Tuổi Trẻ * Qua Đời
HongYen 30.04.2005 05:08:57 (permalink)
Tuổi trẻ và đề tài chết
Bác sĩ Thái Minh Trung

Kỳ này, mời quí độc giả đọc bài viết của Bác sĩ Thái Minh Trung, Associate Professor of Psychiatry, University of California, Irvine Medical School.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức

Tuổi trẻ là lứa tuổi đang tràn trề sức sống nên ít có ai nghĩ đến cái chết.

Nếu ta sống ở xã hội Mỹ với trình độ y tế cao, thì có thể tuổi trẻ và cái chết là đề tài rất xa lạ. Nhưng mấy năm gần đây, những biến cố như 11 tháng 9, chiến tranh Iraq và sóng thần Tsunami đã cướp lấy cuộc sống không phân biệt già trẻ. Một số lớn nạn nhân sóng thần là trẻ em không đủ sức chống chọi với cơn nước lũ. Hàng ngày trên đài truyền hình Mỹ cũng chiếu hình ảnh những quân nhân hy sinh cho tổ quốc trong đó có những người thanh niên thiếu nữ rất trẻ tuổi.

Cái chết của tuổi trẻ làm cho thế hệ trung niên đã từng sống ở Việt Nam nhớ lại chiến tranh Việt Nam một thời đã cướp đi mạng sống của biết bao nhiêu người lính trẻ. Rồi biết bao nhiêu trẻ em vô tội trở thành nạn nhân của bom đạn trong một nháy mắt. Sau chiến tranh, hàng loạt người bỏ nước ra đi với tư cách thuyền nhân hay vượt biên bằng đường bộ sang các nước láng giềng. Người ta ước lượng có tới hàng trăm ngàn người bỏ mạng trên đại dương cũng như ở trong rừng.

Như thế cái chết không phải đợi tới già yếu hay bịnh hoạn mà có thể đến bất thần ở mọi lứa tuổi.

Ở xã hội Mỹ, đa số người trẻ tuổi chết do tai nạn xe cộ hay bị bắn. Ngoài ra, số tử vong đứng hàng thứ 3 ở người trẻ là do tự tử. Nhiều người thắc mắc tự hỏi tại sao những thanh niên thiếu nữ sống trong một xã hội đầy đủ vật chất lại thấy chán đời không muốn sống.

Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến tình trạng suy sụp tinh thần. Nguyên nhân thường xuyên là do sự mất mát về tình cảm. Những hoàn cảnh dẫn đến sự mất mát về tình cảm gồm có: gia đình bất hòa, cha mẹ cãi lộn thường xuyên; cha mẹ đi làm không có thời giờ hỏi han chăm sóc con cái, không quan tâm hay không tìm hiểu về cuộc sống tinh thần và tình cảm của con cái; đứa trẻ bị người yêu tuyệt giao mối quan hệ tình cảm với nó; đứa trẻ thi rớt; v.v., và còn nhiều nguyên do nữa.

Khi đứa trẻ bị mất tình yêu thì lòng tự trọng bị tổn thương. Nó cảm thấy yếu kém so với bạn bè, không có chỗ đứng trong gia đình và xã hội. Khi có những tình cảm như vậy, đứa trẻ dễ bị quyến rũ vào băng đảng. Nó cảm thấy băng đảng chấp nhận nó vì những đứa trong băng đảng đều chia sẻ cái tình cảm bất mãn gia đình và xã hội. Chúng sẽ dễ bị đưa đẩy vào con đường nghiện ngập. Chúng dùng xì ke ma túy để cố lấp cái khoảng trống của tình yêu bị mất. Rồi dần dần xì ke ma túy sẽ dẫn chúng vào con đường phạm pháp. Những đứa trẻ nhập băng đảng có cuộc sống mong manh hơn so với đứa trẻ sống trong gia đình. Chúng dễ tử vong do tranh chấp bắn giết lẫn nhau, do bịnh tật khi chích ma túy. Đôi khi chúng vô tình dùng xì ke ma túy quá liều và bị chết.

tiếp
<bài viết được chỉnh sửa lúc 05.03.2006 02:17:14 bởi HongYen >
#1
    HongYen 30.04.2005 05:19:33 (permalink)
    .....

    Những dấu hiệu của đứa trẻ chán đời mà phụ huynh cần biết là:


    - Thay đổi cách ăn uống và giờ giấc ngủ
    - Không thích giao thiệp bạn bè như lúc trước
    - Trốn nhà ra đi hay đi về giờ giấc bất thường
    - Thay đổi về cách ăn mặc
    - Thay đổi đột ngột về tính tình, cau có, dễ cãi lộn với gia đình
    - Bỏ học hành, sa sút hay bị kỷ luật ở trường.


    Khi nghe đứa trẻ than phiền muốn chết hay có những lời nói như: “Còn vài ngày nữa thì con sẽ không còn làm phiền hà cha mẹ nữa”, hoặc thấy nó cho người khác những món đồ mà nó thích nhứt thì phụ huynh không nên coi thường.

    Điều tốt nhứt là phải ngồi xuống nói chuyện với đứa trẻ và đề nghị dẫn nó đến chuyên viên tâm lý hay bác sĩ tâm thần để giúp đỡ nó. Hiện nay ngành tâm lý rất tiến bộ. Chuyên viên tâm lý có nhiều kỹ thuật tâm lý trị liệu để khai mở những uất ức về tình cảm. Ngoài ra còn có những loại thuốc an thần chuyên trị tinh thần sa sút (depression/trầm cảm). Phụ huynh đừng nên coi thường những lời nói như vậy và bỏ qua. Đứa trẻ sẽ cảm thấy cha mẹ không gần gũi và hiểu được nó và từ đó cảm thấy cô đơn hơn. Khi quá cô đơn và thất vọng, nó có thể có những hành động tự kết liễu cuộc sống.

    Tôn giáo có thể giúp gì được trong những hoàn cảnh như vậy? Những nghiên cứu cho thấy tôn giáo có vai trò bảo vệ cuộc sống và ngăn chận tự tử. Trong những gia đình có tôn giáo, phụ huynh thường có cuộc sống tinh thần cao, họ tôn trọng lẫn nhau và ít cãi lộn và tránh dùng những lời nhục mạ kẻ khác. Cha mẹ thường đề cao tình thương và sư tha thứ chấp nhận trong quan hệ với con cái. Họ ít có cái nhìn độc đoán mà ngược lại chịu khó tìm hiểu con cái. Họ giải đáp vấn đề bằng thái độ dung hòa (compromise) và lấy được lòng con cái. Vì thế đứa trẻ tôn trọng cha mẹ và thành thật trao đổi những khó khăn với cha mẹ.

    Đứa trẻ được giáo dục ở Mỹ không nể sợ cha mẹ như đứa trẻ được giáo dục ở Việt Nam, cha mẹ nói gì con cũng phải vâng lời. Ở Mỹ, đứa trẻ thích lý luận và chỉ chấp nhận những gì hợp lý. Cha mẹ làm đứa con kính phục khi thành thật trao đổi với nó, giải thích phải quấy cho nó nghe, không bắt nó phục tùng ý muốn mình, và trao cái quyền chọn lựa cho nó.

    Khi sống trong gia đình có tôn giáo và khi lớn lên được giáo dục bằng tôn giáo thì sự khác biệt giữa hai thế hệ sẽ ít hơn, vì cha mẹ và con cái sẽ cùng nhìn về một hướng. Hai thế hệ có thể có những bất đồng nhỏ nhặt về triết lý sống vì kinh nghiệm và nơi chốn, văn hóa lúc sinh trưởng khác nhau. Tuy nhiên, với cùng một tôn giáo thì hai thế hệ sẽ cùng nhìn về một hướng. Hướng đó là đời sống tâm linh và tình thương trong sự trao đổi tìm hiểu lẫn nhau. Khi bậc phụ huynh muốn con cái sống theo ý mình mà không tìm hiểu nhu cầu tâm lý của đứa trẻ thì tình thương đó thiếu sự thông cảm. Khi đứa trẻ chê bai cái nhìn đời của cha mẹ là quá xưa không hợp với khoa học thì không có tình thương dung hòa.

    Nếu hai thế hệ chỉ cần biết áp dụng 4 chữ từ, bi, hỷ, xả thì đời sống tinh thần và tình cảm đôi bên sẽ khả quan rất nhiều. Tuy từ bi hỷ xả là danh từ chuyên môn của Phật giáo nhưng tính chất đó hiện diện nơi mọi người, bất kể tôn giáo nào.

    Từ là lòng từ tốn, dẹp bớt tự ái mình để nghe lập luận của kẻ khác. Nếu cha mẹ hay con cái tự cho là cái hiểu biết của mình lúc nào cũng đúng và người khác thì sai thì sẽ không bắc được nhịp cầu thông cảm giữa hai thế hệ. Đứng trước một hoàn cảnh, mỗi thế hệ đều có cách nhìn và giải quyết đặc trưng. Nếu tổng hợp được hai cách giải quyết vấn đề thì hai thế hệ sẽ giàu về kinh nghiệm hơn. Bi là khả năng thông cảm được nỗi khổ của kẻ khác. Đứa trẻ thông cảm được sự hy sinh của cha mẹ bỏ nước ra đi, đương đầu với gian nan khổ sở để nó được một tương lai tốt đẹp. Cha mẹ thông cảm được sự khó khăn của đứa trẻ đang tìm cách hội nhập hai nền văn hóa khác nhau và không bắt buộc nó hoàn toàn phải theo lối suy nghĩ của mình.

    Hỷ là khả năng chia sẻ niềm vui kẻ khác. Cha mẹ chia sẻ niềm vui của con mình tự chọn hướng đi và nghề nghiệp trong cuộc sống, mặc dù đó không phải là ý nguyện của mình. Đứa con chia sẻ niềm vui của cha mẹ khi thấy nó thành tài. Sự thành công của mình không phải chiến lợi phẩm cá nhân mà do sự hy sinh nuôi nấng của cha mẹ. Xả là khả năng tha thứ hay từ bỏ cái nhìn ích kỷ cá nhân để chấp nhận cái nhìn tổng quát. Để có một giải pháp dung hòa, hai thế hệ cần phải từ bỏ một phần sự cố chấp của mình và tha thứ những ý kiến không thích hợp với mình của thế hệ kia.

    Tóm lại, khi tuổi trẻ chấp nhận và sống với đạo lý thì những căng thẳng về tinh thần sẽ giảm bớt rất nhiều. Sự quan hệ với mọi người sẽ tốt đẹp hơn. Khi sống với đạo lý, tinh thần ta sẽ được đầy đủ hơn. Chính sự đầy đủ đó là yếu tố quan trọng giúp tránh sự suy sụp tinh thần có thể dẫn đến tuyệt vọng và kéo theo cái chết với nhiều nguyên do khác nhau như đã kể ở phần trên.
    #2
      HongYen 01.05.2005 18:54:27 (permalink)
      Thứ Sáu, 29/04/2005, 09:54

      Quảng Ninh:

      Một học sinh thắt cổ tự tử trên cây

      Ngày 27/4 Nguyễn Phương Nam, sinh năm 1989, học sinh lớp 10A4, Trường THPT Vũ Văn Hiếu TP Hạ Long đã thắt cổ tự tử trên một cành cây ven đường. Đây là vụ tự tử thứ 3 liên tiếp trong hơn 1 tháng gần đây ở Quảng Ninh.

      Phó trưởng Công an TP Hạ Long Phạm Hồng Sinh cho biết: “Khi tự tử, Nam có để lại một lá thư trong người viết cho gia đình tự nhận là "đứa con hư hỏng" và yêu cầu gia đình "báo cho người yêu"!

      Trước đó, hai trường hợp tự tử là em Nguyễn Ngọc Hà (lớp 7A) và Lê Mạnh Tuấn (lớp 8A) Trường THCS Cao Xanh, TP Hạ Long.

      Rất ngẫu nhiên, hai hịc sinh này lại ngồi cùng một chỗ trong phòng học (em sáng, em chiều), tự tử cùng một ngày (ngày 25/3 và 25/4). Chiều 27/4, thầy Hồ Ngọc Triển - Hiệu trưởng nhà trường cho biết bộ bàn ghế mà hai học sinh ngồi đã được đốt, nhà trường đã thay thế bộ bàn ghế mới. Mọi hoạt động của nhà trường không có gì xáo trộn.

      Mặc dù thầy hiệu trưởng nói vậy, nhưng sự trùng hợp trên vẫn được lan truyền. Chị Phan Hải Hường - Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em TP Hạ Long cho biết: “Em Nguyễn Ngọc Hà là học sinh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, mỗi tháng em được Quỹ Bảo trợ trẻ em TP Hạ Long trợ cấp 30.000 đồng. Bố Hà bị tật câm điếc, làm việc tại Công ty May và In 27/7. Mẹ em bán xôi rong.

      Trước hôm tự tử vài ngày, Hà là một trong 4 học sinh bị cô giáo chủ nhiệm yêu cầu mời ngay bố mẹ đến gặp cô giáo, vì khuyết điểm gây mất trật tự trong giờ học để lớp chỉ được 9 điểm trong sổ đầu bài. Ngay sau đó, 3 bạn kia có bố hoặc mẹ đến gặp cô giáo chủ nhiệm, còn mẹ Hà không đến”.

      Chị Hường cho biết, mẹ của Hà khóc và nói với chị một cách thảm thiết: "Tôi ân hận là không gặp ngay cô giáo. Nếu tôi đến gặp cô giáo thì con tôi chưa chết !".

      Còn gia đình Lê Mạnh Tuấn thì khá giả hơn. Bố của Tuấn làm công nhân Công ty Than Núi Béo, mẹ nội trợ. Em Đoàn Thị Lan Anh, lớp trưởng lớp 8A cho rằng nhiều buổi chiều Tuấn nghỉ học thêm để chơi Internet. Có giáo viên cho biết em Tuấn nợ tiền ở các quán điện tử. Sáng 25/4 Tuấn vẫn đi học bình thường, chiều Tuấn nghỉ buổi học thêm rồi ở nhà thắt cổ tự tử.

      Khi biết tin TP Hạ Long đã xảy ra học sinh thứ ba thắt cổ tự tử trong vòng một tháng, chị Phan Hải Hường lo ngại một phản ứng dây chuyền về tâm lý. Đây là điều các nhà giáo dục và bậc cha mẹ học sinh phải hết sức lưu ý giải tỏa những xung đột tình cảm có thể xảy ra trong cuộc sống.

      Theo Thanh Niên

      http://www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=8046&ChannelID=12
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9