Bài làm đề thi Phân Viện Báo Chí Tuyên Truyền.
lyenson 04.06.2009 23:46:31 (permalink)
Đại Vệ Chí Dị.
 
Vệ Vương là Manh lên ngôi được 8 năm, đất nước thanh bình. Bốn phương phẳng lặng. Khắp nơi vang lên câu hát ca ngợi ơn đức triều đình. Biểu từ các trấn báo về kinh toàn điều phồn vinh, an lạc. Mạnh Vương đến ngày giỗ tiên đế dẫn quần thần vào thái miếu làm lễ , ra cửa thấy trời đất an hòa, cỏ cây xanh tốt bèn hứng khởi làm thơ.
 
Từ khi ta có chủ trương
Hướng về Tần Quốc, Vệ hưng thế này
Muôn nơi no ấm đủ đầy
Yên bình, phát triển ngày ngày một cao
 
Quần thần đi theo, ai cũng vỗ tay tán thưởng. Mạnh Vương chợt nhớ điều gì, gọi đại thần bộ Lễ là Khiêm đến dặn.
  
- Đối với nước Tần phải tuyệt đối trung thành
 
- Đối với quan Tần phải tuyệt đối lễ phép
 
- Đối với dân Tần tuyệt đối ưu ái
 
- Đối xử chủ quyền tuyệt đối nhún nhường
 
- Đối với vua Tần tuyệt đối nghe lời.
  
Có 5 điều ấy, ngươi chớ quên.
  
Khiêm vâng dạ ghi nhớ trong lòng lời dạy của Vệ Vương. Mấy ngày sau có hội nghị các đại thần bộ Lễ các nước về tụ tại kinh thành nước Vệ. Khiêm thấy đại thần bộ lễ nước Tần đi dạo ngoài hiên lúc ngoài giờ công, mặt đại thần Tần lạnh tanh như có vẻ bực tức.Khiêm rón rén đến gần nói.
 
- Dạ thưa đại nhân, ban nãy trong phòng tiểu nhân không tiện hỏi. Ngài có điều gì không vừa lòng ạ.
 
Đại Thần bộ Lễ nước Tần là Khiết Trì, cau mày hỏi.
 
- Việc Tây Nguyên các ông lo đến đâu rồi, đã có tiến triển quan trọng gì để chứng minh tinh thần hợp tác toàn diện theo chủ trương 5 điều Vệ Vương dạy chưa ?
 
Khiêm cung kính tâu rằng.
 
- Thưa đại nhân, từ khi thiết lập trạm thông tin nóng thông suốt từ thiên triều về đây, nước Vệ không bao giờ dám lơ là ạ. Nay đã cho khai thác rồi ạ.
 
Khiết Trì phất tay áo đến ''xoạch'' một cái. Tiếng kêu như có kim khí bên trong. Khiêm cúi thấp người vẻ tránh đòn. Trì hỏi.
 
- Còn chuyện biên giới và hải đảo, bàn đến đâu rồi.?
 
Khiêm lễ phép thưa.
  
- Dạ biên giới cơ bản đã hoàn tất, chỗ nào Thiên triều nói là của thiên triều nước Vệ không dám trái mệnh ạ.
 
Khiết Trì cau mày.
 
- Thế còn biển đã bàn đến đâu rồi, thống nhất chưa. Sao dùng dằng mãi thế.?
 
Khiêm gãi đầu thưa.
 
- Cái này trong nước Vệ còn nhiều ý kiến, xin thiên triều mạnh tay thêm tí nữa để hạ thần dễ nói. Dân Vệ chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, chưa thấy máu gà mấy con khỉ nước Vệ còn chưa sợ.
 
Khiết Trì quay sang tùy tùng, gọi một kẻ đến bảo.
 
- Việc bên hải quân làm đến đâu rồi.
 
Kẻ kia thưa.
 
- Ngày X..bắn chết 9 ngư dân Vệ, ngày ...đánh đắm 3 tàu đánh cá Vệ, ngày ..gần đây đánh đắm một tàu có 26 thằng Vệ, nhưng bọn chúng tình cờ được cứu hết.Nên hiệu quả răn đe chưa cao.
  
Khiết Trì mắng.
 
- Thế nào mà để nó cứu được nhau, xưa ở Tam Sa quân ta thảnh thơi vừa hút thuốc vừa ngắm bắn. Giết 78 quân Vệ một cách nhàn nhã. Thanh thế lớn vô cùng, nay phái cho hải quân tàu lớn như Ngư Chính, sao để 26 thằng nó thoát.? Người cần gấn rút làm triệt để hơn.
 
Khiêm nghe từ nãy mới nói vào.
 
- Đấy tại ông phối hợp không chặt chẽ, tôi không có cớ để làm dân Vệ sợ, thành ra mới nhùng nhằng đến giờ.
  
Khiết Trì căn dặn cả hai phải phối hợp đồng bộ, tích cực hơn nữa.Bên phải ra sức tấn công ngoài biển, bên phải nhân thế mà phủ dụ bên trong giữ lấy quan hệ , tránh đối đầu.....giải quyết nhanh chóng chuyện biển đảo trong thời gian sớm nhất.
  
Khiết Trì lại hỏi Khiêm.
 
- Về văn hóa Tần, các ngươi truyền bá đến đâu rồi.? Năm tới là năm hữu nghị hai nước, đã chuẩn bị gì chưa?
  
Khiêm hớn hở đáp
 
- Dạ cái này nước Vệ làm kỹ lắm, ngày nào cũng có những trương trình văn hóa Tần phổ cập khắp nơi. Thanh niên Vệ giờ coi tướng quân Hứa Thế Hữu là tướng có tài, có tâm. Khác hẳn năm xưa mắng tướng quân là xâm lược dã man. Công này do bọn Kinh Kỳ Mới. Còn các bậc tiên vương Tần như Càn Long, Ung Chính đến Phúc An Khang, Tôn Sĩ Nghị đều được dân Vệ coi là anh minh, sáng suốt, tài năng đức độ. Công này do bọn VTV. Còn nhiều nữa ạ, như bọn nhà xuất bản VH gọi Tiền Anh Hào là một tấm gương anh hùng nữa...không kể hết. Tóm lại thưa đại nhân là thành công mỹ mãn.
 
Trì hỏi.
 
- Phải khen những đứa có công ấy. Cho đứa khác học.
 
Khiêm tâu.
 
- Dạ việc này thì rất chu đáo, bên tư tưởng văn hóa Vệ đã tuyên dương và trao giải thưởng cho Kinh Kỳ Mới và VTV rồi ạ. Sắp tới định trao giải cho bộ phận tuyên truyền của Bộ Công Thương Vệ đã quảng bá chủ quyền thiên triều ngoài biển đảo.
 
Trì hỏi.
 
- Thế có bọn nào ý định phản đối không?
 
Khiêm.
 
- Số này không nhiều, đa phần là bọn phản động, thế lực thù địch, bọn có thù hằn với nhân dân, bọn muốn phá hoại cuộc sống hòa bình , bọn cơ hội chính trị, bọn mục đích cá nhân, bọn lợi dụng tư do dân chủ, bọn quá khích gây rối, bọn bè phái chia rẽ, bọn dân đen đòi đất, bọn khiếu kiện kéo dài, bọn khoác ao tôn giáo, bọn dán mác sinh viên tri thức, bọn đội lốt tinh thần dân tộc, bọn tướng lĩnh, quan chức về hưu đóng góp ý kiến, bọn bất mãn chế độ, bọn khoa học phản biện...
 
Trì gật gù.
 
- Ừ cũng không nhiều lắm. Chủ trương của chúng ta là đúng đắn nên số phản đối cũng ít thế thôi.Ở bên Công Gô ta vừa đi qua, bọn nó phản đối còn nhiều hơn thế nữa chứ. Thế xử lý ra sao.?
 
 
Khiêm
 
- Đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ giải quyết triệt để. Giữ vững tính ổn định và đồng thuận cao trong nhân dân.
 
Trì khen.
- Tốt cứ thế phát huy, làm sao cho năm tới nhân dân hai nước hoan hỉ đón ngày hữu nghị. Tin tưởng nhất quán vào chủ trương hợp tác toàn diện chiến lược trên tinh thần anh em hai nước. Còn một số việc mà ủy ban đại thần hai nước song phương bàn bạc thống nhất cần phải triển khai toàn diện sớm. Nhất là giáo dục các quan lại địa phương phải thấm nhuần tư tưởng 5 điều răn của Vệ Vương, nhận thức thuần phục nước Tần ta là con đường sáng lạn, đi đến phát triển phồn vinh, hòa bình, ấm no, thịnh trị.
 
Nói xong Khiết Trì phủi tay áo quay đi. Khiêm lên kiệu hối hả thúc quân hầu đi nhanh về để làm thông cáo báo chí. Vừa đi vừa trách mình, quên không nhắc Khiết Trì bảo đảm kỳ tới mình vẫn có chân trong hội đồng cơ mật tối cao nước Vệ.
 
Nguồn: blog Người Buôn Gió
#1
    lyenson 05.06.2009 11:36:24 (permalink)
    BÁ DUNG  THỪA TƯỚNG LIỆT TRUYỆN
     
    Dung xuất thân miền Tây nam nước Vệ, lúc nhỏ chơi với bọn chăn bò ở đó đã bộc lộ chí khí khác người. Dung cố gắng mãi thì bò của Dung chăn cũng chẳng bao giờ được ăn no, chúng bạn chăn bò chê cười, Dung đáp: Ta đi tìm cái ăn cho mình, thân trâu bò thì cần gì phải ăn no!
     
    Lại nói trước kia cha của hắn đi lính, làm lính cận vệ cho Ki tướng quân, chẳng may tử trận trong một lần bảo vệ Ki tướng quân khỏi thích khách. Ki tướng quân cảm cái ơn ấy mà thề báo đáp. Gặp thời làm đến Thừa tướng, Ki Thừa tướng tìm lại đứa con côi của ân nhân khi xưa, cất nhắc dần. Nhưng Bá Dung suốt ngày lo ăn chơi, chẳng làm nên cơm cháo gì, Ki thừa tướng ngày ngày lo canh cánh trong lòng.
     
    Trong đám môn khách của Ki thừa tướng có Gia Cát Đỏ, xuất thân từ đất Nguyên nước Vệ, tự xưng dòng dõi Gia Cát Vũ Hầu, người lùn,nhưng miệng lại to,chân tay rất dài, toàn thân đỏ như một cục máu. Đúng là dị tướng. Gia Cát Đỏ có tài đoán số mệnh, coi tướng người. Một hôm Gia Cát Đỏ xin được đi làm môn hạ cho Bá Dung.
     
    -Ki thừa tướng cười mà rằng: Ta đâu có bạc đãi ngươi mà ngươi lại xin đi vào chỗ ấy, ai cũng chê hắn bất tài mà.
     
    -Gia Cát Đỏ thưa: Tuy Bá Dung mắt luôn nheo, miệng thường xuyên tủm tỉm, hai cánh mũi luôn hớn lên, giọng nói hơi dề. Thiếu thâm thuý, thiếu nghiêm túc, trí lực hạn chế. Nhưng bọn thuật sỹ kia xem tướng chỉ biết nhìn cái mẽ ngoài mà quên mất cái thần tướng bên trong. Nhưng cũng nhờ cái mẽ ngoài ấy mà khi hắn lên ngôi thì dân chúng tung hê, hy vọng hết vào hắn…Mọi Quốc Vương các nước khác đều ủng hộ hắn để vơ vét tài nguyên, bóc lột dân nước Vệ. Nay Thừa tướng cho thần đi làm môn hạ của hắn. Nếu thừa tướng lo cho nước Vệ thì để thần giết hắn đi. Nếu thừa tướng lo báo đáp ân nhân thì  thần sẽ phò tá hắn thành người kế vị thừa tướng sau này.
     
    -Ta không muốn giết hắn, cũng không muốn hắn thành người kế vị ta nếu ngươi nói đúng.
     
    - Bẩm, e rằng thừa tướng không kệ hắn được! thần xem thiên văn thấy sao chủ của hắn vượng lắm.
     
    - Thế theo cách của ngươi thì lợi hại thế nào?
     
    - Xin thừa tướng tha tội chết thần mới dám nói!
     
    - Nói đi!
     
    - Nước Vệ đến thời mạt rồi, quan lại kết bè kết đảng, tranh giành quyền lực, thanh toán lẫn nhau. Lo làm giàu cho cá nhân, không kẻ làm quan nào ra khỏi vòng đó. Hắn có làm thừa tướng hay không thì nước Vệ cũng vong. Hắn làm thừa tướng lại là cái phúc cho nước Vệ vì như thế sẽ vong nhanh hơn, dân chúng đỡ khổ hơn
     
    - Thế ta có làm gì được không? Ki thừa tướng thở dài hỏi
     
    - Thừa tướng cũng không làm gì được, sự thối nát đến từ thời tiên vương, có mầm mống từ khi lập quốc. Trừ khi thừa tướng có gan làm phản xây dựng một vương triều mới.Nay thần khuyên thừa tướng nên lo cho bản thân mình, lo cho con cháu đất dung thân ở ngoại bang. Giúp cho hắn làm thừa tướng gọi là để báo đáp ân xưa
     
    Ki tướng quân nghe lời mà cho Gia Cát Đỏ đi làm môn khách cho Bá Dung. Còn mình thì dung túng cho vợ con vơ vét quốc khố, làm giàu cho gia tộc.
     
    Năm Mậu Tý (năm thứ 64 nhà Đỏ nước Vệ) Ki thừa tướng bị Mãng Vương cho bọn thầy lang hạ độc chết mặc dù trước đó 4 năm ngài đã cáo quan về hưu và tiến cử Bá Dung làm thừa tướng. Năm trước Bá Dung cấm không cho dân bán gạo giá cao, bắt bán giá thấp, việc này nghe nói các thương nhân nước ngoài lót tay cho Bá Dung một khoản kha khá. Cũng năm ấy Bá Dung cùng Tiết Công ép Mãng Vương bán đất Nguyên nước Vệ cho Tề Vương. Ký lại hiệp ước biên giới, cắt đất và đảo dâng Tề Vương. Ký liên minh can thiệp nội bộ nhau khi có biến với Tề Vương. Tết trước mở kho gạo phát chẩn cho dân nghèo, đa số dân nghèo nước Vệ ca ngợi Bá Dung và Mãng Vương nhân đức.
     
    Cũng năm Mậu Tý sét đánh sập mấy cửa cổ thành khi Mãng Vương lập đàn tế trời đất.Trước đó Kinh đô nước Vệ ngập nước cả nửa tháng trời, dân chúng lầm than khổ cực. Những kẻ thuật sỹ cho đó là điềm vong quốc.
     
    Kẻ sỹ nước Vệ thì than: ”họa vong quốc đến nơi rồi. Nước Vệ ngàn đời làm nô lệ cho Tề Quốc mất” .Vì vậy khắp nơi kẻ sỹ nổi lên nhưng thiếu minh chủ cầm đầu nên việc đấu tranh tạm thời chưa có kết quả. Trong dân chúng nước Vệ xuất hiện một bài đồng dao thế này:
     
    Bao giờ hội đủ chữ T

    Thượng tầng kiến trúc tận tàn đổi thay
      
    Hà Thành, năm thứ 64 triều Đỏ nước Vệ

    Lệnh Hồ Xung
     
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.06.2009 12:18:49 bởi lyenson >
    #2
      lyenson 10.06.2009 23:16:42 (permalink)
      Đại Vệ Chí Dị
        
      Nước Vệ đào tài nguyên bán rẻ cho nước Tề. Chuyện kinh thiên động địa ấy các bậc sĩ phu trong thiên hạ đều biết và phản đối. Tầng lớp nhân dân do sách vở bị chính sách cấm đoán hà khắc của triều đình, ít người biết đến. Thành ra chỉ có một nhóm sĩ phu biết mà cùng nhau phản đối mà thôi. Nhóm sĩ phu khác thì tranh thủ lấy lòng triều đình mạt sát nhóm kia. Chuyện này bung xung vô cùng. Nơi nào có phòng sách, nơi ấy người ta xôn xao chuyện bán tài nguyên. Triều đình nhà Vệ mới họp bàn. Vương nước Vệ là Cường gọi tể tướng Vệ là Bạo đến nói.
       
      - Này anh Bạo, buổi thiết triều tới đây. Thế nào cũng có kẻ nhắc việc tài nguyên. Anh có cao kiến gì không?
       
      Bạo vốn tính huênh hoang, nói nhiều mà chả làm được mấy. Nhiều lần điều hành chính sự nước Vệ chả ra đâu vào đâu, cải cách nửa vời làm giá cả ngoài chợ tăng vùn vụt. Khiến cho dân mất lòng tin, mà bọn gian thần trong triều cũng có cớ dèm pha. Vị thế lung lay lắm, qua mấy năm cầm chính sự Bạo già sọm hẳn đi. Mất hẳn tính cương cường như buổi đầu. Bạo tâu.
       
      - Thưa đại vương anh minh, thần đã sắp xếp đâu vào đó.
       
      Cường Vương không tin lắm, mới hỏi cặn kẽ. Bạo trả lời lưu loát trôi chảy. Cường Vương thở phào nhẹ nhõm nói.
       
      - Thế thì ta yên tâm.
       
      Buổi thiết triều nước Vệ. Có kẻ bước ra tâu.
       
      - Thưa đại vương cùng bá quan văn võ, việc bán khoáng sản Tây Nguyên cho nước Tề khiến cho sĩ phu, cựu thần khắp nước cực lực phản đối. Việc này ngày càng lan rộng khắp nơi. Xin triều đình nghị luận.
        
      Bạo đưa mắt nhìn Tôn Dưa, đại thần phụ trách văn hóa tư tưởng. Tôn Dưa lĩnh ý bước ra nạt to rằng.
       
      - Tấu láo, không được gọi là cực lực phản đối. Phải nói là một số dư luận quan tâm.
       
      Kẻ khác nói.
       
      - Có đông đảo mọi tầng lớp nước Vệ phản đối việc bán tài nguyên này, không thể coi là việc nhỏ.
       
      Quan phó bộ Hình bước ra chặn lời.
       
      - Nói sai rồi, không thể gọi chung như thế. Nên nói là có một số tri thức góp ý triều đình vài vấn đề nhỏ liên quan đến việc khai thác tài nguyên, một số còn lại đa phần là thế lực thù địch lợi dụng phá hoại đường lối, chính sách xuyên tạc chủ trương triều đình. Phải tách rõ mới đấu tranh có hiệu quả.
        
      Kẻ khác bước ra nói.
        
      - Thưa đây là việc lớn, nên cân nhắc bàn ở đại hội đại biểu nhân dân.
        
      Bạo ngồi im từ bấy giờ, mới nhỏm dậy khoát tay.
        
      - Việc này không lớn, không lớn. Về ảnh hưởng với đất nước thì việc khai thác tài nguyên này trên núi không lớn lắm, không đáng bàn ở đại hội đại biểu nhân dân.
        
      Kẻ khác thắc mắc.
       - Sao nói là chủ trương lớn của triều đình, giờ lại bảo không lớn.?
        
      Đưa mắt nhìn kẻ vừa nói, Bạo gằn giọng.
       - Làm quan trong triều bao lâu rồi mà hỏi gàn vậy, chủ trương lớn của triều đình là để các quan trong triều biết ý mà thống nhất. Chủ trương lớn của đất nước mới cần nhân dân thống nhất.
        
      Có kẻ lại hỏi. 
      - Thế cái gì là chủ trương lớn của đất nước mà cần đến nhân dân thống nhất, tham gia.?
        
      Phó tể tướng Vệ là Trọng nói.
       - Có nhiều cái, như đóng thuế để xây dựng quốc gia, học tập tấm gương đạo đức tiên đế, những việc đó đúng là việc lớn cần đến sự tham gia của nhân dân cả nước. Còn việc bán tài nguyên này là chỉ là lớn với triều đình thôi. Với nhân dân là việc nhỏ không đáng phải phiền họ tham gia.
       
       Có kẻ người miền Nam bước ra, thái độ bứt rứt tâu.
       - Thưa triều đình, khai thác quặng tài nguyên trên cao nguyên, chất thải hàng tỷ tấn. Dù chúng ta có đảm bảo rằng không có gì xảy ra. Nhân dân miền Nam thì tin hay buộc phải tin vì họ chả còn biết tránh đi đâu. Nhưng các thương gia ngoại quốc từ muôn phương nhìn thấy điều ấy, có lẽ họ không muốn đầu tư gì vào miền Nam nữa. Họ không dễ tin những điều chúng ta đảm bảo. Họ tất nhiên là không mạo hiểm đồng vốn và con người nước họ trước cả tỷ tấn chất thải treo lơ lửng, được một nước công nghệ yếu kém về môi trường như nước Vệ ta đảm bảo không vấn đề gì. Đến những vấn đề môi trường như khí thải trong thành phố, chất thải, rác thải còn ngập cả đô thị trung tâm không giải quyết được, nói gì đến giải quyết chất thải quặng trên rừng. E rằng nếu cho khai thác quặng trên núi, thương gia ngoại quốc sẽ rút hết.
        
      Vệ Cường vương ngôi trên ngai yên lặng từ này đến giờ, bỗng cười ha hả nói.
       - Khá khen cho ngươi lo xa, không có nước nào đầu tư thì để đó cho nước Tề họ đầu tư. Lo gì chuyện đó. Người Tề họ luôn có ý muốn đầu tư vào nước ta, chỉ cần bản vương gật đầu chỗ nào là họ đầu tư lâu dài chỗ đó. Cần chi đế bọn ngoại quốc vừa muốn làm ăn sinh lợi, vừa muốn xỉa xói chuyện nước Vệ . Khai thác tài nguyên còn có cả những cái lợi mà bọn người tầm thường không thể thấy hết.
        
      Cả triều thần nước Vệ kinh ngạc trước tầm nhìn xuất chúng của Vệ Cường Vương, đồng loạt đứng dậy cùng nhau hô vang.
       - Đại vương anh minh, Đại Vệ đời đời hưng thịnh.
       
      Sau đó triều đình đưa nhận định khai thác tài nguyên ra bá cáo với thiên hạ. Lời văn nhẹ nhàng khiến cho việc khai thác tài nguyên trở nên đơn giản, không có gì phức tạp. Trong đó có đoạn
        
      “ để nhằm phát triển kinh tế nhân dân miền núi, cho khai thác quặng bán cho nước Tề cải thiện đời sống nhân dân. Chính sách này có nhận được sự quan tâm của một số sĩ phu, ý kiến đóng góp của họ triều đình sẽ lưu tâm. Ngoài ra một số phần tử quá khích như mọi khi lại ra rả xuyên tạc đường lối triều đình, luận điệu của chúng sẽ bị bác bỏ bởi triều đình phổ biến bằng hình ảnh hàng ngày, hàng giờ về Tây Nguyên xanh tươi, phồn vinh.Mời bà con đón xem vào các tối hàng ngày….’’
        
      Tháng sau đại hội đại biểu nhân dân nước Vệ họp tại bộ Binh, do nhà đại lễ đường đang xây nên các cuộc họp đại hội đại biểu đều họp trong phủ quốc phòng. Lính gác lăm lăm gươm dáo sáng quắc quây mấy vòng quanh nơi họp. Có chín phần quan lại nước Vệ lại làm đại biểu nhân dân. Bởi thế chuyện khai thác tài nguyên tuy ngoài dân bàn luận gay gắt nhưng bên trong vẫn êm đềm, có mấy vị đại biểu chỉ nói sơ sơ qua việc đó rồi chuyển sang việc khác vì không đủ thời gian thảo luận.
       
      Nguồn: Blog Người Buôn Gió
       
      #3
        lyenson 18.06.2009 21:01:07 (permalink)
        ĐẠI VỆ CHÍ DỊ (variant)
         Lệnh Hồ Xung
         
        LTS: Blog Người Buôn Gió có “Đại Vệ Chí Dị” văn chương trác tuyệt không thua gì Sử Ký của Tư Mã Thiên vì thế mà gây được nhiều cảm hứng cho các sử gia khác. Nay chúng tôi vừa khám phá một dị bản sau đây xin kính mời quý độc giả nhã giám.
          
        Lại nói dân nước Vệ đói khổ, oán than đến tận trời xanh, nhưng vì vua quan cai trị hà khắc nên không dám bày tỏ sự bất đồng. Gặp năm các nước đều sa sút về kinh tế, lại có việc quan công lộ Sài thành nước Vệ, dưới sự che chở của Phò mã, móc ngoặc với các thương nhân Đông Quốc chia nhau tiền vay của Đông Quốc. Nhân việc này, Hoàng đế Đông Quốc đe dọa tuyệt giao,cắt các khoản vay. Tướng quốc là Dụng và Tiết Công ép Mãng Vương thân chinh sang Đông Quốc xin hoàng đế Đông Quốc xá tội cho
         
        Sau chuyến đi Đông Quốc trở về, Mãng Vương bỗng dưng thấy sỹ diện nổi lên, mất ăn mất ngủ, người cứ thấy thấp thỏm lo âu, xấu hổ không dám xuất hiện trước mặt thần dân. Tướng quốc  Dụng nghĩ: Mình thân là Tướng quốc, lâu nay không những không thuần phục, nhiều khi còn cậy thế, câu kết với các đại thần, ăn chia quyền lợi, bắt chẹt Mãng Vương. Nay Mãng Vương phải thân chinh sang hầu Đông Quốc, tiếng là lo cho dân, thực chất là lo ghế cho Mãng Vương (Phò mã cũng dính vào vụ ăn chặn tiền vay đó), nhưng thực ra mình cũng có phần lợi trong đó. Nay cũng nên lo cho Mãng Vương một chút gọi là báo đáp ơn vua. Liền sai tả hữu đi khắp nước tìm thầy lang giỏi về chữa trị cho Mãng Vương.
         
        Mấy ngày sau, từ đất Nguyên có thầy lang Gia Cát Đỏ, tư xưng dòng dõi Gia Cát Vũ Hầu khi xưa đến yết kiến.
         
        -Nhà ngươi tự xưng con cháu Gia Cát sao lại lưu lạc sang tận đất Nguyên? Mãng Vương hỏi
         
        -Bẩm đại vương! Đại vương quên mất đất Nguyên nay đã thành làng mạc của Tề Quốc hay sao?
         
        -Tội ta lớn thế ư? Mãng Vương thở dài
         
        -Bẩm không ạ. Làm việc này đâu chỉ có mình đại vương. Khi xưa Chinh Vương, Đồng tướng quốc từng dâng mấy hòn đảo cho Tề Quốc. Kẻ phản loạn Thiệu đế cũng góp phần vào việc  làm mất mấy đảo đó. Phần nữa hiện nay trên danh nghĩa đất Nguyên vẫn là của đại vương.
         
        -Nhưng các ngươi đâu có nghe theo lời ta, các ngươi nghe theo sự sai khiến của Tề Vương đấy chứ !
         
        -Nhưng bên ngoài ngộ vẫn là thần dân của đại vương !
         
        -Thế ngươi có cách gì trị được bệnh của ta ?
         
        -Bẩm ! Bệnh của đại vương là bệnh mới xuất hiện. Đại vương ăn nhiều sơn hào hải vị quá, thấy mình trẻ lại. Tự dưng có suy nghĩ như thời còn con trẻ, hay xấu hổ về các việc mình làm. Chẳng hạn như hồi nhỏ đại vương hay ăn cơm với trứng, tự dưng nhớ lại, nói phải lo cho thần dân có bát cơm với quả trứng. Điều này làm những kẻ lắm điều chế thêm đôi đũa vào làm người ta nghĩ đến cơm cúng đám ma…Bệnh này không khó chữa. Thuốc ở ngay bên cạnh bệ hạ.
         
        Để chữa khỏi bệnh,nay xin dâng Đại Vương bài thuốc « Ngũ vị đế » :
         
        Thứ nhất : Đại vương hãy thi hành hạ sách trị quốc. Ngày xưa tổ tiên của thần nói «Trị quốc :Thượng sách là lo cho dân làm ăn giàu có, nộp thuế nuôi quan lại. Trung sách là dân tự lo được cho mình, quan lại bóc lột dân để sống. Hạ sách là quan lại bóc lột cho dân hết đường sống, bán tài nguyên của đất nước, bán đất của tổ tiên đi, vay của nước ngoài về chia nhau. Phần thừa thì đem cứu tế cho dân »
         
        Thứ hai : Quan thượng thư bộ học Nhạc Bất Nhân vốn là kẻ vô dụng, thích danh vọng. Hay bày đặt cải cách, hay phát biểu lộng ngôn. Đại vương hãy dung túng cho hắn, để hắn làm ngu dân, hắn chịu sự chỉ trích của mấy kẻ đáng mặt là sỹ phu Vệ Quốc thay cho bệ hạ.
         
        Thứ ba : Ở những nơi đang có tranh chấp với Tề Quốc. Đại Vương bổ nhiệm hờ các chức quan coi sóc các nơi đó, cấp cho chúng bổng lộc để ăn chơi. Như vậy dân Vệ không thể chửi Đại Vương bán nước được nữa.
         
        Thứ tư : Đại Vương cho các quan lại tổ chức thật nhiều trò chơi, các cuộc thi có thưởng cho dân chúng tham gia. Ân sá cho các tù nhân phạm tội hình sự và các quan lại tham nhũng để tỏ rõ đức của Đại Vương.
         
        Thứ năm : Đại Vương tăng cường mối quan hệ thân mật với Tề Quốc, để Tề Vương vì quyền lợi của mình mà phải bảo vệ Đại Vương.
         
        Làm được năm điều ấy. Đại Vương cứ việc kê gối ngủ kỹ, không phải lo gì nữa.
         
        Mãng Vương đang nằm, vội nhỏm dậy, quỳ xuống lạy Gia Cát Đỏ mà rằng :
         
        May có tiên sinh đến chỉ bảo cho Quả nhân điều hơn lẽ thiệt. Nước Vệ này xin nghe theo sự sai bảo của tiên sinh và Tề Vương !!!
         
        Mãng Vương liền ban lệnh bố thí cho dân chúng, cấp gạo mốc  cho các hộ cùng đinh. Mớm cho Nhạc Bất Nhân cải cách việc học trong nước. Tổ chức thật nhiều cuộc thi, nhiều ngày kỷ niệm. Bổ nhiệm quan trấn thủ Hoàng Đảo. Dân nước Vệ ca ngợi Mãng Vương sáng suốt, kháo nhau rằng : nước Vệ lại sắp hưng đến nơi rồi…
         
        L.H.X
         
         
        #4
          lyenson 18.06.2009 21:10:07 (permalink)
          GIA CÁT ĐỎ THUYẾT MÃNG VƯƠNG
           ( Trích Đại Vệ Sử ký)

          Vũ Nam
           
          Lại nói Mãng Vương theo kế của Gia Cát Đỏ thi hành “Ngũ Vị Đế” (Xem Đại Vệ chí dị của Lệnh Hồ Xung). Được một thời gian dân trong nước ca ngợi Mãng Vương và Bá Dung thừa tướng nhân đức, lòng dân có vẻ yên ổn. Đến năm Ất Sửu, tháng năm, xảy ra nhiều chuyện làm rối loạn lòng dân trong nước. Mãng Vương như bị chẹt giữa các thế lực ngoại bang, kẻ sỹ và dân chúng trong nước, sức ép của các quan tham trong nước đứng đầu là Bá Dung thừa tướng. Vì vậy mà trong lòng bất an.
           
          Mãng Vương cho mời Gia Cát Đỏ đến hậu cung. Gặp lúc Mãng Vương đang mặc đồ lót, Gia Cát Đỏ liền bỏ về. Kẻ tả hữu hỏi thì Gia Cát Đỏ đáp:
          - Nhà vua đang mặc trang phục tiếp bọn con hát chứ không phải kẻ giúp nhà vua việc nước. Mãng Vương nghe thế liền ăn mặc triều phục, ra sân mời Gia Cát Đỏ.
          Gia Cát Đỏ mới bước vào, ngồi trên ngôi vị chủ nhà mà hỏi:
          - Đại Vương cho mời ngộ có việc gì?
          Mãng Vương thở dài đáp:
          - Quả nhân bị các thế lực ngoại bang, quan lại, kẻ sỹ và dân chúng  trong nước ép đến không còn đường sống nữa. Đến cả tiên sinh cũng coi thường Quả nhân thế sao?
          Gia Cát Đỏ  hỏi:
          -  Đại Vương nói rõ hơn để ngộ xem Đại Vương nghĩ thế nào về các việc trong nước Vệ?
          Mãng Vương nói:
          -Tề Bá Vương cấm ngư dân nước Vệ đánh bắt cá trên biển nước Vệ. Việc Bá Dung bán đất Nguyên của nước vệ cho Tề Bá Vương bị Võ lão đại thần và các kẻ sỹ trong nước phản đối, họ đòi đưa chuyện này ra để viện nguyên lão quyết định. Một luật sư trong nước là Cù tiên sinh còn chính thức nộp đơn kiện Bá Dung về việc ấy. Dân chúng nước Vệ kêu gọi phản đối Tề Quốc, không quan hệ, không dùng hàng của Tề Quốc. Một thầy đồ trong nước là Hạnh cô nương bị cấm dạy học trò vì tuyên truyền chống lại triều đình, những kẻ thầy đồ như thế không ít. Trong nước nông dân biểu tình, phản đối triều đình… Khi Quả nhân và Tiết Công lập đàn tế trời đất thì sét đánh sập mấy cổng cổ thành. Quốc Vương Hoa Tây quốc và các nước theo phe của ông ta lợi dụng chiêu bài dân chủ ép Quả nhân phải nhượng bộ quyền lợi cho họ trong các công việc làm ăn…cứ đà này thì nước Vệ nguy mất.
          Gia Cát Đỏ cười lớn mà rằng:
          - Nước Vệ nguy hay ngôi báu của Mãng Vương nguy.
          Mãng Vương nói:
          - Ta mà không ở ngôi báu thì còn đâu nước Vệ.
          Gia Cát Đỏ liền vái Mãng Vương mà thưa:
          - Xin bệ hạ hãy giết ngộ đi, ngộ không giúp được gì cả.
          Nói xong Gia Cát Đỏ liền không chào Mãng Vương mà đi về.
          Mãng Vương lật đật chạy theo níu áo Gia Cát Đỏ mà rằng:
          - Xin tiên sinh đừng bỏ Quả nhân trong lúc này.
          Gia Cát Đỏ đáp:
          - Không phải ngộ muốn bỏ đại vương mà đại vương muốn bỏ ngộ.
          Mãng Vương cuống quýt nói:
          - Xin tiên sinh xá tội cho kẻ ngu muội này mà thương tình dạy bảo cho.
          Gia Cát Đỏ quay vào hậu cung, ngồi ở ngôi khách mà nói:
          - Ngộ không ham muốn gì ngôi vị chủ nhà trong hậu cung này, nhưng thái độ của đại vương có vẻ bực bội khi ngộ ngồi vào ngôi vị chủ nhà. Việc đại vương gắn sự tồn vong của nước Vệ với sự an nguy của đại vương làm ngộ thất vọng.
          Mãng Vương xá dài đáp:
          - Kẻ ngu nuội này không hiểu việc lớn, xin tiên sinh chỉ bảo cho
          Gia Cát Đỏ đáp:
          - Kẻ làm vua, làm quan có mấy điều cần thiết: Thứ nhất phải không được có tim và óc, phải quên sỹ diện của mình đi. Thứ hai xưa nay đạo lý của kẻ làm quan, làm vua là lo cho mình, đạo lý đó gói trọn trong một chữ “THAM”. Đại vương không hiểu điều sơ đẳng ấy sao? Nay đại vương muốn làm minh quân, muốn lo cho nước Vệ. Muốn quên đi đạo lý mà lâu nay mình đi theo. Việc đó ngộ không giúp được.
          Mãng Vương đáp:
          - Kẻ ngu muội này lộng ngôn làm tiên sinh hiểu nhầm, đó là tội của quả nhân. Xin tiên sinh nán lại mà dạy bảo cho.
          Gia Cát Đỏ nói:
          - Để ”An Dân” cách tốt nhất là  khi dân chúng bất bình thì hãy trừng trị các quan tham để lấy lòng dân chúng. Để những kẻ ngu muội tưởng rằng đại vương anh minh. Đại vương hãy tìm trong số quan lại của mình kẻ nào chức tước đủ lớn để an dân nhưng không quá lớn để ảnh hưởng đến triều đình, vây cánh yếu nhất trong số quan lại cỡ đó, mang hắn ra mà xử tội tham nhũng. Như vậy dân đen thì ca ngợi đại vương anh minh, kẻ sỹ thì không vì đó mà khép tội cho triều đình được. Sau vài năm thì ân xá cho hắn, như vậy Đại Vương lại còn được tiếng nhân đức nữa. Việc xử quan tham Mãi Vẫn Giàu khi xưa là một thí dụ vậy.
          Mãng Vương đáp:
          - Việc ấy không khó, nhưng còn các việc khác thế nào xin tiên sinh chỉ bảo cho.
          Gia Cát Đỏ nói:
          - Việc ngoại bang chèn ép dân nước Vệ, xin đại vương dùng kế của binh pháp Tôn Tử.Đại vương làm theo kế “Thực hư lẫn lộn” như vậy dân chúng nước Vệ không biết đâu mà lần. Đại Vương cứ phản đối Tề Quốc làm như vậy là vi phạm chủ quyền của nước Vệ. Việc nước Tề phản ứng thế nào để ngộ lo. Sau đó nước Tề dùng tàu không cắm cờ làm đắm tàu của ngư dân nước Vệ. Đại vương cứ cho quan thượng thư bộ binh tuyên bố là không biết tàu của nước nào.Như vậy dân Vệ sợ không dám đi đánh cá nữa nhưng không oán đại vương được.Tề Vương lại cho mấy tàu của nước Tề cắm cờ nước khác vào đậu trên biển nước Vệ, nói là để tránh gió lớn. Đại vương cho quan binh bắt, phạt tiền rồi cho đi, nói là tàu của nước khác nhưng trên đó là dân nước Tề. Như vậy đại vương được tiếng nghiêm khắc với dân của Tề Quốc nhưng lại tránh được tiếng là đụng đến nước Tề. Còn với Hoa Tây quốc và các nước khác đại vương có thể nhượng bộ nhưng bắt họ phải lót tay cho đại vương. Như vậy lại còn tỏ rõ cho dân chúng thấy đại vương làm ăn với cả các nước khác chứ không lệ thuộc vào mình Tề Quốc…
          - Việc kẻ sỹ kêu gọi tẩy chay hàng nước Tề đại vương không lo. Đại vương cho nhập hàng nước Tề miễn thuế. Đại vương và các quan đại thần có tiền lót tay của các thương nhân nước Tề. Hàng nước Tề tràn vào với giá rẻ, bọn nông dân, bọn kẻ sỹ nghèo kiết xác không dùng hàng nước Tề vì yêu nước Vệ thử hỏi được mấy người.
          - Việc bọn thầy đồ trong nước kêu gọi làm loạn, tuyên truyền chống phá xin đại vương đừng lo.Đại vương cứ thẳng tay trừng trị, như vậy đa số dân chúng vì sợ đại vương mà không dám hưởng ứng. Hơn nữa bọn chúng tuyên truyền như vậy cũng là một cách nhồi sọ học trò . So với việc nhồi sọ học trò như các thầy đồ trung thành với đại vương vẫn làm cũng chẳng khác nhau là mấy. Do vậy những kẻ đáng mặt trí thức, những học trò có nhận thức cũng không ủng hộ chúng nhiệt tình. Đáng sợ là những kẻ kêu gọi dân chủ, nhân quyền chứ không phải bọn đó. Có điều đại vương nên bảo Nhạc Bất Nhân (quan thượng thư bộ học) tìm cách khác mà kỷ luật chúng, chứ đuổi chúng bằng cách đó làm cho bọn kẻ sỹ ngoại bang có cớ bàn tán, thêm lắm chuyện ra.
          Mãng Vương lại nói:
          - Việc đó nghe tiên sinh chỉ bảo Quả nhân yên tâm rồi. Nhưng còn việc đất Nguyên, Võ lão đại thần, Cù tiên sinh kiện Bá Dung thì thế nào?
          Gia Cát Đỏ đáp:
          - Một mặt đại vương chỉ đạo Bá Dung cho chia nhỏ việc bán đất Nguyên thành nhiều phần nhỏ. Như vậy theo luật pháp nước Vệ nó không đủ quy mô để phải trình lên viện nguyên lão nữa. Nhưng đại vương cũng cứ cho đưa việc này ra bàn, cứ cho biểu quyết. Trong viện nguyên lão đa số là những kẻ chỉ biết nghe theo triều đình vì ngu dốt, vì lợi ích của bản thân. Sau đó đại vương cứ cho bỏ phiếu kín và công bố kết quả là 99% đồng ý. Như vậy mấy kẻ chống đối cứ nghĩ là có mình mình phản đối là xong. Còn Võ lão đại thần thì không thể đụng đến ông ta được. Đại vương và Bá Dung, Tiết công cứ tỏ ra cung kính, đến thăm, hứa tiếp thu ý kiến và nghiên cứu phúc đáp rồi để đó là xong. Việc Cù tiên sinh kiện Bá Dung đó là việc hay cho đại vương. Nhưng đại vương không thể ủng hộ việc này vì như thế kẻ sỹ trong nước được đà rồi đòi kiện cả đại vương. Đại vương cứ thân chinh hứa tiếp nhận, hoan nghênh hắn, sau đó nói không có đủ chứng cứ, không thể kiện. Rồi tìm cách dằn mặt hắn, khép hắn vào tội khác  mà đưa vào ngục.
           Mãng Vương vái Gia Cát Đỏ mà rằng:
          - Đầu óc ngu muội của Quả nhân được tiên sinh chỉ giáo đã sáng suốt ra nhiều. Nhưng còn việc bọn nông phu làm loạn xin tiên sinh chỉ bảo cách trừng trị.
          Gia Cát Đỏ nói:
          - Việc đó xin đại vương cho đàn áp mạnh hơn, tăng tiền đền bù cho chúng. Dạy chúng cách làm giàu trên đài truyền hình của đại vương, làm cho chúng nghĩ chúng nghèo là do chúng còn ngu dốt. Rồi thi thoảng chọn mấy kẻ quan lại địa phương đã về hưu, mấy kẻ con cháu các đại thần đang ở nông thôn. Đưa chúng ra biểu dương về gương nông dân làm kinh tế giỏi. Việc này cốt để cho những kẻ ngu muội, những kẻ quen sống ở thành thị nghĩ rằng chúng nghèo là do chúng ngu dốt. Mặt khác đại vương vỗ về chúng bằng cách đưa chúng đi làm thuê cho ngoại bang. Như vậy đại vương được lòng cả ngoại bang và dân chúng lại thu được tiền lót tay, tiền ăn chặn tiền công của chúng nữa. Đó là kế nhất cử lưỡng tiện vậy.
          Mãng Vương thưởng rất nhiều đất ở kinh thành và gái đẹp cho Gia Cát Đỏ và nói:
          - Quả nhân mà có được người tâm phúc như tiên sinh thì không phải lo lắng gì nữa.
          Gia Cát Đỏ thưa:
          - Lúc nào ngộ và Tề Vương cũng ủng hộ đại vương. Đó chỉ là các kế sách nhất thời. Về lâu dài đại vương phải thi hành triệt để “ Ngũ Vị Đế” mà ngộ đã dâng cho đại vương.
                                                              

          Kinh Đô nước Vệ mùa hạ năm Ất Sửu
          Vũ Nam
          #5
            lyenson 20.06.2009 13:52:28 (permalink)
            Chuyện bang giao giữa nước Vệ nước Tần và nước Oma...
            La Quán Cơm (Phạm Viết Đào)
            Phạm Viết Đào's Blog
             
            Hồi I

            Xui Vệ đánh Oma, quân Tần đắc lợi
            Xui vua Chà gây sự Vệ, Tần cô lập Vệ vương...

            Nước Vệ và nước Oma vốn là kẻ thù cũ của nhau; đánh nhau do bởi những xích mích nhỏ không đâu vào đâu, chủ yếu do hai bên không hiểu nhau sinh ra hận thù; ngoài lý do trên còn một phần do bởi sự khích bác, xúi dục của nước Tần...
             
            Nước Tần là nước mới giành được đất và xác lập triều đại mới từ trên đống tro tàn đổ nát của chiến tranh ly loạn; biết mình thế yếu, dân chúng đang đói khổ, quân lương, binh lính thì phần lớn đều là dân chân đất mắt toét, ăn chưa đủ no, áo chưa đủ ấm, nếu không xui thằng khác đánh nhau thì mình không thể ngồi yên mà lo cho cơ nghiệp...

            Nhân có chuyện xích mích giữa vua nước Vệ và vua nước Oma, vua Tần cho hàng triệu người dân nước Tần xuống đường hô vang khẩu hiện: Bọn Oma là bọn hổ giấy, phải giết sạch chúng đi, phải quyết tâm đánh giết bọn Oma đến người lính Vệ cuối cùng...

            Vua quan nước Vệ nhẹ dạ, tưởng nước Tần giúp mình thật lòng bèn phát động toàn dân lao vào cuộc chiến để kháng cự lại những hành động lấn đất của đế quốc Oma. Kết cục thì cuộc chiến kết thúc, quân Oma bị vua và dân nước Vệ đánh cho đại bại, còn nước Vệ ra khỏi chiến tranh thì thương tích đấy mình, dân ngèo đói vẫn hoàn ngèo đói...

            Đánh đuổi được giặc Oma, vua quan nước Vệ hý hửng tưởng sẽ đưa quốc gia mính sang một kỷ nguyên mới: hoà bình, độc lập, ấm no và hạnh phúc; nhưng việc đó đâu có dễ dàng chi. Những tưởng kẻ thù của mình chỉ là đám Oma kia nào ngờ, sau khi thu được giang sơn về một mối, kẻ trở mặt gây sự với nước Vệ lại chính là nước Tần. Thực ra vua Tần xui Vệ đánh Oma là để có cơ hội làm giá cho quan hệ giữa nước Tần và nước Oma.

            Bởi vì cả Tần và Oma còn cón một địch thủ khác đáng gờm đó là nước Ngu; nước Tần có biên giới chung với nước Ngu, vua quan nước này cũng là một đám chọi con, hãnh tiến đang lên, cậy thế đất rộng mỏ vàng, mỏ dầu nhiều nên luôn tìm cách lấn đất và các vùng ảnh hưởng của đế quốc Oma và nhòm ngó cả nước Tần. Nước Tần một mặt lo kẻ thù gần là nước Ngu và hiểu được muốn đối phó với nước Ngu thì chỉ có cách là phải chơi được với Oma, phải tranh thủ được tiền của kỹ thuật của Oma để phát triển kinh tế, quân đội, bom nguyên tử...Muốn chơi được với Oma thì cách tốt nhất là nhân Vệ xích mích với Oma, xui Vệ cứ đánh Oma đến cùng đi, nước Tần sẽ là người bạn lớn...

            Sự giúp đỡ của nước Tần đối với nước Vệ là sự giúp có tính toán: giúp để kiềm chế, giúp để mặc cả cho nên cuộc chiến giữa Vệ và Oma là một cái chợ để cho Tần nâng giá của các loại hàng hóa của mình lên. Do vậy cuộc chiến này càng kéo dài càng lâu càng tốt cho nước Tần; mục đích của nước Tần là làm sao để cho đến lúc hai bên xoài ra là quân Tần sẽ xông vào đắc lợi.

            Nhưng dân Vệ vốn là dân dũng mạnh, khát khao độc lập tự chủ vì bị ngoại bang ức hiếp quá lâu rồi. Do đó họ quyết liệt đánh bại được quân Oma và giành lại được giang sơn nước Vệ...

            Trước thắng lợi của dân nước Vệ, vua quan nước Tần không những không mừng vui gì trước việc nước Vệ đã đánh tan được quân Oma nổi tiếng hung hãn và tàn ác; không những thế nước Tần bắt đầu tìm kế sách cô lập nước Vệ. Để cô lập nước Vệ và có quà ngoại giao và có cớ bắt tay với đế quốc Oma, một thời nước Tân xui phải đánh giết đến người lính Vệ cuối cùng.

            Thấy nước Vệ được nhiều nước nhỏ tán thưởng, khâm phục về việc đánh bại được đế quốc Oma giàu có, họ coi vua, quan và dân nước Vệ hết thảy đều là anh hùng: ra ngõ đâu đâu cũng gặp anh hùng, đó là câu cửa miệng mà các nước lâu nay nhỏ yếu bị Oma bắt nạt tặng cho nước dân và vua, quan nước Vệ.

            Vua Tần đã bí mật xui và cung cấp vũ khí cho vua Chà, xui Chà đưa quân lấn đất nước Vệ và hứa sẽ đưa quân vào phía bắc nước Vệ để chia lửa trợ giúp nước Chà đánh nước Vệ.

            Bị xui dại xui khôn, vua nước Chà xuất thân vốn là lục lâm thảo khẩu, giết người không biết ghê tay, uống máu người không biết tanh liền cử binh sang xâm lấn đất nước Vệ. Vua Vệ ngu không nhận ra đây là âm mưu của nước Tần. Vua Vệ thấy vua Chà là chọi con lại dám vuốt râu hùm, dám khiêu khích một quốc vương vừa đánh cho tên đế quốc đầu sỏ là Oma không còn mảnh giáp. Vệ vương liền cho binh hùng tướng mạng đánh tan quân Chà, lật đổ vua Chà và đưa quân sang ở luôn đất Chà...

            Chỉ chờ có thế nước Tần liền cho quân sang đánh nước Vệ, đánh tiếng là cho Vệ một bài học nhưng thực chất là một sính lễ ngoại giao để Tần dâng cho nước Oma, tạo cớ để mở mối bang giao với nước Oma, mà bấy lâu nay thèm nhưng Tần chưa có cách gì tiếp cận được vua Oma mà không bị khinh.

            Mặt khác việc Vệ đưa quân vào đất Chà đã bị nước Tần có cơ bôi nhọ, bôi bẩn. Bởi vì Vệ vẫn được tiếng là anh hùng chống ngoại xâm, đưa quân sang nước khác có khác gì xâm lược. Thực ra Vệ đưa quân sang Chà là cực chẳng đã nhưng nước Tần chỉ chờ có vậy để có cở lu loa cô lập ngoại giao nước Vệ và để tạo cớ cho nước Tần có giá, không bị đế quốc Oma coi thường khi đến để xin cầu cạnh giao thương kiếm lợi và dân khỏi chết đói...

            Như vậy nếu tính ra từ khi kêu gọi dân chúng nổi lên cho đến khi giành độc lập , chí ít bốn lần Vệ vương đã bị Tần vương lừa hoặc cho vào bẫy ngoại giao mà không hay biết...
            (Xem tiếp hồi sau)
            Bắt Định Lê, vua Vệ mắc mưu
            Bẫy Tần cài, phá tan mối giao thương Oma và nước Vệ...


            Hồi 2

            Bắt Định Lê, vua Vệ mắc mưu
            Bẫy Tần cài, phá tan mối giao thương Oma và nước Vệ...

            Lại nói, sau khi đã cử quân sang xâm lấn đất Vệ, cho vua quan nước Vệ một bài học, hành động quân sự này của nước Tần thực chất là một sính lệ ngoại giao mà nước Tần muốn bày đặt để dâng cho đế quốc Oma. Bắt tay được với Oma, nước Tần đã bắt đầu thoát ra khỏi thế bị cô lập, dân chúng bắt đầu có cơ làm ăn thoát dần đói khổ vì bán hàng được cho Oma và nhiều nước khác...

            Dân nước Tần vốn là dân lam lũ, giàu ý chí bấy lâu bị trói chân trói tay vì phong kiến thực dân và những thứ nhảm nhí về tư tưởng; giờ có dịp giao lưu với bên ngoài, với đế quốc Oma vẫn được coi là xứ sở của tự do. Dân Tần tiến bộ rất nhanh. Vua quan và dân Tần nghiệm ra rằng: phi thương bất phú, phi công bất hoạt, phi tiền bất thành đế quốc... Sau khi bắt tay được với đế quốc Oma, họ tranh thủ mở rộng giao thương, tranh thủ học cái khôn của thế giới để dân bớt đói khổ đồng thời cũng là dịp đẩy bớt dân Tân ra khỏi bỡ cõi của mình vì dân Tân đẻ rất nhanh...

            Người nước Tần ra thế giới bên ngoài làm ăn không khỏi không bị kỳ thị, bởi xưa nay người Tần đi đâu cũng hay để lại tiếng xấu là: lừa thầy, phản bạn, chiếm đất, chiếm tài nguyên, chiếm gái đẹp của người ta... Họ cứ nhìn tấm gương trong quan hệ giữa Tần và Vệ mà họ kinh: hôm trước vừa là đồng chí, vừa là anh em hôm sau đem quân sang giết nhau không từ một trò ác, đểu, tiểu nhân nào mà không giở ra ?

            Người Tần cũng dần dần thấy rõ điều đó, muốn có quan hệ tin cậy, mua chịu hàng hoá của các nước khác thì phải cải thiện quan hệ với nước Vệ hàng xóm; gặp ai cũng giơ tay ra hảo hảo nhưng đối với hàng xóm cạnh mình thì lại quan hệ như chó với mèo thì nói ai mà tin được.

            Mặt khác Tần cũng thấy nếu cứ cô lập dân Vệ cũng không xong, dân Vệ cũng vốn là dân đói khổ nhưng ngoan cường, tổ tiên người Tần không đồng hoá được dân Vệ thì bây giờ có quay lưng, bao vây, chơi đểu cũng chẳng làm gì được người ta. Thế là Tần và Vệ quay sang đấu dịu với nhau, bắt tay với nhau, bỏ qua chuyện cũ, quay lại phục hồi lại những lời vàng ngọc, giao hảo khi xưa để mà lợi dụng lẫn nhau.

            Nước Vệ cũng có tính toán của nước Vệ bởi, cha ông nước Vệ khi xưa vẫn luôn biết mình ở vào thế nước nhỏ, cạnh nước lớn, có nhũn nhịn một chút hơn là luôn để cho ông hàng xóm hung đồ luôn lườm nguýt thì khó làm ăn. Nước Vệ cũng mở cửa giao thương như nước Tần, hai bên xác lập quan hệ bây giờ là "đồng đảng" chứ không phải là "đồng minh"... Anh có đường anh và tôi có đường tôi.

            Tuy vậy nước Tần cũng dần dần nhận thấy tiềm năng của nước Vệ rất lớn, ngoài sức người, sức của, tài nguyên mới được phát hiện rất nhiều như mỏ dầu, mỏ xitbeo...

            Nước Vệ ngoài cải thiện quan hệ với nước Tần cũng đã tìm cách bắt tay với nước Oma, kẻ thù cũ trong quá khứ, mặc dù phía Oma vẫn còn nhiều điều nghi kị chưa tin vua Vệ thực lòng muốn chơi thành thật với mình, chịu nghe theo mình.

            Cả Tần, Oma và Vệ chơi với nhau đều theo đuổi cái lợi, thế là xảy ra sự tranh giành giữa Tần với Oma trong việc thiết lập phạm vi ảnh hưởng với nước Vệ. Nước Vệ cũng tự nhận thấy: không quan hệ tốt với Tần cũng nguy, nhưng nếu bị Tần xỏ mũi thì cũng gay...Con đường duy nhất để bào vệ được mình là chơi với cả hai, đa phương hoá quan hệ. Trong quá khứ nước Vệ cũng đã từng chơi cách đó với nước Tần và nước Ngu; cân bằng 2 bên để kiếm lợi từ hai phía, mặc dù Tần và Ngu là hai nước kình địch nhau...

            Tần cũng thấy rõ vua Vệ tìm cách bắt cá hai tay chứ không ngả hẳn về phía Tần như cái thời trước đây. Thế là Tần luôn tìm mọi cách để lý gián quan hệ giữa Vệ và Oma để vua Vệ lệ thuộc hẳn vào mình. Tần đã có trăm phương ngàn kế để phá quan hệ giữa nước Vệ và Oma, vụ điển hình nhất đó là vụ mật vụ Tần dựng nên màn kịch để cho vua Vệ bắt Định Lê là một con bài, một cái bẫy mà Tần tạo dựng lên để lừa vua Vệ và lừa cả vua Oma...

            Vụ Tần lừa Vệ tóm lược như sau: Tần âm mưu khuyên Vệ nên tổ chức khai thác loại quặng xibeau có nhiều ở vùng đất Nguyên Tây của nước Vệ. Nước Tần là nước có truyền thống giỏi về phong thuỷ: Vua Tần khuyên vua quan nước Vệ rằng: nếu lấy cái chất xitbeau luyện tôi bằng công nghệ của nước Tần để chế tác ra thành quan tài thì khi chôn xuống ngôi mộ trăm phần trăm sẽ kết phát, con cháu sẽ đời đời ngồi đấy mà hưởng lộc, không phải làm ăn gì cả. Nghe nước Tần khuyên, đám quan lại và loại trưởng giả, trọc phú mới ngoi lên của nước Vệ ào ạt dâng sớ đề nghị Vệ vương nhanh chóng đào bởi chất xibeau để làm quan tài bán cho họ. Gia đình nào cũng cam kết mua dăm mười cái để giành để khi ai chết có cái mà chôn...

            Giới học giả, sĩ phu nước Vệ thấy rõ đây là trò bịp của nước Tần liền dâng sớ khuyên can vua Vệ chớ có nghe Tần xui dại mà cho người Tần vào Nguyên Tây khai mỏ xibeau; đây là vùng đất trọng yếu của nước Vệ mà ai chiếm được sẽ làm chủ được nước Vệ. Đây chẳng qua là trò "mượn đường diệt Quắc" xưa như trái đất của vua Tần...

            Để răn đe đám học giả này, Tần cho quân cài Định Công là một tay chuyên nghề cãi thuê để lấy tiền nuôi vợ nuôi con, giả tảng làm mấy trò nhảm nhí bị lộ nên bị Vệ vương tống giam về tội phản loạn, tổ chức một cuộc cách mạng màu để lật đổ vua Vệ.

            Một cái thằng bạch diện thư sinh trói gà không chặt làm sao đủ sức thánh lập ra một tổ chức để mà lật đổ chính quyền vua Vệ, một chính quyền mà cứ 2 người dân có một cẩm y vệ nội canh chừng... Mặt khác đã đủ khả năng đi cãi thuê sao lại có thể ngu đến mức đi làm cái việc vớ vẩn, dại dột như mèo dấu cứt để có cớ cho người ta bắt giam...

            Tạo màn kịch này, một mũi tên nước Tần bắn ra trúng nhiều đích vừa để đe bọn học giả: chúng mày phải trông gương cái thằng Định Lê này mà bớt to mồm đi, đất nước này không phải của chúng mày, chính quyền là tao và nhà nước cũng là tao, để yên cho tao đào mỏ xibeau?

            Tạo màn kịch ngô nghê: Định Lê đứng ra đang liên minh với đám phản loạn đang cư trú ở bên nước Oma, giả làm một số việc ngờ nghệch để cho Vệ vương bắt; vụ bắt Định Lê là cái cớ để kích động quan hệ của đám lưu vong này để phá thối quan hệ giữa Vệ và Oma đang tìm cách cải thiện... Một trò thâm của nước Tần...

            Sở dĩ có chuyện lắt léo phức tạp này là bởi sau cuộc chiến Vệ và Oma, một số người nước Vệ đã theo đuôi, làm tay chân cho đế quốc Oma theo chính sách: dùng người Vệ trị người Vệ của đế quốc Oma... Oma thua bỏ chạy, đám này đành phải chạy theo chủ. Vì thế nên đám này luôn nuôi mối hận thù vì bị đuổi ra khói quê cha đất tổ, bị bật ra khỏi cố quốc.

            Trong đám này, ngoaì những kẻ mù quáng, cố chấp, tin vào những điều nhảm nhí không đâu thì phần đa cái đám phản nước Vệ lưu vong này, dùng chiêu bài chính trị phục quốc để làm mục đích tống tiền cái đám dân nước Vệ lưu vong đang ăn nên làm ra ở đất Oma và còn để mà làm mình làm mẩy với chính quyền nước Oma.

            Do vậy, Định Lê thực chất là một quân xanh, là một con bài do nước Tần cài cắm để phá quan hệ bang giao giữa Vệ với Oma.

            Vua nước Oma một mặt muốn cải thiện quan hệ với nước Vệ nhưng không thể bỏ qua cái đám người Vệ lưu vong một thời từng là công cụ của mình. Giờ đây một tên tự xưng là có liên quan tới tổ chức của đám người Vệ lưu vong thực chất là "quân xanh" của Tần cài vào. Vua Oma làm sao mà biết được cái trò quái quỷ này, thế là mắc mưu Tần, đứng ra bênh vực Định Lê, làm tăng căng thẳng quan hệ giữa Oma và Vệ đang có chiều hướng cải thiện... Chỉ chỉ cần có thế Tần đạt mục đích cột chặt quan hệ nước Vệ với mình...

            Ngoài cái trò quái quỷ kia, Tần còn có một trò quái đản khác đó là dùng gái vùng Trịnh Giang của nước Tần để mê dụ thân vương và quan lại nước Vệ. Vùng Trịnh Giang nước Tần là quê hương của nàng Hạ Cơ khi xưa. Con gái vùng Trịnh Giang này ngoài sự trường túc ra còn có một thứ bí truyền khác, khi động tình tại nách và chỗ kín của họ tiết ra một loại mùi hương mà khiến cho đàn ông dù bị bệnh ung thư ở giai đoạn cuối cũng bật dậy, chồm lên được như dê, như ngựa... Không ít quan lại nước Vệ sang công tác tại nước Tần đều được vua Tần cho khoản đãi món này. Món này đã được hưởng một lần thì nghiện như nghiện heroin, lâu lâu không được thưởng thức một cái thì không làm ăn gì được. Do vậy không ít quan lại nước Vệ đã qua lại nước Tần rồi thì tìm mọi cách để trở lại lần hai, lần ba vì không thể quên được cái khoản ngoại giao kia...

            Nghe nói, tại nước Tần có một trại trẻ, thực chất là trại con tin để chăm sóc những đứa con rơi của các thân vương và quan lại nước Vệ khi sang nước Tần công tác. Hạt giống đỏ này được nước Tần chăm sóc, chu đáo để sau này còn dùng tới, ví như sau này cho về và phong làm vương, làm tướng nước Vệ thì vô cùng yên tâm vì trong chúng đều có ít nhiều giòng máu của người Tần...
             
            Quan hệ bang giao giữa nước Vệ, nước Tần và nước Oma còn nhiều chuyện ly kì, muốn biết Vệ vương làm cách nào để thoát ra khỏi cái thòng lọng ngày càng thít chặt của vua Tần, hẹn bạn đọc đến hồi sau kể tiếp...

            (còn tiếp)

            <bài viết được chỉnh sửa lúc 20.06.2009 13:55:12 bởi lyenson >
            #6
              Chuyển nhanh đến:

              Thống kê hiện tại

              Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
              Kiểu:
              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9