Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới
Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 24 bài trong đề mục
Thanh Vân 07.07.2009 03:12:06 (permalink)
Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới
 
 Nguyễn Bích Lan biên soạn.
 
Đánh máy: tamnt07
 
Nguồn: http://www.thuvien-ebook.com
 
 
Đôi lời về soạn giả- Dịch giả Nguyễn Bích Lan

Tôi đã không hề phân vân bỏ ra hẳn hai buổi liền để đọc một mạch bằng hết năm mươi câu chuyện trong cuốn sách Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới của soạn giả Nguyễn Bích Lan. Không phải chỉ vì tôi có may mắn đã ít nhiều quen biết soạn giả, mà những câu chuyện ở đây quả thực có sức hấp dẫn, mỗi câu chuyện đều đem lại cho tôi thêm hiểu biết, thêm niềm tin tưởng vào lòng tốt của con người, cái đẹp của cuộc sống, và niềm tự hào cùng với yêu kính, trân trọng đối với người phụ nữ - người mẹ của nhân loại. Lại nữa mỗi câu chuyện ở đây đều được kể một cách ngắn gọn, hàm súc, không trùng lặp, nhàm tản…
 

Cho đến nay, hình như nhiều người trong chúng ta mới chỉ ít nhiều biết đến tên tuổi cũng như sự nghiệp sáng tác của nhà thơ lớn thế kỷ XIX trong văn học Anh George Gordon Byron ( Bairơn, 1788- 1824). Có lẽ, cũng như tôi, ít ai lại ngờ rằng con gái nhà thơ, Augusta Ada Byron (1815- 1852), với cống hiến khoa học đáng kể cho tiến bộ của nhân loại, có thể nói, cũng là một nhân vật lớn. Hóa ra con gái của nhà thơ chính là người đã đóng góp khá nhiều để chúng ta ngày nay có được cái máy tính hiện đại- với nó ta “có thể giải phóng những phép tính phức tạp nhất, có thể đánh máy tài liệu, vẽ những bản vẽ thiết kế, lưu hóa đơn, soạn giáo án, nghe nhạc, chơi trò chơi, gửi thư hoặc trò chuyện trực tiếp với bạn bè hoặc người thân của bạn đang ở cách xa hàng nghìn cây số, thậm chí sản xuất một bộ phim v.v…”. Chính câu chuyện mở đầu tập sách này cho ta được biết điều đó.
Lần lượt các câu chuyện khác trong sách kể cho chúng ta biết nhiều điều mới lạ tương tự, hoặc có nhắc lại đôi điều, có thể mọi người từng biết ở dâu đó, nhưng đọc lại trong một tổng thể vẫn làm ta xúc động.
Ngoài Augusta Ada Byron, ta được biết bao nhiêu người phụ nữ khác cũng thật sự là tài giỏi, quả cảm, có một tấm lòng nhân ái bao la: Sofia Kovalevskaia (1850- 1891), nhà toán học người Nga, vượt bao nhiêu khó khăn của lề thói lạc hậu phân biệt đối xử nam nữ của xã hội đương thời, trở thành nhà khoa học- tác giả công trình “Nghiên cứu áp dụng toán học vào giải bài toán chuyển động của khối chất rắn ngay cả khi trọng tâm của nó không nằm ở trục của khối”. Thành tựu nghiên cứu của bà đã giải quyết được bao nhiêu khó khăn trong ứng dụng khoa học vào đời sống. Những năm qua nhiều nhà khoa học nữ của Việt Nam hàng năm được nhận giải thưởng Kovalevskaia chính là một trong những biểu hiện của người đời ghi công và tôn vinh bà. Marie Curie (1867- 1934), một phụ nữ tiêu biểu khác, người Ba Lan, cùng với chồng là Pierre Curie là hai nhà vật lý nguyên tử, xác định được khối lượng nguyên tử của radium, mở ra một triển vọng lớn lao cho loài người sử dụng năng lượng vì mục đích cuộc sống con người. Baulah Louise Henry (1887- 1973), người phụ nữ Mỹ có tới 110 phát minh và 49 bằng sáng chế. Lise Meitner (1878- 1968), nhà khoa học nữ người Đức, đóng góp lớn vào phát minh lý thuyết về quá trình phân giải hạt nhân,v..v…
 

Hai câu chuyện về hai em gái nhỏ tuổi có lẽ sẽ để lại ấn tượng đặc biệt cho người đọc: Anne Frank, cô bé con một gia đình Do Thái phải trốn tránh cuộc vây giáp, đàn áp của chế độ phát xít, đã qua đời vi bệnh tật và đói khát, không đợi được đến ngày giải phóng, nhưng đã để lại cho loài người những trang nhật ký đầy lạc quan tin tưởng ở ngày mai. Và Sadako Sasaki, cô bé người Nhật đã bị nhiễm phóng xạ do quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima vào những ngày cuối cùng của cuộc thế chiến thứ hai. Nằm trên giường bệnh, tin vào truyền thuyết, cô bé đã kiên nhẫn ngày ngày gập những con nhạn giấy. Bé gập được hơn một nghìn con nhạn giấy mà vẫn qua đời ở độ tuổi mười hai. Cô bé đã không cưỡng nổi số mệnh của mình, nhưng để lại cho thế giới này ước nguyện lớn lao lao về hòa bình.
Nhưng làm người đọc xúc động và ghi nhớ hơn cả có lẽ là những câu chuyện trong sách kể về những tấm gương cao cả vốn có của những người phụ nữ - những người mẹ của nhân loại. Mẹ Teresa (1910- 1997) người gốc Anbani, từ năm mười tám tuổi đã gia nhập nhóm nữ tu ở Ireland và bắt đầu các hoạt động nhân đạo, đi suốt cuộc đời cứu vớt những người nghèo đói, bệnh tật. Công nương Diana Frances Spencer (1961- 1997) tình nguyện nhân đạo giúp đỡ các bệnh nhân AIDS…
 

Tất cả những người phụ nữ tuyệt vời được nói trong các câu chuyện ở tập sách, trước hết đều là những người có một nghị lực phi thường cùng với một trái tim bao dung, đầy ắp tình yêu, tình yêu đối với đồng loại, tình yêu với cuộc sống, tình yêu với trái đất tươi đẹp này…
 

Gấp tập sách này lại tôi nghĩ đến người soạn ra nó. Tôi được biết đến nữ soạn giả trẻ tuổi này từ một bài báo đăng từ năm 2001. Dưới tiêu đề Những mảnh đời khuất lấp bài báo hé mở cho người đọc biết về cuộc đời của một cô bé tật nguyền: Cô bé Nguyễn Bích Lan. Đang học dở lớp 8 ở trường phổ thông Minh Tân ( Hưng Hà, Thái Bình), Lan phải bỏ dở học vì một căn bệnh hiểm nghèo. Buộc phải quanh quẩn, xê dịch rất khó khăn trong căn phòng có 10 m2, cô bé Lan ở tuổi mười bốn không chịu an phận: với một nghị lực, một quyết tâm lớn đã tìm ra lẽ sống “có ích cho đời”. Không còn đến được trường cùng chúng bạn, một mình Lan xoay xở tìm mọi cách tự học. Cô tự học tiếng Anh. Có được vốn tiếng Anh cô mở lớp dạy học, lúc đầu cho khuây khỏa, dần dà cô thực sự trở thành cô giáo với 3,4 lớp, hàng trăm học trò. Học trò của cô giáo Lan đều trưởng thành, thi đỗ vào đại học, vào cao đẳng, trong số đó có tám em giờ đây cũng đã thành cô giáo dạy Anh ngữ ở các trường phổ thông. Đến một lúc bệnh tật nặng thêm, không còn đủ sức dạy học, Nguyễn Bích Lan lại tìm được một công việc thích hợp với năng khiếu văn từ nhỏ, cộng với vốn tiếng Anh rèn rũa được trong những năm qua- Bích Lan chuyển sang dịch sách.
Chỉ trong vòng ba, bốn năm, từ cuốn sách dịch đầu tiên, được Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 2001- Đừng bao giờ nghi ngờ tình yêu của em (tác phẩm của nhà văn nữ người Scotland Daisy Thompson), tính đến nay Nguyễn Bích Lan đã có tới mười đầu sách. Hầu như sách của Bích Lan đều được Nhà xuất bản Phụ nữ tín nhiệm xuất bản và được đông đảo bạn đọc hoan nghênh.
 

Việc dịch sách của Nguyễn Bích Lan mỗi ngày một thêm thuần thục, bài bản. Với công cụ là chiếc máy tính, dịch giả không chỉ dùng thay cây bút, mà tìm tòi học hỏi thêm, tra cứu và giao lưu với cả thế giới bên ngoài rộng lớn. Nhờ nó chất lượng bản dịch dần được nâng cao. Dịch văn học thực ra cũng là một thể loại sáng tạo ngôn từ. Người dịch văn học cũng là cây bút sáng tạo văn chương. Giờ đây điều này tốt đối với Nguyễn Bích Lan đã gần như trở thành sự thật. Cuốn sách biên soạn Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới của Nguyễn Bích Lan có thể coi là một minh chứng bổ sung thêm.
 

Xin vui mừng giới thiệu với bạn đọc một thành công mới của dịch giả Nguyễn Bích Lan, một con người vượt khó đầy nghị lực, đầy tài năng triển vọng, từ một người tưởng như tàn phế đã trở thành cô giáo, rồi thành một dịch giả được bạn đọc yêu mến.
 

Thúy Toàn
#1
    Thanh Vân 07.07.2009 03:12:47 (permalink)
    Augusta Ada Byron (1815- 1852)



    CON GÁI CỦA THI SĨ BYRON

    Bạn đã bao giờ ngắm một chiếc máy vi tính, một vật đã trở nên rất đỗi quen thuộc trong cuộc sống của chúng ta ngày nay, và tự hỏi chiếc máy vi tính đầu tiên ra đời từ khi nào chưa? Bạn có tin rằng lịch sử của chiếc máy vi tính bắt đầu từ cách đây gần 200 năm không? Và liệu bạn có băn khoăn nhờ đâu mà con người thời bấy giờ có thể hiểu được nguyên lý vận hành của một thiết bị có bộ nhớ, hoạt động nhờ những chương trình được lập sẵn và có thể thực hiện nhiều công việc khác nhau, từ giải quyết các phép tính đến thiết kế đồ họa? Nếu tìm đến với các câu trả lời bạn sẽ được biết về một người phụ nữ đã góp công sức không nhỏ trong việc thúc đẩy kỹ thuật lập trình. Người phụ nữ đó là Augusta Ada Byron.
    Augusta Ada Byron sin hănm 1815 tại London. Bà là con gái của thi sĩ nổi tiếng thế giới George Gordon Noel Byron. Với thiên tài thơ ca, cha bà được nhiều phụ nữ mến mộ và cuộc sống của cha mẹ bà vì thế không hạnh phúc. Sau khi bà chào đời được vài tháng, cha bà đi khỏi nhà và không bao giờ quay lại. Không muốn con gái mình theo truyền thống nhà Byron, mẹ của Ada đã chủ động hướng bà tới toán học và các môn khoa học tự nhiên. Ada tỏ ra rất thông minh và đặc biệt giỏi toán. Năm Ada mười tám tuổi, như một sự sắp đặt của số mệnh bà gặp nhà phát minh Charles Babbage tại nhà của Somerville, giáo viên dạy toán của bà. Babbage kể với Ada về chiếc máy tính tự động có khả năng điều khiển được bằng các chỉ lệnh mà ông đang phát triển khiến Ada lập tức bị cuốn hút và bà đã tìm đến tận phòng nghiên cứu của Babbage để tìm hiểu về phát minh của ông.
    Mùa thu năm 1841 Babbage trình bày kế hoạch phát triển chiếc máy của mình tại một cuộc hội thảo ở Turin, Italia. Theo Babbage, chiếc máy của ông sử dụng các bảng mạch điện tử, thực hiện các lệnh trên các bảng mạch đó và nó cần được con người lập cho các công thức cũng như nhập dữ liệu khởi đầu. Rất ít người hiểu được những gì ông mô tả.
    Năm 1842 một người Italia tên là Luigi Federico Menabrea giới thiệu những phát minh này của Babbage trong một bài báo in bằng tiếng Pháp. Ada đã dịch bài báo này sang tiếng Anh và được sự khuyến khích của Babbage bã đã bổ sung những chú thích của mình vào bản dịch. Bà chú thích nhiều đến nỗi khiến cho bản dịch có độ dài gấp ba lần bài báo gốc. Các chú thích của Ada nhấn mạnh đến sự khác nhau giữa chiếc máy làm tính đơn thuần của Pascal và chiếc máy biên dịch của Babbage, một chiếc máy thực hiện lệnh cũng như xử lý dữ liệu một cách tuần tự. Từ điểm này bà công nhận tầm quan trọng của người sử dụng máy (Ada muốn nói về công việc mà ngày nay chúng ta gọi là phát triển phần mềm) và chỉ rõ rằng chương trình lưu sẵn trong máy cần đảm bảo vừa chính xác vừa phù hợp với mong muốn của người sử dụng.
    Những chú thích của bài báo của Menabrea cho thấy rằng Ada không những hiểu được nguyên lý hoạt động của chiếc máy mà còn đi xa hơn người phát minh ra nó trong việc đánh giá những khả năng cũng như đóng góp của nó đối với nhân loại. Trong khi Babbage chỉ giới hạn khả năng của chiếc máy trong lĩnh vực toán học thì Ada lại tin rằng một chiếc máy có bộ nhớ như thế không chỉ giải quyết được các phép tính mà còn có thể thực hiện các cấu trúc lựa chọn; làm được rất nhiều việc thậm chí cả việc soạn nhạc và thiết kế đồ họa. Babbage vô cùng ngạc nhiên trước ý kiến của Ada. Trong một bức thư gửi Ada ông đã viết: “Càng đọc những chú thích của cô tôi càng ngạc nhiên và tôi tiếc rằng trước đây tôi đã không khám phá ra tiềm năng to lớn đến thế của chiếc máy”.
    Qua thư và qua những cuộc thăm viếng Babbage, Ada đã thực sự thiết lập một mối quan hệ cộng tác gần gũi. Với khả năng toán học của mình, Ada đã đóng góp nhiều ý kiến giúp ích cho Babbage trong việc phát triển chiếc máy của ông. Chính bà là người đã gợi ý Babbage lập chương trình tính các số Bernoulli, và chương trình này ngày nay được coi là chương trình máy tính đầu tiên trên thế giới. Cũng có những ý kiến tranh cãi xung quanh điều này song từ những bức thư trao đổi giữa Ada và Babbage đã được công bố, không ai có thể phủ nhận những ảnh hưởng to lớn của Ada trong việc thúc đẩy sự phát triển kỹ thuật lập trình. Người Mỹ đặt tên cho một ngôn ngữ lập trình của họ là Ada chính là để khẳng định điều đó.
    Qua một quá trình phát triển không ngừng, chiếc máy tính tự động được phát triển không ngừng, chiếc máy tính tự động được điều khiển bằng các chỉ lệnh của Babbage đã được cải tiến thành chiếc máy vi tính hiện đại với vô số những tính năng hữu ích cho cuộc sống của con người. Ngày nay với một chiếc máy vi tính bạn có thể giải những phép tính phức tạp nhất, có thể đánh máy tài liệu, vẽ những bản thiết kế, lưu hóa đơn, lập giáo án, nghe nhạc, chơi trò chơi, gửi thư hoặc trò chuyện trực tiếp với bạn bè hoặc người thân của bạn đang ở cách xa hàng nghìn cây số, thậm chí sản xuất một bộ phim, v.v… Và phần lớn những khả năng đó đã được Augusta Ada Byron tiên liệu từ gần hai thế kỷ trước.
    #2
      Thanh Vân 07.07.2009 03:13:27 (permalink)
      Sofia Kovalevskaya (1850- 1891)




      TOÁN HỌC – NIỀM KHÁT KHAO BẤT DIỆT

      Không phải ngẫu nhiên người Việt Nam chúng ta đặt tên giải thưởng dành tôn vinh những nhà khoa học nữ có đóng góp nổi bật cho đất nước là giải Kovalevskaia. Đó là tên của một trong những nhà toán học nữ xuất sắc nhất thế giới.

      Sofia Kovalevskaia sinh ngày 15 tháng 1 năm 1850 tại Matxcova nước Nga trong một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc. Hồi nhỏ bà thường ngồi hàng giờ nghe người chú của mình nói về toán học. Một hôm bà nhận ra rằng các tờ giấy dán tường trong phòng của mình hóa ra là những trang giấy in các bài giảng về tích phân của Ostrogradski mà bà đã từng nghe người chú nói đến. Bà bắt đầu tìm hiểu các phép toán từ các từ giấy dán tường đó.
      Sofia tiếp thu bài giảng toán đầu tiên từ một gia sư tên là Y.I. Malevich. Bà cảm thấy môn toán cuốn hút bà đến nỗi bà bắt đầu lơ là những môn học khác. Nhận thấy điều đó bố của bà cấm không cho con gái tiếp tục học toán nhưng càng bị cấm Sofia càng mê toán hơn. Bà mượn sách toán và lén đọc vào đêm khuya khi cả nhà đã ngủ. Năm mười bốn tuổi người hàng xóm của bà, giáo sư Tyrtov, tặng gia đình bà một cuốn sách vật lý do ông viết. Vì muốn hiểu được nội dung của cuốn sách Sofia đã tự học lượng giác và nhận thức của bà khiến giáo sư Tyrtov rất ngạc nhiên. Giáo sư ra sức thuyết phục cha của Sofia cho bà tiếp tục học toán. Cuối cùng Sofia cũng được cha cho phép đi Saint Petersburg học những gì bà yêu thích.
      Sau khi kết thúc bậc trung học, Sofia khát khao được học lên đại học. Vào thời điểm đó ở Nga không một phụ nữ nào có thể thỏa mãn khát khao ấy ở trong nước. Gần nước Nga nhất chỉ có Thụy Sĩ là có các trường đại học tiếp nhận sinh viên nữ mà một thiếu nữ chưa chồng như Sofia lại không được phép ra nước ngoài một mình. Khát khao học đại học lớn đến nỗi nó thúc đẩy Sofia đi đến quyết định kết hôn trên danh nghĩa với một nhà cổ sinh học tên là Vladimir Kovalevski để có cơ hội sang châu Âu. Năm 1868, bà đến Heldelberg đăng ký học toán và khoa học tự nhiên tại trường đại học của thành phố nhưng trường không tiếp nhận sinh viên nữ. Vì thế, Sofia phải xin từng giáo viên cho bà được nghe họ giảng bài và phải thuyết phục lãnh đạo nhà trường cho phép bà có mặt tại các lớp học với tư cách là sinh viên không chính thức. Qua tất cả các học kỳ Sofia luôn khiến các bạn học của bà ngạc nhiên bởi năng khiếu nổi bật về toán học. Đối với các giáo sư khoa toán, Sofia là một hiện tượng hiếm thấy.
      Năm 1871 Sofia đến đại học Berlin với mục đích tìm kiếm cơ hội nghiên cứu toán học dưới sự hướng dẫn của Karl Weierstrass, người được coi là nhà toán học nổi tiếng nhất của thời bấy giờ. Trường đại học Berlin từ chối nhận Sofia nhưng may mắn thay sau khi thử khả năng của Sofia thầy Weierstrass đã hiểu ra rằng mình đang có trong tay một tài năng đầy triển vọng. Chính vì thế ông nhận hướng dẫn riêng cho Sofia. Không phụ công người thầy ưu tú của mình, trong suốt bốn năm Sofia hoạt động miệt mài và cho ra đời ba công trình nghiên cứu. Đó đều là những công trình có giá trị to lớn. Nếu như kết quả nghiên cứu về số nguyên của Sofia giúp rút gọn các số nguyên Abel thành các số nguyên elip thì thuyết phương trình vi phân của bà lại được ứng dụng vào việc nghiên cứu các tiểu hành tinh quay quanh quỹ đạo sao Thổ.
      Với các nghiên cứu đáng chú ý của mình, năm 1887 Sofia giành được học vị tiến sĩ tại đại học Goettingen. Rời đại học Goettingen bà trở về nước Nga và tại quê hương mình bà lại phải chịu những thiệt thòi về giới: Bà bị trường đại học Saint Petersburg từ chối nhận làm giảng viên và không được trường đại học Matxcova cho phép tham gia thi lấy bằng thạc sĩ của trường đại học này. Một lần nữa Sofia lại quay sang châu Âu. Bà đến Đức, Pháp, Thụy Điển làm giảng viên một số trường đại học và tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học.
      Một trong những đóng góp quan trọng cho khoa học trong thời gian này của Sofia là nghiên cứu áp dụng toán học vào giải bài toán chuyển động của vật rắn. Năm 1888 bà cho công bố kết quả nghiên cứu trong một tài liệu mang tên “Xoay một vật rắn quanh một điểm cố định”. Trước thời điểm đó các nhà khoa học mới chỉ đưa ra được lời giải cho bài toán chuyển động của khối vật rắn tại một điểm cố định trong trường hợp đối xứng. Nghiên cứu của Sofia cho phép giải bài toán chuyển động khối chất rắn ngay cả khi trọng tâm của nó không nằm ở trục của khối. Đánh giá cao công trình nghiên cứu này của bà, năm 1888 Viện Hàn lâm khoa học Paris không những đã quyết định trao giải thưởng khoa học cho bà mà còn nâng mức tiền thưởng của giải từ 3000 lên 5000 franc. Công trình nghiên cứu về chuyển động của khối chất rắn cũng đã mang lại cho bà giải thưởng của Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển.
      Đang ở đỉnh cao của sự nghiệp thì Sofia mắc bệnh viêm phổi. Bà qua đời tại Stockholm, Thụy Điển vào ngày 10 tháng một năm 1891 trong niềm tiếc thương của giới khoa học trên khắp hành tinh. Với tổng cộng mười công trình nghiên cứu về toán học và vật lý toán học, trong đó phần lớn là những công trình tạo đà cho những khám phá quan trọng của tuơng lai, Sofia được mệnh danh là một trong những nhà toán học nữ xuất sắc nhất thế giới.
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 11.08.2009 07:12:41 bởi Ct.Ly >
      #3
        Thanh Vân 07.07.2009 03:14:04 (permalink)
        Aletta Jacobs (1854 – 1929)

        NỮ BÁC SĨ ĐẦU TIÊN Ở HÀ LAN
         

        Là con thứ tám trong một gia đình gồm mười hai người con của một cặp vợ chồng người Hà Lan thuộc tầng lớp trung lưu, từ nhỏ Aletta Jacobs đã mơ ước được đi theo con đường của cha mình, trở thành một nhà vật lý. Khác với nhiều bậc phụ huynh ở nửa cuối thể kỷ XIX cha mẹ của Aletta không những không ngăn cản con gái họ theo đuổi ước mơ mà còn cậy cục xin cho Aletta học dự thính ở các lớp học dành cho con trai để bà có thể học các môn tự nhiên thay vì chỉ học các môn xã hội và nữ công gia chánh.
        Sau khi tốt nghiệp trung học và vượt qua kỳ thi tuyển phụ tá dược sĩ, Aletta viết thư cho thủ tướng Thorbecka xin ông ta can thiệp để bà được vào học đại học Groningen. Thủ tướng hẹn cho bà một năm thử thách. Đầu năm 1872 nghe tin thủ tướng ốm nặng Aletta sợ người kế nhiệm sẽ không chấp nhận lời thỉnh cầu của bà nên bà quyết định tham gia thi đại học ngay và gửi kết quả tới Thorbecka. Hai ngày sau khi Thorbecka qua đời, bà nhận được giấy cho phép nhập trường Groningen.
        Tại trường Groningen, Aletta luôn nỗ lực hết mình trong học tập. Trong suốt bốn năm bà luôn là sinh viên xuất sắc của khoa toán và vật lý. Năm 1878 bà chuyển đến Amsterdam để theo học trường y và kết thúc chương trình học trong hai năm. Một số giáo viên của trường không chấp nhận việc một người phụ nữ trở thành bác sĩ đã tìm cách cản trở bà. Hai vị giám khảo đã xử thiếu công bằng với bà trong khi bà thi tốt nghiệp. Bà đã công khai lên tiếng đấu tranh phản đối hai vị giám khảo này và suýt nữa thì không nhận được bằng tốt nghiệp.
        Khi còn là sinh viên, và đặc biệt là trong thời gian làm việc tại bệnh viện Amsterdam, Aletta đã chững kiến quá nhiều cảnh những người phụ nữ khổ sở vì đẻ dày đẻ nhiều. Họ nghèo túng và gầy mòn vì sinh đẻ. Cuộc sống của họ là một gánh nặng với những kì thai nghén đầy vất vả. Trò chuyện với những người phụ nữ ấy ở phòng hộ sinh, Aletta nhận thấy rằng đa số họ không muốn sinh nhiều con như vậy, không muốn sinh ra những đứa con ốm yếu và chết yểu, nhưng họ không biết làm thế nào để tránh thai. Họ luôn sống trong nỗi lo sợ sẽ mang thai và hoang mang không biết tương lai của những đứa con được sinh ra ngoài ý muốn sẽ ra sao. Aletta suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này nhưng chưa tìm ra cách gì để giúp những người phụ nữ ấy. Nhiều lần bà đem băn khoăn của mình ra tâm sự với đồng nghiệp và chỉ nhận được những lời nói buông xuông đại loại như: “Cái số đàn bà nó thế” hay “Chẳng có cách tránh thai nào đâu, nếu có thì thế giới sụp đổ vì thiếu người rồi”.
        Aletta nghĩ rằng chỉ có phương pháp chống thụ thai mới có thể giúp giải phóng người phụ nữ khỏi sự chịu đựng này. Bà tìm hiểu ý tưởng về biện pháp tránh thai của Malthus vốn đã được chú ý từ đầu thế kỷ XIX và liên lạc với những người đã vận dụng ý tưởng này theo cách riêng của họ. Năm 1882 bà đọc được một bài báo giới thiệu phương pháp đặt vòng tránh thai của bác sĩ Mensinga ở Flensburg. Bà lập tức viết thư cho bác sĩ Mensinga. Bà không những được bác sĩ Mensinga giải đáp mọi thắc mắc, mà còn nhận được nhiều mẫu vòng tránh thai. Tuy nhiên bà không vội vàng phổ biến phương pháp này mà thận trọng thử nghiệm trong một thời gian. Bà viết thư cho những người phụ nữ có nhu cầu bức thiết đề nghị họ tham gia thử nghiệm phương pháp đặt vòng, với điều kiện họ phải thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe trong những tháng đầu. Rất nhiều người phụ nữ sẵn sàng đi đặt vòng, nhờ thế mà chỉ sau một thời gian ngắn Aletta đã có thể khẳng định sự thành công của phương pháp đó.
        Ý thức được những rào cản về tôn giáo và hạn chế về dân trí, Aletta không dám mong việc làm của bà sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ song bà không ngờ mình lại tạo ra một sự phản đối kịch liệt đến như vậy. Những người phản đối buộc tội bà tiếp tay cho lối sống vô đạo đức. Số ít những người đồng tình thì không dám tỏ thái độ vì sợ phải gánh chịu chung số phận với bà. Bạn bè của bà khuyên bà nên công khai thừa nhận việc làm của mình làm một sai lầm và tuyên bố sẽ không tiếp tục phổ biến phương pháp tránh thai nữa. Aletta không tiếp thu những ý kiến bàn lùi đó. Bà muốn cảm hóa những người phản đối bà, muốn tranh luận công bằng với những đồng nghiệp phủ nhận tính nhân đạo của việc bà làm. Tuy nhiên cũng có lúc Aletta cảm thấy dường như bà đơn độc đứng ở một phía, phía kia là cả hệ thống y tế và dư luận xã hội. Nhưng rồi bà nhận ra sự phản đối công khai kia chỉ là hành động đạo đức giả. Các mục sư trong các buổi giảng kinh thao thao bất tuyệt phản đối việc tránh thai nhưng chính họ lại đưa vợ mình tới phòng khám của Aletta để đặt vòng. Những bác sĩ miệng thì tìm đủ lời để chỉ trích Aletta, nhưng trong bụng chỉ muốn bà truyền lại cho mình những kỹ thuật đặt vòng tránh thai.
        Aletta tiếp tục việc làm nhân đạo của mình và nhờ có sự kiên quyết của bà mà cuối cùng, việc sử dụng phương pháp tránh thai đã trở thành phổ biến ở khắp đất nước Hà Lan. Hơn ba mươi năm sau kể từ khi thực hiện ca đặt vòng tránh thai đầu tiên, bà thành lập một bệnh viện cung cấp dịch vụ tránh thai. Chính Margaret Sanger, người đi đầu trong phong trào đấu tranh đòi quyền kiểm soát việc sinh đẻ ở Mỹ, đã sang Hà Lan để tìm hiểu các phương pháp tránh thai mà Aletta đã áp dụng thành công.
        Cuộc đời của Aletta Jacobs là cuộc đời dành cho những cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ. Đấu tranh cho nhân công nữ trong các cửa hàng được ngồi ghế thay vì đứng tám đến mười tiếng một ngày, đấu tranh đòi quyền bầu cử cho phụ nữ, đấu tranh bảo vệ sức khỏe cho những phụ nữ làm nghề mại dâm, đấu tranh đòi quyền kiểm soát sinh đẻ cho những người phải mang nặng đẻ đau. Không có sự đóng góp của những người giàu cả về trí tuệ lẫn tâm huyết như Aletta Jacobs, quá trình giải phóng phụ nữ ở Hà Lan nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, chắc chắn sẽ diễn ra khó khăn và chậm chạp hơn rất nhiều, nếu không muốn nói là khó đạt được những thành quả mà những người phụ nữ thời nay đang được hưởng.


        #4
          Thanh Vân 07.07.2009 03:14:56 (permalink)
          Edith Cavell (1865 – 1915)

          CHUYỆN KỂ Ở QUẢNG TRƯỜNGTRAFALGAR
           

          Vào một ngày đẹp trời, một bé gái mười một tuổi đứng trước bức tượng Edith Cavell tại quảng trường Trafalgar ở London nhẩm đọc dòng chữ: “Tôi hiểu rằng chỉ có lòng yêu nước chưa đủ, tôi phải không thù hận hay oán hờn bất cứ ai”. Đọc xong bé gái đó đứng yên nhìn mãi lên bức tượng và khi mẹ của bé dắt tay bé đi, bé cứ ngoái đầu lại phía bức tượng. Thay vì đi khỏi quảng trường, người mẹ đã dắt con trở lại chỗ bức tượng và ngay tại đó bà bắt đầu kể cho con gái nghe câu chuyện về Edith Cavell.
          Chuyện kể rằng Edith Cavell là một nữ y tá người Norfolk, thuộc nước Anh. Năm 1907 khi bà mười tám tuổi bà được cử làm y tá của bệnh viện Berkendael ở Brussels, thủ đô nước Bỉ. Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra và ngày 4 tháng Tám năm 1914 quân Đức tràn vào nước Bỉ. Trong tình hình chiến sự diễn ra ác liệt, bệnh viện Berkendael được Hội chữ thập đỏ quốc tế sử dụng làm nơi cứu chữa cho thương binh. Những người bị thương được đưa đến bệnh viện dù là người Anh, người Pháp, người Bỉ hay người Đức đều được các bác sĩ và y tá cứu chữa với tinh thần nhân đạo cao cả. Những người thuộc quân đồng minh sau khi được chữa trị vết thương, thường được người của bệnh viện giúp trốn ra ngoài để khỏi rơi vào tay của lính Đức. Edith là người tích cực nhất trong hoạt động đầy nguy hiểm đó. Không những giúp những người bị thương trốn thoát bà còn giúp cả những người lính đang bị truy lùng trốn trong bệnh viện, để rồi sau đó tổ chức đưa những người đó tới vùng an toàn.
          Lúc bấy giờ, ở đâu trên đường phố Brussels người ta cũng thấy những tấm biển đề: “Bất kể đàn ông hay đàn bà, ai che giấu một lính Pháp hay lính Anh đều phải chịu hình phạt nặng”. Có người đã cảnh báo Edith rằng lính Đức đã nghi ngờ bà và bố trí theo dõi những người ra vào bệnh viện. Tuy nhiên Edith vẫn không vì thề mà khoanh tay ngồi nhìn những người lính đồng minh rơi vào tay quân phát xít Đức. Bà tiếp tục che giấu, giúp đỡ lương thực, tiền bạc và tổ chức cho họ trốn sang nước trung lập Hà Lan.
          Ngày 15 tháng Tám năm 1915 Edith Cavell bị quân Đức bắt vì tội “che giấu kẻ thù”. Edith bị biệt giam trong mười tuần. Bạn bè và cả luật sư của bà đều không được phép gặp bà. Ngày 7 tháng Mười tòa án Đức mở phiên tòa xét xử bà cùng ba mươi tư người khác có cùng tội danh.
          Nếu bị kết tội Edith sẽ bị xử tử. Luật sư của bà biện hộ rằng bà làm như vậy chỉ vì sự cảm thông giữa người và người mà thôi. Nhưng Edith Cavell với bản lĩnh phi thường đã đứng trước tòa không hề run sợ, thừa nhận rằng chính bà đã giúp đỡ 200 người lính đồng minh trốn thoát khỏi Bỉ và bà biết rõ rằng người người đó có thể sẽ quay lại chiến hào chống lại quân Đức. Bà còn nói rằng những người lính trốn thoát đã gửi thư cảm ơn sự giúp đỡ của bà. Khi được hỏi tại sao bà lại giúp những người lính ấy, Edith Cavell đã đáp rằng nếu bà không giúp họ trốn thoát thì quân Đức sẽ giết chết họ và vì lẽ đó bà phải hành động để thực hiện nghĩa vụ của bà đối với tổ quốc. Những gì Edith Cavell thừa nhận đủ để tòa án binh của Đức tuyên bố mức án nặng nhất đối với bà.
          Các nỗ lực ngoại giao đã được thúc đẩy nhằm cứu mạng sống của Edith Cavell. Đại diện cho nước Mĩ, nước mà vào thời điểm ấy chưa tham chiến, ông Hugh Gibson quan chức ngoại giao số một của Mỹ ở Brussels, đã tuyên bố thẳng với chính phủ Đức rằng, việc xử tù Edith Cavell sẽ làm tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ ngoại giao vốn đã chẳng êm đềm giữa Đức và Mỹ. Viên chức ngoại giao này đã cảnh báo người Đức rằng nếu họ xử tử Edith Cavell họ sẽ phải đối mặt với sự bất bình trong dân chúng. Hugh Gibson cùng ông Marquys de Villalobar đại diện chính phủ Tây Ban Nha ở Brussels, và ông M. de Leval, quan chức ngoại giao người Bỉ đã trực tiếp đến gặp Baron von der Lancken, đại diện chính trị của nước Đức ở Brussels và nói chuyện điện thoại với tướng Von Sauberzweig phụ trách quân sự, nhưng mọi nỗ lực của họ đều không mang lại kết quả. Những viên chỉ huy người Đức nói, dù thế nào bản án cũng nhất định phải được thi hành.
          Edith Cavell không kháng án. Bà bình tĩnh đợi cái chết. Ngày 11 tháng Mười khi linh mục của nhà tù Gahan đến thăm, bà đã nói: “Tôi muốn những người bạn của tôi biết rằng tôi sẵn sàng chết cho tổ quốc mình. Tôi không có gì phải sợ hay phải né tránh. Tôi đã chứng kiến cái chết quá nhiều rồi, nhiều đến nỗi nó chẳng còn lạ lẫm hay đáng sợ đối với tôi nữa”.
          Hai giờ sáng ngày 12 tháng Mười, chỉ chưa đầy mười tiếng, sau khi bản án tử hình được tuyên bố, tại một địa điểm quân sự mang tên Tir National, Edith Cavell đã bị xử bắn.
          Khi còn sống, Edith Cavell đã cứu sống được nhiều mạng người và cái chết của bà lại cứu thêm được những mạng sống khác. Sau khi Edith Cavell bị xử bắn, toàn thế giới dồn lên sự căm giận quân phát xít Đức. Trước sự phản đối gay gắt cả dư luận, quân đội Đức buộc phải hủy bỏ án xử tử đối với không ít tù nhân đã bị kết án. Học tập lòng dũng cảm của Edith Cavell, hàng nghìn người ở Anh, Úc, Canada đã tình nguyện đăng lính tham gia cuộc chiến chống lại phát xít Đức. Cái chết của Edith Cavell cũng đã góp phần thúc đẩy nước Mỹ đi đến tuyên chiến với phát xít Đức.
          Không biết cô bé mười một tuổi ở quảng trường Trafalgar có hiểu hết được những gì mẹ cô muốn cô hiểu qua câu chuyện về Edith Cavell hay không? Có lẽ cô bé chỉ hiểu phần nào song rất có thể những gì nghe được, sẽ thôi thúc cô bé tìm hiểu về người phụ nữ anh hùng này và những người phụ nữ phi thường khác đã hi sinh cuộc sống của mình, để thế giới lật sang những trang sử mới tươi đẹp hơn.
          #5
            Ct.Ly 09.07.2009 19:55:27 (permalink)
            #6
              Ct.Ly 26.07.2009 08:33:24 (permalink)
              #7
                Ct.Ly 26.07.2009 08:33:48 (permalink)
                #8
                  Ct.Ly 26.07.2009 08:34:09 (permalink)
                  #9
                    Ct.Ly 11.08.2009 07:14:42 (permalink)
                    #10
                      Ct.Ly 11.08.2009 07:15:41 (permalink)
                      #11
                        Ct.Ly 16.08.2009 23:05:20 (permalink)
                        #12
                          Ct.Ly 17.09.2009 19:47:09 (permalink)
                          #13
                            Ct.Ly 17.09.2009 19:47:38 (permalink)
                            #14
                              Ct.Ly 17.09.2009 19:48:20 (permalink)
                              #15
                                Thay đổi trang: 12 > | Trang 1 của 2 trang, bài viết từ 1 đến 15 trên tổng số 24 bài trong đề mục
                                Chuyển nhanh đến:

                                Thống kê hiện tại

                                Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                                Kiểu:
                                2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9