Hemingway của Sibiri
mickey 17.04.2005 06:02:22 (permalink)
Hemingway của Sibiri

Cái biệt danh này các đồng nghiệp đã đặt cho nhà văn Nga Mikhail Tarkovski, người cách đây một phần tư thế kỷ đã rời khỏi Mátxcơva hoa lệ để đến sống ở một làng quê heo hút trên bờ sông Enisei giữa vùng rừng rậm Taiga ở tận Sibiri. Ông kể cho chúng ta biết hoạt động sáng tác của mình cũng như cuộc sống thú vị ở nơi thâm sơn cùng cốc qua cuộc phỏng vấn của báo TRUD (Lao động), Liên bang Nga.

- Trong thời gian qua ông đã làm được những việc gì đáng kể?

- Tôi đã thực hiện được gần như tất cả những điều mà tôi mong muốn: Tác phẩm của tôi đã được in trên các tạp chí ở Mátxcơva. Cách đây 5 năm cuốn sách đầu tiên của tôi, cuốn Năm năm tới hạnh phúc, đã được xuất bản, 2 năm sau, tôi in cuốn thứ hai, đến mùa thu này sẽ ra cuốn thứ ba. Tôi muốn làm một bộ phim tài liệu về con sông Enisei, và máy quay đã được bấm ở làng tôi cách đây một năm. Tôi muốn xây dựng tại Bakhơta một viện bảo tàng để giới thiệu việc tận dụng thiên nhiên ở vùng rừng Taiga và một trường dạy nghề thủ công thì cả hai thứ đó đã được làm xong. Cuối cùng, tôi mơ ước dựng cho mình một ngôi nhà mới thay vì ngôi nhà đã cũ thì ngôi nhà này hầu như đã hoàn thành, tôi muốn tự tay mình đặt bếp lò, làm cửa sổ, cửa ra vào…

Tôi xin nhắc lại, có rất nhiều thay đổi. Nhưng đối với điều chủ yếu nhất, quan trọng nhất thì mọi cái vẫn như xưa. Tôi không thể hình dung được mình nếu thiếu Sibiri, thiếu con sông Enisei, thiếu ngôi làng Bakhơta mà tôi sẽ phụng sự suốt đời. Bằng những cuốn sách, bằng những bộ phim, bằng tất cả những suy nghĩ của mình. Đó là chốn nương thân của tôi, tài sản của tôi, vùng đất riêng của tôi.

- Chẳng nhẽ ông không muốn trở lại Mátxcơva hay sao?

- Mátxcơva vẫn có sức cuốn hút đối với tôi. Nhưng nhiều nhất là một hai tháng. Để được nhìn thấy mẹ, các con, những bạn bè ở Mátxcơva, các đồng nghiệp, để đưa những cái đã viết được đến các toà soạn và các nhà xuất bản. Nhưng bằng suy nghĩ của mình, bằng tâm hồn mình, tôi ở lại nơi ấy, ở làng Bakhơta. Điều quan trọng nhất mà trong đó tôi nhìn thấy ý nghĩa của đời mình, sứ mệnh của mình trên trái đất này - đó là góp phần giúp vào việc duy trì và bảo vệ cho con cháu nếp sống đã tồn tại hàng bao thế kỷ, hàng ngàn năm ở các vùng này. Trong nhận thức thông thường, thợ săn là người mang súng đi trong rừng Taiga. Nhưng trên thực tế người thợ săn ở Sibiri cũng phải trở thành thợ nề, thợ đánh cá, thợ thuộc lông thú, thợ mộc, thợ cày, thợ thiếc. Anh ta phải biết sửa chữa xe chạy trên tuyết, động cơ ca nô, sự hỏng hóc kỹ thuật của các phương tiện mà anh ta dùng để đi tới khu vực săn bắn không phải là gần. Ngoài ra, thợ săn phải biết khâu giày, đóng thuyền, dựng nhà, mùa đông lấy nước từ dòng Enisei đã đóng băng, làm bẫy bắt chồn nâu… Đó là cả một nền văn hoá của cuộc sống vùng rừng Taiga ở Sibiri mà không thể bị lãng quên.

- Đây là một nhiệm vụ vượt ra khỏi tầm ý nghĩa của địa phương…

- Tôi hoàn toàn tán thành với anh. ý nghĩa của cuộc sống Nga, theo tôi, là trân trọng giữ gìn những gì mà cha ông để lại cho chúng ta.

Khi chúng ta mơ ước về hạnh phúc, về những đặc quyền đặc lợi cho mình thì nên nhớ rằng cha ông chúng ta cũng mong muốn cho mình một số phận tốt đẹp hơn, cũng bị dằn vặt bởi tình yêu, bởi các vấn đề cha và con, cái chết của những người thân thích cũng đang rình đón họ… Về thực chất, chúng ta không khác mấy so với những bậc tiền bối của chúng ta. Chúng ta hiện nay chỉ là một khâu trong sợi dây xích vô tận của các thế hệ người Nga. Và do đó, con đường lịch sử của chúng ta không phải là bắt chước một cách mù quáng những mô hình về cuộc sống được vay mượn mà là cảm nhận được tính thống nhất lịch sử với những thế hệ đi trước vốn cũng tin vào nước Nga như tin vào một nhân tố thống nhất. Những người bạn trung thành nhất của chúng ta và những người hỗ trợ đắc lực nhất trên con đường này là những nhà văn Nga vĩ đại Pushkin, Lermontov, Tolstoi, Leskov, Chekhov, Dostoevski, Bunin, Astafév, Rasputin… Và toàn bộ cuộc sống của tôi ở cạnh dòng sông Enisei, tất cả những công trình khiêm nhường của tôi là một chi lưu nhỏ đổ vào dòng sông vĩ đại của truyền thống văn hoá Nga.

- Nhưng tại sao không thể phụng sự văn hoá Nga, chẳng hạn, ở Mátxcơva, nơi ông đã sinh ra, tại sao nhất thiết phải làm điều đó ở tận Sibiri?

- Tôi biết ơn số phận đã đưa tôi tới chốn này cách đây một phần tư thế kỷ. Bởi vì, tôi tin rằng, những người ưu tú nhất của nước Nga hiện đang sống ở Sibiri. Chính nước Nga ở đây đã được gìn giữ dưới dạng nguyên sơ, đầy ý chí và sức mạnh. Sự hùng vĩ và nghiệt ngã của thiên nhiên đã tôi luyện nên con người Sibiri vốn chỉ biết dựa vào bản thân mình, chỉ biết tự lực cánh sinh. Điều đó hoàn toàn không có nghĩa là ở Sibiri không có những kẻ ươn hèn, yếu đuối hoặc say bét nhè. Họ có đấy, cũng như ở khắp mọi nơi, nhưng thậm chí ở những con người này, ý thức về sự tự lập và về phẩm giá nội tại vẫn hiện diện. ở bất cứ cấp độ thoái hoá nào, trong bất cứ sự phóng túng nào, người mugích ở Sibiri vẫn nhớ đinh ninh rằng anh ta phải tích trữ củi, phải đánh cá, phải đục lỗ trên sông Enisei đã đóng băng và lấy nước… Nếu không thì đơn giản là không sống nổi.

- Ông thi vị hoá những sự gian khổ trong việc lấy lửa, lấy nước, nhưng ở thành phố thì vấn đề ấy giải quyết rất dễ dàng - chỉ cần đánh lửa trên bếp…

- Muốn xứng đáng được nghỉ ngơi khoan khoái, được ăn uống ngon miệng và sưởi ấm, con người cần phải mệt mỏi thực sự, phải đói, phải bị rét cóng. Tôi tin điều đó cả một trăm phần trăm. Cái cảm giác yên ổn và thanh thản mà ta có được khi ngồi ở nhà, bên bếp lò sau khi làm việc cật lực lâu dài ở ngoài giá rét, không gì có thể so sánh được. Tất nhiên sinh hoạt ở thành phố cũng có những mặt thú vị. Nhưng ai đã từng nếm trải niềm hạnh phúc của cuộc sống tự nhiên diễn ra trong sự hoà đồng với những quy luật vĩnh cửu của thiên nhiên thì chắc chắn sẽ không đổi nó lấy bất kỳ một sự tiện nghi nào. Về đại thể, tôi và các bạn bè của tôi ở làng Bakhơta, những người đã chọn cho mình cuộc sống này, đều nghĩ như vậy. Săn bắn - đó không phải chỉ là kiếm thức ăn, đó còn là tấm giấy thông hành dẫn tới sự gần gũi tối đa với thiên nhiên. Không có ai gần gũi với rừng Taiga hơn là người thợ săn chuyên nghiệp. Không có ai gần gũi với con sông hơn là dân chài. ở đây sự gần gũi với thiên nhiên na ná như là gần gũi với người đàn bà yêu dấu vậy.

- ở làng Bakhơta ông sống cuộc sống khá biệt lập: chung quanh ông vẫn những gương mặt ấy, vẫn những công việc quen thuộc hàng ngày ấy… Trong khi đó nhà văn cần đến những chân trời rộng lớn hơn…

- Rất may mà cũng có thể là không may cho tôi là tôi đã thoát ra khỏi cái vòng bận bịu luẩn quẩn theo thời vụ mà tôi đã từng sống trước đó và các bạn bè tôi đang sống hiện nay. Về công việc viết văn của mình thì tôi vào những năm gần đây đi được khá nhiều nơi. Nhưng ngay ở làng Bakhơta của tôi, tôi cũng không cảm thấy mình bị biệt lập. Xin hãy tin rằng nhịp độ cuộc sống ở đây thật chóng mặt. Mặc dù có lần mấy chú gấu đã xông vào nhà, nhưng tôi bao giờ cũng muốn nấu một nồi cháo trong ngôi làng của mình, muốn làm cho Bakhơta trở thành một trung tâm văn hoá. Và tôi cùng với các bạn bè của tôi đã thực hiện được điều đó. Hầu như ngày nào cũng có những bức điện từ Krasnodar, từ Mátxcơva gửi tới, ngày nào cũng có những đoàn đại biểu đến thăm. Làm gì có chuyện cách ly, biệt lập ở đây!

Ngoài ra, thiên nhiên không bao giờ lặp lại. Mỗi một năm, mỗi một mùa hè, mỗi một cuộc đi săn đều khác nhau. Và nếu mùa thu này tôi không đi săn bắn hoặc đi đánh cá như các bạn bè của tôi thì chính là vì tôi phải ngồi ở nhà bên cỗ máy tính đề hoàn thành một truyện vừa và tôi biết rằng trong cuộc đời mình, tôi đã vĩnh viễn đánh mất một cái gì đó… Và đây là ngôi làng của tôi, đây là căn nhà của tôi trên bờ sông Enisei. Nó như một con tàu đón gió, đón thế kỷ mới. Mỗi năm đối với tôi là một chuyến du hành 12 tháng thú vị trên miền đất mới lạ có cái tên là Sibiri. Tôi sẽ bơi trên con tàu đó chừng nào còn đủ sức.





(Báo Văn nghệ Trẻ)
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9