Những "con đường xưa Em đi"

Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 31 đến 37 trên tổng số 37 bài trong đề mục
Tác giả Bài
NhàQuê
  • Số bài : 2270
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 12.12.2006
Re:Những "con đường xưa Em đi" - 19.03.2013 07:04:06

 Những "con đường xưa Em đi"
Ba Con Đường Tạo Thành Ngã Ba Tháp
Nam Bắc 10


Đường Lê Văn Duyệt
 



ÐƯỜNG LÊ VĂN DUYỆT:Mời các Bạn cùng NhàQuê đi theo hướng từ Bắc xuống Nam khởi từ Ngã Sáu có Lộ Hàng Keo, phía đường nầy dù trải nhựa nhưng lởm chởm do thiếu bảo trì đúng mức hoặc đúng định kỳ, bụi mịt mù khi có xe qua lại. 

Ðoạn tới ngang Tháp có lúc cho giao thông hai chiều, có lúc chỉ một chiều về phía Tháp. 
Ðường Lê Văn Duyệt lần lượt vượt ngang qua: Hẻm Ðại Ðồng, nhà máy nước đá Lê Thành Hương, Lộ Mới, trường tư thục Cộng Hòa.
Trước khi đến Mỹ Hòa Chay và Hẻm mang cùng tên, chúng ta ngang tư thất cụ Nguyễn Văn Trinh, vị Hiệu Trưởng đầu tiên trường Trung Học Công Lập Bến Tre liền trước khi đến chùa Phật Ân. 
NhàQuê nhìn biết Cụ từ khi chưa vào Trung Học vì Cụ nhiều lần đi thanh tra, khám lớp các trường dưới Ba Tri, mấy thầy cô bị Cụ bất ngờ dự giờ vừa dạy vừa run cầm cập, tái mét. Cụ thanh tra xong, thầy cô dạy lớp được khen cũng chưa dám cười. 
Các lần Cụ khám xét thăng thưởng còn gian nan hơn, thầy cô dịp đó khỏi cần ăn kiêng cũng xuống cân thầy rõ: Nào chuẩn bị giáo trình, học cụ, chỉnh đốn sổ sách, dặn dò học sinh ráng học thuộc bài phòng khi thình lình bị thanh tra chọn hỏi và nhất là đừng khớp, hãy bình tỉnh như thầy cô mình, nhưng xét ra trong giờ phút hồn phi phách tán đó, trò bình tỉnh hơn thầy cô nhiều, Vô Tư!! 
Mời các Bạn nghe cậu bé bên cạnh nhà đoàn thanh tra tạm nghỉ đêm: " Má ơi má! giờ con học bài nha, con học bài cách trí, cô con nói ngày mơi có mấy Ông thanh tra lận...Ờ ! học đi con!..... Rắn rắn rắn rắn rắn...Rắn là một loại bò, rắn là một loại bò, rắn là một loại bò, rắn là một loại bò......sát không chân, sát không chân, sát không chân, sát không chân......Rắn là một loại bò sát không chân, rắn là một loại bò sát không chân......Con thuộc bài rồi con tắt đèn đi ngủ nghe má? Ờ!"
Cụ cũng giúp đỡ học sinh Trung Học Công Lập Bến Tre, khi đó Cụ kiêm nhiệm luôn chức Trưởng Ty Tiểu Học, Cụ tuyển các anh chị lớp đầu tiên đàn anh chị NhàQuê làm thầy giáo cô giáo cho nhu cầu mở mang giáo dục tới tận vùng nông thôn trong các đợt cần tuyển giáo viên tiểu học ngoại ngạch, về sau các anh chị nầy cũng dần dần nhập ngạch. 
Cụ đi xe đạp loại cao giàn vành 700 cỡ NhàQuê khó lòng đạp tới: niềng 650 NhàQuê đã vất vả rồi!
Chị Liễu con Cụ chạy lẹ lắm nhe anh "Liễu", cẩn thận đó!, chị thi chạy đua mỗi năm. 
Nhan Khương cũng con Cụ học sau NhàQuê mấy năm, bạn nầy không chạy nhảy với đời mà chọn con đường tu tịnh, giúp người nghèo đói...
Có nghe nói cụ hiệu trưởng Nguyễn Văn Trinh được ân thưởng Ðệ Ngũ Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương do những cống hiến của Cụ cho Ðất Nước, cho sự nghiệp Giáo Dục, trước khi hưu Cụ đã được tưởng thưởng Chương Mỹ Bội Tinh Ðệ Nhị Hạng: Kính mừng và cũng Vĩnh Biệt Cụ!
Chùa Phật Ân có người nói đó là chùa chánh: Tỉnh Hội Phật Giáo Tỉnh Bến Tre; chuyện đó NhàQuê không rành nhưng biết chắc rằng đầu năm đến chùa hái lộc thoải mái, cây lá nhiều nên không cần hạn chế! Nói vậy chứ cũng hái tượng trưng, chừa cho người ta ... nghe mấy cha mấy mợ!

Bên kia đường trước cửa chùa dùng làm bến xe đò đi các quận và sau là xe lam chạy đường ngắn hơn đi các xã, quận gần.
Ðoạn kế tiếp có nhà sếp Giám cửa hướng ra sau nhà Bs Huê; Ông là giám thị chỉ huy nhóm thợ chuyên môn trong Ty Công Chánh và người ta cũng thường nói về sự đảm đang của bà Sếp. 
Anh Nguyễn Văn Ðạt con ông có xuống làm hiệu trưởng Trường Tiểu Học Ba Tri vài tháng nên kiêm nhiệm luôn Trung Học trong giai đoạn trường mới mở chưa bao lâu; Anh xuống dưới vì bị kỷ luật: Nghiện! 
Còn cái bạn Ðây em anh cũng con ông Sếp, thì NhàQuê chỉ biết chứ không quen: mấy bạn chạy vespa chưa có bằng lái khó quen quá!!
Còn nhiều nhà nữa tất cả khang trang, cuối đoạn đó là nhà gia đình bạn Yên Thị Ngọc Ðiệp, Ngọc Yến, Cẩu Chẩy, Yên Chấn Huê nơi giao điểm Lê Văn Duyệt và Hai Bà Trưng.
Từ đây đến gặp đường Trương Tấn Bửu (ngã ba) lần lượt qua: ngã tư Nguyễn Tri Phương, ngã tư Gia Long, ngã ba đường vào Ngân Khố đều đã có nói ít nhiều rồi.
Duy chỉ trên đoạn còn lại nầy có lần đua xe máy dầu từ ngã ba Tân Thành về có người tử nạn do thoát đi quá nhanh, không thống nhất theo dặn dò về mục đích cuộc đua và an toàn lộ trình của thầy Nguyễn Khương Nhuận.
Chuyện lúc đó NhàQuê chưa lên nhậm chức “học sinh Trung Học” nên nghe nói lại và biết đại khái như vậy.
NhàQuê 2006



NhàQuê
  • Số bài : 2270
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 12.12.2006
Re:Những "con đường xưa Em đi" - 19.03.2013 07:06:21

 Những "con đường xưa Em đi"
Nam Bắc 11


Đường Lê Đại Hành


ÐƯỜNG LÊ ĐẠI HÀNH: Ðường Lê Đại Hành khởi từ đại lộ Hùng Vương chỗ hai cầu tàu ông chánh, cặp hông dinh Tỉnh Trưởng, dọc theo dãy nhà dành cho gia đinh hầu cận và phòng thủ canh gác, lẽ ra đường đi đến trước cửa trung tâm hành chánh, nhưng vì khu vực tòa hành chánh sau nầy có xây rào nên đường Lê Đại Hành đến gặp tạo ngã ba với đường Trương Tấn Bửu là hết!
Nếu từ bờ sông lên, Dinh Tỉnh Trưởng bên trái. Bên phải có dinh quận Châu Thành ngay góc ngã ba Trương Tấn Bửu.
Vì vị thế đặc biệt là khu dinh thự nên ít người đi lại trên đường nầy.
NhàQuê 2006



NhàQuê
  • Số bài : 2270
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 12.12.2006
Re:Những "con đường xưa Em đi" - 19.03.2013 07:09:28

Những "con đường xưa Em đi"
Nam Bắc 12


Đại Lộ Đinh Tiên Hoàng


ÐẠI LỘ ÐINH TIÊN HOÀNG: Song song với đường Lê Đại Hành, cũng tạo ngã ba với Trương Tấn Bửu hơi đối diện cổng vào Tòa Hành Chánh và cũng cặp hông dinh Tỉnh Trưởng.
Bên phía phải đại lộ Ðinh Tiên Hoàng tính theo chiều tới mé sông có Sở Cứu Hỏa, rồi tới trường Nhà Lá: Trường gồm ba dãy hình chữ U, hướng về sở Cứu Hỏa hay đúng hơn là nơi rửa công xa.
Trường là nơi học tạm chờ khu trường tiểu học Phan Thanh Giản xây xong.
Trường do thầy Trần Văn Ðinh làm Hiệu Trưởng dù học ở nơi chốn tạm bợ vậy mà đến kỳ thi và thi tuyển vào đệ thất công lập tỷ số học sinh trúng tuyển rất cao. 
Gần góc ngã ba với Hùng Vương có cơ sở thứ hai của Lê Công Thuận sản suất các sản phẩm từ xi măng.
NhàQuê 2006
 



NhàQuê
  • Số bài : 2270
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 12.12.2006
Re:Những "con đường xưa Em đi" - 19.03.2013 07:21:26

Những "con đường xưa Em đi"
Nam Bắc 13


Đường Thủ Khoa Huân


ÐƯỜNG THỦ KHOA HUÂN: Vị thế cũng như hai đường Lê Đại Hành và đại lộ Ðinh Tiên Hoàng cũng tạo ngã ba với cả Trương Tấn Bửu và Hùng Vương, dù đường chỉ là gạch nối ngắn bên trái có trường Trung học Tư Thục Bác Ái, so với các trường tư không có lớp đệ nhị cấp thì trường Bác Ái thọ hơn cả. Bên phải từ giữa cho tới Hùng Vương là các cơ sở phụ thuộc nhà thờ Bến Tre trong đó có phòng cha Tỏ dạy nhạc cho ban nhạc và ban hát thánh ca giáo đường nầy. Cha Tỏ cũng thường lên trên khu sân vận động đánh tennis, lúc đó ông mặc đồ thể thao, trán ông bắt đầu hói: Ông đen thui hà!
NhàQuê 2006

Phần Sưu Tầm Về Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân

Nguyễn Hữu Huân được ghi nhận là "một hiện tượng đặc sắc của văn học yêu nước thế kỷ 19 của Việt Nam: hiện tượng nhà thơ - chiến sĩ."
Bài thơ chữ Hán dưới đây, ông làm trước khi bị chém, nay được tạc nơi bia mộ ông. Sau đây là bản dịch của Phan Bội Châu:
Ruổi dong vó ngựa trả thù chung
Binh bại cho nên mạng phải cùng.
Tiết nghĩa vẫn lưu cùng vũ trụ,
Hơn thua xá kể với anh hùng.
Nổi xung mất vía quân Hồ lỗ
Quyết thác không hàng, rạng núi sông.
Tho thuỷ ngày rày pha máu đỏ,
Đảo Rồng hiu hắt ngọn thu phong.
Và:
Hai bên thiên hạ thấy hay không ?
Một gánh cương thường, há phải gông.
Oằn oại hai vai quân tử trúc,
Long lay một cổ trượng phu tòng.
Sống về đất Bắc, danh còn rạng
Thác ở thành Nam, tiếng bỏ không
Thắng bại, doanh thâu trời khiến chịu
“Phản thần”,“đéo ỏa” đứa cười ông!

Bài thơ ông làm nghe tin vợ dám đi kiện quan đầu tỉnh An Giang, và đòi Pháp thả chồng:

Xem qua thư gửi rất kinh hoàng
Nhi nữ chà chà cũng lớn gan
Đơn bẩm cuối lòn loài bạch quỷ,
Sân quỳ vất vả phận hồng nhan
Bán mình đâu nệ phiền lòng sắt,
Chuộc tội thà xin trọn nghĩa vàng
Tiết khí dưới trần coi ít mặt,
Cang thường càng chuộng gánh giang san.

Ông làm trước khi bị đày ra đảo Cayenne ở Nam Mỹ:
Muôn việc cho hay số bởi trời
Chiếc thân chìm nổi biết bao nơi
Mấy hồi tên đạn ra tay thử,
Ngàn dặm non sông dạo gót chơi.
Chén rượu Tân đình nào luận tiệc
Vần thơ cố quốc chẳng ra lời.
Cương thường bởi biết mang nên nặng,
Hễ đứng làm trai trả nợ đời.

Nhân nhà Tổng đốc Phương có tiệc, ông làm bài này để đọc cho mọi người nghe:
Nghĩ thẹn râu mày với nước non
Nhìn nay tùng, cúc bạn xưa còn.
Miếu đường cách trở niềm tôi chúa,
Gia thất riêng buồn nỗi vợ con.
Áo Hán nhiều phen thay vẻ lạ,
Rượu Hồ một mặt đắm mùi ngon
Giang Đông nổi tiếng nhiều tay giỏi,
Cuốn đất kìa ai, dám hỏi đon!

Qua hình ảnh “cây bắp”, để tỏ bày tấm lòng cùng khát vọng của ông:
Luống chịu ba trăng trấn cõi bờ,
Hiềm vì thương chút chúng dân thơ.
Nương oai tích lịch ôm con đỏ,
Vâng lịnh nam phong phất ngọn cờ.
Miễn đặng an nhà cùng lợi nước
Chỉ nài dãi gió với dầm mưa.
 
Hai câu đối do Nguyễn Hữu Huân làm trước khi bị thụ hình, hiện được treo trang trọng tại bàn thờ của ông.
Hữu chí nan thân, không uổng bách niên chiêu vật nghị,Tuy công bất tựu, diệc tương nhất tử báo quân ân.
Tạm dịch:
Có chí khôn bày, không uổng trăm năm lời nghị chúngTuy công chưa thành, cũng đành một thác báo ơn vua
.



NhàQuê
  • Số bài : 2270
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 12.12.2006
Re:Những "con đường xưa Em đi" - 19.03.2013 07:23:42
 
Những "con đường xưa Em đi"
Nam Bắc 14


Đường Ngô Tùng Châu


ÐƯỜNG NGÔ TÙNG CHÂU: Khúc từ sau lưng Tòa Hành Chánh đến Gia Long tức đoạn có Ty Canh Nông sau nầy đóng, không còn là đường giao thông đi lại nữa và có cất thêm nhà tiền chế cho nhiều phòng ban mà tòa hành chánh không còn đủ chỗ.Từ khi trung ương tản quyền, NhàQuê nhiều lúc cũng cầm giùm giấy tờ tới xóm con ghẻ nầy để kiểm soát ước chi, trước đó phải gởi đi Sài Gòn, nhờ chỗ bạn bè cũ cùng nhau đi làm chầu cà phê đá là máy chạy nhanh hơn, thông qua dễ dàng: Nhất Thân Nhì Thế mà!.Nếu tính từ Gia Long đi trở đến Nguyễn Tri Phương phải kể ngôi nhà lầu của thầy Lâu thân phụ thầy Trần Công Bình (Vĩnh biệt thầy Bình).
Nhà có nhỏ Cẩm Vân đâu bên miệt Mỏ Cày qua trọ học, chiều chiều Nhỏ ngồi trên bao lơn hong tóc dưới đường khối đứa lượn qua lượn lại, bữa nào Nhỏ không ra hoặc Nhỏ về Mỏ Cày buồn biết mấy! 
 NhàQuê cho mái tóc ngang lưng của Nhỏ là "mái tóc đẹp nhất thế kỷ 20". Có đi sau lưng Nhỏ ngắm vẻ hài hòa mới thấy cả cầu Tràng Tiền, trường Ðồng Khánh, núi Ngự sông Hương đều qui tụ về đây, chảy duyên dáng kiêu sa xuống vai Nhỏ!!!! Phải không các cụ?

Mái tóc ấy nay xiêu lạc nơi về đâu? Nhỏ có muốn lấy report card không? Liên lạc trongbtran@hotmail.com sẽ cho biết Nhỏ được bao nhiêu điểm, được nhận bộ răng giả hay chai thuốc nhuộm tóc hiệu con công theo thông cáo chui đăng trong phần hẻm Mỹ Hòa Chay.
Bên kia đường có nhà bạn Nguyễn Bá Tải, cái chàng Goalkeeper nầy như đã nói banh đi cao thấp gì cũng bay và ưa nằm sân. Ở ngoài khán giả nơm nớp sợ Tải ta chấn thương nặng:Hắn tiết lộ đó là mánh lớ nhà nghề, chứ bắt hụt banh mà không giả bộ nằm vạ đồng thời đứng dậy đi cà nhắc thì có nước bị chửi la ó tơi bời. Cũng hay!!
Cạnh đó có trường dạy đánh máy Nguyễn Tấn, trường nầy có trước trường Thái Dương trên đường Trạng Trình rất lâu, sau khi đi làm "Thế Vì Khai Sanh" ở tòa án, thấy cô tám Ðồng đánh máy lẹ hết kỵ, Ba muốn NhàQuê sau nầy cũng được như vậy.
Làm thư ký đánh máy khó lắm nha các bạn! Bản văn có viết trật chánh tả khi qua thơ ký đánh máy phải tự sửa lỗi ấy: Ðã Tự Viên phải giỏi chánh tả, điều nầy NhàQuê bái!Trường đánh máy còn bán đủ loại mẫu đơn " ...ngày...tháng...năm...kính gởi:...Tôi đứng tên dưới đây...Nay tôi làm đơn nầy......Trong khi chờ đợi xin...nhận nơi đây lòng biết ơn của tôi (hoặc nếu được chấp thuận tôi xin đội ơn)....nay kính...Ðương sự ký tên hoặc lăn tay..." Ðơn kêu oan lời lẽ còn thống thiết hơn nhiều.
Ðường Ngô Tùng Châu qua khỏi đường Nguyễn Tri Phương trở thành hẻm Bảy Phát tên gọi thói quen vì nơi ấy có vựa ve chai lông vịt, đồ phế liệu của chú bảy Phát, chú cũng là nhạc phụ bạn Nguyễn Bá Tải vừa nói đoạn trước, gần đó là nơi gặp nhau của các con hẻm khác dẫn tới từ đường Hai Bà Trưng nối dài, hẻm Bà Ðốc Phủ Nhơn lò mò đến...
NhàQuê 2006



NhàQuê
  • Số bài : 2270
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 12.12.2006
Re:Những "con đường xưa Em đi" - 19.03.2013 07:27:41

 Những "con đường xưa Em đi"
Nam Bắc 15
 

Đường Ngô Quyền


* Ðoạn từ Nguyễn Tri Phương đến Trương Tấn Bửu, chạy cặp rạch Cầu Nhà Thương khi xa khi gần, khoảng giữa chỗ gần rạch nhất có cầu xi măng nhỏ xe hơi không qua được, bên kia là Cù Lao Dê.
NhàQuê có qua đó hai lần nhưng không xác định được có đúng là cù lao không hay chỉ là "bán đảo" vì NhàQuê chưa vô sâu để nhìn thấy một dòng nước khác hợp cùng rạch Cầu Nhà Thương bao quanh hoàn toàn cái cù lao ông nhậu bà khen nầy.
Bên ấy không nhiều nhà, cây vườn bình thường nên điển tích không biết có từ lúc nào. Bạn nào có dịp gặp thi sĩ Hoài Thi hỏi thử, Thi Sĩ có ở đó thời gian từ Mỏ Cày qua Bến Tre học.
* Ðoạn từ Trương Tấn Bửu đến Hùng Vương (mé sông) rạch Cầu NhàThương uốn khúc đổi hướng không còn gần đường nữa.
Tại góc ngã tư bên mặt, dường như có tiệm tạp hóa trước khi đến nhà bảo sanh Tạ Thị Hai gồm một dãy nhiều căn, mấy căn cuối cùng có các bạn Võ Thị Nga, Thinh (em Nga)...cái bạn Thinh nầy nghe nói hầm hứ mà nhìn hình thấy ốm ròm phải chống nạnh cho có bề thế.Biết vậy hồi đó đi qua đấy đâu có ớn cậu mà chẳng dám dòm vô...
Có lần lang bạt đó đây NhàQuê có gặp nhỏ tên Tâm gọi bạn Nga bằng dì và theo cô ấy thì bạn về ở đâu trong vườn mà sao thấy Admin nói là vẫn ở chỗ cũ. Lạ nhỉ ? Sao không vô giường không khí trong lành ở chi ngoài chợ lắm bụi trần??
Kế tiếp gần bên là nhà gia đình bên vợ thầy Ðào Nhường, nhà có phải nằm trong khuôn viên ngôi lâu đài lớn không? Tòa lâu đài lớn không thua gì dinh Tỉnh Trưởng, cũng rào có song sắt y chang.
Người ta đồn rằng dự định xây lớn hơn dinh mà không được phép, cũng nghe nói có người con làm giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc, lại cũng tin đồn đó là nhà ông bà nhạc, thân phụ mẫu kế thất Bs Trần Quế Tử. NhàQuê không tìm hiểu thêm.
Ðến cuối có hẻm cặp theo rào đi vào xóm bên trong, nhà chen chúc, hẻm nầy cuối tháng NhàQuê và đồng bọn thường ghé nhà thầy Võ Châu Ðầy xin lảnh lương sớm, xong ra Tín Nghĩa nhậu gần quắt mới chịu về hướng Ðông.
Ðối diện tòa lâu đài là trường Tân Dân, trường có lầu, nằm trong khuôn viên nhà thờ, trường có bậc đệ nhị cấp, nề nếp kỷ cương đàng hoàng, do linh mục Phạm Tuấn Tri làm hiệu trưởng, nhiều thầy trong trường công được mời ra dạy thêm nên thành tích thi cử của trường cũng không thua trường công là bao, trường đứng vững tới hơi thở khò khè.
Trong trường có thầy Ngô Ngọc Xuân từ trường Nhân Vị dưới Lương Quới lên trường Cộng Hòa rồi qua Tân Dân khi mấy trường trước đó giải tán, thầy Xuân phụ trách văn phòng nhưng mấy đứa chung nhà trọ nói thầy dạy pháp văn hay và giữ nhiều sách quý.
NhàQuê 2006



NhàQuê
  • Số bài : 2270
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 12.12.2006
Re:Những "con đường xưa Em đi" - 19.03.2013 07:41:57

Những "con đường xưa Em đi"

Đoạn Kết
Tùy Bút: Những "con đường xưa Em đi"
 

Bên Kia Sông


Bên kia sông không những là khúc ruột mà còn là trái tim của bên nầy sông, nơi ấy có người qua sông còn tiếc một buổi chiều, rồi nhiều buổi chiều khác quyện vào nhau còn vương mãi mấy mươi năm chưa tan hẳn.
Cái đặc điểm của bên kia sông là những nhà cất dựa vào mé sông cửa sau quan trọng hơn.
Hãy nhìn các bảng hiệu nhìn châu chấu qua đây vậy mà là cửa sau đấy, làm ta liên tưởng đến truyện Phong Thần:
Có anh Tôn Ngộ Không sanh ra từ khối đá thọ khí âm dương: Dù là con khỉ đá nhưng hình hài đủ bài bản như khỉ thiên nhiên, anh ta lém rất Khỉ: Tầm sư học phép thần thông thời gian dài thầy không truyền gì cả, một hôm bị thầy gõ cho ba phát vào đầu, đúng giờ Tý canh ba anh ta lò mò vô nơi thầy ngủ, thầy sai đi đổ ống nhổ mà không được đổ lên trời cũng như xuống đất.
Nhờ thông minh rất khỉ đã nuốt hết ống nhổ ấy, nên Khỉ ta thần thông biến hóa.Anh ta lên Thiên Ðình được phong chức giữ ngựa ( giải thích vì sao ngựa sợ khỉ) và sục sạo quậy tới bến: vườn cây trái mấy ngàn năm mới ra quả, ăn một quả sống ngàn năm mà anh chàng chơi luôn gần hết vườn đào tiên Nhà Trời.
Lại còn lọt vô được lò luyện linh đơn, lọt vô cái pharmacy trên ấy anh chàng nuốt gọn không biết bao nhiêu là thuốc tiên mỗi viên đều trường sanh bất tử.
Vậy là về căn bản anh chàng không bao giờ chết và không bao giờ bịnh. Ðã chưa!Bị khích tướng, anh chàng đòi Ngọc Hoàng phải phong cho Khỉ ta chức bằng với Trời: Tề Thiên Ðại Thánh, chức nầy không có trong danh mục sổ bộ nào trên đó, nên Trời cũng làm vui lòng Y.
Càng ngày ông Tề càng quậy quá đỗi nên Ngọc Hoàng cầu Như Lai giúp, Phật Tổ thách Y nhảy qua được bàn tay Phật thì Y muốn gì được nấy.
Lúc Y "cân đẩu vân" để qua là lúc mất điểm tựa nhất bị năm ngón tay là năm quả núi Ngũ Hành đè dí mấy ngàn năm, nằm uống sương mà sống.
Ngày kia nhờ Tam Tạng giải cứu và theo Tam Tạng đi Tây Trúc thỉnh kinh. Trong lần đánh nhau với yêu quỉ bị nà quá, khỉ ta biến hóa thành cái miếu để tạm thời ẩn thân, nào ngờ cũng bị khám phá vì cột phướng theo lẽ phải ở trước miếu đàng nầy lại ở phía sau vì cột phướng do cái đuôi khỉ hóa thành. Chắc các tiệm bên kia sông treo bảng hiệu cả hai cửa trước và sau!
Người bên ấy qua đây hàng ngày, hai con đò chèo: một ở bến đò Cái Cối, một ở Bến Lở chuyến nào cũng là đà.
Sau có cầu Cái Cối nên chỉ còn lại đò Bến Lở ở cuối đường Trương Vĩnh Ký: Tương truyền rằng nơi đây có con cá mú lớn nó vẫy đuôi làm lở sập cả dãy nhà, hang nó thả cặp dừa khô có đánh dấu và tìm thấy cặp dừa ấy tận Kinh Chẹt Sậy.
Hai bến đò nầy hợp cùng bến đò Mỹ An gần biệt thự Bs Trần Quế Tử đưa khách qua lại từ bên nầy sang xã Mỹ Thạnh An đối diện bên kia sông.
Còn hai con đò khác đưa khách qua xã Nhơn Thạnh: một ở bến Rạch Vông gần cầu Gò Ðàng và một ở Chợ Giữa.
Xã Nhơn Thạnh quê Dương Văn Tươi là xã nối tiếp Mỹ Thạnh An. Xã Phú Nhuận nằm sau lưng hai xã vừa kể.
Từ Phú Nhuận đổ đi còn hiện hữu con đường đã lâu hoang phế không sử dụng, đi từ đó dọc theo chiều dài của "cù lao" bên kia sông (nhìn tưởng là, thực ra không phải cù lao), con đường nằm hoàn toàn trong địa phận quận Giồng Trôm, có lúc phía ấy người ta tính hay đã lập quận mới Phước Hưng đặt tại ngã ba Giồng Quít.
Phước Hưng trở thành Quận thứ 10 của tỉnh Kiến Hòa sau Ba Tri, Bình Ðại, Ðôn Nhơn, Giồng Trôm, Hàm Long, Hương Mỹ, Mỏ Cày, Thạnh Phú và Trúc Giang.
Sau khi qua khỏi nhà thờ La Mã, chợ Hiệp Hưng (Sơn Ðốc ) nơi nổi tiếng bánh phồng, con đường nối vào tỉnh lộ 26 tại ngã ba Sơn Ðốc nơi đây còn gọi là ngã ba Dây Thép. Từ ngã ba đó tiếp tục đi về hướng Ðông qua hai cánh đồng rộng các Bạn sẽ đến quận lỵ Ba Tri. Không xa lắm đâu, khoảng mười cây số thôi các Bạn ạ, Ráng lên!
Làng quê ven biển, tận cùng tỉnh lộ 26, cách quận lỵ Ba Tri một cánh đồng rộng: Nơi ấy NhàQuê chào đời và cũng từ điểm xuất phát đó mời các Bạn đọc tiếp 
Những "ngôi trường xưa Em học" dưới hình thức đoản văn.

Ðến đây NhàQuê xin được viết lời kết loạt bài Những "con đường xưa Em đi": 
Những nơi đã đi qua dù lối thuật chuyện có lạt lẽo, khô khan, không hấp dẫn lôi cuốn do thô thiển văn tài. Nhưng NhàQuê mong có chút gì cùng các bạn gợi nhớ chốn xưa cả cái xấu lẫn cái đẹp: Nay chúng không trở lại bao giờ.
Cám ơn các bạn đã đọc chuyện.
NhàQuê 2006

...................
 
Trong đầu anh còn bản đồ thứ thiệt
Những con đường chưa bị thay tên
Có một hôm tình cờ em hỏi
Thành phố hiền hiền đã hiện nguyên lên
...........................................................

thơ Nguyễn Nam An

 


Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 31 đến 37 trên tổng số 37 bài trong đề mục