Nhi Đồng
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 21 bài trong đề mục
HongYen 13.04.2005 11:28:08 (permalink)
Ngừa tai nạn cho trẻ em

Tai Hoa Kỳ, cứ mỗi tháng lại có khoảng 400 trẽ em bi chết vì tai na.n. Phòng ngừa tai nạn trẻ em tùy theo từng lứa tuổi.

Trẻ từ khi mới sanh tới 4-5 tuổi thường hay bị tai nạn xe hơi. Vậy việc đầu tiên là phải cho trẻ ngồi ghế an toàn khi đi xe hơi.

Khi trẻ bắt đầu biết lẫy, biết đứng, ngồi, thường leo trèo, đi mon men chập chững là lúc thường xẩy ra tai nạn.

Nên ngăn chặn lối lên cầu thang để trẻ không bị tai na.n. Ngoài ra phải đóng cửa, vất bỏ những vật nhọn trong nhà có thể gây nguy hiểm.
Từ 2 tới 4 tuổi, trẻ bắt đầu biết chơi liệng trái banh, biết chạy, nhảy, leo chèo hay đạp xe đạp. Cho nên trẻ dẽ bị té ngã xe đạp, lọt ra ngoài cử sổ, ngã cầu thang, vấp ngã ngoài vườn. Bởi vậy cử ra vào nên khóa lại.

Nói về vấn đề ăn uống thì từ 7-12 tháng, tới 1-2 tuổi, trẻ hay sờ mó, thích gậm đồ ăn, đồ chơi để vào miệng, không phân biệt được đồ ăn nóng hay lạnh.

Bởi vậy không để cà phê hay nước trà nóng gần trẻ. Trong khi bạn đang nấu bếp, phải chặn hoạc nhốt trẻ trong chuồng, để tránh phỏng. Nếu lỡ bị phỏng thì đê3 băng sát trùng vào chỗ phỏng, chở con đi bác sĩ.

Trong nhà luôn luôn đặt máy báo khói hay lửa, tránh hỏa hoa.n.
Trong nhà nên ð maý báo ðÌng chaý (alarm smoke), ð tránh höa hoỏn.
Coi chừng đồ ăn thức uống vì trẻ có thể bị hóc.
Từ 2-4 tuổi, trẻ bắt đầu lục lọi ngăn kéo, vậy thuốc men hay những hóa chất để lau chùi nhà cửa nên để thật xa, an toàn.

Không nên để trẻ ngồi trong bồn tắm một mình, có thể chết đuối. Hồ bơi cũng phải phủ bằng vải che kín hồ bơi.

Nói tóm lại, từ lúc trẻ mơí sinh tơí 4-5 tuổi, cần phải coi chừng tối đa, tránh những tai nạn có thể sẩy ra bất cứ lúc nào.

Trần Mạnh Ngô, M.D., Ph.D., FAAFP.
#1
    HongYen 24.04.2005 16:46:37 (permalink)
    An toàn cho trẻ con

    Monday, April 18, 2005 Oanh Thơ

    Khi con hay cháu của bạn bắt đầu những bước đi chập chững đầu tiên, đó chính là lúc bạn cần chú ý hơn bao giờ hết về sự an toàn của chúng.

    Tôi đã chứng kiến cảnh ba má hay bà nội, ngoại của một số đứa trẻ vừa bế cháu vừa nấu ăn, uống cà phê hay chế nước sôi pha trà mà không hề nghĩ rằng mình có thể làm phỏng đứa trẻ!

    Rồi một vài người khác thì cho trẻ con chơi đùa chung quanh khu vực có TV và hệ thống âm thanh stereo, một cách thoải mái. Họ còn vỗ tay hoan hô cho là đứa bé thông minh khi nó biết tắt, mở những đồ dùng bằng điện, hay khi nó làm bộ ra phía đằng sau cái máy hát hay TV để sửa chữa!

    Ở vào năm đầu tiên của cuộc đời, mấy đứa trẻ ấy muốn sờ mó, nếm và khám phá đủ mọi thứ mà chúng trông thấy. Nếu đó là lỗ cắm điện thì chúng sẽ đút ngón tay vào. Nếu vớ được bất cứ một vật gì nhỏ, chúng cho vào mồm ngay. Còn nếu đó là một cái gì lăn tròn và có thể lúc lắc được là chúng leo lên trên đứng nhún nhẩy, hai tay thả lỏng không hề biết là phải vịn cho khỏi ngã!

    Tôi biết là khi có con, cháu còn nhỏ, nhất là ở vào giai đoạn một, hai tuổi, thế nào bạn cũng bị căng thẳng vì phải theo trông chừng chúng từng chút một. Thế nên, tôi xin gởi đến bạn một bài báo trên tờ Orange County Family với những lời hướng dẫn, nhằm giúp các bậc cha mẹ còn trẻ tuổi, hay ông bà nội, ngoại biết cách chuẩn bị và đề phòng để tránh được những tai nạn không hay xảy ra.


    * Hãy suy nghĩ như là một đứa trẻ 1, 2 tuổi

    Khi bạn nghĩ đến sự an toàn của trẻ con có nghĩa là bạn phải chú ý đến những gì nó suy nghĩ. Có nghĩa là bạn hãy coi nhà bạn như là một phòng thí nghiệm, một trung tâm tập thể dục hay là một quán ăn “all you can eat”.

    Theo bà Louise Bares Ames, tác giả của những cuốn sách viết về sự phát triển của con người thì trẻ con 1, 2 tuổi suy nghĩ bằng “đôi chân”. Nhu cầu phát triển của chúng là tìm tòi và thăm dò. Thế nên khi chúng trông thấy cái gì, là chúng phải quan sát và xem xét. Nếu bạn bảo một đứa trẻ 1, 2 tuổi đừng thăm dò, đừng khám phá thì cũng như bạn bảo một đứa trẻ sơ sinh đừng khóc khi nó đói. Ðiều này không hợp lý mà không bao giờ đúng cả.

    Ðiều cần thiết và đúng nhất là hãy cho những đứa trẻ 1, 2 tuổi này có cơ hội để tìm tòi, thăm dò một cách an toàn. Bà Ames nói rằng những đứa trẻ này cần người lớn nghĩ giùm cho chúng để làm sao sự nguy hiểm không xảy ra.

    tiếp...


    #2
      HongYen 24.04.2005 16:50:02 (permalink)
      ......

      * Quan sát sàn nhà

      Muốn bảo vệ an toàn cho trẻ con, bạn cần chuẩn bị cẩn thận và sẵn sàng để nhìn thế giới với con mắt ngây thơ và đầy tưởng tượng của chúng.

      Hãy ngồi xuống sàn nhà và nhìn lên. Bạn có thấy núi để leo trèo lên hay không? Có những sợi dây để đu không? Có cái tấm bạt giăng (trampolines) để nhún nhẩy không?

      Dĩ nhiên là có tất cả những thứ ấy trong nhà bạn! Thí dụ như kệ sách có thể là triền núi; những dây kéo màn, khăn màn, đồ vắt khăn và những dây điện là những thứ hấp dẫn trẻ con, khiến chúng nghĩ tới trò chơi đu dây. Và tất cả những cái ghế có nệm hay giường đều là nơi lý tưởng để cho chúng nhẩy nhót.

      * Ðể có sự an toàn cho trẻ con, những kệ sách nên được đóng chặt vào tường. Những sợi dây kéo màn hay bất cứ giây nhợ gì đong đưa đều phải được cột cao lên, ngoài tầm tay của trẻ. Dây điện cần phải được gom lại gọn ghẽ chứ không để lung tung trên sàn nhà. Và tốt hơn hết là phải luôn luôn có sự giám sát của người lớn bên cạnh trẻ con ở lứa tuổi này.

      - Những cái ghế cao cũng là vật trẻ con thích leo trèo. Những cái gì ở trên cao và có vẻ hấp dẫn mà mắt trẻ nhìn thấy là chúng sẽ tìm cách với lấy. Tất cả những vật có thể gây nguy hiểm như thuốc men, đồ trang điểm, dao, kéo, kềm, búa đều cần được cất vào ngăn tủ có móc an toàn và không để cho trẻ con nhìn thấy.

      * Trẻ con thường rất thích nước và một số lượng rất nhỏ cũng có thể đưa đến cái chết. Bồn cầu, xô đựng nước lau nhà, bồn tắm, hồ bơi, hay ngay cả cooler đựng nước ngọt, đều là những thứ mà các đứa trẻ thường tìm đến để chơi với nước.

      * Những đứa trẻ 1 tuổi hay nhỏ hơn thường tìm hiểu bằng cái miệng của chúng, cho nên tất cả những vật gì nhỏ và có thể làm cho mắc cổ như đồng tiền, hòn bi, trái nho, đồ chơi lego... cần phải được để ý để không cho chúng bắt gặp hay lượm được.

      * Những vật dụng trong nhà có mùi vị hay màu sắc hấp dẫn đều khiến trẻ con muốn ăn: Thí dụ như đồ trang điểm có mùi thơm hay dung dịch chùi rửa có mùi chanh cần phải để ở nơi an toàn. Ngay cả những cây cỏ cũng có thể nguy hiểm cho trẻ con. Cần biết chắc là các loại cây đó không phải là loại cây độc hại trước khi chưng bày ở những nơi mà trẻ con có thể với lấy.

      * Ðể được an toàn hơn, bạn nên giữ số điện thoại của cơ quan kiểm soát chất độc Poison Control ngay gần máy điện thoại. Ở Orange County là (800) 876-4766.

      * Sự tò mò của trẻ một, hai tuổi có thể xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Máy rửa chén, những cái hộp đựng vật dụng linh tinh, thùng rác, thùng đựng dụng cụ sửa chữa nhà cửa như kềm, búa, đinh ốc là những nơi mà trẻ con rất muốn khám phá và tìm tòi. Bạn nên nhớ để chúng ở những chỗ mà trẻ con không nhìn thấy và với tới được.

      Ngay cả những bao bằng plastic để đựng đồ ăn hay đựng áo quần, bạn cũng phải để ý và không bao giờ cho trẻ con chơi với chúng vì có thể gây ra việc ngộp thở khi trẻ con chơi đùa, trùm lên đầu chúng.

      Oanh Thơ

      http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=22245&z=6
      #3
        HongYen 25.04.2005 17:31:59 (permalink)

        Thứ sáu, 15/4/2005, 10:38 GMT+7

        Hiểm họa từ bình sữa


        Thận trọng khi cho trẻ bú bình nhựa.

        Bình sữa, núm vú giả và đồ chơi bằng nhựa cho trẻ nhỏ có thể gây tổn thương não, rối loạn sinh sản và các bệnh ung thư sau này. Nguyên nhân là do chúng có chứa chất Bisphenol-A (BPA), đang được sử dụng phổ biến trong sản xuất đồ nhựa cứng.

        Bisphenol-A là một hóa chất nhân tạo được dùng trong sản xuất các sản phẩm làm bằng chất dẻo polycarbonate như hộp đựng thức ăn trong tủ lạnh, bình nước, bình sữa trẻ em, đồ chơi, núm vú giả... Chất này cũng được tìm thấy trong keo epoxy phủ bên trong các hộp đựng thức ăn và chất trám răng cho trẻ. Các dẫn xuất của BPA còn được dùng làm chất khó cháy trong keo, giấy và vải.

        Bisphenol-A có tác dụng giống như hoóc môn sinh dục nữ oestrogen, can thiệp vào quá trình tự nhiên của cơ thể. BPA có liên quan đến những ảnh hưởng xấu đối với hoạt động sinh sản của cả nam và nữ, làm thay đổi chức năng hệ miễn dịch, gây rối loạn hành vi và bất thường về khả năng nhận thức. Về lâu dài, nó sẽ làm tổn thương não bộ, gây ra căn bệnh Alzheimer và một số bệnh ung thư. Trẻ nhỏ sớm tiếp xúc với Bisphenol-A sẽ bị tổn thương vĩnh viễn.

        "Bằng chứng khoa học đã rất rõ ràng, và nó không chỉ mang đến sự sợ hãi mà là nỗi kinh hoàng thực sự. Cho trẻ bú cạn bình sữa bằng nhựa cứng và trong suốt cũng giống như cho bé uống thuốc tránh thai", giáo sư sinh vật học Frederick vom Saal, Đại học Missouri-Columbia, nhận định trên tạp chí Environmental Health Perspectives của Mỹ.

        Chất BPA trong gần 100 nghiên cứu trên động vật mà giáo sư vom Saal tổng hợp được có liều lượng thấp hơn nhiều so với mức được tìm thấy trên cơ thể người và mức quy định của chính phủ Mỹ. Tất cả đều cho thấy BPA làm cho hệ sinh dục và não của động vật sơ sinh phát triển bất thường. Điều này chứng tỏ, chỉ cần liều nhỏ BPA cũng có thể gây ảnh hưởng tương tự lên bào thai người và trẻ nhỏ.

        Hơn 3 triệu tấn chất độc BPA được sản xuất mỗi năm ở 15 công ty lớn. Trong nghiên cứu mới nhất của Đại học Yale và bệnh viện Helen Hayes (Mỹ), người ta đã phát hiện ra một lượng nhỏ BPA đã kìm hãm sự phát tiết hoóc môn oestrogen ở những con chuột cái tại các điểm nối tiếp hợp trong vùng chân hải mã (hippocampus) - vùng não liên quan đến sự biểu cảm hành vi tình dục, cũng như sự hình thành và lưu giữ trí nhớ.

        Một cuộc chiến chống sử dụng bisphenol-A đang dấy lên tại Mỹ. Ở bang California, các nhà lập pháp bang dự kiến sẽ sử dụng các bằng chứng trên để xây dựng dự thảo đầu tiên về việc nghiêm cấm sử dụng BPA trong sản xuất nhựa dùng cho trẻ dưới 3 tuổi.

        Mỹ Linh (theo Chemical online, Medical news today)

        http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/04/3B9DD4B2/
        #4
          HongYen 01.05.2005 03:34:15 (permalink)
          19 Tháng 4 2005 - Cập nhật 20h15 GMT

          Cân nặng khi sinh có liên quan tới bệnh béo phì


          Tăng cân nhanh quá không phải là điều tốt


          Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, trẻ sơ sinh tăng cân quá nhanh trong tuần đầu tiên sau sinh có nhiều khả năng bị bệnh béo phì hơn khi trưởng thành.
          Thông thường trẻ sơ sinh không tăng cân, thậm chí giảm cân, trong tuần đầu tiên vì đây là thời gian trẻ phải làm quen với môi trường xung quanh.

          Nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện thấy với mỗi 100g tăng trưởng trong thời gian này, nguy cơ bị béo phì khi lớn lên sẽ tăng thêm 10%.

          Theo tạp chí khoa học Circulation, nếu trẻ được bú sữa mẹ, khả năng bị béo phì sẽ giảm xuống.

          Tất cả 653 người tham gia vào nghiên cứu đều là những người được nuôi bằng sữa bột khi còn sơ sinh vào thập kỷ 1970 và 1980, và những người này dễ tăng cân hơn những người được nuôi bằng sữa mẹ khi nhỏ.

          Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Trẻ em Philadelphia, trường Đại học Pennsylvania và Đại học Iowa phát hiện thấy tăng cân trong tuần đầu tiên có ý nghĩa quyết định đối với mức độ béo phì trong tương lai.

          Họ nói rằng kết quả nghiên cứu này có thể sẽ được dùng để giải quyết vấn đề ngày càng có nhiều người bị béo phì trên toàn thế giới.

          Tại Anh quốc, tỉ lệ người lớn bị béo phì đã tăng gần gấp 4 lần trong vòng 25 năm qua, và cứ gần 1 trong số 4 người lớn được đánh giá là béo phì.

          Và người ta đánh giá rằng cứ 10 trẻ em 6 tuổi lại có 1 em béo phì, tức là tăng gấp 3 lần so với cách đây 20 năm.

          http://www.bbc.co.uk/vietnamese/science/story/2005/04/050419_newbornweight.shtml
          #5
            HongYen 29.05.2005 04:28:20 (permalink)
            Thứ sáu, 27/5/2005, 17:22 GMT+7

            5 sai lầm thường gặp khi nuôi trẻ nhũ nhi

            1. Nhiều gia đình thường xuyên hầm xương ống để quấy bột, nấu cháo cho con vì cho là nó ngọt nước và nhiều chất bổ. Thực ra, nước hầm xương ống có quá nhiều mỡ trong khi rất ít đạm và canxi. Để nấu cho trẻ, các bà mẹ nên chọn xương sống, xương sườn.

            Tiến sĩ Phạm Trung Kiên thuộc khoa Nhi Đại học Y Hà Nội cho biết, khi nuôi trẻ nhũ nhi, các bà mẹ còn hay mắc các sai lầm sau:

            2. Pha sữa với các thực phẩm khác: Trộn bột với sữa là thói quen của nhiều người nuôi trẻ. Theo tiến sĩ Trung Kiên, các loại sữa bột đã được nghiên cứu để cung cấp lượng dưỡng chất tối đa phù hợp với khả năng hấp thu của cơ thể bé. Nếu trộn thêm bột hay bất cứ thực phẩm nào khác sẽ làm thay đổi công thức tối ưu này. Việc làm sữa trở nên đặc thêm sẽ làm tăng gánh nặng cho thận, và trẻ có thể không hấp thu hết các thành phần trong sữa. Cũng đừng pha sữa bằng nước hoa quả vì điều đó là không cần thiết; hơn nữa vitamin C trong nước quả có thể làm sữa trở nên khó tiêu. Vì vậy, nếu trẻ ăn sữa bột thì tốt nhất là pha theo đúng công thức hướng dẫn, pha đặc hơn sẽ gây khó tiêu, làm yếu thận, pha loãng thì không đủ dinh dưỡng.

            3. Cho trẻ ăn bột với đường: Bữa ăn của bé phải đầy đủ và cân đối 4 nhóm chất: bột-đường, đạm, béo, vitamin và khoáng. Vì vậy, tốt nhất vẫn là bột mặn với bột, thịt cá, rau, dầu ăn... Một bát bột ngọt sẽ thiếu đạm và thừa đường, nếu có đủ thì thường lờ lợ khó ăn. Việc thừa đường sẽ làm tăng men chua trong dạ dày và ruột, dễ gây rối loạn tiêu hóa. Bột có thể ứ đọng trong ruột, cản trở hấp thu canxi và dẫn đến còi xương. Chất ngọt nhanh gây cảm giác no nên dễ làm cho trẻ trở nên biếng ăn.

            4. Lạm dụng thuốc chống biếng ăn: Theo tiến sĩ Kiên, trẻ em thành phố dù có đầy đủ điều kiện, có bố mẹ cập nhật được kiến thức về dinh dưỡng nhưng vẫn hay biếng ăn và còi cọc hơn trẻ nông thôn, đó là vì quá lạm dụng dược phẩm. Nhiều bà mẹ hễ thấy con lười ăn thì thay vì tìm cách "thuyết phục" bằng các thực đơn đa dạng thì lại vội vàng đi mua thuốc chống chán ăn, men tiêu hóa... Nếu dùng lâu ngày, trẻ sẽ lệ thuộc vào những chế phẩm này và càng biếng ăn hơn. Vì vậy, chỉ nên dùng chúng khi đã "hết cách" và cũng không dùng quá 2 tuần. Trẻ dưới 6 tháng tuổi tuyệt đối không nên dùng các thuốc này.

            5. Cho ăn quá nhiều chất bổ dưỡng: Lượng đạm bé cần mỗi ngày là 4-4,5 g/kg thể trọng (với trẻ 1 tuổi, mỗi ngày dùng tối đa 1 lạng thịt), lượng dầu mỡ cũng tương tự như vậy, trong đó 50% là mỡ thực vật. Lượng bột phải cao gấp 4 lần. Trong năm đầu, việc nuôi trẻ có một mâu thuẫn: trẻ cần rất nhiều dinh dưỡng để phát triển trong khi hệ tiêu hóa lại còn rất yếu, nếu nuôi không khéo sẽ gây tiêu chảy, kéo theo suy dinh dưỡng và còi xương. Vì vậy, các bà mẹ phải hết sức chú ý vấn đề vệ sinh và đừng vì sốt ruột mà cho ăn quá bổ dưỡng. Nhiều bà mẹ cho trẻ ăn ngày vài lạng thịt và ngạc nhiên thấy bé ngày càng còi cọc, đó là do khẩu phần quá nhiều đạm, khiến hệ tiêu hóa non nớt phải làm việc mệt mỏi, dễ rối loạn, gây phân sống, tiêu chảy, càng nuôi càng chậm lớn.

            >>>>>>>>>>>>>>>>>>

            Tiến sĩ Nguyễn Trung Kiên cũng lưu ý các bà mẹ nuôi trẻ nhũ nhi:

            Chỉ cho ăn hoa quả khi bắt đầu ăn dặm.

            Cho ăn bổ sung tăng dần về số lượng và độ đặc. Mỗi khi thử một thức ăn mới thì phải vừa cho ăn vừa nghe ngóng xem bé có bị chướng bụng, tiêu chảy hay dị ứng không để điều chỉnh.

            Sau 8-9 tháng tuổi mới nên cho trẻ ăn tanh vì loại thức ăn này dễ gây dị ứng và tiêu chảy. Nên vừa cho ăn vừa để ý theo dõi phản ứng cơ thể bé.

            Chỉ nên dùng bột ăn liền khi đi picnic hoặc không có điều kiện nấu nướng, còn hằng ngày mẹ nên chịu khó nấu cho con ăn. Một bát bột tươi sẽ có đủ dinh dưỡng, nhất là các nguyên tố vi lượng hơn là loại chế biến sẵn. Tuyệt đối không để bát bột có màu trắng mà phải tô màu cho nó: màu xanh của rau, vàng của trứng, tôm, cà rốt, nâu sẫm của thịt.... Bát bột trắng chắc chắn sẽ làm trẻ suy dinh dưỡng.

            H.H

            http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/05/3B9DE58A/
            #6
              HongYen 29.05.2005 04:48:46 (permalink)
              Thứ ba, 10/7/2001, 10:23 (GMT+7)

              Làm gì khi trẻ bị sặc sữa?



              Khi cho bú, nên bế trẻ cao đầu.


              Bé đang bú bỗng ho sặc sụa, tím tái và lịm đi. Đó là bé đã bị sặc sữa, một tai biến thường gặp khi bú bình. Sữa tràn vào khí quản, thậm chí vào tận phế nang làm tắc đường hô hấp hoặc cản trở quá trình trao đổi khí giữa phế nang và mao mạch, khiến trẻ có thể chết vì thiếu ôxy.

              Gặp trường hợp này cần cấp cứu ngay vì đưa đi bệnh viện lúc này thường không cứu kịp. Người lớn phải khẩn trương làm cho sữa ra khỏi đường hô hấp, nhanh nhất đơn giản nhất là dùng mồm mình hút mạnh vào miệng và mũi bé. Hút càng nhanh, càng mạnh càng tốt, nếu để chậm sữa sẽ vào sâu trong khí quản khó rút ra, trẻ bị tắc thở lâu, khó cứu. Sau đó, hút kỹ những sữa còn đọng ở họng và mũi, nhổ đi. Khi hút xong nên kích thích mạnh vào đầu trẻ, để cháu bé khóc và thở được. Ngay sau đó mới khẩn trương đưa trẻ tới bệnh viện để tiếp tục cứu chữa và giải quyết hậu quả.

              Sặc sữa có thể do nhiều nguyên nhân:

              - Do lỗ thông đục ở đầu vú cao su to quá, sữa chảy nhanh, mạnh làm trẻ nuốt không kịp.

              - Một số trẻ có thói quen vừa ăn vừa ngủ, miệng ngậm vú sữa vẫn chảy nhưng không nuốt. Khi thở mạnh, trẻ có thể hít sữa đưa lên mũi vào khí quản, phế quản gây ra sặc.

              - Trẻ 3-4 tháng tuổi đã bắt đầu biết nói chuyện. Nếu người vừa cho bú vừa à ơi nói chuyện, trẻ mải hóng chuyện ngậm sữa trong miệng không chịu nuốt. Lúc thích chí, trẻ toét miệng cười, sữa tràn vào khí quản gây sặc.

              Để đề phòng sặc sữa, không nên cho trẻ vừa bú vừa ngủ, không đùa với trẻ khi đang bú. Khi cho bú nên bế trẻ cao đầu, ở tư thế thoải mái, không nên để gập cổ hoặc ngửa cổ quá (gập cổ sẽ gây khó nuốt, còn ngửa cổ thì dễ bị sặc sữa lên mũi). Khi trẻ ho hoặc khóc thì phải ngừng cho bú ngay, không để sữa tiếp tục chảy xuống miệng trẻ.

              BS Vũ Hướng Văn, SK&ĐS, 6/200

              http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2001/07/3B9B2398/
              #7
                HongYen 03.06.2005 05:02:43 (permalink)
                Unicef có thông điệp trong ngày Quốc tế Thiếu nhi


                Ông Christian Salazar, Quyền Đại diện Unicef Việt Nam (Ảnh của Unicef Vietnam)


                Trong khi tiến bộ của Việt nam để giảm thiểu tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh là có ấn tượng, thì Uncicef nói rằng trực trạng trẻ thiếu dinh dưỡng, trẻ uống nước bẩn cũng như điều kiện vệ sinh kém, đặc biệt tại những khu vực nông thôn và vùng đồng bào thiếu số vẫn là các quan ngại lớn.
                Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi, ông Christian Salazar, Quyền đại diện trưởng Unicef Việt Nam đã dành cho BBC cuộc phỏng vấn trong đó ông nói về những quan ngại đối với Việt Nam và ông cũng gửi tới chính phủ Việt Nam cũng như cha mẹ các em và trẻ em tại Việt Nam những thông điệp.


                Nguyễn Hoàng phỏng vấn ông Salazar, Đại diện Unicef Việt Nam

                Christian Salazar: Quí vị cũng đã biết rằng quan ngại đối với trẻ em là lý do tồn tại chính của tổ chức Unicef. Tôi cho rằng trong 30 năm qua đời sống trẻ em tại Việt Nam được cải thiện vô cùng lớn và có rất ít quốc gia đạt được tốc độ giảm nghèo như Việt Nam. Thế nhưng Việt Nam cũng là nước đang trở thành nước nạn nhân của thành công của chính họ. Tức là trong khi ngày càng có bớt trẻ em sinh trưởng trong nghèo nàn thì nay có nhiều vấn đề mới khác đang nảy sinh và chúng tôi thấy có những thách thức đối với trẻ em trong quá trình xã hội đang hiện đại hóa. Chẳng hạn tai nạn giao thông và các tai nạn chấn thương khác cũng như những vụ chết đuối đang là đe dọa hàng đầu đối với nhiều trẻ em.

                BBC: Ông có thể nói rõ hơn về hệ quả của quá trình xã hội Việt Nam đang hiện đại hóa?

                Christian Salazar: Chúng ta thấy có những thay đổi trong gia đình, mâu thuẫn trong gia đình nơi vai trò người phụ nữ đang thay đổi. Chúng ta thấy mọi người rất bận rộn và rất bị căng thẳng trong việc nắm bắt các cơ hội mới trong quá trình thay đổi sang nền kinh tế thị trường. Do đó ngày càng có nhiều xung đột trong gia đình và tất nhiên trẻ em phải hứng lấy những hệ quả đó. Chúng ta cũng thấy ngày càng nhiều các vấn đề trong việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo động và bóc lột.


                Ông Ralf Bauer, Đại sứ Thiện chí người Đức của Unicef thăm Dự án Nước và Vệ sinh (Ảnh của Uncicef Vietnam)


                BBC: Thế nhưng dường như đó là quan ngại của nhịp sống đô thị, thế còn nông thôn và những địa bàn xa xôi nơi người thiểu số sinh sống thì sao?

                Christian Salazar: Tình hình của những trẻ em tại các khu vực rất nghèo ở nông thôn thực ra là quan ngại chính của Unicef. Tất cả tiến bộ trong việc giảm nghèo tại Việt Nam trong vòng mấy năm trở lại đây đã có kết quả khả quan nhưng sự khác biệt giữa trẻ sống tại nông thôn đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số với trẻ sống tại đô thị ngày càng tăng. Do đó trong vòng 4-5 năm tới chúng ta thực ra sẽ ngày càng khó khăn trong nỗ lực giúp ngày càng nhiều trẻ em thoát khỏi đời sống nghèo nàn bởi các gia đình nghèo còn lại đang ở nhưng vùng rất hẻo lánh và nằm tại các địa bàn khó có thể tiếp cận. Hầu hết trẻ tử vong khi còn ít tháng tuổi là nằm tại các khu vực nông thôn và tỷ lệ này còn rất cao. Trong khi Việt Nam đang thực hiện khá tốt trong việc giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thì con số vẫn nằm ở khoảng 20-24% số trẻ bị thiếu ăn và đặc biệt là tại các khu vực nông thôn và quan ngại lớn khác đó là thiếu nước sạch và thực trạng vệ sinh kém. Rất nhiều trẻ em bị tiêu chảy do điều kiện vệ sinh kém và nhiều em có giun và các khuẩn khác trong người và nếu thậm chí trẻ có thể ăn được chút nào thêm thì giun sán cũng hút hết. Đó là vì sao nước và vệ sinh có ảnh hưởng quan trọng tới dinh dưỡng cho trẻ em.

                BBC: Báo chí Việt Nam nói về điều họ gọi là thiếu sân chơi cho trẻ em, thế nhưng thậm chí nếu có sân chơi thì trẻ em có đủ thời gian để chơi hay không bởi thực trạng trẻ em tại Việt Nam ngày nay phải học quá nặng, cả học chính thức lẫn học thêm?


                Unicef cấp cặp đeo lưng cho học sinh tiểu học (Ảnh của Uncicef Vietnam)

                Xem mục Học Đường VNTQ

                BBC: Là nước tham gia ký vào Công ước về Quyền Trẻ em của Unicef, Việt Nam có trách nhiệm phải báo cáo về việc thực thi quyền trẻ em ra sao trong vòng 5 năm một lần. Vậy ông có nghĩ là khoảng thời gian 5 năm đó là khá lâu để xử lý các vấn đề có tính ngắn hạn hơn?

                Che mẹ nên lắng nghe và nói chuyện với con cái và chúng tôi cũng nói với trẻ em là hãy lắng nghe và nói chuyện với cha mẹ


                Thông điệp của Unicef Việt Nam

                Christian Salazar: Nhiều thay đổi cải thiện điều kiện cho trẻ em không xảy ra ngay lập tức mà được diễn ra trong qui mô lớn hơn và phải mất vài năm để cải thiện. Chẳng hạn như vấn đề dinh dưỡng và y tế, là các vấn đề trước mắt. Do đó hạn 5 năm là ổn. Thế nhưng chỉ có báo cáo thôi thì không đủ. Unicef chúng tôi hàng năm theo dõi thực trạng của trẻ em và chúng tôi trao đổi với chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và tổ chức trong nước. Tôi nghĩ rằng điều Việt Nam cần thiết lập đó là việc người dân và trẻ em có nhiều cơ hội để khiếu nại nếu có cái gì đó không ổn và các khiếu nại này cần được nhà chức trách giải quyết nghiêm túc. Do đó nhìn vào báo cáo theo các báo cáo 5 năm một lần theo qui mô toàn quốc là phương pháp theo góc độ quốc tế, thế nhưng nhiệm vụ thực tế là phải giám sát điều gì đang xảy ra với trẻ em tại Việt Nam.

                BBC: Trong ngày quốc tế thiếu nhi hôm nay thì thông điệp của ông với tư cách là đại diện cho Unicef Việt Nam gởi tới chính phủ Việt Nam, bậc cha mẹ các em và chính trẻ em Việt Nam là gì?

                Unicef nói rằng quyền được thư giãn cũng quan trọng như quyền được học

                Xem mục Học Đường VNTQ

                http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2005/05/050531_unicefvietnam.shtml
                #8
                  HongYen 06.06.2005 15:35:43 (permalink)

                  Bệnh nhi vừa được mổ vá màng nhĩ.


                  Thứ hai, 6/6/2005, 09:02 GMT+7

                  Bệnh viêm tai giữa ở trẻ bắt đầu chỉ là sổ mũi


                  Viêm tai giữa ở trẻ là hậu quả của sự viêm nhiễm đường hô hấp trên
                  . Bắt đầu chỉ là cảm cúm, sổ mũi thông thường, nhưng do phụ huynh không quan tâm nên bệnh kéo dài và chuyển sang viêm tai giữa. Hậu quả xấu nhất là trẻ sẽ bị điếc.

                  Điển hình như trường hợp của cháu T.T., 7 tuổi, quê ở Bến Lức, Long An, vừa được phẫu thuật vá màng nhĩ tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Mẹ em kể: "Lúc 1 tuổi cháu bị cảm và sổ mũi nhưng tôi cứ nghĩ là dị ứng thời tiết. Theo thói quen, tôi ra nhà thuốc kể bệnh và mua thuốc về cho cháu uống, nhưng qua mấy ngày không khỏi. Đến bệnh viện, bác sĩ phát hiện cháu bị viêm tai giữa, bảo phải điều trị 6 năm mới vá màng nhĩ để không bị biến chứng. Phẫu thuật thành công thì tai phải của cháu cũng bị điếc vĩnh viễn".

                  Trường hợp như cháu T. không phải là ít. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng 1, mỗi năm có hơn 3.000 trẻ được đưa đến khám vì viêm tai giữa. Trong đó, khoảng 300 ca phải phẫu thuật để khôi phục thính lực; nhiều nhất là vá màng nhĩ, chỉnh hình hệ thống xương con trong tai. Nếu thành công, bệnh nhi cũng chỉ phục hồi được 30-60%khả năng nghe. Ở mức 30%, trẻ gần như không thể nghe được, còn nếu phục hồi được 60% thì khả năng nghe của trẻ giống như người bị lãng tai. Trong khoảng 300 ca được phẫu thuật năm 2003, khoảng 30% bị điếc vĩnh viễn; năm 2004 là hơn 24%.

                  Bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, Trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho rằng, đó là con số đáng báo động. Hiện hầu hết trẻ bị viêm tai giữa đều do cha mẹ bỏ qua các biểu hiện bệnh, hoặc do không biết về mức độ nguy hiểm của viêm tai giữa nên không quan tâm chữa chạy ngay. Chỉ đến khi bệnh ở vào giai đoạn cuối, tức là màng nhĩ đã bị rách, họ mới đưa con đến bác sĩ. Lúc đó thì đã quá muộn bởi bệnh viêm tai giữa phát triển nhanh theo từng ngày; chỉ cần chữa trị chậm một ngày thì mức nguy hiểm cũng tăng theo.

                  Bác sĩ Sơn đã kết hợp với các chuyên gia Đan Mạch nghiên cứu về bệnh viêm tai giữa xuất tiết ở trẻ em (là giai đoạn chuẩn bị chuyển sang viêm tai giữa mạn tính). Qua khảo sát 3.300 trẻ từ 6 tháng đến 10 tuổi ở hai vùng có điều kiện kinh tế khác nhau, họ phát hiện có hơn 7% trẻ bị bệnh viêm tai giữa xuất tiết mà các bậc phụ huynh không hề hay biết. Độ tuổi bị nhiễm bệnh nhiều nhất là 1-2 tuổi. Vào mùa mưa, bệnh xuất hiện nhiều hơn do khí hậu ẩm lạnh khiến trẻ dễ bị viêm đường hô hấp trên. Không có sự khác biệt về tỷ lệ nhiễm bệnh giữa nông thôn và thành thị.

                  Theo bác sĩ Đặng Hoàng Sơn, rất khó phát hiện viêm tai giữa ở trẻ trong giai đoạn đầu vì nó có biểu hiện giống các bệnh hô hấp thông thường như sổ mũi, cảm cúm, nóng sốt, hay quấy khóc... Các bậc cha mẹ thường không nghĩ đến viêm tai và chỉ bác sĩ chuyên khoa giỏi mới phát hiện được. Nếu không được điều trị ở giai đoạn đầu, viêm tai giữa sẽ biến chứng thành những bệnh nguy hiểm như viêm tai giữa mạn tính, viêm xương chũm, viêm màng não và Cholesteatone (tức xương tai bị hoại tử). Lúc đó, chắc chắn trẻ sẽ bị điếc và không có khả năng phục hồi thính lực. Điều này đối với trẻ em dưới 12 tháng tuổi thì vô cùng nguy hiểm. Vì không nghe nên trẻ không thể phản ứng lại với môi trường xung quanh, dần dần sẽ mất khả năng nói, trở nên câm điếc.

                  Do đó, theo bác sĩ Sơn, các cơ sở y tế cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về mức độ nguy hiểm của bệnh viêm tai giữa đến các bậc cha mẹ; kêu gọi họ quan tâm hơn nữa đến những bệnh về đường hô hấp trên ở trẻ. Nếu trẻ có dấu hiệu các bệnh về đường hô hấp nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để bệnh được phát hiện kịp thời nếu có.

                  Nhà nước nên có quy định khám thính lực định kỳ cho trẻ: từ sơ sinh đến 5 tuổi 3 tháng/lần, từ 6 tuổi 6 tháng/lần, để bệnh lý của trẻ sớm được phát hiện và chữa trị kịp thời.

                  Mỹ Lan

                  http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/06/3B9DED17/

                  #9
                    HongYen 19.06.2005 02:25:25 (permalink)
                    Phát hiện thêm 6 ca bệnh sốt bại liệt tại Indonesia

                    16-June-2005


                    AP


                    Các giới chức y tế Indonesia ghi nhận thêm 6 ca bệnh sốt bại liệt, nâng tổng số các ca lây nhiễm lên tới 46 kể từ khi chứng bệnh nguy hiểm này xuất hiện lại ở Indonesia hồi tháng trước.

                    Tổ chức Y tế Thế giới hôm nay đã xác nhận các ca bệnh ở tỉnh tây Java, nơi mà bệnh số bại liệt xuất hiện lần đầu hồi tháng tư. Đây là lần thứ nhì trong vòng 1 tuần mà cơ quan của Liên hiệp quốc này ghi nhận sự gia tăng đột ngột của số ca bệnh bại liệt.

                    Từ ngày 31 tháng 5 đến ngày 2 tháng 6 Indonesia đã tiêm chủng cho khoảng 6 triệu rưỡi trẻ em để tìm cách diệt trừ chứng bệnh này.

                    Quốc gia Đông Nam Á này là một trong các nước có bệnh bại liệt tái xuất hiện kể từ năm 2003, và là nước đầu tiên không nằm trong vùng Phi châu và Trung đông.

                    Vụ bộc phát này được cho là bắt nguồn từ miền bắc Nigeria, nơi mà các phần tử Hồi giáo cực đoan đã tẩy chay một chiến dịch tiêm chủng bệnh bại liệt.

                    http://www.voanews.com/vietnamese/2005-06-16-voa30.cfm
                    #10
                      HongYen 28.06.2005 10:52:20 (permalink)
                      27/6/2005, 19:30 GMT+7

                      Trẻ biếng ăn - cuộc vật lộn của cả nhà


                      Hãy để trẻ tự xúc ăn.


                      "Bà còng đi chợ trời mưa..." - chị Hoa mẹ bé Linh vừa lom khom bước vừa tự đấm lưng thùm thụp. Linh toét miệng cười như nắc nẻ. Chớp thời cơ, bà nội đút ngay thìa cháo vào miệng cháu. Linh giãy giụa, khóc váng lên rồi nôn hết nửa bát cháo mà bé đã phải ăn trong tiếng rưỡi đồng hồ.

                      Cứ đến bữa ăn là nhà chị Hoa như có loạn, tiếng khóc tiếng cười nối tiếp nhau. Bé Linh tuổi rưỡi nhưng chỉ nặng gần 9 kg, biếng ăn từ thời bắt đầu ăn dặm. Mỗi bữa của bé kéo dài khoảng 2 tiếng với đủ mùi nịnh nọt, lừa phỉnh, trấn áp và kết quả cuối cùng không bao giờ vượt quá nửa bát con cháo. Chị Hoa thường xuyên bị công ty phê bình là đi muộn về sớm, vì bữa ăn nào của con cũng phải có ít nhất 2 người phục vụ. Một người làm trò hề, một người lừa lúc bé há miệng (để cười hay vì thấy thú vị, ngạc nhiên) thì đút vội thìa cháo vào. Tuy nhiên, chiêu này có vẻ ngày càng kém hiệu nghiệm vì bé Linh đã cảnh giác hơn, nhiều lúc còn ho hắng và nôn hết thành quả 2 tiếng trời vật vã của bà và mẹ.

                      Cảnh bi hài trên có thể gặp ở bất cứ nhà nào có con nhỏ. Theo Phó giáo sư Đào Ngọc Diễn, Chủ tịch chi hội Dinh dưỡng nhi, có đến 25% số trẻ 1-10 tuổi bị biếng ăn. Đặc biệt, ở lứa tuổi 1-2, cứ 2 trẻ thì có một mắc phải tình trạng này. Ở những gia đình có trẻ từ chối ăn uống, toàn bộ nhân lực được huy động chỉ để bé chịu đón một thìa cháo. Đủ mánh khóe kỳ lạ được áp dụng: Bố thổi túi ny lông rồi đập cái bốp, trẻ khoái chí há miệng cười, mẹ đút; chú vẽ mày vẽ mặt làm Tôn Ngộ Không, vừa cười he hé vừa gãi sồn sột, trẻ cười, mẹ đút; bà gọi bác hàng xóm sang làm ngoáo ộp, bé sợ quá đành nghe lời há miệng ra; đưa cho bé miếng bim bim, bé định đưa nó vào miệng thì mẹ gạt tay ra để đút thìa cháo vào... Những trò "hao người tốn sức" này cũng chỉ có tác dụng trong một vài bữa. Sang ngày sau, người lớn trong nhà lại phải vắt óc để nghĩ ra những mẹo khác, và trẻ thì vẫn biếng ăn trường kỳ.

                      Bác sĩ Đào Ngọc Diễn cho biết, biếng ăn gây nhiều tác hại cả trước mắt và lâu dài (sụt cân, chậm phát triển thể chất và trí tuệ...) nên các bà mẹ cần theo dõi biểu đồ tăng trưởng của con và can thiệp ngay khi đường biểu diễn còn nằm ngang chứ không đợi đến lúc nó đi xuống. Trước hết, phải xác định được nguyên nhân. Có nghìn lẻ một yếu tố gây chán ăn, được xếp vào 4 nhóm chính: do dinh dưỡng, do bệnh lý, do tâm lý và do dùng thuốc. Có bà mẹ ép con ăn quá nhiều bữa trong một ngày, gây ức chế sản xuất men tiêu hóa và cảm giác thèm ăn của trẻ. Có người đột ngột thay đổi chế độ ăn (từ bú sữa hoàn toàn sang ăn bột, hoặc từ cháo sang cơm) khiến trẻ không kịp thích nghi; hoặc cứ cho ăn mãi một thực đơn khiến bé phát ngán. Chế độ ăn thiếu vi chất dinh dưỡng (vitamin A, B, C, kẽm, đồng, sắt...) cũng khiến trẻ coi bữa ăn như cực hình.

                      Yếu tố tâm lý là một nguyên nhân quan trọng khiến trẻ không thích ăn. Sự thay đổi môi trường như đổi giờ ăn, nơi ăn, người cho ăn... cũng khiến trẻ từ chối thực phẩm. Nỗi buồn, sự lo lắng, sợ hãi khi phải xa mẹ, hoặc cha mẹ cãi nhau... cũng làm trẻ không thiết gì ăn uống. Thường những trẻ được nuông chiều thái quá (con út, con một) thường dễ có tính hờn dỗi, hay khóc và bỏ ăn.

                      Nhiều loại thuốc có thể gây biếng ăn, chẳng hạn như viên sắt. Việc dùng vitamin A, D quá liều cũng gây tình trạng này. Trong trường hợp đó, chỉ cần ngừng dùng thuốc là bệnh sẽ hết. Việc dùng kháng sinh kéo dài gây loạn khuẩn đường ruột, tiêu chảy. Tình trạng này ảnh hưởng đến việc tiết dịch vị nên gây biếng ăn. Điều cần làm là phục hồi sự cân bằng vi khuẩn đường ruột bằng cách cho ăn sữa chua hoặc men tiêu hóa theo chỉ định của bác sĩ.

                      Nếu các bà mẹ thấy mình đã cho con ăn đúng cách, trẻ cũng không có vấn đề gì về tâm lý và dùng thuốc mà vẫn biếng ăn trong một thời gian dài thì nguyên nhân có thể là do một căn bệnh tiềm ẩn nào đó. Nên đưa bé đi khám để biết và khắc phục.

                      Để trẻ hứng thú hơn với ăn uống, cần tạo không khí vui vẻ trong bàn ăn. Hãy để bé sung sướng với cái ý nghĩ mình cũng là người lớn bằng cách cho ngồi ăn cùng với gia đình, để trẻ tự xúc ăn, tự quyết định sẽ ăn món gì, ăn bằng thìa hay đũa, bát to hay bát nhỏ... Như vậy, bé sẽ thấy trong việc ăn uống một niềm vui được bộc lộ cá tính. Tuyệt đối không bao giờ nên mắng mỏ, dọa dẫm hay tỏ ra lạnh nhạt, khiến bữa ăn trở thành gánh nặng. Khi bé có tiến bộ, đừng tiếc lời khen, trẻ sẽ tự hào và hăng hái hơn trong việc ăn uống.

                      Thực đơn cũng là điều đáng quan tâm. Hãy cho ăn những món mà bé thích. Đừng ép ăn những món bé sợ, nhưng cũng đừng để bé tẩy chay chúng. Bạn nên tập cho con ăn dần dần và nhớ rằng, những món nào bé không tập ăn thời thơ ấu thì khi lớn lên, bé hầu như không thể ăn được những món đó. Bố mẹ nên gương mẫu trong ăn uống để dạy trẻ, chẳng hạn ăn có giờ giấc, không ăn vặt, uống nước ngọt trước bữa chính (vì sẽ ức chế bài tiết dịch vị, men tiêu hóa).

                      Bác sĩ Diễn cũng khuyên rằng, nếu bé đã tỏ ý dứt khoát từ chối thì điều các bậc cha mẹ cần làm là tạm thời chịu thua con, cho uống loại sữa bột năng lượng cao để cung cấp đủ năng lượng và vi chất (uống nhanh hơn ăn nên trẻ ít từ chối). Nếu ép quá, trẻ sẽ có thái độ thù địch với việc ăn uống và càng khó khắc phục. Cũng đừng bao giờ bỏ đói trẻ với ý nghĩ là khi đói bé sẽ chịu ăn. Thực ra khi đói quá, ngay cả người lớn cũng không nhai và nuốt nổi.

                      Có thể áp dụng vài mẹo nhỏ để kích thích hứng thú ăn của trẻ: cho ăn cùng bạn, cho búp bê cùng ăn, cho đi nhà trẻ... Và cuối cùng, nên phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc vì cách này rất hiệu quả. Bác sĩ Diễn kể một ví dụ: Có lần khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một trẻ trên 6 tuổi, ở nhà không chịu ăn tí nào. Qua tìm hiểu, các bác sĩ biết cháu được nuông chiều thái quá nên hay làm nũng, lại không thiếu thốn gì nên hay từ chối ăn. Các bác sĩ quyết định cách ly bệnh nhi với bố mẹ bằng cách cho cháu nhập viện và mời bố mẹ về nhà. Ở bệnh viện, do thấy toàn người lạ, chẳng có ai để "bắt nạt" nên đến bữa, cháu tự ăn không cần ai bảo.

                      Bác sĩ Đào Ngọc Diễn khuyến cáo, khi trẻ kén ăn kéo dài gây sụt cân, chậm lớn, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để tìm nguyên nhân và khắc phục kịp thời.

                      Thanh Nhàn

                      http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/06/3B9DF8C4/
                      #11
                        HongYen 02.08.2005 04:13:49 (permalink)

                        Trích đoạn: HongYen

                        18 Tháng 5 2005 - Cập nhật 13h59 GMT


                        Nguy hiểm cho trẻ em Trung Quốc nay được chính thức thừa nhận



                        Báo cáo gây sốc về bạo lực với trẻ em TQ



                        Tại Trung Quốc, một cuộc khảo sát chưa từng có về bạo lực đối với trẻ em đã cho thấy nhiều trẻ em thường xuyên bị hành hạ.
                        Khảo sát cũng cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa những em bị hành hạ và bệnh tâm thần ở các em này.

                        Khảo sát lần đầu tiên được thực hiện ở Trung Quốc này do Hội Phụ nữ Toàn Quốc và quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF tài trợ và đã thu thập dữ liệu từ các bản trả lời câu hỏi của hơn 3500 sinh viên đại học từ sáu tỉnh.

                        Đây là lần đầu tiên có một nghiên cứu như thế này ở Trung Quốc và kết quả sẽ làm cho nhiều người Trung Quốc bị sốc.

                        Gần một nửa số người được hỏi nói rằng họ đã từng bị hành hạ về thể xác khi còn nhỏ như bị đánh, đá hay tát.

                        Cứ ba người trả lời khảo sát thì có một người nói họ đã từng bị đánh bởi một đồ vật như gậy hoặc thắt lưng.

                        Một tỷ lệ nhỏ hơn, khoảng 5 phần trăm nói rằng họ đã bị hành hạ nhiều lần và thường là rất nghiêm trọng.

                        Khảo sát cũng có những câu hỏi về lạm dụng tình dục.

                        Kết qủa cho thấy một số lớn bé trai và bé gái đã gặp phải những tình huống tình dục mà họ không mong muốn trong đó có những lời nói tục tĩu mà họ phải nghe hay bị sờ mó và thậm chí hãm hiếp.

                        Trường học là nơi được chỉ ra như một trong những trung tâm của lạm dụng thể xác. Giáo viên, những người vốn được coi trọng ở Trung Quốc lại chính là những người có hành động lạm dụng và trừng phạt thể xác trẻ em.

                        Một phát ngôn viên của UNICEF, tổ chức cùng tiến hành khảo sát này nói rằng đây là thời điểm có tính đột phá ở Trung Quốc.

                        Sự ủng hộ chính thức cho khảo sát cho thấy một sự sẵn sàng mới ở Trung Quốc khi đối mặt với các vấn đề xã hội, không giống như thái độ coi như các vấn đề này không tồn tại trong qúa khứ.

                        Nhiều người Trung Quốc có thể bị sốc vì hậu qủa của việc hành hạ trẻ nhỏ vì khảo sát cho thấy có sự liên hệ rõ ràng giữa bệnh tâm thần và sự lạm dụng thể xác ở những người mắc bệnh này khi còn nhỏ.

                        Trừng phạt thể xác vẫn được coi là biện pháp để đảm bảo kỷ luật ở Trung Quốc.

                        Tuy nhiên, những người trả lời khảo sát cho thấy sự chà đạp thời thơ ấu đã dẫn tới những vấn đề về sau này như nghiện rượu, bạo lực hay thậm chí tự tử.

                        Hành hạ trẻ em được cho là phổ biến ở Trung Quốc hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới nhưng nó không được thống kê và bàn luận nhiều ở đây.

                        http://www.bbc.co.uk/vietnamese/science/story/2005/05/050518_childabusereport.shtml


                        >>>>>>>>>>>>>>


                        Quý vị Việt Nam nghĩ sao về vần đề đánh con em và học trò theo ca dao:

                        Thương cho roi cho vọt,
                        Ghét cho ngọt cho bùi


                        #12
                          HongYen 17.08.2005 16:56:57 (permalink)

                          Bệnh chốc ở trẻ em.


                          Thứ tư, 17/8/2005, 08:58 GMT+7

                          Thuốc trị bệnh ngoài da cho trẻ nhỏ


                          Để phòng trị rôm sảy, nhiều người dùng phấn rôm. Nhưng việc sử dụng không đúng cách sẽ làm lỗ chân lông bị bịt kín, khiến trẻ càng dễ bị rôm sảy hơn.

                          Trẻ bị rôm sảy: Vì một lý do nào đó (da bị chèn ép, tỳ đè, chất sừng trên da bị giữ lại), các lỗ chân lông bị bít, mồ hôi không tiết được, ứ lại, tạo ra trên da nhiều mụn nước, bên trong có màu đỏ, gọi là rôm sảy. Có thể phòng rôm sảy bằng phấn rôm (thực chất là bột talc). Phải làm vệ sinh, lau khô da rồi mới rắc một lớp bột talc mỏng. Nếu da không sạch, có nhiều mồ hôi hay rắc bột talc quá dày thì sẽ gây bết, làm cho lỗ chân lông bị bít kín thêm, trẻ dễ bị rôm sảy hơn.

                          Để chữa rôm sảy, phải tắm ít nhất ngày một lần với dung dịch thuốc tím loãng (1/10.000). Bôi dung dịch dalibour toàn thân mỗi ngày một đến hai lần. Chấm thuốc màu eosine hay millan vào chỗ da bị lỡ trầy sưng. Không tự ý dùng kháng sinh hay corticoid khi chưa có ý kiến thầy thuốc.

                          Trẻ bị chốc: Là bệnh nhiễm trùng da nguyên phát do liên cầu khuẩn (hoặc có thể có cả tụ cầu khuẩn), thường xuất hiện ở đầu, mặt, cổ. Khởi phát là một bóng nước trong hoặc dát hồng trong có bóng nước. Sau đó, bóng nước hóa mủ, mủ làm dính các sợi tóc lại với nhau; sau đó vỡ ra, đóng mày vàng mật ong, dưới mày là một vết trợt đỏ rớm dịch, thương tổn nằm dưới lớp sừng.

                          Nên dùng kéo đã vô khuẩn làm vỡ các bóng nước, sau đó bôi dung dịch millan lên các vết trợt. Làm mềm và tróc mày bằng cách đắp khăn ướt tẩm dung dịch thuốc tím pha loãng (1/10.000) hay các loại pommade sát khuẩn. Không được dùng pommade penicilin hay sulfamid vì dễ gây ra chàm tiếp xúc. Trường hợp bôi thuốc không có kết quả, tổn thương nhiều lan tràn, có thể dùng kháng sinh uống theo chỉ định của bác sĩ. Có trường hợp bị chốc hóa (bội nhiễm thứ phát, không thấy bóng nước, chỉ thấy rịn nước, rịn mủ, sau đó đóng mày màu vàng) hay chốc loét (thương tổn giống chốc nhưng ăn sâu vào lớp trung bì). Cần đến thầy thuốc chuyên khoa điều trị chốc hóa và chốc loét trước, sau đó điều trị bệnh da nguyên phát. Cần chủ động giảm các yếu tố thuận lợi làm chốc hóa và chốc loét.

                          Trẻ bị chàm sữa: Là hiện tượng viêm thượng bì trên một cơ địa dị ứng (do nhiều nguyên nhân khác nhau). Bệnh thường có ở trẻ khỏe mạnh, lúc 3-4 tháng tuổi, xuất hiện ở má, đối xứng, có thể lan dần đến vành tai, da đầu, cổ, tay chân. Sang thương không có ở mũi, mắt, miệng, cằm. Sang thương ở mặt và má: đỏ, nứt, có chỗ đóng mày và có vảy khô, có chỗ chảy nước, rất ít khi thấy ngứa. Trẻ ăn ngủ như thường. Với những trẻ bình thường, không nên cho nhập viện vì môi trường bệnh viện có thể làm cho trẻ bị nhiễm khuẩn thứ phát. Cũng không nên điều trị kháng sinh liều cao. Chàm sẽ biến mất trước 2 tuổi. Nếu đến 2 tuổi bệnh không hết, tái đi tái lại thì sẽ thành chàm thể tạng. Bệnh có thể do rối loạn tiêu hóa (phải điều chỉnh cách cho ăn và bú) hoặc liên quan đến thể trạng gia đình (suyễn, mề đay).

                          Thuốc chữa triệu chứng: Trường hợp không có nhiễm trùng, có thể dùng nước mát (đắp thuốc tím loãng, nước rau má) hay hồ nước. Hồ nước sẽ hút nước rịn, làm dịu da. Nếu nhiễm khuẩn, có thể dùng dung dịch eosine hay millan. Không nên tự ý dùng các thuốc trị liệu toàn thân.

                          DS Hà Thủy Phước, Sức Khỏe & Đời Sống

                          http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/08/3B9E12F2/
                          #13
                            HongYen 23.08.2005 19:15:31 (permalink)
                            400 trẻ em Trung Quốc nhập viện sau khi tắm tại một hồ bơi công cộng

                            19-August-2005


                            Trung Quốc cho biết có 400 trẻ em phải nhập viện sau khi tắm tại một hồ bơi công cộng ở Nội Mông. Nhiều em bị sốt, đau đầu, và viêm họng sau khi đến tắm tại hồ bơi ở thành phố Hohhot.

                            Tân Hoa Xã cho biết giới hữu trách đã phát hiện ra mức vi khuẩn trong hồ vượt xa tiêu chuẩn cho phép của chính phủ, và nói rằng nhiều em phải nằm viện để điều trị nhiều tuần lễ sau khi nhiễm bệnh.

                            Vệ sinh đã trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu trước khi diễn ra Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, với những chiến dịch dọn vệ sinh tại các nhà vệ sinh công cộng vốn mang tiếng là dơ bẩn, và các cơ sở khác.

                            http://www.voanews.com/vietnamese/2005-08-19-voa21.cfm
                            #14
                              HongYen 28.08.2005 21:30:22 (permalink)
                              27 Tháng 8 2005 - Cập nhật 20h33 GMT

                              Cậu bé 11 tuổi làm bà đỡ cho mẹ



                              Nathan giúp mẹ sinh em gái theo chỉ dẫn của nhân viên cấp cứu qua điện thoại


                              Một cậu bé 11 tuổi ở Anh đã giúp mẹ sinh em bé tại nhà và được trao giải thưởng về sự dũng cảm.
                              Nathan Parker đã đóng vai trò bà đỡ khi mẹ của em Donna, 30 tuổi, đau đẻ tại nhà ở Leeds và không kịp tới bệnh viện.

                              Mặc dù công nhận là em cảm thấy "rất sợ", Nathan đã khá bình tĩnh để đỡ đẻ cho bé gái Olivia với sự giúp đỡ của nhân viên cấp cứu qua điện thoại.

                              Em béi của Nathan sinh ra nặng 2,6 kg nay đã được trở về nhà sau một tuần ở lại bệnh viện.

                              Mẹ đau đẻ

                              Dịch vụ cứu thương West Yorkshire đã trao Nathan giải thưởng về sự dũng cảm.

                              Người điều hành dịch vụ này, Tracey Fletcher cho biết: "Donna gọi điện thoại cho chúng tôi, nhưng khi đau quá, chị đã đưa điện thoại cho Nathan.

                              "Cậu bé thật tuyệt vời và tôi chẳng biết nói gì hơn ngoài sự thán phục. Hầu hết người lớn trong hoàn cảnh như vậy đều hoảng sợ, vì vậy một cậu bé 11 tuổi giữ bình tĩnh trong tình huống này thật là điều tuyệt vời."

                              Bé gái Olivia chào đời chỉ vài phút sau khi Donna Parker gọi điện thoại tới số cấp cứu 999, và trước khi xe cứu thương cùng các bác sĩ tới nơi.

                              Nathan: "Cháu rất sợ vì cháu thấy mẹ đang rất đau"

                              "Nhưng cháu đã cố dũng cảm và vô cùng vui sướng khi Olivia ra đời."


                              Cả hai bố mẹ Nathan nói họ vô cùng tự hào về con trai.


                              http://www.bbc.co.uk/vietnamese/worldnews/story/2005/08/050827_nathan_midwife.shtml
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 21 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9