NHỮNG BÀI THƠ TÔI YÊU!
Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 4 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 46 bài trong đề mục
duongquoctam 19.06.2009 17:08:04 (permalink)
Tôi đã rất yêu bài thơ " Hoa trắng thôi cài lên áo tím" của Thi sĩ Kiên Giang.

Lối xưa tay trắng đi về...
THANH NGỌC


          Nhà thơ Kiên Giang đọc diễn văn chống đàn áp báo chí, kêu gọi dân chủ, dân sinh, chống chiến tranh xâm lược. Ảnh: TL năm 1974
          Suốt quãng đời hơn nửa thế kỷ đầy sôi nổi của mình, nhà thơ Kiên Giang vẫn cứ nghèo, vẫn kiếp ở trọ, sống nhờ vào sự cưu mang của những văn nghệ sĩ Sài Gòn...
          Hơn nửa thế kỷ bôn ba ở Sài Gòn viết báo, soạn tuồng cải lương, hoạt động cách mạng, làm thơ..., cuối cùng nhà thơ Kiên Giang quyết định về quê vợ ở Long Xuyên để sống tiếp những ngày còn lại của đời mình. Gặp nhau, thay cho câu trả lời về sức khỏe, ông hồ hởi khoe: “Tui vừa ra Huế dự đám giỗ nhạc sĩ Châu Kỳ”. Gợi lại bài thơ Hoa trắng thôi cài lên áo tím, ông bùi ngùi: “Ký ức màu hoa, sắc áo vẫn vẹn nguyên. Trong túi áo lúc nào tui cũng giữ hình ảnh của người xưa. Tình yêu bao giờ cũng đáng tôn thờ!”.


Tình yêu sống mãi với thơ ca


          Từ 50 năm trước, bài thơ Hoa trắng thôi cài lên áo tím của nhà thơ Kiên Giang đã làm xúc động bao trái tim yêu thơ. Thi phẩm này là niềm tự sự của mối tình đầu đời dung dị nhưng trường cửu giữa ông với cô gái xóm đạo ngoan hiền. Ông kể, ông vốn nhút nhát trong chuyện gái trai. Năm 1942, gia đình cho ông từ Kiên Giang lên Sài Gòn học tư thục. Một năm sau vì khó khăn, ông phải về học ở Cần Thơ cho gần. Trong lớp có cô bạn xóm đạo tên Tám Nhiều giỏi toán, chữ đẹp mà người lại nết na, lúc nào cũng cài một cành hoa trắng lên áo bà ba tím. Ông vốn giỏi văn chương nên được các thầy giao phụ trách tờ báo Ngày Xanh của trường. Tám Nhiều cũng được giao phần viết chữ. Xúc cảm ban sơ nảy nở, rung động đầu đời đơm hoa, ông thầm yêu cô bạn chung lớp tự lúc nào không hay.


Nhà thơ-soạn giả cải lương Kiên Giang. Ảnh: THANH NHÃ


          Mối tình như trái xanh còn chưa kịp chín thì Cách mạng Tháng Tám nổ ra. Ông về lại quê tham gia phong trào kháng Pháp trong tổ chức Thanh niên cứu quốc Rạch Giá rồi làm báo Tiếng súng kháng địch, vừa làm thơ vừa làm phóng viên chiến trường.
          Ngót mười năm sau, một lần tình cờ, ông gặp lại người quen cũ vốn là bà con với người bạn gái xưa, được cho biết người ấy vẫn còn chờ đợi mình. Trớ trêu thay, ông đã yên bề gia thất từ sự sắp đặt của gia đình. Năm sau, ông về Sài Gòn làm báo rồi quay ngược về thăm Tám Nhiều. Sau lần gặp lại đầy kỷ niệm ấy, Tám Nhiều lên xe hoa. Nhà thơ Kiên Giang viết bài thơ Hoa trắng thôi cài lên áo tím năm 1958 như đưa tiễn mối lương duyên không trọn vẹn.
          Ngay từ khi vừa ra đời, bài thơ đã thu hút hàng triệu người yêu thích, rồi lưu truyền trong hàng triệu quyển lưu bút, sổ thơ của bạn trẻ thời bấy giờ. Không những thế, khi bài thơ được nhạc sĩ Huỳnh Anh - con trai danh cầm Sáu Tửng phổ nhạc, cái tên Kiên Giang đã lộng lẫy trên thi đàn Việt Nam.
          Năm 1995, khi cùng Hãng phim TFS về Cần Thơ làm phim, ông mới hay tin bà Tám Nhiều đã qua đời. Từ đó đến nay, mỗi năm ông đều về Cần Thơ thăm mộ người yêu cũ.


Gia tài người nghệ sĩ tài hoa
 
          Ông nói mình tay trắng ra đi, trở về vẫn hoàn tay trắng. Thế nhưng ít ai biết ông đã có một gia tài lớn hơn mọi của cải, một cuộc đời đầy sôi nổi, khát khao. Đó là những bài thơ nổi tiếng, những vở cải lương đẫm chất thi ca góp phần làm nên tên tuổi nhiều nghệ sĩ cải lương, những bài báo phản chiến, kêu gọi tinh thần yêu nước làm đau đầu nhà cầm quyền chế độ cũ...
          Năm 1955, thời Sài Gòn bị tạm chiếm, ông lăn xả trên các mặt trận báo chí để chống lại chính quyền tay sai. Chính quyền Sài Gòn cũ vì thế bắt đầu chú ý đến Kiên Giang. Một lần, ông bị bắt cùng soạn giả Ngọc Linh. Trong tù, dù bị tra tấn đánh đập dã man, Kiên Giang vẫn âm thầm chịu đựng và tiếp tục làm thơ đợi ngày ra tù... Ông kể, một lần anh trung úy ngụy hỏi ông viết bằng tay nào. Ông bảo tay phải, anh ta đánh vào tay trái với lý do “để ông tiếp tục viết thơ, viết báo”. Không chỉ vậy, nhiều bà vợ sĩ quan biết ông là nhà thơ nổi tiếng đã lén cho người mua muối đem vào cho ông sát trùng vết thương.
          Nhận thấy số phận mình đầy bất trắc trong vòng kiềm tỏa của chính quyền Sài gòn, mấy năm sau Kiên Giang gửi vợ con về quê. Còn lại một thân một mình vừa làm cách mạng, vừa bươn chải với cuộc sống khó khăn, Kiên Giang mày mò viết tuồng cải lương. Ông nói, làm thơ thời nào cũng không đủ sống, viết tuồng để cải thiện chi tiêu.
          Nói mày mò thật không ngoa bởi Kiên Giang đã vất vả, nỗ lực đưa thơ vào tuồng để làm mới loại hình nghệ thuật sân khấu miền Nam. Vì thế những vở tuồng của ông như Áo cưới trước cổng chùa, Người đẹp bán tơ, Ngưu Lang - Chức Nữ... được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt, vở Người vợ không bao giờ cưới của Kiên Giang còn đưa tên tuổi nghệ sĩ Thanh Nga vang danh với giải thưởng Thanh Tâm.
          Năm 1974, chính quyền Sài Gòn ra sức đàn áp báo chí, bắt bớ nhà báo chống chiến tranh, buộc báo chí đóng tiền ký quỹ cao ngất trời... Kiên Giang cùng với 17 nhà báo khác xuống đường tham gia phong trào “Ký giả ăn mày”. Báo Điện Tín số ra ngày 10-10-1974 giật tít lớn Thi sĩ Kiên Giang bị đánh kể lại vụ việc ông đã giật biểu ngữ của chính quyền rồi bị đánh đập dã man bằng gậy bốn phân vuông...


Nẻo về long đong...
 
          Sau ngày thống nhất đất nước, nhà thơ Kiên Giang tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, sân khấu. Ông được đề cử làm phó đoàn ca kịch Thanh Minh - Thanh Nga rồi chủ nhiệm Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm. Năm 1993, dù nghỉ hưu, nhà thơ Kiên Giang vẫn cùng các nhạc sĩ Mai Thành, Văn Bền... tiếp tục đi dạy ca cổ, dạy đàn cho học sinh trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu.
          Suốt quãng đời hơn nửa thế kỷ đầy sôi nổi của mình, nhà thơ Kiên Giang vẫn cứ nghèo, vẫn cứ kiếp ở trọ, nay đây mai đó và sống nhờ vào sự cưu mang của những văn nghệ sĩ Sài Gòn. Hai tháng trước, ông được Ban ái hữu nghệ sĩ cho về ở tại trụ sở của ban trong tình cảnh không vợ, không con, không gia đình...
          “Lay lắt Sài Gòn đủ rồi, tháng 3 này ra tập thơ Lối mòn xe trâu nữa là về quê viết hồi ký để ghi lại quãng đời của mình. Hai công trình này cũng là cách mình tạ ơn những nơi đã cưu mang, tri ân cha mẹ đã vun đắp tâm hồn mình bằng ống thổi lửa, bằng dây chọi cột nhà” - ông tâm sự.
          Đối với nghệ sĩ, chỉ cần một tác phẩm để đời đã là hạnh phúc, nhà thơ Kiên Giang có quá nhiều sáng tác lưu danh. Nhưng chuyện cơm áo đã không còn đùa chơi được nữa với một con người tài hoa nhiều long đong. Nghệ sĩ âu cũng là con người - Ai cũng cần có một lối về.

Nhà thơ-soạn giả Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, sinh ngày 17-2-1929 tại Kiên Giang. Ông còn có các bút danh khác như Hà Huy Hà, Nam Bình... Kiên Giang là bút danh làm thơ viết cho quê hương và đề tài phản chiến. Lối mòn xe trâu có thể là tập thơ cuối cùng gồm khoảng 50 bài thơ do chính ông chọn lọc và hiệu đính.
Nguồn:http://www.phapluattp.vn/news/can-canh/view.aspx?news_id=242061




HOA TRẮNG THÔI CÀI LÊN ÁO TÍM
 
 
                                   KIÊN GIANG

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa xoá không gian
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương, nóc giáo đường
 
Mười năm trước, em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

Trường anh ngó mặt giáo đường
Gác chuông thương nhớ lầu chuông
U buồn thay ! Chuông nhạc đạo
Rộn rã thay ! Chuông nhà trường

Lần kia anh ghiền nghe tiếng chuông
Làm thơ sầu mộng dệt tình thương
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thùng, anh đứng lại không đi

Sau mười năm lẻ anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm khối tuyệt tình
- Hoa trắng thôi cài lên áo tím
Thôi còn đâu nữa tuổi băng trinh

Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang, cách mấy sông
Anh vẫn yêu em người áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ tà áo tím, người yêu cũ
Giữ cả lầu chuông, nóc giáo đường

Mặc dù em chẳng còn xem lễ
Ở giáo đường u tịch chốn xưa
Anh vẫn giữ lầu chuông gác thánh
Nghe chuông truy niệm mối tình thơ

Màu gạch nhà thờ còn đỏ thẫm
Như tình nồng thắm thuở ban đầu
Nhưng rồi sau chuyến vu quy ấy
Áo tím tình thơ đã nhạt màu

Ba năm sau chiếc xe hoa cũ
Chở áo tím về trong áo quan
Chuông đạo ngân vang hồi vĩnh biệt
Khi anh ngồi kết vòng hoa tang

Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh
Từng cài trên áo tím ngây thơ
Hôm nay vẫn đoá hoa màu trắng
Anh kết tình chung gởi xuống mồ

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Không còn đứng nép ở lầu chuông
Những khi chuông đổ anh liên tưởng
Người cũ cầu kinh giữa thánh đường

"Lạy Chúa con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ở trên cao
Trong lòng còn giữ màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi !"

#1
    duongquoctam 20.06.2009 02:28:55 (permalink)
    Máu chảy trên đường phố        


    (Làm sau cuộc biểu tình của học sinh tại Sài Gòn - Chợ Lớn ngày 19-1-1950)


    Những học sinh của Sài Gòn - Chợ Lớn
    Bước chân tơ ngày hai buổi tới trường
    Lắng tai nghe sóng gió dậy ngàn phương
    Ôi! Bực bội! Bốn bức tường nhỏ hẹp!
    Ngoài kia vang sắt thép?
    Ngoài kia rực ánh vàng son?
    Ngoài kia vui? Sao đây sầu vạn kiếp?
    Nắng ngoài kia? Đây lạnh buốt tâm hồn?
    Là những mầm non
    Hoa chờ trái đợi
    Hồn trong trắng thơm tho trang vở mới,
    Bàn tay mềm như mái tóc tơ xanh
    Đàn chim non bay mát rượi kinh thành
    Trao hứa hẹn giữa nụ cười kết bạn.
    Mùa thu năm bốn lăm
    Toàn dân làm cách mạng
    Sao vàng mọc, núi sông trào ánh sáng
    Khắp đô thành nhảy múa một màu son
    Hạnh phúc về quy tụ giữa tim non
    Hoa độc lập hẹn thơm mùa giải phóng.



    Giặc Pháp thừa cơ
    Đem binh chiếm đóng
    Chợ Lớn - Sài Gòn hỗn loạn bóng xâm lăng
    Dân chúng âm thầm
    Nuốt hờn ngậm nhục
    Trong tay giặc, nghiến răng không khuất phục
    Giữa đêm dày hồn vẫn thắm cờ son.
    Những học sinh của Sài Gòn Chợ Lớn
    Lắng tai nghe sóng gió dậy ngàn phương
    Bước chân tơ ngày hai buổi tới trường
    Mà cảm thấy như mình đi lạc lối
    Ôi! Khao khát hoa rừng thơm nước suối
    Ôi! Thèm nghe chim hót sáng bình minh
    Cha chúng ta trong những chiến khu xanh
    Mài gươm bén đêm đêm truy kích giặc
    Các anh ta vượt Trường Sơn ra Việt Bắc
    Bác ngoài kia khuya sớm vọng về Nam…
    Mà ở đây trong vuốt giặc hung tàn
    Nghẹt thở quá! Họng muốn trào máu đỏ.
    - “Lũ giặc nước lại ra tay khủng bố
    Lại giam cầm các bạn của ta sao?
    Không! Không! Không! Không! Chẳng có khi nào!
    Hãy trả lại cho ta năm bạn ấy!
    Ta có bạn và tim ta máu chảy
    Anh em ơi! Làm một cuộc biểu tình!
    Máu Việt Nam là dòng máu xuân xanh
    Kết hợp lại, hiền hòa, trật tự…”
    Nhưng đế quốc là một bầy thú dữ
    Bọn bù nhìn là một lũ chó săn
    Với chúng ư? Đâu còn có công bằng
    Đâu nhân đạo và đâu là luật pháp?
    Giương nanh vuốt chúng thản nhiên đàn áp,
    Máu học sinh tuôn đổ giữa châu thành
    Máu nhuộm tóc xanh
    Máu loang áo lụa
    Máu nhòe má đỏ
    Máu bết môi non
    Em mười lăm tuổi mới chớm trăng tròn
    Đầu vỡ nát, óc văng đầy trộn cát
    Súng sáu, liên thanh, lưỡi lê, ma trắc
    Giặc reo cười, đạp, bắn, giết như mưa
    Cánh tay mềm, đôi mắt sáng, ngực non tơ
    Bọn Pháp Mỹ xả vào, man rợ!
    Em ngã xuống rồi
    Chị xông lên đỡ
    Tiếng thét tiếng la
    Căm hờn giãy giụa.
    Rời vú mẹ miệng vẫn thơm mùi sữa
    Mới sáng nay còn đầm ấm giữa gia đình
    Vì đế quốc các em giờ tắt thở
    Đời các em như tia nắng bình minh
    Bỗng vụt tắt bởi bàn tay lũ giặc.
    Các bạn học sinh
    Chịu cơn tàn sát
    Máu các bạn đổ nhiều
    Chúng hả hê ca hát
    Miệng sài lang vẫn khát máu thanh niên.
    Các em đôi mắt dịu hiền
    Chan hòa lửa hận
    Khăng khít kinh hoàng
    Tình thương nỗi giận.
    Ngực các em đầy đốm máu hồng tươi
    Như những tấm huy chương rực rỡ chói ngời
    Những huy chương tranh đấu
    Lịch sử muôn đời
    Những anh hùng đất nước
    Chưa tới tuổi hai mươi.
    Môi mím chặt mà các em không khóc
    Chân không run mà tay chẳng rời tay
    Giữa Sài Gòn Chợ Lớn, giữa ban ngày
    Đem tuổi thơ sinh các em đi phá ngục…
    Dòng máu xuân xanh
    Chói màu bất khuất
    Đường phố chuyển mình
    Thấm sâu lòng đất
    Cả non sông rung chuyển khối căm thù.



    Người ở chiến khu
    Lòng đau kính mến
    Mắt đăm đắm phía kinh thành tạm chiếm
    Lệ muốn trào mà lửa hận bừng sôi
    Lửa bốc cao ngang với lửa mặt trời
    Lệ không chảy mà lòng dâng biển hận
    Bọn đế quốc, lũ bù nhìn, quân khốn nạn
    Tới ngày cùng uống cả máu thơ sinh
    Một ngày kia ta giải phóng kinh thành
    - Tiến lên! Các bạn!
    Bọn đế quốc, lũ bù nhìn, quân khốn nạn
    Phải tan thành cát bụi dưới chân ta!
    Hỡi quân thù, loài lang chó thối tha!
    Mi phải chết, phải đền bao tội ác
    Bọn quỷ cùng đường
    Dã man hèn nhát
    Giết học sinh không vũ khí trong tay
    Giết học sinh trên đường phố giữa ban ngày
    Cả nhân loại sẽ nghìn đời vạn kiếp
    Nguyền rủa chúng bay!
    Các bạn học sinh ơi!
    Những tương lai đất nước
    Thù hận dường này
    Các bạn làm sao quên được!
    Thù hận dường này
    Dân tộc làm sao quên được!



                             Nguyễn Bính

    #2
      duongquoctam 20.06.2009 02:39:12 (permalink)
               GHEN!

      Cô nhân tình bé của tôi ơi!
      Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười
      Những lúc có tôi, và mắt chỉ
      Nhìn tôi những lúc tôi xa xôi.

      Tôi muốn cô đừng nghĩ tới ai,
      Đừng hôn dù thấy bó hoa tươi,
      Đừng ôm gối chiếc đêm nay ngủ,
      Đừng tắm chiều nay biển lắm người.

      Tôi muốn mùi thơm của nước hoa.
      Mà cô thường xức, chẳng bay xa
      Chẳng làm ngây ngất người qua lại,
      Dẫu chỉ qua đường khách lại qua.

      Tôi muốn những đêm đông giá lạnh
      Chiêm bao đừng lẩn quất bên cô.
      Bằng không, tôi muốn cô đừng gặp
      Một trẻ trai nào trong giấc mơ.

      Tôi muốn làn hơi cô thở nhẹ,
      Đừng làm ẩm áo khách chưa quen
      Chân cô in vết trên đường bụi,
      Chẳng bước chân nào được giẫm lên.

      Nghĩa là ghen quá đấy mà thôi,
      Thế nghĩa là yêu quá mất rồi,
      Và nghĩa là cô và tất cả,
      Cô, là tất cả của riêng tôi.

                                Nguyễn Bính
      #3
        duongquoctam 20.06.2009 02:49:23 (permalink)
          Truyện cổ tích



        Em ạ! Ngày xưa vua nước Bướm
        Kén nhân tài m
        ở Điệp lang khoa
        Vua không lấy trạng, vua thề thế
        Con bướm vàng tuyền đậu Thám hoa.

        Vua liền gọi gả con gái yêu
        Nàng đẹp như em, chả nói điêu
        Vua nuông hai vợ chồng phò mã
        Cho nhởn xem hoa sớm lại chiều.

        Một hôm hai vợ chồng quan Thám
        Mê mải xem hoa lạc lối về
        Vợ khóc: "Mình ơi! Em hãi lắm!"
        Trời chiều lạc lối tới vườn lê.

        Vườn đầy hoa trắng như em ấy
        Bỗng một bà tiên hiển hiện ra
        Sao mà đẹp thế! Tiên mà lại!
        Nữ chúa vườn lê đi thăm hoa.

        Bà thấy vợ chồng con bướm dại
        Sụt sùi ngồi khóc dưới hoa lê
        Đến bên âu yếm bà thương hại:
        "Ý hẳn hai con lạc lối về?

        "Đây về nước Bướm đường thì xa
        "Về tạm nhà ta ngủ với ta
        "Có đủ chăn thêu cùng gối gấm
        "Có nhiều bánh ngọt ướp hương hoa...

        Đêm ấy chăn êm và gối êm
        Vợ chồng ăn bánh với bà tiên
        Ăn xong thoắt chốc liền thay lốt
        Chồng hoá làm anh, vợ hoá em.



                                      Nguyễn Bính

                                             1938
        #4
          duongquoctam 20.06.2009 03:13:42 (permalink)
          Dối lòng

          Xé bao nhiêu lụa rồi,
          Em không cười một miệng.
          Đốt bao nhiêu lửa rồi,
          Em không lên một tiếng

          Lòng anh như lụa đây,
          Tình anh như lửa đấy
          Bao Tự ngày xưa em!
          Nàng dễ chiều biết mấy!

          Trên đường môi nho nhỏ
          Trên màu môi hồng hồng,
          Cái gì anh đã thấy.
          Hình như là mùa đông?

          Hương lầu hoa chìm chìm...
          Cửa lầu hoa vẫn đóng
          Có khác gì môi em!
          Cơ hồ anh tuyệt vọng.

          Có khác gì lòng em,
          Cửa lầu hoa vẫn đóng.
          Nghe hồn anh chìm chìm...
          Nghe buồn anh rộng rộng

          Một toán quân khát nước
          Đương đi tìm rừng mơ,
          Sao em không bắt chước
          Nói dối như người xưa?

          Anh dối lòng anh mãi
          Rằng đây là rừng mơ.
          Anh dối lòng anh mãi
          Rằng em là Nàng Thơ.
          Anh dối lòng anh mãi:
          "Em sắp cười bây giờ!"
                         Nguyễn Bính
          #5
            duongquoctam 20.06.2009 03:21:55 (permalink)
            Đêm cuối cùng

            Hội làng mở giữa mùa thu
            Giời cao gió cả giăng như ban ngày
            Hội làng còn một đêm nay
            Gặp em còn một lần này nữa thôi
            Phường chèo đóng Nhị Độ Mai
            Sao em lại đứng với người đi xem?
            Mấy lần tôi muốn gọi em
            Lớp Mai Sinh tiễn Hạnh Nguyên sang Hồ.

            Tình tôi mở giữa mùa thu
            Tình em lẳng lặng kín như buồng tằm.

                                            Nguyễn Bính
            #6
              duongquoctam 20.06.2009 07:54:54 (permalink)
              Lạy trời cấm cửa rừng mai

              Tháng mười nàng bỏ khăn tang,
              Giờ đi cánh cửa lầu trang mở rồi.
              Tú Uyên! Nàng Tú Uyên ơi!
              Nàng còn nhớ đến con người ấy đâu!
              Bao nhiêu xứ bướm qua lầu,
              Nàng toan gieo quả kim cầu cho ai?

              Lạy trời cấm cửa rừng mai,
              Để nàng đan áo lấy vài mùa đông.
              Trong triều thi cử vừa xong,
              Trạng nguyên tôi đỗ kiệu hồng tôi sang.
              Quả kim cầu ở tay nàng
              Làm sao lại ở giữa bàn tay tôi...
                                 Nguyễn Bính
              #7
                duongquoctam 20.06.2009 07:57:04 (permalink)
                Dòng dư lệ

                                                                 Tặng T.T.KH

                Cho tôi ép nốt dòng dư lệ
                Rỏ xuống thành thơ khóc chút duyên
                                                        T.T.KH

                Gió đưa xác lá về đường
                Thu sang nhuộm cả sầu thương một trời
                Sầu thương nhuộm lấy hồn tôi,
                Đêm qua ngồi đọc thơ người xa xăm.

                Một ngàn năm, một vạn năm,
                Con tằm vẫn khiếp con tằm vương tơ.
                Tặng người gọi một dòng thơ
                Hay là dòng nước mắt thừa đêm qua?

                Đường về Thanh Hoá bao xa
                Bao giờ ra nhớ rủ ta với, Chàng!
                Bảo rằng quan chẳng cho sang
                Ai đời quan cấm đò ngang bao giờ!

                Vườn Thanh qua đấy năm xưa
                Trọ nhờ đêm ấy trời mưa tối trời
                Quanh lò sưởi ấm, bên tôi,
                Bên người lão bộc đương ngồi quay tơ

                Tuổi nàng năm ấy còn thơ
                Còn bao hứa hẹn đợi chờ một mai.
                (Rồi đây bao gió bụi đời,
                Tôi quên sao được con người vườn Thanh)

                Lạnh lùng canh lại sang canh,
                Lòng tôi thao thức với tình bâng quơ.
                Bởi sinh lạc kiếp giang hồ,
                Dám đâu toan tính xe tơ giữa đường.

                Thu sang rồi lại thu sang
                Cúc bao lần nở, lá vàng bao rơi?
                Bao nhiêu vật đổi sao dời?
                Đường bao dặm thẳm! Hỡi người bốn phương!
                Trọ bao nhiêu quán bên đường,
                Nhưng không lần nữa qua vườn Thanh xưa.
                Cô nàng năm ấy quay tơ.
                (Tôi quên sao được!) Hẳn chưa lấy chồng.
                Một hôm lòng lại nhủ lòng:
                Nơi đây giáp với cánh đồng vườn Thanh.
                Rồi tôi len lén một mình,
                Ra đi với một tấm tình hay hay.
                Đường mòn tràn ngập bông may,
                Gió heo báo trước một ngày thu sang.
                Dừng chân trước cửa nhà nàng.
                Thấy hoa vàng với bướm vàng hôn nhau.
                Tìm nàng chẳng thấy nàng đâu.
                Lá rơi lả tả bên lầu như mưa...
                Chợt người lão bộc năm xưa,
                Từ đâu mang mảnh guồng tơ lại nhà
                Một hai xin phép ông già,
                Trọ nhờ đêm ấy, nữa là hai đêm.
                Ông già nể khách người quen.
                Ngậm ngùi kể lại một thiên "hận tình"
                Rồi ông kết: (giọng bất bình)
                "Trời cay nghiệp thế cho đành! Thưa ông.
                Cô tôi nhạt cả môi hồng,
                Cô tôi chết cả tấm lòng ngây thơ.
                Đâu còn sống lại trong mơ,
                Đâu còn sống lại bên bờ sông yêu?
                Buồng the sầu sớm thương chiều.
                Khóc thầm biết có bao nhiêu lệ rồi.
                Tơ duyên đến thế là thôi!
                Thế là uổng cả một đời tài hoa.
                Đêm đêm bên cạnh chồng già,
                Và bên cạnh bóng người xa hiện về..."
                Rùng mình tôi lại gạt đi:
                "Già ơi! Thảm lắm! Kể chi dài dòng?
                Cháu từ mắc số long đong,
                Yêu đương chìm tận đáy lòng đã lâu.
                Đau thương qua mấy nhịp cầu,
                Cạn dòng nước mắt còn đâu khóc người!

                "Dối già một chút mà thôi,
                nghe lời già kể cháu mười đêm luôn
                Chợt thương, chợt khóc, chợt buồn,
                Cháu như một kẻ mất hồn, già ơi!"

                Truyện xưa hồ lãng quên rồi,
                Bỗng đâu xem được thơ người vườn Thanh.
                Bao nhiêu oan khổ vì tình,
                Cớ sao giống hệt chuyện mình gặp xưa?
                Phải chăng? Mình có nên ngờ,
                Rằng người nǎm ngoái bây giờ là đây?
                                Nguyễn Bính
                #8
                  duongquoctam 20.06.2009 12:28:10 (permalink)
                  Hàn Mặc Tử (1912-1940)

                  Nhà thơ với cuộc đời đau thương có một không hai này, tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22-9-1912 ở Lệ Mỹ (Đông Hới). Ông làm thơ từ thuở nhỏ. Lấy hiệu là Phong Trần và Lệ Thanh, trong những năm 16 tuổi. Vốn ở Qui Nhơn từ nhỏ. Cha mất sớm, nhà nghèo. Học đến năm thứ ba ở trường Qui Nhơn, kế đó mắc bịnh hủi, đưa vào nhà thương Qui Hòa rồi mất ở đó, ngày 11-10-1940.

                  Ông từng chủ trương tờ phụ trương văn chương báo Saigon mới đổi hiệu là Hàn Mặc Tử.

                  Đã đăng thơ: Phụ Nữ Tân Văn, Saigon, Trong Khuê Phòng, Đông Dương Tuần Báo, Người Mới.

                  Đã xuất bản: Gái quê (1936), Thơ Hàn Mặc Tử (1959) gồm có: Thơ Đường Luật, Gái Quê, Đau Thương, Xuân Như Ý.

                  Tất cả các thi phẩm nầy được nhà xuất bản Tân Việt in lại (1959). Càng ngày thơ Hàn Mặc Tử càng được phổ biến rộng và có nhiều người say sưa. Phần nhiều những người mê thơ Hàn Mặc Tử, lớp thanh niên ngày nọ... thường lê thê lếch thếch ở cá hè quán dơ bẩn và điên loạn... họ điên loạn để tỏ ra giống Hàn Mặc Tử, họ bày đặt đau thương khốn đốn, thơ thì dùng chữ cho sáo, cho kêu, tiếc rằng không tìm được một HànMặc Tử thứ hai để cho mình chiêm ngưởng.

                  Ngày nào còn bình tỉnh tôi chỉ thích đọc thơ Xuân Diệu, thơ Lưu Trọng Lư với những linh hồn sầu mộng muôn đời đó, cũng như những người làm thơ hôm nay... cái nhẹ và cao sâu của Trần Dạ Từ, Đỗ Qui Toàn và những bài thơ lục bát của Trần Đức Uyển vậy... nhưng, lúc tỉnh cũng như lúc điên... giòng thơ Việt với đôi hình sắc lạ thường rẻ thành hai nẻo... cùng hướng vọng về ân sủng của Thượng Đế, chỉ có Huy Cận ngày xưa, không cầu mong Thượng Đế điều gì, vì thi nhân mang cả cái linh hồn trần gian nầy mà trả lại cho Người. Nhưng đến lúc sầu hận điên đảo khôn nguôi, tôi trở về với Ôn Như Hầu... với Chế Lan Viên... và nhất là với Hàn Mặc Tử. Thơ không vốn để vỗ về lấy đau thương của ai cũng không phải để nói lên cái đau khổ, mà để tạo lập một vũ trụ một cõi mới lạ... điều nói của Loài Người cả đấy thôi... thì dù ở đâu, ở hoang đảo nào, ở một thế giới nào đi nữa, chúng ta vẫn cắm lều cô độc, chúng ta vẫn đến cái đỉnh chót vót của tâm hồn tẻ quạnh của ta và chừng đó hoặc là trở về cô độc bằng thái độ sống, nếu không, thì chúng ta sẽ điên, điên như Chế Lan Viên, kinh dị như Hàn Mặc Tử và sau này trên một nguồn đó còn có nhà thơ Viên Linh với Hóa Thân xuất bản vừa rồi.

                  Nhà thơ đi lọc ánh sáng để gieo vần, đơn độc đẩm mình trong suối ngọc cỏ thơm, trong niềm đau thương xô đẩy đến một thế giới trăng sao lộng lẫy. Thi ca là nguồn suối ở trên cõi siêu hình đảo lộn cả mọi suy tưởng đậm đà của tình nhân gian sầu mộng. Ở đó chỉ có linh hồn thi nhân và trân châu ngọc bích của Thượng Đế. Ở đó sự kỳ lạ được nhà thơ điểm vào óng ánh tinh khí, thực thể trơ thành huyền hoặc lý lẽ cõi đời không có đất nẩy mầm, cõi điên loạn dị thường được soi trong cặp kính của một vì Sáng Thế, được gảy bởi cung đàn thiên tiên bất tuyệt.

                  Từ lắng nghe niềm đau thương vọt máu của sự tình đến khao khát ân ái của nhục thể, từ lang thang cô đơn ở trong xã hội gọi là chỗ hợp quần này tương trợ và thông cảm này... rốt lại chỉ còn vò võ từng đêm, hoảng hốt và đau buốt xương da từng đêm trong bệnh viện Qui Hòa. Từ cõi bị đày này, thi nhân xưa vẫn là người tiên ở thượng giới cho đến cõi tạm bợ đày đọa này, rồi lại bị đày thêm lần nữa ở một vũng cô liêu cũ vạn đời...

                  Với niềm đau thương của Hàn Mặc Tử người đời còn có thể nhắc tới. Nhưng tiếc rằng nhắc tới để cảm thấy một cuộc đời rất là say đắm... rất là khốn cùng... rất là thơ mộng!!! Chứ nào ai đã cảm nhận một người đó vượt khỏi cái âm u, hoang lạnh của hư vô bủa vây trùng điệp... đen tối mịt mù như thứ mê hồn trận. Những giờ phút tê điên hồn phách, sượng sùng xương da, ở giữa một căn nhà với ngọn nến, trông ra bốn bể đêm tối bủa vây, bãi tha ma hoang lạnh. Linh hồn kinh dị đến tột cùng, choán ngộp cơ hồ nghẹt thở... đau đớn bốc dậy cùng từng sớ thịt, từng đường gân, từng mạch máu, từng phút từng lo âu và khẩn nguyện.

                  Như một kẻ lâm vào ác mộng, vũ trụ quay cuồng, vang vọng đến tiếng gọi rợn người của tử thần rình rập. Cựa quậy khôn thoát, cuối cùng thể xác đành ngã gục... đành tê điên, đành tan rả, nhưng linh hồn Người đã đến một nơi cư ngụ bình yên... Trong đời ta, ít nhất là ta đã va chạm một lần với cái chết khủng khiếp, ta mê cuồng và thét gọi; ta điên đảo và bấu víu vào đời sống này một cách vừa bi thảm vừa run sợ. Ít nhất là như thế... ta mới cảm thông với một người trải nhiều ác mộng, luôn luôn thấy bàn tay lông lá của tử thần vương đến chụp xuống đầu cổ, vò bóp xương da. Cuộc chiến đấu bất lực của con người với định mệnh ác nghiệp, cuộc chiến đấu giữa thể xác tanh hôi ghì kéo linh hồn chìm ngập trong đó, và ý chí thi bay vượt lên, điểm linh hồn với cõi trú ngụ mông lung mù mịt của thế giới trăng sao huyền hoặc của tho Người.

                  Thơ Hàn Mặc Tử không nên đọc trong lúc bình tỉnh vì nó sẽ dẫn ta vào chơi vơi hoang đảo trong đêm biển mù tăm. Nhưng lúc quá đau thương, ta vào cõi thơ của người để mà lảo đảo, hít làn tinh khí trăng sao, của hoa trái thanh tân, nhìn thấy ngất trời tinh đẩu, với nỗi đau đớn lạ thường, cảm giác lạnh tê. Ở đó, ta chịu nhận hồn ta vào cõi vô cùng nọ, ta cùng lùa ánh sáng như lùa một thứ tình mộng, như lù những làn sóng trong ngần của bầu trời tinh mơ, của biển vàng rực rỡ. Ta sẽ vơi bớt nỗi đau đớn mà cảm thấy một hồng ân, bánh mật của Thượng Đế. Và kẻ nào từ chối thứ bánh mật đó, từ chối mọi ân sủng thiêng liêng đó... cũng đứng lên than vãn cõi đời ô trọc làm chi nữa, đừng tìm làm chi nữa hạnh phúc ở trong cõi trần này. Nếu có gan liều phó mặc với triều sóng thời gian đẩy ra khơi mãi thì đừng đọc thơ Hàn Mặc Tử nữa, sẽ tự dựng lấy một thế giới riêng, ở đó mặc tình vùng vẫy.

                  Nói về thơ Hàn Mặc Tử, ngẫm nghĩ lại, mình không nói được gì cả... bao nhiêu lời từ trước đến giờ như là cây mục, như là cỏ khô... bởi vì thơ người quá ư tràn trề ánh sáng, nhưng lúc tắm trong vùng ánh sáng nọ, thoát nó lại biến mất... lúc ta ngỡ thơ chàng là ánh sáng thái dương thì thơ chàng lại là vầng trăng thiên cổ... lúc ta nắm được linh hồn, nắm được bản chất thơ của Người ở cõi đời này... thì thơ chàng đâu có... mà ta cầm nắm đâu, vì:

                  Người thơ chưa thấy ra đi nhỉ?
                  Trinh bạch ai chôn tận đáy mồ.

                  Và chân lý mà ta thấy được ở tận cõi xa mù nào... không thể hiểu nỗi nữa!

                  Trích Thi Nhân Việt Nam Hiện Đại - Quyển I của Trần Tuấn Kiệt.



                  Bến Hàn Giang

                  (Này đây lời ngọc song song)

                  Này đây lời ngọc song song
                  Xin dâng muôn sóng tơ đồng vơi vơi
                  Xin dâng này máu đang tươi
                  Này đây nước mắt giọng cười theo nhau

                  Mới hay phong vị nhiệm màu
                  Môi chưa nhấp cạn, mạch sầu đã tuôn
                  Ớ Địch ơi, lệ có nguồn
                  Hãy chia bớt nửa nỗi buồn sang tôi

                  Hôm nay trời lững lơ trời
                  Dòng sông ánh sáng sẽ trôi hoa vàng
                  Tôi ngồi ở bến Hàng Giang
                  Khóc thôi mây nước bàng hoàng suốt đêm

                  #9
                    duongquoctam 21.06.2009 03:40:59 (permalink)
                                       KINH DƯ HƯƠNG

                    Vẫn còn đó mùi hương hoa kỷ niệm,
                    Ngỡ bên mình hiển hiện mắt môi em,
                    Ta mỉm cười trong hạnh phúc êm đềm,
                    Tung khói thuốc vào linh hồn phố xá.
                    Vẫn là ta và hàng đèn nghiêng ngả,
                    Bóng ngắn dài theo từng bước chân qua,
                    Vẫn là ta đơn lẻ vẫn riêng ta,
                    Hôn lại chút hương nồng nàn thương nhớ.
                    Vẫn là khói trong khoảng trời vụn vỡ,
                    Xuôi theo từng điếu nhỏ quấn vành môi,
                    Xuôi theo từng hơi thở của kiếp người,
                    Buồn lãng vãng trong nụ hồn lần cuối,
                    Vẫn còn đó mùi hương hoa tiếc nuối.
                    Cho linh hồn tượng đá bỗng say sưa.
                    Máu trào lên và nhịp thở đong đưa,
                    Chân di động theo kiếp vừa sống lại.

                                                          Dương Quốc Tâm


                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 09.07.2009 13:30:13 bởi duongquoctam >
                    #10
                      duongquoctam 21.06.2009 10:20:22 (permalink)
                           ANH CÓ BIẾT

                      Anh biết không, em thèm một bờ vai

                      Ngả đầu vào, và anh ru em ngủ
                      Trong giấc mơ với bao vì tinh tú
                      Em kiếm tìm một ngôi sao yêu.
                       
                      Anh biết không, em thèm lắm những chiều
                      Tay trong tay, chúng mình cùng dạo bước
                      Đến bao giờ thì em có được
                      Chút duyên thừa, anh để dành cho em?
                       
                      Anh biết không, em thèm trong những đêm
                      Tấm thân em, vòng tay anh giữ trọn
                      Ghì chặt em, để em quên đau đớn,
                      Khi cận kề với thế giới xa xăm
                       
                      Anh biết không, em thèm trong trăm năm
                      Em có anh, dù nơi nào xa xa lắm,
                      Anh gởi trao em, những ái ân nồng ấm.
                      Để chốn lạnh lùng, em vẫn được anh yêu!

                      _____________________________

                      Thiên Trang
                      #11
                        duongquoctam 25.06.2009 12:11:24 (permalink)
                        Bài Thơ Tặng Vợ
                         Hồ Dzếnh

                        Mình vừa là chị là em
                        Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời
                        Mai này tới phút chia đôi
                        Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau?
                        Xót mình đã lắm thương đau
                        Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình
                        Cuộc đời đâu phải phù sinh
                        Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi!


                        <bài viết được chỉnh sửa lúc 25.06.2009 12:23:13 bởi duongquoctam >
                        #12
                          duongquoctam 25.06.2009 12:18:36 (permalink)



                                        Hận Chinh Phu

                                                                                                   Hồ Dzếnh



                          Ai đã sống như ta thời chói lói,
                          Lưỡi gươm vàng đâm suốt bản đồ Âu,
                          Khúc chiến thắng cao lừng trời vòi vọi,
                          Cờ nguyên nhung mừng đóng gió Tây Châu.

                          Thuở ấy, quân Nguyên áo giáp, nhung,
                          Tay huơi hoa kích, đẹp vô cùng,
                          Ngựa phi nuốt chửng ngày trăm dặm,
                          Nắng chảy bồi hôi loáng khắp lưng.

                          Tướng Nguyên mồm thét ra hơi lửa,
                          Tay chỉ thành xa, kiếm rạch trời,
                          Giấc mộng chinh biên hừng máu đỏ,
                          Tâm hồn nung nấu vạc dầu sôi.

                          Sa mạc mênh mông, người thấy đâu,
                          Gió sương lạnh lẽo, giá băng sầu,
                          Muôn hồn chiến sĩ trơ như đá,
                          Đem quẳng ân tình xuống vó câu.

                          Trăng lạ bao lần soi cảnh lạ,
                          Mây vàng quan ải , gió biên cương,
                          Lòng kiêu tham vọng, tràn cao cả
                          Vẫn rõi, huy hoàng mộng bá vương.

                          Vua Nguyên trong chín lần cung cấm,
                          Đốt nến ngồi xem bức cáo thư,
                          Mơ bước quan quân ngoài vạn dậm
                          Vang lừng ngựa hý gió Ba Tư...

                          "Chiến sĩ một đi không trở lại",
                          Chiến mã một đi không hề về,
                          Giáo chỉ đường xông tên vút lối,
                          Hồ đông máu tím lạnh ngồi tê....

                          Khúc hát chinh phu rộn khắp đường,
                          "Ta say trời lạ, khát trùng dương,
                          Tay ta víu cả vào thiên hạ,
                          Chận dưới ngai rồng một bắc phương."

                          Nhưng... khúc quân ca bỗng chốc ngừng,
                          Chiến kỳ vấy máu đắp bình nhung,
                          Phải chăng sông Bạch, tri âu hẹp,
                          Không đủ gươm thần rộng lóe vủng


                          #13
                            duongquoctam 25.06.2009 12:21:14 (permalink)
                             



                                           Đừng Cho Lòng Bay Xa

                                                                               Hàn Mặc Tử



                            Thượng thanh khí tiết ra nguồn sinh khí
                            Xa xôi trăng mọc nước Huyền Vi,
                            Đây Miên Trường, đây Vĩnh Cửu, tề phi!
                            Cao cao vượt với hai hàng bóng vía .
                            Trời nhật nguyệt cầu vồng bắt tứ phía,
                            Ôi Hoàng Hoa, hồn phách đến nơi đây .
                            Hương ân tình cho kết lại thành dây,
                            Mong manh như lời nhớ thương hàng triệu
                            Đàn cung bậc gió dồn lên âm điệu,
                            Sững lòng chưa ? Say chấp cả thanh bai .
                            Sang chơi thôi, sang chơi thôi! mà ai,
                            Thu đây rồi, bước lên cầu Ô Thước
                            Sao! Vàng sao rơi đầy nơi sóng nước,
                            Đừng ngả tay mà hứng máu trời sa .
                            Thôi kéo về đừng cho lòng bay xa ...
                            Thu vươn này, thu vươn ra như ý ...
                            Mau rất mau trong muôn hoa kiều mỵ,
                            Mùa rất trai và ánh sáng rất cao .
                            Đừng nói buồn mà không khí nao nao,
                            Để chơi vơi này bông trăng lá gió,
                            Để phiêu phiêu này tờ thơ vàng võ,
                            Để dầm dề hạt lệ đôi ta .
                            Tầng thượng tầng lâu đài ngọc đơm ra .
                            Khói nhạt nhạt xen vô màu xanh biếc.
                            Đẩy đưa dài hơi ngào ngạt trầm mơ .
                            Thinh không tan như bào ảnh hư vô,
                            Giải Ngân Hà biến theo cầu Ô Thước.
                            Và ước ao nhớ nhung lần lượt
                            Đắm im lìm trong mường tượng buồn thiu .


                                                                                      (Trích trong tập Thượng Thanh Khí)

                            #14
                              duongquoctam 25.06.2009 12:27:06 (permalink)
                               



                                   Anh Ðiên

                                                                            Hàn Mặc Tử



                              Anh nằm ngoài sự thực
                              Em ngồi trong chiêm bao
                              Cách nhau xa biết mấy
                              Nhớ thương quá thì sao?

                              Anh nuốt phứt hàng chữ
                              Anh cắn vỡ lời thơ
                              Anh cắn cắn cắn cắn
                              Hơi thở đứt làm tư!

                              #15
                                Thay đổi trang: 123 > >> | Trang 1 của 4 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 46 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9