Lạm Bàn Về Nho Giáo Ở Việt Nam
peopeo 27.04.2005 23:47:24 (permalink)
Tác giả: Nguyễn Minh
(hehe, hôm trước post bài Hồi giáo của ông này, giờ post luôn Nho)

Cứ theo tương truyền thì Nho giáo xuất hiện ở Việt Nam từ thời quan thái thú Sỹ Nhiếp.Trải qua 1000 năm dưới ách đô hộ Trung Hoa, Nho giáo đã thấm nhuần trong nền văn hóa nước ta. Khi nền độc lập đất nước đã vững bền, giai cấp thống trị lại tìm đến Nho giáo như 1 hệ tư tưởng nền móng cho chế độ quân chủ, trao cho học thuyết ấy vị trí “duy ngã độc tôn”. Mãi cho đến ngày nay, trong 1 xã hội Việt Nam mang nhiều ảnh hưởng Tây phương, những tác động của Nho giáo cũng chưa hẳn là đã dứt.

Dưới những triều đại đầu tiên sau Bắc thuộc, Phật giáo vẫn giữ vai trò chủ đạo tại nước ta. Nhưng cùng với thời gian, các vị hoàng đế dần nhận ra rằng triết lý xuất thế gian của Đấng Từ Bi khó mà dùng được trong việc trị nước chăn dân, chính do thế nên một Thích Ca cao vời đã được thay thế bằng 1 Khổng Tử nhập thế. Từ đời Lý trở đi, nước ta bắt đầu lập Văn Miếu thờ Khổng Tử, tứ phối, cùng thất thập nhị hiền (Tứ phối tức: Nhan Uyên, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Kha; thất thập nhị hiền là 72 đồ đệ giỏi của Khổng Tử), lại mở những kỳ thi Nho giáo để tuyển lựa hiền tài ra giúp nước. Trải qua đời Trần đến Lê, hệ thống giáo dục tam giáo Nho-Đạo-Thích cuối cùng chỉ còn Nho Giáo giữ được địa vị chính thống. Trẻ em từ ấy thuở nhỏ thì học Tam Tự Kinh, Ấu Học Ngũ Ngôn Thư, Sơ Học Vấn Tân, Minh Đạo Gia Huấn, lớn hơn thì trau dồi Tứ Thư Ngũ Kinh( Tứ Thư gồm Luận Ngữ, Đại Học, Trung Dung, Mạnh Tử; Ngũ Kinh gồm Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân Thu), tức là được giáo dục theo kiểu thuần túy Nho giáo vậy. Nhà nước cũng đặt chủ trương mỗi phủ huyện phải có những quan Huấn Đạo, Giáo Thụ để giáo dân, mỗi ngôi làng văn vật phải có Văn Chỉ. Có thể thấy không khí của Nho giáo bàng bạc và len lỏi khắp mọi nơi.

Với 1 nền giáo dục như thế, chẳng có gì lạ khi xã hộiViệt Nam hoàn toàn được xây dựng trên những nguyên tắc và chuẩn mực Nho giáo, mà tiêu biểu là đạo Luân Thường. Thường đây là Ngũ Thường, tức 5 đức tính cần có là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Luân đây là Ngũ Luân, tức những nguyên tắc ứng xử đúng đắn trong 5 mối quan hệ giữa vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bè bạn. Cũng lại hay nghe nói đến Tam Cương, tức Quân Vi Thần Cương, Phụ Vi Tử Cương, Phu Vi Thê Cương. Tam Cương do Đổng Trọng Thư đời Hán giản lược từ Ngũ Luân mà ra vậy.

Sống trong xã hội thì phải theo LuânThường (hay Cương Thường cũng thế). Làm trai thì lý tưởng là phải trung quân báo quốc, ngày ngày “thận kỳ độc” để học làm quân tử “tu thân tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, làm gái thì phải tiết hạnh trung trinh, tứ đức tam tòng (Tứ Đức tức công, dung, ngôn, hạnh; Tam Tòng là tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử).

Song le, có 1 điều rất đáng tiếc là nước ta không được hấp thụ nền Nho học sơ khởi. Nho giáo khi truyền sang ta thì đã không còn là Nho giáo tinh tuyền, mà thay vào đó lại mang đậm màu sắc của các Pháp gia. Nho giáo tinh tuyền tức là Nho giáo thời Tiên Tần, với sự khoáng đạt, hào sảng của Khổng Tử, với sự mạnh mẽ, hùng tráng của Mạnh Kha. Thứ Nho giáo Tiên Tần ấy sau này đã bị Pháp gia đời Tần và Nho gia hậu bối đời Hán biến đổi đi 1 cách tiêu cực (tiêu cực hiểu theo nghĩa phái sinh). Cứ so sánh lời Khổng Tử dạy người phải biết linh động, không chấp nê với cái lối từ chương, cứng nhắc của học giả đời sau, so câu “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” của Mạnh Kha với tư tưởng “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung” của bọn Pháp gia thì đủ thấy Nho giáo đã lệch lạc đi nhường nào cùng với thời gian.

Thứ Nho giáo truyền sang VN trong buổi ban sơ chính là Hán Nho. Ngoài những điểm đã nhắc đến ở trên, Hán Nho còn dời xa đạo nguyên thủy của Khổng Tử ở chỗ ít nói về “nhân”, mà chủ yếu nhấn mạnh đến “lễ”. Như thế, tuy rằng Nho gia đời Hán tôn Mạnh Kha mà đả Tuân Khanh, vô hình trung họ lại học theo Tuân Khanh mà cực lực đề cao “lễ” .Chính do vậy mà xã hội Việt Nam thời xưa là xã hội của chữ “lễ”, đâu đâu cũng tôn ty trật tự, trên dưới phân minh; cưới xin, tang giỗ, hay lễ lạc đều phải theo đúng phép truyền lại trong sách (như Thọ Mai Gia Lễ), già trẻ lớn bé đối với nhau phải theo lễ nghi. Phép tắc chặt chẽ như thế dĩ nhiên có mặt tích cực, nhưng mặt tiêu cực cũng không phải ít, bởi nếu “lễ” mà không xuất phát từ “nhân” thì dễ nảy sinh những hủ tục mang tính hình thức, rườm rà, chẳng hạn như lệ tang chế 3 năm. Biết “lễ” mà không biết “nhân” thì cũng như biết ngọn mà không biết gốc, cho nên dễ trở thành khô khan và thiếu tình. Người học Nho ở Việt Nam, cũng như ở Trung Hoa, hiếm ai được như Khổng Tử, thân mật cùng học trò tâm sự, đàn ca; mà phần đông học theo Đổng Trọng Thư, 3 năm đọc sách không ra đến cửa, học trò đến thụ giáo phải ngồi cách bức mành, 3 năm chưa được biết mặt thầy.

1 đặc điểm của Hán Nho là sự kết hợp giữa truyền thống Nho học với lý thuyết Âm Dương Ngũ Hành. Nguyên thỉ, Âm Dương và Ngũ Hành là 2 khái niệm, phạm trù riêng biệt, tuy đạo Nho cũng có đề cập nhưng không quảng diễn mấy. Từ đời Chiến Quốc trở đi, 2 thuyết Âm Dương và Ngũ Hành hợp nhất, để đến đời Hán thì phát triển mạnh mẽ(đặc biệt là Ngũ Hành), được kết hợp cùng kỳ thư Dịch kinh của Nho giáo để tạo nên 1 nền văn hóa vô cùng huyền vi, làm thành nền tảng của thế giới quan Trung Hoa cũng như Việt Nam.Trong xã hội Việt Nam thời nay, khái niệm Âm Dương Ngũ Hành vẫn rất thịnh, song khi xưa còn thịnh hơn bội phần. Âm Dương Ngũ Hành đóng vai trò 1 khoa học để giải thích mọi biến động của càn khôn.

Âm Dương, tức Lưỡng Nghi, là 2 thế lực đối lập của vũ trụ, do vọng động từ Thái Cực (có thể hiểu là hư không) mà sinh ra. Thái Cực sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng (Thái Âm, Thái Dương,Thiếu Âm, Thiếu Dương), Tứ Tượng lại sinh Bát Quái ( Càn, Khôn, Chấn, Cấn, Tốn, Khảm, Ly, Đoài; hay nôm na là trời, đất, sấm, núi, gió, nước, lửa, đầm). Còn Ngũ Hành tức Thủy, Hỏa, Mộc, Kim, Thổ: 5 nguyên tố hay 5 lực lượng cấu thành Thiên-Địa Nhân. Âm Dương sinh sinh hóa hóa, Ngũ Hành tương khắc tương sinh, do thế mà sinh ra và hủy hoại vạn vật. Lấy Âm Dương Ngũ Hành làm cơ sở, người ta dựng nên nền tảng cho các môn Y, Lý, Số. Tuy Y, Lý, Số được để tách riêng ra khỏi Nho, xét cho cùng chúng cũng như phần nâng cao của đạo Nho vậy. Các danh nho Việt Nam xưa thường ai cũng thông thạo cả “4 nghề”, chẳng hạn như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bảng Nhãn Lê Quý Đôn, vv…

Ở trên mới chỉ nói đến Hán Nho, nhưng thực ra đạo học Việt Nam lại chịu ảnh hưởng của Tống Nho là chính ( Thời nhà Lý, triều đại nâng cao vị thế của Nho giáo nước ta, trùng với kỷ nhà Tống bên Trung Hoa). So với Hán Nho, Tống Nho lại càng cực đoan hơn nữa về lễ; lễ giáo ngày càng khắt khe hơn, để rồi cuối cùng thành ra “lễ giáo ăn thịt người”(lờI Lỗ Tấn). Bù lại, 1 số cá nhân nhà nho thời Tống vượt được lối từ chương đời Hán, để cho tri thức thăng hoa mà khai triển cái học hình nhi thượng của Nho giáo lên đến mức cùng cực. Nếu như triết học đờI Hán hoàn thiện Ngũ Hành, triết học đời Tống hoàn thiện lý thuyết Âm Dương-Thái Cực, lại nâng được vấn đề “lý và khí” lên 1 tầm cao mới. Những cuộc đàm luận về “lý và khí” của Chu Hy và Lục Cửu Uyên, Thái Cực Đồ Thuyết của Chu Liêm Khê, …tất cả những công trình ấy đem lại cho Nho học nhập thế những nét xuất thế thanh tao, tế nhị.

Tuy nhiên, cũng lại rất đáng tiếc là nước ta chỉ du nhập cái “lễ giáo cực đoan” của Tống Nho, chứ cũng vẫn bo bo cái học từ chương. Các nhà nho Việt Nam tôn vinh Chu Hy qua bộ Tứ Thư do ông chú giải, chứ chẳng phải qua những triết thuyết tự thân ông. Họ lại đem lối sống khắc khổ của Chu Hy, và đặc biệt là Trình Di, ra làm khuôn vàng thước ngọc. Vẫn thường nghe học đạo Nho tức là đứng nơi cửa Khổng sân Trình, nhưng sân Trình thì đúng, chứ cửa Khổng thật không thấy đâu vậy. Vì bảo thủ “hơn cả Trung Hoa” nên Nho giáo Việt Nam chỉ phát triển đến Tống Nho là hết, những thuyết như “tri hành hợp nhất”, “trí lương tri” của Vương Dương Minh đời Minh, những lối nghiên cứu duy thực của Cố Viêm Võ đời Thanh, những cái ấy Nho gia Việt Nam hầu như không biết đến.

Trải Lê qua Nguyễn, Nho giáo ngày càng hủ hóa (lời Trần Trọng Kim) và làm bạc nhược đi tinh thần dân tộc. Đã có thời người ta vin vào đấy mà đổ tội cho Khổng Tử, nhưng thử hỏi thứ Nho mạt kia giữ được bao nhiêu tinh túy của Phu Tử khi xưa? Vả lại thuyết của Phu Tử đặt ra từ hơn 2000 năm trước, bắt nó phải phục vụ cho xã hội hiện đại thì thật là không tưởng. Lỗi của Nho giáo không phải ở Phu Tử mà là ở những hậu nhân đã không biết “cải tiến canh tân” đạo học cho theo kịp bước biến chuyển của thế thời.

Ngày nay, tuy Nho giáo không còn là hệ tư tưởng chính thức ở Việt Nam, nhưng đa số người Việt, dù rằng có ý thức hay chỉ hành xử theo tiềm thức, không ít thì nhiều vẫn duy trì được nếp sống đạo đức, gia phong của đạo Khổng (đương nhiên đã loại trừ những yếu tố đã hủ hóa hay không còn hợp thời). Cung cách ứng xử trong quan hệ gia đình-xã hội của chúng ta phần đông vẫn theo sát luân thường (khái niệm này dĩ nhiên cũng đã cải tiến). Bên cạnh Nho, các ngành Y, Lý, Số vẫn đóng 1 vai trò hết sức quan trọng trong đời sống vật chất và tâm linh… Tuy giới trẻ đương đại ít ai hiểu rõ về Khổng Tử, nhưng nhiều lời dạy của ngài đã đi sâu vào tiềm thức dân tộc ta, trở thành những câu cửa miệng của mọi người, chẳng hạn như: Dục tốc bất đạt, danh chính ngôn thuận, tiên trách kỷ, hậu trách nhân…
#1
    Chuyển nhanh đến:

    Thống kê hiện tại

    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
    Kiểu:
    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9