Khổng học tinh hoa - Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ
huytran 30.06.2009 11:57:45 (permalink)
Nguồn:
http://nhantu.net/TrietHoc/KhongHocTinhHoa/


Mục Lục
Lời nói đầu
Chương 1: Ý niệm về Thượng Đế qua Tứ Thư, Ngũ Kinh và sử liệu Trung Hoa
Chương 2: Quan niệm về thánh nhân theo thư tịch Nho giáo
Chương 3: Quan niệm thiên tử Trung Hoa đối chiếu với quan niệm thiên tử trong các quốc gia Âu Á cổ kim
Chương 4: Nền thiên trị Trung Hoa thời cổ
Thiên dẫn đầu: Đại cương Hồng Phạm Cửu Trù
Thiên 1: Đấng quân vương phải am tường vật lý
Thiên 2: Đấng quân vương phải biết phương pháp tu thân
Thiên 3: Đấng quân vương phải biết phương pháp trị dân
Thiên 4: Đấng quân vương phải am tường ý nghĩa của tháng năm, hiểu thiên văn, lịch số
Thiên 5: Đấng quân vương sẽ ở ngôi Hoàng Cực, thay Trời trị dân
Thiên 6: Thuật cai trị: chính trực nhưng phải biết cương nhu, quyền biến
Thiên 7: Đấng quân vương phải biết suy nghĩ bàn bạc, hỏi han khi gặp những trường hợp nan giải
Thiên 8: Đấng quân vương phải nhân các điềm trời mà soát xét lại đường lối cai trị
Thiên 9: Đấng quân vương phải nhìn vào tình cảnh dân, để nhận định giá trị của nền cai trị
Tổng luận
Phần phụ lục
Phụ lục 1: Nguyệt lệnh (Lễ Ký)
Phụ lục 2: Thơ Thất Nguyệt (Bân Phong, Kinh Thi)
Phụ lục 3: Chiêm Chu niên phong nẫm ca (Ngọc Hạp Ký)
Các sách tham khảo
<bài viết được chỉnh sửa lúc 30.06.2009 13:15:26 bởi huytran >
#1
    huytran 30.06.2009 11:58:58 (permalink)
    Lời Nói Đầu
     
    Quyển Khổng học Tinh hoa này có mục đích trình bày phương pháp tu thân và trị dân của người xưa mà Khổng giáo gọi là «Nội thánh ngoại vương chi đạo».
    Nền tảng của Khổng giáo là Thượng Đế.
    Trung Dung viết: «Tư tri nhân, bất khả dĩ bất tri thiên.»
    «Biết người trước phải biết Trời,
    Hiểu Trời chẳng nổi, hiểu người làm sao?»
    Cho nên trước khi đi vào vấn đề tu thân, trị dân, tất nhiên phải nghiên cứu niềm tín ngưỡng Trung Hoa thời cổ. Vì thế, chương đầu sách khảo sát quan niệm về Thượng Đế qua văn liệu, sử liệu Trung Hoa.
    Nhiều người nghĩ rằng Khổng giáo chỉ dạy con người trở nên hiền nhân quân tử, chứ không làm cho con người siêu phàm thoát tục như Phật giáo, Lão giáo.
    Đó là một sự ngộ nhận đáng tiếc, thực ra Khổng giáo có mục đích thâm viễn là thánh hóa con người, giúp con người tiến tới cực điểm tinh hoa, sống cuộc đời hoàn thiện, phối hợp cùng Thượng Đế. Vì thế, chương 2 sẽ đề cập đến quan niệm thánh nhân trong Nho giáo, song song với những phương pháp tu thân ngõ hầu thực hiện được lý tưởng cao siêu ấy.
    Nhưng trở nên hoàn thiện (trung ) chưa đủ, còn phải giúp đỡ dẫn dắt người khác trở nên hoàn thiện giống mình (thứ ), cùng nhau biến cải vật chất và hoàn cảnh cho trần ai tục lụy biến thành Nhược Thủy, Bồng Lai, thế mới là thuận theo thiên lý, hoàn tất sứ mạng con người. Vả lại, đã sinh ra đời, con người có nhiệm vụ chung sống với nhau, để chung lưng góp sức cải thiện hoàn cảnh vật chất, suy cứu cho ra căn nguyên và định mệnh của mình. Đã sống chung, tất phải có người lãnh đạo chỉ huy. Vì thế, chương 3 đề cập đến cương vị, sứ mạng, đạo độ của một vị lãnh đạo lý tưởng. Vị lãnh đạo lý tưởng là người đem an bình lại cho nhân loại, chỉ vẽ cho con người định mệnh cao sang của mình, dạy dỗ cho biết phương pháp thực hiện định mệnh ấy, lại lấy mình làm tấm gương sáng cho mọi người soi vào mà bắt chước, mà cố gắng noi theo. Vị lãnh đạo lý tưởng ấy Nho giáo mệnh danh là Thiên tử.
    Ngoài ra, chương 3 còn đào sâu khơi rộng vấn đề bằng cách đối chiếu quan niệm Thiên tử Trung Hoa với các quan niệm Âu Á, cổ kim tương tự, mục đích là tháo gỡ mối tơ vò nhân loại, giải đáp thai đố tự ngàn xưa về nhân thế và định mệnh con người.
    Mối manh để tìm ra lời giải đáp đã nằm gọn trong định luật biến dịch, định luật tuần hoàn, và trong những hiện tượng đối lập như «phục, khởi» (immanence et émergence), «ẩn, hiện» (latence et manifestation, potentialité et réalisation) của trời đất.
    Nói cách khác, nếu trong nhân loại đã có những vị chân Thiên tử, tất nhiên nhân loại ai ai cũng có khả năng trở thành Thiên tử.
    Thế mới hay:
    «Người là người mà tớ cũng là người
    Nhắm cho kỹ, vẫn chênh vênh đầu dốc.»
    (Phạm Văn Ái)
    Chương 4 sẽ nghiên cứu phương pháp trị dân tại Trung Hoa thời cổ. Phương pháp này đã được ghi chép trong Hồng Phạm Cửu Trù. Hồng Phạm có chín thiên, nên chương 4 cũng có chín thiên chính. Trước sau toàn dùng Hồng Phạm Cửu Trù và Tứ Thư, Ngũ Kinh để phác họa lại những nét chính yếu của nền Thiên trị (Théocratie) Trung Hoa thời cổ, một đề tài mà xưa nay ít người đã đề cập tới một cách mạch lạc, thấu đáo.
    Sách có bốn chương, mà chương vắn, dài không cân xứng với nhau, đó là một khuyết điểm của cuốn sách. Nhưng thiết nghĩ không nên câu nệ về hình thức, mà cần chú trọng đến tinh hoa, đến nội dung.
    Người xưa gắn liền đời sống nhân quần với đời sống thiên nhiên vũ trụ, cố gắng theo đúng nhịp điệu của trời đất, trăng sao, nên rất chú trọng đến thiên văn, khí tượng, và lịch số.
    Để cho vấn đề thêm sáng tỏ, và để cho quí độc giả rộng đường tham khảo, tác giả đã trình bày thêm trong phần phụ lục:
    1- Thiên Nguyệt Lệnh (Lễ Ký) [1] phác họa lại chương trình hoạt động của các vị Thiên tử xưa trong 12 tháng quanh năm, mục đích là điều hòa công tác của quần chúng, của quốc gia cho ăn khớp với nhịp điệu thời tiết.
    2- Thơ Thất Nguyệt (thiên Bân Phong, Kinh Thi) [2] trình bày đại khái những mối lo âu và công việc của dân chúng miền cực Tây nước Trung Hoa trong một năm.
    3- Thiên «Chiêm chu niên phong nẫm ca» của Ngọc Hạp Ký để trình bày cách thức của người xưa xem khí tượng để ức đoán cát, hung, đắc, thất, trong tháng, trong năm.
    Đáng lẽ còn phải đề cập đến thiên văn và lịch số Trung Hoa trong phần phụ lực, nhưng e quá dài, nên xin dành đề tài này cho một thiên khảo luận khác.
    Quyển Khổng học Tinh hoa có mục đích tìm hiểu thân thế và định mệnh con người qua lăng kính Khổng giáo.
    Nó cũng muốn phạt quang gai góc cho công trình nghiên cứu của những người sau được dễ dàng hơn.
    Tác giả chỉ có công sưu tầm. Cái hay trong sách là của tiền nhân, cái dở trong dĩ nhiên là của tác giả. Mong các bậc cao minh lượng thứ.
    Saigon, ngày 27 tháng 5 năm 1966
    Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ cẩn chí.




    CHÚ THÍCH
    [1] Theo nhà học giả Couvreur, thiên Nguyệt Lệnh gồm nhiều đoạn trích trong quyển Xuân Thu của Lã Bất Vi. Các đường lối, phong tục ghi trong Nguyệt Lệnh phần nhiều khai nguyên từ thời các vị đế vương xưa. (Xem Couvreur, Li Ki, I chapitre IV – Iue Ling, page 330).

    [2] Bân là tên một vùng phía cực Tây nước Tàu (kinh tuyến 105o46’, vĩ tuyến 35o04’). Tổ tiên nhà Chu sinh sống ở đó từ 1796 đến 1325 trước công nguyên cho đến khi dựng nên cơ nghiệp nhà Chu. Thơ Bân Phong như vậy rất cổ kính (cf. Legge, The She King, Prolegomera 127 và các trang 2, 226, 227). Thơ Thất Nguyệt vì mô tả đời sống của giòng họ nhà Chu từ thời xa xưa trong vùng hẻo lánh, lạnh lẽo của miền cực Tây nước Trung Hoa, nên dĩ nhiên có nhiều điều không ăn khớp với thiên Nguyệt Lệnh.

    <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.06.2009 13:16:34 bởi huytran >
    #2
      huytran 30.06.2009 12:16:50 (permalink)
      Chương 1
      Ý niệm về Thượng Đế qua
      Tứ Thư, Ngũ Kinh và sử liệu Trung Hoa

       
      Khảo sát ý niệm về Trời, về Thượng Đế qua Tứ Thư, Ngũ Kinh và sử liệu Trung Hoa, tức là khảo sát niềm tín ngưỡng của dân tộc Trung Hoa thời cổ, trong khoảng hơn 2000 năm lịch sử trước đời Khổng Tử.
      Sống thời nay mà bàn chuyện xa xăm quá vãng từ ba, bốn nghìn năm về trước như vậy, thoạt nghĩ, tưởng là viển vông, lỗi thời. Nhưng biết đâu trong cái thế giới ngả nghiêng cả về tinh thần lẫn vật chất này, niềm tin của người xưa lại chẳng làm vững mạnh lại lòng tin của người nay?
      Khảo cứu Tứ Thư, Ngũ Kinh, nhiều người vẫn tưởng rằng đức Khổng lập ra một đạo mới, nhưng kỳ thực Ngài chỉ muốn làm sống lại những truyền thống, những tín ngưỡng cao đẹp của người xưa, muốn xây dựng lại cho nước Trung Hoa nền Thiên trị (Théocratie) chính thống của các thánh quân, hiền phụ thời trước…
      Ngài nói:
      «Ta trần thuật chứ không sáng tạo,
      Tin cổ nhân, mộ đạo cổ nhân.» [1]
      Thực vậy, Ngài ra công sưu tầm, san định các tài liệu lịch sử, lễ nhạc, thi ca thời cổ, ghi chép thành bộ Ngũ Kinh quí báu mà ngày nay chúng ta thừa hưởng. Nhờ vậy mà bây giờ chúng ta mới còn có những quan niệm chính xác về dân Trung Hoa thời cổ.
      «Công Tôn Triều, đại phu nước Vệ, hỏi Tử Cống: Thầy ông là Trọng Ni học với ai mà giỏi như vậy ? Tử Cống đáp: Đạo thống của vua Văn, vua Võ chưa tan nát ở cõi này, vẫn còn ở nơi người. Vì vậy trang hiền đức học nhớ được phần trọng đại, kẻ tầm thường học nhớ được phần nhỏ nhít. Ở đâu lại chẳng có đạo thống của vua Văn, vua Võ ? Thầy tôi há chẳng học ở đó sao? Cần gì mà phải nhất định có một ông thầy?» [2]
      Nay thì trái lại, đạo thống của vua Văn, vua Võ đã tan nát, chẳng còn ở nơi người, nhưng vẫn còn nguyên vẹn trong sách vở. Ta hãy giở lại những trang sách cũ để tìm ra những điều trọng đại…
      Dân Trung Hoa có ý niệm về Trời, về Thượng Đế tự bao giờ? Từ Bàn Cổ, từ Phục Hi, hay từ Hoàng Đế?
      Đó thực là một câu hỏi khó trả lời…
      Chúng ta chỉ biết rằng: theo Trúc Thư Kỷ Niên thì từ thời Hoàng Đế (tức vị năm 2697 trước kỷ nguyên) đã thấy đề cập tới Trời, một cách kính cẩn nhưng cũng rất tự nhiên, quen thuộc.
      Trong thiên đầu sách, nhan đề là «Hoàng Đế Hiên Viên Thị», Trúc Thư ghi:
      Năm thứ 50 (đời Hoàng Đế), mùa thu, tháng bảy, ngày Canh Thân, phượng hoàng bay đến, Hoàng Đế tế lễ ở sông Lạc.
      Từ ngày Canh Thân, trời sa mù ba ngày, ba đêm; ban ngày cũng hôn ám. Hoàng Đế hỏi Thiên Lão, Lực Mục, Dung Thành xem sự thể thế nào ?
      Thiên Lão tâu: «Thần nghe khi nước yên và vua chuộng văn thì phượng hoàng tới ở; lúc nước loạn và vua chuộng võ, thì phượng hoàng bay đi. Nay phượng hoàng bay lượn vui vẻ ở bờ cõi Đông, tiếng kêu an hòa tiết tấu ứng hợp với Trời. Suy ra thì biết: TRỜI ĐÃ BAN NHỮNG LỜI NGHIÊM GIÁO CHO ĐỨC VUA, xin đức vua chớ nên bất tuân.» [3]
      Tài liệu lịch sử này chứng minh rằng Hoàng Đế (2697 BC) và quần thần đã tin kính Trời, đã đề cập tới Trời một cách rất là tự nhiên quen thuộc và trong những tình thế nghiêm trọng bất thường, đã biết cùng nhau bàn bạc để tìm hiểu ý Trời mà tuân cứ…
      Vua Nghiêu (tức vị 2356 BC) lại còn thánh thiện hơn nữa: Ngài đã biết sống thánh thiện noi gương Trời!
      Khổng Tử đã viết về vua Nghiêu như sau: «Vua Nghiêu đức nghiệp lớn thay, chỉ có Trời là lớn! Chỉ có vua Nghiêu là bắt chước Trời.» [4]
      Khi vua Thuấn lên ngôi (2255) đã tế lễ Thượng Đế. [5]
      Vua Đại Võ khi còn là hiền thần, đã biết khuyên vua Thuấn sống cuộc đời đức hạnh «để có thể huy hoàng rước lấy Thượng Đế». [6]
      Lúc trị thủy thành công trở về, Đại Võ dâng vua Thuấn một tấm ngọc huyền khuê, để báo cáo công việc hoàn thành. [7] Phó Diễn bình rằng: Võ dâng Thuấn ngọc huyền khuê là muốn nói cùng vua Thuấn: «Đức hạnh của nhà vua đồng nhất với đức hạnh Trời.» [8]
      Các vua sáng lập nhà Ân (1766-1122) cũng đã biết sống cuộc đời thánh thiện, phối hợp với Thượng Đế.
      Kinh Thi viết:
      «Thủa nhà Ân còn thời thịnh trị,
      Đã từng cùng Thượng Đế tất giao.» [9]
      Sau khi nhà Ân suy vi thì vua Văn (sinh năm 1258 BC), người được mệnh lệnh Thượng Đế hưng binh đánh Trụ, lại biết sống phối hợp với Trời.
      Kinh Thi viết:
      «Việc Trời chẳng tiếng chẳng tăm,
      Nên dùng dạng thức vua Văn hiển hình,
      Cho muôn dân thấy mà tin.» [10]
      Vũ Vương (1122 BC) đã điều động binh tướng đánh Trụ vương với danh nghĩa «thay Trời trừ bạo».
      Trong bài diễn văn quan trọng để hô hào tướng sĩ ở Mạnh Tân, sau khi đã kể các tội ác của Trụ vương, vua nói:
      «Hoàng Thiên đã chấn nộ, sai cố quân tôi là Văn Vương kính cẩn ra oai Trời, nhưng đại sự chưa thành tựu. Tôi nay còn là trẻ nít, ngày đêm những lo cùng sợ. Tôi đã nhận lãnh sứ mạng do cố quân tôi, tôi đã tế lễ Thượng Đế, tôi đã làm lễ nghi kính đất đai, và tôi nay hướng dẫn chúng tướng sĩ thi hành hình phạt của Trời. Trời thương dân chúng. Cái gì dân muốn, Trời cũng sẽ nghe theo.
      Xin các tướng sĩ hãy giúp tôi quét sạch bốn biển. Thời cơ này xin chớ để mất.» [11]
      Lúc lâm trận Mục Dã, đứng trước một đạo binh vô cùng đông đảo của Trụ vương, để khuyến khích ba quân, Võ Vương đã kêu lên: «Thượng Đế ở với ba quân, ba quân hãy vững lòng vững dạ.»
      Kinh Thi viết:
      «Quân Thương Ân bạt ngàn Mục Dã,
      Một rừng người chật cả sa tràng.
      Cho ba quân thêm dạ sắt gan vàng,
      Võ Vương kêu: Thượng đế ở cùng ta đó,
      Ba quân hãy vững lòng vững dạ.» [12]
      Sử còn cho hay:
      «Sau trận Mục Dã, Trụ Vương trốn vào Lộc Đài tự thiêu chết. Còn vua Vũ, sau khi nhận lời ca tụng của các vị vương bá về trận thắng, liền đuổi theo Trụ Vương tới kinh đô. Dân chúng túc trực ngoài thành lũy, lo lắng sợ hãi. Vua Vũ cho sứ giả tới phủ dụ dân bằng lời lẽ sau: «Trời cao gíng phúc lành cho (anh em).» Dân chúng cúi chào vua Vũ. Vua Vũ cũng cúi chào đáp lễ lại…» [13]
      Nếu ta đem so sánh các nhân vật lịch sử Trung Hoa trên đây với các nhân vật lịch sử Do Thái, và các giai đoạn lịch sử Do Thái ghi trong Cựu Ước với những niên kỷ phỏng định tương ứng, ta mới thấy dân Trung Hoa ngay từ trước Hồng Thủy, [14] từ lâu trước thời Abraham [15] và Moïse [16] đã có một niềm tín ngưỡng sâu xa, một lòng kính tôn tin cậy hết sức lớn lao đối với Thượng Đế.
      Bảng đối chiếu sau đây sẽ giúp ta dễ lĩnh hội được điều đó. [17]
       
      BẢNG NIÊN KỶ ĐỐI CHIẾU GIỮA TRUNG HOA, DO THÁI, VIỆT NAM VÀ ÍT NHIỀU CƯỜNG QUỐC ÂU Á THỜI CỔ

      [image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/4245/ECB2A776C7BE47D9AC19E741219310B3.JPG[/image] 

      Thượng Đế trong Tứ Thư, Ngũ Kinh, có nhiều danh hiệu:
      Đế, [18] Thượng Đế, [19] Thiên, [20] Hoàng Thiên, [21] Thượng Thiên, [22] Hoàng Thượng Đế, [23] Thiên Hoàng Thượng Đế, [24] Thượng Thiên Thần Hậu, [25] Hoàng Hoàng Hậu Đế, [26] v.v… Ấy là chưa kể đến những danh từ trừu tượng siêu hình như Dịch, [27] Thần, [28] Thái Cực, [29] v.v…
      Các giáo sĩ Âu Châu rất bất mãn vì Trung Hoa lại có thể dùng chữ Thiên mà chỉ Thượng Đế, vịn lẽ rằng trời là vòm trời, vô tri giác, sao lại có thể kính tôn và thờ phụng được. Linh mục Ruggieri viết:
      «Trời không phải là thần minh mà là tòa của thần minh… Có thể ông Khổng đã dùng chữ trời mà chỉ danh một trí tuệ tối cao cai trị trời đất, nhưng tôi không biết ông Khổng đã nghĩ thế nào?» [30]
      Những lời bắt bẻ ấy thật vô lý cứ: Trước hết, trong bất kỳ tiếng nước nào, mỗi chữ thường có nhiều nghĩa. Muốn hiểu đúng nghĩa, phải đặt mỗi chữ vào đúng chỗ của nó trong câu (contexte). Vả lại, nếu người xưa đã thờ một vòm trời vô tri giác, thì sao lại nói Trời xem, Trời nghe, Trời muốn, Trời giận, Trời phạt, v.v… thì tại sao trong đền thờ Thượng Đế ở Bắc Kinh lại có bốn chữ đại tự thiếp vàng Hoàng Thiên Thượng Đế? [31] (scan) Hơn nữa, theo nguyên tắc, không một người ngoại quốc nào có thể có đủ thẩm quyền thay đổi từ ngữ của một dân tộc….
      Theo Cha Matteo Ricci (sinh tại Macerat ngày 6-10-1552, đến Macao ngày 7-8-1582, mất tại Bắc Kinh ngày 11-5-1610; [32] cầm đầu các cha Dòng Tên vào Trung Hoa từ năm 1583), Thiên và Đế trong sách cổ điển Trung Hoa đều chỉ «một đấng chủ tể vạn vật; phải hiểu Thiên là đấng ngự trị trên trời, theo kiểu nói thân mật của các dân tộc, đã được Thánh Kinh phê nhận». [33] Nhưng những ý kiến xây dựng của cha Ricci đâu có được nghe theo. Cha Pasio khuyến cáo cha Longobardo, người kế nghiệp cha Ricci, rằng nếu dùng chữ Thượng Đế, chữ Thiên để chỉ Thiên Chúa e bất lợi cho công cuộc truyền giáo, nhất là ở Nhật Bản. [34] Cuộc tranh luận về từ ngữ kéo dài mãi cho tới hội nghị Kiating (1628). Các giáo sĩ đành vấn ý Giáo Hội La Mã như sau: «Những chữ Thiên, chữ Thượng Đế còn có nên giữ để chỉ Chúa người Công giáo không?» Mãi đến 1704 Giáo Hội mới trả lời: «Không, hãy dùng chữ Thiên Chúa.» [35]
      Ngày 30-11-1700, Vua Khang Hi giáng chiếu như sau: «Đối với các việc tế lễ mà các vua chúa thời xưa quen dâng kính Trời, đó là những việc tế lễ mà các triết gia Trung Hoa gọi là … tế lễ Trời Đất, mục đích là để tôn kính Thượng Đế… cho nên, đã hiển nhiên là không phải dâng tế lễ cho trời hữu hình hữu chất, mà là dâng cho đấng chủ tể đã tạo thành trời đất muôn vật. Và vì người xưa kính sợ Thượng Đế, không dám trực tiếp xưng tên Ngài, nên họ thường xưng hô Ngài dưới danh hiệu là Thượng Thiên, Hoàng Thiện, Mân Thiên. Y như ngày nay, khi đề cập tới Hoàng Đế, người ta không gọi đích danh Hoàng Đế, mà lại gọi cửu trùng, chín bệ…
      Như vậy xét về từ ngữ thì có khác nhau, nhưng xét về ý nghĩa thì những danh từ ấy đều là một…» [36]
      Vua Khang Hi thực đã tỏ ra một thái độ sáng suốt và biết dung hòa hết sức...
      Trong Cựu Ước, nhiều khi Chúa mượn hình người xuống gặp gỡ các tổ phụ, ví dụ gặp Abraham ở gốc sồi Mambré (Sáng Thế Ký 18-1, 23) hay Jacob (Sáng Thế Ký 32-22, 23) hay Moïse (Exode 33-10, 11), v.v…
      Trong Tứ Thư, Ngũ Kinh, trái lại, tuyệt nhiên không thấy có sự hiển linh đó, vì Khổng giáo chủ trương Trời «không tiếng, không hơi» (vô thanh vô xú). [37] Tuy nhiên, Thi, Thư cũng một đôi lần ghi chép những lời Thượng Đế phán bảo cùng các thánh vương.
      Kinh Thư, thiên Duyệt mệnh thượng, ghi chép: Vua Cao Tông (Vũ Đinh 1325 BC) nằm mộng thấy Thượng Đế ban cho một hiền thần. Vua tỉnh dậy, cho họa ảnh, đồ hình, tìm tòi khắp trong nước. Quả nhiên gặp được Duyệt ở đất Phó Nham đúng như hình vẽ. Vua liền phong cho Phó Duyệt làm tể tướng và giữ luôn bên cạnh mình.[38]
      Kinh Thi thiên Hoàng Hĩ có ghi những lời Thượng Đế phán bảo Văn Vương:
      Thượng đế gọi vua Văn phán bảo,
      «Ngươi chớ nên trở tráo đảo điên.
      Đừng cho dục vọng tần phiền,
      Đừng vì ngoại cảnh rối ren tơ lòng.»
      Vua Văn tiến tới cùng nẻo đức,
      Đức vua văn rất mực cao siêu…
      Thế mà dân Mật dám điều
      Manh tâm phản loạn, ra chiều khinh khi.
      Chiếm xứ Nguyễn, lại đi Cung đánh,
      Làm Văn Vương nổi thịnh nộ lên.
      Ba quân điều động một phen,
      Ngăn quân phản loạn dẹp yên cõi bờ.
      Để thiên hạ thấy cho tường tận,
      Khỏi hoang mang lo lắng đợi trông.
      Vua tuy vẫn ở trong kinh khuyết,
      Nhưng ba quân ra tít Nguyễn thành,
      Quản chi đồi núi chênh vênh,
      Núi non nào thấy bóng hình địch quân.
      Đồi cao, đồi thấp biệt tăm.
      Suối kia, ao nọ vẫn nằm chơ vơ.
      Địch quân đóng bên bờ sông Vệ,
      Đóng xứ Kỳ, đóng xế về Nam,
      Là nơi đồng ruộng mỡ màng,
      Là trung tâm điểm muôn vàn lý hương.
      oOo
      Thượng đế gọi vua Văn phán bảo:
      «Ta ưa ngươi hoài bão đức nhân,
      Chẳng cần khoe tiếng khoe tăm,
      Chẳng cần thanh sắc lố lăng bên ngoài,
      Không hay, không biết, thảnh thơi,
      Thung dung theo đúng luật trời ở ăn.»
      Thượng đế gọi vua Văn phán bảo:
      «Hãy ra tay chinh thảo địch quân.
      Hãy cùng huynh đệ hợp quần,
      Sẵn sàng thang, móc, xung, lâm phá thành.
      Thành Sùng nọ, sẽ phanh, sẽ phá,
      Sẽ ra tay xô ngã thành Sùng…» [39]
      … Trời oai nghi,[40] nhưng luôn để mắt nhìn xuống muôn phương [41] để dìu dắt ám trợ chúng dân.[42]
      «Kìa Thượng Đế muôn trùng cao cả
      Oai nghi nhìn thiên hạ chúng dân
      Nhìn quanh tứ phía hồng trần
      Tìm xem ai kẻ trị dân an bình.» [43]
      Bởi vì:
      «Sinh dân Trời chẳng bỏ liều
      Liệu người cai quản đến điều mới thôi.» [44]
      Dĩ nhiên là «Trời rất thông minh, nên các vị thánh quân phải bắt chước Trời, như vậy quần thần sẽ khâm phục và dân chúng sẽ được cai trị hẳn hoi, yên ổn.» [45]
      Trời không thân ai, chỉ thân kẻ biết kính sợ Ngài. [46]
      Trời đôi khi cũng phẫn nộ [47] vì những lỗi lầm, [48] thất bại [49] hay tội lệ [50] của các nhà cầm quyền, có khi cũng ra uy, [51] giáng tai ách, [52] nhưng, thật ra Ngài thương muôn dân vô hạn, [53] đến nỗi đồng hóa mình với chúng dân. [54]
      Kinh Xuân Thu cũng viết:
      «Trời rất thương dân. Có lẽ nào Trời để cho một người trị dân theo ý riêng mình, theo tính xấu mình mà phế bỏ tính trời đất, chắc không thể nào được.» [55]
      oOo
      Khảo cứu văn liệu, sử liệu Trung Hoa thời cổ, ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy dân Trung Hoa xưa đã thờ Trời, tin Trời, kính sợ Trời. Hơn thế, họ còn coi Trời như cha, vì thế mà vua nhiều khi còn được mệnh danh là nguyên tử, là con đầu của Thượng Đế. [56] Trịnh Khang Thành bàn rằng: «Phàm người ta ai cũng là con Trời, Thiên Tử là con đầu hay là trưởng tử.» [57]
      Chính Trời cai trị, hướng dẫn dân chúng.
      Kinh Thi viết:
      «Trời xanh dẫn dắt chúng dân,
      Như là tấu khúc nhạc huân, nhạc trì,
      Trời, Người, đôi ngọc chương khuê,
      Bên cho, bên lấy, đề huề, xiết bao,
      Tay cầm, tay giắt, khéo sao,
      Trời xanh, dẫn dắt dân nào khó chi.» [58]
      Như vậy, các vua quan chỉ là những người đại diện, những thiên sứ, [59] những tôi tá của Trời. [60] Một tổ chức xã hội theo quan niệm như vậy là Thiên trị (Théocratie).
      Các trang hiền thánh, các thánh quân, hiền thần đều ước ao sống cuộc đời thánh thiện, phối hợp với Thượng Đế.. Những chữ «phối Thiên», «khắc phối Thượng Đế» (kết hợp với Thượng Đế) [61] được đề cập nhiều lần trong Tứ Thư, Ngũ Kinh…
      Thực là lạ lùng khi nhận thấy người xưa đã có một niềm tín ngưỡng sâu xa về Thượng Đế như vậy, và một lý tưởng đạo hạnh tuyệt vời như vậy …
      Nhiều học giả Âu Châu, khi khảo sát lại niềm tín ngưỡng Trung Hoa thời cổ cũng phải bỡ ngỡ lạ lùng.
      Cha Ricci viết ngày 4-11-1595 như sau: «Tôi đã nhận thấy có nhiều đoạn [trong Tứ Thư, Ngũ Kinh] phù hợp với tín ngưỡng chúng ta, ví như Thiên Chúa duy nhất, linh hồn bất tử, các thánh nhân được vinh quang, v.v…» [62]
      Pascal viết: «Ai đáng tin hơn: Moïse hay Trung Hoa?» [63]
      Cha Lecomte viết:
      «Đạo giáo Trung Hoa hình như đã giữ được tinh toàn qua các thế hệ những chân lý chính yếu mà Thiên Chúa đã mặc khải cho những người sơ thủy. Trung Hoa lúc sơ khai may mắn hơn các nước khác trong hoàn võ, đã thâu lượm hầu như được chính mạch, chính nguồn những chân lý thánh thiện và chính yếu cho đạo giáo cổ thời của họ. Những vị hoàng đế đầu tiên đã xây đền thờ Thiên Chúa, và thực không phải là một vinh dự nhỏ cho dân Trung Hoa vì đã tế lễ tạo hóa trong một đền thờ cổ kính nhất thiên hạ. Niềm đạo hạnh ban sơ đã gìn giữ được trong dân chúng nhờ công lao của các vị hoàng đế; vì thế tà đạo đã không lọt được vào Trung Quốc.» [64]
      James Legge, một giáo sĩ Thệ Phản và một học giả lừng danh về Hán học, đã viết trong bài phi lộ quyển Kinh Thư mà ông bình dịch như sau:
      «Thiên Chúa được gọi là Đế, là Thượng Đế, tức là đề cao tính cách hữu ngã, chí tôn và duy nhất của Ngài. Chúng ta thường thấy những danh hiệu trên được dùng thay đổi với chữ Thiên. Thiên vẫn hàm ngụ ý nghĩa chí tôn, và duy nhất, còn tính cách hữu ngã thì được ám chỉ tới một cách không rõ rệt, như là bằng một sự liên tưởng. [65] Vua chúa cai trị là do Trời. Vua chúa bắt buộc phải thi hành công lý cũng là vì Trời. Mọi người đều phải sống dưới lề luật của Ngài, và có bổn phận tuân theo ý chỉ của Ngài. Ngay hạ dân, Ngài cũng ban cho một ý thức về luân lý, theo ý thức ấy, sẽ làm tỏ rõ nhân tính hằng cửu chân thiện. Mọi uy quyền đều do nơi Ngài. Ngài cất nhắc kẻ này lên ngôi báu và hạ bệ kẻ khác xuống. Tuân phục Ngài sẽ được phúc lộc; bất tuân Ngài sẽ bị Ngài trách phạt. Bổn phận các vua chúa là phải cai trị cho công bình và nhân hậu, cho dân chúng được hạnh phúc, sung sướng. Vua chúa phải nêu gương mẫu cho đình thần, bá quan, và muôn dân. Sự thành công lớn lao nhất của vua chúa là khiến cho dân chúng được sống yên bình, thảng đãng tiến bước theo lời chỉ giáo của lương tâm họ. Khi vua chúa lầm lỗi, Trời sẽ chỉnh huấn bằng những phán quyết như giông tố, đói khát, hay các thiên tai khác; nếu vua chúa không chịu sửa đổi, thì hình phạt sẽ nặng nề hơn.
      Họ sẽ mất quyền cai trị, và quyền ấy sẽ sang tay người khác xứng đáng với nhiệm vụ ấy…» [66]
      Mấy hàng của James Legge có thể dùng để toát lược chương này.
      Thực ra quan niệm về Thượng Đế là một quan niệm rất phức tạp. Nó biến ảo vô cùng, và thay đổi tùy nơi, tùy thời, tùy sự nhận thức của từng người. Đề cập thế nào về Thượng Đế cũng thấy là bất xứng, diễn tả thế nào về Thượng Đế cũng vẫn thấy sai ngoa. Cho nên, nơi đây chúng ta đã không có tham vọng bao quát mọi ý niệm về Thượng Đế trong Nho giáo, chúng ta đã thu hẹp phạm vi, không đề cập tới những quan niệm siêu hình, những danh từ trừu tượng về Thượng Đế của các triết gia về sau, nhất là của Tống Nho.
      Chúng ta đã đề cập tới Thượng Đế bằng những quan niệm của đại chúng, của các vị hiền thánh thời xa xưa, chứ không muốn đề cập tới Thượng Đế bằng khối óc của những nhà triết học. [67]
      Cũng vì vậy mà chúng ta đã không đi sâu vào những ý kiến dị biệt, những tranh luận kéo dài hằng mấy thế kỷ của các giáo sĩ, các học giả Âu Châu quanh chữ Thiên, quanh ý niệm về Trời, về Thượng Đế trong Nho giáo. [68]
      Chương này chỉ là chương dẫn đầu để xây nền đắp tảng cho các chương sau, vì Thượng Đế chính là căn bản cho nền đạo giáo và chính trị Trung Hoa thời trước.
      Chương này ngoài ra còn có mục đích dùng sử liệu văn liệu để chứng minh Thượng Đế chẳng phải là của sở hữu của cá nhân nào, quốc gia nào, dân tộc nào hay thời đại nào, mà Thượng Đế là của chung cho hoàn võ và nhân loại. Trời chẳng thân ai, chỉ thân người biết kính sợ Ngài (Kinh Thư – Thái Giáp hạ 1)














      CHÚ THÍCH


      [1] Tử viết: Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ. 子 曰: 述 而 不 作, 信 而 好 古. (Luận Ngữ, Thuật Nhi, 7)




      [2] Vệ Công Tôn Triều vấn ư Tử Cống viết: Trọng Ni yên học ? Tử Cống viết: Văn Vũ chi đạo vị truỵ ư địa, tại nhân. Hiền giả thức kỳ đại giả; bất hiền giả thức kỳ tiểu giả. Mạc bất hữu Văn Vũ chi đạo yên ? Phu tử yên bất học ? Nhi diệc hà thường sư chi hữu ? : ? : , . ; . ? ? ? (Luận Ngữ, Tử Trương đệ thập cửu, tiết 22).




      [3] Ngũ thập niên thu thất nguyệt, Canh Thân, phượng điểu chí, Đế tế ư Lạc Thuỷ. Canh Thân, thiên vụ tam nhật tam dạ; trú hôn. Đế vấn Thiên Lão, Lực Mục. Dung Thành viết: ư công hà như ? Thiên Lão viết: «Thần văn chi quốc an, kỳ chủ hiếu văn, tắc phượng hoàng cư chi. quốc loạn, kỳ chủ hiếu vũ, tắc phượng hoàng khứ chi. Kim phượng hoàng tường ư Đông giao nhi lạc chi kỳ minh âm trung di tắc dữ Thiên tương phó. Dĩ thị quan chi, thiên hữu nghiêm giáo dĩ tứ đế. Đế vật phạm dã.» , , , . , ; . , . : ? : , , . , , . , , . (Trúc Thư Kỷ Niên, quyển chi nhất, chương Hoàng Đế Hiên Viên thị). (James Legge, The Chinese Classics, vol III, The Annals of the Bamboo Books, page 108)




      [4] Khổng Tử viết: Đại tai Nghiêu vi quân, duy thiên vi đại, duy Nghiêu tắc chi.
      : 君,惟 大,惟 (Mạnh Tử, Đằng Văn Công thượng, 4).




      [5] Tứ loại vu Thượng Đế (Thượng Thư, Thuấn Điển 6). Thượng Thư là bộ sách được đức Khổng san định mục đích đề cao các thánh quân hiền phụ và nền Thiên trị thời cổ. Nên sách chỉ ghi chép sự tích của ít nhiều thánh quân hiền thần từ thời Nghiêu (2356 BC) đến đời Tần Mục Công (659 BC) chứ không phải là một bộ sử liên tục, có mạch lạc liên tiếp. Thoạt tiên Kinh Thư chỉ gọi là Thư. Sau, Trịnh Khang Thành thêm vào chữ Thượng. Ông nói: Đức Khổng vì tôn trọng bộ sách, coi nó như là cuốn thiên thư, nên gọi là Thượng Thư (Tôn nhi trọng chi nhược thiên, cố viết Thượng Thư) (Cf. James Legge, The Shoo King, part I, the Book of T’ang The Canon of Yaou, page 15, notes).




      [6] … dĩ chiêu thụ Thượng Đế (Thượng Thư, Ích Tắc 2)
      以 昭 受 上 帝
      (James Legge bình và dịch như sau: 以 昭 受 上 帝 You will brightly receive God. We must understand 帝 之 命 or some similar phrase. (James Legge, The Shoo King, part II, book IV, chap. 1, 2, 4; notes, p. 79).
      James Legge không dịch là rước lấy Thượng Đế, mà dịch là nhận sự ủy nhiệm của Thượng Đế, nhưng công nhận nếu dịch theo nghĩa đen thì phải dịch như cách thứ nhất.




      [7] Kinh Thư, Vũ Cống, 38.




      [8] Ngô quân chi đức dữ Thiên vi nhất. 吾 君 之 德 與 天 為 一 (cf. Couvreur, Chou King, page 89.)




      [9] Ân chi vị táng sư khắc phối Thượng Đế. 殷 之 未 喪 師 克 配 上 帝 (Kinh Thi, Đại Nhã tam, Văn Vương chi thập tam chi nhất, chương 6.)




      [10] Thượng thiên chi tải, vô thanh vô xú, nghi hình Văn Vương, vạn bang tác phu. 上 天之 載, 無 聲 無 臭, 儀 刑 文 王, 萬 邦 作 孚 (Kinh Thi, Đại Nhã tam, Văn Vương chi thập tam chi nhất.)
      Đoạn này tác giả dịch khác James Legge. Tuy nhiên James Legge cũng chú: King Wan might be considered as an embodiment of Heaven. (James Legge, The Shoo King, pages 431-432.)




      [11] Cf. Kinh Thư, Thái Thệ thượng 5, 10: Hoàng thiên chấn nộ, mệnh ngã văn khảo, túc tương thiên uy, đại huân vị tập... Dư tiểu tử túc dạ chi cụ, thụ mệnh văn khảo, loại vu Thượng Đế, nghi vu trủng thổ, dĩ nhĩ hữu chúng, để thiên chi phạt. Thiên căng vu dân, dân chi sở dục, thiên tất tòng chi, nhĩ thượng bật dư nhất nhân, vĩnh thanh tứ hải, thời tai phất khả thất. 皇 天 震 怒,命 我 文 考,肅 將 天 威,大 勳 未集… 予 小 子 夙 夜 祗 懼,受 命 文 考, 類 于 上 帝,宜 于 冢 土, 以 爾 有 眾, 底 天 之 罰. 天 矜 于 民, 民 之 所 欲, 天必 從 之, 爾 尚 弼 予 一 人, 永 清 四 海, 時 哉 弗 可 失.




      [12] Ân Thương chi lữ, kỳ hội như lâm, thỉ vu Mục Dã, duy dư hầu hâm, Thượng đế lâm nhữ, vô nhị nhĩ tâm. 殷 商 之 旅, 其 會 如 林. 矢 于 牧 野, 維 予 侯 興. 上 帝臨 女, 無 貳 爾 心 (Kinh Thi, Đại Nhã, Văn Vương, Đại minh, thất chương.) Chỗ này tác giả dịch theo ý, và hơi khác James Legge. Legge cho câu Thượng đế lâm nhữ, vô nhị nhĩ tâm là lời Khương Tử Nha khuyên Vũ Vương lúc lâm trận Mục Dã (J. Legge, The She King, tr. 435), nhưng nếu vậy thì tác dụng tâm lý sẽ không lấy gì làm mạnh mẽ, sâu rộng; vả lại, theo Kinh Thư, chương Thái Thệ, ta chỉ thấy trước sau có mình Vũ Vương đứng ra lôi cuốn quần chúng.




      [13] Cf. James Legge, The Shoo King, part V, book III, p. 2, notes, p. 308.




      [14] Hồng Thủy khoảng năm 2348 (cf. Sấm truyền cũ, thuật cùng gẫm truyện thánh tổ tông, Imprimerie de la Mission, 1960, trang 20).
      Đó cũng là niên kỷ theo sự ước toán của Tổng Giám Mục Usher 1650 AD (cf. Hallay’s Bible Handbook, trang 32). Các sách Thánh kinh mới như Crampon, Bible de Jerusalem không còn ghi những niên kỷ về Adam hay Hồng Thủy. Lý do là vì xưa kia Giáo Hội tin rằng Chúa dựng nên ông Adam khoảng 4004 năm trước kỷ nguyên. Truyền thống này được lưu truyền trong các bài hát cũ, hay trong Histoire universelle của Tổng Giám Mục Bossuet. Nhưng từ khi khoa địa chất học và nhân chủng học khám phá ra được rằng vũ trụ cũng như loài người đã có từ rất lâu về trước, thì các sách vở mới đều bỏ trống những niên kỷ về sự tạo dựng Adam hay Hồng Thủy.




      [15] Abraham sinh khoảng 1996 BC theo Tổng Giám Mục Usher nhưng Crampon thì lại ghi sự du mục của Abraham vào khoảng 1800.




      [16] Moïse đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập năm 1941 theo Tổng Giám Mục Usher (Hallay’s Bible Handbook, trang 33), hay 1240 theo Bible de Crampon (Bible de Crampon, trang LI).




      [17] Các niên kỷ Trung Hoa trong đồ bản sau, lấy ở bộ Kinh Thư do cha Couvreur dịch (Séraphin Couvreur, Les Annales de la Chine, Tome II, pages 401-402). Các niên kỷ về Do Thái lấy ở Sấm truyền cũ, thuật cùng gẫm truyện thánh tổ tông, Imprimerie de la Mission, trang 7 và 20 (niên kỷ về Adam và Hồng Thủy). Các niên kỷ sau thời Hồng Thủy đều lấy ở Bible de Crampon, trang LI. Các niên kỷ về các nước Cận Đông, Hi Lạp, La Mã đều lấy ở Hallay’s Bible Handbook, trang 40-41. Các niên kỷ về Việt Nam rút ở Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim.




      [18] Kinh Thư: Duyệt Mệnh thượng, 2. – Hồng Phạm 3, 15. – Kim Đằng 7.




      [19] Kinh Thư: Thuấn Điển 6. – Thái Giáp hạ 3. – Bàn Canh hạ 6. – Thái Thệ thượng 6, 7, 10. – Thái Thệ hạ 3. – Vũ Thành 6.




      [20] Kinh Thư: Thái Thệ 7 – Thái Giáp thượng 2.




      [21] Kinh Thư: Thái Giáp thượng 5 – Duyệt Mệnh trung 10 – Y Huấn 2.




      [22] Kinh Thư: Thang Cáo 2.




      [23] Kinh Thư: Thang Cáo 2.




      [24] James Legge, The Shoo King, part II, book III, 2, notes.




      [25] Kinh Thư: Thang Cáo 4.




      [26] Luận Ngữ, chương XX, 3.




      [27] Thiên địa thiết vị nhi Dịch hành hồ kỳ trung hĩ. 天 地 設 位 而 易 行 乎 其 中 矣 (Hệ Từ thượng)




      [28] Thần dã giả diệu vạn vật nhi vi ngôn dã. , (Thuyết Quái)




      [29] Thị cố Dịch hữu Thái Cực. (Hệ Từ thượng)




      [30] Le ciel n’est pas la divinité, mais le siège de la divinité...
      Peut-être (forsan) par ce mot que vous croyez signifier le ciel, votre Confucius a-t-il voulu désigner cette intelligence suprême qui gouverne le ciel et la terre, mais j’ignore ce qu’il a pensé au juste (quid ille senserit ignoro).
      Catéchisme du P. Ruggieri (1584); Opere storiche, tome II page 507, 520. – Henri Bernard Maître, Sagesse chinoise et philosophie chrétienne, page 99.




      [31] Cf. A.M. Bùi Hữu Ngạn, Thượng Đế trong Nho giáo, trang 47.




      [32] Cf. Henri Bernard Maître, Sagesse chinoise et philosophie chrétienne, page 101.




      [33] Dictionnaire de Théologie Catholique, Tome II, phần II, cột 2365-2389.
      A.M. Bùi Hữu Ngạn, Thượng Đế trong Nho giáo (Ra Khơi 1958), trang 38.




      [34] Cf. Henri Bernard Maître, Sagesse chinoise et philosophie chrétienne, page 110.




      [35] «Les expressions T’ien et Chang-ti, ciel et Souverain Seigneur sont-elles à conserver comme désignant le Dieu des chrétiens?»
      La réponse définitive de Rome en 1704 sera: Non, dites T’ien Tchou, Seigneur du ciel. (Ibidem pages 110-111).




      [36] Cf. Henri Bernard, Maître Sagesse chinoise et philosophie chrétienne, page 143:
      Le 30 Novembre 1700, paraissait une déclaration impériale: «A l’égard des sacrifices que les anciens Rois et Empereurs avaient coutume d’offrir au ciel, ce sont ce que les philosophes chinois appellent... sacrifices qu’on fait au Ciel et à la Terre, par lesquels ils disent que le Chang Ti ou Souverain Seigneur est honoré... D’où il est évident qu’on n’offre pas ces sacrifices au ciel visible et matériel; mais seulement au Seigneur et à l’auteur du ciel et de la terre et de toutes choses. Et comme par la crainte et le respect qu’ils ont pour lui, ils n’osent pas l’invoquer directement par son propre nom, ils ont coutume de l’invoquer sous le nom de ciel suprême; de ciel bienfaisant, de ciel universel, de même manière que quand on parle avec respect de l’empereur, on ne l’appelle pas par son nom, mais on dit les «degrés de son trône», «la cour suprême de son palais». Or ces noms quoique différents si l’on regarde les termes, sont cependant les mêmes, si l’on regarde leur signification». (Những danh từ Hoàng Thiên, Thượng Thiên, Mân Thiên, Cửu Trùng, Chín Bệ là những tiếng tác giả gượng dùng, để phiên dịch cho xuôi chứ thật ra muốn dịch đúng phải có bản Hán văn.)




      [37] Thượng thiên chi tải, vô thanh vô xú… 天 之 載, 無 聲 無 臭 (Kinh Thi, Đại Nhã tam, Văn Vương chi thập tam chi nhất.)




      [38] Mộng Đế lai dư lương bật… 夢 帝 來 予 良 弼 (Kinh Thư – Duyệt Mệnh thượng 2)




      [39] Kinh Thi – Đại Nhã – Văn Vương. Hoàng Hĩ Thượng Đế 5, 9, 7.




      [40] Ibidem I.




      [41] Thiên giám hạ dân. 天 監 下 民 (Kinh Thư – Cao Tông Dung nhật 3).




      [42] Thiên âm chất hạ dân 天 陰騭下 民 (Kinh Thư – Hồng Phạm 2).




      [43] Kinh Thi – Đại Nhã – Văn Vương, Hoàng Hĩ Thượng Đế I.




      [44] Đế tác bang, tác đối. 帝 作 邦 作 對 (Kinh Thi – Văn Vương – Hoàng Hĩ 3)




      [45] Duy thiên thông minh, duy thánh thời hiến, duy thần khâm nhược, duy dân tòng nghệ. 惟 天 聰 明, 惟 聖時 憲, 惟 臣 欽 若, 惟 民 從 乂 (Kinh Thư – Duyệt Mệnh trung 3)




      [46] Duy thiên vô thân, khắc kính duy thân. 惟 天 無 親, 克 敬 惟 親 (Kinh Thư – Thái Giáp hạ 1)




      [47] Đế nãi chấn nộ. 帝 乃 震 怒 (Kinh Thư – Hồng Phạm 3.)
      Hoàng Thiên chấn nộ 皇 天 震 怒 (Kinh Thư – Thái Thệ thượng 3.)




      [48] Cổn nhân hồng thủy, cốt trần ngũ hành 鯀陻洪水,汨陳五行 (Kinh Thư – Hồng Phạm 3.)




      [49] Cô thực bất kính thiên giáng chi tai 孤 實 不 敬, 天 降 之 災 (Xuân Thu – Trang Công năm thứ 2. Couvreur, Le Chou King, p. 153.)




      [50] Thương tội quán doanh, Thiên mệnh tru chi 商 罪 貫 盈, 天 命 誅 之 (Kinh Thư – Thái Thệ 9.)




      [51] Thiên giáng úy 天 降 畏 (Kinh Thư – Đại Cáo)




      [52] Thiên độc giáng tai hoang vu Ân bang 天 毒 降 災 荒 于 殷 邦 (Kinh Thư – Vi Tử 4.)




      [53] Thiên căng vu dân 天 矜 于 民 (Kinh Thư – Thái Thệ thượng 2)




      [54] Thiên thị tự ngã dân thị, Thiên thính tự ngã dân thính 天 視 自 我 民 視, 天 聽 自 我 民 聽 (Kinh Thư – Thái Thệ trung 7.) Dân chi sở dục, Thiên tất tòng chi 民 之 所 欲, 天 必 從 之 (Kinh Thư – Thái Thệ 1.)




      [55] Thiên chi ái dân thậm hĩ. Khởi kỳ sử nhất nhân tứ ư dân thượng, dĩ tòng kỳ dâm nhi khí thiên địa chi tính, tất bất nhiên hĩ 天 之 愛 民 甚 矣豈 其 使 一 人 肆 於 民 上 以 從 其 淫 而 棄 天 地 之 性 必 不 然 矣 (Xuân Thu Tả Truyện; Tương Công năm 14. Couvreur, Le Chou King, p. 310.)




      [56] Hoàng Thiên Thượng Đế cải quyết nguyên tử 皇 天 上 帝 改 厥元 子: Đấng Hoàng Thiên Thượng Đế thay đổi con đầu của Ngài (Kinh Thư – Thiệu Cáo 9.)




      [57] Phàm nhân giai vân thiên chi tử, thiên tử vi chi thủ nhĩ 凡 人皆 云 天 之 子. 天 子 為 之 首 耳 (Cf. James Legge, The Shoo King, p. 425.)




      [58] Thiên chi dũ dân, Như huân như trì, Như chương như Khuê, Như thủ như huề, Huề vô viết ích, Dũ dân khổng dị. , , , , , (Kinh Thi, Đại Nhã, Sinh Dân, thập chương, Bản, 6.)




      [59] Thiên sứ dật đức liệt vu mãnh hỏa 天 吏 逸 德 烈 于 猛 火: Bậc thiên sứ thiên lại lầm đức dữ hơn lửa mạnh (Kinh Thư – Dận Chinh 6.) Cf. James Legge, The Shoo King, Thang Cáo thiên, trang 174, chú thích.




      [60] Dư tạo thiên dịch 予造 天 役: Ta là tôi tá của Trời (Lời vua Vũ Vương) (Kinh Thư – Đại Cáo 8)




      [61] Khắc phối Thượng Đế (Kinh Thư – Thái Giáp hạ 3.) (Kinh Thi – Đại Nhã, Văn Vương, Văn Vương 9)
      Kỳ tự thời phối Hoàng Thiên 其 自 時 配 皇 天 (Kinh Thư – Thiệu Cáo 14.)
      Cố Ân lễ thiệp phối thiên 故 殷 禮 陟 配 天 (Kinh Thư – Quân Thích 8)
      Khắc phối bỉ thiên (Kinh Thi – Chu Tụng: Thanh Miếu, Tư Văn 1)
      Cố viết phối thiên 故 曰 配天 (Trung Dung, chương 31)




      [62] J’ai noté, écrit-il, beaucoup de passages qui sont en faveur de notre foi comme l’unité de Dieu, l’immortalité de l’âme, la gloire des Bienheureux etc… (Henri Bernard, Maître Sagesse chinoise et philosophie chrétienne, p. 103)




      [63] Lequel est le plus croyable des deux, Moïse ou la Chine? (Pascal – Pensées – petite édition Brunschwig, p. 596. – Sagesse chinoise et philosophie chrétienne, p. 138).




      [64] La religion chinoise, disait le Comte, semble avoir conservé intactes et pures au cours des âges, les premières vérités révélées par Dieu aux premiers hommes. «La Chine plus heureuse dans ses commencements que nul autre peuple du monde, a puisé presque dans la source, les saintes et les premières vérités de son ancienne religion». Les premiers empereurs bâtirent des temples à Dieu et «ce n’est pas une petite gloire à la Chine d’avoir sarrifié au Créateur dans le plus ancien temple de l’univers».
      La piété primitive se conserve dans le peuple grâce aux Empereurs qui prirent soin de l’entretenir, si bien que l’idolâtrie n’arriva pas à se glisser en Chine... (Cf. Henri Bernard, Maître Sagesse chinoise et philosophie chrétienne, page 133. – Nouveaux mémoires du P. Le Comte parus en 1696).




      [65] Thiết tưởng trong đoạn văn này James Legge đã quá dè dặt, nên đã không nhận xét về danh từ «Thiên» cho thật đứng đắn. Âu cũng một phần do ảnh hưởng những cuộc tranh luận trong dĩ vãng.




      [66] The name by which God was designated, was the Ruler, and the Supreme Ruler, denoting emphatically His personality, supremacy, and unity. We find it constantly interchanged with the term Heaven, by which the ideas of supremacy and unity are equally conveyed, while that of personality is only indicated vaguely, and by an association of the mind. By God kings were supposed to reign, and princes were required to decree justice. All were under law to Him; and bound to obey His will. Even on the inferior people He has conferred a moral sense, compliance with which would show their nature invariably right. All powers that be are from Him. He raises one to the throne and puts down another. Obedience is sure to receive His blessings; disobedience, to be visited with His curse. The business of kings is to rule in righteousness and benevolence, so that the people may he happy and good. They are to be an example to all in authority, and to the multitudes under them. Their highest achievement is to cause the people tranquilly to pursue the course which their moral nature would indicate and approve. When they are doing wrong. God admonishes them by judgments, – storms, famine and other calamities; if they persist in evil, sentence goes forth against them. The dominion is taken from them, and given to others more worthy of it...
      (Cf. James Legge, The Shoo King, prolegomena, page 193)




      [67] Trong tập Vô Cực Luận (sẽ in) tôi đã có dịp đề cập tới Thượng Đế siêu hình và bất khả tư nghị của các thánh triết Trung Hoa.




      [68] Đối với những độc giả nào muốn đi sâu vào vấn đề, tôi xin giới thiệu ít nhiều sách vở, tài liệu như sau:
      - Henri Bernard Maître, Sagesse chinoise et philosophie chrétienne (Cathasia).
      - Amaury de Riencourt, L’Âme de la Chine. (Librairie Arthème Fayard. Viện Khảo Cổ, thư viện số 3086).
      - Bùi Hữu Ngạn, Thượng Đế trong Nho giáo (Tủ sách Ra Khơi).
      - Tien Tcheu Bang, L’idée de Dieu dans les huit premiers classiques chinois. Fribourg 1942.
      - De Harlez, Les religions de la Chine. Leipzig 1891.
      - H.G. Creel, La naissance de la Chine. Paris 1937.
      - Kou Mou Je, L’évolution de la théologie chinoise avant les Ch’in. Shanghai 1936.
      Giáo sĩ Đắc Lộ và tác phẩm quốc ngữ đầu tiên (Phép giảng tám ngày) (Tinh Việt Văn Đoàn) các trang LXIII, 74, 75, 76, 77, 78, 79, 80, 81, …)


      <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.06.2009 13:17:47 bởi huytran >
      Attached Image(s)
      #3
        huytran 30.06.2009 12:29:30 (permalink)
        Chương 2
        Quan niệm về thánh nhân theo thư tịch Nho giáo
         
        Sau khi khảo sát quan niệm về Trời, về Thượng Đế ở Trung Hoa, chúng ta sẽ lần lượt nghiên cứu ba vấn đề hết sức quan trọng mà xưa nay đã bị quên lãng, hay đã được đề cập tới một cách phớt qua. Đó là các quan niệm về:
        - thánh nhân
        - Thiên tử
        - Nền Thiên trị Trung Hoa thời cổ
        Thấu triệt mấy vấn đề chính yếu này, chúng ta sẽ biết lòng dạ các tiên hiền, tiên thánh khi các Ngài ra công trước tác, giáo hóa; ta sẽ phanh phui những mối manh chính yếu trong giải đồng nối kết Trời người, chúng ta sẽ am tường cách tổ chức giáo hóa và chính trị người xưa, biết những phương pháp giản dị nhưng hữu hiệu, có thể mang lại hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại.
        Vậy trước hết, chúng ta hãy cùng nhau giở những trang sử sách cũ, tìm cho ra chân dung, chân tướng của các vị thánh nhân qua các thời đại…
        A. QUAN NIỆM VỀ THÁNH NHÂN THEO TỨ THƯ NGŨ KINH
        Trong cuộc đối thoại với Hạo Sinh Bất Hại, Mạnh Tử đã định nghĩa và định vị trí của thánh nhân như sau:
        Hạo Sinh Bất Hại, người nước Tề, hỏi Mạnh Tử: «Nhạc Chính Tử là người thế nào ?» Mạnh Tử đáp: «Là người thiện và tín.» Hạo Sinh Bất Hại hỏi tiếp: «Sao gọi là Thiện? Sao gọi là Tín?» Mạnh Tử giải: «Người mà hành vi nhân phẩm đáng yêu, đáng kính, gọi là Thiện. Người làm thiện theo lương tâm và bản tính không cưỡng ép và không giả trá gọi là Tín. Người mà lòng thiện đầy đủ phát lộ ra khắp thân thể và mỗi cử động đều hợp vý lành, gọi là Mỹ. Người có mỹ đức đầy đủ và làm nên sự nghiệp, khiến cho cái mỹ đức mình chói lói trên đời, gọi là Đại. Đã là bực đại nhân, lại đứng ra hoằng hóa cho đời, khiến cho thiên hạ đều quay về nẻo thiện, gọi là Thánh. Đã là bực thánh cảm hóa cho đời, thế mà sở hành và trí tuệ mình chẳng ai ức đạc nổi, biến hóa vô tận, thông với trời đất, gọi là Thần… Trong sáu bực đó, Nhạc Chính Tử dự vào hai bực thấp, còn bốn bực kia thì ngoài sức người vậy.» [1]
        Theo định nghĩa của Mạnh Tử thì thánh nhân thực là hi hữu, ngàn năm một thủa.
        Hữu Nhược nói:
        «… Người năm bảy đấng,
        Kìa kỳ lân vẫn giống thú rừng,
        Phượng hoàng vẫn loại chim muông,
        Thái Sơn vẫn đúc theo khuôn đống gò,
        Sông với biển vẫn nhà ngòi lạch,
        Thánh với phàm một phách thế nhân,
        Nhưng thánh phàm, muôn phân, ngàn biệt,
        Vì thánh nhân bạt thiệp, siêu quần…»[2]
        Thánh nhân bạt thiệp, siêu quần, vì các Ngài là những người thông minh duệ trí, nhân đức tuyệt vời [3] noi gương Trời mà hành sự, [4] sống cuộc đời thánh thiện, phối hợp với Thượng Đế. [5]
        Dịch Kinh viết: «Thánh nhân đức độ sánh với trời đất, sáng láng như hai vầng nhật nguyệt, biến thông tựa bốn mùa, ảnh hưởng người in tựa thần minh…» [6]
        Trung Dung đề cập tới thánh nhân nhiều lần nhất, với những lời lẽ đẹp đẽ nhất. Dưới đây, xin trích dẫn một trong nhiều đoạn.
        Trung Dung viết:
        «Chỉ có đấng chí thánh trong trần thế,
        Mới có đầy đủ thông minh trí tuệ.
        Y như thể có trời ẩn áo giáng lâm,
        Mới khoan dung, hòa nhã, ôn thuần.
        Y như có dung nhan Trời phất phưởng,
        Phấn phát, tự cường, kiên cương, hùng dũng.
        Y như là đã cầm giữ được sức thiêng;
        Trang trọng, khiết tinh, trung chính, triền miên,
        Y như thừa hưởng được đôi phần kính cẩn.
        Nói năng văn vẻ rõ ràng, tường tận,
        Y như là chia được phần thông suốt tinh vi.
        Mênh mang sâu thẳm, ứng hiện phải thì,
        Mênh mang như khung trời bao la vô hạn,
        Sâu thẳm như vực muôn trùng thăm thẳm.
        Thấy bóng ngài, dân một dạ kính tôn,
        Nghe lời ngài, dân tin tưởng trọn niềm,
        Ngài hành động: muôn dân đều hoan lạc.
        Nên thanh danh ngài vang lừng Trung Quốc,
        Vượt biên cương lan tới các nước ngoài.
        Đâu xe có thể đi, người có thể tới lui,
        Đâu có được trời che và đất chở.
        Đâu còn nhật nguyệt hai vầng tở mở,
        Đâu có móc đọng đâu có sương rơi.
        Đâu còn có dòng máu nóng con người,
        Ở nơi đó ngài vẫn được tôn sùng quí báu.
        Thế nên gọi là “cùng trời phối ngẫu”.»
        (Trung Dung, chương 31)
        B. QUAN NIỆM VỀ THÁNH NHÂN THEO CHU HI
        Trong tập Chu Hi học án của linh mục Stanislas Le Gall, dòng Tên, [7] có một đoạn bình luận về thánh nhân như sau:
        «Trên mẫu người quân tử còn có thánh nhân, kiệt tác của Tạo Hóa, tinh hoa của nhân loại.
        «Xét về phương diện bản thể, phương diện «thiên địa chi tâm», thì thánh nhân cũng như mọi người, đều thụ hưởng như nhau. Nhưng điểm làm cho thánh nhân khác biệt chính là tại «khí chất chi tính» ở nơi thánh nhân tinh toàn, thuần túy, y như hạt kim cương trong suốt, mặc tình cho ánh sáng rọi thấu qua.
        Chu Hi nói: «Con người là tinh hoa của ngũ hành, nhưng thánh nhân là tinh hoa của tinh hoa đó…»
        «Trong những thế kỷ tiếp giáp với thời kỳ nguyên thủy, khi hoàn võ còn măng sữa, mới mẻ, khi khí chất hãy còn tinh khiết, thì dĩ nhiên có thánh nhân sinh; đó là thời kỳ hoàng kim, có những thánh nhân, minh triết trị dân, làm cho họ sung sướng. Hứa Dung Trai cho rằng đầu mỗi kỷ nguyên vũ trụ, lại có một vị thánh nhân như Phục Hi. [8] Vũ trụ càng già càng cỗi, vật chất càng ô trọc, thì thánh nhân lại càng trở nên hiếm thấy, và hoàn võ lại dần dà quay trở về trạng thái hỗn mang nguyên thủy.
        «Dưới đây là những vị thánh nhân đã được công nhận:
        1- Phục Hi (2852-2737)
        2- Thần Nông (2737-2697)
        3- Hoàng Đế (2697-2597)
        4- Nghiêu (2357-2255)
        5- Thuấn (2255-2205)
        6- Vũ (2205-2197)
        7- Thành Thang (1766-1753)
        8- Y Doãn (? -1713)
        9- Tỉ Can (? - 1222)
        10- Văn Vương (1232-1135)
        11- Vũ Vương (1196-1116)
        12- Châu Công (? -1105)
        13- Liễu Hạ Huệ (khoảng 600)
        14- Khổng Tử (551-479) [9]
        Vị thánh sau cùng lại là vị thánh được suy tôn, sùng thượng nhiều nhất: đó là đức Khổng. Tử Cống nói trong quyển V, tiết 6, Luận Ngữ: «Thực Trời đã ban nhiều ân trạch nhiều tài năng cho đức Khổng; Ngài chính là vị Thánh…»
        «Thánh nhân chính là mẫu người lý tưởng trong nhân loại, chính là tinh hoa của nhân loại, chính là người đã thể hiện được sự toàn thiện. Sự toàn thiện ấy cũng được gọi là «Thành», là «Chí Thành», «chí thiện», vì thế mà Rémusat đã dịch «thành” là «toàn thiện»; Intorcetta đã dịch là hoàn thiện, tinh tuyền; Legge cũng dịch là tinh tuyền không pha phách tà ngụy.
        «Chu Hi cũng định nghĩa «thành» là chân thực, không còn chút chi man muội, lỗi lầm. [10]
        «Thánh nhân như vậy có một đời sống hoàn toàn phù hợp với thiên lý. Cũng có thể nói thánh nhân được mệnh danh là «thành», chính là vì đã sống cuộc đời hoàn toàn phù hợp với tính bản nhiên, với thiên lý, và vì vậy đã phối hợp được với trời đất, đã sánh được với trời đất.
        «Chu Liêm Khê cho rằng chữ «thành» đồng nghĩa với chữ Thái Cực, với Lý. Thái Cực hay Lý ấy, bất kỳ ai cũng có, nhưng khi Thái Cực hay Lý đã lồng vào hình hài, khí chất không tinh tuyền thì ảnh hưởng sẽ bị giới hạn lại. Chỉ có thánh nhân sống theo tính bản thiện của mình, nên thần trí người nhận định được hằng tính của mỗi vật, mỗi sự; ý chí người hướng về chân, thiện, mỹ, không chút khó khăn và sống trong đường nhân nẻo đức, trong trãt tự và bổn phận, không chút chi vất vả.
        «Nhiều người thường nghĩ «thánh nhân sinh nhi tri chi» và cho là thánh nhân có khối óc thông minh quán triệt, bao quát mọi sự, mọi điều; «thánh nhân cũng thông minh khôn lường như thần minh»… Nhưng Chu Hi cho rằng thánh nhân chỉ thông suốt được những nguyên lý đại cương, và dễ dàng suy ra những áp dụng cụ thể, hữu ích cho mọi người. [11]
        «Đó cũng là ý kiến của Doãn Ngạn Minh (1200), một nhà bình giải Luận Ngữ. Ông nói: «Tuy là bậc thánh nhân, thông minh thiên phú, và sinh nhi tri chi, đức Khổng thường nhắc đi nhắc lại rằng Ngài ham học, hiếu học. Ta đừng tưởng đó là Ngài nói nhún nhường, để khuyến khích các đệ tử theo gương mà cố gắng. Không, Ngài chỉ biết những chân lý hằng cửu, còn những áp dụng cụ thể, đặc thù, ví như những chi tiết về lễ nghi hay nhã nhạc, những chuyện xưa tích cũ, những biến cố lịch sử cổ kim, thời đức Khổng cũng phải học mới biết. Nhưng mỗi khi gặp những vấn đề nan giải, khó khăn, Ngài liền thấu triệt dễ dàng, có những quyết định sáng suốt, những phán đoán xác đáng, minh triết, vì Ngài thông minh tinh tế rất mực.» Chu Hi cho rằng thánh nhân có một khối óc hoàn toàn trong sáng, hàm tàng vạn lý, vừa thoạt mới cảm xúc, liền thông suốt ngay… [12]
        «Các bậc chí thánh đều tiên tri, tiên đoán được sự suy thịnh của các triều đại. Các Ngài biết trước những điều hay, dở xảy tới cho đất nước bằng cách quan sát các hiện tượng thiên nhiên, nhân tình, thế thái, hay bằng phương pháp bốc phệ, thi, qui.»
        «Thánh nhân sở dĩ có cái nhìn tinh tế thấu triệt, vì lòng không bợn tư tà, dục vọng, cho nên mới nhìn thấu đáo được những điều tinh vi huyền diệu.
        «Thánh nhân lại còn là những người có đức hạnh siêu việt, theo đúng Trung Dung, Trung Đạo; xử sự luôn theo chính lý. Mạnh Tử nói: «Các quan năng thì Trời ban cho mọi người, nhưng chỉ có thánh nhân tận dụng được quan năng mình, vì các Ngài sống hoàn toàn hợp với chân lý, hợp với lương tri, lương năng… [13]
        Bình đoạn này Trình Tử cũng cho rằng thánh nhân theo đúng thiên lý, thiên đạo vì vậy đã tận dụng được quan năng mình. Phàm nhân tuy là có đạo lý trong mình, nhưng họ nào có biết, có hay; hiền nhân quân tử, tuy biết và theo, nhưng không hoàn toàn triệt để; duy có thánh nhân là giữ vẹn đạo lý, cho nên mới sử dụng quan năng được đúng mức.
        «Thánh nhân vì không bị dục tình quấy nhiễu, nên lúc nào cũng ung dung thanh thản. Thiên lý, thiên đạo được thể hiện nơi Ngài một cách sáng tỏ để soi đường dẫn lối cho kẻ khác…»
        «Ở nơi thánh nhân, mỗi động tác, mỗi cử chỉ, mỗi lời ăn tiếng nói, ngay đến sự ngơi nghỉ yên lặng, cũng là những bài học hữu ích cho các bậc chính nhân quân tử. Những kẻ phàm phu tục tử nếu không được cải hóa, thời chỉ tại họ đã thâm căn cố đế trong tính hư nết xấu, và lòng họ đã hư hỏng. Còn thánh nhân luôn luôn có thể soi sáng nhân trí và cải hóa nhân tâm. [14]
        «Ảnh hưởng của thánh nhân thực là vô biên như ảnh hưởng của Trời. Chu Hi nói: «Cũng y như xem bốn mùa vần xoay, xem vạn vật sinh hóa, thì biết được thiên lý biến dịch ở khắp nơi mà chẳng cần Trời phải nói nên lời. Ở nơi thánh nhân cũng vậy, động hay tĩnh, nhất nhất đều khải minh nguyên lý huyền diệu; sự toàn thiện, tinh tuyền sẵn chứa nơi người. Và Chu Hi kết luận bằng những lời hết sức hào hứng như sau: «Thánh nhân là hiện thân của Trời.» [15]
        «Dịch Kinh từ lâu vẫn coi con người toàn thiện là có đức độ sánh với Trời. Dịch Kinh viết: «Đức độ người ngang với đức độ trời đất, người sáng láng như hai vầng nhật nguyệt, biến thông tựa bốn mùa, ảnh hưởng người in tựa thần minh…»
        «Tử Tư, trong bộ Trung Dung, cũng nương theo ý Dịch Kinh, chủ trương thánh nhân có thể chuyển hóa chúng nhân bằng gương mẫu và bằng lời giáo hóa, khiến chúng dân có thể tiến hóa đến cùng cực tinh hoa. Như vậy thánh nhân đã giúp đất trời trong công cuộc sinh thành muôn vật, và cùng đất trời hợp thành bộ ba. Thánh nhân sánh vai với Trời, kết hợp với Trời …» [16]
        Những lời bình luận trên về thánh nhân rất là xác đáng. Nó đúng với quan niệm truyền thống Nho giáo. Theo Kinh Thư, thiên Khang Cáo, vua Thành Vương khi phong cho chú là Ông hoàng Khang làm Vệ hầu, đã khuyên Ông Khang phải cố gắng sao cho đức độ «cao vút tới Trời» (Hoằng vu Thiên).
        Ông Khế bình ba chữ «Hoằng vu Thiên» như sau: «Người ta ai cũng có tính Trời. Tính Trời đó ở trong họ như lửa vừa nhen nhóm, như suối vừa tung tỏa. Con người chỉ phải khuếch sung tính Trời đó mà thôi.» [17]
        Vũ Chính bình rằng: «Phải khuếch sung đức hạnh để được hợp nhất với Trời.» [18]
        C. THUYẾT THIÊN NHÂN TƯƠNG DỮ VÀ THIÊN NHÂN HỢP NHẤT TRONG NHO GIÁO
        Cho nên thánh nhân là người «kế thiên lập cực», [19] thay Trời chỉ vẽ cho nhân loại đâu là cực điểm tiến hóa, soi đường dẫn lối cho mọi người tiến tới Trung đạo, tiến tới tinh hoa của nhân loại.
        Quan niệm về thánh nhân của dân tộc Trung Hoa đã cho chúng ta thấy rõ ràng rằng muốn tiến tới Trời, tiến tới tinh hoa của nhân loại, phải thông minh duệ trí, sống cuộc đời nhân đức thánh thiện, phối hợp với Trời.
        Nhưng muốn sống phối hợp với Trời, phải biết Trời ra sao, Trời ở đâu. Đó là cả một vấn đề ! Nho gia cho rằng Trời chính là bản thể nhân loại. [20] Cho nên muốn tìm Trời phải tìm ngay trong đáy lòng mình, vì thế mà Trung Dung đã có một câu rất là táo bạo:
        «Biết người trước phải biết Trời,
        Biết Trời chẳng nổi, hiểu người làm sao?» [21]
        Đọc bộ Thư Kinh Đại Toàn, ta thấy người xưa bàn về tâm pháp của các đấng thánh vương như sau:
        «Tinh ròng chuyên nhất ngày đêm
        Ra công ra sức giữ nguyên lòng Trời.»
        «Đó là tâm pháp Nghiêu truyền cho Thuấn. «Kiến trung», cố đạt tới Trung Dung, tới tinh hoa nhân loại (Thang), «Kiến cực», cố đạt tới tuyệt đỉnh tinh hoa hoàn thiện (Vũ). Đó là tâ pháp của các đời Thương Thang, Chu Vũ. Sự toàn thiện đó hoặc gọi là Đức, là Nhân, là Kính, là Thành, lời tuy khác nhưng ý là một; nghĩa là không ngoài sự làm sáng tỏ nguồn mạch kỳ diệu của tâm hồn. Nói đến Trời thì nghiêm chỉnh lòng lại, là Trời tự hiện; nói đến dân, thì cố cẩn thận tâm tư, dân sẽ được nhờ. Lễ nhạc, giáo hóa cốt là để phát huy tâm hồn. Điển chương văn vật là sự biểu dương phát lộ của tâm hồn. Suy lòng mình ra thì có thể làm cho nhà yên nước trị; thiên hạ bình. Sức mạnh của tâm hồn thực là kỳ diệu vậy.» [22]
        Cho nên thánh nhân giảng dạy không phải là truyền đạo của mình, mà chính là truyền lòng mình; không phải là truyền lòng mình cho người, mà chính là truyền lòng người cho người, [23] bởi vì trong lòng mỗi người đã sẵn có lòng Trời rồi vậy. [24]
        Mạnh Tử viết:
        «Thấu triệt lòng sẽ hay biết tính,
        Hay biết tính, nhất định biết Trời.
        Tồn tâm dưỡng tính chẳng rời,
        Ấy là giữ đạo thờ Trời chẳng sai.» [25]
        Mạnh Tử cũng viết:
        «Cả vạn vật ở trong ta đó,
        Quay về ta, ta cố tinh thành,
        Kiện toàn, hoàn thiện, tinh anh,
        Vui nào hơn được khi mình đang vui...» [26]
        Cho nên muốn tìm đạo Trời phải tìm nơi đáy lòng. Chu Hi viết trong phụ chú chương 1 Trung Dung như sau:
        «Những học giả muốn tìm đạo ấy
        Tìm đáy lòng sẽ thấy chẳng sai.
        Dẹp tan cám dỗ bên ngoài,
        Căn lành sẵn có đồng thời khuếch sung.» [27]
        Trong bộ Cận Tư Lục, Chu Hi lại chủ trương: nếu khai phá được hết chướng ngại vật, thấy được bản tính mình, sẽ đạt tới thiên đạo, và sẽ trở nên một với thánh nhân. [28]
        Vương Dương Minh viết:
        Thần thánh ngàn xưa đều quá vãng,
        Lương tri mới thực chính thầy ta.[29]
        Theo vi ý Kinh Thi, Kinh Thư, ta có thể hiểu truyền thống chính yếu của Nho giáo như sau: Trời sinh ra con người, đã ghi tạc vào lòng con người những khuôn phép thánh thiện tuyệt hảo, để làm di luân, qui tắc hằng cửu cho con người theo. [30] Con người chỉ cần nhận ra bản tâm, bản tính của mình sẽ thấy định mệnh cao sang của mình… chỉ cần sống hoàn toàn theo tiếng gọi lương tâm, nghĩa là gạt bỏ hết mọi tư dục, tư tà, sống cuộc đời công chính cao đại, hoàn toàn theo đúng Thiên lý, Thiên đạo, tức là lên tới mức độ thánh thiện tuyệt vời, thế là đạt tới Trung điểm, Trung đạo, thế là theo đúng mệnh Trời.
        Mạnh Tử nói rằng: «Bực đại nhân vẫn giữ được cái tâm tốt lành của con đỏ.» [31]
        Như vậy thánh nhân chỉ là những người giữ được bản tâm, bản tính, những người giữ được «xích tử chi tâm»; còn phàm phu tục tử chính là những người sống cuộc đời phóng túng chạy theo vật dục bên ngoài, để mất bản tâm, bản tính mình, có thế thôi.
        Thánh nhân và người thường giống nhau ở chỗ cùng có một bản tâm, bản tính, mà khác nhau ở chỗ giữ được và đánh mất nó mà thôi.
        Mạnh Tử viết:
        «Cho nên phàm những vật đồng loại thì bản tính giống nhau. Tại sao riêng về nhân loại, người ta lại nghĩ rằng bản tính chẳng tương tự? Những vị thánh nhân và chúng ta đều là một loại…
        «Tâm tính của người ta giống nhau ở chỗ nào? Tức là ai nấy đều công nhận chỗ hợp lý, hợp nghĩa vậy. (Lý là những lẽ đương nhiên của bản tính, nghĩa là sự thi hành những lẽ đương nhiên ấy). Thánh nhân chẳng qua là những người trước ta đã tỉnh ngộ, và bày tỏ ý nghĩa mà chúng ta nhìn nhận đó…» [32]
        Nếu chúng ta trở nên xấu xa, đánh mất bản tâm, bản tính, thì lỗi tại chúng ta chứ đâu phải lỗi nơi bản tâm, bản tính?
        Mạnh Tử viết:
        «Cây cối trên núi Ngưu Sơn (phía đông nam nước Tề) ngày xưa vẫn tốt tươi. Nhưng vì ở về chỗ giáp mối với một nước lớn, cho nên thường bị búa rìu bửa đốn. Như vậy có thể nào giữ được vẻ tốt tươi được chăng?»
        «Nhưng nhờ có sức mạnh nhựa lưu thông ngày đêm, lại được nước sương tẩm nhuận, cho nên mới đâm chồi nảy mộng. Rồi thì bò, chiên kéo nhau từng đoàn đến ăn phá. Vì vậy mà cảnh núi ấy trở nên trơ trụi. Hiện nay thấy nó trơ trụi, ai ai cũng ngỡ rằng núi ấy chưa từng sản xuất tài mộc. Như thế há nên đổ lỗi cho bản tính của núi sao?»
        «Cái bản tính tồn tại nơi người cũng thế. Người ta há chẳng có những nỗi lòng nhân nghĩa sao. Nhưng vì họ (mê sa theo các sở dục) mà buông mất tấm lòng lương thiện của họ đi, cũng như cảnh núi trở nên trơ trụi vì cây cối đều bị búa rìu bửa đốn hết vậy.»
        «Mỗi ngày họ cứ sát phạt tấm lòng lương thiện của họ mãi thì lòng dạ của họ có thể nào mà tốt đẹp như xưa chăng?»
        «… Cho nên nếu khéo bồi dưỡng thì vật nào cũng sinh nảy thêm ra, còn như chẳng chịu bồi dưỡng, thì vật nào cũng phải tiêu mòn.»
        «Đức Khổng có nói rằng: Giữ thì còn, bỏ thì mất. Nó ra vào không chừng, không ai biết nó ở đâu. Đó là đức Khổng nói về những nỗi lòng lương thiện của con người vậy.» [33]
        «… Nhân là lương tâm con người, nghĩa là con đường chính đại của người. Những ai bỏ con đường chính đại của mình mà chẳng theo, những kẻ để thất lạc lương tâm mình mà chẳng biết tìm nó lại, thật đáng thương hại thay! Mỗi khi con gà, con chó họ chạy lạc, thì họ biết đi kiếm mà đem về. Nhưng tới chừng cái lương tâm họ thất lạc thì họ chẳng biết cách tìm nó trở lại. Người học vấn đạo lý chỉ có cái mục đích này mà thôi: Tìm lại lương tâm thất lạc của mình.» [34]
        Trương Hoành Cừ chủ trương: «người theo đạo Nho sẽ từ chỗ toàn thiến tiến tới chỗ minh triết hoàn toàn. Cho nên «thiên nhân hợp nhất» là tuyệt đỉnh của sự học vấn và như vậy con người có thể thành Thánh…» [35]
        Tống Nho luận về «Thiên tính tại nhân tâm» hay «thánh nhân kết hợp làm một với Trời» thật là rõ ràng. Dưới đây xin đan cử thêm một vài chứng cứ:
        Diệp Lục Đồng chủ trương: «Thiên tính nơi con người cũng như tính nước nơi băng; nước và băng tuy lưu thông hay ngưng kết có khác nhau, nhưng cũng chỉ là một vật; sự hấp thụ ánh sáng nhiều ít có khác nhau, chiếu sáng mờ tỏ có khác nhau, nhưng tinh chất hấp thụ và chiếu diệu ánh sáng chỉ có một.» Cao Trung Hiến bình rằng: «Lấy nước ví Trời, lấy băng ví người, lấy sự lưu thông ngưng đọng để ví sự sống chết; lấy sự hấp thụ ánh sáng để ví sự khác nhau về bẩm chất; lấy sự thâu quang, chiếu quang để ví tính trước sau chẳng có hai.» [36]
        Tôn Chung Nguyên viết: «Trời và Thần chỉ là một, Thánh với Trời cũng chẳng là hai.» [37]
        Trương Tải dạy học trò rằng: «Đã học tất phải nên như thánh nhân rồi mới được thôi. Đòi biết người mà chẳng biết Trời, chỉ cầu làm hiền nhân mà chẳng cầu làm thánh nhân, đó là tệ hại của các học giả từ thời Tần, Hán đến nay.» [38]
        Trương Kỳ Quân, một học giả Trung Hoa lỗi lạc hiện thời, đã viết như sau: trong tạp chí Trung Quốc Nhất Chu và trong bộ Trung Hoa Ngũ Thiên Niên Sử của ông trước tác như sau:
        «Trung Quốc tự thời Đường, Ngu (Nghiêu, Thuấn) tới nay đều có chủ trương Trời người có thể kết hợp… Kính Trời cốt là để yêu người. Yêu người cốt là để kính Trời. Các thánh triết lịch đại chỉ cốt làm sáng tỏ lẽ “Trời người hợp nhất”.» [39]
        Trong bài khảo luận của ông về Chu Dịch, ông cũng viết: «Sách Dịch thật mênh mông bao quát, nhưng đại khái là cốt xiển minh lẽ “Thiên nhân hợp nhất”.» [40]
        Thực ra, ngay ở thời nhà Thanh, khi mà nền văn học, đạo học nước Trung Hoa đã suy vi, những quan niệm trên vẫn còn phổ thông trong giới học giả. Các giáo sĩ Âu Châu cũng đã nhận xét thấy trào lưu này, khi các ngài mới du nhập vào Trung Quốc hồi thế kỷ 16.
        Cha Ricci viết:
        «Trào lưu tư tưởng mà nhiều người theo hiện nay, theo tôi, có lẽ đã vay mượn ở một giáo phái tà thần từ 500 năm nay (Tống triết). quan niệm ấy là: thiên địa vạn vật nhất thể. Hóa công cùng với trời đất, người vật, cỏ cây, tứ tượng điều họp thành như một cơ thể duy nhất mà vạn vật là những phân bộ. Từ quan niệm nhất thể ấy, họ rút ra nhiệm vụ bác ái đối với mọi người, và chủ trương mọi người đều có thể trở nên giống Thiên Chúa …
        Đó là điều mà chúng ta cố gắng phi bác, chẳng những bằng lý luận mà còn bằng uy thế của tiền nhân Trung Hoa, vì các vị ấy đã giảng dạy một học thuyết khác.» [41]
        Nhưng tiền nhân Trung Hoa, như các chứng cứ Kinh Thi, Kinh Thư, Luận Ngữ, Mạnh Tử trích dẫn trên cho thấy, trước sau đều có một chủ trương, một tín ngưỡng y thức như nhau và y thức như các bậc đại hiền triết thời Tống!
        Theo Mạnh Tử thì dẫu là vị thánh ở Đông Di hay là vị thánh ở Tây Di, dẫu là xa nhau nghìn dặm, hay là cách nhau nghìn năm, thì tôn chỉ lề lối cũng y thức như nhau, như hai mảnh tre ở một phù tiết. Đường lối thánh trước thánh sau chỉ là một … [42]
        Để rộng đường khảo sát, so sánh, tôi xin trưng ra đây quan điểm về vấn đề, của một vài vị thánh nhân Thiên Chúa giáo.
        Theo thánh Augustin, thì lương tâm là nơi tâm hồn gặp gỡ Thiên Chúa, là nơi huyền nhiệm của lòng người, nơi là tâm hồn nhận chân được sự hiện diện của Thiên Chúa trong lòng mình. [43]
        Trong một bài giảng thuyết, ngài nói: «Cũng một nhẽ ấy, Thiên Chúa vẫn là Thiên Chúa, vẫn là Ngôi hai… mà đồng thời cũng làm cho các thiên thần sung mãn, hoàn toàn ở khắp mọi nơi, hoàn toàn hiện diện trong hoàn võ, hoàn toàn ở trong các tổ phụ, hoàn toàn ở trong các đấng tiên tri, hoàn toàn ở trong mọi đấng thánh, hoàn toàn ở trong lòng đấng Trinh nữ…» [44]
        Nơi khác ngài than thở: «Lạy Chúa, trong Chúa, con sẽ có sự chắc chắn, vững vàng, và bản thể rốt ráo của con.» [45]
        Thánh Paolo nhìn nhận rằng ngay những người ngoại giáo cũng tuân theo những giới luật của Thiên Chúa đã ghi tạc trong tâm khảm họ. [46]
        Thánh Paolo cũng là vị thánh Công giáo đầu tiên sống với niềm tin say say là có Thiên Chúa hiện diện trong tâm khảm ngài.
        Thánh Paolo viết: «Thiên Chúa là đấng đã truyền cho ánh sáng bừng lên trong tăm tối, chính cũng đã bừng sáng lên trong lòng chúng ta.» [47]
        Nơi khác ngài viết: «Anh em hãy ngợi khen và hãy mang Thiên Chúa trong thể xác anh em.» [48]
        Đời sống của ngài hoàn toàn phối hợp với Thiên Chúa, vì thế ngài mới dám viết cho những người xứ Galates: «Tôi sống chẳng phải tôi sống nữa, mà là Chúa sống trong tôi.» [49]
        Gần đây quan điểm «thiên địa vạn vật nhất thể» và chủ trương «con người có thể tiến hóa tới cùng cực tinh hoa», «có thể phối hợp với Thượng Đế» của Kinh Dịch và của thánh hiền Trung Hoa lại được cha Teilhard de Chardin công khai chủ trương bên phía trời Âu, và được các giới văn học khắp nơi tán đồng và sùng thượng. Phải chăng đó là điềm báo hiệu cho một cuộc Đông Tây gặp gỡ, kim cổ giao duyên trong một tương lai gần gũi? [50]
        Tóm lại đối với hiền thánh Trung Hoa: Đạo Trời vốn đã ẩn áo ở đáy lòng nhân loại.
        Sự toàn thiện toàn mỹ cũng vốn đã nằm sẵn trong đáy thẳm lòng sâu con người.
        Thánh nhân là những người thông minh duệ trí, nhận ra được căn bản hoàn thiện nơi đáy lòng mình, sống hờp với thiên lý, thiên đạo, hợp nhất với Trời. Cực điểm ấy tức là cùng đích đã đặt ra cho nhân loại: Chưa đi đến mức hoàn thiện ấy, dĩ nhiên là nhân loại còn phải tiến hóa mãi. Đại Học vì thế mới đặt lằn mức cho mọi người dừng chân: lằn mức ấy là sự chí thành chí thiện (Chỉ ư chí thiện. Đại Học chương 1).
        Cực điểm ấy cũng chính là Trung điểm, Trung đạo, là Trung Dung.
        Đạo thánh nhân cao siêu toàn mỹ, vì thế mới được Trung Dung khen tặng chẳng tiếc lời. Trung Dung (chương 27) viết:
        «Đạo thánh nhân to sao, to lớn quá,
        Nó mênh mang biến hóa chúng nhân.
        Nó cao, cao vút tới trời thẳm muôn tầm,
        Nó rộng, rộng bát ngát khôn kể xiết.
        Gồm thâu mọi điều lễ nghi chi tiết,
        Bao uy nghi quán triệt hết chẳng trừ.
        Đợi thánh nhân, Trời mới phú thác cho.
        Không đức cả, Trời không ngưng đạo cả,
        Nên quân tử dốc một lòng một dạ.
        Trọng tính Trời, quyết gắn bó học hành,
        Tiến sao cho đến mức rộng rãi tinh anh.
        Mức cao sáng của Trung Dung đạo cả.
        Ôn điều cũ, học thêm điều mới lạ,
        Chuộng lễ nghĩa, sống đời sống nết na.
        Ở ngôi cao, không có thói kiêu xa,
        Ở cấp dưới không làm điều trái nghịch.
        Nước có đạo, chỉ một lời làm tiến ích,
        Nước đảo điên: lặng lẽ đủ dung thân.
        Thơ rằng: Khôn lại còn ngoan,
        Khôn ngoan nên mới bảo toàn tấm thân.»
        D. PHƯƠNG PHÁP TU LUYỆN ĐỂ TRỞ NÊN HIỀN THÁNH
        Như vậy cùng đích của nhân loại đã được xác định rõ ràng: con người sinh ra đời, cốt là để «thực hiện» Thượng Đế ngay từ khi còn ở trần gian này; cốt là để sống một cuộc đời thánh thiện phối hợp với Thượng Đế. Đại Học gọi thế là «dừng chân lại ở nơi toàn thiện tuyệt đối» (chỉ ư chí thiện); Trung Dung gọi thế là «phối thiên» (kết hợp với Trời) (Trung Dung chương 31). Lão Tử cũng chủ trương rằng: «Lý tưởng cao siêu nhất của người xưa là sống phối hợp với Trời.» [51] Gần đây, nhà đại hiền triết Ramakrishna mà dân Ấn Độ coi là một vị thánh sống, một hiện thân của Thượng Đế, đã nói: «uổng thay cho những kẻ đã được diễm phúc sinh ra làm người mà không thực hiện nổi được Thiên Chúa trong đời mình! Họ sinh ra như thế thực là uổng phí, vô ích!» [52]
        Vì thế các Nho gia cự phách và chân chính đã khinh thường mũ áo, công danh, coi rẻ bạc vàng, phú quí, [53] suốt đời cố gắng học hỏi suy tư, cải thiện mình, [54] ngõ hầu trở nên một hiền nhân quân tử, nên một vị thánh nhân, sống hoàn toàn thuận theo thiên lý, phối hợp với Trời …
        Mạnh Tử viết: «Người quân tử trọn đời hằng có điều lo, mà không khi nào có điều sợ. Như cần phải lo thì lo thế này: «Vua Thuấn cũng là người, mình cũng là người. Vua Thuấn đã làm gương mẫu cho thiên hạ, roi truyền cho các đời sau. Còn mình đây chẳng hơn gì một kẻ làng mạc quê mùa.» Đó là điều mình nên lo sợ vậy. Đã lo, thì phải làm sao? Thưa phải làm như vua Thuấn vậy thôi. Còn như sợ thì người quân tử chẳng hề. Việc trái đức nhân mình không làm; việc trái lễ phép mình chẳng động. Như có một buổi, xảy ra điều đáng sợ, người quân tử cũng không lấy làm sợ đó.» [55]
        Sở nguyện của Mạnh Tử là theo đòi đức Khổng mà thôi. [56]
        Vương Dương Minh lập chí cũng chẳng kém.
        Đào Trinh Nhất viết: «Người thường nói “biết con không ai bằng cha”, nhưng ở đây Long Sơn Công dù tài giỏi học đỗ tới trạng nguyên mặc lòng, thật không biết lập chí của cậu ấm con cụ.
        «Cậu (khi ấy Vương Dương Minh mới 12, 13 tuổi) muốn học tới bậc gì cao hơn trạng nguyên, tể tướng, tôn hơn đế vương nữa kia. Học sao tới chỗ có ích cho muôn dân, cho nghìn đời, chứ cầu lấy béo nhà sướng thân, hiển hách một đời có sá kể gì. Xưa nay lắm kẻ chẳng học chữ nào cũng đi tới đó.»
        «Cậu định học đến bậc thánh nhân !»
        «Có lần nghe thầy đồ giảng sách rồi cậu bé Dương Minh hỏi:
        - Thưa thầy, ở đời làm việc gì cao hơn hết?
        - Chỉ có việc đi học thi đỗ thôi. Thầy học trả lời.
        - Thi đỗ không phải là việc cao nhất đâu. Duy có việc học làm thánh hiền là cao hơn tất cả …» [57]
        Mà muốn nên thánh hiền, tất nhiên phải biết quí trọng, biết tài bồi thiên tính, biết rèn luyện, biết khuếch sung nhân tâm.
        Công Tôn Đô Tử thưa với Mạnh Tử: «Cũng đều là người nhưng tại sao có người thành ra đại nhân, có kẻ hóa ra tiểu nhân?» Mạnh Tử đáp rằng: «Ai noi theo cái đại thể của mình thì làm bực đại nhân, ai noi theo cái tiểu thể của mình thì làm tiểu nhân.»
        Công Tôn Đô Tử hỏi tiếp rằng: «Cũng đều là người nhưng tại sao có người noi theo đại thể, có kẻ noi theo tiểu thể ?» Mạnh Tử đáp rằng: «Lỗ tai là cơ quan để nghe, con mắt là là cơ quan để thấy, người ta có thể dùng chúng mà suy tư, chúng nó lại còn bị vật ngoài mê hoặc nữa. Vật trong và vật ngoài giao tiếp nhau, do đó mà những căn cơ ở người, bị các cảnh trần lôi cuốn; lỗ tai mê theo âm thanh, con mắt mê theo sắc đẹp, lỗ mũi mê theo mùi thơm, cái miệng mê theo món ngon, tay chân mình mẩy mê theo vật mịn.
        «Chỉ có tâm là cơ quan để tư tưởng mà thôi. Hễ biết tư tưởng thì rõ thông chân lý; mà chẳng xét nét thì chẳng biết được chính tà.
        «Các cơ quan ấy, từ những cái nhỏ là lỗ tai, con mắt, lỗ mũi, cái miệng, thân thể, tay chân, cho đến cái lớn là tâm chí đều do nơi Trời ban tất cả. Nếu trước mình đã định đặt xong cái đại thể, bồi dưỡng tâm chí, thì những cái tiểu thể như tai, mắt, v.v…chẳng chiếm đoạt quyền hành được. Nhờ đó mình thành ra bậc đại nhân vậy.» [58]
        Sau khi biết mục phiêu của đời mình, sau khi đã biết mình sẽ phải rèn luyện cái gì, phải đặt trọng tâm công tác vào đâu, bấy giờ ta mới để hết tâm trí suy tư, học hỏi [59] để mở mang trí tuệ, rèn luyện cho tâm hồn ngày một thêm sắt son, sáng láng; cẩn thận giữ gìn cho mọi tâm tư, ngôn ngữ, hành vi, cử chỉ của mình, sự giao tiếp đối đãi của mình đối với mọi người lúc nào cũng hợp nghĩa lý, lúc nào cũng quang minh chính đại, không ai có thể chê trách mình được.
        Trung Dung (chương 20) viết:
        «Muốn thông thái không ngoài học vấn,
        Muốn tu nhân phải gắng công lao.
        Muốn lên hùng dũng anh hào,
        Hai câu liêm sỉ ghi vào thâm tâm.
        Trí-nhân-dũng tu thân là lý,
        Biết tu thân ắt trị nổi người.
        Trị người, hiểu biết khúc nhôi,
        Con thuyền thiên hạ âu tài đẩy đưa.»
        Tu thân chẳng qua là cùng lý, trí tri, [60] hàm dưỡng tính tình, [61] chuyên tâm chú ý khử trừ nhân dục, hoàn toàn thuận theo thiên lý. [62]
        Mạnh Tử nói rằng: «cách bồi dưỡng lương tâm hay hơn hết là nên bớt dần những điều ham muốn. Những người nào bớt được những điều ham muốn của mình, có thể chẳng bảo tồn được thiên lý, nhưng ít có cảnh ấy lắm. Kẻ nào tham dục nhiều, có thể bảo tồn được thiên lý, nhưng ít có cảnh ấy lắm.» [63]
        Theo Thượng Thái, Thiên lý và nhân dục là hai lẽ tương đối, người ta có một phần nhân dục tức là diệt mất một phần thiên lý, có một phần thiên lý tức là thắng được một phần nhân dục. Khi người ta đã trừ bỏ được tất cả những dục vọng ở trong lòng thì phần còn lại tức là thiên lý. Bởi vậy, đối với Thượng Thái, kẻ học đạo muốn được giác ngộ, không cần phải tìm những điều xa xôi hư phiếm, chỉ biết «khắc kỷ phục lễ» để giữ toàn thiên lý là đủ. [64]
        Học đạo phải biết tuần tự nhi tiến.
        Trình Y Xuyên cho rằng học đạo cũng phải tuần tự trước sau, có gần, có xa, có thấp, có cao, có dễ, có khó, không thể nhất đán mà lĩnh hội được đạo thể. Người mới bắt đầu học đạo, đã muốn được «mặc thức tâm thông ngay», cũng chẳng khác gì kẻ muốn đứng trên đỉnh núi nhưng không leo núi, muốn ở bên kia sông mà chẳng vượt sông; chỉ là chuyện hão huyền, không thể nào thực hiện được … [65] Thế tức là kẻ sĩ thời mong nên giống hiền nhân, hiền nhân mong nên giống thánh nhân, thánh nhân mong nên giống Trời.
        Đàng khác, công cuộc tu trì rất cần có sự kiên gan, bền chí. Đức Khổng nói: «Tỉ như đắp đất cho thành núi, chỉ còn một giỏ nữa là xong, nhưng mình lại thôi, đó là tại mình bỏ vậy.» [66]
        Đời sống của những người chính nhân quân tử đang tiến bước trên con đường hoàn thiện phải là một bài kinh nguyện trường thiên, [67] sống cuộc đời đạo hạnh mẫu mực khả dĩ có thể treo gương cho mọi người.
        Trung Dung (chương 29) viết:
        «Mỗi động tác quân tử đều nên như mẫu mực,
        Mỗi hành vi là khuôn phép chúng nhân theo.
        Mỗi lời nói, thiên hạ đời sau sẽ nương vào,
        Người xa ngưỡng vọng, người gần không ngán.»
        Tất cả các công trình tu luyện trên đây tuy rất là quan trọng nhưng chưa có thể gọi được là đi đến Trung điểm, cực điểm, chưa gọi được là đạt tới tinh hoa nhân loại. Muốn vào tới Trung cung, Trung điểm, vào tới Trung Dung, còn phải biết nhận ra nguồn gốc và định mệnh cao sang của mình, còn cần phải rũ bỏ tất cả cái mình nhỏ nhoi hèn mọn, mà mặc lấy đại thể, đại đồng. [68] Lúc ấy tâm thần sẽ khinh khoát, quên mọi biên cương, bờ cõi, giới hạn, quên hết mọi tiểu tiết đặc thù, thung dung sống trong toàn thể vô biên. Luận Ngữ cho rằng bậc thánh nhân rốt ráo sẽ không còn bị nội giới hay ngoại cảnh chi phối, thung dung tự tại, không còn tình ý riêng tư, không còn cái mình nhỏ nhoi ti tiện. [69]
        Thế tức là tuyệt hết niềm tây, hoàn toàn quên mình, để phối hợp với Thượng Đế. Đạo Lão gọi thế là «Tâm tử thần hoạt», «lòng chết để thần sống». [70] Đó là trạng thái vô ngã, vô kỷ, bỏ mình, bỏ mọi sự, mà các nhà huyền học mọi đạo giáo đều đề cập tới. [71]
        E. KẾT LUẬN
        Để toát lược và kết thúc thiên này tưởng không gì hơn là dùng những lời lẽ của Trung Dung (chương 20):
        «Hoàn toàn là đạo của Trời,
        Trở nên hoàn thiện đạo người xưa nay.
        Người hoàn thiện cất tay là trúng,
        Chẳng cần suy cũng đúng chẳng sai.
        Thung dung trung đạo tháng ngày,
        Ấy là vị Thánh từ ngày lọt lòng.
        Còn những kẻ cố công nên thánh,
        Gặp điều lành phải mạnh tay co...
        Ra công học hỏi thăm dò,
        Học cho uyên bác, hỏi cho tận tường.
        Đắn đo suy nghĩ kỹ càng,
        Biện minh thấu triệt, quyết mang thi hành.
        Đã định học chưa thành chưa bỏ,
        Đã hỏi han, chưa tỏ chưa thôi.
        Đã suy, suy hết khúc nhôi.
        Chưa ra manh mối, chưa rời xét suy.
        Biện luận mãi, tới khi vỡ lẽ,
        Chưa rõ ràng, không thể bỏ qua.
        Đã làm làm tới tinh hoa,
        Tinh hoa chưa đạt, việc ta còn làm.
        Người một chuyến thâu toàn thắng lợi,
        Ta tốn công dở dói trăm khoanh;
        Người làm mười lượt đã thành,
        Ta làm nghìn thứ, ta ganh với người.
        Đường lối ấy nếu ai theo được,
        Dẫu u mê sau trước sẽ thông.
        Dẫu rằng mềm yếu như không,
        Sớm chày cũng sẽ ra lòng sắt son.»






        CHÚ THÍCH


        [1] Mạnh Tử – Tận Tâm chương cú hạ, tiết 24. Đoàn Trung Còn dịch, trang 269. Hạo Sinh Bất Hại vấn viết: «Nhạc Chính Tử, hà nhân dã?» Mạnh Tử viết: «Thiện nhân dã, tín nhân dã.» «Hà vị thiện? Hà vị tín?» Viết: «Khả dục chi vị thiện, hữu chư kỷ chi vị tín. Sung thật chi vị mỹ, sung thật nhi hữu quang huy chi vị đại, đại nhi hoá chi chi vị thánh, thánh nhi bất khả tri chi chi vị thần. Nhạc Chính Tử, nhị chi trung, tứ chi hạ dã.»
        : « 子,何 ? : « , .» « ?
        : « , . , ,
        , . , ,


        [2] Mạnh Tử – Công Tôn Sửu thượng, 2. Đoàn Trung Còn dịch, trang 99. Hữu Nhược viết: Khởi duy dân tai ! Kỳ lân chi ư tẩu thú, phượng hoàng chi ư phi điểu, Thái Sơn chi ư khâu điệt, hà hải chi ư hàng lạo loại dã. Thánh nhân chi ư dân, diệc loại dã. Xuất ư kỳ loại. bạt hồ kỳ tuỵ. Tự sinh dân dĩ lai, vị hữu thịnh ư Khổng Tử dã.
        : ! , , ,
        . , . . . , .


        [3] Cẩu bất cố thông minh thánh trí, đạt thiên đức giả, kỳ thục năng tri chi
        , , (Trung Dung chương 32)


        [4] Duy thiên thông minh, duy thánh thời hiến. 惟 天 聰 明, 惟 聖 時 憲 (Kinh Thư – Duyệt Mệnh trung, 3): Chỉ có Trời là thông minh, chỉ thánh nhân bắt chước Trời.


        [5] Liêm Khê tiên sinh viết: Thánh hi thiên, hiền hi thánh, sĩ hi hiền.
        廉 溪 先 生 曰: 聖 希 天 賢 希 聖 士 希 賢
        (Chu Tử nguyên đính, Cận Tư Lục tạp chú, quyển 2, trang 1): Thánh cố nên giống Trời; hiền cố nên giống thánh; sĩ cố nên giống hiền nhân.
        – Cố viết: «Phối thiên.» (Trung Dung chương 31)


        [6] Dịch Kinh, Hệ Từ thượng: Quảng đại phối thiên địa, biến thông phối tứ thời, Âm Dương chi nghĩa phối nhật nguyệt, dị giản chi thiện phối chí đức.
        廣 大 配 天 地,變通 配 四 時,陰 陽 之 義 配 日月,易 簡 之 善 配 至 德.


        [7] Le Philosophe Tchou Hi, sa doctrine, son influence par le P. Stanislas Le Gall SJ, pages 63 et ss.


        [8] Au-dessus du Sage ( ou ), brille d’un éclat exceptionnel le chef-d’œuvre de la nature, l’homme idéal, le type achevé de la perfection: le Saint ( ). Sous le rapport de la nature originelle, c’est-à-dire, considéré hors de la matière qui l’individualise, le Saint n’est rien de moins qu’un être quelconque. Ce qui le distingue d’entre tous, c’est que sa substance matérielle est d’une pureté, d’une subtilité extrême, semblable à un diamant de la plus belle eau, qui n’offrirait aucun obstacle au passage des rayons lumineux. L’homme, dit Tchou-tse, est constitué par la portion plus pure de la matière ( ) mais de cette quintessence elle-même la partie superfine est le partage du Saint ( ). Durant les premiers siècles qui suivent le chaos, lorsque le monde est encore dans la force de sa jeunesse renouvelée, la matière, étant plus pure, doit nécessairement produire des êtres plus parfaits: c’est l’âge d’or, le temps où de sages princes font des peuples heureux. Alors, dit Hui Yong Tchai ( ), l’homme est à l’apogée de sa perfection. Au commencement de chaque période cosmique, apparaît un Fou-Hi.


        [9] Mais à mesure que le monde vieillit, la matière se charge d’impureté, les Saints deviennent plus rares, l’humanité se dégrade, l’univers revient insensiblement au chaos, son point de départ.
        Voici la liste des personnages reconnus officiellemeni comme Saints: 1) Fou-Hi (2852-2737); 2) Chen-Nong (2737-2697); 3) Hoang-Ti (2697-2597); 4) Yao (2357-2255); 5) — Choen (2255-2205); 6) Yu (2205-2197); Tch’eng T’ang (1766-1753); 8) I-In (mort en 1713): 9) Pi-Kan (1222); 10) Wen Wang (1331-1135); 11) Ou Wang (1169-1116); 12) Tcheou-Kong (mort en 1105); 13) Lieou h’a Hoei (environ         600); 14) Confucius (551-479)…
        Trong thiên Tận Tâm chương cú hạ, tiết 38, Mạnh Tử cho một danh sách khác đôi chút: Nghiêu (2357-2255); Thuấn (2255-2205); Vũ (2205-2197); Cao Dao (hiền thần của Thuấn và Nghiêu); Thành Thang (1766-1753); Y Doãn (hiền thần của vua Thành Thang, Thái Giáp); Lai Châu (đời vua Thành Thang); Văn Vương (1231-1135); Tản Nghi Sinh (hiền thần của Văn Vương); Thái Công Vọng (hiền thần của Văn Vương); Khổng Tử (551-479).
        Danh sách của Mạnh Tử dĩ nhiên là không đầy đủ. Đạo Nho chỉ chú trọng đến các thánh vương Nghiêu, Thuấn, Văn, Võ mà không đề cập đến Phục Hi, Thần Nông, Hoàng Đế, hay đề cập tới rất ít. Đạo Lão, trái lại, hay tán dương Hoàng Đế… Vả lại Mạnh Tử chỉ muốn nêu ra một thuyết là cứ 500 năm lại có thánh nhân ra đời.


        [10] Le dernier dans l’ordre chronologique, Confucius occupe cependant depuis longtemps, parmi ses congénères, le premier rang d’honneur: il est le Saint par excellence 至 聖 先 師 孔 子… Tse-Kong disait «Certainement le Ciel l’a doué sans mesure: il doit être un Saint»... L’idéal de l’humanité réalisé dans la personne du Saint, la perfection absolue qui est son partage, est bien ce que signifie le term . Rémusat l’a rendu par «la perfection», «la perfection morale»; le P. Intorcetti par «vera solidaque perfectio» Legge le traduit par «sincerity»; simplicity or singleness of Soul»; «the disposition to and the capacity of what is good, without any deteriorating element, with no defect of intelligence or intromission of selfish thoughts».
        Ces derniers mots décrivent très bien les effets de signalés par. Tchou-Hi 德 無 不 實 而 無 不 照 者 聖 人 之 德 所 性 而 有 者 天 道 也 mais ils n’expriment pas clairement ce qu’il est en soi. Tchou-Hi en donne cette definition: 誠 者 真 實 無 妄 之 謂.
        Cet état de conformité est le propre du Saint: 聖 人 之 德 渾 然 天 理 真 實 無 妄.


        [11] Il nous semble que ce qui rend le mieux l’idée de Tch’eng d’après les philosophes chinois, c’est la conformité parfaite d’un être avec sa nature, ou avec le principe d’ordre universel (天 理), c’est par cette conformité que l’homme devient l’égal du Ciel et de la Terre (聖 人 體 道 無 隱 與 天 象 昭 然 莫 非 至 教 常 以 示 人 而 人 自 不察). Tcheng, dit Tcheou-Lien-Ki est synonyme de Tai-Ki ou Li, que chaque être reçoit tout entier; mais il peut être et il east généralement limité dans ses effets par l’imperfection de la matière qui le renferme. Dans le Saint, ces limites n’existent pas: Il agit constamment en conformité avec sa vertueuse nature. Son intelligence perçoit sans effort la raison intime de chaque chose, sa volonté n’éprouve aucune difficulté à se porter au bien et à demeurer ferme dans la voie de la justice, de l’ordre et du devoir.
        Tous les auteurs lui attribuent comme qualité essentielle la science innée, infuse (生 而 知 之 者). La plupart semblent croire qu’elle n’a pas de limite, mais s’étend à tout sans exception: rien n’est caché au regard du Saint: Il est omniscient (聖 人 神 明 不 測 之 號) (Tchou Tse). Tchou-Hi cependant enseigne que l’objet de cette science embrasse seulement les principes généraux d’où le Saint tirera sans peine dans le cours de sa vie, les conclusions pratiques nécessaires pour le bien des hommes...


        [12] C’est l’opinion que In Yen Ming (1100), un des commentateurs du Luen Yu exprime en ces termes: «Lorsque Confucius qui comme Saint possédait la science infuse, nous répète avec insistence qu’il aimait à étudier, il ne faut pas croire qu’il ne parlait ainsi que par pure modestie et pour exciter ses disciples au travail par la force de son exemple. Non, car la science innée n’a pour objet que les principes généraux. Quant à l’application de ces principes, comme par exemple les détails pratiques du cérémonial et de la musique, les choses célèbres de l’antiquité, les évènements des temps anciens et modernes, le Saint lui-même ne peut que par l’étude, en avoir une connaissance certaine. Mais, dès que l’occasion amène devant son esprit les questions les plus difficiles, aussitôt sans effort, il les pénètre à fond; ses décisions sont claires, ses jugements infaillibles 所 謂 聖 者 不 勉不 思 而 至 焉 者 也 (Mong-tse chap. V). 無 思 而 無 不 通為 聖 人 (T’ong Chou), car il est doué d’une pénétration sans mesure. L’esprit du Saint, dit Tch’ou tse, est parfaitement pur et brillant, il contient dans sons ampleur, la raison de toutes choses. A la plus légère impression reçue, il répond à l’instant et rien dans la nature n’échappe à sa pénétration. (Mong tse, chap. XIII, comment)


        [13] L’homme parfait peut lire dans l’avenir la prospérité ou la ruine des dynasties. Tous les changements en bien ou en mal, qui doivent arriver dans l’empire, il les connaît d’avance d’une science certaine, par l’observation des phénomènes de la nature, la disposition de l’herbe divinatoire () et les lignes qu’il remarque sur la carapace de la merveilleuse tortue ().
        La raison de ce pouvoir de claire vue est, dit Tchou-Hi, que la Saint n’a devant les yeux de son intelligence aucune trace d’égoïsme ou de fausseté puisqu’il est de tout point conforme à la nature; rien ne l’empêche donc d’apercevoir les choses les plus subtiles; par sa connaissance admirable, il ressemble, aux Koei-chen (唯 誠 之 至 極 而 無 毫 私 偽 留 於 心 目 之 間).
        Le saint est de plus le paragon de la perfection morale. Il possède toutes les vertus à un degré eminent 聖 者 幾 無 不 明 德 無不 備 者 也 乃 以 能 察 其 幾 焉 (Cf. Tchong Yong 34 comment).
        Constant dans la voie du juste milieu, il agit suivant la droite raison. «Tout homme, dit Mong tse a reçu du Ciel ses sens avec leurs fonctions déterminées, mais le Saint peut seul en faire un usage parfait, parce que, ajoute le Commentateur, seul il sait se conformer de point en point à la direction du principe intérieur (Li) qui l’anime et le dirige (孟 子 曰 形 色 天 性 也 唯 聖人 然 後 可 以 踐 形) (盡 心 上 卅 七).


        [14] Ce passage, dit aussi Tcheng-tse, signifie que le Saint suit en tout la voie que la nature a tracée aux hommes et par là, il fait un bon emploi de ses sens. Le vulgaire possède bien aussi le principe directif (li) mais il l’ignore, le sage ordinaire s’y conforme mais pas parfaitement; seul le Saint peut faire un emploi correct de ses sens.
        : ; ; (Ibid. comment)
        Jamais la passion ne l’émeut: il se possède dans un calme que rien ne saurait altérer. Le principe céleste incoporé dans sa personne ( ) se manifeste et brille au dehors pour éclairer les hommes et les porter au bien. Tout en lui, ses moindres actions, ses paroles, jusqu’à son repos et son silence même, est autant de leçons, que les sages seuls perçoivent et dont ils font leurs profits; mais si le vulgaire et les hommes vicieux ne sont pas transformés, la faute en est uniquement à leurs mauvaises dispositions et à leur volonté dépravée; car la sagesse du Saint est d’elle-même capable d’éclairer tous les esprits, comme sa vertu a la force de changer tous les cœurs. ( ).


        [15] Son influence bienfaisante est sans bornes, comme l’influence du Ciel. «De même, dit Tchou-Hi, que dans le cours régulier des quatre saisons, dans la production et la conservation des êtres de l’univers, se voient partout avec évidence, les effets de l’évolution du principe céleste (天 理) sans que le Ciel doive pour cela rompre son silence; ainsi tout dans le Saint, l’action et le repos, révèle également le principe merveilleux, la droiture parfaite dont il est plein». Et il conclut par ce cri d’enthousiasme: «En un mot, le Saint est le Ciel personnifié».
        四 時行 百 物 生 莫 非 天 理 發 見 流 行 之 實 不 得 言 而 可 見 聖 人 一 動 一 靜 莫 非 妙 道 精 義 之 際 亦 天 而 已 (Luen Yu chap. XVII, No 18 comment)
        Le I-King avait depuis longtemps déjà représenté l’homme parfait
        comme l’égal du ciel en perfection: «Ses vertus, y est-il dit, égalent celles du ciel et de la terre, il brille comme le soleil et la lune, sa régularité est comparable à celle des quatre saisons, son influence rappelle celle des esprits. Si son action devance le Ciel, le Ciel ne le contrarie pas; s’il suit le ciel, il se conforme aux saisons. Et si le Ciel même ne lui résiste pas, combien moins les hommes et les esprits lui résisteront-ils?...»


        [16] Tse-Se, petit-fils de Confucius nous fait dans le Tchoung-Young une description qui semble bien n’être que le développement du passage précédent du I-King. Le Saint nous y est dépeint comme transformant les hommes par la force de son exemple et de ses enseignements, et conduisant tous les êtres jusqu’au complet épanouissement de leur nature. Il aide et assiste le Ciel et la Terre dans la production et la conservation de toutes choses; il est le troisième agent de l’univers (與 天 地 並 位 為 三 也) (Tchoung Young comment) (l’égal même du Ciel) (配天) (Tchoung Young no 22 et no 26 no 31, 配天).


        [17] The critic See says: «Every man has his heavenly nature, which is in him as a fire that has just been kindled or a spring which is just issuing forth. What is required is the widening and enlarging of it. (Cf. James Legge, The Shoo king page 386 notes).


        [18] The words of Woo Ch’ing: 又 當 擴 充 其 德 與 天 為 一 (Hựu đương khoách sung kỳ đức, dữ thiên vi nhất) (James Legge, The Shoo king, page 386, notes)


        [19] Cf. James Legge, The Shoo king, page 428 notes.


        [20] Thiên nhân bản vô nhị, bất tất ngôn hợp. Nhược bất nhất bản, tắc an đắc tiên thiên nhi thiên phất vi, hậu thiên nhi phụng thiên thời? – Trình Hạo, Tống Nguyên Học Án, q. 3, trang 17.
        Âm Phù Kinh của đạo Lão cũng chủ trương: Thiên Tính Nhân Dã, Nhân Tâm cơ dã. Lập Thiên chi Đạo dĩ định nhân dã. 天 性 人 也, 人 心機 也. 立 天 之 道 以 定 人 也 (Thiên Tính là người. Nhân Tâm là máy. Lập ra thiên đạo để định thế nào là người.)


        [21] Tư tri nhân, bất khả dĩ bất tri thiên. , (Trung Dung chương 20)


        [22] «Tinh nhất chấp trung» Nghiêu Thuấn tương thụ chi tâm pháp dã. «Kiến trung» (Thang), «kiến cực» (Vũ), Thương, Thang, Chu, Vũ tương truyền chi tâm pháp dã. Viết đức, viết nhân, viết kính, viết thành, ngôn tuy thù nhi lý tắc nhất, vô phi sở dĩ minh thử tâm chi diệu dã. Chí ư ngôn Thiên, tắc nghiêm kỳ tâm chi sở tự xuất; ngôn dân tắc cẩn kỳ tâm chi sở tự thi. Lễ nhạc giáo hoá tâm chi phát dã; điển chương văn vật tâm chi trứ dã. Gia tề, quốc trị, thiên hạ bình, tâm chi suy dã, tâm chi đức kỳ thịnh hĩ hồ! () ()

        (Thư Kinh Đại Toàn, quyển nhị)


        [23] Cáo Thần Tông viết: Tiên thánh hậu thánh nhược hợp phù tiết, phi truyền thánh nhân chi đạo, truyền thánh nhân chi tâm dã; phi truyền thánh nhân chi tâm dã, truyền kỷ chi tâm dã. Kỷ chi tâm vô dị thánh nhân chi tâm. Quảng đại vô hạn, vạn thiện giai bị. Dục thánh nhân chi đạo khuếch sung thử tâm yên nhĩ.

        (Trùng biên Tống Nguyên Học Án, quyển 1, trang 144.)


        [24] Nhất nhân chi tâm tức thiên địa chi tâm, nhất vật chi lý tức vạn vật chi lý, nhất nhật chi vận tức nhất tuế chi vận.
        (Tống Nguyên Học Án, quyển 15, Y Xuyên học án thượng, trang 2)


        [25] Mạnh Tử viết: Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tính giả. Tri kỳ tính, tắc tri Thiên hĩ.
        孟 子 曰: 盡 其 心者 知 其 性 也. 知 其 性 則 知 天 矣 (Mạnh Tử – Tận Tâm chương cú thượng, 1)


        [26] Mạnh Tử viết: Vạn vật giai bị ư ngã hĩ. Phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên.
        孟 子 曰: 萬 . (Mạnh Tử – Tận Tâm chương cú thượng, 4)
        Lý Phác, một triết gia thời Tống đã muốn đề mộ chí mình như sau: Dĩ thiên vi tâm, dĩ Đạo vi thể, dĩ thời vi dụng : Lấy Trời làm lòng, lấy Đạo (Trời, tuyệt đối thể) làm bản thể, lấy thời gian làm của dùng. (Tống Nguyên Học Án – Bí Giám, Lý chương Công tiên sinh Phác, quyển 1, trang 18)


        [27] Cái dục học giả ư thử phản cầu chư thân nhi tự đắc chi
        蓋 欲 學 者 於 此反 求 諸 身 而 自 得 之 (Trung Dung chương 1– Phụ chú của Chu Hi.)


        [28] Phàm vật mạc bất hữu thị tính. Do thông, tế, khai, tắc; sở dĩ hữu nhân vật chi biệt. Do tế hữu hậu bạc, cố hữu trí ngu chi biệt. Tắc giả lao bất khả khai; hậu giả khả dĩ khai, nhi khai chi dã nan. Bạc giả khai chi dã dị. Khai tắc đạt vu thiên đạo, dữ thánh nhân nhất.
        . 由 . 由 . . . 薄 . 開 (Cận Tư Lục, quyển 1, trang 10)


        [29] Thiên thánh giai quá ảnh lương tri nãi ngô tâm 千 聖 皆 過 影 良知 乃 吾 心 (Vương Dương Minh).


        [30] Duy Hoàng Thượng Đế giáng trung vu hạ dân, nhược hữu hằng tính, khắc tuy quyết du duy hậu
        惟皇上帝,降衷于下民,若有恒性,克綏厥猷惟后 (Kinh Thư – Thang Cáo, tiết 2)
        … Thiên sinh chưng dân, hữu vật hữu tắc; Dân chi bỉnh di, hảo thị ý đức.
        , . . (Kinh Thi, Chưng Dân). (Trời sinh ra khắp muôn dân, Vật nào phép ấy, định phân rành rành. Lòng dân chứa sẵn căn lành, Nên ưa những cái tinh thành tốt tươi.)


        [31] Mạnh Tử viết: Đại nhân giả bất thất kỳ xích tử chi tâm giả dã
        孟 子 曰: 大 人 者 不 失 其 赤 子 之 心 者 也 (Mạnh Tử – Ly Lâu chương cú hạ, 12.)


        [32] Mạnh Tử – Cáo Tử chương cú thượng, tiết 7. Đoàn Trung Còn dịch, trang 157.


        [33] Mạnh Tử – Cáo Tử chương cú thượng, tiết 7 và 8.


        [34] Mạnh Tử – Cáo Tử chương cú thượng, tiết 1.


        [35] Nho gia tắc nhân minh trí thành nhân thành trí minh. Cố «thiên nhân hợp nhất», trí học nhi khả dĩ thành thánh. . . (Tống Nguyên Học Án – Hoành Cừ học án, quyển 17, trang 55)


        [36] Thiên tính tại nhân chính do thuỷ tính chi tại băng. Ngưng thích tuy dị vi vật nhất dã; thụ quang hữu tiểu, đại, hôn, minh; kỳ chiếu nạp bất nhị dã. Cao Trung Hiến viết: Dĩ thuỷ dụ thiên, dĩ băng dụ nhân, dĩ ngưng thích dụ sinh tử, dĩ thụ quang dụ khí bẩm chi bất đồng, dĩ chiếu nạp dụ tính chi bất nhị.
        . . . 其 . . . 以 . 以 (Tống Nguyên Học Án, quyển 17, trang 20)


        [37] Tôn Chung Nguyên viết: Thiên dữ thần phi nhị kiến; thánh nhân tức thiên. (Tống Nguyên Học Án, quyển 17, trang 13)


        [38] Cáo chư sinh dĩ học tất như thánh nhân nhi hậu dĩ. Dĩ vi tri nhân nhi bất tri thiên; cầu vi hiền nhân nhi bất cầu vi thánh nhân, thử tần hán dĩ lai học giả chi đại tế dã.
        . . . (Tống Nguyên Học Án, quyển 17, trang 2. Hoành Cừ học án, thượng)
        «Cùng tính mệnh chi nguyên, tất dĩ thể thiên vi học vấn chi bản.»
        (Liêm Khê học án. Tống Nguyên Học Án, quyển 11, trang 10)
        Thiệu Khang Tiết: «Học mà không đạt được tới trình độ hợp Trời với người, thì không đủ gọi là học.» (Học bất tế thiên nhân bất túc dĩ vi chi học) (Quan vật ngoại thiên).


        [39] Trung Quốc tự Đường Ngu dĩ lai, tức hữu thiên nhân hợp nhất chi tư tưởng. Kính thiên tức sở dĩ ái nhân; ái dân tức sở dĩ tôn thiên. Lịch đại thánh triết mạc bất kế tục hoành dương thử thiên nhân hợp nhất chi đạo. Lão Tử tức kỳ nhất dã. , . ; 天.   道. (Trương Kỳ Quân, Lão Tử. Trung Quốc văn hóa nhất chu, kỳ 623, trang 21. Trung Hoa ngũ thiên niên sử, quyển 3, chương Lão Tử)


        [40] Dịch chi vi thư quảng đại tất bị, nhi ngữ kỳ yếu qui, tắc vi thiên nhân hợp nhất chi đạo. 歸, (Trương Kỳ Quân, Chu Dịch. Trung Quốc văn hóa nhất chu, kỳ 588, trang 21. Trung Hoa ngũ thiên niên sử, quyển 1, chương Chu Dịch, trang 123)


        [41] Cf. Opere storiche, tome I,
        Henri Bernard Maître, Sagesse chinoise et philosophie chrétienne, page 108:
        «Mais l’opinion la plus suivie actuellement et qui me paraît (pare) empruntée à la secte des idoles depuis 500 ans (philosophie des Song), c’est que tout ce monde est fait d’une seule substance, et que le Créateur du monde avec le ciel et la terre, les hommes et les animaux, les arbres et les végétaux, et les quatre éléments, forment un corps continu dont les divers êtres sont les membres. C’est de cette unicité de substance que l’on déduit le devoir de la charité envers les hommes et la possibilité pour tous de devenir semblables à Dieu... voilà ce que nous nous efforçons de réfuter (procuriamo di confutare), non seulement par le raisonnement, mais avec l’autorité de leurs anciens auteurs qui très clairement ont enseigné une doctrine différente... (G. Ricci).


        [42] Mạnh Tử viết: Thuấn sinh ư Chư Phùng, thiên ư Phụ Hạ, tốt ư Minh Điều. Đông di chi nhân dã. Văn Vương sinh ư Kỳ chu, tốt ư Tất Dĩnh. Tây di chi nhân dã. Địa chi tương khứ dã, thiên hữu dư lý, thế chi tương hậu dã, thiên hữu dư tuế. Đắc chí hành hồ Trung Quốc, nhược hợp phù tiết. Tiên thánh hậu thánh, kỳ quĩ nhất dã. 孟 子 曰: 舜 生 於 諸 馮,遷於 負 夏, 卒 於 鳴 條.東 夷 之 人 也.文 王 生 於 岐周,卒 於 畢 郢. 西 夷 之 人 也.地 之 相 去 也,千 有 餘 里; 世 之 相 後 也,千 有 餘 歲. 得 志行 乎 中 國, 若 合 符 節.先 聖 後 聖,其 揆 一 也. (Mạnh Tử – Ly Lâu chương cú hạ, tiết 1. Đoàn Trung Còn dịch, trang 38)


        [43] Cf. Revue des sciences philosophiques et théologiques. (Paris Librairie philosophique J. Vrin 6, Place de la Sorbone V, Tome XLIV No 3 Juillet 1960) page 570:
        «La conscience a pour Augustin une valeur exclusivement religieuse, c’est le lieu de rencontre entre l’âme et Dieu présent en elle...» (J. Stelzenberger, Conscientia bei Augustinus zur Geschichte der Moraltheologie, Paderborn, Schoningh 1959).


        [44] Cf. Henri de Lubac, Aspects du Bouddhisme. Notes 39 du chapitre III, page 176:... Augustin, sermon 263, N. 4: Sic et Dominus manens Deus, manens Verbum... implens angelos, totus ubique, totus in mundo, totus in Patriarchis, totus in Prophetis, totus in omnibus sanctis, totus in utero Virginis... (P. L. 38, 1215): cf Enarratio in psalmum 61, N. 4 (P.L., 730-732)...


        [45] Cf. Henri de Lubac, Aspects du Bouddhisme. Notes 103 du Chapitre I «En toi, mon Dieu, j’aurai ma solidité, ma fixité, mon être définitifs» (Augustin).


        [46] Cf. Romains 2, 14 et 15. Ceux-là (les Gentils) montrent gravées dans leurs cœurs les prescriptions de la Loi…
        Trong Deutéronome, đoạn XXX, câu 11-15, Chúa cũng phán: «Vì luật mà ta truyền hôm nay, không có quá sức, quá tầm ngươi. ó không ở trên trời, để ngươi phải nói: «Ai sẽ trời tìm nó cho ta để chúng ta được nghe biết Luật và tuân cứ.» Nó cũng chẳng cách mấy trùng dương, để ngươi phải nói: «Ai sẽ vượt bể tìm nó cho ta để chúng ta được nghe biết Luật và tuân cứ.» Vì Đạo (Lời) nào có xa ngươi, nó đã ở trong miệng ngươi và lòng ngươi, để ngươi tuân cứ. (Dịch theo Bible de Jérusalem, trang 206)
        Jéremie viết: «Ta sẽ đặt lề luật ta trong đáy lòng họ, và viết lề luật ta vào tâm khảm họ.» (Jéremie 31, 33)


        [47] Le Dieu qui a dit à la lumière de resplendir du fond des ténèbres est Celui qui a resplendi en nos cœurs... (II Corinthiens 4, 6...)


        [48] Glorificate et portate Deum in corpore vestro. (I Cor. 6, 20.)
        (Biblia sacra juxta Vulgatae exemplaria et correctoria romana. Paris Librairie Letouzey et Ane, 87 Boulevard Raspail, page 1265).
        Các bản Kinh thánh bằng tiếng Pháp mới không dám thêm chữ «và hãy mang Thiên Chúa trong thể xác anh em». Crampon chỉ dịch: Glorifiez donc Dieu dans votre corps (La Sainte Bible de Crampon, page 191). Quyển La «Bible de Jérusalem» dịch: Glorifiez donc Dieu dans notre corps; còn chữ «et portez» cho xuống chú thích K nhỏ dưới gầm trang. (Bible de Jérusalem page 1515)


        [49] Ce n’est plus moi qui vis, c’est le Christ qui vit en moi. Aux Galates 11, 20) (Crampon, page 215)... Puto autem quod et ego, Spiritum Dei habeam (Et je pense bien, moi aussi, avoir l’Esprit de Dieu) (Biblia sacra (Vulgata) et Bible de Jérusalem: 1 Cor, 40.
        ... Et ita cadens in faciem adorabit Deum, pronuntians quod vere Deus in vobis sit. (I Cor. XIV, 25) (Và bấy giờ hắn sấp mình xuống đất, thờ phượng Thiên Chúa, và nói thực có Thiên Chúa trong anh em). La Bible de Jérusalem và La Sainte Bible de Crampon dịch chữ «In vobis» là «parmi nous» thiết tưởng không đúng, vì «inter» mới là «parmi», còn «in» phải dịch là «en».


        [50] Pierre Teilhard voit le cosmos tout entier construit à partir d’une seule et même énergie, cette énergie s’actualise sous des aspects très différents. La science, particulièrement la physique, confirme de plus en plus le bien fondé de cette conception...
        George Magloire & Hubert Cuypers, Teilhard de Chardin, page 131.
        … Teilhard de Chardin résume admirablement sa conception cosmique dans ces quatre propositions:
        «Je crois que l’univers est en évolution.»
        «Je crois que l’évolution va vers l’Esprit.»
        «Je crois que l’Esprit s’achève en Dieu personnel.»
        «Je crois que le Personnel suprême est le Christ universel.»
        Ibid. page 222.


        [51] Thị vị phối thiên cổ chi cực . Lão tử Đạo đức kinh, chương 68.


        [52] «Il est né en vain, celui qui, ayant le rare privilège d’être né homme, est incapable de «réaliser» Dieu dans cette vie.» (L’enseignement de Ramakrishna, p. 5)


        [53] «Người quân tử lấy đạo đức sung thực làm quí, lấy thân được làm giàu, còn xem hiên miện là nhỏ nhen, xem kim ngọc là tro bụi.» (Chu Liêm Khê, 1017-1073). Tống Nho của Bửu Cầm,trang 52.


        [54] Học giả sở dĩ trị tâm dã; học tuy đa, nhi tâm bất trị, hà dĩ học vi? 學 者 所 以 治 心 也 學 雖 多 而 心 不 治 何 以 學 為 (Học là cốt để sửa trị tâm hồn; học nhiều mà tâm hồn chẳng sửa trị, thì học để làm gì?) (Tốc Thủy học án. Tống Nguyên Học Án, quyển 4, trang 5.)


        [55] Mạnh Tử – Ly Lâu chương cú hạ, 28. Đoàn Trung Còn dịch, trang 61.


        [56] Nãi sở nguyện tắc học Khổng Tử dã. 乃 所 願 則 學 孔 子 也 (Mạnh Tử – Công Tôn Sửu chương cú thượng, 2. Đoàn Trung Còn dịch, trang 95-97)


        [57] Cf. Đào Trinh Nhất, Vương Dương Minh, trang 41-42.


        [58] Mạnh Tử – Cáo Tử chương cú thượng, 15. Đoàn Trung Còn dịch, trang 173.


        [59] Nho gia chủ trương phải suy tư học hỏi nhiều mới có thể thành thánh nhân được. Kinh Thư (Hồng Phạm, 6) viết: «Tư viết duệ… duệ tác thánh» 思 曰 睿 睿 作 聖 (Suy tư sẽ thông tuệ… thông tuệ sẽ thành thánh). Kinh Thư (Đa Phương, 17) lại viết: «Thánh võng niệm tắc cuồng, duy cuồng khắc niệm tác thánh» (thánh mà bỏ suy niệm sẽ thành cuồng nhân; cuồng nhân chịu suy niệm sẽ thành thánh).
        Đức Khổng nói: «Trước đây ta mảng trầm tư, mặc tưởng mà trọn ngày quên ăn, trong đêm quên ngủ. Không có ích. Chẳng bằng học.» (Luận Ngữ – Vệ Linh Công 15-30)
        Y Xuyên (Trình Di, 1033-1107): Muốn «cùng lý», cần phải suy nghĩ chín chắn. Vì thế Y Xuyên nói: «Không suy nghĩ chín chắn ắt không thể đến được cõi đạo lý.» (Bất thâm tư bất năng tháo ư Đạo). «Không suy nghĩ chín chắn mà đắc đạo thì sự được ấy dễ mất.» (Bất thâm tư nhi đắc giả, kỳ đắc dị thất). «Tư lự lâu ngày, sự minh duệ tự nhiên sinh ra» (Tư lự cửu hậu, duệ tự nhiên sinh). «Đại phàm học vấn do sự nghe biết, đều không thể gọi là tự đắc. Kẻ tự đắc nên mặc thức tâm thông… Nghe thấy mà biết, không phải sự hiểu biết của đức tính. Sự hiểu biết của đức tính không mượn ở kiến văn» (Đại phàm học vấn, văn chi tri chi, giai bất vi đắc. Đắc giả tự mặc thức tâm thông… văn kiến chi tri phi đức tính chi tri. Đức tính chi tri bất giả kiến văn.) (Tống Nho của Bửu Cầm, trang 93)


        [60] Thượng Thái nói rằng: «Sự đại yếu của người học nơi cửa thánh là lấy việc khắc kỷ làm gốc. Khắc kỷ phục lễ, không có tư tâm thì hợp với thiên lý.» (Thánh môn học giả, đại yếu dĩ khắc kỷ phục lễ vi bản. Khắc kỷ phục lễ, vô tư tâm yên, tắc thiên hĩ.)
        Với tư tưởng ấy Thượng Thái bàn về những chữ cách vật cùng lý như thế này: «Gọi là cách vật cùng lý, phải nhận rõ thiên lý mới được. Điều gọi là thiên lý, tự nhiên thích hợp với đạo lý, không có một hào ly đặt để ra.» (Sở dĩ cách vật cùng lý, tu thị nhận đắc thiên lý thủy đắc. Sở vị thiên lý giả, tự nhiên để đạo lý, vô hào phát đỗ soạn.) Lại nói: «Người học đạo phải nên cùng lý. Muôn vật đều có lý. Cùng lý hẳn hiểu biết được điều sở vi của Trời. Biết được sở vi của Trời, hẳn cùng Trời làm một. Cùng Trời làm một thì khi nào cũng hợp lý cả.» (Tống Nho của Bửu Cầm, Thượng Thái Tạ Lương Tá, 1050-1103, trang 99)


        [61] Lấy sự «hàm dưỡng» và «học vấn» làm hai phương pháp chủ yếu của người học đạo, Y Xuyên đã nói rằng: «Hàm dưỡng nên dụng sự thành kính, còn tiến học thì tại trí tri.» (Hàm dưỡng tu dụng kính, tiến học tại trí tri). Bởi «hàm dưỡng» là gốc, «học vấn» là ngọn; gốc và ngọn không thể thiếu được ở cây, cũng như hai điều «hàm dưỡng» và «học vấn» không thể thiếu được ở người học đạo. (Tống Nho của Bửu Cầm, Trình Y Xuyên, trang 92)


        [62] Vì vậy nếu người ta muốn tồn thiên lý khử nhân dục, thì phải biết giữ lấy điều nhân, và làm cho nó càng ngày càng tăng trưởng. Khi mà trong tâm của người ta chỉ còn có thiên lý, không có mảy may nhân dục, thì lúc tĩnh ắt hợp với điều Trung, lúc động ắt hợp với điều Hòa. Vì thế nên những mối thiện, ác, chính, tà của lòng người chỉ kết thúc trong mấy chữ thiên lý và nhân dục. Thuận theo thiên lý gọi là đạo tâm; tùy theo nhân dục thì gọi là nhân tâm. – Tống Nho của Bửu Cầm: Chu Hi (1130-1200), trang 144.


        [63] Mạnh Tử - Tận Tâm chương cú hạ, 35. Đoàn Trung Còn dịch, trang 279.


        [64] Tống Nho của Bửu Cầm, trang 102.


        [65] Tống Nho của Bửu Cầm, trang 93.


        [66] Luận Ngữ – Tử Hãn IX-18.


        [67] Tử viết: «Khâu chi đảo cửu hĩ.» (Luận Ngữ – Thuật Nhi VII-34)


        [68] «Bậc chí nhân lấy trời đất làm một thân, và lấy phẩm vật vạn hình ở giữa khoảng trời đất làm tứ chi bách thể» Há có người nhìn tứ chi bách thể mà không thương thay. Thánh nhân là bậc chí nhân chỉ một mình thể được cái tâm ấy; há thường chia lìa nhiều mối để tìm nó ở bên ngoài ? (Chí nhân tắc thiên địa vi nhất thân, nhi thiên địa chi gian, phẩm vật vạn hình, vi tứ chi bách thể. Phù nhân khởi hữu thị tứ chi bách thể nhi bất ai giả tai. Thánh nhân, nhân chi chí dã, độc năng thể thị tâm nhi dĩ, hạt thường chi li đa đoan nhi cầu chi tự ngoại hồ.) – Tống Nho của Bửu Cầm: Trình Hạo, trang 78.


        [69] Luận Ngữ – Tử Hãn IX-7.
        - «Người học đạo phải nên cùng lý. Muôn vật đều có lý. Cùng lý hẳn hiểu biết được điều sở vi của Trời. Biết được sở vi của Trời, hẳn cùng Trời làm một… Kẻ còn thấy TA ấy là chưa thể cùng lý. Ai biết được cái ta chân thật?» (Tạ Lương Tá, 1050-1103. Tống Nho của Bửu Cầm, trang 99).


        [70] Minh đạt ngôn tâm ký tử tắc thần hoạt. Cổ nhân vân: Tâm tử thần hoạt. Tâm tử  tắc du thần tử hĩ. Du thần tử nhi nguyên thần hiện; như nhân dục tận nhi thiên lý hiện. Thị dĩ viết: Minh đạt nhị tự giả tức như ngôn: Minh tâm kiến tính dã. Minh giả, quang nhi bất muội. Đạt giả thông nhi bất trệ. Thị nguyên thần bất thức trung chi thức, lương tri, lương năng dã. Đáo thử tắc trí huệ sinh hĩ.
        明 達 言 心 既 死 則 神 活. 古 人 云 心 死 神 活. 心死 則 遊 神 死 矣 . 遊 神 死 而 元 神 現 ; 如 人 欲 盡 而 天 理 現 . 是 以 曰 明 達 二 字 者 即 如 言 明 心 見 性 也 . 明 者 光而 不 眛 . 達 者 通 而 不 滯 . 是 元 神 不 識 中 之 識 良 知 良 能 也. 到 此 則 智 慧 生 矣  (Huỳnh Đình Kinh chú. Ngoại Cảnh Ngọc Kinh, quyển thượng trang 17. Tung Ẩn Tử Thạch Hòa Dương thuật)


        [71] Huyền học Lão giáo
        «Đại đồng nhi vô kỷ» 大 同 而 無 己 (L’éloge substantiel de cet homme se résume en ces mots qu’il est un avec le Grand Tout. Il est le Grand Tout et n’est plus lui-même.) (Trang Tử – Tại Hựu, tiết E. Léon Wieger, Tchoang Tzeu, chapitre II, E)
        «Chí nhân vô kỷ thần nhân vô công thánh nhân vô danh.»
        至 人無 己 神 人 無 功 聖 人 無 名 (Trang Tử - Tiêu Diêu Du, tiết C.)
        Huyền học Phật giáo
        «Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm» 應 無 所 住 而 生 其 心 (Kim Cương Kinh)
        Tòng lai chí đạo dữ tâm thân; học đáo vô tâm đạo tức chân.
        從 來 至 道 與 心 親 學 到 無 心 道 即 真 (Tính Mệnh Khuê Chỉ, 11-13)
        Phật giáo luôn tha thiết với vấn đề «phá ngã chấp».
        Huyền học Bà La Môn giáo
        «Kìa sông tới biển thời tiêu
        Hết điều danh sắc, hết điều riêng tây
        Trở thành biển cả từ đây
        Gọi là biển cả từ nay khác gì
        Con người nhìn lại cũng y
        Khi mười sáu bộ đã qui về Ngài
        Còn đâu danh tướng lôi thôi
        Rồi ra cũng chỉ là ngôi chân thần
        Thế là vĩnh cửu bất phân
        Chẳng còn bộ phận, còn thuần tinh hoa
        Đã điều qui tụ hiệp hòa
        Như đũa liền trục ắt là chân nhân.
        Chân nhân là chính chân thần
        Tử sinh thôi hết bận tâm lo lường.»
        (Prasna Up. 6-5-6 – Brih Upd 4-4, 1-2)
        Huyền học và thánh kinh Công giáo
        Si quelqu’un veut venir à ma suite, qu’il se renonce lui-même, qu’il prenne sa croix et qu’il me suive... (Mat. 16, 24)
        Ce n’est plus moi qui vis, c’est le Christ qui vit en moi. (Aux Galates 11, 20).
        Ut langueat et liquefiat anima mea solo semper amore et desiderio lui, te concupiscat et decficiat in atria tua, cupiat dissolvi et esse tecum (Prière de St Bonaventure, Paroissien Romain page 58... en sorte que mon âme languisse et se fonde sans cesse d’amour et de désir pour vous seul. Qu’elle soupire après vous et se sente défaillir à la pensée de vos tabernacles, qu’elle n’aspire qu’à sa délivrance et à son union avec vous.)

        <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.06.2009 13:19:36 bởi huytran >
        #4
          huytran 30.06.2009 12:40:15 (permalink)
          Chương 3
          Quan niệm thiên tử Trung Hoa đối chiếu với
          quan niệm thiên tử trong các quốc gia Âu Á cổ kim
           
          I. QUAN NIỆM THIÊN TỬ THEO TRUNG HOA
          A. SỨ MẠNG VÀ THIÊN CHỨC
          Thánh nhân lĩnh mệnh Trời trị dân thì được gọi là Thiên tử.
          Theo nguyên nghĩa, Thiên tử tức là con Trời, hay nói theo từ ngữ Âu Châu, là con Thiên Chúa.
          Thánh thiện phối hợp với Trời, thông minh, duệ trí, xứng đáng là tinh hoa nhân loại, thiên tử sẽ ở ngôi hoàng cực, tâm điểm nhân quần, thay Trời trị dân. Thiên tử là những Người Trời (Homme-Dieu), làm môi giới giữa Trời và người.
          Phù hiệu của các vị Thiên tử Trung Hoa là rồng vàng, vì theo Dịch Kinh, rồng tượng trưng cho sự biến hóa vô lường, cho Càn Đạo, cho Thiên Đạo, [1] và theo Hà Đồ, màu vàng là màu của Trung cung, Trung điểm.
          Trên phẩm phục nhà vua có thêu mười hai hình gọi là mười hai chương, phân phối như sau:
          1- Mặt trời (nhật )
          2- Mặt trăng (nguyệt )
          3- Những vì sao (tinh thần 星辰)
          Nhật, nguyệt, tinh thần lấy ý nghĩa soi sáng. [2]
          4- Núi lấy nghĩa vững vàng (sơn )
          5- Rồng lấy nghĩa biến hóa (long )
          6- Chim trĩ lấy nghĩa văn hoa (hoa trùng 華蟲) [3]
          [4]
          Nửa áo dưới (thường) có thêu:
          7- Bình tông di, có mang hình con hổ và con vị (một thử khỉ đuôi dài) tượng trưng cho quyền tế lễ (tông di 宗彞)
          8- Rau tảo, lấy nghĩa khiết tịnh, thanh đạm (tảo )
          9- Gạo trắng, có nghĩa nuôi nấng (phấn mễ 粉米)
          10- Lửa có nghĩa sáng soi và làm cho ấm áp (hỏa )
          11- Lưỡi rìu chỉ sự quyết đoán, và quyền sửa phạt (phủ )
          12- Chữ phất, thành bởi hai chữ kỷ quay lại với nhau, chỉ sự cân nhắc, thận trọng. (phất ) [5]
          Cũng như Thượng Đế ngự giữa hoàn võ làm khu nữu cho vũ trụ, hoàng đế cũng ngự giữa đất nước để cai trị muôn dân.
          Các sơ đồ về tổ chức quốc gia thời Hạ, thời Thương, thời Chu chứng minh điều đó:



          [6]
          Thiên tử còn có thể sánh được với ngôi sao bắc Thần, vì ở trên trời, Bắc Thần làm khu nữu cho muôn phương. [7]
          Thiên tử thay Trời trị dân, làm môi giới giữa Trời và người nên nắm trọn trong tay cả thần quyền, thế quyền. Do đó ta thấy các vị thiên tử có thể phong thánh, phong thần, tế lễ Thượng Đế, v.v… Trung Hoa thời cổ không có hàng giáo sĩ riêng biệt.
          Trong bộ Trung Hoa Ký Sự, các vị thừa sai ở Bắc Kinh đã viết như sau: «Hoàng đế lại còn là vị giáo chủ trong nước. Chỉ ngài có quyền công khai dâng lễ tế Trời; từ Phục Hi đến Càn Long, không ai nảy ra ý định tước quyền ấy của vua.
          Chúng dân đối với vua, như là con nhỏ đối với cha. Vua là cha chung, truyền lệnh cho dân, như là cho bày con, những điều phải làm. Vua cai trị dân và lo cho dân mọi sự. Nếu cần xin trời đất giáng phúc, thì đã có vua cầu đảo. Tóm lại, những nguyên tắc chính trị và đạo giáo Trung Hoa thực là giản dị: Bổn phận cha đối với con, con đối với cha sao cho phải đạo, đó là nền móng chính trị. Thờ Trời, thờ thần, thờ tổ tiên, đó là nền móng đạo giáo của một dân tộc khi đã chấp nhận một quan niệm thời không hề đổi thay, của một dân tộc trung kiên nhất hoàn cầu.» [8]
          Hồng Phạm dành chương 5 để dạy nghệ thuật làm vua, vì số 5 ở Trung cung, tâm điểm, tượng trưng cho Đạo, cho Trời, vì chương 5 Hồng Phạm dạy vua lề lối sống xứng đáng thể hiện Trời, Đạo nơi trần thế. [9]
          Thiên tử xứng đáng với tước hiệu và ngôi vị mình, phải nhân đức tuyệt vời.
          Muốn là hoàng đế phải có đức độ sánh với Trời.
          Khang Hi tự điển ghi chú về chữ Hoàng và chữ Đế như sau:
          Hoàng là lớn, là Trời. [10]
          Đế là có đức hợp với Trời. [11]
          Những vị thánh vương Trung Hoa tin tưởng mình là con Trời, cho nên khi cầu khẩn Trời thì xưng mình là «tiểu tử» là «con nhỏ», còn khi đối thoại với mọi người thì xưng mình là «dư nhất nhân», là «một mình ta». [12]
          Lúc nhà vua mất, Lễ Ký gọi là «đăng hà», ý nói lên một nơi xa thẳm như là lên trời [13] và trên bài vị dùng chữ «Đế» nghĩa là được phối hợp với Thượng Đế. [14]
          Kinh Thi cũng còn ghi lại niềm tin ấy. Kinh Thi viết:
          «Uy danh vang khắp nước non
          Trời coi vua Võ là con của Trời
          Nước Châu vinh hiển mấy mươi
          Ý vua đà muốn, người người hãi vâng
          Nhu hoài đến cả chúng thần
          Tấm lòng lân mẫn thấm nhuần non sông
          Võ Vương đáng mặt Cửu Trùng…» [15]
          Đoạn Kinh Thi này làm ta liên tưởng đến một đoạn Thánh Vịnh tương tự:
          Trên Sion Chúa đặt ta
          Làm vua núi thánh truyền ra luật Ngài
          Cùng ta, Chúa phán lời chí thiết:
          «Con là Con nay thiệt Cha sinh
          Hãy xin gia sản Cha dành
          Bốn phương cõi đất quyền hành Cha ban
          Con thống trị khắp toàn dân đó
          Roi sắt dùng phạt cả thế gian
          Con sẽ đập chúng cho tan
          Như bình thợ gốm ra ngàn mảnh rơi…» [16]
          Tóm lại, thiên tử chẳng những là thay Trời trị dân, mà còn treo cao gương nhân đức cho mọi người soi.
          «Đấng thánh nhân ở ngôi cao, đã lập ra được một gương mẫu tuyệt đỉnh về nhân đức, lấy chính bản thân mình, đời sống mình để dạy dỗ thiên hạ, lại dùng lời nói để giáo hóa thiên hạ; lấy đời sống mình dạy dỗ, tức là cho chúng dân trông thấy những hành vi, cử chỉ của mình, lấy lời lẽ dạy dỗ để dân ca tụng ngâm vịnh cho thuộc, cho nhớ. Cả hai phương diện đều cần thiết, không thể bỏ dân nào được.
          «Trong thiên hạ chỉ có Lý là hằng cửu, là cao đại, lời minh diễn về Hoàng Cực, tức là thuần chân, thuần lý, vì thế nên gọi là hằng cửu, là cao đại. Lý đó bắt nguồn từ Trời, vì Trời đã đem chân lý ấy ghi tạc vào tâm khảm con người, nên những lời lẽ hợp với chân lý, hợp với lương tâm con người tức là lời giáo huấn của Trời – Trời tức là vị thánh nhân không nói. Thánh nhân tức là Trời biết nói, một là hai, hai là một vậy.» [17]
          B. ĐỨC ĐỘ CÁC VỊ CHÂN THIÊN TỬ TRUNG HOA
          Lịch sử Trung Hoa đã ghi chép và đã khen lao đức độ các vị thánh quân, những bậc chân thiên tử.
          Hoàng đế được coi là vị thánh nhân. Trong Hoàng Đế Nội Kinh Tố Vấn, chương Thượng Cổ Thiên Chân Luận có ghi chú như sau:
          «Trong khi đúc đỉnh ở Đỉnh Hồ Sơn xong thì Hoàng Đế lên trời giữa ban ngày. Quần thần chôn áo mão ngài ở Kiều Sơn…» [18]
          Vua Thành Thang biết «lấy Trời làm lòng mình», nghĩa là hoàn toàn sống phối hợp với ý Trời. [19]
          Sử chép vua Nghiêu rất thương dân. Ngài nói: «Thấy một người dân đói, ta thấy như là ta đói; thấy một người dân rét, ta thấy như là ta rét; thấy một người dân bị áp bức, ta thấy như là ta bị áp bức.» [20] Vì thế, dân chúng coi Ngài như cha, và khi Ngài băng hà, trong ba năm trong nước không nghe thấy tiếng âm nhạc. [21]
          Vua Đại Võ khen vua Thuấn như sau: «Lời nói phải không còn bị che đậy giấu diếm, đồng nội không còn sót hiền tài. Muôn nước đều yên. Vua cư xử vừa lòng chúng dân, bỏ ý mình theo ý người, không hiếp đáp kẻ bơ vơ, không ruồng rẫy người cùng khốn, chỉ vua Nghiêu là được thế.»
          Ích Tắc nói tiếp: «Vâng, đức vua Nghiêu lẫy lừng vang khắp. Ngài là thánh, là thần, gồm văn, gồm võ. Trời cao thương Ngài, trao cho mệnh cả… Ngài gồm thâu bốn bể, làm vua thiên hạ.» [22]
          Trong Chiến Quốc Sách có chép: Đời vua Vũ có viên quan tên là Nghi Địch nấu rượu rất ngon. Nghi Địch dâng rượu lên vua. Vua Vũ uống vào, thấy rượu ngon ngọt, phán rằng: «Đời sau ắt có vị vua vì rượu mà mất nước.» Ngài bèn xa lánh Nghi Địch, và tự hậu chẳng hề uống rượu. [23]
          Trong một cuộc tuần thú, vua Đại Võ trông thấy một tội nhân, liền xuống xe, han hỏi và khóc ròng. Tả hữu nói: «Tội nhân này trái đạo, đức vua can chi phải khổ đau?» Vua nói: «Thời Nghiêu Thuấn, dân lấy lòng Nghiêu, Thuấn làm lòng mình. Ta nay lên làm vua, bách tính theo ý riêng mình, vì vậy ta khóc. Vạn phương có tội, lỗi tự mình ta…» Một hôm Ngài qua sông Giang, bị con rồng vàng đội thuyền lên. Cả thuyền đều sợ. Nhà vua không thay đổi thần sắc nói: «Ta chịu mệnh Trời, một niềm tận tụy vì dân. Sống chết của ta là do ý Trời, rồng này làm gì được ta.» Thoắt thôi, rồng cúi đầu cúp đuôi lặn mất. [24]
          Chu Công nói: «Trung Tông nhà Ân kính sợ mệnh Trời, giữ mình, trị dân cẩn thận, hãi hùng không dám hoang toàng, yên vui. Cho nên vua Trung Tông hưởng nước 75 năm. Tới đời vua Cao Tông, trước vốn khó nhọc ở ngoài cung, làm lụng với dân hèn, cho nên khi lên ngôi, có thời cư tang trong lều, ba năm không nói. Về sau vua cũng ít nói, nhưng khi nói ra là hợp lẽ. Ngài không dám hoang toàng, yên vui. Làm đẹp, làm yên nước Ân, cho nên kẻ nhỏ người lớn không hề khi nào oán trách. Cao Tông trị nước 59 năm. Văn Vương phục sức xoàng xĩnh, chỉ chăm việc trị an và canh nông. Ngài khiêm cung nhu mì, thương yêu, bênh vực dân hèn, làm ơn cho kẻ góa bụa. Từ sớm đến trưa, từ trưa đến tối, vua không còn có thời giờ rảnh để ăn, mà mê mải lo cho muôn dân được vui hòa. Ngài không dám ham mê chơi săn. Thâu thuế các nước thì chỉ thâu chính đáng. Cho nên vua Văn chịu mệnh khi đã đứng tuổi, mà còn hưởng nước được 50 năm.» [25]
          Đức Khổng khen các thánh vương thời cổ như sau: «Cao siêu thay! Thuấn Vũ có thiên hạ mà lòng không dính bén.» [26]
          «… Đức nghiệp vua Nghiêu to lớn biết bao! Cao siêu biết bao! Chỉ có Trời là lớn; chỉ có vua Nghiêu sánh được với Trời. Lồng lộng thay! Dân chúng không thể khen tặng cho xiết. Cao siêu thay sự thành công của Ngài ! Lễ nhạc, pháp độ Ngài rõ ràng thay.» [27]
          «Vua Văn nhà Châu được hai phần ba thiên hạ theo mình mà vẫn phụng sự nhà Ân. Đức độ ấy có thể gọi là chí cực vậy.» [28]
          Đức Khổng nói: «Vua Vũ nhà Hạ ta chẳng chê trách được. Trong việc ăn uống ngài giữ đạm bạc, nhưng trong việc cúng tế quỉ thần thì lại trọng hậu. Y phục ngài thường mặc thì xấu, nhưng áo mão Ngài trang sức trong dịp cúng tế thì lại rất đẹp. Cung thất của Ngài thì nhỏ hẹp, nhưng ngòi lạch trong nước thì Ngài tận lực sửa sang. Vua Vũ nhà Hạ ta chẳng chê trách được.» [29]
          Đọc lịch sử ta thấy các vị thánh vương xưa rất trọng dân, thương dân, cai trị dân một cách dân chủ và bình dị.
          Vua Nghiêu cho đặt trống và bản trước triều ca. Hễ ai muốn can gián khuyến cáo nhà vua thì đánh trống xin vào triều kiến, hoặc là viết lời gián nghị lên bảng.[30]
          Vua Đại Võ cho treo chuông, trống lớn, khánh, mõ, trống khẩu tại triều đình. Vua truyền viết trên giá chuông trống như sau: «Ai muốn chỉ dẫn quả nhân về đạo lý, xin đánh trống lớn, muốn khuyến cáo về việc nghĩa xin đánh chuông, muốn trình bày công việc xin đánh mõ, muốn khiếu oan xin đánh khánh, muốn thưa kiện xin đánh trống khẩu.»
          Vua thường nói: «Các hiền sĩ lận đận ngoài đạo lộ còn khả trợ. Nhưng để họ lận đận trước cửa ta thì không thể được.» Nên nhiều khi nhà vua đang gội đầu, phải bỏ dở, vắt tóc đến hai ba lần, có ngày lại mất cả ăn uống thư thả, để giữ trọn lễ với các hiền sĩ. [31]
          Dưới triều nhà Hạ, hằng năm vào tháng đầu xuân, viên chấp lệnh gõ mõ đi khắp nẻo đường, rao rằng:
          «Hỡi các quan, các thầy hãy cho nhà vua biết các khuyết điểm của triều chính; hỡi các thợ thuyền hãy cho nhà vua biết các lỗi lầm mà triều chính đã phạm đối với từng nghề nghiệp. Kẻ nào không tuân cứ, sẽ bị phạt theo phép nước.» [32]
          Nói chung, các vị thánh vương xưa, tuy ở ngôi cao đứng đầu trăm họ, nhưng không hề dám trễ nải, ăn chơi, trái lại, thường tự nhủ: «Làm vua khó mà làm bầy tôi cũng chẳng dễ.» [33]
          Các ngài dùng người hiền thì tôn trọng và không nghi ngờ, gặp kẻ xấu thì xua đuổi không ngần ngại. [34]
          Các ngài không dám làm điều trái đạo để cầu lời khen của trăm họ, không dám trái ý trăm họ để thể theo ý riêng mình. [35]
          Các ngài ra công học hỏi, tu thân; cố gắng không ngừng để trở nên giỏi giang, nhân đức, ngõ hầu trị dân một cách khôn ngoan sáng suốt. [36]
          Các ngài cấp phát tài sản cho dân, vì biết rằng có «hằng sản» [37] thì dân mới có «hằng tâm». [38]
          Các ngài khuyến khích chúng dân triệt để khai thác đất đai, để cho dân được no ấm, có đầy đủ tiện nghi và sống một cuộc đời phong phú về vật chất, thuần mỹ về tinh thần, khả dĩ có thể tiến tới được tinh hoa, thánh thiện. [39] Các ngài lấy đức độ mình để cảm hóa dân, coi mình như ngọn gió, và chúng dân như ngọn cỏ; hễ gió thổi thì cỏ lướt theo chiều. [40] Không bao giờ các ngài nghĩ đến sự tàn sát dân, và luôn luôn giữ được đức hiếu sinh, [41] tuy có lập ra hình phạt để sửa trị dân, nhưng trong lòng hằng mong mỏi có ngày vất bỏ được những hình phạt ấy. [42] Các ngài cố giáo hóa dân, mong sao cho dân một ngày một thêm hoàn thiện, có thể đạt tới Trung đạo thông phần vinh quang của thiên tử. [43]
          Các vị chân thiên tử xưa trị dân cốt lấy đức độ mình mà cảm hóa dân, và đặc biệt nhất, là các ngài tỏ ra rất là nhân từ khoan hậu.
          Đối với dân, thì thương dân và trọng dân, nếu cần sửa phạt thì đắn đo cân nhắc, coi là chuyện bất đắc dĩ. Khi chinh phạt thì chỉ chinh phạt kẻ tàn hung, còn lê dân thì tuyệt đối không sát hại. Khi diệt trừ những bạo chúa xong rồi thì giòng dõi được nhiêu dung, hay, hơn nữa, lại còn được trọng dụng, phong quan tước.
          Cao Dao khen Đại Võ: «Đức độ nhà vua thật là toàn vẹn. Ngài giản dị khi tiếp xức với bầy tôi, khoan hồng trong việc cai trị dân chúng. Phạt không tới con, mà thưởng thì thưởng đến con cháu. [44] Tha cho kẻ lầm lẫn, dù họ phạm tội to; bắt tội kẻ cố ý, dù họ phạm tội nhẹ. Tội nghi ngờ thì coi là nhẹ; công nghi ngờ thì coi là lớn. Thà là đắc tội không thi hành luật pháp còn hơn là giết người vô tội. Đức vua cố làm cho dân thấy ngài quí trọng mạng sống của họ, cho nên dân cố tránh tội lệ, để khỏi bị các giới chức của nhà vua trừng trị.» [45]
          Trong Kinh Thư có chép rằng: «Vua Thành Thang khi khởi cuộc chinh phạt (chống vua Kiệt), trước hết chiếm đất Cát. Thiên hạ đều tin tưởng ngài. Ngài đương chinh phục miền Đông thì đoàn rợ Di miền Tây phiền trách; tới chừng ngài chinh phục miền Nam thì thì đoàn rợ Địch miền Bắc phiền trách. Nó trách rằng: «Sao ngài chẳng tới sớm nước ta?» Dân chúng khắp thiên hạ mong chờ ngài đến, như lúc trời hạn người ta trông cho thấy mây và mống trời. Đến chừng ngài kéo binh vào xứ họ, họ vẫn tự nhiên chẳng sơ sệt gì cả: Người đi chợ vẫn đi, người đương cày vẫn cày. Ngài giết những vị vua hôn bạo, mà giải cứu cho nhân dân. Bá tánh đều mừng rỡ, dường như được mưa tuôn phải lúc.» [46]
          Các vị thánh vương Trung Hoa thực đã có những thái độ đường lối khác hẳn với các vị lãnh đạo, các vị đế vương Do Thái.
          Thánh Kinh đã cho ta thấy cách cai trị, cách xử sự của các vị lãnh tụ, các vị đế vương Do Thái thật là bạo tàn cứng rắn, chẳng hề có chút tình thương. Các vị lãnh đạo Do Thái đã trị dân bằng sự khủng bố, bằng những hình phạt, bằng sự giết lát.
          Moïse đã tàn sát dân chúng hai lần: một lần ở Sinaï, tiêu diệt 23.000 người, vì tội thờ bò vàng, nhưng trớ trêu thay lại tha cho thủ phạm là Aaron anh mình; [47] chẳng những thế, ít lâu sau còn phong cho Aaron làm thầy cả thượng phẩm… Một lần khác, ở Péor, 24.000 dân lại bị tàn sát, vì tội trai lơ, trăng gió với các con gái dân Moab, với lễ thần Baal. [48]
          Deutéronome xác nhận rằng Moïse đã làm cho cả Israel thấy bàn tay quyền phép, và sự kinh hoàng lớn lao… [49]
          Khi Josué đưa dân Do Thái vào chiếm xứ Canaan thì đã ra tiêu lệnh phải tận diệt người, vật trong các thành mình sẽ chiếm. [50]
          Vua Saül, trong khi tiêu diệt dân Amalec, đã phạm phải lỗi lầm là nhiêu sinh cho vua Agag, nên từ đấy đã bị chúc dữ, đã mất vương quyền trên lý thuyết. [51] Còn Agag rốt cuộc cũng bị Samuel đích thân chém chết. [52] David sau khi đã được Samuel tấn phong và đã trở nên đấng Messie của Do Thái, vì sợ Saül giết, nên đã cùng bộ hạ qui hàng vua dân Philistins là Akish, trong vòng một năm bốn tháng. [53] Trong khoảng thời gian ấy, David thường cùng bộ hạ trở về cướp phá miền Negeb, phía nam Palestine, và tận diệt dân chúng vùng ấy, như dân Geshurites, Girzites, Amalécites, cũng như đã tận diệt dân thành Gat, để hết còn ai tố cáo hành động mình. [54] Khi ngài đã lên ngôi, ngoài những trận tiêu diệt địch quân ngoài chiến địa không kể, ngài còn tận diệt dân thành Rabba, cũng như dân chúng trong các thành trì của dân Ammonites. Sử Do Thái chép: «Còn dân sự trong thành, người đem ra mà cắt xé ra hoặc bằng cưa, hoặc bằng búa sắt, hoặc bằng rìu. David làm như vậy cho các thành của Ammon.» [55]
          Sau khi thắng dân Moabites, vua bắt họ nằm cả xuống đất đoạn lấy dây đo; cứ giết hai dây, lại tha một dây. [56]
          Khi ngài ở ngôi, trong nước có nạn đói kém ba năm. Ngài nghe lời dân Gabaonites, buộc cho con cháu vua Saül đã gây ra tai ương ấy, vì những tiền khiên của vua Saül, cha ông họ, nên đã giao tất cả con cháu vua Saül là 7 người, cho dân Gabaonites đóng cọc nhọn vào ruột, dựng lên trên một ngọn núi cho đến chết; cho rằng làm vậy, Chúa sẽ nguôi cơn thịnh nộ. [57] Trong vụ này vua chỉ tha cho một mình Meribaal, con jonathan. Nhưng Meribaal chỉ là một phế nhân vì bị què quặt từ bé. [58]
          Salomon vừa lên ngôi, liền kiếm cớ giết anh cùng cha khác mẹ với mình là Adonias, người đáng lý ra được thừa kế ngôi vua David, và đại tướng Joab, vị khai quốc công thần dưới triều David, vì đã muốn phò Adonias lên ngôi. [59]
          Sử khen vua Salomon khôn ngoan, thông tuệ, giàu sang, phú quí, có tới những 700 vợ hàng vương tước, và 300 cung tần (I, Rois, XI, 1-3). Nhưng thực ra, dân chúng rên siết vì phải phục dịch nặng nề vất vả. Sau khi Salomon thăng hà, dân chúng đến cùng tân vương là Roboam mà tâu rằng: «Thân phụ vua đã làm cho ách chúng tôi nặng nề quá, nhưng bây giờ vua hãy giảm nhẹ sự phục dịch khó nhọc và cái ách nặng mà thân phụ của vua đã gán cho chúng tôi, thì chúng tôi sẽ phục dịch vua.» Vua Roboam, sau ba ngày suy nghĩ và vấn kế đình thần, đã trả lời dân như sau: «Cha ta đã khiến ách các ngươi nặng nề; ta sẽ làm cho ách các ngươi nặng nề hơn nữa. Cha ta có sửa phạt các ngươi bằng roi da; ta sẽ sửa phạt các ngươi bằng roi bò cạp.» [60] Một lời nói vô ý thức ấy đã làm cho mười họ Israel bỏ vua Roboam mà qui thuận Jéroboam thuộc giòng họ khác. [61]
          C. CÔNG TRÌNH CỦA CÁC VỊ THÁNH VƯƠNG TRUNG HOA
          Các vị thánh vương Trung Hoa là những người vừa mẫn tiệp, vừa thánh thiện, vừa tài ba xuất chúng, cho nên thường đã lưu lại những công nghiệp vĩ đại.
          Phục Hi đã dạy dân săn, câu, chăn nuôi gia súc, lập lễ nghi cưới hỏi, lập văn tự, chế đàn cầm, đàn sắt, vẽ bát quái, đặt nền móng cho Kinh Dịch. [62]
          Thần Nông dạy dân canh tác. Vua nghiên cứu thảo mộc để học tính chất. Thần Nông là thủy tổ ngành y dược. Ông lập chợ cho dân buôn bán, phân phối đình thần. [63]
          Hoàng Đế tổ chức triều thần để trị dân, lập chức tả hữu sử để ghi chép lịch sử, san định lại văn tự, lập thiên văn đài gọi là Linh đài để quan sát thiên tượng, thời tiết; qui định can chi để tính năm; lập lịch số, toán số, qui định cân lương, cung điện, sáng tác nhạc phẩm Hàm Trì, lập chế độ áo mão, y thường, chế tạo khí giới, dụng cụ, xe thuyền; lập những qui tắc cho công việc xây cất nhà cửa, tế lễ Thượng Đế, và dạy dỗ dân, tổ chức tiền tệ để tiện buôn bán, viết Nội Kinh. Vợ ngài là Luy Tổ dạy dân nuôi tằm.
          Ngài ưa tuần thú, tổ chức quân lữ thành doanh vệ, chế trận pháp, làm kỳ hiệu, lập phép tỉnh điền, để qui tụ dân chúng và khai khẩn đất đai, bắt đầu cho vẽ bản đồ các châu quận. [64]
          Vua Nghiêu rất chú trọng đến thiên văn lịch số. Vua định vòng năm là 366 ngày. Sai Hi, Hòa trí lịch tượng, lập ghép thêm tháng nhuận, xác định khởi điểm bốn mùa theo vị trí biểu kiến mặt trời. Để trống và bảng trước triều đình cho dân chúng tới khiếu nại. Đi tuần thú tứ phương 12 năm một lần, để kiểm soát phong tục, lịch số, lễ nghi, phẩm phục, nhã nhạc, cốt cho phong tục trong nước đâu đấy được đồng nhất. [65]
          Vua Thuấn qui định thống nhất lại hệ thống cân lường, lễ nhạc. Lập chính sách tuần thú năm năm một lần, phân công cho đình thần. Thủa ấy vua Thuấn đã biết phân công cho đình thần mỗi người một nhiệm vụ, thật là rõ rệt. Về chính trị ta thấy vua Thuấn chú trọng đến:
          1- Nông nghiệp
          2- Sản vật tự nhiên
          3- Công chánh
          4- Hình pháp
          5- Giáo dục
          6- Nghi lễ
          7- Nhã nhạc
          8- Thiên thời, địa lợi
          9- Tấu đối (tức là phúc trình tường thuật mọi công việc cho nhà vua được hay biết).
          Vua còn lập ra quan Bách quỹ có quyền trông nom, kiểm soát cả 9 bộ nói trên. Tổ chức của vua Thuấn chẳng khác nào tổ chức của nội các ngày nay. [66]
          Vua Đại Võ khai sông, đào ngòi, đục núi làm đường, trị hồng thủy, lập thuế khóa, đúc cửu đỉnh, v.v… [67]
          Văn Vương, Võ Vương nối tiếp đường lối của Nghiêu, Thuấn để trị dân. Văn Vương khi bị giam ở ngục Dũ Lý đã làm ra Dịch hậu thiên. Võ Vương nhờ Cơ Tử viết ra chương Hồng Phạm đúc kết lại tinh hoa phương pháp thay Trời trị dân. [68]
          Công trình các vị thánh vương Trung Hoa nói tóm lại thực là bao la vĩ đại…
          II. TƯƠNG QUAN GIỮA THÁNH NHÂN VÀ THIÊN TỬ THEO QUAN NIỆM TRUNG HOA
          Trên nguyên tắc, thiên tử phải:
          1/ là một thánh nhân [69] đức hạnh tuyệt vời. [70]
          2/ là một triết vương [71] có mắt tinh đời, biết người, biết dùng người. [72]
          3/ được mệnh Trời. [73]
          4/ được lòng dân. [74]
          5/ có trách nhiệm đem lại cho dân chúng hòa bình thái thịnh, dạy dỗ dân, làm gương cho dân, để họ tiến bước trên đường nhân nẻo đức. Như vậy thiên tử có trách nhiệm và quyền hạn cả về vật chất lẫn tinh thần đối với dân. [75]
          Cho nên, dẫu là thánh nhân, dẫu đáng ngôi thiên tử, nếu không được tiến cử với Trời, không được mệnh Trời, thì cũng không được quyền cai trị thiên hạ. [76]
          Tuy nhiên, thiên tử hay thánh nhân chỉ khác nhau về nhiệm vụ và địa vị, nhưng trên lý thuyết, không khác nhau về giá trị nội tại. [77] Các ngài trước sau vẫn là những người sống phối hợp với Thượng Đế, là vẻ sáng của Thượng Đế, là hiện thân của Thượng Đế.
          Kinh Thi viết:
          «Việc Trời chẳng tiếng chẳng tăm,
          Nên dùng dạng thức vua Văn hiển hình,
          Cho muôn dân thấy mà tin.» [78]
          Cao Trung Hiến bình đoạn Kinh Thi này như sau:
          «Thánh nhân là đạo Trời có hình tướng. Muốn tìm đạo Trời nơi Trời thì ẩn vi khó thấy, tìm đạo Trời nơi thánh nhân thì có thể thấy và bắt chước được. Cho nên Dịch viết: «Thần minh âu cũng ở nơi người nghĩa là thần minh có thể âm thầm khế hợp với người vậy.» [79]
          Khổng Tử lúc gian nan nguy khốn mới xưng mình là vẻ sáng của Thượng Đế y thức như Văn Vương xưa.
          Khi bị vây ở đất Khuông, Ngài nói: «Văn Vương thác rồi, vẻ sáng ấy chẳng ở lại nơi ta hay sao? Nếu Trời muốn để mất vẻ sáng ấy, thì sau khi Văn Vương thăng hà đâu có ban cho ta. Nếu Trời không muốn mất vẻ sáng ấy, thì người đất Khuông làm gì được ta?» [80]
          Tống Nho minh xác: «Thánh nhân và Trời là một.» [81]
          Những lời lẽ trên gợi lại cho chúng ta một câu Phúc Âm: «Cha ta và ta là một.» [82]
          Diệp Các Lão đời Thanh chủ trương Thiên Chúa đã giáng trần nhiều lần dưới hình hài Nghiêu, Thuấn, Khổng Tử, nhiều vua, và nhiều vị thánh nhân khác. Cho nên cũng giáng trần bên Âu Châu trong hình hài Chúa Jésus… Kết luận là Chúa Jésus đối với Âu Châu thế nào thì Khổng Tử và các văn hào lỗi lạc khác đối với Trung Hoa cũng vậy.
          Tiến sĩ Michel còn nói: học thuyết Khổng Tử hoàn bị vì chính là học thuyết của Trời. [83]
          III. QUAN NIỀM VỀ THIÊN TỬ TRONG ÍT NHIỀU QUỐC GIA KHÁC VÀ QUA CÁC THỜI ĐẠI
          Thực ra, niềm tin tưởng rằng vị thánh quân này, vị thánh nhân kia là hiện thân của Thượng Đế, là Thượng Đế giáng trần, đối với các dân tộc xưa không có gì là lạ cả.
          Khảo sát các nền văn hóa cũ ta thấy khắp nơi đều tin tưởng như vậy.
          Trong quyển The Golden Bough, nơi chương VII, nhan đề Incarnate human gods «Thần minh giáng phàm», ông James George Frazer đã khảo sát về vấn đề này rất là tường tận kỹ càng.
          Ông viết: «Quan niệm Người-Trời hay một nhân vật có quyền phép Trời hay quyền phép siêu nhiên là một quan niệm đặc biệt thời cổ sơ của lịch sử đạo giáo. Thời ấy thần minh và nhân loại còn được coi hầu như đồng loại. Sau này, hố sâu ngăn cách chia rẽ đôi đàng mới một ngày một thêm sâu thẳm.» [84]
          Tóm lại, trong khi các đế vương Trung Hoa xưng mình là:
          - Thiên tử (con Thiên Chúa, con Trời) [85]
          - Thiên sứ (sứ giả của Trời) [86]
          - Thiên dịch (tôi tá của Trời) [87]
          thì các vị đế vương hay các vị thánh nhân các nước khác trong hoàn võ cũng thường xưng mình, hay thường được xưng tụng là:
          - Con Thiên Chúa
          - Thiên Chúa
          - Đấng Christ, hay Messie
          - Đấng Cứu Thế.
          Chúng ta sẽ dùng lịch sử cổ kim để chứng minh điều đó.
          Trước hết, chúng ta hãy lần giở Thánh Kinh cũ và mới. Tước hiệu «Con Thiên Chúa» đã xuất hiện từ trước thời Hồng Thủy như đã được ghi chép trong chương 6 Sáng Thế Ký. [88]
          Ý nghĩa đoạn này chưa được giải thích chính xác. Những con Thiên Chúa đề cập nơi đây, có thể là những thiên thần, những người Trời, hay những người đã được Thần Chúa nhập vào. Nói được vậy, là vì Sáng thế ký, sau khi ghi chép rằng các Con Thiên Chúa bắt đầu yêu và lấy con gái loài người, đã viết tiếp: Yahve nói: «Thần ta sẽ chẳng ở mãi trong loài người, vì loài người chỉ là xác thịt. [89]
          Trong Deutéronome, ta thấy chữ «Những Con Trời» dùng đối với chữ «Những Con Người». Và ở đây, «Những Con Trời» được quyền cai trị «Những Con Người», trong những vùng đất đai Thiên Chúa đã chỉ định sẵn. Ở Israel, Jacob là «Con Thiên Chúa được phần gia nghiệp». [90]
          Về sau vua David cũng đã được gọi là Con Thiên Chúa, là Thiên tử.
          Thánh Vịnh 89 đã ghi rõ điều đó:
          «Chúa từng phán trong khi mặc khải
          Ánh siêu nhiên, giãi tới tôi hiền
          Ta ban dũng sĩ triều thiên
          Đặt người lê thứ lên trên ngai vàng
          Tìm David trong hàng tôi tá
          Lấy dầu thiêng ta đã xức cho
          Ta còn vững mạnh hộ phù
          Cho người sức mạnh cơ đồ làm nên...
          Kẻ gian ác khôn tìm hành hạ,
          Kẻ đối phương chằng khá lọc lừa,
          Và bao đảng nghịch quân thù,
          Vì người, ta sẽ diệt trừ phá tan.
          Ta cho tựa lòng nhân, đức tín
          Nhờ danh ta nước tiến oai hùng,
          Quyền người lan rộng Tây Đông,
          Bao la mặt biển, dòng sông rộng dài,
          Người sẽ gọi Cha tôi Chúa hỡi,
          Thành đá hằng cứu rỗi của tôi,
          Và ta con trưởng đặt người
          Lên ngôi cao cả các ngôi vương hầu.
          Ta sẽ trọn lòng yêu mãi mãi
          Lời ước giao giữ tới đời đời,
          Cháu con người sẽ truyền ngôi.
          Tháng năm cùng với tầng trời dài lâu. [91]
          Kế đến, vua Salomon cũng được Chúa chính thửc công nhận là con, qua lời tiên tri Nathan. Chúa phán:
          «…Đến khi ngươi (David) mãn phần về cùng tổ phụ ngươi, ta sẽ giữ vững giòng giõi ngươi, một trong các con trai ngươi sẽ được ta cho lên trị vì vững.chắc. Người sẽ xây cho ta một đền thờ, và ta sẽ làm cho ngôi báu người bền vững mãi. Ta sẽ là cha người và người sẽ là con ta. Sự phù hộ ta, ta sẽ chẳng cất khỏi người như ta đã làm đối với những kẻ ở trước ngươi, song ta sẽ lập người đời đời tại trong nhà ta và trong nước, và ngôi báu người sẽ bền vững mãi. [92]
          Vua xứ Tyr, lại tiến thêm bước nữa: vua xưng mình là Thiên Chúa ngự tòa Thiên Chúa ở giữa trùng dương. [93]
          Đàng khác, chính Thiên Chúa cũng công nhận vua xứ Tyr trước khi trở nên giàu có, oai quyền, kiêu ngạo đó là một gương mẫu cho sự toàn thiện, và đã được coi như một thiên thần Chérubin, được Chúa hết sức thương yêu chiều chuộng.
          Chúa nói cùng vua Tyr:
          Xưa ngươi là một tấm gương hoàn thiện,
          Ngươi khôn ngoan, kiều diễm biết là bao.
          Ngươi ở Eden, thượng uyển đấng Tối cao,
          Y thường ngươi, được dệt bằng muôn châu ngọc.
          Mã não, kim cương, ngọc thanh, hoàng, xích, lục,
          Với hoàng kim để làm sáo trống ngươi,
          Ta đã sắm, từ khi ngươi vừa mới chào đời.
          Ngươi y như một thiên thần giang rộng cánh
          Và chính ta, đã đặt ngươi trên núi thánh.
          Cho ngươi bước trên toàn là những ngọc châu
          Và ngươi từng đã có đời sống thanh tao,
          Cho tới ngày ngươi sa vào vòng tội lệ. [94]
          Chúa cũng đã gọi Cyrus một vua Ba Tư ngoại đạo [95] là đấng Christ, đấng Messie.
          Yahvé phán cùng Cyrus đấng Christ của Ngài: «Ta đã cầm lấy tay hữu người, để hàng phục các dân nước trước mặt người. [96]
          Chẳng những thế, tước vị con Thiên Chúa còn được áp dụng cho những người có đời sống thánh thiện hoàn hảo.
          Sách Minh Triết viết:
          «Kẻ lành tự đắc mình được biết Chúa và tự xưng mình là con Thiên Chúa... Nếu kẻ công chính con Thiên Chúa thật, thì Chúa sẽ giúp họ, Chúa sẽ cứu họ khỏi tay thù địch! Vậy ta hãy sỉ vả quấy nhiễu họ.» [97]
          Kinh Thánh cũng chép khi Otniel, Saül, David được thụ phong thì Thần Chúa nhập vào các ngài, [98] và như vậy Chúa ở cùng Saül, [99] cùng David. [100] Những đoạn này làm liên tưởng tới câu Kinh Thi: «Thượng đế lâm nhữ, vô nhị nhĩ tâm.» [101]
          Khi Chúa Jésus ra đời, bao nhiêu huy hiệu:
          - Thiên tử [102]
          - Thiên chúa [103]
          - Christ, Messie [104]
          - Cứu thế [105]
          lại được dùng để xưng tụng Ngài và chính Chúa Jésus cũng rất nhiều lần xưng mình là Con Thiên Chúa. [106]
          Tuy nhiên Thánh Jean và Thánh Paul vẫn chủ trương mọi người đều có thể trở nên con Thíên Chúa [107] và hoàn võ chỉ cốt để tạo thành những con Thiên Chúa. [108]
          Vì thế ước vọng và vinh dự lớn lao nhất của người Thiên Chúa giáo là trở thành «đấng Christ mới» (Christanus Alter Christus). [109]
           Cho nên ngay trong giáo hội Công giáo nhất là máy thế kỷ đầu ta đã thấy có những người xưng mình là con Thiên Chúa, là hiện thân của Thượng Đế.
          Ở thế kỷ thứ hai, Montanus người Phrygie xưng mình là hiện thân của Thượng Đế. [110]
          Các môn đệ Thánh Columba cũng tôn thờ ngài như là hiện thân của Chúa Ki Tô. [111] Thế kỷ thứ 8, Elipandus ở Toledo, nói về Chúa Ki Tô như là «Chúa giữa các Chúa», ý nói mọi người tin đạo đều là Chúa y như Chúa Jésus vậy. [112]
          Thế kỷ XIII, có một giáo phái gọi là «Anh chị em tinh thần tự do» chủ trương: Nhờ sự chiêm ngưỡng miệt mài, ai cũng có thể kết hợp với Chúa một cách tuyệt diệu và nên một với Nguồn gốc vạn vật; và ai đã được nhập vào bản thể hạnh phúc của Chúa, sẽ trở nên phần mình Chúa, nên con Chúa như đấng Christ và sẽ không còn bị mọi luật lệ gian trần và thiên cung chi phối... [113]
          Dĩ nhiên những chủ trương trên bị Giáo Hội phi bác và cho là lầm lạc hết.
          Khảo sát lịch sử các nước sống ở ngoài ảnh hưởng Thiên Chúa giáo ta cũng vẫn thấy quan điểm tương tự về «thần nhân», về «Người Trời», về «Thiên tử», và đấng «Cứu thế» ở khắp các dân nước.
          Khi Pháp còn theo đạo Druidisme thì quốc gia Celte được coi là tiểu vũ trụ mà vị quân vương giáo chủ được coi là Hóa Công suy lòng mình để đem sự hòa bình thượng giới vào trong xã hội loài người. [114]
          Thủa xa xưa, các vua xứ Akkad thuộc miền Mésopotamie, vẫn cho mình là đại diện của Trời, là thần minh, là đấng Christ, đấng Messie vì mỗi triều đại mới là một hứa hẹn cho sự bình yên thái thịnh. [115]
          Các vua Babylone thời sơ thủy, từ Sargon I tới triều đại Ur hay sau hơn nữa, đều coi mình là thần minh, ngay khi còn sinh thời. [116]
          Các vua Ai Cập cũng được thần thánh hóa ngay khi sinh tiền. Và chắc chắn lả các vua Ai Cập coi mình là người Trời.. là con thần Ra. Các ngài cho rằng mình có chủ quyền chẳng những trên nước Ai Cập, mà trên khắp mọi dân nước, trên toàn thế giới... [117]
          Ernest Findlay Scott cho rằng:
          Chữ đấng «Cứu thế» xưa là một tiếng ngoại giáo thường được áp dụng cho nhiều vị thần minh, hay những người đã được thần thánh hóa.
          Nhiều vua xứ Syrie và Ai Cập cũng được mệnh danh «đấng Cứu thế». Có lẽ vì nguồn gốc ngoại giáo như vậy nên thoạt kỳ thủy giáo dân đã tránh không muốn dùng tước hiệu ấy để xưng tụng chúa Jésus, và mãi đến thế kỷ thứ 2, tiếng «đấng Cứu thế» mới trở nên tước hiệu phổ thông để chỉ đấng Christ. [118]
          Andrew F. Wall viết trong bộ Tự điển Thần học như sau:
          Các dân nước quanh dân Do Thái xưa thường hay thần thánh hóa vua chúa. Chẳng hạn, người Hi Lạp tin rằng thần minh có thể mặc xác phàm, và ngược lại con người có hồn thiêng bất tử giống thần minh. Vì thế họ thần thánh hóa vua chúa rất dễ dàng.
          Các vị anh hùng, các bậc cứu quốc, kiến quốc thường được tôn sùng như thần minh ngay khi họ còn sinh thời.
          Alexandre được thờ sống trong những quốc gia Á Châu mà õng chinh phục được. [119]
          Đối với các vua chúa kế vị Alexandre, thời việc được thờ phụng trở nên quá thông thường. Đó có thể là một kiểu dua nịnh Á Đông mà vua Hérode Agrippa đã mua với một giá rất đắt (Actes 12: 20ff), nhưng cũng có thể là một cử chỉ thành thực, như khi vua Antiochus IV Epiphanus, vị vua ác cảm với Do Thái, và Thiên Chúa Do Thái, đã xưng mình là Chúa Thần Zeus, và trên tiền tệ phát hành, ghi tạc, tuyên xưng mình là Chúa (God). Chủ trương này cũng liên quan mật thiết với truyền thống Ai Cập, một quốc gia coi giòng giõi vua chúa là Thần thánh, ngôi vua được truyền tử, lưu tôn, và giống họ Ptolémée dầu chết sống cũng được thờ phụng công khai.
          Từ thời Jules Caesar về sau, thì sự thần thánh hóa vua chúa được qui định cẩn thận, và sự thờ phượng vua chúa được thi hành nguyên ở La Mã không thôi... [120]
          Jules Cesar được thờ phụng trong những nơi ông chinh phục được. Vua Auguste khuyến cáo tôn thờ «Thần Jules Caesar» nhưng lại giảm bớt sự tôn thờ đối với mình. Auguste và các vua kế vị đều được thần thánh hóa chính thức lúc băng hà. Các vua như Caligula, Neron, Domitien bắt dân phải thờ phụng mình ngay khi còn sống... [121]
          Ông Andrew F. Walls có lẽ muốn giải thích những dữ kiện trên, nên tiếp tục viết đại khái như sau:
          Đạo huyền đồng, mật giáo Hi Lạp có mục đích tu luyện cho tâm hồn được hòa đồng với thần minh, và chủ trương tâm hồn cũng cùng một giòng giống với Thần minh. Quan niệm này đã ảnh hưởng tới Philon và cũng đã xâm nhập vào một vài hình thức của Huyền đồng Công giáo. Người ta không còn coi con người là nghĩa tử, dưỡng tử của Thiên Chúa mà chính là thông phần bản thể Thiên Chúa; tu trì là chuyển hóa bản thể chứ không phải là chuyển biến trên bình diện luân lý. [122]
          IV. CÁC BIẾN CHUYỂN VỀ QUAN NIỆM THIÊN TỬ THEO GIÒNG THỜI GIAN
          Quan niệm Thiên tử có thể coi như là một quan niệm, một khám phá vĩ đại của người xưa. Năm sáu nghìn năm lịch sử còn đó để chứng minh rằng con người đã có những ngưỡng vọng quả là to tát; mà ngưỡng vọng to tát nhất là tin tưởng rằng con người có thề trở nên nhân đức, thông tuệ, vẹn toàn, trở nên Con Thiên Chúa, nên Thiên tử, bước lên ngôi vị Trời, thay Trời trị dân, để cầm cân nảy mực cho muôn dân.
          Chức vị ấy mở rộng chờ đón mọi người không dàmh cho riêng ai. Và trong lịch sử đã có những con người siêu việt đăng ngôi Thiên Tử, lên trị vì để đem hạnh phúc cho nhân loại.
          Thay vì giới hạn ở Trung Hoa, quan niệm tuy đã có thời kỳ phổ cập khắp thiên hạ.
          Đọc cổ sử ta đã thấy tước hiệu ấy được áp dụng cho những đấng quân vương tài đức, hoặc cho những vị thánh nhân.
          Nhưng dần dà, theo đà thời gian, tước hiệu Thiên Tử đã mất ý nghĩa thiêng liêng của nó, đã mất hồn thiêng mà chỉ còn lại cái xác, còn lại mũ miện, áo xống, tước vị đã mất thiên tước để trở thành một huy hiệu chính trị trần tục suông. Lúc hưng thịnh nó rực rỡ như vầng nhật nguyệt, chất chứa bao là hứa hẹn thanh bình hạnh phúc cho nhân loại; thời mạt vận, lắm hồi nó lại tăm tối như trời vắng trăng sao, và gieo rắc biết bao hãi hùng, đau thương, tang tóc cho nhân loại.
          Nhìn sang phía trời Tây, đã từ ngót hai nghìn năm nay, hai tiếng Thiên Tử đã trở nên một huy hiệu độc đáo, duy nhất, để tặng dữ cho Chúa Ki Tô.
          Và từ đấy các vua chúa Âu Châu không còn ai dám xưng mình là Thiên tử nữa. Quan niệm «Vua – Đại diện Trời – Giáo chủ» không còn toàn vẹn nữa, và ta thấy trong vòng hơn một nghìn năm, sau bao thăng trầm, bao tranh chấp hoặc thầm lặng hoặc công khai, quan niệm ấy chuyển hướng dần để đi tới một đối đỉnh là:
          «Giáo chủ – đại diện Trời – vua». Chúng ta hãy quay lại cuốn phim lịch sử...
          Cách đây ngót hai mươi thế kỷ, Thiên Chúa giáo đã như ngọn nước thủy triều lan tràn khắp Âu Châu, nhất là khi vua Constantin chính thức công nhận đạo Thiên Chúa là quốc giáo (312)…
          Khi giáo quyền còn bỡ ngỡ, sự tổ chức chưa có qui mô, thì các vua thượng vị còn có rất nhiều quyền hạn cả đạo lẫn đời.
          Tuy không chính thức tuyên xưng là giáo chủ, các vua lúc ấy hành động y thức như vị giáo chủ ngày nay.
          Vua Constantin đã triệu tập cộng đồng chung Nicée (325) đoán định về giáo lý, chủ tọa nhiều phiên họp công đồng, truất phế lưu đầy các giám mục có những tư tưởng chống đối với đại đa số. [123] Giám mục Anathase bị cộng đồng Tyr (335) kết án, đã trốn sang Constantinople để minh oan với vua, chứ không sang Rome. [124] Théodore (408-450), và Pulchérie (414-453) cũng có ảnh hưởng sâu rộng đối với các cộng đồng Ephèse (431) và Chalcédoine (453), v.v…
          Khảo sát lễ tấn phong các bậc đế vương nước Pháp ta thấy vua cũng được coi là vị đại diện Chúa Ki Tô, là «một Chúa Ki Tô mới», «Chúa Ki Tô thứ hai», làm môi giới giữa Trời và Người. [125]
          Charlemagne được thụ phong với tước hiệu là: «đại diện Chúa Giê su» chủ tể nước thượng vị Công giáo». [126] Trong một bức thư gửi Giáo Hoàng, nhà vua xưng mình là «Chúa, là Cha, là Vua, là Thầy cả, là lãnh đạo và hướng đạo cho toàn thể giáo hữu». [127] Ngài chủ trương trị dân là lĩnh trách nhiệm hướng dẫn dân đến sự cứu rỗi hằng cửu. [128] Và khi Giáo Hoàng Léon III lên ngôi, liền gửi cho Ngài bản sao sắc tấn phong, kèm theo chìa khoá mồ Thánh Phêrô với cờ hiệu thành La Mã, tỏ lòng thần phục. [129]
          Dần dà giáo hội không cho các vị Hoàng đế xen lấn vào công việc giáo hội nữa. Các nhà thần học chủ trương: Giáo Hoàng và Hoàng đế tượng trưng cho hai nửa mình Thiên Chúa, một bên giữ quyền giáo hóa, giải kết (tha hay buộc tội), một bên giữ quyền cai trị thưởng phạt. Một bên là «Con Người», một bên là «Con Trời». [130]
          Càng về sau, khi giáo hội càng lớn mạnh, thì vua chúa càng mất quyền.
          Thế kỷ XI, Giáo Hoàng Grégoire VII (1073-1085) tuyên 27 Sắc chỉ (Dictatus Papoe), xác định uy quyền tuyệt đối của Giáo Hoàng:
          Sắc chỉ 12: «Giáo Hoàng có quyền truất phế Hoàng đế.»
          Sắc chỉ 20: «Không ai được bài bác, chỉ trích một quyết định của Giáo tông.» [131]
          Đến thế kỷ XIII, dưới triều đại Giáo Hoàng Innocent III (1198-1216), Giáo Hoàng thực sự có quyền tuyệt đối. Ngài tuyên xưng mình là «Đại diện Chúa Ki Tô, đại diện Thiên Chúa, Bá chủ Giáo hội và Thế giới» có quyền truất phế vua chúa và mọi sự trên Trời dưới đất, trong hỏa ngục đều thuộc quyền đấng thay mặt Chúa Ki Tô. [132]
          Ngài tuyên bố: «Cũng như mặt trăng nhờ ánh sáng mặt trời... quyền Chúa cũng vay mượn nơi quyền Giáo Hoàng sự huy hoàng của tước vị nó.»
          «Các vua chúa chỉ có quyền dưới đất, còn các linh mục có quyền cả dưới đất lẫn trên trời. Quyền vua chỉ chi phối thể xác, quyền các linh mục chi phối cả thể xác lẫn tâm hồn.» [133]
          Giáo Hoàng Boniface VIII (1294-1303) trong sắc lệnh «Unam Sanctam» viết: «Ta tuyên bố, phán quyết, xác định và tuyên cáo: sự thần phục Giáo Hoàng La Mã là điều hoàn toàn thiết yếu cho sự cứu rỗi của mọi người.» [134]
          Các nhà thần học như Henri de Suse cũng chủ trương: «Giáo dân chỉ có một đầu là Giáo Hoàng.» [135]
          Giáo Hoàng Calixte III (l455-l458) truyền ghi trên đồng tiền kỷ niệm triều đại: «Omnes reges servient ei» (mọi vua chúa tuân phục ngài). [136]
          Giáo Hoàng Jules III (1550-1555) truyền ghi trên đồng tiền kỷ niệm triều đại: «Gens et regnum quod non servierit tibi peribit» (Dân tộc, quốc gia nào không tuân phục ngài, sẽ tiêu ma). [137]
          Và trên thực tế, ta đã thấy Hoàng đế Henri IV, bị Giáo Hoàng Grégoire VII truất phế, đã lặn lội tới Canossa, chịu nhục nhằn, đóì rét, đứng chầu chực ba ngày trước lâu đài để xin Giáo Hoàng thứ tội.» [138]
          Thời Giáo Hoàng Innocent III (1198-l216) vua Jean sans Terre nước Anh cũng bị vạ tuyệt thông (1209). [139] Hoàng đế Frédéric II (1194-1250) bị truất phế, v.v...
          Giáo Hoàng Innocent III đã chủ trương lập nền thiên trị do đức Giáo Hoàng đứng đầu và làm bá chủ hoàn cầu… [140]
          Thực ra, Giáo Hoàng được coi y như là Thiên Chúa, [141] «vì thế ngài đội mũ miện ba tầng khác nào như vua trên trời, dưới đất, và hỏa ngục». [142]
          Thế là:
          Quan niệm Thiên tử thay Trời trị dân ở Trung Hoa thời cổ lại sống lại phía trời Âu dưới hình thức thần quyền và đạo giáo. [143]
           
          KẾT LUẬN
          Trong công cuộc khảo sát quan niệm Thiên tử Trung Hoa, chúng ta đã tìm tòi học hỏi về vấn đề một cách hết sức sâu rộng, chúng ta đã vượt khỏi biên cương Trung Quốc, chúng ta đã rẽ sóng thời gian đảo mắt nhìn ngót năm nghìn năm lịch sử nhân quần. Đối với một vấn đề quan trọng như vậy, công trình của chúng ta thiết tưởng không có viễn vông, vô lý. Bởi vì có nhìn xa trông rộng, chúng ta mới hiểu rõ vấn đề, chúng ta mới lĩnh hội thấu đảo được rằng xưa nay Trời chẳng xa người vì từ ngàn xưa nơi trần ai tục lụy đầy gian nan mâu thuẫn này, đã có những vị thánh hiền cố công đem thanh bình an lạc từ thiên quốc xuống cho nhân loại.
          Chúng ta ghi nhận những sự kiện và biến chuyển lịch sử sau đây:
          1/ Từ ngàn xưa, đã có những vị Thánh vương lĩnh mệnh trời trị dân.
          Trong khi ở các dân nước khác, các vua chúa tự xưng là Trời, là Người Trời, là Thần minh, ở Trung Hoa sau trước các vị đế vương chỉ xưng mình là Con Trời, lĩnh mệnh Trời trị dân.
          2/ Quan niệm Thiên tử ngày một bị trần tục hóa và có thể nói được từ thời Xuân Thu Chiến Quốc về sau không còn một vị vua chúa nào ở Trung Hoa quan niệm được một cách chính xác thiên chức cao cả và sứ mạng thiêng liêng của mình.
          3/ Ở Âu Châu, quan niệm Thiên tử, từ khi có Thiên Chúa giáo, đã được thu hẹp lại, và đã được siêu thăng hóa, để áp dụng cho một mình Chúa Ki Tô.
          4/ Tuy nhiên quan niệm Thiên tử như là một thánh nhân hay một hiện thân của Thượng Đế vẫn còn được ít nhiều dân tộc không Công giáo, chủ trương (ví dụ như Ấn Độ). [144]
          5/ Đã từ lâu dân chúng hết tin tưởng ở các vị vua chúa hay ít ra chủ nghĩa quân quyền mất hết vẻ quyến rũ đối với dân chúng, vì đã có nhiều vua chúa lạm dụng quyền thế áp bức dân lành. Cho nên tước hiệu thiên tử đã rút lui khỏi trần gian để trở thành một huy hiệu hoàn toàn đạo giáo.
          Ngày nay, nếu chúng ta chịu suy nghĩ cho sâu xa về phương diện đạo giáo thì hai chữ thiên tử vẫn còn có thể nên như một chìa khóa nhiệm mầu mở cho chúng ta cánh cửa vĩnh cửu thiêng liêng huyền bí.
          Thiên tử hiểu theo nghĩa đạo giáo sẽ trở nên một lý tưởng cao đẹp lôi cuốn chúng ta tiến bước mãi trên con đường hoàn thiện để tiến tới tinh hoa, tiến tới cùng cực.
          Thiên tử sẽ là cùng điểm của nhân loại.
          Hồng phạm nói:
          «Hội kỳ hữu cực» «Qui kỳ hữu cực». [145] Phải chăng định mệnh cao sang của nhân loại là đều cùng qui hướng về tâm điểm hoàn thiện, đều hội tụ cả về cực điểm tinh hoa mà xưa vị thiên tử đã là một tượng trưng sống động.
          Phải chăng vũ trụ tương lai huy hoàng xán lạn cốt là để đón chờ những vị thiên tử [146] mai sau.






          CHÚ THÍCH


          [1] Coi Dịch Kinh, Càn quải.


          [2] Ses étendards où sont reproduits le soleil, la lune et les étoiles montrent la clarté de son intelligence.
          Xuân Thu Tả Truyện, Hoàn Công năm 2.
          Couvreur, Tch’ouen Ts’iou, Tome I, page 70. Hình mặt trời, mặt trăng, (Âm Dương: kim ô, ngọc thố) thêu trên phẩm phục nhà vua giống hệt như những hình Âm Dương hay kim ô ngọc thố vẽ trong các sách đơn thư, đạo thư của Lão giáo, ví dụ nơi hình «Phổ Chiếu đồ» trong quyển Tính Mệnh Khuê Chỉ. Như vậy ngoài ý nghĩa thông thường kể trên, hình mặt trời mặt trăng còn gợi cho hay rằng nhà vua cần biết lẽ «phối hợp Âm Dương», lẽ «thiên nhân hợp phát» hay lẽ «phản bản hoàn nguyên».


          [3] Lễ Ký cắt nghĩa ý nghĩa áo mão vua như sau: «Ngày lễ vua mặc áo long cổn, tượng trưng cho Trời, đội mũ có 12 gù giải, tức là 12 sốp Trời, 12 định luật thiên nhiên, ngồi xe không có trang trí, để tỏ lòng ưa chộng chất phác đơn giản. Cờ có 12 gù giải và có rồng, có mặt trời, có mặt trăng, chỉ thiên tượng. Trời treo thiên tượng, thánh nhân bắt chước. Lễ giáo là cốt làm cho thiên đạo được minh hiển.» (Lễ Ký – Giao Đặc Sinh, tiết 6)


          [4] Hình trên phỏng theo hình ở trong luận văn của Trần Thị Nở, trang 91 bis. Hình này nguyên đã được trích trong quyển «The Chinese Court Costume», The Royal Ontario Museum of Archeology, Toronto, 1946.


          [5] Xem Thượng Thư, Ích Tắc, tiết 4. Bản dịch Nhượng Tống trang 40.
          Cf. Étude de la catégorie correspondant à la notion de siang (tượng) dans le Hi-ts’eu (Hệ Từ) du livre des Mutations ou Yi King (Dịch Kinh). Luận văn của Trần Thị Nở, Đại Học Văn Khoa, năm 1964-1965, trang 91 bis.


          [6] Các chữ trong sơ đồ 1 từ trong ra ngoài: Vương kỳ, Hầu, Điện, Nam, Thái, Vệ, Man, Di, Trấn, Phiên.
          Các chữ trong sơ đồ 2, từ trong ra ngoài: Điện phục, Hầu phục, Tuy phục, Yêu phục, Di phục, Thái phục, Man.


          [7] Tử viết: Vi chính dĩ đức, thí như bắc Thầncư kỳ sở nhi chúng tinh củng chi. 子 曰:為 政 以 德, 譬 如 北 辰 居 其 所 而 眾 星 共 之 (Luận Ngữ – Vi Chính, 1)


          [8] Cf. Mémoires concernant les Chinois par les rnissionnaires de Pékin, 1780: 15 volumes, Tome VI, page 335 — Dr A. Chamfrault, Traité de Médecine chinoise, page 101.


          [9] Dr A. Chamfrault, Traité de Médecine chinoise, page 100.


          [10] Hoàng: đại dã, Thiên dã. 皇:大 也, 天 也.


          [11] Đế: đức hợp thiên giả xưng Đế. 帝: 德 合 天 者 稱 帝.


          [12] Ts’ai Peen (Thái Biện 蔡 卞 says: «In the announcement to the myriad regions, and in distinction from the multitudes, the emperor calls himself «The one man». Realizing his relation to God, and feeling as in his presence, he calls himself a little child (Dĩ thiên tử cáo vạn phương cố xưng dư nhất nhân, đối Thượng Đế nhi ngôn cố xưng «Di tiểu tử»). 以 天 子 告 萬 方 故 稱 予 一 人 對 上 帝 而 言 故 稱 台 小 子
          (Thang Thệ tiết 2, chú thích của James Legge) (James Legge, The Shoo King, trang 174)
          ... Selon d’autres commentateurs, (Dư nhất nhân) signifie: moi le seul hornme qui associé à l’œuvre de l’Auguste Ciel commande à tous les hommes. (Khắc phối Hoàng Thiên, vi hạ dân kỳ chủ giả, duy dư dã 克 配 皇 天 為 下 民 其 主 者 惟 予 也 ). (Lễ Ký Bị Chỉ 禮 記 備 旨) Couvreur, Li Ki, Tome I, Kiu Li (Khúc Lễ), page 81, notes.


          [13] Cáo táng viết Thiên vương đăng hà 告 喪 曰 天 王 登 假 (Lễ Ký – Khúc Lễ tiết 32). Chú: (Ngô Trừng )
          Par respect pour l’empereur on ne se permet pas de dire qu’il est mort. On dit seulement qu’il est monté vers un lieu très éloigné, comme si l’on disait qu’il est allé au ciel.» (Couvreur, Li Ki, Tome I, page 86, notes).


          [14] 立 之 主 曰 帝 (Lễ Ký – Khúc Lễ, tiết 32) chú: 立 之 曰 帝 同 之 天 神 (Trịnh Khang Thành 鄭 康 成) «Sur la tablette, on donne à l’empereur le titre du ti, on l’assirnile à l’esprit du ciel.» (qu’on appelle 上 帝) (Couvreur, Li Ki, page 86, notes)


          [15] Xem Kinh Thi – Chu Tụng, Thanh Miếu, Thời Mại.
          Thời mại kỳ bang                        時 邁 其 邦
          Hạo Thiên kỳ tử chi                   昊 天 其 子 之
          Thực hữu tự hữu Chu               實 右 序 有 周
          Bạc ngôn chấn chi                    薄 言 震 之
          Mạc bất chấn điệp                    莫 不 震 疊
          Hoài nhu bách thần                  懷 柔 百 神
          Cập hà kiều nhạc                     及 河 喬 嶽
          Doãn vương duy hậu               允 王 維 后
          (Xem James Legge, The She King, trang 577)


          [16] Mai Lâm – Đoàn Văn Thăng, Thánh Vịnh toàn tập, Thánh Vịnh 2, trang 20-21.


          [17] Thánh nhân tại thượng, ký kiến cực nhi dĩ thân giáo vu thiên hạ, phục phu ngôn nhi dĩ ngôn giáo vu thiên hạ, cái thân giáo giả, thị dĩ cung hành tiễn lý chi thực; ngôn giáo giả, sử kỳ ca tụng ngâm vịnh nhi đắc, nhị giả bất khả thiên phế dã. Thiên hạ duy Lý vi chí thường, duy Lý chi vi đại. Hoàng cực chi phu ngôn, thuần hồ nhất lý, cố vị chi thường lý, cố vị chi đại huấn, thị lý dã, bản chi ư thiên, duy Hoàng Thượng Đế giáng trung chi lý dã, ngôn nhi bất dị ư giáng trung chi lý, thị khởi dĩ quân chi huấn thị chi tai, nãi thiên chi huấn dã. Thiên giả kỳ bất ngôn chi thánh nhân, thánh nhân giả kỳ năng ngôn chi thiên, nhất nhi nhị, nhị nhi nhất dã.
          聖 人 在 上 既 建 極 而 以 身 教 于 天 下, 復 敷 言 而 以 言 教 于 天 下,蓋 身 教 者 示 以 躬 行 踐 履之 實;言教 者 使 其 歌 誦 吟 詠 而 得.二者 不 可 偏 廢 也.天下 惟 理 為 至 常,惟理 之 為 大,皇極 之 敷 言,純乎 一 理.故謂 之 常 理,故謂 之 大 訓,是理 也 本 之 於 天.惟皇 上 帝 降 衷 之 理 也,言而 不 異 於 降 衷 之 理,是豈 以 君 之 訓 視 之 哉,乃天 之 訓 也.天者 其 不 言 之 聖 人,聖人 者 其 能 言 之 天,一而 二,二而 一 也.
          (Lời của Ch’in Ya Yen bình câu «Hoàng cực chi phu ngôn, dĩ thị huấn, vu Đế kỳ huấn» trong thiên Hồng Phạm) (Xem James Legge, The Shoo King, page 332, notes).


          [18] … Chú đỉnh vu Đỉnh Hồ Sơn, đỉnh thành nhi bạch nhật thăng thiên. Quần thần táng y quan vu Kiều Sơn… 鑄 鼎 于 鼎 湖 山,鼎 成 而 白 日 升 天. 群 臣 葬 衣 冠 于 嬌 山 (Hoàng Đế Nội Kinh Tố Vấn, chương Thượng Cổ Thiên Chân Luận, trang 1)


          [19] Thang tắc dĩ Thượng Thiên vi tâm 湯 則 以 上 天 為 心 (Léon Wieger, Textes historiques, Tome I, page 51)


          [20] Nhất dân cơ tắc viết ngã cơ chi. Nhất dân hàn tắc viết ngã hàn chi. Nhất dân la cô tắc viết ngã hãm chi. 一 民 饑 則 曰 我 饑 之.一 民 寒 則 曰 我 寒 之.一 民 羅 辜 則 曰 我 陷 之 (Léon Wieger, Textes historiques, Tome I, page 31).


          [21] Cố dân tải chi như nhật nguyệt, ái chi như phụ mẫu (Léon Wieger, Textes historiques, Tome I, page 32).
          … Nhị thập hữu bát tải, đế nãi tồ lạc. Bách tính như táng khảo tỷ. Tam tải tứ hải át mật bát âm. 二 十 有 八 載, 帝乃 殂 落. 百 姓 如 喪 考 妣. 三 載 四 海 遏 密 八 音 (Kinh Thư – Thuấn Điển, 13)


          [22] … Gia ngôn võng du phục. Dã vô di hiền. Vạn bang hàm ninh. Kê vu chúng. Xả kỷ tòng nhân. Bất ngược vô cáo, bất phế khốn cùng. Duy đế thời khắc. Ích viết: Đô. Đế đức quảng vận, nãi thánh nãi thần, nãi vũ nãi văn. Hoàng thiên quyến mệnh. Yểm hựu tứ hải, vi thiên hạ quân. . . . . . , . . : . , , . . , (Kinh Thư – Đại Vũ Mô, 3)


          [23] Xem Mạnh Tử, Đoàn Trung Còn dịch, trang 51, chú thích 1.
          … Nghi Địch tác tửu. Vương ẩm nhi cam chi viết: «Hậu thế tất hữu dĩ tửu vong kỳ quốc giả.» Toại sơ Nghi Địch nhi tuyệt chỉ tửu. : (Wieger, Textes historiques, Tome I, page 30).


          [24] Ngũ tuế tuần thú chu hành thiên hạ. Vương xuất, kiến tội nhân, há xa, vấn nhi khấp chi. Tả hữu viết: Tội nhân bất thuận đạo, quân vương hà vi thống chi? Vương viết: Nghiêu Thuấn chi nhân giai dĩ Nghiêu Thuấn chi tâm vi tâm. Quả nhân vi quân bách tính các tự dĩ kỳ tâm vi tâm. Thị dĩ thống chi. Vạn phương hữu tội tại dư nhất nhân … Vương tế giang hoàng long phụ chu. Chu nhân khủng. Vương thần sắc bất biến, viết: Ngô thụ mệnh ư thiên kiệt lực dĩ lao vạn dân. Sinh tính dã tử mệnh dã. Long hà vi giả tu du long nghê thủ đê vĩ nhi thệ.
          . , , , . : , . : . . . . . , : . . (Wieger, Textes historiques, Tome I, pages 38-40).


          [25] Kinh Thư – Vô Dật, tiết 4, 5, 10, 11.


          [26] Tử viết: Nguy nguy hồ! Thuấn Vũ chi hữu thiên hạ dã nhi bất dự yên. : , (Luận Ngữ – Thái Bá, 18)


          [27] Tử viết: Đại tai Nghiêu chi quân dã. Nguy nguy hồ! Duy thiên vi đại, duy Nghiêu tắc chi. Đãng đãng hồ! Dân vô năng danh yên. Nguy nguy hồ, kỳ hữu thành công dã; hoán hồ kỳ hữu văn chương. : . ! 大, . ! . , ; , . (Luận Ngữ – Thái Bá, tiết 18-19) (Xem thêm Mạnh Tử – Đằng Văn Công chương cú thượng tiết 3.)


          [28] Tam phân thiên hạ hữu kỳ nhị, dĩ phục sự Ân. Châu chi đức, kỳ khả vị chí đức dã dĩ hĩ. , , , (Luận Ngữ – Thái Bá đệ bát, tiết 20.)


          [29] Tử viết: Vũ ngô gián nhiên hĩ. Phỉ ẩm thực nhi trí hiếu hồ quỉ thần. Ố y phục, nhi trí mỹ hồ phất miện. Ty cung thất nhi tận lực hồ câu hức. Vũ, ngô vô gián nhiên hĩ. 子 曰: 禹 吾 無 間 然 矣,菲 飲 食 而 致 孝 乎 鬼 神.惡 衣 服,而 致 美 乎 黻冕.卑宮 室 而 盡 力 乎 溝洫.禹 吾 無 間 然 矣 (Luận Ngữ – Thái Bá, 21)


          [30] Trí gián cổ, lập báng mộc. 置 諫 鼓 立 謗 木 (Wieger, Textes historiques, p. 31)


          [31] Dĩ ngũ thanh thính trị, yết chung, cổ, khánh, đạc, đào, ngũ khí ư đình, nhi minh ư tuân cư viết: Đạo quả nhân dĩ đạo giả quá cổ; dụ dĩ nghĩa giả cổ chung; cáo dĩ sự giả chấn đạc; ngữ dĩ ưu giả kích khánh; hữu ngục tụng giả huy đào. Thường viết: «Ngô bất khủng tứ hải chi sĩ lưu ư đạo lộ, khủng kỳ lưu ư ngô môn dã.» Cố thường nhất mộc, tam ốc phát; nhật trung bất hạ thực, dĩ lễ hữu đạo chi sĩ yên. , , , , , , , : ; ; ; ; . : , . ; (Wieger, Textes historiques, Tome I, p. 38-39)


          [32] Mỗi tuế mạnh xuân, du nhân dĩ mộc đạc tuần ư lộ. Quan sư tương qui, công chấp nghệ sự dĩ gián. Kỳ hoặc bất cung, bang hữu thường hình. , . , . , 有常 (Kinh Thư – Dận Chính, 3) Xem thêm Xuân Thu Tả Truyện, Tương Công năm 14. Couvreur, Tch’ouen Ts’ieu, Tome I, p. 901.


          [33] Kinh Thư – Đại Vũ Mô, tiết 2-6.


          [34] Kinh Thư – Đại Vũ Mô, tiết 6.


          [35] Kinh Thư – Đại Vũ Mô, tiết 6.


          [36] Kinh Thư – Đại Vũ Mô, tiết 7.


          [37] Léon Wieger, Textes historiques, Tome I, page 25.
          Ensuite, il divisa les terres arables d’après le système tsing c’est-à-dire qu’il établit huit familles sur un carré de terrain de un li de côté, divisé par deux sentiers Nord-Sud et deux sentiers Est-Ouest, en 9 carrés de cent mou chacun; le carré central contenant le puit était common. Les 8 familles d’un tsing formait un linn, 24 familles un p’eng, 72 familles formaient un li, 360 familles formaient un i, 3600 familles un tou’ et 36000 familles un Tcheou. II ne faut pas se figurer que cette division se soit faite par arpentage d’un seul coup et d’après la forrnule.
          Mais retenons que Hoang-Ti inaugura le double système (1) cadastral d’après lequel le Gouvernement leva depuis lors l’impôt foncier, (2) familial d’après lequel, il exigea certaines prestations et corvées. (Ư thị hoạch dã phân châu đắc bá lý chi quốc vạn khu. Mệnh tượng doanh quốc ấp, toại kinh thổ thiết tỉnh, sử bát gia vi tỉnh, khai tứ đạo nhi phân bát trạch, tỉnh nhất vi lân; lân tam vi lý, lý ngũ vi ấp, ấp thập vi sư, sư thập vi đô, đô thập vi châu. Vị trước thổ địa nhi hữu thường cư, phi hành quốc tùy súc mục thiên tỉ giả thử dã.)
          於 是 畫 野 分 州 得 百 里 之 國 萬 區, 命 匠 營 國 邑, 遂 經 土 設 井 使 八 家 為 井, 開 四 道 而 分 八 宅, 井 一 為 鄰, 鄰 三 為 里, 里 五 為 邑, 邑 十 為 都,都 十 為 師, 師 十 為 州, 謂 著 土 地 而 有 常 居, 非 行 國 隨 畜 牧 遷 徙 者 此 也.


          [38] Mạnh Tử – Đằng Văn Công thượng. Công Tôn Sửu thượng, 3. Lương Huệ Vương thượng, 7. Vạn chương hạ, 3.


          [39] Kinh Thư – Đại Vũ Mô, 7.


          [40] Kinh Thư – Đại Vũ Mô, 10. Quân Trần, 4.


          [41] Kinh Thư – Đại Vũ Mô, 12.


          [42] Kinh Thư – Đại Vũ Mô, 11.


          [43] Kinh Thư – Đại Vũ Mô, 7, 11. Trọng Hủy chi cáo, 8. Hồng Phạm, 16.


          [44] Trong lịch sử Do Thái ta thấy tội của cha là phạt cho tới đời cháu đời chắt, tới ba bốn đời (Exode 34,7; Exode 20,5-6; Nb 14, 18; Dt 5, 9-10; Jr 32, 18; Na 1, 3.).


          [45] Kinh Thư – Đại Vũ Mô, 12.


          [46] Mạnh Tử – Lương Huệ Vương hạ, 2. Đoàn Trung Còn dịch, trang 67.


          [47] Exode XXXIV, 28: Các bản dịch Kinh Thánh mới đây như của Crampon, Bible de Jérusalem, như của Tin Lành chỉ để 3000 người. Trái lại Vulgate để 23.000, Bible de Jérusalem cũng đề cập tới con số 23.000 của Vulgate nơi chú thích d, trang 96.


          [48] Nombres, XXI, 5-9.


          [49] Quelle main puissante et quelle grande terreur Moïse avait mises en oeuvre aux yeux de tout Israel. (Deut. XXXIV, 13) (Cf. Bible de Jérusalem, page 211)


          [50] … «Nhưng trong các thành của những dân tộc này mà Giêhôva, đức Chúa Trời ngươi ban cho ngươi làm sản nghiệp, thì chớ để sống một vật nào biết thở. Khá tận diệt dân Hê-tit, dân A-mô-ri, dân Ca-na-an, dân Phê-rê-sit, dân Hê-vit, dân Gie-bu-sit, y như Giêhôva, đức Chúa Trời ngươi đã phán dạy.» v.v… (Deut. XX, 16-17)


          [51] Vậy hãy đi đánh dân Amalec và diệt hết mọi vật thuộc về chúng nó. Ngươi sẽ không thương xót chúng nó. Phải giết người nam và nữ và trẻ còn bú; bò và chiên, lạc đà và lừa (I Sam XV, 3)


          [52] I Sam, 9, 29, 32, 33.


          [53] I Sam, 27, 2-7.


          [54] I Sam, XXVII, 8-11. Trong đoạn này, David báo cáo đã giết cả những người thuộc giòng họ Juda mà ông gặp (I Sam, XXVII, 10)


          [55] Xem bản dịch Việt văn của Thánh Thơ Công Hội Saigon 1965. Sử Ký I, đoạn XX, 3.
          Xem bản dịch của Louis Segond, La Sainte Bible, I Chronique XX, 3.
          Xem bản dịch Vulgate (Biblia sacra, I, Par. XX, 3)
          Ba bản dịch trên giống nhau.
          Trái lại, Bible de Jérusalem và Crampon thì dịch khác hẳn, đại ý nói vua chỉ bắt dân chúng ra cầm cưa, cầm búa chim, cầm rìu để làm việc… Lời dịch sau đây đã hẳn là không đúng, bởi vì thời ấy kẻ chiến thắng đâu có đối với kẻ bại một cách lịch sự nhân từ như vậy bao giờ. Đọc Le Livre de Josué, Les Livres de Samuel, Les Livres des Rois, Les Livres des Chroniques ta sẽ thấy rõ.


          [56] I Sam, 8, 2.


          [57] 2 Sam XXI, I, 10.


          [58] 2 Sam IX, 3-4; 2 Sam XXI, 7.


          [59] I Rois, III, 3-25; I Rois, II, 28-34.


          [60] I Rois, XII, 2-4. 14.


          [61] I Rois, XII, 20. Lorsque les Israélites, apprirent que Jéroboam était revenu, ils l’appelèrent à l’assemblée et ils le firent roi stir tout Israël: il n’y eut pour se rallier à la maison de David que la seule tribu de Juda. (La Bible de Jérusalem, page 355).


          [62] Thái Hạo, Phục Hi thị, hựu hiệu Bao Hi thị sinh ư Thành Kỷ, Phong tính, dĩ mộc đức vương. Đô ư Trần. Giáo dân điền ngư, súc mục, chế giá thú, tạo thư khế, tạo cầm sắt. Long mã xuất Hà, toại tắc kỳ văn dĩ hoạch bát quái. Bát quái Dịch thủy. 太 昊 伏 犧 氏 又 號 庖 犧 氏 生 於 成 紀, 風 姓, 以 木 德 王, 都 於 陳 教 人 佃 漁 畜 牧, 制 嫁 娶, 造 書 契, 造 琴 瑟, 龍 馬 出 河 遂 則 其 文 以 畫 八 卦, 八 卦 易 始 (Léon Wieger, Textes historiques, Tome I, page 19-20)


          [63] Sơ nghệ ngũ cốc, cố hiệu Thần Nông thị. Thưởng bách thảo, thủy chế y dược. Thủy vi nhật trung chi thị, dĩ hỏa kỷ quan. 初 藝 五 穀 故 號 神 農 氏, 嘗 百 草 始 制 醫 藥, 始 為 日 中 之 市 以 火 紀 官 (Léon Wieger, Textes historiques, Tome I, page 21)


          [64] Hoàng Đế Hiên Viên thị dĩ vân kỷ quan mệnh Thương Hiệt vi tả sử, Trở Tụng vi hữu sử chế lục thư… Thiết Linh Đài lập chiêm thiên chi quan, dĩ tự ngũ sự, chưởng thiên văn, lịch số, phong vân, khí sắc. Ư thị hồ hữu tinh quan chi thư. Tác giáp tý, tác cái thiên cập điều lịch, định toán số, nhi luật độ lượng hành do thị thành yên. Tạo luật lữ, tác thập nhị chung, tác Hàm Trì chi nhạc, tác miện lưu, chính y thường, tác khí dụng, tác chu xa, tác hợp cung, tự Thượng Đế, tiếp vạn linh nhi phu giáo yên. Tác hoá tệ, tác Nội Kinh, mệnh nguyên phi Luy Tổ Tây Lăng thị giáo dân tàm… Đế phương hành thiên hạ, bạt sơn thông đạo, vị thường ninh cư. Thiên tỉ vãng lai, dĩ sư binh vi doanh vệ, chế trận pháp, thiết kỳ mao… hoạch dã phân châu… Toại kinh thổ, thiết tỉnh, sử bát gia vi tỉnh, tỉnh khai tứ đạo, nhi phân bát trạch. , , , , , , , . . , 調 , , , . , , , , , , , , , . , , 西 , , . , , , , , 使 , , (Léon Wieger, Textes historiques, Tome I, page 25.)


          [65] Đế viết: Tư nhữ Hi ký Hoà, kỳ tam bách hữu lục tuần hữu lục nhật, dĩ nhuận nguyệt định tứ thời : , , (Kinh Thư – Nghiểu Điển, 8)
          … Mệnh Hi Hoà trị lịch tượng, trí nhuận pháp, định tứ thời, trí gián cổ, lập báng mộc , , , , (Léon Wieger, Textes historiques, Tome I, page 31.)


          [66] Xin xem: Kinh Thư – Thuấn Điển, 8.
          Thượng Thư, Nhượng Tống dịch, trang 29, chú thích 5.


          [67] Xin xem: Kinh Thư tất cả chương Vũ Cống.
          Léon Wieger, Textes historiques, Tome I, p. 38.
          Mạnh Tử – Đằng Văn Công hạ, 6.
          Mạnh Tử – Ly Lâu hạ, 26.


          [68] Trong chương Nền Thiên trị Trung Hoa thời cổ, tiếp theo chương nàyse đề cập rất dài tới Hồng Phạm. Xin đọc Léon Wieger, Textes historiques, Tome I, page 65 et ss; page 71 et ss.


          [69] Đế đức quảng vận, nãi thánh, nãi thần 帝 德 廣 運 乃 聖 乃 神 (Kinh Thư – Đại Vũ Mô, 4)


          [70] Hoàng kiến kỳ hữu cực 皇建 其 有 極 (Kinh Thư – Hồng Phạm, 2)


          [71] Tư Ân đa tiên triết vương tại thiên 茲 殷 多 先 哲 王 在 天 (Kinh Thư – Thiệu Cáo, 10) (Kinh Thư – Khang Cáo, 5, 20). Tại tích Ân, tiên triết vương địch úy thiên, hiển tiểu dân, kinh đức bỉnh triết 在昔殷先哲王迪畏天,顯小民,經德秉哲 (Kinh Thư – Tửu Cáo, 9)


          [72] Tri nhân tắc triết 知人 則 哲 (Kinh Thư – Cao Dao Mô, 2)


          [73] Nãi mệnh dĩ vị (Kinh Thư – Thuấn Điển, 1)
          Nãi mệnh vu đế đình 乃 命 于 帝 庭 (He was appointed in the hall of God) (Kinh Thư – Kim Đằng, 7)
          Hoàng Thiên quyến mệnh 皇 天 眷 命 (Kinh Thư – Đại Vũ Mô, 4)


          [74] Tái Thệ viết: «Thiên thị tự ngã dân thị, Thiên thính tự ngã dân thính.» Thử chi vị dã. 泰 誓 曰: 天 視 自 我 民 視, 天 聽 自 我 民 聽. 此 之 謂 也 (Mạnh Tử – Vạn Chương thượng, 6). Xem Mạnh Tử, Đoàn Trung Còn dịch, trang 95.


          [75] Hồng Phạm từ tiết 7 đến 16.


          [76] Mạnh Tử – Vạn Chương thượng, 6: «Thất phu nhi hữu thiên hạ giả, đức tất nhược Thuấn, Vũ nhi hựu hữu thiên tử tiến chi giả. Cố Trọng ni bất hữu thiên hạ.» , . .


          [77] Mạnh Tử viết: «Vũ, Tắc, Nhan Hồi đồng đạo.» (mt)


          [78] Thượng thiên chi tải, vô thanh vô xú, nghi hình Văn Vương, vạn bang tác phu. 上 天之 載, 無 聲 無 臭, 儀 刑 文 王, 萬 邦 作 孚 (Kinh Thi, Đại Nhã tam, Văn Vương chi thập tam chi nhất.)


          [79] Cao Trung Hiến viết: … cái thánh nhân giả hữu hình chi thiên đạo, cầu thiên đạo vu thiên tắc vi nhi nan kiến, cầu thiên đạo vu thánh nhân tắc hữu thể nhi khả pháp dã. Cố Dịch viết: Thần nhi minh chi, tồn hồ kỳ nhân, vị năng minh khế dã : … , , . : , , (Tống Nguyên học án, quyển 17, trang 36)


          [80] Luận Ngữ – Tử Hãn, 5. Đoàn Trung Còn dịch, trang 134.


          [81] Cái thiên dữ thánh nhân nhất dã (Tống Nguyên học án, quyển 17, trang 20)


          [82] Moi et le Père, nous sommes un. (Evangile selon Saint Jean 10, 30)


          [83] … C’est à cela que fait allusion le Ye Kolao (Diệp Các Lão 葉 閣 老
          grand ami du père Aleni, mais non chrétien) lorsqu’il a prétendu que le Roi d’en haut, ou le T’ien Chou s’éetait incarné en notre pays. Ce qu’il prouve ainsi: Le Roi d’en haut s’est incarné plusieurs fois en cet Orient comme dans les personnnes de Yao, de Choen, de Confucius, de plusieurs rois et même de plusieurs parliculiers. Il a donc pu dans l’Occident s’incarner de même dans la personne de Jésus... La conséquence qu’on doit tirer de ces paroles est que Jésus Christ est dans l’Occident ce que Confucius ou tout autre lettré de distinction est à la Chine. Ce docteur Michel dit encore... que la doctrine de Confucius est parfaite en tout et la même que celle de Dieu. –
          Henri Bernard Maître, Sagesse chinoise et philosophie chrétienne, page 114. Lettres de Leibniz par Kortholt (Leibniz epistoloe) Lépse 1734 tome 2, page 250 à 266.


          [84] The notion of man-god, or of a human being endowed with divine or supernatural powers, belongs essentially to the earlier period of religious history in which gods and men are still viewed as beings of much the same order, and before they are divided by the impassable gulf which, to later thought, open out between them. Strange therefore as may seem to us the idea of a god incarnate in human form it has nothing very startling for early man, who sees in a man-god or a god-man only a higher degree of the same supernatural powers which he arrogates in perfect good faith to himself.
          (James George Frazer, The Golden Bough, p. 106.)


          [85] Kinh Thư – Thiệu Cáo, 9.
          Kinh Thi – Chu Tụng, Thanh Miếu, Thời Mại.


          [86] Kinh Thư – Dận Chính, 6.


          [87] Kinh Thư – Đại Cáo, 8.


          [88] Sáng Thế Ký VI, 1-4.


          [89] Xem Sáng Thế Ký VI, 1-4. và VI, 3. (Xem Bible de Crampon)
          Sau này trong thánh thư gửi cho giáo hữu La Mã, thánh Paolo cũng viết: «Thật vậy, tất cả những ai được Tánh Thần Chúa làm cho linh hoạy đều là Con Thiên Chúa. (Romains 8, 14) (En effet, tous ceux qu’anime l’Esprit de Dieu sont fils de Dieu.» (Bible de Jérusalem, p. 1501)


          [90] Xem Deutéronome XXXII 8-10: «Quand le Très Haut donna aux nations leur héritage, quand il répartit les fils d’homme, il fixa leurs limites suivant le nombre des fils de Dieu. Mais le lot de Yahvé, ce fut son peuple, Jacob fut la part d’héritage.»


          [91] Mai Lâm Đoàn Văn Thăng, Thánh Vịnh Toàn Tập, trang 284-285.


          [92] I Chroniques XVII, 11-14.
          Xem thêm II Samuel VII, 12-16. Trong đoạn này cũng vẫn thuật lại lời tiên tri Nathan, nhưng thêm chi tiết này: «Ta sẽ là cha người, và người là con ta, nếu người phạm lỗi ta sẽ sửa trị bằng roi vọt loài người, và bằng thương tích lòao người, nhưng ta sẽ không cất sự phù trì ta khỏi ngươi như đã làm đối với Saül là kẻ ta trừ diệt trước mặt ngươi…» (II Samuel VII, 12-16)


          [93] Ezechiel 28, 1, 2.


          [94] Ezechiel 28, 11, 16. Dịch theo Bible de Jérusalem, từ 11 đến 13. Theo Louis Segond từ 14 đến 16.


          [95] Cyrus (560-529 TCN) sáng lập nước thượng vị ba Tư, lật đổ vua dân Mèdes là Astyage, thắng Cresus, vua xứ Lydie, chiếm Babylone và trở nên bá chủ cả mì6n tây Á Châu.


          [96] Hoec dicit Dominus Christo meo Cyro, cujus apprehendi dexteram, ut subjiciam ante faciem ejus gentes... Vulgate, Isaïe XLIV, 1.
          Ainsi parle Yahvé à son oint, à Cyrus qu’il a pris par la main droite pour abattre devant lui les nations.
          Bible de Jérusalem, Isaïe XLIV, 1.


          [97] Livre de la Sagesse II, 13, 19.
          ... Il (le juste) se flatte de posséder la connaissance de Dieu, et se nomme lui-mêrne fils du Seigneur... Si le juste est le fils de Dieu, Dieu l’assistera, il le délivrera des mains de ses adversaires. Eprouvons le par des outrages et des tourrnents. (Bible de Jérusalem, page 871-872)


          [98] - Juges 3, 10
          - I Samuel 10, 6
          - I Samuel 16, 13


          [99] I Samuel 10, 7.


          [100] II Samuel 7, 3.


          [101] Thương Ân chi lữ, kỳ hội như lâm, thỉ vu Mục Dã, duy dư hầu hâm, Thượng đế lâm nhữ, vô nhị nhĩ tâm. (J. Legge, The She King, tr. 435) ― Kinh Thi, Đại Nhã, Văn Vương, Đại minh, thất chương.


          [102] Mat: 3: 17; 4: 3, 6; 8: 29: 14: 33; 16: 16; 17: 5; 26: 63; 27: 54.
          Marc: 1: 1; 1: 11; 5: 7; 14: 61, 62.
          Luc: 1: 32, 35; 3: 22; 4: 41; 9: 35; 22: 70.
          Jean: 1: 34; 1: 49; 3: 16, 18; 5: 25; 9: 35; 10: 36; 19: 7; 20: 31.
          Chúa Jésus xưng mình là Con Thiên Chúa:
          Jean: 5: 25; 5: 18; Marc: 14: 61, 62.
          Jean: 9: 35, 37; 10; 36.


          [103] Jean: 1: 1; 10: 33; 20: 28; Rom: 9: 5.
          Col. 1: 16; 2: 9; I Tim. 1: 17.
          Heb. 1: 8; I Jn 5: 20; Jude 25.


          [104] Jn. 4:25, 26; Mat. 16: 16.


          [105] I Epitre de St Jean: 14.


          [106] Jean 5, 25; 5:18; Marc 14: 61, 62; Jean 9: 35, 37; 10: 36.


          [107] Quotquot autem receperunt eum, dedit eis potestatem filios Dei fieri... (Joan. Capt. I, II)
          ... on les appellera fils du Dieu vivant (Romains 9, 26) (Bible de Jérusalem, 1504)
          ... Car vous êtes tous fils de Dieu par la foi au Christ Jésus (Galates 3, 26) (Bible de Jérusalem, page 1540)
          ... Aussi n’es-tu plus esclave mais fils, et donc héritier de par Dieu (Galates 4, 7) (Bible de Jérusalem, page 1540)
          ... En effet, tous ceux qu’anime l’Esprit de Dieu sont fils de Dieu (Romains 8, 14).
          ... Car ceux que d’avance, il a discernés, il les a aussi prédestinés à reproduire l’image de son fils, afin qu’il soit l’aîné d’une multitude de frères... (Romains VIII, 29, Bible de Jérusalem, page 1502)


          [108] … Aussi la création attend-elle avec un ardent désir la révélation des fils de Dieu. (Romains 8, 19) – Louis Segond, La Sainte Bible, page 1140.


          [109] La société médiévale était conçue en tous ses rouages pour hausser l’homme de l’existence brute à la conscience morale, et de la subsistance naturelle à la vie spirituelle. C’était un appareil institutionnel qui s’insérait parfaitement dans la création conçue comme «machine à faire des dieux». La civilisation du moyen-âge tout entière avait pour but, en dernière analyse, d’aider les hommes à devenir de véritables chrétiens, c’est-à-dire des images du Christ, selon le mot de l’Apôtre: Christianus alter-Christus. (La Vocation de l’Occident, page 156)


          [110] In the second century, Montanus the Phrygian claimed to be the incarnate Trinity uniting in his single person God the Father, God the Son and God the Holy Ghost...
          Nor is this an isolated case, the exorbitant pretension of a single ill-balanced mind. From the earliest times down to the present day many sects have believed that Christ, nay God himself, is incarnate in every fully initiated Christian, and they have carried this belief to its logical conclusion by adoring each other. Tertullian records that this was done by his fellow-Christians at Carthage in the second century.
          The Golden Bough, page 117.


          [111] The disciples of St Columba worshipped him as an embodiment of Christ.


          [112] And in the eighth century, Elipandus of Toledo spoke of Christ as «a God among Gods», meaning that all believers were Gods just as truly as Jesus himself.
          Xem để so sánh: «Car ceux que d’avance il a discernés, il les a aussi prédestinés à reproduire l’image de son Fils, afin qu’il soit l’aîné d’une multitude de frères... (Romains 8, 20)


          [113] On thirteenth century, there arose a sect called the Brethen and Sisters of the free Spirit who held that by long and assiduous contemplation any man might be united to the deity in an ineffable manner and become one with the source and parent of all things, and that he who had thus ascended to God and been absorbed in his beatific essence, actually formed part of the godhead, was the Son of God in the same sense and manner with Christ himself, anh enjoyed thereby a glorious immunity from the trammels of all laws human and divine... (The Golden Bough, page 117)


          [114] Le monde Celte était considéré comme un petit univers, dont le roi-prêtre devait être le démiurge écoutant en lui-même pour l’orchestrer dans la société humaine l’harmonie céleste chère à Platon.
          (Louis Lallement, La Vocation de l’Occident, page 25)


          [115] Cf. Initiation biblique (A. Robert et A Tricot page 855) Les religions de l’Asie antérieure. La religion akkadienne:
          Le roi de chaque cité est le prêtre du Dieu de to ville. L’intermédiaire entre lui et les hommes. Prédestiné, il a été l’objet d’un choix manifesté par un appel mystérieux et formé par le Dieu même dans le sein de sa mère pour faire régner la justice. Du Dieu il reçoit les pouvoirs et les insignes de la royauté; s’il répond à sa vocation, il sera le favori des Dieux, s’il y est in fidèle, il pourra être dépossédé de ses fonctions. Le roi devient fils, frère, époux d’une divinité, Dieu lui-même, et messie car son avènement est le début d’une ère nouvelle d’abondance et de prospérité...


          [116] The early Babylonian kings from the time of Sargon I, till the fourth dynasty of Ur or later claimed to be gods in their lifetime... (The Golden Bough, p. 120)


          [117] The kings of Egypt were deified in their lifetime … It has never been doubted that the king claimed actual divinity; he was the «great god», the «golden Horus», and son of Ra. He claimed authority not only over Egypt, but over «all lands and nations», the whole world in its length and its breadth, the east and the west, «the entire compass of the great circuit of the sun», etc. (The Golden Bough, page 121)


          [118] Saviour: In its origin this was a pagan term applied to various divinities and occasionally to deified man. Certain kings of Syria and Egypt were invested with the title of «Soler» as part of their proper names. It was perhaps because of its pagan association that the term was avoided by Christians. In the N. it occurs rarely and always with a general sense, as a variant of the more usual expression «He who saved us». It was not until well on in the second century that «the saviour» came to be one of the acknowledged names of Christ... (Vergelius Ferm, Encyclopedia of religion, page 690.)


          [119] Deification of the king held an acknowledged place in the cultus of the nations surrounding Israel; but the covenant between Jehovah and the head of the Davidic house was a standing protest against assimilation to the commun pattern. For Greeks, deification followed easily from both the anthropomorphism of the myths which emptied the concept of godhead of much numinous content and the philosophico-religious belief in immortality and the divine affinities of the soul.
          Heroes and benefactors received quasi divine honors and at least from fifth century B.C., divine honors were paid to living men. Alexander received worship in the Oriental lands he conquered.
          (Baker’s Dictionary of Theology, trang 161, nơi chữ Deification.)


          [120] With his successors and kings and kinglets thereafter it become a common place. This might be oriental flattery, like that dearly bought by Herod Agrippa (Acts 12: 20ff), but it might be intensely serious; as when Antiochus IV Epiphanus, opponent of devout Jews and their God, identified himself with Zeus and called «himself» God on coins; and it might have deep associations as in Egypt, where sacred kingship was traditional and the Ptolemais family living and dead were worshipped officially.
          From Julius Caesar onward, deification was a carefully regulated part of Roman policy. Traditional Roman sentiment was inimical and Caesar worship was always restrained in Rome: but in the empire local comnumities frequently outran official pronouncements... (Baker’s Dictionary of Theology, page 161)


          [121] Julius received worship in his conquests. Augustus promoted the worship of «Divas Julius», but moderated the worship proffered to himself. He and most of his successors were officially deified at death (hence Vespasian’s deathbed joke, «I think L’m becoming a god»). Unbalanced Emperors – Caligula, Nero, Donnitian – insisted on divine honors during life.
          (Baker’s Dictionary of Theology, page 161)


          [122] Hellenistic mysticism as expressed most fully in the mystery religion but observably even in the Jewish Philo, tended to seek identification of the soul with the divinity to which it was kin. This passed into some forms of Christian mysticism; the Christian’s adoptive status was neglected; «partakers of the divine nature» (II Pet, 1:4) came to express an essential, rather than a moral transformation.
          (Baker’s Dictionary of Theology page 161)


          [123] Cf. J. M, A. Salles Dabadie. Les Conciles Occuméniques de l’Histoire, page 21 et ss (Collection 10-18), page 27.


          [124] Ibidem. page 36.


          [125] Cf. La vocation de l’Occident, page 156.
          «Soyez glorifié avec Jésus Christ dont vous êtes dit porter le nom et tenir la place. Que celui qui est médiateur entre Dieu et les hommes vous établisse médiateur entre le peuple et le Ciel», disait le consécrateur, après les onctions qui faisaient du Roi l’Oint du Seigneur, alter Christus...


          [126] Charlemagne, intronisé par l’onction royale comme lieutenant de Jésus Christ et par le couronnement impérial comme maître de l’Empire chrétien, s’attribuait en même temps que le pouvoir temporel une certaine juridiction spirituelle... (Louis Lallement, La vocation de l’Occident, page 109)


          [127] «Seigneur et Père, roi et prêtre, chef et guide de tous les chrétiens ‘ainsi qu’il s’intitula dans une lettre au Souverain Pontife, il se considérait en ces temps d’apostolat généralisé comme en quelque sorte le prince des apôtres pour son empire et quant au temporel (Ibid, p. 109)


          [128] Gouverner, c’était pour lui se charger de guider les hommes vers le salut éternel. (Ibidem, p. 107)


          [129] Il (Léon III) adressa aussitôt au roi des Francs copie de l’acte de son élection et y joignit les clefs du tombeau de Saint Pierre ainsi que l’étendard de la ville de Rome. C’était une manière d’hommage.
          Miroir de l’Histoire No 157. Les grandes heures des Papes, page 42.


          [130] Le pape et l’empereur figurent bien les «deux moitiés de Dieu» comme dit Hugo... Le premier devrait participer effectivement à la plénitude du surnaturel chez le Fils de Dieu et le second à la perfection de la nature humaine chez le Fils de l’homme. (La vocation de l’Occident, page 109-110).


          [131] Il lui est permis de déposer les empereurs (12) – Personne ne peut condamner une decision du Siège apostolique.


          [132] Innocent III (1198-1216) most powerful of all the Popes, claimed to be «Vicar of Christ», «Vicar of God», «Supreme sovereign over the Church and the world»; the right to depose kings and princes; that «all things on earth, and in heaven and in hell are subject to the Vicar of Christ». (Halley’s Bible Handbook, page 686.)


          [133] «De même que la lune reçoit la lumière du soleil de même le pouvoir royal emprunte à l’autorité pontificale, la splendeur de sa dignité»… «Aux princes a été donné le pouvoir sur la terre, aux prêtres a été attribué le pouvoir sur la terre et dans le ciel. La puissance des rois atteint seulement les corps, celle des prêtres atteint les corps et les âmes.» (Miroir de l’Histoire No 157, page 54.)


          [134] Boniface VIII, (1293-1303), in his famous bull, «Unam Sanctam» said: we declare, affirm, define and pronounce that it is altogether necessary for salvation that every human creature be subject to the Roman Pontiff.» (Halley’s Bible Handbook, page 678)
          ... Leo XII (1820-9) declares that «every one separated front the Roman Catholic Church, however unblamable in other respects his life may be, because of this single offense, has no part in eternal life. (Halley’s Bible Handbook, page 690)


          [135] Au XIIIè siècle on en était venu à Rome à la conception «guelfe» d’un pape-empereur telle que la résume typiquement la formule d’Henri de Suse» «Unus caput est tantum scilicet papa» (une seule tête suffit à la chrétienté: le pape.) (La Vocation de l’Occident, page 235)


          [136] Le Roy Edwin Frown, The prophetic faith of our fathers, Vol II, page 556.


          [137] Ibidem, page 556.


          [138] Arrivé le 25 Janvier (1077) au terme de son pénible pèlerinage, «le souverain déchu» se tint trois jours devant la porte, sans aucun insigne royal, ne cessant d’implorer la miséricorde apostolique» Grégoire VII ne voulut être «vaincu» que par la persévérance du repentir», au soir du 28 Janvier, comme le pénitent l’implorait de nouveau d’une voix que le froid et le jeûne prolongé rendaient à peine perceptible, il consentit enfin à le laisser au château et peu après, il l’admet au repas du soir.
          Miroir de l’Historire No 157.
          Les Grandes heures des papes, page 48.


          [139] Vạ tuyệt thông là một hình phạt tinh thần rất nặng. Đọc lễ nghi lời nguyền sau đây sẽ rõ:
          La cérémonie de l’excommunication.
          Dans l’église tendue de noir, au son des cloches, l’évêque entouré de son clergé, torches en mains, lisait devant le peuple assemblé la sentence d’excommunication. Puis il prononçait la formule d’anathème (ce mot a à-peu-près le même sens que: excommunication), dont voici quelques passages: «Qu’ils soient maudits toujours et partout: qu’ils soient maudits la nuit et le jour et à toute heure, qu’ils soient maudits quand ils dorment et quand ils mangent et quand ils boivent: qu’ils soient maudits quand ils se taisent et quand ils parlent, qu’ils soient maudits depuis le sommet de la tête jusqu’à la plante des pides. Que leurs yeux deviennent aveugles, que leurs oreilles deviennent sourdes, que leur bouche devient muette, que leur langue s’attache à leur palais, que leur mains ne touchent plus, que leurs pieds ne marchent plus. Que tous les membres de leur corps soient maudits; qu’ils soient maudits quand ils se tiennent debout; quand ils sont couchés et quand ils sont assis, qu’ils soient enterrés avec les chiens et les ânes; que les loups rapaces dévorent leurs cadavres... Et de même que s’éteignent aujourd’hui ces torches par nos mains, que la lumière de leur vie soit éteinte pour l’éternité, à moins qu’ils ne se repentent.» L’évêque et les prêtres, qui portaient des torches allumées, les renversaient alors contre terre et les éteignaient sous leurs pieds.
          (D’après le Dictionnaire d’Archéologie et de Liturgie, Letouzey édit.)
          André Alba, Le Moyen Âge (Classiques Hachette) page 60.


          [140]... Cette doctrine est celle de la théocratic pontificale. Elle finirait avec les papes moins respectueux de leur exacte mission que ne l’a été Innocent III, par attribuer au Siège romain la totalité de la puissance spirituelle et temporelle, véritablement le dominium mundi la Seigneurie du monde. Miroir de l’Histoire No 15, page 54.


          [141] «... Non simplex homo, sed quasi Deus» – not simply man but as it were God...»
          «... Tantoe enim est dignitatis et potestatis, ut faciat unum et idem tribunal cum Christo... et quasi Deus in terra». – «of so great dignity and power that he may constitute one and the same tribunal with Christ.., and as if God on earth...»
          (H. Grattan Guinness, Key to the Apocalypse, page 71).


          [142]... Hinc Papa triplici coronatur tamquan Rex Coeli et Terroe et Infernorum.
          – Ibid. page 70.
          – Annot 1, ad decis – Biblioth. Canon Ferraris Tome VII
          ... In his investiture with the papal tiara, the Pope is thus addressed: Receive this triple crown, and know that thou art the Father of Princes and the King and Ruler of the world...
          (Key to the Apocalypse, page 86)


          [143] The coronation oath enjoined by Popes and agreed to by the Western Emperors was that they would «be faithful and submissive to the Pope and Roman Church». In token of their subjection they prostrated themselves before the Pope, and kissed his feet. They held their kingdoms from him...
          (Key to the Apocalypse, page 86)
          «... Under the sacerdotal monarchy of St Peter» says Gibbon, «the nations began to resume the practice of seeking on the banks of the Tiber their fate...» (Ib. page 86)


          [144] Cf. jean herbert, L’Enseignement de Ramakrishna.


          [145] Hồng Phạm tiết 14. James Legge dịch: «Seeing this perfect excellence, turn to this perfect excellence.»


          [146] Cf. Romains 8, 19: Ainsi la Création attend-elle avec un ardent désir la révélation des fils de Dieu. (Louis Segond, La Sainte Bible, p. 1140)

          <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.06.2009 13:22:11 bởi huytran >
          #5
            huytran 30.06.2009 12:46:29 (permalink)
            Chương 4
            Nền thiên trị Trung Hoa thời cổ

            PHI LỘ
            Như các chương trên đã chứng minh, dân Trung Hoa thời cổ có những ý niệm về Thượng đế y thức như dân Do Thái và quan niệm về Thượng Đế trong Tứ Thư, Ngũ Kinh, tương tự như quan niệm của Cựu Ước.  
            Văn liệu sử liệu còn chứng minh trong khoảng gần hai nghìn năm (từ Phục Hi 2852 trước CN tới Chu Võ Vương 1122-1115 trước CN) ngoại trừ vài gián đoạn ngắn, dân Trung Hoa đã có một nền Thỉên trị (Théocratie). Gọi là Thiên trị vì dân Trung Hoa đã tin tưởng rằng chính Trời trị dân, còn vua chúa chẳng qua là những phần tử ưu tú được lĩnh mệnh Trời trị dân. Các Ngài được mệnh danh là:
            - Thiên tử [1]
            - Thiên sứ [2]
            Hoặc Thiên dịch [3]
            Trong nền Thiên trị, Trời sẽ gián tiếp cai trị chúng dân qua trung gian các vị thánh vương, triết vương [4] tức các vì Thiên tử.
            Cho nên Trời cũng đã soi sáng cho các ngài biết đường lối trị dân theo đúng thiên ý nhân tâm, và vật lý, ngõ hầu mang an bình, hòa hợp, thái thịnh lại cho muôn phương.
            Kinh Thư chép rằng bí quyết trị dân, toát lược trong Hồng Phạm Cửu Trù, đã được chính Trời ban cho vua Đại Võ khi ngài trị thủy thành công. [5]
            Cho nên không phải ngẫu nhiên mà có Hồng Phạm Cửu Trù. Chính Trời cao đã sắp xếp cho dân con được người hướng dẫn.
            Kinh Thư đã nhiều lần xác định điểm ấy.
            Thiên Trọng hủy chi cáo viết:
            «Than ôi ! Trời sinh ra dân có lòng muốn, không có chủ, thì loạn. Nên Trời sinh ra những bậc thông minh để trị dân. [6]
            Võ Vương cũng nói:
            «Chỉ có Trời đất là cha mẹ muôn vật. Kẻ thực thông minh làm vua đứng đầu. Vua đứng đầu là cho mẹ dân…» [7]
            ... «Trời giúp dân dưới, mới dựng nên kẻ làm vua, người làm thày, để họ giúp Thượng Đế vỗ yên bốn phương.» [8]
            Trời lại còn muốn cho dân con được hướng dẫn thực sự, trong tình thương yêu, trong sự quí trọng, cho nên đã đòi hỏi người cầm quyền phải có rất nhiều đức tính.
            Trong nền Thiên trị, Thiên tử phải thông minh, đức độ, có như vậy mới xứng đáng mệnh Trời. Thiên tử thay Trời trị dân nên phải uy nghi, trang trọng, thông minh, thánh trí. Mỗi động tác của người nhất nhất đều có giá trị tượng trưng hay ích lợi thực sự.
            Lúc ở Trung cung thời như sao Bắc thần làm khu nữu cho muôn tinh tú chầu về. [9] Lúc đi tuần thú bốn phương thì như vầng Dương rong ruổi trên hoàn võ theo đúng nhịp điệu tứ thờì mà tới mỗi phương. [10] Cho nên đặt Thiên tử vào ngôi Hoàng cực [11] vì con Trời sẽ thay Trời cai trị chúng dân.
            Như trên thượng giới, Trời ngự ở bắc cực trung tâm hoàn võ. [12]
            Dưới hạ giới, thiên tử cũng trị vì ở đế đô, trung tâm muôn nước.
            Hoàng cực chính là tâm điểm vũ trụ muôn phương, nơi Âm Dương giao thái, điểm hội tụ «duy tinh duy nhất» của tinh hoa nhân loại; nơi thực hiện đại đồng phổ quát; «nhất quán» vũ trụ quần sinh, bao trùm mọi biến thiên, chỉ huy mọi hành động, là tiêu chuẩn lý tưởng cho mọi người y thức trên đồ Dịch, Thái Cực ở Trung điểm là nơi phát sinh, vừa là điểm hội tụ của tất cả mọi biến hóa, mọi hào quải. [13]
            Kinh Thư vừa mô tả đời sống và công trình các vị chân thiên tử, vừa dùng mọi phương cách để nhắc nhở: «Thiên tử phải thánh thiện, minh triết cho đáng ngôi Hoàng cực.»
            Để chứng minh, chúng ta có thể đan cử thiên «Trọng Hủy chi cáo»:
            Trọng Hủy khuyên vua Thành Thang:
            «Hãy nâng đỡ người hiền, phù trợ người đức, thỏa mãn người giỏi, trọng kính người trung... Nếu nhà vua ngày một thêm nhân đức, muôn nước sẽ yêu mến. Nếu nhà vua độc đoán, độc tài sẽ bị chính họ ruồng rẫy ! Nhà vua hãy gắng làm rạng đức lớn, hãy treo gương «trung đạo» cho dân. Xin lấy nghĩa trị việc, lấy lễ trị lòng, hãy để lại cho hậu thế một tấm gương xán lạn. Tôi nghe nói: «Kẻ biết tìm thày hay chỉ dẫn, sẽ thống trị; còn kẻ coi mình hơn mọi người sẽ đi đến chỗ suy vong. Thích hỏi han sẽ trở nên cao đại; tự chuyên, tự đắc sẽ trở nên «ti tiểu». Ôi nếu muốn thành công, phải lo từ khởi điểm... Hãy khuyến khích kẻ có lễ nghi, hay lật đổ kẻ hôn bạo! Có trọng đạo Trời, mới giữ được mệnh Trời.» [14]
            Tứ Thư, Ngũ Kinh, còn đưa ra những nguyên tắc trị dân rất là đẹp đẽ. Những nguyên tắc ấy đã ghi trong Hồng Phạm Cửu Trù một cuốn sách tương truyền đã được Trời ban cho vua Đại Võ khoảng năm 2278 trước CN để thưởng công trị thủy thành công. [15]
            Theo Hồng Phạm, thiên tử trong khi trị dân sẽ tuân theo thiên lý, nương theo vật lý, tâm lý để khai thác vật chất, chuyển hóa nhân tâm, cho vũ trụ nhân quần tiến dần tới chân thiện mỹ. Công cuộc cai trị này sẽ trang trọng như một cuộc hành lễ, và êm đềm như một bài thơ, một khúc nhạc...
            Chúng ta sẽ khảo cứu Hồng Phạm một cách tỉ mỉ, một cách cặn kẽ trong những trang sau.
            Nhưng nếu chỉ nghiên cứu nguyên Hồng Phạm Cửu Trù, sẽ không làm nổi bật được hết cái hay cái đẹp của nền Thiên trị. Chúng ta phải đặt Hồng Phạm vào khung cảnh Tứ Thư Ngũ Kinh, như đề tài chính ở giữa một họa phẩm mênh mông, như quân vương ngự giữa triều đình rực rỡ, chúng ta mới lĩnh hội được tinh hoa, mới nhận định được mọi vẻ huy hoàng cao đại của Hồng Phạm.
            Chúng ta sẽ dùng Tứ Thư, Ngũ Kinh, điểm tô chảỉ chuốt cho các thiên Hồng Phạm, ta sẽ đem các lời lẽ của Khổng Mạnh làm hoa làm ngọc cài lên các ý tứ của Hồng Phạm; nói cách khác, chúng ta sẽ dùng những lời lẽ của Khổng Mạnh để quảng diễn và bình giải Hồng Phạm.

            THIÊN DẪN ĐẦU
            ĐẠI CƯƠNG HỒNG PHẠM CỬU TRÙ

            Hồng Phạm Cửu Trù là chương trình đại qui mô gồm chín điểm ghi chú những nguyên tắc chính yếu để trị dân.
            Tục truyền Trời đã ban Hồng Phạm Cửu Trù cho vua Đại Võ.
            «Thư Kinh Bị Chỉ» chia Hồng Phạm làm 3 phần:
            Phần nhất: Gồm ba tiết đầu, đề cập tới xuất xứ của Hồng Phạm: Vua đã được Trời ban cho Hồng Phạm. Cơ Tử truyền lại cho Võ Vương nhà Châu.
            Phần hai: Tức tiết 4. Trình bày tổng quát chín thiên Hồng Phạm.
            Phần ba: Từ tiết 5 đến tiết 40, mô tả rành rẽ chín thiên Hồng Phạm.
            Trong chín thiên Hồng Phạm, thì thiên 5 là quan trọng nhất, và là then chốt vì bàn về đức độ toàn thiện đấng quân vương.
            4 thiên trước minh định những phương pháp đạt tới đức độ siêu việt ấy.
            Còn 4 thiên sau trình bày những cách thế để giữ gìn đức độ siêu việt ấy. [16]
            Xưa nay ít người khảo sát Hồng Phạm theo đường lối này, thành thử Hồng Phạm trở nên mơ hồ huyền ảo, như một động phủ chìm ngập trong mây, xa xăm bí ẩn, phảng phất mung lung…
            Trái lại, nếu ta dùng Thư Kinh Bị Chỉ làm chiếc chìa thần để mở các khóa then Hồng Phạm, ta sẽ phanh phui được nhiều điều huyền diệu của tiền nhân. [17]
            Hồng Phạm Cửu Trù là hiến chương căn bản dạy cách thay Trời trị dân, nên toàn ghi chép những lời huấn thị cho các bậc đế vương.
            Nó đi sâu vào gốc rễ thần quyền, thế quyền, nó đưa ra một bí quyết trị dân rất là cao siêu huyền diệu, rập đúng theo guồng máy âm dương của vũ trụ và tiết tấu của trang sao, và có mục đích giúp con người khai thác những khả năng vô tận tiềm ẩn trong lòng mình, và trong lòng vũ trụ. [18]
            Võ Vương vì muốn rõ cơ vi về phương pháp trị dân, nên đến phỏng vấn Cơ Tử. [19]
            Hồng Phạm viết:
            Năm thứ 13, vua tới phỏng vấn Cơ Tử.
            Vua nói: «Này, ông Cơ Tử ! Trời luôn ám trợ chúng dân để cho họ được an hòa thái thịnh. Trời còn cộng tác với dân để giúp đỡ phù trì họ trong công cuộc bảo tồn giang sơn. Ta không biết đạo trị dân phải diễn tiến thế nào cho phù hợp với những nguyên lý hằng cửu chi phối nhân loại.» [20]
            Cơ Tử tâu: «Tôi nghe xưa chúa Cổn ngăn lấp Hồng Thủy, làm đảo lộn tính chất ngũ hành. Thượng Đế nổi giận, không ban Hồng Phạm Cửu Trù, vì thế các định luật hằng cửu bị hiểu sai trật. Cổn bị đày mà chết. Vua Võ nối tiếp công trình trị thủy. Trời ban cho Ngài Hồng Phạm Cửu Trù cho nên các định luật hằng cửu được áp dụng đúng cách, hợp theo thứ tự diễn biến.»
            Cơ Tử bèn lần lượt trình bày chín thiên Hồng Phạm cùng vua Võ...

            Hồng Phạm Cửu Trù xếp theo Lạc Thư
            (trích trong James Legge, The Shoo King, trang 325) 
            Chín thiên Hồng Phạm ấy từ 4000 năm nay đã khoác một lớp áo cổ kính, có một dáng điệu xa cách, đạo mạo, có một lối văn tỉnh mật cao siêu, nên khó gây cảm hứng. Nay ta sẽ trình bày lại Hồng Phạm, sẽ lấy Tứ Thư Ngũ Kinh trang điểm lại cho Hồng Phạm, để Hồng Phạm trở nên linh động duyên dáng, có một bộ mặt thế kỷ, một tâm tư thời đại ngõ hầu trao lại cho chúng ta những nguyên tắc chính trị cao đại và hằng cửu.

            Hồng Phạm Cửu Trù toát lược các thiên
            (trích trong James Legge, The Shoo King, trang 344)






            CHÚ THÍCH


            [1] Hoàng thiên Thượng Đế cải quyết nguyên tử. 皇 天 上 帝 改 厥 元 子 (Đấng Hoàng Thiên Thượng Đế thay đổi con đầu lòng của Ngài.) (Kinh Thư – Thiệu Cáo, 9).


            [2] Thiên sứ dật đức liệt vu mãnh hỏa. 天 吏 逸 德 烈 于 猛 火 (Bậc thiên tử, thiên lại, lầm đức dữ hơn lửa mạnh.) (Kinh Thư – Dận Chinh, 6)


            [3] Dư tạo thiên dịch 予 造 天 役 (Ta là tôi tá của Trời). Lời Võ Vương trong Kinh Thư – Đại Cáo, 8.


            [4] Tư Ân đa tiên triết vương tại thiên. 茲 殷 多 先 哲 王 在 天 (Bấy giờ triều Ân đã có nhiều vị triết vương ở trên trời) (Kinh Thư – Thiệu Cáo, 10)


            [5] Xem Hồng Phạm, lời mở đầu, tiết 3.


            [6] Xem Trọng Hủy chi cáo, tiết 2: Ô hô! duy Thiên sinh dân hữu dục, vô chủ nãi loạn. Duy Thiên sinh thông minh thời nghệ… 嗚 呼!惟 天 生 民 有 欲, 無 主 乃 亂. 惟 天 生 聰 明 時 乂…


            [7] Xem Thái Thệ Thượng, tiết 3: Duy thiên địa vạn vật phụ mẫu. Duy nhân vạn vật chi linh. Đãn thông minh tác nguyên hậu. Nguyên hậu tác dân phụ mẫu. 惟 天 地 萬 物 父 母, 惟 人 萬 物 之 靈. 亶 聰 明, 作 元 后, 元 后 作 民 父 母 (Kinh Thư – Thái Thệ Thượng, tiết 3)


            [8] Thiên hựu hạ dân, tác chi quân, tác chi sư. Duy kỳ khắc tướng Thượng Đế, sủng tuy tứ phương. 天 佑 下 民, 作 之 君, 作 之 師. 惟 其 克 相 上 帝, 寵 綏 四 方 (Kinh Thư – Thái Thệ thượng, 7)


            [9] Luận Ngữ – Vi Chính, 1.


            [10] Kinh Thư – Thuấn Điển, 8.


            [11] Hoàng cực giả, trung ương chính vị dã. 黃 極 者 中 央 正 位 也 (Chu Dịch Tham Đồng Khế phát huy. Trung quyển, trang 6.)


            [12] Comme un souverain terrestre est toujours accompagné de sa cour qui l’environne, de même les Chinois ont donné aux étoiles qui environnent l’étoil polaire, le Souverain des cieux ( 皇 天 大 帝 ) des noms de ministre et de membres de la famille impériale. (Gustave Schlegel, L’Uranographie chinoise, page 524)
            Thiên trung cung, thiên cực nhất tinh, kỳ nhất minh giả. Thái nhất thường cư. 天 中 宮, 天 極 一 星, 其 一 明 者. 太 一 常 居 (Sử Ký 史 記, Thiên quan thư 天 官 書) Ibidem.
            Thiên cực nhất tinh, danh Bắc Cực, vị tại trung ương, tứ phương sở thủ chính. Cố viết trung cung, viết Thiên cực, tức Bắc thần dã 天 極 一 星, 名 北 極, 位 在 中 央, 四 方 所 取 正. 故 曰 中 宮, 曰 天 極, 即 北 辰 也 (Khảo yếu 考 要). Ibidem. 524.
            … Ma Yung held that Shang Te was «the Supreme one» Thái Nhất (太 一 ). The whole of this comment is 上 帝 太 一 在 紫 微 宮 天 之 最 顯 者 (Thượng Đế Thái Nhất thần tại Tử Vi cung, thiên chi tối hiển giả): Shang Te is the the great one, his spirit occupies the palace of Tsze Wei (a celestial place about the pole), the most distinguished of the heavenly Powers. (Legge, The Shoo King, page 34 notes)


            [13] Đọc thêm: Nguyễn Đăng Thục, Lịch Sử Triết Học Đông phương I, trang 130-131.


            [14] Kinh Thư – Trọng Hủy Chi Cáo, 2.


            [15] Xem Kinh Thư – Thuấn Điển, 8. Xem Wieger, Textes historiques. La Grande Règle, page 26.


            [16] «The whole, says the writer exhibits the great model for the government of the empire. The fifth or middle division on Royal perfection is, indeed the central one of the whole that about which the book revolves. The four divisions that precede it show how this royal Perfection is to be accomplished and the four that follow show how it is to be maintained.» (James Legge, The Shoo King, page 321).


            [17] Cụ Từ Thanh chú thích 9 trù là: 1- Ngoại giới, 2- Nội giới, 3- Quốc gia, 4- Lịch số, 5- Vũ trụ, 6- Xử thế, 7- Chiêm nghiệm, 8- Thời tiết, 9- Thưởng phạt. Và cho rằng đó là quan điểm của Khổng An Quốc. (Châu Dịch Đại Toàn, Việt Nam Âm Dương Dịch Lý Hội, quyển thượng, trang 9)
            Giáo sư Nguyễn Đăng Thục cũng có ý kiến tương tự. Xem Nguyễn Đăng Thục, Lịch Sử Triết Học Đông Phương, quyển I, trang 137.


            [18] L’humanité est le but de la nature humaine et Dieu avec ce but a remis à notre espèce son propre destin entre ses mains. Le but d’une chose qui n’est pas simplement sans vie doit nécessairement se trouver en elle-même. Si nous étions créés pour, de même que la boussole se dirige vers le Nord, tendre avec un effort éternellement vain, vers un point de perfection en dehors de nous, que nous ne pourrions jamais atteindre, nous serions fondés, à titre de machines aveugles, à plaindre non seulement nous, mail l’être même qui nous aurait condamnés à un destin de Tantale, en créant notre espèce uniquement pour le plaisir de ses yeux, plein de malignité et indigne d’un Dieu... Mais par bonheur, la nature des choses ne nous enseigne pas cette hypothèse fausse; si nous considérons l’humanité telle que que nous la connaissons, d’après les lois qu’elle porte en elle, nous ne connaissons rien de plus haut que l’humanité idéale en l’homme. Car de même, quand nous imaginons des anges et des dieux, nous nous les représentons seulement comme des hommes idéaux, supérieurs.
            (Herder, Idées pour la philosophie de l’histoire de l’humanité, pages 270-271)


            [19] L’empereur gouverne par le Ciel, doit gouverner selon les intentions du Ciel et bien gérer les intérêts que le Ciel a dans le peuple. Ce sont les règles pratiques pour ce faire que l’empereur demande à Cơ Tử. (Wieger, Textes philosophiques. Chapitre II, La Grande Règle, page 26)


            [20] Đoạn này rất quan trọng, nên trích dẫn các bản dịch của mấy học giả danh tiếng Âu Châu:
            Wieger dịch: «Le Ciel, dit l’Empereur, gouverne mystérieusement le peuple habitant parmi lui. Je ne suis pas bien au courant de ses lois. Veuillez me les apprendre afin que mon action seconde parfaitement la sienne.» (Wieger Textes philosophiques. La Grande Règle, page 26)
            Gaubil dịch: «Le ciel a des voies secrètes par lesquelles, il rend le peuple tranquille et fixe. Il s’unit à lui pour l’aider à garder son état. Je ne connais point cette règle, Quelle est-elle?»
            Medhurst dịch: «Heaven has secretly settled lower people aiding and according with that in which they rest, but I do not know the arrangement of these invariable principles.» (Legge, The Shoo King, page 323, notes)

            <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.06.2009 13:41:23 bởi huytran >
            #6
              huytran 30.06.2009 12:52:56 (permalink)
              CHƯƠNG IV (TIẾP)
               
              THIÊN 1
              ĐẤNG QUÂN VƯƠNG PHẢI AM TƯỜNG VẬT LÝ

              Trước hết Hồng Phạm đòi hỏi Thiên Tử phải am tường vật lý vì có như vậy mới có thể dạy dân sử dụng chi phối biến hoá được ngũ hành, chế ngự, khai thác được hoàn cảnh vật chất.
              Hồng Phạm viết:
              MỘT là năm hành: một là nước, hai là lửa, ba là gỗ, bốn là kim, năm là đất. Nước thấm nhuần và chảy xuống, lửa bốc cháy và bay lên; gỗ có thể cong lại; kim có thể tùy nghi biến dạng; đất có thể gieo cấy.
              Nước chảy xuống nên sinh vị mặn; lửa bốc lên, nên sinh vị đắng; cây có thể cong ngay nên sinh vị chua; kim có thể tùy nghi biến dạng nên sinh vị cay; đất có thể gieo cấy nên sinh vị ngọt...
              Chữ ngũ hành [1] là chữ thông dụng nhất, nhưng cũng là chữ mù mờ nhất; mới nhìn, tưởng giản dị nhất, nhưng thật ra phức tạp cao siêu nhất.
              Quan niệm ngũ hành đã được các học giả Đông Tây bàn cãi nhiều. Nếu ta đi vào chi tiết sẽ không bao giờ cùng; đây ta chỉ tháo gỡ cho ra những giường mối chính, ý nghĩa chính.
              «Ngũ hành» có quan hệ mật thiết đến siêu hình học và vũ trụ quan Trung Hoa thời cổ; có hiểu vũ trụ quan Trung Hoa, mới hiểu ngũ hành.
              Trung Hoa, cũng như các dân tộc xưa, tin rằng vũ trụ vạn vật đều do một nguyên thể, một nguyên động lực phân tán, biến hóa ra. [2]
              1- Cho nên đứng vào phương diện năng lực, thì nguyên động lực từ một tâm điểm phân tán vận chuyển ra bốn phương theo hai chiều kinh (dọc) vĩ (ngang) thành ra hai cặp ngẫu lực chính. [3] Các ngẫu lực này hoạt động ảnh hưởng lên nhau và dần dà sinh mọi loại năng lực.
              2- Đứng về phương diện nguyên liệu, chất liệu, ngũ hành [4] là năm yếu tố cấu tạo vũ trụ. Hành Thổ ở Trung cung là căn cơ và cũng là đích cho muôn vật. Cho nên Dịch thường nói «Nguyên thủy phản chung» là vì vậy. [5]
              Quan niệm này tương tự như quan niệm của Âu Châu, vì các vũ trụ luận cổ Âu Châu vẫn chủ trương có 4 nguyên chất tạo thành vũ trụ: «thủy, hỏa, thổ, khí», nhưng ngoài ra còn chủ trương có «tinh hoa», «tinh túy thứ năm» (la quintessence: la quinte essence) mà họ còn gọi là éther, hay matière première. [6]
              Ấn Độ, Tây Tạng và nhiều phái huyền học Âu Châu chủ trương con người – tiểu vũ trụ – gồm ngũ hành như đại vũ trụ bên ngoài.
              Và họ hình dung con người như sau:
              [7]
              Nhiều đền đài Tây Tạng hiện còn xây theo đồ hình trên, ví dụ như đền Koumboum ở Gyantsé. [8]
              3- Xét theo không gian, thì ngũ hành lại chiếm năm vị trí chính yếu là Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung.
              4- Xét về thời gian, thì ngũ hành chính là năm thời đại khác nhau, năm mùa khác nhau, bốn mùa biến thiên bên ngoài và một mùa hằng cửu bên trong, vừa là mùa hoàng kim khởi thủy vừa là mùa Hạnh phúc lý tưởng lúc chung cuộc. [9]
              5- Ngũ hành, mà không kể trung điểm bên trong, thì còn lại tứ tượng bên ngoài.
              Cho nên ngũ hành bao gồm tất cả huyền cơ về bản thể và hiện tượng, gồm cả nguyên lý hằng cửu, và dịch lý biến thiên.
              Tứ tượng là 4 trạng thái, bốn hiện tượng tối sơ của một bản thể.
              Trung Hoa thường lấy tứ linh tượng trưng tứ tượng tức là: Long, Ly, Qui, Phượng.
              Trên trời thì ghi tứ tượng vào bốn chòm sao:
              Thanh Long 青龍
              Chu Tước 朱雀
              Bạch Hổ 白虎
              Huyền Vũ 玄武
              gồm nhị thập bát tú của vòng chu thiên Hoàng đạo, [10] còn Bắc Thần sẽ ở Trung điểm làm khu nữu.
              Đọc thánh kinh, hay huyền thoại các nước Âu Châu ta đều thấy có tứ linh tứ tượng, ví dụ tứ tượng trong sách Ezéchiel, mà sau này Thánh Irénée đã dùng làm tiêu biểu cho 4 Thánh Sử. [11]
              Trên nhiều bức họa, ta thấy đấng Christ ở tâm điểm thánh giá, còn ở bốn cánh có bốn Thánh Sử, hay tứ tượng.
              Louis Lallement bình về tứ tượng như sau:
              «Tứ tượng có thể là áp dụng của một đinh luật phổ quát, theo đó, cần phải có bốn trạng thái sinh hoạt, bốn nghi thức phô diễn để mô tả một nguyên lý thuần thuần, tùy theo thời gian và không gian.» [12]
              Những bién thái muôn mặt phản chiếu lại các sắc diện biến thiên của một toàn thể vô biên siêu xuất trên thế giới của phân ly chia xẻ, có thể thâu về bốn ý niệm chính, thâu về tứ tượng. Vì thế, tiên tri Ezéchiel đã nhìn thấy bốn con thú; cũng vì thế vườn địa đàng xưa có bốn con sông chảy ra bốn phương do một nguồn nước hằng sống. Đó cũng là huyền nghĩa của thập tự và chân lý mà các môn đệ Pythagore đã kính tôn dưới hình thức «tứ tượng» gồm 4 số sinh ra vũ trụ. [13]
              Huyền học Tarot cho rằng tứ tượng chính là 4 biến dạng của Thượng đế. [14]
              Xem 2 sơ đồ Đông Tây đối chiếu sau ta sẽ hiểu huyền nghĩa của tứ tượng và ngũ hành.

              Bốn chữ viết vòng 4 phương trên tức là:
              Iod, Hé, Vau, Hé = IVHV = Jéhovah = Thượng Đế


              Cho nên đề cập tới Thái Cực hay tới ngũ hành, ngũ đế chẳng qua cũng như là đề cập tới Tuyệt đối thể với các biến dạng, biến thái mà thôi.
              Thiên tử trong tòa Minh đường, hằng năm xưa, đã đóng lại tấn tuồng vũ trụ ấy.
              Xuân thì phẩm phục, cờ xí xanh, ngự cung Thanh dương phía Đông.
              Hạ thì phẩm phục, cờ xí đỏ ngự cung Minh Đường phía Nam.
              Sau Hạ Chí, phẩm phục, cờ xí vàng, ngự trung cung (Thái Miếu, Thái Thất).
              Thu phẩm phục, cờ xí trắng, ngự cung Tổng chương phía Tây.
              Đông phẩm phục, cờ xí đen, ngự cung Huyền đường phía Bắc. [15]

              Ý nói rằng chỉ có một vị Thiên tử nhưng hình dáng, động tác, phương vị có thể đổi thay theo thời gian: Thế cũng chủ trương: «Thể duy nhất, dụng vạn thù» của Dịch Kinh.
              6- Ngũ hành còn có thể hiểu là năm yếu tố cần thiết cho sự sống. [16]
              Ý nghĩa này hợp với Hồng Phạm. Kinh Thư chương Đại Vũ Mô viết: «Nhân đức của nhà vua hiện ra trong một nền chính trị giỏi giang khéo léo. Mà chính trị trước là phải nuôi dân.» [17]
              Sáu yếu tố cần cho dân là «Thủy, Hỏa, Kim, Mộc, Thổ, Cốc» (nước, lửa, kim khí, gỗ, đất, lúa); chúng cần được khai thác. Nhà vua chẳng những phải lo giáo hóa, khuyến thiện cho dân, mà còn phải cho họ biết khai thác lợi dụng vật chất thiên nhiên, cho đời sống họ được dồi dào phong phú. [18]
              Những lời Hồng phạm về ngũ hành tuy vắn vỏi nhưng chứa chan ý nghĩa. Nguyên tắc chính yếu là: muốn cho dân giàu, nước mạnh phải khai thác thiên nhiên, mà muốn khai thác thiên nhiên, phải biết vật lý, phải tìm hiểu tính cách, khuynh hướng nó. Sau khi am tường vật lý, sẽ thuận thế mà khai thác, lợi dụng, mới đỡ tốn công, mới mong kết quả. [19]
              Cách vua Vũ trị thủy xưa là một áp dụng hữu hiệu của thiên Hồng Phạm này.
              Mạnh Tử viết:
              «Ông Vũ làm cho nước lưu thông thuận theo thế nước, tính nước, cho nên ông làm việc chẳng có khó nhọc.
              Cũng một lễ, nếu kẻ trí y theo đó mà làm, tức là tùy theo thế, tính tự nhiên, ắt họ làm việc chẳng có chi khó nhọc mà được thành công, thì trí thức họ mới đáng kể là rộng lớn đó. [20]
              Cũng đời vua Vũ có đúc cửu đỉnh, tức là áp dụng, nguyên lý lửa nóng bay lên và kim loại tùy nghi biến dạng, v.v...
              Thiên một nói về ngũ hành này là phản ảnh một bổn phận trọng đại hay một mối lo âu muôn thuở của những nhà lãnh đạo, lập quốc, kiến quốc. Chúng ta nhìn ngay vào lịch sử nhân loại gần đây cũng vẫn tìm ra được những thí dụ điển hình.
              Brigham Young trong khi dẫn đoàn tín đồ Mormons băng ngàn, vượt núi tiến về miền Tây nước Mỹ (l847), đã cho thăm dò về địa dư, để tìm nơi định cư cho dân.
              Câu hỏi đầu tiên đặt ra là nơi nào có đất đai rộng, có nước nhiều và có cây cối nhiều. [21]
              Năm l948 khi dân Do Thái kéo nhau trở về Palestine lập quốc, vấn đề trước tiên họ nghĩ tới là tìm cho ta các mạch nước để dùng vào việc canh nông. Họ giở Thánh Kinh tìm các nơi xưa có giếng nước nhất là ở vùng Négeb, họ dẫn nước sông Yarkon vào các vùng hoang địa để canh tác; họ bắt dân thi đua giồng lại cây cối; họ hết sức khai thác đất đai. Nhờ vậy mà ngày nay, ở Do Thái, sa mạc xưa kia đã trở nên xanh tươi và rực rỡ muôn hoa, những giải đất cằn cỗi khô khan xưa đã trở nên thành đồng ruộng phì nhiêu. [22]
              Hồng Phạm đã đặt vấn đề kinh tế, vấn đề khai thác tài nguyên lên hạng đầu trong công cuộc trị dân.
              Nhìn vào các cường quốc Âu Mỹ ngày nay: ta thấy họ hết sức khai thác mọi nguồn lợi thiên nhiên và khuếch trương kinh tế.
              Đâu đâu họ cũng lợi dụng sông ngòi để thiét lập những hệ thống dẫn thủy nhập điền hết sức hoàn bị, để số đất đai dùng vào việc canh tác được lên tới mức tối đa. Các tài nguyên của nước, như muối, cá, rong hay sức nước v.v... đều được tận dụng.
              Họ dùng những sức nóng lớn lao để biến hóa kim loại, mở mang các ngành kỹ nghệ, và đã tiến rất xa về phương diện cơ khí.
              Họ triệt để khai thác lâm sản, khoáng sản, làm cho các vùng núi trở thành những khu vực thịnh vượng.
              Họ cũng đã khoa học hóa công cuộc trồng tỉa, cấy gặt.
              Nhờ sự am tường về tính chất đất đai, nhở những tiến bộ vượt mức về canh tác, họ đã thu thập được những thành quả hết sức tốt đẹp.
              Mới hay, càng hiểu biết về thiên nhiên, càng biết cách khaí thác ngũ hành, kho trời đất lại càng trở nên phong phú.
              Nếu một vị lãnh đạo nhân dân tự cho mình có bổn phận làm cho nước giàu dân mạnh, dĩ nhiên là phải để tâm suy cứu về địa dư, triệt để khai thác các đất đai còn hoang vu trong nước, triệt để khai thác các tài nguyên còn súc tích ở khắp nơi, trên núi, trên rừng, dưới nước dưới biển...
              Tóm lại xưa cũng như nay, các nhà lãnh đạo nhân dân đều tin tưởng vào kho tàng phong phú kỳ diệu của đất trời. Nhưng muốn cho thiên nhiên chuyển mình để trở thành nô bộc nhân loại, hỗ trợ và dưỡng nuôi nhân loại, nhân loại trước hết, cần phải dùng khối óc mà quan sát tìm hiểu, cần phải có ý chí sắt đanh để khắc phục hoàn cảnh, và cần có những bàn tay cần cù để đảo lộn cục diện hoàn võ. Trần gian tưởng như tiêu sơ, man dại nhưng chính là một thiên đường, nếu mọi người đều tận dụng khả năng để khai thác kho tàng của trởi đất.
              Thiên Hồng Phạm này làm liên tưởng đến mấy lời tiên tri Isaïe:
              Ta, Yahvé, đấng vô cùng cao cả.
              Sẽ cho sông tung tỏa giữa sườn đồi
              Cho suối tuôn trong thung lũng xa xôi
              Cho hồ ao chứa chan trong sa mạc
              Nơi hoang địa, nước sẽ chảy vào rào rạt,
              Sa mạc xưa sẽ đầy tùng bách, lá hoa...
              (Isaïe 51: 28 29)
              oOo







              CHÚ THÍCH


              [1] Chữ xưa viết  . Ta có thể giải: một nguyên động lực phân tán ra bốn phương.



              [2] Teilhard de Chardin gọi nguyên thể ấy là Etoffe cosmique. (Cf. Jean Onimus, Teilhard de Chardin, page 81)



              [3] Các động lực trong mỗi cặp ngẫu lực tưởng chừng xung khắc nhau, những thực ra vẫn tương thừa nhau để sinh biến hóa.

              Trong con người, nguyên động lực ấy cũng di chuyển theo các chiều kinh (dọc), lạc (ngang), và nhất lả dọc theo xương sống và đường chạy dọc theo giữa thân người phía trước qua hai mạch Nhâm, Đốc. (Nhâm chạy phía trước, Đốc chạy phía sau).



              [4] Chữ ngũ hành chỗ này, Legge dịch là Five Elements (Legge, The Shoo King, The Great Plan, p. 325).
              Thực ra chữ ngũ hành có nhiều nghĩa nên có học giả Âu Châu chỉ phiên âm mà không dịch, ví dụ như trường hợp ông Gaubil (Gaubil does not translate but gives always «le cinq hing») (Legge, The Shoo King, The Great Plan, p. 325)



              [5] Ngộ Chân Thiên chi thi vân: Tứ tượng ngũ hành toàn tạ thổ. Hựu vân: Chỉ duyên bỉ thử hoài chân thổ, toại sử kim đan hữu phản hoàn. : . : , 使 (Chu Dịch Tham Đồng Khế phát huy, quyển thượng, trang 4)
              … Cố năng di luân thiên địa chi đạo, ngưỡng dĩ quan ư thiên văn, phủ dĩ sát ư địa lý, thị cố tri u minh chi cố, nguyên thuỷ phản chung, cố tri tử sinh chi thuyết. , , , , , (Hệ Từ Thượng )



              [6] «Du même point de vue, on peut observer que toutes les cosmogénies anciennes présentent le monde comme constitué de quatre éléments; le feu, l’air, l’eau, et la terre. La «quintessence» qu’elles considèrent en outre n’est pas un cinquième élément à proprement parler: elle appartient à un ordre de réaltiés subtil, intermédiaire entre l’esprit et la matière, et c’est en quelque sorte, la rnatière immatérielle de la création, contenant unis dans l’indistinction originelle, les principes des quarte éléments.
              D’une manière générale, la quintessence symbolise la pure réalité spirituelle par rapport à ses traductions quaternaires, entachées des servitudes d’expression ou d’incarnation. C’est, par exemple, le Christ, Verbe divin, par rapport aux Evangélistes, témoins inspirés participant de sa lumière. La quintessence n’est pas pur symbole, elle a sa réalité propre encore qu’insaisissable aux sens humains...
              Quant à la loi du quaternaire dans le temps, il suffit de rappeler ici les quatre âges de l’humanité, les quatre époques de la vie humaine, les quatres saisons de l’année, etc...
              Louis Lallement, La vocation de l’Occident, page 24.



              [7] Forlong, in his Faiths of man, gives this arrangement:
              A – is the earth, or foundation on which all build.
              WA – Water as in an egg, or as condensed fire and ether.
              RA – fire or the elements in motion.
              KA – Air or wind – Juno or Ioni; a condensed element.
              CHA – Ether or Heaven, the cosmical Former.
              (Cf. Mackey’s Freemasonry encyclopedia, Vol. II, page 615)



              [8] Xem Fondement de la mystique tibétaine, page 260-261.



              [9] Lễ Ký bình về ngũ hành:
              Ngũ hành chi động trật tương kiệt dã. Ngũ hành tứ thời, thập nhị nguyệt, hoàn tương vi bản dã. . , , .
              Les cinq éléments se meuvent sans cesse, prenant alternativement la place et anéantissent le pouvoir l’un de l’autre. Dans leurs révolutions, durant les quatre saisons et les douze mois de l’année, chacun d’eux est à son tour comme la base des quatre autres.
              Couvreur, Li Ki, page 519.



              [10] Cac nước cũng có tứ linh, tứ tượng: Cf. Robert Ambelain, Traité d’astrologie ésotérique, page 155:
              Les Quatre branches de la croix symbolisent les quatre angles célestes (Nord, Sud, Est. Ouest), les quatre angles du thème astrologique (AS, DS, FC, MC), les quatre saisons solaires, les quatre étoiles royales qui marquaient dans l’antique Egypte le commencement des saisons; Aldébaran (l’œil du Taureau), Régulus (le cœur du Lion), Antarès (le cœur du Scorpion) et Fomalhaut (La bouche du Poisson austral)



              [11] C’est ainsi que le message du Christ a été, transmis en quatre évangiles selon Saint Jean, Saint Mathieu, Saint Marc et Saint Luc dont les différences de nature ont été symbolisées par l’aigle, l’homme, le lion et le bœuf - Saint Irénée auquel remonte cette correspondance établie entre les évangélistes et les animaux d’Ezéchiel, la relie, d’ailleurs expressément aux «quatre régions du monde où nous sommes», et aux «quatre vents principaux».
              Irénée (Adversus Hoereses III, II-8)
              Louis Lallement, La vocation de l’Occident, page 23.
              Khoa chiem tinh cũng có tứ tượng, tứ thú.
              Huyền học Rose Croix cũng có tứ tượng như sách Ezéchiel. (Cf. Traité d’Astrologie ésotérique của Robert Ambelain, page 53)
              ... The Celestial Vulture or Eagle, rising and setting with the Scorpion, was substituted in its place, in many cases, on account of the malign influence of the latter, and thus the four great periods of the year were marked the Bull, the Lion, the Man (Aquarius), and the Eagle, which were upon the respective standards of Ephraim, Judah, Ruben, and Dan and still appear on the shield of American Royal Arch Masonry (Albert Pike, Moral and Dogmas – Knight of the Brazen Serpent)



              [12] Celle formule quaternaire semble avoir été l’application d’une loi universelle d’après laquelle quatre modalités d’existence ou d’expression seraient nécessaires pour traduire selon l’espace et le temps un principe spirituel.
              Louis Lallement, La vocation de l’Occident, page 23.



              [13] Les aspects multiples en lesquels se réfracte, ici-bas, la plénitude ineffable des réalités qui transcendent ce monde de la division, peuvent en règle générale, être en effet ramenés dans chaque cas, à quatre représentations fondamentales; ainsi les quatre animaux de la vision d’Ezéchiel, ou les quatre fleuves en lesquels il est dit qu’au Paradis terrestre se partage la source des eaux vives. C’est là l’un des sens symboliques de la croix, et la vérité que les pythagoriciens ont révérés dans la «tétractys» sacrée, tenant quatre pour le nombre de la création.
              (Louis Lallement, la Vocation de’Occident, page 23)



              [14] Bốn chữ viết vòng bốn phương trên tức là: Iod, Hé, Vau, Hé = IVHV = Jéhovah = Thượng Đế.



              [15] Lễ Ký – Nguyệt Lệnh. Couvreur, Li Ki, từ trang 330 đến 410.



              [16] Legge dịch là «The five essentials to human life». (James Legge, The Shoo King, p. 326)



              [17] Vũ viết: Ư đế niệm tai. Đức duy thiện chính, chính tại dưỡng dân. : . , . (Kinh Thư – Đại Vũ Mô, 7)



              [18] Thủy, hỏa, kim, mộc, thổ, cốc duy tính tu. Chính đức lợi dụng hậu sinh. , , , , , . 厚生 (Kinh Thư – Đại Vũ Mô, 7)
              Dụng thủy hỏa kim mộc, ẩm thực tất thời. , , , . Couvreur bình dịch như sau: La pêche, l’extraction du sel et des métaux, la coup du bois avaient lieu aux époques convenables.
              Lễ Ký – Lễ Vận. Couvreur, Tome I, 535.



              [19] Thiết tưởng nguyên tắc này cũng cần được áp dụng vào nghệ thuật trị dân.



              [20] Mạnh Tử – Ly Lâu hạ, 26. Đoàn Trung Còn dịch, trang 57-59. và Mạnh Tử – Cáo Tử hạ, 11. Đằng Văn Công thượng, 3.



              [21] Xem La longue marche des Mormons trong Sélection Octobre và Novembre 1965.



              [22] Xem André Lamorte, La Bible et le plan de Dieu. Chapitre VI, pages 92 et ss.

              THIÊN 2
              ĐẤNG QUÂN VƯƠNG PHẢI BIẾT PHƯƠNG PHÁP TU THÂN

              Thiên tử phải biết mình, biết người, biết phương pháp gây uy tín, tăng gia kiến thức, giá trị nội tại. Ngoài phải đoan trang, biết đàng ăn nói, biết nghe, biết nhìn, biết suy xét. [1]
              Hồng Phạm viết:
              Hai là năm việc: một là dáng điệu, hai là nói năng, ba là trông nhìn, bốn là nghe ngóng, năm là nghĩ ngợi. Dáng điệu phải kính cẩn, nói năng phải hợp lý, trông nhìn phải sáng suốt, nghe ngóng phải tinh tế, nghĩ ngợi phải thấu triệt. Kính cẩn sẽ nghiêm trang; hợp lý sẽ trật tự; sáng suốt sẽ khôn ngoan; tinh tế sẽ mưu lược; thấu triệt sẽ thánh thiện.[2]
              Đó chính là đường lối cho nhà vua tiến tới minh triết, hiền thánh.
              Phương pháp tiến tới minh triết, hiền thánh thật cũng rất là giản dị; chỉ cần tận dụng khai thác các quan năng mình; con tim, khối óc mình, cho nó rung động lên, rực rỡ lên, và thành khẩn đón nhận tinh hoa nhân loại.
              Nguyên tắc chính vẫn là muốn trị người, trước phải trị mình.
              Đức Khổng nói trong Luận Ngữ: «Như người nào đã sửa trị lấy mình, thì đứng ra cai trị thiên hạ có khó gì. Nhược bằng chẳng cai trị được mình, thì làm sao cai trị nhân dân được?» [3]
              Ta có thể dùng Luận Ngữ, Mạnh Tử để bình giải thiên này.
              Đức Khổng nói: «Người quân tử có chín mối xét nét:
              1- Khi trông thì cố trông cho minh bạch.
              2- Khi nghe thì lắng nghe cho tỏ rõ.
              3- Sắc mặt giữ cho ôn hòa.
              4- Tướng mạo giữ cho khiêm cung.
              5- Nói năng thì giữ bề trung thực.
              6- Làm việc thì trọng sự kính cẩn.
              7- Có điều nghi hoặc thì liệu thế hỏi han.
              8- Khi giận thì nghĩ đến hoạn nạn có thể xảy ra.
              9- Khi thấy mối lợi, liền nhớ đến điều nghĩa.» [4]
              Người xưa rất chú trọng đến lời ăn, tiếng nói, vì lời lẽ phản ảnh tâm hồn con người.
              Mạnh Tử nói: «Nghe ai thốt ra lời nghiêng lệch bất công, ta biết rằng lương tâm kẻ ấy bị mối tư dục che án. Nghe ai thốt ra lời phóng đãng, ta biết rằng tâm ý kẻ ấy bị chìm đắm. Nghe ai thốt ra lời tà ác, ta biết lòng dạ kẻ ấy rời khỏi đường chính nẻo thiện. Nghe ai thốt ra lời đần độn, ta biết tâm trí kẻ ấy cùng quẫn chẳng thông. Nhà cầm quyền nếu tâm không minh chính, thiên lệch, u mê, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng xấu đến chính sự, sẽ hại cho việc nước. Dẫu thánh nhân trở lại cõi này cũng sẽ công nhận lời ta vậy.» [5]
              Tăng Tử cho rằng:
              Bậc quân tử ở ngôi trên, quí trọng đạo đức, có ba điều:
              1- Cử chỉ dung mạo nên tránh lối bạo ngược khinh lờn.
              2- Dung nhan nên sửa cho thành tín ngay thật.
              3- Lời nói nên tránh lối thô bỉ, bạo nghịch. [6]
              Ông Tử Trương hỏi đức Khổng: «Phải làm gì mới đáng là người gánh việc nước?»
              Đức Khổng đáp: «Người gánh vác việc nước phải tôn trọng năm việc tốt, trừ tuyệt bốn việc xấu.»
              Tử Trương hỏi: «Sao gọi là năm việc tốt?»
              Đức Khổng đáp:
              «1- Người quân tử cầm quyền thi thố ân huệ cho dân mà chẳng hao tốn tiền của.
              2- Khiến dân làm việc cực nhọc mà họ chẳng oán ghét.
              3- Có lòng ưa thích mà chẳng mang tiếng tham.
              4- Tướng mạo thư thái mà chẳng có vẻ kiêu hãnh.
              5- Oai nghiêm đằm thắm mà chẳng có vẻ hung dữ.»
              Tử Trương hỏi thêm: «Sao gọi là thi thố ân huệ cho dân mà chẳng hao tốn tiền của?»
              Đức Khổng giải: «Mình nương theo chỗ lợi của dân mà mở mang nguồn lợi cho họ nhờ, như vậy chẳng phải là thi thố ân huệ cho dân mà chẳng hao tốn tiền của sao? Mình chọn việc nào đáng làm mà phải lúc mới khiế dân ra công nhọc sức; như vậy còn ai oán ghét mình. Mình chuộng điều nhân thì được nhân, như vậy lại mang tiếng tham sao?»
              Người quân tử đối với người chẳng luận là nhiều hay ít, lớn hay nhỏ, chẳng hề dám khinh dễ ai; như vậy chẳng phải là thư thái mà chẳng kiêu hãnh sao? Người quân tử mũ miện ngay ngắn, áo xống chỉnh tề, nhìn ngó một cách nghiêm trang, oai nghi nghiễm nhiên, khiến người trông vào mà kính sợ, như vậy chẳng phải là oai nghiêm đằm thắm mà chẳng có vẻ hung dữ sao?
              Tử Trương hỏi thêm: «Sao gọi là bốn việc xấu?»
              Đức Khổng đáp: «1- Nhà cầm quyền chẳng giáo hóa cho dân biết nghĩa vụ phép tắc, bởi đó dân phản bội, nhà cầm quyền bèn đem giết đi, như vậy gọi là ngược.
              2- Trước chẳng dặn bảo người cho rành rẽ, kế buộc người làm xong công việc một cách cấp tốc, như vậy gọi là bạo.
              3- Tự mình ra lệnh một cách giải đãi; rồi kỳ hạn cho người làm cho chóng; như vậy gọi là tặc.
              4- Khi cho ai vật gì, thì so hơn tính thiệt một cách biển lận, đó là cử chỉ của một viên chức nhỏ.» [7]
              Mạnh Tử chủ trương: nếu có đức độ, trị dân chúng chẳng khó. Ông nói cùng Tề Tuyên Vương:
              «Mình kính trọng bực cha anh mình, rồi do nơi mối tình ấy mình kính trọng bực cha anh của mọi người; mình thương tưởng hàng con em mình, rồi do nơi mối tình ấy, mình thương tưởng hàng con em của mọi người. Nếu vua làm được như vậy, Ngài sẽ cai trị thiên hạ dễ dàng như trở bàn tay.
              Kinh Thi viết: «Văn Vương trước làm gương mẫu cho vợ con mình, kế làm gương mẫu cho anh em mình, nhờ đó mà ngài yên trị từ việc nhà đến việc nước.»
              Thế nghĩa là: mình chỉ cần cho tấm lòng nhân đức của mình nó lan tràn ra từ chỗ gần mà lần ra chỗ xa vậy. Cho nên người thi ân bá đức cho rộng ra thì đủ sức bảo hộ bốn biển; mà người chẳng thi ân bá đức thì chẳng thể giữ gìn vợ con mình. Các vua đời xưa sở dĩ hơn người thường, vì các ngài khéo phát triển những hành vi về đạo nghĩa của mình mà thôi.» [8]
              Mạnh Tử nói: «Dùng lực mà thu phục người, thì người ta chì phục mình bề ngoài nhưng tâm chẳng phục, ấy là tại người ta chẳng đủ sức mà đương cự với mình. Còn như dùng nhân đức mà thâu phục người thì người ta vui lòng mà tùng phục mình, một cách thành thật như bảy mươi vị đệ tử phục đức Khổng Tử vậy.»
              Kinh Thi viết:
              «Bất phân Nam, Bắc, Tây, Đông,
              Bốn phương đâu đấy phục tòng Văn Vương.»
              Mấy lời ấy tỏ ra sự tâm phục. [9]
              Tóm lại muốn trị dân, phải đủ trí, nhân, trang, lễ. [10]
              oOo





              CHÚ THÍCH


              [1] Tu thân dạ chẳng suy vi,
              Gương lòng vằng vặc quang huy rỡ ràng.
              Trang nghiêng mũ áo đường hoàng,
              Những điều dang dở chẳng làm chẳng nghe.
              Muốn khuyến hiền hãy chê nịnh hót,
              Hãy tránh xa sắc tốt lả lơi.
              Khinh tài trọng nghĩa không ngơi,
              Treo gương hiền đức cho đời soi chung.


              [2] Xem bản dịch của Wieger trong Textes philosophiques, chapitre II, la Grande Règle, p. 29.
              Có người bình đoạn này như sau: Thứ tự năm công việc này diễn tiến theo đà khai triển của con người (từ thô đến tinh, từ biểu tới lý).
              Bé thì múa may, vận động, rồi kêu gào, rồi trông nhìn, nghe ngóng; cuối cùng mới biết suy nghĩ… Sự suy nghĩ cũng lại diễn biến từ thô tới tinh, y như việc làm của người đào giếng: mới đào chỉ có bùn đục, mãi sau, nước mới trong dần.
              Xem Wieger, Textes philosophiques, chapitre II, la Grande Règle, p. 28.
              Nguyễn Đăng Thục, Lịch Sử Triết Học Đông Phương, quyển I, trang 125.


              [3] Luận Ngữ – Tử Lộ, 13. – Quí Thị, 10. – Thái Bá, 5. – Nghiêu Viết, 2.


              [4] Luận Ngữ – Quí Thị, 10.


              [5] Mạnh Tử – Công Tôn Sửu thượng, 2.


              [6] Luận Ngữ – Thái Bá, 5.


              [7] Luận Ngữ – Nghiêu Viết, 2.


              [8] Mạnh Tử – Lương Huệ Vương thượng, 6.


              [9] Mạnh Tử – Công Tôn Sửu thượng, 3.


              [10] Luận Ngữ – Vệ Linh Công, 33. – Mạnh Tử – Lương Huệ Vương hạ, 33.

               
              THIÊN 3
              ĐẤNG QUÂN VƯƠNG PHẢI BIẾT PHƯƠNG PHÁP TRỊ DÂN
               
              Thiên tử biết thiên nhiên, biết mình chưa đủ, còn phải biết cai trị muôn dân. Trị dân thật là nhiêu khê phức tạp, nếu xét về chi tiết, nhưng giản dị nếu xét về cương lĩnh. Cương lĩnh trị dân gồm tám mối. Trị dân tức là lo cho dân:
              1- No ấm
              2- Sung túc đủ tiện nghi
              3- Có lễ nghi, tế tự
              4- Có nhà cửa đất đai
              5- Có một nền giáo hóa hẳn hoi
              6- Khỏi bị gian ác đạo tặc quấy nhiễu
              7- Biết đường tiếp nhân, xử thế
              8- Được bảo vệ tính mệnh và tài sản trước nạn ngoại xâm, nhờ có binh hùng tướng mạnh.
              Đó là đại ý chương 3 Hồng Phạm. [1]
              Hồng Phạm viết:
              BA là bát chính:
              Một là ăn uống,
              Hai là của cải,
              Ba là tế tự
              Bốn là Tư Không (coi về đất đai),
              Năm là Tư Đồ (coi về giáo dục),
              Sáu là Tư Khấu (coi về tư pháp),
              Bảy là Tân Khách (tiếp khách),
              Tám là Binh Lương (quân sự). [2]
              Đó chính là tám điểm trọng yếu trong công cuộc trị dân.
              Luận Ngữ và Mạnh Tử có rất nhiều đoạn bình luận về các điểm này.
              Tử Cống hỏi về cách cai trị. Đức Khổng đáp: «Đủ lương thực, đủ binh lực, có tín ngưỡng.» [3]
              Đức Khổng đến nước Vệ, ông Nhiễm Hữu đánh xe hầu Ngài. Đức Khổng khen: «Dân nước Vệ đông thay!» Ông Nhiễm Hữu hỏi: «Dân đã đông, nhà cầm quyền phải làm gì cho họ nhờ?» Đáp: «Phải giúp cho họ trở nên giàu có.» Hỏi: «Họ đã giàu có rồi, nhà cầm quyền phải làm gì cho họ nhờ?» Đáp: «Phải giáo hóa họ.» [4]
              Mạnh Tử cũng viết:
              «Làm người ai cũng có đạo lý, chứ như đã được ăn no, mặc ấm, ở yên mà chẳng có giáo dục thì gần với loài thú rồi đó, cho nên bậc thánh nhân (Nghiêu, Thuấn) lấy làm lo lắng về việc ấy. Hai Ngài bèn cử ông Tiết làm quan Tư Đồ, giao phó việc giáo hóa, cho dân biết ăn ở theo nhân luân: giữa cha con có tình thân ái; giữa vua tôi có mối danh nghĩa; giữa chồng vợ có sự phân biệt; giữa anh em có thứ tự; giữa bạn bè có niềm tin thật…
              Tóm lại mình nên thi hành mọi phương pháp cho dân trở lại với tính bản thiện của họ, và mình cũng nên ra ân huệ để giúp cho họ phấn chấn trên đường đức hạnh.» [5]
              Mạnh Tử còn chủ trương:
              «Đem của cải phân phát cho người, đó kêu là huệ; dùng lẽ thiện mà dạy người, đó là trung; vì thiên hạ mà quyết kiếm cho được người giúp mình trong cuộc cai trị, đó là nhân. Bởi vậy cho nên truyền ngôi cho người cai trị thiên hạ thì dễ, mà vì thiên hạ quyết kiếm cho được người biết cai trị thì khó.» [6]
              Vì thế đạo Nho có câu: «Đấng quân vương phải lo liệu cho dân cũng như giữ gìn con đỏ.»[7]
              Đem no ấm, bình an, hạnh phúc lại cho dân, đó là trọng tâm công tác của các vị thánh vương Trung Hoa.
              Những phương pháp đã được thực thi, cốt cho dân được ấm no, hạnh phúc đại khái như sau:
              A. Quân phân ruộng đất cho dân.
              Các vị thánh vương xưa chia ruộng đất cho dân, theo phép tỉnh điền. Chế độ này bắt đầu từ thời Hoàng Đế và được biến chế qua các thời đại Hạ, Thương, Chu. [8]
              Đại khái mỗi gia đình, tùy theo triều đại, được cấp phát từ 50 đến 100 mẫu ruộng. Cứ 8 gia đình lại họp sức nhau làm giúp nhà nước một khoảnh ruộng ở chính giữa, cũng rộng từ 50 đến 100 mẫu.
              Thế tức là nhà nước cấp phát điền sản cho dân, nhưng ngược lại, thu một phần mười lợi tức của dân. [9]
              Mạnh Tử nói:
              «Đấng minh quân chế định điền sản, chia cho dân cày cấy, cốt cho họ trên đủ phụng dưỡng cha mẹ, dưới đủ nuôi nấng vợ con. Nhằm năm được mùa, thì mãi mãi no đủ; phải năm thất bát, thì khỏi chết đói. Được vậy rồi, vua mới khiến dân làm thiện. Tự nhiên họ sẽ làm điều thiện dễ dàng…» [10]
              B. Không được bắt dân làm phu phen trái mùa, không được thu thuế quá nặng. [11]
              Mạnh Tử nói: «Nếu chính quyền chẳng đoạt mất thời giờ cấy gặt của những gia đình làm ruộng trăm mẫu thì trong nhà tám miệng ăn chẳng đến nỗi đói khổ.» [12]
              C. Khuyến khích dân chúng sản xuất thật nhiều và biết dành dụm, không hoang phí.
              Đại Học (chương X) viết: «Muốn cho trong nước được nhiều của cải, có phương pháp trọng đại này: Số người làm việc sinh lợi càng ngày càng nhiều, số người ăn xài phung phí càng ngày càng ít; những kẻ làm ra của cải phải cho mau mắn siêng cần; những kẻ tiêu dùng phải cho thư thả từ từ.»
              D. Khuyến khích bách công bách nghệ bằng cách tưởng thưởng, thi đua.
              Trung Dung (chương XX) viết:
              «Muốn cho công nghệ mở mang,
              Luôn luôn theo dõi, thời thường thi đua.
              Đem lúa gạo thưởng cho xứng đáng.
              Là mọi nghề cố gắng ra công.»
              Đ. Các gia đình quyền quí nên tránh kinh doanh, để khỏi đi đến chỗ tranh cướp, bóc lột dân đen.
              Đại Học (chương X) viết: «Nhà ai đủ sức sắm xe bốn ngựa, chớ để ý đến việc nuôi gà.
              Nhà ai có đủ sức chứa nước đá ướp lễ vật, chớ nuôi bò, dê, tranh lợi với dân.
              Nhà ai có trăm cỗ xe, chẳng nên nuôi dưỡng những bầy tôi thu góp hoa lợi hay thuế má gắt gao.
              Thà mình có bầy tôi ăn cắp của mình còn hơn có bầy tôi bóc lột nhân dân.»
              E. Nhà vua phải lấy lòng dân, chứ đừng lấy của dân.
              Đại Học (chương X) viết: «Nếu bậc cai trị nước mà chỉ lo vơ vét tài sản của dân, ắt sẽ có kẻ tiểu nhân xúi giục. Kẻ ấy khéo bày vẽ, bợ đỡ, làm cho mình tin nó là hiền lành, giỏi giang; bèn giao quyền cao, chức trọng cho nó, mà kẻ tiểu nhân khi nắm được chính sự rồi, tất nhiên các cuộc tai họa khốc hại sẽ xảy ra. Bấy giờ dẫu có các trang hiền đức tài hoa cũng không cứu nổi nữa. Mới hay: Bậc trị quốc chẳng nên lấy lợi làm ra lợi, phải lấy đức làm ra lợi.»
              Trong công cuộc trị dân, các vị thánh vương xưa rất quan tâm đến vấn đề tế tự, [13] vì thế ta thấy trong «bát chính» việc tế tự đứng hàng thứ ba, ngay sau vấn đề cơm áo. Ý nói cơm áo chưa đủ, còn cần có tín ngưỡng.
              Các vị đế vương phụ trách việc tế lễ Trời, còn dân chúng lo việc thờ cúng tổ tiên. Cử chỉ ấy nhắc nhở chúng dân đừng quên gốc gác mình, đừng bao giờ quên Trời đã sinh ra mình. [14]
              Nó cũng nhắc nhở con người sinh ra không phải để mê mải chuyện trần hoàn, mà thực ra cốt để trở nên hoàn thiện, tìm kiếm lại đức Trung [15] cao quí mà Trời đã phú cho, tìm lại sự hoàn thiện nguyên thủy, để đi đến chỗ «phối thiên», «phối mệnh» mà Trung Dung [16] cũng như Kinh Thi [17] đã nhiều lần đề cập tới. Như vậy đời sống mới có đầu đuôi, nghĩa lý. [18]
              Vả, nếu không có Trời, thì lấy gì làm nền tảng cho nền luân lý, chính trị?
              Xuân Thu Tả Truyện viện dẫn Kinh Thi để chứng minh điều đó. [19]
              Kinh Thi viết: «Tại sao các người không kính sợ nhau. Thế là các người không kính sợ Trời vậy.» [20]
              Một người quân tử cầm quyền thì không bạo ngược với kẻ hèn yếu, là vì kính sợ Trời vậy. [21]
              Chu Tụng viết: «Ta kính sợ oai Trời, nên ta được Trời bảo hộ.» [22]
              Lễ Ký viết: «Vạn vật đều gốc gác ở Trời, con người gốc gác ở tiên tổ, cho nên làm lễ Giao là để phối hợp với Thượng Đế, tỏ lòng tri ân nguồn gốc mình, và quay về với cội rễ đầu tiên vậy.» [23]
              Khi đã lo cho dân no ấm, đã dạy dân biết kính sợ Trời, biết hiếu thảo với tổ tiên, các vị thánh vương sẽ giáo hóa cho dân trở nên ngay chính, ngõ hầu mang an bình lại cho xứ sở.
              Theo nguyên nghĩa, «chính» [24] tức là làm cho dân trở nên ngay chính và «trị» tức là đem sự bình an thịnh trị lại cho dân.
              Các vị thánh vương xưa đã nhận xét thấy một cách rất tinh tế rằng mầm mống loạn lạc ở ngay trong tâm hồn con người, gây nên bởi tình dục con người, mà những duyên cớ loạn lạc là do các tệ đoan trong xã hội. [25]
              Cho nên một mặt cố gắng dẹp các tệ đoan trong xã hội, một mặt hô hào dân chúng tu thân.
              Mà hô hào suông chưa đủ, chính nhà vua phải ra công tu thân tích đức trước tiên….
              Cho nên Đại Học nói: «Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân, giai dĩ tu thân vi bản.»
              Nếu mọi người trong nước từ trên chí dưới ai cũng cố gắng ăn ở cho phải đạo làm người, kính trên nhường dưới, thương xót kẻ bần hàn, trong nhà thì hòa mục hiếu đễ, ra đường thì kính tôn, nhân nhượng, đối với bạn bèn thì chung thủy, đối với mọi người thì tín nghĩa, không ai vì lợi quên nghĩa, vì lợi quên tình, và nếu ai cũng theo châm ngôn «Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân» (Điều gì mình không muốn, đừng làm cho người), thì làm sao mà bốn phương không an bình được ?
              Công cuộc xây dựng bình an trật tự đòi hỏi sự cộng tác chân thành của mọi người, mà càng người trên lại càng phải nêu gương sáng trước.
              Luận Ngữ viết: «Nếu bậc lãnh đạo quốc gia mà chính đính, thì còn ai dám ăn ở bất chính.» [26]
              Luận Ngữ còn nói: «Người hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với anh em, tức là thi hành chính trị từ nơi nhà mình. Đó là làm chính trị rồi. Đợi chi tới ra làm quan, mới làm chính trị.» [27]
              Trung Dung (chương 33) viết: «Suy rộng ra, nếu ai cũng dốc một lòng chính trực, thì thiên hạ lo chi chẳng an bình…» [28]
              Cho nên một nền giáo hóa phổ cập tới toàn dân sẽ là công cụ đem an bình lại cho đất nước.
              Mạnh Tử sau khi đề cập tới một chế độ điền địa khả dĩ có thể đem no ấm lại cho dân, liền đề cập tới việc giáo hóa. Ông minh chứng rằng thời Hạ, Thương, Chu từ các trường làng ra tới trường học ở kinh thành, tất cả đều có mục đích dạy dân biết rõ nhân luân. Vì nếu người trên hiểu rõ nhân luân giữ đúng cương thường, thì người dưới sẽ thân mến hòa mục với nhau. [29]
              Dẫu sau này có bậc vương giả nào ra đời, ắt cũng giữ theo hai phép ấy. [30]
              Nếu mọi người cố gắng ăn ở cho xứng đạo làm người thì bình an đâu có khó.
              Mạnh Tử nói: «Đạo ở gần sao cứ tìm ở xa xôi, việc thiện dễ làm, sao cứ chuốc mua khó khăn rắc rối! Nếu ai cũng thương yêu họ hàng, trọng kính người trên, thì thiên hạ sẽ thái bình.» [31]
              Cho nên đấng quân vương nêu gương nhân đức, thánh thiện chưa đủ, còn phải biết kích động lòng dân, giáo hóa dân, khuyến khích dân, để họ hào hứng đua nhau làm điều thiện, như vậy mới là một nhà chính trị giỏi. [32]
              Các đấng thánh vương thực ra chỉ áp dụng những sự hiểu biết chính xác về con người, về bản tính con người, chỉ khai thác các khả năng vô tận của con người, chỉ hướng dẫn con người một cách khéo léo mà thôi.
              Người xưa quan niệm rằng: con người sinh ra đời đã được Trời phú bẩm cho một thiên tính toàn thiện. Nhưng vì vật dục lôi cuốn, hoàn cảnh đẩy đưa, vì đói khát, vì dốt nát, con người dần dà sa đọa vào vòng lầm lạc tội lỗi. Tuy nhiên «thiên lương» trong con người thực ra chỉ bị lu mờ đi, chứ không bao giờ bị phôi pha hay hủy diệt, vì thế có thể dùng giáo hóa để cải hóa con người, phục hồi thiên lương, thiên tính họ. Việc ấy chắc chắn có thể thực hiện được.
              Muốn giáo hóa cải thiện con người, cổ nhân hết sức khai thác những định luật nhân sinh, như định luật cảm ứng (loi du magnétisme et de l’induction), định luật phản ứng dây chuyền (loi des réactions en chaînes). Nói cách khác, chủ trương nếu người trên đức hạnh, người dưới sẽ cảm hóa, sẽ bắt chước, một người làm lành, trăm người dần dần sẽ đua theo, và khi đã gây được một trào lưu rộng rãi, thì ảnh hưởng sẽ trở nên vô cùng mạnh mẽ. [33]
              Đại Học (chương 9) viết: «Một nhà nhân đức có thể làm cho cả nước nhân đức; một nhà lễ nhượng, có thể làm cho cả nước lễ nhượng. Một người tham nhũng có thể làm cho cả nước rối loạn. Cái cớ là vậy. Vì thế có câu: Một lời có thể làm hư cả công việc, một lời có thể làm yên cả đất nước.»
              Đại Học (chương 10) lại viết: «Nếu bậc quốc trưởng ở trên cung kính cha mẹ, thì dân ở dưới cảm động mà ăn ở hiếu thảo với mẹ cha. Nếu bậc quốc trưởng ở trên trọng kính huynh trưởng, thì dân ở dưới cảm động mà ăn ở lễ nhượng với bậc đàn anh. Nếu bậc quốc trưởng ở trên thương xót kẻ côi cút, thì dân ở dưới cảm động mà cứu giúp kẻ nghèo khổ, chẳng dám trái nghịch. Thế là bậc quân tử có phép thước tấc vậy.»
              Phép «thước tấc» (hiệt củ) tức là phép «suy bụng ta ra bụng người», tức là chủ trương «kỷ sở bất dục vật thi ư nhân» của Luận Ngữ.[34] Đại Học (chương 10) coi đó là phương pháp độc đáo khả dĩ tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
              Biết «suy bụng ta ra bụng người», tức là biết cách trị dân, biết thuận «dân tâm». [35]
              Cai trị dân, mà biết yêu điều dân yêu, ghét điều dân ghét, mình với dân hòa hài như cá với nước thì còn gì sung sướng hơn. Vì thế Đại Học viết:
              «Sướng thay bậc phụ mẫu dân
              Cùng dân yêu ghét, mọi phần chẳng sai.
              Đáng làm cha mẹ muôn người.» [36]
              Một nền chính trị có chủ trương như vậy dĩ nhiên coi nhẹ hình pháp và tư pháp.
              Các thánh vương xưa trị dân bằng đức độ, bằng lễ nghĩa, chứ không muốn đem luật lệ câu thúc dân, hình pháp bức bách dân. [37]
              Hình pháp, tụng đình chỉ là những biện pháp tạm thời bất đắc dĩ, có ngày sẽ hủy bỏ. [38]
              Cho nên vua Đại Võ và ông Cao Dao đã đặt mấy nguyên tắc cho nền hình pháp như sau:
              1- Phán quan phải khoan hậu.
              2- Không được phạt tới con cháu.
              3- Tha các tội phạm vì vô tình.
              4- Nhân nhượng đối với nghi tội. Quảng đại đối với nghi công.
              5- Lỗi án lệ còn hơn giết oan người.
              6- Phán quan phải tỏ cho dân biết đức hiếu sinh của nhà vua. [39]
              Xuân Thu Tả Truyện chép:
              Người xưa trị dân, thích thưởng, ngại phạt. [40] Thưởng mùa hạ, phạt mùa đông.
              Khi tới kỳ thưởng, bữa ăn bày thêm món, và cho tả hữu ăn uống thỏa thích, để tỏ lòng ham thưởng. Khi tới kỳ phạt, bữa ăn rút bớt món, bỏ âm nhạc, để tỏ lòng ngại phạt… [41]
              Gia hình, phạt tội tuy cần, nhưng tìm hiểu lý do khiến dân phạm tội, còn cần hơn gấp bội. Nếu vì chính quyền thất thố, thối nát khiến dân đói khát, khổ sở, sa ngã vào vòng tội lệ, mà không thay đổi đường lối cai trị, cứ lo phạt dân, hành dân thì sao phải?
              Mạnh Tử viết: «Nếu nền hành chính thối nát, để dân đói khổ, tức là nhà cầm quyền xô dân vào tội ác. Thế mà khi dân phạm tội, lại trừng phạt thẳng tay, thì có khác nào nhà cầm quyền bủa lưới bắt dân đâu! Nếu có một bậc nhân đức lên ngôi vị, người há bủa lưới gài bẫy dân sao?» [42]
              Các bậc thánh vương xưa không quên lập ra những lễ tiết, những dịp vui chung, để dân tỏ tình quí mến nhau, thắt chặt lại mối dây thân ái, tạm quên mọi chia phôi ngăn cách trong xã hội, để sống vui tươi cởi mở. Đó là bước đầu dẫn tới một thế giới hòa hợp, thân ái, hoan lạc, hạnh phúc trong tương lai.
              Sau hết, «bát chính» đề cập tới vấn đề binh bị, nhưng lại cố ý xếp nó xuống cuối cùng, tỏ ra các bậc thánh vương xưa coi binh đao là chuyện bất đắc dĩ.
              Thái độ của Võ Vương, [43] của Khổng Tử [44] cho ta thấy rõ điều ấy.
              Xuân Thu Tả Truyện phỏng theo Kinh Thi, xác định mục đích của các cuộc động binh như sau:
              1- Ngăn chặn bạo quyền, áp bức.
              2- Đánh dẹp can qua.
              3- Giữ gìn các giá trị cao đại.
              4- Bảo tồn các công trình đã rhực hiện được.
              5- Đem an ninh hòa hiếu tới cho dân.
              6- Gây dựng lại sự trù phú cho dân tộc. [45]
              Kinh Thi khen Võ Vương:
              «Nhà Châu vinh hiển biết bao!
              Định ngôi Vương tướng thấp cao tỏ tường
              Thâu hồi gươm giáo đao thương,
              Cung tên cũng đã lo lường tra bao.
              Rằng ta tu tập đức cao,
              Đức ta sẽ rạt, sẽ rào bốn phương.
              Ngôi vua ắt sẽ cửu trường.» [46]
              oOo



              CHÚ THÍCH


              [1] Luận Ngữ – Vệ Linh Công, 32.
              Mạnh Tử – Lương Huệ Vương hạ, 3.

              [2] Medhurst translates «Bát chính», «the eight regulators», and Gaubil les huit règles du gouvernement. It means the eight things to be attended to in government, its objects or departments. They seem to be stated in the order of their importance in the view of the speaker. «Food» belong to the department of agriculture, and commodities or goods to that of trade and commerce. Those two things being secured, the people would have the essentials of life and would be able to attend to their duties to spiritual beings and to the dead.
              Then would come in the Ministers of works to secure the comfort of their dwellings, and the minister of instruction to teach them all their moral duties; and the minister of crime to deter them from evil. All festive ceremonies, all the intercourse of society could then be regulated, and finally the efficiency of the army would be maintained to secure the general well- being of the state. (Legge, The Shoo King, p. 327).

              [3] Luận Ngữ – Nhan Uyên, 7.

              [4] Luận Ngữ – Tử Lộ, 9.

              [5] Mạnh Tử – Đằng Văn Công thượng, 4. Đọc thêm: Mạnh Tử – Lương Huệ Vương thượng, 3; Đằng Văn Công thượng, 3.

              [6] Mạnh Tử – Đằng Văn Công thượng, 4

              [7] Mạnh Tử – Đằng Văn Công thượng, 4. Xem thêm Đại Học chương X.

              [8] Mạnh Tử – Lương Huệ Vương thượng, 7. Xem Lễ Ký – Vương Chế, 3.

              [9] Nhà Hạ cấp cho mỗi gia đình 50 mẫu; thu hoa lợi trung bình của 5 mẫu (phép Cống).
              Nhà Ân cấp cho mỗi gia đình 70 mẫu; nhưng mỗi gia đình lại phải cộng tác với 7 gia đình khác làm 70 mẫu công điền ở giữa (phép Trợ).
              Nhà Thương cấp cho mỗi gia đình 100 mẫu; nhưng tám gia đình lại họp nhau lại làm 100 mẫu công điền ở giữa (phép Triệt).
              Cf. Mạnh Tử – Đằng Văn Công thượng, 3. Đọc thêm: Lương Huệ Vương thượng, 7; Vạn Chương hạ, 2.

              [10] Mạnh Tử – Lương Huệ Vương thượng, 7.

              [11] Trung Dung chương 20.

              [12] Mạnh Tử – Lương Huệ Vương thượng, 7.

              [13] Cf. Xuân Thu Tả Truyện – Hoàn Công năm thứ VI. «Thị dĩ thánh vương, tiên thành dân, nhi hậu trí lực ư thần.» , , (Couvreur, Xuân Thu Tả Truyện, quyển 1, trang 88.)

              [14] … Les sacrifices par lesquels, l’homme remontant à l’origine et à la source, remercie des bien reçu. Cf. Wieger, Textes historiques, chapitre II – la Grande Règle, page 29.

              [15] Duy hoàng thượng đế giáng trung vu hạ dân. Nhược hữu hằng tính, khắc tuy quyết du duy hậu. . , (Kinh Thư – Khang Cáo)

              [16] Cố viết phối Thiên (Trung Dung chương 30)

              [17] Vĩnh ngôn phối mệnh (Kinh Thi – Đại Nhã, Văn Vương)

              [18] Vật hữu bản mạt, sự hữu chung thủy , (Đại Học chương I)
              … Bất thành vô vật. Thị cố quân tử thành chi vi quý. . (Trung Dung chương 25)

              [19] Xuân Thu Tả Truyện – Văn Công năm thứ XV. Xem Xuân Thu Tả Truyện Couvreur dịch, quyển I, trang 531.

              [20] Xem Kinh Thi – Tiểu Nhã, Kỳ Phụ. Vũ Vô Chính, chương 3: «Hồ bất tương úy. Bất úy vu Thiên.» , .

              [21] Xuân Thu Tả Truyện – văn Công năm XV. Bản dịch của Couvreur, quyển I, trang 531.

              [22] Kinh Thi – Chu Tụng Thơ VII: Ngã Tương, chương 3: «Úy thiên chi uy, vu thời bảo chi.» , .

              [23] Vạn vật bản hồ thiên, nhân bản hồ tổ. Thử sở dĩ phối Thượng Đế dã. Giao chi tế dã, đại báo bản phản thủy dã. , . . , (Lễ Ký – Giao Đặc Sinh, 8)

              [24] Chính giả, chính dã. (Luận Ngữ – Nhan Uyên, 16)

              [25] Các thánh nhân thánh vương thường không tính đến một điều khác, là sự xâm lăng của ngoại bang, nên ít chú trọng đến binh lực. Dụng binh là điều bất đắc dĩ. Thế giới trong tương lai cũng sẽ dẹp binh bị, vì con người sẽ không còn có ý nghĩ xâm chiếm nhau, mà giúp đỡ nhau.

              [26] Luận Ngữ – Nhan Uyên, 16.

              [27] Luận Ngữ – Vi Chính, 21.

              [28] Dĩ tuần trí hồ đốc cung nhi thiên hạ bình chi thịnh. (Trung Dung chương 33)

              [29] Mạnh Tử – Đằng Văn Công thượng, 3: Hạ viết hiệu, Ân viết tự, Chu viết tường. Học tắc tam đại cộng chi. Giai sở dĩ minh nhân luân dã. Nhân luân minh ư thượng, tiểu dân thân ư hạ. , , . . . , .

              [30] Mạnh Tử – Đằng Văn Công thượng, 3: Hữu vương giả khởi, tất lai thủ pháp. , .

              [31] Mạnh Tử – Ly Lâu thượng, 11.

              [32] Mạnh Tử – Ly Lâu hạ, 16.

              [33] Xem A- Đại Học chương 1: Chủ trương tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
              B- Kinh Thư – Nghiêu Điển, 2: Khắc minh tuấn đức, dĩ thân cửu tộc. cửu tộc ký mục, bình chương bách tính. bách tính chiêu minh, hiệp hoà vạn bang. , . , . , .
              C- Luận Ngữ – Nhan Uyên, 18: Tử vi chính, yên dụng sát Tử dục thiện, nhi dân thiện hĩ. Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo. Thảo thượng chi phong tất yển. , ? , . , . .
              D- Mạnh Tử – Ly Lâu thượng, 6: nhất quốc chi sở mộ, thiên hạ mộ chi.  Cố bái nhiên đức giáo dật hồ tứ hải , . . (Một nước mà ái mộ, thiên hạ sẽ ái mộ. Chừng đó đức hạnh và giáo hóa mình sẽ lan tràn trong bốn biển, mau lẹ và mạnh mẽ như thác tuôn.)

              [34] Luận Ngữ – Vệ Linh Công, 21. Pháp dịch là La Règle de la Réciprocité, hay là Règle d’Or.

              [35] Xem Đại Học chương 10.

              [36] Đại Học chương 10: Thi vân: «Lạc chỉ quân tử, dân chi phụ mẫu» Dân chi sở hiếu hiếu chi; dân chi sở ố ố chi, thử chi vị dân chi phụ mẫu : , . 之所 , , .

              [37] Minh vu ngũ hình, dĩ bật ngũ giáo, kỳ vu dư trị. Hình kỳ vu vô hình. Dân hiệp vu trung... , , . . (Kinh Thư – Đại Vũ Mô, 11) (Đại Học chương 4.)

              [38] Tử viết: «Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ. Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ lễ, hữu sỉ thả cách. : , , . , , .

              [39] Kinh Thư – Đại Vũ Mô, 12.

              [40] Văn Vương sở dĩ tạo Chu dã; minh đức vụ sùng chi chi vị dã; thận phạt vụ khử chi chi vị dã. ; ; . Xuân Thu Tả Truyện – Thành Công năm 11. Couvreur, tome II, trang 23.
              Kinh Thư – Khang Cáo, 3.

              [41] Xuân Thu Tả Truyện – Tương Công năm 26. Bản dịch của Couvreur, trang 464.

              [42] Mạnh Tử – Đằng Văn Công thượng, 3.

              [43] Cf. Kinh Thư – Vũ Thành, 4: Quyết tứ nguyệt tại sinh minh, vương lai tự Thương, chí vu Phong nãi yển vũ tu văn, quy mã vu Hoa Sơn chi dương, phóng ngưu vu Đào Lâm chi dã, thị thiên hạ phất phục. , , , 華山 , , .

              [44] Vệ Linh Công vấn trần ư Khổng Tử. Khổng Tử đối viết: «Trở đậu chi sự, tắc thường văn chi hĩ. Quân lữ chi sự, vị chi học dã.» Minh nhật toại hành.
              . : , . , . (Luận Ngữ – Vệ Linh Công, 1)

              [45] Phù vũ cấm bạo, tập binh bảo đại, định công, an dân, hoà chúng, phong tài giả dã. , , , , , (Xuân Thu Tả Truyện – Tuyên Công năm 12)
              Couvreur dịch, Tome I, page 636.
              Kinh Thi – Chu Tụng, Thanh Miếu VIII – Thời Mại.
              Kinh Thi – Chu Tụng, Thần Công X: Vũ kỳ định nhĩ công .
              Kinh Thi – Chu Tụng, Mẫn Dư X, Lai.

              [46] Kinh Thi – Chu Tụng, Thanh Miếu, Thời mại.
              Minh chiêu hữu Chu
              Thức tự tại vị
              Tải tập can qua
              Tải cao cung thỉ
              Ngã cầu ý đức
              Tứ vu thời hạ
              Doãn Vương bảo chi



              <bài viết được chỉnh sửa lúc 30.06.2009 13:40:27 bởi huytran >
              #7
                huytran 30.06.2009 13:47:54 (permalink)
                CHƯƠNG IV (TIẾP)
                 
                THIÊN 4
                ĐẤNG QUÂN VƯƠNG PHẢI AM TƯỜNG Ý NGHĨA
                CỦA THÁNG NĂM, HIỂU THIÊN VĂN, LỊCH SỐ


                Đấng quân vương phải hiểu rõ liên lạc giữa sự chuyển vân của tinh cầu trên trời, với công việc làm ăn của dân gian và sự biến chuyển của khí hậu, thời tiết. Như vậy mới hướng dẫn được quốc dân trong việc nông tang, và mới mong được phong đăng, hòa cốc.
                Hồng Phạm viết:
                BỐN là năm kỷ.
                Một là năm.
                Hai là tháng,
                Ba là ngày,
                Bốn là các sao, các độ,
                Năm là phép làm ra lịch.
                Khoa thiên văn, lịch số không biết khởi thủy tự bao giờ, chỉ biết Hoàng Đế (2402) đã cho lập Linh Đài quan sát tinh tượng và lập can chi để tính năm. [1]
                Chuyên Húc (2302-2246) lấy tháng Dần làm tháng Giêng. [2]
                Vua Nghiêu rất am hiểu thiên văn, đã biết căn cứ vào các vị trí của mặt trờiở các cung sao mà đoán định nhị phân (Xuân phân, Thu phân) và nhị chí (Dông chí, Hạ chí), [3] định năm là 366 ngày, sai hai họ Hi, Hòa chuyên khảo về thiên tượng. [4]
                Vua Thuấn đã cho làm lại tuyền ki một bầu trời giả tạo với các vòng hoàng đạo, xích đạo và các vì tinh tú nạm vào bằng châu ngọc. [5]
                Trung Dung (chương 30) khen phép trị dân của Nghiêu, Thuấn, Văn, Võ như sau:
                «Đức Khổng tiếp nối đạo Thuấn Nghiêu,
                Làm sáng tỏ lối đường Văn Võ.
                Trên thuận thiên trời, dưới theo thủy thổ,
                Như đất trời bát ngát bao la.
                Che chở muôn loài khắp gần xa,
                Như tứ thời luân lưu chuyển động.
                Như nhật nguyệt hai vầng chiếu rạng.»
                Lời Trung Dung cho thấy bí quyết trị dân của các vị thánh vương xưa là luôn luôn uyển chuyển, xử sự hợp tình, hợp lý, hợp cảnh, hợp thời, [6] rất chú trọng đến triền năm, ngày, tháng, tinh tượng và lịch số.
                Cổ nhân xưa luôn luôn nuôi hoài bão sống hợp ý Trời nên lập lịch số cốt sao cho nhân sự hợp thiên thời. [7] Muốn lập lịch số trước hết phải biết sự chuyển vận của guồng máy Âm Dương và các tinh cầu, sau sẽ quan sát tinh tượng để suy diễn ra các định luật. [8]
                Như vậy đời xưa quan sát tinh tượng rồi mới lập luật pháp rồi cố cắt nghĩa bằng tinh tượng. Người xưa lập pháp độ là để thuận theo Trời, người sau ép Trời theo pháp độ của họ. [9]
                Cho nên muốn hiểu bí quyết trị dân của người xưa, chúng ta hãy theo dõi tấn tuồng âm dương đắp đổi qua bốn bộ mặt: [10] hỉ, lạc, nộ, ai của trời đất và của lòng người và qua bốn mùa đời: xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng. [11]
                Chúng ta hãy bắt đầu từ ngày Đông Chí. [12]
                Nhìn phiến diện bên ngoài thì Đông Chí là ngày thê lương ảm đạm; ngày mà bức màn tóc tang chết chóc của mùa Đông giăng mắc khắp nơi. Nhưng tra cứu đến căn nguyên, thì ngày Đông Chí là ngày «âm dương hợp tinh», «nhật nguyệt hợp bích», [13] cho nên ngày Đông Chí lại là ngày «nhất dương lai phục», là ngày của nguồn sống bắt đầu âm thầm tung tỏa từ lòng sâu vật chất và vạn vật. [14]
                Thời gian ấyứng vào giờ, gọi là Tí hàm ngụ ý nghĩa xuất sinh, [15] ứng vào quẻ, gọi là «Phục» để đánh dấu sự trở lại của sinh khí, cũng như của vừng dương. [16]
                Nhưng thực ra Đông Chí chỉ là khởi điểm của đường Trời; tháng giêng mới chính là khởi điểm cho các động tác của nhân loại. [17]
                Sinh khí của đất trời vươn mình lên từ thời Đông Chí, ngấm ngầm hoạt động, tới ngày xuân mới thấy phát hiện công trình. Ngày xuân mới công khai mang lại cho con người sự đầm ấm, thức tỉnh muôn loài, làm cho lòng đất thêm ấm áp, để cho muôn mầm sống có thể sinh sôi nảy nở. Xuân là rung động, là sinh nở, là sống động, [18] người xưa đã khoác cho xuân một bộ mặt hớn hở, vui tươi. [19]
                Ngày Xuân Phân, dương quang hoàn toàn thắng âm khí. [20]
                Xuân Phân tức là thời giải thoát nên tháng hai còn gọi là tháng Mão, vì Mão có nghĩa là «cửa Trời», một «cửa Trời» đã rộng mở để muôn loài lũ lượt kéo nhau ra, vui hưởng kiếp phù sinh. [21]
                Xuân ra rồi Hạ lại, sức sống vạn vật ngày nay không còn êm đềm mơn mởn như những ngọn cỏ xanh mà rạt rào bừng cháy lên, như những ngọn lửa đỏ.
                Để đánh dấu những ngày vui tươi, vạn vật cài muôn hoa thắm lên trên áo lá xanh um.
                Sức nóng của mùa hè làm tiêu tan những tuyết băng từ trên những đầu non thẳm làm cho các nguồn suối thêm rạt rào các mạch nước ngầm dưới lòng đất thêm phong phú. [22]
                Mới hay:
                Thanh minh, hàn thực qua rồi,
                Thanh tuyền, du hỏa đồng thời canh tân. [23]
                Tới ngày Hạ Chí, dương cực thịnh. Nhưng âm khí đã bắt đầu vẩn lên trong lòng ánh sáng, và nọc độc của sự suy vong tàn tạ đã bắt đầu tiêm nhiễm vào trong tinh tủy của muôn loài. [24]
                Âm sinh tức là mầm mộng chống đối với dương quang bắt đầu hoạt động. Vì thế tháng «Trọng Hạ» còn gọi là tháng Ngọ vì Ngọ có nghĩa là «ngỗ nghịch» [25] chống đối, để đưa trần hoàn vào con đường phong trần luân lạc mới. [26]
                Chiều trời dần ngả về thu. Một vẻ u buồn phảng phất bàng bạc trên khắp trời mây hoa lá. Người xưa viết chữ «sầu» bằng hai chữ «thu» và «tâm», tức là buồn như tấc lòng gặp tiết thu sang. [27]
                Mùa thu là thời kết quả, gặt hái. Tạo vật như đã hoàn tất công trình, nên để cho cây cối ra chiều ngất ngây bả lả. Vừng dương bớt nóng, và mấy trận thu phong nổi dậy thê lương, làm đó đây xào xạc lá vàng rơi lả tả. Ngoài đồng, mùa gặt đã xong, chỉ còn trơ những cọng rạ tiêu điều. Mùa thu gợi nên sự thịnh nộ của đất trời, và ở gian trần lưỡi liềm sắc bén đã vung lên để giết lát, để cắt chặt hết cả những bông lúa vàng tươi mơn mởn. [28]
                Trung thu là tiết Thu Phân; chị Hằng ngự trị trên nền trời với tất cả những gì thơ mộng. Trong tháng 8 này, vạn vật như sửa soạn trở vào trong lòng đất nghỉ ngơi. Nên tháng 8 là tháng Dậu, mà Dậu tức là cánh cửa trần gian sẽ sắp khép lại. [29]
                Cho nên mùa thu là mùa thê lương, là mùa của sương rơi lá rụng. Mùa thu là mùa gặt hái các thành quả vật chất đem về thu cất vào kho lẫm để dành, trước khi mùa đông lạnh lẽo trở về…
                Mùa đông lạnh lẽo sửa soạn trở về với gió sương…
                Từ Thu Phân, mặt trời như đi chậm lại dần. Sức nóng của dương quang càng ngày càng yếu ớt. Vạn vật dĩ nhiên là bị ảnh hưởng trực tiếp: Cây cối bị rụng dần hết lá; các cây nhỏ yếu dần dần còi cọc, vì tuyết sương băng giá. Các sinh vật thi nhau đi lẩn tránh giá rét: người về nhà, vật về hang, chim chóc đua nhau vỗ cánh xuôi Nam, tới những chân trời còn ấm áp hơn. Cho nên mùa Đông là mùa ẩn áo bế tàng. Đường xá nhiều nơi trở nên hoang vắng u buồn, chỉ thấy có gió gào tuyết phủ. [30]
                Mùa Đông là mùa tang tóc của muôn phương. [31]
                Tóm lại: «Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng.»
                Xuân như con rồng xanh (Thanh long ) vẫy vùng biến hóa; Hạ như chim phượng đỏ (Chu Tước ) tung bay; Thu như con hổ trắng (Bạch Hổ ) rảo tìm mồi; Đông như rùa đen (Huyền Vũ ) lạnh lùng chậm chạp.
                Cơ trời biến ảo, nhưng chung qui là như thế. Con người phải biết thuận cơ trời, thi hành các công tác, thuận theo tiết trời.
                Mùa xuân vạn vật từ lòng đất muốn nhô lên, thì con người sẽ lấy lưỡi cày, như gươm thiên mà phá vỡ đất giúp cho muôn loài vươn lên.
                Mùa hè, khi lúa má đã nhờ ánh dương quang mọc lên, thời con người sẽ phải săn sóc đồng ruộng, nhổ cỏ, tưới, bón để giúp trời đất làm cho cây cối thêm phần tươi tốt.
                Mùa thu, khi vạn vật tang thương, lá rơi quả rụng, thì con người phải lo gặt hái, đem mùa màng về.
                Mùa đông, khi đất trời đã hoàn thành công việc muốn nghỉ ngơi, thì con người cũng bắt chước mà về ngơi nghỉ. [32] Đất trời như đóng cửa lại, thì vua chúa cũng ra lệnh đóng các kho lẫm, đóng quan ải, thành thị, làng mạc, sửa sang lại bờ cõi, đề phòng giặc ngoại xâm. [33]
                Thế gọi là «pháp tượng», bắt chước vẻ trời, chiều trời. [34]
                Muốn «pháp tượng», muốn bắt chước trời, còn phải hiểu rõ cơ trời, hiểu rõ sự vận chuyển của đất trời, biết sự thăng trầm của các vì tinh tú. Vì thế mà khoa Thiên Văn xuất sinh:
                Mỗi vì sao đều được đặt tên tuổi, được phân cư thành chòm xóm, các sự thay đổi hình dạng của các vì sao, các giờ giấc mọc lặn, các vị trí thẳng ngay hay thiên lệch của chúng đều được ghi chú.
                Và bầu trời được chia thành kinh, vĩ, các vòng hoàng đạo, xích đạo được ấn định; đường lối trời mây dần dà trở nên quen thuộc đối với người và các sao bắt đầu đối thoại, bắt đầu tâm sự được với người nơi trần thế. [35]
                Cổ nhân chia các sao quanh vòng hoàng đạo làm 28 chòm sao, gọi là 28 cung sao, để làm quán xá trời mây [36] cho hai vầng nhật nguyệt và năm vì sao Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
                Thế rồi ngày ngày lại theo rõi bộ mặt biến thiên của vầng trăng, và tùy như trăng tròn, khuyết, tối, sáng, sẽ định các ngày trong tháng; mặt trăng trở thành tấm lịch lớn treo trên trời cho người Đông Á trông trăng biết ngày. [37]
                Theo rõi gót lãng du của mặt trăng, mặt trời, và năm vì sao Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ sẽ định được tháng được mùa.
                Ví dụ mùa đông mặt trời mặt trăng sẽ lần lượt ở những cung trong quần tinh Huyền Vũ: gồm các cung sao Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích. Mùa hạ sẽ ở trong quần tinh Chu Tước: gồm các cung sao Tỉnh, Quỉ, Liễu, Tinh, Trương Dực, Chẩn, v.v…
                Còn năm tháng đầu lịch số, sẽ là năm kỷ niệm khi hai vầng nhật nguyệt và năm vị chính tinh đoàn tụ tại một cung khoảng chòm sao Ngưu Đẩu, đó là năm Giáp Tí nguyên niên. [38]
                Thế là cuộc đời luân lạc của hai vầng nhật nguyệt, trên đường mây muôn vạn dặm được liên kết với 28 quán xá trời.
                Người xưa thay vì nói ngày ấy tháng ấy có nhật thực hay nguyệt thực, sẽ nói rõ thêm nhật thực hay nguyệt thực xảy ra ở chòm sao nào.
                Ví dụ sử chép:
                Năm thứ năm, đời vua Trọng Khang (1948 trước CN) mùa thu, tháng 9, mồng một, có nhật thực ở chòm sao Phòng. [39]
                Ngày xưa lại còn muốn lồng thời gian vào nhạc điệu cho mỗi mùa ứng với một cung đàn, [40] mỗi tháng trở thành một dấu nhạc. [41]
                Khúc nhạc thời gian như bắt đầu bằng những hồi trống rung vang, như sấm động dưới lòng đất sâu, rồi dần dà trở nên vui tươi sống động trong tiếng sáo, tiếng quản; đằm thắm mạnh mẽ trong tiếng ngữ dồn dập, tiếng đàn sắt tưng bừng rộn rã; uy nghi hùng tráng trong tiếng huân nhặt khoan, tiếng chuông vang lừng uy dũng, để kết thúc bằng những tiếng khánh tiêu sơ, như muốn hòa hài cùng tiết đông băng giá. [42]
                Hiểu được nhạc Trời mới mong hướng dẫn được nhân quần một cách êm đềm, khéo léo.
                Các công tác của vị thánh vương sẽ tương ứng với sự biến thiên của nhị khí âm dương trong hoàn võ, sẽ đúng nhịp điệu với sự xuất hiện của các vì sao trên trời, và sẽ đáp ứng được nhu cầu tinh thần và vật chất của nhân thế.
                Các ngài đã ghi tuần tự diễn tiến của những động tác chính yếu của mình cũng như của dân vào «nhị thập bát tú» và các phụ tinh, để hễ trông thấy sao là nhớ đến công việc phải làm. [43]
                Cho nên ngày nay chúng ta chỉ việc giở quyển thiên văn cổ Trung Hoa, xem xét lại ý nghĩa từng vì sao, xem xét lại thời gian nó xuất hiện là biết ngay lúc ấy dưới trần gian phải làm công việc gì.
                Trong bộ Tinh Thần Khảo Nguyên (Uranographie chinoise), nhà học giả Hòa Lan Gustave Schlegel đã làm công việc vĩ đại ấy. Ông giải thích ý nghĩa của nhị thập bát tú cùng các phụ tinh để chứng minh sự xuất hiện của nó ăn khớp với các tác động của các vị thánh vương xưa nay trần thế. Có đi sâu vào vấn đề này, ta mới hiểu được ý nghĩa chương trình hoạt động của các vị đế vương trong 12 tháng như đã ghi trong Nguyệt Lệnh, Lễ Ký.
                Cái đẹp cái hay trong công việc lồng thiên văn lịch số vào công cuộc trị dân, chính là ở chỗ muốn cho các công việc con người được hòa nhịp với tiết tấu của trăng sao, với vũ khúc của hoàn võ, để cho con người cũng như các vì sao trên trời vận chuyển tác động theo nhịp điệu chung trời đất, cho thời gian vũ trụ ăn khớp với thời gian hoạt động của con người.
                Kinh Thư thiên Nghiêu Điển đã cho ta thấy sự chuyển động của các vì tinh tú có liên quan mật thiết đến tác động và biến động nơi người và vật ở trần gian vì vậy nhà vua phải lo sao cho vạn vật gian trần bước theo đúng nhịp điệu hoàn vũ bằng cách minh định lịch số. Để chứng minh ta có thể sắp xếp những nhận xét của vua Nghiêu thành những vần thơ như sau:
                Xuân Phân Tinh Điểu đỉnh đầu
                Dân con nay đã rủ nhau ra ngoài
                Chim muông đẻ trứng tìm đôi
                Ngày xuân ta chớ buông lơi việc làm. [44]
                oOo
                Tới ngày Hạ Chí chói chang
                Đêm về sao Hỏa hiên ngang đỉnh đầu
                Chúng dân tản mạn dãi dầu
                Chim muông thôi cũng thay mầu đổi lông. [45]
                oOo
                Thu Phân, trú dạ tương đồng
                Sao Hư chập tối vời trông đỉnh đầu
                Dân con mát mẻ bên nhau
                Chim muông lông lá ra màu tốt tươi. [46]
                oOo
                Đông Chí ngày vắn đêm dài
                Đêm về sao Mão chơi vơi đỉnh đầu
                Dân con ít muốn đi đâu
                Chim muông lông lá trước sau thêm dài. [47]
                Đọc thiên Nguyệt Lệnh trong Lễ Ký, thiên mân Phong trong Kinh Thi, đọc các sách thiên văn Trung Quốc, ta lại càng thấy rõ người xưa, từ Thiên tử đến dân gian đều có hoạt động theo đúng tiết tấu của đất trời. [48]
                oOo



















                CHÚ THÍCH


                [1] Nãi thiết Linh Đài, lập chiêm thiên chi quan, dĩ tự ngũ sự, chưởng thiên văn lịch số, phong vân, khí sắc ư thị hồ hữu tinh quan chi thư... Tác giáp tý, tác cái thiên, cập điều lịch. , , , , , , , 調 (Wieger, Textes historiques, Tome I, page 24)







                [2] Cải tác lịch tượng, dĩ kiến Dần chi nguyệt vi lịch nguyên… , (Wieger, Textes historiques, Tome I, page 28)







                [3] Kinh Thư – Nghiêu Điển, 3.







                [4] Kinh Thư – Nghiêu Điển, từ tiết 4 đến tiết 8.







                [5] Kinh Thư – Thuấn Điển, 5.
                ... «Peu de temps après (l’an 2285 avant notre ère), dans la crainte que les mathématiciens ne vinssent à se négliger dans leur emploi, Chun les fit venir et leur dit de construire une machine qui représentait la rondeur du ciel divisé par ses degrés, ayant la terre au centre, et le soleil, la lune, les planètes et les étoiles aux places qui leur conviennent en leur donnant un mouvement tel qu’on voit dans le ciel. Chun fit prendre dans le trésor des pierres précieuses de différentes couleurs pour marquer les pôles, le soleil, la lune et les planètes et on se servit de perles pour désigner les étoiles... (Histoire gén. de la Chine traduite par le P. Maila, Vol I, page 78 và Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, page 504).







                [6] Nhật đoản chí tắc phạt mộc, thủ trúc tiễn. . Chú thích: Thử thuận thời dĩ thủ tài dã. Âm thịnh tắc tài thành, cố phạt thủ chi. Mộc đại cố ngôn phạt, trúc tiểu cố ngôn thủ. . , . , (Lễ Ký – Nguyệt Lệnh, Trọng Đông) Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, page 272.







                [7] Sở hệ thiên thời nhân sự thành bất tiểu (Thiên nguyên lịch số định pháp chi nhất, khảo cổ sách số) ( , ) (Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, page 35)







                [8] , , , , , . , , , , , , , , . , , ; , . , , , .( ) ( 廿 )
                Kiến lịch chi bản, tất tiên lập nguyên. Nguyên chính nhiên hậu kiến nhật pháp; pháp định nhiên hậu độ chu thiên, dĩ định phân chí. Án Hán nhân lịch pháp chi sơ, chính toạ thử bệnh. Cái lịch dĩ hợp thiên, tất tiên trắc thiên tượng chi phân chí. Phân chí định, nhiên hậu khả dĩ độ chu thiên; chu thiên định, nhiên hậu khả kiến nhật pháp; nhật pháp định, nhiên hậu khả tố lịch nguyên. Tư vi hợp thiên chi đạo. Hán nhân tiên lập nguyên, nhi hậu cầu chu thiên phân, chí; thị dĩ thiên tòng nhân dã. Ô đắc bất mậu. Kim nhân trắc ảnh ký tinh, phân chí dĩ đắc, nhi bất suy lịch nguyên, tắc hựu vong kỳ bản hĩ. (Đông Hán, Ngu Cung trị lịch nghị … tại: Thiên nguyên lịch lý, khảo cổ chi tam.) (Tinh thần khảo nguyên trương 24.)
                Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, page 24.







                [9] , , . , , . , , , . , , 使 , . ( - 廿 )
                Cổ nhân quan tượng dĩ lập pháp, hậu nhân vi pháp dĩ cầu tượng, thất kỳ bản hĩ. Cổ nhân vi pháp dĩ thuận thiên, hậu nhân kiểu thiên dĩ tòng pháp, thất kỳ pháp chi yếu dã. Hoàng Đạo doanh súc, nguyệt ly trì tật, sở dĩ cầu giao hội, nhi dụng chi vi nhật triền. Cổ nhân tiên khí nhi hậu nhật, kim nhân tiên nhật nhi hậu khí, thất kỳ pháp chi dụng hĩ… Sử thiên tượng lịch lý tận hối, kinh sử thánh ngôn thất giải.
                (Thiên nguyên lịch lý nguyên lý chi lục nguyên pháp luận – Tinh thần khảo nguyên trương 25)
                … Les anciens firent des lois, afin qu’elles s’accordassent avec le ciel; la postérité a tordu le ciel pour le faire accorder avec ces lois; ainsi ils ont perdu la chose principale de la loi…
                (Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, page 25)







                [10] Clé quaternaire des temps: chìa khóa bốn mùa cũng đã viết ở bốn tuần trăng: Hối, sóc, huyền, vọng.







                [11] , , , . ( )
                Xuân giả, thiên địa khai tịch chi sở, dưỡng sinh chi thủ, pháp tượng sở xuất. (Công Dương Truyện, Ẩn nguyên niên). Tinh thần khảo nguyên, Gustave Schlegel, page 82.
                ( )
                Xuân hỉ khí, cố sinh. Thu nộ khí, cố sát. Hạ lạc khí, cố dưỡng. Đông ai khí, cố tàng (Xuân Thu Phồn Lộ). Tinh thần khảo nguyên, Gustave Schlegel, page 83.







                [12] , , , , , , , , ( ) .
                Thông lịch số gia toán pháp suy khảo kỳ kỷ tòng thượng cổ thiên nguyên dĩ lai, cật thập nhất nguyệt giáp tý dạ bán sóc đông chí. (Hoàn đàm tân luận). Tinh thần khảo nguyên.
                ( )
                Thập nhất nguyệt, âm cực chi chí, dương khí thuỷ sinh. (Trí phú kỳ thư; Đông Chí)
                Gustave Schlegel, page 252.







                [13] , , ( )
                Đông Chí, nhật nguyệt nhược hợp bích, ngũ tinh như liên châu (Thiên Nguyên Lịch Lý khảo cổ chi tứ) – Tinh Thần Khảo Nguyên, trang 28.







                [14] , ( )
                Thập nhất nguyệt, nhất dương sanh (Trang Tử) – Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, page 201.
                , , . ( )
                Thập nhất nguyệt, âm cực chi chí, dương khí thủy sanh (Trí Phú Kỳ Thư Đông Chí) – Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, page 252.
                , , . ( ).
                Đông Chí, âm dương hợp tinh, thiên địa giao nhượng. (Thần Nông Thư) – Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, page 200.







                [15] Tí (enfant) – Tí thời = Heure des générations. Tí cung = Palais des générations (Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, I, page 42)
                ( )
                Thập nhất nguyệt, vị Tí (Lễ Ký Nguyệt Lệnh chú) (Gustave Schlegel, p. 42)
                ( )
                Thập nhất nguyệt dạ bán, dương khí sở khởi (Từ Giai)
                ( )
                Thập nhất nguyệt dương khí động vạn vật tư (Thuyết Văn)
                – Khang Hi tự điển, nơi chữ . (Gustave Schlegel, p. 43)
                , , . , , ( )
                Thiên chính giả, thiên đạo sở thủy, trọng đông nguyệt dã. Nhân chính giả, nhân sự sở thủy, Mạnh Xuân nguyệt dã. (Thiên Nguyên Lịch Lý) (Gustave Schlegel, p. 82)







                [16] Le solstice d’hiver était seulement le commencement du règne de lumière et la fin du règne des ténèbres: le commencement de l’année astronomique. (Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, page 83)
                Fou (retour) c’est le principe de la lumière renaissant en bas. Le onzième mois a pour effet naturel (Koua) le signe Retour (fou) puisque (pendant ce mois) le principe de lumière, après être parti, est revenu.
                , , , , . ( )
                Phục, dương phục sanh ư hạ dã, thập hữu nhất nguyệt, kỳ quải vi phục, dĩ kỳ dương ký vãng nhi Phục phản. (Dịch Thượng Kinh Phục quải) (Gustave Schlegel, page 260)







                [17] , , . , , ( )
                Thiên chính giả, thiên đạo sở thủy, trọng đông nguyệt dã. Nhân chính giả, nhân sự sở thủy, mạnh xuân nguyệt dã (Thiên Nguyên Lịch Lý) (Gustave Schlegel, page 82)







                [18] , , ( )
                Xuân giả thiên địa khai tịch chi sở, dưỡng sanh chi thủ, pháp tượng sở xuất (Công Dương Truyện Ẩn nguyên niên) (Gustave Schlegel, page 82)
                . , ( )
                Dương khí động vật ư thời vi xuân. Xuân xuẩn dã, vật xuẩn sinh nãi động vận. (Tiền Hán Lịch Chí) (Gustave Schlegel, page 83)







                [19] ( )
                Xuân hỉ khí cố chính (Xuân Thu Phồn Lộ) (Gustave Schlegel, page 83)







                [20] Ce n’est qu’à l’équinoxe du printemps que le soleil était véritablement vainqueur du principe ténébreux. (Gustave Schlegel, page 130)







                [21] Au second mois de l’année chinoise dans lequel tombe l’équinoxe du printemps, toute la création jaillit de la terre, le sein de la terre s’ouvrant à cette époque. Pour rendre cette idée, on traçait l’hiéroglyphe d’une porte ouverte: ou hiéroglyphe écrit maintenant Mao qui signifiait primitivement jaillir; puisqu’au second mois la nature entière jaillit de la terre, raison pourquoi on l’appelait aussi «la Porte céleste». Ce second mois de l’équinoxe vernal était celui dans lequel, le principe frigorifère ne pouvant plus agir, le principe calorifère jaillit et quand toute la création était pour ainsi dire sortie de la porte céleste.
                . , , , ( )
                Mão cổ văn XX xương dã. Nhị nguyệt, vạn vật xương địa nhi xuất, tượng khai môn chi hình, cố nhị nguyệt vi thiên môn. (Thuyết Văn)
                , , , ( 十三)
                Nhị nguyệt, âm bất năng chế dương xương nhi xuất dã, thiên môn, vạn vật tất xuất dã. (Tinh Thần Khảo Nguyên tứ thập tam)
                Xem Khang Hi tự điển. – Gustave Schlegel, page 43.







                [22] – Mấy tháng Hạ thường ít mưa.
                – Nên tháng 5 vua thường phải đảo vũ.
                – Tháng 6 mới mưa.
                – Nhưng đầu mùa hè dân quê thường vét giếng và đào sâu thêm giếng để khơi thêm những mạch nước mới.
                – Những tháng này cũng phải lo tát nước vào ruộng.







                [23]
                ( )
                Hàn thực thanh minh giả quá liễu
                Thạch tuyền du hỏa nhất thời tân (Đông Pha)
                Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, page 405.







                [24] , , , . ( )
                Thị nguyệt dã, nhật trường chí, âm dương tranh, tử sinh phân. (Lễ Ký - Nguyệt Lệnh)
                , . . . , . ( )
                Hạ Chí nhật trường chi cực, dương tận ngọ trung nhi vi. Âm miễu trọng uyên hĩ. Thử âm dương tranh biện chi tế dã. Vật chi cảm dương khí nhi phương trưởng giả sinh, cảm âm khí nhi dĩ thành giả tử. Thử tử sinh chi phân phán chi tế dã. (Lễ Nguyệt Lệnh trọng hạ chú)
                , , . . , , , . .
                Âm khí thủy khởi vu hạ, thịnh dương cường hạp vu thượng, cố tranh. Thử âm phương lai dữ dương ngộ dã. Dương chủ sinh, âm chủ tử, vi âm ký sinh, tắc vạn vật hướng tử. Cố tử sinh chi lý vu thị hồ phân. (Lễ - Nguyệt Lệnh - Trọng Hạ chú)







                [25] , , . ( )
                Ngọ ngộ dã, ngũ nguyệt âm khí ngọ nghịch dương, xương địa nhi xuất dã. (Thuyết Văn)







                [26] Cấu: quẻ Cấu trên là Kiền ☰ dưới là Tốn ☴.







                [27] (Sầu) composé de (Tâm) Cœur et de (Thu) automne c’est-à-dire avoir le cœur triste comme on l’a pendant l’automne. (Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, page 317)







                [28] , . Thu nộ khí, cố sát. (Xuân Thu Phồn Lộ) (Gustave Schlegel, page 317)







                [29] , , ( )
                , ( )
                , .
                , .

                Dậu thời, Dậu nguyệt, bát nguyệt vị Dậu. (Lễ Nguyệt Lệnh chú)
                Bát nguyệt mạch thành, khả vi chữu tửu. (Thuyết Văn)
                Mão vi xuân môn, vạn vật dĩ xuất.
                Dậu vi thu môn, vạn vật dĩ nhập,
                Nhất bế môn tượng dã. (Khang Hi tự điển)
                , . ( )
                Dậu tú dã, tú giả vật giai thành dã. (Thích Danh)







                [30] ( )
                Đông ai khí, cố tàng. (Xuân Thu Phồn Lộ) (Gustave Schlegel, page 215)
                . . ( )
                Táng giả nhân chi chung. Đông giả tuế chi chung. (Lễ Nguyệt Lệnh Chu thị chú) (Gustave Schlegel, page 221)







                [31] . . ( )
                Đông chung dã. Vạn vật sở dĩ chung thành dã. (Thích Danh)







                [32] Or qu’avait fait l’homme pendant l’époque qui précédait la résurrection du soleil ? Il avait imité la Nature comme le fait toujours un peuple, aussi longtemps qu’il n’est pas forcé, par des lois humaines et sociales, à agir contre l’ordre de cette nature, qui seule devait le guider dans ses actions. Donc, puisque la neige couvrait la Terre, que les bêtes restaient cachées dans leurs cavernes, l’homme se cachait égalemenl dans des cavernes et se retirait dans ses maisons de terre ou de troncs d’arbres, au lieu de demeurer dans ses nids, construits de branches ou de bambou dans les arbres qui lui servaient d’habitation pendant la belle saison. (Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, pages 243-241)







                [33] , ( )
                Thiên tử dĩ mạnh đông mệnh tam công cẩn cái tàng, bế môn lư, cố phong cảnh, dĩ tá đông cố địa Tàng dã. (Thư Đại Truyện)
                , , ( )
                Lập Đông bất chu phong chí, tu cung thất, hoàn biên thành. (Dịch Thông Quái Nghiệm)
                , , ( )
                Lập Đông, trúc thành quách, tạo cung thất. (Lễ Ký)
                , , , , . () , ( )
                Mạnh Đông cố cương, bị biên cảnh, hoàn yếu tắc, cẩn quan lương, tắc khê kính. (chú) Khê kính, dã thú vãng lai chi lộ dã. (Lễ - Nguyệt Lệnh)







                [34] , . , , , . ( )
                Vương giả quan tượng vu thiên, nhiên hậu kê khí vu nhân. Thượng thừa thiên chi sở vi, hạ dĩ chính kỳ sở vi, đồng độ lượng quyền hành, tự Thuấn dĩ lai hữu thị pháp dã. (Lễ Ký - Nguyệt Lệnh trọng xuân chú)
                Les rois observent les corps célestes dans les cieux et examinent ensuite les ustensiles de leurs sujets. Ils reçoivent d’en haut les actions du ciel afin de corriger par eux leurs actions ici-bas. La loi d’égaliser les mesures de longueur et de capacité, les pesons et les balances, existe depuis l’empereur Chouen (2585 avant notre ère) Gustave Schlegel, page 135.







                [35] Les astronomes de la dynastie des Han disent qu’on observait le matin et le soir la disparition et apparition des étoiles, leur position inclinée ou recte, le lever ou coucher, leur obscurité et clarté, leur étendue ou rétrécissement. (Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, page 20-21)







                [36] On fit un cercle de tous les petits groupes (d’étoiles) qui se trouvaient sur la route du soleil. Ce cercle se compose de 28 groupes, 7 pour chaque division, dans lesquels on domicilia les 7 planètes, et on appela chacun de ces groupes, Domiciles ( 宿 Tú) Caractères composés de cent ( ) hommes ( ) sous un toit ( ) on dans sa forme antique: ( ), une nuit ( ) sous an abri ( ) ce qui est expliqué par halte de unit ( vide ).
                ... Les 28 Siou sont les maisons du soleil et de la lune, ressemblant aux relais de poste et hôtelleries ou aux salles d’attente pour les officiers inférieurs sur la terre. (Gustave Schlegel, page 76)
                宿 , , ( )
                Nhị thập bát tú vi nhật nguyệt xá, do địa hữu bưu đình, vi trưởng sử giải hĩ. (Vương Sung Luận Hành)







                [37] Các tuần trăng:
                a- Vọng: trăng tròn mọc phía đông buổi tối, ngược lại với mặt trời lặn lúc buổi tối (en opposition). Vọng là ngày 15 hay 16 tùy theo tháng 29 hay 30 ngày.
                b- Hạ Huyền: trăng nửa vành (hình chữ C) vào ngày 22, 23.
                c- Hối: mặt trăng tối (mọc lặn cùng với mặt trời = lune en conjonction). Hối là ngày 29 hay ngày 30 tùy tháng thiếu đủ.
                d- Sóc: mặt trăng sống lại (Sóc = résurrection) mọc buổi sáng ở phía đông.
                e- Thượng Huyền: trăng nửa vành (hình chữ D) vào ngày 7, 8 mỗi tháng.
                Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, page 605.







                [38] , , . ( )
                Đẩu kiến chi gian, âm dương chung thủy chi gian, luật lịch chi nguyên bản dã. (Khảo Yếu)
                Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, page 548.
                , , , , , .
                Nhược nguyên niên giáp tí, sóc đán đông chí, nhật nguyệt, ngũ tinh câu phó ư Khiên Ngưu chi sơ, thị tuế tinh dữ nhật nguyệt đồng thứ chi nguyệt, thập nhất nguyệt Đẩu kiến Tí.
                Khiên Ngưu = Capricorne (Gustave Schlegel, page 617)
                Đẩu = μ, λ, Φ, σ, τ, ξ du Sagittaire
                Kiến tinh = các sao 2 ν, σ, π, d 171 de Bode et ξ du Sagittaire.







                [39] Trọng Khang… ngũ tuế, thu, cửu nguyệt, sóc, thần phất tập ư phòng… , , , , . Wieger, Textes historiques, page 44.
                Bị chú: cũng có chỗ nói năm Giáp Tí nguyên niên, các vị chính tinh ở chòm sao Hư, vì Hư nhật thử tức là Hư ở cung Tí (Cf. Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, page 584)







                [40] Xuân ứng với cung Giốc.
                Hạ ứng với cung Chủy.
                Trung điểm ứng với cung Trung Cung.
                Thu ứng với cung Thương.
                Đông ứng với cung Vũ.
                Có tác giả cho rằng Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ là năm dấu nhạc, nhưng thiết tưởng nên coi là cung điệu có lẽ hợp lý hơn.
                Nguyễn Du cũng viết:
                So dần dây Vũ, dây Văn,
                Bốn dây to nhỏ theo vần cung Thương. (Kiều)
                Nhiệm Ứng Thu viết: «Cung ti tối đa, tha đích âm tiện tối trường, tối hạ, tối trọc. Vũ ti tối thiểu, tha đích âm tiện tối đoản, tối cao, tối thanh. Thương ti thứ đa, tha đích âm tiện thứ trường, thứ hạ, thứ trọc. Chủy ti thứ thiểu, tha đích âm tiện thứ đoản, thứ cao, thứ thanh. Giốc ti đa quả thích trung, tha đích âm tiện giới vu trường đoản, thanh trọc chi gian. »
                , 便 , , . , 便 , , . , 便 , , . , 便 , , . , 便 , .







                [41] Tháng 11 (Đông Chí) = Hoàng Chung (Do).
                Tháng 12 = Đại Lữ (Do#).
                Tháng 1 = Thái Thốc (Re).
                Tháng 2 = Giáp Chung (Re#)
                Tháng 3 = Cô Tẩy (Mi)
                Tháng 4 = Trọng Lữ (Fa).
                Tháng 5 = Nhuy Tân (Fa#)
                Tháng 6 = Lâm Chung (Sol).
                Tháng 7 = Di Tắc (Sol#).
                Tháng 8 = Nam Lữ (La).
                Tháng 9 = Vô Dịch (La#).
                Tháng 10 = Ứng Chung (Si).
                Chamfrault cho rằng Hoàng Chung là Fa, Đại Lữ là Fa#, v.v… chẳng qua đó là một sự chuyển âm giai.
                Xem:
                a/ Lễ Ký – Nguyệt lệnh.
                b/ Đẩu Thủ Hà Lạc, Lý Khí Ngao Đầu, I, trang 12 hình: Ngũ thanh, Bát âm thất thập nhị hầu tổng đồ.
                c/ Nguyễn Đình Lai, Etude sur la musique vietnamienne, Bulletin de la Société des E.I. 1er trimestre 1926, page 12.







                [42] Cổ = trống (cách âm = tiếng da) ứng vào tháng 11 và đầu tháng 12.
                Sinh = (bào âm = tiếng bầu) ứng vào cuối tháng 12, đầu tháng giêng.
                Quản = (trúc âm = tiếng trúc) ứng vào đầu tháng giêng và tháng hai.
                Chúc ngữ = (mộc âm = tiếng gỗ) ứng vào tháng 3 và đầu tháng 4.
                Sắt = (ti âm = tiếng tơ) ứng vào cuối tháng 4, đầu tháng 5.
                Huân = (thổ âm = tiếng đất) ứng vào giữa tháng 5 và tháng 6.
                Chung = (kim âm = tiếng đồng) ứng vào tháng 7, tháng 8.
                Khánh = (thạch âm = tiếng đá) ứng vào tháng 9, tháng 10.
                Xem: Ngao Đầu Thông Thư Đại Toàn, quyển I, trang 12.







                [43] Ce ne sont pus seulement les Chinois qui ont agi ainsi, tous les anciens peuples ont fait de même. «Les Anciens, dit Maïmonides, portant toute leur attention sur l’agriculture, donnèrent aux étoiles des noms tirés de leurs occupations pendant l’année.»
                Volney exprime exactement la pensée de l’autenr chinois susdit quand il dit: «Les étoiles, individuellement, on en groupe avaient reçu des noms tirés des opérations de l’homme ou de la nature pendant la révolution solaire; et le ciel astronomique était devenu comme un miroir de réflexion de ce qui se passait sur la terre.»
                (Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, I, page 74)







                [44] Sao Tinh là một ngôi sao trong Nhị thập bát tú. Điểu là chòm sao gồm: Tỉnh, Quỉ, Liễu, Tinh, Trương, Dực, Chẩn.
                Xem: Kinh Thư – Nghiêu Điển, 4.
                Xem: James Legge, The Shoo King, page 19.







                [45] Sao Hỏa là ngôi sao Tâm trong chòm sao Thanh Long gồm: Giác, Cang, Đê, Phòng, Tâm, Vĩ, Cơ.
                Xem: Kinh Thư – Nghiêu Điển, 5.
                Xem: James Legge, The Shoo King, page 20 và prolegomena, p. 90: Appendix on the astronomy of the Ancient Chinese.
                Xem Xuân Thu Tả Truyện – Trương Công năm 9. – Couvreur, Tch’ouen Ts’iou, I, page 235.







                [46] Sao Hư là sao giữa trong chòm sao Huyền Vũ gồm: Đẩu, Ngưu, Nữ, Hư, Nguy, Thất, Bích.
                Xem: James Legge, The Shoo King, page 21.







                [47] Sao Mão là sao giữa trong chòm sao Bạch Hổ gồm: Khuê, Lâu, Vị, Mão, Tất, Chủy, Sâm.
                Xem: James Legge, The Shoo King, page 21.
                Xem: Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, page 5.
                Bị chú: Các nhà thiên văn học bất đồng ý kiến về vị trí các sao Tinh, Hỏa, Mão, Hư trong những ngày nói trên.
                Các nhà thiên văn học thời Hán và Gaubil cho rằng trong các ngày nói trên, lúc 6 giờ chiều, các sao nói trên qua kinh tuyến. (Xem: Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, page 5; Lý Khí Ngao Đầu, quyển 10, trang 32.)
                – M. Chalmers cho rằng không đúng thế.
                – M. J. B. Biot cho rằng thời Nghiêu (năm 2357):
                Xuân Phân tại Mão + 1o29’44”.
                Hạ Chí tại Tinh + 2o23’20”.
                Thu Phân tại Phòng – 0o22’14”.
                Đông Chí tại Hư + 6o45’34”.
                Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, page 7.







                [48] Xem: a/ Nguyệt Lệnh (Lễ Ký); b/ Mân Phong (thơ Thất Nguyệt) (Kinh Thi); c/ Tinh Thần Khảo Nguyên (Gustave Schlegel, Uranographie chinoise).







                THIÊN 5
                ĐẤNG QUÂN VƯƠNG SẼ Ở NGÔI HOÀNG CỰC THAY TRỜI TRỊ DÂN
                , .
                Vương trung tâm vô vi dã, dĩ thủ chí chính.
                (Lễ Ký – Lễ Vận, tiết 2)
                 oOo
                Có thông minh tài trí đức hạnh tuyệt vời con người mới đáng lên ngôi Hoàng Cực.
                Hoàng Cực tượng trưng cho cực điểm tinh hoa nhân loại. Hoàng Cực là nơi Trời người gặp gỡ. Hoàng Cực là ngôi Thiên tử.
                Cho nên Thiên tử sẽ thay Trời trị dân, lấy đời sống mình làm gương mẫu cho dân soi, dùng lời lẽ giáo huấn dân, để họ sống một cuộc đời an bình, đức hạnh. [1] Phúc lành của Trời sẽ qua trung gian vì Thiên tử tuôn xuống cho dân.
                Ở ngôi Hoàng Cực [2] nhà vua sẽ khuyến khích những người trung lương tiến bước trên đường nhân nẻo đức, trọng dụng kẻ hiền tài, bao dung che chở người hèn yếu, cải thiện đời sống vật chất của nhân dân.
                Như vậy vua và dân sẽ cùng nhau tiến bước trên con đường trời mênh mông, vút một lèo tới cao minh chính đại.
                Đó Tóm lại,
                Ý nghĩa sâu xa của Vương Đạo. Sách Tham Đồng Khế cho rằng Vương Đạo, Thiên Đạo, Thánh Đạo cũng là một. [3]
                Huỳnh Đình Kinh cũng dùng nguyên văn Hôàng Phạm để mô tả «Chí Đạo», «Đạo cao siêu nhất» của con người như sau:
                «Chí Đạo xưa nay không có hai lề lối, nó hết sức giản dị, như một con đường thẳng tắp, phẳng phiu, trơn tru, không xiên, không vẹo.» [4]
                Hồng Phạm viết:
                NĂM là Hoàng Cực:
                Đấng quân vương tiến tới cùng cực nhân đức, sẽ là nguồn mạch ngũ phúc, để ban phát cho dân, còn dân cũng nương vào đức độ siêu việt của người và sẽ giúp người giữ gìn đức độ siêu việt ấy.
                Thứ dân sẽ không bè đảng gian tà, quan chức không có mưu tính riêng tư, đó là nhờ đức độ cao vọi của nhà vua. Phàm thứ dân có mưu lược, tháo vát, đức hạnh, thời vua phải để ý tới. Những người nhân đức tuy chưa tới tuyệt đỉnh tuyệt đích, nhưng biết tránh xa tội lệ lỗi lầm, thời nhà vua phải biết tiếp đãi họ. Nếu thấy sắc diện họ bình thản, vui tươi và nói được rằng: «Lòng tôi yêu nhân đức.» thời nhà vua hãy ban thưởng cho họ. Như vậy họ sẽ tiến bước lên tới đỉnh nhân đức như nhà vua. Nhà vua đừng áp bức kẻ côi cút cô đơn, đừng sợ hãi người cao sang quyền quý. Ai có khả năng tài cán, hãy giúp cho họ tiến thêm. Như vậy nước vua sẽ thịnh. Những người lương thiện đã giàu, sẽ thêm tốt thêm hay. Nếu nhà vua không liệu cho dân được yên vui sung túc trong nhà họ, họ sẽ sa vào vòng tội lệ; mà khi họ đã xa rời đường nhân nẻo đức, dẫu nhà vua ban thưởng cho họ. thì cũng chỉ như là giúp họ thêm tội ác.
                Đường Trời nọ bao la thảng đãng
                Không quanh co, không vặn, không xiên.
                Đường Trời phẳng lặng êm đềm
                Không hề tráo trở đảo điên vạy vò.
                Đường Trời nọ thẳng vo, thẳng tắp.
                Vút một lèo tới cực cao minh.
                Những lời lẽ trong Hoàng Cực ấy chính là chân lý, là lời giáo huấn chân thường. Đó chính là lời giáo huấn của Thượng Đế.
                Nếu chúng dân được dạy dỗ về lẽ Hoàng Cực và biết đem thi hành, sẽ tiến gần tới vinh quang Thiên tử. Thiên tử là cha mẹ dân và sẽ trị vì thiên hạ.
                Hoàng Cực thực là một quan niệm siêu hình tuyệt diệu đã được đem áp dụng làm căn cốt cho một nền chính trị lý tưởng.
                Như ở trên trời cao thẳm, Thượng Đế ngự tòa Bắc Thần, cho chúng thần hướng về. [5]
                Vì Thiên tử ở trần gian cũng thể hiện được tuyệt đỉnh tinh hoa nhân loại, sẽ như sao Bắc Thần đứng tại vị, cho quần chúng hướng triều về. [6]
                Hoàng Cực là nguyên lý hằng cửu, bài học hằng cửu. Thượng Đế đã dùng đấng quân vương làm trung gian để dạy nguyên lý ấy, và truyền lời giáo huấn ấy cho nhân loại. [7]
                Lời giáo huấn ấy chúng ta có thể trình bày lại dưới một hình thức như sau:
                «Khái niệm cơ bản của nền thiên trị là mỗi người đều mang trong mình «thiên lý», «thiên chân» bất diệt và có sứ mạng, định mạng phát huy cho tới cùng cực, thực hiện cho tới thành toàn «thiên lý», «thiên chân» ấy.
                Khái niệm cơ bản này sẽ dẫn đến hai quan niệm phụ thuộc.
                Một là: chính trị phải tổ chức thế nào để bảo đảm được tự do, công bình, no ấm cho nhân dân, để mỗi người đều sống trong một bầu không khí đầy thi vị, hào hứng, thuận tiện, giúp họ phát triển đời sống nội tâm và đạo đức của họ.
                Hai là: mọi người khắp bốn phương trời đều được ràng buộc với nhau bằng một liên hệ tinh thần; liên hệ tinh thần này sau trước sẽ thắng lướt được mọi biên cương bờ cõi, hay những ý thức nông cạn hẹp hòi, nặng nề tính chất địa phương và bè phái. [8]
                Hoàng Cực nói tóm lại, chỉ vẽ cho nhân loại cực điểm tiến hóa của mình, cực điểm tinh hoa của mình, và Hồng Phạm Cửu Trù chỉ có một mục đích là tổ chức đời sống xã hội thế nào để bảo đảm cho con người mọi giá trị tinh thần và vật chất, cũng như giúp cho con người tiến tới tinh hoa, thực hiện được tinh hoa nhân loại ấy.
                Nó nói lên một cách rất hùng hồn rằng không phải chỉ có một vài vị thánh vương, thánh đế là Thiên tử, là con Trời, nhưng mọi người đều có thể trở nên con Trời, nhân loại trong tương lai sẽ trở thành con Trời tất cả.
                Quan niệm này, niềm tin tưởng này, sẽ làm cho con người luôn hiên ngang tiến bước, quên mọi gian lao, và luôn luôn xây dựng tương lai với một nguồn sống dạt dào, một niềm tin mạnh mẽ.
                Ở ngôi Hoàng Cực, Thiên tử phải là vị thánh nhân và mọi sự thuộc về ngài đều được thánh hóa. Trong từ ngữ Trung Hoa ta còn thấy những tiếng:
                Thánh thể
                Thánh chỉ
                Thánh giá
                Dùng để chỉ mình vua, lệnh vua, xe vua, v.v…
                Trong bộ Kinh Thư Đại Toàn có viết: «Vua ở chỗ Trung Ương trong thiên hạ, tất phải có nhân đức tuyệt vời, mới lập ra tiêu chuẩn tối cao cho mọi người được.» [9]
                Lễ Ký cũng viết: «Nhà vua cần có tâm hồn thanh nhã, không chao động mới có thể giữ gìn được sự công chính tuyệt hảo.» [10]
                Như vậy Thiên tử tất nhiên phải siêu phàm, thoát tục, phải là người Trời…
                Có như vậy mới xứng đáng thay Trời trị dân.
                oOo













                CHÚ THÍCH


                [1] , , , . , 使 , , . , , , , . , , , , . , . , , , .
                Thánh nhân tại thượng ký kiến cực nhi dĩ thân giáo vu thiên hạ, phục phu ngôn giáo vu thiên hạ, cái thân giáo giả, thị dĩ cung hành tiễn lý chi thật. Ngôn giáo giả, sử kỳ ca tụng, ngâm vịnh nhi đắc, nhị giả bất khả thiên phế dã. Thiên hạ duy lý vi chí thường, duy lý vi chí đại. Hoàng Cực phu ngôn thuần hồ nhất lý, cố vị chi thường lý, cố vi chi đại huấn. Thị lý dã, bản chi ư thiên, duy Hoàng Thượng Đế, giáng trung chi lý dã, ngôn nhi bất dị ư giáng trung chi lý. Thị khởi khả dĩ quân chi huấn thị chi tai, nãi thiên chi huấn dã. Thiên giả kỳ bất ngôn chi thánh nhân, thánh nhân giả kỳ năng ngôn chi thiên, nhất nhi nhị, nhị nhi nhất giả dã.





                [2] Medhurst translates (Hoàng Cực) by «The princely perfection» and Gaubil by «le terme du Souverain, ou le milieu du Souverain». Gan Kwo had defined the term by (Đại Trung) and his explanation seems to have been unquestioned till the time of the Sung Dynasty. Tan Choo He insisted that (Hoàng) must be taken here in the sense of « » (Quân) «prince, sovereign», referring to the way in which it is interchanged with (Vương). Choo’s criticism is correct. He is correct also in rejecting the definition of (Cực) by (Trung). (Cực) «the utmost point, the extreme of excellence», realized in the person of the sovereign, and serving as an example, and attractive influence to all below, both minister and people. It is supposed to be in the center, the exact middle, but it should not be called the Center or mean.
                James Legge, The Shoo King, page 328 notes.
                Wieger chú: Hoàng Cực = Pôle impérial.
                L’empereur est le pivot autour duquel tout tourne sur la terre (Cực do Bắc Cực chi cực) comme au ciel tout gravite autour du pôle (Tử vi đế tọa) siège du sublime souverain.
                Wieger, Textes philosophiques, page 29.





                [3] Dĩ thượng tá Dịch lý: hoặc ngôn thiên đạo hoặc ngôn vương đạo, hoặc ngôn thánh đạo.
                : , . Tham Đồng Trực Chỉ, trang 24.





                [4] Chí đạo giả cắng cổ chí kim, vô nhị thuật dã. Bất phiền giả, chí giản chí dị, nhất điều đại đạo dã, thản thản, dị, dị, bất thiên bất đảng, hà nan chi hữu. , , , , , , , , , . (Huỳnh Đình Kinh chú, trang 10).





                [5] , , ( )
                Thiên trung cung Thiên Cực nhất tinh, kỳ nhất minh giả, Thái Nhất thường cư. (Sử Ký – Thiên Quan Thư)
                On nommait encore cette étoile polaire T’ien Tchoung Koung, le palais central du ciel et T’ien Ki Sing l’Etoile Extrême du ciel, et on disait toujours que le Grand Premier, le «Summum unum» y résidait toujours. (Gustave Schlegel, Uranographie chinoise, page 524).





                [6] , , , , .
                Kiến cực giả, như Bắc Thần chi cư sở, nhi hội kỳ cực, quy kỳ cực giả, tắc như chúng tinh chi củng bắc thần dã.
                «The perfect, set up, is like the north pole star occupying its place. Meeting with the perfection and turning to it, is like all the stars moving towards – doing homage to – the pole star.» Lin Che K’e. James Legge, The Shoo King, page 332, notes.





                [7] . ( = ). Hoàng cực thị di. (Di = thường).
                «It is constant, invariable.» (Thị huấn) «it is the lesson» for all (vu Đế kỳ huấn) «from God is its lesson». James Legge, The Shoo King, page 332.





                [8] The basic concept is that each human being embodies a divine principle which is indestructible and whose destiny it is to grow ultimately into the fullness of spiritual realization. Two logical corollaries flow there from. First, it is essential that conditions of political freedom, social justice and economic emancipation are created so that every individual can live in an atmosphere conducive to his inner growth and development. Secondly, our concept of the spiritual human being implies that all men living on this planet are bound to each other by a spiritual bond which must ultimately transcend every lesser barrier.
                Maharajah Karan Singh, Successors to the heroes, The Asia magazine. January 16-1966, page 14.





                [9] , , .
                Nhân quân cư thiên hạ chi chí trung, tắc tất hữu thiên hạ chi tuyệt đức, nhi hậu khả dĩ lập chí cực chi tiêu chuẩn. Kinh Thư Đại Toàn, quyển III, trang 27.





                [10] . Vương trung tâm vô vi dã dĩ thủ chí chính. (Lễ Ký – Lễ vận, 2)
                <bài viết được chỉnh sửa lúc 01.07.2009 01:06:05 bởi huytran >
                #8
                  vnthuquanh3 26.07.2009 23:59:11 (permalink)
                  Một tác phẩm thật đặc biệt. Làm thế nào mình có thể download ebook này về được? gửi cho mình nhé. Y!M giaohuong_h3@yahoo.com   Thanks nhiều lắm !
                  #9
                    huytran 27.07.2009 03:25:59 (permalink)

                    Trích đoạn: vnthuquanh3

                    Một tác phẩm thật đặc biệt. Làm thế nào mình có thể download ebook này về được? gửi cho mình nhé. Y!M giaohuong_h3@yahoo.com   Thanks nhiều lắm !


                    Bạn vnthuquanh3 thân mến,

                    Khi tôi đang copy cuốn này lên diễn đàn, đến chỗ này thì mỗi lần gửi post đi lại bị báo là run-time error gì đó. Chắc format của nó có gì không tương thích với kỹ thuật của diễn đàn chăng. Làm đi làm lại không được, tôi nản quá, đành để đó vậy.

                    Ở trên cùng tôi có đề nguồn (trong post đầu tiên) bạn có thể vào thẳng trang của bác sĩ Nguyễn Văn Thọ mà đọc cuốn này.
                    #10
                      Chuyển nhanh đến:

                      Thống kê hiện tại

                      Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                      Kiểu:
                      2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9