Những "con đường xưa Em đi"
Ba Con Đường Tạo Thành Ngã Ba Tháp
Nam Bắc 9
Đại Lộ Phan Thanh Giản
(Tiếp Theo) Liên Tỉnh Lộ 6 (Đại Lộ Phan Thanh Giản nối dài) - LIÊN TỈNH LỘ 6 (phần nối dài Ðại Lộ Phan Thanh Giản): Liên tỉnh lộ 6 nối ba tỉnh Mỹ Tho, Bến Tre và Trà Vinh. Tỉnh Mỹ Tho dù mấy lần đổi tên gọi nhưng trong giao tiếp hàng ngày mọi người vẫn dùng tên Mỹ Tho. Lúc tên nước Mỹ còn xa lạ, người Bến Tre khi đi Mỹ Tho còn nói gọn là đi Mỹ nữa cà!
Quả thật Mỹ Tho hấp dẫn NhàQuê một thời gian dài vì nơi đó có cầu bắc và xe lửa, nhất là xe lửa. Anh con của chủ nhà NhàQuê trọ thỉnh thoảng đi Mỹ Tho câu cá. Một hôm thấy anh vui vẻ, cơ hội đã đến!
NhàQuê xin anh cho đi theo, anh lưỡng lự một chút rồi "Ừa", NhàQuê cảm thấy mình có thể nhảy cao được tới mái nhà: Sướng ơi là sướng!
Anh ừ rồi mà còn hỏi gặn: Ði chi vậy? NhàQuê không hổ thẹn tí nào, đem cả gan ruột mình cho Ảnh thấy: Em muốn coi xe lửa cho biết! Ảnh hứa vậy chứ hôm ấy chưa phải là ngày đi.
Một buổi cuối tuần quá trưa một chút, Ảnh sửa soạn có vẻ đi câu cá mà không nói NhàQuê tiếng nào hết, đánh bạo NhàQuê hỏi: Bữa nay cho em theo qua Mỹ câu cá với nhe!Anh mới kêu sửa soạn lẹ lên; Có gì đâu mà chuẩn bị, mặc bộ quần áo "tứ thời cảm mạo, nhất y nhất quởn, về xếp để đầu nằm khỏi ủi" là xong ngay! Leo lên ngồi sau lưng anh trên chiếc xe đạp lúc nào anh cũng chùi bóng mà lòng hân hoan khôn tả.
Thằng bé con của NhàQuê lần đầu tiên được dẫn đi Sài Gòn khi trông thấy chiếc bắc nó la lớn ai cũng nhìn nó "Trời ơi chiếc bắc bự!" Ðó là về sau khi nó nhìn thấy chiếc phà loại A-100, B-100, C-100 ...do hãng Caric ở Thủ Thiêm bên kia sông Sài Gòn đóng. Ký hiệu 100 chắc chỉ trọng tải của nó tính bằng tấn.
Lần đầu NhàQuê sang sông Tiền chưa có loại vừa nói, đi loại há mồm, nhỏ hơn chỉ chở một xe lớn hoặc vài xe loại nhỏ được cho xuống trước, xe chạy trên cầu sắt dẫn đến phao nổi, trên phao nổi có cầu hình chữ thập quay được, sau khi xe đã ở trên chữ thập rồi, phần chữ thập được quay cho mũi hoặc đít xe thẳng hướng mõm bàn đò (Phà), ràng rịch cẩn thận rồi xe mới chạy tới hoặc de vào tuỳ theo thế của nó được hướng đến.
Hành khách và người đi xe đạp hay xe gắn máy xuống sau, nhiều người đi trễ chạy chun qua cả mấy dây lòi tói ngăn trên cửa xuống bắc. ...
Sau khi bửng hay mõm bàn đò được quay lên và các dây đỏi đã móc ghịt đúng qui định đàng hoàng rồi, kẻng báo và Tài Công cho phà lui dần, trở đầu và trên đường sang sông. Phà rẽ nước và lòng người lần đầu tiên đi trên phương tiện "Hiện Ðại" nầy lâng lâng khó diễn tả được!
NhàQuê xin anh cho ra phía trước gần mũi để nhìn chi rõ, cù lao (Cồn Phụng) gần bên tay trái không có gì đáng nói, hiện ra cù lao Rồng mờ phía trước mặt có chiếc tàu chìm nằm nghiêng, càng gần càng xương xẩu, rỉ sét ...Mãi lo nhìn chiếc tàu chìm quên bên trái lại có cù lao thứ hai ( cù lao Tân Phong) mà giữa hai cù lao bên trái ấy có hàng đáy nhưng không thấy ghe xuồng đi lại gì cả.
Phà đã trở hướng quẹo về trái đi giữa cù lao Tân Phong và cù lao Rồng, Chiếc phà từ hướng Mỹ Tho sang cũng đang rẽ nước, hai chiếc qua mặt nhau rồi mà còn nghe được tiếng máy hù hì và nhìn rõ cả dòng nước bị xoáy do chân vịt quay tạo nên phía sau của chiếc phà ngược chiều đó.
Phà vòng mõm cù lao Rồng chuẩn bị cập bến, NhàQuê trở lại đứng cùng anh sợ lạc và tình cờ thấy một anh tàu chìm nữa cạnh bờ phía thành phố, chiếc nầy vì gần nên trông "bậm trợn" hơn và đen đủi hơn; Nhưng mục đích chuyến đi không phải xem chúng nên phút chốc đã lãng quên về các tàu chìm.
Bước chân khỏi mõm bàn đò, qua cầu sắt dẫn lên bờ: Chào Mỹ Tho, Chào Mỹ Tho!!!
Theo anh lên đến ngã tư đầu tiên, anh dừng lại hỏi: Giờ đi đâu? Tự nhiên trở thành người quyết định trong lúc chưa biết chút gì về cái Mỹ Tho nầy hết. NhàQuê cương quyết giữ vững lập trường không gì lay chuyển được: Ði coi xe lửa!
Anh mấy bước quẹo phải ở ngã tư, rồi ngẫm nghĩ sao anh quay trở lại hỏi dì bán bánh kẹo: Xe lửa về chưa vậy chị ? Ðược trả lời: Gần rồi đó! Gần rồi đó!
Anh băng qua ngã tư hướng cầu bắc lên đi thẳng. Dừng lại trước cổng sơn vạch đỏ vạch trắng xen kẽ, cổng mới vừa kéo đóng xuống, tất cả xe cộ và người đi bộ từ hai hướng đều dừng lại.
Hồi còi dài xa xa rồi rõ dần cùng tiếng máy xình xịch, càng gần tiếng sắt thép nghiến nhau...âm thanh khô khan cao vút rất hổn tạp.
Cửa gần toa đầu tiên có chú mặc đồ màu xanh đậm, đeo tòn ten cầm cờ đỏ phất lia lịa và thổi tu huýt liên hồi. Các toa lần lượt lướt qua và NhàQuê nhìn các bánh chạy rất "kỷ luật không chen lấn nhau" trên đường rầy; Trông thiệt đã thèm, thỏa mãn, không phí công mong đợi ngày giờ nầy bấy lâu.
Rồi vụt như quên điều gì: Trời ơi! quên nhìn cái ống khói coi nó thở khói thế nào mà theo sách vở đó là đầu máy hơi nước được đốt bằng than đá, qua rồi uổng thiệt!
Cổng mở trở lại, người ta hối hả tiếp tục đi theo hướng của mình có vẻ sự chờ đợi nãy giờ làm họ bực mình chứ không vui vẻ như "Kẻ ở miền xa" tới là NhàQuê.
Trở lại ngã tư lần nầy anh quẹo trái tức là hướng lúc đầu từ dưới bắc mới đi lên anh quẹo phải, anh hỏi vói ra phía sau: Coi xe lửa nữa hôn! Như trúng chỗ ngứa NhàQuê nói như reo: Còn nữa hả?!?!
Anh vẫn đạp xe đều đều. Tới một chỗ đột nhiên anh dừng lại tưởng anh nhường cho đám đông băng qua đường. Không! Ðó là bến xe lửa, trạm dừng cuối cùng ở đây.Theo hướng tay anh chỉ, NhàQuê thấy lại NÓ đang nằm thở: Vài cọng khói đang còn quyến luyến chưa chịu bay cao! Nhìn kỹ NÓ cũng già nua rỉ sét rất nhiều.
Thôi mình đi! Tất cả trở về thực tại là từ đây trở đi "chương trình" không còn tuỳ thuộc vào NhàQuê nữa! đi theo ảnh.Khỏi nhà hàng Cửu Long không xa, anh rẽ vào công viên có cây da và tìm băng đá hướng ra sông lớn ngồi, chỗ nầy gần như ngã ba sông, xe dựng dựa vào lan can bờ sông. Nơi đây có nhiều người câu cá giống như giải trí chứ thực sự không phải nhà nghề. Nhìn cách móc mồi là biết ngay!!
Anh mua cho NhàQuê mấy trái bắp luộc và mấy xâu mía ghim căn dặn kỹ: Coi chừng xe đạp!Và anh đi chắc là anh đi mua mồi và cần câu. Từ phút đó NhàQuê "chiến đấu xa làng quê" một mình, đơn thân và độc xe đạp sắt dựng trước mặt!! Vài cậu nhỏ hơn NhàQuê lân la: Bộ dưới quê mới lên hả?? Ði đánh giày với tụi tao hôn?? Thì ra!!
Ngồi nhìn ghe thuyền tấp nập mà chẳng khám phá được điều gì mới về "Nước Láng Giềng Mỹ Tho". Lâu lắm, vâng lâu lắm! Anh mới trở lại trông chút mệt mỏi nhưng vui vẻ hơn lúc nãy, lúc tách ra đi mua mồi và vẫn tay không, chẳng thấy món nào khác đính kèm. Anh ra lệnh: Thôi giờ mình về!
Mỹ Tho chỉ thế sao!!! Trời đã bắt đầu hơn hoàng hôn đôi chút...
Tạm biệt Mỹ Tho buổi sơ giao nhé! ... Trường Nguyễn Ðình Chiểu, Cầu Quay, Chợ Cũ, chùa Vĩnh Tràng... chắc còn xa hay đâu đây mà mình chưa biết!!
Trở lại Cầu Bắc , anh dẫn NhàQuê vô tiệm ăn làm mỗi người một tô hủ tiếu trong lúc chờ phà qua và cũng để đủ sức đạp xe về.
Ðã qua phần đất quê nhà, trăng cũng lên khá cao, ánh trăng làm các khu vườn mướt thêm nhưng có vẻ lành lạnh nhất là ngồi sau.
Có ánh trăng, dừa cao hai bên đường đổ bóng đọng thành những vũng đen trên măt đường tăng thêm cảm giác rờn rợn.
Một toán người cũng đi xe đạp tiến nhanh về cùng hướng càng lúc càng gần, họ kêu hú đợi đi chung cho vui: Chắc mấy tay nầy cũng đi coi xe lửa hay câu cá gì mới về đây!!Một lúc sau nữa họ lại thoát đi trước trong đoạn từ ngã ba Bình Ðại đến Phú An Hòa. Chập sau anh cũng thấm mệt và chuyển qua NhàQuê chở anh khi qua khỏi cầu Ba Lai. Về tới nhà gần nửa đêm. Khó ngủ, nằm thả suy nghĩ đi lại con đường đã đi ban trưa.
Mấy ngày sau hai anh Tám Huốn và Ba Nhơn hỏi NhàQuê "Bộ mới đi Mỹ Tho câu cá hả?" với cái cười mỉm chi khó hiểu. Sau nầy NhàQuê mới biết ra tiếng lóng đó: Là đi viếng Hồng Ðăng Trấn Red Light District; Hèn chi mệt!! Không như Hòa Lan "thị trấn đèn đỏ" mở cửa công khai hợp pháp, còn xứ ta "dùng dằn" nửa muốn nửa không; Thôi vụ nầy để cho các nhà Xã Hội Học lo.
Trong các năm có cuộc đua xe đạp Cà Mau-Bến Hải, vài lần đoạn liên tỉnh lộ 6 từ Mỹ Tho qua Bến Tre cũng được nằm trong lộ trình, dịp nầy hai bên đường đông nghẹt người xem các "cua rơ" trổ tài, những con tuấn mã sắt cũng khác chiếc xe máy đạp thường dùng: giản dị, càng gọn nhẹ càng tốt.
Tay đua về nhất một đoạn sẽ được mặc áo vàng trong đoạn kế tiếp: Lê Thành Các được báo chí đặt tên cho là "Con Phượng Hoàng" nhiều lần thắng giải, báo hằng ngày bán sạch vì người ái mộ theo dõi tin tức cuộc đua nhất là các đoạn gay go leo dốc đổ đèo khi đoàn xe đua ra tới miền Trung.
Ngày nay ai cũng biết cuộc đua Vòng Quanh Nước Pháp "Tour de France" khó khăn vất vả nhưng hấp dẫn các tay đua Năm Châu Bốn Biển và ai cũng biết đến anh chàng "cải số trời" Lance Amstrong thắng bảy lần liên tiếp giải Tour de France, từ người bị cancer đã thoát lưỡi hái để nay cancer-free.
Một Amstrong khác Neil Amstrong, người đầu tiên đặt chân lên nguyệt cầu gọi về trái đất: Houston! Houston! ...(danh hiệu đài kiểm soát chuyến bay đặt tại Houston, Texas-USA; Ðó cũng là tên thành phố được nói đến đầu tiên từ mặt trăng). Phi Hành Gia Neil Amstrong đã gởi về trái đất tin vui "Ðây là những bước chân nhỏ; nhưng là bước tiến xa". TV trực tiếp truyền hình và còn hình ảnh lưu giử; Vậy mà gần đây có sự hoài nghi vì mấy cái bóng (shadows) ngược nhau sao đó! Thế sử sách còn tin được không? khi mà chúng được biên chép có lảnh lương và dựa vào những tài liệu được nhả ra theo nhu cầu của từng thời điểm. Nghi lắm thay! Dù tích xưa nói rằng có nhà chép sử thà chết chứ không chịu viết lại theo lịnh bạo chúa! Có mấy ai! Mút chỉ Cà Tha!
Nhân nói đến TV, nói các bạn đừng cười, NhàQuê có nghe nói tới TV màu mà thực sự chỉ biết khi đến cái xứ nầy lúc 44 tuổi mấy ngày. Chuyện nầy cũng có thật trăm phần trăm em ơi! Chiều nay...!
Bốn mươi lăm năm về trước lần đầu tiên Bến Tre tổ chức kỳ thi Trung Học Ðệ Nhất Cấp, bọn NhàQuê khỏi phải qua tận Mỹ Tho như các lớp đàn anh. Các môn thi toàn viết và có vài sửa đổi trong đó môn sinh ngử 1 Pháp Văn thay vì làm bài luận (Rédaction) thay thế bằng bài Thème, trong đề thi có đoạn phải dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp như sau:..Chúng ta đang ở vào Thời Ðại Phản Lực, Hỏa Tiển và Nguyên Tử, nằm trên giường vói tay vặn nút Vô Tuyến Truyền Hình chúng ta có thể thấy được những sự việc xảy ra cách xa ta hằng mấy ngàn cây số... Cho đề gì ác quá vậy mấy ông!!! Trong các chữ viết hoa chỉ biết được có một là Nguyên Tử vì trong môn hóa học có học về phân tử, nguyên tử và Nhật Bản thay mặt nhân loại lảnh bom Nguyên Tử 15 năm về trước. Giám thị coi thi thương tình chạy hỏi lung tung mà cũng không khá gì hơn nhất là chữ Vô Tuyến Truyền Hình!...
Hôm sau trên báo có in bài giải Vô Tuyến Truyền Hình là télévision viết tắt là TV, thời đó 1960 cái món nầy chưa có ở đâu hết từ Cà Mau cho tới Bến Hải, nếu có chắc cũng khối người bao xe đi xem cho biết kiểu NhàQuê xem xe lửa vậy.
Không như ngày nay món TV bắt buộc phải có trong mọi gia đình, ngang hàng với các vật dụng cần thiết như: bếp, tủ lạnh, điện thoại, máy giặt máy sấy...
Ðám cháu nội, ngoại chưa tới tuổi đi học, chúng học theo TV mà ra đường, vô khu thương mại chúng dạn dĩ chào hỏi khách bộ hành qua lại mua sắm, khác xa cha ông chúng tránh né dân bản xứ không phải vì họ cao lớn hơn mà sợ người ta Hello bất tử hoặc họ nói cái gì có khi đi cả buổi mới nghiệm ra, định quay lại trả lời thì "trễ rồi Băng Ðình ơi! thuyền đã ra cửa biển ..".
Mấy anh chị trước NhàQuê một lớp vẫn còn thi luận Pháp Văn, nghe kể lại là đề thi năm 1959:... Ðang đi gặp trời mưa bạn thấy một auberge, hãy tả nó ...
Cả phòng thi chẳng ai biết auberge là gì, giám thị hỏi dùm nhắc auberge là quán cốc, vì nhắc nho nhỏ và che miệng nên có người nghe lầm là con cóc.Trời mưa gặp cóc nghiến răng là phải rồi! Lập luận đúng lô gic quá đi chớ! Tới luôn bác tài bèn tả con cóc : Trật "ngàn dậm dưới đáy biển"!
Tới Paris NhàQuê gặp và vào ăn ở auberge dưới hầm, bảng hiệu có chua thêm tiếng Hồng Mao là restaurant.Cũng được miễn ngon, rượu uống thả cửa không hạn chế theo mỗi món ăn dọn lên, chắc cũng thuộc loại bình dân rẻ tiền; Không sao, rượu Tây mà !
Vài tuần rượu vào thấy tới hai, ba Paris cùng lúc, đẹp hơn duyên dáng hơn lên!! Tư Ếch chào mừng Ba Lê và Paris vui vẻ vẫy chào Tư Ếch!! Có chữ TV mà vòng vo Tam Quốc quá đi bạn NhàQuê! Vậy qua chuyện khác nha!g
Nếu khởi đi từ ngã sáu chỗ Lộ Hàng Keo, cụm buôn bán linh tinh bên trái có hủ tiếu Ðịnh Quán ngon không thua gì hủ tiếu Mỹ Tho danh tiếng, hủ tiếu Thanh Xuân của little Sài Gòn tiếp khách như hạch, thua xa cả cây số!
Bên phải có cây xăng mới mở, đó là cây xăng thứ ba trong tỉnh lỵ, cái lạ là cả ba đều nằm trên con đường huyết mạch nầy và cùng một bên. NhàQuê biết rõ vị trí chúng nhưng không nhớ tên chi tiết từng cây xăng một, tên mỗi cây xăng theo "phong tục" thường gọi theo tên người chủ đầu tiên cho dễ xác định, dù cho đã mua qua bán lại sang chủ đổi tớ bao lần. Tên hiệu chính thức vào thời đó thu gọn trong ba thứ sau đây: Esso, Shell và Caltex .
Con đường từ Sài Gòn qua khỏi cầu Trịnh Minh Thế, qua khỏi các kho thương cảng, khỏi cầu Tân Thuận, bắt đầu bon bon trên đường đi Nhà Bè.Cuối đường là Mũi Tàu vì địa thế có hình dáng như vậy, dòng sông chánh hướng ra Vũng Tàu, Rừng Sát. Nhánh rẽ đi Cây Khô, Cần Giuộc...Chính nơi đó "Nhà Bè nước chảy chia hai-Ai dìa Gia Ðịnh Ðồng Nai thì dìa".
Trước khi đến cùng đường mạc lộ nầy, vừa xuống dốc cầu Phú Xuân bên phải là chợ Phú Xuân Nhà Bè (có xe mực nướng cán phết tương xay ngon bá phát, ngon vì tương xay bí truyền! Ðọc đến đây xin nhớ nuốt nước miếng dằn xuống dù răng cỏ không còn đủ vững để nhai khô nữa). Bên trái lần lượt có ba con đường lớn, rộng, chúng cùng phát nguyên cách khoảng đều nhau tổng cộng độ một cây số theo chiều dài của con đường cái quan Sài Gòn Nhà Bè.Những con đường ấy, sau khi chạy qua mấy thủa ruộng mỏng, dẫn vào ba kho xăng cũng theo thứ tự vừa kể: Esso, Shell rồi Caltex. Ba kho xăng tựa lưng vào sông Sài Gòn. Suốt ngày các xe bồn vào đổ đầy xăng dầu, trở ra đi phân phối các trạm xăng khắp nơi từ miền Ðông cho tới Lục Tỉnh, đương nhiên ba cây xăng tỉnh lỵ Bến Tre cũng theo cách ấy. Ðặc biệt đường dẫn vào kho xăng Shell có quán "hủ tiếu lòng" ngon nhất dương chỉ, bán buổi sáng mấy nồi là xong, đi trễ nhịn!
NhàQuê và Sếp nhiều lần cũng trong số thực khách đứng đợi, chờ chỗ ngồi đến khi có người ăn xong đứng dậy, có khi ngồi luôn trên xe cho tiện khỏi phải chờ, thế mà ngon bội phần, đợi lâu nuốt nước bọt ừng ực mau no lắm!!
NhàQuê cũng được phép đi luồn ngang lách dọc bên trong qua lại các kho và xuống bến xem các đoàn tàu từ Nam Vang qua lấy xăng, những khi Sihanoukville bị trở ngại, họ đem theo lạp xưởng Nam Vang bán, mua thẳng với giá rẻ mà ngon hơn lạp xưởng ta nhiều.
Nước ta trong một thời gian dài đứng đầu Thế giới là nước có nhiều cây xăng dọc mọi nẻo đường: Một cục gạch, một chai lít nút có khi là lá chuối cuộn lại, không có gì trong đó. Cây xăng đấy! Gần hết xăng bạn cứ việc tấp vào đổ cũng vui lòng khách đến vừa lòng khách đi ra phết!
Thuở nhỏ thấy Ba Má đựng xăng trong cái ve nhỏ để dành chế hộp quẹt máy...cái gì cũng máy. Ngày nay mấy bà không cần đòi ông xã đèo chở như "ngày xưa thân ái" nữa mà tự lái rồi cạ cạ thẻ rồi tự bợ vòi đổ lấy Vô Tư!!
Trở lại Liên tỉnh lộ 6, tới hơn chút có cái trại nhập ngũ là đáng nói, nơi đây ở đỡ ít hôm của các thanh niên bị tóm nhiều nơi, nhiều hoàn cảnh, nhiều trình độ yêu nước khác nhau...Rồi mai ta lên đường. Trại ấy sau tận thế là nơi tạm trú những ai lên đường lênh đênh không suôn sẻ ghé đây sạch sẽ gác tay lên trán nghỉ tạm.Tiếp tới đồng trống rồi cái bờ nhỏ vào chùa, am hay miếu miễu gì đó mà cũng là đường vào xóm nghĩa địa người Tàu.
Lại cũng nghĩa địa có phần đất trũng sâu do bị lấy đất thái quá, trước khi đến đình Phú khương nổi tiếng ma; Bạn Ẩn Hồ kể lại có anh xe lôi dù đã nghe kể nơi đó có ma, mà vì nghèo cần đong gạo cho con đã liều lĩnh đi cuốc đã quá khuya, trở về ngất xỉu bên đường trước ngôi đình khi nghe trên cây da cạnh đình có tiếng nói của ma mẹ dỗ dành ma con: Ðể mẹ bắt thằng xe lôi lên cho con chơi nhe!!
Dọc hàng cây dầu cao ngất của ngôi đình nơi đó có trường Trúc Giang của thầy Sửu ra đời góp mặt trong hàng ngũ các trường tư thục, học sinh tư thục do nhiều hoàn cảnh khác nhau không được theo học trường công, không vì thế mà trường tư không có nhiều học sinh xuất sắc chẳng kém gì bên công lập, về sau nhiều bạn đạt học vị cao đại học: Ðường dài mới biết ngựa hay!
Trong lúc đó bên phía trái từ ngã sáu lên có nhà máy nước đá Vĩnh Hiệp hơi sâu vào trong chút, tiếng máy chạy ì ành ngày đêm bốn mùa, tiếp đến dãy trường Khai Minh mái tôn, nhà để xe không đủ, học sinh để xe đạp lỗm ngỗm trên sân, trường tư nầy chỉ dạy hết bậc đệ nhất cấp, nhiều bạn sau đó vào được Công Lập. Trường Khai Minh đóng cửa cùng một số trường khác như: Hàn Thuyên, Cộng Hòa, Phong Châu, Trí Ðức, Phước Thiện, Riêng Bác Ái trở thành trường bán công (??)...chỉ còn lại ba trường tư có bậc đệ nhị cấp Trúc Giang, Bồ Ðề, Tân Dân là trường kỳ kháng chiến bên cạnh Trung Học Công Lập Kiến Hòa đến hơi thở khò khè...
Qua khỏi trường có ngôi nhà lầu, tường đá mài nghe nói gia chủ trúng số độc đắc sổ số kiến thiết?? Từ đó đến xa tận ngã tư Phú Khương chỉ có cái Trung Tâm Chiêu Hồi ngang bên kia đường của trường Trúc Giang là đáng nói, cái trung tâm nầy chứa xà bần thiệt có giả có: Bỏ giò lái!!!
Ðoạn ngã tư Phú khương đến ngã ba Tân thành hai bên xen kẻ nhà ở và nghĩa địa, hai bên đường có những cây dầu cao, trông thấy từ xa lúc vừa qua khúc quanh khỏi cầu Ba Lai đôi chút khi từ hướng Mỹ Tho về. Ðất Thánh Tây toàn mộ đá và xi măng dường như người quá cố đồng đạo nhau, có mấy cây bằng lăng hoa tím, vừa sạch sẽ vừa dấu chỉ giàu có khác hẳn bên kia đường mồ mả hổn tạp sơ sài ...giàu nghèo có khác...
Qua thời gian, ngã ba nơi liên tỉnh lộ 6 có nhánh tách ra đi Sóc Sãi, Tiên Thủy, Cái Nứa, cái ngã ba có nhiều tên gọi: Ngã ba Tân Thành, ngã ba Giồng Dầu, ngã ba Hàm Long. ngã ba Sóc Sãi ...và nhiều nữa về sau, nhưng hãy gọi là "Ngã Rẽ Tâm Tình" cho nó có chút cải lương vọng cổ vì không xa nơi đó cánh đồng Ba Lai thoáng mát, thơ mộng, không ít cặp trai gái đưa nhau ra đấy tâm tình đêm trăng tỏ...cũng có khi sau đó đường ai nấy đi...Không cần đêm trăng, mùa ruộng lên đòng cùng nhau câu cá nhàn tản cũng đã niềm nhớ khôn nguôi!Nơi ấy về sau gần như đông đúc nhà vườn san sát mất đi nhiều dáng vẻ đáng yêu ngày nào.
Bên kia tầm nhìn rừng dừa giăng ngang kéo dài từ Phú Túc qua Tam Phước đến hết Hữu Ðịnh, Khóm dừa nơi có cầu Ba Lai mà có tới ba tên khác nhau: xã Tam Phước, cầu Ba Lai, trường Thạnh Hựu và có thể còn vài tên khác nữa để chỉ có mỗi một nơi chốn nằm trên con đường liên tỉnh số 6 nầy
NhàQuê