Lối đi ngay dưới chân mình - Nguyễn Lê My Hoàn
Nguyễn Đình 28.04.2005 16:49:18 (permalink)
Lối đi ngay dưới chân mình
Nguyễn Lê My Hoàn


Chương một : Tằn tiện


Buổi trưa nóng, đường phố Sài Gòn vẫn đông cứng người và xe, và khói xe và bụi. Những khuôn mặt nhăn nhó vì cái hỗn hợp âm thanh lẫn với tạp chất ấy lại càng nhăn nhó hơn mỗi khi dừng xe lại ở ngã tư: đèn đỏ!

Lạy trời giữa trưa nắng này đừng có kẹt xe.

Đèn xanh! Những khuôn mặt nhăn nhó ấy như giãn ra một chút, bắt đầu rùng rùng chuyển động. Hai dòng người xe chạy ngược chiều nhau, dòng nào cũng lốm đốm những mặt người được bịt kín bằng khăn mùi xoa, mắt thì núp hết sau những cặp kính đen ngòm, dưới các vành nón kéo sụp xuống quá trán ...

Tôi cưỡi chiếc Tact lùn lùn, bé bỏng, màu sơn đỏ chót như màu xe cứu hoả về đến nhà trọ đã hơn mười hai giờ trưa. Từ đường lên vỉa hè, từ vỉa hè lên thềm nhà, tôi ì ạch đẩy xe lên. Mấy hôm đầu, khi mới mua xe, chưa đẩy quen, lúc nào về tôi cũng phải dựng xe ngoài đường, chạy vào lấy một tấm gỗ lót rồi mới đẩy lên được.

Nó ngồi thu lu bên góc tủ, ngay sát lối tôi đẩy xe, cứ trố mắt nhìn tôi vẻ lạ lẫm. Cái màu áo vàng
choé làm tôn thêm nước da đen đen. Chỉ liếc mắt qua tối đã thấy không ưa và tự dưng cảm thấy chột dạ: hay nó là một người bà con nào đó của cô Minh mới từ quê vào tương lai sẽ chiếm lại căn phòng nhỏ của tôi trên tầng ba?

*
* *

Tôi cũng đã từng là dân quê.

Cái quê tôi nó nghèo lắm. Mẹ tôi kể những năm 60, khi nhà ngoại tôi ky cóp mua được chiếc xe đạp Thống Nhất giá hai trăm rưỡi đồng là cả làng đã lác mắt, trầm trồ, ghen tị mãi. Thuở ấy, ai mà có được chiếc xe đạp Pha-vơ-rít, có đài đeo hông về làng đã kể như một kỳ quan rồi.
chúng tôi không phải lội ruộng nhiều như mẹ, như bà ngoại. Có mỗi hai chị em gái, bố lại làm việc ở Hà Nội, so với dân trong làng, nhà tôi cũng thuộc loại có bát ăn, bát để.

Mẹ tôi khâu nón rất tài, vừa nhanh mà vẫn đẹp. Xong công việc đồng áng, tối về mẹ khâu thoắt đã được hai cái nón, vậy là cũng đủ tiền chợ cho cả ngày hôm sau. Chợ quê, thức ăn, thức uống không đắt đỏ như ở thành phố, rau ráng thì nhà ai cũng có sẵn trong vườn cả rồi, chỉ ra chợ để mua thêm thịt cá mà thôi.

Buổi sáng, chúng tôi phải dậy sớm để giúp mẹ làm vườn. Sau chuồng heo, có một cái hố to, xây chìm xuống đất đựng nước thải, phân và nước rửa chuồng. Chúng tôi lấy đòn gánh, hai chị em hai đầu khiêng một cái thùng tôn đầy cái thứ nước tạp chất ấy ra cho mẹ tưới cây.

Xong xuôi, chúng tôi tắm rửa, hấp cơm nguội lên ăn với nước mắm hoặc cá kho còn của tối hôm trước, sau đó hoặc học bài, hoặc đi học ...

Xong lớp 12, chị tôi vội vã lấy chồng, vội vã rời xa cái làng quê chẳng có gì hấp dẫn chị ấy.

Năm năm sau, tôi thi vào Đại học và đậu.

Lên Hà Nội học, mỗi tháng tôi về thăm mẹ một lần. Lần nào về trong giỏ xách của tôi cũng có một bao đầy nilong tôi đem về cho mẹ nút các chai nước mắm. Các bao này có từ những lần tôi mua bánh mì ăn, mua nước mía uống, mua các thứ lặt vặt khác ... người ta bỏ vào bao, và tôi giặt sạch, phơi khô, bỏ dồn lại. Mẹ chẳng dùng hết được tất cả các bao nilong tôi đem về, nhưng luôn hồ hởi cất nó vào một cái bao to:
- Dồn được nhiều, đem bán cho mấy bà đồng nát cũng được ít tiền đấy.

*
* *

Nó không đợi tôi hỏi han đã tuôn ra một tràng kể lể:
- Mới ban đầu, người ta mời em vào đây để dạy nghề đan chiếu cói Nga Sơn. Tiìn công sáu ngàn một cái, cói người ta sẽ chọn và nhuộm sẵn, chỉ việc ngồi đan. Sau họ lật lọng, chỉ trả có bốn ngàn, lại không chuẩn bị cói sẵn, thành ra chúng em phải tự làm tất. Đan cả ngày mới được có một chiếc, trừ đi tiền ăn còn lại chẳng bao nhiêu. Em hận con mụ ấy, em về đây, xin cô và các anh chị mỗi người một ít, đủ tám chục ngàn mua vé xe là em về. Thật, từ bây giờ “một đời cha, ba đời con”, em lạy cả mớ, em không dám vào Nam lần nữa.

Giọng nó cứ xoe xoé nghe mà phát sốt. Tay chân béo nần nẫn, mặt nó to tròn trông cứ ngây ra, mái tóc dài được cột cao đỏm đáng bằng một dây vải đỏ lẫn vàng loè loẹt. Nó không gây cho tôi được một tí xíu cảm tình nào.

Tôi gác chân lên bàn nhìn nó một cách lơ đãng. Nó lại tiếp tục kể lể ... Hình như đến cái đoạn người ta ăn trộm mất gói bột giặt cao cấp Daso của nó thì nó có liếc qua tôi một cái thì phải. Tôi nghe lành lạnh nơi cổ, chợt ngồi thẳng người lên. Nó kéo ghế xích lại gần tôi:
- Em xin chị hai chục. Chị cho em nhé. Đủ tiền vé xe em về, thật ...

Nó lại tiếp tục kể lể.

Cặp môi dày lại nhép, nhép ...

*
* *

Mỗi mùa hè về nhà, tôi lại theo mẹ đi hốt trấu bỏ cho mấy lò nấu đường, mấy chổ làm muối tinh trong xã. Phải đi thật sớm để có thật nhiều trấu mà hốt. Tôi chở mẹ trên chiếc xe đạp cọc cạch. Giỏ xe đàng trước tôi để một chồng bao tải, (bao sợi nilong rất dễ rách, không thể dùng lâu được), mẹ ngồi đàng sau, hai chân để cùng một bên, một tay vịn yên xe cho khỏi ngã, tay kia ôm khư khư một chồng bao tải nữa.

Xưởng xay xát bụi mù. Trấu và bụi cám vẫn cố len qua những chỗ mặt mũi còn hở ngoài khẩu trang làm chúng tôi ngứa ngáy và hắt xì hơi loạn xạ.

Trong khi chúng tôi đi hốt trấu, bố tôi lo đi gánh tro ở mấy cái lò đường, muối kia về đổ vào trong các hố to đã đào sẵn trong vườn, đã có cỏ khô, lá khô bỏ vào trong ấy. Vườn nhà tôi thấp hơn các vườn khác, đất cũng chẵng mấy màu mỡ như phần đông các vườn trong làng. Từ ngày về hưu, bố tôi luôn cặm cụi đào những hố to, gánh đất đem đổ lên những chỗ đất thấp nhất, rồi lại lo làm đầy những hố ấy bằng tro và rác ... Ước chừng thời gian mẹ và tôi đã vào được khá nhiều bao trấu rồi, bố đóng cửa nhà lại, khoát áo đi lấy cái xe bò đã dặn thuê từ trước, kéo đến chổ chúng tôi. Bố chất các bao trấu lên xe, ràng buộc cẩn thận các bao trấu, rồi bố và tôi cùng đẩy xe đi giao trấu, còn mẹ thì đạp xe về đi chợ, lo cơm nước ...

*
* *

Cô Minh bảo:
- Nó là đồ mặt dày. Lần trước nó đến, đập cửa nhà cô ầm ầm giữa buổi trưa, đưa ra cái thư của bố nó. Nào ai bà con họ hàng gì với nó. Bố nó lấy một bà có họ xa với cô, được năm bửa nữa tháng thì bỏ đi buôn rồi lấy vợ mới, đẻ ra nó. Chẳng ruột rà máu mủ gì mà viết thư cứ như là cha người ta vậy.

Tôi đọc lá thư của bố nó gởi dạo trước. Nét chữ cong queo và to tướng. Một bức thư nhờ vả mà lời lẻ thật dễ khiến người ta nổi đoá. Đại ý, bố nó viết rằng nó vào Nam công tác, trong cái đất Sài Gòn xa hoa và lắm cạm bẫy ấy, thì những người bà con họ hàng phải biết đoàn kết, giúp đỡ nhau tiến bộ, phải biết yêu thương nhau cho đúng cái tinh thần “là lành đùm lá rách” mà ông bà đã dạy.

Cô Minh lên phòng ngủ ở tầng hai, đóng chặt cửa lại, tỏ ý không muốn ngó ngàng gì đến nó. Tôi không muốn lên phòng mình. Để nó một mình dưới này, dễ nó dám mở cửa dắt xe tôi đi bán lắm.

Nó lại nhích đến gần tôi hơn. Tôi cáu, nói giọng khinh rẻ:
- Cô Minh bảo, mày đâu có dạy đan chiếu, đan chiếc gì. Mày lên Thủ Đức phụ bóc mít với người ta, được bao nhiêu mày đem đánh đề cả ...

- Oan cho em lắm, chị ơi. Em để dành được một ít gởi cho người ta, vậy mà họ nỡ lừa lấy hết tiền của em, còn lấy cả quần áo của em nữa ...

- Lần trước mày đến xin cô giúp đỡ. Cô đã xin cho mày đi phụ giúp người ta nấu ăn cho công nhân, trừ tiền cơm nước ra, một tháng còn được ba trăm ngàn, sao mày không làm mà bỏ đi không thèm nói với ai một tiếng?

- Tại bà chủ bắt em phải lau nhà, em đau dạ dày, lau làm sao được?

*
* *

Tôi thay đổi chổ ở xoành xoạch.

Lúc thì vắt vẻo trên một căn gác gỗ ọp ẹp nhìn ra kênh Nhiêu Lộc, lúc thì nằm thơ thới một mình một cõi trong một căn nhà nằm trong hẻm nhỏ đường Nguyễn Văn Thủ ... Ở chưa nóng chổ, tôi lại phải dọn đi bởi vì chủ nhà chợt nghĩ ra một lý do gì đó cần sử dụng đến cái khoảng trống đã dành cho tôi. Và tôi lại phải cắm cổ chạy đi tìm thuê một chổ trọ khác.

Học quản trị kinh doanh, nhưng mới ra trường thì còn khuya mới sử dụng được đến mớ lý thuyết ấy trong khi trong tay chẳng có một đồng vốn nào. Nhờ một mối quen biết của bố mà tôi vào được Sài Gòn làm cho một hãng bán máy photocopy, với chức danh là nhân viên tiếp thị. Điều kiện thứ hai sau bằng cấp đưa ra cho một nhân viên mới tuyển dụng là: phải có xe gắn máy để đi lại. Sài Gòn rộng lớn, công việc làm ăn đòi hỏi phải cơ động mới có cơ may giành được khách hàng bởi trong thành phố có đến mấy hãng photocopy cùng hoạt động, hãng nào cũng khoe mình là số một, đi trước thời đại, tuyệt hảo ...

Nếu đã ngang ngửa nhau như Sơn Tinh với Thuỷ Tinh, khách hàng sẽ gật đầu với chàng nào đến trước mà thôi.

Tôi viết thư về nhà xin tiền ...

Bố mẹ chạy vạy mãi mới gởi cho tôi được hai triệu. Tôi hiểu với một ông bố đã về hưu và một bà mẹ quê lam lũ như bố mẹ tôi, hai triệu đã là mức cuối cùng ông bà có thể lo được cho tôi.

Hai triệu, tôi tậu được chiếc Tact, loại xe hai thì xài xăng pha nhớt, chạy không nhanh lắm mà ngốn xăng như điên. Xe đã qua một đời chủ rồi nên mới rẻ thế. Chỉ xài “đề”, không có cần đạp nổ. Mới đầu thì tôi khoái, xe rẻ tiền mà cũng xịn ngang Dream II, chỉ cần cắm chìa khoá vào, bấm nút “đề”, máy đã nổ giòn tan ... Mười ngày sau thì tôi bắt đầu “thấm”. Nước bình điện cạn, bình điện yếu, tôi đi châm nước, sạc điện lại, đi được hai ngày thì “đề” mãi, xe cũng chỉ kêu xịt xịt, mất thêm gần hai tiếng ngồi chờ sạc lại bình điện lần nữa.

Sếp quạt cho tôi một trận nên thân vì cái tội đi quá trể làm nhỡ mất mối hàng, doạ nếu còn tái phạm lần nữa sẽ đuổi việc.

Tôi năn nỉ với chị thủ quỹ cho tạm ứng một trăm ngàn ra mua một bình điện mới. Tiền lương của người đang trong thời kỳ thử việc chỉ đủ cho tôi trả tiền ăn và tiền nhà. Tôi chỉ còn trông cậy vào tiền hoa hồng khi bán được mực in. Một tuần phải tìm cho ra hai mối khách mua máy. Nhiều hơn thì được thưởng, ít hơn thì bị phạt. Tôi chưa quen thành phố, đi đâu cũng phải ôm bản đồ theo, thường là đạt mức hoặc bị phạt, thưởng chẳng được bao lăm.

Với một buổi sáng bị đèn đỏ chiếu như vậy, bảo tôi không bực mình làm sao được khi về đến nhà trọ giữa trưa nắng lại thêm cái của nợ này nữa.

*
* *

Tôi dắt xe đi làm, khong khỏi nghĩ đến nó.

Phải tống nó đi cho khuất mắt. Kiểu mắt la mày lét như nó ở lại lâu chừng nào càng khiến tôi thêm mệt chừng ấy. Cái máy nhắn tin trong túi quần tôi kêu bíp bíp. Tôi dừng xe lại và lôi ra xem.

Không phải hãng gọi.

Có một chủ máy nhắn tôi đến gấp. Câu “Chúc vui” ở cuối dòng nhắn, báo hiệu một buổi chiều không bị “đèn đỏ”. Tôi ghé vào một hộp điện thoại tự động, đút thẻ từ vào, gọi điện về hãng ...

Từ văn phòng của chủ máy vừa nhắn ra về, tôi thấy nhẹ nhõm hơn một chút. Ông chủ máy vừa trúng mánh lớn, gọi tôi đến cùng uống rượu mừng, đặt mua một số lớn ống mực cho cả năm máy photocopy của ông. Trong hơi rượu ngà ngà, ông khen tôi dễ thương, và hứa sẽ giúp tôi tìm thêm mối để bán máy ... Có phải đó là ưu thế của nhân viên tiếp thị nữ? Tôi né người trành cái vòng tay kéo đầu tôi sát về phía ông để thì thầm cái lời hứa ấy. Mùi rượu và thái độ suồng sã của ông khiến tôi chợt cảnh giác. Nán lại vài phút nữa, tôi đứng dậy xin kiếu từ để ra về, lấy cớ rằng tôi còn phải về hãng để chiều còn đi công chuyện với sếp. Ông chủ tiễn tôi tận ra cửa, cứ nắm tay tôi mãi, hẹn đi hẹn lại, sáng chủ nhật tới, lại đến ông để ông đưa đi gặp khách mua mới. Tôi vâng dạ và lên xe đi.

Giờ này con nhỏ kia chắc đang lởn vởn khắp nhà và cô Minh chắc đang bực với nó lắm. Nó đã ra giá với tôi là hai chục ngàn. Không cho không được, chẳng lẻ một người đi làm công cho một hãng nước ngoài như tôi lại chẳng còn trong túi đến năm chục bạc? Thay bình điện mới, đổ đầy bình xăng, một trăm ngàn tạm ứng hồi sáng chỉ còn lại bảy ngàn, còn mấy ngày nữa mới đến kỳ lương, tôi đang còn chưa biết xoay sở thế nào để đi làm trong mấy ngày tới đây ...

Rắc! Tôi giật mình bóp thắng. Chiếc Tact không có thắng chân, cái thắng tay không kịp giúp tôi tránh khỏi cú va chạm bất ngờ với một chiếc xe hơi sang trọng và bóng lộn đang chậm rãi đi qua trước mũi tôi. Đèn đỏ mà tôi không để ý, cứ lừng lững cho xe đi, chiếc xe hơi kia đi đúng đường, phía nó đang là đèn xanh mà.

Tôi dừng lại, chống hai chân xuống đất, chẳng biết phải làm gì nữa. Vè mũi chiếc xe Tact của tôi tròn tròn, phủ xuống cả nữa bánh xe trước, sứt ra hai mảnh. Chiếc xe hơi dừng lại. Anh tài xế mở cửa xe bước xuống đi vòng quanh xe xem thử có bị vết xướt nào không, lườm tôi một cái rồi quát khẻ:
- Đi đứng vậy hả? Đui hay là muốn chết?

Anh ta mở cửa xe, ngồi vào sau tay lái định đi. Chợt cánh cửa xe bên phải mở ra, một người đàn ông còn khá trẻ, cố tỏ ra đường bệ và ân cần:
- Cô có làm sao không? Thành thật xin lỗi vì xe chúng tôi vô ý ...

Tôi ngơ ngác:
- Ơ, ơ ... tại tôi mà.
- Không tại chúng tôi chứ!

Tự nhiên lại đua nhau nhận lỗi thế này thì thật buồn cười. Tôi im bặt và hơi ngượng khi anh ta nhặt giùm tôi hai chiếc vè xe vỡ:
- Thật vô ý quá. Chúng tôi đang vội. Xin gởi cô tiền sửa xe, có gì cô cứ gọi điện thoại cho tôi, danh thiếp của tôi đây ...

Chuyện cứ như đùa.

Tôi giụi mắt.

Lại đèn đỏ rồi. Thời gian tôi ngẫn người ra ấy đã mấy lần đèn xanh rồi nhỉ?


#1
    Nguyễn Đình 28.04.2005 16:51:10 (permalink)
    Chương hai : Giờ ra chơi


    Cái làng quê của tôi, nó nghèo thật là nghèo, nó lam lũ thật là lam lũ, vậy mà chẳng hiểu sao tôi lại yêu nó vô cùng. Được nghỉ một, hai ngày dịp lễ, hay bất chợt một lúc nào đó chợt nhớ mẹ, nhớ làng đến cồn cào, tôi lại ra bến xe khăn gói về thăm nó, không đợi đến ngày chủ nhật cuối tháng tôi vẫn về.

    Cái làng quê của tôi, vì nghèo quá mà người ta đôi lúc tị nạnh nhau về của ăn, của để, nhưng với cái chữ thì người ta trọng vô cùng. Tôi không phải là người duy nhất của làng lên Hà Nội học Đại học, nhưng tôi là con gái, mặt mũi trông sáng sủa, dễ coi, ăn ở với chòm xóm không có điều tiếng gì lại biết lăn lưng vào các công việc nặng nhọc của nhà nông, nên hầu như cả làng ai cũng mến.

    Mỗi lần tôi về, bà Lam già hàng xóm lại quấy cho tôi ăn bánh đúc. Bà quấy ngon lắm. Miếng bánh trôi vào cổ cứ mát lừ đi, một thứ mát dịu dàng có mùi thơm ngan ngát của đồng quê ...

    Nhiều lần tôi phụ bà xay bột, rồi xem bà làm bánh. Những khi bánh quấy xong, tôi hay giành múc vào trong những cái đĩa đàn, bà đã bày trên cái chõng tre. Bà bắc cái ghế con ngồi phe phẩy quạt cho bánh mau ráo, chóng nguội, thường chửi yêu mỗi lúc tôi không kìm được tính háu ăn, bốc vội miếng bánh mịn màng cho vào trong miệng ...

    Tôi gạo bài như một con mọt sách chính cống và ít đi chơi đâu xa.

    Ở trường, tôi phải đọc rất nhiều. Không phải sách văn học mà là các sách tham khảo về kinh tế chính trị, thống kê, tiền tệ và Ngân hàng ...

    Chúng tôi được đưa đi thực tập ở các cơ quan, xí nghiệp và phải tập viết các đề án kinh tế.

    Giữa năm 1993, tôi và một con bạn xin giấy về nhà máy thuốc lá Thừa Thiên thực tập. Nhỏ Huyền Thảo xin thực tập ở Huế đơn giản vì người yêu của nó đang làm việc tại Huế, ngay ở cái nhà máy thuốc lá kia. Anh học cùng trường nhưng trên tụi tôi hai khoá. Tôi theo nó về Huế vì đây là dịp để tôi đi xa, nhìn ngó ngoài đời xa hơn cái làng quê hiền lành của tôi và Hà Nội phồn hoa bao lâu rồi tôi đã quen thuộc.

    Tôi đã gặp Danh ở một quán cà phê khá thơ mộng bên bờ sông Hương. Quán Gió thì phải. Hai bên bờ sông Hương có nhiều khoảng lý tuởng để người ta đặt một cái bàn con với vài chiếc ghế tạo một tụ điểm khá mơ màng cho những người bạn gặp nhau, chuyện gẫu hoặc chẳng cần nói gì cả, bên những phin cà phê cứ nhỏ từng giọt như đếm ... Danh bảo:
    - Huế chỉ hợp cho những cặp tình nhân và những du khách nhàn du đi vãn cảnh, không phải là nơi cho Hoà Bình viết đề án kinh tế đâu. Vào Đà Nẵng với tôi đi, tôi sẽ giúp Hoà Bình viết đề án. Không tệ đâu.

    Danh có mái tóc thật dài, cột dỏng lên như đuôi ngựa. Dáng thật cao và lòng khòng, tay chân dài quá khổ. Con trai như thế cũng khó gọi là đẹp.

    Huyền Thảo rất ủng hộ lời đề nghị của Danh:
    - Đi đi. Tao với mày cùng chen chân trong cùng cái nhà máy này coi chừng tư tưởng lớn đụng nhau mãi thì phiền. Danh đàng hoàng lắm, tao lấy đầu ra mà bảo đảm đó. Ổng là bạn thân của bồ tao ...

    Bạn bè như nó thì hết nói. Rủ bạn vào đây, giờ lại đá đi chổ khác. Sự tôi cản mũi hai ông bà chăng? Đã thế thì tôi đi luôn cho bõ ghét.

    Tôi khăn gói vào Đà Nẵng sau khi đã liếc mắt qua Đại Nội và ngó xem lăng Khải Định tròng méo ra làm sao

    *
    * *

    Đà Nẵng quả có vẻ hợp cho làm ăn kinh tế hơn Huế thật. Vừa có cảng, vừa có sân bay, một khu chế xuát đang tiến hành xây dựng ở khu công nghiệp Hoà Khánh, nghe đâu một khu nữa sẽ được khởi công vào cuối năm 1993 bên kia sông Hàn ...

    Dẫn tôi dạo sơ một vòng thành phố xong, Danh rủ tôi vào một quán cà phê nhạc Rock. Quán nằm trong một cái hẻm nhỏ, đầy đá dăm rệu rạo. Trong quán toàn con trai, chẳng ai thèm tỏ ra ngạc nhiên khi thấy tôi ngơ ngác giữa quán. Họ đang đắm hồn vào trong lời nhạc phát ra từ hai cái loa thùng công suất lớn. Lời nhạc dứt, chỉ nghe tiếng quạt chạy êm êm. Im lặng đến ngỡ ngàng.

    Danh gọi:
    - Hai cà phê đen

    Hỏi tôi:
    - Hoà Bình có nghe nhạc Rock không?

    Tôi e dè lắc đầu, thu mình lại trong cái ghế, nhìn quanh đầy cảnh giác.

    Một bản nhạc Rock khác cất lên. Tôi nghe được lõm bõm: “Mama I’m coming home ...” Danh gào lên theo lời bài hát. Cái đuôi ngựa nhún nhảy. Những người khác cũng thế, họ gào lên một cách tự nhiên.

    Danh cười:
    - Ngại chổ ồn ào và tăm tối, Hoà Bình thi vô kinh tế làm gì?

    Tôi không trả lời.

    Ở Đà Nẵng tôi không quen ai, trong căn phòng chỉ toàn con trai với những tiếng nhạc, tiếng hát theo kinh khiếp thế này, tôi biết làm gì khi đột nhiên mấy bóng đèn mờ ảo thắp trên tường cho có lệ kia vụt tắt, để lại một khoảng tối thật là đen?

    Danh hỏi:
    - Hoà Bình đã buôn bán bao giờ chưa?
    - Mặc kệ tôi!

    Tôi đâm nổi cáu. Từ hôm qua đến giờ anh ta chỉ toàn hỏi tôi những câu tôi không thể trả lời là “có” được.

    Danh làm ở trường thiếu niên lao động của tỉnh. Nghe cái tên cũng đoán được ở ngôi trường này có những chú ngựa non bất hảo rồi. Thấy tôi vẫn làm mặt giận, Danh lại hỏi:
    - Hoà Bình không hỏi tôi làm gì ở đó sao?
    - Không cai ngục thì cũng quản giáo.

    Tôi nhấm nhẳng. Lòng dạ lại cồn lên nỗi tức giận vô cớ. Gã này bây giờ thật là đáng chán.

    *
    * *

    Huyền Thảo cùng gã bồ vào Đà Nẵng chơi. Nó phá lên cười khi nghe tôi kể lại mọi chuyện.
    - Giận làm gì cho mệt. Hay là càng giận lại càng yêu thương đấy?

    Tôi đấm cho nó một cái:
    - Tao không muốn ở dưới sự bảo bọc của gã đó nữa. Tìm cho tao một chổ trọ khác, không thì mày ... đem xác tao về Hà Nội!

    Lời doạ dẫm của tôi nghe cũng ghê ghê. Huyền Thảo cuống cuồng bảo ông bồ kiếm chổ ở mới cho tôi. Nó có vẻ hoảng vì thấy mặt tôi đầy căng thẳng, không có vẻ gì là đùa được cả.

    Tôi khăn gói lên ký túc xá trường Đại học Bách khoa tuốt trên Hoà Khánh ở. Càng tốt, ở đây sẽ tiện cho tôi đến khu chế xuất nắm bắt thông tin, quan sát tiến độ thi công. Quanh khu này, còn có các nhà máy dệt, thuỷ tinh phích nước, dưỡng khí ... tha hồ cho tôi tham quan, xin tài liệu, và ở ngay trong trường Bách khoa, tôi có thể tham khảo ý kiến các giáo sư rất uyên bác về những vấn đề khoa học liên quan đến đề án kinh tế của tôi.

    Tôi ở chung phòng với một chị năm ba, một chị năm tư và hai cô nhỏ đang luyện thi đại học.

    Chị Chi học năm ba, hỏi tôi:
    - Hoà Bình bao nhiêu tuổi?
    - Em sinh năm Giáp Dần

    Chị Chi nhẩm tính, nói vẻ rất ngạc nhiên:
    - Sinh năm 1974 hả? Sao đã học đến năm thứ ba rồi?

    Tôi cười:
    - Học sớm một chút, cộng được lợi một năm khi chuyển từ cấp hai lên cấp ba. Cải cách giáo dục ấy mà.

    Chị Hải gật gù:
    - Ừ, ừ, ngoài Bắc hồi trước học hệ mười năm mà. Hoà Bình sướng hen, sang năm ra trường hãy còn trẻ măng.

    Tôi lại cười. Giá tôi biết chờ đợi và mẹ tôi biết cách nín đẻ thêm ít lau nữa có lẻ tôi đã cầm tinh con mèo chứ không phải con cọp như bây giờ. Tôi sinh ra được hai tuần thì một năm mới hiện ra: Ất Mẹo, và ít lâu sau đó nữa thì Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sinh đầu năm 1975 nhưng tôi là tuổi Dần. Bố mẹ đã đặt cho tôi một cái tên khác, đồng quê lắm kia, nhưng rồi lại đổi ý trước một sự kiện lịch sử như thế. Bố tôi lên uỷ ban xã xin làm lại giấy khai sinh cho tôi. Người ta cũng dễ dãi đồng ý trước cái lý do rất là hợp tình hợp cảnh của bố tôi. Vậy là tôi mang tên mới với họ ghép của cả bố và mẹ: Trần Nguyễn Hoà Bình.

    *
    * *
    Khánh và Nga - hai cô nhỏ học luyện thi trong phòng, sáng nào trước khi ôm sách vở lên giảng đường ôn bài cũng chải chuốt rất kỹ lưỡng. Tôi nghĩ bụng: “Sắp thi đến nơi mà còn ngắm vuốt nhiều quá ...”

    Học Bách khoa chủ yếu là các đấng mày râu. Bài vở nhiều và khó, khiến các cô nàng lọt vào trường này đều có vẻ rất nghiêm túc và khô khô. Khánh và Nga là hai vẻ tươi mát dễ thương của những bông hoa trước khi được quăng vào lửa (cách ví von ngộ nghĩnh này là của chi Hải) nên rất được các anh ở đây săn đón.

    Bây giờ đã sắp vào hè. Các trường phổ thông đã lục tục làm lễ bế giảng niên học, các cô cậu tú tương lai lo phát sốt lên cho kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi vào Đại học. Ở trường Bách khoa cũng đang vào mùa thi. Tôi đợi cho chị Oanh, chị Hải ôm sách vở ra là đóng cửa lại. Giảng đường chắc chẳng còn chổ trống nào đâu ...

    Trong phòng chẳng còn chút nước uống nào. Tôi nhảy xuống gường, thay quần áo rồi cầm cái bình nhựa tính xuống nhà ăn xin nước. Mở cửa phòng ra, tôi bắt gặp một cô bé vai đeo túi vải đang đứng ngần ngừ. Trông cô hiền hiền và có vẻ là một con mọt sách: cặp kiếng cận khá dày tụt xuống kẹp nơi chót mũi. Cô đưa tay đẩy kính lên, nói vẻ e dè:
    - Thưa chị, cho em hỏi ... em hỏi ...

    Phòng tôi là phòng cuối cùng của dãy nữ (cả ký túc xá rộng lớn chỉ có mấy phòng nữ thôi), đối diện với cửa phòng là một cái giếng, không lúc nào là vắng các chàng xuống xách nước, tắm gội, giặt quần áo ngay bên bờ giếng. Như thế không thật mỹ quan cho lắm nhưng không thể nào khác được, cái trường định cư trên đất quê thế này đào đâu ra nước máy dẫn vào các phòng tắm có ở mỗi đầu tầng? Trước mặt cả hai dãy ký túc xá xây đối diện nhau là sáu cái giếng cho cả gần hai ngàn nhân mạng, không chia nhau ra tắm giặt thì làm sao cho xuể? Chỉ có con gái là xách nước về phòng tắm, còn con trai thì làm việc ngay tại chổ, ai dòm ngó hư mắt ráng chịu.

    Tôi mời cô bé vào phòng.

    Hoá ra cô bé cũng đang học luyện thi như Khánh và Nga. Năm ngoái, cô nộp đơn thi vào khoa Kinh tế trường Đại học bách khoa và rớt. Một năm ở nhà, cô đã tự ôn luyện ba môn thi: Toán, Lý, Hoá và nay cô muốn lên đây luyện thêm trong những ngày nước rút cho mùa thi sắp đến. Cô bé trông thật mỏng mảnh với chân tay và dáng người mảnh dẻ, thêm làn da trắng và mái tóc đen mướt cắt ngắn.
    - Sao Mỹ lại chọn Kinh tế?
    - Nó trông có vẻ có sự nghiệp hơn là Sư phạm hay Tổng hợp. Hơn nữa ở nhà em, ai cũng thi khối A, các anh của em học giỏi lắm, đậu Ngoại thương, Hàng hải, Kiến trúc cả rồi. Chưa có ai thi Kinh tế, em thi, sau này ra trường, cả mấy anh em sẽ hợp tác với nhau cùng làm ăn, chắc sẽ rất tuyệt.

    Chị Chi và chị Hải về, rồi đến Khánh và Nga. Mọi người dễ dàng đồng ý cho Mỹ ở cùng. Trong phòng có bốn cái gường tầng. Một cái được xoay ngang cách tường phía trong chừng có một thước, bên ngoài được dán giấy krôki cứng và trắng thành một bức bình phong, bên trong hai cái vạt gường biến thành cái giá cho chúng tôi để đồ lặt vặt và treo quần áo. Một gường tầng khác hai chị Chi và Hải ở, gường kia Khánh và Nga ở. Hai gường này nối đuôi nhau ở một mé tường. Còn cái gường nữa ở mé tường bên kia thì tôi chiếm. Tôi ở tầng trên, vạt gường tầng dưới tháo ra thành một khoảng trống để xe đạp, trước khi Mỹ đến, có một chiếc của chị Chi, nay thêm xe của Mỹ nữa là hai.

    Tôi bảo Mỹ:
    - Mỹ ở chung với chị. Hai chị em mình đều bé nhỏ ngủ chung một gường chắc cũng chẳng chật lắm, nhỉ?

    *
    * *

    Danh vẫn cứ đến, đem theo sách báo liên quan đến đề án cho tôi đọc. Mặc kệ. Tôi vẫn ngồi thu lu trên gường tầng, mặt khó đăm đăm. Danh đến rồi về. Mỹ cùng ngồi học trên gường tầng với tôi, mấy lần nhấp nhổm định xuống nói chuyện với Danh cho bớt vẻ căng thẳng, thấy tôi lừ mắt lại thôi.
    - Chị cấm Mỹ đấy!

    Tôi nói thế khi Danh đã ra về.
    - Em thấy tội ảnh quá.
    - Em phải lo học đi, không cần tội nghiệp ai hết.

    Mỹ đinh nói gì đó lại thôi, tự dưng tủm tỉm cười.

    *
    * *

    Chiều thứ bảy, Mỹ đạp xe về nhà. Nhà cô bé cách trường chừng 10 km. Mỹ nhét tất cả quần áo dơ vào trong cái túi vải, sắp lại cho ngay ngắn mấy bộ đề thi và vở ghi chép trên cái giá gỗ ở đầu gường tôi. Tôi hỏi:
    - Sao không giặt luôn ở đây, đem về nhà làm gì cho khổ?
    - Về nhà giặt, rồi em mang bộ khác lên. Đàng nào sáng chủ nhật em cũng phải giặt quần áo cho cả ba lẫn má. Đã lao động thì lao động một thể, ở đây em chỉ học thôi cho đỡ tốn thời gian.

    Mỹ đi rồi, tôi nằm và nghĩ vơ vẩn.

    Khánh, Nga đã được mấy chàng kéo đi uống cà phê sau bữa cơm chiều trong căng tin.

    Chị Hải, chị Chi đã chở nhau vào thành phố đến trung tâm do Đai học Ngoại ngữ mở để học Anh văn rồi. Tối nay hai chị sẽ ở lại nhà bạn, có lẻ sáng hoặc chiều mai mới về. Hai chị em chở nhau đến nơi học chắc cũng hết bốn lăm phút.

    Danh đến, gõ “cóc, cóc” vào cửa. Tôi miễn cưỡng đi ra.
    - Cho tôi gởi cái này cho bé Mỹ.

    Chỉ vậy rồi quày quả ra về.

    Khá! Bữa nay cũng biết trả đũa đấy chứ! Tôi bực bội quẳng mấy cuốn sách tham khảo Toán, Danh gởi cho Mỹ lên gường.

    *
    * *

    Huyền Thảo gởi thư hỏi tôi đã xong đề án chưa để còn chuẩn bị về.

    Mấy tuần thực tập qua thật chóng.

    Chúng tôi phải về lại trường nộp đề án cho thầy, dự một môn kiểm tra nữa rồi mới được nghỉ hè.

    Mỹ hỏi:
    - Bây giờ em nộp đơn dự thi một trường nữa, có kịp không?

    Tôi gật đầu:
    - Kịp! Làm hồ sơ bổ sung, viện ra một lý do gì đó cho êm tai vào.

    Mỹ cười.

    *
    * *

    Tôi xếp quần áo, sách vở, giấy bút cho vào một túi xách, bảo Mỹ:
    - Chị ra Huế đây. Vài ngày nữa em thi rồi. Chúc em may mắn nhé.
    - Chị ra Huế rồi có về lại Hà Nội ngay không?
    - Ồ, không. Chị còn vài việc ở Huế, chắc vài ngày nữa chị và bạn chị mới đi được.
    - Cho em xin địa chỉ nơi chị ở lại mấy ngày ở Huế đi.
    - Để làm gì?
    - Kệ em, chị cứ ghi cho em đi mà.

    *
    * *

    Huyền Thảo đón tôi với vẻ mặt đầy phớn phở:
    - Tưởng mày mấy hôm nữa mới ra chứ?
    - Sung sướng gì mà ở lại. Nhận được thư mày là tao chuẩn bị để biến ngay.

    Nó cười hích hích đầy vẻ ẩn ý.

    Tôi đưa quyển đề án viết tay đi đánh máy. Mấy ngày rảnh rỗi tôi lượn lờ khắp các đường phố Huế. Huế dễ thương thật, nhất là khi nhìn mấy cô gái Huế, tóc dài óng mượt, đạp xe nhẹ nhàng trên đường Lê Lợi vào buổi chiều dịu dịu ... Khi toi rãnh rổi để có thể ngắm Huế thật nhiều thì Huế đã vào hè. Các trường học đều đã đóng cửa, tôi không được ngắm những đàn bướm trắng dể thương tung ra từ các cổng trường những giờ tan học ... Ở Hà Nội lác đác đã có những trường đề nghị học sinh nữ mặc áo dài đi học, nhưng chưa được đều và nhiều như ở miền Nam. Ngoài đó, các cô bé chỉ mới mặc áo dài vào các sáng thứ hai, các dịp lễ ... thường không phải là áo dài trắng tinh khôi như nữ sinh trong này mà là áo dài có in hoa, in màu, trông cũng dễ thương nhưng mà người lớn làm sao đó ...

    Huyền Thảo rủ tôi đi ăn cơm hến, bún hến ở mấy quán bên hông khách sạn Morin cũ. Hai món ăn Huế này nghe đồn ở đây bán là ngon hơn cả. Tôi ăn mà nước mắt cứ giàn giụa vì ớt bỏ quá nhiều và cay quá. Huyền Thảo có vẻ chịu được ớt, nó ăn rất ngon lành:
    - Vậy là Hoà Bình không làm dâu Huế được rồi. Mới có bấy nhiêu đó mà kêu cay.

    Buổi tối, Huyền Thảo mượn chủ nhà một cái lò than để nướng ngô. Ông người yêu của nó tối nay chắc phải làm ca nên để nó lơi lỏng ngồi chơi với tôi được một bữa. Tôi rắc vài hạt muối lên chổ than đang hồng. Muối nổ lép bép, mấy tia lửa bắn ra ngoài như những ngôi sao li ti.
    - Mày có vẻ không ưa lão Danh?

    Huyền Thảo vừa phe phẩy cái quạt mo cau, vừa xoay nhè nhẹ cái bắp ngô trên than hồng, vừa nhìn tôi dò hỏi.
    - Ừ.

    Tôi đáp gọn lỏn, bảo nó:
    - Cẩn thận kẻo ngô cháy bây giờ.

    Có tiếng gõ cửa. Huyền Thảo nhăn mũi hít hà:
    - Mùi ngô nướng thơm quá. Có con rồng nào ngửi thấy mùi ngô nướng mà đến nhà tôm đây? Kìa, ra mở cửa đi chứ?

    Trước mắt toi là Mỹ, sau lưng Mỹ là ... Danh.
    - Chị Hoà Bình!
    - Ôi, Mỹ! Sao em lại ra đây? Còn chuyện học hành, thi cử của em ...
    - Thì em vẫn chăm học, có bỏ buổi nào đâu. Em ra đây để thi Đại học đấy chứ.

    Mọi chuyện cứ như là trò chơi vậy.

    Tôi không ngờ đến những ngày học thi cuối cùng Mỹ lại đổi ý, không thi Kinh tế nữa mà nộp đơn thi Tổng hợp Huế, khoa Anh và Đại học ngoại ngữ Đà Nẵng. Cô bé chưa một lần ra Huế và có ngay Danh là người bảo hộ. Tôi hết nhìn Mỹ rồi lại nhìn Danh. Họ đang đùa giỡn đó chăng?

    - Em ra sớm hơn ngày thi hai ngày để làm hồ sơ bổ sung rồi còn nhận giấy báo thi.

    Mỹ nói tỉnh queo. Còn Danh thì im lặng.

    *
    * *

    Ba buổi Mỹ ngồi trong phòng thi là cả ba buổi tôi túc trực ngoài quán nước của trường thi đợi nó, lo đến cào gan ruột. Tôi rất mến Mỹ và cái quyết định đột ngột của nó khiến tôi chẳng còn biết nói làm sao nữa. Từ khối A nó chuyển sang khối D. Toán, Lý, Hoá giờ thành Toán, Văn, Anh, xoay làm sao cho kịp? Tôi chỉ biết ngồi cầu cho một điều kỳ lạ nào đó xẩy ra và Mỹ đậu một trong hai trường Đại học mà nó vừa mới nộp đơn tức thì ... Nếu nó rớt nữa, tôi đoán nó sẽ rất khó sống yên ổn với lòng mình. Khi không lại ... Không biết kẻ nào đã xúi Mỹ có cái quyết định điên rồ ấy? Tôi nhìn qua Danh. Sao gã lại có vẻ điềm tĩnh đến thế nhỉ?

    Mỹ ra ga ngay sau khi buổi thi cuối cùng kết thúc:
    - Em phải về Đà Nẵng để chuẩn bị cho kỳ thi vào tuần sau. Chị về Hà Nội đừng quên em nghen.

    Nó “mi” nhẹ lên má tôi:
    - Sao mặt chị có vẻ hình sự thế? Em có làm sao đâu?
    - Em thì chẳng làm sao rồi.
    Tôi nói vẻ hờn dỗi.
    - Thôi, em lên tìm chỗ đi, tàu sắp chạy rồi đó. Về nhà cố gắng học bài để tuần sau thi cho tốt.

    Mỹ nhảy lên tàu. Nó cứ thò đầu ra cửa sổ toa, tíu tít trò chuyện với tôi. Danh cứ im lặng đốt thuốc.

    Một trò đùa, có phải?
    #2
      Nguyễn Đình 28.04.2005 16:52:15 (permalink)
      Chương Ba: Vết xước


      Chị Mùi của tôi đột ngột trở về.

      Hai mươi lăm tuổi mà bụng chị đã xệ ra, dáng vẻ đường bệ như một bà chủ.

      Chồng chị là con trai của một ông giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn chuyên sản xuấ bao bì carton, bao bì nhựa các kiểu, các loại giấy in, giấy pelure, giấy gói, dây nhựa niền thùng ... Ở đất cảng Hải Phòng, nơi các tàu buôn quốc ngoại lẫn quốc nội ra vào tấp nập, công ty đó làm ăn trúng lắm.

      Tiếng võng đưa cứ như rít lên.

      Bố mẹ và tôi, ai cũng gầy gầy, bé nhỏ, có lên võng nằm đưa mạnh, tiếng võng cũng chẳng bao giờ rít lên như thế, có lẻ tại trọng lượng của mỗi người chẳng lấy gì làm ghê gớm.

      Sau khi sinh con, người chị tôi cứ xồ ra, “cũng đã tập cả mấy khoá thể dục thẩm mĩ rồi mà không gọn lại được, nên thôi luôn” - Tôi nhớ, chị đã viết thư về cho bố mẹ tôi bảo thế. “Sáu mươi lăm ký, không tụt xuống hơn được”. Sáu mươi lăm ký cho một trăm năm mươi tám centimet chiều cao, vị chi mỗi centimet gánh ... Tôi bật cười khi quẹt cục than xuống nền bếp làm một con tính.

      Tôi nấu cơm xong thì bố mẹ tôi cũng đi làm đồng về.

      Bữa cơm có rau muống xào, mấy cái trứng cáy chưng lên và tô nước rau có dầm một quả cà chua. Đang nấu cơm thì chị Mùi lù lù xách túi đi vào ngõ, tôi pha cho chị cốc nước chanh rồi chạy ù ra chợ mua mấy bìa đậu. Tôi ráng đậu vàng lên, cắt ra xếp cũng được đầy một đĩa nhỡ. Trong hủ vẫn còn một ít mắm tôm, tôi múc ra bát giã ớt tỏi cho vào, vắt thêm một chút chanh. Mùi đậu ráng thơm phức, lẫn với mùi mắm tôm, chanh ớt khiến chị tôi nhổm dậy khỏi võng, và chừng như không kìm lòng được chị xuống bếp nhón một miếng đậu chấm vào bát mắm rồi nhai ngon lành. Tôi nhìn chị, chợt thấy gần gũi và thương thương ...

      *
      * *

      Long Xuyên.

      Chị tôi đặt phòng đôi ở khách sạn Thái Bình rồi kêu xe hon đa lôi chở hai chị em đến Minh Hương Hội Quán. Nhìn chị sì sụp khấn vái trước bàn thờ Ông Bổn tôi lại thấy thương thương ...

      Em chồng chị là một cậu bé bị bệnh bạch tạng. Mái tóc nó vàng như râu ngô và cặp mắt cứ suốt ngày nheo lại - Nó cận thị khá nặng. Khi xem ảnh, nếu chị không nói có lẻ tôi sẽ bảo rằng đó là một đứa bé lai. Nó học không giỏi lắm và suốt ngày lờ đờ như một người ngái ngủ. Trong căn phòng sang trọng của bố chồng chị, nó lạc lõng và chẳng cần cho bất cứ ai. Mười lăm tuổi, lần đầu tiên có người trong nhà cần nhờ đến nó giúp đỡ. Đang lau dỡ căn phòng khách, chợt nghe tiếng cu con khóc ré lên ở phòng ngủ trên lầu, chị tôi tất tưởi vứt giẻ lau đấy, chạy lên, ngoái cổ bảo nó lúc ấy đang ngồi im lìm ở một góc ghế sa lon:
      - Bình! Lau tiếp nhà giúp chị với.

      Nó ngẩn người ra một lúc, rồi bắt đầu cầm giẻ lau nhà. Nó lau rất kỹ, tẩn mẩn chùi từng kẻ gạch một. Lau xong được chổ nào, nó lại cúi sát xuống đất xem đã sạch chưa. Nó bò vào dưới gầm bàn chùi đi chùi lại thật kỹ vệt cà phê ai làm sánh dưới sàn. Hài lòng với công việc của mình, nó cứ thế mà đứng thẳng lên, và đội nguyên cả cái bàn nước lên theo. Tấm kính đặt trên bàn nhào xuống đất vỡ tan, cả cái bình hoa bằng pha lê tuyệt đẹp bố chồng chị tôi mua về từ một chuyến đi Thái Lan làm ăn cũng vỡ nốt. Hoảng hốt, nó cố vẫy ra cho thoát khỏi cái bàn đang đè nặng trên đầu. Choảng! Cái bàn văng vào góc tường, đập vỡ tanh bành cả cái tủ buýp-phê lắp kính màu bày toàn ly, tách ngoại ...

      Chị tôi đã cho nó mấy cái tát nên thân và rít lên:
      - Đồ ăn hại! Cút đi đâu thì cút, còn đứng đó định ăn vạ nữa hả?

      Nó đã cút đi thật. Cả năm tháng rồi. Chị tôi khi nguôi giận, cảm thấy mình đã tàn ác với nó quá. Bố chồng chị tôi cho nhắn tin trên đài, trên tivi mấy lần mà cũng không thấy phản hồi gì. Bà vợ của ông sau khi sinh nó được ít lâu thì mất. Nó cứ lừng lững mà lớn lên như một túm cỏ dại. Ông cũng chẳng buồn để ý xem tại sao trông nó lúc nào cũng lờ đờ như người ngái ngủ, tại sao nó cứ nheo mắt muôn thuở, tại sao ... Ông biết mình không yêu nó bằng những đứa con khác. Biết chắc nó là đứa con mình đã rứt ruột tạo ra nhưng ông vẫn thấy khó chịu mỗi khi nhìn thấy nước da trắng bủng và mái tóc vàng hoe của nó ...

      Hai chị em về lại khách sạn. Chị tôi đem các thứ quà đã chuẩn bị trước để biếu người đã viết thư báo tin về thằng Bình ra gói thành một gói. Riết mối dây cuối xong, chị ngồi thừ ra:
      - Chị không biết ăn nói ra sao khi gặp nó đây. Chị tát nó mấy cái mà nó giận bỏ nhà đi từ bấy đến giờ. Năm tháng. Nó làm cách nào mà trôi dạt từ Hải Phòng vào đến tận An Giang này chứ.

      Tôi ngã người trên gường nệm trải drap trắng. Cậu em chồng của chị tôi sẽ xử sự ra sao khi gặp lại bà chị dâu nhỉ?

      *
      * *

      Giữa những vùng đồng bãi hoang sơ của châu thổ Cửu Long có một giống lúa trời mọc lên như huyền thoại. Không ai gieo, không ai cấy, lúa tự mọc lên, tốt mịt mù và khoẻ như thần thánh, không chuột bọ nào phá nổi, không con nước lụt nào phá nổi ...

      Cây lúa trời cứng cỏi, lá to, hạt nhỏ. Những hạt chín lưa thưa xen lẫn lớp hạt còn xanh ... Những mùa đồng nước mênh mông như biển lớn, khạp trong nhà không còn một hạt gạo, rau muống đồng, bông điên điển cũng nhọc nhằn lắm mới kiếm nổi ... Lúa trời là những hạt ngọc cứu những người nghèo qua khỏi bước gieo neo. Hạt chín đem về xay, giã, nấu ăn. Hạt xanh còn lại trên cây cho đến khi chín tiếp. Không ai mang về tất cả những hạt chín xen lẫn những hạt xanh. Họ biết nâng niu những hạt ngọc của trời gieo xuống ...

      *
      * *

      Roàn ... roạt, roàn ... roạt ...

      Tiếng cưa gỗ ở trong sân vang ra tận ngoài ngõ.

      Hai chị em tôi đứng lại. Căn nhà của người báo tin đây rồi. Ba cây dưa xếp một hàng thẳng bên cổng trái. Chị tôi e dè đánh tiếng ...

      Tiếng cưa gỗ dừng lại, rồi một người trông rất khó đoán tuổi bước ra. Anh ta (hay ông ta nhỉ?) có dáng vóc của một đứa trẻ mười hai tuổi, tóc còn rất đen, nhưng mặt thì đầy nếp nhăn như một ông già.
      - Thưa, cô hỏi ai vậy ạ?
      - Cho tôi hỏi đây có phải là nhà ông Ba Dừa?
      - Thưa, phải. Mời hai cô vào chơi, tôi đi kiếm ảnh liền.

      “Lâu rồi, cũng mấy năm rồi, khi cái lần đầu vợ chồng thằng Ba đưa về nhà nuôi dưỡng một cụ ông đang sống vật vưởng ở trong chợ Long Xuyên, chòm xóm ai cũng ngạc nhiên, nghĩ cả hai vợ chồng nó điên hết rồi hay là đang tính chơi nổi để lên báo chơi, chứ có được lợi gì từ ông già đó đâu. Hổng biết con cái ổng đâu mà để ổng lê lết ăn xin tội quá. Người ngợm ghẻ lở tùm lum à ... Vợ chồng thằng Ba đưa về, phục dịch thuốc thang, chăm sóc cũng hết khẳm mới lành lặn đó. Được ít bữa tụi nó lại chở thêm một cụ cũng vậy nữa về nhà phụng dưỡng ... Cái thằng thiệt tốt mà con vợ nó cũng thiệt lành nữa. Nhà tụi nó thì cũng xơ rơ xác rác như cái quán của tau đây thôi. Hiểu nó rồi thì cả làng, cả xóm ai cũng thương. Tụi thanh niên ở đây cũng xúm vô phụ với thằng Ba, chứ bây coi, chăm cho mấy ông già bà lão sắp xuống lỗ như tụi tau thì biết mấy tiền cho đủ? Già cỡ tao, đau ốm hoài à ...”

      Tôi ngồi trên cái ghế cây ở ngoài vườn, nhớ lại lời bà già chủ quán nước kể cho nghe khi hai chị em tôi hỏi đường đến nhà anh Ba. Ngoài đời cũng có những người tốt đến thế sao?

      Chi tôi đã trở lại, vẻ mừng mừng, tủi tủi:
      - Chị gặp thằng Bình rồi. Nó đang tắm cho một đứa nhỏ. Nó lạ lắm ...

      Chị kéo tay tôi đi.

      Tôi nhận ra Bình ngay. Mái tóc vàng và nước da thật trắng. Cái lạ mà chị tôi nói đó là cặp kính cận trên mặt Bình. Quả thật, trông nó dễ coi hơn, không có vẻ ngơ ngác như tấm hình nó chụp với cả nhà với cặp mắt nheo muôn thuở.

      Nó nói với chị tôi, giọng chậm rãi:
      - Em không về nhà đâu. Em sẽ ở đây, vì ở đây em là người cần thiết ít ra là cho đứa bé này.

      Nó chỉ vào đứa bé trai chừng hai tuổi đang ngóc đầu lên nhìn nó. Đứa bé đã ngừng vọc nước trong cái chậu tắm từ khi hai chị em tôi đến.

      Thằng Bình với tay lấy cục xà bông để trong hộp, trên cái giá gỗ đóng cạnh bờ giếng xuống xoa khắp người thằng bé, kỳ cọ rồi múc từng gáo nước nhỏ dội cho trôi bọt xà bông. Thằng bé nhảy như choi choi, nó cười, và vỗ tay đen đét vẻ thích thú ...
      - Em còn phải về đi học nữa chứ?
      - Ở đây, em cũng được đi học. Em còn đi làm nữa. Em đã biết đánh xe trâu và biết gặt lúa. Em còn biết chẻ củi và nấu cơm. Anh Ba cũng cần em, thằng nhỏ này cũng cần em ...
      - Anh Ba đã viết thư cho chị về em ...
      - Em biết rồi. Ảnh có hỏi qua em, ảnh nói cần cho cả nhà biết tin là em còn sống và hiện đang ở đâu để cả nhà không phải lo buồn. Em nói tuỳ ảnh thôi, nhưng em sẽ không về. Em ở lại. Ở đây em cần cho mọi người hơn ở nhà.

      *
      * *

      Hai chị em tôi về khách sạn.

      Chị tôi nằm vật ra gường nghĩ ngợi. Có mỗi cặp kính cận thôi là thằng Bình đã hết vẻ lờ đờ ngái ngủ. Mỗi một điều đơn giản ấy thế mà sao cả nhà không ai nghĩ ra được nhỉ?

      *
      * *

      Tôi hỏi thằng Lâm:
      - Ông hồi trước ở đâu vậy?

      Thằng Lâm bứt tóc, vẻ suy nghĩ, rồi nó lắc đầu:
      - Tui không kể đâu.

      Cứ “tôi không kể đâu” hoài. Nãy giờ tôi hỏi mãi mà chẳng được gì cả về nó, ngoài cái tên, điều mà khi tôi hỏi, nó cũng phải bứt tóc một lúc rồi mới trả lời được.

      Lâm chính là cái ông cụ non mà hai chị em tôi gặp hôm đến hỏi thăm anh Ba Dừa. Bằng tuổi với thằng Bình - mười lăm, nhưng Lâm có vẻ mặt của một ông già, thêm cái cung cách bứt tóc mỗi khi suy nghĩ càng làm nó giống ông già hơn.

      Bình kể:
      - Nhà thằng Lâm ở Định Quán, Đồng Nai. Bố nó mù và nó phải dắt bố đi ăn xin từ khi còn bé tí. Mỗi lần ế ẩm, ông bố nó lại giơ gậy đánh nó giải buồn. Lỳ đòn rồi, nó cũng chẳng ngán mấy đòn gậy đập như đuổi ruồi của ông bố mù đâu, chỉ có điều từ những lúc đó nó đâm ra có thói quen bứt tóc. Ban đầu thì chẳng để làm gì cả, ngồi buồn, nó nhẩn nha tự nhổ từng sợi tóc. Sợi tóc giựt khỏi ra đầu nghe tê tê, êm êm ... nó khoái, cứ nhổ mãi, đầu trọc từng mảng nhỏ.

      Thằng Lâm xách quần áo ra giếng giặt. Người nó còm nhom, xương sườn lộ ra đếm được từng dẻ.

      Thằng Bình tự dưng mĩm cười:
      - Chị mà gặp thằng Lâm hồi nó mới đến đây thì sợ phát khiếp lên được. Nó rất lười tắm, sợ nước vô cùng, suốt ngày cứ ru rú trong góc nhà rồi bứt tóc thôi. Nó bỏ ông bố mù đi vì nghe mấy người bảo ông ấy không phải là bố nó, chỉ là người thuê mướn nó thôi. Nó bỏ đi để tìm bố mẹ thật của nó đấy.

      Tôi theo Bình vào nhà. Thằng bé mà Bình tắm hồi trưa không chịu cho tôi bế, nó chưa quen tôi. Nó ôm lấy cổ Bình, khua khua hai bàn tay bé xíu lên mặt, lên tóc Bình.
      - Ba Bình ru Đức ngủ nha.

      Thằng bé cười ngỏn nghẻn. Nó vỗ vỗ vào miệng Bình rồi ngữa cổ ra sau cười hắc hắc.

      Bình đặt nó xuống gường, buông màn cẩn thận, rồi vỗ về nó, vừa hát nho nhỏ bài gì đó.

      Tôi ngồi ngoài sân chờ Bình ra.

      Nó ngồi xuống một khúc cây chưa xẻ, nói mà không nhìn tôi:
      - Anh Ba đưa thằng Đức về nhà khi nó lên cơn sốt. Ai đó bỏ nó ở bến phà Long Xuyên. Thằng nhỏ được bọc trong mấy cái tã rách nát, cũ vàng, khóc không thành tiếng nữa rồi. Nó còn đang bú mẹ, vậy mà ... Chị Ba phải bế nó đi khắp xóm xin người ta cho nó bú nhờ. Cụ Tiến trong nhà đặt tên cho nó là Đức. Khi em đến, nó đã biết chạy lũn cũn, nó cứ bám theo em hoài gọi em là “ba, ba”. Em thấy thương nó quá. Không biết nó gọi tên anh Ba hay nó coi em là bố của nó. Nhưng em không rời nó được. Nó cần có em mà.

      *
      * *

      Người ta kể, những con trai có ngọc là nhờ những hạt cát lọt vào trong kẻ mắt của trai. Đau, nước mắt trai ứa ra, bọc tròn lấy hạt cát. Ngày lại ngày, nước mắt cô thành ngọc. Soi lên trong nắng, hạt ngọc nào cũng có một tâm cát ở trong.

      Có những con trai có ngọc và có những con trai không có ngọc.

      Những con trai có ngọc - khởi đầu từ một vết đau ...
      #3
        Nguyễn Đình 28.04.2005 16:53:30 (permalink)
        Chương bốn: Bước ngoặt


        Cô Minh đau.

        Bụng cứ cồn lên, đau từng chập.

        Ruột thừa.

        Căn phòng ba tầng mà thật là vắng vẻ.

        Tầng một có nhà bếp, nhà vệ sinh, chổ để xe, phòng khách.

        Tầng hai, cô Minh và ông bố ở. Ông cụ năm nay đã tám mươi ba tuổi, không nhìn thấy gì từ năm năm mươi ba tuổi, ba mươi năm rồi, khi ấy cô Minh vừa tròn hai mươi.

        Tầng ba, một phòng khách riêng dành cho tôi một phòng lớn hơn dành để bàn thờ bà cụ và một người anh của cô Minh.

        Khuya. Tôi chở cô vào bệnh viện ...

        Phải mổ vì đoạn ruột thừa đã sưng tấy lên, sắp vỡ mủ.

        Tôi ngoài ngoài phòng đợi, đầu cứ gục gặc mãi vì buồn ngủ. Từ khi đi làm đến giờ, không hôm nào tôi dám ngủ trưa. Mỗi buổi về, ăn cơm, tắm rửa xong là tôi lại tranh thủ mang tiếng Anh ra ôn lại. Tiếng là đã lấy được bằng C rồi nhưng khả năng giao tiếp của tôi còn rất kém, thời giờ trên lớp chỉ đủ cho chúng tôi học học vài diểm văn phạm, biết thêm từ vựng, luyện nghe và nói được một ít thôi. Hơn nữa, vốn từ vựng mà tôi học được qua cả mấy năm học chỉ là tạm được để có thể giao tiếp thông thường thôi, bây giờ đi làm các Catalogue quảng cáo viết bằng thứ tiếng Anh chuyên môn, hầu như từ nào với tôi cũng trở thành mới lạ. Có những từ mới nhìn tưởng quen, nhưng nghĩa ở đây thì khác, khi tôi áp dụng nghĩa giao tiếp đã học để dịch, văn bản lập tức trở nên ngô nghê. Quyển từ điển 65.000 từ tôi mang theo trở nên kém tác dụng. Tôi chỉ mới đủ tiền mua được một quyển từ điển kỷ thuật Anh - Việt cỡ nhỏ, đành phải dùng tạm nó cùng với quyển từ điển kia, lắm lúc cứ phải vừa tra vừa đoán nghĩa từ, thật mệt mà cũng thật dễ sai ...

        Tôi gục đầu thật mạnh, và chợt tỉnh khỏi cơn ngủ gật. Cố lúc lắc đầu cho tỉnh táo, tôi định thần nhìn quanh và chợt nhận ra ngồi cùng băng ghế với tôi là một người đàn ông còn trẻ. Anh ta có vẻ đang lo lắng, bồn chồn lắm. Tôi đứng dậy đi loanh quanh một lúc rồi trở lại ngồi trên băng ghế. Hình như vào cái lúc khuya khoắt này, chỉ có người nhà của tôi và của anh ta là đáng phải lo lắng hơn cả.

        Tôi tiếc là đã không kịp mang theo một quyển sách tiếng Anh nào đó đọc cho đỡ phải ngủ gật. Nghĩ đến đó, tôi bật cười. Cô Minh đau, tôi lo cuống cả lên vội vã chở cô đi cấp cứu.Việc khẩn cấp chứ có phải nhẩn nha đi chơi đâu mà bày đặt mang theo cái này, cái nọ.

        Một băng ca đặt trên xe đẩy bằng i-nốc sáng loáng từ cửa phòng hồi sức ló ra, cả tôi và người kia đều bật dậy. Không phải cô Minh. Anh chàng kia đi theo chiếc xe.

        *
        * *

        Tôi về nhà, tháo màn ra cho ông cụ và chạy mua cho cụ một ít hủ tiếu.

        Ở trên lầu hai này, cô Minh đã cho làm một phòng vệ sinh riêng cho ông cụ, không biết trước đây thì sao còn từ khi tôi đến đây, cứ thấy cô Minh ngày nào cũng xách lên một xô nước đầy, đổ vào trong cái thùng nhỏ đặt ở trong phòng vệ sinh cho cụ ông. Có lẻ nước không bơm lên nổi trên này.

        Tuổi cao nhưng cụ ông vẫn có thể tự làm vệ sinh cá nhân được.

        Tôi gỡ màn, xếp chăn lại và nói to:
        - Sáng rồi, ông ạ. Ông dậy rửa mặt rồi ăn sáng.
        - Sáng rồi hả?
        Ông cụ hỏi lại.
        - Dạ.
        Tôi đáp. Cụ ông lần ngồi dậy, quơ tay. xác định vị trí rồi đi ra chổ cầu thang. Quơ tay lần nữa lấy cái khăn mặt. Quơ tay nữa, mở được cửa phòng vệ sinh ... Ba mươi năm rồi, quãng đường này đã trở thành quen thuộc ...

        *
        * *

        Tôi đến hãng. Mặt sếp nhăn nhó. Tôi lo đến thắt ruột. Tuần này tôi chẳng tìm ra được một mối nào mua máy. Có lẻ chủ nhật phải nhờ đến ông chủ máy dạo nọ thôi ...

        *
        * *

        Cô Minh bảo:
        - Đừng lo cho cô. Cháu lo cho ông vậy là cô cám ơn cháu nhiều lắm rồi. Tội nghiệp cháu, đi làm đã vất vả, giờ thêm cái món nợ này nữa.

        Tôi hỏi lãng đi:
        - Cô ăn được cháo chưa để cháu nấu?
        - Thôi, người ta truyền đạm cho cô rồi. Cô cũng chưa muốn ăn gì đâu. Cháu hỏi ông thích ăn gì thì nấu cho ông ăn giúp cô nhé.

        Tôi ghé qua chợ mua vài thứ rau, thịt ròi về nhà.

        Cũng hơi vất vả thật.

        Mấy ngày rồi tôi cứ tất bật hết lên bệnh viện, lại đến hãng, chạy lòng vòng ngoài đường đã đời lại phải về nhà lo cơm nước cho ông. Ông ăn chẳng bao nhiêu nên phải chọn những thứ ông thích mà nấu để ông ăn được. Nội chuyện trưa nắng lại phải tạt qua chợ, giữa bao nhiêu thức những người đi chợ sáng đã chọn hết cả những thứ tươi, ngon nhất rồi, tìm cho ra miếng khả dĩ làm vừa miệng một cụ già hơn tám mươi đã khiến tôi đi hết muốn nổi. Nhá, nuốt vài miếng lại phải lo đi làm việc buổi chiều. Mắt tôi như muốn díp lại, còn miệng thì ngáp vô tội vạ.

        Tôi ì ạch đẩy xe vào nhà.

        Chưa kịp dựng chân chống lên đã nghe tiếng ông gọi:
        - Cháu ơi!

        Có lẽ ông nghe tiếng tôi kéo cửa sắt nên gọi. Không biết có chuyện gì không? Ông lại gọi tiếp:
        - Cháu ơi!

        Giọng người già nghe rên rên, não nề phát sợ, tôi quýnh quáng chạy vội lên lầu. Trời ơi! Ông mắc cứng trong một mớ khăn trải gường, chăn, gối dưới sàn. Dây màn đứt, cái màn phủ lên người ông thành một đống bùng nhùng. Sáng nay, khi tôi đánh thức ông dậy, ông bảo ông hơi mệt để ông nằm thêm một lúc nữa. Tôi pha cho ông một cốc sữa, dặn ông khi nào ông dậy thì uống. Tôi để cốc sữa trên bàn rồi vội vã ghé bệnh viện thăm cô Minh, sau đó thì đến hãng ...

        Tôi gỡ ông ra khỏi cái mớ hỗn độn ấy và giúp ông lên gường. Cốc sữa hãy còn nguyên.

        Tôi xếp gọn lại các thứ, chợt nhớ ra nãy giờ quýnh quáng lo cho ông, tôi chỉ mới kịp dắt xe vào nhà, vứt đó ...

        Tôi hoảng hốt chạy xuống lầu.

        Cánh cửa sắt vẫn mở toang hoang.

        Cái xe của tôi, với chìa khoá vẫn còn cắm ở ổ điện, với cả mớ rau thịt hãy còn máng ở giỏ xe ... tất cả đã biến mất.

        *
        * *

        Cô Minh rơm rớm nước mắt:
        - Tội nghiệp cháu quá. Tại cô hết. Nếu cô không đau ốm, cháu không phải vất vả thế thì đâu có chuyện gì xảy ra.
        - Thôi cô ạ. Cũng tại cháu nữa mà. Nếu cháu cẩn thận khoá cửa lại thì đâu đến nỗi. Cô đừng lo nữa kẻo vết mổ không sớm lành được đâu, cô còn thương cháu thì phải ráng ăn cho khoẻ lên chứ.

        Cô Minh cười mà như mếu:
        - Vậy là họ không ký hợp đồng với cháu nữa à?
        - Không cô ạ. Họ chỉ mới đồng ý tạm tuyển cháu ba tháng thôi, chưa hết ba tháng nhưng cháu làm ăn chẳng được gì nên họ cho nghỉ luôn. Chẳng sao, rồi cháu sẽ tìm được một công việc khác thôi. Cô đừng lo.

        *
        * *

        Hoá ra cái anh chàng cùng ngồi trên băng ghế với tôi ở phòng đợi bữa nọ là một phóng viên. Mẹ anh ta sau cái lúc phải bắn, phá hay mổ gì đó để lấy sỏi thận ra được chuyển về ở cùng phòng với cô Minh. Mấy lần ghé bệnh viện tôi cũng thoáng thấy anh ta, cùng lắm thì cũng chỉ gật đầu chào nhau thôi, chứ tôi và cả anh ta nữa hình như chẳng ai có dư thời giờ để quan tâm đến nhau ngoài cái động tác xã giao cho phải đạo ấy.

        Không biết cô Minh than thở với mẹ của anh chàng kia thế nào, và bà ấy nói lại với ông con ra sao, chỉ biết lần này gặp nhau khi tôi lơ đãng gật đầu chào anh ta, rồi tính đi thẳng, thì anh ta chặn lại:
        - Tôi là Hoàng. Tôi muốn giúp cô một chút. Cô biết làm những gì?

        Tự dưng tôi cau mặt:
        - Tôi sẽ biết làm tất tần tật.
        - Tôi hỏi nghiêm túc đấy.
        - Tôi cũng đâu có đùa. Có thể có nhiều việc tôi sẽ làm không giỏi bằng người khác nhưng thật cố gắng chắc cũng chẳng đến nỗi nào. Tôi biết một chút tiếng Anh, một chút vi tính, lắp bắp vài câu tiếng Hoa ...
        - Khá. Tiếng Anh cô học đến đâu rồi?
        - Xong bằng C.
        - Còn vi tính? Cô biết soạn thảo và trình bày một văn bản chứ?
        - Biết. Tôi có hoa tay trên cả mười ngón cơ mà.

        Tôi nói và chìa hai bàn tay ra

        Hoàng bật cười:
        - Thôi khỏi đưa bằng chứng ra. Tôi tin cô không những có mười hoa tay mà còn có cả mười hoa chân nữa kia.

        *
        * *

        Vậy là tôi trở thành nhân viên vi tính trong toà soạn báo mà Hoàng làm việc.

        Công việc của tôi là dàn trang trên máy vi tính. Cũng không khó khăn gì lắm, bởi tôi đã học qua mấy khoá điện toán văn phòng và trước khi ra trường tôi đã tự tay đánh và in bằng máy vi tính toàn bộ luận văn tốt nghiệp của mình.

        Thật may cho tôi khi chị nhân viên vi tính vẫn đảm trách công việc này ở toà soạn phải nghỉ để sinh con.

        Tôi nhảy vào trám chổ trống cho chị. Vậy là tôi có mấy tháng yên ổn về kinh tế trong khi chờ tìm một công việc khác.

        *
        * *

        Tôi rủ Hoàng:
        - Cô tôi nấu ăn ngon lắm. Chủ nhật này cô tôi mời anh và mẹ anh đến nhà chơi và ăn bữa trưa.
        - Tôi không từ chối lời mời ăn bao giờ, tôi sẽ thuyết phục mẹ tôi cùng đi.

        Từ ngày ra viện, cô Minh đối với tôi thật thân thiết. Cái khoảng cách phải giữ gìn giữa một bà chủ nhà và một người ở trọ hầu như không còn nữa. Cô coi tôi như con. Tôi đi làm được ít ngày thì cô bảo:
        - Cháu mời hai mẹ con anh Hoàng đến nhà mình chơi, ăn cơm. Cám ơn thì khách sáo thật đấy, nhưng hai mẹ con anh ấy thật tốt với cô cháu mình quá, mình không có gì ... thật cô áy náy lắm.
        - Vâng ạ. Cháu sẽ mời.

        Cô nhìn tôi, chần chừ một lúc rồi nói:
        - Hoà Bình này, cô đang tính cho thuê tầng trệt đấy. Nhà mình ở ngoài mặt đường chính, tiện cho buôn bán lắm, người ta trả cả triệu đồng một tháng lận đó.
        - Tuỳ cô ạ.
        - Cô không muốn ồn ào phiền phức nên từ trước tới nay có nhiều người đến xin thuê mặt bằng mà cô không đồng ý, nhưng nay ... cô muốn cho họ thuê để ... Hoà Bình này, từ bây giờ hàng tháng cháu không phải gởi tiền cơm và tiền nhà cho cô nữa ...
        - Kìa cô ...
        Tôi ngắc ngứ mãi không biết phải nói làm sao.

        *
        * *

        Hoàng đặt trước mặt tôi tờ “Country song roundup”
        - Dịch giùm tôi bài phỏng vấn về Victoria Shaw. Đừng dịch thật thà y chang nguyên bản nha. Hoà Bình đọc qua rồi dựa vào đó mà viết cho tôi một bài ngắn cỡ năm trăm chử thôi. Hai ngày nữa tôi lấy được không?

        Tôi không trả lời, im lặng đọc lướt bài báo. Bài báo chiếm một trang khổ vừa của tạp chí. Chà! Đây là ca sỹ của “I love the way you love me”, tôi đã nghe bài hát này và rất thích, đọc mấy dòng đầu của bài báo tôi mới biết Victoria Shaw không những là ca sỹ mà còn là người viết các bài hát nữa. Có mấy bài tôi rất khoái: “The river”, “Too busy being in love”. Tôi ngẩng lên:
        - Không cần phải hai ngày đâu. Sáng mai tôi đưa bài cho.
        - Có vội quá không, bạn thân mến?
        - Không!

        Tôi đáp cụt ngủn rồi cúi xuống tiếp tục gõ vào bàn phím máy vi tính.

        Hoàng cười rồi bỏ đi ra.

        Hơn tôi bốn tuổi, Hoàng có cái vẻ của một ông anh bao dung đối với một đứa em tính hãy còn lóc chóc, loại “ăn chưa no lo chưa tới”, khi nói chuyện với tôi. Không biết tôi có quá phóng đại những cảm giác của mình lên không nhỉ?

        *
        * *

        Người ta mướn tầng trệt của nhà cô Minh làm tiệm cho thuê đồ cưới. Chủ tiệm người Huế, người trông hàng cũng người Huế nốt. Tôi dắt xe đạp vào trong nhà, nghe bà chủ tiệm - cô Diệu Tâm chọc với theo:
        - Cán bộ đi làm về muộn thế?

        Giọng Huế cao vót, nghe líu ríu như tiếng chim. Tôi dựng xe vào góc nhà, quay ra:
        - Cô Tâm bảo cháu gì ạ?
        - Bảo mày sao không để người yêu đưa về, đạp xe chi cho cực?
        Rồi cô ngửa cổ ra cười.

        Tôi đỏ mặt. Dù nghe tiếng được, tiếng mất nhưng tôi cũng hiểu được cô nói những gì.

        Tôi giở từ điển ra để tra những từ mới trong bài báo, chợt thấy nhớ Mỹ. Năm nay nó đã học năm thứ hai Đại học Ngoại ngữ rồi. Vào Sài Gòn đã được bốn tháng, tôi chưa viết cho nó lá thư nào. Chắc nó đang lo đến đỏ mắt cho bà chị kết nghĩa của mình, không biết sống chết ra làm sao mà ra trường là lặn ... không thèm sủi tăm.

        Tháng tám năm ngoái, sau khi tôi và Huyền Thảo về lại Hà Nội được hơn một tháng, Mỹ gởi cho tôi một lá thư báo tin nó đậu và rớt. Rớt ở Huế và đậu ở Đà Nẵng. Điểm đâu ở Đà Nẵng hơn điểm học bổng được 0,5 điểm. Vậy là tuyệt lắm rồi. Tôi chỉ lo nó rớt cả thì ê mặt. Đậu có học bổng nhưng nó vẫn phải đóng học phí. Đứa nào cũng đóng hết. Tiền học phí cũng khá cao, nên để đỡ phần nào cho ba má nó, Mỹ đi dạy kèm tiếng Anh cho bọn nhỏ vào buổi tối. Nó kể, nó và hai đứa bạn nữa đã nộp đơn xin làm hướng dẫn viên dự bị cho công ty du lịch Đà Nẵng, để khi nào đông khách, người ta gọi tụi nó đi làm. Cả ba đứa đã dẫn khách đi Đà Lạt một lần, Huế hai lần và Nha Trang một lần. Còn phố cổ Hội An cách Đà Nẵng 30 km thì tụi nó đi khá thường xuyên, do chỉ cần sáng đi chiều về, không ảnh hưởng lắm đến chuyện học trên lớp.

        Danh vẫn làm ở trường thiếu niên lao động.

        Tôi tưởng giữa Mỹ và Danh có một cái gì đó hơn tình bạn, vậy mà không phải.

        Mỹ kể, Danh vẽ khá và là sư phụ của Mỹ về tiếng Anh.

        Hoá ra cái anh chàng đã khiến tôi điên tiết đó từng là sinh viên của Đại học Sư phạm Huế. Hèn gì anh ta thẩm định giỏi thế khả năng thi Đại học của Mỹ. Mỹ viết, nếu không nghe Danh khuyên, chắc Mỹ lại rớt Kinh tế lần nữa, bởi thực ra nàng học Toán, Lý, Hoá chẳng lấy gì làm giỏi. Ai đời thi khối A, mà dự định cố được tối đa điểm phần lý thuyết bằng cách học thuộc các câu lý thuyết giải sẳn trong bộ đề và các lớp học thêm ... Danh đã bắt gặp Mỹ trong một lúc mơ màng với cuốn sổ chép toàn thơ “Để giải lao ấy mà ...” Mỹ ngượng ngùng giâú nó xuống dưới quyển sách Hoá...

        Mỹ đã giải một cách dễ dàng mấy đề thi Đại học môn tiếng Anh Danh đưa, “Chuyện nhỏ! Em đã được học tiếng Anh từ lớp ba, tập tễnh dịch truyện cổ tích từ năm lớp sáu ... chẳng có gì là khó khăn khi diệt sạch tám mươi bộ đề tiếng Anh trong vòng một tháng cả”

        Thi ở Đà Nẵng, tiếng Anh, Mỹ được tám. Văn được bảy, còn Toán được ... hai điểm. Điểm ngoại ngữ được nhân đôi nên Mỹ được lợi. Tổng cộng thành hai mươi lăm điểm..

        Tôi cắm cúi chép lại bài viết trên một tờ giấy manh. Đã hai giờ khuya. Hơi lâu cho một bài báo nhỏ, và khá đơn giản, nhưng không sao, ban đầu mà ... rồi sẽ nhanh hơn thôi.

        Tôi thích thú với Victoria Shaw. “I pressure myseft. I compete with myseft. I have a lot of goals that I set and I meet them little by little ...” (Tôi gây sức ép với chính mình. Tôi chạy đua với chính mình, tôi có rất nhiều mục tiêu và tiêu và tôi sẽ thanh toán chúng, từng cái một ...)

        Dịch như vậy có thật thà lắm không hả ông Hoàng?


        #4
          Nguyễn Đình 28.04.2005 16:54:51 (permalink)
          Chương năm: Điều có thể


          Nỗi lo cứ cộm lên.

          Trong vòng bốn tháng liệu tôi có tìm ra được một công việc phù hợp với mình; không phải trơ mặt ra với những trò suồng sã, tạm đủ trang trải cho những nhu cầu thiết yếu nhất của mình?

          Bốn tháng ...

          Tôi bước vào cuộc tạm tuyển lần thứ hai.

          Lần này với một chiếc xe đạp.

          *
          * *

          Đều đặn mỗi tuần hai lần, Hoàng ghé phòng vi tính đưa bài cho tôi dịch. Không khen, không chê, chỉ cười.

          Mỗi lần dịch xong bao giờ tôi cũng đem bản thảo chính ra photo lại. Tôi giữ bản sao ấy, còn bản chính viết tay tôi gởi cho Hoàng. Dù làm trong phòng vi tính nhưng không bao giờ tôi gõ các bài viết của mình lên màn hình vi tính rồi sau đó in ra. Tôi ngại ...

          Mỗi lần có tờ báo nào đăng bài dịch của mình, tôi đều đọc bài đã được đăng rất kỹ, so nó với bản sao mà tôi còn giữ, xem người ta sửa bài viết của mình như thế nào, để lần sau tránh những chỗ viết vụng ấy đi.

          Tôi đi làm đã được một tháng.

          Tiền lương, tiền nhuận bút các bài dịch tôi bỏ gần như tất cả vào trong một con heo đất đặt trên cái bàn nhỏ trong phòng mình, chỉ giữ lại một ít để phòng xe hỏng.

          Đi xe đạp cũng có cái hay là chẳng tốn tiền đổ xăng, nếu có hư hỏng gì thì tiền sửa cũng rất nhẹ, gởi xe cũng nhẹ hơn xe máy một nữa tiền.

          Một tháng, không phải trả tiền ăn và tiền nhà, tôi đã để dành được sáu trăm ngàn. Hai trăm ngàn tôi gởi lại cho cô Minh tiền tôi đã mượn để mua chiếc xe đạp tàng tàng đang đi. Cô không muốn nhận nhưng tôi cứ quyết gửi. Tôi đã mượn thì bây giờ phải trả. Đơn giản vậy thôi.

          Tôi viết thư cho bố mẹ, không đã động gì tới việc tôi bị bay khỏi hãng bán máy photo-copy. Cứ để cho bố mẹ yên tâm là với tôi mọi việc đều yên ổn. Tôi định bụng ít ngày nữa khi tôi dành đủ năm trăm ngàn, tôi sẽ ra ngày bưu điện, gởi về cho bố mẹ tin là chẳng việc gì phải lo lắng cho tôi hết.

          *
          * *

          Hoàng đến nhà tôi một cách bất ngờ:
          - Mai tôi phải đi công tác Tây Ninh. Chủ nhật tới có triển lãm các đồ án tốt nghiệp xuất sắc của sinh viên các trường Xây dựng, Kiến trúc, Bách khoa, Thuỷ lợi ... trong cả nước. Hoà Bình đến đó viết bài giùm tôi nha. Trang sinh viên do tôi phụ trách, tuần nào cũng phải lên được một bài. Triển lãm đó rất hay, tôi tin Hoà Bình sẽ làm thay tôi được, nên không muốn nhờ người khác ...

          Tôi im lặng.

          Phi vụ này không đơn giản như dịch bài về Victoria Shaw.

          - Hoà Bình có hoa tay trên cả mười ngón kia mà.
          Hoàng nói khích.

          Tôi vẫn cố nén giận, ngồi im.

          Con mèo khoang trắng đen từ dưới bếp chạy ra. Nó õng ẹo cà mình vào chân bàn, chân ghế một hồi rồi nhảy phắt lên lòng tôi. Tôi vẫn cưng con mèo này lắm. Người nó trắng có vài đốm đen rải rác trên thân mình và trên cái đuôi dài, mỗi khi thích chí cứ dựng đứng lên. Nó có cái đầu rất đặc biệt. Đầu màu đen, sau ót có một cái đuôi dế như tóc mấy chú nhóc đỏm đáng, phía trước trán, cái mảng đen ấy rẽ ra làm hai như một mái tóc được vén khéo trên khuôn mặt tròn màu trắng, nom nó khá ngộ nghĩnh.

          Tôi búng vào mũi con mèo một cái thật đau.

          Quá bất ngờ, con mèo vẫn cứ ngồi thẫn ra. Chắc nó không nghĩ cái đòn đau như trời giáng kia lại xuất phát từ cái sinh vật to lớn nhưng rất hiền lành, ngày thường vẫn cưng chiều nó hết mực, ngày thường bất cứ lúc nào nó cũng có quyền nhảy tót vào lòng sinh vật đó ngồi, êm ái và ấm áp như ngồi trên một đống chăn.

          Tôi búng vào mũi con mèo một lần nữa.

          Lần này thì nó hiểu sự xua đuổi là có thật. Nó “ngao” lên một tiếng ai oán rồi nhảy xuống.

          Hoàng vươn tay túm lấy nó, miệng cười cười:
          - Mày đến không đúng lúc rồi. Cô chủ của mày sẽ làm tất tật để đuổi mày. Có thể cô ấy làm việc đó không giỏi bằng người khác, nhưng nếu thật cố gắng thì cũng chẳng đến nỗi nào đâu, phải vậy không mèo? Mũi mày sưng vù lên rồi đây này.

          Đang tức mà tôi cũng phải bật cười. Hoàng nhại lại những lời mà tôi đã dùng để “bốp, chát” với anh ta hôm nói chuyện đầu tiên ở bệnh viện ...

          *
          * *

          Thứ bảy.

          Hoàng đã đi công tác từ sáng hôm qua.

          Tôi thả những vòng xe thật chậm rãi trên đường về nhà.

          Chiều mát, đường phố Sài Gòn có vẻ dễ thương hơn một chút nhờ cái nóng đã dịu đi, gió thổi nhè nhẹ gây cảm giác là bụi và khói xe đã tan loãng đi nhiều. Đường phố vẫn đông người. Tự dưng tôi mĩm cười. Sao mình lại vào đây để dòng người xe ở thành phố này thêm đông đúc nhỉ? Và như vậy nạn kẹt xe lại dễ dàng xảy ra hơn một chút, thời gian chờ đợi cho thông xe lại lâu thêm một chút nữa ...

          Ăn cơm tối xong, tôi lấy những tờ báo có bài của Hoàng ra đọc ... Cả buổi trưa nay tôi ở trong phòng tư liệu lục tung tất cả những tờ báo mà theo tôi là cần thiết để chuẩn bị cho việc xung trận vào sáng mai.

          Từ nhà dưới, tiếng cô Diệu Tâm lại cất lên véo von. Tôi không nghe rõ cả nhưng tên tôi được lặp lại hai, ba lần rất to. Tôi hiểu là cô gọi tôi xuống có việc.

          Thư của Hoàng.

          Tây Ninh đâu có xa Sài Gòn bao nhiêu đâu, Hoàng mới đi sáng hôm qua, thứ hai đã về rồi, việc gì gấp mà phải thư từ cho tôi nhỉ?

          Thư phát nhanh nên tôi phải ký nhận sau khi đã trình giấy chứng mình thư cho nhân viên bưu điện. Tôi cầm lá thư chạy lên lầu, còn nghe tiếng cô Diệu Tâm cười trêu chọc phía sau ...

          Trong thư chỉ là những lời dặn dò mà Hoàng đã dặn tôi hôm trước. Có phải anh chàng này sợ tôi làm lỡ việc hay không mà lại cẩn thận đến thế nhỉ?

          Cuối thư Hoàng chúc tôi một buổi tối thứ bảy vui vẻ.

          Gởi kèm theo trong thư là hai tép chewinggum. Hoàng viết, nếu tôi không còn bực gì Hoàng thì ăn hết cả hai tép, nếu còn bực thì ăn một tép phần tôi thôi, còn phần kia giữ lại, khi nào Hoàng về thì đưa để Hoàng ăn cho bõ ghét.

          Thư không dài mà tôi cứ đọc đi đọc lại mãi, nghe trong lòng một chút nôn nao ...


          *
          * *

          Viết báo không đơn giản như tôi đã tập dịch những bài báo có vấn đề rồi viết lại theo suy nghĩ của mình sao cho người đọc cũng cảm thấy có một cái gì đó hay, đáng quan tâm, là đạt.

          Trước hết, nhà báo phải có một vốn kiến thức căn bản nào đó về lĩnh vực mà mình định viết để không ù ù, cạc cạc khi tiếp xúc với đối tượng, để không vì không biết mà tán láo ra.

          Tôi đã cảm nhận ra diều đó khi ngồi ở dưới lắng nghe các sinh viên lên thuyết trình về các đồ án của mình. Tôi không hiểu gì về phương án cắt lũ, không hiểu tại sao để cắt lũ, người ta lại phải bỏ đi cả 80% dung tích hồ để chứa lũ thiết kế...

          Tôi ngồi nghe và bắt đầu hoảng, mồ hôi rịn ra trên trán.

          Chung quanh tôi các bậc phóng viên đàn anh đang điềm tĩnh ngồi ghi chép, có người không ghi mà dùng máy ghi âm ghi lại toàn bộ lời thuyết trình của các sinh viên lên giới thiệu đồ án. Lâu lâu ánh đèn flash từ các máy ảnh lại loé lên. Tôi chỉ đi đến đây với một cuốn sổ và một cây bút. Hoàng đã tin cậy tôi mà chẳng lẽ tôi lại về tay không?

          Tôi chú ý đến một anh chàng mặc áo trắng, đeo cravat, tóc dài cột nhỏng lên như đuôi ngựa. Hắn giống với gã Danh đã làm tôi điên tiết nhưng cũng giúp tôi sáng mắt được phần nào ...

          Tôi nhẹ nhàng rời khỏi hàng ghế đầu, len xuống ngồi gần chổ anh ta. Trông tôi không có vẻ gì là một phóng viên cả, tôi giống như một cô bé đi sưu tầm chữ ký của các nhân vật mà mình ngưỡng mộ.

          Tôi khều nhẹ vào áo anh ta:
          - Tôi muốn làm quen với bạn. Phải bạn mới từ Hà Nội vào không?
          - Đúng vậy, tôi vào cùng với mẹ tôi.
          - Chà! Bạn lớn thế này mà còn phải có phụ huynh đi kèm sao?
          - Không phải tại tôi nhát đâu. Đồ án của tôi được giải thưởng, ngoài giấy mời dành cho tôi, còn có giấy mời dành cho bố mẹ tôi nữa ...

          Tôi đã làm quen với anh chàng có đồ án đoạt giải nhất như vậy. Có hai anh chàng cùng đạt giải nhất: một chàng học Xây dựng, một chàng học Kiến trúc. Chàng tôi quen học Đại học Kiến trúc Hà Nội. Tôi chỉ khai thác kỹ ở đồ án của anh ta khía cạnh kinh tế, quá trình thực hiện đồ án ... Những gì liên quan đến kỹ thuật, đến kiến trúc tôi đề nghị anh ta giải thích thật cặn kẽ, gần như diễn đạt theo cách nôm na cho ai cũng hiểu được. Cũng may, anh chàng rất nhiệt tình lại tỏ ra rất thông cảm với tôi, khi tôi đỏ mặt thú nhận:
          - Tôi chẳng hiểu gì về kiến trúc cả. Tôi đang là phóng viên tập sự, toà soạn phái tôi đến đây để thực tập viết bài. Bạn giúp tôi nhé.

          Ngọc - tên anh chàng ấy giúp tôi làm quen với anh chàng “cắt lũ”, anh chàng tạo “công viên mặt trời” ... Tất cả bọn họ đều giảng giải rất cặn kẽ để tôi có thể hiểu được đồ án của họ. Bọn họ học Đại học hệ năm năm nên đều lớn hơn tôi từ một đến hai tuổi, họ có vẻ thích thú khi được giúp đỡ phóng viên nhí hoàn thành nhiệm vụ.

          Ngọc rủ:
          - Buổi chiều, Hoà Bình đến chổ tụi tôi chơi đi ...
          - Đừng ngại, giải nhất được tám trăm ngàn, còn các giải nhì, ba và khuyến khích nữa chứ, Hoà Bình chủ trì, còn tụi này chủ chi, được chưa?

          Tất cả bọn chúng tôi đều cười ...

          Ngọc ngần ngừ một lát rồi bảo:
          - Tôi muốn Hoà Bình và các bạn ký tên mình lên áo tôi đây. Ra trường rồi, những lúc như thế này biết có còn gặp lại nữa không?

          Tôi cầm cây bút xạ Ngọc đưa, ký tên mình lên áo Ngọc mà tay run run. Hôm nay tôi cũng mặc áo trắng, tất cả những người bạn mới quen của tôi cũng đều mặc áo trắng ...

          Không ai bảo ai mà lần lượt tất cả chúng tôi đều đưa lưng áo của mình cho người khác ký.

          *
          * *

          Hoàng bảo:
          - Hoà Bình viết như vậy là khá, nhưng ảnh chụp sao mờ vậy?

          Tôi hơi ngượng:
          - Tại chưa quen chỉnh máy ...
          - Ủa, Hoà Bình xài máy cơ hả? Hiệu gì vậy?
          - Zenhit.

          Tôi lúng búng đáp, không nhìn Hoàng.

          Có máy ảnh hiệu Zenhit nào đâu. Buổi sáng, thấy cung cách làm việc của các bật đàn anh tôi cảm thấy mình thật là lạc hậu. Phóng viên gì mà đi làm chỉ trơ mạng cùi ra như tôi thì còn nước non gì nữa.

          Trưa về, tôi đập con heo đất ra. Bốn trăm ngàn vẫn còn nguyên. Tôi đạp xe đến một hiệu ảnh mua một máy ảnh tự động loại rẻ tiền nhất, hết hai trăm rưỡi ngàn. Máy này chỉ tự động chỉnh nét trong khoảng cách gần, chụp xa và chụp thiếu ánh sáng thì rất tệ dù có đèn flash đi nữa. Máy không tự động lên phim được, mỗi lần chụp, tôi phải đẩy bánh răng cưa nghe roàn roạt. Một máy ảnh cỡ vừa, cả đèn nữa nghe đâu gần cả triệu. Tôi đâu biết mình có ăn ý với nghề báo không mà cố sắm cho sang khi mình không đủ tài chính?

          *
          * *

          Ngày rằm.

          Cô Minh đến chùa Vĩnh Nghiêm thắp hương cho mẹ và người anh của cô. Bình cốt đựng tro xương của hai người để ở đây.

          Đêm qua cô mơ một giấc mơ thật hãi hùng.

          Cô cùng với bà hàng xóm đi thắp hương trên các mộ ở quê. Qua một đoạn đường hẹp chỉ có thể từng người một đi qua, bà hàng xóm qua trước, thoắt một cái, đoạn đường hẹp biến thành cây cầu khỉ lắt la lắt lẻo trên một dòng kênh thật lớn. Không hiểu sao nước lại cứ cồn lên, sôi sùng sục trông rất sợ. Cô Minh không dám đi qua. Cô đứng bên này cầu để mong bà ấy sang lại dắt cô qua. Bà hàng xóm chỉ cười. Lại có một con chó to, đen cứ chồm về phía cô mà sủa điên cuồng. Nó không cho cô rời khỏi cây cầu. Cô không thể tìm đường đi nào khác ngoài việc bước lên cây cầu khỉ đó.
          Cô Minh lầm rầm khấn vái người anh: “Anh sống khôn, chết thiêng, anh về phù hộ cho em qua khỏi cái cảnh ghê sợ này ...”. Đến đó thì cây cầu, dòng kênh, con chó biến mất, nhưng có một con mèo vằn ở đâu ra quặp chặt lấy cánh tay trái của cô mà cào. Đau quá, cô tỉnh dậy.

          Sáng nay, kể lại cho tôi nghe mà mặt cô còn tái mét.

          Tôi không biết phải an ủi ra sao nên đành ngồi im.

          Trưa, tôi về nhà cũng vừa lúc cô đi chùa về. Trong khi tôi nấu cơm, cô cứ ngồi thừ ra trên ghế, vẻ đăm chiêu lắm.

          *
          * *

          Hoàng gởi cho tôi một mảnh giấy: “Tôi có chuyện này muốn nói với Hoà Bình. Vậy chiều nay, tụi mình gặp nhau tại ..., được không?”

          Tôi đọc tờ xong tờ giấy, người cứ lo lẫn nôn nao.

          Chuyện gì mà Hoàng phải viết giấy hẹn tôi như vậy. Lạy trời cho đừng phải cái chuyện khó nói “có” hoặc “không” kia ... Tôi mới chỉ mến Hoàng, còn ... thì chưa. Nếu có hơn “mến, mến” rất nhiều tôi cũng chưa muốn Hoàng nói đến chuyện đó lúc này. Hoàng có vẻ là con nhà giàu. Chiếc DD đỏ của Hoàng, cái máy ảnh Pentax còn mới - tôi với chiếc xe đạp tàng tàng, cái máy ảnh tự động rẻ tiền, thật khó xứng đôi. Tôi không muốn có ai đó nói tôi quen Hoàng vì hám của.

          Tôi đạp xe về nhà.

          Nếu có chuyện gấp thật, chắc Hoàng đã nói với tôi ở cơ quan rồi, chẳng có việc gì phải hẹn ra quán cho thêm phiền phức.

          Cô Minh lại vắng nhà.

          Đã mấy buổi chiều, tôi về mà không có cô ở nhà. Hình như cô vẫn không ngớt lo về giấc mơ hôm nọ. Chắc là cô đi tìm thầy bói để cố giải cho ra những hình ảnh cô đã thấy trong mơ ...

          Dạo này tôi thấy không được vui lắm, ngồi một mình trong phòng chờ cô Minh về ăn cơm cũng chán, tôi hay cùng chị Thuý - người trông hàng phụ với cô Diệu Tâm, sang mấy tiệm hàng bên cạnh ngồi chơi. Chủ yếu là tôi ngồi nghe chị Thuý và mấy cô, mấy chị kia nói chuyện với nhau. Họ nói về đủ thứ chuyện: chuyện làm ăn buôn bán, chuyện chồng con, chuyện thuê nhà cửa ... Tôi nghĩ đây là lúc tôi có thể biết được nhiều nhất về những điều ngoài sách vở mà tôi đã đọc nên rất chăm chú lắng nghe. Mấy lần quá mãi mê hóng chuyện, tôi không để ý cô Minh đã về tự lúc nào. Cô có vẻ bực, nhưng tôi không để ý lắm, cứ ngỡ đó là tại cô quá lo những điều mấy ông thầy bói phán nên suy tư thế thôi ...

          *
          * *

          Hoàng lại đưa bài cho tôi dịch, hỏi:
          - Hoà Bình có nhận được mảnh giấy tôi gởi không?
          - Có.
          - Tôi muốn đề nghị thế này: Hoà Bình nên thôi làm ở đây để sang một chổ khác thích hợp hơn với khả năng và điều kiện hiện tại của mình hơn ...
          .....
          - Tôi có quen với một tờ báo khác trong thành phố. Đó không phải là một tờ báo ngày, có tính thời sự cập nhật nên nếu đến vào làm phóng viên ở đó Hoà Bình sẽ không quá vất vả vì phải đi quá nhiều. Nó là tờ báo dành cho tuổi học trò nên Hoà Bình sẽ không ngại những chuyện này chuyện nọ ...
          .....
          - Ngoài việc phải đi lấy tin, ảnh, viết chuyên đề, phóng sự hay ghi chép, Hoà Bình vẫn có thời gian rỗi rãi để dịch bài, luyện thêm tiếng Anh. Tờ báo đó mỗi tuần ra một lần không phải bốn lần như ở đây ...
          .....
          - Hoà Bình có nghe tôi nói nãy giờ không vậy?
          - Tôi phải thực tập ở đó bao nhiêu lâu?
          - Ba tháng.
          - Và không có lương, ngoài nhuận bút của những bài viết được?
          - Đúng vậy!

          #5
            Nguyễn Đình 28.04.2005 17:05:30 (permalink)
            Chương sáu: Đời thường


            Tháng mười một

            Tôi đã vào Sài Gòn được năm tháng.

            Mẹ vừa gởi thư cho tôi kể chuyện nhà, chuyện cửa. Giấc này mẹ tôi ra đồng chắc phải trùm khăn cho bớt rét. Gió bấc về, thêm mưa phùn nữa, cái lạnh như thấm sâu thêm vào da thịt.

            *
            * *

            Năm tháng.

            Da tôi đen hơn vì nắng Sài Gòn. Tôi không để tóc dài nữa. Đường phố đầy bụi và khói xe, mái tóc dài của tôi sau một ngày đi đường trở nên rít và xơ xác lạ. Thời gian gội đầu và hong khô mái tóc dài quá lưng trở nên quá lâu, không thể chấp nhận được đối với công việc thường hay chạy ngoài đường như công việc của tôi - tôi cắt tóc ngắn, thật ngắn, sáu ót tỉa lưa thưa thành một cái đuôi rùa. Tôi cũng không nướng bồ kết để ngâm nước gội đầu nữa - lại lý do sợ tốn thời gian. Ở đây ê hề các lại dầu gội đầu của Tây lẫn Ta, không mấy ai nấu nướng gội đầu công phu như ở quê tôi, như mẹ tôi vẫn thường nấu: đun sôi bồ kết đã ngâm kỹ với lá chanh lá sả, điệu đàng hơn chút nữa thì cho thêm vào nồi nước vài bông hoa bưởi ...

            Cứ sợ tốn thời gian.

            Cứ mãi chạy đua với công việc, nhiều lúc tôi cũng không hiểu mình cắt giảm đến mức tối đa thời gian giành cho sinh hoạt của cá nhân mình, để rồi được gì sau một chuỗi ngày tất bật.

            Hoàng rủ tôi đi câu cá ở một nhà vườn ở Bình Chánh. Cái thu vui thôn dã này nếu cứ vào Đầm Sen, hồ Kỳ Hoà câu theo giờ thì chẳng còn gì là thú vị nữa. Xung quanh người ta đi lại tấp nập, tiếng nhạc mở ồn ĩ làm sao mà có được cái cảnh “Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.

            Mới đầu tôi tính không nhận lời.

            Chủ nhật thường là ngày tôi làm tổng vệ sinh. Quần áo thay ra trong một tuần, tôi để dồn lại giặt một thể vào chủ nhật - cho đỡ tốn thời gian ấy mà. Giặt xong cả đống quần áo thì cũng đã hơi muộn, tôi lau nhà rồi sau đó phụ cô Minh nấu cơm. Ăn xong, tôi nghỉ trưa, sau đó dậy ủi tất cả quần áo mình đã giặt, treo vào trong tủ để mặc trong tuần tới.

            Vào Sài Gòn đã gần nữa năm nhưng tôi chưa có dịp đến Bình Chánh. Nghe nói trong chiến dịch ánh sáng văn hoá hè rồi, Bình Chánh là một điểm nóng của Thành đoàn. Hè đã qua, chiến dịch cũng đã qua, nhưng bây giờ tôi mới tập tễnh bước vào làm báo ...

            Đi để quan sát “hậu chiến dịch” - tôi đông viên mình như vậy để từ bỏ cái ý định nằm nhà với cái lịch trình quen thuộc.

            Mỗi người một xe đạp, tôi và Hoàng đến nơi vào lúc 8 giờ sáng. Mệt phờ.

            Tôi ngồi bệt xuống đất, dựa lưng vào một gốc dừa bên bờ ao. Quanh bờ ao là những cụm rau ngót xanh non mơn mởn. Bên phải tôi là một con mương nhỏ chạy thẳng ra ruộng lúa ở phía sau rặng tre bọc quanh vườn.

            Chủ vườn đưa cho chúng tôi hai cái cần câu và một hộp mồi, những con trùn cứ ngo ngoe trong đó. Những nhà đi câu quý tộc! Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng. Người ta đã mua cá về đổ xuống ao, chúng tôi chỉ việc làm sao đó để câu được cá lên. Muốn ăn tại chổ? Người ta sẽ làm ngay cho mà chén. Muốn mang về nhà? Dễ thôi, xin cứ việc.

            *
            * *

            Tôi ngó quanh quất tìm một chỗ khả dĩ để ngả lưng. Cái vườn này không phải là công viên với thảm cỏ mềm mại để có thể lăn đùng ra mà duỗi thẳng chân tay cho đỡ mở được. Nó là một cái vườn chính cống với vài bụi cỏ dại cao ngỏng lên ở một vài chổ, lá tre vương khắp trên mặt đất, có cả gai tre nữa và có cả những ổ kiến.

            Tôi tìm được một chỗ không có những bụi cỏ cộm lên và không có kiến, lượm sạch gai tre rồi trải nilông ra để nằm. Hai chân tôi đã mỏi đừ vì đạp xe nhưng tôi không dám nằm thẳng cẳng vì cảm thấy ngượng ngùng với Hoàng. Tôi nằm, hơi co chân lên và úp cái mũ lác rộng vành lên ngực.

            Tôi chẳng nghĩ ngợi gì cả, chỉ thấy ngại nếu mình lỡ nhắm mắt ngủ sẽ có dừa rớt trúng vào đầu thì đi đời.

            Hoàng cắm cần câu xuống đất rồi quay vào ngồi trên một góc của tấm nilông. Tôi bật ngồi dậy vì cảm thầy nằm nữa thì kỳ quá.

            *
            * *

            Bây giờ, hàng ngày chị Thuý không phải theo cô Diệu Tâm về nhà ở tận Gò Vấp nữa. Nhà cô Minh ở quận ba, quãng đường giữa hai nhà quả không phải là ngắn và thật bất tiện khi tiệm cần phải mở cửa sớm và đóng cửa trễ. Cô Tâm xin cho chị Thuý ở lại, đêm sẽ ngủ chung phòng với tôi. Với tôi chẳng có gì là phiền hà cả khi có thêm chị. Tôi chỉ giao hẹn rằng: đôi khi tôi phải viết bài khuya, đèn để sáng, có chói mắt thì chị cũng phải ráng chịu vì bóng đèn nê-ông mắc trong cái hộp đèn ở tận trên tường cao tôi không thể che cho bớt sáng được.

            Cô Minh có vẻ không ưa chị Thuý lắm.

            Mỗi sáng chị dậy sớm, múc nước lên lau nhà ngoài. Chị vục mạnh, tiếng gàu nghe cứ dội tức cả ngực - cô Minh bảo với tôi như vậy.

            Chúng tôi không dùng thẳng nước máy từ vòi. Trong nhà bếp, có một bể nước xây ngầm phía dưới sàn. Đêm nào tôi cũng xuống mở nước cho vào cái giếng con thông với bể ngầm, vì vậy nếu có cúp nước một hai ngày cũng chẳng có gì phải lo lắng.

            Tiệm mới mở, lại ít vốn chẳng thể sắm thêm được nhiều áo mới và đẹp. Tất cả, từ tủ kiếng bày quần áo, trưng búp bê người mẫu đến tất cả những bộ váy, áo có trong tiệm đều được sang lại từ một người khác. Khách rất thưa. Mỗi bộ soiré cô dâu cho thuê giá từ một trăm đến hai trăm ngàn mỗi ngày từng bộ. Có ăn tiền là ăn ở cho thuê váy áo cô dâu thôi chứ tiền cho thuê mấy bộ veston chú rể chẳng mấy tiền cả. Hình như chưa tháng nào tiệm cho thuê được mười bộ váy áo cô dâu để đủ trả tiền thuê nhà. Tháng nào cũng phải bù lỗ. Khách đến đã thưa mà nhiều lúc chỉ vào xem rồi đi luôn.

            *
            * *

            Trong vườn có một bụi hoa vàng cao lêu nghêu. Hoa dại. Thân mỏng mảnh, hoa thì bé tí tẹo, năm cánh vàng xung quanh một cái nhuỵ trắng nhỏ xíu ở giữa.

            Hoàng thế chổ tôi, nằm lăn dài trên tấm trải, gối đầu lên giỏ xách, hỏi:
            - Hoà Bình vào đây để chàng ngoài Hà Nội một mình vậy sao?
            - Chẳng sao cả. Hồn ai người ấy giữ.
            - Quen nhau lâu chưa?
            - Từ hồi còn bé tí.
            - Chàng làm gì vậy?
            - Còn đi học phổ thông.
            - ?
            - Thì phu nhân đi làm nuôi phu quân ăn học thành tài. Đâu có sao?
            - Thì đâu có sao.

            Hoàng nói và tự dưng lăn nghiêng người sang một bên, quay lưng lại phía tôi. Cười thầm chắc?

            Tôi chẳng có chàng nào ngoài Hà Nội cả. Đơn giản là tôi chưa thích có, vậy thôi. Tôi chỉ đâm đầu vào học. Có lẻ do tính háo thắng trẻ con có từ hồi còn bé. Tôi đã quen đến trường với tư thế của một con gà chọi và niềm kiêu hãnh ấy đủ để tôi không thèm để ý đến những tia nhìn đầy vẻ tình ... báo của các chàng. Tôi học cứ y như là học cho cả bố mẹ và cho cả cái làng quê lam lũ của tôi ấy. Sáng: giảng đường, chiều: thư viện, tối: tiếng Anh hoặc vi tính. Những chủ nhật hoặc ngày nghỉ lễ lại xách gói về nhà. Những khi rảnh tôi lại với lấy mấy tờ báo mượn ở thư viện về đọc ngấu nghiến. Tóm lại, tôi sống như một con mọt sách chính cống.

            Hoàng lại hỏi:
            - Những khi quá bực chàng, Hoà Bình làm sao?
            - Quất cho chàng vài roi. Lấy hoa hồng làm phương tiện chiến đấu, bởi vì có có gai.

            Hoàng lại lật nghiêng người, lần này quay mặt sang tôi, cười:
            - Hoà Bình có bực tôi không?
            - Vô số kể.
            - Ở đây không có hoa hồng, lấy gì làm phương tiện để ra roi?

            *
            * *

            Rảnh việc, chị Thuý hay la cà sang mấy tiệm kế bên.

            Chị thật ẩu.

            Nhiều lúc chạy xuống tầng trệt rửa mặt hay uống nước, tôi thấy tiệm cứ để tênh hênh như vậy, chẳng có ai trông coi. Cô Tâm mỗi ngày chỉ đảo qua tiệm một, hai lần rồi thôi, đôi khi qua bận bịu với cửa hàng may nho nhỏ ngay trong nhà cô ở Gò Vấp, cô cũng chẳng ghé nữa.

            Mấy bộ áo cưới đẹp nhất treo phất ngơ ngoài tủ, ngay gân cửa ra vào để câu khách. Mỗi bộ cả bạc triệu vậy mà chị Thuý thì cứ xách ghế lê hết chỗ này sang chỗ khác. Chị hỏi dò người trông tiệm hàng ở các tiệm bên xem một tháng họ được trả bao nhiêu, rồi tán gẫu, thôi thì đủ mọi chuyện của đám đàn bà con gái nhà rỗi ...

            Đôi khi tôi cảm thấy thương chị.

            Hai mươi tám tuổi, hình như chị vẫn chưa có gì trong tay.

            Mười năm trước, học xong phổ thông trung học, chị xin vào làm công nhân cho một công ty xuất nhập khẩu. Ban đầu chị làm công việc thu mua hồ tiêu. Đâu được vài năm thì phong trào trồng hồ tiêu xẹp xuống, chị phải nghỉ việc vì chẳng có gì để làm cả.

            Ở nhà được mấy năm, quanh quẩn bên mẹ, trông những đứa cháu, con của các ông anh, bà chị đem vè cho mẹ và em gái giữ giùm để rảnh tay lo việc làm ăn.

            Cũng không phải là các anh, chị không quan tâm đến em út. Mỗi tháng chị cũng được dúi cho ít tiền dằn túi. Và cách đây hơn một năm, các anh xin cho chị được một chân chạy nguyên vật liệu cho một xí nghiệp may. Chậm chạp, chẳng quen gì với công chuyện làm ăn, chuyến ra quân đầu tiên khi đi vào Sài Gòn mua vải cho xí nghiệp chị bị một kẻ giả danh nào đó lừa cho sạch túi. Cong lưng ra mà trả nợ. Mẹ chị phải bán đi mấy món tư trang định dành cho chị khi nào chị đi lấy chồng, cộng thêm tiền các anh chị góp vào để trả nợ cho xí nghiệp. Vẫn không đủ. Chị không còn dám ở Huế nữa, đành phải gật đầu theo cô Diệu Tâm vào đây.

            *
            * *

            Tôi nối một cây gỗ dài vào cái chổi để quét mạng nhện. Một tháng quét một lần, vậy mà lũ nhện vẫn không sợ, hình như chúng lại có cớ để sinh sản nhiều hơn, chăng mạng nhện nhiều hơn để trêu ngươi tôi thì phải.

            Ngại bước xuống đất dịch ghế sang một góc khác, tôi cứ đứng một chổ quơ chổi. Mõi tay vì cây gỗ dài lại hơi nặng, tôi định quét nốt chỗ mạng nhện phía trên bạn thờ xong là nghỉ. Vươn tay quá xa, lỡ đà, cây gỗ rơi xuống đất. Cây chổi quẹt vào tấm ảnh, kéo nó cùng rớt xuống sàn nhà. Khung kính vỡ tan.

            Tôi đứng chết lặng trên ghế.

            Cô Minh nghe tiếng vỡ đã vội chạy lên.

            Tôi đã làm vỡ cái khung ảnh người anh trai đã khuất của cô.

            *
            * *

            Đi làm ở chổ mới, tôi hơi ngượng khi dắt chiếc xe đạp tàng tàng của mình vào nhà để xe.

            Cũng có vài người đi xe đạp, nhưng đó là những người nhà gần và làm công việc hành chính, còn đã là phóng viên, tệ nhất cũng phải có một chiếc xe Honda dame - để còn cơ động và có thể đi xa được.

            Mấy hôm nay, nhà để xe không dùng để xe nữa. Hai cái kho sách phía trong có sự cố nào đó ở tường và mái nhà vì vậy phải tạm dời sách ra nhà xe để sửa kho. Sách để kín trên các kệ, không còn một chổ trống nào khả dĩ để được xe, vì vậy cơ quan thuê chổ ở một nhà giữ xe gần đó cho cán bộ công nhân viên gởi xe, rồi đi bộ đến cơ quan. Người ta chỉ nhận giữ xe máy, không phải vì không có chổ để giữ thêm vài chiếc xe đạp mà vì xe máy thì có biển số xe, họ dễ kiểm soát hơn khi xe của hai cơ quan để lẫn với nhau.

            Dù vậy, tôi vẫn cảm thấy nhói lên trong lòng một chút mặc cảm vì sự nghèo nàn của mình. Tôi cảm thấy xấu hổ hơn khi một hôm vào thư viện đọc báo, nghe mấy anh chị bình phẩm bài báo viết về hiện tượng các sinh viên ở tỉnh về Sài Gòn học, ra trường rồi không muốn về quê, cứ bám trụ lại ở thành phố, làm bất cứ việc gì để sống.

            Tôi cuối xuống tờ báo.

            Lai nghe lòng nhói lên.

            Tôi cũng khác gì những sinh viên kia đâu chứ. Tôi đã bỏ cái làng quê lam lũ của mình để vào đây, bị bắn từ chổ làm này sang chổ làm khác mà không dám kêu ca.

            Liệu có ai đó trong các anh chị đang ngồi ở kia sẽ cho rằng: tôi là một đứa thực dụng, chỉ vì một chỗ làm thôi mà lao vào bất kể chổ nào?

            Tôi đã học Kinh tế kia mà, có phải học Tổng hợp Văn đâu mà nhào vô đây làm báo?

            *
            * *

            Tôi đạp xe đi lang thang.

            Sài Gòn giàu có và sang trọng, có một chỗ nào ưu ái dành cho tôi không?

            Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, tôi đạp xe vòng vèo quanh cái tam giác sầm uất này mà hình như chẳng thấy gì trước mắt.

            Tuýt!

            Một bóng cảnh sát chặn ngang trước xe tôi.

            Mải nghĩ, tôi đã vượt đèn đỏ lúc nào không hay.
            - Chị cho xem giấy tờ tuỳ thân.

            Tôi luống cuống lục lọi trong túi xách. Hình như chẳng bao giờ tôi nhớ mang theo cái minh chứng rằng tôi là một công dân cụ thể này cả. Hôm nay cũng vậy. Tôi đã lục tung tất cả sổ sách ra mà cũng chẳng thấy giấy chứng minh thư đâu, ngoài tấm thẻ phóng viên.

            Chàng cảnh sát mặt non choẹt, chắc vừa mới ra trường, nói vẻ nghiêm nghị:
            - Chị có biết thẻ phóng viên dùng để làm gì không?
            - Dạ biết. Tôi dùng nó khi đến các cơ quan liên quan làm việc.
            - Vậy nó đâu có phải giấy tờ tuỳ thân của chị. Tôi yêu cầu chị trình giấy chứng minh nhân dân kia mà.
            - Tôi biết, nhưng tôi đã quên mang theo. Xin anh thông cảm ...
            - Chị đừng tưởng mình là phóng viên mà muốn làm gì thì làm nhé. Chị đã vi phạm luật lệ giao thông: điều kiển xe hai bánh lưu thông khi có đèn đỏ và còn phạm thêm một điều nữa: không mang theo giấy tờ tuỳ thân. Tôi yêu cầu chị theo tôi về đồn lập biên bản vì vi phạm luật lệ.
            - Tôi còn việc toà báo giao, xin anh cho tôi được nộp phạt tại đây rồi cho tôi đi.
            - Tôi không phạt ở ngoài đường. Yêu cầu chị theo tôi về đồn.

            Ấm ức lẫn tủi thân dồn nén từ sáng đến giờ, lúc này được dịp vỡ bung ra. Tôi hét trong màn nước mắt cứ tuôn ra giàn giụa:
            - Anh máy móc lắm. Xe tôi chỉ là xe đạp, tôi lỡ vượt đèn đỏ chứ đã làm gì nghiêm trọng lắm đâu mà anh bắt về đồn. Sao anh không để thì giờ làm những việc lớn hơn?
            - Chị định mạt sát tôi đấy hả? Đi về đồn. Tôi chở chị hay chị chở tôi?
            - Cái gì?
            - Tôi không có xe ở đây. Tôi chở chị hay chị chở tôi?

            Đang khóc mà suýt nữa tôi đã méo miệng cười

            Một chuyện đùa nữa đây chăng?

            Chàng cảnh sát này không có đến cả một chiếc xe đạp nữa kia à?

            - Xe tôi không chở được hai người. Anh làm sao đo thì làm.

            Tôi nói bướng, cố ý dò xem anh ta có phản ứng ra sao.
            - Vậy thì tôi kêu xích lô chở tôi, chị và chiếc xe này về đồn. Tôi phải áp tải xe và người vi phạm về giao cho người có trách nhiệm.

            Cả hai con gà chọi đều hăng máu.

            Cả hai con đều hãy còn quá trẻ ....
            #6
              Nguyễn Đình 28.04.2005 17:09:46 (permalink)
              Chương bảy: Lối đi ngay dưới chân mình



              Trăng sáng nhờ nhờ.

              Ánh trăng như chì lỏng đúc khuôn mặt tụi tôi thành những bức chân dung tạo theo một trường phái kỳ quái và ... hay hay.

              Trăng đã nằm ở một góc trời.

              Những đứa nào ngồi hướng mặt về hướng trăng soi, sẽ được trăng hào phóng phết cho một lớp chì sáng lấp loá trên gò má trái, trên sống mũi ... Mỗi khi cất tiếng, cơ má rung rinh, lớp chì lỏng ấy nhích lên, nhích xuống ...

              Khuya lắm rồi.

              Và cũng yên tĩnh lắm rồi.

              Giữa khoảng sân thật rộng, như nghe được cả tiếng gió thổi tóc bay ...

              *
              * *

              Tôi đã quen với công việc mới ...

              Ban đầu tôi phải tập viết tin. Những mẫu tin ngắn ngủn cứ tưởng là dễ ăn, vậy mà viết xong, nộp lên cứ bị đá về viết lại.

              Chưa nói đến mức độ đề cập thông tin, chất lượng giá trị của thông tin và mức độ diễn đạt hay, dỡ, riêng cái việc thấm cho được cái e của tờ báo rồi viết ra trong từng câu chữ đã khiến tôi đến khổ.

              Lại một lần nữa, tôi ngồi so sánh bài viết của mình với các bài đã được đăng để rút ra điều cần khắc phục.

              Rảnh việc tôi ngồi lỳ trong phòng tư liệu nghiền ngẫm các số báo học trò đã đóng thành từng tập. Phải thấm cho được cách diễn đạt rất riêng của tờ báo, trong khi tôi đã quen với giọng văn mạnh, dứt khoát của các giáo trình kinh tế đã học ở trường, các bài báo tiếng Anh tôi đã dịch cho các báo người lớn mà Hoàng đã đưa cho.

              *
              * *

              Cụ ông trở bệnh.

              Bên má phải tự nhiên sưng lên một cục to.

              Trước khi tôi đến, cụ bị một cái mụn bên má phải đó. Không biết có phải do nằm nhiều, ít khi ra khỏi bốn bức tường không mà cái mụn vốn bé phá mủ to ra, chữa mãi mới tạm khỏi.

              Bây giờ, bên má lại sưng lên.

              Tôi lo sốt vó.

              Từ cái hôm cố Minh kể cho nghe về giấc mơ kỳ lạ của cô, rồi đến cái hôm tôi làm vỡ khung ảnh thờ, tôi luôn lo ngại một điều gì đó không hay xảy ra, cô lại liên tưởng đến con mèo vằn, rồi nghĩ ngợi đến tôi. Tôi tuổi Cọp gần sang tuổi Mèo, liệu có phải con mèo vằn cô đã thấy trong mơ?

              Từ tầng trệt xách xô nước lên tầng hai đổ vào phòng vệ sinh cho cụ ông.

              Lại từ tầng trệt xách một xô nước khác lên tận tầng ba.

              Tôi lau căn phòng để bàn thờ rất kỹ.

              Sau đó thay quần áo chỉnh tề, tôi bắc ghế lên thắp nhang.

              Mùi nhang thơm trong không khí buổi sáng mát mẻ. khiến tôi cảm thấy an lòng. Hình như việc làm của tôi thật sự trẻ con, nó như là lấy lòng người đã khuất vậy. Nhưng tôi chẳng biết làm gì hơn để xua đi cái ám ảnh nặng nề rằng, tôi không mang lại điều gì tốt lành cho ân nhân của mình.

              *
              * *

              Sơn khẽ khều khào cánh tay tôi:
              - Chị Hoà Bình có tin con người có số không?
              - Hỏi chi vậy?
              - Em tin lắm. Mẹ em đã đi xem bói mấy lần, lần nào thầy cũng bảo, số em chỉ sống đến hai mươi tuổi là tịch. Năm nay em mười chín tuổi. Sang năm chị sẽ không gặp được em nữa đâu.

              Tôi ngồi nhỏm dậy nhìn kỹ gương mặt Sơn để xem nó có định nói cái chuyện chết chóc này một cách nghiêm túc không, hay chỉ là nói cho vui trong lúc nghỉ ngơi này.

              Sơn cao trên một mét bảy. Người vừa vặn, không ốm, không mập. Khuôn mặt cũng dễ coi trừ cặp mắt hơi hí. Nhìn cậu ta đâu có vẻ gì bệnh hoạn mà các thầy bói lại phán cho cái số “chết yểu” thế nhỉ?
              - Chết bất đắc kỳ tử ngoài sông, ngoài rạch à?
              - Không. Chết rất đàng hoàng. Nằm nhà mà chết, tự nhiên như nằm ngủ vậy. Tới số là đi thôi. Không phải là thầy bói nói nhảm đâu, em đã đi coi bói ở cả các máy vi tính nữa. Nhiều chương trình giải hậu vận khác nhau ở các máy, nhưng chung quy lại vãn là em chết sớm.

              Hay nhỉ!

              Thời hiện đại cũng có khác. Người ta còn nhờ khoa học coi giùm mình sống chết được bao lâu nữa kia đấy.

              Tôi theo đoàn du khảo dừng chân ở Ngã Ba Gồng này đã được nửa tiếng.

              Chúng tôi nghỉ ngơi trong khu trường bắn cũ. Nơi đây, hồi kháng chiến là nơi nhiều chiến sĩ cách mạng đã hy sinh: Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Cừ ...

              Dưới ánh trăng mày chì lỏng, sáu cây cọc trói màu đen cách nhau chừng hơn một thước, xếp thẳng hàng, trông hơi rờn rợn bởi ánh trăng nhảy nhót, lấp loá.

              Trước hàng cọc là ba hàng vòng hoa viếng đã khô.

              Trước ba vòng hoa là một cái lư đồng cắm đầy chân nhang.

              Phải cái không khí nhuốm vẻ bi hùng này đã gợi cho Sơn về cái lo chết chóc?

              *
              * *

              Mọi người quan tâm đến tôi nhiều hơn là tôi tưởng.

              Anh thư ký toà soạn đưa cho tôi một sấp báo tiếng Anh:
              - Tạm dịch vài bài về văn hoá, điện ảnh để đăng đỡ, lấy tinh thần mà viết tiếp. Bị đá bài hoài có nản lắm không?

              Tôi đỡ xấp báo, đáp lí nhí:
              - Dạ không ạ.

              Tôi chỉ mới vào làm, chưa có màng lưới cộng tác viên sâu rộng như các anh chị phóng viên khác, phải tự mình đi tìm tin tức, hình như các mẩu tin tôi săn được đều nhạt nhẽo chẳng có gì đáng chú ý cả nên chưa có mẩu tin nào được đăng.

              Anh Hưng Phú là cây viết chuyên đề xịn nhất ở đây. Một bữa đến toà soạn nộp bài, thấy tôi ngồi đờ mặt ra trên ghế đá, hỏi han, biết tôi buồn vì bài cứ bị cuốn vào sọt rác, anh bảo tôi có rảnh thì đi theo anh cho vui.

              Tôi bám theo anh.

              Chăm chú nghe và ghi các câu hỏi anh đưa ra cho đối tượng, quan sát anh cách tiếp cận nguồn tin ...

              Những lần bám theo đó, khi về anh bảo tôi viết lại theo một sườn dựng ra chặt chẽ. Tôi viết, anh sửa. “Đến gãy lưng thì thôi” anh hay cười bảo vậy mỗi lần thấy mặt tôi xị ra.

              Nhờ những lần thực tập sát sườn như vậy, tôi đã vững bút hơn ...

              *
              * *

              Gió thổi hơi mạnh làm cho những ánh đuốc tạt ngang, khói bốc lên uốn éo.

              Hai lá cờ nước và cờ hội cắm ở hai bên chiếc lư đồng. Một bó đuốc to cắm vào trong lư.

              Tụi tôi xếp thành hình chữ U trước hai lá cờ.

              Có lãng mạn lắm không nhỉ khi bắt đầu cuộc du khảo bằng xe đạp từ thành phố đến đây khi mọi người đã đi ngủ và tới nơi vào một giờ yên tĩnh nhất của đêm để đánh dấu ngày thành lập hội với tất cả các thành viên đều gần như mới toanh, và còn rất trẻ như Sơn vậy?

              Quốc ca cất lên.

              Phút chào cờ.

              Tưởng niệm.

              Lễ kết nạp thành viên mới thật đơn sơ với những lời đơn giản.

              *
              * *

              Tôi ngồi trông hàng cho chị Thuý vào tắm rửa.

              Rảnh. tôi lấy bộ đồ làm móng tay của chị ra bắt đầu cắt móng tay.

              Cắt được cái nào tôi bỏ hết trên mặt bàn.

              Xong cả mười ngón tay, tôi nhặt mấy cái móng kia lên bỏ trên lòng bàn tay, khều qua, khều lại, ngắm nghía một hồi rồi mới vứt đi. Không hiểu cơ thể mình làm thế nào mà từ các thức ăn mình tống vào dạ dày lại sản xuất ra được những mảnh sừng như thế nhỉ?

              Tôi bật cười.

              Nếu có Sơn ở đây, chắc nó sẽ lôi quyển xem tướng nào đó ra, lật tới lật lui xem người mà cắt móng tay xong, còn nuối tiếc với mấy thứ đồ bỏ đó đến cái độ ngồi ngắm nghía như tôi là người thế nào, sống được bao lâu, hậu vận sáng trưng hay tối mò mò?

              Tôi ngẩng lên khi có hai người trẻ tuổi bước vào tiệm.

              Mỗi người ôm trong tay một hộp các tông lớn. Tối liếc qua dòng chữ to tướng in bên ngoài hộp: Cooltaste.

              Cái gì đây ta?

              Một người đặt xuống bàn hai tấm thẻ sinh viên, người kia đặt xuống bàn một bản gì đó ép plastic.
              - Chúng tôi là sinh viên, nhận bán hàng lẻ cho hãng sản xuất kem đánh răng Cooltaste. Mời chị mua dùng thử?

              À, hoá ra đây là một hình thức tiếp cận thị trường khá là mới mẻ. Thời buổi mở cửa có khác, phải đây là hình thức door-to-door salasmen (những người đến tận nhà giao hàng) như thầy đã có dịp giảng qua ở trường Đại học không nhỉ?
              - Mấy bạn học trường nào vậy?
              - Có ghi trong thẻ sinh viên đó. Tụi tôi học Kinh tế - khoa quản trị kinh doanh.
              - Chà! Vậy là học để làm ông chủ mà sao lại làm công việc của người làm công thế này?
              - Buổi hàn vi phải vi hành như vậy mới hiểu được thị hiếu của người tiêu dùng, rồi sau này mới biết quản cái gì và trị cái gì chứ?

              Có lẻ hai cái anh chàng này khi cắt móng tay xong không có cái kiểu nhặt móng lên, bỏ vào lòng bàn tay, ngồi ngắm nghía, khều qua khều lại như tôi. Họ không đến nỗi quan trọng hoá cái “tôi” của mình một cách quá đáng như tôi, và vì vậy cũng chẳng thèm mặc cảm khi nhập vào một cách thẳng thừng cái vai người làm công, chân dép bước từ nhà này sang nhà khác để bán hàng.

              *
              * *

              Sau buổi lễ kết nạp ở khu trường bắn cũ, Sơn có vẻ rất suy tư.

              Từ Ngã Ba Giồng, chúng tôi đi tiếp đến Mười Tám Thôn Vườn Trầu.

              Những con ngựa sắt lại lên đường.

              Trời chưa sáng hẳn, nhưng chẳng sao, chúng tôi đã thấy rõ dưới chân mình có một lối đi ...

              (hết)
              #7
                Nguyễn Đình 28.04.2005 17:15:22 (permalink)
                Post xong truyện mới đọc thông báo, hi hi hi, bổ sung thêm:
                Người đánh máy truyện : Nugyễn Đình
                #8
                  Ct.Ly 28.04.2005 21:05:44 (permalink)
                  #9
                    Nguyễn Đình 28.04.2005 22:45:39 (permalink)
                    Vừa dạo qua thư viện Sách, thấy cái "Lối đi..." nằm vắt chân bên đó rùi, trông thật... thích mắt. Thanks Ct.ly nha !!!
                    #10
                      Chuyển nhanh đến:

                      Thống kê hiện tại

                      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                      Kiểu:
                      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9