Buổi Tàn Thu - Bản dịch: Trường Vĩnh Hoa
vinhhoa 30.06.2009 05:07:28 (permalink)
0
Buổi Tàn Thu

Tác giả: Khuyết danh

Bản dịch: Trường Vĩnh Hoa



Lời giới thiệu: Đây là một câu chuyện - nguyên tác "Thu Tàn" bằng Trung văn, tác giả khuyết danh - lấy bối cảnh trong thời kỳ chiến tranh Trung Nhật vào niên đại 1940-45, thuật lại chuyện tình giữa hai chàng trai khác chủng tộc nơi vùng Đông Bắc thuộc nước Mãn Châu, Trung Quốc. Tình tiết câu chuyện nhẹ nhàng, cho dù kết cuộc bi thảm nhưng không khiến người đọc sầu thương. Danh xưng phần lớn được giữ theo lối cũ để biểu hiện phong cách xưa cổ.


1.

Thời tiết đầu xuân, băng tuyết nơi đất Bắc vừa tan hết. Trong ngôi thành cổ Phụng Thiên tại nước Mãn Châu, vào lúc ban mai, những cành nhánh thưa thớt trên cây cổ thụ phần lớn vẫn còn treo các trụ sương đông lại đêm qua, nhưng nơi đầu cành đã có vẻ hối thúc không thể đợi chờ, nhô nhú đầu ra trong ý xuân tràn ngập.

Sớm mai hôm ấy nơi con đường Phúc An tại phía Nam thành, sắc trời còn chưa tỏ rạng, đã dội lên những rối động nho nhỏ không được bình thường. Nơi khu cư ngụ to lớn tại phía Tây đường lộ, bắt đầu từ đêm qua đã náo nhộn với hai ngọn đèn lồng đỏ như son, buông xuống những tua sắc vàng biếng nhác xòe xoạc, trông dễ thương hết mức. Thường ngày hai cánh cửa của trang viện cổ xưa rêu xanh phủ đầy, lại lần nữa được đánh sơn bóng loáng sáng rỡ, phản ánh vào đôi sư tử bằng đá ngồi trang nghiêm trước cửa như tràn đầy sức sống. Trên con đường đá xanh, lớp sương mỏng nơi phiến đá lẫn lộn với vết móng chân ngựa; mũi của những con la, con ngựa đã đọng lại những giọt ẩm ướt; hơi người trong nắng sớm thấm dần vào bầu không khí giá lạnh đầy ánh bình minh, ngưng tụ thành mù sương.

Hôm đó là ngày vui của đại thiếu gia họ Lý, một gia đình giầu sang uy thế buôn bán lương thực nơi thành nội.

Trước năm mới, nhà họ Lý mới tháo xuống hai ngọn đèn lồng mầu lam cho sự phục tang ba năm. Thiếu chủ nhà họ Lý vừa mãn hạn tang cha, tuổi mới hai mươi hai, thông minh lão luyện. Năm ấy ông chủ tiệm lương thực họ Lý thình lình thọ bệnh mà mất; trong thành không rõ có biết bao người cùng nghề xoa tay xắn áo dự định uy hiếp con côi, hòng phân chia nuốt trọn miếng bánh to ngon béo bổ này; ai ngờ Lý gia thiếu chủ tuổi chưa đến đôi mươi, tiếp quản nghiệp nhà một chút cũng không hàm hồ sai lạc. Ba năm tiếp đó, chẳng những sự phát triển của cửa hàng lương thực hơn xa ngày trước, người tuổi trẻ lòng đầy tham vọng, thêm kế hoạch đầu tư lâm nghiệp và mỏ than mới phát nơi vùng Đông Bắc, lập tức triển vọng không cùng tận, chẳng ngăn được khiến người ta phải ngưng lại lòng xem thường, cảm thán cho con nghé mới sanh, anh tài trong giới trẻ. Vốn là tấm lòng như mắt cọp rình rập đã lâu, toàn là những việc tiêu xài làm thắt chặt sự giao tiếp với toan tính thân cận. Hôm ấy, một nơi khác trong thành, có gia đình sang giầu nọ sắp tiễn đưa cô con gái đi lấy chồng, từ sáng sớm mà Đất Trời hoan hỷ dường như nghênh đón dáng rồng trong bầu khí phận dạt dào niềm vui.

Mặt trời ló dạng và ngày dần sáng rõ, tiếng kèn loa cùng tiếng trống thập thùng vang lên, đoàn người đón dâu theo lối cổ nâng cao chiếc kiệu hồng vàng chói tô rồng thêu phụng, nghênh ngang qua lộ, dọc đường hấp dẫn người xem vây quanh để ngắm nhìn cô dâu mới lấy chồng được công kênh trở lại giữa tiếng trống kèn inh ỏi. Cửa son mở rộng, đón vào trong trang viện với khoảnh sân thăm thẳm, rợp bóng cổ thụ. Trong vầng dương rực sáng, là một ngày đẹp trời giữa mùa xuân ấm áp, khách đến chúc mừng tấp nập không dứt, khuấy động sự tĩnh mịch đã lâu, nơi trang viện liền bừng lên những tiếng ồn ào náo nhiệt.

Giữa lúc tiệc rượu, từ trong chái nhà bên phải đại sảnh, bước ra một chàng trai tuổi chừng mươi tám. Sau khi chàng ta lặng lẽ từ trong bàn tiệc lui về, bèn từ chái nhà bước quanh đến hành lang, tản bộ trên lối đi lót sỏi vụn trong sân, hướng về chỗ cây cối um tùm tiến bước.

Một chút bối rối như bám chặt giữa đôi mi, lòng chàng cảm thấy buồn chán, một nỗi muộn phiền không phân rõ là gì. Chàng không chịu nổi sự huyên náo ồn ào trong buổi tiệc mừng, thừa lúc rãnh rỗi bèn lẻn trốn ra ngoài. Hôm nay là ngày mừng cưới của đại ca chàng, chàng chẳng ngờ bữa tiệc lại hào hứng quá mức.

Lý gia tại Đông Bắc gốc rễ đã có mấy đời, truyền xuống từ đời này sang đời khác, con trai ngày càng ít. Vị đương gia đã mất là hàng thứ hai, tên gọi Lý Vân Hải. Lúc còn trẻ, đã từng đi xa vào Quan nội để học trường theo lối mới. Từ khi tốt nghiệp đại học Yên Kinh tại Bắc Kinh trở về, cùng huynh trưởng phân chia gia sản, mỗi người tự sinh nhai, vẫn làm nghề cha ông để lại là bán buôn ngũ cốc. Họ Lý ruộng đất mênh mông, cảnh nhà giầu có, việc cấp bách bây giờ là nối dõi tông đường, tiếp dòng hương hỏa. Lý Vân Hải lấy người vợ chánh có hơn một năm, lại lập thêm phòng nhì, một thê một thiếp tổng cộng sanh cho ông ba người con trai. Con trưởng do người thiếp sinh ra, lấy tên là Long Tường; con thứ gọi là Bằng Tường, nhưng sinh ra hơn tháng thì chẳng may chết yểu. Cách vài năm sau đó, người vợ chánh mới sanh cho ông thêm một người con trai, đặt tên là Phượng Tường. Vốn là dự tính cứ như thế mà có thêm con trai, nảy sinh lá cành tươi tốt, làm lớn rộng dòng tộc họ Lý, ai mà biết được sau đó lại chẳng có động tĩnh gì nữa, việc này khiến trong lòng Vân Hải lúc nào cũng cảm thấy quá đáng tiếc. Ba năm trước, thình lình lâm bệnh, mộng đẹp tiêu tan thành mây khói, mà đành vĩnh viễn buông xuôi.

Lý Phượng Tường năm nay tuổi vừa mười bẩy, thuở còn thơ đã để tang mẹ, thứ mẫu thành ngôi chánh thất. Từ bé, phụ thân và huynh trưởng càng thêm thương mến. Người mẹ ruột tuy mất sớm, may mà lúc sinh tiền có quan hệ tốt đẹp với thứ mẫu, tình cảm hòa thuận, kế mẫu không ức hiếp con côi, đối xử như con mình sinh ra, vì vậy, cũng xem như là lớn lên trong sự bình an yên ổn. Thông thường mà nói, mấy chàng trai cậu ấm con nhà giầu thường khó tránh khỏi tính tình khinh bạc, hay chơi bời phóng đãng, nhưng gia giáo nhà họ Lý xưa nay nghiêm khắc, Lý Vân Hải lại tự nhận là người học thức, là dòng dõi nho gia, không muốn con cưng học đòi thành kẻ đê tiện, do đó Phượng Tường cho dù được chiều chuộng mà buông thả một chút, song tính tình vẫn hiền lương. Bản chất của chàng này là ít nói, tận cốt tủy đã hàm chứa chút thanh tĩnh trời sanh, từ bé đến giờ kín cổng cao tường không được phép tùy tiện ra khỏi cửa; đến khi lớn lên, lại là tự lẽ loi cách biệt không nguyện cùng người giao tiếp. Ba năm trước, phụ thân lìa đời, về sau, trong mười ngày thì chàng đã có hết bảy tám ngày ẩn núp ở nhà.

Long Tường đối với người em nhỏ này gần đây thêm nhiều thương mến, nhưng khác nhau đến năm tuổi, dẫu sao cũng hơi có khoảng cách. Long Tường sau mười chín tuổi đã ra tay làm việc kinh doanh, càng uy nghiêm giống như là quyền huynh thế phụ; Phượng Tường còn trong tuổi xuân độ trăng tròn, một người mà sự cô quạnh cứ chồng chất thêm theo ngày tháng. Bình thường chàng thật chẳng có người bạn nào rất thân thiết, chỉ có Quý Trụ Nhi là con trai cao lớn của nhũ mẫu mà từ bé đã cùng chàng bú mút chung bầu vú sữa, thỉnh thoảng cậu ta lại đến làm bạn chơi đùa với chàng. Sự qua lại giữa hai người, vẫn không vì thân phận địa vị hoặc tuổi tác lớn dần mà có chút đổi thay.

Phượng Tường ngắt một mầm non mọc nơi gốc cây, cắn vào trong miệng rồi nhìn bâng quơ. Khuôn viên nhà họ Lý rất rộng lớn, gian nhà tọa lạc tại giữa khu vườn, hai bên đều là rừng cây dày đặc. Một nửa bên này của khu vườn là một vùng to lớn trồng toàn cây hòe. Đến mùa hoa hòe, hoa sẽ nở mù đặc khắp trời. Nhưng hiện tại chỉ là một khung cảnh đìu hiu trơ trọi. Trong rừng cây có một chiếc ao, bên cạnh ao trồng vài cây mai vàng, giờ lại ngang nhiên nở rộ rất nhiều hoa.

Vừa đúng lúc Phượng Tường rời khỏi tiệc rượu đi vệ sinh, cách bức tường đất nhà xí chợt nghe có tiếng thở dồn dập, trầm đục nặng nề, thoang thoảng truyền đến. Nhất thời hiếu kỳ, chàng bước ra nép vào góc tường nhìn trộm một cái, thoáng thấy một gã trai trẻ cường tráng đang ôm Uyển-nhi - con tỳ nữ hầu hạ trà nước lặt vặt trong nhà - lẩn giữa lùm cây. Thân ảnh đó, rập rà rập rờn phải là Quý Trụ Nhi. Hai người như mê như say, chưa nhận biết bên cạnh có người. Phượng Tường sững sờ ngay tại chỗ một lúc thật lâu, rồi như bừng tỉnh cơn mộng, một cơn thẹn thùng dâng lên hồng đôi má, chàng quay người nhẹ tay nhẹ chân rời khỏi nơi ấy.

Trong lòng chàng sầu muộn buồn buồn, không biết rõ thứ cảm giác bứt rứt khó chịu ấy là gì. Thứ bí mật này trong lúc tình cờ nhìn thấy, chàng nghĩ thà rằng mình không biết. Chàng chỉ cảm thấy trong lúc này - bất kể là trong Hỷ đường đại ca Long Tường với vẻ mặt phấn khởi, hoặc gần đây Quý Trụ Nhi đã nở những nụ cười ngốc nghếch khờ khạo - tất cả đều cách biệt chàng rất xa xa lắm, tách ra một nơi khác của đời người rồi mất hẳn. Đường ranh giới ấy, chắc là chàng vượt không qua được, mặt khác của sự việc này, cũng là điều chàng không hiểu rõ, điều mà chàng chẳng thể chen chân. Một sự cô quạnh, cảm giác lẽ loi còn sót lại, ôm chặt lấy chàng.

Tự thuở lên mười ba, xương cốt chàng tựa như chồi non của cây cối mùa xuân, cứ kéo dài ra ngày ngày. Nam nhân vùng Đông Bắc phần lớn đều cường tráng thô kệch, thân hình Phượng Tường cũng kéo giãn cao lều khều thẳng tắp, chỉ không giống như Quý Trụ Nhi lao động giữa ruộng đồng, nói khoa trương ấy là như con nghé. Tuổi tác thêm dần lên, việc đời dần thấu hiểu, song hãy khoan bàn về sự trưởng thành nội tâm hay thân thể, có thể nói rằng tính tình chàng chẳng vui chẳng buồn lúc nào cũng thế, bình bình đạm đạm.

Bên bờ ao, mai vàng rơi rụng, có một bóng hình xa lạ đang ngồi xổm. Người ấy ước chừng nghe được có tiếng bước nhân, quay đầu nhìn lại. Phượng Tường vừa rồi trong đại sảnh cùng theo đại ca và thứ mẫu hướng về quan khách mời rượu, người này nhận ra được, liền vội vươn người đứng dậy, xong hết sức cong người xuống tận eo mà hành lễ theo đúng quy củ khuôn phép; với dáng tươi cười đượm chút thẹn thùng, nhưng lại có vẻ đáng yêu.

Là một người Nhật Bản. Trong lòng Phượng Tường nghĩ ngợi, nét mặt thoáng vẻ ngại ngùng. Chàng nhớ lại lúc nãy trong tiệc rượu, có một vị quan Nhật bản bụng to phệ ngồi nơi bàn. Tổ Quốc bất lực, bị người Nhật Bản chiếm làm tổ riêng, đưa Hoàng đế cựu triều lên làm bù nhìn, rồi họ vung tay nắm quyền hành nội bộ, giả xưng là Nước Mãn Châu. Người Trung Quốc liên can trong thành, ngoài mặt thì giả vờ làm dân theo giặc, mà đáy lòng sao khỏi toàn sự căm giận miệt khinh. Thế nhưng, việc kinh doanh của họ Lý là bán buôn ngũ cốc, nên thường phải kết giao với vài người quyền quý là mấy tên ác quỷ Đông Dương thao túng quyền hành trong Chính phủ; vướng mắc chuyện làm ăn thì cũng phải quyền biến để mà hoạt động, nói theo cách khác ấy cũng là sự đành chịu của bao người trong giang hồ tứ xứ.

Lý Long Tường tự thân từng theo học tại trường của người Nhật Bản, trong lòng anh không mong muốn người em nhỏ bé đi học trường trung học của Nhật, và người cha đã mất cũng không muốn như thế. Tự mình đã ở nơi thế gian ô trọc không được thanh tịnh, dù sao cũng cần phải bảo vệ em nhỏ tránh khỏi sự lây nhiễm bùn nhơ, đây vốn là sự khổ tâm của người anh cả.

Phượng Tường không thể nói tiếng Nhật, đành phải gật đầu mỉm cười. Trong lòng trù trừ cả một lúc, chẳng biết tốt hơn nên rời đi hay lưu lại nữa.

- Chào Cậu. – Người Nhật bản trẻ tuổi đó mở miệng, giọng Nhật bản đậm đặc trong câu nói Đông Bắc của anh ta, giọng mũi càng hiển lộ rất trầm nặng, Phượng Tường nghe trong tai có một thứ thú vị lạ lùng. Người ấy mỉm cười rồi khẽ nói:

- Khu vườn này của các cậu đẹp quá!

- Tại sao không ở bên trong uống rượu? – Phượng Tường hỏi.

- Rượu uống nhiều rồi, ra ngoài đây thư thả. – Trên gương mặt sạm nắng của chàng trai người Nhật ấy quả nhiên có mờ mờ ánh hồng say chất rượu. Phượng Tường đoán rằng anh ta có lẽ theo quan chức Nhật Bản đó mà đến, trong lòng cảm thấy người này và những cậu học sinh trung học người Nhật ngỗ ngược ngang tàng kiêu căng thường gặp trên đường phố thật quá khác nhau, chẳng qua, nhà cậu ta ở vùng này, cho đến giờ rất ít người Nhật đến đây. Phượng Tường thuận miệng hỏi thăm anh tên gì, người Nhật Bản đó liền vội lễ phép tự mình giới thiệu, họ Địch Dã. Địch Dã Canh Dương. Anh ta như sợ Phượng Tường không nghe rõ khẩu âm của mình, nhặt lấy một nhánh cây, trên mặt đất bùn viết ra bốn chữ này bằng Hán tự.

“Địch Dã Canh Dương”. Phượng Tường lẩm bẩm đọc, không có ý nghĩa gì cả. Hai người cứ ngơ ngẩn nhìn hoa mai.

Chỉ như thế, cũng chẳng ra làm sao, Phượng Tường nghĩ chắc phải quay về đại sảnh giúp việc chào hỏi tiếp khách, bèn mỉm cười xoay người cáo từ. Canh Dương mãi nhìn theo chàng ta suốt trên đường đi vào nhà, nhìn lâu thật lâu, đến khi chàng bước vào trong nhà, mới ngẩng đầu lên; một con chim én đen đen từ giữa rừng cây vụt ngang qua.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.06.2009 05:47:58 bởi Ct.Ly >
#1
    vinhhoa 30.06.2009 05:08:45 (permalink)
    0
    2.

    Khí trời ấm dần lên, lúc bình minh ló dạng cũng đã sớm. Những nhánh cành khô héo trên cây cổ thụ vốn trống trải lạnh lùng, giờ đây đã dầy đặc một mảnh vàng tơ xanh biếc, sắc xuân nhè nhẹ phủ lên những tấm ngói hồng đầu tường.

    Phượng Tường ở trong nhà sầu muộn đã nhiều ngày, hôm ấy thức dậy rất sớm; vừa kịp nhìn thấy mặt trời, chàng bèn khuân hết sách vở quý cất kỹ của phụ thân trong thư phòng bày ra sân sau phơi nắng. Rất nhiều sách cổ xưa đóng bằng chỉ buộc mà lâu chưa xem đến, giờ đã hơi hơi đóng mốc. Chàng tìm lấy cây thước mỏng bằng tre, cẩn thận từng quyển một đem cạo sạch những chỗ mốc meo. Trang sách vàng úa để lộ ra mùi mực in nhàn nhạt, giữa những hàng chữ còn lưu lại cước chú mà phụ thân dùng mực đỏ điểm phê. Lúc còn bé, cũng giống như thế, chàng theo cha ngồi trên bậc thềm đá này hong sách. Phụ thân dạy chàng cách phân biệt: bức khổ dài, dùng tơ sợi gói cuộn lại thành ống gọi là Quyển-trục, gập lại nhiều mảnh nhỏ làm thành sách tên là Kinh-triệp; sách mà từng trang xếp đối nhau, lề sách hướng ra ngoài, trang mặt hướng ra sau phong kín gọi là Bao-bối, lề sách hướng vào trong thì gọi là Hồ-điệp…

    Gió mát đâu biết chữ, thỉnh thoảng đến lật bừa những trang sách, người ta cũng theo ý tứ xa xưa mà dào dạt dâng niềm hoài vọng.

    Bà nhủ mẫu Trương đến gọi ăn cơm sáng, Phượng Tường bèn nhìn hướng về phía trước. Trên chiếc bàn tròn gỗ tếch trong sảnh có bày một tô cháo, vài món cải muối. Phượng Tường hỏi:

    - Ca đâu?

    - Đại thiếu gia đã ăn trước và đi đến cửa hàng rồi. – Mụ Trương đáp.

    Phượng Tường biết rằng Thứ mẫu mấy ngày nay bị cảm nhẹ, thức dậy muộn. Chàng nói:

    - Bà thu dọn sạch sẽ, rồi hâm nóng chờ Nhị nương thức dậy để ăn, tôi ra bên ngoài tản bộ.

    Chàng bước lang thang trên mấy con đường, trời sáng rồi, trên đường cũng náo nhiệt thêm lên với người qua kẻ lại. Ai bảo người ta không phải là động vật sống theo mùa? Cất bước bước đi, tâm tình cũng dâng lên theo ánh nắng; chàng tưởng đến buổi sớm nay thay cha đem phơi những sách ấy, ý nghĩ vừa xoay, bèn hướng về khu Nam-Trạm đi về bên đó; nơi ấy có vài hiệu sách lớn đã lâu đời, chàng muốn xem xem có sách gì mới chăng.

    Gần nơi vùng Nam-Trạm là khu thương nghiệp, một chỗ mà luôn luôn có kẻ đến người đi tấp nập không ngớt; nơi tụ họp này có lẽ vẫn còn sớm, để lộ vẻ tương đối yên tĩnh một chút. Phượng Tường đi ngang qua vài cửa hiệu bán sách, thấy họ vẫn chưa mở cửa bán buôn, không ngăn được có hơi thất vọng, quay đầu đang muốn đi, thì bả vai có người từ đằng sau vỗ một cái; chàng xoay người lại, ánh nắng vàng rực rỡ đã chiếu ngay lên đầu lên mặt.

    - Làm sao lại gặp nhau chỗ này? – Chàng phát hiện tự mình lại không thể ngưng được nụ cười ngạc nhiên trên mặt.

    - Muốn đến dạo thăm hiệu sách để mua vài quyển sách, mà những hàng sách ở đây mở cửa muộn quá. – Canh Dương cũng trả lời với nét mặt đầy vẻ tươi cười.

    “Thật là trùng hợp”, Phượng Tường suy nghĩ trong lòng, có một chút vui mừng không diễn tả được, không nói được vì sao. Hai người sánh vai cùng bước, Canh Dương hôm nay mặc áo sơ mi dài tay mầu trắng, quần dài đen, mặc ngoài là chiếc áo len cụt tay mầu xám nhạt. Hai người đang đi, nắng chiếu bóng hình kéo dài ra. Phượng Tường vô ý cúi đầu, phát hiện mình mặc áo len mầu xám nhạt, quần dài trắng, chàng mỉm cười. Bởi vì cảm thấy mầu sắc của hai người xem ra rất hài hòa.

    - Không phải đến lớp ư? – Phượng Tường hỏi.

    - Sáng nay không có lớp, nhưng buổi chiều có hai lớp, do đó thừa dịp trước lớp học mà lên đường phố dạo chơi. – Canh Dương cười đáp, đến giờ Phượng Tường mới hiểu; thì ra sinh viên đại học khỏi cần phải giống như học sinh trung học, ngày ngày sáng sớm vội vã đến trường. Chàng thầm nghĩ: “Học đại học cũng thật là mới mẻ.”

    Tiếp đến là chỉ có thể tan hàng như thế này ư, trong lòng Phượng Tường nghĩ ngợi, gần đến nơi góc đường còn có ít chuyện để nói chứ, phải đi rồi, cũng chẳng có gì bất ngờ hiện ra ư? Nhưng cả hai đều ngấm ngầm có phần không muốn chỉ như thế mà cất lời tái kiến, có lẽ, là vì hôm nay ánh nắng trời đang quá đẹp tươi.

    - Ăn điểm tâm chưa vậy? – Canh Dương hỏi.

    Phượng Tường mỉm cười khẽ lắc đầu, thế là Canh Dương bồi tiếp chàng đi tìm thức ăn, thật ra Phượng Tường không đói. Hai người đi kiếm những quầy hàng bán đồ ăn, chẳng may là buổi sáng vào giấc này, giờ ăn điểm tâm thì đã qua rồi, hai người tìm kiếm cả một lúc lâu, mới tìm thấy một quầy hàng nhỏ bán bánh nướng, mà hàng đã dọn dẹp gần hết. Phượng Tường mua một miếng bánh, bắt người ta cho hết hành lá còn dư lên mặt bánh, tương cho hơn một nửa; Canh Dương đứng bên cạnh nhịn không được phải bật cười.

    Canh Dương hỏi chàng có muốn đi dạo qua trường đại học của anh không; Phượng Tường hơi hơi xao xuyến, nhưng trong lòng có chút lưỡng lự đắn đo. Chàng cảm thấy mình đi theo một người không liên hệ, quá cách xa chỗ đường lộ này, vì thế bèn lắc đầu. Hai người nhất thời không biết phải bước theo lối nào, qua một lúc sau, Phượng Tường đề nghị đi dạo bên bờ đê; bờ đê ở bên ngoài mấy con đường, cách một khoảng xa, nhưng Canh Dương cũng vui vẻ gật đầu.

    Con đê này do sau khi người Nhật bản đến đây mới dựng thành, một công trình theo kiểu Tây phương; ci-măng trắng xây ngoằn ngoèo dọc theo bờ đê, mầu trắng tinh đẹp mắt. Trên đê có lót một lối đi rộng rãi và sáng sủa; bờ sông bên này mới trồng một hàng dương liễu, những cành liễu tóc tơ yêu kiều hấp dẫn, thướt tha rũ xuống như làn tóc người thiếu nữ. Chỉ không đủ dài, chưa đủ soi sáng trên mặt nước, là mái tóc ngắn khoác đến bờ vai.

    Phượng Tường nghiêng mắt nhìn nhìn Canh Dương, khuôn mặt Canh Dương nhìn nghiêng trông rất đẹp, sóng mũi thẳng tắp cùng với những đường cạo cắt sạch bóng. Học sinh tiêu biểu vào thời ấy đều chấp nhận sự huấn luyện quân sự, do đó đầu tóc đều cắt húi cua giống như của quân nhân, bên tóc mai của Canh Dương vừa mới được cạo nhẵn thín, bên dưới còn để lộ ra một vết trầy xước trắng xóa. Chân mày Canh Dương rất rậm, rậm đến nỗi mang chút kiêu hùng, nhưng đôi mắt sáng ngời đen nhánh lại là nét cười ấm áp dịu dàng. Vóc dáng cao cao của anh cũng hiếm thấy trong những người Nhật Bản, còn đủ cao hơn Phượng Tường nửa cái đầu.

    Nhìn rồi lại ngắm, đột nhiên trong lòng Phượng Tường dâng niềm vui sướng. Chàng rất mừng là Canh Dương mang họ Địch-Dã, không là Trư-Mộc, cũng không phải là Khuyển-Dưỡng, bởi vì những dòng họ ấy có thể khi người Trung quốc nhắc đến chỉ muốn cười lật cả đất trời. Địch chi Dã, Thủy chi Tân, Dương xuân mênh mang.

    Hai người nơi tảng đá bên bờ đê, ngồi nghỉ và nói chuyện một lúc khá lâu, lại là câu được câu chăng, đều chẳng có gì hay để nói, nhưng cũng không đến nỗi tẻ nhạt. Phượng Tường đưa tay chỉ qua bên kia bờ sông, gọi Canh Dương nhìn; hai con vịt trời tung cánh bay lên, bay xa tít ngút tận chân trời.

    Canh Dương cho chàng biết, gia đình anh ngụ tại vùng đất sau khu “Nam Trạm”, khu vực ấy, Phượng Tường có biết, nơi đó hầu như toàn là khu nhà ở của Quan chức cao cấp người Nhật. Phụ thân Canh Dương là Giáo sư Đại học Y khoa “Nam Mãn”, giảng dạy môn Tây Y; bởi vì ông hiểu được ngôn ngữ nhiều nước, nên cũng là vị quan thông dịch trong chính quyền. Anh cũng học Tây Y theo bước thân phụ, xem ra cũng là nghề cha con nối.

    Nhật bản trong những năm gần đây chiến tranh với nước ngoài liên tục, nhiều trai tráng trẻ tuổi từ lâu đã được phái ra chiến trường; người Nhật bản bên này đóng giữ tại Mãn Châu quốc ngược lại vẫn xem như bình an yên ổn, nhưng gần đây luyện binh tới tấp, nói không chừng trong vòng hai năm, hoặc là nửa tháng sau, anh cũng có thể bị chiêu mộ nhập ngũ, điểu khiển ra trước trận chiến.

    Canh Dương cứ thế mà bình tĩnh nói ra, Phượng Tường cứ vậy mà lẳng lặng lắng nghe. Trước giờ chàng không quan tâm đến thế cuộc đổi thay trên thế giới ngoại trừ thành phố này, bởi vì những việc đó với chàng không liên hệ. Những ngày gần đây, đã có nhiều buổi diễn tập báo động phòng ngừa tai nạn do tập kích trên không nơi thành nội, chàng cũng vô tri vô giác chẳng để ý đến việc gì khác. Nguyên là, chàng cho rằng mình đặt chuyện sống chết ra ngoài sự suy xét, bây giờ nhớ lại, mới phát giác có lẽ là vì trước giờ cái chết chưa cận kề chân mày mi mắt. Chẳng biết vì sao, chàng bỗng nhiên vì Canh Dương mà lòng dâng lo lắng, một cơn ớn lạnh khiến chàng có ảo tưởng mình đã run rẩy một lúc, song Canh Dương lại luôn luôn giữ nét tươi cười bình thản.

    Chàng nghĩ tới nghĩ lui, nếu có một ngày Canh Dương bị đưa ra chiến trận, chàng đang ở đấy cứu một người lính Nhật, có lẽ phải gián tiếp hại chết một quân nhân Trung quốc, dân tộc và đại nghĩa cứ trộn lẫn vào nhau. Tâm tình Phượng Tường vốn là vui sướng, liền bị những điều mâu thuẫn muộn phiền trỗi dậy, chàng mới nghĩ đến chuyện ấy, có lẽ căn bản là không nên cùng người Nhật bản trẻ tuổi này ngồi tại nơi đây, hình như chàng nhìn thấy đại ca Long Tường và người cha đã mất, nét mặt lạnh lùng, nhíu mày bất mãn buồn buồn.

    Phượng Tường đã bình tĩnh lại, Canh Dương cũng ước chừng nhận biết được, anh lay lay đầu gối Phượng Tường, hỏi chàng có muốn đi chưa; hai người dọc theo đường đê trắng chầm chậm bước quay lại, suốt đường không nói. Về đến trên đường phố, phương hướng hai người muốn đi khác nhau, Canh Dương rất muốn ghi địa chỉ nhà đưa cho chàng, nhưng nghĩ đến Phượng Tường chưa hẳn có ý đến tìm anh, thật sự đến tìm anh, lại thấy có hơi không ổn, không nén được nỗi do dự một lúc, mà Phượng Tường đã vẫy tay chào tái kiến rồi.

    Phượng Tường đi được vài bước, quay đầu liếc nhìn lại, hình dáng Canh Dương đã bị bóng râm của tòa nhà che phủ, một bóng hình xam xám. Chàng bất chợt lắc đầu, xoay người đi thêm một đoạn đường, quay đầu lại nữa, bóng dáng của Canh Dương đã xa lắm rồi. Chàng có chút thất vọng như đánh mất gì đó.

    “Tái kiến?... Vẫn còn gặp lại ư?”
    <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.07.2009 02:18:13 bởi vinhhoa >
    #2
      vinhhoa 30.06.2009 05:11:23 (permalink)
      0
      3.
       
      Hôm ấy sau bữa cơm tối, Lý gia bốn người rảnh rỗi ngồi nói chuyện bên chiếc bàn tròn. Long Tường tươi cười hướng về mẹ mà rằng:
       
      - Triệu lão nhị hôm kia vừa mới từ phương Nam trở lại, bữa nay đến cửa hàng tặng hai bánh trà Phổ-Nhĩ, nói là sản vật tỉnh Vân-Nam, con dặn họ pha một bình mang lên, mẹ nếm thử xem.
       
      Người hầu bước lại dọn dẹp chén đĩa thức ăn còn thừa, rồi cẩn thận bưng lên trà mới hơi nóng bay nghi ngút. Long Tường trước tiên cầm một cốc trà dâng lên cho mẹ, rồi cẩn trọng nâng tách trà nhẹ nhàng hớp một ngụm, cười nói:
       
      - Trà Vân-Nam mùi vị quá nồng!
       
      Phượng Tường cúi đầu nhìn vào mầu trà sẫm đậm như mực, mờ mờ để lộ một chút mầu xanh lam, chàng uống một ngụm, vị cay chát ngọt thơm lại bốc lên trong hơi nóng nồng nàn như thường lệ, phương Nam hiếm có mùi vị nào mạnh mẽ hào sảng thế này. Thứ mẫu chàng nói:
       
      - Phổ-Nhĩ phải là hoa cúc nấu chung với ít vị thuốc rồi phơi nắng mùa thu chế thành, làm mát tỳ hạ hỏa.
       
      Uống xong tách trà, Phượng Tường bảo muốn về phòng đọc sách, rồi bỏ đi trước. Long Tường nhìn theo bóng lưng em trai, rồi hỏi mẹ:
       
      - Phượng Tường gần đây sao xem có vẻ rầu rĩ quá đỗi?
       
      - Mẹ cũng đang bối rối, - mẫu thân Long Tường nói, - hài tử Phượng Tường này từ bé đã luôn luôn lặng lẽ trầm tĩnh, nhìn cũng chẳng biết được trong lòng nó đang nghĩ ngợi suy tính cái gì. Có nhiều hôm không hề thấy nó ra khỏi cửa, nếu chẳng ở một mình trong phòng, thì ắt nó tại thư phòng của cha con để đọc sách và luyện chữ viết. Nhiều lần kêu nó ra ngoài vận động mà cũng chẳng chịu, thằng bé tuổi còn trẻ lại cứ sầu muộn thế này, mẹ cũng thật lo lắng là nó có thể buồn rầu đến sinh bệnh.
       
      - Sao mà Quý Trụ Nhi dạo này cũng chẳng đến tìm nó ra ngoài tiêu khiển dạo chơi? – Long Tường hỏi.
       
      - Con cũng thật là, - mẹ chàng cười – tự con sai Trương đại thúc điều động những tá điền về chốn quê nhà, Quý Trụ Nhi đang theo Trương đại thúc chạy việc trong thành ngoài thành, nào còn được rãnh rỗi mà đến tìm Phượng Tường đùa giỡn?
       
      - Cái này thì thật, xem trí nhớ của con. – Long Tường cũng cười lên.
       
      Sau khi về phòng, người vợ giúp Long Tường thay y phục, nàng nói với Long Tường rằng:
       
      - Thật ra theo em nghĩ, đâu có gì hại trong việc để tiểu thúc đi theo chàng học sự bán buôn, giúp chàng trông nom quán xuyến cửa hàng, như thế cũng không để cho chú nhỏ suốt ngày chán nản, ở trong nhà buồn bực, mà chàng cũng được thoải mái một chút.
       
      Long Tường đến bên giường ngồi xuống, trầm ngâm nghĩ ngợi, rồi thở dài một hơi:
       
      - Phượng Tường là người mà cha thương yêu nhất từ khi còn bé. Mấy năm nay thế cuộc bên ngoài hỗn loạn như vậy, sau khi người Nhật đến, ngay cả trường học mà cha cũng không cho nó bước tới; nói khác đi, chỉ là hy vọng Phượng Tường có thể tránh khỏi giọt nước nhiễm ô ấy. Gia đình ta truyền đến thế hệ này, kẻ bằng tuổi làm bạn với nó vốn dĩ không nhiều; cha dạy dỗ nghiêm nghặt, bản tính nó lại thích yên tĩnh không ưa động loạn, hiện giờ khó tránh được có chút lẽ loi, nương tựa. Kêu nó theo ta ra ngoài học làm thương mại, học xã giao, nó chưa hẳn vui thích, cũng vị tất làm nên việc. Dù sao chăng nữa, hiện giờ ta đang còn trẻ trung cường tráng, chuyện bên ngoài tự vai ta gánh vác cũng được rồi.
       
      Người vợ dịu lời khuyên bảo:
       
      - Đây là sự khổ tâm của người làm anh cả, chúng ta ai cũng đều hiểu được. Nhưng Phượng Tường dẫu sao cũng là một chàng trai, đến một ngày nào rồi cũng tách ra để thành gia lập nghiệp, chẳng lẽ chàng muốn chú nhỏ nương dựa chàng suốt cả đời? Hãy để chú ấy theo chàng học chút kinh nghiệm, cũng là điều tốt.
       
      Long Tường khẽ gật đầu:
       
      - Lời nàng nói cũng chẳng phải là không hợp lý, để ta với mẹ thương lượng bàn tính xem mẹ nói thế nào nhé!
       
      Sáng sớm trước khi Long Tường ra khỏi cổng, liền vòng quanh đến chỗ phòng em trai, sai em ra ngoài tiệm bánh ngọt thay mẹ mua hai hộp bánh “Bắc Kinh Tiểu Điểm Nhi” đem về. Việc kiểu này vốn là sai khiến bất cứ người làm nào trong nhà đi mua là được rồi, nhưng Long Tường cố tình mượn chút khuân vác cho người em nhỏ ra khỏi cửa vận động một lúc, đừng như cô gái lớn suốt ngày làm tổ ở trong nhà.
       
      Sau bữa cơm trưa, Phượng Tường bồi tiếp Thứ mẫu trò chuyện một lúc, chờ sau khi bà vào phòng nghỉ trưa, bèn thay y phục bước ra ngoài cửa, đi chưa được vài bước, đằng trước có một chàng trai cỡi chiếc xe đạp kót ka kót két chạy lại, bóng người quá quen mắt, chạy đến gần bèn nhìn kỹ, ngờ đâu là Canh Dương.
       
      Phượng Tường hỏi:
       
      - Sao mà lại đến bên này?
       
      Canh Dương nói:
       
      - Đạp xe ra ngoài vận động, nhớ lại vùng này bên nhà em rất yên rất đẹp, tiện thể đến đây nhìn xem.
       
      Canh Dương hỏi Phượng Tường muốn đi về phía nào, rồi mạnh miệng nói rằng muốn đưa chàng đi một đoạn đường; Phượng Tường đỏ mặt bảo là không cần đâu, đi bộ được rồi. Canh Dương nói dù sao cũng không bận bịu, chẳng qua là tùy tiện dạo chơi, bấy giờ Phượng Tường mới bước lên chỗ ngồi đằng sau. Trước giờ chàng chưa hề ngồi trên xe đạp, nhất thời không biết chân tay phải đặt để thế nào cho ổn. Canh Dương tay chân khéo léo chống lên mặt đất khi bắt đầu đạp, lúc đầu còn có hơi đong đưa lắc lắc, sau rồi cũng vững vàng. Tay cầm tay lái thấp thấp, Canh Dương ắt phải cúi gập người xuống. Anh không quay đầu lại, chỉ nói vọng về phía sau một câu:
       
      - Em ít khi bước ra ngoài cửa hả?
       
      Phượng Tường có phần khó hiểu:
       
      - Anh làm sao biết được?
       
      Canh Dương chỉ mĩm cười, không trả lời, dáng tươi cười ấy, ngay cả Phượng Tường cũng chẳng nhìn thấy. Canh Dương không nói cho chàng biết, anh đã từng đến mấy lần rồi, thường đạp xe vòng tới vòng lui trên con đường trước cửa nhà chàng. Có lúc anh dừng xe chờ đợi dưới tàng cây nơi góc chéo bên đường, mãi đến lúc có người hàng xóm gần đó tò mò ngó nhìn qua, anh mới bỏ đi.
       
      Mua bánh rồi, Phượng Tường chẳng nói đi về đâu, Canh Dương cũng không hỏi, cứ đạp xe đưa chàng hướng về con đê trắng mà lần trước tản bộ, Phượng Tường cũng chẳng tỏ bày ý khác. Lần này, Canh Dương cũng không nêu ra đề tài gì khiến người ta thương cảm, hai người kể nhau nghe về ít chuyện gần đây trong sinh hoạt của riêng mỗi người. Canh Dương nơi học viện, Phượng Tường ở trong nhà, hai người có cuộc sống tẻ nhạt chán ngắt như nhau; chỉ tình cờ gặp nhau trò chuyện mà dường như quen biết đã lâu rồi, cho dù đang trong lúc đối thoại có những khi lặng lẽ, cũng thấy dễ chịu. Mỗi người đang nghĩ đến tâm sự của riêng mình. Phượng Tường đưa tay vạch lên khoảng không những đường thư pháp luyện tập gần đây, điểm-chấm, hoành-ngang, trực-dọc, phiết-phẩy, nại-nhấn.
       
      Khi bóng chiều đà xế, Canh Dương đạp xe đưa Phượng Tường về nhà, chạy đến con đường gần đấy, Phượng Tường bảo:
       
      - Ngừng đây được rồi! - Không đợi cho xe ngưng hẳn, chàng liền nhẹ nhàng phóng xuống xe, dường như đang biểu diễn tài nghệ. Canh Dương cười:
       
      - Lần tới anh đến tìm em nữa. - Anh vẫy vẫy tay rồi đi, không quay đầu lại, khiến người ta có ảo giác anh đang cưỡi xe trên đường vào trong ‘ráng chiều rơi lạc khắp trời’.
      #3
        vinhhoa 04.07.2009 23:54:20 (permalink)
        0
        4.
         
        Bắt đầu từ bữa đó, Phượng Tường trở nên vui vẻ đợi chờ trong sân trước nhà. Khi thì chàng đem sách ra ngồi đọc dưới bóng cây, lúc thì dứt khoát gọi gia nhân khiêng chiếc bàn gỗ ra ngoài, đồ họa tranh thủy mặc cây cỏ côn trùng. Từ nơi xó góc này, chàng có thể nhận biết động tĩnh ngoài cổng.
         
        Lúc đầu, chàng còn lo lắng Canh Dương có thể mạo muội gõ cửa tiến vào tìm người, xông xáo mà sinh tai họa, nhưng Canh Dương lúc nào cũng ở ngoài cổng lấp ló lướt qua, anh dừng ở đường phố xa xa mà chờ Phượng Tường nhẹ nhàng mở cổng ra ngoài cùng anh gặp gỡ.
         
        Có lúc Canh Dương đạp xe chạy qua chạy lại vài chuyến mà cũng chẳng thấy bóng hình ai đẩy cửa ra ngoài; và rất nhiều lúc, giữa trưa Phượng Tường cũng đương ngồi dưới tàng cây, ngồi đến gục ngủ say sưa, lá rơi hoa rụng, áo tà bay phất phất. Nhưng đến lúc hai người gặp nhau, không hề nhắc đến chuyện đôi bên đã đợi đã chờ, dường như đấy là một sự hiểu ngầm.
         
        Hôm ấy, Canh Dương đến rất sớm, vừa ăn xong bữa trưa đã thấy tới rồi. Phượng Tường nhớ rằng Thứ mẫu vẫn còn chưa ngủ trưa, sợ sẽ ra ngoài la chàng, bèn lấy tay ra hiệu muốn anh chờ. Sau đó chừng mười lăm phút, chàng mới đẩy cổng bước ra, vừa thấy mặt liền hỏi với vẻ rất cao hứng:
         
        - Hôm nay đến sớm thế này! Chúng mình đi đâu chơi đây?
         
        - Ba mẹ anh bữa nay đưa em gái anh đến Phủ Thuận, anh đuổi gia nhân trong nhà ra ngoài hết rồi, đến nhà anh ngồi chơi nhé? – Canh Dương cười đáp. Phượng Tường nghe nói đến nhà anh, không cầm được sự hứng thú quá sức:
         
        - Cơ hội quá khó gặp! Đi đi đi! Xem xem nhà anh hình dạng thế nào, đi thôi!
         
        Nhà Canh Dương tọa lạc trong khu vực toàn là kiến trúc lối Tây phương, mới xây cất sau khi người Nhật đến. Đó là một căn biệt thự hai tầng sơn mầu trắng. Đường xá quanh vùng được tráng nhựa, san bằng phẳng, toàn bộ được trải nhựa hắc ín đen bóng. Dọc theo hai bên lề đường là những cột đèn dựng thẳng đứng, tại nơi đầu cột có bóng đèn bằng pha lê tròn phình ra với nắp chụp bên trên, sáng lấp la lấp lánh. Đằng trước nhà Canh Dương là một cái sân nhỏ, anh dừng xe nơi trước cổng nhà, đẩy xe vào trong sân. Sân này không có tường gạch, cây dâm bụt được trồng chung quanh làm hàng rào.
         
        Hai người ở trước lối vào cởi giày ra, bước vào phòng khách, Phượng Tường ngắm nghía chung quanh một lúc, mới hỏi rằng:
         
        - Em tưởng là nhà anh được xây theo kiểu Nhật.
         
        - Ba anh thích sống trong nhà xây kiểu Tây phương, nguyên do có lẽ là vì đã ở lại trong thời gian lâu tại nước ngoài.
         
        Canh Dương đưa chàng đến phòng ngủ trên lầu, phòng ngủ Canh Dương kế cận bên ngoài sân thượng, trước cửa sổ có trồng đầy dẫy những hoa păng-xê, nhiều mầu rực rỡ rất tưng bừng náo nhiệt.
         
        - Lúc trước đây, anh và cha ở tại nước Đức. Một vài người Đức họ cứ trồng hoa bên song hộ như thế đấy, trông đẹp cực kỳ.
         
        Trong phòng Canh Dương được sắp đặt gọn gàng, có thể nói bản tính của anh thật sự nghiêm túc trong mọi việc. Phượng Tường đang ngắm nghía một bức họa mầu treo trên tường. Trong tranh là một phụ nữ Tây-Ban-Nha đang múa; áo và váy mầu đỏ như lửa, viền đăng ten mầu đen; cằm ngẩng lên cao cao, ánh mắt vừa quyến rũ vừa khiêu khích, tay vẫy quạt vàng tay vén váy phất phơ. Phượng Tường tặc lưỡi lắc đầu:
         
        - Nữ nhân ngoại quốc này! Đã xuất giá theo chồng chưa?
         
        Canh Dương bật cười. Anh nói bức họa này là anh vẽ nó vào năm mà anh học vẽ tranh sơn dầu tại Đức quốc, sau khi trở về mới đóng khung treo lên.
         
        - Đi đến rất nhiều tiệm làm khung hình đều chẳng có người nào chịu đóng khung cho nó đấy!
         
        Phượng Tường tưởng tượng rằng mấy giáo sư họa bảo thủ mà nhìn thấy bức tranh này phải kinh hoàng thất sắc, nhịn không được cũng cười lên.
         
        Trước bàn học Canh Dương, một kệ sách lớn xây lọt vào trong tường, xếp đầy những sách mà chàng xem không hiểu. Chữ Nhật chàng phân biệt được, những sách khác thì chữ viết hàng ngang, cho dù xa lạ mà rất đẹp mắt.
         
        - Anh thật lợi hại, xem hiểu được chữ nước ngoài viết như cua bò này.
         
        - Bọn anh học Tây Y mà, phải biết tiếng Đức và tiếng Anh mới được. Có vài vị giáo sư là người ngoại quốc, trong lớp vốn là nói tiếng nước ngoài. – Canh Dương đáp.
         
        Ánh mắt Phượng Tường rơi hướng xuống dưới, bất ngờ phát hiện trên bàn vài bản tập đọc Hán tự có bán ngoài tiệm sách dùng dạy trẻ em nhận mặt chữ, tầng dưới của giá sách còn đặt hai ba tập Thi-Từ tuyển chọn. Chẳng ngăn được quá đỗi kinh ngạc, chàng ngẩng đầu xoay qua nhìn Canh Dương rồi láu lỉnh cười cười. Canh Dương mặt đỏ lên, nhưng cũng thản nhiên cười lại:
         
        - Muốn học chữ Trung quốc mà, nói chuyện anh có thể nói nhưng đọc thì không, trong văn Nhật có rất nhiều Hán tự, nhưng bắt đầu học rồi mới thấy nó rất khác xa.
         
        Xấp giấy trên bàn, vài trang có chữ viết, là những trang giấy bỏ mà Canh Dương luyện viết chữ. “Minh nguyệt kỷ thời hữu, bả tửu vấn thanh thiên, trường đình ngoại, cổ đạo biên, phương thảo vô tình, canh tại tà dương ngoại, lệ nhãn vấn hoa hoa bất ngữ, đãn nguyện nhân trường cửu, thiên lý cộng thuyền quyên” (trăng sáng khi nào có, đem rượu hỏi trời xanh, ngoài trạm nghỉ, bên đường xưa, hương cỏ vô tình, nơi ngoài bóng chiều tà, mắt lệ hỏi hoa hoa chẳng nói, chỉ mong mãi mãi bên người, dẫu xa ngàn dặm cũng cười người thương)… trên giấy viết vô số chữ Phượng Tường Phượng Tường Phượng Tường, chàng nhìn thấy rồi, nhưng cũng không nói gì.
         
        Nhớ lại cha lúc còn sống thường hay nói với vẻ mặt khinh thường: văn tự nước ngoài, chẳng đáng để học. Phượng Tường không ưng học tiếng Nhật cũng là học theo thói kiêu ngạo giống như cha chàng, nhưng giờ đây chẳng biết tại sao, trong lòng chàng lại có chút áy náy với Canh Dương.
         
        Hai người nằm trên chiếc giường của Canh Dương mà cười đùa bàn chuyện vu vơ, Canh Dương đem quyển tiểu thuyết mong mỏng bằng tiếng Tây phương ra giảng cho Phượng Tường nghe. Phượng Tường vừa nghe vừa hiểu, cảm thấy người ngoại quốc quá mới mẻ, thực là trái ngược với chủng tộc mình. Canh Dương gập sách lại, nhìn lên trần nhà rồi nói:
         
        - Anh sợ là không thể đến tìm em trong thời gian khá lâu.
         
        - Vì sao thế?
         
        - Bên Đức có vài vị giáo sư muốn đến đây, anh phải giúp cha anh tiếp đãi đưa đón, họ sẽ ở lại chỗ này trong khoảng mười ngày tới, còn đến thăm viếng bên Cáp-Nhĩ-Tân nữa. Chờ khi nào họ đi rồi, anh đến tìm em.
         
        Phượng Tường cả một lúc chẳng buồn nói năng, rồi một lúc nữa trôi qua, cũng không biểu lộ bất cứ lời nào. Canh Dương không rõ là chàng thật sự phải chăng đã giận rồi, nhưng cũng không dễ hỏi, bèn tán gẫu vài chuyện khác. Hai người nhìn theo ánh nắng chuyển di từng chút chút, bóng hoa dần dài ra, mặt trời đã ngả về tây. Canh Dương đạp xe đưa Phượng Tường về nhà, suốt dọc đường, lẳng lặng chẳng ai nói gì, không rõ đây có phải coi như là tâm tình ly biệt.
         
        Phượng Tường đứng nơi góc đường vọng nhìn Canh Dương rời đi, trong lòng chàng nghĩ ngợi: cả hai người đang sống nơi thế giới khác nhau. Đã lâu lắm chàng không còn ý thức về việc ấy nữa, thật ra, Canh Dương cũng đâu phải chủng tộc mình. Sự sống anh ấy nơi đầu bên kia thành thị, cuộc đời ta tại đầu bên đây như phố giếng cổ xưa này. Sự lưu luyến chẳng thể giải bày này ta lại phải xem như là cái gì?
         


        #4
          vinhhoa 04.07.2009 23:58:26 (permalink)
          0
          5.
           
          Tiết mùa lặng lẽ dần thay, đã có chút nóng bức của đầu Hạ. Ngày giỗ Phụ thân sắp đến rồi, mấy hôm nay, Long Tường và mẫu thân đang thương nghị vòng vo chuyện tế lễ tại quê nhà ở ngoại thành. Ngôi nhà Tổ của họ Lý tại vùng quê nơi ngoại ô thành phố cách hơn sáu mươi dặm về hướng Bắc. Mãi đến thế hệ này của Lý Vân Hải, mới dời đến trong thành thị. Phụ thân và Mẫu thân Phượng Tường đều được chôn cất nơi phần mộ tổ tiên trong ngôi nhà cũ. Thứ mẫu dự định đem Phượng Tường quay về thôn quê sống một thời gian, tiện thể tránh nắng hè, ngụ đến sau khi vào Thu mới trở lại thành nội. Chỉ để vợ chồng Long Tường lưu lại trong thành, bởi vì cần phải trông nom sự buôn bán nơi hiệu lương thực, chẳng thể đi lâu.
           
          Canh Dương đã một tháng rồi không đến tìm Phượng Tường. Khởi đầu, Phượng Tường như những ngày trước đó, cứ ngày ngày ngóng đợi trong sân; chờ mãi đến hết cả sự kiên nhẫn, chàng bèn đến khu lân cận nhà Canh Dương thăm dò, cũng từng đến trước cổng trường Đại học Y khoa Nam Mãn, đứng xa xa mà chờ đợi.
           
          Những địa phương này, không có Canh Dương bầu bạn, đã đủ khiến chàng run sợ lạnh người vì đây là vùng cấm địa bất an. Anh rốt cuộc bận rộn việc gì? Hay là mang bệnh rồi? Phượng Tường vốn là không có người nào để có thể thăm hỏi, cũng chẳng có cách nào lưu lại tin nhắn.
           
          Chàng không muốn nhớ lại khoảng cách từ lần gặp mặt trước ấy đến nay là bao lâu, song chữ số đó lại chẳng chịu buông tha chàng, một ngày rồi một ngày vẫn cứ rõ rõ ràng ràng cộng thêm lên. Chàng bắt đầu nghĩ: phải chăng là cứ như thế, rồi về sau bặt vô âm tín. Từ đây Canh Dương bước vào cuộc đời chàng, trở thành một người mãi mãi không biết trôi dạt về đâu.
           
          Sau đó chàng quyết định không đợi không chờ nữa. Sau khi quyết định, thay vào đó là chàng ngày ngày ra ngoài dạo chơi, không cho mình có cơ hội để mà rầu rĩ đến chết trong nhà. Chân bước khắp nơi trong thành thị: nào đường lớn, nào hẻm nhỏ, chỗ náo nhiệt, chỗ lặng yên; đi quanh tiệm sách, bước vào khu chợ, dạo xem thắng cảnh; một người đang ngồi ngắm nhìn du khách chen như mắc cửi trong thành, ngoài phố.
           
          Chàng nhận ra rằng cuộc sống yên bình của mình vốn dĩ như rêu sâu trong giếng cũ đã bắt đầu suy sụp như chiếc cầu nghiêng lệch. Nếu không tự cứu, ắt phải mang bệnh vô phương chữa trị, cuối cùng thành vách nát tường xiêu không cách vãn hồi.
           
          Sau khi Thứ mẫu quyết định đem chàng quay về thôn quê, chàng ngược lại giống như được uống một viên thuốc an thần, đột nhiên trấn tĩnh lại. Đã suy nghĩ xong rồi, đối với Canh Dương thì sự chờ đợi mơ hồ khó hiểu này, là vĩnh viễn không cách nào danh chính ngôn thuận, kết thúc như thế, cũng hay.

          ***

          Hôm nay về quê, Phượng Tường định chắc rằng lòng không gợn sóng, nhưng luôn cảm thấy tự mình đã chia thành hai người, âm dương cách biệt. Thể xác bên này thuộc dương gian thì vô ý thức đi theo trong cửa ngoài cửa, bận rộn với túi lớn túi nhỏ; phần bên kia thuộc Âm phủ thì thấy mình như kẻ bàng quan lạnh lùng. Long Tường trên đường theo đưa tiễn đến ngoại thành, nhiều lần vái nhờ Trương đại thúc hộ tống thêm nhiều lưu tâm săn sóc. Sau đó họ lên đường làm chuyến đi xa.
           
          Ngôi nhà cũ tại hương thôn thật to lớn, tứ phía toàn là ruộng đồng bao la vô tận, láng giềng gần nhất cũng cách ngoài hai ba mươi trượng, hầu hết là tá điền của Lý gia. Lúc gia đình họ Lý cư ngụ nơi thành nội, gian nhà cũ này được giao cho người quản gia chăm sóc. Gia nhân ở nơi đây còn nhiều hơn so với nơi thành nội, bởi vì nuôi dưỡng nhiều người, vài ba tráng đinh còn là tay bắn súng. Chung quanh bức tường đất bên ngoài nhà, cách vài xích-thước liền có lỗ khoét cho khẩu súng, dùng để kê súng. Bởi vì chung quy là tại ngoại thành, phép vua nào có hiệu lực cõi biên thùy, thói quen tự lực cánh sinh tự bao đời trước cứ mãi truyền xuống như thế. Chẳng qua vài năm trở lại đây thế cuộc bình yên, có lẽ do vì người Nhật Bản nghiêm hình trọng phạt, giặc cỏ cướp đường gần như giấu che tung tích, họ về đồng ruộng giả trang làm việc canh nông đồng thời tạo dựng một nghề chánh đáng.
           
          Sinh hoạt tại hương thôn rất nhanh được sắp đặt an bài ổn thỏa. Ban ngày, Phượng Tường thường cưỡi ngựa, đi dọc theo con đường làng đất đá không tên, dường như dài vô tận. Từ nơi phương xa, đôi lúc có xe lửa lên bắc xuống nam gầm gừ chạy vội qua, khói ám đen ngòm liên lục như mây như mù nơi giữa trời xanh lan tỏa, che lấp chân trời. Phượng Tường thường hay dừng cương ngựa, lặng lẽ ngắm nhìn, để lòng theo chiếc hỏa xa trên đường đi về chốn vô định xa xăm, xa tít mù khơi.
           
          Người quản gia là Tôn lão đầu tuổi chừng độ sáu mươi, người cao to khỏe mạnh, nước da đen đúa; trên mặt lỗ chỗ vết thẹo, có lẽ ngày trước từng bị bệnh đậu mùa, trông như hung thần ác quỷ; nhưng lại là một ông lão xấu mặt mà lòng dạ thiện lương, tất cả người trong làng đều gọi ông là Tôn mặt rỗ. Người con dâu của ông, năm ngoái đã sinh cho ông một đứa cháu nội, tiểu niếp niếp (bé tí tẹo) sinh ra lại trắng nõn nà, tròn trịa giống như người tuyết nhỏ được dựng thành trong mùa đông. Tôn lão đầu ban ngày thường ôm cháu ngồi trong sân hong nắng, cười meo meo rút ra tẩu thuốc, ngậm rồi lấy tay chơi đùa với cháu.
           
          Phượng Tường thật không thích tiểu hài tử cho lắm, nhưng Niếp niếp và chàng lại rất có duyên, nhìn thấy chàng là nó sẽ từ trong lòng tổ phụ quơ tay quơ chân mỉm cười, muốn Phượng Tường bế, chiếc miệng nhỏ vừa mọc răng nanh “cục cục” kêu lên, cũng không rõ là rốt cuộc nó kêu lên ca ca hay thúc thúc. Có lúc, Phượng Tường ôm Niếp niếp tản bộ ra giữa cánh đồng, lúa mạch trong ruộng được trồng vào lúc đầu xuân, hạt gieo xuống phá vỡ lớp đất đông cứng. Hiện giờ đã cao cao xanh ngắt một vùng lớn rộng, gió lướt qua, liền trở thành lớp sóng vi vu trên biển cả.
           
          Ôm Niếp niếp đi trên mảnh đất mềm nhão, Phượng Tường luôn cảm thấy mình giống như một người cha nhỏ: đa sầu mà lặng lẽ. Chàng nghĩ, sau cùng có một ngày, chàng sẽ kết hôn, sẽ có con của chính chàng, vài năm sau, chàng sẽ giống như đang ôm niếp niếp của chính mình như thế, đến xem lúa mạch như thế. Đời người dài được mấy mươi năm, xét cho cùng chẳng qua chỉ là một cơn mộng bình thường đơn điệu nhàm chán. Quá khứ, ngoại trừ Canh Dương, chàng chưa từng có gì mong mỏi, từ giờ về sau, cũng sẽ không có nữa.
           
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.07.2009 00:26:33 bởi vinhhoa >
          #5
            vinhhoa 05.07.2009 00:10:33 (permalink)
            0
            6.
             
            Thế mà, một buổi chiều nào đó sau khi về quê được hơn mười ngày, đương lúc chàng nhìn về con đường đất đá xa xa, nơi đầu ấy một bóng hình quen thuộc đang cỡi xe đạp chạy lại, chàng không ngăn được phải giật mình sửng sốt. Đến lúc Canh Dương ngừng lại trước mặt chàng, nở nụ cười trên gương mặt đỏ bừng bừng, chàng vẫn chỉ nhìn ngớ ngẩn vào đôi mắt anh, chẳng nói nên lời. Canh Dương nhẹ nhàng nói:
             
            - Anh lâu quá không nhìn thấy em.
             
            Phượng Tường hỏi:
             
            - Làm sao mà anh có thể tìm đến chỗ này?
             
            Canh Dương nói anh cùng những người Đức ấy đi một chuyến đến Cáp-Nhĩ-Tân. Nguyên là phụ thân anh phải bồi tiếp họ, không ngờ là vào hai ngày cuối lại ngả bệnh, họ trên đường không thể tìm một người mà nghe hiểu được cả tiếng Đức, hiểu được tiếng Trung và tiếng Nhật đi theo sắp xếp việc đàm phán, Canh Dương phải thay cha anh đi chuyến này, bởi vì chuyện đột nhiên xảy ra, trước khi đi không kịp báo cho Phượng Tường biết. Phượng Tường ngẩn ngơ nhìn ngắm Canh Dương rồi hỏi:
             
            - Anh làm sao trông gầy nhiều thế này?
             
            Canh Dương chỉ đáp qua loa rằng:
             
            - Cáp-Nhĩ-Tân có hơi lạnh, y phục mặc không đủ, bị lạnh một chút.
             
            Sự thật là Canh Dương từ Cáp-Nhĩ-Tân trở về, sau đó thì bị một cơn bệnh nặng, nằm nguyên cả một tuần lễ tại trong bệnh viện. Trên giường bệnh, trong lòng chỉ lo nghĩ có Phượng Tường, rời bệnh viện được một ngày, là chạy vội đến trước nhà Phượng Tường thăm viếng; đại môn đóng chặt, chẳng thấy bóng ai chờ trông, không một tiếng người, lại giống như một ngôi nhà bỏ hoang, anh kinh sợ đến sởn cả tóc gáy. Không thể trong khoảng thời gian ấy, Phượng Tường chỉ giống như hơi nước bốc tan trong chân không của ký ức, mất hình mất dấu rồi ư? Có phải chăng đến phút cuối mới phát hiện người này chỉ là ký ức hỗn loạn của anh, người khác hoàn toàn không nhận biết?
             
            Rốt cuộc lần thứ ba, anh chịu hết nổi, bèn gõ cửa hỏi thăm; người giữ cửa là một tiểu tỳ rất lạ mắt, trên mặt cô ta đầy sự hoài nghi bảo rằng Phượng Tường đã về quê rồi. Không thể dùng mắt xét đoán, Canh Dương hổ thẹn hỏi rõ ràng nơi chốn; tiểu tỳ nói năng lúng lúng bảo là không biết rõ, rồi quay vào nhà lục kiếm bản đồ.
             
            Hôm nay trời tờ mờ sáng, anh nói dối trong nhà là muốn ra ngoại ô vẽ cảnh vật, có lẽ đến tối mới quay về, rồi bèn đạp xe lên đường tìm đến, bởi vì không có phương tiện giao thông nào khác. Sáng tinh mơ ra khỏi cửa, lại phải tìm đường, lại là con đường đất bùn đá sỏi không thật tốt cho việc cưỡi xe, giữa đường dây xích xe đạp bị tuột, sửa mất cả một lúc, kéo dài đến lúc này mới tới nơi.
             
            Phượng Tường nghe anh lao khổ nhọc nhằn đến thế, lại được nhìn thấy mặt anh, lại nhớ đến sự nồng nàn thắm thiết của Canh Dương, khiến chàng chỉ muốn ôm chặt lấy anh. Chàng muốn Canh Dương theo chàng vào trong nhà nghỉ ngơi, trong lòng cứ nghĩ việc này có gây rắc rối nhỏ to gì thì cũng đành chịu, mặc kệ, mảnh tình này của Canh Dương, không thể phụ lòng. Nhưng Canh Dương mỉm cười khẽ lắc đầu. Phượng Tường hỏi anh đã ăn gì chưa? Canh Dương cười bảo có mang theo hộp thức ăn sushi (cơm cuốn rong biển) mà mẹ làm cho anh, anh vỗ vỗ vào chiếc khăn vải hoa xanh cột trên chỗ ngồi sau xe, cố tình lấy ra một cuốn sushi, muốn để Phượng Tường thưởng thức.
             
            Canh Dương khăng khăng không chịu vào trong nhà, Phượng Tường bèn đến phía sau dắt ra hai thất mã, hai người cỡi hướng về nơi đồng ruộng xa xa. Phượng Tường đưa Canh Dương đến một ngọn đồi nhỏ mà chàng thường hay đến, đem ngựa cột vào dưới gốc cây cho ăn cỏ, rồi đi bộ lên đồi. Đây chỉ là một mảnh đất bằng hơi hơi nhô lên, một gò đất với cây mọc hoang từng cụm từng bụi, vài ba bước đường là lên đến đỉnh. Từ đỉnh gò nhìn xuống vẫn có thể nhìn thấy rất xa xa lắm. Đường rầy xe lửa dài dài một sợi hiện ra rất rõ, cắt đôi bình nguyên xanh ngắt, đã trở thành bên này và bên đó của dòng sông nước Sở biên giới Hán triều.
             
            Hai người ngồi dưới gốc cây tránh nắng trời, Canh Dương bảo rằng đến Cáp-Nhĩ-Tân được hơn mười ngày, mấy người Đức đó bởi vì không hiểu tục lệ và tình cảnh người dân Trung quốc rồi chọc cười ầm ỹ cả lên. Phượng Tường nhai cuốn sushi mà Canh Dương mang đến cho chàng, vừa nghe vừa cười. Nỗi xúc động bất ngờ gặp lại còn vui sướng đã nguôi dần, tâm tình hai người hiện giờ quá tươi đẹp, hơi hơi mang theo chút mỏi mệt mà dễ chịu.
             
            Phượng Tường nói:
             
            - Anh đi qua nhiều quốc gia như thế thật tốt, biết được nhiều chuyện như vậy.
             
            Canh Dương mỉm cười nhìn chàng, để lộ hai chiếc răng cọp trắng ngần. Phượng Tường nổi hứng, nài nỉ Canh Dương phải dạy chàng Đức ngữ, Canh Dương bảo tiếng Đức không dễ học, nhưng Phượng Tường không chịu nghe lời, nhất định phải dạy chàng vài câu. Canh Dương bèn cố làm ra vẻ lạ tiếng lạ hơi rồi nói một dọc chữ nghe không hiểu được, Phượng Tường biết là anh đang chọc chàng, nhặt lấy một cành cây rồi gõ lên đầu anh:
             
            - Nghiêm chỉnh đứng đắn nói cho em hai câu!
             
            Canh Dương cười, nhưng cũng nhặt lấy một cành cây, vạch lên trên mặt đất cát, Berg là núi, Baum là cây, Gras là cỏ. Phượng Tường vừa lẩm bẩm vừa nhìn theo nét vẽ, đường vạch nghiêng nghiêng về hướng khác, đọc lên cũng thấy khó khăn kỳ kỳ, chẳng ngăn được cũng cười lên ha hả. Canh Dương viết một dọc chữ dài trên cát: Du gefallst mir. Phượng Tường hỏi:
             
            - Ý nghĩa là gì?
             
            Canh Dương mặt đỏ lên, chỉ cười mà không nói cho chàng biết. Phượng Tường quấn quít, năn nỉ anh buộc phải dạy cho đến nơi đến chốn. Canh Dương nhìn về phương trời xa, không ngó vào mắt chàng, rồi nói:
             
            - Anh mến em. – Câu nói này, anh đã muốn nói từ lâu lắm, lâu lắm rồi.
             
            Phượng Tường bình tĩnh lại, lặng im không nói, tự ngoảnh lại rồi nhìn lên ngắt lấy chiếc lá cây trên đỉnh đầu mình đùa nghịch. Canh Dương cúi đầu xuống, trong lòng bối rối, không biết phải nghĩ gì để mà nói, rốt cuộc đây là may hay rủi. Anh vạch trên mặt đất cát: Ich liebe dich (anh yêu em), viết rồi thì dùng chân xóa đi rồi lại viết, lại xóa, viết viết xóa xóa, xóa xóa viết viết, dường như thời gian mãi mãi vô tận. Phượng Tường hồi này cũng không hỏi ý nghĩa gì nữa.
             
            Đáy lòng Canh Dương khởi lên một chút bất an, qua một lúc mới nghĩ: cũng không thể tiếp tục mãi sự bế tắc thế này. Vì thế quyết định trong lòng, lần này viết rồi sẽ không xóa nữa. Anh quăng nhánh cây rồi đứng lên, Phượng Tường cũng vươn người đứng lên theo anh, điềm tĩnh nhìn anh. Khi mà Canh Dương chạm vào ánh mắt Phượng Tường, ngay khoảnh khắc ấy, đột nhiên anh hiểu được thì ra Phượng Tường đã biết rõ, từ lâu đã biết rồi.
             
            Phượng Tường vọng nhìn sắc trời rồi lầm bầm như tự nói mình nghe:
             
            - Chẳng còn sớm nữa!
             
            Hai người không ai nói gì thêm, Canh Dương thò tay ra kéo lấy tay Phượng Tường, tự nhiên cảm thấy dường như hai người tay nắm tay nhau cùng đi đã lâu có đến trăm ngàn năm. Lúc xuống đồi, Phượng Tường suốt đường trong lòng hoang mang trĩu nặng; hình như đây là tuyệt lộ, đằng trước chính là đất chết; quay đầu lại cũng không còn dấu vết để lần theo, chẳng có đường lui, chỉ hy vọng lối đi này mãi dài không dứt, dài ra được phút nào hay phút đó; nhưng mà, đường đồi rất ngắn, chỉ đi một lúc là hết rồi.
             
            Vầng dương đã ngả về Tây, ban ngày, rất nhanh đến lượt bóng đêm trùm xuống.
            <bài viết được chỉnh sửa lúc 14.07.2009 03:23:15 bởi vinhhoa >
            #6
              vinhhoa 10.07.2009 02:14:35 (permalink)
              0
              7.

              Cách khoảng hai tuần lễ một lần, Canh Dương lại đạp xe lặn lội trên lộ trình hơn sáu mươi dặm đường, đến chốn làng thôn gặp Phượng Tường. Đại học đã đến mùa hè, nguyên là kỳ nghỉ, nhưng Canh Dương đã là sinh viên cao học, tại học viện có công việc thực nghiệm trường kỳ, cơ hồ như chẳng được nghỉ hè. Vì đi thăm Phượng Tường, anh càng phải kiểm soát cẩn thận sự tiến triển của công việc hơn lúc bình thường, bởi vì đó chính là sự cầm nắm cơ hội gặp mặt khó có được.

              Mỗi lần đến ngày hẹn ước gặp nhau, Phượng Tường bao giờ cũng thức dậy rất sớm. Do vì đường đi quá xa, tình trạng đường xá lại không tốt, Canh Dương gần đây lúc trời hừng sáng liền vội thức dậy ra khỏi thành, lúc cưỡi xe đến cây cổ thụ vùng quê Phượng Tường thì gần như cũng sắp giữa trưa. Phượng Tường cảm thấy mình cũng cần phải dậy sớm theo, mới không có lỗi với Canh Dương. Lúc đến buổi trưa, Phượng Tường bèn đến gốc cây trên con đường làng từ nơi xa mà chờ, bởi vì trong ngôi nhà cũ có nuôi rất nhiều chó săn, chàng sợ chó trông thấy người lạ sẽ sủa lên làm kinh động người trong nhà.

              Nhiều lần Phượng Tường không đành để Canh Dương bôn ba đi rồi về trên quãng đường dài, thầm thì nói muốn chuyển về thành thị sớm hơn. Nhưng Canh Dương không bằng lòng, tình hình trong nhà Phượng Tường thì anh chưa từng hỏi đến, nhưng cũng đoán được từ lâu. Anh biết Phượng Tường không có lý do gì, chẳng thể viện cớ gì để mà chuyển về thành thị. Anh sợ rằng sự tùy hứng này có thể đem toàn bộ sự việc lộ ra, ngược lại từ rày về sau khó mà gặp nữa. Phượng Tường bèn nói:

              - Vậy thì anh từ đây trở đi có lẽ không cần đến thăm em đâu, chờ em quay lại trong thành chúng mình lại gặp nhau. – Chàng nói lời này thật quyến luyến bịn rịn, nhưng chàng nghĩ anh tốt hơn nên nhẫn nại. Song Canh Dương cười nói:

              - Đừng ngại điều ấy, em hãy cứ cho anh đến nhé.

              Phượng Tường vọng nhìn Canh Dương, nét mặt anh tươi cười như ánh nắng, tim chàng thình thịch thắt co một trận. Bởi vì đành phải bó tay, chỉ còn cách dằn lòng chịu đựng những ngày gian khổ, nhìn Canh Dương đi đi về về - mối tình thâm và nỗi cực nhọc này, chỉ có xót thương.

              Trong những ngày không thể gặp nhau, tương tư lòng dạ muộn phiền, Phượng Tường tạo thành thói quen viết thư cho Canh Dương. Mỗi lần nhớ mong anh, liền viết lên giấy từng chữ từng câu chi chít dày đặc từ trang này đến trang khác, cách này dường như là cũng giống đang cùng đối mặt Canh Dương mà trò chuyện. Những lá thư viết xong rồi gom góp lại chất thành cả một chồng lớn, không biết đâu mà gởi, cũng chẳng muốn gởi đi, Canh Dương có đến cũng không đưa anh xem, tự mình lấy đinh đóng thành tập, cất giữ từ tập này đến tập khác.

              Có lần tại bên đường chờ đợi, Phượng Tường nhớ đến một quả táo mật tươi mát. Hai người theo thường lệ hướng về chỗ vắng người giữa đồng ruộng mà đi, kề vai ngồi bên dòng kênh dẫn nước dùng để tưới ruộng, thò chân xuống kênh đá nước bắn tung tóe. Nắm quả dưa ném vào trong cái gầu nước, cười toe toét rồi gặm ăn, hai người ăn đầy nước mật trong miệng. Canh Dương bỗng nhiên nghiêng người qua hôn lên môi chàng, nhìn nhau ngơ ngẩn, hai người lặng lẽ hôn nhau rất lâu, đây là nụ hôn ban đầu của họ. Sau đó lại không ngăn được đều ha hả cười to, vì rằng cảm thấy nụ hôn này thật là thơm ngọt ngon miệng.

              Ngọn đồi nhỏ thề hẹn, là khu thánh địa của họ, nơi đây vô cùng yên tĩnh. Gió khô hanh và nóng ấm cứ từng cơn hướng đỉnh đồi quét đến, nhưng chỗ mà da thịt hai người chạm nhau, vẫn còn mát rượi dịu mềm. Thân hình Canh Dương lớn hơn Phượng Tường một chút, nhưng anh thích nằm biếng lười trong lòng Phượng Tường, nghe Phượng Tường trời nam đất bắc nói lung tung. Canh Dương hỏi:

              - Tường, tên của em từ đâu mà có?

              Phượng Tường chậm rãi đáp:

              - Gia đình em thế hệ này, con trai đều có chữ Tường. Từ nhiều thế hệ trước đời Cha em, trong dòng tộc trai tráng lúc nào cũng rất ít ỏi. Do đó tâm nguyện lớn nhất của Bác cả và Cha em là sinh được thêm nhiều con trai làm phồn vinh gia tộc, song cuối cùng chỉ còn sót lại hai người – Đại ca Long Tường và em.

              Chàng vọng nhìn trời xa rồi trầm ngâm một lúc, bất giác cười lên:

              - Cha em tham vọng thật lớn, đại ca gọi là Long Tường, nhị ca đã mất tên là Bằng Tường, cha em vốn dĩ còn dự tính nào là Điêu nào Hạc nào Ưng, đem cả bộ chim hiếm quý lạ kỳ cho sống lại hết; em xem gia phổ nhà em, trên bảng đều là những chim đáng kể là ghê gớm.

              Nói vừa xong thì Canh Dương cũng sang sảng tiếng cười to.

              Xe lửa từ phương xa xình xịch xình xịch chạy đến như bay, dài dài một chuỗi, lâu thật lâu mới tan biến trong tầm mắt. Phượng Tường hỏi:

              - Sau khi tốt nghiệp anh định làm gì?

              Canh Dương trầm lặng cả một lúc:

              - Cha anh hy vọng là anh đi Đức quốc để tiếp tục việc học, y thuật của chúng ta vẫn khác biệt một khoảng lớn với Tây Y. Y học của nước Đức tiến trước quá nhiều so với chúng ta, ông luôn luôn hy vọng anh có thể đi học rồi quay về, cứu đời giúp người.

              Phượng Tường lẳng lặng không nói, im lìm từ đằng sau thò tay ra nhè nhẹ xoa lên mặt Canh Dương, vuốt nhẹ râu mép hơi sắc trên môi anh. Chuyện tương lai không thể tưởng, và tốt nhất là không muốn nghĩ đến, sự gặp gỡ của hai người nhất định là vận mệnh lầm lẫn mà xếp trật đường rầy; vào lúc nào thì phút giây hạnh phúc này thật sự bị cắt đứt không thương tiếc, chẳng ai có thể đoán trước được. Đáy lòng Phượng Tường và Canh Dương đều hiểu rất rõ, những ngày chịu đựng khổ cực chỉ trôi qua như thế, chỉ là vấn đề thời gian thôi.

              - Lúc nào về lại trong thành? – Canh Dương hỏi.

              - Qua khỏi tết Trung thu, có lẽ vào cuối tháng Tám đấy! – Phượng Tường nghĩ đến câu thơ trong một bài thơ cũ “Hải thượng sinh minh nguyệt, thiên nhai cộng thử thời” (trên biển sáng trăng lồng lộng, chân trời giây phút bên nhau), trong lòng không kiềm nổi có chút buồn rầu. Canh Dương quay đầu lại hôn chàng thắm thiết, ngón tay hai người đan chặt vào nhau, lặng lẽ chìm đắm trong mùi vị thân thể đối phương, cả hai dường như cảm thấy đang nắm chặt cái gì đó như đất.
              <bài viết được chỉnh sửa lúc 10.07.2009 08:51:15 bởi vinhhoa >
              #7
                vinhhoa 10.07.2009 02:16:12 (permalink)
                0
                8.

                Tháng Tám trời thu trong vắt, nơi ngôi nhà nông mọi người cũng bận rộn hẳn lên. Phượng Tường lúc ban ngày chẳng có việc cũng không đọc sách, có khi tiện thì theo giúp một tay, thật ra chân tay vụng về, chẳng làm được việc gì to tát; rốt cuộc thường thường là bồng Niếp niếp ngồi ở trước sân nhà, kéo dài sợi dây căng chiếc lưới, rắc ít gạo rồi mỏi mòn chờ đợi chú chim sẻ tham ăn.

                Trung thu hôm ấy, vợ chồng Long Tường cùng đến vùng quê sum họp, mọi người trong nhà bận rộn chuẩn bị cúng lễ Thần Trăng. Đêm khuya trong sáng không mây, không trung một mầu xanh thẫm, một vừng trăng sáng lạnh giữa trời đêm, điểm tô vài ngôi sao lác đác thưa thớt. Long Tường sai gia nhân đem dưa nơi vườn rau thêm vào chỗ bánh Trung Thu, dưa và trái cây bày trên bàn, rồi mời tá điền và người làm thuê cùng nhau uống rượu thưởng trăng, lý do là đáp tạ khổ cực ngày thường của họ.

                Giữa tiệc chuyện trò, Long Tường quay sang Phượng Tường nêu lên quyết định của anh, chờ sau khi về thành, muốn chàng theo ra ngoài cửa hàng để học cách trông nom buôn bán. Mọi người đều thay nhau gật đầu phụ họa: đúng đúng đúng, ý này thật chu đáo, người trẻ tuổi cũng phải học hỏi kinh nghiệm dài lâu. Tuy nhiên việc này với chàng mà nói đó chẳng phải là điều chính yếu, nhưng nghĩ đến từ đấy về sau cơ hội gặp mặt Canh Dương lại càng ít đi, đáy lòng không khỏi có chút nặng nề.

                Đêm thu mát mẻ, côn trùng rả rít, dưới căn lều dưa vang tiếng nói cười muộn trễ. Phượng Tường xưa nay không quen ồn ào, tửu lượng cũng kém, sau khi uống hai chung rượu trắng, liền thoáng say mặt đỏ lên, thế là xin cáo lui rời khỏi buổi tiệc, một mình ra ngoài lang thang.

                Giữa bờ ruộng, nơi chân không lúc ẩn lúc hiện dật dờ điểm điểm những ánh lân tinh cuối mùa, là những ngôi sao trong lúc sơ ý mà rụng xuống trần gian. Phượng Tường ngửng đầu ngắm trăng, trong lòng nghĩ đang lúc này Canh Dương nhất định cũng cùng với những người trong nhà ngồi nơi sân thưởng nguyệt chứ?

                Đột nhiên nhớ lại hồi đó đến nhà anh chơi, nhìn thấy câu thơ Canh Dương luyện chữ viết trên tờ giấy: “Đãn nguyện nhân trường cửu, thiên lý cộng thiền quyên". Trên tờ giấy dầy đặc đều là tên của chàng, trộn lẫn trong giữa câu thơ. Đãn Nguyện Nhân Trường Cửu, Đãn Nguyện Nhân Trường Cửu, thì ra Canh Dương trước đây lâu đến thế, sớm đã tồn tại một trái tim như vậy. Phải là cách nhau ngàn dặm ư? Mùi vị xa nhau ngàn dặm lại là đắng cay như thế, khó nuốt đến thế ư!

                Thế mà, dù cho ngàn dặm cách xa thì họ cũng không thể tránh được phần số đau thương, đường tình đến mức này, từ đây chắc là bất lực, đoạn tuyệt rồi.

                Tháng Chín, sau lúc trở về thành phố, Phượng Tường bắt đầu theo Long Tường mỗi ngày đến cửa hiệu lương. Vừa bắt đầu thì Long Tường dạy chàng trông coi sổ sách, thỉnh thoảng cũng dắt chàng đi theo làm việc xã giao. Phượng Tường đối với việc này tuy rằng không hứng thú lắm, nhưng cũng không chê bai, chỉ xem như là việc học tập. Long Tường cũng nhận ra đứa em út này đối với sự nghiệp chẳng có tham vọng chí lớn gì, tuy nhiên làm việc vẫn coi như là ổn thỏa vững chắc, bèn yên lòng từng bước đem các việc lặt vặt trong hiệu lương giao cho Phượng Tường giải quyết, còn mình chuyên tâm lo về những vụ đầu tư khác.

                Trong khoảng mùa thu năm 1944, thế cuộc ngoại thành vô cùng thê thảm, chiến trường Nhật Bản bị các cường quốc bao vây tiêu diệt, đã hiện rõ sự căng thẳng. Thường có danh tiếng là kho lương vùng Đông Bắc, mà người Nhật nơi đây giờ cũng bắt đầu thi hành chính sách khẩu phần lương thực, phần lớn hàng hóa và vật liệu đều chuyển ra chiến trường trợ giúp tiền tuyến, hết lòng cống hiến Thiên Hoàng Thần Chiếu Đại Đế.

                Thời kỳ thế này, cửa hàng lương thực là điều chẳng đáng theo đuổi, nhưng chuyện làm giầu dễ dàng nhất cũng chính là những kẻ thương mại tinh khôn thuộc loại giống như Lý Long Tường, họ biết lợi dụng loạn lạc để chiếm đoạt. Anh có quan hệ rất tốt với người Nhật Bản nằm trong chính quyền Mãn Châu, ngoại trừ tuân lệnh giao hết lúa gạo, có ngầm hứa với người Nhật Bản tham gia việc chuyển vận quân nhu cần yếu nhất. Long Tường nói:

                - Còn không lợi dụng lúc này moi vét thêm một chút béo bở của bọn quỷ Nhật Bản, xin lỗi các vị tổ tông.

                Nhưng đáy lòng Phượng Tường thầm nghĩ: “Béo bổ của người Nhật Bản, còn không là vơ vét béo bổ của chính nhân dân mình, cạo sạch tới cùng khác chi là ăn của người mình”. Chẳng qua câu này quá cay nghiệt, rồi không dám nói ra, có nói ra cũng không chịu nổi. Sau cùng trong thời loạn phải cố mà tồn tại, chủ tâm của Long Tường, lại không là lo lắng về gia nghiệp tổ tông truyền lại.

                Về thành sau đó một thời gian, số lần Phượng Tường và Canh Dương gặp nhau ít đi. Một là Phượng Tường thời gian nhàn rỗi không nhiều, hai là sau khi khóa học khai giảng, bài vở Canh Dương càng thêm nặng. Khó có được một lần gặp mặt, lại còn phải lén lút che đậy tai mắt người khác, suy cho cùng trong thành đông người nhạy miệng. Hai người gặp gỡ phần lớn là đi ra vùng ngoại ô gần thành phố, đáy lòng đôi bên đều có phần chua chát xót xa, cảm thấy tự mình dường như phụ bạc đối phương, danh bất chánh thì ngôn chẳng thuận, trăm đường đành chịu nỗi muộn phiền.

                Mùa Đông, rồi lại đến rất nhanh.
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 12.07.2009 01:32:08 bởi vinhhoa >
                #8
                  vinhhoa 12.07.2009 17:04:48 (permalink)
                  0
                  9.
                   
                  Suốt mấy ngày liền, tuyết bay lả tả, đường phố tiêu điều không một bóng người, hiệu lương họ Lý cũng nghỉ bán hai ba ngày. Hôm ấy ăn xong bữa cơm sáng, Long Tường như nhớ ra việc gì đó mới nhíu mày thuận miệng hỏi Phượng Tường:
                   
                  - Thời gian trước đây, dường như anh nghe gia nhân nói rằng có một người Nhật Bản đến nhà tìm em, chuyện đó ra sao?
                   
                  Đáy lòng Phượng Tường kinh hoảng, mạnh dạn tự trấn tĩnh rồi phủ nhận như không hề có chuyện ấy; chàng ngẫm nghĩ, chắc là việc hồi đó Canh Dương đến thăm hỏi đường xuống thôn quê, loáng thoáng rập rờn truyền vào tai đại ca. Long Tường cũng không truy hỏi nhiều, chỉ nói qua loa rằng:
                   
                  - Cha và anh đều suy nghĩ giống nhau, giao kết cùng bọn quỷ Nhật bản với chúng ta mà nói là chuyện không thế nào có được, rước lấy chuyện tanh hôi kiểu này, em chưa đủ khả năng để liên hệ mà không bị lây nhiễm đâu! Anh chỉ cho phép em dùng ít thì giờ rãnh rỗi chăm lo trong cửa hàng, không dạy em theo anh đi giao thiệp, cũng là lý lẽ đó.
                   
                  Phượng Tường lặng im không nói, chỉ cảm giác được tội lỗi trĩu nặng bên lòng. Long Tường bèn chuyển sang chuyện khác, nói hết sức hào hứng:
                   
                  - Mấy hôm nay, anh và mẹ lúc nào cũng bàn luận, muốn thay em sắp xếp sự thân cận với vài thế gia vọng tộc trong thành, ý em như thế nào?
                   
                  Phượng Tường giật nẩy người, thấy thứ mẫu và chị dâu ở bên cạnh gật đầu mỉm cười, bèn nhẹ nhàng nói:
                   
                  - Chuyện này… em thấy việc này không gấp gáp mà! Tuổi em cũng vẫn chưa lớn lắm, hay là hoãn lại vài năm nữa hẵng nói đi.
                   
                  Thứ mẫu ở một bên đáp lời:
                   
                  - Con cũng sắp mười tám rồi, vào năm mà cha con cưới mẹ con cũng chẳng khác nhiều với tuổi con bây giờ. Hiện tại thời cuộc không tốt, mau mau sớm sớm thành thân, nối dòng nối dõi sớm chút đi, cũng coi như là hoàn thành tâm nguyện người cha đã mất của con!
                   
                  Phượng Tường không biết làm sao đáp lời, buộc lòng phải tìm lành tránh dữ kiếm cớ rồi gấp gáp rời khỏi đại sảnh. Những ngày tiếp theo đó, Long Tường và Thứ mẫu thường hay nhắc lại chuyện ấy; có lần, Phượng Tường bị ép bức quá, bật miệng nói ra:
                   
                  - Con đến cả đời cũng không muốn kết hôn, con… con vốn là không thích nữ nhân!
                   
                  Ngay khoảnh khắc ấy, bầu không khí kinh ngạc đông cứng lại cả một lúc, sau đó phu thê Long Tường và Thứ mẫu lại ngăn chẳng được mà cười lên. Thứ mẫu cười nói:
                   
                  - Này con trai! Nói gì khờ vậy!
                   
                  Long Tường cố sức nhịn mà cũng không chịu nỗi, lắc đầu cười nói:
                   
                  - Chờ sau khi em kết hôn rồi, thì sẽ thích mà.
                   
                  Chị dâu Phượng Tường ở một bên, gương mặt đột nhiên đỏ ửng lên, cô ta hờn dỗi lườm liếc Long Tường một cái, không chịu nỗi lại cúi đầu ngắm nhìn cái bụng bầu ba tháng của mình.
                   
                  Phượng Tường trước giờ cứng rắn chống cự việc thành thân, Long Tường biết rằng đứa em út này từ bé được cưng chiều, bẩm sinh lại mang chút bướng bỉnh, ép bức quá ngược lại sẽ hư việc, vì vậy cũng thôi không cưỡng ép chàng, nhưng trong lòng có sự tính toán khác.
                   
                  ***
                   
                  Vào cuối đông, Phượng Tường và Canh Dương hiếm có được một lần gặp mặt. Phượng Tường thường nhớ đến Canh Dương, nhung nhớ đến gần như tuôn đôi dòng lệ, nhưng lại nghĩ rằng rơi nước mắt không phải là chuyện của nam nhân hán tử. Thỉnh thoảng hẹn gặp nhau một lần, hai người yêu mến bịn rịn, khổ nỗi lại không có chỗ nào để mà đi, ngoài trời lạnh quá, người ta chết cóng bên đường là chuyện thường hay nghe nói.
                   
                  Trước đây tại thôn quê, khổ tương tư cắt gan bào ruột hai người nơi hai mảnh đất cách xa, giờ đây gần trong gang tấc, lại như cũ mà chẳng thể gặp nhau, khổ đau ấy làm người ta bao nỗi đoạn trường. Phượng Tường chưa hề trải qua mùa đông nào dài vô tận không thể chịu nổi thế này, lại thêm vì tình thế trong nhà nguy hiểm, Phượng Tường luôn cảm thấy Đại ca có ý không tốt, như có mưu tính gì đó.
                   
                  Thật không dễ dàng trong năm vừa qua. Đông đi xuân đến, hôm nay khí trời hơi ấm, thời tiết đầu xuân. Phượng Tường nhớ lại dịp gặp Canh Dương lần đầu, cũng là lúc mai vàng nở rộ đẹp tươi. Bữa nay chàng đoán chừng Canh Dương có lẽ sẽ đến tìm chàng, sáng sớm vui mừng thức dậy, Long Tường lại ra lệnh bắt chàng theo ra ngoài dự tiệc. Phượng Tường trong lòng không vui, nhưng tìm chẳng ra lời thoái thác, đối phương lại là nhân vật quan trọng lui tới trong việc làm ăn tại hiệu lương, đành phải trong lòng cay đắng trong ý không vui mà đổi thay y phục, theo Long Tường bước ra khỏi cửa.
                   
                  Người mở tiệc là Lương lão, cũng là đại địa chủ. Khách được mời đến lần này không nhiều, ngồi vây quanh chiếc bàn có bày hoa. Đại bá (người bác cả) của Phượng Tường là Lý Vân Đào cũng đến rồi. Trọng tâm câu chuyện của mọi người trong buổi tiệc rõ ràng là vây quanh Phượng Tường, Phượng Tường lưu tâm ứng đối, trong lòng ngấm ngầm cảm thấy có chuyện không hay. Sau đó Lương lão cho gọi trưỡng nữ bước ra chào hỏi mọi người, ai nấy đều cùng nhau lên tiếng ngợi khen cô dung mạo xinh đẹp, Phượng Tường mới bất ngờ chợt hiểu đây thật ra là buổi làm thân chính thức, đây là giây phút quan trọng, lại không thể dưới mắt bao người mà làm cho Đại bá và Đại ca lúng túng khó xử, mất mặt người mình, đang trong bữa ăn mà như ngồi chỗ chông gai.
                   
                  Trên đường trở về, Phượng Tường cứ xụ mặt cả buổi không buồn nói chuyện với đại ca, vừa vào trong nhà liền nhịn không được sự bùng nổ chưa bao giờ có:
                   
                  - Anh nhúng tay làm việc này là coi như có ý gì?
                   
                  Long Tường kinh ngạc ngừng lại, đây là lần đầu tiên mà đứa em út dùng giọng điệu thế này để nói với anh. Anh bảo:
                   
                  - Thế nào? Em không hài lòng Lương tiểu thư sao? Người ta vừa xinh đẹp vừa hiền thục thông minh, còn chọn lựa gì nữa?
                   
                  - Cô ta đẹp là của cô ta, chuyện vặt vãnh này liên quan gì đến em? Anh đánh lừa em như thế, lôi kéo em đi làm chuyện tương thân, rốt cuộc biến em thành cái gì? – Phượng Tường nói mà tức giận đến khản cả giọng.
                   
                  Long Tường lúc đầu vẫn còn đủ sức nhẫn nại, ôn hòa giải thích: Lương gia gốc gác vững chắc, lại được coi như là gia tộc quyền quý nho học, Lương tiểu thư phẩm hạnh tốt đẹp, xem ra là môn đương hộ đối khó gặp. Còn nói thêm dưới gối Lương lão chỉ có cô là con gái độc nhất, thương yêu như ngà ngọc trong tay, sau lúc kết hôn, ắt hẳn có nhiều lợi ích cho gia nghiệp họ Lý… Phượng Tường húc đầu ném vào một câu:
                   
                  - Anh muốn dựa dẫm kiếm lợi thì tự chính anh làm đi, đừng đem em ra cầu thân với kẻ giầu có!
                   
                  Long Tường bất chợt nổi cơn thịnh nộ, cả đời đây là lần đầu, vung tay tát Phượng Tường một bạt tai, mặt tái trắng hét lên:
                   
                  - Ngươi theo ta về phòng!
                   
                  Huynh đệ hai người bắt đầu từ hôm ấy mở cuộc chiến tranh lạnh. Ban ngày trong cửa tiệm mặt lạnh như băng, buổi tối sau khi về nhà, Phượng Tường lúc nào cũng đóng cửa ở một mình trong phòng. Thứ mẫu và chị dâu đã đến khuyên giải mấy lần, bất luận là dịu lời khuyên giải hay dùng nước mắt tấn công, tất cả mọi cách đều vô hiệu. Phượng Tường biết lời nói của mình đang khi nóng giận, nhưng chạm trán với tác phong ngang ngược của đại ca, lòng vẫn còn căm giận không thích biểu lộ sự yếu đuối. Chàng chưa hề cảm thấy cần có Canh Dương như bây giờ, nhưng Canh Dương lại không ở cạnh bên. Ở trong nhà, chàng hoàn toàn bị cô lập không ai giúp đỡ.
                   
                  Mưa xuân bắt đầu bay rơi triền miên không dứt, hoa mai tàn rụng sạch sẽ, khắp nơi nghẹn ngào, khóc đến rơi máu lệ thâm hồng.
                  #9
                    vinhhoa 12.07.2009 17:06:04 (permalink)
                    0
                    10.
                     
                    Long Tường hôm ấy về nhà rất muộn, sai gia nhân đến phòng Phượng Tường gọi chàng. Phượng Tường hơi cảm thấy kinh dị, nhưng vẫn đi ra. Trong đại sảnh, Thứ mẫu và chị dâu cùng ngồi bên cạnh, Long Tường mỉm cười cho chàng biết:
                     
                    - Hôm nay tự anh và bác cả đến Lương gia trao sính lễ, Lương lão rất thích em. Chúng ta dự tính chờ đến tháng Năm tiết trời khá ấm, chọn ngày lành cho các em thành thân.
                     
                    Trên mặt Phượng Tường, mầu máu trong phút chốc rút sạch, Thứ mẫu ở cạnh bên dịu giọng bảo:
                     
                    - Phượng nhi, đây chính là ngày vui lớn nhất, chúng ta làm như thế đều là vì tốt cho con, cha con…
                     
                    Câu nói vẫn chưa xong, Phượng Tường chẳng nói một lời quay chạy ra ngoài, xông đến cửa trước liều mạng mở khóa cửa, chạy nhanh vào lòng đường đen tối. Thời khắc ấy, sấm xuân văng vẳng, mưa to tuôn xối xả, dường như muốn cắn nuốt toàn thế giới.
                     
                    Phượng Tường dọc theo mặt lộ chạy như điên cuồng một cách vô ý thức, chạy mệt rồi mới run rẩy bước lang thang đây đó, giống như một bóng ma, có lẽ một cơn gió thổi qua, lập tức chàng có thể bị thổi tan tành như mây khói. Chàng mặc ý mà chậm bước không chọn lựa lối nào, trôi đến đường nào thì sang đường đó, đến góc nào thì quẹo góc đó, qua một lúc thật lâu thật lâu, mới phát hiện ra mình chẳng ngờ đã đến bên con đê rất xa xa lắm. Cành liễu xanh xanh bên sông ngày trước, trong mưa đêm ảm đạm, đầy sự thống khổ sầu ai vô bến vô bờ.
                     
                    “Tìm Canh Dương đi!” Phượng Tường tỉnh táo lại, quyết chí muốn đi tìm Canh Dương. Chàng bắt đầu cảm giác sự buốt lạnh trên thân thể, nhưng mà chàng không lưu ý, hiện giờ chỉ có gặp được Canh Dương mới là điều quan trọng nhất.
                     
                    ***
                     
                    Cây đèn đường đứng lặng lờ ảm đạm trong cơn mưa bụi, khu vực này khắp nơi đã tối đen. Chỉ có tiếng mưa đơn điệu nhàm chán lách tách lách tách không ngừng nghỉ. Nhà Canh Dương thì đèn lớn cũng tắt rồi, nhưng mà trong phòng anh vẫn còn sót ánh đèn mờ mờ nơi cửa sổ, một mầu ấm áp vàng vọt.
                     
                    “Đây là lối về duy nhất”. Chàng nghĩ thế, bèn nhặt lấy những viên đá bên đường, từng viên rồi từng viên ném lên khung cửa sổ. Chàng ném không được chính xác lắm, có vài viên buồn bã rơi vào trong giữa chậu hoa. Chàng vẫn chưa muốn bỏ cuộc, cứ tiếp tục ném một viên lại một viên, một viên tiếp một viên.
                     
                    Canh Dương vẫn chưa ngủ, anh thấp thoáng nghe nơi màn cửa sổ có vài tiếng động, lúc đầu cho là mưa vỗ vào khung cửa sổ, về sau phát hiện dưới cạnh cửa sổ lặng lẽ một bóng người gầy cao cô độc đứng đó, anh ngạc nhiên liền vội cầm lấy cây dù giấy dầu rồi bước xuống lầu.
                     
                    - Tường? Tường? Em có chuyện gì vậy? – Canh Dương lấy dù che cho Phượng Tường thật ra đã thấm ướt đầy nước, vừa lo lắng vừa đau lòng mà ôm lấy chàng. Phượng Tường thò đôi tay lạnh buốt tận xương tủy ra ôm vào eo anh, Canh Dương run lên bần bật vì giá lạnh, Phượng Tường gục đầu vào trong lòng anh.
                     
                    - Đi! Vào trong nhà đi! Mưa lớn quá! – Canh Dương lôi kéo Phượng Tường phải vào nhà, song Phượng Tường như đóng đinh chặt vào chỗ đó không muốn động đậy. Canh Dương sốt ruột gần như muốn rơi lệ:
                     
                    - Tường! Em nghe lời anh, cứ như thế em sẽ mang bệnh! Có nói gì thì vào trong nhà rồi từ từ nói.
                     
                    Khóe miệng tái trắng của Phượng Tường để lộ một nét cười:
                     
                    - Gia đình em muốn em kết hôn, hôn sự đã định xong rồi. – Chàng ngẩng đầu nhìn Canh Dương - Em muốn rời khỏi chốn Phụng Thiên này, em không muốn bị an bài như thế!
                     
                    Bỗng nhiên chàng háo hức lên, anh mắt cũng nóng lên:
                     
                    - Canh Dương, chúng mình rời bỏ nơi này đi! Chúng mình đi Cáp-Nhĩ-Tân, chúng mình đi Thượng Hải, đi Nhật Bản, đi Đức quốc, đi đâu cũng được! Đi đâu em cũng không cần biết! Canh Dương? Chúng mình cùng nhau đi nhé?
                     
                    Canh Dương thình lình lôi Phượng Tường ôm chặt vào lòng, nước mắt ngăn lại không được mà nóng bỏng tuôn xuống, rơi vào giữa tóc Phượng Tường, hóa ra những giọt băng lạnh:
                     
                    - Tường, chúng ta chỗ nào cũng không đi được nữa… - Anh nghẹn ngào khó khăn mà nói - … anh tìm em suốt mấy hôm nay, Tường… anh nhận được lệnh nhập ngũ rồi.
                     
                    Tưởng chừng như bị sấm đánh chết, Phượng Tường ngẩng đầu ngơ ngác đờ đẫn nhìn ngân hà dậy sóng ba đào trong đôi mắt Canh Dương, rất lâu lâu lắm, chàng lầm bầm tự nói:
                     
                    - Như thế… quả thật là tuyệt lộ rồi… - Chàng hỏi như đang nằm mộng:
                     
                    - Chừng nào anh nhập ngũ? – Hỏi rồi mới cảm thấy cũng là câu vô nghĩa, dù sao cũng đã chẳng tương quan.
                     
                    - Một tuần lễ sau. – Canh Dương âm thầm rơi lệ.
                     
                    Phượng Tường đưa ra tay phải, một cách dịu dàng, vô cùng quyến luyến mà sờ mà vuốt lên gò má Canh Dương, lên tóc Canh Dương, lên chân mày mi mắt Canh Dương, lên sóng mũi Canh Dương, lên cằm Canh Dương, lên gáy Canh Dương… Nơi tự đáy lòng chàng đã hiểu, là định mệnh muốn cắt đứt tình ái giữa hai người, là ý trời muốn cắt đoạn đường đi của hai người, người ta nhỏ bé thế này, không đáng kể thế này, có thể tranh đấu cái gì?
                     
                    Chàng ngẩng đầu nhẹ hôn nước mắt Canh Dương, bối rối không rõ đó là nước mưa hay nước mắt, chỉ có điều cay đắng như nhau. Dịch thể đắng chát này là dấu ấn sôi sục, đang nung nướng từng vết từng vệt trên môi chàng, rồi dấu nung bật máu và chàng nuốt xuống, chàng biết ngay rằng, suốt đời này Canh Dương sẽ vĩnh viễn mãi mãi dừng nghỉ trong tấm thân chàng, chẳng còn ai có thể khoét đục lấy đi nữa.
                     
                    Gió vô tình, mưa vô tình. Phượng Tường từ đầu đến cuối, chưa từng rơi lệ.
                    <bài viết được chỉnh sửa lúc 27.07.2009 23:11:24 bởi vinhhoa >
                    #10
                      vinhhoa 16.07.2009 00:10:18 (permalink)
                      0
                      11.

                      Tháng Năm. Nơi giàn hoa, dây leo quấn xoay đủ mọi chiều, muôn sắc hoa tươi cười chào đón ánh bình minh. Hoa hòe như đám mây dầy đặc nở khắp đầu cành, một cơn gió thổi qua liền rực lên những hình ảnh bay lượn như mưa rơi. Buổi sáng trời trong, phong cảnh xinh đẹp, gió lành ngày tốt, họ Lý lại lần nữa treo lên hai ngọn đèn hồng Song Hỷ. Tiếng pháo trúc như tiếng sấm mùa xuân vang nổ không ngừng, người người lui tới nét mặt tươi cười chẳng dứt.

                      Đấy là cuối xuân đầu hạ năm 1945, những năm u ám loạn lạc. Quan hệ thông gia Lý-Lương được coi như là việc quan trọng mà người nơi thành nội bàn tán xôn xao, việc hôn lễ xa hoa phung phí phô trương hết mức, láng giềng khách khứa đều tạm thời quên đi chuyện ngày một căng thẳng do sự oanh tạc trên không, suốt ngày hôm ấy vui vẻ ồn ào.

                      Buổi hôn lễ, bận rộn nhất chính là Long Tường. Hôm ấy, anh khoác chiếc trường bào thêu hoa lộ vẻ sang giầu oai vệ, vào trong ra ngoài nghênh tân đón khách, chỉ huy nô bộc. Trên gương mặt tròn trịa đã quá tuổi, tràn đầy hớn hở mừng vui của Lý phu nhân được điểm tô một lớp phấn chì hồng hồng dày cộm, cũng chẳng thể che lấp những đường nhăn nếp gấp đã khắc ghi, bà thay người chồng đã mất hoàn thành chung thân đại sự của Phượng Tường, chỉ xem như là nhiệm vụ hoàn tất xong xuôi.

                      Cũng chưa từng một ai lưu ý, Tân lang trong hôn lễ lúc nào cũng nhắm nghiền đôi mắt, gương mặt tái xanh từ đầu đến cuối không một chút biểu tình. Phượng Tường trong giữa đám đông người luôn luôn đóng vai phụ lầm lì ít nói, ngay cả hôm nay dường như cũng không ngoại lệ, và chàng đối với những hình thức nghi lễ quan trọng đánh dấu sự đổi thay to tát trong cuộc đời mình, vốn dĩ không chút động lòng: nghênh thân bái thiên, nghênh tân kính tửu, chàng chỉ là một bù nhìn người gỗ chẳng chút cảm giác.

                      ***

                      Những chuyện xảy ra sau lúc cùng Canh Dương chia tay trong đêm mưa ấy, chàng đã hoàn toàn không còn nhớ nữa. Chàng làm sao mà cáo biệt Canh Dương? Chàng quay về nhà như thế nào? Sau khi về đến nhà còn xảy ra những việc gì?...

                      Những việc này đã hoàn toàn tan biến trong ký ức. Thật ra, ngay cả những chuyện trước đây, cũng theo đó mà mơ hồ không rõ; chàng cảm thấy mình giống như là một vị thần tiên trong lúc vô ý bị trích giáng khỏi chốn thiên đường, trong khoảnh khắc sau khi rơi xuống bèn già đi mấy mươi tuổi. Chính xác là lúc tinh thần tỉnh táo lại, thấy mình đang nằm trên giường bệnh tại y viện, chàng sửng sốt nhìn quanh tứ phía - một mầu trắng toát sạch sẽ. Nắng xuân tháng Tư lại chói mắt như thế, nghiêng nghiêng từ ngoài song cửa sổ chiếu vào, chiếu đến bên chàng khiến chàng không cách nào lánh mình được.

                      Long Tường và Thứ mẫu chàng đối với chuyện sau đêm hôm ấy, kín miệng không đề cập đến, chỉ đặc biệt chú ý đằm thắm thương yêu. Họ không cho chàng biết là chàng đã hôn mê gục ngã nơi bậc thềm lầy lội tối tăm, sốt cao và bất tỉnh chẳng còn biết gì trong nhiều ngày. Họ cũng không nói cho chàng biết Long Tường đã tự trách mình khóc khan cả tiếng, tại bên giường bệnh chăm sóc suốt ba ngày ba đêm, tiều tụy đến nỗi gần như kiệt sức.

                      Phượng Tường trong cơn hôn mê ho dữ dội không dứt, ho đến nôn mửa, họ mời y sĩ đến nhà chẩn bệnh. Phượng Tường trong lúc chẳng còn ý thức, vẫn cứ như điên cuồng nắm bám chặt tay y sĩ mà lẩm bẩm mê man nói những lời chẳng ai hiểu được. Sau khi đưa đến y viện, kiểm tra là bị viêm phổi, tình thế nguy ngập đến nỗi ngay cả bác sĩ cũng không dám tin chắc. Chờ đến lúc bệnh tình ổn định lại, Phượng Tường khôi phục trí nhớ, đã là chuyện cũ hơn hai mươi ngày rồi.

                      Nằm dài trên giường bệnh, Phượng Tường vẫn vơ suy nghĩ: Canh Dương đã ở nơi chốn xa xôi nào chẳng biết, hay là đang ở xó góc nào đó trên chiến trường khói lửa đã nhiều ngày, cũng có lẽ, vốn là không còn tồn tại nữa. Chàng không thể tưởng tượng được trên thế gian không có Canh Dương thì cảnh tượng sẽ như thế nào, chàng dùng hết sức để mà nghiền nghẫm. Chàng cũng rất nỗ lực nhớ lại từng li từng chút chuyện giữa hai người, giống như lật lại từng chương trong lịch sử, từ lúc bắt đầu quen nhau mãi cho đến lần cuối cùng gặp mặt. Nhớ rõ ràng nhất là dáng vẻ tươi cười của Canh Dương, gặp nhau là chọc cười để lộ ra hai chiếc răng cọp nho nhỏ trắng ngần, tiếp đó là giọng nói trầm trầm đục đục của Canh Dương, còn thêm mùi vị nhạt mờ giữa ngực giữa cổ anh, thế nhưng, tình tiết câu chuyện rất nhiều; dường như trong khoảng thời gian hôn mê ấy, kể cả tri giác bi thương sầu não, tất cả đều bị cơn bệnh như tằm ăn rỗi mất gần hết.

                      Ký ức trong thời gian rất ngắn mất đi dữ kiện đau thương, liền giống như là một bi kịch chẳng liên quan, chẳng qua Phượng Tường chỉ thích xem những khúc đoạn hai người từ khi ban đầu gặp gỡ đến lúc kết thúc cuộc tình, chỉ giống như đọc Hồng Lâu Mộng, sự phồn hoa mất sạch nơi bốn mươi hồi sau cùng thì không buồn xem nữa.

                      Trong khoảng thời gian Phượng Tường lúc nào cũng trong cơn bệnh hôn mê sầu muộn, Canh Dương rốt cuộc có đến tìm chàng hay chăng? Giữa cơn say tỉnh mơ hồ dường như cảm thấy Canh Dương từng đã nắm lấy tay chàng, khóc lệ thấm ướt như cơn lụt hồng thủy tràn lan, nhưng nghĩ đi nghĩ lại cảm thấy làm sao có thể được, Canh Dương mà có đến Đại ca đâu thể nào lại như người vô sự đến thế? Đoán chừng như vậy, Canh Dương thật không đến. Phượng Tường nghĩ tiếp: sau lúc từ biệt, hai người đều như đã chết rồi, trước Quỷ môn quan chàng bị lôi kéo quay về, vậy chứ, người kia thì sao?

                      Sau khi bình phục chàng vẫn suy nhược như trước, nhưng đã lần hồi khỏe mạnh hẳn. Long Tường nhắc lại việc cưới hỏi, nhưng lần này là Thứ mẫu thúc giục, bà hy vọng thay thế bằng xung hỷ của Phượng Tường, cầu mong từ nay về sau chàng suốt đời phúc thể khang an. Long Tường có hỏi ý kiến Phượng Tường; Phượng Tường đã từng nghĩ cao bay xa chạy đến chân trời góc bể, nhưng không có Canh Dương, tất cả đều trở thành cành khô tro nguội chẳng còn ý nghĩa gì nữa; chàng chỉ tùy tiện nói sao cũng được, việc hôn lễ bèn chiếu theo ý ban đầu mà chuẩn bị. Trong lòng Long Tường còn ray rứt nên hết lòng để tâm lo việc chung thân đại sự cho đứa em út vô cùng tưng bừng náo nhiệt, dường như đấy là một sự đền bù.

                      ***

                      Sau hôn lễ, tháng ngày của Phượng Tường cũng không có quá nhiều thay đổi. Chàng vẫn như cũ trầm mặc ít lời, ban ngày theo Long Tường ra cửa hiệu lương thực thu xếp việc buôn bán lặt vặt, buổi tối về nhà phần lớn là ở nơi thư phòng phụ thân đọc sách. Người vợ của Phượng Tường lớn hơn chàng một tuổi, nhã nhặn lịch sự và quan tâm đến chàng; cô nàng thường cảm thấy chồng mình là một thế giới không thể sờ mó động chạm được. Tuy nhiên chàng đối với cô ta không tệ, lúc nào cũng hòa nhã điềm đạm, lễ độ khách khí. Nhưng chàng thường dặn rằng nàng không được kề cận, không thể làm vậy được. Cô ta chỉ mong rằng tháng ngày dài lâu sau đó, tình huống kỳ lạ này sẽ tự nhiên tan biến.

                      Còn như tự chính Phượng Tường, nơi cõi lòng thật ra đã bạc trắng mái đầu, chàng nghĩ đã đi đến bước này, cũng không cần phải truy cầu gì về định mệnh chính mình nữa. Nhưng người vợ, suy cho cùng là một cô gái tốt lành, là người vô tội; trước gương mặt tươi đẹp tràn đầy phúc hậu của cô ấy, chàng không nên bày ra cảnh buồn khổ. Vì vậy, chàng phải hết sức tự mình đối xử cô ta thân thiện một chút.
                      #11
                        vinhhoa 16.07.2009 00:11:53 (permalink)
                        0
                        12.

                        Tháng Tám dương lịch, thời cuộc ngấm ngầm biến đổi như phong ba bão táp. Nhật Bản liên tiếp thối bại trên chiến trường, hiển tựa mũi tên bắn ra đã hết đà. Chính quyền Nhật Bản nơi Mãn Châu quốc cố gắng đè nén nỗi bất an, khắt khe kiểm soát những tin đồn thất thiệt như tiếng hạc kêu trong gió.

                        Ngày 15 tháng 8, Nhật bản đầu hàng vô điều kiện. Vào lúc viên chức cao cấp Nhật bản bên này Đông Bắc từ trong chương trình phát thanh vô tuyến nhận được huấn thị của Thiên Hoàng, chẳng ai không nước mắt đầy mặt khóc nức nở nghẹn ngào. Lập tức đem thông tin dấu nhẹm chặt chẽ, rồi từng mỗi nhóm thu dọn đồ tư trang đáng giá, ngay giữa đêm tối rút lui. Nhưng giấy dẫu sao cũng không che được lửa, tin tức này ban đầu lác đác tại thành nội lén lút truyền đi, bỗng nhiên chỉ như lửa rừng cháy lan ra đồng cỏ bùng cháy mãnh liệt.

                        Người người xúc động tinh thần, oán hờn căm giận bao năm chất chứa như hỏa sơn bùng nổ. Họ mở rộng cuộc tàn sát người Nhật Bản, lá cờ Nhật bị kéo xuống chà đạp để trút lòng căm phẫn; đầu đường cuối hẻm khắp nơi đều ầm ỹ lừng vang tiếng vui mừng khôn xiết, từ sáng ngày đến tối đêm, đón mừng sự kết thúc chuỗi ngày đen tối biến thành ngày sáng trời xanh.

                        Lý gia tại đường phố bày tiệc khoản đãi trong ba ngày, Long Tường mở một phần kho lương, phân phát lương thực chúc mừng khôi phục, hành động này rất được lòng người, kết quả là chẳng ai truy xét chuyện họ và người Nhật Bản cấu kết trong thời kỳ Ngụy Nhật. Người đi đường tới lui qua lại bất kể có quen biết hay không, đều trút bỏ gánh nặng trên vai cùng nhau chúc mừng.

                        Phượng Tường đưa mắt nhìn cảnh tượng mới của đất trời mênh mông tươi sáng, buồn vui lẫn lộn, ngỗn ngang trăm mối bên lòng. Canh Dương sống chết bặt vô âm tín, chẳng biết phải tìm đâu, thật đúng là hoa rụng phương nào người ta mù mịt, cả hai đều chẳng biết tin nhau.

                        ***

                        Tháng chín cuối thu, lá phong hồng đỏ như mầu máu buông phủ khắp phố thành vắng lặng, sắc trời cũng ảm đạm dần lên, đến lúc kiểm kê sổ kế toán vào cuối tháng rồi. Ngày hôm ấy Phượng Tường tính sổ suốt cả buổi chiều, đến chập tối mà vẫn chưa hoàn tất. Long Tường bèn về nhà trước, để một mình Phượng Tường ở cửa hàng làm kế toán cho xong.

                        Cơn giá lạnh tăng dần. Trong lò lửa, tiếng củi nổ vang lốp bốp, ngọn lửa bốc lên có phần ma quái; ngọn đèn mờ tối, ánh lửa chiếu lên mặt chàng, bập bùng bất định, chàng bất giác có hơi mỏi mệt, buồn chán.

                        Phía trước có một bóng người trùng trùng ép xuống, Phượng Tường ngửng đầu nhìn thấy lờ mờ không được rõ lắm, bởi vì khuất bóng, bèn dụi mắt nhìn thật kỹ, thì ra là Canh Dương.

                        Canh Dương đầu đội nón lính, phong sương bám phủ đầy gương mặt, trên người mặc bộ quân phục màu nâu nhạt cũ kỹ cùng đôi giày ống cao, lâu rồi chưa cạo cắt cho gọn những râu ria đầy trên mặt, trông vô cùng thống khổ tiều tụy, nhưng anh vẫn điềm đạm mỉm cười, để lộ hai chiếc răng cọp trắng ngần.

                        Phượng Tường đứng lên như vào mộng, tựa huyền mơ, lảo đảo loạng choạng vượt qua chiếc bàn lớn rồi phóng vào trong lòng anh. Canh Dương vòng tay ôm nơi eo chàng, rồi nhẹ nhàng vuốt lên đôi gò má. Nước mắt Phượng Tường từng giọt tuôn rơi:

                        - Em tưởng là em không bao giờ gặp lại anh nữa. - Chàng kích động, chàng cảm nhận được mùi vị nơi cổ và cổ áo Canh Dương, tựa như bụi đất hòa lẫn vệt máu héo khô lâu cũ, tựa như mùi thơm nồng đậm từ đống lúa mạch vào những ngày thu.

                        - Anh làm sao còn dám đến đây? Anh không sợ bị người trên đường đánh chết hả? – Phượng Tường đau lòng sốt ruột hỏi.

                        - Anh trở lại hồi nào? Tối nay anh muốn ở lại nơi đâu? Anh… - Thật là nghìn đầu vạn mối chẳng biết từ đâu mà trỗi dậy.

                        - Tường… - Canh Dương nhè nhẹ đôi tay nâng mặt chàng - Anh đến đây để từ biệt em, sau này chúng ta cũng không thể gặp nhau nữa.

                        - Canh Dương, anh đi về đâu? Trở lại Nhật Bản ư? Em cùng đi với anh! – Phượng Tường nắm lấy vạt áo Canh Dương và thiết tha nhìn vào mắt anh. Canh Dương gượng cười thê thảm:

                        - Đây là chuyện không thể được, Tường, em không thể đi theo anh.

                        Phượng Tường quay đầu lại ngắm nhìn, trên bàn quyển sổ kế toán còn trăm thứ bày ra phải hoàn tất mà vẫn chưa thu xếp xong. Phải rồi… trong nhà còn có vợ, mẹ và anh trai trông chàng, đợi chàng về nhà ăn cơm, chàng đâu thể bất cứ lúc nào cũng như chim trời mà cao bay xa chạy; hôm nay, ngày mai, ngày mốt, rồi biết bao này sau đó nữa, trách nhiệm nặng nề đang chồng chất trên vai.

                        Ngày hạ qua đi, những ngày vui đẹp rồi cũng đã hết, khúc đoạn này của chàng và Canh Dương, cũng chỉ là một thời ngắn ngủi sớm nở tối tàn.

                        Phượng Tường quá đau thương, ôm lấy vai Canh Dương mà khóc nức nở. Ngón tay gầy guộc của Canh Dương chậm rãi vuốt lên tóc chàng, anh hôn lên tóc mai, rồi khẽ cúi mà nói vào bên tai chàng:

                        - Anh lúc nào cũng nhớ đến em… lúc nào cũng nhớ đến em… - Anh vô cùng quyến luyến mà nhìn Phượng Tường một lần cuối, sau cùng buông tay xoay người bỏ đi.

                        Phượng Tường vội vã kéo anh lại, nhưng toàn thân như mất sức chẳng thể dời đi được một bước, chàng bất giác kêu thét lên:

                        - Canh Dương! Canh Dương…!

                        Người làm công ngoài cửa nghe tiếng vội chạy nhanh vào, hoảng hốt hỏi:
                        - Nhị thiếu gia, xảy ra chuyện gì đấy?

                        Phượng Tường chợt tỉnh, tiếng củi vẫn nổ lốp bốp như trước đó, ánh lửa tối sáng lập lòe, chàng tức tốc nắm chặt người làm công mà hỏi:

                        - Vừa rồi có ai vào đây không?

                        - Không có mà! Tôi mãi chờ ở bên ngoài. - Người làm công kinh ngạc trả lời, nghi thần nghi quỷ nhìn quanh bốn phía một lúc rồi nói:

                        - Nhị thiếu gia, tôi xem cậu chắc đã mệt rồi, trời cũng đã tối, đại thiếu gia và phu nhân đang ở nhà chờ cậu dùng cơm đấy! Phải chăng chúng ta cũng nên đi về thôi?

                        Phượng Tường khẽ gật đầu, cúi mặt nhìn vào vệt nước mắt loang lổ trên sổ kế toán, trong không khí âm ỷ mùi vị thân thể Canh Dương vẫn còn lãng đãng chập chờn, lẽ nào là ảo giác của chàng sao?

                        - Nhị thiếu gia, chúng ta đi thôi! Bên ngoài xe ngựa đều đã chuẩn bị xong rồi.

                        Phượng Tường đóng cửa xong, bấm khóa lại. Trên đường trở về, giữa lòng đường đã hiện lên từng lớp sương mù lành lạnh, tiếng vó ngựa lọc cọc lạch cạch khua vang đều đặn nhàm chán trên con đường lót đá phiến xanh, vang vọng giữa không trung. Xa xa nơi giữa lòng đường, một điểm sáng xanh yếu ớt bồng bềnh phơ phất, lẻ loi một mình tựa như ma trơi trôi dờ dật, sau khi chiếc xe đã đến gần mới thấy rõ đó chỉ là ánh đom đóm không đúng thời tiết. Phượng Tường hỏi:

                        - Anh có nghe thấy tiếng động gì không?

                        Người làm công nghiêng đầu lắng nghe cả một lúc, rồi nghi ngại nói:

                        - Chẳng có tiếng động gì khác lạ đâu!

                        Phượng Tường lặng lẽ gật đầu, không nói thêm gì nữa. Anh người làm trẻ tuổi trong lòng nổi cơn bực bội, cánh tay lực lưỡng vung roi quất ngựa càng mạnh thêm, chiếc xe ngựa trong suốt lộ trình vội vã tiến về phía trước tối đen dày đặc, lại càng khiến cho Phượng Tường có ảo giác chuyến đi này là thẳng suốt đến hoàng tuyền.

                        ***

                        Về đến nhà, lẳng lặng cùng người trong gia đình dùng qua bữa cơm tối, Phượng Tường bèn quay vào thư phòng của phụ thân, lục lọi tìm ra những lá thư đã lâu thật lâu trước đó, ở tại thôn quê chàng viết cho Canh Dương từ trang này đến trang khác mà chẳng hề gởi đi. Chàng dời lò sưởi lại, bóc thư ra cứ từng tờ một nhẹ nhàng thả vào trong ánh lửa; ngắm nhìn ngọn lửa hừng hực ôm ấp vết mực viết lên nỗi tương tư cùng tận của chàng, đáy lòng Phượng Tường cảm thấy ấm êm khôn xiết.

                        Người vợ bưng chiếc cốc có nắp đựng trà ướp hương hoa lài bước đến, hơi nóng bốc lên mờ mịt. Phượng Tường bèn hỏi:

                        - Nàng có nghe thấy tiếng động gì không?

                        Trên mặt cô ta đầy những dấu hỏi, một lúc sau mới nghi hoặc lên tiếng:

                        - Là tiếng gió đấy thôi?

                        Phượng Tường đẩy cửa bước đến dưới hiên, người vợ dịu dàng nối gót theo sau. Phượng Tường ngửng đầu nhìn lên bầu trời, chăm chú nghiêng tai nghe ngóng. E rằng là lời thở than của những chiếc lá phong rơi rụng, lại tựa hồ như tiếng thì thầm líu ríu của những đóa hoa cúc cùng với sương đêm, chàng tỉ mỉ phân biệt rõ ràng. Nơi xa không biết từ phương hướng nào, có tiếng nói cười của trẻ thơ truyền lại, hi hỉ ha hả như tiếng chuông bạc tranh đua đuổi bắt; trong làn gió thu, chúng mở một cánh cửa, bước ra ngoài rồi vui vẻ cười đùa rượt chạy, chạy đến một nơi rất xa, xa vời, xa lắm…

                        _HẾT_
                        #12
                          vinhhoa 16.07.2009 00:15:21 (permalink)
                          0
                          Truyện đã kết thúc. Cám ơn các bạn đã theo dõi câu chuyện này. Bản PRC có thể tải xuống từ đường nối sau đây:

                          http://www.thuvien-ebook.com/forums/showthread.php?p=130754#post130754
                          #13
                            Ct.Ly 17.08.2009 21:58:07 (permalink)
                            #14
                              Chuyển nhanh đến:

                              Thống kê hiện tại

                              Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                              Kiểu:
                              2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9