nhất. Mình nghĩ rằng lên đại học sẽ tốt hơn, ngờ đâu...
-Barb. Bạn là một giáo sự tuyệt vời. Đừng nghi ngờ về quyết định của mình.
-Cám ơn Yên.
-Ok, mình sẽ đợi điện thoại học trò bạn. Nhớ đó, cần gì thì gọi nghen.
-Ok, bye Yên. Gặp sau.

Yên cúp điện thoại, lẩm bẩm hoài hai chữ 'Jo Phạm.' Hy vọng cô bé không để danh thiếp mình vào sọt rác.

CHƯƠNG 6

Thương ngồi chống cằm ngắm bà Yên đi tới đi lui sửa soạn. Cô thích sự tự tin của bà, dáng đi dứt khoát. Ngay cả cách ăn mặt của bà cũng rất hay, phù hợp tuổi tác nhưng vẫn đẹp, tươi trẻ, và rất riêng. Cách bà phối màu giữa áo và quần, thêm vào những thứ trang sức nho nhỏ như dây đeo cổ, bông tai, hay một kiểu tóc mới. Thương thường hay quan sát suy nghĩ về những điểm giống và khác nhau giữa má ruột và hai người bạn thân của bà. Mỗi người dường như một tính cách rất khác nhau, mặt khác họ lại giống nhau nhiều điểm. Cách chăm sóc bản thân và sự tự tin là một. Không bao giờ Thương thấy họ than thân trách phận, uỷ mị yếu đuối hay nghi ngờ bản thân mình. Họ luôn luôn quan tâm đến bề ngoài, giữ gìn sức khoẻ và nhan sắc thật tốt. Nhưng họ không chú tâm đến trang điểm hay sửa chữa thẩm mỹ. Nhìn họ đôi khi Thương ước mình lớn lên thật nhanh để trở thành những người phụ nữ tự tin thành công như thế.

-Mẹ Yên này. Thương gọi.
-Sao con? Con ở nhà một mình buồn hả? Có muốn mẹ gọi Lĩnh qua dẫn con đi chơi không?
-Dạ đâu có. Con đâu có buồn. Mẹ Yên này.
-Ơi?
-Mẹ và bác Đông không bao giờ gây nhau à?

Bà Yên quay người lại, chăm chú nhìn Thương rồi trả lời:
-Có chứ, hai năm đầu khi mới quen nhau hai người gây dữ lắm. Rồi hai năm đầu sau đám cưới cũng có mấy trận rất khủng khiếp. Sau dó thì hiểu nhau hơn, và từ từ không còn gây nữa, nếu có bất đồng ý kiến thì chỉ là tranh cãi thôi.

-Vậy làm sao hồi trẻ mẹ biết rằng bác Đông là the right guy?
-Mẹ không biết đâu Thương, mẹ hoàn toàn không biết. Bác Đông thì biết rất rõ điều đó, còn mẹ thì mù mờ lắm. Thật ra nhờ bác Đông kiên trì mà hôn nhân mẹ mới được như hôm nay. Vì mẹ bướng bỉnh và vô lý lắm.

Thương cười:
-Má con cũng nói vậy. Rồi cô buồn hẳn. Má thì chẳng bao giờ nhắc về ba con. Thà rằng nói ổng chết đi, cho con tấm hình để nhớ để tưởng. Đằng này cứ im ru, mỗi lần hỏi là má khóc, con lại sợ nhất những giọt nưóc mắt của má. Nhưng con tức, mẹ Yên biết không, con tức người đàn ông đó, vì sao lại bỏ má và bỏ con đi. Vì sao chứ!

Yên dịu dàng ngồi xuống cạnh Thương, choàng tay ôm vai cô thủ thỉ:
-Mẹ nghĩ rằng đến lúc nào đó má con sẽ kể hết cho con nghe. Có lẽ má nghĩ rằng con chưa đủ khôn lớn. Nhưng việc má để con qua đây học là một bước rât lớn rồi. Con kiên nhẫn nhé, người mẹ nào cũng lo lắng cho con mình bé dại.

Thương ngẩng đầu:
-Có nghĩa là mẹ Yên biết chút gì về ba con à?

Yên im lặng hồi lâu rồi trả lời:
-Có thể nói là như vậy, nhưng mẹ không thể nói cho con biết. Mẹ hứa sẽ nói chuyện với má Tranh về việc này, con đồng ý chứ? Mẹ sẽ nói về cảm xúc và suy nghĩ của con.
-Dạ.

Yên vuốt má Thương:
-Má con đặt tên con là Tình Thương, Phạm Tình Thương, là vì đối với má con, con là tất cả. Tình thương của má con trước đây luôn dành cho những người kém may mắn hơn, nhưng từ khi con ra đời, thì con là ưu tiên số một. Con hiểu không?
-Dạ con hiểu.

-Vậy thì vui lên, và đừng nghĩ nhiều quá. Mẹ Yên cuối tuần sẽ có câu trả lời của Má Tranh, nghen.

-Dạ, thôi mẹ đi không thôi bác Đông đợi. Mẹ mặc đồ sexy thế này bác chịu sao nổi.
-Con khỉ này, chỉ có ưa chọc mẹ thôi. Tối chắc mẹ về trễ, con ngủ trước đi nhé.

Thương đưa người mẹ đỡ đầu ra cửa, lòng yên tâm hơn và cũng nôn nao đợi đến cuối tuần. Nếu chỉ có một người có thể thuyết phục má cô, thì người ấy là mẹ Yên. Cô mong sao tuần mau hết để biết thêm về nguồn gốc mình.

CHƯƠNG 7
Chuông điện thoại đổ dồn dập, Yên quờ tay bật đèn ngủ, đồng hồ chỉ 4 giờ sáng. Chắc bệnh nhân nào có chuyện đây, bà vội nhấc điện thoại, giọng tỉnh táo:
-Hello, tiến sĩ Yên xin nghe.
Đầu dây bên kia im lặng, rồi giọng con gái ngập ngừng:
-Xin lỗi cô, cháu chợt nhận ra bây giờ mới 4 giờ sáng.
-Không sao đâu. Mình đang nói chuyện với ai đây?
-Dạ, cháu tên Jo, là sinh viên của…
Yên à lên một tiếng, hỏi bằng tiếng Việt:
-Jo Phạm, học trò của bà Wright à. Rất vui được nói chuyện với cháu. Cháu không ngủ được ư?
-Cháu bị ác mộng. Cháu sợ quá, và tự nhiên khi giậc mình thức dậy lại nhớ đến tấm danh thiếp cô Wright đưa hôm nọ.
-Cháu mơ thế này có thường không?
-Dạ hồi nhỏ thì thường lắm, những năm gần đây bớt hẳn, tự nhiên hôm nay bị lại.
-Cháu có muốn kể cô nghe về giấc mơ không?
-Dạ… cô bé ngập ngừng.
-Không sao, từ từ cũng được. Bây giờ cô chỉ cháu một phương pháp đơn giản nhé, cháu hít thật sâu, rồi thở ra thật sâu, và nhớ về một nơi nào cháu thích nhất khi hít thở như vậy. Cháu thử đi.
Có tiếng hít thở sâu, im lặng, hít thở, im lặng. Bà hỏi:
-Đỡ chưa cháu.
-Dạ tốt hơn rồi.
-Ok, mai gặp nhé, 9 giờ sang cháu có lớp không?
-Dạ không.
-Vậy cháu đến văn phòng cô nhé. Địa chỉ trên danh thiếp đó.
-Dạ, cám ơn cô.
-Ừ, mai gặp cháu.
-Bye cô.
Yên cúp điện thoại, nhìn ra cửa sổ, trời vẫn tối đen như mực. Bà lấy tay xoa xoa màng tang. Đông trở mình hỏi giọng ngái ngủ:
-Có sao không em?
-Dạ không, cô nhỏ học trò Barb hôm nọ em kể với anh đó.
-Ồ.
-Em nghĩ có thể nó bị PTSD, tội nghiệp.
-Trẻ quá mà sao lại bị bệnh đó.
-Chắc là do vượt biên hay hồi nhỏ bị gì đó, em chỉ đoán thôi. Sorry honey, anh mất ngủ vì em hoài. Hay là mình ngủ riêng phòng đi anh.
Đông nhoài người ôm vợ:
-Đâu có sao. Hiện tại một tháng mới bị đánh thức 2, 3 lần. Ngủ riêng chắc đêm nào cũng bị thức vì vợ tui sợ ma mà.
Yên cười khúc khích:
-Ồ, em quên heng. Tội nghiệp anh ghê.
-Thôi đi bà tiến sĩ tâm lý, chỉ được cái miệng.
Rồi ông dịu dàng:
-Em biết anh bao giờ cũng lo cho em mà. Thôi em ngủ đi không thôi mai mệt.
Bà quàng tay ôm cổ chồng, mỉm cười hạnh phúc rồi nhắm mắt ngủ ngay. Ông vuốt tóc vợ, ngắm khuôn mặt thân quen mà hơn 20 năm chồng vợ chưa lúc nào ông thấy chán. Hồi mới cưới có khi ông muốn khuyên bà đổi nghề vì thấy bà cực quá, đôi khi trăn trở đau khổ cùng bệnh nhân, có lúc tuyệt vọng, rồi lại mất ngủ triền miên. Từ từ bà biết cách cân bằng giữa công việc và đời sống cá nhân, ông cũng hiểu và biết cách nâng đỡ tinh thần bà hơn. Từ từ công việc bà như một phần đời của ông, và ông càng quý mến người bạn đời có trái tim nhân hậu. Ông với tay tắt đèn, nhắm mắt nhớ lại những ngày mới quen, mỉm cười và từ từ chìm vào giấc ngủ.



CHƯƠNG 8
Lĩnh đến lúc Thương đang ngồi bó gối nhìn ra cửa sổ, khung cảnh chiều vào thu thật đẹp. Lá vàng từ nhà hàng xóm rụng đầy trên thảm cỏ xanh, hai chú chim hummingbird bay sà xuống gần vòi phun nước tự động uống và tắm rửa. Chúng bay lượn, đùa giỡn, ríu rít bên nhau thật dễ thương. Lĩnh tính hù Thương thì chợt thấy hai dòng nước mắt chảy dài. Anh giật mình đứng im, bối rối giây lát rồi nhẹ nhàng ngồi xuống gần Thương, bắt chước cô bó gối nhìn ra ngoài. Hai người ngồi mãi đến khi mặt trời gần lặn, phòng tối mờ mờ Thương mới mở lời:
-Anh Hai.
-Ừ.
-Vì sao người ta yêu nhau rồi bỏ nhau hở anh?
-…
-Vì sao lại có những người mẹ bỏ con vào viện mồ côi, những người bố tạo ra chúng mà chưa lần nhìn mặt. Vì sao lại có người tàn nhẫn vậy anh Hai?
-…
-Từ khi em có trí khôn đã thấy lạ vì sao mình không có ba như những đứa trẻ khác. Đến khi trưởng thành lại lạ hơn vì má em là người phụ nữ tuyệt vời, làm sao người ấy lại có thể bỏ bà mà đi, phải không anh?
-Má Tranh là người phụ nữ dịu dàng nhất mà anh được gặp, và nhân hậu vô cùng.
-Đôi khi em thấy rằng có má cũng đủ rồi, vì những đứa trẻ tại trung tâm đó, mồ côi cả cha lẫn mẹ tội nghiệp lắm. Nhưng mà em muốn biết về ông ấy, anh Hai à, em muốn biết mình có giống ông không, ông là người như thế nào, tại sao, tại sao…
Lĩnh đưa tay nắm tay cô, siết nhẹ,
-Khó chịu lắm phải không em?
Thương gục đầu vào vai anh khóc òa:
-Khó chịu lắm, khó chịu lắm. Mẹ Yên đã nói chuyện với má em, và má nói má sẽ trực tiếp kể em nghe mọi chuyện trong lần mẹ sang thăm sắp tới. Em sợ lắm. Em sợ em bất hiếu, làm má đau lòng. Mỗi lần em hỏi là má khóc dữ lắm, em hư quá phải không anh Hai?
-Không đâu. Em có quyền được biết, và anh nghĩ má Tranh hiểu điều đó. Em đừng sợ. Má Tranh nhìn vậy chứ rất can đảm.
Thương ngẩng lên nhìn anh, ngạc nhiên:
-Sao anh biết?
-Có lần mẹ anh bảo rằng trong ba người bạn, nhìn bề ngoài má Tranh dịu dàng dễ vỡ nhất nhưng lại là người cứng rắn nhất, dù phong ba bão táp bà cũng vượt qua được. Anh còn nhớ lần đó mẹ anh rớm rớm nước mắt khi nói câu đó, không hiểu vì sao?
-Những bà mẹ của tụi mình thật hay anh Hai heng?
-Ừ, họ thật may mắn khi có nhau. Mà Thương nè.
-Dạ.
-Sao em lại gọi anh là anh Hai? Mình đâu có phải là anh em ruột?
-Thì tại anh chứ ai?
-Tại anh?
-Ừ, hồi anh về Việt Nam đầu tiên đó, lúc đó em mới sáu tuổi thôi. Anh gõ đầu em cái cóc rồi bắt em phải gọi anh là anh Hai. Em gọi riết rồi quen. Mà cũng đúng thôi, em gọi mẹ anh là mẹ mà, gọi anh Hail à phải đạo thôi.
Lĩnh cau mặt lầm bầm:
-Ồ, sao hồi đó anh ngu vậy không biết!
-Hả?
-Không có gì. Sao cô bé, đi ăn với anh nghen? Anh tìm ra tiệm bán đồ ăn của người Ethiopian ngon lắm, ăn bằng tay đó, không muỗng nĩa gì đâu.
-Thiệt hả, chờ em thay đồ nghen.
Lĩnh gật đầu nhìn theo dáng cô em nhanh nhẹn rời phòng sửa soạn, cái nhìn trìu mến như muốn gửi gắm một điều gì mà không dám nói.


CHƯƠNG 9
Lĩnh nhấc điện thoại ngay tiếng chuông đầu tiên:
-Mommy, hello.
-Hi con. Con khỏe không?
-Dạ khỏe? Dad với mom sao rồi?
-Ok thôi, cuối tuần nào cũng đi chơi, vui lắm.
-Tốt. Đi càng nhiều càng tốt mà.
-Ừ, công việc con sao?
-Cũng bắt đầu ổn định. Con rất thích chỗ làm mới, đồng nghiệp dễ thương lắm, và đều giỏi cả.
-Ừ, vậy mom mừng. Nè, tháng sau dad và mom qua bên mẹ Yên con nghĩ lễ Tạ Ơn đó.
-Thật hở mẹ? Chắc là mẹ Yên và bác Đông sẽ vui lắm đó. Hình như má Tranh cũng qua hở mom?
-Ừ. Tranh cũng qua nữa. Mom mới nhận được tin.
-Mom nè.
-Sao?
-Chuyện của Thương mom biết rành không ? Ý con là… cha của nó đó.
Đầu dây kia im lặng rồi trả lời:
-Mom không thể nói gì đâu. Chắc là Tranh sẽ kể cho Thương khi thời cơ đến. Nó nói gì với con hả?
-Dạ, tại con thấy con bé khóc tội nghiệp.
Nghe mẹ cười anh chột dạ hỏi:
-Sao mom cười.
-Con làm mom nhớ hồi nhỏ, khi bé Thương leo cây hái ổi cho con bị té gãy chân. Nó khóc vì đau còn con thì lăng xăng lo lắng. Sau đó con nghiêm trang nói với Tranh là sẽ cưới Thương làm vợ nếu như chân nó có tật nguyền gì.
-Rồi sao nữa mom?
-Tranh cười nói đã xưng làm anh Hai thì làm sao cưới. Con dõng dạc trả lời, ‘anh Hai thì anh Hai, chồng thì chồng, có sao’ làm cả nhà cười quá trời.
-Dĩ nhiên, tụi con có họ hàng gì nhau đâu?
-Ừ, không có. Ê, con nói vậy là có ý gì?
Lĩnh lúng túng:
-Đâu có ý gì mom, thôi con cúp phone đây, gặp mom sau.
-Bye, tháng sau gặp nghen. Nè, Lĩnh.
-Sao nữa mom?
-Có ý gì cũng tốt lắm đó, mom vẫn mong con lấy vợ Việt Nam.
-Mom!
-Ok, ok, hổng nói nữa. Bye con trai yêu của mom.
Lĩnh cúp phone và không nhịn được cười trước câu nói cuối của mẹ. Lúc bà nói câu này chắc lông mày bên trái hơi nhướn lên, khóe miệng trễ xuống trông rất buồn cười. Anh không hiểu vì sao một phụ nữ học cao, thành công, và cứng rắn như mom lại có thể có những tư tưởng truyền thống rất kỳ cục. Một trong những tư tưởng đó là muốn anh có vợ có con để bà có dâu có cháu. Xui xẻo cái anh lại là con một, có muốn trốn muốn tránh gì cũng không thoát khỏi bà. Dad hay nói câu ‘người ta thiểu số nhưng lại có uy nhất nhà, con ơi không thắng được đâu con,’ mỗi khi anh phản đối mom chuyện gì. Và mỗi lần vậy bà lại cười xòa vẻ có lỗi với dad và anh. Ôi mommy!
Lĩnh ngẩng đầu lên thì giật mình khi thấy Thu đứng ở trước bàn làm việc của mình. Anh bối rối xin lỗi cô bạn đồng nghiệp thì Thu cười:
-Em nghe nói anh có nửa dòng máu Việt nhưng không ngờ anh nói tiếng Việt giỏi vậy, nghe không biết là anh sinh ở đây đâu.
-À, cám ơn Thu. Mom đưa mình về Việt Nam hoài, và vừa rồi có về làm việc một năm nên cũng học được nhiều.
-Wow, vui vậy. Anh kể Thu nghe với, em muốn về hoài mà chưa bao giờ đủ can đảm để đi, cứ sợ này sợ nọ rồi gia đình ngăn cản nữa.
-Được thôi, bữa nào ăn lunch rồi Lĩnh kể cho nghe.
-Vậy hả, dễ thôi, mai nghen. Mai Thu rảnh đãi anh Lĩnh ăn bún bò heng. Chịu không?
Thấy vui vui trước nhiệt tình của Thu, Lĩnh gật đầu nhận lời ăn trưa rồi cúi xuống tiếp tục làm việc, không để ý đến nụ cười rạng rỡ cùng cái nháy mắt tinh nghịch của cô bạn đồng nghiệp với những người khác chung phòng. Anh vô tình không biết từ ngày về đây làm đã được bầu là người con trai độc thân đẹp nhất hội. Thu mạnh miệng phán với mọi người rằng sẽ cưa đổ anh trong vòng 6 tháng, cô thú thật đã say đôi mắt anh từ cái nhìn đầu tiên.


CHƯƠNG 10
Hôm nay là lần thứ 2 Jo tham gia chuyến field trip cùng với nhóm trẻ của Hội Asian OutReach, dành cho những bạn thanh thiếu niên gốc Á có khả năng bị lôi cuốn vào những hành vi xấu cao nhất. Điều này có nghĩa rằng họ dễ bị lôi cuốn vào băng đảng, dùng thuốc gây nghiện, bỏ học thường xuyên, hay phạm những tội nhẹ như trộm cắp trong siêu thị, cậy cửa xe, vv. Họ là những học sinh trung học được các chuyên viên tư vấn trong trường giới thiệu qua Hội vì điểm xấu, vì có hồ sơ xấu, hay vì những lý do khác. Jo được bà Wright giới thiệu vào đây tham gia khi cô bảo muốn làm một việc gì đó trong cộng đồng.
Hôm nay họ sẽ dẫn các bạn trẻ đi xem phim, rồi sau đó sẽ đi ăn tối. Buồn cười là vì có những em ở lứa tuổi 12, nên cả bọn phải chọn phim con nít không cấm trẻ em dưới 13 tuổi xem. Vì vậy mọi người lấy vé vào xem phim hoạt hình mới ra nhất của hãng Pixar. Jo nhìn quanh mỉm cười chào các em, các nhân viên của hội và những người thiện nguyện như mình. Jo để ý thấy một anh chàng cao to, đẹp như diễn viên điện ảnh, mắt xanh, tóc nâu, nổi bật trong đám. Lần trước đi Jo không thấy người này, chắc là một thiện nguyện viên mới. Hiếm thấy đàn ông trong lãnh vực này, lại càng hiếm hơn khi ngươi đó có màu da trắng. Đi bên cạnh anh chàng là một cô gái trẻ, có vẻ là người VIệt, nói cười vẻ thân mật lắm. Nghĩ thoáng qua rồi thôi Jo không để ý anh chàng nữa.
Phim chiếu được khoảng 5 phút, Jo và mấy đứa con gái cười khúc khích theo phim thì chợt cô thấy có chuyện lạ xảy ra ở cách mình 5 hàng ghế về phía trước. Một người đàn ông dọi đèn pin vào người ngồi đầu hàng, hỏi gì đó, quỳ xuống để trao đổi, rồi sau đó bốn cánh tay của bốn người bên cạnh giơ cao lên với tờ vé xem phim đã được xé. Người đàn ông bỏ đi đến gần cửa rạp, trao đổi gì đó với một người đàn ông khác, rồi cả hai bỏ ra ngoài. Sự việc xảy ra hơi xáo trộn chút đỉnh những người khác trong rạp, nhưng sau đó yên ngay và mọi người tiếp tục xem phim, chỉ Jo hơi lo lắng và thắc mắc vì cô biết hàng ghế đó là nơi anh chàng đẹp trai và bốn em nam gốc Campuchia ngồi. Không yên tâm nhưng nghĩ rằng đây không phải là lãnh vực trách nhiệm của mình nên Jo ngồi yên.
Hết phim, khi mọi người ra khỏi rạp, Jo được Alice, người chịu trách nhiệm chính của buổi đi chơi hôm nay, nhờ ngồi sinh hoạt với các em nữ. Phần Alice phải đi gặp người nhân viên bảo an và quản lý rạp có chuyện. Ngồi chơi trò chơi với các em ở cuối sảnh, Jo thỉnh thoảng liếc mắt quan sát cuộc nói chuyện có vẻ căng thẳng giữa Alice, hai người đàn ông lạ, và anh chàng đẹp trai. Khoảng đến nửa tiếng sau mọi người mới rời rạp phim đi ăn tối, các em gốc Campuchia vẫn vui vẻ, duy chỉ có Alice và người thanh niên hơi buồn tuy vẫn cố gắng cười đùa cùng mọi người. Sau khi ăn tối xong, Jo cùng những thiện nguyện viên và bốn em trai được mời ghé văn phòng hội họp 15 phút. Cô biết đây mới là lúc câu chuyện ban nãy sẽ được giải thích nên dù hơi muộn vẫn ghé qua.
Alice cám ơn mọi người rồi liếc nhìn anh chàng đẹp trai, nói:
-Xin Lĩnh kể lại mọi chuyện ban nãy cho mọi người biết.
Thì ra anh chàng tên Lĩnh, nghe sao giống tên người Châu Á vậy ta. Jo thầm nhủ rồi chăm chú lắng nghe.
-Chuyện rất ngắn gọn. Lúc mình đang ngồi xem phim với các bạn trai đây thì người nhân viên bảo an vào hỏi vé của các em đây. Mình thấy thái độ ông ấy có vẻ căng thẳng, buộc tội nên cố ý không đứng lên mà ngồi lỳ trên ghế để ông ấy phải quỳ xuống nói chuyện. Sau đó các em móc túi lấy vé ra, mình hỏi tên ông ấy rồi hẹn sau giờ xem phim nói chuyện tiếp. Rồi sau đó thì Alice biết rồi đó.
Alice nói với vẻ giận không kiềm chế được:
-Tôi đòi gặp người bảo an đó, hỏi lý do vì sao xét vé, thì ông ấy nói rằng quản lý rạp nghi ngờ các em, vì sao ở tuổi đó mà xem phim này. Ông ấy nghi ngờ sẽ có hành động trái pháp lý, nên đòi hỏi sự xét vé. Tôi đi gặp người quản lý, đòi hỏi lý do thì ông ấy bảo như trên, khi Alice đòi tên và chức vụ thì ông ấy nhất định không đưa. Nhờ Lĩnh có mặt ở đó, cương quyết giải thích lý do đòi tên, nói rằng trong vụ việc này có rất nhiều cách giải quyết, vì sao phải làm một hành động có tính cách coi thường cá nhân như vậy. Nói thẳng ra chúng tôi nghi ngờ có sự kỳ thị ở đây. Khi ấy họ mới chịu đưa tên và chức vụ cho Alice.
Thu buột miệng hỏi lớn:
-Rồi bây giờ mình làm sao?
Alice nhìn bạn đồng nghiệp vẻ trách móc vì câu hỏi xốc nổi trước mặt các em, nhưng vẫn trả lời.
-Mình sẽ viết thư lên cho bản quản lý rạp, báo cho họ biết hành động của quản lý và bảo an. Mình cũng sẽ viết thư qua bên Thị trưởng thành phố, nói cho họ biết việc này. Mình không đòi hỏi một điều gì từ họ, nhưng muốn cho họ biết việc đã xảy ra và việc mình không đồng ý với hành động đó. Bây giờ Alice muốn hỏi các bạn trẻ, cảm giác của các em thế nào khi sự việc xảy ra.
Cậu bé to con nhất đám, tên Erick khoát tay bảo:
-Tụi em quen rồi, có lần nào ra đường mà không gặp rắc rối đâu chứ, nếu không cảnh sát chặn đường hỏi giấy tờ thì quản lý của nhà hàng đòi xem thẻ tín dụng trước khi phục vụ. Nếu giận dữ thì đâu được gì.
Ba cậu kia gật gù đồng ý. Tom nói thêm:
-Họ không có kiến thức mà chị, những người đó giận làm chi. Có điều đôi lúc thấy mệt mỏi lắm.
Jack cay đắng:
-Yeah, mình lớn lên tại đây, nhưng nhìn khác biệt, lại cao lớn, màu da đã khác, cách ăn mặc cũng khác, nên họ cứ định kiến mình là người xấu. Nhưng sao không đi hỏi những anh chàng da trắng, mà hỏi tụi này. Chúng cũng ăn mặc như vậy, có sao đâu.
Suan nhìn Lĩnh nói:
-Anh rất hay khi không chịu đứng lên, nếu đứng lên chắc là sẽ có xung đột. Nhờ anh ngồi, và ông ấy phải quỳ xuống, nên tụi em mới yên lành mà đứa vé ra. Chứ lúc ấy không khí như có thuốc súng, nếu hành động sai một cái là mệt ngay.
Lĩnh đỏ mặt:
-Cám ơn em. Mình đâu có nghĩ nhiều, chỉ nghĩ rằng mình hơi cao, đứng lên rồi ông ta thấy bị đe doạ sẽ có hành động và lời nói thiếu suy nghĩ nên mới ngồi vậy.
Mọi người nói chuyện thêm năm phút về cảm giác của mình về việc xảy ra. Các em tương đối trưởng thành và dường như quá quen về việc ấy, chỉ có Jo trong long quặn đau vì tức và vì thương. Cảm giác ấy cứ muốn trào lên nhưng cô biết mình phải kềm chết vì sự có mặt của bốn thanh thiếu niên ấy. Giận dữ không phải là một cách giải quyết vấn đề tốt đẹp, bản thân cô hiểu điều ấy rất rõ.
Mọi người chia tay vì trời đã khuya, Lĩnh và Alice đưa các em về, Jo chào mọi người ra cửa thì cậu bé cao to nhất đám, Erick chạy theo vỗ vai cô nói nhỏ:
-Chị không cần phải đau lòng vì tụi em. Tụi em quen rồi và phải tập thôi. Cặp mắt chị hồi nãy có thể đốt chảy kẻ đối diện đó. Em cám ơn chị đã thực lòng quan tâm.
Jo đứng ngẩn người giây lát, chưa kịp trả lời thì Erick đã chạy đi, vẫy vẫy ta thân thiết. Lĩnh bước theo mỉm cười cùng cô rồi chào tạm biệt, ánh mắt đầy thiện cảm. Jo không ngờ sự giận dữ của mình lại dễ bị người xung quanh nhận ra như vậy, cô phải gặp tiến sĩ Yên thường xuyên hơn thôi.

CHƯƠNG 11
Jo ngồi xuống chiếc ghế bành trước mặt người phụ nữ có tên Yên. Bà khoảng hơn bốn mươi một chút, tóc cắt tém rất hợp với khuôn mặt xương xương. Hồi trẻ chắc bà không đẹp lắm, nhưng từ khuôn mặt toát ra vẻ gì rất dễ ưa nhìn, nhất là nụ cười tươi và ánh nhìn thông minh. Ánh mắt bà như biết nói, khi cười thì reo lên, lúc bình thường lại hơi nghiêm nghị. Jo có cảm tình với bà ngay từ cái bắt tay đầu, chặt chẽ nhưng ấm áp. Suốt mười lăm phút đầu trò chuyện hỏi han, bà nghiêng đầu lắng nghe chăm chú khi Jo trả lời câu hỏi, làm cô càng lúc càng nói nhiều hơn dự tính ở nhà. Cô có cảm giác bà có thể lắng nghe mình chuyện trò cả ngày không chán, và đây là lần đầu cô có cảm giác ấy. Sau những câu hỏi tổng quát, bà bảo:
-Jo có thể chọn lựa từ hai đề nghị sau của tôi. Thứ nhất là Jo gặp tôi mỗi tuần hai lần, mình làm việc riêng với nhau mỗi lần một tiếng. Thứ hai là Jo gặp tôi mỗi tuần một lần, và gặp nhóm support mỗi tuần một lần. Tôi nghĩ rằng chọn lựa thứ hai tốt hơn trừ khi Jo chưa muốn gặp người lạ và chia sẻ. Trong trường hợp đó chúng ta có thể đợi một thời gian sau khi Jo đã tự tin hơn rồi sẽ gặp nhóm cũng được. Nhóm cho Jo những lợi ích mà tôi không thể mang đến, và tôi thường khuyên tất cả mọi người nhờ tôi giúp đỡ nên tham gia nhóm.
Jo suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời:
-Cô cho em chọn đề nghị một, sau này em sẽ suy nghĩ về việc tham gia nhóm.
-Tốt, vậy 9 giờ sáng thứ Ba và thứ Năm em đến gặp tôi được chứ?
-Dạ được, nhưng…
-Sao?
-Em muốn hỏi về lệ phí ạ?
-Ồ, em là sinh viên phải không, chắc không có bảo hiểm, vậy thì cô sẽ charge theo giá sinh viên nhé. Cứ cuối tháng em gửi tiền cô một lần là được.
-Cám ơn cô.
-À, em có tên Việt không?
Jo ngạc nhiên đến đờ người ra, lâu rồi chẳng ai hỏi cô câu ấy.
-Không sao, cô chỉ muốn biết để gọi đó mà. Mình nói tiếng Việt em không ngại chứ?
-Dạ không, không ngại. Mẹ em thường gọi em là Sông An, lâu rồi không ai hỏi em cũng gần quên mất.
-Sông An, dòng sông yên bình, tên hay quá. Tuyệt vời, tôi gọi em Sông An nếu em cho phép.
-Dạ được ạ.
Jo cúi người chào bà rồi rời văn phòng. Yên khép cửa rồi trở về bàn làm việc, ngón trỏ viết lên mặt bàn hai chữ Sông An. Ôi người mẹ thương con chắc lo tương lai nó trắc trở nên mới đặt tên này. Con bé sao mà đáng yêu quá, tuổi còn quá trẻ mà cặp mắt đầy nỗi muộn phiền. Biết rồi cô có giúp gì được cho con không đây hở Sông An. Nếu trời cho bà một đứa con, thì bà cũng ước được một đứa con gái như Sông An. Yên thở dài nhìn ra khung cửa sổ, có lẽ, ừ biết đâu đây là cách Ngài cho con đứa con gái mà con luôn ao ước.

CHƯƠNG 12

Hôm nay là lần gặp thứ 4 giữa bà Yên và Jo. Bà nhìn cô dịu dàng:

-Sông An, tôi muốn em biết rằng bắt đầu hôm nay là giai đọan khó khăn nhất của việc điều trị chứng PTSD cho em. Những lần trước tôi đã giới thiệu sơ sơ về PTSD, về những kỹ năng thư giãn và phương pháp suy nghĩ để giúp em tránh bị trầm cảm nặng nề hơn trong giai đoạn hai này, tôi nghĩ rằng em đã sẵn sàng. Em nghĩ sao?
-Em ok ạ.
-Tôi muốn em biết rằng trong những ngày sắp tới, bất cứ lúc nào em cần tôi, đêm hay ngày, giờ nào cũng được, em có thể gọi cho tôi. NẾu không gặp thì nhắn lại số điện thoại và tôi sẽ gọi ngay trong vòng 1 tiếng đồng hồ. Tôi nối điện thoại văn phòng vào điện thoại nhà và điện thoại cầm tay, nên em cứ gọi thoải mái.
-Dạ.
-Tôi cũng muốn em biết rằng giai đoạn này đau khổ nhất nhưng quan trọng nhất và cho em nhiều lợi ích nhất, không những trong việc điều trị mà còn giúp em trong đời sống cá nhân và chuyên nghiệp sau này. Em hiểu chứ?
-Dạ.
-Tốt. Em kể tôi nghe về giấc mơ tối qua đi, hồi nãy em nói em gặp ác mộng.

Jo ngập ngừng rồi nhắm mắt tìm lời kể:
-Trong mơ em thấy mình trôi lềnh bềnh trên biển, trên lưng một con cá voi lớn, máu chảy đầm đìa ướt mặt em, và nắng, nắng cháy da em. Môi em khô nứt, và em không thể gọi hay la gì khi thấy con tàu trắng giương cờ màu xanh. Em la mãi la mãi rồi giựt mình tỉnh dậy thì nước mắt đầm đìa.

Yên nhìn sâu vào mắt Jo, giọng đều đều:
-Trong mơ em rất sợ, sợ bị bỏ rơi, sợ bị chết, và đau đớn trong cơ thể nữa, đúng không?

-Một phần thôi. CÔ nói em mới thấy lạ, em giận lắm, em giận vô củng, nhưng không biết vì sao. Tại vì sao em lại giận phải không cô?

-...

-Mấy hôm nay em từ từ lấy can đảm nhớ lại chuyến vượt biển ngày ấy. Em không nhớ chi tiết, chỉ biết rằng tàu bị cướp biển tấn công hai lần, chúng lấy hết vàng bạc tiền, đổ nước và thức ăn xuống biển rồi bỏ đi cho tàu chết từ từ. Em nhớ mẹ em ôm em vào lòng, lấy tóc che nắng cho em. Hai rồi ba ngày trôi qua, tàu chết máy vì hết dầu, mà chưa gặp thuyền nào đi ngang cứu. Tiếng cầu kinh lặng dần vì không ai còn sức. Em nhớ, em nhớ...

Jo nắm chặt hai bàn tay, răng nghiến lại, em oằn mình trên ghế, lấy hết sức nói tiếp:
-Em nhớ mình thiếp đi và ở đâu ra dòng nước chảy vào miệng. Lâu lâu em lại thấy nước chảy vào miệng, và khi em tỉnh lại thấy mình ở trên tàu của Liên Hiệp Quốc. Em còn nhớ vật đầu tiên em thấy là lá cờ xanh với hình hai nhành nguyệt quế bay phấp phới ngoài bong tàu.

Bà Yên hít một hơi dài, thở ra chầm chậm, rồi tiếp tục hít thở cho đến khi Jo làm theo. MỘt khoảng im lặng thật lâu trong văn phòng, Jo nói tiếp:

-Mẹ em và nhiều người khác chết đi, chỉ còn khoảng 10 người sống sót, mà em là đứa bé duy nhất. Người ta kể rằng mẹ đã cắt ngón tay lấy máu cho em uống. Khi thuyền cứu hộ tìm được tàu em, thì tay mẹ bị cắt nát bét và mẹ đã tắt thở được 1 tiếng đồng hồ. Mẹ đã chết đi cho em được sống. Ôi mẹ ơi.

Nói đến đây Jo co hai chân lên ghế, gục đầu xuống khóc nức nở. Bà Yên đứng dậy, quỳ xuống bên cô và để một bàn tay lên lưng cô. Cứ thế người khóc người quỳ khoảng hơn 20 phút. Jo từ từ dịu lại, lấy giấy lau mắt rồi hít thở thật sâu. Bà Yên trở về ghế ngồi.

Jo ngước lên nhìn bà:
-Đã lâu rồi em không khóc. Đã lâu rồi em không thể nhớ đến cảnh tưởng đó. Em cố gắng shut it out, chôn nó vào đáy lòng, và cứ bị ác mộng hoài.


Bà Yên nhìn Jo, nét mặt như già thêm vài tuổi, bà nhẹ nhàng nói:

-Đó là một kỷ niệm quá đau khổ cho em, và em còn quá bé. Điều duy nhất em có thể làm để vượt qua là quên nó đi, nhưng nó vẫn tồn tại trong tâm trí em, vì vậy em vật lộn với nó và bị ác mộng hoài. Hồi đó chắc họ không cho em gặp counselor phải không?

-Em nhớ có gặp bác sĩ, rồi họ cho em uống thuốc ngủ, rồi cho em vào trại, và sau đó qua Mỹ.

-Em nhớ mẹ lắm phải không?

-Em nhớ lắm. Em yêu mẹ lắm. Mẹ hay gọi em như cô gọi, Sông An, Sông An, dòng sông yên bình của mẹ. Con lớn lên phải làm người tốt, phải đem sự hãnh diện về cho quốc gia, cho gia đình. Con gái của mẹ, con mang họ Phạm, cha con là người anh hùng, con phải sống thật tốt nghen. Những ngày trên tàu là những ngày mẹ nói nhiều nhất, kể nhiều nhất về ba, về gia đình nội, về ông bà ngoại. Mẹ xin lỗi em đã đưa em lên tàu.

Nước mắt lại tràn ra ướt đẫm khuôn mặt Jo. Bà Yên ngồi lặng thinh đợi Jo khóc xong, nói:
-Em có bao giờ nghĩ rằng vì sao bao nhiêu năm mồ côi, bị đẩy từ nhà này qua nhà khác, vật chất thiếu thốn, tình cảm thiếu thốn, mà lại trở thành sinh viên ưu tú, được học bổng toàn phần của một đại học nổi tiếng nhất nhì vùng không?

Jo suy nghĩ hồi lâu rồi nhìn bà lắc đầu.
-Đó là vì em may mắn có được tình yêu của mẹ em những năm đầu đời. Theo lời em kể, bà đã yêu thương em, giáo dục em, lo lắng cho em từng ly từng chút. Bà đã chết vì em, mong em được sống. Bà đã trao vào em niền hãnh diện gia tộc, thúc đẩy em phải thành người sau này. Những năm đầu đời đó là nền tảng cho sự phát triển của em cả cuộc đời. Nó giống như khi xây nhà người ta phải xây móng trước, nếu móng vững thì nhà xây cao bao nhiêu cũng được. Em thật may mắn có người mẹ như vậy, Sông An ạ.

Mặt Jo tươi lên, rạng rỡ như bông hoa gặp ánh mặt trời ban sáng:
-Thiệt hả cô, dù rằng em mất mẹ từ năm 5 tuổi cô hả? Em cứ thấy trong mình một động lực phải thành công, phải vượt trội, không cho ai đè bẹp mình. Mẹ em đẹp lắm cô à. Bà dịu dàng lắm.

Suốt những phút còn lại Jo kể về mẹ cho bà Yên nghe. Bà mỉm cười lắng nghe , thỉnh thoảng gật gật đầu khen ngợi. Nụ cười Jo như toả sáng cả văn phòng, bà nửa vui nửa sợ, vui vì đã vượt qua được một chặng khó khăn, sợ vì những ngày điều trị sắp tới những khó khăn chỉ tăng chứ không gảim, biết bà có giúp được con bé hay không đây. Đức Mẹ ơi xin giúp chúng con, bà thầm cầu nguyện trong lòng

CHƯƠNG 13
Thương vừa quẹo vào lối đi dẫn đến cafeteria thì thấy bóng lưng ai giống như Jo ở bậc thang lên xuống. Cô ngừng lại nhìn kỹ thì thấy bạn mình ngồi quay lưng ra ngoài, vai rung rung như đang khóc. Thương vội vã chạy lại hỏi thăm:
- Jo, chị ơi, chị làm sao vậy?
Một hồi sau Jo ngẩng lên, mặt đầy nước nhưng miệng thì cười tươi:
-Không sao, mình cảm động chút thôi, không sao cả.
-Nhưng mà chuyện gì làm chị khóc?
-Chắc Thương chưa kịp mở TV nghe tin phải không, Obama thắng cử rồi.
-À.. ồ…
-Thương có thể tin được không? Vào năm 1870 người da đen đã được chính thức đi bầu, theo lý thuyết, nhưng cho đến sau cuộc đấu tranh của Tiến Sĩ King vào năm 1963 họ mới thực sự có thể dùng quyền mình một cách công bằng. Vậy mà hơn 40 năm sau đó, ngày hôm nay, mình đã có tổng thống da màu đầu tiên! Wow, amazing ha. Cha, không biết khi nào phụ nữ mới có cơ hội đó, mình đã vuột mất lần này rồi.
Thấy nét mặt ngơ ngơ của Thương, Jo cười xin lỗi:
-Jo quên là Thương qua đây du học, đâu có biết lịch sử Mỹ, và có lẽ không quan tâm đến chính trị của nước này đâu heng.
-Nhưng Thương thích nghe chị Jo nói lắm.
-Thiệt hả, vậy vào cafeteria đi, Jo kể cho nghe.
Suốt bữa ăn trưa hôm đó Jo sôi nổi kể cho bạn nghe về việc ứng cử, tranh cử giữa các đảng như thế nào, người dân tham gia vào chính trị ra sao, việc đi bầu diễn ra như thế nào. Thỉnh thoảng Thương lại thấy một sinh viên mặt hớn hở cầm cờ Mỹ đi ngang, lâu lâu lại có một nhóm nhỏ tụ tập, cười nói, hô lớn ‘yeah’ um sùm trước khi giải tán vào lớp. Không khí ở trường sôi động hơn ngày thường, và hình như số người bỏ lớp ra căng tin cũng nhiều hơn. Thương chăm chú nghe Jo nói, thấy lây theo sự hào hứng của bạn, và lần đầu tiên cảm thấy sự khác biệt lớn giữa sự trưởng thành của hai người.

Lĩnh bước vào nhà khi Thương đang chăm chú đọc gì trên màn hình vi tính. Anh ngạc nhiên thấy cô lướt qua những trang web về quyền bầu cử của người da màu, có cả trang web đang nói về thắng lợi của tân tổng thống Obama. Anh cười:
- Anh không biết Thương cũng quan tâm vấn đề này.
Thương quay lại, mừng rỡ:
-Ô anh Hai, anh cũng nghĩ vậy phải không? Sáng nay em mới thấy mình mù mờ dễ sợ. Sống đến từng tuổi này mà không quan tâm gì đến lịch sử hay chính trị cả. Lịch sử Việt Nam em học rồi để đó, chính trị chẳng bao giờ biết việc gì đang xảy ra trong nước cũng như trên thế giới, như vậy sao là sinh viên đại học được hả anh Hai?
Lĩnh nhướng mày:
-Chà, em thay đổi nhiều ghê. Hồi xưa anh nói em có để ý đâu. Đúng là đi một ngày đàng học một sàng khôn heng.
-Anh Hai chọc em. Tại sau này em nghe người bạn nói chuyện mới thấy kiến thức mình sao cạn quá. Chỉ học giỏi về văn hóa không hình như chưa đủ. Em thấy sinh viên ở đây họ quan tâm và hoạt động nhiều lãnh vực thiệt, em thấy mình đuối so với họ.
Vỗ vỗ vai em, Lĩnh an ủi:
-Thấy được điểm đó là đi được nửa đường rồi đó Thương. Còn lại có gì khó đâu, một cái click chuột hay chuyến thăm nhà sách là xong cả. Quan trọng là phải hiểu thật sâu một vấn đề để khỏi bị ảnh hưởng bởi dư luận hay đám đông.
Vậy là suốt buổi chiều hai anh em trao đổi về khả năng tư duy và cách quyết định vấn đề. Thương thích nói chuyện với Lĩnh vì anh chẳng bao giờ đinh ninh cho rằng mình đúng hết. Ngược lại anh thích lắng nghe và đặt những câu hỏi để người đối diện suy nghĩ kỹ. Vì vậy chưa bao giờ hai anh em cãi nhau mà Thương lại học hỏi thêm được rất nhiều. Cho đến khi bà Yên và ông Đông về cả hai mới ngừng nói chuyện. Cả nhà kéo nhau ra nhà hàng ăn mừng tổng thống mới, với hy vọng rằng những thay đổi sắp tới sẽ tốt đẹp hơn cho hoà bình quốc gia cũng như thế giới.

CHƯƠNG 14
Tranh ngồi tần ngần trước cái tủ nhỏ, bà lấy chiếc chìa khóa nhỏ đeo ở cổ ra, cẩn thận mở khóa, lấy từ đáy tủ ra một cuốn nhật ký trông cũ kỹ. Bà vuốt nhè nhẹ trang bìa, mắt nhắm lại, miệng mím chặt như kềm chế điều gì. Mười chín năm, mười chín năm dài đăng đẵng bà đào sâu chôn chặt bí mật này, đã đến lúc phải kể cho Thương biết. Bà vô cùng lo sợ cú xốc quá nặng với con bé, nhưng bà cũng tin nó sẽ vượt qua được. Nó phải vượt qua được vì đó là cách duy nhất để nó đối diện với cuộc đời và sống hạnh phúc những năm tháng sắp tới. Cuốn nhật ký sẽ theo bà sang Mỹ, nơi ấy con gái bà sẽ biết được cha nó là ai. Và sau đó, sau đó rồi sẽ ra sao. Tranh không dám nghĩ tiếp, bà từ từ mở cuốn nhật ký.

Ngày … tháng… năm Mình không thể tin được chuyện ấy đã xảy ra. Trời ơi, con phải làm sao đây. Con phải làm gì đây hở Người. Vì sao để con chịu khổ đau này.
Lúc tối khi Trung đến, mình không nên cho anh ấy vào nhà. Lỗi của mình, con gái ở một mình không thể tiếp bạn trai, luật ấy mẹ dặn mãi ngày xưa sao mình lại quên. Những lần trước khi buồn chuyện gia đình, anh ấy đến, than thở, có khi khóc lóc, rồi mình khuyên giải rồi đâu vào đó. Sao mình lại có thể ngờ. Tại Trung là vốn là người như thế, hay vì rượu, hay vì mình bất cẩn. Khi Trung cưỡng bức mình, mình đã quá ngạc nhiên để chống cự, và sau đó thì không còn sức lực trước một con quỷ say hơi men. Yên ơi, Nguyên ơi, nếu hai chị biết điều này, thì hai chị sẽ làm gì? Nếu hai chị biết đứa em trong trắng hiền lành đã bị vấy đen hôm nay, hai chị sẽ nghĩ sao? Em chưa lúc nào cần hai chị hơn hôm nay. Em chết mất. Em chết mất.
Ngày … tháng… năm Trung đến và mình đuổi thẳng, không nhìn cả vào mắt. Con bé Tranh hiền lành dịu dàng đã chết từ đêm hôm ấy, hắn đừng hòng đánh động được mình. Chịu trách nhiệm, hừ, hắn lấy gì mà chịu trách nhiệm với mình. Vợ con đầy đủ, chịu là chịu làm sao. Mà cho dù không có gia đình, thì có khác gì, hình như đàn ông không hiểu được nỗi nhục nhã mà nạn nhân bị cưỡng bức phải chịu. Dường như họ cho rằng điều đó không quan trọng lắm, không quan trọng lắm! Nếu hắn còn lãi nhãi nữa chắc mình lấy dao ra chém hắn một cái rồi. Trung, mày cưỡng hiếp tao đó, mày đã cưỡng hiếp tao, rượu hay không rượu thì mày cũng đã làm hành động khốn nạn đó rồi. Chúa ơi, Phật ơi, sao con không thể nói những lời dữ dằn ấy, sao con không thể. Sao con chỉ có thể im lặng nuốt tất cả và bụng chịu đựng một mình.

Ngày…tháng…năm Mình mới đi gặp vị linh mục già về. Cha đã ban phép lành cho mình, ngồi nghe mình cả buổi. Cha ơi, con may mắn có Cha trong cuộc đời. Ngày đã giận biết bao, mình cảm thấy được điều ấy. Vậy mà Ngài vẫn cố gắng tĩnh tâm nghe mình khóc, dỗ dành mình bằng sự ân cần thấu hiểu. Con cám ơn Cha đã không khuyên con tha thứ, cám ơn Cha đã không kết tội con, cám ơn Cha đã không nói gì. Ánh mắt Cha nói lên tất cả. Vâng, con sẽ cố gắng sống tiếp, cố gắng đi hết cuộc đời này. Vì nó còn có Cha, có chị Yên, có chị Nguyên, và nhiều trẻ em cần con lắm.

Ngày…tháng…năm Điều mình hằng lo sợ đã xảy ra, mình mất kỳ kinh tháng này, và mình cảm giác được sự thay đổi trong cơ thể. Mình đang có thai, mình biết điều ấy. Sao mình không hoảng hốt như mình tưởng. Sao mình lại bình tĩnh như vậy. Mình đã email khẩn cho hai chị, xin hai chị về gấp với mình. Mình còn thu xếp mọi chuyện ở trung tâm và tịnh quán đâu vào đấy. Mình đã chuẩn bị để có con. Buồn cười thật, nếu người xung quanh biết chắc họ sẽ không thể nào tin được, Phạm Quỳnh Tranh không chồng mà có con. Mặc kệ, đợi hai chị về rồi tính. Mình không thể đã làm lỗi còn làm thêm lỗi, mình không thể giết một sinh linh vô tội. Mình sẽ đưa con vào đời và yêu nó bằng tất cả cuộc đời mình.

Ngày…tháng…năm Hình như Trung nghi ngờ điều gì, sao hắn cứ luẩn quẩn đợi mình trước nhà. Mình chắc sẽ điên lên mất. Nếu hắn biết thì sao. Mình không thể chấp nhận một người cha như hắn cho con của mình. Đứa bé thà rằng không cha thì tốt hơn. Làm sao đây, làm sao đây. Hai chị ơi, mau về với em đi.

Ngày…tháng…năm Yên và Nguyên cùng về một lần. Họ ôm mình vào lòng lo lắng. Tội nghiệp Nguyên phải để lại cu Lĩnh còn nhỏ xíu cho chồng lo một mình. Thằng bé chắc nhớ mẹ lắm. Mình sao lại làm phiền chị ấy như vậy, nhưng không có họ mình không thể nào đương đầu nỗi đâu. Mình bình thản kể lại mọi chuyện cho các chị nghe. Ôi mình sợ làm sao nỗi giận dữ của Yên, chị ấy có thể sẽ dùng bạo lực mất. Vừa lúc ấy Trung xuất hiện, hình như hắn biết tin hai chị về. Nếu không có Nguyên thì e rằng Trung đã bị chị Yên đánh bị thương rồi. Mình không can ngăn, không nói năng, chỉ cầm con dao chỉ vào cổ mình và bảo hắn nếu còn gặp mình lần nữa thì mình sẽ tự tận. ‘Tôi không đủ can đảm giết anh, nhưng tôi có thể tự giết mình.’ Ánh mắt mình có lẽ làm hắn sợ và tin. Mong rằng hắn không bao giờ xuất hiện nữa, không bao giờ, vì mình không thể chịu đựng nỗi khi nhìn thấy hắn, tởm lợm, chỉ toàn là sự tởm lợm.

Ngày..tháng…năm Chị Nguyên sẽ về lại Mỹ. Yên ở lại với mình. Anh Đông sẽ về theo. Chị Yên đang hoàn thành luận án tiến sĩ, chị ấy nói có thể làm qua email, Việt Nam là nơi tốt cho việc nghiên cứu của chị ấy. Vậy là hai chị em khăn gói về Mỹ Tho, ở căn nhà vườn của ba mẹ chị Nguyên. Họ đón mình như con gái ruột, không lời thắc mắc hỏi han. Bé của má ơi, chỉ hơn bảy tháng nữa má sẽ được gặp con rồi, tình yêu của má. Sao má có cảm giác con sẽ là con gái. Má đặt tên con là Tình Thương nhé con. Tình Thương, tình thương, tình thương.
Tranh từ từ gấp cuốn nhật ký lại. Đã bao năm bà không đọc nó, giờ xem lại cảm xúc ào ạt đổ về, khác chăng là hận thù vơi mất, chỉ còn chua xót đắng cay. Thôi thì để xem con bé phản ứng ra sao, quyết định cuối cùng là của nó. Dù sao, dù sao cũng là cha con. Bé ơi, má sang với con đây, đợi má nghen bé.


CHƯƠNG 15
Bà Yên mỉm cười nhìn cô gái trẻ ngồi trước mình:
-Thời gian trôi nhanh thật, mới đó mà đã giữa tháng 11 rồi. Tôi và em cũng đã gặp nhau được hai tháng, em cảm thấy thế nào, Sông An?
-Em thấy nhẹ nhàng hơn hồi xưa, dù rằng em vẫn còn thỉnh thoảng bị những cơn giận bất tử, phải cố gắng lắm mới kềm chế được. Em vẫn còn bị ác mộng, nhưng xen kẻ vào đó thỉnh thoảng em lại thấy mẹ trong cơn mơ, như hồi ở Việt Nam.
-Tốt, vậy là có tiến triển. Như tôi nói với em lúc đầu, cuộc điều trị này không phải một sớm một chiều, và nó tùy thuộc vào em rất nhiều, cũng như sự tin tưởng em dành cho tôi. Nhưng tôi tin với cá tính của em, chúng ta sẽ hoàn thành tốt việc điều trị, và hy vọng một ngày nào đó em sẽ thoát những cơn ác mộng của mình.
Jo ngồi trầm tư suy ngẫm lời bà Yên nói. Bà hỏi:
-Sông An này, nhìn lại những chuyện đã xảy ra ở trung học và vừa rồi, hình như em rất dễ nổi giận khi có những mâu thuẫn liên quan đến sự kỳ thị màu da và chủng tộc. Em có biết vì sao không?
-Em nghĩ rằng có.
-Nếu em muốn nói thì tôi sẵn sàng nghe em.
Jo hít một hơi thật sâu, nhìn ra cửa sổ và từ từ kể chuyện đời mình:
-Vì em là trẻ mồ côi, nên ở trại người ta tìm người bảo lãnh em, và có một hội Tin Lành đã làm điều đó. Khi em qua Mỹ, em ở bên tiểu bang Michigan, một cặp vợ chồng già da trắng đón em về ở chung. Những ngày vui vẻ đầu tiên trôi qua mau, họ thất vọng vì một con bé xấu xí, câm lặng, không tỏ vẻ biết ơn vì được họ đón về nuôi dưỡng đã chớ, lại không mang lại cho họ sự hãnh diện mà họ mong ước. Em thật sự muốn làm họ vui lòng lắm, nhưng không thể. Em cố gắng nhưng không làm được những việc họ muốn như nhào vào lòng họ, gọi họ là Mommy Daddy, đi chơi khắp nơi với họ. Lúc ấy em mới qua, tiếng Anh còn rất tệ, ngoại trừ môn Toán em học môn gì cũng dở, thầy cô than phiền vì quá câm lặng, và nóng tính nếu bị bạn bè chọc. Và em ngày một trở nên lầm lì hơn.
Yên gật đầu thông cảm:
-Em không giống như hình ảnh một đứa con nuôi mà họ mong muốn.
-Đúng rồi, em không giống. Cũng tội nghiệp họ, nhưng em lúc đó còn quá nhỏ để hiểu. Rồi họ trả em lại cho hội Tin Lành, nói rằng không có khả năng nuôi em, nhưng em biết thật sự họ không thể chịu đựng được em.
Nước mắt chảy dài trên mặt Jo:
-Em muốn nói với họ thật nhiều là em biết ơn họ, nhưng em không thể nói. Ước gì em có thể quay lại để gặp họ. Ước gì lúc ấy em biết nhiều tiếng Anh hơn. Ước gì em khôn ngoan hơn.
Yên chồm tay sang nắm lấy tay cô, nói chậm rãi:
-Sông An, lúc ấy em mấy tuổi?
-Dạ sáu.
-Một cô bé sáu tuổi mới trải qua một trải nghiệm đau thương như thế, ở một môi trường xa lạ, sợ hãi cô đơn. Em có nghĩ rằng nó phải biết những điều trên không?
-Không. Jo nói kiên quyết hơn.
-Đúng rồi, đó là trách nhiệm của xã hội, của người lớn, của cán sự xã hội. Tiếc rằng thời ấy chúng ta chưa được như bây giờ. Có một lý thuyết mà tôi muốn em biết đến, đó gọi là attachment theory. Lý thuyết đó giải thích lý do vì sao trẻ mồ côi rất thân thiện và thích gặp gỡ người lạ khi được thăm trong viện lại trở nên câm nín, xa lạ, và tránh mọi cử chỉ thân thiện khi được bố mẹ nuôi đưa về nhà. Lý do là vì chúng rất sợ sự mất mát. Trong thâm tâm chúng rất muốn yêu mến họ, nhưng lại sợ rồi lại bị họ bỏ rơi, bị tổn thương một lần nữa, nên chúng đóng cửa lòng cho đến khi thật sự tin tưởng họ. Nếu cha mẹ nuôi không biết điều này, đòi hỏi ở chúng tình cảm thân thiết ngay, và sau đó khi thất vọng đem chúng trả về, thì lại càng làm cho chúng sợ hãi hơn, và sau này càng khó cho chúng thiết lập một mối quan hệ bình thường với người khác. Vì vậy hiện tại đang có những nơi đòi hỏi cha mẹ nuôi một khi đã nhận rồi thì không được trả lại. Giống như khi đã sinh ra đứa con thì phải nuôi và yêu thương nó suốt đời, dù nó có thành người ra sao đi nữa. Tình yêu vô điều kiện và sự kiên trì là yếu tố quan trọng để có thể thành công trong việc nhận con nuôi.
-Như vậy, như vậy là không phải lỗi do em?
-Hoàn toàn không.
-Cũng không phải lỗi ở họ?
-Ừm, theo tôi thì do họ là người lớn, lỗi ở họ một phần, nhưng đó là cá nhân tôi nghĩ thế. Nếu nghĩ như em, do họ không có hiểu biết, không được giúp đỡ từ cán sự xã hội, thì không phải lỗi ở họ.
-Em rất quý họ. Đã nhận một người xa lạ về sống chung, cố gắng yêu thương mình, em rất quý và biết ơn họ.
-Em là một cô gái nhân hậu. Rồi sau đó cuộc sống em ra sao.
-Sau đó em bị đẩy từ foster home này qua foster home kia, không ở lâu được hơn một năm. Những tháng ngày đó thật khủng khiếp. Em không có bạn bè, bị kỳ thị, bị ghét bỏ. Vì em không biết nịnh, cho nên ít được thương, và có khi bị bỏ đói. Em bị gọi là ‘banana,’ ‘con câm,’ ‘da vàng mũi tẹt,’ ‘xấu xí.’ Em bị ăn hiếp, bị đánh bởi những đứa trẻ khác và em cũng đánh lại chúng. Cho đến năm em học lớp 8, em đã được một cô giáo yêu thương, nâng đỡ, cho em ở lại lớp sau giờ học phụ giúp cô ấy. Ngày nào cô cũng nói chuyện với em, nghe em kể chuyện, khuyến khích em đọc sách, kèm tiếng Anh riêng cho em. Cô khen em đẹp, nói rằng nét mặt em là nét Châu Á, rất có duyên. Rằng cô luôn ước có cặp mắt xếch và mái tóc thẳng như em. Nói chung là cô đã cho em niềm tin và tình yêu bản than. Cô ấy làm em nhớ những lời mẹ hay nói với em, và từ đó em trở thành học sinh xuất sắc.
-Một cô giáo tuyệt vời.
-Vâng, cô ấy tuyệt vời lắm. Từ lúc ấy, em chú tâm vào việc học, giờ rảnh là vào thư viện đọc sách, tránh mọi mâu thuẫn với những người sống chung. Khi em học giỏi, người lớn cũng tôn trọng hơn, tụi nhỏ thì nhờ vả và cũng ít làm phiền. Với lại em ít ở nhà, học suốt và đọc suốt.
-Và trở thành học sinh ưu tú, được học bổng toàn phần vào đại học nhất nhì bang Cali.
Jo cười bẽn lẽn,
-Cũng may mắn thôi cô.
Bà Yên lặng thinh nhìn Jo một hồi lâu:
-Sông An, có lẽ tôi phải nói em nghe thường hơn, rằng em là một cô gái mạnh mẽ, thông minh, nhân hậu, và đặc biệt rất kiên cường. Một phần lớn do em có người mẹ đã yêu thương em hết mực, phần còn lại do em luôn cố gắng vượt qua khó khăn trong mọi hoàn cảnh. Tôi rất khâm phục em và tôi chắc rằng mình không phải là người duy nhất nghĩ vậy về em.

CHƯƠNG 16

Jo được phân công giúp phần ẩm thực trong bữa tiệc hàng năm của Hội Asian Outreach dành cho hội viên của mình, phần lớn là những người đã và đang tham gia các chương trình cai nghiện của hội. Công việc Jo rất nhẹ nhàng vì Alice đã tìm được một đầu bếp trẻ gốc Việt, nấu ăn rất ngon, lo phần ăn uống của bữa tiệc hôm nay. Jo và vài người khác chỉ việc làm theo lời đầu bếp, làm những việc lặt vặt giúp anh và phục vụ cho các hội viên mà thôi.

Jo đang hoà bột pha nước cam thì nghe tiếng reo gọi,
-A chị Jo, chị cũng có mặt ở đây sao?
Ngẩng lên Jo thấy Thương đi cùng người thanh niên da trắng có cái tên Việt. Cô mỉm cười:
-Chị volunteer cho hội cũng lâu rồi, Thương đi cùng bạn à.
-Dạ, đây là anh Hai em. Đây là chị Jo, bạn em.

Hai người mỉm cười bắt tay nhau chào hỏi. Jo ngạc nhiên:
-Mình cứ tưởng Thương là con một, ai ngờ ...
-Dạ, em là con một mà, nhưng hai bà mẹ thân nhau lắm nên từ nhỏ em gọi anh Lĩnh bằng anh Hai riết quen luôn, chứ thiệt ra không có họ hàng chi hết.

Lĩnh nhìn Thương cười trìu mến:
-Đã nói đừng gọi bằng anh Hai mà không nghe, đi đâu cũng phải giải thích dài dòng ghê không.
Nói rồi anh nháy mắt với Jo. Cả ba cười xoà. Lĩnh chào:

-Jo cho Thương ở đây giúp TJ luôn nghe. Lĩnh chạy sang kia xem Alice cần gì không.

Khách khứa và các hội viên bắt đầu đến, hai tiếng đồng hồ tiếp đó hai người bận rộn nên không nói được câu nào với nhau, thỉnh thoảng Lĩnh lại ghé sang hỏi thăm Thương, nhéo tai hay cóc đầu cô rồi bỏ đi làm việc tiếp. Jo thấy hơi ngồ ngộ khi Thương tự nhiên tiếp nhận sự quan tâm của ông anh một cách vui vẻ trong khi nhận ra ánh mắt anh dành cho Thương đặc biệt hơn tình thân thiết gia đình nhiều. Jo cúi người tìm lon bột cam thì nhận được nó từ người đầu bếp, nụ cười tươi làm khuôn mặt anh bớt nghiêm nghị. Chưa kịp cảm ơn anh đã quay đi bổ trái dưa hấu. Làm việc chung hôm nay Jo mới thấy sự cực khổ của một người đầu bếp. Dù là tiệc catering, tất cả thức ăn đã được anh chuẩn bị sẵn ở nhà, nhưng từ nãy giờ Jo thấy anh làm việc không ngừng tay, liên tục cắt trái cây dọn ra mâm, làm thêm bánh snack, trộn salad, lấy thêm cơm chiên, gà, mì, gỏi bỏ vào những khay đựng thức ăn được hâm nóng bằng những chén sáp cháy bên dưới.

Hàng người xếp hàng lấy thức ăn chậm lại, lúc này các nhân viên và thiện nguyện viên mới bắt đầu lấy thức ăn cho mình, ngoài sân khấu DJ chơi nhạc thật sôi động, hình như Alice đang cho một trò chơi gì đó, tiếng người cười nói rộn ràng trộn lẫn tiếng nhạc làm không khí ấm cúng. Điều hay nhất là không có một giọt rượu bia nào trong buổi tiệc này. Ai nói rằng phải cần thức uống có cồn mới có 'lửa' cho một bữa party thì nên đến đây để thấy. Jo chậm tay múc nước cam ra ly, nhìn quanh quan sát. Ở một bàn cô thấy toàn gương mặt người Châu Á, có Michelle là counselor người Việt đứng chung nói chuyện, hình như họ là các anh chị người Việt đã bỏ được ma tuý mà Michelle có lần kể cô nghe. Kia là một một nhóm toàn gia đình với các em bé đang thích thú nhảy theo tiếng nhạc, bố mẹ ngồi nhìn cười hãnh diện. Bên ngoài cùng là một nhóm các bạn trẻ ăn mặc có vẻ bụi đời, Justin và Cheryl đang đứng với họ. Hình như họ là nhóm đã thuộc vào băng đảng ngày xưa, ai nấy đều đầy hình xâm trên tay hoặc cổ. Kế đó một bàn là các em người Campuchia, có Lĩnh ngồi chung đang chuyện trò vui vẻ. Thương khẽ kéo tay Jo hỏi nhỏ:
-Chị Jo, cô gái đó là ai.
-Ồ, Thu đó hả, là nhân viên hội đó mà, hình như làm việc bên văn phòng giấy tờ.
-Hình như là bạn gái anh Hai em hả? Sao chẳng thấy anh ấy kể.
-À, mình đâu có biết, nhưng chắc hông phải đâu. Ở Mỹ người ta thân thiết không có nghĩa là bồ bịch. Với lại mình thấy anh Lĩnh lịch sự với mọi cô gái vậy đó.
Thương có vẻ ngẫm nghĩ rồi thốt lên:
-Anh Lĩnh đẹp trai heng chị, bây giờ em mới thấy.
Rồi cô đỏ mặt nói trớ đi:
-Em vô duyên thật, ảnh mà nghe chắc là la em chết.
Nói vậy chứ Jo vẫn thấy Thương thỉnh thoảng liếc nhìn ông anh và người con gái ngồi chung, thỉnh thoảng chồm qua nói gì đó rất thân thiết. Như cảm được ánh mắt cô, anh ngẩng lên, thấy Thương liền vẫy tay mừng rỡ, nhăn nhăn mặt làm hề cho cô cười. Jo nghe tiếng Thương thở phào nhẹ nhõm vội kéo tay bạn bảo:
-Kiếm đồ ăn đi Thương, chị hơi đói rồi.

Hai đứa làm hai dĩa đồ ăn to tướng, đặc biệt nhiều salad và trái cây. Jo ăn ngấu nghiến, luôn miệng khen thức ăn ngon.
-Cơm chiên này đặc biệt thiệt, không dầu mỡ lắm và ăn rất vừa miệng. Gà cũng vậy. Ồ Thương, em ăn món rau này nè, ngon lắm. Ôi, em đừng sợ mập, người Thương như con mắm mà sợ gì, phải khỏe mạnh mới tốt chứ, ăn nhiều lên. Công nhận thức ăn ngon thật đó.

Tiếng nhạc nổi lên sôi nổi, trên sân khấu là một người đàn ông trung niên đang đi những bước nhảy điêu luyện kiểu cổ, không giống như các kiểu nhảy hip hop bây giờ. Người ông to béo nhưng bước chân nhẹ nhàng, tiếng cổ vũ la hét từ những đứa trẻ cho thấy chúng đang ủng hộ cha chúng. Hình như đang thi xem ai nhảy đẹp nhất. Jo thích thú nhìn, nhịp nhịp chân, rồi bỏ dĩa đồ ăn chạy ra nắm tay người đàn ông nhảy chung. Cô cứ đi phăng điệu Bebop, nhảy vòng xung quanh ông, khi thì vỗ tay cười, lúc lại xoay một vòng trông rất điệu nghệ. Khán giả thích chí vỗ tay la ó, to nhất là tiếng hú của các thiện nguyện viên và nhân viên biết Jo. Điệu nhạc dừng, Jo ngừng cúi chào người bạn nhảy và chào khán giả rồi bước trở lại chỗ cũ. Thương cười vỗ vỗ lưng cô,
-Em cứ tưởng chị ngầu xị chỉ biết chơi trò con trai, ai ngờ nhảy đẹp như vậy.

Một bàn tay đưa ly nước cam trước mặt Jo, cô cám ơn rồi đưa lên miệng một hơi cạn sạch. Nhìn sang mới thấy nụ cười tươi của người đầu bếp. Jo nghiêng đầu:
-Thanks TJ.
-Không có chi, anh trả lời bằng tiếng Việt. Cám ơn hai bạn đã giúp nãy giờ.
-Ôi, anh người Việt à, Thương reo lên.

Jo lắng nghe hai người nói chuyện , thỉnh thoảng gật gật đầu góp vui, nhưng tay và miệng vẫn bận rộn với mấy miếng gà nướng và đĩa trái cây hấp dẫn. Jo đưa khăn giấy lên lau miệng thì thấy ánh mắt của TJ, hơi mắc cỡ cô cười trừ thì người bạn mới quen bảo:
-Thấy Jo ăn mà TJ đói theo.
-Oh sorry, nãy giớ không mới TJ, anh ăn đi để Thương và mình đứng canh cho, người ăn cũng bớt rồi mà.
TJ lắc đầu:
-Khi làm việc mình không ăn được đâu. Có khi cả ngày không một bữa ra hồn, chỉ có nước và bánh snack mà thôi.
Thương thốt lên:
-Cực quá vậy, làm thức ăn ngon cho người khác mà bản thân đói đâu có công bằng.
-Chắc vì TJ lo quá phải không, cứ mong người khác ăn ngon, không muốn lỗi lầm gì xảy ra nên không ăn được.
TJ gật đầu đồng ý, mắt cười vui vì có người hiểu mình. Lại một hàng người mới sắp hàng lấy thêm thức ăn, cả ba lại bận rộn phục vụ, tươi cười vui vẻ dù chân đã mỏi nhừ . Họ đều biết những hội viên này ít có cơ hội được dự tiệc vui như thế này, nơi mà không ai để ý quá khứ của họ, nơi mà con cái họ được cưng chiều, nơi mà họ cảm thấy được tôn trọng, và quan trọng nhất là nơi đây họ thấy được tương lai của mình - tương lai trở lại đời sống bình thường của xã hội.

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9