Mấy tuần trước trong tháng năm này, chúng ta nói về cuộc Hội-luận tại Thư-viện Quốc-hội Hoa-kỳ với nhan-đề Cuộc Hành-trình Tìm Tự-do, nhìn lại (Hiện-tượng) Thuyền-nhân, do Thư-viện tổ-chức với sự đóng-góp và bảo-trợ của nhiều hội-đoàn và tổ-chức tự-nguyện trong cộng-đồng người Việt.
Chương-trình hội-luận gồm 4 phần chính:
Phần đầu dành về chủ-đề Lịch-sử và bối-cảnh
Phần hai do các người tỵ-nạn ôn lại cuộc hành-trình tìm tự-do gian-nan
Phần ba nhắc lại các cuộc cứu-trợ, các tổ-chức thiện-nguyện và các cố-gắng cứu-giúp nạn-nhân trên biển cả và tại các trại tỵ-nạn Đông-Nam-Á trong khi chờ đợi được sự chấp-nhận của các quốc-gia tiếp-nhận. Đặc-biệt là câu chuyện phân-loại dân tỵ-nạn chính-trị thứ-thiệt với di-dân (tỵ-nạn) kinh-tế, nỗi khó-khăn và thiên-lệch trong cảnh phân-loại (do cựu đại-sứ Grover Joseph Rees kể lại).
Phần cuối là hồi-tưởng lại quãng đường đã qua; và xem chúng ta bây giờ ra sao. Phần này nói lên những thành-công lớn của lớp thuyền-nhân đời một và đời hai. Một diễn-giả đã nhấn mạnh rằng sự thành-công đó chứng-minh ít nhất hai điều: một là khả-năng tiềm-ẩn của dân ta; hai là nếu dân ta được hưởng hoàn-cảnh thuận-tiện tự-do dân-chủ thì khả-năng phát-triển của nước ta sẽ huy-hoàng biết là bao! Hai điều đó hợp lại minh-chứng rằng quyết-định ra khơi của thuyền-nhân là đúng: họ ra đi để tránh một chính-thể toàn-trị, tìm tự-do và lẽ-sống cho bản-thân và gia-đình. Rồi sau đó, hàng năm, sự tiếp-trợ của dân ta ở hải-ngoại đã đóng-góp bao nhiêu cho thân-nhân và gián-tiếp cho đất nước ngày nay.
Những người Việt ở nước ngoài là nguồn tài-trợ đáng kể vì số tiến gửi về cho thân-nhân; hơn nữa, một số còn mang tài-năng về giúp đồng-bào như những chương-trình y-tế nhân-đạo, giúp cho nhi-đồng, vá môi sứt v.v.
Lại có câu chuyện hi-hữu: người tù cải-tạo thành cố-vấn cải-cách.
Đài Tiếng nói Hoa-kỳ (VOA) kể lại trường-hợp vào đầu thập niên 1970, một thanh niên trong lứa tuổi gần 30, tốt nghiệp về kinh tế từ đại học Sorbonne tại Paris và sau đó là đại học Temple, tại Philadelphia, Hoa Kỳ, tên là Đinh xuân Quân, đã trở về nước làm việc cho Quỹ Phát Triển Kinh Tế Quốc Gia, một chi nhánh của Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa.
Đinh-Xuân-Quảng
Trước hết, nói qua về gia-thế. Thân-phụ ông là Thẩm Phán Đinh-Xuân-Quảng (1), từng tham-chính trong Quốc-gia Việt-Nam dưới thời Cụu-hoàng Bảo-Đại làm quốc-trưởng. Ngay từ tháng 4-1946, khi Hồ-Chí-Minh đưa Bảo-Đại đi Trùng-khánh thì ông Đinh-Xuân-Quảng đã có mặt bên Cựu-hoàng và cùng nhiều người khác, yêu-cầu Cựu-hoàng đứng lên nhận lãnh-đạo hầu cho các nhà yêu-nước không Cộng-sản có nơi quy-tụ. Tháng 10 năm đó, ông cùng năm vị khác viết thư cho Tổng-thống lâm-thời Ấn-độ là Nehru yêu-cầu giúp-đỡ Việt-Nam thoát khỏi gọng kìm cả của Đế-quốc lẫn của Cộng-sản. Sau khi cuộc chiến khởi-sự ngày 19-12-46 thì tuần-lễ sau, nhân ngày Giáng-sinh, ông này họp với một số nhân-sĩ đi vận-động Cựu-hoàng nhận đi đấu-tranh chính-trị với Pháp và Việt-minh để ra giải-pháp QG Việt-Nam. Nhóm ông Quảng tính ra ba giai-đoạn:
1- Vận-động sao cho Cựu-hoàng nhận lãnh-đạo phe Quốc-Gia
2- Vận-động Pháp công-nhận giải-pháp Bảo-Đại, đấu tranh chính-trị với nhóm Quốc-gia hơn là đấu-tranh vũ-lực với Việt-minh.
3- Sau đó sẽ về nước hoạt-động thường-xuyên.
Ông Đinh-Xuân-Quảng và phái-đoàn được Cựu-hoàng tiếp vào 4-1-1947; họ họat-động ráo-riết và đến cuối năm đó, tháng 9-1947, Cựu-hoàng ra thông-cáo nhận trách-nhiệm mà đồng-bào trao phó. Sau đó, dưới thể-chế Quốc-gia Việt-Nam, ông Quảng đã đảm-trach nhiều chức-vụ lãnh-đạo trong chính-phủ. Thời đệ-nhất Cộng-hòa, khi Đại-tá Nguyễn-Chánh-Thi mưu-toan đảo-chánh Tổng-Thống Diệm, hình như ông Quảng cũng gặp nạn chung với nhiều chính-trị-gia khác (2). Sau thời các tướng nắm quyền, ông cũng biết mùi ngục tù (3). Sau này, ông Quảng cũng là Chủ-tịch Quốc-hội Lập-hiến hồi 67- 68 lập ra nên đệ-nhị Cộng-hòa.
Đó là tản-mạn qua về việc thành-lập giải-pháp Bảo-Đại giữa các phe quốc-gia, sau đó Pháp cũng nhảy vào khai-thác. Nhắc lại để nói lên vài trò của Đinh-Xuân-Quảng lúc đó và sau này ở miền Nam.
Thời VNCH và tù Cải-tạo
Đầu thập-niên 1970, con ông Quảng là Đinh-Xuân-Quân, đã trở về nước làm việc cho Quỹ Phát-triển Kinh-tế Quốc-gia ở Việt-Nam Cộng-Hòa. Vào thời-điểm hiệp-định Paris, cuộc chiến sắp chấm-dứt, công-cuộc tái-thiết quốc-gia đang được tiến-hành với một số chuyên gia đông đảo sẵn sàng công-tác phát-triển. Nhưng ngày nạn nước đã đến vào tháng 4-1975. Sau ngày 30 tháng tư năm 1975, chuyên gia Đinh Xuân Quân bị bắt vì tội ngụy-quyền, trong trại cải-tạo ba năm. Khi được thả, ông tìm đường thoát thân bằng đường biển. Sau 9 lần thử-thách, ông nhập trại tỵ-nạn Thái-Lan rồi được vào nam California vào cuối năm 1979. Tức thời, ông làm việc liên-tục ngày tối, làm giảng viên tại đại học cộng đồng Sana Ana và viết lách cho các báo Việt.
Sang năm 1980, ông bắt đầu làm việc cho những chương-trình viện-trợ quốc-tế giúp các quốc-gia đang phát-triển. Nhiệm-sở đầu tiên của ông tại hải-ngoại là Mauritatania, một quốc-gia tây-Phi nằm ngay dưới Ma-rốc, qua chương-trình của Cơ- Quan Phát-triển Quốc-tế của chính-phủ Hoa-Kỳ. Sau đó ông đã làm việc cho nhiều chương-trình viện-trợ của chính-phủ Mỹ và các tổ-chức quốc-tế giúp-đỡ hơn 20 quốc- gia đang phát-triển cải-tổ hành-chánh trong đó có Kosovo, Irak, Sudan , Afghanistan, Iran.... v.v. Nhiệm-sở hiện-tại là Liberia, Phi-châu.
Tù Cải-tạo thành Cố-vấn Cải-cách
Năm 1992, ông đã trở về Việt-Nam trong chương-trình Quỹ Quốc-tế Phát-triển Nông-nghiệp (IFAD). Tại đây, ông đã vận-động để IFAD tăng trợ-giúp, từ 7 triệu lên đến 21 triệu đô-la. Sau khi đi phục-vụ tại nơi khác, hai năm sau ông lại trở về nước ta một lần nữa, làm việc trong Chương-trình Phát-triển của Liên-hiệp-quốc (UNDP), thành cố-vấn về cải-tổ hành-chánh cho Bộ Nội-vụ. Trong khoảng thời-gian này, ông đã giúp thực-hiện nhiều dự-án giúp-đỡ của quốc-tế. Những nhân-viên hành-chính Việt Nam và những đảng-viên Cộng-Sản, qua chương-trình này, đã học-hỏi từ những chuyến đi nước ngoài, cách-thức điều-hành quốc-gia để làm sao cho Việt-Nam đổi mới khá hơn.
Qua chương-trình này, ông đã công-tác thường-xuyên với nhóm cố-vấn của các Thủ-tướng Cộng-Sản Võ-Văn-Kiệt và Phan-Văn-Khải, tìm-hiểu về tình-trạng trì-trệ, những khó-khăn về mặt quản-trị hành-chánh, về kinh-tế tài-chánh do nhà nước nắm-giữ. Vào lúc đó và cho đến bây giờ, chuyên gia Đinh Xuân Quân vẫn hy vọng là dần dà, đất nước này sẽ tự giải-thoát khỏi ý-thức-hệ toàn-trị độc-tài để phát-triển được hết tiềm-năng đất-nước ta và dân-tộc ta.
Thảm-trạng Việt-Nam ngày nay
Cùng với các thuyết-trình-viên khác trong buổi hội-luận Hành-trình tìm Tự-do, ông Ðinh-Xuân-Quân phát-biểu, cũng như đã từng trả lời trên đài VOA, đại ý Sau 1975 và cho đến nay, Việt-Nam đã và đang quá phí-phạm tài-nguyên, nhất là tài-nguyên nhân-lực, vì sự tiến-bộ, giàu-mạnh của một nước là do nhân-dân, do nhiều cá-nhân, do con người. Miền bắc đã phí-phạm rất nhiều khi coi rẻ những người miền nam. Chỉ sau khi có mở cửa, đổi mới, miền bắc mới học đuợc rất nhiều của miền nam. Mỗi một lần nghĩ tới 30 tháng 4, chúng ta thấy cả là một phí-phạm, nhất là về việc không biết sử-dụng nhân-lực của miền nam.
Ðinh-Xuân-Quân nói là Việt-Nam, giống như nhiều nước nhỏ, chậm tiến là vì thiếu tổ chức. Nhưng tại Việt Nam thì nặng hơn, vì còn trì-trệ vì guồng máy toàn-trị nặng-nề của đảng. Tự nhiên phải gánh-vác hai guồng máy chạy song song mà không chịu phối-hợp với nhau. Hơn nữa, guồng máy đảng áp-đảo guồng máy hành-chính gây rối- loạn phí-phạm lại mất thời-giờ. Hiện giờ các nước trên thế-giới, kể cả Nga, đã bỏ cái chuyện rườm-ra tai-hại đó.
So về mặt kinh-tế, ông Đinh-Xuân-Quân nhận-định rằng Việt Nam có phần nào tiến-bộ và đã mở cửa khá nhiều. Đó là một điều may-mắn cho Việt-Nam. Nhưng guồng máy chính-quyền hãy còn quá nặng-nề, lại độc-quyền. Độc-quyền mang đến tham-nhũng. Nếu so Việt Nam với các nước (đang phát triển) thì họ thoáng hơn mình, ít tham-nhũng hơn.
Kết-luận
Từ cô bé leo thang lên Thiên-đường thành một luật-sư, từ một tù cải-tạo thành cố-vấn kinh-tế rồi cố-vấn cải-tổ hành-chánh, những trường-hợp tương-tự đã chứng-minh rằng sự lựa-chọn ra-đi sau khi VNCH sụp-đổ là một lựa-chọn đúng để cứu-vớt và phát-triển nhân-lực cần-thiết cho việc xây-dựng đất-nước khi chính-phủ toàn-trị không tạo điều-kiện cho nhân-sự quốc-nội có cơ-hội phát-triển đầy-đủ khả năng của người dân.
20 thg. 5, 2009
_________
Ghi chú theo lời phụ đính của Tiến Sĩ Đinh Xuân Quân:
(1) - Cố Chủ Tịch Quốc Hội Lập Hiến thời Đệ Nhị Cộng Hòa Đinh Xuân Quảng từng là Thẩm Phán Tòa Thượng Thẩm và Thẩm Phán Tòa Phá Án từ 1933 - 1956.
(2) - Sau vụ đảo chính hụt năm 1960, Ông Đinh Xuân Quảng và cả con là Đinh Xuân Quân đều bị tù dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm.
(3) - Ông Đinh Xuân Quảng không bị tù dưới thời các Tướng nắm quyền. Ông trở thành Chủ Tịch Quốc Hội Lập Hiến thời Đệ Nhị Cộng Hòa.