Loãng xương
HongYen 27.04.2005 15:22:47 (permalink)

Thứ Ba, 26/04/2005, 16:36 (GMT+7)

Chụp X-quang phổi giúp phát hiện loãng xương


Chứng loãng xương khó được phát hiện ở những bệnh nhân lớn tuổi có thể được phát hiện khi chụp X-quang phổi
TTO - Chứng loãng xương khó được phát hiện ở những bệnh nhân lớn tuổi có thể được phát hiện khi chụp X-quang phổi, một nghiên cứu mới đây cho biết.

Các nhà nghiên cứu người Canada đã đi đến kết luận trên sau khi kiểm tra hàng trăm hình chụp X-quang phổi về tình trạng rạn nứt của các đốt sống, chỗ xương thường bị gãy nhất có liên quan đến chứng loãng xương.

Họ chọn ra ngẫu nhiên khoảng 10% hình chụp của các bệnh nhân trên 60 tuổi, những người đang nằm ở khoa cấp cứu của một bệnh viện giảng dạy lớn và đã được chụp X-quang phổi. Biểu đồ y học và những hình chụp sau đó được xem xét lại khá chi tiết để xác định những bệnh nhân bị rạn các đốt sống từ vừa phải đến nghiêm trọng.

Các nhà nghiên cứu cho biết những nghiên cứu trước đó cho thấy có 25% những người trong độ tuổi từ 50 đến 60 hoặc lớn hơn nữa có liên quan đến bệnh loãng xương hoặc bị rạn đốt sống.

Chỉ 30% trong số bị này được đưa đến các trung tâm chăm sóc y tế, trong khi 70% còn lại sẽ tiếp tục bị bệnh, chết, giảm chất lượng sống và gia tăng nguy cơ gãy xương trong tương lai.

Loãng xương thường xảy ra kèm với tuổi tác và thường xảy ra cao hơn đến bốn lần ở phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh. Canxi, vitamin D và vài loại thuốc có thể giúp chống lại chứng bệnh này.

KIM NHUNG (Theo Xinhua)

http://www2.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=76003&ChannelID=12

........

Xin Mời: Back Pain or Lumbar Pain
http://diendan.vnthuquan.net/tm.aspx?m=45668
#1
    HongYen 16.12.2005 06:29:56 (permalink)
    Người Việt Nam rất dễ bị loãng và gãy xương
    14:04:31, 25/11/2005


    Nhiều gia đình trẻ hiện nay chọn hải sản cho bữa ăn, một nguồn bổ sung canxi rất dồi dào


    Mất cân bằng trong khẩu phần ăn uống và sinh hoạt khiến chất lượng xương của thanh niên Việt Nam kém nhiều nước trong khu vực, trong khi mức độ nguy hiểm của loãng xương được xếp ngang hàng với bệnh nhồi máu cơ tim và đột quỵ.


    Ăn nhiều nhưng vẫn thiếu

    Một số nhà khoa học cho rằng khẩu phần dinh dưỡng trong bữa ăn của người Việt đang mất cân bằng. Người ta ăn quá nhiều thịt đỏ (bò, lợn, v.v...) nhưng lại ăn quá ít thịt trắng (tôm, cá), các loại rau, củ, đậu đỗ và ít uống sữa.

    Tiến sĩ Vũ Thị Thanh Thủy, Phó trưởng Khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng nhiều người Việt Nam chưa quan tâm đến chế độ dinh dưỡng và canxi trong bữa ăn. “Trung bình mỗi người Việt tiêu thụ dưới 500mg canxi/ngày, quá ít so với tiêu chuẩn”.

    Tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Phó giám đốc Viện Dinh dưỡng Quốc gia (NIN) cũng đồng tình cho rằng, nguyên nhân chủ yếu gây loãng xương là do ăn uống thiếu một số chất dinh dưỡng như canxi, chất đạm, vitamin D. Kinh tế phát triển khiến nhiều người có điều kiện ăn nhiều thịt nhưng chủ yếu là thịt đỏ và sử dụng nhiều chất chứa cồn, nhất là thành thị. Bên cạnh đó, những thói quen thiếu khoa học từ thời niên thiếu cũng là nguyên nhân làm giảm chất lượng xương. “Không ít bạn trẻ ngồi máy tính nhiều, ít vận động, lại thêm thói quen hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu và các loại nước giải khát có gas, v.v..., khiến mật độ khoáng của xương giảm”, tiến sĩ Thủy lo ngại.

    Nghiên cứu của NIN phối hợp với Trung tâm Khoa học Thể dục thể thao về thể lực của người Việt Nam còn chỉ rõ, trẻ vị thành niên và thanh niên ít hoạt động ngoài trời trong khi hoạt động thể chất trong trường học thì quá buồn tẻ và không thường xuyên.

    Có thể phòng được

    Theo giáo sư Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp học Việt Nam, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ bệnh nhân gãy xương đùi do loãng xương cao nhất thế giới.

    Loãng xương gây ra hậu quả gãy xương, thường gặp nhất là các vị trí cổ xương đùi, cẳng tay, cột sống. Gãy cổ xương đùi thường để lại hậu quả nặng nề nhất với 20% bệnh nhân tử vong trong năm đầu tiên, 50% tàn phế những năm tiếp theo. Mức độ nguy hiểm của loãng xương xếp ngang hàng với bệnh nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Chỉ riêng tiền thuốc ít nhất một tháng đã ngốn 500.000 đồng cho một bệnh nhân

    Theo tiến sĩ Lâm, chế độ ăn phải duy trì ngay từ lúc nhỏ. Đặc biệt nên chú trọng những thời điểm xương phát triển ở ngưỡng cao nhất, 11-14 ở nữ và 14-17 tuổi ở nam. “Khi còn trẻ, xương có độ đặc (mật độ xương) thấp thì khi về già dễ bị loãng xương”, giáo sư Ân cảnh báo, “người gầy, nhỏ bé cũng có nguy cơ loãng xương cao”.

    Sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai là những thức ăn thuận tiện và được khuyên dùng. Các loại rau, đậu tương, tôm, cua, cá cũng là nguồn thực phẩm giàu canxi. Tốt nhất nên ăn cá, tôm kho nhừ để ăn được cả xương vì đấy là nguồn canxi hữu cơ tốt nhất giúp cơ thể hấp thụ và sử dụng được.

    Vitamin D có thể vào cơ thể thông qua con đường ăn uống và hấp thụ ánh sáng mặt trời. Đối với trẻ em, việc kiêng cho trẻ mới sinh ra ngoài ánh nắng mặt trời sẽ làm giảm sự hấp thụ vitamin D, tiến sĩ Lâm cho biết.

    Các chuyên gia khuyến cáo cần đi khám sức khỏe định kỳ để tự bổ sung nguồn dinh dưỡng thiếu hụt. Nếu nghi ngờ mắc bệnh, cần đến cơ sở điều trị để đo mật độ xương (tại Hà Nội, tất cả các bệnh viện lớn đều có loại máy này). “Việt Nam cần nhanh chóng tổ chức các nghiên cứu quy mô và đề ra các biện pháp cấp bách trước khi căn bệnh này bùng nổ như dự đoán của giới khoa học”, tiến sĩ Thủy nhấn mạnh.

    Theo Tiền Phong

    http://www2.thanhnien.com.vn/Suckhoe/2005/11/26/130276.tno
    #2
      HongYen 09.07.2006 14:19:31 (permalink)
      Nước cam và bưởi giúp ngừa loãng xương

      22:16:00, 10/06/2006
      H.Y



      Thường xuyên uống nước cam và nước bưởi sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ bị chứng loãng xương, đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học A&M Texas (Mỹ).


      Nghiên cứu trên loài chuột cho thấy, những con chuột được uống đều đặn nước cam và nước bưởi thì tỷ lệ đậm đặc trong xương cao hơn nhiều so với những con chuột không được dùng những loại nước quả này. Các chuyên gia khẳng định nước bưởi và nước cam giúp gia tăng lượng chất chống oxy hóa, vốn có tác dụng làm cho độ đậm đặc của xương cao hơn.

      H.Y
      (Theo New Kerala)

      http://www.thanhnien.com.vn/Suckhoe/2006/6/11/151707.tno
      #3
        HongYen 29.11.2006 09:52:08 (permalink)
        Loãng Xương (Xốp Xương)
         
        Một bà già 65 tuổi vào phòng mạch kêu đau đầu gối, đi đứng không được cả mấy năm nay rồi. Việc đầu tiên là phải khám bệnh, đưa bà cụ đi chụp hình xương, chụp hình đầu gối. Nếu bà cụ than phiền đau lưng thì phải khám lưng rồi đưa chụp hình quang tuyến lưng. Nếu bị phong ghấp osteoarthritis tay thì không nhất thiết bắt buộc phải chụp hình tay.

        Chụp hình quang tuyến là muốn coi khớp xương có bị lệch, mọc nhánh xương (osteophytes), xơ cứng và mọc nang (cysts).

        Ngoài ra không quên thử bone density test, tức là đo mật độ xương cho bệnh nhân. Trước khi mất kinh, bệnh nhân vẫn có thể bị bệnh loãng xương. Loãng xương hay rỗng xương có thể không phát hiện triệu chứng, nhưng bệnh nhân thường than phiền đau đớn, không làm được việc gì, giảm ý nghĩa cuộc sống, tăng cao nguy cơ tử vong. Nếu bệnh nhân bị gẫy xương lưng rồi thì dễ bị gẫy thêm xương chỗ khác trong vòng một năm.
        Phòng ngừa bằng thuốc uống hay những điều trị khác như uống thuốc "antiresorptive agents". Thuốc Antiresorptive agents như alendronate, risedronate, ibandronate, raloxifene, kích thích tố trị liệu, chất calcitonin, và một loại thuốc hợp hóa (anabolic) như teriparatide.

        Trong báo Osteosporosis Journal Club, 1: 4, 2006, Bs Redonda G. Miller đã tóm tắt những kết quả nghiên cứu giảm nguy cơ bể xương bằng thuốc bisphosphonates như sau:

        1) Trong nghiên cứu như (Vertebral Efficacy with Risedronate Therapy study) cho biết risedronate có hiệu quả trong việc điều trị bể xương sống lưng trong vòng 1 năm. Nguy cơ giảm thêm gẫy xương trong vòng 6 tháng sau khi điều trị.

        2) Giảm nguy cơ gẫy xương những vùng khác, không phải đốt xương lưng, trong thời gian 3-4 năm sau khi điều trị bằng alendronate.

        3) Ibandronate hiệu quả điều chỉnh hình dáng cũng như triệu chứng lâm sàng gẫy xương sau 3 năm. Ibandronate không hiệu quả khi điều trị gẫy xương khác ngoài xương lưng.

        4) Raloxifene giảm nguy cơ gẫy xương thay đổi hình dáng, sau 3 năm điều trị và chỗ bể xương lưng mới trong vòng 1 năm sau khi điều trị. Raloxifene không thay đổi nguy cơ gẫy xương khác không phải xương lưng.

        5) Teratapide giảm nguy cơ gẫy xương sống và gẫy xương không phải vùng xương lưng, 21 tháng sau khi điều trị.

        6) Risedronate và kích thích tố trị liệu giảm nguy cơ gẫy xương trong vòng 7 năm.

        Ngoài ra, trong việc hành nghề hằng ngày, nếu gặp bệnh nhân bị nguy cơ gẫy xương vì loãng xương thì trước hết cần khuyên bảo bệnh nhân giảm những nguy cơ như:

        1) uống chất vôi (Calcium) từ 1200 tới mg/mỗi ngày, cộng thêm sinh tố D 400-800 IU/mỗi ngày. Trong một tường trình trình gần đây khuyến cáo: nếu bệnh nhân uống 1,200 mg/mỗi ngày nhưng uống thuốc chểnh mảng, không đều đặn, sẽ không lợi ích gì. Trước khi dùng thuốc ngừa trị loãng xương thì cần phải điều trị vết xương gẫy trước đã. Cần theo dõi hiệu quả của thuốc trong cả 2 trường hợp bể xương lưng và bể xương khác, ngoài xương lưng.

        Chỉ có 2 thứ thuốc antiresorptive agents như risedronate và alendronate và thuốc anabolic agent teriparatide có hiệu quả trong việc điều trị gẫy xương lưng và gẫy xương khác ngoài xương lưng. Dùng kích thích tố estrogen riêng rẽ hay cộng chung vơí progestine giảm nguy cơ gẫy xương lưng và gẫy xương ngoài xương lưng, nhưng phải cân nhắc hơn thiệt trước khi dùng thuốc.

        Những nghiên cứu khác liên hệ cách điều trị bệnh loãng xương hay xốp xương như:

        1) Osteosporosis in postmenopausal women. Therapy options across a wide range of risk for fracture. Geriatrics, 61: 24, 2006.

        2) Strategies for the Prevention and treatment of osteosporosis during early postmenopausa, American Journal of Obstetrics and Gynecology, 194: S12, 2006.


        Trần Mạnh Ngô, M.D., Ph.D.

         
        http://www.yduocngaynay.com/7-7%20topic%2017.html
        #4
          HongYen 22.07.2007 08:46:07 (permalink)
          Loãng xương và gãy xương
          22-07-2007 00:58:48 GMT +7

           
          Calcium là một trong những khoáng chất phổ biến nhất và thông dụng nhất trong cơ thể con người. Khoảng 99% calcium trong cơ thể có thể tìm thấy trong xương và răng. Calcium không chỉ đóng vai trò thiết yếu cho việc phát triển xương, mà còn có vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của cơ bắp, thông máu, phát tín hiệu cho các tế bào thần kinh và giúp tiết chế một số kích thích tố (hormones)

          Căn bệnh âm thầm
          Loãng xương là một bệnh mà lực của xương bị suy yếu và cấu trúc của xương bị suy đồi, dẫn đến tình trạng xương trở nên giòn, dễ bị gãy khi va chạm với một lực đối nghịch, như té chẳng hạn. Các xương quan trọng thường bị gãy là xương cột sống, xương đùi, cổ xương đùi và xương tay.

          Gãy xương sườn và khung xương chậu cũng thường hay thấy trong các bệnh nhân có tuổi, và cũng có thể xem là hệ quả của loãng xương. Trong nhiều trường hợp, xương bị gãy nhưng không có biểu hiện gì bề ngoài, và người mắc phải bệnh không hề hay biết. Vì thế, loãng xương còn được gọi là một “căn bệnh âm thầm” (silent disease).

          Hội thảo về loãng xương
          Hội LHPN TPHCM sẽ tổ chức buổi hội thảo “Xương chắc khỏe giữ dáng trẻ đẹp” vào ngày 29-7 tại khách sạn Duxton (Q.1) dưới sự tài trợ của nhãn hàng Calcium Sandoz (Thụy Sĩ).
          Tại hội thảo này, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng -Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM - sẽ giới thiệu về biện pháp phòng ngừa loãng xương cho phụ nữ độ tuổi mãn kinh. Bạn đọc muốn tham dự hội thảo hoặc muốn tư vấn, liên lạc ĐT số: 08.8226301.
           
          Một phần vì đặc tính “âm thầm” này, loãng xương do đó là một căn bệnh rất phổ biến trong cộng đồng, nhất là trong người già. Ở nước ta, một nghiên cứu dịch tễ học cho thấy khoảng 20% phụ nữ trên 60 tuổi có triệu chứng loãng xương. Điều này cũng dễ hiểu, vì theo số liệu của Viện Dinh dưỡng, khẩu phần ăn của người VN hiện chỉ bình quân 800 - 1.000 mg/người lớn.

          Đàn ông cũng bị gãy xương, nhưng nguy cơ gãy xương ở đàn ông không cao như phụ nữ. Theo các nghiên cứu dịch tễ học trong người da trắng, cứ 2 phụ nữ sống đến tuổi 85 thì có 1 phụ nữ bị gãy xương, và cứ 3 đàn ông sống cùng độ tuổi thì có 1 người sẽ bị gãy xương. Các tần suất này tương đương với tần suất mang bệnh tim và ung thư. Thật vậy, nguy cơ bị gãy xương đùi trong phụ nữ tương đương với nguy cơ bị ung thư vú.

          Loãng xương là một căn bệnh phức tạp với nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ. Nguy cơ bị loãng xương một phần là do di truyền, và một phần là do các yếu tố môi trường sống (như ăn uống, vận động cơ thể) cũng như hormones. Tất cả các yếu tố này có liên quan đến lượng chất khoáng và chất lượng xương trong cơ thể con người.

          Calcium và loãng xương
          Bổ sung calcium có hiệu quả làm giảm tình trạng mất xương ở các phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh. Một nghiên cứu lâm sàng trên các phụ nữ đã mãn kinh ít nhất là 6 năm và họ được cho dùng 500 mg calcium hằng ngày suốt 2 năm cho thấy calcium có khả năng làm giảm hay ngưng tỉ lệ mất xương tại cột sống, đùi và xương tay.

          Một nghiên cứu khác theo dõi các phụ nữ với sức khỏe bình thường trong vòng 3 năm cũng cho thấy bổ sung calcium với liều lượng 1.000 mg hằng ngày có hiệu quả làm giảm tình trạng mất xương đùi và làm ngưng mất xương cột sống.

          Khá nhiều nghiên cứu còn cho thấy bổ sung calcium có hiệu quả làm giảm nguy cơ gãy xương ở các phụ nữ sau thời kỳ mãn kinh. Một nghiên cứu lâm sàng trên đàn ông và phụ nữ tuổi 65 trở lên kết luận rằng bổ sung calcium 500 mg hằng ngày và 700 IU vitamin D trong vòng 3 năm có hiệu quả làm giảm nguy cơ gãy xương đến 46%.


          Tóm lại, calcium là một chất khoáng rất quan trọng không chỉ đối với xương mà còn là đối với việc điều hóa hệ thống nội tiết của cơ thể con người. Vì thế, ở các nước Âu Mỹ, người ta khuyến khích dân chúng nên ăn uống sao cho cơ thể tiếp nhận từ 1.000 đến 1.500 mg hằng ngày. Nhưng trong thực tế, người Âu Mỹ chỉ tiếp nhận khoảng 700 - 800 mg hằng ngày.

          Ở nước ta, chưa có số liệu chính thức về tình trạng calcium, nhưng tình trạng suy dinh dưỡng và vi dinh dưỡng trong trẻ em có xu hướng trầm trọng.

          Do đó, cũng có thể suy luận rằng tình trạng thiếu calcium trong dân số ở nước ta cũng không khác gì, nếu không muốn nói là trầm trọng hơn, các nước Âu Mỹ.

          TS NGUYỄN VĂN TUẤN

          http://www.nld.com.vn/tintuc/suc-khoe/196285.asp
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 22.07.2007 08:52:21 bởi HongYen >
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9