Nhi Đồng
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 21 trên tổng số 21 bài trong đề mục
HongYen 05.10.2005 18:37:29 (permalink)
Thứ ba, 4/10/2005, 11:00 GMT+7

Bảo vệ răng cho bé


Chú ý làm vệ sinh răng miệng cho bé từ nhỏ.


Việc sử dụng loại kháng sinh phổ thông amoxicillin ở trẻ dưới 1 tuổi sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ "xấu răng" vĩnh viễn.


Bệnh răng nhiễm fluor thường gặp ở trẻ nhỏ, do bé tiếp xúc với quá nhiều chất fluor trong quá trình hình thành men răng. Răng cửa và răng hàm bị ảnh hưởng nặng nề nhất là với các biểu hiện xuất hiện đốm trắng, vết rằn trên mặt răng và ố men răng vĩnh viễn.

Trong nghiên cứu của tiến sĩ Liang Hong, Đại họcMissouri (Mỹ) trên gần 600 trẻ nhỏ được theo dõi từ lúc sinh cho tới 32 tháng tuổi, 91% dùng amoxicillin ít nhất 1 lần. Thống kê cho thấy 24% số trẻ mắc bệnh răng nhiễm fluor sử dụng kháng sinh ngay từ 3 tới 6 tháng tuổi, và nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi so với trẻ không dùng thuốc. "Cần thận trọng khi cho trẻ uống kháng sinh amoxicillin vì thời điểm dùng liên quan tới số răng vĩnh viễn chớm nhú bị nhiễm fluor", Hong khuyến cáo.

Để bảo vệ hàm răng non nớt của trẻ, cha mẹ cần:

- Làm sạch lợi bằng khăn sạch và ẩm

- Khi xuất hiện những chiếc răng đầu tiên, nên bắt đầu chải răng bằng một bàn chải mềm và nhỏ với một ít kem đánh rằng to bằng hạt đậu. Nên nhớ, phần lớn trẻ cũng nhận đủ fluor từ nước máy sinh hoạt.

- Tuyệt đối không để trẻ đi ngủ với bình sữa, nước quả hoặc kẹo ngọt.

- Giúp trẻ đánh răng vào buổi tối - thời điểm quan trọng nhất vì lúc này lượng nước bọt giảm nên răng dễ bị sâu và có mảng bám. Nên để trẻ tự chải răng trước tiên để hình thành sự tự tin, sau đó cha mẹ hướng dẫn từ từ và chải nốt để đảm bảo loại bỏ hết mảng bám. Thường đến 5 tuổi, trẻ đã có thể học cách tự đánh răng.

- Cách tốt nhất để dậy con đánh răng là cho bé theo dõi cha mẹ thực hiện vệ sinh răng miệng.

Mỹ Linh (theo Reuters, Healthleader)

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Suc-khoe/2005/10/3B9E2B8C/
#16
    HongYen 19.10.2005 13:51:08 (permalink)
    Cho hài nhi ngậm núm vú giả trong khi ngủ giảm nguy cơ chết đột ngột

    Tuesday, October 11, 2005


    Nên đặt hài nhi nằm ngửa và ngậm núm vú giả khi ngủ, và không nên cho chúng ngủ suốt đêm cùng giường với cha mẹ, theo lời các chuyên gia về bệnh nhi đồng, trong những lời cố vấn mới nhất để ngăn ngừa “hội chứng hài nhi chết đột ngột” (SIDS: Sudden infant death syndrome).

    Học Viện Nhi Khoa Mỹ (AAP) định nghĩa hội chứng SIDS như là cái chết đột ngột của một hài nhi dưới một năm tuổi mà người ta không thể xác định nguyên nhân, sau khi khảo sát tường tận, gồm cả giảo nghiệm tử thi.


    Những đề nghị mới nhất được AAP công bố hôm Thứ Hai, 10 tháng 10.

    - Trong khi tiểu ban chuyên trách về hội chứng SIDS của AAP nhấn mạnh không nên cho hài nhi ngủ cùng giường với cha mẹ, họ kết luận rằng việc để cho chúng ngủ cùng phòng với người lớn - như đặt chúng nằm trong nôi trong phòng ngủ của cha mẹ hoặc người săn sóc - giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra hội chứng SIDS.

    - Tiểu ban SIDS của AAP cũng khuyên đừng để hài nhi nằm nghiêng trong khi ngủ, vì khi nằm như vậy chúng sẽ dễ xoay mình để nằm sấp và úp mặt xuống giường.

    - Giảm thiểu rất nhiều những cái chết vì SIDS.

    - Cách đây hơn mười năm, AAP bắt đầu khuyên cha mẹ nên đặt hài nhi nằm ngửa trong khi ngủ để tránh hội chứng SIDS. Kể từ đó, con số những cái chết đột ngột của hài nhi không thể giải thích ở Hoa Kỳ đã giảm một nửa, từ con số khoảng 5,000 vụ mỗi năm vào đầu thập niên 1990 xuống còn dưới 2,500 vụ trong năm 2004.

    - Bây giờ các chuyên gia tin tưởng rằng việc gia tăng cho hài nhi ngậm núm vú giả trong khi ngủ cũng sẽ dẫn tới ảnh hưởng tương tự đối với những cái chết thuộc hội chứng SIDS.

    - Ngày nay nhiều chuyên gia nhi khoa cho rằng nguyên nhân của hội chứng SIDS có thể do hậu quả của sự thiếu khả năng tự thức giấc của trẻ sơ sinh. Họ tin rằng sự thức dậy từ giấc ngủ là một chức năng sinh tồn quan trọng mà một số hài gặp trở ngại.

    Nằm ngửa và ngậm núm vú giả khi ngủ có thể giúp cho hài nhi không ngủ quá say giấc, theo lời Bác Sĩ Fern R. Hauck, một chuyên gia về hội chứng SIDS đã cầm đầu cuộc nghiên cứu mới của AAP nói trên.

    Bà khuyên nên cho hài nhi ngậm núm vú giả khi chúng ngủ ban ngày lẫn ban đêm, nhưng nếu đứa trẻ không chịu ngậm thì đừng nên ép buộc.

    Bà nói rằng nếu chúng không muốn ngậm thì “hãy thử lại lúc khác. Các hài nhi lúc đầu từ chối ngậm núm vú giả cuối cùng sẽ chịu ngậm, nếu cha mẹ tiếp tục thử cho chúng ngậm nhiều lần trong vài ngày liền hoặc có khi vài tuần.”

    Cuộc khảo cứu mới khuyên cha mẹ hãy cho hài nhi ngậm ngậm núm vú giả khi ngủ trong suốt 12 tháng đầu đời của đứa trẻ.

    Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói thêm rằng đối với các hài nhi được mẹ cho bú thì nên hoãn ngậm núm vú giả cho tới tháng thứ nhì trong đời chúng - sự đình hoãn này sẽ giúp cho thói quen bú sữa mẹ trở thành ổn định trong tháng đầu tiên.


    Nên cho hài nhi ngủ cùng phòng với cha mẹ

    Trong khi những hướng dẫn trước đây về hội chứng SIDS cảnh giác rằng cho hài nhi nhi ngủ cùng giường với người lớn có thể nguy hiểm, những tài liệu đó không đưa ra những lời cố vấn rõ ràng về vấn đề này như những hướng dẫn mới nhất của AAP.

    Hài nhi có thể được đưa vào giường của cha mẹ để cho bú hoặc để dỗ khi chúng khóc ban đêm, nhưng cha mẹ cần nên đặt chúng trở lại trong nôi khi họ ngủ.

    Tuy nhiên, toán chuyên gia nghiên cứu kết luận rằng có thêm những bằng chứng cho thấy việc cho trẻ sơ sinh ngủ chung phòng với cha mẹ trong những tháng đầu đời của chúng là điều ích lợi.

    Họ nói rằng cho chúng ngủ chung phòng với người lớn sẽ khiến chúng không ngủ quá say giấc, đồng thời cha mẹ dễ dàng trông nom hơn là nếu để chúng nằm ngủ khác phòng.


    Trong số những đề nghị khác của AAP để ngăn ngừa hội chứng SIDS gồm có:

    - Nên đặt hài nhi nằm ngủ trên một bề mặt vững chãi và chỉ phủ lên trên bằng một tấm vải mà thôi.

    - Bên trong nôi không được để những thứ bằng vải rời rạc. Cất những đồ chơi nhồi bông, những cái gối, và mền nhồi bông ra khỏi nôi khi hài nhi đang ngủ.

    - Những người mẹ tương lai đừng hút thuốc lá trong thời gian thai nghén, và tránh cho hài nhi khỏi hít thở khói thuốc lá do người xung quanh hút.

    - Tránh nhiệt độ quá nóng cho hài nhi. Nên cho chúng mặc quần áo nhẹ nhàng trong khi ngủ, và nhiệt độ trong phòng đừng quá nóng.

    http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=33854&z=14
    #17
      HongYen 26.11.2005 14:08:48 (permalink)

      Hiểm họa từ bình sữa


      Nguy cơ gây tiêu chảy từ bình sữa không hợp vệ sinh

      21:04:28, 10/10/2005



      GS-TS Nguyễn Gia Khánh, Chủ nhiệm khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, theo thống kê tại bệnh viện, 68% trẻ từ 7-12 tháng tuổi mắc tiêu chảy cấp nhập viện có nguyên nhân do bú bình; ở lứa tuổi 13-24 tháng, tỷ lệ này chiếm 84,2%.


      Các xét nghiệm cho thấy, E.coli (một loại vi khuẩn có trong chất thải cơ thể qua đường ruột) là vi khuẩn được tìm thấy thường xuyên ở trẻ bú bình. Các nguy cơ lây bệnh cho trẻ ăn sữa qua bình và vú cao su là: nước không sạch (trong quá trình rửa bình, pha sữa, rửa tay); bình sữa không sạch (không luộc bình và núm trước khi pha, bình cho bú xong không rửa ngay, đặc biệt lưu ý không rửa sạch được ở phần đáy chai); bàn tay không đảm bảo vệ sinh.

      Các chuyên gia lưu ý: cha mẹ, những người chăm sóc trẻ rất cần đảm bảo vấn đề vệ sinh và đặc biệt phải có thói quen "bàn tay sạch": rửa tay bằng xà phòng trước khi pha sữa, đặc biệt sau khi thay tã hay rửa ráy cho trẻ. Cần lưu ý, sữa được bảo quản kín, hợp vệ sinh, nước đun sôi để nguội để trong bình có nắp đậy kín. Sau khi bé bú xong, bình và núm cần được ngâm trong nước sạch; rửa bình bằng bàn chải có cán để cọ được cả phần đáy bình; bình và núm được luộc sôi trong 5 phút sau khi đã được súc rửa sạch. Sữa pha xong không để lâu quá hai giờ. Ngoài ra, để an toàn cho bé, sữa không quá nóng gây bỏng thực quản cho trẻ (có thể thử độ ấm của sữa bằng cách nhỏ mấy giọt ra mu bàn tay của mình trước khi cho trẻ bú).

      Nam Sơn

      http://www2.thanhnien.com.vn/Suckhoe/2005/10/10/125134.tno
      #18
        HongYen 26.01.2006 05:09:03 (permalink)
        22 Tháng 1 2006 - Cập nhật 16h36 GMT

        ‘Con tôi chết khi đang ngủ trên giường với tôi’



        Con trai Thomas của Caroline Wheeler qua đời cách đây 5 năm trong khi ngủ. Em là một trong hai anh em song sinh.
        '‘Cả hai con trai tôi đều ra đời nhờ thụ tinh nhân tạo.

        ''Thomas to hơn, và khỏe mạnh hơn. Cháu lúc nào cũng đói, ăn nhiều.

        ''Đêm hôm đó, tôi cho cả hai cháu uống sữa trên giường. Joseph ngủ thiếp đi rất nhanh, và tôi đưa cháu nằm vào cũi ở ngay bên cạnh giường tôi.


        Thực ra, một ngày trước khi cháu mất, cháu có đi khám bác sĩ định kỳ và người ta nói rằng cháu khỏe mạnh

        Caroline Wheeler

        ''Thomas muốn tiếp tục bú sữa, rồi cháu ngủ thiếp đi khi đang bú, và tôi cũng vậy.

        ''Hai tiếng sau, tôi tỉnh dậy vì Joseph khóc. Tôi bật đèn đầu giường để bế Joseph dậy cho cháu ăn, và tôi thấy Thomas nằm rất yên lặng bên cạnh tôi.

        ''Khi tôi kiểm tra, thì trông cháu rất lạ, và tôi nhận ra rằng Thomas đã chết. Chuyện xảy ra rất đột ngột.''

        Vẫn là một điều bí ẩn

        Caroline nói các xét nghiệm tử thi không cho biết nhiều thông tin về cái chết của Thomas.

        “Họ chẳng phát hiện thấy gì cả. Không có bằng chứng nào của nghẹt thở, cũng không có bằng chứng của việc cháu bị nóng quá.

        “Các xét nghiệm chỉ cho thấy Thomas là một em bé khỏe mạnh, bình thường. Thực ra, một ngày trước khi cháu mất, cháu có đi khám bác sĩ định kỳ và người ta nói rằng cháu khỏe mạnh.”

        Caroline nói rằng về một mặt nào đó chị ước gì các cuộc điều tra cho thấy một nguyên nhân cụ thể nào đó về cái chết của Thomas, kể cả đó là do kết quả của việc chị đã ngủ thiếp đi và đè lên con.


        “Tôi gần như hy vọng rằng một điều gì đó như vậy sẽ xảy ra, bởi như vậy, tôi sẽ biết là không bao giờ được đưa Joseph vào nằm ngủ trong giường với tôi.

        Joseph giờ là một bé trai 5 tuổi khỏe mạnh, và mới có một em gái Yasmin.

        Caroline cho rằng điều quan trọng là các bà mẹ tương lai cần lấy lời khuyên của các chuyên gia về việc như thế nào là cách đặt con ngủ tốt nhất.

        “Tất nhiên sau khi mất Thomas, tôi nhận ra rằng nơi tốt nhất để cho con bú là ngồi trên một chiếc ghế thật khó chịu để tôi không bao giờ ngủ quên đi nữa.”

        http://www.bbc.co.uk/vietnamese/science/story/2006/01/060122_sudden_death.shtml


        #19
          HongYen 13.02.2006 22:01:25 (permalink)
          13 Tháng 2 2006 - Cập nhật 12h17 GMT

          Đột tử sơ sinh là bệnh về gien?


          Hiện vẫn chưa có giải thích về đột tử sơ sinh


          Một nghiên cứu mới nhận định bệnh đột tử sơ sinh (cot death) có thể là do một khiếm khuyết về di truyền khiến cho trẻ nhỏ khi ngừng thở không kích hoạt lại được lá phổi của mình.
          Một nhóm chuyên gia đại học Bristol đã tìm thấy các tế bào não có khả năng truyền ra các xung lực thần kinh gắn liền với việc trẻ có thể ngáp thế nhưng không thở được bình thường.

          Họ cho rằng việc thiếu các tế bào này có thể dẫn tới một số trường hợp đột tử không giải thích được ở trẻ sơ sinh.

          Đột tử sơ sinh là một trong các lý do làm trẻ dưới một năm tuổi chết nhiều nhất, riêng ở Anh năm 2004 là 349 trường hợp.

          Tuy nhiên tỷ lệ tử vong từ 1991 tới nay đã giảm tới 75% kể từ khi có một chương trình tuyên truyền nhận thức của người dân và khuyến cáo các bậc cha mẹ cho trẻ nằm ngửa khi ngủ.

          Đột tử sơ sinh từ lâu được cho là đi kèm với việc trẻ không ngáp được thế nhưng lý do tại sao thì người ta vẫn chưa biết.

          Nhóm khoa học Bristol đã hợp tác với các chuyên gia của Hoa Kỳ trong nghiên cứu để phát hiện ra rằng cần có nhiều loại tế bào não khác nhau để trẻ có thể thở bình thường thế nhưng để có phản xạ ngáp thì cần có một loại đặc biệt gọi là pacemakers.

          Nếu trẻ ngừng thở bình thường thì hệ thống phòng bị sẽ kích hoạt phản xạ ngáp. Có ngáp thì trẻ mới tiếp được oxygen cho mình, sau đó là tim đập và thở lại bình thường.

          Chất protein quan trọng

          Các nhà nghiên cứu tìm thấy rằng các tế bào pacemakers nói trên phụ thuộc vào một loại protein có khả năng hình thành lỗ nhỏ trên thành tế bào.

          Khi tỷ lệ oxygen xuống thấp, lỗ này mở to cho phép sodium ions được truyền vào tế bào và khiến cho việc ngáp xảy ra.

          Nếu lỗ này bị lấp thì khả năng ngáp của trẻ sẽ mất đi.

          Lúc đó tim trẻ sẽ ngừng đập dẫn tới tử vong.


          Do vậy có thể một khiếm khuyến nào đó về di truyền học liên quan tới sự hiện diện của loại protein này trong tế bào não là "thủ phạm" của bệnh đột tử sơ sinh.

          Giáo sư Walter St John, thành viên nhóm nghiên cứu nói: "Kết luận của chúng tôi cho thấy rằng phản xạ ngáp, tức thở trong tình huống khẩn cấp, là do cơ chế khác so với cơ chế thở bình thường đảm trách".

          http://www.bbc.co.uk/vietnamese/science/story/2006/02/060213_cotdeath.shtml
          #20
            HongYen 08.02.2007 10:50:08 (permalink)



            JANICE HUANG, IW GROUP, INC. . Việt Báo Thứ Bảy, 1/20/2007, 12:02:00 AM



            Vượt Qua Giai Đoạn Mọc Răng Của Con Trẻ
             
            Sacramento - Em bé của quý vị có cáu kỉnh không? Quý vị có nhận thấy em bé mút ngón tay hoặc chảy nước dãi nhiều hơn? Có thể em bé đang bị khó ngủ. Em bé có bị bệnh không? Thực ra, có thể em bé chỉ đang mọc răng.
             
            Trong khi một số em bé trải qua giai đoạn mọc răng mà không biểu hiện triệu chứng hay dấu hiệu nào, những em bé khác trở nên quấy nhiễu, cáu kỉnh, và thậm chí không muốn ăn là chuyện bình thường. First 5 California có mặt ở đây để cung cấp thông tin quan trọng cho phụ huynh và những người chăm sóc trẻ để giúp vượt qua giai đoạn phát triển này dễ dàng hơn.
             
            Quá Trình Căn Bản 
             
            Răng sữa bắt đầu mọc từ trước khi sinh. Khi em bé khoảng 6 tháng tuổi, thông thường răng bắt đầu nhú ra khỏi nướu. Một số em bé mọc răng sớm từ lúc bốn tháng hoặc trễ vào lúc một tuổi cũng là điều bình thường. Đến 3 tuổi, phần lớn trẻ em đã có bộ răng sữa đầy đủ gồm 20 chiếc.
             
            Em Bé Của Tôi Có Đang Mọc Răng Không và Tôi Nên Làm Gì?
             
            Theo American Dental Association (Hội Nha Sĩ Hoa Kỳ), trước tiên quý vị nên kiểm tra nướu của em bé. Nếu nướu bị sưng và quý vị có thể cảm thấy ít nhất một khối u với kích thước của một chiếc răng, điều này cho thấy răng đang trong quá trình mọc lên. Một khi quý vị đã chắc chắn sự khó chịu của em bé là do mọc răng, quý vị nên:
             
            - Xoa nhẹ vào nướu của em bé bằng một ngón tay sạch, một chiếc muỗng nhỏ, lạnh, hoặc một miếng gạc ướt để xoa dịu.
             
            - Đưa cho em bé một chiếc vòng sạch để cắn khi mọc răng để em bé nhai (thông thường, những chiếc vòng này cũng có thể được làm lạnh ở trong tủ lạnh, lạnh giúp xoa dịu sự khó chịu)
             
            - Kiểm tra xem nha sĩ hay bác sĩ nhi khoa của em bé có khuyên nên dùng núm vú hay không.
             
            Huyền Thoại về Mọc Răng
             
            Mặc dù em bé có thể quấy nhiễu khi mọc răng, điều quan trọng là phải nhớ không dựa vào các phương thuốc cổ truyền để cố gắng xoa dịu nướu của bé. Chẳng hạn, đừng bao giờ xoa rượu whiskey hoặc những loại rượu khác vào nướu của bé để làm dịu sự khó chịu. Rượu có thể nguy hiểm, và thậm chí độc hại cho em bé. Những phương thuốc khác như xoa dầu ô-liu vào nướu em bé hoặc cho em bé uống trà bạc hà không được chứng minh là có hiệu quả, và cũng không được phê chuẩn bởi các bác sĩ  nhi khoa.
             
            Sự Thật về Mọc Răng
             
            May thay, nhiều em bé chỉ cảm thấy khó chịu chút ít khi mọc răng. Trong phần lớn các trường hợp, em bé sẽ muốn nhai các bề mặt cứng, chẳng hạn đồ chơi hoặc song nôi, giường ngủ. Các em bé cũng thường mút tay để xoa dịu nướu đang khó chịu của mình. Những hành vi này khiến em bé chảy nước dãi nhiều hơn thông thường. Em bé của quý vị cũng có thể bị sốt nhẹ (dưới 101° F) khi đang mọc răng do nướu bị viêm.
            Điều quan trọng là phải nhớ những triệu chứng khác, chẳng hạn tiêu chảy hoặc mũi thò lò, không liên quan đến việc mọc răng. Tham khảo ý kiến với bác sĩ nhi khoa của quý vị mỗi khi quý vị nghĩ con mình không được khỏe.
             
            Để biết thêm những lời khuyên về mọc răng, xin ghé thăm trang mạng của American Dental Association (Hội Nha Sĩ Hoa Kỳ) ở địa chỉ www.ada.org.
             
            Nghiên cứu cho thấy bộ não của trẻ em phát triển mạnh nhất trong năm năm đầu đời, và những điều phụ huynh và người chăm sóc trẻ thực hiện trong những năm này để hỗ trợ sự phát triển của trẻ em sẽ có tác động quan trọng trong suốt cuộc đời của đứa trẻ. Dựa vào nghiên cứu này, cử tri California đã thông qua Proposition 10 năm 1998, bổ sung 50 xu thuế cho mỗi bao thuốc lá để hỗ trợ các chương trình dành cho những người sắp trở thành cha mẹ và trẻ em từ 0 đến 5 tuổi. Để biết thêm thông tin và hướng dẫn từ First 5 California, xin liên lạc số 800-597-9366 (tiếng Hoa), 800-597-9511 (tiếng Đại Hàn), 800-597-9855 (tiếng Việt), hoặc 800-543-7025 đối với mọi cuộc gọi khác.
             
            Liên lạc: Janice Huang, IW Group, inc. (310) 289-5526


             JANICE HUANG, IW GROUP, INC.
            http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=117&nid=101202
            #21
              Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 21 trên tổng số 21 bài trong đề mục
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9