Tây Sơn hào khách truyện- hồi thứ nhất
tumathien2006 19.05.2009 14:02:48 (permalink)
Hồi thứ nhất
Lập ấu chúa, quận Đạt chuyên quyền.
Giữ con côi, Giáo Hiến chạy trốn.
 
            Lại nói từ năm Quang Thuận, Thái tổ Gia Dụ Hoàng đế vào nam trấn nhậm, trải tám đời đến Quốc chúa, ứng lời sấm bát thế hoàn trung đô bèn lên ngôi vương, định quốc hiệu, đổi quan chế. Đến thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, đất đai được mở mang, bốn phương tin phục, đều gọi là đời thái bình. Bấy giờ, Võ vương đã già, Phúc Luân là con lớn, nghĩa đáng được lập làm người thừa tự. Võ vương giao cho cận thần là bọn Nội hữu Ý Đức hầu Trương Văn Hạnh và Thị giảng Lê Cao Kỷ dạy bảo. Một hôm, Võ vương đi chơi thuyền ban đêm trên sông Hương, hốt nhiên bị cảm mạo ngã vật ra đất. Bọn hầu cận vội xúm đến, đem về cung thì chúa đã mê man, không biết gì cả. Quần thần khi ấy đều lo lắng, họp nhau lại ở gác Triêu Dương để bàn chuyện. Lê Cao Kỷ đứng ra nói:
            -Nước một ngày không thể không có vua. Nay vương thượng lâm nguy, chúng ta nên mời Chưởng Vũ (Phúc Luân) ra tạm coi việc nước, cũng là để an lòng dân.
            Cao Kỷ nói chưa dứt lời, chợt có tiếng nói:
            -Vương thượng chưa lập thế tử, Chưởng Vũ tuy là con lớn nhưng cũng chỉ là hàng vương tử, lấy danh nghĩa gì mà đòi quyền coi việc nước? Vả lại, vương thượng còn đó mà ông Ý Đức đã đòi lập người kế tự, há chẳng phải là lấn quyền sao?
            Mọi người trông ra thì là Đạt quận công Trương Phúc Loan. Phúc Loan người Quý huyện, Thanh Hoa, là con thứ của Quốc công Trương Phúc Phan. Loan người nhỏ nhắn, cao bảy tấc, mắt sói mặt chuột, chỉ vì là con nhà tướng nên được bổ dụng làm một chức tiểu lại. Võ vương có thú mê đá gà, Loan biết thế, tìm khắp nơi được con gà quý tên là Ngọc Khổng Tước, đem dâng cho chúa. Chúa thích lắm, mới cho làm chức to, đứng trong hàng tứ trụ đại thần. Loan cũng mê đá gà. Một hôm, vương tử Phúc Luân đi ngang, thấy thế mới đùa rằng:
            -Nhà nước nhiều việc mà ông thì thong thả gớm. Ta mà kế vị thì ông không được như vậy nữa đâu.
            Loan nghe thế, từ đó cứ nơm nớp lo sợ. Nay nghe bọn Lê Cao Kỷ bàn việc cho Luân coi việc nước, đánh trúng ngay chỗ hiểm của mình nên mới xông ra ngăn cản. Chưởng cơ Nguyễn Cửu Thông là bè đảng của Loan, cũng bước ra nói:
            -Quận Đạt nói phải đó. Kế thừa vương vị là việc hệ trọng, không nên bàn càn. Tứ trụ còn đó, có phải là triều đình không có người đâu?
            Tôn Thất Văn cãi lại:
            -Đành rằng là thế, nhưng vẫn phải có người trong hoàng tộc đứng ra làm chủ. Chưởng Vũ tuy chưa có chiếu mệnh, nhưng ngày thường vương thượng cũng đã có ý gửi gắm. Nay trong lúc khẩn kíp, đưa lên làm chủ, quyền nghi một lúc, cũng như việc công tử Mục Di thay Tống Văn Công năm xưa vậy, có gì là xấu đâu.
            Trương Phúc Loan đưa mắt liếc Văn, nói:
            -Mục Di, Mục Di là đứa nào? Xưa với nay không hề giống nhau. Ông không biết sao mà lại đem ra so sánh càn? Nếu không có chiếu mệnh, là ai thì Loan này cũng đều không phục.
            Lê Cao Kỷ thấy tình thế có vẻ căng, đưa mắt nhìn Nội hữu Trương Văn Hạnh. Hạnh nhìn Cao Kỷ, hơi lắc đầu, rồi bước ra nói:
            -Vương thượng bệnh trọng, chính là lúc chúng ta nên hoà mục. Các ông sao lại còn hục hặc nhau thế? Hiện nay bốn bể thanh bình, trong nước ít việc, thiết nghĩ chỉ cần các đại thần cùng nhau thương nghị, ví như Hoắc Công, Thiệu Công khi xưa là đủ. Còn như việc cho Chưởng Vũ quyền coi việc nước, không phải là điều mà lũ thần tôi chúng ta có thể bàn bạc mà quyết định được. Chi bằng đợi khi vương thượng hơi tỉnh, chúng ta cùng nhau tâu lên, để vương thượng hạ một đạo chiếu chỉ quyết định ai làm Thế tử. Như vậy là hơn cả.
            Tôn Thất Dục vỗ tay nói:
            -Quan Nội hữu dạy phải lắm, ta nên như thế.
            Phúc Loan thấy Hạnh cũng chưa muốn lập Thế tử ngay nên cũng nguôi giận nói:
            -Ừ, quan Nội hữu nói có lý.
            Thế là, trăm quan đều ra về hết. Văn Hạnh đi sau Cao Kỷ, kéo tay áo y mà nói nhỏ rằng:
            -Dục tốc bất đạt, ông Cao Kỷ suýt làm lỡ đại sự của nước nhà đấy!
            Lê Cao Kỷ nói:
            -Xin quan Nội hữu chỉ dạy cho.
            Văn Hạnh nói:
            -Vương thượng yêu quý Phúc Loan, cho hắn quyền cao chức trọng. Nhưng Loan là người bụng dạ hẹp hòi, ơn như cái tóc cũng đền, oán như cái tơ cũng báo. Tôi nghe nói y sợ Chưởng Vũ thừa tự rồi sẽ gây hại đến mình, nên hết sức ngăn cản. Hôm nay ông đem chuyện ấy ra chọc hắn, tôi sợ ông rồi không được toàn vẹn đâu.
            Cao Kỷ lo lắng nói:
            -Tôi ngu muội không biết đến chuyện đó. Bây giờ phải làm thế nào?
            Văn Hạnh nói:
            -Chưởng Vũ nối ngôi là ý của chúa thượng. Ông được ủy thác nâng đỡ, tôi và ngài làm A Bảo, việc đó ai cũng biết, cần gì phải sợ ai mà ngài phải lên tiếng trước cho thiên hạ dị nghị? Mình cứ vững dạ, có lo gì họ.
            Cao Kỷ nói:
            -Lời của quan Nội hữu tôi xin nghe.
            Lại nói Trương Phúc Loan ra khỏi gác Triêu Dương mà mặt vẫn hầm hầm, lên kiệu đi thẳng về phủ. Viên quản gia của Loan là Thái Sinh trông thấy thế, bèn hỏi:
            -Quan Ngoại tả có gì không vừa lòng chăng?
            Loan đem hết việc ở trong triều kể cho Thái Sinh nghe. Thái Sinh nhìn quanh, thấy không có ai, mới nói nhỏ với Loan rằng:
            -Muốn Chưởng Vũ không lên ngôi tôn, nào có khó gì.
            Phúc Loan nghe thế, hai mắt sáng lên hỏi:
            -Ông có cách chi hay chăng?
            Thái Sinh bèn kéo Loan ra một góc khuất, nói rằng:
            -Chưởng Vũ tuy được chúa thượng nhắm đến nhưng chưa phong hẳn làm thế tử, bọn đại thần được ủy thác giúp rập ngoài bọn Văn Hạnh, Cao Kỷ, hai người ấy ra, thì chẳng còn ai. Vả, hai người ấy cũng không hề có bè đảng, vây cánh gì to tát cả. Ta muốn trừ họ cũng dễ như bẻ đũa từng chiếc thôi. Nếu như ta ra tay trước để chế ngự họ, thì bắt ba người ấy là việc của mấy tay võ biền, không phải đổ một giọt mồ hôi. Hiền tế của ngài là Tôn Thất Dục cai quản Cấm quân, tâm phúc của ngài là Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thông cầm binh ở Quảng Nam, công tử Phúc Thặng cầm binh ở Lưu Đồn. Ngài nên mật ước với ba người ấy, ngầm đem binh về chính dinh, xuất kỳ bất ý bắt lấy bọn Ý Đức, ngài thì nắm lấy chúa thượng, tìm một người trong tôn thất lập lên nối ngôi, làm được như vậy thì cái ngôi công hầu của ngài không mất mà cái vị thế công thần khai quốc muốn từ chối cũng không được đâu.
            Loan nghe Thái Sinh nói, thấy hợp ý lắm, nhưng còn đắn đo không biết lập ai. Chợt có người nhà đến báo có nội giám Chử Đức đến xin yết kiến. Thái Sinh nói với Loan:
            -Chử Đức đến đây là có ý đem A Đẩu phó thác cho ngài đấy!
            Nói rồi, Thái Sinh lánh đi. Phúc Loan mời Chử Đức vào nhà trong, phân ngôi chủ khách. Nguyên, Chử Đức là nội giám trong cung của Nguyễn phi, thường hay qua lại với Phúc Loan rất tương đắc. Nguyễn phi sinh được một con trai là Phúc Thuần, mới 12 tuổi, muốn nhân dịp này cho con mình được kế tự, mới bàn với Chử Đức. Chử Đức nói: “Làm được việc này, phi tay quận Đạt thì không xong!”. Nguyễn phi mừng lắm, bèn vét hết của báu, được hơn 100 viên ngọc trai, sai Chử Đức làm bánh, nhét ngọc vào trong đem đến cho Loan. Chử Đức đem bánh ấy tiến cho Loan. Loan trông thấy trong nhân bánh có ngọc, bèn nói:
            -Phúc Loan lâu nay chưa làm được việc gì, sao quan ngài lại tặng thứ bánh sang cả này? Thật lòng kẻ ngu này không dám nhận.
            Chử Đức cười tủm tỉm, nói:
            -Nguyễn phi lâu nay biết đến sự khó nhọc của đại nhân, nên sai tôi đem chút lễ mọn đến biếu. Chỉ vì mẹ con đơn chiếc, gặp nạn không biết cậy nhờ ai, nên mới đến phiền đại nhân.
            Phúc Loan nhận lấy bánh, cười ha hả, bảo Chử Đức rằng:
            -Không ngờ Loan này cũng có ngày làm được như Tô Hiến Thành, Lý Thường Kiệt, thật là vạn hạnh. Ân nghĩa của nương nương, Loan này quyết không quên.
            Rồi Loan cùng Chử Đức mật bàn với nhau như thế, như thế. Chử Đức thấy việc đã thành, bèn quay về báo với Nguyễn phi. Nguyễn phi cả mừng, sai Chử Đức đi mua chuộc bọn quân canh phủ chúa, để làm nội ứng. Phúc Loan cũng sai Thái Sinh viết hai đạo mật thư, sai người thân tín hoả tốc đem đưa cho Nguyễn Cửu Thông và Trương Phúc Thặng. Lại sai người gọi Tôn Thất Dục đến bàn việc. Dục nghe Loan nói, trợn mắt ngạc nhiên nói:
            -Ô hay, Chưởng Vũ kế vị là chuyện chúa thượng đã quyết. Nhạc phụ sao lại nghe lời của bọn gian nịnh mà làm ra chuyện này? Dục tuy ngu muội, nhưng quyết không để nhạc phụ làm chuyện xuẩn ngốc ấy đâu.
            Loan thấy Dục không về phe mình, sợ vãi mồ hôi. Thái Sinh ở sau màn, đưa mắt báo hiệu cho Loan. Loan mới trấn tỉnh, giả vờ nói:
            -Mọi chuyện đều do Thái Sinh xui lão làm. Lão nào có biết. Lão phu già lẫn, suýt bị nó làm lỡ việc, phen này ta phải bắt nó trị tội mới được.
            Nói rồi hầm hầm xách gươm đi ra, giả vờ tìm kiếm khắp nơi. Tôn Thất Dục thấy vậy cũng đi theo. Loan bảo Dục rằng:
            -Thằng nhãi này trốn nhanh thật. Cha con ta chia nhau tìm, nếu bắt được nó thì cứ chém không tha.
            Tôn Thất Dục nghe lời, cũng sai bọn gia nhân cùng mình đi tìm Thái Sinh, khi lùng đến nhà bếp, bọn gia nhân la lên:
            -Thái Sinh ở đây này!
            Dục nghe thấy, xách gươm chạy đến. Chợt ở trong nhà nhảy ra một kẻ cầm côn, đánh vào đầu Dục một cái. Dục ngả lăn ra đất bất tỉnh. Kẻ ấy không ai khác là Trương Phúc Nhạc, con thứ của Loan. Loan thấy Dục đã bất tỉnh, sai trói lại, giấu trong kho thóc, lại sai người lục lấy binh phù của Dục đưa cho Nhạc, sai Nhạc đi cai quản bọn binh lính của Dục. Phúc Loan lại phao tin rằng Dục bị bệnh truyền nhiễm, không gặp ai được, một mặt sai người giục bọn Nguyễn Cửu Thông mau chóng đem quân về. Nguyễn Cửu Thông và Trương Phúc Thặng đều chọn lấy 200 quân tinh nhuệ, giả làm khách buôn, lái thuyền đi gấp về Phú Xuân, hẹn khi trong phủ chúa đánh ba hồi trống thì tiến ngay vào. Những việc Loan làm đều rất cẩn mật, Lê Cao Kỷ và Trương Văn Hạnh không hề hay biết gì cả.
            Nguyễn phi ở trong cung, ngầm sai Chử Đức bỏ độc vào thuốc của chúa. Bệnh chúa ngày càng trở nặng, đến ngày Giáp Ngọ, tháng năm thì băng. Bấy giờ, Trương Phúc Nhạc thay Dục giữ cấm quân, nghe trong tẩm cung có tiếng khóc thảm thiết, ban đầu còn nhỏ sau thì to dần, biết là chúa đã băng rồi, bèn đánh ba hồi trống. Bọn Nguyễn Cửu Thông, Trương Phúc Thặng nghe thấy, liền dẫn quân vào. Phúc Loan cũng dẫn 50 gia đinh nai nịt gọn gàng, tiến đến phủ chúa. Một lúc sau thì bọn Cao Kỷ cũng lật đật chạy đến. Nhạc chặn lại, không cho vào. Cao Kỷ cãi nhau với Nhạc một hồi. Trăm quan dần dần đến đủ, nhưng không ai được vào. Bấy giờ, Phúc Loan mới cùng bọn Nguyễn Cửu Thông đi ra, mời các quan vào trong chính điện, tuyên đọc di chiếu. Tờ di chiếu này do Loan sai đồ đảng là Thái Sinh soạn ra, đại khái nói cho con thứ là Phúc Thuần nối ngôi chúa, sai tứ trụ đại thần là bọn Ngoại tả Trương Phúc Loan, Nội tả Tôn Thất Văn, Ngoại hữu Trương Phúc Thông (anh của Loan) và Nội hữu Trương Văn Hạnh giữ cố mệnh. Di chiếu đọc xong, mọi người đều hoang mang, Cao Kỷ bước ra nói:
            -Lời lẽ trong chiếu thư có chỗ đáng ngờ.
            Loan gắt:
            -Ngờ, ngờ ở chỗ nào?
            Cao Kỷ nói:
            -Trước chúa thượng đã muốn lập vương tử Phúc Luân làm Thế tử, mới sai trăm quan nâng đỡ, sai Nội hữu Hạnh và Kỷ này làm A Bảo. Chuyện này mọi người đều biết. Chưởng Vũ trước sau không phạm lỗi gì, cớ sao lại có việc phế lập đột ngột này? Chúa thượng về trời, trong tôn thất nhiều người còn chưa biết, mà ông Ngoại tả đã chạy ngay đến, nắm lấy chiếu mệnh mà bố cáo cho các quan. Chữ trong tờ chiếu chỉ có mình ngài thấy, trách sao mọi người không ngờ. Nếu đó thật là di chiếu của tiên vương thì phải cho các quan xem cho tường tận mới được.
            Nguyễn Cửu Thông nắm lấy chuôi gươm, bước tới một bước, trợn mắt quát:
            -Di chiếu của tiên đế đâu đến lượt mi đụng vào!
            Phúc Loan cười ha hả, nói:
            -Cây ngay không sợ chết đứng, ta nào có sợ gì!
            Nói rồi đưa chiếu thư cho Cao Kỷ. Nguyên Thái Sinh là tay hay chữ. Y mạo nét chữ của Võ vương giống như tạc, trăm quan không ai phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, đều tin việc lập Phúc Thuần là ý của Võ vương. Chưởng Vũ bấy giờ cũng ở trong đám quần thần, trông thấy di chiếu thì mặt xanh như tàu lá, luống cuống ngã ngất trên đất. Bọn theo hầu phải đỡ dậy, đưa về nhà. Trương Văn Hạnh trông thấy cảnh ấy cũng không biết nói gì, chỉ thở dài mà thôi. Phúc Loan thấy việc mình đã thành, liền sai Chử Đức dắt vương tử Phúc Thuần ra, ngay hôm ấy làm lễ tấn tôn, lấy hiệu là Khánh Phủ đạo nhân, ấy là Duệ tông Hiếu Định hoàng đế, ban chiếu đại xá thiên hạ. Chiếu rằng:
            “Kinh Xuân Thu để muôn đời khuôn phép, dạy phải nghiêm chỉnh từ đầu; bực vua chúa lập ra chế độ thái bình, càng trọng thay cũ đổi mới. Muốn đưa đời đến thịnh trị, há chỉ trông vào luân âm! Nhà nước phát tích tự Ô Châu, thực nhờ tiên chúa mưu lược. Nghiệp bá giữa phương trời chót vót, đạo vương ban khắp trong cõi bờ. Các thánh truyền nối cùng nhau, giữ gìn khuôn phép một nhà, vỗ trị cơ đồ nghìn thặng. Tiên khảo hoặc văn hoặc võ, mở rộng quy mô nhất đại, đặt đúng uy nghi bách vương. Vâng mãi mệnh trời, tiếng tăm to lớn. Thức mây đương rực rỡ từng trời, xe phượng bỗng xa rời cõi đất. Ta đức còn non, mà tuổi còn nhỏ. Chưa biết việc cấy gặt gian nan, e không rõ vỗ yên dân chúng. Dầu nhờ được cả triều cùng giúp, nhiều công xoay chuyển càn khôn; nhưng trách nhiệm muôn việc một ngày, nên hai ba lần thoái nhượng. Lịch minh vừa gặp ngày tốt, khó mong hướng bóng lòng quỳ. Cho nên ngày tháng này ta đã lên ngôi vương. Nửa đêm thuận tình, sáng sớm lâm chính. Muốn tới được Thành Chu thịnh đức, cần phải nhờ “Hồng phạm” cách ngôn. Được tươi đẹp như rồng như ánh sáng, là nhờ bầy tôi hằng tháng xét mình, và quan tâm đến tình dân mong gió mong mưa mỗi người một khác. Vậy xuống lệnh đại xá, tuyên bố đức ân, để được thấm phúc lành thêm mãi, thoả lòng mong mỏi mây trời. Mong rằng các quan trong ngoài chăm lo chức vụ, già trẻ trăm họ đều biết tôn vua thân trên, để một phen rửa sạch dơ cũ, thói tốt thấm nhuần.”
            Bấy giờ, Duệ tông còn nhỏ tuổi, bèn phong cho Trương Phúc Loan làm Quốc phó, giữ việc bộ Hộ, lại quản cơ Trung Tượng, kiêm Tàu vụ, quyền nghiêng cả triều. Duệ tông mắc bệnh, không gần đàn bà được. Loan bèn bày cách cho bọn cung nữ và tụi con hát dâm loạn trước mặt Duệ tông để làm trò vui. Duệ tông thích lắm. Loan lại thường hay sai người lùng bắt con gái đem về dâng cho Duệ tông. Trăm họ ai cũng oán Loan mà Loan cũng thường dò xét những người xung quanh xem ai nói xấu mình, để mà trừng trị. Một hôm, Loan ngồi kiệu qua cửa đông. Đô thống Ngô Mãnh cùng bọn lính dưới quyền cúi chào Loan. Mãnh không ưa Loan, cúi người thấp không bằng kẻ khác. Loan trông thấy, sai bắt Mãnh nọc ra đánh một trăm trượng. Mãnh bị đánh đau, giận lắm, về bảo với người nhà rằng:
            -Thằng giặc già này khinh ta quá lắm. Không trừ được nó Mãnh này không phải là người!
            Nói rồi cùng con là Ngô Văn Sở, Ngô Văn Ngữ xách đao phục ở bên đường, đợi Phúc Loan đi ngang thì xông ra chém, nhưng bọn thị vệ theo Loan đông quá. Mãnh không làm gì được, lại bị Phúc Loan nhận mặt, đành dắt gia quyến chạy trốn. Loan sai người tróc nã nhưng không bắt được, bèn vào cung tâu với Duệ tông, vu cho Chưởng Vũ là đầu đảng muốn hãm hại mình. Duệ tông đang xem bọn con hát dâm loạn, nói với Loan:
            -Chuyện đó tùy khanh xử trí.
            Loan liền sai Trương Phúc Nhạc đi bắt Chưởng Vũ bỏ ngục, tra khảo mãi nhưng không có chứng cứ. Lại bắt cả Lê Cao Kỷ, sai bọn nha dịch đánh đập rất dữ. Cao Kỷ chịu đòn không nổi, chết ở trong ngục. Nội hữu Trương Văn Hạnh biết chuyện, bèn đi thẳng vào trong phủ chúa cầu xin giúp Chưởng Vũ. Duệ tông nói:
            -Chuyện ấy các ông nên nói với Quốc phó thì hơn!
            Hạnh đành lủi thủi ra về. Phúc Loan biết việc ấy, bèn sai người bắt cả Văn Hạnh bỏ ngục. Văn Hạnh vốn quý chuộng kẻ sĩ, gia sản có bao nhiêu đều dùng để nuôi môn khách cả. Trong số môn khách ấy có một người tên là Trương, vốn người Hoan châu lưu lạc đến Phú Xuân, xin vào làm đầy tớ cho Văn Hạnh. Một hôm, có người khách buôn Nhật Bản đến chơi, trong lúc đàm đạo, người ấy hỏi Hạnh rằng:
            -Nếu như ngày nọ bắc quốc sai Khổng Tử làm đại tướng, Mạnh Tử làm phó tướng, đem hai vạn kỵ binh sang xâm lược. Ông là môn đồ của Khổng, Mạnh thì phải làm thế nào?
            Văn Hạnh ngớ cả ra, chưa biết nói thế nào. Trương ở bên cạnh, bèn nói:
            -Đạo lý của Khổng Mạnh lấy trung hiếu làm đầu. Nếu gặp việc như thế thì ta phải mặc giáp ra trận, bắt sống Khổng Mạnh để báo đền nợ nước. Đó là điều Khổng Mạnh đã dạy ta. Có gì mà phải suy nghĩ?
            Người khách buôn ấy phải phục sự kiến giải của Trương. Văn Hạnh thấy lạ, từ đó tôn Trương làm thầy, đối đãi trên tất cả các môn khách. Bấy giờ, Văn Hạnh bị Loan bắt, bọn môn khách có người muốn đi cầu xin cho Hạnh, có người lại sửa soạn đi trốn. Trương cũng ở trong số người định đi trốn. Bọn môn khách đều nhìn Trương khinh bỉ, có kẻ nói:
            -Ông chỉ là kẻ thư sinh áo vải, sa cơ lỡ vận, được quan Nội hữu biết cho, đối đãi rất hậu. Thế mà nay quan Nội hữu gặp nạn, lại định đi trốn. Thật là cháy nhà mới lòi mặt chuột, lâm nguy mới biết lòng người.
            Trương vặn:
            -Ông chỉ là kẻ hủ nho, biết gì mà nói. Phúc Loan là kẻ độc ác nham hiểm, lòng dạ như rắn rết. Ngày thường tôi đã khuyên quan Nội hữu nhẫn nhịn chờ thời, đừng vội chọc đến hắn. Quan Nội hữu không nghe tôi, mới lâm vào cảnh này. Phen này hắn sẽ hại chết cả nhà, còn mong kêu cầu vào đâu? Họ Trương chỉ có một người nối dõi, nếu để tuyệt đi thì đau xót biết chừng nào. Tôi đang sửa soạn cùng Trương công tử đi trốn, bảo toàn đứa con côi cho nhà họ Trương. Các ông lại muốn đi kêu cầu, để tuẫn tiết với chủ. Trượng phu chí hướng mỗi người một khác, Trương này không dám can ngăn. Ai muốn bảo toàn đứa con côi cho họ Trương thì hãy nghe tôi mau mau thu xếp hành trang, cứ một già một trẻ đi với nhau, chia ra các ngả mà chạy, để Phúc Loan không biết đường mà truy đuổi, thì sự mới thành được.
            Bọn môn khách nhiều người làm theo lời Trương. Phúc Loan muốn nhổ cỏ nhổ cả rễ, bèn sai Trương Phúc Nhạc và Tôn Thất Dục chia nhau đi bắt gia quyến của Cao Kỷ và Văn Hạnh. Dục đến phủ của Văn Hạnh thì bọn người của Trương đã trốn xa rồi. Dục cũng có ý thả, nên sai quân cứ thong thả mà đuổi. Nên Trương trốn được thoát. Phúc Loan sai người thêu dệt tội trạng, vu cho Trương Văn Hạnh đem ở chợ. Chưởng Vũ may có Duệ tông tha cho, chỉ bị giam lỏng mấy tháng rồi tha. Chưởng Vũ lo buồn thành bệnh, không lâu sau thì chết ở phủ đệ.
            Trương Văn Hạnh chết rồi. Trong ngoài chính phủ ai cũng cho là oan. Phúc Loan biết lòng dân không phục, bèn tâu với Duệ tông triệu Tham mưu dinh Điều khiển Gia Định là Nguyễn Cư Trinh về, thăng làm Lại bộ, lại xin khởi phục cho Nguyễn Quang Tiền làm Hàn lâm viện, định mượn danh vọng hai người ấy để che mắt thiên hạ. Phúc Loan thấy Chưởng dinh Tôn Thất Nghiễm suốt ngày ham mê tửu sắc, bèn xin Duệ tông cho Nghiễm làm Nội hữu. Nghiễm không màng gì đến việc quân quốc, mọi việc đều do Phúc Loan quyết đoán. Phúc Loan lại xin được các nguồn Đồng Hương, Trà Sơn, Trà Vân làm ngụ lộc, riêng sai người đi trưng thu. Hàng năm được vô số vàng mà chỉ nộp thuế có một hai phần mười. Các thứ thuế nguồn về ngà voi, sáp ong, mật ong, mỗi năm thu được đến hơn 200 lạng bạc. Của báu chất như núi. Loan còn xin cho hai con trai mình được lấy công chúa, lại xin cho Thái Sinh làm việc ở bộ Hộ, tước Sinh Đức hầu, chia nhau các vị trí trọng yếu. Phúc Loan ngày càng buông tuồng. Người đời gọi y là Trương Tần Cối. Y lại sợ con trai của Trương Văn Hạnh còn trốn tránh, sẽ bất lợi đến y, bèn sai người tróc nã rất gấp.
            Lại nói về Giáo Trương cùng Trương công tử ăn mặc tồi tàn, cải tên đổi họ, giả dạng làm hai cha con, tìm đường vào Gia Định. Trương đổi tên là Trương Văn Hiến, công tử thì gọi là Văn Đa, ngày đi đêm nghỉ. Chẳng mấy chốc đã đến Ải Vân quan, trông về phía sau thì chẳng thấy truy binh đuổi tới, nên cũng hơi vững dạ. Văn Hiến bèn vào một quán nước nghỉ ngơi. Chủ quán ấy tên là Cưu, vốn là người tham bỉ. Trông thấy diện mạo cha con Văn Hiến giống như lời mô tả trong cáo thị, bèn lén đi báo cho bọn lính giữ ải biết. Cai đội “Trấn Phong Vân” Nguyễn Duệ đứng đầu bọn lính ấy nửa tin nửa ngờ, bèn dắt theo 5 tên lính đến xem cho rõ.
            Duệ đến nơi, sai năm tên tùy tùng chia nhau giữ các ngả. “Song Phủ Khai Sơn” Nguyễn Hãn lẻn ra sau chờ, hai anh em “Kim Thương Thủ” Đinh Liêm, “Ngân Thương Thủ” Đinh Lăng phục ở bên tả, “Quản Thiên La” Nguyễn Uy, “Vân Môn Thần” Nguyễn Học phục bên hữu, còn Duệ thì từ chính diện mà vào. Trương Văn Đa trông thấy Duệ mặc áo quan binh, sắc mặt biến đổi, vội chụp lấy tay nải định chạy. Duệ quát:
            -Chạy đi đâu!
            Giáo Hiến biết mình bị nhận mặt, bèn rút côn ra đánh Duệ. Duệ vung đao ra đỡ. Hiến hét lớn:
            -Công tử chạy mau!
            Trương Văn Đa liền nhảy qua cửa sổ. “Quản Thiên La” Nguyễn Uy phục sẵn, bèn tung cái lưới thép, bắt được Đa. Nguyễn Học cũng nhảy bổ vào, kề đao vào cổ Đa. Giáo Hiến thấy Đa bị bắt, bèn nhảy ra định cứu, chợt thấy có hai tên lính giống hệt nhau, một kẻ cầm kim thương, một kẻ cầm ngân thương, cùng nhau xông đến đánh. Nguyễn Duệ, Nguyễn Hãn cũng xông vào. Giáo Hiến đánh nhau với bốn người, trong bụng thầm khen ba tên lính võ nghệ tuyệt giỏi. Đánh hơn ba mươi hiệp, Hiến đuối sức, bị Nguyễn Hãn bổ một búa xuống đầu. Hiến lách mình né, lại bị Nguyễn Uy vung lưới thép bắt nốt. Giáo Hiến đành bó tay chịu trói. Duệ sai áp giải cả hai về huyện đường. Thật là:
“Rảo bước vào nam mong lánh nạn.
Ai hay mắc lưới lũ sài lang!”
Không biết tính mạng Văn Hiến và Trương công tử như thế nào. Xin xem hồi sau sẽ rõ.
#1
    Cherry Royce 26.05.2009 19:21:11 (permalink)
    Hi bạn!!!
    Lâu lâu mới ghé diễn đàn nhà mình, thấy có nhiều thành viên mới quá! Mình rất thích học về sử, nên đã tò mò đọc truyện của bạn, vì nghe âm hưởng đầu đề của truyện rất dã sử. Nhưng đây là truyện bạn tự sáng tác à? Nghe văn phong nó giống thể Chí lắm chứ không giống tiểu thuyết võ hiệp kiểu Kim Dung. Phải khâm phục bạn vì những tình tiết trong truyện rất có tính lịch sử, nhất là các nhân vật trong truyện. Nhưng tình tiết trong truyện này được diễn đạt gần như là tường thuật  trong một bài lịch sử vậy. Hy vọng nếu đó là tác phẩm của bạn, bạn hãy thay đổi cách diễn đạt một chút cho hấp dẫn hơn nhé, chứ cứ nói liên lu liền lù như kể chuyện lịch sử ấy thì không thể hấp dẫn được. Mình góp ý vậy là hơi mạo muội vì cũng chưa biết mục đích sáng tác và thể loại chính của tác phẩm này là gì nữa.
    Chúc bạn thành công.
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9