Bệnh đau nửa đầu và các chứng nghiệm.
Asin 25.08.2003 08:29:01 (permalink)
Bệnh đau nửa đầu

" Tôi 24 tuổi, bị đau đầu từ nhỏ, vài tháng đau một lần. Gần đây, mỗi năm ít nhất một lần, tôi bị đau nửa đầu, khi bên phải, khi bên trái, có kèm theo nôn. Cơn đau thường kéo dài 2-3 giờ, trước cơn có cảm giác khó chịu và mỏi gáy. Cách đây 3 năm tôi được chẩn đoán và điều trị theo hướng rối loạn tiền đình nhưng không khỏi..." .

" ... Có phải tôi bị u não không? Mẹ tôi cũng bị đau đầu sau khi sinh em tôi. Trong cơn đau, mẹ thường bị ngất đi và khó thở. Liệu bệnh của tôi có phải bị di truyền từ mẹ không?" .

Trả lời:

Trước tiên, bạn có thể yên tâm là những triệu chứng bạn kể trong thư không liên quan gì đến căn bệnh u não.

Nếu không có tiền sử chấn thương sọ não hay đang sử dụng một loại thuốc nào đó có tác dụng phụ gây đau đầu, hoặc nếu không có hiện tượng đau kèm theo sốt, nôn, cứng gáy, khó phát âm, mờ mắt, liệt một bên mắt... (thường gặp ở chảy máu trong sọ hoặc viêm màng não) thì có nhiều khả năng bạn mắc chứng Migraine (đau nửa đầu).

Migraine là một thể đau đầu đặc biệt có liên quan tới sự thay đổi ở hệ thống mạch máu bao quanh não bộ. Sự thay đổi này chủ yếu xảy ra ở màng mềm não (lớp màng tiếp xúc trực tiếp với não và có rất nhiều mạch máu). Bệnh không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng thường tái phát khi căng thẳng thần kinh, mệt mỏi về thể lực hoặc tinh thần, đang hành kinh hoặc bị rối loạn mãn kinh, rối loạn giấc ngủ, sử dụng nhiều chất kích thích, chất béo.

Bệnh có thể khởi đầu khi còn niên thiếu hoặc lúc dậy thì. Cơn điển hình thường bắt đầu bằng cảm giác khó chịu, mệt mỏi toàn thân trong vài giờ, đôi khi có rối loạn thị lực (cảm giác ánh sáng lấp lánh trước mắt). Sau đó xuất hiện triệu chứng đau nửa đầu kèm cảm giác mạch đập trong đầu, khó chịu với tiếng động và ánh sáng, nôn hoặc buồn nôn. Cơn đau thường kéo dài 1-2 tiếng đồng hồ đến vài ngày.

Cách xử lý khi có cơn đau:

- Làm dịu cơn đau bằng cách ép ngón tay lên thái dương bên đau hoặc chườm khăn lạnh.

- Để bệnh nhân được nghỉ ở nơi yên tĩnh, rân mát nhằm tránh các yếu tố kích thích cơn như ánh sáng và tiếng ồn.

- Nếu không đỡ, có thể sử dụng thuốc aspirin hoặc acetaminophen để giảm đau (chú ý dùng đúng liều lượng, khoảng cách giữa các lần uống, các chống chỉ định).

- Trường hợp cơn đau kéo dài hoặc diễn biến nặng, nên đi khám bác sĩ.

Để tránh tái phát, cần lưu ý:

- Đảm bảo thời gian ngủ tối thiểu 7 giờ/ngày.

- Không bỏ bữa ăn, đặc biệt là bữa sáng (ở một số trường hợp, cơn đau xảy ra khi bụng đói).

- Tập luyện đều đặn để giảm áp và tăng cường tuần hoàn.

- Hạn chế tối đa việc uống rượu.

- Không hút thuốc và tránh khói thuốc.

- Không dùng các thuốc gây kích thích thần kinh hoặc thuốc an thần.

- Tránh các thực phẩm chứa nitrit và mì chính.

Đau đầu là triệu chứng của khoảng 40-50 bệnh. Do đó, đối với bệnh đau đầu của mẹ bạn, bạn nên đưa mẹ đi khám để xác định.

Bác sĩ chuyên khoa thần kinh Jonh Heywood ở Australia cho biết, các nhà khoa học đã phát hiện ra được gene gây nên hiện tượng này. Theo ông, trong tương lai, có thể xác định liệu một người có khả năng mắc bệnh đau nhức nửa đầu hay không bằng cách thử máu. Đây là một bước đột phá mới, vì cho đến nay, hầu hết bác sĩ và bệnh nhân đều cho rằng bệnh được di truyền từ cả cha và mẹ.


Một nghiên cứu gần đây cho thấy, các hoóc môn melatonin và cortisol chính là nguyên nhân gây bệnh đau nửa đầu kinh niên (thời kỳ đau thường kéo dài 15 ngày/tháng). Những người mắc bệnh này đều có lượng cortisol (gây stress), melatonin (gây buồn ngủ) và prolactin (hoóc môn tạo sữa) không bình thường.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được ở mức độ nào thì các loại hoóc môn trên sẽ gây ra bệnh đau nửa đầu kinh niên. Tất cả các hoóc môn nói trên đều do vùng dưới đồi của não (hypothalamus) sản sinh ra

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/80/Gd94015.jpg[/image]
Attached Image(s)
#1
    cô lẻ 05.06.2006 05:36:00 (permalink)

    Bệnh không gây hậu quả nghiêm trọng nhưng thường tái phát khi căng thẳng thần kinh, mệt mỏi về thể lực hoặc tinh thần, đang hành kinh hoặc bị rối loạn mãn kinh, rối loạn giấc ngủ, sử dụng nhiều chất kích thích, chất béo.


    Em bị đau nửa đầu cách đây khoảng 2năm. Theo như bài viết trên thì bệnh ít gặp ở người trẻ tuổi. Làm cách nào để phân biệt được là bị đau nửa đầu hay bệnh khác???
    #2
      nhathuoconline 05.06.2006 16:04:32 (permalink)
      Đau nửa đầu còn gọi là bệnh migraine, do xuất phát từ chữ hemicrania (hemi có nghĩa là một nửa và crania là đầu), hemicrania sau một thời gian dài chuyển dạng và được đọc trại ra là migraine.

      Đây là bệnh tương đối phổ biến, chiếm khoảng 10% dân số, nữ thường măc nhiều hơn nam. Cơn đau thường khu trú nửa bên đầu, đau theo nhịp mạch đập (đau giật giật), có thể kèm theo nôn, buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động. Trước khi đau có thể có một số triệu chứng báo trước như: Rối loạn thị giác, rối loạn ngôn ngữ… Tuy nhiên, đôi khi bệnh có các biểu hiện phức tạp, đòi hỏi phải có sự chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa để phân biệt với các loại đau đầu khác.

      Nguyên nhân của bệnh đau nửa đầu

      Nguyên nhân gây bệnh đau nửa đầu chưa được giải thích rõ ràng, mà chỉ có một số giả thuyết cố gắng làm rõ một phần cơ chế bệnh sinh. Cơn đau xuất hiện có thể do sự tham gia của nhiều yếu tố như: mạch máu ở đầu (đau do co mạch, sau đó giãn mạch), các chất trung gian hóa học (trong đó có vai trò của serotonin), sự tích tụ bất thường calci bên trong tế bào thần kinh… Người ta còn ghi nhận ở phụ nữ, cơn đau nhiều khi liên quan đến thời gian trước hành kinh. Bệnh không gây tử vong nhưng làm người bệnh khổ sở vì các cơn đau đầu tái diễn, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và công việc.

      Các thuốc điều trị

      Về thuốc, người ta chia ra làm 2 loại: Loại thuốc điều trị cắt cơn migraine và loại thuốc phòng ngừa cơn.

      1. Loại thuốc điều trị cắt cơn migraine: Đây là loại thuốc được dùng khi cơn đau xảy ra, lại được phân làm 2 loại:

      - Loại không chuyên biệt (non-specific): Là thuốc chỉ điều trị triệu chứng, làm giảm đau trong trường hợp bị cơn đau nhẹ, gồm có thuốc giảm đau (aspirin, paracetamol) hoặc thuốc kháng viêm không steroid NSAID (naproxen, diclofenac, ibuprofen). Người ta còn kết hợp dùng thêm thuốc chống nôn metoclopramide (Primperan) như dùng thuốc giảm đau phối hợp với metoclopramide nhằm giúp thuốc giảm đau dễ hấp thu hơn, và nhất là làm giảm triệu chứng nôn thường kèm theo chứng đau nửa đầu.

      - Loại chuyên biệt (specific): Là thuốc tác động trực tiếp đến quá trình bệnh lý dẫn đến chứng đau nửa đầu, gồm có dihydroergotamine (một dẫn chất lấy từ nấm cựa gà) và một loại thuốc mới là sumatriptan (thuốc tác động chọn lọc trên thụ thể của chất sinh học serotonin, khá hiệu quả trong điều trị migraine nặng).

      Ở nước ta hiện nay, thuốc điều trị cắt cơn migraine thường được dùng là dihydroergotamine kết hợp với metoclopramide. Trong điều trị cắt cơn, sau khi dùng liều khởi đầu có thể phải dùng liều lặp lại sau 30 phút đến 1, 2 giờ (tùy theo thuốc). Cần lưu ý đến các tác dụng phụ của thuốc như gây viêm loét dạ dày - tá tràng đối với aspirin, NSAID; Ảnh hưởng đến mạch máu của dihydroergotamine; Mệt mỏi, chóng mặt, đỏ bừng mặt, có cảm giác ép chặt ngực đối với sumatriptan.

      2. Loại thuốc phòng ngừa cơn migraine:
      Đây là thuốc giúp tránh các cơn đau tái phát (nếu chỉ điều trị cắt cơn, các cơn đau sẽ tái diễn như cũ). Thuốc phòng ngừa gồm nhiều loại: Propanolol (thuốc ức chế bêta, thường được dùng trị cao huyết áp), flunarizine (thuốc ức chế calci, ngăn chặn sự tích tụ ion calci trong tế bào thần kinh), amitriptyline (thuốc chống trầm cảm loại 3 vòng pizotifen (thuốc kháng serotonin), methysergide (cũng là loại thuốc kháng serotonin)… Có nhiều loại thuốc được dùng để phòng ngừa cơn và việc lựa chọn thuốc thích hợp phải dựa vào kiến thức chuyên môn của bác sĩ điều trị. Bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc tùy theo thể trạng, sự dung nạp thuốc của người bệnh, vào hiệu quả của thuốc (làm giảm số lần lên cơn đau, cường độ đau) và tác dụng phụ của thuốc. Thí dụ người bệnh bị hen suyễn thì không được dùng propanolol. Các thuốc dùng để phòng ngừa cơn đều có các tác dụng phụ từ nhẹ như gây buồn ngủ, làm tăng cân (pizotifen) đến nặng như gây hội chứng thần kinh ngoại tháp (flunarizine).

      Những trình bày trên cho thấy việc dùng thuốc trong điều trị và phòng ngừa bệnh đau nửa đầu khá phức tạp. Đối với người thường xuyên bị đau đầu và nghi bị bệnh đau nửa đầu, tốt nhất nên đến khám bác sĩ để được chẩn đoán xác định bệnh và chỉ định thuốc đúng. Bác sĩ sẽ chọn thuốc tốt nhất để điều trị cắt cơn phối hợp với thuốc ngừa cơn. Rất cần có sự hợp tác tốt giữa người bệnh và thầy thuốc bởi việc dùng thuốc phải đủ liều, đủ thời gian. Thuốc phòng ngừa cơn thường chỉ cho kết quả sau khi dùng vài tháng, dùng theo đúng chỉ dẫn về thời điểm dùng thuốc, cách giảm liều dần dần thế nào?

      Khi điều trị bệnh đau nửa đầu, ngoài việc dùng thuốc, nên lưu ý tránh các yếu tố khởi phát hoặc làm tăng cơn đau như tránh dùng rượu, bia, sô-cô-la, bột ngọt (mì chính), sự căng thẳng thần kinh - tâm lý (stress); Với phụ nữ cần tránh dùng thuốc ngừa thai có chứa estrogen.

      Đối với các thuốc đặc trị như Sumatriptan, bệnh nhân nên được sự tư vấn của BS trước khi dùng thuốc, Ở Hà Nội, bạn có thể đến khám tại Khoa Ngoại trú Viện Sức Khoẻ Tâm Thần Bệnh Viện Bạch Mai.



      <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.06.2006 16:08:06 bởi nhathuoconline >
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9