Những "con đường xưa Em đi"
Thay đổi trang: 123 > | Trang 1 của 3 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 37 bài trong đề mục
NhàQuê 19.05.2009 06:18:41 (permalink)



Những "con đường xưa Em đi"








Trước khi vào truyện: Những mãng nhỏ ký ức từ không cùng thời điểm được kết vào nhau, tên rất thật nhưng tình tiết có thể là hư cấu (dưới 10%), xin tha thứ nếu có làm phiền lòng. Xem như truyện xem qua rồi bỏ. Cám ơn, Mời vào!



Những"con đường xưa Em đi"


ĐX001- Phần Mở Đầu

Trong đầu anh còn bản đồ thứ thiệt
Những con đường chưa bị thay tên
Có một hôm tình cờ em hỏi
Thành phố hiền hiền đã hiện nguyên lên....

thơ Nguyễn Nam An


Các Bạn nhé, hãy cùng tôi trở về một "Thành Phố" nhiều người đã mịt mờ trong ký ức, nơi đó các Bạn như tôi đã có những ngày tuổi trẻ. Ngày nay "Thành Phố" có thể biến dạng hay không còn dấu vết gì ; Nhưng trong lòng tôi Thành Phố ấy luôn luôn ngời sáng:

Nói các Bạn đừng cười, NhàQuê ở tuốt dưới Ba Tri lận, quê lắm! Ở xứ Nhà Quê cho đến cái tên cây, tên cỏ nghe cũng lạ tai với các Bạn thị thành, các Bạn có nghe: Ô rô, cóc kèn, chùm lé, chà là, chùm gọng, đước, mắm,... đó là nói về địa vật. Còn về địa hình nào là: Gãnh, nỗng, truông, cồn, bãi, doi,... Quê như vậy đó! Nhưng mấy ông chuyên "Vẽ bản đồ" cũng cho BaTri được một chấm trên hình cong chử S. Sướng ơi!

NhàQuê được vài anh em khen có trí nhớ "lâu và dai". Trí nhớ "siêu vẹo", nên thừa thắng xông lên phát huy lợi thế của mình. NhàQuê xin đóng góp vào BenTreHome hai bài:

1) Những "con đường xưa Em đi" và

2) Những "ngôi trường Xưa Em học".

Bài thứ hai cũng để trả lời bạn BenTre viết trong Phố Rùm là không biết trường Khai Minh ở đâu, có ở Bến Tre không? Hay một nơi nào khác. Có đấy! Ông Bạn ạ, nó ở trên đường đi Mỹ Tho, gần hãng nước đá Vĩnh Hiệp. Có hai người làm chứng là Lê Tấn Thiện ở gần và Tô Thị Hoa học trường đó, trước khi vào trường Công lập.

"Ðây nói về" những Con đường xưa Em đi. Tỉnh lỵ Bến Tre mình không lớn lắm nhưng không đến nỗi "Ði năm ba phút đã về chốn cũ". NhàQuê xin kể hết mọi con đường tỉnh lỵ, nơi "Những viên sỏi đã từng reo hát dưới chân em", những con đường còn thấp thoáng chút gì để nhớ.

Có mấy con đường NhàQuê không nhớ chắc chắn tên, nhưng NhàQuê sẽ mô tả, Bạn nào còn nhớ xin nhắc dùm: "Cam đoan không làm khó dễ".

NhàQuê sẽ dùng dạng tường trình, vì NhàQuê kém văn chương chữ nghĩa lắm, như các Bạn thấy đó, NhàQuê viết trật chính tả tùm lum, trật đến sau dấu chấm, dấu phẩy mà không chừa cách một khoảng, ông Bến Tre và ông Ách Mìn nhắc nhở hoài. NhàQuê có gợi ý với mấy ông làm software, ráng làm ơn program sao cho: Sau khi nhấn dấu chấm hoặc dấu phẩy thì máy tự động bước tới một bước cho NhàQuê nhờ, nhớ nẫy tới một cái lấy thảo nghe "Côm bu tờ"! Mong lắm thay!

NhàQuê xin xếp Những "con đường xưa Em đi" làm hai nhóm:

- Nhóm theo hướng Ðông Tây và

- Nhóm theo hướng Nam Bắc

NhàQuê Feb 03,2005



#1
    NhàQuê 19.05.2009 21:23:44 (permalink)







    Những "con đường xưa Em đi"

    Nhóm theo hướng Ðông Tây


    ĐX002- Đại Lộ HÙNG VƯƠNG

    - ÐT1 Chuyện bắt đầu từ đời vua ÐƯỜNG HÙNG VƯƠNG: Có lẽ đúng tên là ÐẠI LỘ HÙNG VƯƠNG, NhàQuê bắt đầu cũng có ngụ ý kính Quốc Tổ đã có công gầy dựng cho nòi giống Lạc Hồng và cũng hoan hô tinh thần của Hội Ðền Hùng, Ðại lộ còn gọi là đường bờ sông, tên riêng nầy chỉ rõ vị trí cực Nam của nó.



    Khởi đi từ nhà hàng khách sạn Ðại Huê ngang qua nhà hàng Ðông Châu, tiệm vàng Kim Ánh mà NhàQuê thấy có lúc các bạn Trần Huỳnh Hương, Trương Thị Ngọc Huệ thuộc gia đình hãng xe vận tải Hiệp Hữu (Ba Tri) trọ ở tiệm vàng nầy, tiếp đến ảnh viện Ðinh Bá Trung (có bạn Ðinh Thị Anh Ðào), ảnh viện Nguyễn Phỗ, tiệm Radio Văn Minh (có bạn Võ Hữu Ðệ).



    Ðến Chợ Cá: Các bạn biết Bến Tre thuộc vùng đồng bằng và tiếp giáp với biển Ðông, nên về mặt thủy sản rất dồi dào, ở chợ cá có đủ các loại cá nước ngọt, cá nước mặn, cá nuôi ao hồ, mực, tôm... và tùy mùa.
    Có những năm vào mùa mưa, từ miệt Châu Bình, Châu Phú, Châu Hòa, Tân Hưng, Cù Lao Ðất, Thạnh Phú... chở lên biết bao nhiêu là tôm đất, loại tôm nầy đem luộc, cuốn bánh tráng Mỹ Lồng, với rau thơm, hẹ, chấm tương xay, thôi thì "Nam phụ lão ấu đều dùng đặng, không kỵ thai". Còn rang với nước cốt dừa thì bữa cơm phải cạo vét nồi nghe rột rột.

    Chưa hết, gần tới kỵ giỗ là Má lúc nào cũng thủ mấy keo mắm đỏ au, trộn đu đủ, dứt dằn bụng mấy tô với rau sống thịt phai và bún, lát nữa cúng xong dọn ăn, vững bụng rồi, khó ai đương cự nổi dù bị Xa Luân Chiến. Sau đám, Má còn dúi mấy keo: "Tụi bây đem về trễn ăn" thế mới đã!
    Chưa hết đâu, còn luộc phơi khô để dành cho mấy Ổng, Má nói để mấy Ổng ghé chơi mà về tay không mấy Ỗng buồn! Thứ tôm khô đỏ tự nhiên chứ không phải loại thêm màu như bày bán ở trên Bình Tây- Chợ Lớn Mới đâu; Loại tôm người làm ra không dám ăn!



    Ở Chợ Cá còn có bao nhiêu là cá kèo, mà các dì cho muối mạc cưa làm cho con cá bỗng nhiên lớn thêm trông thấy.


    Loại cá nầy nếu vừa đổ lên, cho ngay vào nồi cháo đang sôi sùng sục, đậy liền nấp lại trong một phút, xong hớt hết bọt, khi đã tương đối hết bọt con cá ngọt và mềm múp, không nên nấu ninh; Ðứng chung quanh mỗi người tự múc lấy, cho thêm tiêu cho thiệt cay, ăn vào ra mồ hôi hột, đã ơi là đã!! Cơn sốt cách mấy cũng giảm một cách đáng kể. Toa thuốc nầy gọi là cháo rồ, cần kèm theo "rau đắng đất" thì sức bổ dưỡng sẽ vô song, không nên ăn một mình mà càng đông càng vui, đính kèm mỗi người ít nhất một xị "Phú lễ", sau đó mạnh ai nấy nói, mỗi người sẽ là một diễn giả hùng hồn tuyên bố: "Trong cuộc đời chưa thằng nào sợ thằng nầy mà!" thật anh dũng tuyệt vời ! khà, khà, khà.

    Ðường Hùng Vương tiếp tục ngang qua tiệm chụp hình Lê Huỳnh mà lúc đó NhàQuê tưởng là tài tử đóng phim, bố của Ý Lan bây giờ, đến bến đò Cái Cối, nơi đây có nhà thuốc tây Bến Tre, lấy luôn tên tỉnh làm thương hiệu, vụ nầy NhàQuê nhớ tới chuyện vui cười: môt tiệm vẽ bảng là Nhà Sách lớn nhất Sài Gòn, một tiệm không chịu thua trương bảng nhà sách lớn nhất Việt Nam, anh nhà sách chính giữa bị sỏ lá, biết làm sao quảng cáo đây, chẳng lẽ đề nhà sách nhỏ nhất, suy nghỉ mãi cuối cùng anh quyết định vẽ bảng hiệu của mình là Cửa Vào cho nó sỏ lá hơn.

    Nói về vẽ bảng hiệu thì hầu hết ai cũng biết Bùi Trung chuyên vẽ bảng hiệu, tên được ghi nhỏ khiêm nhường góc dưới của tấm bảng, về sau có họa sĩ Trúc Viên cũng nhào vô lãnh vực vẽ bảng hiệu nầy, món nào làm ăn được thường có cạnh tranh.

    Tại bến đò Cái Cối nầy trong những giờ cao điểm: Tan trường, ở đây sẽ gặp đủ mặt anh hào, các chàng thông minh nhất nam tử của xứ mang tên cây "tiết trực tâm hư" Xứ Bến Tre nầy.

    Nếu đò chưa qua kịp, từng cặp rụt rè to nhỏ với nhau, vài cặp rời xa đám đông, những cặp nầy đã tiến triển qua giai đoạn có những lúc muốn đưa tay anh nắm giữa chừng lại thôi, còn thì thường e thẹn mai vô trường e "khó sống" với đám bạn, nên chi chỉ mở đầu bằng chuyện thiên văn "khí tượng cho tàu chạy ven biển" và ta cũng sẽ nghe các bài tham luận chuẩn bị từ trước, phút chốc bị hồi hộp quên mất, giờ bỗng nhiên bắt đầu những câu trống không, không có chủ từ và giọng điệu chẳng khác nào lấy khẩu cung dù có đủ các thì hiện tại, quá khứ, vị lai : ..mai học mấy giờ? ..tuần rồi có về Giồng Luông, Ðại Ðiền không?..sao hôm nay về có một mình vậy?. Quả là chưa bao giờ nói một câu "chậm tiêu" như thế, "Người ta" về một mình là đã ráng đưa lý do chánh đáng, cách ly nhỏ bạn dù nó là quân sư, cố vấn gở rối tơ lòng, để cho Bậu được tự do lấy lời khai, "Người ta" chu đáo thế mà còn hỏi; Thế rồi đò cũng cập bến, áo trắng lên đò sang sông, nón lá che nghiêng, không phải che ánh nắng mà che cho đừng ai trông thấy mình đang nhìn lại anh chàng vừa ..phỏng vấn.. xong mà còn ấm ức điều gì chưa nói hết

    Con đò vẫn lặng lẽ khua dòng phù sa có vài cụm lục bình hoa tím trôi phiêu lưu vô định....

    Nơi chốn trử tình như vậy bỗng chốc bị bức tử bởi chiếc cầu xương xẩu, hồn ma của cầu Chẹt Sậy được tháo gở đem về đây, NhàQuê tưởng chừng như dòng sông ấy, như cô gái có mái tóc mượt mà chẳng thua mái tóc thề của cô gái Huế ấy. Cô gái Bến Tre nầy trình diễn để dự thi "vẻ đẹp đồng bằng sông Cữu Long" mà cô cột tóc bằng sợi lạt dừa. Dòng sông mỹ miều ơi! Chiếc cầu lạt dừa ơi! Chiếc cầu trường tiền công chánh ơi! chiếc Cầu CÁ ...CỐi ơi! các Người đã bị phân thây trên đường từ Tổng Nha Ngân Sách về đến đây chỉ còn là khúc xí quách nấu ninh nhão nhoẹt, run sợ với sức nặng bốn tấn. Hoan hô canh chua cá bông lau! Hoan hô, hoan hô! Nhớ cá bông lau mỡ trắng nhe, chớ mỡ vàng là "Hóa bồ hố chía = Ngộ mậu xực".

    Cầu Cái Cối hiện hữu từ thuở khai sanh, chưa ai dám làm một PÔ đầy, đủ ghi lại vẻ mỹ quan của nó, vì nó chỉ được xếp trên một cấp so với cái pháo đài kiên cố xây bằng bê tông cốt sắt cũng trên bờ sông ở cuối đường Trạng Trình, chiếc pháo đài có tất cả lổ châu mai quay xuống mặt nước; Vậy mà đã đứng vững hàng mấy chục năm, các "Quan viên hai họ" không ai ngó ngàng tới, mất vệ sinh: Cầu xí!

    Qua mặt Tòa Án: sau nầy có bạn Thúy Huệ làm Lục Sự, con nhỏ Hồng ngoài Cầu Dầu làm Thư Ký ở đó, có cụ chánh án Ngô Phượng Tường, các Ái nử của cụ: Ngô Quỳnh Giao (Dao?), Ngô Minh Trân yểu diệu như hạt sương mai, các cô nầy trông dễ thương mà không dám thương, ngán Cụ lắm, Cụ đọc: Nay tuyên án... là bà cố hú ...

    Qua luôn cửa phía bờ sông của dinh Tỉnh Trưởng, trên bờ sông có hai cái cầu ..tàu, qua Ðức Ðồng Lợi mà ba chữ nầy đứng dàn hàng ngang chữ nào cũng lóng lánh màu động

    Qua nhà Bác sĩ Cương, không biết có phải Bs Cương thời chín năm trong vùng Ba Tri Thạnh Phú không nhỉ? Ông Bs ưa giải quyết nhanh gọn cho người bị thương được võng, cáng tới: CƯA!

    Nên gặp ông Bs đó ngán lắm! Gặp Bs Trần Hữu Nghiệp chú của kỹ sư canh nông Trần Văn Não thì đở hơn, ông Trần Văn Não là Giám Ðốc Nha Thủy Lâm Nam Phần sau ông làm việc cho Tổ Chức Lương Nông Quốc Tế (FAO) thuộc LHQ, trụ sở ở Roma, Italy. FAO có "Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo" ở Phi Luật Tân, Viện nầy đưa ra nhiều loại lúa ngắn ngày, năng suất cao vào sản xuất, ta quen gọi là lúa Thần Nông.

    Tiếp theo đến nhà thờ vẳng tiếng chuông ngân và ai đó đang lặng lẽ nguyện cầu. Có một thời gian nào đó lâu rồi, NhàQuê quên mất: Ðức Giáo Hoàng Pierre XII băng hà, hội đồng Hồng Y Giáo Chủ họp kín theo qui định để bầu Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII lên kế vị, tìm hiểu sự kiện trọng đại nầy NhàQuê được biết thế nào là Linh Mục, Giám Mục, Tổng Giám Mục, Hồng Y và trong việc bầu Giáo Hoàng khi nào đốt khói trắng, khi nào đốt khói đen, sự hiểu biết đơn giản như vậy mà NhàQuê suýt chút nữa bị tai nạn nghề nghiệp là đã bị "má sắp nhỏ" cấu cho mấy phát: Anh không có đạo mà sao Anh rành vậỵ? NhàQuê như người bị bắt quả tang vì tội không thành khẩn khai báo. Nhủ thầm tự hậu không "tìm hiểu" tin tức thuộc loại "đố vui để.. nhậu" và dễ " tự chiêu kỳ họa" nữa.

    Ðường Hùng Vương ngừng lại ở cầu Kiến Vàng (cầu Cái Cá ?), ở đầu cầu phía mé sông có trại cưa Ðồng Lợi to hết biết, tiếng cưa máy xẽ cây ren rẽng nghe nổi da gà, NhàQuê kẻ hậu sanh nên không biết chổ ngã ba sông Bến Tre và rạch cầu Nhà Thương nầy là nơi có nhiều ổ kiến vàng hay sao ấy? Bạn nào từng leo cây hái trộm ổi chấm muối ớt hay trộm soài xanh chấm nước mắm đường, vào đúng lúc con gái chủ nhà tình cờ đi ra mà lủ kiến vàng đang bị động ổ bò ra tấn công thì chẳng khác nào "tứ bề thọ địch", "Chí nguy, chí nguy, thậm chí nguy" trân mình mà chịu chứ không thể di tản chiến thuật hay tái phối trí gì cả.



    Con gái chủ nhà đi vô, tuột xuống vừa chạy, vừa phũi, vừa gãi; Sướng lắm đó! Gãi bù mà! Con gái chủ nhà lại đi ra cười cười muốn cắn cho một cái còn nói: Ai biểu! Cho tởn!
    Vụ đó không ớn dai dẳng bằng "cái con nhỏ cười cười muốn cắn một cái cho đở nhớ đó" dính chấu và cùng nhau đi suốt chiều dài cuộc "đời cô Lựu" với tay đạo chích hạng tài tử: Vì muốn có cảm giác mạnh, chứ hàng đống người ta cho cả rổ, mấy bà bầu ăn cả tuần chưa hết.

    NhàQuê dùng sào dài thọc cho an toàn, lấy luôn ổ kiến vàng để lấy trứng, xào khô sơ khởi chút dầu: mồi kiến vàng câu cá rô nhạy hết kỵ!
    Ði tiếp sẽ qua cầu Dầu, ngang nhà bạn Trần Minh Thành: Người mà mỗi lần bị Ẩn Hồ chọc Bù Ðốp ngày, tháng, năm, là giận mặt nổi gân máu đỏ, dạy đại học Cần Thơ đấy! Rồi Ngô Văn Lưu, Ðường Ngọc Phước : là người đó, chứ không phải con đường mà cũng chẳng phải sugar.

    Qua biệt thự Daniel Trần Quế Tử. Xa hơn tới đình Mỹ Hóa và nhà máy xay Vạn Quốc, nhà máy xay nầy xay suốt ngày đêm, chạy gằng nên gạo đứt thóc trắng tinh, thứ gạo mà cư dân Khám Lá không được ăn, phải trường kỳ gạo lứt; Sau nầy có trường phái gạo lứt muối mè cũng rầm rộ như là một môn phái dưỡng sinh.

    Ðến phà Hàm Luông sang Mõ Cày: nơi có nhiều địa danh ba chử như Khánh Thạnh Tân, Nhuận Phú Tân, Ða Phước Hội, Tân Phú Trung, Tân Thành Bình..có cái cầu dốc quá xá cao, ngồi lên xe đạp thả dốc không cần đạp mà chạy được tới nhà máy đèn có khi chạy tới đám tre nhà bạn Nguyễn Thành Nhơn luôn.

    Con đường nầy cũng đi Thạnh Phú được, có thể sang Trà Vinh nhưng còn phải sang phà một lần nữa: Phà Cổ Chiên.





    Phà Hàm Luông băng ngang một giòng nước chảy xoáy trông nguy hiểm vô cùng, vì nước từ thượng nguồn đến đây đột ngột phân chia tài sản:
    Một nhánh đi vào tỉnh lỵ chơi cho biết, nếu còn muốn đi nữa thì xuống Mỹ Lồng hay rẽ vào Kinh Chẹt Sậy, qua Ngã Tư An Hóa gặp sông Ba Lai, nếu đi thẳng luôn sẽ ra kinh Giao Hoà rồi băng ngang sông Tiền vô vàm Kỳ Hôn, Chợ Gạo đi lên Sài Gòn, còn không qua Kỳ Hôn thì đi lên Mỹ Tho, đi xuống thì Vàm Láng Tân Thành Gò Công...

    Một nhánh, nhánh thứ nhì xuống Bến Tranh, Cồn Ốc thăm bà con và
    Nhánh thứ ba, dòng chính thống, lớn nhất, hướng về vàm Nước Trong(?) tức vàm Ðịnh Thuỷ ăn đường thùng, kiếm bậy khúc mía vừa đi vừa xướt chơi, tà tà trên đường đi Cái Quau, Phú Khánh rồi đi luôn xuống miệt duới như Ba Tri, Thạnh Phú trước khi ra biển Ðông sum họp cùng bà con họ nhà sông cùng mạng Thuỷ:"Thủy khắc thủy, hỏa khắc hỏa, thuỷ hoả tương khắc."

    NhàQuê, Connecticut 2005


    #2
      NhàQuê 20.05.2009 08:27:58 (permalink)






      Những "con đường xưa Em đi"

      Nhóm Theo Hướng Đông Tây


      ĐX003- Con Đường Ngắn Nhất

      - ÐT2 CON ÐƯỜNG NGẮN NHẤT: Như là một gạch nối giữa phía nhà lồng dưới và con đường Trạng Trình là đường chạy từ cửa chùa Viên Minh xuống mé sông. Có một điểm đáng nhớ là trên con đường mặc dù cực kỳ ngắn nầy lại có trụ sở của bảy Bang người Tàu (sau nầy ngoài bảy Bang có từ trước như :Triều Châu, Hải Nàm, Phước Kiến, Quãng Ðông...còn có thêm hai hoặc ba Bang nửa là TÀU SẮT, TÀU CÂY và TÀO LAO.)

      Hỏi những thuyền nhân ra đi từ Bến Tre thì rõ. Bạn nào biết tên con đường nầy xin cho biết đa tạ đa tạ.

      Trụ sở vừa nói NhàQuê nhớ có bảng xanh kẻ chử trắng là "Lý Sự Tổng Hội" hay "Lãnh Sự Tổng Hội" lòng vòng trong hai câu đó NhàQuê không nhớ rõ lắm. Ông đứng đầu luân phiên cho một nhiệm kỳ gọi là ông Bang Trưởng, gọi tắt là Ông Bang, giữa cầu Gò Ðàng và cầu Cá Lóc có lò gạch Bang Chanh, chắc ông chủ đó có lần làm Ông Bang.

      NhàQuê, 2005



      #3
        NhàQuê 20.05.2009 08:36:05 (permalink)


        Những "con đường xưa Em đi"



        Nhóm Theo Hướng Đông Tây




        ĐX004- Ba Con Đường Mang Dáng Dấp Hà Nội



        - ÐT3 BA CON ÐƯỜNG MANG DÁNG DẤP HÀ NỘI: Chào các Bác ! Chúng em từ ngoài Bắc, Hà Nội mới quàu đấy ạ! Chúng em có đem theo một bó rau và một tí mắm ruốc biếu các Bác nàm quà đây!...Ba chú em ngồi vô đây, mần cái ruột cá nướng trui nghen! Rồi vô một chun nước mắt quê hương nè!, vô cho cứng cứng, khá khá chút nhen! Chớ không mấy bà con chòm xóm tui nói: Mấy chú uống rượu vô ích hà!(vô ít, chỉ mím môi), rồi cứ tự nhiên như người Hà Nội nghe mấy chú!



        - ÐƯỜNG HÀNG CHIẾU: Chạy từ đường Phan Thanh Giản vào nhà lồng chợ, song song và gần đường Hùng Vương nhất, các ghe đem chiếu lên đây bán lẻ, đường nầy cạnh hông mấy tiệm Chà, thường nói tiệm Kim Sơn Ma Ní là ai cũng biết, tiệm bán dầu thơm và linh tinh. Bạn nào biết tên con đường nầy đưa tay lên! Có phòng ngủ Việt Nam (?). SàLam? Ốc Tiêu?



        - ÐƯỜNG HÀNG GÀ: Cũng từ đường Phan Thanh Giản vào nhà lồng chợ, cặp hông nhà thuốc tây Thúy Lan, trước đó là nhà cầm đồ Thúy Lan, Nhưng người ta quen miệng gọi là tiệm cầm đồ Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường nầy bạn nào nhớ tên? Thúy Huệ, Trương Quốc Hồng, Khánh chắc biết rõ!

        Trên con đường nầy như tên nó là bán gà, còn bán vịt mà người miền Bắc gọi là con Ngan vì nó ngan ngược xỉa xói dữ lắm, rồi chim cò,.. rồi heo con mua về nuôi, đôi khi có cả dê, thỏ nữa; Tức là có bán nhiều loại con, loại động vật lông vũ và lông mao.



        Nghe Vũ khanh, Ðoan Trang hay Hằng Nga hát bài "Tâm sự kẻ xa quê" nói về nỗi nhớ quê hương muốn bay cho mau về tới:...nghe mơ ước mọc lông bay...NhàQuê nhủ thầm: Nếu có mơ ước thì NhàQuê ước mơ mọc lông vũ may ra mới bay được, chứ mọc lông mao chỉ có nước húp cháo rùa! Vì ngày xưa thiệt là xưa thì: Cho đến con ngựa, con cọp, con voi ..đều biết bay. Chuyện Phong Thần! Thôi Boing 747 được rồi khỏi cần mọc lông.





        - ÐƯỜNG HÀNG CHUỐI: Bán hoa, quả ... Từ đường Phan Thanh Giãn khoảng tháp nước (Château d'Eau) vào khoảng giữa của hai nhà lồng chợ, Nhà Lồng trên bán thịt, gạo, guốc (Huỳnh Ðình Ðại)...., Nhà Lồng dưới bán tạp hóa.



        Nói nhỏ mấy Em, mấy Chị ở xa tới là ở cái khoảng trống giữa hai nhà lồng nầy bánh ơi là bánh!



        Ðủ loại: bánh bò, bánh hỏi, bánh bèo, bánh xèo, bánh ích, bánh tét, hằng hà sa số, cơ mang nào kể cho hết. Xin cáo lỗi hỏng có bánh xe nha!...có một sạp bì bún chay ngon bá phát ! ha ha ha ..



        Mọi thứ bánh ở đây "tứ thời cảm mạo" đều dùng đặng, duy chỉ có một thứ bánh bị tụi học trò khi hoan hô, khi đả đảo; Ðó là bánh lọt, cái thứ bánh con màu trắng, con màu xanh nầy nhất định phải nhịn tối đa trong mùa thi cử thiêng liêng quyết định cả cuộc đời, dù chị bán bánh lọt có rao lanh lảnh, có mời mọc, dụ khị cách mấy cũng phải một mực chối từ , phải từ chối quyết liệt hơn các Cụ ngày xưa đang ở ẩn, đột nhiên được triều đình dời ra hưởng phú quý vinh hoa : Ai ăn bánh lọt hôn ? chời ơi chời! mùa gì sao ế quá nè chời!... Cậu làm ơn ăn dùm mở hàng đi, Cậu mở hàng đắt lắm đó, hỏng tiền bán chịu luôn!... Sao hổm rày tui ớn trong mình quá, cử mùi nước tro ví mùi vôi, thôi! hổng ăn bánh lọt được, Chị gánh đi xa xa dùm, bữa nào khoẻ tui kêu!
        Thế mà chị vừa đi khỏi, bà bán chè xốc tới, hết ớn trong mình ngay tức khắc: Hoan hô chè đậu đỏ, vừa bổ vừa hên!
        Sau ngày thi, khi có tên trên bảng kết quả rồi, chắc ăn rồi, bắt đầu nhớ bánh lọt nước cốt dừa, nước đường thắng thoang thoảng hương thơm của lát gừng cựu niên, nhớ làm sao ấy!! Nhớ như các cụ nhớ thuốc giồng Mõ Cày (thuốc giồng Chợ Thơm) hay các cụ nhớ thuốc lào "đã chôn điếu xuống, lại đào điếu lên". Nhớ ơi là nhớ! Thôi thì trong khi chờ đợi ngồi ngáp vặt cho.... cho thông phổi vậy.

        Trên đường hàng chuối có một cơ sở mang tính văn hóa, đó là nhà in Hiệp Hữu, phía bên kia đường có mấy "cây bàng lá đỏ" tỏa bóng râm, NhàQuê mong bây giờ vẫn còn! Mấy cây bàng đó làm NhàQuê nhớ lại: Mỗi khi Tây đi ruồng bố, chị cõng em và dắt NhàQuê chạy lánh nạn đến tận bến đường tắt, bến cây bàng, cạnh bìa rừng. Chờ khi giặc rút mới dám trở về, trong thời gian chờ đợi đó, chị hái lá bàng: lá đỏ, lá vàng, lá xanh , chầm cho NhàQuê một chiếc mão, NhàQuê hãnh diện đội lên ngỡ mình là Hoàng Tử trong các vỡ tuồng hát bộ, từ đó NhàQuê yêu thương cây bàng đã cho NhàQuê mộng ảo vinh quang ngây ngô nầy. Yêu thương ơi! Xin đừng ngã xuống, chờ ngày về gặp lại, một lần thôi!


        NhàQuê nói ba con đường không nhớ tên nầy mang dáng dấp Hà Nội vì chúng làm ta nhớ đến Hà Nội chốn ngàn năm văn vật với ba mươi sáu phố phường: Hàng Ðào, Hàng Cót, Hàng Ðồng, Hàng Ngang ...chỉ kém các quân trường trong Nam có thêm Hàng Dọc và một vài nơi có Hàn Gió Ðá "chạy cùng đường, thiếu cha gì". Hà nội ơi! Ngoài đó có không ?


        Thấy người ta sang, mình bắt quàng làm họ chơi cho vui ba bửa nầy


        NhàQuê, Connecticut 2005



        #4
          NhàQuê 20.05.2009 21:52:30 (permalink)





          Những "con đường xưa Em đi"


          Nhóm Theo Hướng Đông Tây



          ĐX005- Đường Lê Lợi





          - ÐT4 ÐƯỜNG LÊ lỢI: Tục truyền rằng nickname là đường Giữa không mất phần mền, khoái đòi nằm giữa lắm! coi chừng mất phần mềm nhe! NhàQuê nói phần mềm đây là software à nha, đừng có nghĩ xa hơn đau thận lắm!

          Khởi đi từ Xóm Tiệm Rượu nay là bến cây mận, qua nhà bạn Huỳnh văn Tánh(Tánh Nhuồn) là đã say mèm rồi, rượu mà! khà! khà! khà. Ai biết nhà Lai đâu làm ơn dẫn tới dùm coi, làm ơn đi mấy cha nội!...

          Lò bánh mì Hữu Ðức ở căn số 29 Lê Lợi có con nhỏ ngày lớn ăn ảnh mà cũng ăn hàng hết biết: quán cà phê nào cũng biết, bì bún chay mặn chỗ nào cũng rành ( đợi ai lo lót thì NhàQuê xóa, đợi lâu không thấy hối lộ thì NhàQuê nói tên ra), lò bánh mì Mỹ Vân của chú ba Thượng Công Ký em thầy Thượng Công Kế. Xóm nầy nhiều lò bánh mì lắm!



          Qua ngã tư đến dãy nhà thầy Nguyễn Duy Oanh: NhàQuê chưa có dịp đọc quyển "Sóng gợn hồn quê" của Thầy, Thầy là người hiếu học và chắc có lẽ tác phẩm sau cùng cũng là luận án Cao Học của Thầy là quyển: "Bến Tre Ðịa Linh Nhân Kiệt". Sau tận thế thầy trò cùng nấu sử xôi kinh chung. Vĩnh biệt Thầy!


          Ðến nhà dược sĩ Hồng Hạnh nghe đâu đang ở vùng Cali, Dược Sĩ! Bớ Dược Sĩ cho BenTreHome vài viên đi chớ, thuốc đắng như ký ninh cũng được! No prolem at all! Tin giờ chót: Chúc dược sĩ Hồng Hạnh mau bình phục.

          Rồi bi da Trần Ngọc (?), rồi nhà thuốc Ðồng Xuân Các ( cụ Kim Anh bốc thuốc, chớ không phải Trương Kim Châm Hoa Ðà tái thế đâu à nha!), các tiệm uốn tóc Phùng Nga sau thông gia thầy Trần Văn Xương có nói trong đại lộ Trương Vĩnh Ký và đường Nguyễn Huỳnh Ðức.

          Tiệm uốn tóc Quang Minh.., tiệm Radio Hoàn Cầu, nhà may Văn Hoa (bạn Dương Minh Ðức, người bạn học giỏi, đẹp trai, dễ thương mà yểu số), nhà may Ðại Ðồng (thầy TS Nguyễn Võ Văn, cháu nội nhà cách mạng Nguyễn Quyền), tiệm chụp hình Viễn Lai của gia đình bạn Nguyễn Ðồng Danh sau là ảnh viện Mai Phương, đường Triệu Ðà,Chợ Lớn, Có mấy tiệm đóng giày da, học sinh chưa dám rớ loại nầy. ...và vô số nữa ...

          Ðường Lê Lợi đến giữa hông nhà lồng chợ (nhà lồng dưới) là hết. Ðến đây là hết cột cờ (Chuyện thầy Hoàng Cơ Long kể) chứ đường Lê lợi còn ham đi nữa đó, vì là bộ đồ giữa mà ! Chớ bộ.



          NhàQuê, Connecticut 2005


          #5
            NhàQuê 22.05.2009 07:36:37 (permalink)




            Những "con đường xưa Em đi"

            Nhóm Theo Hướng Đông Tây



            ĐX005- Đường Ký Thường Kiệt





            -ÐT5 ÐƯỜNG LÝ THƯỜNG KIỆT: Song song với đường Lê lợi và ở giữa đường Lê Lợi và đường Nguyễn Ðình Chiểu, bắt đầu từ đường Nguyễn Trung Trực vào đến khoảng giữa hai nhà lồng trên và nhà lồng dưới

            Đi ngang qua nhà thầy Trần Văn Hai (bạn Trần Văn Hường), nhà cô Mười bán guốc, NhàQuê gọi là cô Mười các bạn tưởng bậc cô chú; Có cô chú mà! Con bé sau nầy đi "dạy cô giáo" dưới Giồng Trôm nên NhàQuê gọi là cô, ngày đó con bé còn học Tiểu Học, thấy anh nhà quê vào mua quai guốc mà ngực có mang phù hiệu thuốc dán THB, con bé nhìn sững, với vẻ thán phục, nhìn miếng thuốc dán đó như một ước mơ về ngôi trường số một của các hoàng tử, công chúa xứ "Bến Tre Tam Ðảo Quốc", ngôi trường ước ao được học, sau khi phải qua kỳ thi tuyển gian nan đang chờ trước mặt.



            Thằng nhà quê tưởng bở, thiếu chút nữa là ưởn ngực cho con bé nhìn cho rõ! "Hãy nhìn cho rõ, trước khi vào đám đông". Con bé xinh lắm nghe, trắng như không thể nào trắng hơn được, môi son tự nhiên, ghê chưa! ! Tương lai hứa hẹn mà!



            Tên cô ta là Mười, chắc ở nhà cũng thứ mười luôn, cái tên nầy muốn biết được phải "điều nghiên" công phu lắm!. Từ đó cô ta có một khách hàng trung thành chờ guốc, dép đứt quai và đợi khi cô ngồi bán một mình để má về ăn cơm, mới vào mua và giấu tuyệt bạn bè rằng nơi đó có con bé đẹp như thể! Ðể riêng! Ngu sao phổ biến rộng rãi!



            Ðường Lý Thường Kiệt còn chạy qua nhà thầy Ðường (bạn Hứa Ngọc Hảo), nhà may Thanh Hải, nhà may Cẫm Danh, trường Tàu: Trường Sùng Chánh (sẽ nói đến trong phần nói về đường Trương Vĩnh Ký), tiệm vàng Thái Văn Ðôn (Vĩnh biệt bạn Thái Bá Mẫn!), tiệm vàng Lạc Thành lớn tới mấy căn, cửa quay ra cả hai mặt đường của ngã tư , cũng có bán luôn xe đạp sau nữa là xe gắn máy Ðức hiệu Goebel vào lúc NhàQuê đang nói chưa có xe Nhật, các cậu Lạc Minh, Lạc Phụng chạy xe Goebel luồn lách không kém gì Yên Hùng Xa Lộ.

            Goebel là loại xe gắn máy thời trang động cơ hai thì, sau nầy bị xe Nhật tấn công khắp nơi phải trốn tuốt về vùng sâu gần như mất dạng. Nghe nói ngày nay tái xuất giang hồ vì của ít người đông.

            Vài tiệm vàng khác như: Nguyễn Văn Vạn, Hồ Phước...cũng trong khu vực. Khúc đường ấy người ta dùng hệ thống đo lường khác hơn mấy tiệm bán đồ sắt như Quản Lợi .. dưới mé sông.



            Cái cân phải để trong tủ kiếng sợ bụi bậm mất chính xác, lại khác hơn cả mấy bà bán rau: Bán nhắm, bán mớ ngồi lê la phía trước các cửa hàng sang trọng vào hàng bậc nhất nầy. Mấy bà bán rau đó khi nào dùng cân thì xài cân xách tay có trứng dái kéo tới kéo lui theo ý muốn được.



            NhàQuê, Connecticut 2005


            #6
              NhàQuê 25.05.2009 23:51:55 (permalink)




              Những "con đường xưa Em đi"

              Nhóm Theo Hướng Đông Tây


              ĐX007- Đường Nguyễn Đình Chiểu





              - ÐT6 ÐƯỜNG NGUYỄN ÐÌNH CHIỂU: "Hôm nay là ngày chi, bao nhiêu là người đi" Con đường luôn tấp nập và rộn rịp vào bậc nhất tỉnh lỵ.

              Từ Ba Tri, Giồng Trôm lên, sau khi qua khỏi cầu Gò Ðàng, qua khu miễu Ấp Phụ có xóm nhà bạn Hồ Văn Ẩn, Nguyễn Văn Banh.

              Trước khi tới nhà Nguyễn Công Vân, Thủy bà già trầu ( không phải già đâu, tại diễn kịch đóng vai bà già trầu nên được giử bản quyền luôn), đặc biệt là nhà Dì Năm có con nhỏ BN hồi năm NhàQuê lên tỉnh học, thì nhỏ mới khóc oe oe chào đời ... mà bây giờ làm thơ đọc đã ngứa lắm ....

              Rồi hãng cà rem Tứ Ðạt có mấy cô con gái mà cô nào cũng đẹp không biết đâu mà....khen cho hết, khỏi khu ấy rồi là sẽ đến cầu Cá Lóc! Ðừng có ló cái gốc nhà quê, cứ nghe nói Cá là giăng câu, thã lưới, cấm câu. Chẳng có con gì dưới dòng nước kia, không thấy sao, ở đây ai muốn ăn cá phải ra chợ mua không hà!



              Trước khi qua cầu, phía trái là con đường chạy tới mé sông và vô tận nhà máy ép dầu dừa, có nhà bạn Paul Hùng, người rất vậm vỡ, đứa nào cự nự là đấm cái nào đáng cái đó, NhàQuê thân thiện với ảnh để nhờ tấm thân, ông bà dạy: mạnh dùng sức, yếu dùng chước mà! Cổ nhân ta chí lý lắm thay!
              Phía tay mặt có đường vô nhà bạn Nguyễn Thị Xuân Anh, tóc thật dài như dòng sông trước nhà mà ngày nào cũng đi tập bơi ở piscine, Hoàng, Xuân Ðào em Xuân Anh cũng học Công lập. Vĩnh biệt Xuân Anh!

              Bước qua cầu là bắt đầu đường Nguyễn Ðình Chiểu, bên nây là trại cây Duyệt Tín, bán tre, mây, lá, gổ, liên quan tới xây cất. Bên kia là hãng cà rem gì đây nè ? Lại cà rem nữa, món nầy ngán quá trời, mới mấy năm trước đây, lần đầu được ngồi trong lòng của Ba để đi Bánh Tre, được mua cho một cây cà rem bán dạo ở bến xe, trong khi chờ xe chạy, thứ gì mà lạnh quá xá, tê cả lưỡi cả răng, thốn tới đỉnh đầu mà còn phải ăn thiệt lẹ, không thì rớt chụp không kịp.
              Kế bên hãng cà rem là ngôi nhà sau nầy là trường Trí Ðức nay là Thanh Bình bán đồ gổ, bàn, ghế, tủ..., tiệm tiện Việt Hưng cạnh trường Phong Châu.

              Bạn có nhớ nhà thờ Tin Lành không? Ngay tại ngã tư đầu tiên, còn gọi là ngã tư Tin lành hoặc ngã tư nhà Giảng, trong nhà thờ nầy có vợ chồng mục sư người Canada giảng đạo bằng tiếng Anh, có Gs Nam dịch lại tiếng Việt, thời đó người nghe và nói được tiếng Anh rất hiếm, nên trường nào mời Gs Nam dạy tiếng Anh thì học sinh theo học rất đông, trường chánh của thầy là trường Lê Lợi, thầy Nam là thân phụ bạn Nguyễn Thị Thu Hà, cùng lớp năm cuối với NhàQuê.

              Qua khỏi ngã tư Tin Lành không xa, đến xóm nhà Mã Be, Lục Sành, Lê Văn Tào. Muốn no óc ách mà rẽ thì vào tiệm hủ tiếu chú Thùng gọi một tô, kèm theo tô "không người lái" mới phỉ sức nhà quê lao động, Tiệm hủ tiếu nầy quanh năm lúc nào cũng có để sẳn một dĩa ớt hiểm trên mỗi bàn dù là trái mùa ớt; Cắn một miếng ớt hiểm da lươn cay khắp cùng răng lưỡi, mồ hôi ra ướt giáp mới đã làm sao!

              Ðến ngã tư thứ nhì, ngã tư Quốc tế, tụi mình vô Tín Nghĩa làm sương sương vài chai với lòng bò tái, bò đun bánh hỏi chấm mắm nêm nghe! Nếu không, đi Bến Tre lần nầy mất sướng à! Cái quán nầy chiếm một phần trước cửa, che chắn nhà thầy Thượng Công Kế, thầy dạy tiếng Hồng Mao, thầy ưa kể chuyện đi săn nai, tụi nó nói thầy mập vì thầy tu "trực tiếp truyền thanh" luôn nguyên một cái lộc nai còn sền sệt như sữa con chim Nestlé, lộc của con nai vừa săn được.
              Thầy còn kể chuyện những ngày thầy còn ở Hong Kong và nói về phim nào là Người Mặt Sáp .., rồi bình luận về tài tử minh tinh: Robert Taylor, Elizabeth Taylor, Gina Lollobrigida, Sandra Dee .., đạp qua vụ nầy là bạn Ẩn Hồ trúng tủ mà tụi còn lại cũng khoái vì khỏi phải mở cuốn sách L'Anglais Vivant ra đọc ê a: What is Jack?, Jack is a boy, A boy is a person, A person is not an animal... nghỉ một chút lại tiếp tục: What is Jane? Jane is a girl, A girl is a person, A person is not an animal, rồi Jack and Jane are persons ...đọc lớn đến nỗi lớp bên cạnh không nghe được thầy giảng..., có lần NhàQuê cùng vài bạn khác đi du ngoạn cùng thầy và tiện thể thầy thâu tô. Thầy chở NhàQuê trên chiếc xe Zundap muốn xẹp ống nhún.
              Gia đình thầy được kể là gia đình nặng ký, nghĩa đen chứ không phải là có thế lực, dù nhà thầy chỉ có ba người: thầy, vợ thầy và thằng Ðức con thầy.
              Ngôi nhà đó về sau quý thầy: Vũ Ðình Lưu, Lê Như Dực, Vương Gia Thụy và Kiều Văn Chương thuê ở đi dạy trong trường Bến Tre.

              Nhớ tiệm nước Dân Thành Lợi (Ðồng Hưng Lợi ?) hôn, xéo phía bên kia, chổ tụi mình cúp cua ra ngồi, một đứa kêu ly cà phê đá, nếu "bụi" hơn chút thì gọi một ly đen nhỏ, với chừng nào người thì chừng ấy điếu Bastoz Xanh, nhã khói suy tư như một" triết da ", dân chơi xứ Thượng mà, chứ phải "người phàm" đâu! Mấy đứa còn lại mượn mỗi đứa một cái ly, uống trà đường miễn phí, hủ đường để dành cho khách muốn uống ngọt hơn bình thường: Vậy mà anh con của chủ tiệm, mặc áo thun ba lổ, đầu lúc nào cũng chải bóng, vẫn cười vui vẻ như "Chuyện thường ngày ở Huyện", rất ư thông cảm nữa là; Cám ơn Anh đã cho chúng tôi những kỷ niệm mà gần nửa thế kỷ rồi, đứa còn đứa mất, đứa còn vẫn hình dung lại được "ngày ấy xa rồi" đó! Hồi tưởng lại như mới đâu đây thôi. Phải vậy thôi không đâu, có khi còn phải "ngồi đồng" chờ đứa khác chạy đi ca bài ca con cá: Con cá sống vì nước, con người sống mà không tiền thì thua xa loài cá ngu muội kia, để mượn đở, bắt địa, xin viện trợ tí hào để trả tiền ly cà phê đá mà đã hùng dũng gọi lúc mới vào. Hoan hô tình bạn hết mình lúc ngặt nghèo!

              Trong khu vực ngã tư quốc tế sau năm 1960 lần đầu tiên có một tiệm phở lấy tên là phở Biên Thùy, trước đó ai ghiền loại thức ăn nhập cảng nầy phải qua tận Mỹ(Tho) mới có tiệm phở Hy Lập, khu giếng nước gần bên xe lô đi Sài Gòn. Phải hơn sáu năm sau, phở mới bỏ buớc chân thăm dò qua đất Bến Tre và ngay lập tức bị đồng hóa, biến dạng không thương tiếc, không có lôi thôi gì hết: Phải có giá sống, ngò gai, rau quế.. mới được chiếu cố nếu không đừng có "nghèo mà ham" định giành giựt thị trường ..., có nơi còn chơi thêm cà chua, xà lách, thế mới kỳ!
              Phải chiều khách hàng, khách hàng là Thượng Ðế mà! Không được "Em chã, Em chã" gì sốt! Phải ngoan người ta mới thương! Phải pha chút vọng cổ vào, cho có chút tình Bắc duyên Nam. Ðã nói xứ Nam Kỳ nầy là lãnh địa của hủ tiếu, bún mắm, suôn, "bánh canh con vắn con dài, ai mua tôi bán ai nài tôi thêm "mà lỵ.
              Thế mới biết cụ Ðồ Nguyễn Ðình Chiểu thêm một kỳ tài nửa là tài tiên tri; Chẳng phải Cụ từng nói: "Tới đây thì ở lại đây, cùng con gái lão xum vầy thất gia" sao?
              Cụ Ðồ thấy đất Ba Tri "ở được" Cụ bèn "thiêng đô" từ Cần Giuộc về Ba Tri, nên con đường từ hướng Ba Tri lên nầy, lấy tên Cụ, chứ không phải chuyện tình cờ.
              Cũng lạ là tuy không đánh bại được hủ tiếu nhưng phở lây lan cực mạnh, cho đến hôm nay chắc nhiều khu vực trong tỉnh lỵ đã có mặt phở và đang hí hửng vẫy mời.

              Trước khi đến ngã tư kế tiếp hãy đi chầm chậm hít thở mùi trà của tiệm trà Cẩm Thành thường đem trà ra phơi sấy, rồi nghe tiếng đàn khi cổ khi tân từ các tiệm hớt tóc Tám Tiều, Tân Tân ..mỗi khi mấy ông thợ chuyên đè đầu thiên hạ rảnh rang, nhàn hạ.

              Bạn Lý Nam Trân, Lý Vĩnh ở trong khoảng nầy, bạn Lý Nam Trân học giỏi không thua gì Hồng Hạnh, năm trước NhàQuê có dịp ghé thăm gia đình bạn, các con của bạn đứa nào cũng Bs, Dược Sĩ chuẩn bị giàu tới nơi.
              Rồi tiệm cau dừa sấy Thái Nguyên, tiệm cũng cau dừa sấy Nam Phát (?) của gia đình bạn Răng, cô Bông, làm chủ luôn nhà máy ép dầu dừa Nam Phát dưới cầu Gò Ðàng, lại cô nữa đây, kỳ nầy chẳng có gì xảy ra vì Bông chỉ nhỏ tuổi nên gọi bằng cô cho hợp vệ sinh chung.

              Phía bên kia là tiệm kem Ngọc Viên tiệm nầy có sau tiệm kem Duyên Thắm rất đắt khách trên đường Trưng Trắc mé sông bên Ðịnh Tường Mỹ Tho rất lâu, tiệm kem Ngọc Viên có lẽ là tiệm đầu tiên ở Bến Tre. Kem thì gái trai đều dùng đặng, con gái nên ăn từng muổn nhỏ mới có duyên, nhờ kem lạnh làm môi thêm tươi đỏ hơn và khi ăn cũng nên giử tốc độ vừa phải để còn nghe nhạc, nhạc ở quán cà phê và quán kem thường là nhạc hay chọn lọc.
              Góc Lê Lợi- Nguyễn Huệ Sài Gòn có tiệm kem North Pole chắc ý nói kem lạnh cở Bắc Cực lận! Trước khi đến tiệm kem Ngọc Viên là nhà may Châu, khách có thể lựa vải rồi đặt may luôn.

              Rồi tiệm Hoa Mai, bên kia là tiệm đồ mộc bán tủ bàn ghế Hiệp Thạnh, cái con nhỏ Hồ Thị Út (Út Xịt) thấy thĩnh thoãng đi vào con hẻm kế bên, không biết có phải ở khu đó không hà?

              Tiệm vải Quãng Phát Xương đủ các mặt hàng nội ngoại trước khi đến Hiệp Thạnh, Còn Nhà Thuốc Tây Phụng Kỷ nữa chớ, bạn dược sĩ nầy là em bạn Chẩn nhà ngang đình Phú Tự dưới Phú Hưng Chợ Giửa, gia đình bạn nầy còn có lò gạch gần cầu Chẹt Sậy nữa.

              Rồi chùa Viên Minh: khoãng năm 1958 (?) sau khi trùng tu dáng vẻ đẹp đẽ như hiện nay, đã khánh thành (hay dùng chữ gì cho đúng đây). Lúc ấy các thượng tọa Thích Huyền Quang, Thích Thanh Từ về thuyết pháp mấy đêm liền, người nghe đông quá, đứng nghẹt tới sang bên kia đường, bịt kín khu vực có nhà tướng số Trường Sanh coi chỉ tay tình duyên gia đạo; Nhưng Bến Tre về khoa nầy nổi tiếng hơn cả là ông Ðại Lục Tiên dưới Giồng Trôm, có người đồn ông nói chính xác về một trường hợp của thân phụ một bạn, sau ông về cũng làm ăn như vậy trên chung cư Minh Mạng trên Sài Gòn. Trong dịp các cao tăng về thuyết pháp ở chùa Viên Minh có bạn rành chùa chiền sư sãi có nói cho NhàQuê nghe thế nào là đại đức, thế nào là thượng tọa: Lại học hỏi, coi chừng bị nhéo!

              Ðối diện là nhà sách Văn Thái kiêm luôn bọc sách bìa da, rồi nhà lồng chợ trực diện đình An Hội,


              cách một khoãng sân rộng, nơi các bác xe lôi chờ khách, trong suốt thời gian NhàQuê biết thì đình An Hội có cúng Kỳ Yên một lần. Ngừng lại thở một chút lấy hơi, đi tiếp đến tiệm thuốc tây Bình Dân bán cũng một giá với tất cã tiệm thuốc tây trong tỉnh lỵ thế mới biết Bình Dân chứ không phải bình dân, thấy vậy mà không phải vậy, thỉnh thoảng treo bảng "Nhà Thuốc Tây Trực", mở cửa luôn ban đêm, không cần mua thuốc gì cả, NhàQuê cũng ghé leo lên cái cân tự động có đồng hồ tròn và cây kim thiệt dài để biết kết quả về sự Diet ngoài ý muốn, thắt lưng buột bụng của mình.

              Tiếp theo nửa là tiệm than Chí Thiện (bạn Nguyễn Bá Tòng), Vĩnh Hiệp nước đá nguyên cây còn thêm nước ngọt, Bierre Larue bán sỉ. Tới luôn là nhà sách Thuận Hòa thuộc gia đình Thuận Phong, tiệm Thuận Phong trong nhà lồng dưới, các bạn Dương Cữu Lang, Dương Thập Nam là các công tử con ông chủ tiệm buôn nầy, tên các người con của Thuận Phong có chử lót Việt Hán tính theo thứ tự. Cô Dương Tứ Anh trong thời gian dạy bị tụi quỉ sứ xúi mấy ông thầy tới tấp: "Vô Ði Thầy" rồi "Vô Ði Thầy". Cô đẹp quí phái và hiền. Mấy ông thầy giạt ra vì nghe đâu cô đã hứa hôn với một vị nào đó trong ngành Ngoại Giao.

              Tiệm Thuận Hòa là tiệm sách lớn nhất vào thời đó, mùa tựu trường sau khi biết giáo sư trong trường dùng sách tác giả nào để dạy, là ít hôm sau trên kệ sách có mặt y bon, có khi phải dặn trước, nhất là loại trong năm thi, chắc đắt quá nên khách hàng không được tiếp niềm nỡ, có khi bị nhìn như theo dõi nhất là cụ nào luộm thuộm, không biết làm vậy vì sợ mất sách hay lo cho dàn con gái cưng, mà con nhỏ ưa mặc áo vàng hoàng hậu và ưa cười mỉm chi là đẹp vượt trội thấy rõ: Chắc cả hai! Buổi chiều ông chủ đi Vespa lên sân tennis trên khu Ngã Ba Tháp chơi môn nầy với các ông lớn.
              Có một khoảng báo Sài Gòn Mới mỗi ngày đều có tặng phụ bản khi thì "Thế giới kỳ quan" khi thì "Bản đồ thế giới, bản đồ Việt Nam, bản đồ các tỉnh", khi thì tranh vẽ có các cô gái đẹp như liêu trai, có người nói đó là cô Kim Châu con gái rượu của bà chủ nhiệm Nguyễn Ðức Nhuận tự Bút Trà, bà chủ báo nầy xây rạp Kim Châu trên đường Hàm Nghi Sài Gòn, to gần bằng rạp Rex. Báo được xe Á Ðông chuyến sớm nhất giao, chất từng đống xuống mặt lề đường trước tiệm, giao cho người mua bằng cách lấy tờ 1 ,2 ,3, 4,... và người mua tự xếp lấy rất hân hoan hã dạ, quên đi thời gian chờ đợi.
              Về sau có nhà sách Trúc Giang lớn hơn, kế bên là tiệm nước Huê Liên

              Nói thật tiệm nước Huê Liên nầy về thức ăn,thức uống chỉ thuộc "...thuờng thường bậc trung" không có gì xuất sắc, các Bạn mình ngồi xuống đây mình "trao đổi" những ấm lạnh cuộc đời trong hơn bốn mươi năm xa cách, bao nhiêu là Mulberry Sea. Các Bạn còn khoẻ cũng mừng, nếu vì cao huyết áp làm cho tim lớn hơn bình thường cũng không lấy gì làm lạ, chúng ta những con người quãng đại lấy yêu thương làm căn bản xử thế, con tim làm việc nhiều hơn trí óc mà! Tim phải lớn là điều tự nhiên, chớ sao!
              Còn thận suy, tuyến nầy, tuyến kia có vấn đề cũng chẳng có gì sợ hãi, bệnh Quân vương; Vương tôn công tử đều phải vậy!
              Già thì chỉ bệnh những thứ lẩm cẩm đó, lại còn hay thức sớm, thì cũng giống y chang ông bà mình thôi! Tấm thân giờ chỉ bốn chục ký xương da hơi đâu lo cho mệt, cái kia cà, cái thế hệ trẻ con cháu cứ làm mình ưu tư mãi .....

              Thì cũng như chúng ta lúc ở tuổi ấy, rất tự tin vào tài năng sức lực chính mình, cũng muốn vá trời lấp biển như cụ Nguyễn Công Trứ viết trong bài Chí Làm Trai, tuổi trẻ bây giờ còn có điều kiện nhiều hơn để phát huy tài năng của mình, nhiều em, cháu thành công có những đóng góp hữu ích cho nhân loại, cho xả hội mà tất cả các lãnh vực đều đang được ngày càng tiến tới toàn cầu hóa. Ðám già chúng mình vẫn lạc hậu, vẫn còn ở trong thời kỳ thủ công về mọi mặt từ suy nghĩ đến việc làm nên những "xung đột" cũng là điều dễ hiểu. Ðó là những trường hợp của các cháu ưu tú vừa nói, đaị đa số còn lại cũng tạo được chổ đứng vững chắc trong lãnh vực nghề nghiệp của mình, lo được cuộc sống gia đình riêng; Ðó là cái nền tãng vững vàng của xả hội, là nhân tố tích cực góp phần sự ổn định và v.v....
              Cái buồn của tụi già chúng mình đang muốn giải thoát theo cung cách người xưa là tìm về dĩ vãng có ít nhiều hình bóng mình thuở trước, nhưng ngồi xuống viết một lá thư ư, thật khó, giã từ nghiên bút đã lâu, cây viết để đâu đó, tìm mãi không thấy, có khi tìm được rồi thì mực đã khô, vấn một điếu thuốc rê phì phà để xua nổi buồn nầy mà ứa nước mắt. Còn nhiều hơn nửa,... nên chi đi dự bửa tiệc tất niên đầu tiên,họp mặt cùng bạn bè, có được một mớ đứa phải chụp giựt gấp rút, kêu hú nhau mới được ba mươi mạng, cảm động dường nào, giọng nào cũng run run khi nghe lại tiếng nói của vài thằng bạn không về dự được, gọi về thăm. Cũng nhờ tiến bộ của khoa học kỷ thuật đã giúp cuộc điện đàm như đã được quyện lấy, hòa vào không khí buổi tiệc. Chúng mình lại sẽ nhờ những tiện ích nầy để duy trì tới một lúc nào đó ...NhàQuê muốn nói tới Internet, nói tới Website của chúng ta, nơi chốn, nơi quê hương hư ảo dễ dàng cho chúng ta đến cùng, NHƯNG: Cái chử mắc dịch, cái chử quỉ quái nầy chúng ta cùng nhau tháo gở.

              NhàQuê Connecticut 2005


              #7
                NhàQuê 05.06.2009 06:29:04 (permalink)
                 



                 Những "con đường xưa Em đi"

                Nhóm Theo Hướng Đông Tây




                ĐX008- Đường Trương Tấn Bửu


                ÐT7 ÐƯỜNG TRƯƠNG TẤN BỬU: Cụ Nguyễn Ðình Chiểu giao cho cụ Trương Tấn Bửu nối tiếp sự nghiệp của cụ tại nơi hai cụ gặp nhau trên đại lộ Phan Thanh Giản, chỗ bùng binh trước xã An Hội, bàn giao xong cụ Trương lên đường


                Đầu tiên là Nhà Dây Thép, Ty Bưu điện chỉ có cấp Ty chứ không có cấp nhỏ hơn; Vì vậy vị đứng đầu là Trưởng Ty dù đôi khi chỉ có một mình Ông, loại cơ quan nhỏ đến không thể nhỏ hơn được nữa, trong trường hợp như vậy địa phương thường là các Quận xa xôi, phải "chi viện" thêm người không biết có "và của" cho Ông không.

                Như ở Mỹ hiện nay mỗi ngày phát ra một tỷ thư từ không hiểu Bưu Ðiện ta có làm xuễ không? Và bao giờ thì đạt "chỉ tiêu" đó. Bưu điện còn phụ trách luôn điện tín, loại thông tin bên nây tạch tạch tè tè bên kia dịch ra chữ rất ư trần tục, không râu hia, mũ mão gì cả, nên nhiều khi đàng nhận được đã nghiên cứu kỹ bản văn, đã có "đáp án" rồi, thu xếp công ăn việc làm chạy riết về nơi xuất phát thì hởi ơi! Trớt quớt trật cách xa " ngàn dậm dưới đáy biển" và với góc độ 180, loại phải tiết kiệm chữ viết: VO DE VE GAP... đáp án: vỡ đê về gấp, phải về riết bằng mọi phương tiện để cứu lụt, tới nơi thì ra vợ đẻ, thôi cũng được!


                Bưu điện còn phụ trách dịch vụ điện thoại, vụ nầy làm NhàQuê "quê một cục" số là khi mới tới cái xứ mà cái gì cũng máy móc nầy, đêm đầu tiên lạ nhà, lạ giờ giấc không ngủ được, sáng sớm ra bưu điện xếp hàng, có mấy người đến trước hơn, chắc mấy bà Mỹ nầy cũng ngủ không được đây.


                Tới phiên NhàQuê hùng dũng tiến lên không cần chào hỏi, xổ liền: Ai nít tê lê phôn, tránh nói dài dòng dễ bị ngọng.

                Sau một hồi oát oát oát cuối cùng con nhỏ cũng hiểu ra, nhờ có bàn tay năm ngón nắm lại như đang nắm vật cứng cỡ hơn tấc, để ngang lổ tai, con nhỏ chỉ và nói: Ô vờ đe.
                Theo hướng bàn tay có năm ngón mà sơn tới mấy màu đó, NhàQuê "phát hiện" được mà về sau nầy biết là điện thoại công cộng.
                Lại không được lôi thôi gì, phải bước ra khỏi hàng có cảm giác mình bị bỏ rơi giửa đường rất là kỳ thị, vì con nhỏ đã gọi người kế tiếp: Nét.

                Ðứng ngơ ngơ chưa biết phải làm sao, may quá có quới nhơn, đã nói NhàQuê đi về hướng Ðông nên cuộc đời thường gặp quới nhơn mà, bà Mỹ già sau khi nhìn NhàQuê với vẻ ái ngại cuối cùng tiến tới hỏi: Ken ai hớp du? .


                Nghe tiếng nầy cũng quen quen, vận dụng hết tám thành công lực và huy động hết cơ quan đoàn thể trong bộ nhớ, cuối cùng hai bên cũng hiểu được nhau. Cám ơn Thượng Ðế, Ngài đã cho con hai bàn tay với mười ngón thiên thần, tội nghiệp bà Mỹ chắc là lần đầu tiên bà nói tiếng nước mình mà phải quơ tay lia chia, bà kết luận chắc mẽm là: phải có "Cô-an" (coin) mới "đu" được. Nghe nói tiền NhàQuê nhá cho bả thấy tờ $US 20 mà thằng bạn gởi cho dằn túi phòng khi hoạn nạn. Bả nói : Nô quê, so ri (No way, sorry) và bỏ đi hình như với vẻ giận dữ. Coi như tình hình vô phương cứu vãn, hết thuốc chửa.
                Thôi thì "nô cô-an" ( No coin) thì đi về coi như thất bại hoàn tàn, hay ít nhất cũng 1-0 phần thua nghiêng về phía ta. Bàn thua nầy vì NhàQuê những tưởng giống như ở xứ mình Bưu Ðiện lo luôn vụ điện thoại, thôi xóa bài làm lại.


                Bưu Ðiện còn có vụ măng đa nữa chứ! Thứ nầy: các bạn có gia đình ở xa, gần cuối tháng nhớ gia đình như lửa đốt, kỳ nầy măng đa về trể chắc là "Người xa ta tình cũng xa ta, nên đêm đêm..." Phải không các Bạn có người thân đột nhiên thuyên chuyển, chưa thu xếp kịp để đem bạn theo.


                Dù sao hay dù bông gì cũng cám ơn Ông Bưu điện, ông đã cố gắng hết sức chậm của mình, mong sao những cánh "thư hồng lại bỏ bì xanh" của những người đang yêu hãy đến nơi nó cần đến và nếu ông không kiểm duyệt thì hoan nghinh ông hơn.

                Trước đây nhiều bạn thường chiêu mộ người đứng ở Bưu Ðiện thè lưởi cho người dán tem, nay Job đó còn không cho biết và khi nào thì open?

                Còn thú sưu tập tem, đôi khi vớ được con tem vô giá, tem thuộc loại hàng độc khi nào không có ai có được con tem như mình, chứ không phải con tem không giống con giáp nào!
                Các nhà sưu tập tem thích loại tem có đóng dấu chứng nhận "Ngày phát hành" hoặc "Lần đầu tiên", loại tem nầy không cần phải là tem quá xưa, mới cũng được. Mua tem vào dịp đặc biệt như vậy phải xếp hàng dài mua xong liếm liếm dán vào thư gởi cho chính mình để nhận được post mark đó.

                Bên kia đường là phòng mạch Bác Sĩ Trần Quế Tử, vị Bs nổi tiếng về khoa bệnh phụ nữ và sinh đẻ, nghe đâu vợ ông mất vì sanh khó cho nên ông quyết chí sang tận Montpelier, France lấy bằng bác sĩ y khoa tại đại học nầy. Phòng mạch nơi đó về sau phá bỏ, bệnh nhân cần, tìm tới ở phía sau của biệt thự Daniel Trần Quế Tử đã nói sơ trong phần nói về đường Hùng Vương.

                Kế phòng mạch Bs Tử là Ty Hiến Binh có ông cò Huề (Ngô Văn Huề) cái ông cò kết đỏ nầy là khắc tinh của các bạn ba gai, cao bồi để tóc dài mặc quần ống túm, cái ông móm móm nầy ưa rạch ống quần và kéo path tóc mai dựng ngược đau nhảy dựng luôn. Dưới trướng có cò Thùy (Phạm Thùy) hát hay, trong một kỳ thi hát cò Thùy đoạt giải nhất, trong lúc anh Ðặng Minh Truyền của lò Trung Học Bến Tre được bồ nhà cổ vũ tối đa, Anh hát bài Ông Lái Ðò rất hay mà vẫn lảnh giải nhì. Khu nầy về sau phá bỏ xây lại làm Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát chắc có lẽ bây giờ là Sở Công An.
                Đi ngang qua khu nầy ít ai dám nhìn vào mà cũng đừng qua lại nhiều lần, đã có rào còn thêm rào kẻm gai móc câu còn đính kèm theo một ông nhát như thỏ đế nai nịch chỉnh tề, bộ mặt lúc nào cũng ra vẻ "hầm hứ" như người trốn quân vịt, thôi đi bên kia đường cho mát.

                Ði bên kia đường thì gặp Ty Kiến Thiết kế bên Ty Bưu Ðiện vừa rồi, Cái ông Trưởng Ty chắc là từ Trường Ðại Học Kiến Trúc ra, NhàQuê không rành chức năng của cơ quan nầy và không biết có bà con họ hàng gì với sở xổ số Kiến Thiết Quốc Gia ở Sài Gòn không? Cái sở mà mỗi tuần một lần có Quái Kiệt Trần Văn Trạch hát: Xổ số quốc gia giúp đồng bào ta mua lấy cửa nhà ...rồi mời thừa phát lại Nguyễn Văn Ðũ lên kiểm soát các lồng cầu trước khi quay rồ rồ ...Kết quả tận cùng bằng số..., sau có lẽ làm ăn khấm khá nên xổ một tuần mấy lần, huợt thiệt! Người chơi số thì thua quá cay cú đòi các ... bán vé số dạo phải xổ liền.

                Cái gì mà có tính cách tàn quốc trong đó, việc bao trùm thiên hạ là luôn lúc nào cũng mạnh chớ chẳng có iêu (ill) hoặc quít (weak), Các Bạn không thấy bao nhiêu đời rồi từ Bush cha đến Clinton đến Bush con khi Union Address đều: Báo cáo cùng toàn thể Quốc Dân là chúng ta cái gì cũng strong,.. Cử Tọa tất cả đứng dậy vổ tay như bom nguyên tử North Korea nổ, các ông Bộ Trưởng Quốc Phòng, Ngân khố, Thương Mại phải chống thêm một tay vào ghế mới đứng dậy nổi, cho mạnh thêm.
                NhàQuê tắt máy đi ngủ: Tôi đang mơ giấc mộng dài, đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh! Trong cơn mơ thấy: Trai trẻ quay về an toàn, người người có công ăn việc làm, thất nghiệp đừng gia tăng, sở thất nghiệp đừng có người xếp hàng rồng rắn và tiền gởi dưỡng già vài ngàn đừng mạnh chỉ bằng mấy trăm. God bless everybody! Má sắp nhỏ khều khều: Ðang ngủ mà nói sàm gì đó? Muốn gì cứ nói thẳng đừng giả bộ mo ó ơ ..mớ!... Việt Nam ta không ngoại lệ.
                Ty Kiến Thiết nầy làm việc đã lắm à nha! Chỉ chơi với nhà giàu , nhà nghèo cột dừa miễn tiếp, thấy nhà giàu muốn xây nhà, nhờ kiến trúc sư vẽ kiểu rồi mà vẫn bị bác, phải mua thêm bản vẽ "tiền chế" của một quan trình độ lớp đệ tứ ngồi ở phòng ngoài mới được thông cảm, đến chừng "thi công" thì cũng mấy ông thợ hồ chứ chẳng có con ma nào từng bước kiểm tra chuyện liên quan tới hàng trăm năm hoặc vĩnh viễn nầy. Chắc là Ông kiến thiết cũng phụ trách xây mấy cái cỗng rất văn hóa, mà có lúc chỗ nào cũng xây ồ ạt theo chỉ thị của ông đầu tỉnh, thời đó người ta gọi ông là Ðt cõng, có cỗng tiền nó mới vào!

                Tới nữa là đồn Quân Cảnh, cái nhà nầy xây không đúng sách vở, nhà gì mà cửa hứng chốc ngay ngã ba, nhìn thẳng ra đường Lê Văn Duyệt hay nói đúng hơn là bị con đường nầy đâm vào nên chi làm ăn không khá toàn chuyện vớ vẫn, ruồi bu ...

                Xéo bên kia là Ty Thuế Gián Thu Công Quản, ty thuế nầy luôn luôn bội thu vì NhàQuê thấy ông Trưởng Ty: T. Q. Th. hút thuốc Craven"A" liên tục. Công chức mà hút kiểu đó thì có nước vợ con húp nước mắm, thế mà không húp nước mắm mới là chuyện có thật ở xứ "An Nam Ðô Hộ Phủ" nầy. Chính NhàQuê năm nào cũng đi thay cho ...đến "Tết" ông một ký tôm khô thượng hạng và cặp rượu Whisky ăn tết (100%) , còn một ty thuế nữa đó: Ty thuế Trực Thâu Trước Bạ , thuế gì mà thuế dữ vậy mấy cha!

                Tiếp một đoạn xa hơn đồn Quân Cảnh cách dinh Tỉnh Trưởng một con đường là dinh Quận Châu Thành. NhàQuê lấy làm lạ là NhàQuê mới vừa học địa lý để dự kỳ thi tuyển đây, trong sách nói rằng tỉnh Bến Tre chỉ có bốn quận là Ba Tri, Mõ Cày, Thạnh Phú, Sóc Sãi mà sao nhảy ra anh Châu Thành nầy, thôi cũng được đông vui mà hao.
                Ông Quận Trưởng Lê Công Chất hóa ra là ba thằng Thiên, Lê Thu Thiên, bạn ta, thằng bạn đi chân vòng kiềng, đánh ping pong mỗi lần bị bỏ nhỏ, nó chạy tới để cứu trái banh thua trông thấy đó, làm người coi ai cũng khuyến khích: Bỏ nhỏ nửa! Bỏ nhỏ nửa!
                Vì nó "khẩn trương nhanh chóng" nên nó "xử lý" trái banh không chính xác, trái banh vọt khỏi bàn ra ngoài trong gang tấc! (Tường thuật như Huyền Vũ).

                Nó dắt NhàQuê tới giới thiệu với má nó, cô Trần Thị Thu, giám thị trong trường, NhàQuê cúi chào ngoan ngoãn rất ư là nhà quê mới lên. Dinh nầy sau nhiều thay đổi có lần là thư viện Trương Vĩnh Ký với toàn các bạn học trường Bến Tre làm quản thủ: Trần Quang Mân, Võ Văn Hòa, Nguyễn Hồng Côn, Tô Văn Mạng và Phan Ngọc Hòa . Người bạn có tên sau cùng đã tử nạn tại thư viện nầy.

                Hơi đối diện thư viện là Hội Ðồng Tỉnh, cơ chế nầy do bầu cử ứng cử nháy như là quốc hội của cấp Trung Ương; Nghị viên hội đồng tỉnh không được hưởng qui chế bất khả xâm phạm như mấy ông Dân Biểu ở Hạ Nghị Viện hay Nghị Sĩ ở Thượng Nghị Viện. Mà cần quái gì qui chế ấy: Ông cựu tỉnh, Db. Tr.. Ng.. Cha..mang đủ huy chương kể cả Bảo Quốc Huân Chương vào ở ngay trụ sở HNV là Nhà Hát Tây cũ mà vẫn bị tó như thường, rồi Ns. Nguyễn Văn Chức, Ns. Phạm Nam Sách đương tại nhiệm mà còn chút xíu nữa bị tống ra Côn Ðảo; Thì có hay không có qui chế bất khả xâm phạm có nghĩa lý gì!
                Ngày xưa lúc địa vị Nghị viên Hội Ðồng Tỉnh chưa cộm, ở Ba Tri có ông Nguyễn Văn Tý, ông nguyên là lục lộ phụ trách tu sửa một khúc đường, sau ông làm thợ hớt tóc, ông "bị" mọi người may khăn đóng áo dài cho, để tháng tháng đi tỉnh họp chứ không ai có thì giờ đâu đi làm ông Hội Ðồng Tỉnh chẳng ra con giáp nào.

                Sau nầy thì khối người tranh và ông bị văng tức thì. Mấy ông tranh đó vì ghế của mấy Ổng bị người có học trường lớp chánh quy chiếm rồi. Nói bầu cử cho vui vậy chớ diễn kịch lắm: Chuyện 100% thật là NhàQuê đi làm trưởng phòng phiếu kỳ bầu cử nhiều thứ cấp trung ương, lớn lắm nhe! Trưa có người mang cơm nước tới cho xơi. Anh phó phòng có đi "sinh hoạt" trước nói: "NhàQuê này! ông cứ tự nhiên ngồi chơi xơi nước, chiều ký tên vào biên bản rồi về trước cũng được, họ bỏ thăm sao kệ họ, kết quả Em làm rồi".

                NhàQuê bèn ngồi gần cửa sổ và sát vách tường che khuất chút, tránh lảnh viên đạn vô tình bắn sẻ.
                Mấy ông ưa vổ ngực xưng đại diện dân; Ðại diện cái con khỉ khô! Thế cũng còn khá!
                Làm dân biểu cũng nhiều ông có nickname do các sự kiện đặc biệt như: Cậu sáu Long An, cậu sáu Rolex, Db nín tè, Db đớp phân ...Ông nghị tâu tắng...Tóm lại quỳ (oui!).

                Dinh Tỉnh Trưởng là tòa nhà có khuôn viên rộng, có cột thu lôi cao vì sợ bị trời đánh, NhàQuê không được biết nhiều vì chẳng ai "xin mời vào! ". Chỉ có một lần vào được tới sân tennis vì có một nhân vật gọi là Sir Thompson đến, Ông Tỉnh Trưởng Phạm Ngọc Thảo cho học sinh dự, để lé mắt, lé kim thôi cho giống, về tài dịch một cách văn hoa và ngoại giao của các bài diễn văn qua lại của ông đó và của chính ông, tức là dịch và phản dịch, còn ngoài ra NhàQuê chỉ ở ngoài nhìn vào, thấy con của Tỉnh Trưởng cũng đen thui, có khi còn đen hơn con của dân đen nữa là!

                Cái dinh nầy cũng còn nhiều chuyện thuộc loại thâm cung bí sử lắm, nó dùng làm nơi lưu ngụ của gia đình ông Tỉnh Trưởng đã đành, có lúc còn phải tiếp đón Nhà Vua nữa: Số là năm ấy Cụ đi kinh lý thăm dân cho biết sự tình, Cụ đi tàu cập cầu nổi làm tạm ở Tiệm Tôm thuộc xả Tân Thủy Ba Tri.

                Cụ ghé nhà thờ La Mã ở Sơn Ðốc viếng sự hiển linh Fatima rồi Cụ mới về tỉnh, Ông Tỉnh Trưởng Lê Minh vào thời đó muốn lấy điểm với Cụ, cho chỉnh trang trường Lê Lợi, là ngôi trường quay chính diện ra Bờ Hồ cho có vẻ thơ mộng, trử tình mà mát mẻ nữa, Cụ đã không mát mà còn nổi nóng cho rằng Cụ không thể ở một nơi là tàn tích của Thực Dân, làm nhục Cụ. Tới tỉnh thì Cụ phải ở nơi tượng trưng cho uy quyền, dinh Tỉnh Trưởng là giá chót.

                Báo hại bà tỉnh và mấy đứa nhỏ không được chuẩn bị trước, phải dọn cấp tốc xuống tầng hầm, thường dùng làm nơi trú ẩn và kho chứa dự trử, trong gấp rút như vậy nên quên đem vài bộ đồ cho tươm tất để vào "vấn an Cụ".
                Kết quả: Những vé có mang số ...bị đổi đi trong vòng 24 giờ không được chậm trể và tan giấc mộng công hầu.

                Ông Lê Như Hùng tự Như Phùng tức tốc được đưa về thay, ông TQLC nầy sau về làm TMT/BBPTT, Ngự Lâm cho Cụ, Ông trung thành, là cột trụ chống đở đến phút cuối cùng trong lúc các "tướng sĩ tượng" khác thí chúa xoán ngôi.
                Sau 1963 không nghe gì về con đường khanh tướng của ông "Trung Thần Bất Sự Nhị Quân".

                Ông Tỉnh Trưởng còn có một công xá khác dành cho ở góc Bờ Hồ, ngôi nhà hình bánh ú, kiểu Tây, vào thời đó ai cũng chuộng nhà kiểu Tây, người ta còn nói vè "Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây ...". Ngôi nhà nầy Tỉnh Trưởng Phạm Ðăng Tấn là người đầu tiên lưu ngụ.
                Ông Tỉnh nầy lúc mới nhậm chức còn cấp bậc Trung Úy chưa điều chỉnh kịp, thăng đến Thiếu Tá thì ông đổi đi, dù sau nầy ông có lúc làm tới TMT/QÐ4 . Thấy có người nói Thiếu Tá Phạm Ðăng Tấn nhận chức Tỉnh Trưởng là không chính xác tìm đọc công báo để thấy sắc lệnh bổ nhiệm thì rõ.

                Ông Tỉnh trông đẹp trai, mặt hồng hào như cô gái con nhà đủ ăn, khi đứng ban hiểu thị đám học trò chúng tôi, hai tay ông để phía trước ngay bộ chỉ huy trọng pháo. Khi nói thì hơi ngã về phía trước, rồi về phía sau như để lấy trớn cho có ý trong lúc ứng khẩu. Duyệt binh ông Tỉnh dùng xe mui trần, mặc đại lễ, đeo kiếm rất uy nghi ai cũng nói vì ông là Thủ Khoa. Không! Thủ Khoa là một ông khác: ông Bùi Dinh/K3VB.
                Á Khoa ông Nguyễn Văn Hiếu: Ông là người duy nhất trong khóa có bằng Tú Tài 2, hai ông khác có Tú Tài 1, Ông Nguyễn Văn Hiếu nầy gan dạ, chống tham nhũng, đánh bất ngờ làm bật gốc quỹ tiết kiệm quân đội bị mượn đầu heo nấu cháo, NhàQuê nói bất ngờ vì ông họp báo cho toàn quốc biết trước một ngày, rồi mới trình kết quả điều tra cho Nhà Vua sau: Ðở không kịp; Vậy mới gan chứ! Vĩnh biệt Ông! Làm sao Ông sống được! Ô hô vân tán tuyết tan hoa tàn nguyệt khuyết!

                Ông Tỉnh Trưởng Tấn mỗi sáng đứng ở hàng hiên ngôi nhà Brand New vừa nói, bà vợ chỉnh đốn lại trang phục cho ông, tài xế phải đi lòng vòng hay quay mặt đi nơi khác cho được tự nhiên, NhàQuê thì trông rất rõ vì sáng nào cũng đi tập thể dục về ngang.
                NhàQuê không gọi vợ các ông Tỉnh là Phu Nhân như nhiều người, vì danh xưng phu nhân chỉ dùng cho các mệnh phụ của các quan Nhất và Nhị phẩm mà thôi, thường là Thừa Tướng, Thượng Thư .., từ Tam phẩm đến Cửu phẩm mổi phẩm trật có danh xưng riêng gọi bậy người ta ngượng, còn người biết chuyện người ta nói mình nịnh nhất là viết trên giấy trắng mực đen như vầy.

                Tương tự ông Phạm Ngọc Thảo lúc nhận chức vụ nầy với cấp Ðại Úy Ðồng Hóa chứ không như trong phim truyện ám chỉ về Ông.

                Ðối diện dinh Tỉnh Trưởng là tòa Hành Chánh sân rộng quá cỡ thợ mộc dùng để cho học sinh bị bỏ mấy giờ học đến coi mấy Ổng gắn huy chương: Chương Mỹ Bội Tinh cho mấy ông hành chánh, vậy là đụng nóc rồi, đôi khi còn chạy chọt kiếm cái Bảo Quốc Huân Chương. Lèo thiệt!

                Nghe nói hồi xưa gọi là tòa Bố, trong đó chắc nhiều bố lắm, ở trong tòa Hành Chánh nầy ông Phó mới là chánh còn ông Chánh chắc lo kiếm tiền bù vào khoản mua cái ghế không bố, lấy vốn lại càng nhanh càng tốt, Ớ Ớ bà con ơi!

                Ông Phó là chánh vì Ông có học trường để ra làm quan, chăn dân, an bang tái thế. Còn ông Chánh không bao giờ được học trường đó, chỉ gần tận thế vài ông không có việc gì làm, "Nhà Vua" bèn cho đi học Cao Ðẳng Quốc Phòng, mỗi khóa ra trường phải đệ trình Nhà Vua một tập Quốc Sách rồi chẳng ai xem, phí thật!

                Nhưng được đi học như vậy trong cái rủi có cái may, có thể một ngày đẹp trời nào đó trong cơn mơ ông ngoạm được một vì sao lạc! Chúc mừng!

                Vì không đồng môn nên ông Chánh và ông Phó ít khi hợp Gu nhau, ông nào cũng có võ vừa bọc vừa thủ. Dân nói: Thôi! kệ mấy Ổng; Thiệt mấy Ổng lo cho dân thì ít mà dân lo cho mấy Ổng đấu đá nhau bị văng miểng thì nhiều.

                Cái tòa Hành Chánh nầy bự hơn ghe chài mấy lần vậy mà chở giấy tờ nặng quá xá đỗi, phải đi từng bước thật chậm như rùa, chính mấy ông có ghế trong đó cũng cảm thấy như vậy, nên bèn làm cuộc cải tổ.

                Lần thứ nhất xây cái mặt dựng để ai nhìn vào cũng thấy có cái gì khang khác, để cho rầm rộ hơn, phố xá dọc theo các con đường chánh, chủ nhà cũng phải xây mặt dựng rất là đồng phục, sở ban cho tập trung vô trung tâm hành chánh, nguyên là Khám Lá củ đã dời đi nơi khác, Khám Lá phải được dời đi vì để đó nhột thấy mẹ!

                Nhiều chuyện nhột quá mà! Khám Lá có "bút hiệu" là Trung Tâm Cải Huấn. Khi đặt viên đá đầu tiên để xây trung tâm hành chánh có Nhà Vua đang trị vì đến làm công việc danh dự đó.

                Sau khi đặt viên đá xong, chắc không có trong chương trình: Nhà Vua đến gần đám học sinh cá kèo chúng tôi, nói vài điều chung qui khuyên "học sinh hãy lo học tập, công việc khác có người lớn lo cho", vì ngoài chương trình nên trong lúc Nhà Vua nói chuyện thì các quan đều "bị động" chạy lăng xăng, vì sợ dân Bến Tre ưa: ... có thẻ căn cước có dấu chuồn ba cánh ở góc trên bên mặt, qua trạm Phú Lâm được chiếu cố từ đầu tới chân.
                Nhờ vậy lần đầu tiên NhàQuê thấy cận được Long Nhan, Nhà Vua có nước da hồng hào, gậy đẹp và nón nĩ có Tùy Viên mặc đại lễ cầm thay lúc chưa dùng đến và Tùy Viên cũng xách một chiếc cặp da cho, không biết cái gì trong đó; Tóm lại Nhà Vua vui vẻ chứ không đằng đằng thịnh nộ như lúc được "bố trí" ngự ở Bờ Hồ, nghe nói trong vụ nầy ông Tỉnh Trưởng bị Nhà Vua nện cho một cù hèo, tin nầy không kiểm chứng được nên NhàQuê xếp vào loại thâm cung bí sử.

                Khu nầy càng ngày càng phình ra "chiếu nhu cầu công vụ" nay chuẩn bị cải tổ lần thứ hai cũng là lần cuối cùng cho ráp nhà tiền chế để có chổ ai muốn ngồi chơi xơi nước hay chuẩn bị ngồi chơi xơi nước thì ra ngoài hóng gió, hưởng khí trời, để trong nầy người ta kiếm chút cháo giải lao. Nhiều Ty mới như Ty công vụ chẳng hạn, chuẩn bị hay đã bắt đầu nắm "ní nịch" từng em một, vở tuồng chưa xong thì các người thủ diễn đồng loạt nhỏ lệ bước xuống một cách...

                Môt tòa nhà kiên cố sau lưng tòa Hành Chánh là kho bạc, Ty Ngân Khố là nguồn xăng dầu cho cổ xe, không có nó mọi hoạt động tê liệt tức thì, đồng tiền tiến hóa qua nhiều giai đoạn đến thời điểm đó kho bạc chứa tiền giấy, loại tín chỉ nầy được mướn in ở mú tí tè đâu xa lắm, sợ người ta cọp dê, chứ như xa xưa tiền là miểng ngao, miểng xò nhiều như ở Ba Tri thì cái Ty Ngân Khố làm sao mà chứa đây cà? chắc phải xung công thêm các lò vôi.
                Kho Bạc có mấy lớp khóa, khi mở phải có đủ những người thẩm quyền mới hợp lẽ phải, vậy mà thỉnh thoảng cũng có vài vụ thụt kết, chắc người ta tròng tréo sao đó. Chỉ cho chút "chiêu" chơi chứ!

                Vài năm trước tận thế, Ty Ngân Khố còn thêm việc phát tiền cho Thương Phế Binh, Cô Nhi Quả Phụ nữa chớ! Ba tháng một lần người thụ hưởng xếp hàng ngồi đợi cả ngày để được kêu tên lên lảnh số tiền còm cõi về nuôi con. Khi tiếp cận được người đếm tiền rồi, bị ra lịnh giở nón lá cho người ta xem bụng, coi có bầu hay chưa! Dở ẹt nhìn gân cổ biết liền cần gì coi bên dưới! Chức năng ngân khố vậy sao? Mật Thám Sinh Lý! Phát sanh nhiều tệ nạn để có cái ...mà ăn.

                Cũng trong khuôn viên Tòa Hành Chánh nằm về tay phải từ trong nhìn ra là Ty Thông Tin, Mõ nhà ta có rất lâu đời từ Trần Chánh Thành..Tôn Thất Thiện..Phạm Thái ...tới cậu ấm Hoàng Ðức Nhã. Mõ nhờ sáng dạ nên lập lại không bao giờ sai sót cho đến chấm, phẩy những bản tin từ trên đưa xuống nào: Thiệt hại không đáng kể, ..được đồng bọn mang đi .., tức phải hiểu rằng đếm thấy rất nhiều,...chẳng có gì để đếm.
                Sau có thêm đài phát thanh và anh Tài, anh của họa sĩ Nguyễn Hê, giọng đọc được ưa chuộng tiếp tục thống lĩnh địa hạt "xin vặn nhỏ vừa đủ nghe để khỏi làm phiền hàng xóm đang cần sự yên tĩnh nghỉ ngơi:.

                Cũng đối diện Tòa hành Chánh và cách dinh Tỉnh Trưởng một con đường, NhàQuê sẽ trở lại Ðại Lộ Ðinh Tiên Hoàng nầy lần nữa trong phần nói về nhóm đường theo hướng Bắc Nam. Cái mà NhàQuê gọi là đối diên đó là: Sở Cứu Hỏa. Thường thấy đó là chổ rửa xe cho các ông lớn, tại vì dân chúng ưa tự chửa lửa bằng đá lạnh cả ly cối mới đã, nên ông chửa lửa không còn việc để làm. Không biết chửa lửa ta có phụ trách việc vớt người chết đuối và cứu người kẹt trong thang máy... không cà.

                Thôi thang máy mở được rồi thì mình đi cho thiệt lẹ, nãy giờ NhàQuê cố gắng đi không có tiếng động qua khu vực mà chỗ nào cũng treo bảng "Vô Phận Sự Cấm Vào" nữa nho nữa nôm, có nơi viết "không phận sự cấm vào" còn nghe được chút nhưng cũng còn vi phạm Nhân Quyền, không có việc cần, tới lui chỗ đó làm đếch gì cho bị hỏi giấy cạt xanh cạt đỏ, câu văn nghe thiệt là lấp ngõ rào đường, sao không thấy ai đề nghị "sữa ông Thọ" lại là "Có việc cần, xin mời vào" thể hiện được tính "Công Bộc của Dân" nghe mát bụng hết sức. Khu gì đi qua vừa teo vừa xón, rét quá! Tự hậu NhàQuê không dám giỡn mặt nữa: Giỡn Mặt Khó Làm ..Ruộng!

                Phg ơi! xin đừng đóng cửa và cũng đừng cắt đứt dây chuông điện, dù Phg không có mở cỗng cho NhàQuê vào chúc tết và "hỏi thăm sức khoẻ" thì NhàQuê cũng đứng đây gọi cell phone, nếu phone reo thấy ID mà không chịu bắt thì NhàQuê la làng cho mà coi!
                Nhỏ Phg bây giờ tới phiên Nhà Ngươi lên tiếng con gà mái gáy đi! Cho trên trang BenTreHome được Âm Dương điều hòa, cho thuận lẽ Trời và hợp lòng mấy người Bạn học cũ, Nhà Ngươi ở CaLi chớ đâu xa, NhàQuê có đủ info kể cả email, trốn làm sao cho thoát, NhàQuê sẽ ở lì trên con đường Trương Tấn Bửu gần ngã ba vô trường Bác Ái nầy, cho đến khi nào Nhà Ngươi nạp cống mới thôi! .....

                Nhà Ngươi im lặng đóng cửa NhàQuê nằm, ngồi, đứng nhất định chờ cho đến khi nào Nhà Ngươi ra mới thôi, khi ra nhớ bảo đức phu quân ra cùng cho mọi người biết quả thật đúng là Kớm. NhàQuê chờ đến thắng lợi hoàn toàn mới chùi bỏ đoạn nầy. Time out! ...................

                Rỏ ràng là làm bộ im lìm chớ ta nghe có tiếng rục rịch ở trỏng như là đang soạn giấy tờ, thôi ta đi tiếp để lại máy ghi có censor cực nhạy biết đâu sẽ chớp được danh sách những tên nào đã từng chận đường đưa thỉnh nguyện thư hay tối hậu thư; Ðó! Ta nhắc lớp rồi đó, nạp danh sách loại tối mặt cũng được! Chắc sẽ có khối đứa tối tăm mày mặt.Máy tự đông bắt đầu chạy .....

                Ít bước là tới ngã tư Trương Tấn Bữu- Ngô Quyền, nếu nhìn ra hướng trường Tân Dân hay hướng bờ sông các Bạn sẽ nhìn thấy bạn Võ Thị Nga và Tám Xù( Thinh) cùng phụ lực với vị anh hùng Ngô Quyền đang đánh đuổi quân Nam Hán. Qua khỏi ngã tư một đoạn ngắn bên tay mặt có cái nhà lầu technic-color cho Mỹ mướn nên tua tủa gươm đao, thuở mới cất có con nhỏ con chủ nhà: Nhg, làm điêu đứng Nguyễn Duy Liêm, Gã cứ lạn Goebel qua lại ngày mấy lần cố nhìn cho được hình bóng đen cùng màu với Gã. Ngôi nhà nầy cất ăn gian ra mé rạch cầu Nhà Thương thái quá, mấy lần NhàQuê bơi "du thuyền" ngang qua, phải dùng hết sức bình sanh mong nhanh chóng qua khỏi vùng nước đạp mạnh, do khúc sông cong quẹo làm tăng thêm, sợ ngôi nhà nghiêng đỗ bất thình lình. Hơi xéo bên kia đường là khu nhà thầy Thuần, khu quí tộc: Nào các tên đương thời lừng lẫy như Bs Nguyễn Văn Thơ, Ts xả hội học nghị sĩ Phan Thị Nguyệt Minh, bà Nguyễn Văn Là,...trong lớp NhàQuê ngồi cạnh Nguyễn Văn Cao lí lắc trên NhàQuê mấy bực, nó nói tiếng Tây nhanh hơn tiếng Việt, thầy nói tiếng Phú Lang Sa nó "tiếp thu" đuợc còn NhàQuê thì không, ít lâu sau nó đi du học bên Tây, biệt vô âm tín từ đó. Nó chưa bao giờ rủ NhàQuê về nhà chơi, chắc nó ngại NhàQuê bị lạc vào một thế giới khác tội nghiệp.

                Chuyện có thật 100% là vào thời vua trước, bà Nghị Sĩ lúc đó ra tranh cử Db, thời ấy không có Thượng Nghị Viện, bà tranh cử với một ông tên là Nguyễn Hạnh Uyên Minh, hai người đều tên Minh một nam một nữ, ông Thông Tin điều khiển buổi ra mắt và tranh luận, láu táu thế nào mà khi giới thiệu bà thì ông Thông Tin lại nói : Kính mời bà Nguyễn Hạnh Uyên Minh ra phát biểu, bà không ra, nhất định không ra, còn bọn NhàQuê hự, hự mấy lần để báo cho ổng biết " sự cố" mà ổng tỉnh bơ, cuối cùng thấy bà không chịu bước ra và giật mình nhớ lại ông bèn xin lỗi; Chút xíu nữa bị cú trán. Ðường Trương Tấn Bữu đến cầu Nhà Thương thì hết; Nhưng con đường nầy còn tiếp tục đi theo hướng của nó để đến nơi mà chiếc cầu đúc nầy mang tên.

                Qua khỏi cầu là khu ăn học, nhà nào cũng có người sáng chiều cắp sách đến trường Trung Học và thay phiên nhau phụ giúp trông coi cửa hàng của gia đình buôn bán trong hai nhà lồng chợ, cho người kia tới giờ vô trường, xóm đông vui thiệt.

                Chợ Ngã Năm là nơi gặp nhau của con đường Trương Tấn Bữu nối dài với:

                - Con lộ đá đỏ nối nơi nầy với đường Hùng Vương nối dài, chạy qua khu nghĩa địa mà nay thấy toàn nhà cất theo lối cư xá và ngang qua chùa Viên Giác, cạnh đường có cây da già lắm muốn rủ!

                - Con lộ nhỏ đi Bình Phú, quê Nguyễn Hồng Côn, Nguyễn Thị Hậu, khi nào các Bạn có ai gặp người Bình Phú nhớ hỏi dùm NhàQuê về "Trâu Bình Phú" là sao để tiện sẽ nói thêm, con lộ nhỏ đó gặp lại đường mé sông kéo dài tại ngã ba Rùa. Con lộ nhỏ nầy ngày nay đã nới rộng ra làm con đường đi ra phà Hàm Luông (trong hệ thống liên tỉnh lộ 6) thay thế cho đường Hùng Vương nối dài quãng từ cầu Kiến Vàng qua cầu Dầu, qua biệt thự Daniel Trần Quế Tử, vì quảng đó sát bờ sông bị sạt lở rất nặng, có nơi con đường xưa em đi biến mất hẳn, cầu Dầu giờ chỉ là một cây dừa bắc ngang con rạch!

                - Con lộ đất dẫn vào Thánh Thất Cao Ðài, con lộ nầy cuối cùng gặp lại đường Trương Tấn Bửu nối dài ở đình Bình Nguyên. Trong khu vực Thánh thất cũng không biết bao nhiêu là bạn từ xa đến: Hồ Nguyệt Tâm, Hồ Hảo Hiệp, Hồ Ðắc Tấn, Huỳnh Minh Hải, Dương Văn Tươi ... một vùng thanh tịnh. Nhà thầy Hỷ không xa nơi ngã rẽ vào là bao.
                Lần đầu tiên đến Bến Tre, NhàQuê đã đi trên con đường lộ đất nầy, NhàQuê theo Ba đi hành hương về Tòa Thánh Cao Ðài Bến Tre. Hệ phái tách ra sau lần giáng cơ bút cuối cùng của Ngọc Hoàng Thượng Ðế mà hệ phái Bến Tre tuân thủ lời dạy của Ðấng Chí Tôn. Hội Thánh dưới quyền ủng hộ Ðức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương không phải là chi nhánh của Cao Ðài Tây Ninh như nhiều người cho là. Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ hoằng khai khắp miền Nam, ra tận các tỉnh miền Trung xa xôi.

                Khỏi chợ Ngã Năm chút bên trái là bệnh viện tỉnh, bệnh viện công còn gọi là nhà thương thí, tuy nhiên cũng có một số phòng phải trả tiền, dĩ nhiên phục vụ chu đáo hơn. Bệnh nhân được các Soeur chăm lo vụ ẩm thực dù đạm bạc nhưng có còn hơn không! Các Soeur còn một đám con mồ côi phải nuôi bên dãy đối diện nhà thương. Có lúc bệnh viện mở rộng làm bệnh viện Dân Quân Y phối hợp, nhiều khu trại được xây thêm nên khu nhà xác bấy giờ lại nằm ở giữa, chứ không phải sau nhà thương là nhà xác trong câu đố gài bẩy trả lời sau nhà Thương là nhà Chu. Trả lời cách nào cũng bị trật. Nhiều bạn là Bác Sĩ, Nha Sĩ, Dược Sĩ, Cán Sự, Chuyên Viên..sau khi thành tài về đây phục vụ tỉnh nhà! Hoan hô quý bạn một phát! Trong nhà thương có nhà sanh, mấy baby chào đời ở đây trông sáng láng hơn dưới quê bội phần.

                Khỏi bệnh viện bắt đầu là lộ đá đỏ, từ đoạn nầy NhàQuê tạm gọi là Lộ Đá Đỏ cho tiện, gập gềnh, mấp mô không kém gì đường về các quận, các bạn sẽ thấy lại khám lá, ra đây rồi khám đường xây trông kiên cố hơn, nhưng nói chung nhìn vào là thấy tè, thôi ráng giữ đúng luật lệ giao thông: Ði tay mặt mới khỏi lo ... Nghe nói khoảng nầy có tu viện Bạch Vân không biết có phải vậy không, vì NhàQuê ít dịp trở lại đây và cũng nghe nói bạn Nhan Khương, con cụ Hiệu Trưởng đầu tiên Nguyễn Văn Trinh, bạn có tục danh là Kiệm, xuất gia tu tịnh trong khu vực nầy và đã có những sinh hoạt từ thiện, xả hội tích cực người nghe cảm phục người bạn trước đây chẳng bao giờ làm mích lòng ai!

                Xa hơn gặp lại lộ đất từ thánh thất Cao Ðài nhập vào chỗ đình Bình Nguyên, vừa qua khỏi đình chút xíu có một cống khá lớn; Ðó là một bộ phận của con rạch cầu Nhà Thương sau khi bị chia năm xẻ bảy, nhánh nầy đến đây chui qua cống rồi, ca bài Sơn Ðông Hướng Mã thẳng lên cánh đồng khu vực xã Sơn Ðông nơi có sân bay, hợp cùng vài con rạch khác tạo phù sa và nước ngọt cho vùng trù phú đó.

                Lộ đá đỏ từ đây đổ đi có trồng me cách khoảng đều nhau cả hai bên đường, có lần NhàQuê cùng bạn đồng hành đã đếm trên đường có bao nhiêu cây me như Trần Văn Trạch ngồi xe lửa đếm trụ dây thép.
                Không xa đình Bình Nguyên bao nhiêu sẽ đến gặp liên tỉnh lộ 6 từ Mỹ Tho qua hay từ Ngã Ba Tháp lên cũng vậy; Nơi đó gọi là ngã Tư Phú Khuơng, trong khu vực nầy có bến xe đò đi các quận, đi Sài Gòn, trước khi xây được bến xe nầy các xe đò phải dùng các con đường quanh ngã tư Phú Khương làm bến. Riêng bến xe đi Ba Tri đã lắm truân chuyên, NhàQuê được biết những nơi sau đây đã từng: Bùng binh An Hội, khu gần Nhà Ðèn, đường Trương Vĩnh Ký, bên kia đầu cầu Cá Lóc, khu ngã Ba Tháp, ngã Tư Phú Khương.

                Tiếp tục con đường đá đỏ đến tay bắt mặt mừng với đường Nguyễn Huệ nối dài tại ngã tư Tú Ðiền, cái thị trấn giữa đường ( Midway city) nầy lèo tèo vài cái nhà mà cũng có chợ, có bán nước đá bào, đá chanh, nước mía ép...Đi bộ từ Hữu Ðịnh ra ghé làm bậy một ly cho cứng cựa, rồi đi tiếp vô chợ ăn bánh mì xíu mại thịt...
                Ði tiếp khoảng còn lại, để quên mồ hôi đang đổ ướt áo và đường vẫn còn xa, bạn đồng hành ra câu đố; Ðố rằng: Làm sao nhìn một cây biết cây đực hay cây cái. Mời các
                Bạn trả lời, sẽ giải đáp sau...

                Mình đang đi trên miền quê thật sự, không có chút gì thành thị, bên trái là ruộng bên phải vườn xen kẽ vài khu hoa màu: dưa leo, dưa gang, đậu bún, khổ qua...tất cả xanh mơn mởn, một số đang độ hoa vàng, cạnh bên sắp thu hoạch. Món khổ qua dồn nhân thịt có chút vị đắng, vậy mà ai nhắc tới là thèm, lá khổ qua nấu canh tép cũng hấp dẫn không kém: mọi viêc xong xuôi thả lá vào là nhắc xuống ăn ngay vừa lua, vừa thở ra khói!

                Có vài con lộ nhỏ, nhiều khi là bờ vườn nối con đường đất đỏ nầy với tỉnh lộ 26 đi Giồng Trôm Ba Tri. Những con lộ nhỏ mang vẻ thơ mộng của miền quê êm ả, thanh bình. NhàQuê đã đi qua con lộ đến An Hòa gần nơi có đường xuống bến đò Rạch Vông: Ðứng trên cầu gổ tì vào tay vịn nhìn dòng nước rạch cầu Gò Ðàng uốn khúc chảy qua. NhàQuê cũng đã đi trên bờ lộ nhỏ dẫn từ con đường đất đỏ đến gần hãng nước mắm trên bờ sông, khi gặp lại tỉnh lộ 26, bên trái có ngôi nhà gạch bỏ hoang vu um tùm những tranh, bên phải là khu vườn dừa tơ mà có lần người ta dùng làm nơi cắm trại cho Thanh Niên Cộng Hòa: Thủ lãnh Ngô Ðình Nhu đến huấn thị đi trên DS-20 chạy bụi mịt trời, đám vệ sỉ vũ trang đời mới tới tận răng, con lộ nầy cũng thơ mộng không kém ai!. Thôi gọi chúng là "con đường tình sử nằm đây" cho nó có vẻ nhạc thời trang vào lúc đó!


                Rồi cũng phải tới nơi, đường đất đỏ nhập vào tỉnh lộ 26 gần Chợ Giữa Phú Hưng, khi đã qua đình Phú Hưng có cây mai thọ hơn triều Nguyễn (?) và khu trồng hoa Lài thơm phức dù được bón phân có mùi hết sức trái ngược, hoa lài được dùng trong thuật uớp trà thơm, hoa lài ngoài hương thơm còn có màu trắng thật đặc biệt. Có câu ví: "Tiếc thay cây quế giửa rừng, để cho thằng Mán thằng Mường nó leo" để ám chỉ một sự kiện lịch sử. Miền đồng bằng chất phát hơn, ít văn chương hơn khi ám chỉ tình duyên không cân xứng, cô gái thanh khiết mượt mà so với chàng trai ô dề, cục mịch hay dùng người tài không đúng chỗ bằng câu ví dân gian: "Hoa lài cặm bãi cứt trâu".

                Các bạn ở Phú Hưng Chợ Giửa đi học bằng xe đạp và về nhà có khi rủ bạn về hạ cờ tây nữa cà; Phải không Dương Thành Năm: Năm Nheo?


                Con đường đất đỏ giống như đường vòng đai trong các đô thị mới tiên tiến, từ đây cũng có những đường rẽ quạt đi vào trung tâm thành phố, không biết phóng đường nầy người ta có tiên liệu giao thông mắc cưởi như ngày nay không hè!

                NhàQuê, Connecticut 2005

                 
                #8
                  NhàQuê 19.03.2013 04:55:40 (permalink)
                  Những "con đường xưa Em đi"
                   Đông Tây 10

                  Đường Ngang Dinh ....


                  ÐƯỜNG NGANG DINH PHÓ TỈNH TRƯỞNG: Tạo với Lê Văn Duyệt thành ngã ba, qua cửa vào khu trung tâm hành chánh rồi Ty Ngân Khố đến gặp và thẳng góc với đường Ngô Tùng Châu tại chỗ có Ty Canh Nông là hết.
                  Khi còn Khám Lá con đường nầy tấp nập những ngày có thăm nuôi, sau nầy vào những tháng thuộc tam cá nguyệt phát tiền cho thương phế binh và cô nhi quả phụ tử sĩ. Ngoài các dịp ấy ra nó như con đường nội bộ các ty, sở, cơ quan trong khu vực bao quanh tòa hành chánh. Con đường đó có lẽ không còn tên gọi riêng từ khi bỏ Khám Lá; Nếu có đi nữa: Quý ông Phó Tỉnh Trưởng có công thự dành cho quay cửa ra đây, cũng chưa chắc gì nhớ !
                  NhàQuê 2005


                  #9
                    NhàQuê 19.03.2013 04:59:49 (permalink)

                      Những "con đường xưa Em đi"
                    Đông Tây 11



                    Đường Gia Long


                    ÐƯỜNG GIA LONG: Gối đầu lên đường Nguyễn Trung Trực cặp hông rạp hát Cộng Hòa, cái rạp hát đã nói là chuyên trị phim Ấn Ðộ đó là chuyện về sau, trước đó rạp có tên Cảnh Xuân (?) thỉnh thoảng có các đoàn cải lương từ Sài Gòn xuống trình diễn như các đoàn Hoa Sen, Nam Phong... có các cô đào vận trò phục ra ca tân nhạc trong giờ tạm nghỉ giữa hai màn diễn, các bài ca đang thịnh hành, chắc có lẽ theo cung cách nầy mà về sau Thanh Nga mới nổi tiếng với bản tân nhạc Mưa Rừng. Với những đoàn xồ xề hơn thì rạp quá nhỏ, phải diễn trên sân vận động, sẽ được nói đến trong phần nói về đường Trần Quốc Tuấn, lúc đó chưa có rạp Lạc Thành. Không biết đoàn Kim Chung tiếng chuông vàng Thủ Ðô có xuống Bến Tre lần nào không hỉ? Nữ nghệ sĩ Kim Chung và các nghệ sĩ khác trong đoàn ca vọng cổ bằng giọng Bắc.
                    Ngang hông rạp, bên kia đường là khu trường học mới của trường Trung Học Kiến Hòa, tên về sau của trường Trung Học Công Lập Bến Tre. Trước kia khu nầy là sở thú mà ngang rạp Cộng Hoà là chuồng cọp và chuồng sư tử. Học sinh trường Trung Học Kiến Hòa hiền thấy mồ, chắc thuần rồi, chứ không thể so sánh với đám chúa Sơn Lâm hung hãn kia. Con gái cũng vậy từ mấy chục năm nay, các cô chưa có ai nổi tiếng là Hà Ðông cả, hỏng tin các Bạn cứ xem hình dù đã sáu mươi, cao hơn hoặc thấp hơn chút đỉnh mà các cụ "cô" ấy vẫn còn nét đáng yêu, dân Bến Tre phải vậy trở lên chứ! chứ phải "người phàm" đâu nà!
                    Ðường Gia Long khởi đi từ đó cho tới gặp đường Ngô Quyền khoảng gần cầu qua Cù Lao Dê. Ði trên đường nầy có lúc phải đi tà tà có lúc phải gấp rút như sợ ma.
                    Vừa khởi hành tới một đoạn không xa bên trái là nhà Bác Sĩ Mãnh, vị Bác Sĩ nầy làm trong Bịnh Viện Tỉnh cùng thời với Bs Trần Quế Tử. NhàQuê không nhớ rõ là nhà nầy có khác với công thự dành cho Trưởng Ty Tiểu Học không hay chỉ là một: ông Trưởng Ty Trần Bá An mà trước đó là ông Trưởng Ty Dương Thành Mậu, thân phụ bạn Dương Bích Liên: Cô bạn nầy thường hay đi đường tắt, nghĩa là không đi cổng chánh mà đi nhờ trường Nữ Tiểu Học vào bằng cửa hông nhỏ xíu, thường không cho học sinh đi, nếu cho chắc có khối người, có khi cô bạn đi lòn qua nhà thầy Bùi Văn Dương ở đối diện nhà cô.Gần đây thấy có người tên là Trương D. Bích Liên ở vùng Edna, Minnesota không biết có phải là cô bạn đã đổi họ hay không vì cô kết hôn với thầy Trương-Phan Nam-Minh, giáo sư của Trường Trung Học Kiến Hòa. Nghe nói giáo sư Minh có võ, vì nghe đâu thân phụ thầy là võ sĩ đã từng thượng đài (Rock Cường??) chỉ nghe không biết thực hư! cũng chẳng dám thử thầy.
                    Có lần NhàQuê và ông BếnTre nghe nói thầy Phan Thanh Thiên có võ, thầy là người Huế dạy Toán chẳng bao giờ cho xả hơi dù là các lớp bên cạnh đang liên hoan Tết; nhưng thầy cũng chẳng bắt buộc ai học, nghĩa là ai học thì học, ai muốn đọc sách hay làm gì tuỳ ý nhưng không được bỏ lớp đi ra ngoài, vì là năm đệ tam nên ai cũng xả hơi sau kỳ thi THÐNC khó thấy mẹ!Qua loạt bài Những "ngôi trường xưa Em học" NhàQuê sẽ nhắc lại chuyện thi cử nầy. Chỉ có mỗi Nguyễn Trường Chấng là nghe thầy giảng, ông BenTre và NhàQuê làm như người chăm học lên đứng sát bên thầy ghi chú, vì nếu bên dưới nói chuyện lớn thì thầy giảng nhỏ lại, có khi nói thầm trong miệng, thầy đâu có biết ý đồ đen tối của hai đồ đệ quỉ quái nầy, bất thình lình hai đứa nhanh chóng lòn tay qua giữa háng của thầy định nhấc bổng thầy lên.Thưa các bạn không phải chung lớp với NhàQuê là: thầy xuống TẤN, không những hai đứa mà cả đám nhào lên phụ cũng chẳng hề hấn gì! Thầy có võ thật.Sau nầy nghĩ lại tự trách mình sao vô lễ như thế! Kính xin lỗi thầy nơi đây, bài nầy! Càng hối hận hơn khi mà sau nầy cả hai đứa đều bước vào nghề giáo.Thầy không quở phạt gì cả, cũng chẳng trừ điểm hạnh kiểm; Nghĩa là coi như Pha! ... thật là nhất quỉ ...mà!
                    Nhà thầy Bùi Văn Dương cạnh và cùng phía cổng trường Nữ Tiểu Học, cổng nầy quay chốc ra ngã ba và nhìn thẳng xuống hướng Bến Lở hứng gió Nồm, Bạn Hồ Văn Phước trọ học nhà thầy Bùi Văn Dương, vị Tổng Giám Thị đầu tiên của trường công lập, Tổng Giám Thị là người nắm giữ giềng mối kỷ luật trong trường, ai cũng ngán mà bạn Hồ Văn Phước ở gần mặt trời vậy không biết có nóng không hè? Bạn Phước nói có lần lén thực tập thuốc lào hay rượu thuốc gì đó mà chèo queo. Hú vía!Cứ theo con đường Gia Long nầy dọc theo vách tường khu trường học sẽ gặp cổng Trường Nam Tiểu Học, cổng nầy nhìn thẳng ra bến xe ngựa tức đường Huỳnh Văn Sắc, từ cổng nhìn vào là cột cờ, hình như chung cho cả khu trường? Văn phòng Hiệu Trưởng trường Nam Tiểu Học Phan Thanh Giản thì ở giữa dãy sâu bên trong , trước cửa có cây dái ngựa, cây to có thể tới vài trăm năm tuổi, thân gỗ chắc, suông đuột, gỗ có thể xếp loại danh mộc, NhàQuê thấy hình như chỉ có mỗi cây nầy trong khu vực? Tên cây như vậy vì trái của nó rất tượng hình, có lần bị thằng bạn nào chơi ác, quẹt vô môi một chút bông khô như cánh chuồn của cây nầy làm miệng NhàQuê đắng tới mấy ngày. Chán quá nhà ngươi dái ngựa ơi!Nhìn cây cột cờ không bạn nào quên được buổi chào cờ, hát quốc ca xong, học sinh Tiểu Học được vào lớp.Trung Học đứng hát lại, qua lần thứ ba bên nữ vào lớp, bên trai quỳ gối hát chỉ riêng lớp NhàQuê được đứng, quỳ đứng cùng hát, xong lớp NhàQuê cũng được "Ô Giơ Nu" đồng hạng. Không tiếc vụ hát mà tiếc bộ đồ mới ủi và mất mặt với mấy em Tiểu Học với các "em" Nữ cùng nhà trung học. Cột cờ ơi ta...Tới bây giờ đã nửa thế kỷ sau, NhàQuê cũng chưa hiểu là hát sai chỗ nào mà chưa được xem là người lớn? Qua khỏi Tiểu Học đã bước vào cửa Khổng có hai câu đối: "Trước noi gương tiền bối, sau nối chí cụ Ngô", mà phải quỳ ở sân Trình hát quốc ca, chắc là không dám ghé con nhỏ Mười bán guốc một thời gian vì thế nào nó cũng hay tin anh nhà quê đeo "Ăn Sin" THB có hai bông lúa vàng bao quanh, cũng chỉ là người phàm thôi, không phải trên thiên đình, cũng cá mè một lứa, quê thiệt!
                    Tại ngã tư Gia Long- Phan Thanh Giãn, một góc là trại lính, một góc là trường Cộng Ðồng Dẫn Ðạo, góc thứ ba là trường Trung học chiếm ngụ trường Tiểu Học Phan Thanh Giản, góc sau cùng người ta đang cố gắng đào xới hơn cả năm trời mới đánh bật được mấy ngôi cổ mộ quá vững chắc để làm cây xăng, không biết cây xăng giá trị hơn những ngôi mộ có trước cả thời Gia Long Tẫu Quốc không các ông khảo cổ nhỉ?Cây xăng đó là nơi phóng viên Kim Ngân đứng làm một pose đã post trên BenTreHome. Ðất còn dư người ta xây một ký túc xá cho nữ sinh; nhưng ít ai ở đó, sợ ma và sợ đủ thứ.
                    Khỏi ngã tư kế tiếp, ngã tư Gia Long-Lê Văn Duyệt, bên phải là khu gia binh, nơi cư ngụ của vợ con lính và vợ con cảnh sát Nơi chốn tính thời gian từng ngày, trông đầu tháng chồng mang tiền về, thay vì nuôi con có khi họp nhau đánh tứ sắc giết thời giờ, đứt vài chến kể như tiêu tháng lương, nơi chốn đầu tháng huy hoàng, giữa tháng đã điêu tàn cơm cá kho quẹt là may lắm rồi.Ðó là nói về cấp thấp sát mặt đất, chứ bà nhị tinh Phạm Văn Ðỗng thua suốt ngày đứng dậy vung vai: "Bữa nay đen quá làm hết mấy thằng quân dịch". Vậy là khi nào bà không đỏ bà chơi hết một tiểu đội lính kiểng! sung thật. Tiền đâu mà bà chơi bài kiểu đó, xem tiền như rác! Bên kia là Khám Lá, giữa chốn phồn hoa đô hội mà mọc lên cư xá nầy toàn bằng vật liệu dễ cháy và kẽm gai mấy lớp, ngang qua đây thỉnh thoảng nhận được miếng giấy vo tròn nhỏ với lời nhắn gia đình xin ít đồ dùng hoặc ít đường, tóp mỡ bù vào số năng lượng mà dưa mắm trường kỳ không đủ calorie, giả bộ cột dây giày bata lượm làm phước!
                    Sau khám lá dời đi có nói trong phần đường Trương Tấn Bữu, trong khoảng nầy có nhà thừa phát lại Phạm Văn Trọng mà về sau bạn Phạm Kim Ðê nối nghiệp. Gần như cả con đường Gia Long đều có trồng bã đậu riêng khúc đường đó người ta trồng nhiều nhất, NhàQuê không hiểu chúng có công dụng gì cao cả không, chứ thân cây cho củi còn chưa được; vậy mà nhiều nơi trồng nó lắm, nhất là chỗ người ta viết câu khẩu hiệu: "Nơi đây ngưỡng cửa Quân Ðội". Cây nầy thiếu cha gì, chạy cùng đường! Ông BenTre và NhàQuê từng ken hai manh chiếu nằm đọc sách chờ ...cơm dưới tàng đám bã đậu; Vậy thì nơi nào có cây bã đậu nhiều thì nơi đó mất tự do hay sắp mất tư do nói văn hoa là tự do hạn chế.

                    Cây & Trái Bã Đậu

                    Ði cạnh khu vườn mẫu của Ty Canh Nông đầu đường Ngô Tùng Châu mới thấy trồng tỉa có khoa học, đầy đủ phân bón và chăm sóc thì năng suất sẽ khác xa với miền quê tối tăm suốt đời con trâu đi trước cái cày.Cuối đường Gia Long ngự bởi hai ngôi nhà bự tổ chảng! Theo điềm chỉ của BenTre, NhàQuê sẽ đánh dây nói cho bạn Bùi thị Ngọc Yến tận xứ Nhật Nhĩ Mang để phỏng vấn, thật ra Xuân Thu nhị kỳ NhàQuê đều có đánh dây nói trước thăm hỏi bạn bè sau thăm thầy Trần Kim Quế Cái bạn Yến nầy kỳ lắm à nha! Mấy quý tử đều tốt nghiệp trường nổi tiếng cỡ MIT á, mà NhàQuê bảo bạn nói mấy đứa nhỏ chỉ cho cách vào lưới nhặt banh của bạn bè, đương sự bảo mắc giữ cháu nội ngoại; Ráng sanh thêm nữa các cháu, có bà giữ cho!Hỏi vậy chớ làm sao đọc được? Ðương sự nói lâu lâu biểu mấy đứa nhỏ in ra! Trời ơi! bây giờ người ta dùng máy suốt rồi, đừng đập lúa nữa! Vậy mà tin bên nhà bạn bè tổ chức tất niên họp mặt lại hay được; Hỏi ai nói mà biết? Nói: tụi con Nga, con Mai nói, cũng nhanh thiệt! Lâu lâu đương sự thấy NhàQuê ít lên máy bèn kêu qua sợ NhàQuê đi bất tử, vì biết NhàQuê xưa rượu chè ẩu tả, nay có thể nhảy dựng cái là xuôi tay. Ðang tìm cách cải tiến: vụ online, vụ lên Net nầy.
                    NhàQuê 2005


                    #10
                      NhàQuê 19.03.2013 05:04:12 (permalink)

                       Những "con đường xưa Em đi"
                      Đông Tây 12


                      Đường Nguyễn Huỳnh Đức


                      ÐƯỜNG NGUYỄN HUỲNH ÐỨC: Chiều dài trên duới hai trăm thước tây, độ chính xác 15 cm, từ xóm lò heo cũ đến đường Nguyễn Trung Trực, góc Bờ Hồ chỗ khi xưa là chuồng khỉ và chuồng gấu, thời cận kim là cà phê Giao Châu, Ngy, hay Giao Chỉ gì đó! .. Ngắn thế! Ðường ngắn mà ..... dài!
                         Hãy bắt đầu từ chợ chồm hỗm trên đường Nguyễn Huệ ngay xóm lò heo cũ, đầu tiên hai ngôi nhà hai bên đều quay cửa ra đường Nguyễn Huệ. Nhà bên trái có Hạ Thị Gấm trọ.Nhà anh Bửu bên phải có một lô dân Ba Tri: Bùi Văn Ðạt, Lý Vinh Hui, Hà Khầu....
                      Tiệm sửa xe Chú Tư Bờ Rô (Peugeot) tiếp theo bên trái, tiệm, cũng là nhà ở phía đàng sau, cùng bà mẹ và hai cô con gái sắp sửa vào yêu.Chú Tư và Chú Hai Kim có tiệm trên đại lộ Trương Vĩnh Ký là hai ÔNG THỢ có căn bản kỹ thuật đàng hoàng chứ không như nhiều thợ khác xuất thân từ thợ vịn, Chú Tư chuyên trị đám xe máy dầu: Motobecane, TWN, Harley's...nhỏ nhất là Mobylette. Tiếng thử máy xe từng chập, từng cụm khói phun có khi như màn khói hỏa mù xung phong! Khách đợi hoặc bạn tới đấu láo, ngự trên bộ ván nhỏ có trà nóng nhâm nhi. Trong lúc anh Năm thợ học việc, lanh lẹ làm theo sự chỉ dẫn của chú. Anh Năm ngoài ra có biệt tài câu lươn: móc mồi vào lưỡi câu dài tự chế từ cây căm xe đạp uốn thành, anh theo bờ mương nhìn hang là đã xác định con lươn lớn hay nhỏ, vạch khóm rau ngỗ hoang, anh đẩy lưỡi câu ra vào miệng hang và hút gió (huýt sáo). Chút sau lươn ta bụp và dính, các chú lươn vàng ươm nấu lẫu bắp chuối hoặc um rau ngỗ thì hết kỵ. Anh ăn lươn mà không uống rượu . Ăn vậy bịnh chết! không tốt à nha anh Năm!Chú Tư còn tiếng là người chí hiếu, về đây phụng dưỡng mẹ già, cách đây không lâu có nguồn tin, độ tin cậy 100% kể cho NhàQuê rằng: Chú Tư vẫn cúi cho bà Chín, mẹ của Chú đòn khi Chú có lỗi.Lúc ấy Chú đã tròn trèm năm mươi (?) hoặc hơn chút đỉnh. Nhị Thập Tứ Hiếu thời nay!. Nói Chú về đây vì vợ chú thỉnh thoảng từ Sài Gòn về cùng một cô con gái khác, cô nầy kênh kiệu lắm, nhìn đám NhàQuê như cỏ rác, vì cô là nữ sinh "Da Long" thứ thiệt mà cuối năm rớt nhào bằng THÐNC. Cho biết thân đừng có coi người ở tỉnh ai cũng là nhà quê! A ha!   Hai đứa em của cô: Bé và Út tên đi học đẹp lắm Lan , Mai, Cúc, Trúc, Huệ.. hay gì đó NhàQuê quên rồi, hai chị em nói chuyện vang trời nhà kế bên khó tập trung để học bài thi, dĩ nhiên khi có lỗi bà nội vẫn bắt cúi thọ phạt. Thường lắm!Mười năm sau tình cờ gặp lại: Cô đang làm trong Phủ Đầu Rồng, cô đang Ðại Học.Ðó là lần sau cùng. Có còn "Khỏe " không hai cô bé? Có hay được lên tiếng cái coi hai cô bé: Ðừng có mắc cỡ vụ ngày xưa bị đòn khóc hu hu. NhàQuê giữ kín 45 năm rồi đó...
                      Giáp ranh Chú Tư, một vuông đất ngang độ 30 mét, sâu trên 70, trên đó nhà cửa cất xà bát đủ kiểu, đủ loại vật liệu và thành phần cư dân cũng rất là xà bần.Quay quần chung quanh ngôi nhà gạch ba căn tuổi trên 50 theo NhàQuê đoán, chủ ở một căn, cho mướn hai căn và nhà sau, để người mướn: anh Mười (Trần Phú) và Mười em làm lò bánh: bánh con đuôn, bánh men, bánh gai, bánh champagne, bánh trung thu ...
                      Tụi NhàQuê ở trong căn với chủ nhà: Bà Sáu mà NhàQuê gọi là Bà Ngoại vì bà thích vậy, lúc ấy Bà Ngoại tuổi đã ngoài 80 vẫn còn tráng kiện đi lại một mình, đi bộ ra gần chợ thăm con cháu, bà là kế mẫu chú Hai Kim và vợ Thầy Xương, bà thích cháu ngoại tức con Thầy Xương hơn cháu nội là con chú Hai Kim; Ðó là nhận xét của NhàQuê, thỉnh thoảng có việc gì cần Bà Ngoại nhờ đi công chuyện lặt vặt dùm; Do đó NhàQuê biết về các con Thầy Xương và con chú Hai Kim như đã nói rải rác trong loạt bài nầy, cũng có khi Bà Ngoại nhờ cầm giùm bàn bài tứ sắc dở dang cho Bà Ngoại ngoái trầu hoặc khi bà thua hoài muốn đổi tay cầu vận hội mới; Trong trường hợp đó NhàQuê đôi khi cũng "cúi qua" rất đứng tim vì đâu phải tiền mình! 
                      Bà không có con, quê bà tận Hương Ðiễm, Cái Mít. Bà ra thành thị lẫm liệt làm đầu nậu bến hàng bông như Bà vẫn kể. Bà có võ, Bà kéo tay ăn NhàQuê cái một, dễ ợt ! Cái đó chẳng nhằm nhò gì khi Bà giở tạ bằng một tay trong lúc anh Mười em sáng chiều hai cữ nằm tập , kéo bằng cả hai tay mà lại thở phì phò. Căn nhà ít khi mở rộng cửa vì Bà Ngoại ngày nào cũng có người hầu tứ sắc, đó là mấy bà cụ cũng ngoái trầu như Ngoại. Tiền cho mướn nhà và đất chắc Ngoại chơi tứ sắc thoải mái. Chị Thu Cúc con thầy Xương và Bs Minh tương lai lâu lâu có về ghé thăm Ngoại, cặp anh chị nầy biểu hiện tình yêu tự nhiên như Tây Ðầm tụi NhàQuê hổng biết chừng nào được vậy đây! Nhìn ảnh Phái viên Kim Ngân mới đưa lên thấy Thủy em chị Thu Cúc ngày đó còn chút xíu chưa đi học, nay hình trông mang máng giữa chị Thu Cúc và Thu Vân (Vĩnh biệt Thu Vân!). Giống Thu Vân nhiều hơn, tròn quay! Thủy còn một người anh trai liền trước thường vô Ngoại chơi với con bé Trần Kim Dung con nhà may sát vách. 
                      Mấy nhà tạp nhạp chung quanh cũng nhiều bạn từ xa tới trọ học: Nguyễn Thanh Hòa, Nguyễn Thanh Nhã, Lê Kim Cẩn, Nguyễn Văn Phú (Ðại Ðiền), Nguyễn Ngọc Ẩn, Võ Văn Thành, Nguyễn Văn Sến,....
                      Tới một ngày kia, NhàQuê khám phá ra mình mang một chứng ghiền rất nặng: Phải ngồi lan can nhìn bên kia đường, sân nhà sâu bên trong có cây trứng cá và con nhỏ NG..đi học về cũng mắc chứng ghiền gì đó bèn giả bộ hái trứng cá để nhìn qua đáp lễ! NhàQuê nổi mụn trứng cá từ đó. Trời ơi! Làm sao ôn học được bài thi đây cà! NG..ơi! NhàQuê thề sẽ ...suốt đời cho mà coi! 
                      Còn nhà bạn Nhã gốc Cái Nứa đối diện và gần ngoài đường hơn, chị em gái rất đông: Dung, Nguyễn Thị Nhan, Nhuận, Hồng và Hồng Châu. Nguyễn Ngọc Ðiện cùng lớp trọ học nhà bạn Nhã, bạn Điện nầy trắng bóc, ưa làm bộ chững chạc để làm như ta đây không còn khát sữa! Nguyễn Ðỗ Huân con thầy Cò cũng thường ghé nhà nầy , bạn thắng xe đạp đòn dông của mình bằng gót sau thay vì bóp thắng (phanh).
                      Cả khu đất phía bên kia, lẫn khu đất và dãy phố của lò hủ tiếu trước cửa bót Hội Ðồng Cương là của dì bảy Lan theo NhàQuê biết. Nhà dì cách nhà bạn Nhã không xa, đối diện ngôi nhà dùng làm trung học tư thục Phước Thiện. Cạnh nhà lợp ngói vách gỗ của dì Bảy có cây vú sữa gần cỗi, thường có chú mặc bà ba trắng kính cận nhàn hạ đi đi lại lại trên thềm ba đọc sách Tây. Chú là con dì Bảy. Bên phía đó còn một số nhà nữa mà nhà cuối cùng hơi sâu vào bên trong có vài bạn từ Ba Tri lên trọ học: Tô Văn Hòa, Nguyễn Văn Trường...Nguyễn Văn Trường có lúc đồn bị cọp ăn, làm xôn xao, chuyện đó 100% không có!!! Tiếp sau đó là khoảng đất bỏ trống rất lâu, xưa là chuồng khỉ và chuồng gấu, sau nầy có các quán cà phê mà cô Kiến Hòa chắc vô thường nên rành, qua đây nghe lãng đãng ca khúc và tình khúc Trịnh!Cạnh vuông đất nhà Ngoại là nhà bạn Ngũ Kim Huê, bạn nầy to con, cao trông khoẻ mạnh nếu có võ nữa thì tuyệt "chưa thằng nào sợ thằng nầy" à nha! Nhà bạn có giàn bông giấy (?) và chiếc xe ba bánh loại xe dùng di chuyển hàng nặng mà phần nhiều các tiệm buôn đều cần.
                      Bạn Ngũ Kim Huê tối tối ưa ra ngồi trước cổng có trụ đèn đường cho sáng, NhàQuê có khi cũng lê la ngồi chơi nhưng "đồng sàng dị mộng"! có mục đích riêng, xem chừng NG.. còn học bài hay đã đi ngủ rồi.
                      Trường tư thục Phước Thiện có cổng lớn nhất trên con đường Nguyễn Huỳnh Ðức nối tiếp theo, ngôi nhà dường như không người ở từ lâu, được sơn trắng lại, học sinh đi học có lúc đồng phục áo màu nâu, nhưng trường giải tán sau một thời gian ngắn khoảng hai niên khóa. 
                      Ðịa điểm nầy được Bs Phấn làm phòng mạch. Ông tu bíp thứ thiệt đó nghe nói học rất giỏi mà không mát tay nên rất ít khách, ông mặc đồ "Vét" không cùng màu rất xuề xòa, không thắt cà vạt bao giờ, ông đi xe đạp "cuộc" chạy môt tay, tay kia cầm bắp nấu cạp, trong lúc nhai trái bắp được trả về đơn vị gốc: túi áo Vét. Có thật 100%, kiểu nầy NhàQuê không dám chơi dù cho có đang đói nặng! Cùi bắp ăn xong ông cũng bỏ túi áo "Vét" không xả rác bừa bãi; Vậy mới bác sĩ chớ!Ông BenTre có kể là Bà Cụ của ông đi du lịch ở Nhật trước tận thế khá lâu. Thấy cậu bé còn bế, được cho ăn kẹo hay món gì đó tương tự, khi ăn xong cậu đưa giấy gói còn thừa cho cha của cậu. Người cha bỏ vào túi áo và bỏ vào thùng rác khi xuống xe. Trông người lại nghĩ đến ta: Chắc hơn trăm năm nữa, ta mới có thể làm được "nghĩa cử" nầy hé! Không lâu sau không còn thấy Ông bác sĩ  đâu nữa. Gần tận thế hình như là phòng mạch Bác Sĩ  Nguyễn Thế Phiệt.
                      Sát rào và hơi về phía trong là một ngôi nhà ba căn vách ván màu nâu sậm, sân nhà có mấy cây trứng cá, trong có mấy cô bé trông dễ thương mà hình như có đời sống lặng lẽ khép kín, ít thấy bạn bè lui tới. Nghe nói gia đình nầy từ ngoài Trung vào?
                      Cuối cùng của con đường là một dãy phố khoảng sáu căn thì phải! Căn đầu tiên của gia đình các bạn Phượng, Bùi Thị Ngọc Hồng, Bùi Ngọc Trung, có Nhiêu và Trần Minh Trí bà con trong gia đình trọ học. Nhà có bàn ping pong và bi da cho mướn, nhờ bàn nhà mà các bạn nầy chơi bóng bàn rất mướt, riêng Bùi Thị Ngọc Hồng mấy lần vào tới trận chung kết toàn quốc nữ. Căn chót cạnh đường Nguyễn Huỳnh Ðức cũng có bàn ping pong như vậy của gia đình bạn Mai, có lúc thấy cô Nguyệt trọ nhà nầy trong giai đoạn đầu cô đến dạy ở trường THKH.Riêng căn áp chót khi NhàQuê vào trường thì căn nầy gia đình thầy Lê Ðình Chi ngụ, bên cạnh là thầy Nghĩa dạy thể dục và cũng làm giám thị.Thầy Chi làm giám thị trong trường, tụi nó gọi thầy là "Chi Trầu", không biết thầy có ăn trầu thiệt hôn, gặp thầy giám thị là né chứ đâu dám gần mà nhìn miệng. Con thầy cũng có đứa học cùng năm, Dung thì phải! Bạn nầy có lần phỏng vấn NhàQuê mấy câu mà NhàQuê run quá trời, còn đâu tỉnh táo mà what's your name. Rớt phỏng vấn là phải … Con gái dạn hơn thiệt! Sau thầy Chi thuyên chuyển về trường Mạc Ðĩnh Chi trên Phú Lâm gần khuynh diệp Bs Tín. Thầy Vũ Kim Toàn và các em thầy kế tiếp mướn. Thầy Vũ Kim Toàn sau theo ngành Ngoại Giao. Bạn BenTre trong lần du học có gặp lại thầy ở Ðại Sứ Quán Việt Nam ở Kuala Lumpur, Malaysia. Và căn nhà đó sau cùng tới tận thế là gia đình bạn Tô Thị Hoa...Bạn nầy có được nhắc đến ngay trong phần đầu, phần nói lối của bài vọng cổ tràng giang: Những "con đường Xưa Em đi".
                      NhàQuê 2005


                      #11
                        NhàQuê 19.03.2013 05:08:23 (permalink)

                        Đường Công Viên
                        Đông Tây 13



                        Đường Công Viên


                          ÐƯỜNG CÔNG VIÊN: Tên đẹp vậy mà ai cũng gọi là đường Bờ Hồ như thói quen sanh rớt gốc dừa đặt tên Dừa cho dễ nhớ. Vậy thôi không đâu: Riêng cái hồ còn có tên Giếng Nước, càng về sau tên nghe thơ mộng hơn: hồ Chung Thủy.
                         
                        Đông <----> Tây

                        Hồ Chung Thủy không phải do thiên nhiên mà do sức con người, hồ có dạng hình thang:- Ðáy lớn: Cạnh Ðông từ giao điểm với đường Nguyễn Huỳnh Ðức, Nguyễn Trung Trực cho đến góc có con lộ nhỏ qua cửa nhà hội đồng Thuận.- Ðáy nhỏ: Cạnh Tây chạy suốt chiều dài trường Trung Học Tư Thục Lê Lợi- Cạnh bên thứ nhất: Cạnh Bắc phía có con đường xuống nhà Thủy Tạ- Cạnh bên thứ hai: Cạnh Nam phía có rạp hát Bờ Hồ.
                        Do đọc được từ bài báo mới đây, NhàQuê xin nhật tu theo phỏng đoán của mình thì các con đường quanh hồ như sau: 
                        - Cạnh Ðông là kéo dài của đường Nguyễn Trung Trực nên có tên Nguyễn Trung Trực.
                        - Cạnh Tây do trường Lê Lợi đã phá bỏ, chỗ đó thành công viên sẽ xây tượng đài, nên con đường Trần Quốc Tuấn phía sau lưng trường Lê Lợi được kể là cạnh Tây; Vậy cạnh Tây có tên là đường Trần Quốc Tuấn.
                        - Cạnh Bắc có đường xuống nhà Thủy Tạ, cạnh nầy một đầu nối liền với đường Hai Bà Trưng đi về hướng Tây gặp đại lộ Phan Thanh Giản, rồi gặp Lê Văn Duyệt. Một đầu nối lộ Hội Ðồng Thuận đi về hướng Ðông gặp đường Nguyễn Huệ; Như vậy cả nguyên ba đoạn nối lại gọi chung là đường Hai Bà Trưng. Cạnh Bắc là đường Hai Bà Trưng.
                        - Cạnh Nam vì đi qua khu ăn học nên có tên đường Lê Quý Ðôn.
                        Hồ Chung Thủy nước trong xanh nhờ có hệ thống dẫn và thoát nước từ đó ra Bến Lở. Về sau thiếu ngân khoản hay sao đó mà các cống nầy hư nghẹt, nước không được luân lưu trở thành nước tù không còn được lấy nấu ăn tắm giặt nữa, cầu lấy nước phía góc Ðông Nam gần cổng trường Trung Học Kiến Hòa. 
                        Một cây cầu bê tông cốt sắt có lan can sắt ở góc Tây Nam, trước cửa tiệm may Thiên Hương, chỗ đứng hóng mát và chụp hình (?). Phía cạnh Bắc có nhiều sen, mỗi lần thầy cô cho đi học ngoài trời bắt cong cóng, hồ sen đẹp thêm lên: Hoa, Người cùng khoe vẻ. Phải chi NhàQuê được như mấy ông thi sĩ xứ Huế, NhàQuê không hẹp hòi gì cho "Cá hồ sen liếc nhìn ngẩn ngơ!" đạo ý "Cá sông Hương liếc nhìn ngẩn ngơ". 
                        Sắp đến Hè chòm phượng góc Tây Bắc nở hoa đỏ rực: "Mỗi Năm đến Hè lòng man mác buồn..." . "Hôm nay đây còn vui trông thấy nhau, bên tiếng ca tiếng đàn vượt trời cao..." Rồi lưu bút ngày xanh trao nhau, ký gởi kỷ niệm học trò, hẹn nhớ nhau mãi mãi....thật chung thủy! 
                        Nhà Thủy Tạ đẹp có mái ngói cong, sàn gỗ, lan can và cột chạm trổ đẹp mắt. Trữ tình hơn cả con đường dẫn xuống với hai hàng liễu rũ, bỗng muốn làm thi sĩ một phen. 

                        Bạn Hồ Chí Nghiệp cùng quê với NhàQuê, nhà cách nhau một cánh đồng nhỏ, bạn đã vẽ thành tranh cảnh hồ và nhà thủy tạ, nhà trường đưa tranh vẽ của bạn trưng bày trong kỳ triển lãm.
                        *Giờ NhàQuê phá lệ bắt đầu từ đoạn đường cạnh Tây trước: Trường Trung Học Tư Thục Lê Lợi trệt vách gỗ chiếm trọn chiều dài cạnh Tây nầy, văn phòng Hiệu Trưởng có hình dáng chuồng cu giống kiểu chợ Bến Thành trên Sài Gòn, cái gác nhô lên chính giữa dãy, trường nầy có đâu lâu rồi, các lớp đàn anh nhiều năm trước của NhàQuê dưới Ba Tri, nếu không có điều kiện đi Mỹ Tho hay xa hơn để theo đuổi bậc trung học thì phải học trường tư nầy, trường dạy các môn bằng tiếng Tây. Những năm cuối trước khi giải tán trường chuyển dạy tiếng Việt theo lệnh Chánh Phủ. Hậu thân của trường là trường Trí Ðức dưới xóm cầu Cá Lóc, gần cầu hơn có trường Phong Châu và cùng bên. Ông cựu Dân Biểu Nguyễn Ðình Hiếu không biết có phải Hiệu Trưởng không nhưng tên ông gắn liền với trường, ông có căn nhà trong dãy nhà may Thiên Hương cho mấy đứa cháu ông trọ học.Ông ở cùng dãy với thầy Nguyễn Duy Oanh và dược sĩ Hồng Hạnh ngoài đường Giửa. Lúc ông ứng cử ông lấy dấu hiệu "Ngôi Sao" xanh lập lòe! Nghe nói ông vô tù vì chống luật Gia Ðình của bà Nhu! Ông chống là phải! NhàQuê nói ra vì đây là đời công…, thuộc Public Services  nha chứ không phải bêu riếu đâu à.
                        *Góc Tây Nam là nơi đường Nguyễn Tri Phương xuất phát. Bắt đầu cạnh Nam của đường Công Viên là một dãy nhà khoảng 5 căn có tiệm may cũng khá nổi tiếng Thiên Hương, NhàQuê có gặp anh chồng hay chủ hay anh em gì đó với nhà may nầy ở Pulau Bidong, Malaysia, anh rầu rĩ chờ chỉnh sang đi Xứ Sao, không biết cuối cùng anh có được như ý không. Ngày xưa bạn Ðăng ở Cầu Mống lên trọ một trong mấy căn đó, nhà ông Nguyễn Ðình Hiếu như có nói. Thầy Võ Văn Dung dạy Pháp Văn ngụ trong những căn nầy, con gái thầy : Ấu Cảnh cùng năm với tụi NhàQuê. Trong lớp thầy, NhàQuê bị kêu bài nhiều nhất và bị rầy thậm tệ, vì loại Tây U gì mà đực cái, nhiều ít khác nhau, rồi các trường hợp bất qui tắc, rồi ba nhóm, sáu modes, 18 temps...chạy mặt luôn, khó thấy mồ. Mấy năm trước "NhàQuê như Tây" trước khi đi học thuộc lòng vài câu thuở xưa nói thử cả tuần, qua đó NhàQuê chơi lòng vòng mấy câu đó mà thôi. Nhưng tụi nó không chịu hiểu. Tây gì dở ẹc  không nghe được tiếng Pháp! Chắc tụi đó không học đủ chữ nghĩa văn phạm như NhàQuê đã từng chọn tiếng xứ con gà Gaulois làm ngoại ngữ một! Thầy Dung sau về dạy Pétrus Ký, Sài Gòn và nhiều đứa gặp thầy đang làm nốt cái Cao Học 2 ở Văn Khoa.
                        Tiếp đó là rạp hát Bờ Hồ trông ho hen bệ rạc, thường dùng làm chỗ tập tuồng cho các đoàn hát, không lâu sau phá bỏ và khu đất trống đó càng gần tận thế xây thành "Cơ quan đầu não" ngành Giáo Dục của tỉnh: Sở Học Chánh rồi cải danh thành Ty Giáo Dục theo chương trình cải tổ hành chánh, trong giai đoạn nầy Trung, Tiểu Học được thống nhất quản trị. Tiếp theo đó là cổng phụ của trường Nữ Tiểu Học, khi dãy lầu sanh ba giao cho Trung Học, cổng phụ nầy trở thành cổng phụ của Trường Trung Học Kiến Hòa; Cái cổng cũng suốt đời làm phụ, thế nó cũng có số mạng định sẳn cho nó rồi. 
                        Dãy lầu sanh ba nầy là trai duy nhất cũng có mang bảng đồng: "Tri ân Thiếu Tá VĂN LÀ Tỉnh Trưởng Bến Tre" như hai người chị của nó.
                        Cách dãy lầu đó một sân quần vợt là một dãy trệt. Cả khu mới của Trung Học khi xưa là sở thú mà ngay đầu dãy trệt là chuồng nhím, loại gì hình dáng như chuột thỏ mà có lông cọng, khi sừng lên như những gay nhọn, nghe nói lâm trận nó bắn lông sát hại địch thủ, chắc mấy bà khoái có bậy cọng lông nầy làm trâm cài "đầu tóc mượn", dãy trệt nầy về sau phá bỏ xây lầu, mới đủ nhu cầu trường lớp. 
                        Cổng chánh có hình dáng như cổng khu lăng miếu, được xây về sau thuở tỉnh đồng loạt làm vụ "trang điểm" phục hồi vẻ đẹp thành phố, chứ thời nguyên khai nó là hai trụ xi măng nhỏ xíu được giữ vững bởi hàng rào kẽm gai và các trụ phụ bằng sắt Ấp Chiến Lược. Dù là hai trụ xi măng nhỏ xíu mà nó vẫn là cổng chánh từ khi mới sanh!
                        Chung quanh ven hồ Chung Thủy có nhiều cây còng lâu năm, tàn lớn, có nhiều cây trên cạnh Nam nầy bị mưa xoáy mòn làm cả cây ngã đổ hoặc nghiêng hẳn ra hồ, vô phương phục hồi được.
                        *Cạnh Ðông từ chuồng khỉ phía phải, cầu lấy nước phía trái cho đến hết chuồng có một con công trống mà tới ba con công mái; Thế mới biết giống đực quý biết dường nào! Vì sự mất cân xứng âm dương như vậy nên chú công trống bị chọc cho phùng xòe thường xuyên, khi ấy trông chú đẹp vô cùng, cặp lông đuôi của chú "thấy thèm" lắm. 
                        Người ta nói lần đầu tiên đi coi công gặp lúc nó phùng, nó múa thì cuộc đời mai sau thăng quan tiến chức, phú quý vinh hoa, "rồng bay, phượng múa" mà! NhàQuê xem đúng vào lúc đó mà tới nay chẳng thấy gì, đợi vài năm nữa xem sao hay là hoặc người ta nói trật hoặc nhiều người cũng gặp cùng lúc đó nên điềm quý được chia đều nên mỗi người chẳng có bao nhiêu hay con công nầy phùng xòe thường xuyên quá không còn linh nghiệm? Còn gặp lúc nó ngủ thì từ chết tới bị thương! Số tha phương ăn mày! 
                        Từ chuồng khỉ, gấu trở đi là khu vực đủ loại chim chóc, khoảng giữa có vài bồn hoa trên lối vào cổng khu ban bảo trì chăm sóc công viên mà sau nầy làm trại cảnh sát dã chiến (?), sau lưng chuồng công, dưới mé triên có hồ nuôi qui rùa và cá sấu. NhàQuê không nhớ khu vực nào nuôi voi và trăn, hình như cặp đường Nguyễn Trung Trực thì phải (?).
                        Góc Ðông Bắc bờ hồ có con lộ nhỏ, đúng ra là bờ nhỏ đi qua cửa nhà Hội Ðồng Thuận. Khu nhà như một ốc đảo nổi lên giữa ruộng chắc cũng của ông hội đồng nầy, phía sau nhà có vài ngôi mộ, bờ nhỏ vừa nói nối với đường Nguyễn Huệ ngay đầu đất khu biệt thự thầy Trần Văn Ðinh bên lề Ðông của đường Nguyễn Huệ. Cái bờ đê nầy dùng làm đường đi tắt trong mùa nắng, mưa xuống trơn trợt còn thêm cái cầu bắt ngang mương thoát nước, nên các bạn nữ ít dám băng ngang, phải đi vòng qua Nguyễn Huệ rồi Nguyễn Huỳnh Ðức cho chắc ăn. Phía phải gần đường Nguyễn Huệ có dãy trường tư thục lúc đầu lợp lá đó là trường Hàn Thuyên về sau đổi tên là trường Cộng Hòa. Trường có lớp luyện thi ban đêm, soi sáng bằng đèn măng xông hiệu Aida, chốc chốc phải đem xuống bơm mới đủ áp suất cho dầu lửa phun lên; Tuy nhiên trường có được nhiều thầy giỏi, kinh nghiệm từ Mỹ Tho qua dạy, học sinh nhiều người đậu Bình Thứ trở lên được nhận tiếp vào trường công lập. Về sau nhiều ông Quận Trưởng và các ông lớn khác có biệt thự kiến trúc tân kỳ trên con đường vốn là cái bờ đê nầy, dĩ nhiên con lộ đã trở thành con đường nhựa có tên gọi hẳn hoi! Ai biết được tương lai của cô gái lọ lem trong thời chiến tranh ác liệt! 
                        Ít năm trước Tận Thế, phân nửa đoạn đường cạnh Ðông nầy có nhiều quán nước, cà phê có nhạc Vàng, có lẽ bây giờ cũng còn các quán ấy đã đổi tên, e rằng còn mọc lên nhiều hơn nữa vì địa điểm nầy về đêm hấp dẫn lắm.
                        Trước khi cùng các bạn dạo trên cạnh Bắc, NhàQuê hỏi các bạn có nhớ một người hằng đêm ủ rũ trên các băng ghế công viên Bờ Hồ: "Bà già Ru Bi"! Nghe nói bà là con Vạc Ăn Ðêm đã về già với đủ loại ... nghiện ngập. Chiếc áo sậm màu với dáng ngồi phiền não, bất động hằng đêm, hằng đêm...Trong khu vực Chợ Cá có một nhân vật khác cũng ấn tượng là ông " Chánh Phủ", ông nầy râu tóc không chăm sóc, mặc áo nhà binh với đủ loại huy chương lèo và nhãn hiệu xanh đỏ từ bất cứ vật gì ông kiếm được, nghe nói ông có nhà cửa đàng hoàng; nhưng ông giả "Tôn Tẫn" cho có việc làm riêng.
                        * Nối tiếp cạnh Ðông tại góc Ðông Bắc tức khu vực chuồng công và lộ hội đồng Thuận: Cạnh Bắc đi đến gặp cạnh Tây nơi phía phải có công thự mới tinh dành cho ông Tỉnh Trưởng; Tuy nhiên cạnh Bắc nầy nếu đi thẳng luôn là đường Hai Bà Trưng, sẽ gặp đường Trần Quốc Tuấn, rồi đại lộ Phan Thanh Giản, rồi đường Lê Văn Duyệt trước khi trở thành con hẻm quanh qua quẹo lại tới khu Bảy Phát ve chai lông vịt. Vì thế sau nầy cạnh Bắc của Đường Công Viên gọi là đường Hai Bà Trưng là hợp lý!Khởi đi chưa tới 20 thước, bên phải có bờ đê nối đường Công Viên với lộ Kiến Thiết, xê tới chút là khu đất trống như một cái gò, sau nầy nơi đó xây một trường Tàu có lầu (trường Minh Tâm ???) nghe nói bây giờ là khách sạn ??? Tiếp nối là một dãy nhà không sát lề đường lắm, giống như nhà công chức mà bây giờ đều nối thêm ra làm quán giải khát hay quán nhậu gì đó!
                        Nhà hàng Ðào Viên tiếp theo đó, khăn trải từng bàn vuông trắng muốt, vài cặp tình nhân chia nhau từng ly rượu ngọt với thức ăn từ thực đơn viết hai ngôn ngữ, có lúc họ cụng ly và hai mái đầu sát vào nhau chẳng khác nào như đang ở thành phố Âu Châu nào đó. Thời gian như lắng đọng, thế giới chung quanh duờng như ngưng lại chúc mừng.
                        Bên kia đường ngay cửa chánh nhà hàng Ðào Viên, con đường đổ dốc xuống nhà Thủy Tạ, hai hàng liễu rũ đã buồn càng buồn hơn khi làn hơi nước khói sương lung linh sánh bước cùng một đêm mới nữa bắt đầu. Con đường liễu rũ ấy chứng nhân bao cuộc tình tuyệt vời, xứng đáng nơi chốn ấy "Chung Thủy"! 
                        Sáng hôm sau thức giấc Chung Thủy lại tươi mát đón chào một ngày mới nắng lên, ríu rít từng đàn chim cánh trắng rộn rã bay đến trường.
                        Khỏi nhà hàng tới phòng Thông Tin, sau là Ty Thông Tin trước khi được dời về góc phải Tòa Hành Chánh cho gần dễ dặn dò, nhường chỗ cho Ty Cựu Chiến Binh, loại ty sở mới nầy để ru ngủ những con người một thời là Huynh Ðệ Chi Binh, để họ đừng vì đau đớn cũ mà sảng, quậy, cắm dùi! Cám ơn các quan lớn đã ban ơn mưa mốc! Ðợi người ta đặt vấn đề rồi mới hốt hoảng.
                        Vài cái nhà cuối cùng hình như thấp hơn mặt đường đôi chút, sân cũng như thường lệ trên hệ thống A của đài...là có trồng mấy cây trứng cá. Sau nầy "thức thời cuộc" trở thành quán giải khát, quán nhạc theo phong trào: đi ba bước gặp một quán ăn nhậu như mọi con đường mọi góc phố khác...
                        NhàQuê nhớ không lầm lẫn là các bạn sẽ gặp ở đây mấy cây gòn duy nhất trong tỉnh lỵ nầy. Mình qua bài khác nha các bạn thân mến của NhàQuê.

                         Đông<------>Tây
                                                          
                        Hồ Chung Thủy ngày nay có tên mới là hồ Trúc Giang, hiện đang trong giai đoạn tái phục hồi để hấp dẫn du khách, triên hồ được xây làm vài tầng có bực đi xuống và có đường chạy thể dục, có băng ngồi ngắm và do đó diện tích mặt nước bị thu hẹp đôi chút. Cống thông thủy được tái tạo dựa theo đường ống có từ trước (thời Tây) sẽ làm nước sạch hơn và luân lưu. 
                        NhàQuê 2005


                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 19.03.2013 06:03:04 bởi NhàQuê >
                        #12
                          NhàQuê 19.03.2013 06:06:04 (permalink)

                           Những "con đường xưa Em đi"
                          Đông Tây 14
                           

                           Đường Nguyễn Tri Phương


                          ÐƯỜNG NGUYỄN TRI PHƯƠNG: Từ góc Tây Nam hồ Chung Thủy cho đến gặp đường Ngô Quyền.
                          - Ðoạn từ xuất phát tới đại lộ Phan Thanh Giản: Khoảng nầy nhiều cây cao bóng mát nhất là trước cửa Ty Thuế Trực Thâu Trước Bạ, sau nơi đó là Ty Ðiền Ðịa. 
                          Thời mới tạo thiên lập địa của Trường Trung Học Công Lập Bến Tre, các lớp đàn anh đàn chị và cấp lớp NhàQuê học tại khu trường nam tiểu học Phan Thanh Giản, các giờ trống giữa hai giờ học có thầy cô giám thị xuống lớp trông coi, dần dà thấy việc nầy tốn nhiều công của nên cho tụi NhàQuê được đi ra khỏi lớp, nhưng không được la cà các lớp khác, nói rõ ra là cho tự do ra ngoài đường. Vì vậy đoạn đường nầy qui tụ đông đảo các con người vừa được "Tự Do" tạm đó. Họ hàng nhà "Áo bà ba" trắng chắn bít lối đi và gây huyên náo không kém giờ ra chơi trong sân trường, đủ các trò chơi diễn ra tiêu khiển 50 phút phù du hiếm hoi ấy. Riêng bạn Bùi Trọng Cường trong trường hợp đó chắc về nhà, vì gia đình bạn ở ngay tại góc ngã tư Nguyễn Tri Phương-Phan Thanh Giản; nhưng số nhà có lẽ tính theo đại lộ Phan Thanh Giản, ngôi nhà nầy ngày nay phá bỏ xây làm trụ sở Mặt Trận gì đó! 
                          - Ðoạn từ Phan Thanh Giản đến Lê Văn Duyệt: Bên trái là văn phòng Hiệu Trưởng, Tổng Giám Thị, Giám Thị...Văn phòng dính liền vào dãy trường Cộng Ðồng Dẫn Ðạo,Có lẽ trường cho mượn để Trung Học có nơi làm văn phòng, giai đoạn thiếu phòng ốc, nhiều lớp cũng học tạm trong dãy trường Cộng Đồng Dẫn Đạo nầy: Lần đó lớp NhàQuê băng qua đường học âm nhạc với thầy Vũ Năng trong dãy trường Cộng Ðồng Dẫn Ðạo, bài đầu tiên là định nghĩa âm nhạc: "Âm nhạc là nghệ thuật kết hợp và tiết tấu âm thanh". Giờ hôm ấy thầy dạy xướng âm (Solfer hay solfier??) xướng theo tên nốt nhạc đúng trường độ và cao độ của chúng, nghe chán lắm! không phê! Bạn Ẩn Hồ đề nghị thầy: Cho "solfer lời" đi thầy!. Thầy bảo trong âm nhạc không có cái gì gọi là "solfer lời" cả! Yêu cầu "Hát" thì nói hát còn nói vòng vo tam quốc!NhàQuê thấy nhiều người phê bình bản nhạc thế nầy thế nọ có vẻ là dân rành nhạc hay ít ra cũng biết thổi kèn, phê bình vòng vo cuối cùng cũng là phê bình lời ca: nghe "phê" hoặc "không phê" Nói một cách nhà quê thì NhàQuê không có đủ kiến thức như vậy, chỉ thích bản nhạc nào có lời hay dù nó là "Sến" hay "Bác Học" . Trung Học nhờ phòng ốc rồi lấn dần như vết dầu loang, ăn hiếp đám đàn em tiểu học thấy rõ! Sát đường Lê Văn Duyệt là các lớp dạy chuyên môn: Mộc, tiện, nguội...của trường dạy nghề, mấy trự nầy có khi đập sắt nghe điếc tai, cũng may nhờ tiếng máy phát điện của nhà đèn còn lớn hơn nữa. 
                          Phía phải vài quán cơm khu vực bến xe đò, các quán nầy về sau trôi nổi theo... khi bến xe dời đi nơi khác.Chỗ làm bến xe cất lên quán "cơm xã hội", cơm ăn "libre ba ga" không hạn chế, thức ăn chỉ có món mặn và món xào lèo tèo vài ba con tép với giá. Không sao miễn no và rẻ là được! Có lần nhà trường tổ chức đi du ngoạn Sài Gòn, buổi trưa ăn ở quán cơm Anh Vũ trên đường Bùi Viện, thức ăn cũng như quán cơm xã hội nầy thôi; Quán Anh Vũ về đêm là tụ điểm ca nhạc "nổi" lắm vào thời điểm đó.Từ nửa đoạn nầy tới Lê Văn Duyệt là Nhà Ðèn, có nhiều máy phát điện chạy dầu: Giờ cao điểm các máy cùng hoạt động, thường chỉ chạy vài máy, tiếng máy bắt đầu khởi động dễ "nhát trẻ em" hay khóc nhè lắm: Coi chừng ông Ðiên..Nặng! Vài bạn trường Trung Học có liên quan tới Nhà Ðèn nầy: Ném lựu đạn! 
                          Khu vực nhờ có nhiều nhà học sinh trọ học nếu không chắc nhiều con nít sanh năm một!Nhân viên nhà đèn ngoài vận hành, bảo trì, sửa chửa máy móc; Còn đi kiểm tra các trụ điện, bóng đèn, giữ chúng luôn trong tình trạng tốt, bóng đèn hư các ông thợ bắt thang lên thay ngay. Trong lớp NhàQuê có anh Triệu Văn Hoa cao vòi vọi mặt lúc nào cũng đỏ gay, hay chiếm chỗ ngồi gần cửa sổ mát và ngủ gục. Nhiều lần thầy Nguyễn Văn Nho bắt gặp, thầy cười chế nhạo: Ðể yên cho nó, hồi hôm nó thức đi gỡ bóng đèn; Lớp đàn anh có anh Tươi trong toán hầu kỳ của trường cũng cao tầm cỡ đó và cũng có bí danh: Tươi Gỡ Bóng Ðèn.Các bạn quá cao dù trai hay gái từ đó có tên kèm "...Gỡ Bóng Ðèn". Thầy Nho ít lâu sau về hưu, quê thầy ở Gò Công, trước khi hưu thầy tặng mỗi lớp một bài thơ, trong đó có tên tất cả mọi học sinh trong lớp. Không hiểu sao lúc đó có bạn Lục Văn Lang quê tận Gò Công lại sang Bến Tre thi và học chung lớp với NhàQuê nhỉ??? 
                          - Ðoạn từ Lê Văn Duyệt đến Ngô Tùng Châu: Tại hai góc ngã tư, bên phải sau nầy bán mía ép của vợ chồng thằng bạn Lê Hoàng Diệp, bên trái là quán nhậu cua lươn ếch, không biết quán cà phê mà cô Kiến Hòa nói nằm ở chỗ nào? Ai có về xin cho nhắn cô chủ quán siêu lạc hà phương! Ðó là chuyện về sau, lúc NhàQuê còn trấn đóng trong vùng thì phía trái là khu gia binh và gia đình cảnh sát, mấy năm trước đây có gặp một bạn nhỏ tuổi hơn NhàQuê, cựu cư dân trong khu nầy, bạn tên là "Hải Charge" vì nghe người nói lại là bạn làm bài thi mướn cho ai muốn có bằng Bachelor of science. Bạn "charge" thấy thương: Cash, food stamp, credit card are accepted! Phía trái nầy lẽ ra tới nhà bạn Nguyễn Ðồng Danh thì hết vì nhà cuối cùng quay cửa chánh ra đường Ngô Tùng Châu, suốt chiều dài đoạn nầy có muơng nhỏ chạy dọc, vô số rau "mò ôm" mọc hoang , xanh um! Thì ra loại rau nêm canh, lẫu chua chịu phân từ mương và chịu gần nước. Nhà bạn Danh có trụ cổng xi măng và trong vuông đất có vài ngôi mộ đá ông?? 
                          Khoảng giữa phía phải có nhà thầy Hà Văn Nghệ dạy Anh Văn ở trọ, thầy ưa chỉ cách đọc mỗi chữ theo phiên âm quốc tế. Gần cuối bên phía nầy có bạn Tô Kim Bảng (Blackboard) ở cùng người anh: Tô Nhân Dụng. Hình như có thu mua phế liệu, ve chai, lông vịt. 
                          Vụ thu mua loại nầy, sau tận thế có nhiều người giàu bất ngờ: Số là họ mua cả tiền kim loại đã có lệnh hủy bỏ không xài nữa, số hàng thu mua tính bằng kí lô chưa chuyển đi Sài Gòn bán lại, đùng một cái có lệnh đổi tiền và dùng lại đồng tiền kim loại và có trị giá 500 lần lớn hơn. Thử hỏi mấy chục bao bố tời loại bao gạo chỉ xanh 100 kí lô thì các bạn phải biết người đang sở hữu "trúng mánh" tới bực nào! 
                          - Ðoạn cuối từ Ngô Tùng Châu tới gặp Ngô Quyền không có đặc điểm gì nổi bật, nhà bạn Nguyễn Khương Nhàn, Trần Trọng Phu trong khoảng nầy.
                          NhàQuê 2005


                          #13
                            NhàQuê 19.03.2013 06:10:10 (permalink)

                            Những "con đường xưa Em đi"
                            Đông Tây 15


                              
                            Đường Hai Bà Trưng


                            ÐƯỜNG HAI BÀ TRƯNG - NỐI DÀI và LỘ HỘI ÐỒNG THUẬN: NhàQuê nhớ được tên con đường nầy nhờ bạn Nguyễn Văn Ðức đố trong lúc chờ cơm chiều Dì Mười chưa làm xong. Bạn về sau làm cho nhà xuất bản Sống Mới trên đường Phạm Ngũ Lão gần chợ Thái Bình trên Sài Gòn (Vĩnh biệt bạn Ðức!), cũng gần căn phố cụ Phán Nhiêu mà bạn Bs Phạm Duy Bình vẫn còn ở đó từ khi bắt đầu vào Y Khoa. Nhà xuất bản Sống Mới chuyên các loại sách giáo khoa bậc tiểu học.Ðường Hai Bà Trưng nầy nguyên thủy chạy từ góc Tây Bắc Hồ Chung Thủy theo hướng Tây chấm dứt khi gặp đường Lê Văn Duyệt gần nhà bạn Ds Yên Thị Ngọc Ðiệp.
                            - Ðọan đầu tiên từ Bờ Hồ đến Trần Quốc Tuấn có ngôi nhà mới tinh dành cho Tỉnh Trưởng.
                             

                            - Ðoạn thứ hai từ Trần Quốc Tuấn đến Phan Thanh Giản đi ngang hông cơ quan quân sự ( Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu hay Trung Ðoàn 10 ??), phía bên kia là hông dinh ông Chánh Án rồi cây xăng ông Ba Hóa (Quá ??) ông là thân phụ bạn Ðỗ Văn Hoàng cùng năm với bọn NhàQuê. Bạn hiện đang định cư vùng Houston, Texas USA.
                            - Ðoạn thứ ba từ Phan Thanh Giản đến Lê Văn Duyệt, phía trái có các quán bán cơm thời còn bến xe đò, sau bến xe dời đi các quán nầy trở thành tiệm hớt tóc chẳng đắt khách gì mấy, tiếp theo là hàng rào khu vực nhà máy đèn. 
                            Bên phải là công xá dành làm nhà ở một nửa cho ông Quận Trưởng Trúc Giang: Nguyễn Như Sang, nửa kia dành cho Hiệu Trưởng trường Trung Học Kiến Hòa: Cụ Nguyễn Ðình Phú là vị đầu tiên lưu ngụ nơi đây, trước khi được cấp công xá nầy cụ là khách gia đình thầy Tổng giám Thị Trần Văn Ðinh; Các vị Hiệu Trưởng tiếp theo cũng dùng công xá đó: Như quý thầy Bùi Văn Mạnh, Huỳnh Hữu Hiệp, Trần Kim Quế và Trưởng Ty Giáo Dục thời cải tổ hành chánh Nguyễn Hoàng Ảnh.
                            Ngày nay do vị trí và sự hợp lý đường Hai Bà Trưng được nối dài ra cả hai phía:
                            ** Phía Ðông nối với cạnh Bắc của Hồ Chung Thủy tức cạnh ngang qua nhà hàng Ðào Viên  
                            và cũng nối với con đường ngang qua nhà ông Hội đồng Thuận nguyên là bờ nhỏ trơn trợt từ Bờ Hồ đến đường Nguyễn Huệ, con đường băng ngang nầy qua cửa trường Hàn Thuyên sau là trường Cộng Hòa, về sau dời lên đường Lê Văn Duyệt cạnh góc có Lộ Mới. 
                            Có một nhân vật dính dáng tới trường Cộng Hòa là Hoàng Xuân Việt, ông nguyên là thầy tu xuất mà lãnh vực nào cũng có ông: Viết sách nào là Tâm Lý Bạn Trai, Tâm Lý Bạn Gái ...nào là ban chấp hành Văn Bút, Hội Hoàn Cầu Khải Tượng...Trong một giờ dạy, ông ngưng ngang bài giảng dành một phút mặc niệm cho Albert Camus bị tử nạn xe hơi đâu tận bên Tây. Tóm lại ông là một hiện tượng. 
                            Trở lại cái bờ lộ nhỏ như có nói sau có nhiều biệt thự đẹp của mấy ông Quận mà xây nhà ở Tỉnh.
                            **Phía Tây khởi từ Lê Văn Duyệt có hẻm nhỏ cạnh nhà gia đình Ds Yên Thị Ngọc Ðiệp, hẻm nầy rẽ phải rồi quẹo trái rồi quẹo phải, ngoằn ngoèo như vậy ngang qua nhà có dàn bông giấy của gia đình bạn Phạm Thị Ca mà sau nầy bạn về dạy cô giáo dưới Ba Tri quê chồng, tên bạn là thế, mà phần đông gọi bạn là cô Sơn Ca dù NhàQuê chưa nghe bạn hát lần nào! Ai là Bùi Thiện đây?? 
                            Tới một chút hẻm sẽ gặp phần nối dài của đường Ngô Tùng Châu, ngã tư nầy nhộn nhịp suốt ngày những quà bánh thuộc loại bán trong xóm ăn thiếu chịu lần nầy chồng chất lần khác. 
                            Khu vực đó có nhà bạn Ðỗ Quang Trượng, Ðỗ Quang Nuôi và vựa thu mua ve chai lông vịt chú Bảy Phát gia đình bạn Ðạt-Huỳnh Thị Hoa (Ðại Ðiền), Chú bảy cũng là nhạc phụ bạn Nguyễn Bá Tải. Con hẻm ấy nếu tới nữa sẽ vô được khu phố cho mướn của thầy Nguyễn Văn Cò thân phụ bạn Nguyễn Ðỗ Huân.
                            Những con đường theo hướng Ðông Tây có trải đá, tráng nhựa đến đây là hết, phần tiếp theo nhàQuê sẽ nói về các con lộ đất, hẻm... cũng chạy theo hướng Ðông Tây nầy mà vào thời đó chưa được tráng nhựa gì cả. 
                            NhàQuê 2005


                            #14
                              NhàQuê 19.03.2013 06:14:37 (permalink)

                              Những "con đường xưa Em đi"

                               Đông Tây 16


                                       Lộ Kiến Thiết


                               LỘ KIẾN THIẾT: Nối từ đường Trần Quốc Tuấn đến đường Nguyễn Huệ. Chỉ cách cạnh Bắc của hồ Chung Thủy có một dãy phố mà con lộ nầy đã là ngoại ô. Từ đường Trần Quốc Tuấn đổ dốc xuống, phía phải có mấy dãy nhà cư xá Kiến Thiết là hết. Phần còn lại phía nầy là ruộng trống cho tới đường Nguyễn Huệ, phần ruộng trống đó bao gồm luôn phía sau lưng nhà Hội Ðồng Thuận. 
                              Mặt lộ gạch đá lôn xộn cũng chỉ được trải tới hết khu cư xá mà thôi; Tức chưa được một phần tư con lộ Kiến Thiết nầy. Phần cư dân khoảng còn lại chắc nộp thuế không đầy đủ hay chỉ là những đứa con bất đắc dĩ nên không được chăm sóc.
                              Quả vậy! Phía trái nhà cửa đông đúc, chen chúc nhau, lớn nhỏ đủ cỡ, đủ loại vật liệu. Thế mà khu xóm đó là nơi có nhiều kẻ sĩ chưa "tới số" để ra làm quan nhất. Họ từ nhiều nơi "thâm sơn cùng cốc" tới đây tầm sư học đạo, một ngày kia thầy cho xuống núi giúp đời. "Thiếu thốn chỉ là tạm thời", "Người Quân Tử ăn chẳng cầu no", đọc sách thánh hiền dưới trăng và dưới ngọn đèn dầu hiu hắt...Ba mươi thước ngoài kia đèn điện sáng choang, chỉ có ba mươi thước mà điện di chuyển với vận tốc chậm chưa từng thấy.
                              Hơn bảy mươi lăm phần trăm lộ Kiến Thiết là đường đê trơn trợt, mùa mưa sĩ tử phải lội chân trần một đoạn. Lộ còn có nhiều ngã rẽ vào các lớp nhà bên trong, càng sâu càng đông vui; Thế cũng hơn miền đồng quê bội phần!
                              Trong nửa đoạn đầu phía trái nầy có nhà cô Lê Thị Hảo, cô làm giám thị trong trường Trung Học Kiến Hòa, cô là thân mẫu bạn Nguyễn Duy Liêm. Khoảng cuối năm 1969 gặp bạn vài lần trong căn gác đường Yên Ðỗ. Có người nói bạn hiện ở vùng " SaiGon Nhỏ" Little SaiGon, Nam California.
                              Nhắn tin: Ai biết hoặc gặp Cụ Nguyễn Duy Liêm nầy ở đâu vui lòng cho BenTreHome biết. Xin cám ơn trước.
                              Vài chi tiết: Cụ tuổi tròn trèm sáu mươi, dù học chung lớp nhưng mỗi lần thi, Cụ phải có giấy xin miễn tuổi vì Cụ bắt đầu đi học sớm.
                              Nước da đen vừa phải, tóc hơi quăn nên thoạt trông như người Ấn, nhớ đừng nói lén, Cụ rành tiếng Việt lắm, trước học kỹ thuật Phú Thọ.
                              Phía Ngoại Cụ ở cư xá Hàng Không đối diện chùa Vĩnh Nghiêm gần cầu Công Lý, dì Út của Cụ tuổi khoảng Cụ mà thôi. NhàQuê đòi làm dượng Út bị Cụ hăm "Uýnh".
                              Cụ thất lạc từ 1970.
                              Năm 1963 Cụ có chiếc xe Goebel mới toanh, ngồi chờ ráp từ hãng Tự Lực đường Phó Cơ Ðiều, Chợ Lớn. Cụ chở NhàQuê về Bến Tre ngay sáng sớm ngày hôm sau. Trong sương mai Cụ và NhàQuê hợp ca cho đỡ lạnh: "Tôi xa Ðô Thành một đêm trăng soi mong manh, khi ra đi rồi lòng vẫn nhớ vẫn thương... Bao nhiêu con đường nằm thức giấc giữa đêm khuya...". Nhắc như vậy, Cụ có mộng du cũng hồi tỉnh ngay.

                              Nhà cô Lê Thị Sâm cũng cùng phía và gần nhà cô Hảo. Về cô Sâm NhàQuê xin chỉ ghi lại bao nhiêu đây thôi, có lẽ không nên nói hơn!
                              Lộ Kiến Thiết đến gặp đường Nguyễn Huệ ở một nơi gọi là hãng dây luộc, chắc là có hãng làm loại dây thừng từ xơ dừa có lẽ! NhàQuê thực sự chưa thấy hãng nầy dù có tới đó mấy lần khi bạn Nguyễn Ngọc Ðiệp cùng quê trọ học ở đây. Bạn Ðiệp sau nầy là Sĩ Quan Truyền Tin, hiện định cư ở Florida. 
                              NhàQuê 2005

                               ><><><><><><><><

                              Phần Phụ Thêm: Cũng Phải Trồi Lên Mà!
                              (Không Có Trong Tuyển Tập Thơ Văn HÀNH HƯƠNG)
                               Ông Kẹ Nguyễn Duy Liêm nè mấy Thợ Săn Tin ơi! NhàQuê


                              Tue, 27 Jun 2006 18:19:50 +0200 From: "Duy Liem Nguyen" <liemnguyen@gmx.de>   Subject: Bạn xưa To: trongbtran@yahoo.com             Con ma nhà họ nhớ! Mấy hôm nay đọc bentrehome thấy có bác NhàQuê kể chuyện hồi xưa mới biết được mình có hai thằng bạn cũ có thời làm pháo thủ.          Trước đây lúc mà tao còn được phép múa bút và lao động bằng chỉ tay năm ngón, có nghĩa là người ta sai tao thì tao có thằng khác để mà sai lại thì tao có nhiều thời gian rỗi rãnh để đọc sách báo. Trong đó có báo Văn Nghệ Tiền Phong. Không phải báo nầy có bài vở giá trị gì, chỉ tại vì nó có nhiều chuyện và tranh vui cuời. Tranh vẽ cô Ký Điệu sánh vai cùng một ông lính ốm nhom, ông nầy trông còn tệ hơn là ông kẹ Liêm thuở 30 năm về truớc. Có nguời trông thấy mới hỏi rằng:    - Cô Ký ơi sao cô lựa ông nầy trông hom hem quá dzậy?    - Ấy, ấy...anh là pháo bing đấy Bác à.    - Pháo binh thì đã làm sao?    - Em nghe nguời ta hát là "..ai ơi đừng lấy pháo binh. Đêm nằm nó pháo rung rinh cửa nhà..". Làm em cứ tưởng thật!.
                                      Tao học ở Bentre từ lớp bốn trường tiểu học. Mười mấy năm ngựa sắt tung hoành khắp các đường sá hang cùng ngõ hep. Bao nhiêu lần thay vỏ xe đạp cho các cuộc tuần tra như vậy mà cũng không biết được và nhớ nhiều bằng mầy.Thằng nầy khá thật, chỗ nào cũng thuộc, em nào cũng biết! Có điều mầy tả chân tao như vậy thì tao có trốn như trốn nợ cũng có người biết mà lôi ra. Mầy nói chuyện về con nhỏ tên Tng thi Phg Tr. làm tao nhớ chuyện xưa buồn lắm. Bạn nầy đối với tao rất tốt. Sau nầy cha mẹ mất hết, nhà tan cửa nát bạn lưu lạc tận xứ Canada thuộc tiểu bang Quebec.         Mầy liên lạc hay tìm được địa chỉ của bạn nầy tao mới phục mầy là con ma nhà họ nhớ!
                                      Cho tao gởi lời thăm quan ba pháo thủ. Quan ngày xưa học hành chăm chỉ tao cứ phải mượn bài vở của quan về nhà chép lại. Quan hồi trước có cây thước kẻ bằng gỗ mun đen sì, tao mấy lần định ăn cắp mà không được. Quan giữ cây thước kỹ lưỡng quá!
                                       Thăm Bác NhàQuê, Connecticut thuộc tiểu bang nào vậy?
                               

                              #15
                                Thay đổi trang: 123 > | Trang 1 của 3 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 37 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9