Bệnh Da Liễu--chuyên khoa da liễu
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 21 bài trong đề mục
Asin 25.08.2003 09:11:52 (permalink)
I... 8 nguyên nhân khiến bạn rụng tóc
Trong suốt cuộc đời, mỗi ngày bạn mất khoảng 50-100 sợi tóc. Nếu bị rụng khoảng 150 sợi/ngày và thường rụng tại một số vùng nhất định nghĩa là sức khỏe mái tóc bạn đang có vấn đề. Rất khó tìm nguyên nhân gây ra hiện tượng này.
Trong từng trường hợp cụ thể, bạn cần đến bác sĩ da liễu để xác định lý do rụng tóc và có biện pháp điều trị. Sau đây là 8 nguyên nhân phổ biến nhất:

- Ảnh hưởng của gene di truyền: Nếu cha mẹ hay ông bà bạn bị rụng tóc thì tình trạng này của bạn có thể được thừa hưởng từ họ.

- Có các vấn đề sức khỏe: Rụng tóc có thể là hậu quả sự hoạt động khác thường của tuyến giáp, của bệnh tiểu đường và thiếu máu.

- Dùng quá nhiều thuốc kháng sinh.

- Sự tác động của hoóc môn trong cơ thể (đối với nam giới).

- Ảnh hưởng của thuốc tránh thai (với nữ giới).

- Sự xúc động hay căng thẳng thường xuyên: Điều này gây ảnh hưởng đến sự sản sinh hoóc môn và tăng lượng chất nhờn được bài tiết ra trên da đầu, làm yếu chân tóc.

- Ăn kiêng quá mức: Thức ăn bị thiếu vitamin, muối khoáng và các chất dinh dưỡng khác.

- Dùng nhiều hóa mỹ phẩm như keo xịt tóc, thuốc nhuộm tóc. Những sản phẩm này có thể làm hại da đầu, gây rụng tóc.

[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/80/Sq46294.gif[/image]
Attached Image(s)
#1
    Asin 25.08.2003 09:15:22 (permalink)
    Ba bài thuốc hiệu nghiệm chữa bệnh rụng tóc
    Rụng tóc là chứng bệnh rất phổ biến. Quá trình phát sinh bệnh thường liên quan tới việc tinh thần bị tổn thương nặng, lo nghĩ nhiều, tâm trạng xáo trộn hoặc căng thẳng quá độ. Ba bài thuốc sau có thể giúp khắc phục căn bệnh này.

    Bài 1: Chữa rụng tóc nhiều

    Đương qui 500 g, thỏ ti tử (cây tơ hồng) 300 g, bách tử nhân 500 g. Tất cả đem nghiền thành bột mịn để uống, ngày 3 lần, mỗi lần 10 g.

    Bài 2: Chữa rụng hết tóc trên đầu

    Kê huyết đằng 20 g, sinh hoàng kỳ 60 g, sinh địa hoàng 15 g, thục địa hoàng 20 g, thủ ô đằng 20 g, xuyên khung 12 g, bạch thược 18 g, thiên ma 9 g, mộc qua 6g, dân dương hoắc 20 g, đông trùng hạ thảo 9 g, kê thi đằng 18 g, hán liên thảo (hay bị gọi trệch là hạn liên thảo) 12 g, quả dâu 18 g. Sắc lấy nước uống, ngày 1 thang chia 3 lần.

    Bài 3: Chữa rụng hết tóc trên đầu

    Câu đắng 15 g, nữ trinh tử 18 g, chế thủ ô 60 g, hán liên thảo 18 g, sinh địa hoàng 20 g, thục địa hoàng 30 g, thiên môn đông 18 g, bách tử nhân 20 g, đan sâm 30 g, huyền sâm 18 g, cát cánh 9 g, đại hoàng 6g, mạch môn đông 18 g, phục linh 12 g, viễn chí sao 9 g, hổ trượng 18 g, cam thảo 3 g. Sắc lấy nước uống ngày 1 thang chia 3 lần.
    #2
      Asin 06.09.2003 20:27:58 (permalink)
      Tia tử ngoại gây rụng tóc nam giới
      Ultraviolet light linked to androgenic alopecia

      Reuters, 2/12/2002
      Tiếp xúc nhiều lần với tia tử ngoại có thể gây rụng tóc sớm ở nam giới mắc chứng rụng tóc. Các nhà nghiên cứu đã so sánh độ nặng của rụng tóc nam giới với mức độ thóai hóa mô đàn hồi do ánh nắng ở 140 nam giới mắc chứng rụng tóc và 50 nam giới bình thường. Họ đã phát hiện thấy chân bì da đầu ở những người mắc chứng này dày hơn nhiều so với những người bình thường. Sự khác nhau này là do mức độ thóai hóa mô đàn hồi nặng hơn nhiều ở những người hói. Những dấu hiệu sớm nhất của thóai hóa mô đàn hồi là do tiếp xúc ánh nắng trước khi rụng tóc. Không có mối liên quan giữa đường kính tóc với độ nặng thóai hóa mô đàn hồi do ánh nắng (khi thóai hóa mô đàn hồi dày hơn 0,2mm). Tiếp xúc lâu dài với tia tử ngoại ảnh hưởng đến chu kỳ tóc và là một trong những yếu tố ngoại sinh ảnh hưởng xấu đến tiến triển của rụng tóc nam giới.
      Tìm ra tín hiệu hóa học thúc đẩy mọc lông tóc
      Scientists discover chemical signals that prompt hair production

      HealthScout, 24/3/2003
      Các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra các tín hiệu hóa học kích thích mọc lông tóc. Đó là 2 protein Wnt và noggin cùng hoạt động với nhau để khởi phát phản ứng phức tạp làm thay đổi hình dạng của tế bào nguồn, cho phép nó tách khỏi những tế bào lân cận và tiếp tục phát triển xuống. Đây là bước thiết yếu để kết thúc quá trình hình thành nang tóc.
      Kết quả này có nhiều ý nghĩa ngoài việc hiểu về sự phát triển của tóc. Nó giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn quá trình hình thành của nhiều loại cấu trúc khác như răng và phổi, thậm chí còn giúp giải thích cơ chế hình thành một số dạng ung thư da khi quá trình này sai lạc.
      < Edited by: casanova -- 9/6/2003 4:31:18 PM >
      #3
        Asin 16.09.2003 06:12:55 (permalink)
        Hỏi:

        Tôi 21 tuổi, một năm nay các đầu ngón tay thường xuyên bị bong da nhưng không ngứa. Có phải do tôi bị thiếu vitamin C không?Hay là tôi bị một loại nấm nào đó?Tôi đã bôi kẽm oxit nhưng không đỡ. Tôi phải làm gì?

        Trả lời:

        Theo mô tả thì bạn bị bệnh viêm da bàn tay, bàn chân (trước đây, người ta gọi là á sừng). Bệnh không phải do thiếu vitamin C hay nấm như người ta vẫn tưởng. Nguyên nhân, là do ngày nay chúng ta phải tiếp xúc quá nhiều các chất hoá học không có lợi cho sức khoẻ. Phần lớn các chất tẩy rửa dùng trong sinh hoạt hàng ngày như xà phòng, bột giăt, nước rửa bát, nước cọ nhà vệ sinh, một số loại xà phòng dùng cho máy giặt có hàm lượng chất tẩy trắng cao tổn hại đến sự bền vững của các tế bào da.
        Khi tiếp xúc với bột giặt nhiều; tay chân phải dầm nước thường xuyên, lớp tế bào sừng ở ngoài cùng có tác dụng bảo vệ da bị bong đi. Lớp tế bào bên trong lại chưa kịp trưởng thành đầy đủ để chống đối với môi trường bên ngoài (cũng lại là các chất tẩy rửa), sẽ bong hết lần này đến lần khác, có thể bong thành mảng lớn khi bị ngâm nước nhiều.

        Ngoài ra, viêm da bàn tay, bàn chân còn chịu tác động của nhiều yếu tố thông thường như sự thay đổi thời tiết, thức ăn có chứa các potein có trọng lượng phân tử cao như tôm, cua, cá, nhộng...; dễ xuất hiện hơn cả với người có cơ địa dễ dị ứng như hen phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa. Nếu phản ứng mạnh hơn, da có thể bị đỏ lên, sưng nề nhẹ, ngứa; sau đó tại các vùng da này có thể nổi sẩn hoặc những mụn nước nhỏ như rôm hoặc lớn hơn. Khi bệnh kéo dài, thượng bì mất nước thường xuyên, da khô và bong vảy nhiều hơn; đôi khi nứt nẻ, chảy máu gây đau.

        Để hạn chế sự bong da bàn tay, bàn chân, bạn nên kiêng xà phòng, chất tẩy rửa, ít dùng nước, đi tất thường xuyên để da đỡ bị khô. Bạn có thể bôi các chế phẩm chứa steroid như Elomet, Flucinar, Synalar, Fucicort, Gentrisone... trong 2 - 3 tuần. Sau đó, có thể bôi một số chế phẩm làm ẩm, dịu da như cream vitamine E, Lacticare.


        TS.Nguyễn Thị Lai

        [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/upfiles/80/Mj24705.jpg[/image]
        Attached Image(s)
        #4
          Asin 16.09.2003 06:13:56 (permalink)
          Có câu nhất dáng nhì da. Có thể có một số bạn tự làm hỏng làn da trên mặt mình mà không hay biết

          Thủ phạm thứ 1 :

          Coi mặt là 1 cách đồng thí nghiệm : dùng nhiều loại sản phẩm mỹ phẩm làm đẹp lên mặt của mình.

          Thủ phạm thứ 2 :

          Sử dụng mỹ phẩm quá liều : nhiều người lầm tưởng sử dụng 2 lần thì sẽ tốt và mau hơn là sử dụng 1 lần.

          Thủ phạm thứ 3 :

          Ma sát quá mạnh : không nên chà mặt bằng vật cứng.

          Thủ phạm thứ 4 :

          Uống rượu bia hút thuốc nhiều và ít ngủ có thể làm hư hại da mặt.

          Thủ phạm thứ 5 :

          Ghiền nặn mụn : dù tự nặn hay đi nặn thì cũng có thể làm cho làm da bị nhiễm khuẩn.

          Thủ phạm thứ 6 :

          Massage mặt : có thể làm tăng tuần hoàn máu nhưng làm quá mạnh sẽ làm phản tác dụng.

          Thủ phạm thứ 7 :

          Không biết cách rửa mặt : rửa mặt quá nhiều lần, sáng dậy không rửa sạch mặt và tẩy trang kỹ
          #5
            Asin 16.09.2003 06:15:09 (permalink)
            Bạch biến là một bệnh mất sắc tố ở da, lông, tóc. Tỉ lệ mắc bệnh khoảng 1-2% dân số, người da màu mắc bệnh nhiều hơn da trắng. Bệnh có ở mọi lứa tuổi nhưng thường ở người trẻ. Bệnh có thể kết hợp với một số bệnh khác như đái đường, bệnh của chất tạo keo, các bệnh ác tính, thiếu máu kéo dài, bệnh tuyến giáp, xơ gan...

            Nguyên nhân

            Cơ chế sinh bệnh bạch biến rất phức tạp, chưa biết một cách tường tận, nhưng bệnh có liên quan đến các yếu tố thần kinh - thể dịch... tác nhân của hóa chất, cơ chế rối loạn miễn dịch.

            Triệu chứng

            Các triệu chứng chính chỉ ở ngoài da. Thương tổn da là những đốm da mất sắc tố, màu rất trắng, kích thước của các đốm cũng thay đổi từ một đến nhiều cm. Ðốm mất sắc tố thường có hình tròn không đều, đôi khi không có hình dạng gì cả. Bề mặt da trơn láng không sưng, lông trên vùng da bệnh cũng bị bạc trắng, màu trắng của da bệnh có khi đồng nhất nhưng đôi khi loang lổ, chỗ trắng lẫn với màu da thường. Ðốm có giới hạn rõ ràng với da lành và vùng da lành quanh đốm đậm màu hơn da thường. Tuy hiếm nhưng cũng có một vài trường hợp đốm da mất sắc tố lan ra khắp người. Da, lông, tóc, toàn thân là một màu trắng.

            Vị trí bị bệnh thường gặp nhất là mặt, phần trên của ngực, mặt lưng bàn tay, nách, háng, mắt, mũi, quanh miệng, tai, núm vú, rốn, cơ quan sinh dục ngoài. Các thương tổn da cũng thường có khuynh hướng phát triển ở vùng da bị chấn thương, bỏng.

            Diễn tiến

            Diễn tiến thường khó biết trước được. Các đốm trắng có thể tồn tại lâu dài không có thay đổi gì cả, hoặc có thể lan rộng ra từ từ, hoặc tự thu nhỏ lại. Có một tỉ lệ nhỏ từ 15-25% trường hợp có thể tự lành, nhưng đa số tồn tại kéo dài có khi suốt đời, ngoài ra thì không có biến chứng gì.

            Ðiều trị

            Bạch biến là một bệnh rất khó điều trị, có nhiều phương pháp điều trị được áp dụng, nhưng cho đến nay, y học vẫn chưa có thuốc nào trị khỏi bệnh hoàn toàn. Các phương pháp điều trị thường dựa trên việc dùng thuốc làm tăng cảm ứng với ánh nắng kết hợp với chiếu tia cực tím hay tắm nắng. Có thể phẫu thuật cấy tế bào hắc tố, dùng các thuốc bôi có chất streroid để làm giảm miễn dịch tại chỗ v.v...

            Tóm lại, bạch biến là một bệnh da làm mất thẩm mỹ nhưng không ảnh hưởng sức khỏe chung. Là một bệnh khó điều trị và khi đã quyết định điều trị thì phải kiên nhẫn dùng thuốc trong một thời gian dài và có thể bị một số tai biến do điều trị, do đó cần phải có thầy thuốc chuyên khoa chỉ định và theo dõi.

            BS Vũ HồNG THáI(Bệnh viện Da liễu TPHCM)
            #6
              Asin 16.09.2003 06:16:04 (permalink)
              Khác với bệnh ghẻ ngứa do con ghẻ, bệnh ghẻ phỏng là bệnh nhiễm trùng da do vi khuẩn hình cầu gây ra.

              Ghẻ phỏng (GP) là bệnh rất dễ lây, không chỉ lây từ vùng da này đến vùng da khác trên cùng một người bệnh mà còn lây từ người nọ sang người kia. Bệnh GP thường gặp ở trẻ em và xuất hiện nhiều trong mùa nóng bức có khí hậu ẩm.

              Nguồn lây nhiễm

              Vi khuẩn gây bệnh GP có từ nhiều nguồn khác nhau. Móng tay dài và dơ dính bám cáu ghét đất là nơi cho vi khuẩn trú ngụ và từ đó bệnh theo các vết cào gây xây xát ngoài da. Chất nhầy từ mũi họng bị viêm chảy ra là ổ lây bệnh GP ở quanh mũi và miệng của bé. Các vật nuôi trong nhà như chó, mèo cũng là nguồn lây nhiễm cho trẻ. ở nhà trẻ, trường học là môi trường dễ lây từ trẻ bị bệnh sang trẻ lành.

              Triệu chứng và biến chứng

              Dấu hiệu đầu tiên của GP là vết đỏ trên da, sau đó từ vết này nổi lên mụn nước và bóng nước như bị phỏng. Bóng nước nhanh chóng bị vỡ và khô lại thành mày dày có màu vàng. Mày GP dễ tróc khi trẻ cào gãi. Chất dịch của bóng nước có chứa nhiều vi khuẩn cho nên chất dịch này sẽ lây lan và tạo thành nốt GP mới ở vùng da lân cận do gãi, do cào cấu hoặc lây qua trẻ khác do dây dính trực tiếp chất dịch này.

              GP là bệnh nhiễm trùng nhẹ trên bề mặt da và khi khỏi không để lại sẹo. Tuy nhiên ở những bé bị GP tái đi tái lại nhiều lần và nhất là GP ở vùng da quanh mũi và miệng, một số bé có thể bị biến chứng viêm cầu thận cấp, là bệnh nặng hơn rất nhiều so với bệnh nguyên thủy (GP).

              Phòng bệnh và điều trị

              - Giữ vệ sinh da cho bé, sử dụng các loại xà bông diệt khuẩn thông dụng để phòng ngừa GP.

              - Cắt ngắn móng tay, chân cho bé thường xuyên để loại bỏ ổ chứa vi khuẩn.

              - Khi bé bị viêm mũi, họng thì cần đưa bé đi điều trị sớm để ngăn chặn lây nhiễm ra da, nhất là phòng ngừa biến chứng viêm cầu thận cấp.

              - Trong các trường mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học, khi phát hiện có trẻ bị GP, các thầy cô cần báo cho cha mẹ bé để đưa bé đi khám bệnh, phòng lây bệnh cho các học sinh khác.

              - Mặc dù GP là loại nhiễm trùng da nhẹ có thể điều trị dễ dàng bằng thuốc bôi có chứa chất kháng sinh hoặc thuốc uống kết hợp, nhưng các bậc cha mẹ cũng cần đưa trẻ đến khám để được chỉ định thuốc điều trị cho đúng cách, vì da của trẻ con rất dễ hấp thu thuốc qua đường bôi cho nên bôi thuốc quá liều, bôi thuốc sai quy định có thể gây hại cho bé.

              BS Mai Anh Khôi
              #7
                Asin 16.09.2003 06:17:03 (permalink)
                Bệnh hắc lào (hay còn gọi là lác) là bệnh gây ra do vi nấm có tên khoa học là Dermatophytes. Tùy theo vị trí bị bệnh trên cơ thể, người ta phân ra loại nấm bẹn, nấm thân, nấm mặt, nấm chân...

                Triệu chứng bệnh

                Ðầu tiên có cảm giác ngứa, sau đó phát hiện ở vùng ngứa một mảng da màu đỏ hoặc sẫm màu, có viền bờ rõ rệt, trên viền bờ có mụn nước lấm tấm, ngày càng lan rộng ra vằn vèo nhiều vòng cung, lúc ra mồ hôi có cảm giác ngứa ngáy nhiều hơn. Nhiều người bị bệnh ở vùng kín cảm thấy e thẹn không dám đi khám bệnh, tự mua thuốc về bôi hay uống. Triệu chứng bệnh thay đổi nhưng bệnh không khỏi hẳn được, bệnh giảm rồi lại tái phát. Người bệnh thường dùng khăn lau chung ẩm ướt hoặc treo chung khăn lau, quần áo nên dễ truyền vi nấm và bào tử nấm sang cho người khác trong gia đình.

                Phòng ngừa và điều trị

                . Phòng ngừa:

                - Giữ da khô sạch, tránh gãi.

                . áo quần, khăn tắm phải giặt, phơi nắng, ủi kỹ ở mặt bên trong.

                . Không mặc quần áo quá " bí không khí" . Nếu phải làm việc cả ngày thì nên tranh thủ buổi trưa làm vệ sinh và lau khô.

                . Ðiều trị:

                1. Thuốc bôi:

                - Bôi thuốc pha chế: cồn iode 1 - 2%, BSI, Antimycose

                - Bôi thuốc thuộc nhóm arole như Nizoral, Canesten, Calerem, Trocyd...

                - Bôi Lamisil.

                2. Thuốc uống:

                - Sporal, Lamisil, Diflucan, Griscofulvin.

                Việc dùng thuốc, nhất là thuốc uống cần theo sự hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ.
                #8
                  Asin 16.09.2003 06:18:25 (permalink)
                  Một bệnh rất thường gặp, ai trong chúng ta cũng một lần mắc phải bệnh này. Trong miệng, họng, lưỡi đau đớn không sao tả được mỗi khi ăn uống nhưng sau vài ngày đến 2 tuần là bệnh tự khỏi. Trước đây, ai cũng cho bệnh này do nóng trong người hay ăn phải đồ nóng, cần phải ăn đồ mát mới khỏi bệnh được nhưng cho đến nay y học hiện đại cho thấy không phải như vậy.

                  Bệnh này xuất hiện nhiều vết loét nhỏ nổi trong miệng, lưỡi, nướu răng hoặc sàn miệng rất đau đớn mỗi khi phải ăn uống. Những vết loét ấy có bờ đỏ, thật rõ, kích thước thật đa dạng từ 1-2mm cho đến 1cm. Ðặc điểm căn bệnh là lành tính, chỉ kéo dài khoảng 2 tuần rồi tự lành, không để lại một vết sẹo nào cả.

                  Ở một vài người, người ta còn thấy căn bệnh rất hay tái phát nhiều lần trong suốt cả năm. Có người cho là thiếu sinh tố PP nhưng dùng PP nhiều hộp không có kết quả gì nhiều.

                  Bệnh này có nhiều nguyên nhân, do vậy BS cần phải xác định đúng mới hy vọng trị được căn bệnh khó chiụ này. Có khoảng 1/5 dân chúng mắc căn bệnh này vào một lúc nào đó.

                  Bệnh lở miệng gây bởi một số điều kiện bao gồm trong đó có siêu vi, một vài chất hoá học có trong kem đáng răng, một chế độ ăn thiếu folic acid hay chất sắt hay gặp ở phụ nữ mang thai.

                  Có giả thuyết mới cho bệnh này là do vi khuẩn Streptococcus: chuỗi cầu Sanguis. Chấn thương tình cảm hay stress cũng có thể khiến phát sinh ra bệnh này.

                  Một nguyên nhân đặc biệt nữa chúng ta cần lưu ý là nươú răng bị thương tổn khi đánh răng quá mạnh hay dùng bàn chải quá cứng. Hút thuốc mạn tính và mang răng giả không hợp cũng góp phần vào việc tái phát của bệnh này. Một khi bệnh cứ tái phát mãi, chúng ta cần tìm ra một bệnh khó trị hơn, ẩn mình dưới căn bệnh lành tính này. Ðó là các bệnh tự miễn dịch như lupus đỏ hệ thống, bệnh viêm ruột Crohn và Behcet: thêm vết lở ở cơ quan sinh dục, có thể dẫn đến mù khi vết lở ở mắt. Bệnh AIDS đôi lúc biểu hiện bằng những vết lở miệng rất dai dẳng.

                  Phải điều trị bệnh này ra sao? Rất nhiều trường hợp do siêu vi nên bệnh thường tự khỏi sau từ 1-2 tuần. Vài trường hợp đơn giản hơn chỉ cần thay đổi kem đánh răng là hết luôn căn bệnh phiền phức này. Nên thay bằng loại kem đánh răng không có chất phụ gia như sodium lauryl sulfate.

                  Ðiều trị hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào nguyên nhân khác nữa. Nếu nguyên nhân chính lại là bệnh nào đó như lupus đỏ hệ tống cần phải trị bớt bệnh lupus, các thương tổn miệng mới lành được.

                  Một số thuốc trị bệnh lở miệng như dung dịch Benadryl, Listerine súc miệng một ngày vài lần có thể làm giảm được chứng đau đớn khó chiụ mỗi khi ăn uống. Có thể ngậm thuốc có tác dụng tại chỗ như Opovilone, Strepsils...

                  Một vài thuốc xức chứa Triamcinolone và Tetracyeline cũng giúp các vết lở lành mau hơn. Chúng ta có thể dùng bột của một viên Amoxycilline 500 hay Tetracyeline 500mg và của một viên Dexamethasone pha với 2 muỗng canh nước ấm và dùng bông chấm vào các vết lở ngày 3 - 4 lần. Chưa có bằng cớ khoa học nào chứng tỏ uống thêm kháng sinh bằng đường miệng giúp bệnh làmh mau hơn. Nếu lở miệng gây ra bởi nhiễm nấm họng nên dùng thuốc xức hiệu quả là Nystatine. Những loại thuốc súc miệng có chất corticoid giảm sưng nhưng cần dành cho những ca nặng do có nhiều tác dụng phụ.

                  Phải làm gì khi bệnh này tái phát quá thường? Hãy đi khám bác sĩ hay nha sĩ xét nghệm thêm đầy đủ để coi có nguyên nhân nào tiềm ẩn gây nên bệnh này không. Có thể không có gì nhưng giúp bạn yên tâm hơn. Có tác giả đề nghị dùng Colchicine ngày 1 viên khi có tái phát nhiều lần không tìm ra được nguyên nhân tiềm ẩn nào cả nhưng dùng thuốc này không nên quá lâu vài tháng do có nhiều tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn mữa.
                  #9
                    Asin 16.09.2003 06:20:07 (permalink)
                    Mạch lươn là từ dân gian để chỉ một tình trạng bệnh ly , loét da dai dẳng, kèm theo rỉ mủ tới những hang hốc và " đường hầm" ngoằn ngoèo ăn sâu dưới da. Mạch lươn không có liên quan gì đến bệnh trĩ.

                    Nguyên nhân

                    1. Viêm tuyến mồ hôi nhờn: Ðây là một trong ba loại tuyến mồ hôi của da (tuyến mồ hôi nước, tuyến mồ hôi nhờn và tuyến bã). Chúng có nhiều ở mông, nách và vùng bẹn. Cho nên thường gặp mạch lươn ở các vùng mông hay nách. Khi tuyến mồ hôi nhờn bị rối loạn, bị nhiễm trùng thì phát sinh hiện tượng viêm và hoại tử.

                    Triệu chứng: Bắt đầu nổi cục cứng, rồi đỏ và đau. Sau đó, cục này bị nung mủ và bể giống như nhọt. Do bị kinh niên và tái phát nhiều lần, viêm nhiễm sẽ lan xa và ăn sâu dưới da tạo thành hang hốc và đường rò da, bên trên bị loét mà ta thường gọi là mạch lươn.

                    Mạch lươn ở vùng mông có thể ăn sâu vào trực tràng và hậu môn. Khi đó bệnh càng trở nên dai dẳng khó trị. Mạch lươn có thể gây biến chứng hẹp hậu môn.

                    2. Bệnh lao da: Vi trùng lao xâm nhập trực tiếp vào da hoặc tự mạch bạch huyết dưới da gây ra viêm nhiễm, loét da và đường rò ngóc ngách giống như quá trình của viêm tuyến mồ hôi nhờn. Lao loét cũng có thể ăn thông vào trực tràng. Ðôi khi lao tấn công vào vùng tinh hoàn làm cho người bệnh bị mạch lươn vùng tinh hoàn. Ðặc điểm của cả hai loại mạch lươn trên là loét rỉ nhày mủ.

                    Phòng ngừa

                    + Nguyên tắc chung là giữ vệ sinh da sạch sẽ, nhất là ở các vùng dễ nổi mụn nhọt như quanh hậu môn, nách và bẹn.

                    + Ở người dễ bị nhọt mông: Cần tránh ngồi lâu một chỗ để da mông không bị thiếu máu, nên sử dụng xà bông diệt trùng để vệ sinh da hàng ngày.

                    + Khi nổi nhọt viêm có thể bôi dung dịch iode như Betadine hoặc mỡ Tetracycline, Batroban, Erythrogel... Cần bôi sớm khi nhọt còn nhỏ. Khi nhọt tương đối lớn, không được nặn nếu nhọt chưa mềm, chưa có lỗ ra da.

                    + Trường hợp bị nhọt viêm ở mông tái đi tái lại nhiều lần hoặc nhọt âm ỉ kéo dài, nên đến bác sĩ chuyên khoa khám để tìm nguyên nhân vì có thể bạn có triệu chứng sớm của mạch lươn.

                    Ðiều trị

                    + ở giai đoạn sớm chưa có mạch lươn, có thể điều trị bằng thuốc bôi, thuốc uống tùy theo nguyên nhân gây bệnh.

                    + Khi tổn thương đã vào giai đoạn loét hoặc có " đường hầm" dưới da, nhất là vào hậu môn trực tràng, cần phải kết hợp với điều trị ngoại khoa, cắt bỏ hoặc nạo vét sạch các ngóc ngách mới có thể trị khỏi mạch lươn.
                    #10
                      Asin 16.09.2003 06:20:52 (permalink)
                      Nám da là một hội chứng phức tạp. Ðó là những đốm nụm đỏ lan tỏa dần trên má, trên mũi. Dần dần về sau, những mạch máu li ti xuất hiện tạo thành vết màu đỏ kém thẩm mỹ trên da mặt.

                      Nguyên nhân gây nám :

                      Có rất nhiều nguyên nhân gây nám da, thông thường do di truyền, đôi khi còn do rối loạn nội tiết, kinh nguyệt hoặc cảm xúc... Thuốc để trị nám trên thị trường hiện nay rất hiếm và không thể là những thuốc dùng trị nám thật sự. Mặt khác, nám da còn do những nguyên nhân cụ thể khác thường gặp như chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ăn uống thiếu rau quả tươi, phơi nắng nhiều; uống thuốc, bôi các thuốc hoặc mỹ phẩm gây nhạy cảm ánh sáng; dùng thuốc lột da mặt, trị nám không đúng cách, đi nắng không đội mũ ...

                      Cách phòng chống :

                      Theo các bác sĩ về da liễu, cách chữa trị nám da tốt nhất là phòng ngừa nó.

                      Khi bị nám việc đầu tiên là đi khám bác sĩ chuyên môn để xác định nguyên nhân và chỉ khi nào định đúng nguyên nhân để chữa thì mới có thể trị hết nám. Dù cơ thể con người có khả năng tự điều chỉnh, tự giải độc chữa trị cho các rối loạn ở da, nhưng nếu không tránh nắng và ăn nhiều rau quả tươi, mà chạy chữa bằng mỹ phẩm hoặc thuốc thì những tác dụng phụ lại gây nám thêm.

                      Biểu hiện ban đầu của nám da là các lớp biểu bì bị nhiễm sắc hoặc bị hư hủy do bức xạ mặt trời hoặc do dị ứng gây cảm quang... Do đó, khi thấy da bắt đầu bị nhiễm sắc, cần tránh nắng tuyệt đối một thời gian để da phục hồi. Nếu da mặt bạn thuộc loại da nhạy cảm, rất dễ bị nám. Vì vậy cần chăm sóc một cách cẩn thận, đi nắng phải đội nón hoặc bôi kem chống nắng khi tắm biển, đặc biệt nên ăn nhiều rau quả tươi. Uống các thuốc gây cảm quang (nhạy cảm với nắng) như tetracyclin, doxicilin, sulfamid... mà phơi nắng, không đội mũ rộng vành rất dễ bị nám da.

                      Bôi nhiều mỹ phẩm cũng có nguy cơ gây cảm quang... Các hoá chất được dùng nhiều trong các mỹ phẩm làm trắng da, chống nám... đều chứa lượng chất tẩy mạnh, có thể lúc mới dùng da được tẩy trắng trông rất đẹp, nhưng dùng một thời gian lâu, càng ngày da càng bị bào mòn, lớp da non sẽ hiện lên, nếu đi nắng rất dễ bị nám da; đồng thời trong kem có hàm lượng thủy ngân nhỏ có thể gây teo da, nếu dùng lâu da mặt sẽ nám vĩnh viễn.

                      Có khả năng làm giảm được vết nám của bạn bằng phương pháp lột da mặt, sử dụng bọt carbonique nhưng phương pháp này đòi hỏi phải có một chế độ phòng ngừa nắng một cách nghiêm ngặt trong vòng 3 tháng và người ta gọi phương pháp này là 5 ăn 5 thua. Nếu bạn cảm thấy mình có đảm bảo rằng không đi ra nắng trong vòng 2 - 3 tháng thì mới có thể dùng đến biện pháp lột da mặt, bằng không chớ nên áp dụng vì có thể sẽ làm da bạn bị nám vĩnh viễn.

                      Những điều cần tránh khi bị nám :

                      Tuyệt đối không bôi thuốc hoặc mỹ phẩm cho dù thuốc hoặc mỹphẩm đó đã được kiểm nghiệm qua một số người sử dụng mà không bị dị ứng hay bị tác dụng phụ nào.

                      Cẩn thận trong việc ăn uống : có những thức ăn làm sung huyết trên da, do đó sẽ làm các vết nám trở nên trầm trọng hơn. Cần tránh rượu, bia và các gia vị gây nóng. Ăn nhiều rau quả tươi, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc, chơi thể thao đều đặn và tránh nắng.

                      Ðối với nám do thuốc, mỹ phẩm, do nám nắng lâu ngày thì không mấy hiệu nghiệm. Nhưng nếu bạn kiên nhẫn phòng chống thì dần dần những vết nám sẽ nhạt dần và biến mất. Tuyệt đối không dùng những loại mỹ phẩm, thuốc trị nám bán ngoài thị trường mà trên bao bì sản phẩm không ghi thành phần. Vô số người bị nám vĩnh viễn vì đã dùng qua các kem chứa adrenocorticiod như Topsyne, Cortibion, Celestoderme, Topgene, Betamethasone, Synalar, Valisone, Flucinar... như là mỹ phẩm thoa mặt. Kết quả là da mặt bị teo, dẫn tới rối loạn dinh dưỡng, mất sức đề kháng khiến da bị nám...



                      Hải Anh (Thời báo kinh tế)
                      #11
                        Asin 16.09.2003 06:22:56 (permalink)
                        Nấm móng là một bệnh thường thấy ở những người làm nghề bán nước giải khát, đầu bếp, rửa xe, chăn nuôi... Bệnh làm móng bị hư hủy xấu xí, có khi nung mủ, đau ảnh hưởng đến năng suất làm việc.

                        Nguyên nhân

                        Do nhiều loại vi nấm gây ra, có thể kể hai nhóm chính là: Nấm sợi tơ (Dermatophytes) và nấm hạt men (Candida). Người bị bệnh này, do tay chân thường xuyên bị ướt tạo điều kiện cho vi nấm phát triển và gây bệnh.

                        Triệu chứng lâm sàng

                        - Bề mặt móng bị xù xì, phủ một lớp vảy mịn như cám, có lằn sọc dọc hay ngang. Chỗ bị tổn thương có màu hơi vàng, hay nâu đen.

                        - Bên dưới móng cũng có thể bị tổn thương và móng bị tróc.

                        - ít khi cả mười móng tay hoặc mười móng chân đều bị bệnh. Trên từng móng, tổn thương tấn công từ bờ vào và không bị viêm quanh móng (nếu do Dermatophytes) hoặc từ gốc móng đi ra và có viêm quanh móng (nếu do nấm Candida).

                        - Khi viêm quanh móng sẽ rất đau, sưng đỏ và có mủ.

                        Ðiều trị

                        1. Thuốc bôi tại chỗ: Dùng một trong các thuốc bôi sau: kem hoặc pommade Ketoconazol (Nizoral), Canesten, Trosyd, Exoderil, Naftin v.v...

                        Cách bôi: Sau khi rửa và cạo sạch chỗ tổn thương móng, bôi thuốc lên bề mặt móng và quanh móng, mỗi ngày 2-3 lần, ít nhất trong 3 tháng.

                        2. Thuốc uống: Có thể dùng: Griséofulvine (chỉ có tác dụng trên nấm sợi tơ), Nizoral, Lamisil,... (có tác dụng trên cả hai loại nấm). Nhưng phải có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

                        Ðể phòng ngừa tái phát, nếu có thể nên thay đổi việc làm hoặc mang bao tay khi làm việc để tránh móng bị ướt.

                        Tóm lại, nấm móng là một bệnh tuy không nguy hiểm nhưng làm mất vệ sinh, thẩm mỹ và rất khó điều trị. Vì vậy cần phải điều trị sớm và đúng phương pháp.
                        #12
                          Asin 16.09.2003 06:24:38 (permalink)
                          Nội tiết, môi trường, tinh thần căng thẳng... đó là một loạt nguyên nhân gây bệnh trứng cá. Để bạn hiểu rõ thêm về căn bệnh này, chúng tôi sẽ giúp bạn.

                          Bệnh trứng cá là một căn bệnh ngoài da khá phổ biến ở các bạn trẻ, cả nam và nữ. Bệnh rất dễ phát hiện khi trên da mặt, da vùng cằm và nhiều khi ở cả vùng ngực nổi lên nhiều cục nhỏ có màu thâm đen và trắng kèm theo da bóng nhẫy do tiết quá nhiều chất nhờn. Bệnh thường gặp ở bạn trẻ, bắt đầu khi bước vào tuổi dậy thì và có thể kéo dài trong nhiều năm nữa.

                          Tỷ lệ mắc bệnh trứng cá thường khá cao và có liên quan đến di truyền. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng song làm mất đi nét đẹp trên khuôn mặt, đặc biệt là ảnh hưởng đến tâm lý mỗi người.

                          Nguyên nhân

                          Do sự bài tiết quá mức của một tuyến nằm ở lỗ chân lông gọi là tuyến bã. Bình thường, tuyến này tiết ra một lượng chất nhờn ở mức độ vừa phải để bôi trơn da và chống bốc hơi tạo cho da mềm mại, không bị khô ráp. Tuyến này hạt động phụ thuộc nhiều vào lượng nội tiết tố sinh dục nên khi bước vào tuổi dậy thì, do có một sự đột biến về các chất hormon, đã làm cho tuyến bã trở nên đa tiết.

                          Khi các lỗ chân lông bị bít lại do nhiều nguyên nhân, các chất nhờn không được thông thoát dễ dẫn đến nhiễm trùng và gây ra những mụn mủ nhỏ, khi nặn sẽ được một cục nhỏ, lõm sâu. Các chất bẩn và tế bào da bị chết có cơ hội đọng lại và gây ra các nốt đen. Vùng da xung quanh bị viêm nhiễm sẽ có màu đỏ làm cho bộ mặt người bị trứng cá trở nên khó coi.

                          Hiện đã có nhiều loại thuốc điều trị trứng cá đem lại hiệu quả tốt có thể sử dụng như Oxy 5, Oxy 10... Nếu các mụn trứng cá bội nhiễm nặng có thể dùng thêm kháng sinh. Tuy nhiên, bên cạnh việc dùng thuốc cần vệ sinh vùng mặt sạch sẽ cùng với chế độ ăn uống hợp lý.

                          Các loại thuốc có Corticoid, Vitamin B12, thuốc ngừa thai... đều làm nặng thêm bệnh trứng cá. Vì thế, bạn cần dừng ngay viẹc dùng thuốc khi điều trị bệnh trứng cá.

                          TS. Kiều Khắc Đôn
                          #13
                            Asin 16.09.2003 06:25:33 (permalink)
                            Bệnh Zona- trong dân gian gọi là " giời leo" - là một bệnh lây do siêu vi trùng gây ra, tấn công chủ yếu lên da và các dây thần kinh ở vùng da đó. Mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ đều có thể mắc bệnh. Bệnh khởi phát đột ngột, diễn tiến cấp tính và tự lành, chỉ một số ít trường hợp nặng, xảy ra biến chứng mới cần phải điều trị. Từ khi có bệnh AIDS xuất hiện, Zona cũng là một bệnh cơ hội ở những người bị AIDS.

                            Triệu chứng

                            Lúc khởi bệnh, bệnh nhân cảm thấy hơi đau, rát ở một vùng da kèm mệt mỏi, uể oải, ớn sốt. Sau đó nổi nhiều mụn nước to nhỏ không đều thành chùm trên nền da thường hay đỏ hồng. Các mụn nước này căng phồng trên mặt da, chứa dịch trong hay hơi hồng, đôi khi có mủ khi bị bội nhiễm, trên đỉnh mụn nước hơi bị lõm xuống. Sau vài ngày, các mụn nước vỡ ra chảy nước, lở nhẹ và đóng một lớp mài.

                            Vị trí: Các mụn nước có thể nổi trên một vùng da hay niêm mạc nhưng đặc biệt là chỉ ở một bên cơ thể, không khi nào lan qua phía bên đối diện. Ví dụ: một bên mắt, một bên mũi hay một bên lưng... Ðau cũng là một triệu chứng chính của bệnh, đau do các rễ thần kinh bị tổn thương. Tùy trường hợp, có khi chỉ hơi đau hay đau vừa nhưng có khi đau rất dữ dội, nhất là ở những người già.

                            Triệu chứng kèm theo là nổi hạch nách, cổ hay bẹn cùng bên và gần với vùng da bị bệnh. Chùm mụn nước ở một bên cơ thể, nổi hạch kèm theo và đau là các đặc điểm quan trọng để chẩn đoán bệnh Zona.

                            Diễn tiến và biến chứng

                            Các mụn nước sẽ vỡ, chảy dịch, đóng mài và lành không để lại sẹo xấu trong vòng 2-3 tuần. Ðó là diễn tiến tự nhiên của bệnh không cần điều trị gì trừ các trường hợp nặng, có biến chứng. Các biến chứng thường gặp là:

                            - Nhiễm trùng trên các mụn nước vỡ, lở ra và chảy dịch.

                            - Ðau sau Zona: ở những người già trên vùng da, bệnh sau khi lành triệu chứng đau vẫn tồn tại dai dẳng và dữ dội rất khó điều trị.

                            - Nếu bị ở vùng mắt có thể bị lở giác mạc, viêm thần kinh thị giác làm ảnh hưởng đến thị lực.

                            Ðiều trị

                            Ngoài nghỉ ngơi, không làm việc nặng, chủ yếu là điều trị triệu chứng như dùng các loại thuốc giảm đau, vitamin C, bôi thuốc kháng khuẩn tại chỗ, dùng kháng sinh uống chống bội nhiễm. Các thuốc kháng siêu vi trùng uống hoặc bôi chỉ dùng khi bệnh nặng và cần có chỉ định của bác sĩ da liễu. Khi có biến chứng ở mắt hay đau nhiều và kéo dài nên đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt hay nội thần kinh.
                            #14
                              Asin 16.09.2003 06:26:58 (permalink)
                              " Tôi bị viêm nang lông, đã đi khám và được bác sĩ cho đơn thuốc là các kháng sinh chống tụ cầu bôi và uống. Tôi cũng đã được tiêm vacxin tụ cầu, nhưng bệnh chỉ giảm mà không khỏi hẳn. Vậy tôi có phải tiêm nhắc lại vacxin không? Có cách nào chữa khỏi hẳn bệnh này không?" .

                              Trả lời:

                              Viêm nang lông là một bệnh rất hay gặp và khó điều trị. Có những trường hợp bệnh kéo dài nhiều năm với những đợt tái phát liên tục khiến bệnh nhân rất khó chịu. Bệnh biểu hiện bằng những sẩn ở chân tóc, thậm chí cả ở chân lông mày, lông vùng nách, vùng sinh dục. Sẩn có màu đỏ, nổi cao trên mặt da và trên có thể có vảy. Đôi khi do bệnh nhân gãi nhiều nên sẩn sưng to lên và có mủ. Bệnh nhân thường bị ngứa nhiều, nếu sẩn có mủ và sưng lên thì bị đau.

                              Điều trị:

                              - Không nên gội đầu bằng loại dầu gội thông thường mà bằng nước bồ kết đun sôi, có cho thêm ít muối; tốt nhất là gội bằng xà phòng Sastid. Chỉ gội mỗi tuần 2 lần, gãi nhẹ nhàng, không được cào nhiều kẻo làm sây sát da đầu và gây nhiễm trùng thêm.

                              - Tại chỗ nên bôi các thuốc có tác dụng diệt khuẩn, chống viêm (như dung dịch BIS, cồn iốt 2%), thuốc mỡ (như Fucidin, Diprogenta, Gentrison...).

                              - Toàn thân phải dùng kháng sinh. Tốt nhất là cấy vi khuẩn và làm kháng sinh đồ, hoặc dùng một đợt kháng sinh như Bisepton, hoặc tiêm một đợt Gentamycin. Bạn phải dùng kèm cả thuốc kháng histamin như Chlopheniramin hoặc Phenecgan, Clarityne.

                              Trong trường hợp bệnh kéo dài dai dẳng, có thể tiêm một đợt vacxin tụ cầu. Vacxin này làm giảm mẫn cảm nhưng cũng không phải có tác dụng ở tất cả các trường hợp. Nếu tiêm nhắc lại, bạn phải đi khám ở chuyên khoa da liễu. Bác sĩ sẽ dựa vào tình hình cụ thể để có chỉ định thích hợp.

                              ThS Nguyễn Thị Lai, Khoa Học & Đời Sống
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 21 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 3 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9