Từ Đạo Hạnh có phải là vị chân tu của đạo Phật?
Khải Nguyên HT 27.06.2009 16:21:09 (permalink)
 Lần giở trang truyền thuyết cũ:
TỪ ĐẠO HẠNH CÓ PHẢI LÀ VỊ CHÂN TU CỦA ĐẠO PHẬT?
                                                                                                                         
                                                                         -bàn góp-
 
 
       Đây là vị sư được tôn là thánh Láng, được thờ ở chùa Láng và chùa Thầy (Hà Nội).
       Truyền thuyết (được chép đầy đủ trước hết trong sách Lĩnh Nam chích quái) kể rằng:
       Từ Đạo Hạnh tên cúng cơm là Từ Lộ. Cha là Từ Vinh làm chức Tăng quản đô sát triều Lí. Ông này đêm đêm dùng yêu thuật lẻn vào buồng vợ Diên Thành hầu ép dâm. Người chồng bèn nhờ thiền sư Đại Điên trừ hại. Nhà sư giao cho bà vợ một dây ngũ sắc dặn tìm cách buộc ngang lưng kẻ gian. Sáng hôm sau, bị lùng bắt Từ Vinh biến thành con gián trốn trong khe vách nhưng bị sợi dây ngũ sắc làm lộ. Đại Điên dùng phép đánh chết rồi ném xác xuống sông Tô Lịch. Xác Vinh trôi tới trước cửa nhà Diên Thành hầu thì dựng đứng lên suốt một ngày không đi. Sau, sư Đại Điên đến quát mới chịu ngã xuống và trôi đi.
       Từ Lộ muốn trả thù cho cha ngay nhưng không đủ sức bèn tìm đến một số chùa tu và kiên trì đoc kinh và cầu phép lạ cho đến lúc thành “tài”: đánh được Đại Điên ngã bệnh chết.
       Trả thù xong, ông đi tìm học các nhà sư danh tiếng, “pháp lực ngày càng mạnh, duyên thiền càng kết. Các giống rắn núi, thú đồng đến quấn quít quanh mình. Lộ đốt ngón tay cầu đảo, chú phép vào nước trị bệnh không lúc nào không nghiệm” (*).
       Sư Đại Điên thác sinh vào một thần đồng tên là Giác Hoàng. Vua Lí Nhân Tông không con định nhận đứa trẻ này làm kẻ kế tự. Pháp Lộ nghe tin bèn sai chị gái đem giấu bùa đến yểm khiến Giác Hoàng phải chết. Vua Lí bắt tội, Lộ xin với Sùng Hiền hầu cứu cho và hứa sẽ xin đầu thai làm con của hầu để báo đáp. Quả nhiên, vế sau vợ hầu sinh được con trai là Dương Hoán, do Lộ thác sinh, được vua Lí lập làm thái tử, rồi lên ngôi vua  tức là vua Lí Thần Tông .
       Nhân thân và hành trạng của sư Từ Đạo Hạnh là vậy. Đây là nhân vật huyền thoại nhưng tín ngưỡng dân gian (của một vùng) gán vào những nhân vật lịch sử và một giai đoạn lịch sử nên dường như “sống mãi” trong sự tôn vinh vừa mơ hồ, vừa “áp đặt” cho đến ngày nay. Nếu chỉ là việc thờ một ông “thánh” ở một ngôi chùa, cho dù là chùa nổi tiếng, thì cũng không có gì nhiều để bàn. Song, ngẫm một chút thì thấy có liên quan đến một số vấn đề, chẳng hạn cái “lõi” đạo giáo, chẳng hạn quan niệm về thiện-ác, về phải-trái (còn sâu và rộng hơn sự hồ nghi về lòng tốt của cô Tấm trong truyện Tấm-Cám mà một học sinh nhỏ tuổi đã từng nêu lên).
       Từ Đạo Hạnh vừa là nhà sư vừa là đạo sĩ, nhưng hành xử của ông lại nặng về con người trần tục, kể cả khi đã “thành đạo”. Người cha của ông rõ ràng là một “dâm tặc” bị trừng trị, với người thường thì chuyện trả thù còn phải đắn đo, huống chi ông đã đỗ “khoa Bạch Liên” trong một kì thi “tăng hương”. Chưa trả được thù, ý chí tu hành của ông chỉ dành cho việc đọc kinh luyện phép thuật để thắng được sư Đại Điên. Cả khi đã đạt được đạo cao đức trọng rồi mà vẫn không tha cho kiếp sau của kẻ thù. Làm việc hại người, ông phải năn nỉ với Sùng Hiền hầu : “Xin ra sức cứu bần tăng khỏi phải chịu tội, ngày sau xin ngụ thai trong cung để báo đáp công đức này”(*) . Hành xử và khẩu khí của một nhà tu hành và là một vị “thánh” mà vậy ư!
       Các truyền thuyết dân gian bao giờ cũng mang ý nghĩa xã hội nhất định, nhất là khi có thêm dấu ấn tín ngưỡng, có thể chi phối quan niệm về đạo đức, về hạnh phúc, về hành xử,... trong một thời gian dài. Trong truyện Tấm Cám, cô Tấm vẫn được coi là mẫu mực về sự thảo hiền, về hạnh phúc “ở hiền gặp lành”,... Hầu như chẳng có ai hồ nghi về tính thiện trong việc Tấm lừa cho em chết bỏng, lừa cho mẹ ghẻ ăn mắm con. Dường như đó là sự đáp trả tất yếu lại cái ác!  Sự đáp trả, bên cạnh yếu tố “có thể biện hộ được” bao giờ cũng kèm yếu tố mê muội, dã man. Cô Tấm dễ được biện hộ hơn Từ Đạo Hạnh. Cô vốn tốt nết mà bị động suốt, phải chịu đầy đọa, chết đi sống lại cho đến khi “được đền bù” thì, tiếc thay! cô không thoát được cái “luật” trả thù! Còn trường hợp nhà sư họ Từ thì khác hẳn: cha chủ động thủ ác, con chủ động trả thù, có chủ đích, quyết tâm, triệt để, chẳng hề nương tay. Thật khó mà biện hộ trước nhân tính thông thường của con người, nói chi trước lẽ nhân ái, khoan dung, đức từ bi của đạo Phật!
       Thời nhà Lí đạo Phật là quốc đạo. Điều này chắc là đúng. Tên tuổi nhiếu nhà sư, trong đó có quốc sư, lưu danh trong sách vở và trong truyền thuyết, các công trình thờ tự còn truyền lại tiếng tăm hoặc di tích, các ghi chép dã sử và lịch sử,... đã nói lên điều này. Tuy nhiên, nhân thân, hành trạng, ... của những nhà sư như Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không,... lại khiến nghĩ đến các đạo sĩ nhiều hơn! Có thể là vào thời đó, không như ở bên Tàu đạo Nho “lên ngôi”, bên ta Phật (giáo) và Đạo (giáo) “song hành” trong lúc Nho (giáo) đang phôi thai, trước khi “tam giáo” cùng phát huy ảnh hưởng (thời Lí-Trần). Chùa chiền là nơi hành lễ, đóng cả vai trò của “miếu”, và cũng là nơi giảng dạy, trước tiên là kinh kệ. Trình độ dân trí và xu thế mê tín còn ghi dấu trong truyền thuyết và “vốn cổ” tế lễ cho thấy mặt bằng “tín ngưỡng” thông tục thiên về Đạo giáo hơn, trong khi “tầng lớp trên” của nhà Phật đã đạt mức tâm linh cao sâu thể hiện trong những câu thơ hàm ý triết lí vũ trụ và nhân sinh: “Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh / Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư”-Không Lộ thiền sư, (“Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng / Một tiếng kêu vang lạnh cả trời”-Phan Võ dịch), và “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận / Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”-Mãn Giác thiền sư, (Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết / Đêm qua, sân trước, một cành mai”-Ngô Tất Tố dịch).
       Về Từ Đạo Hạnh, ngày nay có thể còn được xưng tụng, song có lẽ không nên xếp ông vào bậc chân tu Phật giáo.

 

(*) Trích từ cuốn “Tám vị vua triều Lí” của Vũ Ngọc Khánh, nxb Văn hóa-Thông tin, 2003
 
Hải Phòng, 6 – 2009
 
 
 
<bài viết được chỉnh sửa lúc 27.06.2009 16:34:21 bởi Khải Nguyên HT >
#1
    Tâm Tư 27.06.2009 23:24:34 (permalink)
    Tôi thấy bạn phân tích vấn đề rất hay. Tôi cũng đọc điển tích về Từ Đạo Hạnh từ khi còn nhỏ, lâu không đọc thêm, nhưng có 1 đoạn này nhớ và tâm đắc: đó là khi xác Từ Vinh cứ nổi lừ lừ trên sông Tô Lịch suốt 1 đêm, tay chỉ vào nhà Diên Thành hầu không chịu trôi, sáng ra Đại Điên đến chỉ tay nói: sống chết là giấc chiêm bao, dầu giận thế nào không để cách đêm. Cái xác liền chìm xuốgn trôi đi mất. Cái này tôi hay vận dụng cho mình để có thể tha thứ cho mọi người khi mọi người làm tôi giận, và khi làm được điều này tôi thấy không bị khổ nữa. Thế nên tôi nhớ. Chia sẻ 1 chút với bạn vậy.
    #2
      Chuyển nhanh đến:

      Thống kê hiện tại

      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
      Kiểu:
      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9