Thư Lạ, tuyển tập truyện ngắn Đinh Linh.
lyenson 07.06.2009 14:47:07 (permalink)
Boo Hoo Hoo

(Phan Nhiên Hạo dịch từ nguyên bản tiếng Anh “Boo Hoo Hoo”)



Mặc dù đánh mất kính sát tròng tối qua ở New Haven, Paradox không để lộ chuyện đó với ai trong ban nhạc. Hắn là ông bầu lưu diễn và chủ chiếc xe van, một cục sắt phế thải dùng kiếm cơm – Công Ty Nâng Cấp Nhà Cửa Paradox. Mỗi lần đổi lane đường, hắn cắt ngay đầu xe thiên hạ. Lần sau cùng, một chiếc Honda Civic nhấn kèn kinh hoảng, và Frank, ngồi cạnh, thò cánh tay thịt ra làm dấu tục tỉu trước mặt người lái xe, một bà già da đen.
“Lên kiếng đi”, Karen hét.
Thời tiết tháng Mười Một lạnh và mưa phùn. Karen cố chợp mắt, đầu ngoẹo sang bên, má áp cửa sổ. Cô nàng có đôi mắt ảo nảo khôi hài trên khuôn mặt tươi vui. Khi nhắm mắt, khuôn mặt thật hạnh phúc. Karen chơi guitar rất ngầu. Thưỡn người trên ghế giữa sát Karen là Tyler, ca sĩ chính. Tay trống Orlando nằm rúm ró phía sau. Frank chơi bass.
Paradox lại nôn nao. Những mạch máu sau nhãn cầu như đang bị một bàn tay cương quyết giật tung. Tuy vậy, đã quen với thử thách kiểu này, hắn nhận chịu lì lợm . Khi lái xe, Paradox thường nheo mắt, nhe hàm răng khập khểnh, lẩm bẩm một mình: “Xin lỗi”, “Không thể là sự thật”, “Mày là thằng ngu”. Hắn lái xe cho ban nhạc đã lâu nên cả bọn quen nết.
Mùi rượu ngòn ngọt toát ra từ lỗ chân lông Paradox trộn với đủ mùi trong xe: một miếng bánh pizza cứng ngắc úp mặt dưới ghế trước, áo da mới của Frank, mùi nước hoa Karen xịt nách thay cho thuốc khử mùi quên mang theo…Suốt bảy ngày cả bọn liên tục di chuyển, bắt đầu từ Philadelphia, dừng ở Alletown, Scranton, Newark, Hartfort, và New Haven.
Đến đâu ta túc nhà người quen đến đó. Tối qua ngủ ở phòng khách nhà em của Tyler. Một thiếu nữ không chồng với đứa bé ba tháng tuổi, căn hộ bốc mùi hộp đựng cứt mèo. Sau chầu café buổi sáng cả bọn lên đường. Bây giờ đang hướng đến Northampton, điểm diễn cuối cùng, rồi về nhà. Gần rỗng túi, cả bọn nhịn bữa trưa.
Đợt lưu diễn không thành công lắm. Ở Allenton ban nhạc bị xếp chơi chung với một ban rock nặng, Valhalla , trình diễn trước chục khán giả. Không bán được áo thun và CD nào. Thành công lớn nhất, cho đến lúc này, là ở Newark, Frank và Tyler được mần em út, và ở Hartfort, được radio địa phương phỏng vấn.
Đến Northtampton, cả bọn ngất ngư. Tyler nói: “Hy vọng sẽ có chút đồ nhậu”. (Ở New Haven họ được cung cấp cánh gà và hai vại Iron City , trong khi ban nhạc chính, tụi Crucifux, được đãi bữa chính và salad. “Sang năm đến lượt mình”, Tyler nói.)
“Quán rượu tên gì”? Karen hỏi.
“Auto Da Fe ”, Paradox trả lời.
“Tụi nào diễn với mình tối nay”?
“Doctor At Tree ”.
Ngoại trừ Paradox, đã bốn mươi bốn và hói đầu, những kẻ còn lại cũng quá háp ba mươi. Hơi già để thích hợp với nghề này, họ vốn xuất thân từ những ban nhạc vô danh khác. Nhưng có vẻ thời cơ sắp đến: CD mới của họ được phê bình bởi Village Voice và Spin.
Thậm chí nếu không có kết quả gì cụ thể, họ cũng tiếp tục chơi nhạc. Ít nhất đến tuổi sáu mươi. Nhạc sĩ thì thế thôi. Còn làm được gì khác?
Nghĩ lại, dĩ nhiên chơi trong một ban nhạc vô danh thì cứt thật (hơn nữa, đa số những kẻ đến xem mình đều thuộc loại đần độn), nhưng đã mang kiếp cầm ca, cứ phải chơi nhạc, dù biết mình quá già cho nghề này và chỉ được trả trăm dollar mỗi đêm, trừ xăng nhớt ra, chia năm, gần như chẳng còn gì.
Dù sao nổi tiếng cũng tốt hơn. Tyler hay nói, “Khi mình nổi tiếng, ai cũng muốn hợp tác. Danh tiếng như xạ hương. Nó lôi cuốn bọn nô lệ về mình”. Hắn thích trích Gertrude Stein: “Nghệ sĩ cần nhất là được khen”.
Có lần hắn triết lý lúc đang phê acid: “Người đời cứ nghĩ danh tiếng là sự bất tử thời gian trong khi đúng ra nó là sự bất tử không gian. Mình không sống mãi nhưng được sống nhiều nơi cùng lúc.”
Tỉa tót bộ cánh chuẩn bị cho sự nổi tiếng, Tyler trở nên ám ảnh bề ngoài quá đáng. Hắn khá đẹp trai, phong trần, tuy mái tóc lại vàng và dài loăn xoăn hất qua hất lại. Có lần hắn cạo đầu, tưởng sẽ giống tụi skinhead hay tội phạm. Nhưng nhìn vào gương, chỉ thấy một ông Phật, hoặc tay đầu bếp Tàu. Hắn để tóc dài trở lại. Để giải quyết phần mỡ thừa, hắn bắt đầu tập bụng mỗi sáng. Mỗi khi có dịp, Tyler mặc áo cụt tay khoe bắp chuối phải xăm hình chiếc điện thoại đang reng.
Paradox lái xe vào bãi đậu vắng tanh của quán Auto Da Fe. “Xin lỗi”, hắn nói to. Bên trong, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là bức tranh tường vẽ cảnh truy hoan. Những thân thể trần trụi đen trắng vàng quấn lấy nhau, với câu khẩu hiệu sơn đỏ, trắng, xanh: LÀM TÌNH KHÔNG LÀM CHIẾN TRANH VÌ CHIẾN TRANH XẤU XÍ VÀ TÌNH YÊU DỄ THƯƠNG.
Quán rượu có hai gian: gian nhỏ với quầy rượu dài và một gian với sân khấu bé xíu. Thời tiết tồi tệ kiểu này may lắm mới kiếm được năm mươi khán giả. Đám khách sau-giờ-làm-việc, những kẻ sẽ say và bỏ về vào lúc ban nhạc bắt đầu, đang ngồi ở quầy rượu quan sát các nhạc sĩ khiêng dụng cụ vào. Một tay tóc đỏ mặc vest chào lớn Karen “Hi”. Hai ba gã phá lên cười. Chủ quán người thấp, nhuộm tóc đen, miệng trễ kỳ quái, đeo kính râm, áo khoác cánh da, bước ra chào ban nhạc: “Doctor At Tree hả”?
“Sluice Gate”, Tyler nói.
Paradox tiến đến tay đàn ông nhỏ thó. Hắn đặt tay phải trước mũi, như chẻ khuôn mặt làm đôi. Hắn nói, giọng đột nhiên nghiêm trọng, “Tôi là Paradox, ông bầu lưu diễn”.
“Hân hạnh, Pierre Docks. Tôi là Pablo”.
“Còn đây là Tyler, Karen, Frank, và Orlando”.
“Chào mừng. Chào mừng. Cứ tự nhiên. Chuyên viên âm thanh tới liền. Tối nay thế nào cũng đông. Uống thoải mái nhé. Quán đãi bia tươi”.
“Có đồ ăn không”? Paradox hỏi.
“Ở đây không bán đồ ăn.”
“Vài bịch khoai tây khô được không”? Paradox kỳ kèo.
Chủ quán quay sang tay bồi rượu, “cho mấy anh này khoai tây khô”.
Trong lúc ban nhạc thử âm thanh, một tay say rượu lò dò đến, gay gắt hỏi Frank, “Ban nhạc tên gì”? Tay say rượu khoảng năm mươi. Mặt đỏ bừng, miệng há hốc.
Frank luôn khó chịu mỗi khi ai hỏi tên ban nhạc. Đã tới đây rồi thì phải biết chứ. “Sluice Gate ”, Frank trả lời.
“Chưa bao giờ nghe một tên ban nhạc nào đần độn như vậy,” tay say phát biểu, bỏ đi.
“Tao đéo hỏi ý kiến mày,” Frank la theo.
Thử âm thanh xong, Orlando, Tyler, và Karen bỏ ra xe hút cần sa. Paradox và Frank ngồi lại. Vại Sam Adams trên quầy và trước mặt mỗi người là cốc uống bia.
“Mày biết không, tao dân gốc vùng này.” Frank nhe răng.
Paradox nheo mắt một lúc lâu, rồi văng ra, “Nòng láng”.
Trong xe van, Karen, phê thuốc, nhắm mắt nằm nghiêng trên băng sau. Mặc dù không đẹp, cô nàng có khuôn mặt không phai tàn bởi sự từng trải, khuôn mặt không bao giờ già. Nó sẽ trẻ mãi, ngay cả khi vào hòm. “Nhìn nè”, Tyler nói, “tụi nó đánh vần tên ban nhạc sai trên tờ quảng cáo.”
“Đâu”, Orlando lấy tờ quảng cáo. “Sluice Gait ”.
“Tao khá thích tên này”, Orlando kết luận. “Họ thông báo tụi The Nguyens sẽ chơi ở đây ngày mai”.
“Mở nhạc chút đi”, Karen nói.
Tyler nhét một băng casset vào máy.
“Ai vậy”? Karen hỏi.
“Blind Lemon Jefferson ”.
“Được lắm. Chưa bao giờ nghe”.
Tyler phê một hơi dài, nói: “Tay này chết vì lội trong bão tuyết sau một buổi thu âm”.
“Lúc đó hắn phê hay sao”.
“Không. Mù”!
“Hiểu rồi: Blind Melon ”.
“Gốc của cái tên là vậy”!
“Mày thì cái gì cũng biết”!
Chiếc xe van trở nên một bong bóng dịu ngọt. Một lúc, Karen nói, mắt vẫn nhắm, “Mày có biết tại sao tinh khí nếm ngòn ngọt không”?
“Làm sao tao biết được”, Tyler nói. “Sao tinh khí lại ngọt, Orlando”?
Orlando là dân đồng tính và từng chơi cho ban Pansy Division .
“Tại bia”, Karen nói.
Cửa quán mở, tay say rượu bước ra. Hắn bước lại chiếc điện thoại công cộng nhưng không gọi. Hắn đứng đó một lúc, trong bóng tối, lưng quay ra đường. Xong việc, lúc quay vào, hắn nhín thấy chiếc xe van. Nhận ra Tyler, hắn cười, uốn môi “**** mẹ mày”. Rồi bỏ vào trong.
“Vậy là sao?” Orlando hỏi.
“Sao vậy? Chuyện gì?” Karen hỏi.
“Một thằng vừa chửi ‘**** mẹ’ Tyler.”
“Thị trấn này đáng mến thật,” Tyler nói. Cả bọn phá lên cười.
Bọn con gái trường Smith and Amherts đang trình căn cước cho tay gác cửa. Máy hát gào nhạc Nirvana. Frank nốc hai cốc Southern Comfort nhanh chóng. Một em mập bước đến. “Xin lỗi”, em mấp máy, “anh chơi guitar trong ban Doctor At Tree”?
“Ừ, đúng rồi”.
“Em thích CD của mấy anh lắm”.
“Cám ơn”.
“Anh ký tờ quảng cáo này cho em được không”?
“Được”.
Cô em đưa viết cho Frank.
“Em tên gì”?
“Susan”.
Frank quay qua Paradox thì thầm: “Thằng chơi guitar của tụi Doctor At Tree tên gì”?
“Làm thế đéo nào biết được”!
Gởi Susan. Yêu thương. Làm Thế Đéo Nào Biết Được, hắn viết nguệch ngoạc những chữ vòng tròn.
Em mập đi rồi, Paradox nói, “Dễ thương thiệt”.
“Mày **** nó”, Frank nói.
Năm phút trước lúc trình diễn, mẹ của Frank xuất hiện. Bà mua ít đồ ăn cho ban nhạc. Bánh mì, xúc xích, phó-mát, táo. “Cám ơn, bà Johnston,” Tyler mỉm cười. Frank kéo bà qua bên: “Mẹ làm trò gì vậy?”
“Tao ghé qua chào một tiếng thôi.”
“Nhưng con là nhạc sĩ rock”!
“Mày cần tiền không”?
Frank không trả lời. Bà Johnston nhét tám chục đô vào túi con trai, rồi về.
Ban nhạc bắt đầu bằng “Sucker Punch ”, “Sweet and Sour Sue ”, “Sweeny Erect ”. Tyler viết phần lớn lời nhạc. Tạp chí Spin gọi hắn là nhà thơ. Bài “Sweeny Erect”, hắn xào vài đoạn của Eliot vào một món lộn xộn. Một bài khác, “Hyacinth Girl”, hắn chôm một đoạn từ “Đất Hoang ” rồi hát từng câu đảo ngược:
“Nhìn vào đêm đen, im lặng
Sống chết, tôi chẳng biết gì,
Hay nói, mắt không thấy chi, tôi không là gì
Vòng tay em đầy, tóc em ướt, tôi không thể…”
Ban nhạc chơi đầy cảm hứng. Đám đông, phần lớn tới để xem Doctor At Tree, đi ra đi vào.
Paradox vẫn ngồi ở quầy, nốc whisky. Một em ngồi cạnh. Cô nàng gợi chuyện, “Anh thích Sylvia Plath không? Cô nàng có lông mi dài và tô môi tím. Hơi thở tỏa mùi vodka. Paradox hò hét. “Mày là thằng ngu”, “Xin lỗi”!
Trước lúc nửa đêm, ban nhạc kết thúc bằng một phiên bản ska bài Boo Hoo Hoo của Strapping Fiedhands : Boo hoo hoo! Anh yêu em! Boo hoo hoo! Boo hoo hoo! Tyler đang rền rỉ, đầu lắc lư như con búp bê trong tiệm đồ lưu niệm. Hắn quay qua và thấy Karen cười với mình. Hai đứa từng yêu nhau. Nhiều thằng khác đã thử, kể cả Frank. “Boo hoo hoo! Boo hoo hoo!” Đám đông lèo tèo vỗ tay. Cả bọn nhanh chóng dọn dẹp, lên đường.
Tyler, Karen, và Orlando lặng lẽ ngủ. Mùa này cây lá rất đẹp nhưng chẳng thấy gì vì trời tối. Bọn họ đang lái hướng nam trên xa lộ 91.
“Mấy tiếng nữa tới Boston?” Frank hỏi.
“Chưa đầy hai tiếng,” Paradox trả lời.
“Chỉ hai tiếng thôi à?”
“Ừ.”
Chuyện xảy ra lúc gần đến Holyoke. Paradox đọc to một bảng hiệu trên cao, “Dấu chân khủng long!” Người lái chiếc Lexus thấy chiếc xe van đảo qua phần đường của mình nhưng chẳng làm gì được. Tiếng động như vụ nổ.
Ngay trước khoảng khắc va chạm Tyler mơ thấy hắn ngồi trên máy bay chuẩn bị ăn bữa tối. Karen là chiêu đãi viên. Cô nàng hỏi hắn, “thịt bò hay thịt gà, thưa ông?”
“Cả hai!” hắn trả lời.
“Bỏ mẹ rồi!” ai đó kêu lên.
Xấu hổ bởi sự lúng túng của mình, Tyler cố phát ra từ “gà”, nhưng một lần nữa, hắn chỉ có thể nói “cả hai!”.
Chiếc xe van lộn bốn năm vòng trước khi bốc cháy, tông văng ba chiếc xe ngược chiều. Đầu của Karen hãy còn ngửa ra sau, má áp vào kính cửa sổ.
 
Nguồn: http://litviet.wordpress.com
(Trích từ Thư Lạ, tuyển tập truyện ngắn Đinh Linh. Phan Nhiên Hạo dịch. NXB Văn Mới, California, 2007)
#1
    lyenson 07.06.2009 14:49:37 (permalink)
    Thị trấn cỗ quan tài bí ẩn
    (Phan Nhiên Hạo dịch từ nguyên bản tiếng Anh “The Town of the Hidden Coffin”)


     
    Châu thổ sông Hồng là một trong những khu vực có mật độ dân số cao nhất thế giới: suốt hàng trăm dặm vuông làng mạc san sát, thị trấn nối tiếp nhau, mỗi mẫu đất hiện hữu (và không hiện hữu) đều được cấy cầy. Lý do đó càng khiến Nội Yên là một chốn kỳ lạ. Nằm ngay trung tâm châu thổ sông Hồng, cách Hà Nội đúng 50 dặm, phố huyện này gần như hoàn toàn bị bỏ hoang. Tôi đi qua Nội Yên một lần, vào tháng Chín hay tháng Mười năm 1998,
    và không bao giờ còn muốn trở lại.
    Rời thị trấn đông đúc, phát đạt Hùng Chấn, vượt qua con sông hẹp hôi thối, tôi kinh ngạc khi lần đầu tiên giáp mặt sự vắng vẻ, hoang phế của đường phố Nội Yên. Toàn bộ những ngôi nhà và cửa hiệu đều đóng cửa. Nhiều ngôi nhà có vẻ bị phá phách và bỏ hoang, không người ở, một hiện tượng chưa từng nghe nói đến ở Việt Nam, nơi thậm chí những lô cốt xây từ thời Pháp cách đây nửa thế kỷ cũng biến thành chỗ cư ngụ. Dấu hiệu sự sống duy nhất ở “phố chợ” Nội Yên là khoảng một tá ăn mày và người bán hàng rong, hầu như chẳng bán gì cả, tụm lại trong bóng râm trước nhà bưu điện không bao giờ mở cửa. Trong số họ, một đứa bé khoảng mười tuổi, cố gắng đuổi theo xe chúng tôi, tay vẫy vẫy nắm vé số. Chúng tôi bỏ nó lại phía sau trong đám bụi mù.
    Ra khỏi phố chính, tôi càng kinh ngạc vì vẻ hoang hoá của những cánh đồng. Suốt hàng dặm đường, không hề thấy bóng trâu bò, gà chó, hay chim chóc. Những cánh đồng bỏ mặc cho cỏ và hoa dại, cách vài thước lại có một hố đất đào xới cẩu thả. Hàng trăm hố như vậy. “Chỗ này trước kia là bãi chiến trường à”? tôi hỏi tay tài xế, rồi nhận ra đó là một câu hỏi đần độn, vì suốt đời tôi chưa bao giờ thật sự thấy một bãi chiến trường. “Không”, tay tài xế trả lời ngắn gọn, nhấn ga vọt nhanh. Thấy tôi có vẻ hơi bực, y nhanh chóng nói thêm: “Tôi sẽ kể anh nghe về Nội Yên khi chúng ta tới thị trấn kế tiếp”.
    Tối đó, trong bữa ăn và sau khoảng hơn một tá chai bia Hà Nội, hắn giải thích: “Nội Yên bị bỏ hoang cả chục năm nay. Không ai sống ở cái thị trấn bị ếm đó. Có nhiều giải thích, nhưng giải thích thuyết phục nhất, và vì thế có tính sự thật cao nhất, là câu chuyện về một cỗ quan tài rỗng”.
    “Quan tài rỗng?!”
    “Vâng. Khoảng mười lăm năm trước, một vụ xung đột xảy ra giữa Nội Yên và Hùng Chấn, và người Hùng Chấn đã ếm đất Nội Yên, vì vậy ngày nay không ai sống ở đấy nữa”.
    “Xung đột vì chuyện gì”?
    “Tôi cũng không rõ, hình như một gã trai Nội Yên hiếp dâm một cô gái Hùng Chấn, hay ai đã làm nhục ai đấy, hay người ta thiếu nợ không trả, mà cũng có thể vì Nội Yên đã thắng Hùng Chấn một trận bóng bằng cách hối lộ trọng tài”.
    Sự lờ mờ của nguyên nhân vụ xung đột khiến tôi khá bực mình, nhưng tự nhủ cũng chẳng quan trọng gì. Có quá nhiều lý do, tất cả đều hợp lý, dĩ nhiên, khiến người ta quyết định trả thù nhau.
    Gã tài xế nói tiếp: “Khi vụ xung đột giữa hai làng bắt đầu, xảy ra hàng loạt cái chết kỳ lạ ở Nội Yên. Người ta cứ lăn đùng ra chết trong khi đang làm việc. Như tôi đang ngồi trong quán trò chuyện với anh đây, không báo trước gì, cứ thế lăn ra đất chết tốt”.
    “Có bao nhiêu cái chết kỳ lạ như thế”?
    “Hàng trăm”!
    Tôi liếc tay tài xế nghi ngờ. Cùng lắm là bốn năm trường hợp đau tim, động kinh, hay ngộ độc. Sao người mình thích phóng đại thế.
    Nói về chuyện ngộ độc thực phẩm, tôi nhớ tối hôm đó đồ ăn cũng thật đáng sợ. Chúng tôi gọi mì, tôi mì hải sản, gã tài xế mì gà. Cô phục vụ mỉm cười vui vẻ, vào bếp, vài phút sau trở ra với hai tô mì giống hệt nhau lõng bõng mấy miếng thịt lợn thiu thái mỏng. Đó là chuyện thường gặp khi du lịch đến những nơi khỉ ho cò gáy: hoặc sẽ được ngạc nhiên với những đặc sản địa phương giá rẻ như cho, hoặc phải trả giá cắt cổ cho những thứ rác rưởi.
    Gã tài xế nốc cạn ly bia, bọt dính đầy mép, nói tiếp:”Vâng, hàng trăm người chết mỗi tháng, mỗi ngày có đến chục đám tang, chẳng ai chứng minh được người ta chết vì Hùng Chấn đã bị ếm. Nhưng cũng chẳng có giải thích nào hợp lý hơn. Trước vụ xung đột, chẳng ai chết cả”.
    Gã tài xế tạm dừng để tìm một chai bia khác trong thùng nước đá, có lẽ chai thứ tám hay chín:”Người Nội Yên biết là có một vụ ếm, nhưng không biết rõ ếm thế nào, nên không tìm được cách giải. Nhưng rồi có lẽ vì lòng thương hại, cuối cùng có người Hùng Chấn mách là người ta đã chôn một cỗ quan tài rỗng ở Nội Yên. Vì thế mà nhiều người chết. Cỗ quan tài cần xác chết, và chừng nào chưa có một cái xác thật đặt vào đấy, người Nội Yên sẽ tiếp tục lăn ra chết”.
    “Thì ra có nhiều hố đào trên đồng là vậy”?
    “Vâng, vâng. Người Nội Yên biết là có một cỗ quan tài rỗng trong vùng, nhưng không biết đích xác chỗ nào, nên cứ phải đào xới tung lên”.
    Câu chuyện cũng có lý, tôi nghĩ. Ai cũng biết khi ế ẩm, để bán được hàng, chủ nhà hòm thường chui vào ngủ bên trong một cỗ quan tài như để đề nghị một cái chết đến quỷ thần. Rõ ràng cỗ quan tài khi ở trên mặt đất chỉ là cỗ quan tài, nhưng khi được chôn xuống đất nó cần xác chết.
    “Thế họ không tìm được cỗ quan tài à”?
    “Tất nhiên là không. Thế nên họ mới phải bỏ thị trấn ra đi. Bí quá, người ta thậm chí đã mời một ông sư nổi tiếng tận Hà Nội về tìm cỗ quan tài, nhưng không ăn thua. Ông sư tuyên bố cỗ quan tài lẩn tránh ông ta”.
    “Anh bảo ‘lẩn tránh’ nghĩa là sao”?
    “Cỗ quan tài di chuyển dưới đất để tránh bị phát hiện”!
    “Thế mà tôi cứ tưởng cỗ quan tài mong được phát hiện, để người ta cho nó một cái xác.”
    Gã tài xế im lặng vài giây. Có lẽ sau cùng tôi đã bắt bí được hắn, tôi nghĩ. Nhưng gã tài xế nói tiếp:”Anh biết nhé, một cỗ quan tài cũng không khác một ả đàn bà lắm đâu. Nó muốn thân xác đàn ông nhưng lại làm ra vẻ không muốn. Nó không muốn có thai”!
    “Ông sư nói thế à”?
    “Không, tất nhiên sư thì biết gì về đàn bà. Là tôi suy ra nó phải thế “.
    Vâng, một cỗ quan tài giống cái, đóng bằng gỗ rẻ tiền tại nhà, một cách bí mật và vội vã, đã được chôn xuống đất, khao khát cơ thể lạnh lẽo của bất cứ đàn ông, đàn bà hay con trẻ nào, nhưng lại từ chối lời tụng kinh được trả tiền của một thầy tu giả hiệu.
    “Nhưng có thể đơn giản là chẳng có cỗ quan tài rỗng nào dưới đất cả”?
    “Tất nhiên phải có. Đấy là nguyên nhân khiến người ta chết”.
    “Nhưng không phải ai cũng bỏ đi. Chúng ta thấy cả chục người gần nhà bưu điện sáng nay. Sao những người đó vẫn không chết”?
    Gã tài xế nhìn tôi với đôi mắt vằn đỏ những tia máu. Lúc này gã đã say khướt và sẽ đâm xe vào chiếc ô tô tải hay gốc cây đầu tiên nào ngay khi chúng tôi lên đường. Tôi biết hắn là tay nát rượu trước khi thuê, nhưng chiếc xe của hắn, một đống sắt vụn Liên Xô, không thể kiếm đâu rẻ hơn được. Có vẻ như chúng tôi sẽ phải chen nhau một chỗ nằm trong cỗ quan tài rỗng tối nay.
    “Thưa anh, tôi không hề thấy bóng một người nào ở Nội Yên sáng nay. Thậm chí chó cũng sợ phải sống trên mảnh đất bị ếm đó. Những người đã bỏ đi thậm chí không dám quay lại quá nửa ngày để chăm sóc mồ mả thân nhân. Nếu anh thấy cả chục người hôm nay thì đích thị họ là ma. Mà anh thấy họ đang làm gì?”
    “Xin ăn và bán hàng rong”.
    “Thế là rõ. Họ phải là ma, bởi vì chẳng ai lại điên đến nỗi đi ăn mày hay bán hàng rong trong một thị trấn bỏ hoang”.
     
    (Trích từ Thư Lạ, tuyển tập truyện ngắn Đinh Linh. Phan Nhiên Hạo dịch. NXB Văn Mới, California, 2007)
    #2
      lyenson 07.06.2009 14:51:54 (permalink)
      Những kẻ không còn ở với chúng ta
      (Phan Nhiên Hạo dịch từ nguyên bản tiếng Anh “Those Who Are No Longer with Us”)
       


      Phòng khách sạn giống quán rượu phi trường: sự thiếu vắng lịch sử cá nhân, không khí thân mật giả tạo, và hứa hẹn mù mờ. Đêm đầu tiên trong khách sạn luôn hào hứng vì vừa thoát khỏi nhà. Đêm sau cùng cũng hào hứng (tương đương) vì sắp trở về nhà. Bên cạnh những tiện nghi căn bản, giường êm, cầu dội nước, người ta cũng chọn khách sạn căn cứ vào vẻ choáng ngợp hoặc kỳ quặc của phòng tiền sảnh, khung cảnh mê hồn từ cửa sổ phòng ngủ, một nhà hàng với thực đơn không hẳn quốc tế cũng không hẳn địa phương nhưng thật sự siêu việt.
      Cần tránh xa những khách sạn với nhân viên tiếp tân ngủ ngáy, thang máy kẹt, rệp, rết, ma quỷ, và những trò bịp bợm.
      Trong khi một tay tiếp tân ngủ ngáy có thể được nhận diện lập tức khi ta bước vào tiền sảnh, thường thì mọi việc đã quá trễ khi khám phá ra mình đang thuê phòng trong khách sạn có ma. Ơn trời, ở nước ta, tỉ lệ khách sạn bị ám bởi những-kẻ-không-còn-ở -với-chúng-ta không cao lắm. Trong tổng số 250.000 phòng khách sạn, tối đa chỉ khoảng 500 phòng bị ma ám. Trong khi chu du quanh đất nước vĩ đại, bé tẹo của chúng ta, tôi đã không tránh khỏi (và rõ ràng) trải qua vài đêm trong những khách sạn ma ám. Tuy khá đáng sợ vào lúc đó, những vụ này đã không gây tổn thương tâm sinh lý vĩnh viễn.
      Kinh nghiệm đầu tiên của tôi với khách sạn ma ám xảy ra khá nhẹ nhàng. Trong phòng ngủ tầng thượng một khách sạn lớn và mắc tiền nhất Hà Nội, tôi bị ma cù suốt đêm. Cứ vừa chợp mắt là có người cù vào chân. Sáng hôm sau khi nghe than phiền chuyện này, thật ngạc nhiên, ban quản lý hoàn lại tôi toàn bộ tiền phòng. Tuy nhiên, họ yêu cầu tôi không bao giờ được nhắc đến tên khách sạn khi kể lại chuyện này. (Thậm chí họ đề nghị tôi nhận thêm tiền để rêu rao rằng sự việc xảy ra trong một khách sạn đối thủ). Khách sạn được xây với phí tổn khổng lồ, nhưng thường chỉ một phần tư số phòng có khách. Họ không muốn để xì chuyện khách sạn bị ma ám. Trước đó vài năm, một đứa trẻ té xuống lỗ thang máy dùng chuyển thức ăn trong khách sạn. Từ đó hồn đứa bé thường về cù chân khách mướn phòng.
      Kinh nghiệm thứ hai xảy ra trong một khách sạn ở Pleiku. Chẳng có lý do gì khiến người ta phải mò lên Pleiku? Nhưng cũng chính vì không có lý do gì để đến Pleiku, tôi đã đi Pleiku. Tôi tin bất cứ nơi nào trên trái đất cũng đáng thăm ít nhất một lần. Sau cả ngày tham quan một nhà thờ tuyệt vời xoàng xĩnh, một ngôi chùa xoàng xĩnh tương đương, và một bưu điện trông giống cái lăng, tôi quay gót về khách sạn Hollywood. Lơ đãng rà qua cả bốn kênh tivi đều tường thuật cuộc họp Đảng ở Hà Nội, tôi quyết định đi ngủ sớm. Tôi chỉ mong rời thành phố sáng mai, hài lòng đã “xong chuyện” với Pleiku.
      Khoảng ba giờ sáng, tôi bất ngờ bị dựng dậy bởi tiếng nhạc rock ầm ĩ. Mặc dù không phải là kẻ ái mộ văn hóa phổ thông Mỹ, tôi cũng đủ quen thuộc với nó để nhận ra giọng gào thét của Joe Cocker. Chắc từ phòng mấy tên Tây Ba Lô, tôi nghĩ. Tiếng nhạc to như thể đang có buổi trình diễn ngay trong phòng tôi. Sau Joe Coker đến Janis Joplin. Rồi Jimi Henrix. Rồi Jefferson Airplane. Tóm lại, như một Woodstock, nhưng tại một vùng sâu vùng xa Việt Nam. Sao chẳng ai than phiền? Sao quản lý khách sạn có thể chấp nhận sự quấy rối như vậy? Đành rằng cần ngoại tệ khách du lịch, nhưng không phải loại khách này. Tôi quyết định tự giải quyết. Tôi nhanh chóng mặc quần áo rồi mở cửa phòng, nhưng cửa đã bị khóa. Trong cơn bực bội tôi vừa đá cửa vừa lay giật nắm đấm. Vài phút trôi qua cho đến khi cửa phòng mở bung. Tiếng nhạc bỗng ngưng bặt. Vài nhân viên khách sạn đang đứng trong hành lang. Giận dữ và kinh ngạc, họ trừng trừng nhìn tôi như một thằng điên.
      Không, chẳng ai nghe rốc riết gì cả. Mấy vị Tây Ba Lô cư xử rất đứng đắn. Chỉ có ông, thưa ngài, đã không giữ được những chuẩn mực cư xử Xã Hội Chủ Nghĩa. Mà này, Jimi Henrix là ai?
      Kinh nghiệm thứ ba của tôi về khách sạn ma ám xảy ra ở Vinh cũng liên quan đến thính giác. Tôi đi Vinh tìm hiểu chuyện cái cây biết đi nổi tiếng. Cây xoài được truyền tụng đã sống cả ngàn năm. Một trong những nhành cây sà xuống sát mặt đất, trổ rễ, thành thân cây mới. Năm tháng qua đi, thân cây cũ co lại. Thế là sau ngàn năm cây xoài “bước đi” một thước.
      Sau khi chụp một bức hình Polaroid cái cây biết đi, tôi thả bộ xuống phố, chẳng thấy gì hay, bèn rút về khách sạn Ốc Đảo Ngôi Sao Phương Bắc, một khách sạn hiện đại xây giống chiếc tàu chở khách bị lật nghiêng.
      Trời chưa chạng vạng, tôi định nằm nghỉ một hai tiếng trước khi xuống ăn tối. Tôi muốn thử chuột đồng nướng, một món ngon địa phương. Thành phố này có đền thờ một con vật gặm nhấm khổng lồ bắt được cách đây hơn thế kỷ. Trong giấc ngủ ai đó gọi tên mình, tôi mở mắt trong căn phòng tối đen. Không biết đang ở đâu, tôi bắt đầu ú ớ. Tôi đang ở đâu? Một giọng nói không giới tính trả lời, dĩ nhiên ngươi đang ở đây. Chẳng hiểu sao, câu trả lời này mang lại cho tôi một nỗi buồn khôn tả. Thậm chí tôi bắt đầu khóc khi đèn trong phòng tự động sáng lên, lôi tôi ra khỏi cơn mê hoảng.
      Chiếc bàn ngủ khiến tôi an lòng. Căn phòng vẫn y nguyên, với một tivi nhỏ trên nóc tủ lạnh nhỏ. Trên tường treo tấm lịch cảnh lâu đài bên bờ hồ Thụy Sĩ.
      Tấm lịch cũ năm ngoái. Khi tôi thắc mắc chuyện này, người ta bảo đây là sáng kiến của viên quản lý, “để khách cảm thấy trẻ một tuổi”.
      Kinh nghiệm thứ tư và cuối cùng của tôi về khách sạn ma liên hệ đến cả thính giác và xúc giác. Tôi là kẻ ghiền chọi trâu và sẵn sàng lặn lội cả ngàn cây số để được xem hai quái vật khổng lồ húc nhau cho đến chết. (Đá gà dành cho bọn ẻo lả sống trong những căn hộ nhỏ.) Đàn ông đích thực đi đôi với những thú hoang thứ thiệt. Dịp đó, tôi đến làng Thị Cầu dự hội chọi trâu hàng năm. Đỉnh cao của ngày hội là bữa tiệc thịt trâu bảy món. Say sưa và thỏa mãn, tôi quay về nhà trọ duy nhất trong thị xã, một nhà khách xơ xác mười phòng đối diện sân banh lồi lõm. Nệm ngủ lún sâu hứa hẹn tấm lưng sẽ ê ẩm vào buổi sáng.
      Trong bóng tối, tôi nằm nghĩ lan man về vị trí đặt biệt của loài trâu trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta nói chuyện với trâu như bạn bè và sáng tác hàng trăm bài thơ về trâu. Chúng ta yêu trâu thắm thiết đến độ tiếp tục dùng chúng cày bừa trong khi nông dân các nước khác đã chuyển sang máy kéo từ lâu. Những ý nghĩ của tôi bị cắt ngang bởi ba tiếng gõ cửa rụt rè. Đã quá nửa đêm. Tôi hỏi lớn, “Ai đó”? Không có tiếng trả lời. Có lẽ vì rượu nên tôi cảm thấy hung hăng khác thường. Tên cứt nào gõ phòng lúc đêm hôm thế này? Bỗng tôi đoán ra có lẽ đây chỉ là một cô gái làng chơi. Rất có khả năng tay tiếp tân đã thông báo cho cô nàng có một tên đực đang trú trong nhà khách tối nay. Trong quá khứ, suốt mấy thế kỷ, nhiều cung nữ đã xuất thân từ làng Thị Cầu này.
      Tôi không phải vua, dĩ nhiên, và đời sống đã đến lúc mà ý nghĩ tình dục thường hấp dẫn hơn hành động tình dục. Nhưng mặt khác, tôi nghĩ, làng này nghèo, có thể mình cũng nên tìm cách đóng góp vào kinh tế địa phương. Tiếng gõ cửa lại rụt rè vang lên. Mặc dù vẫn phân vân không rõ phải ứng xử thế nào với em-gái-bán-hoa-đêm đang đứng bên ngoài, tôi cũng ra mở cửa.
      Người ta nói khi một con ma xuất hiện, nhiệt độ xung quanh sẽ giảm, kèm theo mùi hôi thối, tanh tưởi. Tôi mở cửa, mùi thối mục và một luồng gió buốt phả vào mặt, như thoát ra từ máy lạnh. Tôi bước hẳn ra hành lang nhìn quanh. Một đầu hành lang tù mù là cây chổi và giỏ rác nhựa; đầu kia là bức tranh tường vẽ cảnh Bác Hồ đang cho kẹo một nữ thiếu niên tiền phong. Chẳng có ai xung quanh. Phải thú nhận tôi rất thất vọng khi đóng cửa leo lên giường trở lại.
      Sau khi những suy tư về trâu bò bị cắt ngang, tôi chẳng còn nghĩ được chuyện gì ngoài chuyện mà cách đây vài phút tôi đã được hứa hẹn. Để giải quyết nhu cầu, tôi có thể hồi tưởng lại vài kỷ niêm ân ái đáng nhớ trong cuộc đời dằng dặc của mình. Tôi nhận ra mùi mục thối đã tràn vào và căn phòng trở nên lạnh hơn. Tôi kéo mền lên cổ cố nhớ lại cô bồ đầu tiền, một cô bạn trung học thích nói chuyện kiểu trẻ con, rồi một người đàn bà lớn tuổi hơn đã dậy tôi về bùn và ya-ua, rồi một em có tật hay hỏi, “Em có làm anh đau không” mỗi khi nhồi lên nhồi xuống. Trong khi tự làm nóng mình bằng hồi niệm, tôi linh cảm có sự hiện diện của một vật thể khác dưới mền. Có lẽ mình còn say, tôi lờ đi chuyện đó, tiếp tục điểm danh những cô bồ cũ.
      Khi một chuyện xảy ra trong bóng tối, người ta có thể vờ như không có gì xảy ra. Nhưng trường hợp này khác.Vật thể dưới mền bỗng bắt đầu ôm choàng lấy tôi từ mọi phía. Tôi bị nuốt chửng bởi nó. Từng khoảng da thịt tôi bị một da thịt khác ép chặt vào. Bất kể tôi xoay xở thế nào, sự tiếp xúc toàn phần vẫn tiếp tục. Khối da thịt lạ không ấm mà lạnh, và không có bộ phận cơ thể. Không tay, chân, bụng, vú. Mùi tanh tưởi càng lúc càng nồng nặc, khiến tôi gần ngạt thở. Tuy tất cả giác quan gần như mụ mẫm, nhưng tôi, không biết phải diễn tả thế nào, không phải không cảm thấy khoái lạc. Khi cuộc vật lộn đã đạt đến đỉnh điểm, tôi bị bỏ lại một mình.
      Có lẽ tôi đã được cho cái mà tôi yêu cầu. Tôi cảm thấy tiêu hao và trống rỗng. Ánh trăng lọt vào phòng, tôi có thể nghe tiếng dế và ễnh ương ngoài cửa sổ . Tôi nhắm mắt nhưng suốt đêm không ngủ. Vụ này sẽ đi vào danh sách những cuộc phiêu lưu xác thịt của tôi, để sau này sẽ được hồi tưởng lại trong những khách sạn khác.
       
      (Trích từ Thư Lạ, tuyển tập truyện ngắn Đinh Linh. Phan Nhiên Hạo dịch. NXB Văn Mới, California, 2007)
      #3
        lyenson 07.06.2009 14:53:37 (permalink)
        Hai nhà vua
        (Phan Nhiên Hạo dịch từ nguyên bản tiếng Anh “Two Kings”)


        Ðó là năm 1923, năm đầu tiên của tôi ở Paris, một lần trên xe điện ngầm từ Porte Maillot đến Epinet tôi thấy một người Việt Nam mà tôi nhận ra ngay là vua Khải Ðịnh. Ngày nay ông chỉ còn được nhớ đến nhờ cái lăng bê-tông kém thẩm mỹ ông xây cho chính mình. Khi tôi gặp ông, nhà vua rất gầy, tuy vậy trông vẫn bèo nhèo với những bắp thịt chảy xệ. Khuôn mặt ông giữa màu vàng và xám, như quả chanh bủng.
        Những năm lưu đày đã khiến ông có dáng vẻ một người lãnh đạm, bị ám ảnh. Trông ông như một quý tộc hút thuốc phiện mỗi ngày một lần, chơi tennis mỗi tuần một lần, và tắm biển mỗi năm một lần. Trên cổ tay mảnh khảnh như que diêm, cổ tay một công chúa, ông đeo chiếc đồng hồ mặt vuông to tướng hiệu LeCoultre rẻ tiền. Ðó là một hiện thực khiến tôi vừa xấu hổ vừa nao lòng. Không hề có chiếc nhẫn nào trên những ngón tay xương xẩu. Chuyện khá kỳ cục, tôi nghĩ, đối với một người đàn ông nhiều vợ. Ông không hề nhìn bất cứ ai hay vật gì xung quanh, chỉ nhìn thẳng phía trước. Ông không chớp mắt rất lâu đến nỗi tôi nghĩ có lẽ ông bị mù. Quay cuồng trong óc ông, không nghi ngờ gì, là những ý nghĩ rối bời về đất nước đau buồn. Ông biết lịch sử sẽ phán xét di sản của ông một cách đen tối. Người đàn ông này chỉ là nhà vua con rối, được giật dây bởi những thế lực ngoại quốc, tuy vậy, tôi cảm thấy một tình cảm dịu dàng, thậm chí gần như ngưỡng mộ, đối với ông. Số phận của ông chính là số phận của tôi.
        Sau cùng tôi rời khỏi ghế tiến đến trước mặt nhà vua: “Kính chào hoàng thượng! Ngài phải là vua Khải Ðịnh.” Mắt nhà vua ánh lên vẻ vui sướng tột độ trong một thoáng ngắn ngủi, nhưng rồi ông trả lời tôi bằng tiếng Pháp: “Je suis désolé, mais je ne comprends pas”! Không thể tưởng tượng được. Một nhà vua Việt Nam vờ không hiểu tiếng Việt! Tuy vậy, tiếng Pháp của ông lại tệ hại khủng khiếp. Ông nói tiếng Pháp với giọng miền Trung đặc sệt khiến để lộ gốc gác ngay lập tức. Phải chăng tiếng Pháp tồi tệ của ông là một cách kháng cự có ý thức chống lại cái vị thế bị hạ thấp của ông? Nên nhớ vua Khải Ðịnh chỉ đeo lon đại úy trong quân đội Pháp. Dù sao tôi cũng đã không có thời giờ để phân tâm ông. Tôi nhìn khinh bỉ xuống cái hình hài vặn vẹo. Bị xúc phạm bởi thái độ kinh tởm của tôi, một vệt đỏ chạy loan lên mặt ông, rồi ông lóe nụ cười nhạo biếm. Không muốn tạo cảnh tượng hai người đàn ông Việt trong hai bộ đồ vét tồi tàn la hét vào mặt nhau làm trò cười trước mặt những người Pháp, tôi lẳng lặng quay lại chỗ ngồi. Tôi cảm thấy xấu hổ đến nỗi mắt rướm lệ. Phải nhiều năm sau tôi mới khám phá ra, qua những bức ảnh trên báo chí, rằng người đàn ông tôi gặp trên xe điện ngày hôm đó không phải vua Khải Ðịnh mà là Nguyễn Ái Quốc.
         
        (Trích từ Thư Lạ, tuyển tập truyện ngắn Đinh Linh. Phan Nhiên Hạo dịch. NXB Văn Mới, California, 2007)
        #4
          lyenson 07.06.2009 14:56:22 (permalink)
          Một chuyến bay


          (Phan Nhiên Hạo dịch từ nguyên bản tiếng Anh “A Plane Ride”)
          Vợ tôi sụt sịt, “Làm sao mình biết máy bay nào mà lên”? Nàng trông già xụ khi lo lắng. “Ra phi trường người ta sẽ chỉ mình, em à”. Chính tôi cũng không chắc. Chúng tôi từng đi ghe, rất nhiều ghe, nhưng chưa từng đi máy bay. Chúng tôi cũng từng đi xe đò xuyên Việt.

          Vợ tôi bỏ vô bao ni-lông bưởi, chuối, ya-ua, trứng luộc, gà chiên. Thêm lọ thuốc aspirins, hai chai nước lọc.
          “Bay chỉ một tiếng mà”, tôi nhắc nàng.
          “Người ta nói sao anh nghe vậy hả? Hồi mình đi xe đò, họ nói chừng một ngày, cùng lắm là hai, vậy mà lúc nào cũng mất vài tuần, có khi vài tháng”!
          Dường như chỉ hôm qua chúng ta còn đẩy xe lên đồi. Hôm trước còn bò dưới đất. Ôi chao, phương tiện giao thông phát triển mau lẹ!
          Trên đường đến sân bay chúng tôi phấn khởi với bao dự đoán, cảm xúc mới lạ. Trước đây, với chúng tôi, phi trường không biểu tượng sự giải thoát hay phiêu lưu, chỉ là sự tàn nhẫn của hứa hẹn sống còn. Nó như một cánh cổng lộng lẫy muôn đời chốt chặt, được dựng lên chỉ để bêu rếu chúng tôi, bằng những âm thanh tiệc tùng, như lời đồn đãi, yếu ớt vọng đến từ bên kia.
          Hôm nay khác. Hôm nay chúng tôi lên đường. Chúng tôi sẽ bay lên và thoát khỏi đây. Chẳng bao lâu chúng tôi sẽ khởi hành. Từ “khởi hành” thật êm tai. Từ “đến nơi”, mặt khác, khiến chúng tôi kinh hoảng; quá tập trung vào việc lên đường, chúng tôi quên mất mình sẽ đến một nơi khác. Điểm đến chẳng quan trọng, quan trọng là khởi hành.
          Chúng tôi tiến vào chu vi kỳ diệu của phi trường chẳng gặp rắc rối lớn. Đúng là người ta chỉ máy bay cho chúng tôi. Nhưng trước hết, họ xét coi chúng tôi có mang dao và sách. Họ ngửi giầy và cố nậy những chiếc răng trám. Họ thay phiên dòm vào những kẽ hở. Quả là một phép lạ họ đã không lột truồng chúng tôi trước khi cho phép lên máy bay. Chuyện đó có xảy ra, chúng tôi cũng vui vẻ chấp nhận. Họ giải phóng chúng tôi khỏi những chiếc ví, dĩ nhiên. Một gã giật tấm vé máy bay mới cứng, giả vờ xé ra từng mảnh. Mấy người bà con xung quanh thút thít, bất tỉnh.
          Chúng tôi chưa bao giờ thấy bên trong máy bay. Khoang máy bay này lớn phải cỡ chiếc thuyền Nô-e. Sự kinh ngạc thuyên giảm phần nào khi tôi thấy các bạn đồng hành. Phần lớn luộm thuộm trong quần áo quê kệch, mới may hôm qua đặc biệt giành cho chuyến đi: áo vét bên ngoài đồ bộ hoa, áo thun và váy mặc ngược… Hy vọng vợ chồng tôi nhìn không đến nỗi ngáo cỡ đó. Không phải ai cũng xứng đáng với số phận may mắn, vậy mà tất cả đều có mặt.
          Bước đi trên thảm mịn, xung quanh những chiếc ghế êm ái, chúng tôi coi như đã đổi đời. Chúng tôi hết sức ngượng ngùng nhưng tràn trề hy vọng. Sang trọng này nhất định chỉ là khởi đầu cho nhiều sang trọng hơn trong tương lai. Những nhựa cứng, những đèn dịu, những nhựa mềm. Nếu bị nhốt cả đời trong máy bay, chúng tôi cũng không buồn. Chúng tôi cảm thấy tuyệt đối an toàn. Bất khả xâm phạm. Ngay cả phi nếu cơ nổ tung trên trời hay đâm đầu xuống biển, chúng tôi cũng đạt được mộng lớn rồi. Dĩ nhiên chúng tôi còn nghi ngờ. Làm sao một vật to thế này bay lên được?
          Trước khi kịp nhận thức mọi chuyện, chúng tôi đã bị buộc vào số phận mới. Nguời đàn ông phía trước bật lưng nghế, ngả đầu lên đùi tôi. Tôi cưỡng lại thôi thúc tự nhiên muốn vuốt ve chiếc trán nhăn, hệt như trán ba tôi. Một âu yếm sai lầm có thể dẫn đến hậu quả thảm khốc, tôi tự nhủ. Người đàn ông mặc bộ vét bóng và có vẻ viên chức nhà nước. Đúng y chang, mở tờ báo, tôi thấy hình ông ta nơi trang nhất đang cắt băng khánh thành. Cả trên giấy và trong đời, ông nhe răng dọa tôi. Vợ tôi không chú ý đến nỗi đe dọa vừa tái sinh. Sau nhiều năm, lần đầu tiên lâng lâng, nàng cười rúc rích, lột một trái chuối.
          Một phụ nữ đồng phục nâu chỉ dẫn chúng tôi trong trường hợp máy bay rơi. “Giày của quý vị sẽ chìm nhưng nón quý vị sẽ nổi”, cô ta thông báo. “Nhưng đừng làm xấu hổ chúng tôi”, cô ta bất ngờ gầm gừ, gằn giọng vốn the thé, “sau khi xuống máy bay”.
          Vợ tôi lột trái chuối thứ hai. Tôi xơi một cánh gà, một ya-ua, một trứng luộc. Tôi tợp nhanh một ngụm từ chai whiskey bé tẹo mua ở quầy lưu niệm phi trường. Bất ngờ phi cơ gầm lên trên đường băng. Vợ tôi bịt tai kêu thét. Máy bay nhấc đầu. Nó lên rồi! Không tin được! Chúng tôi thoát rồi! Thật thoát rồi! Trong cơn nôn nao dữ dội, tôi mửa tưới lên chiếc đầu lộn ngược đang gối trên đùi mình.
          Từ trên trời, thành phố của chúng tôi nhìn tuyệt đẹp. Ở dưới đất nó chỉ là một hầm phân.
          Mặt trời rạng rỡ trên sông bạc. Nhà cửa bé xíu. Người ta bé xíu. Đau khổ của họ cũng bé xíu.
          Tất cả chiến tranh và bệnh tật dưới đó. Tất cả bất hạnh dưới đó. Sau cùng, chúng tôi ở trên mây. Quả đất thật sự tròn. Chỉ điều đó thôi cũng đủ khiến ta ngây ngất. Sau cùng, chúng tôi bình yên. Nhiều người vỗ tay, vài người không giấu được nước mắt. Tôi ôm chặt vợ. Suốt hai mươi lăm năm có lẽ, lần đầu tiên chúng tôi hôn nhau.
           
          (Trích từ Thư Lạ, tuyển tập truyện ngắn Đinh Linh. Phan Nhiên Hạo dịch. NXB Văn Mới, California, 2007)
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9