NHỮNG BÀI THƠ TÔI YÊU!
duongquoctam 19.06.2009 17:08:04 (permalink)
Tôi đã rất yêu bài thơ " Hoa trắng thôi cài lên áo tím" của Thi sĩ Kiên Giang.

Lối xưa tay trắng đi về...
THANH NGỌC


          Nhà thơ Kiên Giang đọc diễn văn chống đàn áp báo chí, kêu gọi dân chủ, dân sinh, chống chiến tranh xâm lược. Ảnh: TL năm 1974
          Suốt quãng đời hơn nửa thế kỷ đầy sôi nổi của mình, nhà thơ Kiên Giang vẫn cứ nghèo, vẫn kiếp ở trọ, sống nhờ vào sự cưu mang của những văn nghệ sĩ Sài Gòn...
          Hơn nửa thế kỷ bôn ba ở Sài Gòn viết báo, soạn tuồng cải lương, hoạt động cách mạng, làm thơ..., cuối cùng nhà thơ Kiên Giang quyết định về quê vợ ở Long Xuyên để sống tiếp những ngày còn lại của đời mình. Gặp nhau, thay cho câu trả lời về sức khỏe, ông hồ hởi khoe: “Tui vừa ra Huế dự đám giỗ nhạc sĩ Châu Kỳ”. Gợi lại bài thơ Hoa trắng thôi cài lên áo tím, ông bùi ngùi: “Ký ức màu hoa, sắc áo vẫn vẹn nguyên. Trong túi áo lúc nào tui cũng giữ hình ảnh của người xưa. Tình yêu bao giờ cũng đáng tôn thờ!”.


Tình yêu sống mãi với thơ ca


          Từ 50 năm trước, bài thơ Hoa trắng thôi cài lên áo tím của nhà thơ Kiên Giang đã làm xúc động bao trái tim yêu thơ. Thi phẩm này là niềm tự sự của mối tình đầu đời dung dị nhưng trường cửu giữa ông với cô gái xóm đạo ngoan hiền. Ông kể, ông vốn nhút nhát trong chuyện gái trai. Năm 1942, gia đình cho ông từ Kiên Giang lên Sài Gòn học tư thục. Một năm sau vì khó khăn, ông phải về học ở Cần Thơ cho gần. Trong lớp có cô bạn xóm đạo tên Tám Nhiều giỏi toán, chữ đẹp mà người lại nết na, lúc nào cũng cài một cành hoa trắng lên áo bà ba tím. Ông vốn giỏi văn chương nên được các thầy giao phụ trách tờ báo Ngày Xanh của trường. Tám Nhiều cũng được giao phần viết chữ. Xúc cảm ban sơ nảy nở, rung động đầu đời đơm hoa, ông thầm yêu cô bạn chung lớp tự lúc nào không hay.


Nhà thơ-soạn giả cải lương Kiên Giang. Ảnh: THANH NHÃ


          Mối tình như trái xanh còn chưa kịp chín thì Cách mạng Tháng Tám nổ ra. Ông về lại quê tham gia phong trào kháng Pháp trong tổ chức Thanh niên cứu quốc Rạch Giá rồi làm báo Tiếng súng kháng địch, vừa làm thơ vừa làm phóng viên chiến trường.
          Ngót mười năm sau, một lần tình cờ, ông gặp lại người quen cũ vốn là bà con với người bạn gái xưa, được cho biết người ấy vẫn còn chờ đợi mình. Trớ trêu thay, ông đã yên bề gia thất từ sự sắp đặt của gia đình. Năm sau, ông về Sài Gòn làm báo rồi quay ngược về thăm Tám Nhiều. Sau lần gặp lại đầy kỷ niệm ấy, Tám Nhiều lên xe hoa. Nhà thơ Kiên Giang viết bài thơ Hoa trắng thôi cài lên áo tím năm 1958 như đưa tiễn mối lương duyên không trọn vẹn.
          Ngay từ khi vừa ra đời, bài thơ đã thu hút hàng triệu người yêu thích, rồi lưu truyền trong hàng triệu quyển lưu bút, sổ thơ của bạn trẻ thời bấy giờ. Không những thế, khi bài thơ được nhạc sĩ Huỳnh Anh - con trai danh cầm Sáu Tửng phổ nhạc, cái tên Kiên Giang đã lộng lẫy trên thi đàn Việt Nam.
          Năm 1995, khi cùng Hãng phim TFS về Cần Thơ làm phim, ông mới hay tin bà Tám Nhiều đã qua đời. Từ đó đến nay, mỗi năm ông đều về Cần Thơ thăm mộ người yêu cũ.


Gia tài người nghệ sĩ tài hoa
 
          Ông nói mình tay trắng ra đi, trở về vẫn hoàn tay trắng. Thế nhưng ít ai biết ông đã có một gia tài lớn hơn mọi của cải, một cuộc đời đầy sôi nổi, khát khao. Đó là những bài thơ nổi tiếng, những vở cải lương đẫm chất thi ca góp phần làm nên tên tuổi nhiều nghệ sĩ cải lương, những bài báo phản chiến, kêu gọi tinh thần yêu nước làm đau đầu nhà cầm quyền chế độ cũ...
          Năm 1955, thời Sài Gòn bị tạm chiếm, ông lăn xả trên các mặt trận báo chí để chống lại chính quyền tay sai. Chính quyền Sài Gòn cũ vì thế bắt đầu chú ý đến Kiên Giang. Một lần, ông bị bắt cùng soạn giả Ngọc Linh. Trong tù, dù bị tra tấn đánh đập dã man, Kiên Giang vẫn âm thầm chịu đựng và tiếp tục làm thơ đợi ngày ra tù... Ông kể, một lần anh trung úy ngụy hỏi ông viết bằng tay nào. Ông bảo tay phải, anh ta đánh vào tay trái với lý do “để ông tiếp tục viết thơ, viết báo”. Không chỉ vậy, nhiều bà vợ sĩ quan biết ông là nhà thơ nổi tiếng đã lén cho người mua muối đem vào cho ông sát trùng vết thương.
          Nhận thấy số phận mình đầy bất trắc trong vòng kiềm tỏa của chính quyền Sài gòn, mấy năm sau Kiên Giang gửi vợ con về quê. Còn lại một thân một mình vừa làm cách mạng, vừa bươn chải với cuộc sống khó khăn, Kiên Giang mày mò viết tuồng cải lương. Ông nói, làm thơ thời nào cũng không đủ sống, viết tuồng để cải thiện chi tiêu.
          Nói mày mò thật không ngoa bởi Kiên Giang đã vất vả, nỗ lực đưa thơ vào tuồng để làm mới loại hình nghệ thuật sân khấu miền Nam. Vì thế những vở tuồng của ông như Áo cưới trước cổng chùa, Người đẹp bán tơ, Ngưu Lang - Chức Nữ... được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Đặc biệt, vở Người vợ không bao giờ cưới của Kiên Giang còn đưa tên tuổi nghệ sĩ Thanh Nga vang danh với giải thưởng Thanh Tâm.
          Năm 1974, chính quyền Sài Gòn ra sức đàn áp báo chí, bắt bớ nhà báo chống chiến tranh, buộc báo chí đóng tiền ký quỹ cao ngất trời... Kiên Giang cùng với 17 nhà báo khác xuống đường tham gia phong trào “Ký giả ăn mày”. Báo Điện Tín số ra ngày 10-10-1974 giật tít lớn Thi sĩ Kiên Giang bị đánh kể lại vụ việc ông đã giật biểu ngữ của chính quyền rồi bị đánh đập dã man bằng gậy bốn phân vuông...


Nẻo về long đong...
 
          Sau ngày thống nhất đất nước, nhà thơ Kiên Giang tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, sân khấu. Ông được đề cử làm phó đoàn ca kịch Thanh Minh - Thanh Nga rồi chủ nhiệm Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm. Năm 1993, dù nghỉ hưu, nhà thơ Kiên Giang vẫn cùng các nhạc sĩ Mai Thành, Văn Bền... tiếp tục đi dạy ca cổ, dạy đàn cho học sinh trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu.
          Suốt quãng đời hơn nửa thế kỷ đầy sôi nổi của mình, nhà thơ Kiên Giang vẫn cứ nghèo, vẫn cứ kiếp ở trọ, nay đây mai đó và sống nhờ vào sự cưu mang của những văn nghệ sĩ Sài Gòn. Hai tháng trước, ông được Ban ái hữu nghệ sĩ cho về ở tại trụ sở của ban trong tình cảnh không vợ, không con, không gia đình...
          “Lay lắt Sài Gòn đủ rồi, tháng 3 này ra tập thơ Lối mòn xe trâu nữa là về quê viết hồi ký để ghi lại quãng đời của mình. Hai công trình này cũng là cách mình tạ ơn những nơi đã cưu mang, tri ân cha mẹ đã vun đắp tâm hồn mình bằng ống thổi lửa, bằng dây chọi cột nhà” - ông tâm sự.
          Đối với nghệ sĩ, chỉ cần một tác phẩm để đời đã là hạnh phúc, nhà thơ Kiên Giang có quá nhiều sáng tác lưu danh. Nhưng chuyện cơm áo đã không còn đùa chơi được nữa với một con người tài hoa nhiều long đong. Nghệ sĩ âu cũng là con người - Ai cũng cần có một lối về.

Nhà thơ-soạn giả Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, sinh ngày 17-2-1929 tại Kiên Giang. Ông còn có các bút danh khác như Hà Huy Hà, Nam Bình... Kiên Giang là bút danh làm thơ viết cho quê hương và đề tài phản chiến. Lối mòn xe trâu có thể là tập thơ cuối cùng gồm khoảng 50 bài thơ do chính ông chọn lọc và hiệu đính.
Nguồn:http://www.phapluattp.vn/news/can-canh/view.aspx?news_id=242061




HOA TRẮNG THÔI CÀI LÊN ÁO TÍM
 
 
                                   KIÊN GIANG

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa xoá không gian
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương, nóc giáo đường
 
Mười năm trước, em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

Trường anh ngó mặt giáo đường
Gác chuông thương nhớ lầu chuông
U buồn thay ! Chuông nhạc đạo
Rộn rã thay ! Chuông nhà trường

Lần kia anh ghiền nghe tiếng chuông
Làm thơ sầu mộng dệt tình thương
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thùng, anh đứng lại không đi

Sau mười năm lẻ anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm khối tuyệt tình
- Hoa trắng thôi cài lên áo tím
Thôi còn đâu nữa tuổi băng trinh

Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang, cách mấy sông
Anh vẫn yêu em người áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ tà áo tím, người yêu cũ
Giữ cả lầu chuông, nóc giáo đường

Mặc dù em chẳng còn xem lễ
Ở giáo đường u tịch chốn xưa
Anh vẫn giữ lầu chuông gác thánh
Nghe chuông truy niệm mối tình thơ

Màu gạch nhà thờ còn đỏ thẫm
Như tình nồng thắm thuở ban đầu
Nhưng rồi sau chuyến vu quy ấy
Áo tím tình thơ đã nhạt màu

Ba năm sau chiếc xe hoa cũ
Chở áo tím về trong áo quan
Chuông đạo ngân vang hồi vĩnh biệt
Khi anh ngồi kết vòng hoa tang

Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh
Từng cài trên áo tím ngây thơ
Hôm nay vẫn đoá hoa màu trắng
Anh kết tình chung gởi xuống mồ

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Không còn đứng nép ở lầu chuông
Những khi chuông đổ anh liên tưởng
Người cũ cầu kinh giữa thánh đường

"Lạy Chúa con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ở trên cao
Trong lòng còn giữ màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi !"

#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 2 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9