"Hành Trình Tìm Tự Do của Người Việt"
ngày mai 26.05.2009 07:49:12 (permalink)
Kính thưa các bạn,

Trong chuyên mục này, ngày mai xin lần lượt đăng lên một số văn bản góp nhặt được chung quanh chương trình "Hành Trình Tìm Tự Do của người Việt" tổ chức tại Hoa Thịnh Đốn trong dịp đầu tháng 05, 2009. Quý vị có tài liệu liên quan đến đề tài này, xin tuỳ nghi bổ túc.

Kiính mến, 
  
ngày mai
  
 



Hành Trình Tìm Tự Do của Người Việt
 
Lời thưa của ban tổ chức
 
 
 
 
Kính thưa quý vi,
 
Thay mặt Ban Tổ Chức Hành Trình Tìm Tự Do, Ngọc Giao xin được chào mừng tất cả  quý ân nhân, quý quan khách, và quý đồng hương, trong Bữa Cơm Hồi Tưởng Câu Chuyện Thuyền Nhân tối nay.
 
Trước tiên, xin được thành thật cảm tạ Hội Bạn Phòng Đọc Sách Á Đông tại Thư Viện Quốc Hội, nhất là Bà Reme Grefalda, người đề xướng chương trình này, đã cho người Việt tỵ nạn một cơ hội nhìn lại bước đường lịch sử chúng ta đã vượt qua, và giúp ghi lại hành trình này vào trang sử của Hoa Kỳ và thế giới một cách chính thức, trân trọng tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ.
 
Chúng tôi cũng xin được chân thành cảm tạ quý ân nhân, quý đồng hương, những người Việt tỵ nạn từng là thuyền nhân, bộ nhân, đã nhiệt tình đóng góp vào dự án này. Mong đây là một bước khởi đầu, và chúng ta sẽ cùng nhau tiếp tục góp thêm nhiều sử liệu cho trang sử bi tráng này, thành một di sản đáng quý cho con cháu đời sau.
 
Trong lúc tổ chức, chắc chắn có nhiều sơ xuất, xin quý vị vui lòng thứ lỗi.
 
Thưa quý vị, hôm nay, ngày1 tháng 5, 2009, chúng ta đang ghi lại trang sử cũ, để bước vào một trang sử mới.
 
Sự hội ngộ của chúng ta hôm nay, tôi tin, đó là một điều vô cùng kỳ diệu. Kỳ diệu vì nó không đến từ một phép màu nào, mà đến từ chính chúng ta, từ ước vọng Tự Do mãnh liệt của người Việt. Kỳ diệu vì nó đến từ chính sự chịu đựng, hy sinh, cố gắng vượt trên mọi thử thách, gian khổ, trong khả năng của một con người rất bình thường và yếu đuối.
 
Đó là sự kỳ diệu của lòng can đảm, của đức hy sinh, của tình yêu, của lòng tin, và của hy vọng.
 
Năm 1954, thế hệ của Giáo Sư Tạ  Văn Tài, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, Giáo Sư Nguyên Manh Hùng, đã bỏ miền Bắc vào Nam, vượt bao khổ cực, để thế hệ 1974 có tương lai hơn.
 
Thế nhưng, năm 1975, chúng ta lại phải bỏ quê nhà ra đi lần nữa.
 
Năm 1975 - 1985, thế hệ của Giáo Sư Tiến Sĩ Đinh Xuân Quân, Cô Kim Hà, Cô Vũ Thanh Thủy, Nguyễn Minh Nguyên, Andy Trần lại lần nữa đã can đảm vượt bao thử thách để thế hệ đàn em có tương lai hơn.
 
Và ngày hôm nay, tại đây, hai MC đại diện thế hệ trẻ là kết quả rât đẹp của sự hy sinh, lòng tin, và hy vọng ấy.
 
Katie Thục Nhi Đặng, sinh năm 1981, tại Pulau Bidong, từ gia đình thuyền nhân Bác Đặng Hữu Ái, có mặt tại đây hôm nay. Hiện tại Katie là một Luật Sư trẻ tuổi tài ba, xinh đẹp, lại giàu lòng nhân ái, tha thiết muốn phụng sự xã hội. Katie là hy vọng của chúng ta trong tương lai, là kết trái rất ngọt của muôn vàn  cay đắng mà gia đình Bác Đặng Hữu Ái đã vượt qua.
 
MC thứ hai, Luật Sư  Lê Quảng Sâm, sinh năm 1981, con trai Cô Lê Tống Mộng Hoa và Bác Lê Huyền, cũng làm rạng danh người Việt tỵ nạn khi phụng sự xã hội Hoa Kỳ trong ngành Luật Sư cho SBA của chính quyền Liên Bang.
 
Chúng ta còn rất nhiều câu chuyện đáng kể và đáng nghe, đáng ghi vào sử sách. Hôm nay, chúng tôi xin được trân trọng nói lên điều này:
 
Hành trình tìm tự do của người Việt, bắt đầu từ năm 1954, tiếp tục sau 1975,  là một hành trình  đầy can đảm, đầy lòng tin, và nhiều hy vọng.
 
Người Việt tỵ nạn trên hành trình tìm tự do trân trọng ghi ơn tất cả những ai đã góp phần cứu giúp và nâng đỡ chúng tôi trên quãng đường gian khổ.
 
Hôm nay, lớp trẻ lớn lên sẽ không quên quá khứ, và sẽ đền đáp lại những ân tình ấy một cách xứng đáng.
 
Một trang sử mới đang mở ra trước mặt chúng ta, ngày 01 tháng 05, năm 2009.
 
Kính mời tất cả mọi người Việt cùng chung bước đến mức đến cuối cùng của Hành Trình Tìm Tự Do. 
  
 
.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.05.2009 07:58:09 bởi ngày mai >
#1
    ngày mai 26.05.2009 07:51:01 (permalink)
    .
    HÀNH-TRÌNH ĐI TÌM TỰ DO:
    MỘT NGÀY HỒI-TƯỞNG NHIỀU Ý-NGHĨA
    Ở THƯ-VIỆN QUỐC-HỘI
    Tâm Việt
     

     
                Cuộc hội-luận nguyên ngày “Hành-trình đi tìm Tự do: Nhìn lại kinh-nghiệm Thuyền-nhân” được thông-báo từ nhiều tháng nay đã diễn ra vào thứ Bảy vừa qua, 2 tháng 5, 2009, tại một phòng hội thuộc Phân-bộ Á-châu (Asian Division), Thư-viện Quốc-hội Hoa-kỳ.  Các diễn-giả đến từ nhiều tiểu-bang thuộc hai thành-phần chính: một số chính là những người đi tỵ nạn năm xưa, hoặc bằng thuyền (“thuyền-nhân”) hoặc bằng đường bộ (gọi là “bộ-nhân”) và một số là những người ở đầu này, ở Hoa-kỳ, đã có trách-nhiệm vận-động, đón rước, thậm chí cả tổ-chức thuyền tầu đi vớt thuyền-nhân ở Biển Đông v.v.
     
    Thượng-nghị-sĩ Jim Webb đọc diễn-từ khai mạc
     
                Bắt đầu là chủ nhà với những lời chào đón của ông Peter Young, người cầm đầu Phân-bộ Á-châu của Thư-viện Quốc-hội.  Ông kể lại ông đã tham chiến ở Việt-nam (đóng quân ở Củ-chi) và có nhiều ký-ức rất thân thương về người Việt mà ông mô-tả là những con người hiền hoà rất thân thiện.  Sau đó, Tiến-sĩ James Billington, một chuyên-gia về Nga và đã từ nhiều năm nay làm Trưởng Quản-thủ Thư-viện QH, lên nói về lịch-sử của định-chế nổi tiếng này: ông cho biết TVQH đã có mặt từ trên 200 năm nay, hiện lưu-trữ 142 triệu món từ sách đến bản-đồ, phim ảnh, đĩa hát v.v., nghĩa là thư-viện lớn nhất trên thế-giới, với khoảng 3 triệu cuốn sách trong các thứ tiếng Á-châu.  Và một trong những trọng-trách chính của TVQH là ghi lại những vết tích của lịch-sử di-dân xứ này, từ những người đi tàu Mayflower ở Anh sang cho đến những người như chúng ta, người Mỹ gốc Việt.
     
                Khai mạc buổi hội-luận là Thượng-nghị-sĩ Jim Webb (thuộc Đảng DC ở Virginia).  Ông được giới-thiệu là người đã từng tranh đấu ở VN, nói được tiếng Việt, có nhiều bạn Việt và là một nhà văn nổi tiếng, một nhà làm phim, một cựu-bộ-trưởng Hải-quân dưới thời Tổng-thống Reagan, hiện là một chính-trị-gia hàng đầu ở Mỹ, có nhiều ảnh-hưởng đến chính-sách Mỹ ở VN.  Ông nói: “Ngày này cách đây 34 năm là một ngày trọng đại, bi đát trong một nghĩa, đó là người Việt tự do mất miền Nam vào tay CS.  Song đó cũng là một ngày mở một trang sử mới cho Hoa-kỳ, với sự hiện diện ngày hôm nay của hơn 1 triệu rưởi người Việt ở Mỹ, với những thành công vượt bực của họ trong hầu hết mọi lãnh-vực.”  Ông lấy ngay trường-hợp của vợ ông, tuy xuất thân trong một gia-đình khiêm tốn nhưng đã vượt được hết trở ngại để thành luật-sư, một luật-sư rất thành công ở ngay thủ-đô DC.  Ông cũng nói ông rất mừng là ngày nay, bang-giao Việt-Mỹ đã gần như hoàn-toàn bình-thường, để hai dân-tộc có thể bỏ lại quá-khứ ở đằng sau và hướng đến tương lai trong hoà-bình, tự do và dân-chủ.
     
                Tiếp theo là Giáo-sư Tạ Văn Tài đến từ Boston, ông nói về bối-cảnh hai cuộc di cư vĩ đại, vào năm 1954 và 1975, những lý-do đưa đến sự hình thành của một cộng-động VN hải-ngoại gần 3 triệu người của ngày hôm nay, với những khả-năng đóng góp rất lớn cho quê hương nếu tình-hình cho phép.
     
                Song lịch-sử 34 năm qua là lịch-sử thất bại của người CS trong việc lấy lòng dân, vì thế mà người ta đã ào ạt ra đi, đến chỗ gặp hải-tặc, bị xua đuổi, chết làm mồi cho cá, người ta vẫn ra đi.  Đó là lý-do tại sao, theo G.S. Nguyễn Hữu Xương, Uỷ-ban Báo nguy Giúp Người Vượt Biển đã ra đời ở San Diego, hoạt-động từ năm 1980 đến năm 1990 khi thế-giới đã “mệt mỏi tình thương” và tìm mọi cách để đưa người tỵ nạn VN về trong nước, kể cả bằng biện-pháp “cưỡng bách hồi hương” dẫn đến nhiều thảm-kịch trong các trại Hồng Kông và Đông-Nam-Á.
     
    Những thảm-cảnh tỵ nạn
     
                Những thảm-cảnh ra đi tỵ nạn đã được kể lại qua kinh-nghiệm của bốn nạn-nhân: nhà báo Vũ Thanh Thuỷ gặp hải-tặc ở đảo Ko Kra, anh Andy Trần đi với mẹ lúc mới lên 5, bà Kim Hà, một bộ-nhân đi suốt qua Căm-pu-chia với 5 người con nhỏ để sang Thái-lan, và anh Nguyễn Minh Nguyên bị hồi hương từ Hồng Kông nhưng rồi được chương-trình ROVR phỏng vấn lại để cuối cùng được qua Mỹ.
     
                Sau đó, có một màn đi xem các sách (hàng trăm cuốn) mà người ta đã viết về kinh-nghiệm vượt biên, di tản của người Việt, cũng như một số sách đã được các tác-giả có mặt ký tặng: bà Jackie Bông Wright, tác-giả cuốn hồi-ký Autumn Cloud, bà Kim-Hà (cuốn Struggle in America), G.S. Lê Xuân Khoa (Việt Nam, 1945-1995), Ông Nghĩa Võ (The Men of Vietnam), G.S. Nguyễn thị Xuân Lan (The Sea and the Mulberry Field) và bà Bùi Lệ Chi (giới-thiệu sách Trên Đỉnh Trùng Dương của Lê Thị Bạch Loan).
     
                Cơm trưa, ăn tại một phòng ăn của Thư-viện QH, cũng đã có một diễn-giả, đó là G.S. Khoa-trưởng Charlie Nguyễn (tức Nguyễn Cường) của Viện Đại-học Công-giáo (Catholic University), ông nói về tầm quan-trọng của giáo-dục để thành công trong xứ này.
     
                Đến chiều cùng ngày, người ta được xem một phim dương-bản (slide show) rất dễ thương của nhiếp-ảnh-gia người Phi-luật-tân, ông Paul Tanedo, quay được nhiều cảnh rất đặc-biệt của người Việt ở trại Morong, Bataan. 
     
    G.S. Lê Xuân Khoa nói về thời-gian ông làm Giám-đốc Trung-tâm Tác-vụ Tỵ nạn Đông-Nam-Á (SEARAC, tắt cho Southeast Asian Refugee Action Center), vận-động chính-sách đón nhận người tỵ nạn vào Hoa-kỳ.
     
    Sơ Christine Trương Mỹ-Hạnh kể lại những chuyện vui buồn trong thời-gian sơ tìm cách giúp đỡ người tỵ nạn ở các trại Hồng Kông. 
     
    Đại-sứ hồi hưu Grover Joseph Rees kể lại thời-gian ông làm luật-sư cho Văn-phòng Di-dân của Bộ Tư pháp Hoa-kỳ rồi khám-phá ra sự ngược-đãi mà người tỵ nạn gặp phải ngay trong các trại tiếp cư ở Đông-Nam-Á.  Ông sau đó đã đi làm phụ-tá cho Dân-biểu Chris Smith và đã tìm cách chữa chạy một số những trường-hợp quá tệ hại.  Nhưng thành công nhất là chương-trình ROVR (Resettlement Opportunities for Vietnamese Returnees), cho phép những người có lý-do chính-đáng được phỏng vấn tại VN ngay nếu như họ bị hồi hương một cách bất công.  Cuối cùng, chương-trình ROVR đã cứu được 18 nghìn người đi định cư sang Mỹ.
     
    Phần cuối của buổi hội-luận, cử toạ được nghe G.S. Nguyễn Ngọc Bích nói về tổ-chức Vietnam Refugee Fund, Inc. (nữ-sĩ Trương Anh Thuỵ, chủ-tịch) là một tổ-chức thiện-nguyện nhỏ ở vùng Hoa-thịnh-đốn nhưng cũng đã đóng được một vai trò đáng kể trong những ngày đầu định cư của người tỵ nạn VN đến vùng thủ-đô (phân phát quần áo, chăn màn, đồ gia-dụng, bàn ghế, v.v. cho khoảng 4700 người trong vòng sáu tháng ở hai địa-điểm, một ở Virginia và một ở Maryland).  (Tưởng cũng nên nhắc, ít năm sau, một hội thiện-nguyện của người Việt, Buddhist Social Services, do bà Hiệp Lowman làm giám-đốc, thuộc Giáo-hội Công-đồng PGVN lúc bấy giờ đặt trụ-sở tại Chùa Giác Hoàng, cũng đã giúp tái-định-cư khoảng 3000 người tỵ nạn Việt-Miên-Lào ở trong vùng Thủ-đô Hoa-thịnh-đốn và phụ-cận.)
     
    Bà Ann Frank từ Quận Cam Cali sang, với sự trợ giúp của bà Christina Woo, trình bầy về Văn-khố Đông-Nam-Á ở Viện Đại-học California, Irvine, một nơi lưu giữ được rất nhiều tài-liệu trong cuộc di-dân của người Việt-Miên-Lào-Hmong sang Hoa-kỳ.
     
    Tiến-sĩ Đinh Xuân Quân, đi từ Liberia ở tận bên Phi-châu, bay về nói chuyện về kinh-nghiệm tù đầy của ông sau khi CS vào thành nhưng rồi sau này, ông lại được Liên-hiệp-quốc cử sang giúp đỡ VN (thời hai ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải) về một số chính-sách kinh tế.  Theo ông, chế-độ ở quê nhà chưa thực lòng với người có tri-thức và hiểu biết ở hải-ngoại, do đó mà sự tiến-bộ của VN vẫn chưa vượt lên được.
     
    Cuối cùng là phần trình bầy của thạc sĩ Luật Lisa Thuỳ Dương của chương-trình VOICE, nói về chương-trình định cư của gần 2000 người tỵ nạn ở Phi-luật-tân, phải chờ cả mười mấy năm rồi mới được giải-quyết, cho đi tỵ nạn ở Mỹ và Canada (chương-trình Freedom at Last, nói thay cho Ông Lê Duy Cấn thuộc Liên-hội Người Việt ở Canada).
     
    Sau nguyên một ngày hội-luận, mọi người tuy có phần mệt mỏi nhưng cảm-tưởng chung của nhiều người là Thư-viện Quốc-hội Mỹ, với sự tiếp tay của một số hội-đoàn Việt (Uỷ-ban Cứu Người Vượt Biển của Tiến-sĩ Nguyễn Đình Thắng, tổ-chức Voice of Vietnamese Americans của cô Genie Nguyen, và Nghị-hội, bên cạnh một số tổ-chức khác nữa, đặc-biệt là các sinh-viên trẻ và Hội Quảng Đà), đã làm được một việc rất hữu ích để ghi nhận lịch-sử của người Mỹ gốc Việt.  Được biết, nhân dịp này Thư-viện Quốc-hội cũng có in một tập sách mang đề “Journey to Freedom” để đánh dấu cuộc hội-luận, và trong chừng một tháng nữa thì video về cuộc hội-luận sẽ được đưa lên website của Thư-viện Quốc-hội để cho bất cứ ai cần cũngcó thể vào nghe lại hay tham-khảo. 
     
    #2
      ngày mai 26.05.2009 07:52:34 (permalink)
      Tản-mạn lịch-sử #72
      Nguyễn-lê-Hiếu

      Hành-trình Tìm Tự-do - 01


              
              Trong tháng 4 năm 2009, chúng ta đã ôn lại những ngày quốc-nạn đau-buồn. Tháng 5, chúng tôi xin chuyển sang nhưng mẩu truyện đầy phấn-khởi. Trước hết, quý thính-giả đồng-hương đều đã biết là Hạ-viện đã thông-qua quyết-nghị 342 do dân-biểu tiểu-bang Louisiana Joseph Cao nạp-trình công-nhận ngày 2 tháng 5 là ngày Tỵ-nạn Việt-Nam. Cùng ngày đó, tại Thư-viện Quốc-hội Hoa-kỳ, có cuộc Hội-luận về dân tỵ-nạn Việt-Nam với nhan-đề Cuộc Hành-trình Tìm Tự-do, nhìn lại (Hiện-tượng) Thuyền-nhân, tổ-chức tại phòng LJ 119 trong tòa nhà Jefferson Building, một trong ba tòa thuộc Thư-viện Quốc-hội, do Thư-viện tổ-chức với sự đóng-góp và bảo-trợ của nhiều hội-đoàn và tổ-chức tự-nguyện trong cộng-đồng người Việt.   

              Chương-trình gồm 4 phần chính:


              Phần đầu dành về chủ-đề Lịch-sử và bối-cảnh, gợi ý từ hiện-tượng người tỵ-nạn đã chứng-minh được lý-tưởng chính-đáng đi tìm tự-do và nay có thể đường-đướng chính-chính hòa-hợp lại, không phải với chế-độ toàn-trị, mà là với nhân-dân đồng-bào ruột-thịt. (Tạ Văn Tài).

              Phần hai do các người tỵ-nạn ôn lại cuộc hành-trình tìm tự-do gian-nan: người đi đường biển bị cướp-bóc (Vũ Thanh-Thủy), kẻ đi đường bộ bị lường-gạt bỏ rơi (Kim-Hà), người khác nữa cũng thuyến-nhân bị các tàu lớn đi ngang làm ngơ không giúp đỡ tưởng như sẽ chết đói, chết khát hay chết đuối (Andy Trần), và tình-cảnh gian-nan của người đến trại bên Thái-lan rồi bị bó-buộc hồi-hương (Nguyễn-Minh-Nguyên).

              Phần ba nhắc lại các cuộc cứu-trợ, các tổ-chức thiện-nguyện và các cố-gắng cứu-giúp nạn-nhân trên biển cả và tại các trại tỵ-nạn Đông-Nam-Á trong khi chờ đợi được sự chấp-nhận của các quốc-gia tiếp-nhận. Có cuốn phim ngắn ghi lại hình-ảnh trong trại tỵ-nạn bên Phi-luật-tân (Trong cảnh chờ-đợi tại trại Morong ở Bataan (Phi) qua ống kính của Paul Tanedo), bản thuyết-trình tóm-lược (Lê-Xuân-Khoa), truyện kể công-tác cựu-trợ (Sơ Christine Mỹ-Hạnh) và câu chuyện phân-loại dân tỵ-nạn chính-trị thứ-thiệt với dân tỵ-nạn kinh-tế, nỗi khó-khăn và thiên-lệch trong cảnh phân-loại(do cựu đại-sứ Grover Joseph Rees kể lại).

              Phần cuối là hồi-tưởng lại xem chúng ta, người tỵ-nạn bây giờ là ai, như thế nào, nhắc lại quãng đường đã qua trong quá-trình cứu-trợ, hội-nhập và xây-dựng lại đời sống mới tại quê-hương mới (GS Nguyễn-Ngọc-Bích, Tiến-sỹ Đinh Quân, Tiến-sỹ Nguyễn-Đình-Thắng và Thạc-sỹ Lisa Thùy-Dương). Hai chuyên-viên trường University of California, Irvine trình-bày hệ-thống tài-liệu về Đông-Nam-Á lưu-giữ tại thư-viện của trường và chỉ-dẫn cách tham-khảo nghiên-cứu.

              Hai diễn-giả đặc-biệt là Thượng-nghị-sĩ James Webb, đọc diễn-văn khai mạc, và GS Charles Nguyễn, giáo-sư và khoa-trưởng phân-khoa Kỹ-sư Đại-học Catholic University of America đọc diễn-văn bữa ăn trưa.
              Khoảng một trăm người tham-dự, phần lớn ở địa-phương, nhưng cũng nhiều người từ Cali, Atlanta-GA, Louisiana, Gia-nã-đại và Liberia (Phi-châu).  

               Triển-lãm sách và tài-liệu về Cuộc Hành-trình Tìm Tự-do và Xây-dựng Đời Sống Mới


               Song-song với cuộc hội-thảo, có một cuộc triển-lãm các sách-vở tài-liệu ghi lại chứng-tích của cuộc hành-trình gian-nan và việc xây-dựng lại đời sống mới tại nước tạm-dung, sau trở thành quê-hương mới. Hơn một trăm đầu sách được bà Liên-Hương Fiedler, người thủ-thư hướng-dẫn (reference librarian) của Thư-viện Quốc-hội sắp-xếp tại phòng đọc-sách Á-đông LJ 150. Xen lẫn các sách nghiên-cứu khảo-cứu của các học-giả quốc-tế Mỹ, Pháp, Gia-nã-đại, Úc v.v., có những sách của các học-giả Việt-Nam như Lê-Xuân-Khoa, Tạ-Văn-Tài và Vũ-Thụy-Hoàng hay nhân-chứng như Đại-sứ Bùi-Diễm hay nạn-nhân như Kim-Hà, Huyền Châu nữ. Nổi bật và cũng vào phút chót là cuốn Vietnamese Mayflowers of 1975 của nhóm Nghệ-thuật Văn-hóa Giáo-dục Sài-gòn (SACEI=Saigon Arts Culture Education Institute) của các tác-giả Võ-Minh-Nghĩa, Đặng-Văn-Chất xuất-bản.

              Một số tác-giả đã có mặt để ký tặng các tác-phẩm chứng-tích của cuộc Hành-trình tìm Tự-do vào lúc trưa (Jackie Bông, Kim-Hà, Lê-thị Bạch-Lan và Bùi-Lê-Chi, Nguyễn-Xuân-Lan, Lê-Xuân-Khoa và Võ-Minh-Nghĩa).

              Truyện cô gái leo thang lên Thiên-đường


              Trong buổi Hội-luận, nhiều câu chuyện thương-tâm khiến người kể và người nghe ngậm-ngùi, có lúc nước mắt lên mi; nhưng cũng có những mẩu đời thành-công khiến người nghe thêm phấn-khởi. Chúng tôi sẻ dành các buổi tản-mạn khác trong tháng 5 này để lần-lần trính-bày quý thính-giả đồng-hương nghe. Hôm nay xin kể chuyện cô bé leo thang lên Thiên-đường.

              Câu chuyện có thực về một cô bé lên năm lên sáu khi có nạn nước 1975. Cha mẹ cô gốc bắc, phía Đông-nam Hà-nội, miệt Nam-Định-Hải-phòng. Hải-phòng là hải-cảng lớn của nước ta ở miền Bắc, cửa ngõ hải-thương mà cũng là cái nôi nghề đánh cá. Nam-định ở phía nam là quê của giòng-họ đánh-cá lớn con cái mang tên các loài cá—cá Kình, cá Hấp, cá Lý, cá Lưa-thưa, cá Liu-điu, cá Lăng-quăng—sau lập nên nhà Trần nước ta chống-đỡ giặc Nguyên sau này. Đường số 10 nối liền Nam-Định đi chéo lên chạy qua Thái-bình và Kiến-an rồi tới Hải-phòng dài khoảng hơn 50 miles. Năm 1954, gia-đình cha và gia-đình mẹ bỏ Hải-phòng, lên thuyền vào nam tản-cư, lập nghiệp tại Vũng-tàu, cảng lớn miền nam, có nhiều bãi biển đẹp và cũng là nơi dân đánh-cá tụ-tập sinh-sống.

              Năm 75, cha mẹ cô bé lại một lần nửa ra đi; họ dẫn gia-đình lên một cái thuyền nhỏ ra khơi trong cuộc hành-trình lớn tìm Tự-do. Cô bé chưa biết gì, chỉ thấy cha me dẫn lên thuyền thì thích-thú đi theo, tưởng như đi chơi. Cho đến khi ra khơi, xa ngoài vùng đánh cá thường xuyên thì mới gặp nhiều khó-khăn hiểm-nghèo của biển cả. Lượng nước ngọt xuống thấp, thực-phẩm cạn dần, sóng lớn lung-lay đánh-phá thuyền nhỏ, bà mẹ ôm con có lúc tưởng con thuyền sắp đi vào lòng đại-dương. Rồi may thay, trong lúc xa trời gần đáy biển đó, cảnh mười mất một còn thì thuyền tỵ-nạn được tàu Mỹ bằng lòng giúp-đỡ cho lên tàu lớn. Bà mẹ ôm cháu gái, miệng sót-sa: “Con ơi, mình được lên thiên-đàng rồi, con ơi”. Chiếc thuyền Mỹ to lớn cho phép, thuyền tỵ-nạn ráp vô, dân tỵ-nạn lần-lượt trèo từng bước lên lên boong thuyền Mỹ. Cháu bé lên 5 lên 6 được mẹ giúp đỡ leo thang. Cô nhìn xuống dưới, thấy nước xanh một màu, sóng to bọt lớn. Cô nhìn trước mặt, bờ tàu Mỹ choán mắt không thấy gì nữa. Ngửa mặt lên trên khi leo thang, cô thấy có một màu xanh trên trời, với mấy đám mây thơ-thẩn bay qua. Và cô tự-nhủ: “Mình đang leo thang để vào thiên-đàng”.

              Gia-đình cô quen sinh-sống gần biển; họ dọn về Louisiana. Cô đi học, tốt-nghiệp, theo học đại-học, cuối cùng tốt-nghiệp trường Luật, nay hành-nghề xuất-sắc tại Hoa-thịnh-đốn.

              Thượng-nghị-sỹ Jim Webb


              Chuyện cô gái trèo thang lên thiên-đàng được Thượng-nghị-sĩ Jim Webb kể lại trong bài diễn-văn khai-mạc. Ông Webb đã từng đi trận ở Việt-Nam. Sau giải ngũ, sống đời dân-sự. Ông viết nhiều sách, hợp-tác với các đạo-diễn, viết phim-ảnh và dạy văn-chương tại trường Hải-quân. Ông nói tiếng Việt thông-thạo. Có lần ông giúp chương-trình thu-thập xe-lăn giúp thương-phế-binh miền Nam nhưng bị Cộng-sản lừa; một anh nằm vùng dụ-khị ông, lấy cả trăm xe lăn. Sau đó, 90% được chuyển cho Bắc-Việt, cựu thương-phế-binh được có khoảng 10% số xe lăn. Ông tiếc-muối việc chọn sai mặt gửi vàng đó. Ông làm thứ-trưởng Hải-quân thời chính-phủ Reagan. Sau này, ứng và trúng-cử Thượng-viện Hoa-kỳ đại-diện tiểu-bang Virginia, thuộc đảng Dân-chủ.

              Ông nhận đọc diễn-văn khai-mạc cho ngày hội-luận Hành-trình Tìm Tự-do của các người bạn Việt-Nam. Ông kể chuyện cô gái trèo thang lên Thiên-đàng. Tại sao ông biết chuyện này? Là vì cô gái đó, tên là Lê Hồng, chính là phu-nhân của ông Webb.

              Ông đã thấy vợ mình thành công chỉ trong một thế-hệ; ông quan-sát các người tỵ-nạn Việt khác cũng thành-công tương-tự.  Và ông đã suy ra một số chân-lý.

              Thứ nhất: Hoa-kỳ đã đón-nhận nhiều di-dân nhưng kỳ 1975 này, nhóm di-dân Việt đã thành-công lớn và mau, ngay trong một đời người, ngay trong thế-hệ đầu chứ không phải chờ hai ba thế-hệ sau. Nghĩa là người Việt đã chứng-minh là họ có khả-năng thành-công lớn và mau.

              Thứ hai: Chỉ tại Hoa-kỳ, một nước cởi-mở, công-bằng, tự-do, đầy cơ-hội thuân-tiện mới tạo được môi-trường cho người tỵ-nạn Việt-Nam thi-thố tài-năng. Hoa-kỳ đã chứng-tỏ là một xã-hội đa-văn-hóa, tự-do và công-bằng khiến cho người dân—kể cả di-dân mới tới—có thể phát-triển hết thảy khả-năng tiếm-tàng nơi mỗi người.

              Thứ ba: dựa vào hai nhận-xét trên, ông Webb suy-diễn rằng cuộc Hành-trình Tìm Tự-do của người Việt có hai mặt: mặt này là đau-thương: đau-thương cho bao gia-đình Việt chịu khổ-sở, chia-rẽ, nhận cảnh ly-hương nhưng rồi họ đã khắc-phục khó-khăn và thành-công lớn; mặt kia là một sự mất-mát lớn-lao cho nước Việt-Nam, phung-phí nguồn nhân-lực quý-báu. Về phía Hoa-kỳ, quốc-gia đón tiếp, họ đã thừa-hưởng một nguồn sinh-lực mới làm trẻ-trung và phong-phú-hóa xã-hội đa-diện đa-năng.

              Ấu-nhi Việt-Mỹ

              Một điều cuối câu chuyện tản-mạn hôm nay là trong số người tham-dự, có một em bé 10 tuổi, tên là Khôi. Ở cái tuổi đáng nhẽ phải chạy nhảy tung-tăng vào ngày cuối tuần, cháu ngồi chăm-chú nghe các bài trình-bày. Vợ-chồng tôi ngạc-nhiên, đến bữa trưa, tìm đến ngồi cùng bàn và hỏi-han. Cháu nói: “Cháu thích cái bài nói của ông Webb nhất là câu chuyện cô bé trèo lên thiên-đàng”. Hỏi ra thì cháu cho hay ba là bác-sỹ Chủ-tịch hội Y-sỹ Thủ-đô, má đã từng tham-dự các công-tác cộng-đồng địa-phương, ông nội là một Trung-tá quân-lực Việt-Nam Cộng-hòa… Đúng là con giòng cháu giõi. Với trẻ-nít như vậy, làm sao mà không phấn-khởi tin vào tương-lai của người Việt.
             
      5 thg. 5, 2009

      #3
        ngày mai 26.05.2009 07:53:41 (permalink)
        Tản-mạn lịch-s#74
        Nguyễn-lê-Hiếu

        Hành-trình Tìm Tự-do
        Câu chuyện một người tù Cải-tạo
         
             Dr. Quân Xuân Đinh - A RETURN TO VIETNAM            
         
         

           Mấy tuần trước trong tháng năm này, chúng ta nói về cuộc Hội-luận tại Thư-viện Quốc-hội Hoa-kỳ với nhan-đề Cuộc Hành-trình Tìm Tự-do, nhìn lại (Hiện-tượng) Thuyền-nhân, do Thư-viện tổ-chức với sự đóng-góp và bảo-trợ của nhiều hội-đoàn và tổ-chức tự-nguyện trong cộng-đồng người Việt.   

           Chương-trình hội-luận gồm 4 phần chính:

           Phần đầu dành về chủ-đề Lịch-sử và bối-cảnh

           Phần hai do các người tỵ-nạn ôn lại cuộc hành-trình tìm tự-do gian-nan

           Phần ba nhắc lại các cuộc cứu-trợ, các tổ-chức thiện-nguyện và các cố-gắng cứu-giúp nạn-nhân trên biển cả và tại các trại tỵ-nạn Đông-Nam-Á trong khi chờ đợi được sự chấp-nhận của các quốc-gia tiếp-nhận. Đặc-biệt là câu chuyện phân-loại dân tỵ-nạn chính-trị thứ-thiệt với di-dân (tỵ-nạn) kinh-tế, nỗi khó-khăn và thiên-lệch trong cảnh phân-loại (do cựu đại-sứ Grover Joseph Rees kể lại).

           Phần cuối là hồi-tưởng lại quãng đường đã qua; và xem chúng ta bây giờ ra sao. Phần này nói lên những thành-công lớn của lớp thuyền-nhân đời một và đời hai. Một diễn-giả đã nhấn mạnh rằng sự thành-công đó chứng-minh ít nhất hai điều: một là khả-năng tiềm-ẩn của dân ta; hai là nếu dân ta được hưởng hoàn-cảnh thuận-tiện tự-do dân-chủ thì khả-năng phát-triển của nước ta sẽ huy-hoàng biết là bao! Hai điều đó hợp lại minh-chứng rằng quyết-định ra khơi của thuyền-nhân là đúng: họ ra đi để tránh một chính-thể toàn-trị, tìm tự-do và lẽ-sống cho bản-thân và gia-đình. Rồi sau đó, hàng năm, sự tiếp-trợ của dân ta ở hải-ngoại đã đóng-góp bao nhiêu cho thân-nhân và gián-tiếp cho đất nước ngày nay.

           Những người Việt ở nước ngoài là nguồn tài-trợ đáng kể vì số tiến gửi về cho thân-nhân; hơn nữa, một số còn mang tài-năng về giúp đồng-bào như những chương-trình y-tế nhân-đạo, giúp cho nhi-đồng, vá môi sứt v.v.
         
                 Lại có câu chuyện hi-hữu: người tù cải-tạo thành cố-vấn cải-cách.
         
                 Đài Tiếng nói Hoa-kỳ (VOA) kể lại trường-hợp vào đầu thập niên 1970, một thanh niên trong lứa tuổi gần 30, tốt nghiệp về kinh tế từ đại học Sorbonne tại Paris và sau đó là đại học Temple, tại Philadelphia, Hoa Kỳ, tên là Đinh xuân Quân, đã trở về nước làm việc cho Quỹ Phát Triển Kinh Tế Quốc Gia, một chi nhánh của Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa.

           Đinh-Xuân-Quảng

           Trước hết, nói qua về gia-thế. Thân-phụ ông là Thẩm Phán Đinh-Xuân-Quảng (1),  từng tham-chính trong Quốc-gia Việt-Nam dưới thời Cụu-hoàng Bảo-Đại làm quốc-trưởng. Ngay từ tháng 4-1946, khi Hồ-Chí-Minh đưa Bảo-Đại đi Trùng-khánh thì ông Đinh-Xuân-Quảng đã có mặt bên Cựu-hoàng và cùng nhiều người khác, yêu-cầu Cựu-hoàng đứng lên nhận lãnh-đạo hầu cho các nhà yêu-nước không Cộng-sản có nơi quy-tụ. Tháng 10 năm đó, ông cùng năm vị khác viết thư cho Tổng-thống lâm-thời Ấn-độ là Nehru yêu-cầu giúp-đỡ Việt-Nam thoát khỏi gọng kìm cả của Đế-quốc lẫn của Cộng-sản. Sau khi cuộc chiến khởi-sự ngày 19-12-46 thì tuần-lễ sau, nhân ngày Giáng-sinh, ông này họp với một số nhân-sĩ đi vận-động Cựu-hoàng nhận đi đấu-tranh chính-trị với Pháp và Việt-minh để ra giải-pháp QG Việt-Nam. Nhóm ông Quảng tính ra ba giai-đoạn:

        1-     Vận-động sao cho Cựu-hoàng nhận lãnh-đạo phe Quốc-Gia

        2-     Vận-động Pháp công-nhận giải-pháp Bảo-Đại, đấu tranh chính-trị với nhóm Quốc-gia hơn là đấu-tranh vũ-lực với Việt-minh.

        3-     Sau đó sẽ về nước hoạt-động thường-xuyên.

          Ông Đinh-Xuân-Quảng và phái-đoàn được Cựu-hoàng tiếp vào 4-1-1947; họ họat-động ráo-riết và đến cuối năm đó, tháng 9-1947, Cựu-hoàng ra thông-cáo nhận trách-nhiệm mà đồng-bào trao phó. Sau đó, dưới thể-chế Quốc-gia Việt-Nam, ông Quảng đã đảm-trach nhiều chức-vụ lãnh-đạo trong chính-phủ. Thời đệ-nhất Cộng-hòa, khi Đại-tá Nguyễn-Chánh-Thi mưu-toan đảo-chánh Tổng-Thống Diệm, hình như ông Quảng cũng gặp nạn chung với nhiều chính-trị-gia khác (2).  Sau thời các tướng nắm quyền, ông cũng biết mùi ngục tù (3). Sau này, ông Quảng cũng là Chủ-tịch Quốc-hội Lập-hiến hồi 67- 68 lập ra nên đệ-nhị Cộng-hòa.

        Đó là tản-mạn qua về việc thành-lập giải-pháp Bảo-Đại giữa các phe quốc-gia, sau đó Pháp cũng nhảy vào khai-thác. Nhắc lại để nói lên vài trò của Đinh-Xuân-Quảng lúc đó và sau này ở miền Nam.

        Thời VNCH và tù Cải-tạo
         
                 Đầu thập-niên 1970, con ông Quảng là Đinh-Xuân-Quân, đã trở về nước làm việc cho Quỹ Phát-triển Kinh-tế Quốc-gia ở Việt-Nam Cộng-Hòa. Vào thời-điểm hiệp-định Paris, cuộc chiến sắp chấm-dứt, công-cuộc tái-thiết quốc-gia đang được tiến-hành với một số chuyên gia đông đảo sẵn sàng công-tác phát-triển. Nhưng ngày nạn nước đã đến vào tháng 4-1975. Sau ngày 30 tháng tư năm 1975, chuyên gia Đinh Xuân Quân bị bắt vì tội ngụy-quyền, trong trại cải-tạo ba năm. Khi được thả, ông  tìm đường thoát thân bằng đường biển. Sau 9 lần thử-thách, ông nhập trại tỵ-nạn Thái-Lan rồi được vào nam California vào cuối năm 1979. Tức thời, ông làm việc liên-tục ngày tối, làm giảng viên tại đại học cộng đồng Sana Ana và viết lách cho các báo Việt.

           Sang năm 1980, ông bắt đầu làm việc cho những chương-trình viện-trợ quốc-tế giúp các quốc-gia đang phát-triển. Nhiệm-sở đầu tiên của ông tại hải-ngoại là Mauritatania, một quốc-gia tây-Phi nằm ngay dưới Ma-rốc, qua chương-trình của Cơ- Quan Phát-triển Quốc-tế của chính-phủ Hoa-Kỳ. Sau đó ông đã làm việc cho nhiều chương-trình viện-trợ của chính-phủ Mỹ và các tổ-chức quốc-tế giúp-đỡ hơn 20 quốc- gia đang phát-triển cải-tổ hành-chánh trong đó có Kosovo, Irak, Sudan , Afghanistan, Iran.... v.v. Nhiệm-sở hiện-tại là Liberia, Phi-châu.

           Tù Cải-tạo thành Cố-vấn Cải-cách  

           Năm 1992, ông đã trở về Việt-Nam trong chương-trình Quỹ Quốc-tế Phát-triển Nông-nghiệp (IFAD). Tại đây, ông đã vận-động để IFAD tăng trợ-giúp, từ 7 triệu lên đến 21 triệu đô-la. Sau khi đi phục-vụ tại nơi khác, hai năm sau ông lại trở về nước ta một lần nữa, làm việc trong Chương-trình Phát-triển của Liên-hiệp-quốc (UNDP), thành cố-vấn về cải-tổ hành-chánh cho Bộ Nội-vụ. Trong khoảng thời-gian này, ông đã giúp thực-hiện nhiều dự-án giúp-đỡ của quốc-tế. Những nhân-viên hành-chính Việt Nam và những đảng-viên Cộng-Sản, qua chương-trình này, đã học-hỏi từ những chuyến đi nước ngoài, cách-thức điều-hành quốc-gia để làm sao cho Việt-Nam đổi mới khá hơn.

           Qua chương-trình này, ông đã công-tác thường-xuyên với nhóm cố-vấn của các Thủ-tướng Cộng-Sản Võ-Văn-Kiệt và Phan-Văn-Khải, tìm-hiểu về tình-trạng trì-trệ, những khó-khăn về mặt quản-trị hành-chánh, về kinh-tế tài-chánh do nhà nước nắm-giữ. Vào lúc đó và cho đến bây giờ, chuyên gia Đinh Xuân Quân vẫn hy vọng là dần dà, đất nước này sẽ tự giải-thoát khỏi ý-thức-hệ toàn-trị độc-tài để phát-triển được hết tiềm-năng đất-nước ta và dân-tộc ta.

           Thảm-trạng Việt-Nam ngày nay

           Cùng với các thuyết-trình-viên khác trong buổi hội-luận Hành-trình tìm Tự-do, ông Ðinh-Xuân-Quân phát-biểu, cũng như đã từng trả lời trên đài VOA, đại ý Sau 1975 và cho đến nay, Việt-Nam đã và đang quá phí-phạm tài-nguyên, nhất là tài-nguyên nhân-lực, vì sự tiến-bộ, giàu-mạnh của một nước là do nhân-dân, do nhiều cá-nhân, do con người. Miền bắc đã phí-phạm rất nhiều khi coi rẻ những người miền nam. Chỉ sau khi có mở cửa, đổi mới, miền bắc mới học đuợc rất nhiều của miền nam. Mỗi một lần nghĩ tới 30 tháng 4, chúng ta thấy cả là một phí-phạm, nhất là về việc không biết sử-dụng nhân-lực của miền nam.

           Ðinh-Xuân-Quân nói là Việt-Nam, giống như nhiều nước nhỏ, chậm tiến là vì thiếu tổ chức. Nhưng tại Việt Nam thì nặng hơn, vì còn trì-trệ vì guồng máy toàn-trị nặng-nề của đảng. Tự nhiên phải gánh-vác hai guồng máy chạy song song mà không chịu phối-hợp với nhau. Hơn nữa, guồng máy đảng áp-đảo guồng máy hành-chính gây rối- loạn phí-phạm lại mất thời-giờ. Hiện giờ các nước trên thế-giới, kể cả Nga, đã bỏ cái chuyện rườm-ra tai-hại đó.

           So về mặt kinh-tế, ông Đinh-Xuân-Quân nhận-định rằng Việt Nam có phần nào tiến-bộ và đã mở cửa khá nhiều. Đó là một điều may-mắn cho Việt-Nam. Nhưng guồng máy chính-quyền hãy còn quá nặng-nề, lại độc-quyền. Độc-quyền mang đến tham-nhũng. Nếu so Việt Nam với các nước (đang phát triển) thì họ thoáng hơn mình, ít tham-nhũng hơn.

           Kết-luận

           Từ cô bé leo thang lên Thiên-đường thành một luật-sư, từ một tù cải-tạo thành cố-vấn kinh-tế rồi cố-vấn cải-tổ hành-chánh, những trường-hợp tương-tự đã chứng-minh rằng sự lựa-chọn ra-đi sau khi VNCH sụp-đổ là một lựa-chọn đúng để cứu-vớt và phát-triển nhân-lực cần-thiết cho việc xây-dựng đất-nước khi chính-phủ toàn-trị không tạo điều-kiện cho nhân-sự quốc-nội có cơ-hội phát-triển đầy-đủ khả năng của người dân.           
                                                                                                  
        20 thg. 5, 2009
        _________
         
        Ghi chú theo lời phụ đính của Tiến Sĩ Đinh Xuân Quân:
         
        (1) - Cố Chủ Tịch Quốc Hội Lập Hiến thời Đệ Nhị Cộng Hòa Đinh Xuân Quảng từng là Thẩm Phán Tòa Thượng Thẩm và Thẩm Phán Tòa Phá Án từ 1933 - 1956.
        (2) - Sau vụ đảo chính hụt năm 1960, Ông Đinh Xuân Quảng và cả con là Đinh Xuân Quân đều bị tù dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm.
        (3) - Ông Đinh Xuân Quảng không bị tù dưới thời các Tướng nắm quyền. Ông trở thành Chủ Tịch Quốc Hội  Lập Hiến thời Đệ Nhị Cộng Hòa.
        <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.05.2009 00:04:31 bởi ngày mai >
        #4
          ngày mai 30.05.2009 06:34:48 (permalink)
          .
          Tản-mạn lịch-s#75
          Nguyễn-lê-Hiếu

           Hồi-tưởng tháng Năm 1946
           
           
                   

                    Mấy tuần trước trong tháng năm này, chúng ta nói về cuộc Hội-luận tại Thư-viện Quốc-hội Hoa-kỳ hồi đầu tháng với nhan-đề Cuộc Hành-trình Tìm Tự-do, nhìn lại (Hiện-tượng) Thuyền-nhân; đó là chuyện mới. Hôm nay, cuối tháng, trở lại chuyện xa-xưa hơn 60 năm cũ, vào tháng Năm năm 1946. Theo ý riêng của tôi, thì tháng 4 tháng 5 năm đó là khoảng thời-gian đẹp nhất thời Việt-minh, đẹp nhất của cái gọi là Chính-phủ Việt-Nam Dân-chủ Cộng-hòa có khẩu-hiệu Độc-lập Tự-do Thống-nhất. Tại sao tôi nghĩ vậy? Thưa là vì sau không-khí tưng-bừng cách-mạng tháng 8 và cuộc thoái-vị bi-hùng của nhà vua ra nhận làm Cố-vấn tối-cao (1) thì không thấy đoàn-kết mà chỉ thấy chửi-phá đánh-lộn giữa phe Việt-minh, Việt-cách và Việt-quốc. Vì chống-đối nhau mà cuộc bàu-cử dự-định vào cuối năm 1945 không thực-hiện được.(2)  Ba, bốn cuộc hòa-giải giữa các phe-phái, mực chưa ráo thì lại hục-hặc. (3) Rồi lại thỏa-hiệp để bầu Quốc-hội vào đầu năm 1946, khủng-hoảng nữa vào tháng 2 rồi có tin Hồ-Chí-Minh gặp khó-khăn muốn nhường quyền điều-khiển cho Cựu-hoàng. (4) Cuối cùng, sang tháng Ba 1946 mới có được một chính-phủ liên-hiệp có Hồ-chí-Minh làm Chủ-tịch, Nguyễn-Hải-Thần (Việt-cách) làm phó, Nguyễn-Tường-Tam (Việt-quốc-Đại-Việt Dân-chính) làm bộ-trưởng ngoại-giao. Tháng Tư, khai-mạc hội-nghị sơ-bộ Việt-Pháp tại Đà-lạt. (5) Trưởng-phái-đoàn là Nguyễn-Tường-Tam, phó là Võ-Nguyên-Giáp kiêm Chủ-tịch Ủy-ban quân-sự, một số trưởng-ban khác là Hoàng-Xuân-Hãn (chính-trị), Nguyễn-Mạnh-Tường (văn-hóa) và Trịnh-Văn-Bính (kinh-tế tài-chánh). Chính vì phải đối-đầu với kẻ thù cả nước là Pháp nên các phe-phái đã ngồi chung trong một phía, và vì sinh-hoạt chung nên hiểu-biết nhau hơn và ít chửi-bới nhau như mấy tháng trước; cũng vì hoàn-cảnh đặc-biệt đó mà trong một khoảng ngắn, có tình đoàn-kết. Do đó mà gọi là khoảng thời-gian đẹp nhất vậy.        

                    Tình đoàn-kết

                    Tình đoàn-kết thể-hiện lúc sinh-hoạt chung. Phái-đoàn đi máy bay chung từ Hà-nội qua Lào vào Đà-lạt, mười mấy người ngồi hai hàng trong máy bay, quay mặt vào nhau, phải nhìn nhau và bắt chuyện. Có một sĩ-quan tùy-viên của Giáp, lấy mấy bộ lon ra lau chùi cho sáng. Thấy nhiều lon quá, mọi người hỏi, thì được giải-thích: đấu-tranh chính-trị, về hình-thức, phải chuẩn-bị xem sĩ-quan tây đeo lon nào thì mình cũng đeo lon đó cho ngang hàng! Mọi người vừa học được một bài chiến-tranh tâm-lý chính-trị. Khi nghỉ đêm, Giáp, Hoàng-Xuân-Hãn và Nguyễn-Mạnh-Tường chung nhau một phòng, nằm trên ba ghế bố đặt song-song. Giáp 35 tuổi, Tường 37 và Hãn 38.  Ba chàng trai tuổi dưới 40 nằm chung phòng, ngoài khi bàn việc, vui đùa bông lung. Hai người lớn tuổi hơn nói với người trẻ “anh Giáp phải lấy vợ đi”. Lúc đó Giáp góa vợ (vợ Giáp là Nguyễn Thị Quang-Thái bị Pháp giết năm 1941; bà này là em của Nguyễn-Thị-Minh-Khai, sau này có lúc ghi hay bị nghi là vợ Hồ-Chí-Minh, bị xử-tử năm 1941; nay tên được đặt cho trường Gia-long cũ ở Sài-gòn).  Giáp nói ngược lại: “Các anh làm mối đi”. Họ nhắc đến tên một phụ-nữ Cứu-quốc, rồi bỏ qua câu truyện. Tường ở Pháp về, học chữ nho và tướng-số, phát-biểu là số của Hãn có nhiều sao tốt. Một người nói: “Thiếu sao vàng” Chẳng qua là vì Hãn không theo Cộng-sản nên không có huy-hiệu sao vàng (trên nền đỏ). Giáp vui hứa sẽ đưa Hãn và Tường đi thăm chiến-khu khi đất nước thanh-bình. (6)

                    Nhưng cảnh đoàn-kết đẹp-đẽ không bền lâu và nhiều năm sau, còn vương mùi cay-đắng. Chiến tranh xảy ra, Tường đi theo kháng-chiến, Hãn bị kẹt lại ở Hà-nội; sau bị phe Nguyễn-Văn-Tâm đe-dọa nên được nhóm Đại-Việt giúp đi Pháp, tiếp-tục cuộc đời nghiên-cứu khoa-học. (7) Năm 1956, sau chiến-thắng Điện-Biên, vai trò của Giáp càng cao càng sáng. Giáp đã ngoảnh mặt khi Tường mắc vào vụ Trăm-hoa-đua-nở, bị truất hết quyền-lợi kể cả quyền kiếm-ăn nuôi gia-đình. (8) Ba người bạn đoàn-kết một lần vào tháng 5-1945, nay mỗi người một nơi, một hoàn-cảnh khác mà kẻ lên voi quên gười bạn ngã ngựa. Đời người như một giấc mơ, tình người sao mỏng-manh thế!

                    Đoàn-kết khi công-tác 

                    Nhưng đoàn-kết cao-độ là lúc đấu-trí với Pháp. Việt-minh và Việt-quốc từng ám-sát, bắt-cóc, giết lẫn nhau mấy tháng trước, phỉ-nhổ nhau là Việt-gian; nay Việt-quốc Trưởng-đoàn Nguyễn-Tường-Tam sánh vai với Việt-minh Võ-Nguyên-Giáp, sáng-sáng đi trong vườn bàn chuyện vì sợ Pháp đặt ống nghe mật trong phòng. Sau những buổi đi tay đôi như vậy, Hãn có kể lại là Tam tâm-sự: “Có lên đây làm việc chung thì mới biết những người trước kia tưởng là Việt-gian thì bây giờ mới thấy là họ cũng hết lòng cho việc nước”. (9) Trước kia, phe đệ-tam và đệ tứ thanh-toán nhau; đặc-biệt Việt-minh đệ-tam đã giết ngọt đệ-tứ Tạ-Thu-Thâu. Về vụ này, khi báo-chí ngoại-quốc chất-vấn, Hồ-Chí-Minh đã nói một cách bất-nhẫn: “Những người đi khác đường lối Việt-minh đề ra phải bị đào-thải”. (10) Vậy mà nay, quanh bàn hội-nghị, Việt-minh Giáp ngồi bàn chiến-lược với đệ-tứ Hồ-Hửu-Tường, có khi hành-động giống nhau và hỗ-trợ cho nhau.

                    Ngày 12 tháng 5, trong phiên họp cuối trước khi bế-mạc, Pháp nhất định không chịu bàn về việc trả Nam-bộ cho ta. Giáp và anh em đề-nghị để cho các đại-biếu gốc Nam-bộ nói trước, nói mạnh và nói nhiều. Dương-Bạch-Mai và Hồ-Hữu-Tường nói rất nhiều, rất cảm-động và hào-hùng, trong khi bên Pháp cứ gạt bỏ. Cuối cùng, Hồ-Hữu-Tường người đệ-tứ mắt đỏ ngầu vì nước mắt và giận-dữ, lừ-lừ bước quanh phòng, qua phía Giáp ngồi, rồi bước ra khỏi phòng họp. Mọi người im-lặng nhìn theo từng bước của Tường. Tường ra khỏi phòng, mọi người chưa bắt đầu nói, đến lượt Giáp, con người đệ-tam, cũng đẩy ghế vùng đứng giậy, tay vớ cặp tài-liệu, hầm-hầm bước ra khỏi phòng họp, đóng cửa cái sầm. Hai phe cộng-sản trước thường ám-hại nhau, nay hai thành-viên đại-diện, bỗng trong tháng năm 1946 này, có cùng một chí-hướng, cùng một cảnh đau lòng, cùng bước ra khỏi phòng họp, tim nặng chĩu như nhau. (11)

                    Nhưng đoàn-kết đó không bền lâu. Sau cuộc chiến hàng chục năm, lúc phe Giáp thắng thì Hồ-Hửu-Tường bị đi tù cải-tạo ở miền Nam, tại Phan-thiết. Khi không còn sức-lực, phe Giáp cho thả. Có người y-tá thương tình chở cho về nhà ở Sai-gòn, Tường thở hơi cuối khi sắp về đến nhà. (12)

                    Rút cuộc thì Cộng-sản vẫn là Cộng-sản, toàn-trị thì vẫn toàn-trị. Nhưng thoáng trong hai tháng 4 và 5 năm 1946 đó, thấy lóe lên một vẻ đẹp đoàn-kết, nhất là trong ngày cuối của hội-nghị sơ-bộ Pháp-Việt tại Đà-lạt. 

                    Ngày 19 tháng 5 năm 1946

                    Tháng năm 1946 còn một kỷ-niệm mà sau này chỉ còn một số người già nhớ lại. Đó là ngày 19 tháng năm năm 1946. Lúc đó, cái quyền là đồng-minh đóng quân giải giới Nhật, Pháp đã mua và Tàu đã bán. (13) Cao-ủy Pháp d’Argenlieu, với tư-cách tư-lệnh quân-đội đồng-minh giải-giới ra thanh-sát miền Bắc và gặp Hồ-Chí-Minh. Đoàn-Thêm ghi lại trong sách là có lịnh treo cờ vì là nghe nói hôm này là ngày sinh-nhật Hồ-chí-Minh. (14) Từ trước không ai nhắc đến ngày sinh tháng đẻ của Hồ-Chí-Minh. Vì d’Argenlieu đến mà nẩy ra cái ngày sinh-nhật này.

                          Ngày 27 tháng 5 năm 1946

                    Tháng năm còn một ngày nữa đáng nhắc lại. D’Argenlieu tìm mọi cách phá vỡ sự đoàn-kết và thống-nhất nước ta, trước là bày ra trò phân-chia Nam-Bắc gây mâu-thuẫn hai miền, sau lập chính-phủ Nam-Kỳ tự-trị, rồi phá-hoại hội-nghị sơ-bộ Đà-lạt. Tới cuối tháng, ngày 27, lúc Hồ-Chí-Minh bước lên máy bay sang Pháp thì tại Sài-gòn, d’Argenlieu ký sắc-lệnh lập miền Tây-kỳ tức là khu cao-nguyên miền Trung: Việt-Nam bị Pháp chia ba thành Bắc, Trung và Nam-kỳ, nay có thêm Tây-kỳ, sau gọi là Hoàng-triều cương-thổ miền Nam. (15)

                    Nói tóm lại là cách đây  hơn 60 năm, trong tháng năm 1946, Pháp dùng mọi cách để tái-chiếm miền Bắc, để chia-rẽ người Việt và chia-sẻ đất nước thành nhiều mảnh, đó là cái khó. Trong hoàn-cảnh khó-khăn đó, các phe-phái trước thường đả phá nhau, bỗng trong khoảng hai tháng 4 và 5, đã bày tỏ tình đoàn-kết khác thường. Tiếc rằng tình-trạng đó chẳng kéo dài vì chỉ tháng sau, sang tháng 6 năm 1946 thì đâu lại về đó, Việt-minh, Việt-cách và Việt-quốc lại đánh nhau; chuyện đó để sang tháng 6 chúng ta lại tản-mạn sau.
           
           _________
           

          Ghi-chú
           
          1-. Sắc lệnh 23 ngày 10-09-1945 cử ông Vĩnh-Thuỵ làm cố-vấn chính-phủ lâm-thời Việt-Nam dân-chủ cộng-hoà
          … Điều 1: Nay cử ông Vĩnh-Thuỵ làm cố-vấn Chính-phủ lâm-thời dân-chủ cộng-hoà. (Ngoài báo-chí  thì ghi là Cố-Vân tối-cao)
           
          2-  Cuộc tổng-tuyển-cử ấn-định từ tháng 9, dự-trù vào tháng 12 sau phải hoãn đến tháng 1-1946; phe đối-lập được 70 ghế không phải bàu (Việt-cách 20 ghế, Việt-quốc 50 ghế)
          Sắc lệnh số 14 ngày 8 tháng 9 năm 1945 (CT-CPLMVN) ấn-định việc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội;
          Sắc lệnh 39 ngày 26-09-1945 thiết lập một uỷ ban để thảo thể lệ cuộc tổng tuyển cử
          Sắc lệnh 76 ngày 18-12-1945 hoãn cuộc tổng tuyển cử đến ngày 6-1-1946.


          3-  Đoàn-Thêm: !945-1965 Việc từng ngày Hai Mươi năm  Qua, bản do Xuân-thu in lại, ghi các thoả-hiệp có rồi lại bị ngưng:  11-11-45: Đảng Cộng-sản Đông-dương giải-tán; ngày 19-11-45 thỏa-hiệp; 3-12-45: Hồ-Chí-minh không muốn mở rộng chính-phủ; 18-12-45: Việt-quốc và Việt-cách chống-đối; bàu-cử dự-định vào tháng 12-45 phải hoãn; 22-12-45 lại thoả-hiệp; 22-1-46: thỏa-hiệp mới; tháng 3-45 mới có chính-phủ liên-hiệp.


          4- Ngày 23-2-46: có tin Hồ-Chí-Minh muốn mời Bảo-Đại lập chính-phủ; tin này do Bảo-Đại trong Dragon d’Annam, Trần-trọng-Kim trong Một cơn gió bụi kể lại; Đoàn-Thêm cũng dẫn trong sách kể trên, tr. 19, đầu tin ngày 23-2-46.

          5- Hội-nghị sơ-bộ Pháp-Việt tại Đà-lạt:  17-4-46 đền 12-5-46.
           
          6- Phần lớn các dữ-kiện dựa theo hồi-ký của Hoàng-Xuân-Hãn, Nguyễn-văn-Huyên và Nguyễn-Mạnh-Tường.
           
          7- Hoàng-Xuân-Hãn trả lời Thụy-Khuê kể trên Hợp-lưu 29, số kỷ-niệm ngày mất, năm 1996..  
           
          8- Theo hồi-ký của Nguyễn-Mạnh-Tường, Un excommunié, Quê  Mẹ, Paris 1992.
           
          9- Hồi-ký của Hoàng-Xuân-Hãn: Một vài kí-vãng về hội-nghị Đà-lạt.
           
          10- Trả lời một đảng-viên Cộng-sản Pháp hệ đệ-tứ trong buổi tiếp-tân ngày 25-6-46 tại khách-sạn Royal. Nhiều nguồn nhắc đến việc này, như Cao-văn-Luận trong Bên Giòng Lịch- sử, bản do Đại-nam in lại, tr 97.
           
          11- Hồi-ký Nguyễn-Mạnh-Tường và Hoàng-Xuân-Hãn về hội-nghị Đà-lạt.
           
          12- Phan Chính: Hồ Hữu Tường - Những ngày cuối đời, trên diễn-đàn talawas, 10-2008.
           
          13- Cuối tháng 2-1946, Tàu và Pháp ký Hiệp-ước: “đồng-minh Tàu” cho “đồng-minh Pháp” thay mình mang quân đóng tại miền Bắc Việt-Nam để giải-giới Nhật; để đổi lại, Pháp trả lại Tàu các tô-giới, bán rẻ đường xe-lửa Lào-kay-Vân-nam, giảm quan-thuế cho Tàu v.v.
           
          14- Theo Đoàn-Thêm, sđd. tr. 23.
           
          15- Theo Đoàn-Thêm, sđd. tr. 24.
           
           27 thg 5, 2009







          * Ghi chú của thuyền nhân:
           
          Ngày 11 tháng 11, 1945, Đảng Cộng Sản phải tuyên bố tự giải tán, theo thông cáo trong link dưới đây:
           
          http://www.cpv.org.vn/details.asp?topic=2&subtopic=7&leader_topic=81&id=BT2650338650
           
          Như vậy trong giai đoạn này, Hiến Pháp 1946, và chiến thắng Điện Biên Phủ, đạt đến từ tinh thần yêu nước của toàn dân Việt. Người Việt không chấp nhận chủ nghĩa Cộng Sản.
           
          Vì link trên không còn vào được, xin sao lại bản thông cáo cho các bạn cùng tham khảo: 
           

          Thông cáo
          Đảng Cộng sản Đông Dương tự ý giải tán,
           ngày 11-11-1945


          1- Cǎn cứ vào điều kiện lịch sử, tình hình thế giới và hoàn cảnh trong nước, nhận rằng lúc này chính là cơ hội nghìn nǎm có một cho nước Việt Nam giành quyền hoàn toàn độc lập;

          2- Xét rằng: muốn hoàn thành nhiệm vụ dân tộc giải phóng vĩ đại ấy, sự đoàn kết nhất trí của toàn dân không phân biệt giai cấp, đảng phái là một điều kiện cốt yếu;

          3- Để tỏ rằng: những đảng viên cộng sản là những chiến sĩ tiền phong của dân tộc, bao giờ cũng hy sinh tận tụy vì sự nghiệp giải phóng của toàn dân, sẵn sàng đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi của giai cấp, hy sinh quyền lợi riêng của đảng phái cho quyền lợi chung của dân tộc;

          4- Để phá tan tất cả những điều hiểu lầm ở ngoài nước và ở trong nước có thể trở ngại cho tiền đồ giải phóng của nước nhà.

          Ban Chấp hành Trung ương

          Đảng Cộng sản Đông Dương

          họp ngày 11 tháng 11 nǎm 1945, nghị quyết tự động giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương.

          Những tín đồ của chủ nghĩa cộng sản muốn tiến hành việc nghiên cứu chủ nghĩa sẽ gia nhập "Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương".

          Ban chấp hành Trung ương
          Đảng Cộng sản Đông Dương
           

            
          Lưu tại Kho Lưu trữ
          Trung ương Đảng. 

           
          http://www.cpv.org.vn/details.asp?topic=2&subtopic=7&leader_topic=81&id=BT2650338650
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.05.2009 22:49:07 bởi ngày mai >
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2025 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9