Chân dung các nguyên thủ Pháp - SERGE BERSTEIN
lyenson 20.06.2009 10:40:21 (permalink)

Nguồn: http://tusach.tuoitre.com.vn/

Lời giới thiệu Chân dung các nguyên thủ Pháp

Năm 2002, người dân Pháp tham gia bỏ phiếu bầu ra vị Tổng thống thứ 23 của nền Cộng hòa. Đây là hoạt động chính trị quan trọng nhất vì từ năm 1958 theo tinh thần Hiến pháp của nền Cộng hòa đệ Ngũ,
Tổng thống trở thành hiện thân của đất nước, đồng thời là người đứng đầu cơ quan hành pháp, nói cách khác là hiện thân cao nhất của hệ thống thể chế của nước Pháp. Tuy nhiên, qua thực tế năm nền Cộng hòa và sau các xung đột đối kháng liên tiếp, người ta vẫn chưa đưa ra được một ý nghĩa thật sự phù hợp với vị trí này, một vị trí mà người ta vẫn gọi là “quan toà tối cao”.

Ngay từ khi ra đời, nền Cộng hòa Pháp đã gặp phải khó khăn nan giải trong việc xác định vị trí và vai trò của người đứng đầu Nhà nước, hiện thân của nước Pháp dưới con mắt của dân Pháp và nước ngoài. Làm sao một thể chế chính trị mà ngay khi ra đời đã là một phản đề của chế độ quân chủ lại có thể đặt vào vị trí tối cao của đất nước một người thay thế quân vương, một người chỉ mang tính tạm thời, được chỉ định không phải theo luật thần thánh mà do người dân bầu chọn và là đại diện cho họ?

Tuy nhiên, văn hóa chính trị theo đa số của nước Pháp những năm thuộc thế kỷ XIX, XX, vốn mang nặng dấu ấn của cuộc cách mạng được định nghĩa là “nhằm chặt đầu một vị vua để thách thức châu Âu”, chỉ có thể chấp nhận một người đứng đầu tối cao. Theo hướng đó, cơ quan hành pháp buộc phải có quyền hạn thực thi luật này dưới sự kiểm tra của những người đại diện của một dân tộc có chủ quyền. Và nếu cơ quan hành pháp có bất cứ biểu hiện nào vượt quá giới hạn này thì sẽ được xem là có biểu hiện “quân chủ chuyên chế”, lạm dụng quyền lực cá nhân, vốn là phản đề của nền Cộng hòa.

Chính vì thế, sự cảnh giác đối với một cơ quan hành pháp thực sự hùng mạnh đã trở thành truyền thống của nền Cộng hòa kể từ sau cuộc Cách mạng Pháp. Khi hạ lệnh treo cổ Vua Louis XVI, các đại biểu hội nghị quốc ước đã loại trừ nguyên tắc hợp thức hóa quyền hành dựa trên luật thánh thần để thay thế bằng nguyên tắc khác phù hợp hơn với văn hóa của họ, nhưng lại không thuận với tinh thần mong muốn tự do của người dân, đó là nguyên tắc độc tài tập thể của các nhà lập pháp thông qua Hội đồng Cứu thế - nhóm của những dân biểu được các Thượng nghị sĩ của phe mình chỉ định và có trách nhiệm đảm bảo chủ quyền lãnh thổ trong thời gian có chiến tranh.

Trong Hiến pháp năm 1795 của nền Cộng hòa đệ Nhất, ta có thể thấy biểu hiện không chấp nhận nền Chuyên chế quân chủ và sự độc tài tập thể qua việc định rõ ranh giới tuyệt đối giữa cơ quan lập pháp và hành pháp cũng như việc phân định quyền lực rõ ràng trong từng cơ quan này. Đứng đầu nền Cộng hòa là Hội đồng Tổng thống gồm 5 thành viên, được gọi là Nội các chấp chính do Quốc hội lập hiến bầu ra và 1/5 số thành viên được bầu mới lại hàng năm. Có một trò chơi cân bằng lực lượng phức tạp giữa hai hội đồng, Hội đồng 500 Nghị sĩ đề nghị một danh sách gồm ứng viên cho mỗi chỗ trống của Nội các chấp chính, và Hội đồng Phái cựu  chọn trong danh sách đó một người, đảm bảo rằng đó là những người đại diện cho toàn thể nhân dân khi người dân làm chủ (hay chí ít là của bộ phận dân chúng tham gia bầu cử bởi vì dân phải đóng khoản thuế bầu cử khi tham gia bỏ phiếu).

Là bộ phận đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, trên lý thuyết, 5 thành viên của Nội các chấp chính có phạm vi quyền lực đáng kể nhưng thực tế lại khó sử dụng những quyền hành đó vì mỗi khi cần đưa ra quyết định thì phải có ít nhất 3 phiếu thuận. Cơ chế này dẫn đến hậu quả là những mánh khóe, thủ thuật, kéo bè kéo cánh, phát triển trong khi tập thể 5 thành viên của Nội các chấp chính phải cùng tồn tại với hai hội đồng lập pháp (mà giữa hai hội đồng này vốn đã có sự phân chia quyền lực). Kết quả là một chế độ bất lực và hỗn loạn ra đời phó mặc nền Cộng hòa đệ Nhất cho những trận đánh của một vị tướng ham mê chiến thắng.

Ra đời và thành hình theo cách đó nên trong suốt hai thế kỷ XIX, XX, nền Cộng hòa bị giằng xé giữa hai hình thái trái ngược nhau mà không hình thái nào thực sự thỏa mãn ý nguyện của dân chúng: hình thái chính trị thứ nhất với một Tổng thống là đại diện quốc gia nhưng không có thực quyền, quyền lực thật sự được giao cho các Nghị sĩ do dân bầu ra và chính phủ do đa số Quốc hội chọn ra; hình thái thứ hai là có một Tổng thống thực quyền, là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ, có những quyền hành quan trọng, đảm nhiệm đồng thời chức năng đại diện và chỉ đạo, có khả năng duy trì trật tự và lãnh đạo đất nước, nhưng lại có nguy cơ lạm dụng phần nào chủ quyền dân tộc để phục vụ lợi ích riêng của mình.

Hình thái thứ nhất làm người ta nuối tiếc một quyền lực thực sự hiệu quả, có tính giám hộ và là cái cớ cho những lời chỉ trích nền Cộng hòa từ phía những người quân chủ khi họ ví nền Cộng hòa như hình ảnh “một người phụ nữ không đầu”; Hình thái thứ hai lại khơi dậy sự phản đối chống lại chuyên chế độc quyền, hình ảnh gợi nhớ đến chế độ quân chủ.

Nền Cộng hòa đệ Nhị lưu ý để không phạm phải cùng một sai lầm của nền Cộng hòa đệ Nhất bằng cách làm tê liệt bộ máy hành pháp. Lo lắng làm sao để đảm bảo trật tự xã hội đã khiến họ cần tìm ra một người đứng đầu có khả năng làm được điều đó. Vì vậy, họ đã giao cho Tổng thống quyền hành thật sự của một người đứng đầu cơ quan hành pháp và đã chọn Louis-Napoléon Bonaparte, người thừa kế ngai vàng của vương quyền để đóng vai này. Tuy nhiên, ông đã đóng quá tốt vai của mình. Sau ba năm cầm quyền, ông đã đặt dấu chấm hết cho nền Cộng hòa bằng cuộc đảo chính ngày 2/12/1851 và thiết lập quyền hành riêng trước khi tái thiết Đế chế…

Sự sụp đổ của Đế chế đệ Nhị ngày 4/9/1870 kéo theo sự tuyên bố chế độ Cộng hòa một cách bất ngờ nhưng Quốc hội được bầu vào tháng 2/1871, sau đó đã vội vàng soạn thảo bản Hiến pháp, thì chủ yếu lại do những người quân chủ lập nên. Với mong muốn tái thiết nền quân chủ, Quốc hội này đã tạo lập nên vị trí Tổng thống mà thực chất ẩn sau đó là những quyền lực của một quân vương. Điều đó giải thích tại sao vị Tổng thống đầu tiên thực thi quyền hành của mình trong khuôn khổ Hiến pháp mới, thống chế Mac-Mahon đã hành xử như một vị nhiếp chính. Và cũng chính vì vậy mà mọi cố gắng của phe Cộng hòa, vốn là một bộ phận cơ bản của chế độ chính trị mà họ đang xây dựng, đều nhằm vào việc tước bỏ của Tổng thống những quyền lực mang tính quân chủ mà Hiến pháp đã trao cho ông.

Vì vậy, lịch sử của nền Cộng hòa đệ Tam là câu chuyện về sự suy thoái liên tiếp quyền lực của Tổng thống, điều mà đa số các Tổng thống thời kỳ đó chấp nhận, chỉ một vài Tổng thống phản kháng nhưng vô ích. Kế thừa quan điểm đó, nền Cộng hòa đệ Tứ bộc lộ trong bản Hiến pháp của mình sự cảnh giác với quyền lực cá nhân, thực chất chỉ là một sự tiếp tục truyền thống của nền Cộng hòa đệ Tam.

Nền Cộng hòa đệ Ngũ mở ra một giai đoạn mới cắt đứt hoàn toàn với những nền Cộng hòa trước. Tướng De Gaulle, người sáng lập chế độ mới, chưa bao giờ che giấu quan điểm ủng hộ một quyền hành pháp mạnh do Tổng thống đảm nhiệm. Nội dung bản Hiến pháp của nền Cộng hòa đệ Ngũ phản ánh rõ quan điểm này, tuy nhiên, cũng đã được các đảng phái chính trị cùng kết hợp soạn thảo sửa đổi những nội dung gợi nhắc đến quyền lực cá nhân.

Nhưng thực tế áp dụng hiến pháp và việc sửa đổi hiến pháp vào mùa thu năm 1962 cũng đã nhanh chóng vượt quá giới hạn mỏng manh của những điều luật cho phép người đứng đầu Nhà nước là người điều hành duy nhất đời sống chính trị nước Pháp. Kết quả là đặc quyền của Tổng thống được tiếp tục duy trì và mở rộng dưới thời của Tướng De Gaulle và những người kế nhiệm ông.

Tuy nhiên, những thể chế qui định quyền lực của Tổng thống có vẻ như đã bị thay đổi về cơ bản kể từ khi xảy ra tình trạng chung sống chính trị năm 1986, lúc đó vốn chỉ được coi như một giải pháp tình thế tạm thời nhưng đã được lặp lại nhiều lần và tồn tại suốt 9 năm trên chính trường giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2002, sau đó là việc khôi phục vào năm 2001 thời hạn nhiệm kỳ Tổng thống là 5 năm thay vì 7 năm.

Những thay đổi này tạo nên hình thái chính thể tay đôi cho vị trí đứng đầu Nhà nước, hình thành sự phân đôi quyền hành pháp giữa một bên là Tổng thống - trọng tài với vai trò mang tính đại diện và một bên là Thủ tướng đứng đầu chính phủ thuộc về đa số của Nghị viện, đảm nhiệm vai trò “xác định và dẫn dắt hoạt động chính trường của đất nước”, theo điều 20 Hiến pháp của nền Cộng hòa đệ Tứ.

Mặt khác, việc đồng nhất thời hạn nhiệm kỳ Tổng thống theo thời hạn bầu cử cơ quan lập pháp đã làm mất đi tính đặc trưng của việc bầu cử Tổng thống vốn đã được xác định từ năm 1965. Điều có thể nhận thấy rõ ràng là từ sau những lần sửa đổi như vậy, Tổng thống thứ 23 của nước Cộng hòa Pháp sẽ đảm nhiệm những chức năng đã được đổi mới (có thể là hạn chế hơn). Liệu có phải ông sẽ là người khởi đầu của nền Cộng hòa đệ Lục mà hiện chúng ta (người Pháp - ND) đang chớm bước vào ngưỡng cửa của nó, theo như các nhà báo và giáo sư luật vẫn đua nhau khẳng định?

Sau những tìm hiểu về quyền lực được qui định theo thể chế của 22 vị Tổng thống của nền Cộng hòa, chúng ta nhận thấy sau đó là lịch sử của 22 con người đã đảm nhiệm theo những cách khác nhau vai trò của mình dựa trên cá tính, kỳ vọng và tham vọng của từng người. Tính xảo quyệt của kẻ mưu phản như của Louis-Napoléon Bonaparte, sự đơn giản và tính thẳng thắn của người miền Nam của Fallières, tính nghiêm khắc tuân thủ luật pháp và những hi vọng thầm kín của Raymond Poincaré, thiên hướng thích độc quyền của Mitterrand, sự kín đáo đến gần như tự giấu mình của Lebrun và Coty, sự tỏa sáng của Charles De Gaulle… mỗi người mỗi cách, tất cả dệt nên một bản tiểu sử của 22 người Pháp đã từng là hiện thân của đất nước trong vài năm, vài tháng hoặc vài tuần.

Điều đó càng cho thấy lịch sử của thể chế Tổng thống không thể tách rời lịch sử của những nhân vật nắm giữ chức vụ quan trọng và tế nhị này.

SERGE BERSTEIN
<bài viết được chỉnh sửa lúc 20.06.2009 10:48:23 bởi lyenson >
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9