Niềm ân hận muộn mằn
Khải Nguyên HT 19.05.2009 12:17:19 (permalink)
NIỀM ÂN HẬN MUỘN MẰN

                                                               truyện ngắn                 
                                        
 
-Kính dâng hương hồn mẹ tôi
 

       Từ quê chồng tôi, tin báo ra cho biết ngày chuyển mộ mẹ chồng tôi vào khu mộ dòng họ. Chồng tôi đang nằm bệnh viện vì chứng thấp khớp tái phát. Chúng tôi có cớ để không về. Nhưng tôi quyết định đi thay anh, chẳng phải chì vì nhìn mắt anh tôi biết anh nghĩ sao. Tự tôi thấy phải về, tôi cần phải về. Ngày bà mất, chúng tôi đã không về kịp trước lúc đưa bà ra huyệt. Tôi làm dâu mà không phải hầu hạ mẹ chồng ngày nào; mỗi lần về quê chồng được mẹ quí như khách. Lần gặp đầu, tôi đã mến mẹ, một người đôn hậu, bao dung. Lòng cảm mến càng giúp tôi hiểu bà qua chồng tôi. Những gì anh kể về quê hương, nhất là về mẹ, truyền cho tôi lòng yêu thương của chính anh. Nói khó tin, tình yêu thương ấy đã một lần góp phần hàn gắn vết rạn giữa chúng tôi, vết rạn có cơ dẫn tới chia li. Có lẽ tôi hiểu về mẹ chẳng kém gì chồng tôi, trước hết những gì liên quan đến anh.
        Đỗ Sơ-học-yếu-lược xong, muốn học tiếp tiểu học, chồng tôi ngày ấy phải đến trường huyện cách nhà chừng sáu kilômét. Phải sáng tinh mơ đi, tối mịt về, vì ngày học hai buổi, sáng và chiều, nghỉ thứ năm và chủ nhật. Dĩ nhiên là phải cuốc bộ, chân trần. Ngày ấy, anh bảo, ngay cả phố huyện cũng chẳng thấy bóng chiếc xe đạp nào, nói chi ở chốn nông thôn nghèo như quê anh. Anh còn quá nhóc, chưa quen đi xa, trừ lần lên huyện để thi có người lớn đưa đi. Nếu không được mẹ khích lệ, hẳn anh đã bỏ cuộc. "Quá nửa thế kỉ rồi, nay về già, anh càng nhìn rõ hơn những chăm chút tưởng như là nhỏ nhoi của người mẹ", có lần anh đã bảo tôi vậy. Gà chưa gáy sáng bà đã dậy nấu cơm. Bà chỉ mới chợp mắt lúc gà gáy sang canh ba. Cơm nấu trong một cái niêu bé xíu cho riêng anh. Cả nhà chỉ ăn bữa gần trưa và bữa tối, và cơm bao giờ cũng độn khoai lang khô, trừ ngày mùa. Cơm chín, bà mới đánh thức con. Trong lúc anh ăn bát cơm lót dạ thì mẹ nắm cơm trong một cái mo cau, thường có kèm muốn vừng, để anh mang theo ăn trưa.
       Mẹ lo cho anh xong, cả nhà chưa dậy. Bà lại sắp quang gánh để đi chợ sớm. Phần trên gánh hàng là chè tươi cả nhánh bó thành từng bó nhỏ và trầu không buộc thành từng xấp hai mươi lá một. Những thứ này được cắt, hái trong vườn nhà từ chiều hôm trước. Phần dưới là gạo "hàng xáo". Làm hàng xáo, chồng tôi giải thích, nghĩa là mua thóc về xay giã lấy cám nuôi lợn, lấy tấm cho người đỡ lòng khi cần, còn gạo đem ra chợ bán lấy lời chút đỉnh. Chợ nhà quê thường họp rất sớm và chóng tan nên phải tranh thủ xay, giã, sàng, giần từ hôm trước, cả buổi tối có khi tới khuya. Mẹ ra đi khi còn mờ đất, bất kể trời tạnh ráo hay mưa dầm gió bấc rét căm căm. Quãng hơn chín giờ sáng bà đã về. Bà ngồi xệp xuống nền nhà đất trên một cái đôn gỗ thấp sắp xếp thúng mẹt, nhặt nhạnh các đồng tiền. Chồng tôi bảo thời ấy đi chợ còm như mẹ anh thì chỉ gom đồng tiền thôi, đồng hào là của hiếm, chớ nói đồng bạc. Bà ngồi thần ra nhẩm tính các khoản thu chi của buổi chợ, chẳng bàn tính cũng chẳng giấy bút mà hầu như chẳng bao giờ sai. Chồng tôi kể: có lần người ta đố bài toán cổ nổi tiếng khó "trăm trâu, trăm cỏ…", bà ngồi lẩm nhẩm một hồi rồi nói ra đáp số. Tuy nhiên, bà chỉ tìm được một trong ba đáp số của bài toán thôi. Hôm nào chợ về có quà - thường là viên kẹo bột, mẩu bánh đa, bà chia cho các con rồi mới đi ăn cơm, nhà để phần lại. Sau đó, chẳng nghỉ ngơi bà lại tiếp tục công việc. Nếu không ra chuồng lợn, nong tằm thì xay lúa, giã gạo. Nếu không ra vườn thì ra ruộng. Vườn nhà là loại vườn tạp; những thứ bán ra tiền có chè, trầu, cau, bưởi, cam, cả những cây dâu lâu năm. Việc chăm vườn chủ yếu là cuốc cỏ và bồi đất ải lấy từ đám ruộng phơi ải gần nhà vào những đêm vãn việc có trăng. Ở quê chồng tôi, đàn bà làm đồng giỏi song chẳng cầm cày bao giờ. Công việc này, cha mẹ anh tất nhiên phải mướn. Cha chồng tôi là nhà nho thi mấy khóa cuối cùng của chế độ thi cử cũ không đỗ về dạy học. Sau này, chán vì người học chữ nho ngày càng thưa, ông ngồi nhà, chỉ giúp vợ những việc vặt. Thêm một ít ruộng đất cho cấy rẽ, đủ để cha mẹ chồng tôi làm địa chủ hồi cải-cách-ruộng-đất, một nhà địa chủ không có chăn bông về mùa rét, không có màn ngày nực và bà chủ quanh năm chân đất. Mấy năm sau, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thành lập đã nhận mẹ tôi làm xã viên, dẫu bà đã có tuổi. Mấy chị nông dân chính hiệu, những người đã từng đấu tố bà là ngồi không ăn bám, đã phải thốt lên: "Cấy, gặt chúng tôi còn mệt mới theo kịp cụ". Chẳng phải vì bà khỏe hơn, mà bà thạo nghề hơn. Mẹ không có những ngày nông nhàn. Nuôi lợn quanh năm, chăn tằm theo vụ dâu. Bổ và phơi cau theo mùa. Làm hàng xáo thường xuyên. Hai chị chồng tôi có phụ giúp nhưng chẳng mấy lúc đều đã là người của nhà người ta. Mỗi khi nhớ lại, chồng tôi thường lắc đầu: không hiểu mẹ lấy đâu ra sức lực, một người nhỏ nhắn và gầy yếu như vậy.
        Mẹ lấy chồng sớm. Bà kém chồng gần chục tuổi. Ông nội chồng tôi vào loại "tiếng cả, nhà thanh", được nể vì do có chữ nghĩa và đức độ. Mẹ là con nhà khá giả được giáo dục theo nếp "tam tòng, tứ đức", con út song không hề được cưng chiều. Về nhà chồng, bà chỉ được cha mẹ cho một chút của gọi là. Theo tục lệ, một thứ "luật" truyền đời, con gái không bao giờ được chia phần gia tài. Về nhà chồng, mẹ  phải ra ở riêng với một gian nhà tranh và một mảnh vườn cằn đầy sỏi đá. Một cô gái mười bảy tuổi vừa rời tổ ấm gia đình quen thuộc đã phải gánh việc nuôi chồng ăn học. Đến bữa, người nấu trong một niêu đất dưới là cơm, trên là khoai lang. Vợ nhặt khoai lang ăn trước khi chồng đi học về. Khi đàn con ra đời rồi vẫn gần như một tay bà chèo chống nuôi cả nhà, lại còn cho các con trai ăn học. Cha chồng tôi vẫn là chủ gia đình. Việc gì mà ông không ưng là bà thôi ngay. Những việc trọng đại như dựng vợ, gả chồng, ông "chuẩn y" và bà "triển khai kế hoạch". Rất ít khi có sự bất đồng giữa hai người, từ việc lớn đến việc nhỏ.
       Sau khi thi đỗ tiểu học, chồng tôi phải thôi học. Bấy giờ muốn học lên phải đến thành phố thuộc tỉnh bạn bên cạnh ở trọ, lại còn phải sắm sanh đủ thứ. Mẹ chỉ lo được cho một người anh của chồng tôi. Sau cách mạng tháng Tám, huyện bên mở trường trung học (thời thuộc Pháp là trường cao đẳng tiểu học, nay là trường trung học cơ sở hay quen gọi là trường cấp hai). Một buổi tối, chồng tôi đến bên mẹ đang sàng gạo rụt rè nói: "Con đi học mẹ nhé!". Bà lặng thinh giây lâu rồi bảo: "Học lên tốn lắm con ạ". Anh trấn an bà: "Bây giờ chỉ tốn cái ăn thôi. Con sẽ mang gạo nhà đi. Được chứ mẹ?". Mẹ không nói gì nhưng sáng hôm sau cho anh đồng bạc để anh đi nộp đơn. Anh bỏ học đã một năm nhưng thi vào vẫn được xếp thứ năm trong số hai trăm người trúng tuyển và được một phần thưởng nhỏ. Mẹ vui, sắm cho anh một cái áo sơ-mi bằng vải thô trắng và cái quần "soóc" bằng vải dệt tay nhuộm nâu. Ở làng, thế đã là "diện" nhưng nếu không phải là "trong không khí cách mạng vừa thành công" thì chắc chắn anh chẳng dám mặc đến trường. Chỉ có vậy, mẹ đã phải bán non một con lợn thịt. Việc học lúc này đã rẻ hơn rất nhiều so với trước song vẫn làm nặng thêm cái gánh trên vai mẹ. Nếu không có lần "đi học lại" ấy, đời chồng tôi ắt rẽ sang hướng khác, và tôi đã không là vợ anh.
        Có thể nói toàn bộ sức lực và thời gian mẹ chồng tôi dành cho gia đình. Vậy mà sau ngày nước nhà độc lập, bà vẫn còn bớt ra được để tham gia công việc của hội Phụ nữ và hội Mẹ chiến sĩ. Chồng tôi bảo ngày ấy anh cho là bà tham gia vậy thôi chứ chẳng hiểu gì về chính trị. Song có một lần anh nghe bà bảo cha anh: "Ông ở hội Phụ lão tránh đừng để cho người ta rủ rê. Con làm bí thư, không lẽ cha lại theo phản động". Hồi ấy đảng Cộng sản chưa trở lại công khai. Người anh lại ở riêng. Chính anh cũng không biết anh mình làm gì, vậy mà mẹ, một người chỉ biết lo chuyện gà lợn, ruộng vườn lại tường. Thế mới lạ! Lại nữa, trong vùng có phong trào tôn giáo đang tìm cách phát triển trong "tầng lớp trên" dường như là bề nổi của một phong trào ngầm có quân xâm lược Pháp đứng đằng sau. Chẳng biết mẹ lấy tin ở đâu mà nói chắc như vậy! Đến bây giờ chồng tôi vẫn lấy làm lạ.
        Các con đều đã ra ở riêng hoặc đi làm xa, hai ông bà già, cha mẹ chồng tôi, sống với nhau những ngày gian khó nhất về vật chất và tinh thần, trước hết là về tinh thần. Điều kì diệu là không ai bị chết đói mà chẳng phải đi ăn xin, dù có hôm phải ăn lá khoai lang luộc thay bữa. Nhưng cha chồng tôi đã tới ngày về cõi. Ông đã ngoài bảy mươi. Lúc người lâm chung, chỉ có mỗi bà bên cạnh. Ông mở mắt nhìn bà lần cuối, thều thào: "Tôi muốn cùng bà sống qua đận này, trời không cho, đành vậy..." - Ông nghỉ lấy hơi: "Cả đời, tôi làm khổ bà, giờ để bà lại một mình...". Khó mà hình dung nỗi những gì mà mẹ đã phải chịu đựng, những thời khắc ấy. Chẳng đứa con nào ở bên để san sẻ cùng bà. Chẳng bà con, xóm giềng nào dám đến viếng.  Ông được mấy người cùng cảnh ngộ còn chút sức đưa ra huyệt trong một cỗ áo quan gỗ tạp để mộc. Sau này, bà cũng sắm sẵn một cỗ như thế. Các con muốn thay một cỗ tốt hơn hoặc ít nhất cũng sơn cỗ ấy cho tươm tất nhưng bà không chịu, bảo: "Cha các anh chị ra đi cũng chỉ có vậy. Mẹ không muốn..." - bà nghẹn lời.
        Từ bấy, mẹ sống một mình. Bà không muốn đến ở với đứa con nào. Có phải bà lường trước mức độ hiếu thảo của các con mình một khi phải phiền lụy? Mẹ cha lo cho con như một lẽ tự nhiên, mà sao người già chẳng mấy thảnh thơi khi nghĩ đến chuyện phải nhờ cậy con cái? Mẹ chồng tôi dĩ nhiên chẳng muốn rời quê. Thị thành không hợp với bà. Mẹ vẫn tự nuôi sống bằng sức lao động già cỗi của mình. Các con có đưa chút ít chẳng đáng gì cả. Bà bảo: "Mẹ giờ ăn chẳng bao nhiêu. Các con, các cháu về chơi cho mẹ thấy mặt là quí rồi". Hàng năm, thường chúng tôi chỉ về với mẹ được một lần, có khi chỉ mình chồng tôi. Bây giờ nghĩ lại thấy sự quan tâm quá đỗi hời hợt. Lòng thương kính mẹ nặng phần "lí thuyết". Dường như hoàn cảnh khách quan biện minh cho tất thảy. Để mà khỏi đối mặt với lương tâm! Có một dịp, chúng tôi có thể xin chuyển công tác cho cả hai vợ chồng về thành phố gần nơi mẹ ở, tôi đã viện cớ lần lữa, và dịp hiếm qua đi. Sao tôi chẳng nghĩ? Một bà già còm cõi trong một nếp nhà tranh hai gian trên một mảnh vườn hẹp sống dè lặng và thanh đạm, nói nghèo khó thì đúng hơn, không oán trách ai, chẳng phiền giận con cháu, kể cả những người từng xử tệ trong những ngày bão táp. Có bà con, hàng xóm đấy nhưng nỗi cô quạnh chỉ khỏa lấp được một phần. Mỗi lần con cháu về, mẹ vui lộ ra mặt, lọm cọm lo cho bữa ăn tươm tươm một chút; có những thứ mẹ đã nhịn dùng dành lại. Con cháu ra đi, mẹ tựa cửa ngó theo móm mém cười cho con an lòng. Chỉ một lần, lần ấy đang trong thời kì Mĩ bắn phá ác liệt nhất, chúng tôi về thăm mẹ vì e mẹ đã già mà chiến tranh thì chưa biết bao giờ dứt; lúc chúng tôi đi, mẹ không nén được đã ứa nước mắt thương tôi. Ôi! Những giọt nước mắt tằn tiện của một cuộc đời tần tảo, vị tha. Trong phút giây ấy, tôi cảm nhận được mẹ thương tôi còn hơn thương chồng tôi. Tôi, cả chồng tôi, nhận sự chăm chút của mẹ mà chằng làm được gì cho mẹ. Sinh thời mẹ tự bằng lòng rằng "các con đều nên người". Cái "nên người" ấy, than ôi, hão biết mấy! Hình như có nhà văn nào đó đã viết: trong mắt người mẹ, các con lúc nào cũng bé thơ. Không hẳn vậy. Lòng mẹ bao la ấp iu con mọi lúc, nhưng mắt mẹ có thể ngợp trước con mình nếu chúng quá "khôn lớn".
       Đầu năm 1975, tôi được tin mẹ chồng bị đau. Lúc này chồng tôi đang lên Bộ để tham gia một đoàn công tác nước ngoài ngắn ngày. Thời đó, được đi nước ngoài là một thứ "hạnh phúc". Tôi không muốn anh phải bỏ lỡ dịp may khó lặp lại. Chuyến công tác chỉ gói gọn trong một tuần, cả đi và về, - tôi tự biện minh, chắc mẹ bị se mình của tuổi già. Nhưng rồi bà mất! Mẹ qua đời không kịp thấy, chỉ mấy tháng nữa, "đất nước hết giặc giã" như bà hằng sở nguyện, thường vẫn nói ra miệng. Chồng tôi vừa về nước thì được báo tin chẳng lành. Anh lặng người. Tôi bàng hoàng. Tôi thật có lỗi với anh, nhất là có tội với mẹ.
        Về quê chịu tang xong, chồng tôi như thể đổi khác. Anh hay đi dạo nơi công viên vắng. Và rất lạ: anh thôi hút thuốc lá. "Mẹ mất rồi, anh mới thật hiểu thế nào là mất mẹ" - anh bảo tôi. Năm xưa, anh về quê sau mấy năm xa. Mẹ đi chợ về thấy anh đang đứng đợi trước thềm nhà, bà mếu máo: "Con về thì không còn cha nữa, con ơi!". Anh đã biết cha mất, đứng trước mẹ nỗi mất mát vợi đi. Anh còn mẹ, anh còn nhà để về. Dẫu đã có gia đình riêng, mỗi lần về thăm mẹ anh vẫn nói "về nhà". Đúng là về nhà, chẳng phải giữ kẽ gì hết. Mẹ không còn, về quê được những người ruột thịt đón tiếp thân tình, anh thấy mình chỉ là khách.
        Ai chẳng một lần mất mẹ, mất cha. Nỗi đau sẽ không kéo dài, không đè nặng nếu không mang niềm ân hận. “Một người hiền thuở trước, lúc hàn vi phải đội gạo thuê nuôi mẹ; ông ta làm nên thì mẹ đã mất, ông ta than: "Bây giờ dẫu muốn đội gạo nuôi mẹ cũng không sao được nữa". Tôi biết chuyện này, câu nói này từ rất sớm, song tôi đã không làm theo được. Phải đâu ngày nay không còn là ngày xưa! Xưa hay nay, Đông hay Tây, lòng mẹ cha bao giờ vẫn vậy. Có chăng là lòng con cái ấm lạnh theo thói đời. Phải vậy không, mẹ ơi!”. Tôi đọc những dòng nhật kí của anh, thương anh và hận mình. Ngay cả khi đã làm mẹ rồi, tôi vẫn không thấu lòng một người mẹ.

<bài viết được chỉnh sửa lúc 19.05.2009 12:24:46 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Ct.Ly 20.05.2009 06:02:36 (permalink)
    #2
      Khải Nguyên HT 20.05.2009 17:52:21 (permalink)
      Cũng bị đưa vào nhầm "giỏ".
      Xin xem RE ở "Mái tóc ngưòi vợ, Tìm dâu thảo, Chó đá".
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9