Những người phụ nữ làm thay đổi thế giới
Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 24 trên tổng số 24 bài trong đề mục
Ct.Ly 24.09.2009 02:31:26 (permalink)
#16
    Ct.Ly 24.09.2009 02:32:08 (permalink)
    #17
      Ct.Ly 02.11.2009 02:43:42 (permalink)
      #18
        Ct.Ly 02.11.2009 02:44:06 (permalink)
        #19
          Ct.Ly 02.11.2009 02:44:31 (permalink)
          #20
            Ct.Ly 02.11.2009 02:44:53 (permalink)
            #21
              Ct.Ly 02.11.2009 02:45:22 (permalink)
              #22
                Thanh Vân 05.12.2009 15:40:31 (permalink)
                Olya Melen
                Sinh năm 1980
                GÌN GIỮ CHO HÔM NAY VÀ MAI SAU

                Vùng châu thổ sông Danube là một vùng trũng rộng hơn một triệu hecta, nằm trong lãnh thổ của Rumani và Ukraine. Với hệ thống sông ngòi, kênh rạch và đầm hồ phong phú, châu thổ này là nơi sinh sống của hàng trăm loài thực vật, 45 loài cá nước ngọt và 300 loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm. Không chỉ các nhà nghiên cứu môi trường mà bất cứ ai đặt chân đến vùng châu thổ này tận mắt thấy đa dạng sinh học ở đây cũng đều ý thức được rằng nó là một trong những khu sinh thái hiếm hoi còn lại trên trái đất. Tổ chức UNESCO cũng đã công nhận vùng châu thổ này là một di sản thiên nhiên, khu bảo tồn sinh quyển của thế giới. Năm 2004 bất chấp luật bảo vệ môi trường quốc tế, chính phủ Ukraine cho triển khai dự án xây dựng một tuyến giao thông thuỷ xuyên qua châu thổ Danube tới biển Đen. Theo dự án này người ta sẽ cho nạo vét gần 200 km kênh rạch và khu ngập nước của châu thổ để xây dựng một kênh đào lớn. Nhiều nhà bảo vệ môi trường lo ngại trước nguy cơ toàn bộ khu sinh thái châu thổ sông Danube sẽ bị đe doạ. Tuy nhiên ai cũng biết đấu tranh ngăn chặn việc làm này có nghĩa là đối đầu với cả một chính phủ.
                Ngay khi biết về dự án kênh đào, Olya Melen một cô gái 24 tuổi đã can đảm đứng lên bảo vệ vùng châu thổ sông Danube. Là một cô gái năng động và thông minh, sau khi tốt nghiệp trường đại học Lviv, Olya tham gia tổ chức bảo vệ môi trường EPL ở Ukraine như một người tình nguyện rồi trở thành một luật sư phụ trách ban luật pháp của tổ chức này. Công việc của cô là tư vấn luật pháp cho các công dân và viết bài cho tờ Luật môi trường. Cô chưa từng phụ trách một vụ án nào, chưa bao giờ làm luật sư trước toà.
                Olya kể lại rằng, những phút đầu có mặt tại phiên toà nhận ra đối thủ của cô là một đoàn luật sư gồm toàn những luật sư danh tiếng nhất của chính phủ, cô cảm thấy sợ đến nỗi hai tay run, giọng nói lạc đi. Ai cũng cho cô còn quá trẻ, cô không biết gì hết, cô sẽ không thuyết phục được thẩm phán. Nhưng rồi hình ảnh tươi đẹp của châu thổ sông Danube hiện ra trong đầu cô giúp cô lấy lại bình tĩnh và sự can đảm. Trong khi các luật sư của chính phủ lại ra sức hạ thấp tầm quan trọng của vùng châu thổ và biện hộ rằng việc xây dựng kênh đào không gây những tổn hại đáng kể cho môi trường sinh thái ở đó, Olya đã bình tĩnh đưa ra các tài liệu chứng minh rằng, những đáng giá về ảnh hưởng của dự án xây dựng kênh đào đối với môi trường sinh thái ở châu thổ Danube được bộ trưởng môi trường thông qua là chưa đầy đủ. Cô chỉ ra rằng, nếu kênh đào được xây dựng đúng theo kế hoạch thì nó sẽ cắt vùng châu thổ ra làm hai phần và sẽ xuyên qua những điểm nhạy cảm, dễ bị tổn hại nhất của khu bảo tồn sinh quyển. Việc xây dựng kênh đào và các hoạt động giao thông trên kênh đào và các hoạt động giao thông trên kênh đào sẽ đe doạ sự an toàn của các loài động vật sinh sống lâu dài ở châu thổ và các loài chim di cư đến đó trong mùa sinh sản. Các hậu quả do ô nhiễm nước cũng sẽ tác động xấu đến đời sống của động thực vật tại đây. Cùng với những lí lẽ sắc sảo, Olya đưa ra những tài liệu cụ thể về khu châu thổ Danube. Thuyết phục hơn nữa cô nhấn mạnh rằng, bằng việc xây dựng kênh đào, chính phủ Ukraine sẽ vi phaạm10 công ước quốc tế mà họ đã gia nhập và hậu quả của việc vi phạm là điều chính phủ cần cân nhắc.
                Phiên toà diễn ra trong suốt một buổi sáng thu hút sự chú ý của đa số người dân Ukraine và những người quan tâm đến môi trường trên thế giới. Khi thẩm phán tuyên bố việc xây dựng kênh đào xuyên qua châu thổ sông Danube là hành động thiếu tôn trọng các luật môi trường và có thể đe doạ đến đa dạng sinh học ở châu thổ này, hàng triệu người đã gọi tên Olya với niềm tự hào và vui sướng. Những nỗ lực của cô đã chứng minh rằng một người cũng có thể tạo ra sự thay đổi, rằng quyền của một nhóm công dân hay một công dân cũng đều phải đuợc tôn trọng và bảo vệ.
                Olya công nhận rằng chiến thắng ở toà án của cô là một chiến thắng đáng để ăn mừng, bởi ít nhất nó cũng khiến cho dự án xây dựng kênh đào phải tạm dừng. Chính quyền của tổng thống mới Viktor Yushchenko vẫn theo đuổi việc thực hiện dự án, nhưng Olya tin tưởng rằng, họ sẽ sáng suốt hơn trước khi quyết định bất cứ việc gì liên quan đến khu bảo tồn sinh thái của châu thổ sông Danube. Về phần mình, cô vẫn tiếp tục nỗ lực đấu tranh bảo vệ di sản thiên nhiên này. Cô nói: “Là một luật sư bảo vệ môi trường vì lợi ích chung của người dân, mục đích của tôi là dùng luật pháp để bảo vệ thiên nhiên cho thế hệ hôm nay và cho các thế hệ mai sau.
                Hai mươi sáu tuổi, Olya Melen vinh dự được nhận giải thưởng Goldman, một giải thưởng quốc tế dành cho những người có đóng góp nổi bật trong công tác bảo vệ môi trường.

                Mory Sanberg
                Sinh năm: 1980

                THIÊN THẦN TRÊN ĐƯỜNG PHỐ CHICAGO

                Đã mấy năm nay cứ vào các buổi tối, căn bếp nhà cô bé Mory Sanberg lại nhộn nhịp hơn hẳn các thời điểm khác trong ngày. Mory bận không ngơi tay với công việc chuẩn bị những túi đồ ăn. Cô chia những chiếc bánh sandwich, những trái cây, những miếng khoai tây chiên, những chiếc bánh quy thành những khẩu phần ăn đều nhau và bỏ từng suất ăn vào những chiếc túi nhỏ. Nhìn cô làm việc đầy hứng khởi và vui vẻ người lạ có thể sẽ nghĩ rằng cô sắp đem những túi đồ ăn ấy giao cho một căng tin nào đó và có lẽ công việc ấy mang lại cho cô một khoản lợi nhuận như mong muốn.
                Sự thực không phải như vậy. Mory chuẩn bị những túi đồ ăn đó cho những người vô gia cư, cho những trẻ em lang thang trên đường phố Chicago và công việc đó thuần tuý là một việc làm từ thiện. Mory bắt đầu làm công việc đó khi cô mười bốn tuổi. Vốn là một cô bé giàu lòng thương người, Mory luôn mong ước giúp đỡ người khác thật nhiều nhưng cô không biết một mình cô có thể làm được những việc gì. Năm mười bốn tuổi được bố mẹ khuyên khích cô liên hệ với những tổ chức từ thiện ở Chicago và cuối cùng cô cũng gặp được người của tổ chức Night Ministry, một tổ chức nhân đạo quan tâm đến ước muốn của cô. Họ gợi ý cô giúp đỡ những người vô gia cư trong thành phố.
                Giúp bằng cách nào? Mory suy nghĩ và cô quyết định sẽ thực hiện một dự án cung cấp đồ ăn miễn phí cho những người ban đêm lang thang trên đường phố Chicago. Khi cô đưa ra ý kiến này, bố mẹ, bạn bè và những người của tổ chức Night Ministry đều nhiệt tình ủng hộ. Thế là Mory biến căn bếp và sân sau nhà cô thành một xưởng làm bánh và đóng gói đồ ăn đêm. Ngay trong mùa hè đó với sự giúp đỡ của bố mẹ và những người bạn thân, mỗi tuần cô chuẩn bị được hàng trăm túi đồ ăn. Các túi đồ ăn đó được chuyển tới các đường phố và được phát cho bất cứ ai đang đói, cho dù người đó là người da đen, hay người da trắng, người thất nghiệp hay người đi làm đêm, người trốn nhà đi lang thang hay người bị lạc đường. Số lượng túi đồ ăn mỗi lần Mory phát đi lại tăng hơn những lần trước đó. Trong bốn kì nghỉ hè, Mory đã phát được tổng cộng 4500 túi đồ ăn. Thật khó diễn tả được nỗi xúc động thể hiện qua nét mặt, qua những lời cảm ơn, qua những đôi bàn tay run run của những người thiếu may mắn khi họ nhận được những túi đồ ăn của Mory và các bạn cô. Chúng tôi chia sẻ với các bạn, hãy ăn để sống, để phấn đấu cho ngày mai tốt đẹp hơn hôm nay, đó là thông điệp mà những túi đồ ăn và nụ cười cởi mở của Mory chuyển tới mọi người.
                Thấy được ý nghĩa của việc Mory làm, rất nhiều bạn học sinh ở Chicago đã chung tay góp sức với cô. Trong khi vẫn duy trì các buổi phát đồ ăn miễn phí, Mory và các bạn của cô bắt đầu triển khai chương trình phát quà cho những trẻ em thiếu may mắn vào các ngày lễ. Trong năm 1998, năm đầu tiên của dự án cô đặt ra mục tiêu chuẩn bị 150 túi quà Giáng sinh trị giá 1500 đô la. Đến năm 2001 quĩ dành cho dự án này của Mory đã tăng lên gấp mười lần, cho phép cô phát hơn 500 gói quà tới các em nhỏ. Cứ trước mỗi dịp Giáng sinh, cô và các bạn của cô vừa thu thập đồ chơi, sách vở, kẹo bánh, vừa phân loại và gói quà, vừa đi vận động sự giúp đỡ của mọi người, vừa tổ chức đi phát quà. Với Mory, đêm Giáng sinh được đi phát quà khắp Chicago là đêm Giáng sinh tuyệt vời nhất trên đời.
                Trong hồi kí của mình một nhà văn đã từng là một trẻ em lang thang viết: “Đêm đã khuya. Đường phố lạnh ngăn ngắt. Tôi nhìn lên những ô cửa sổ nơi phát ra ánh đèn ấm cúng. Sau những ô cửa ấy những người có gia đình đang sống trong niềm hạnh phúc mà họ có thể không ý thức được.. Riêng tôi, tôi chỉ mong có được một mẩu bánh mì để tôi có thể sống đến ngày hôm sau. Một mẩu bánh đối với tôi lúc ấy chính là niềm hạnh phúc. Ai cho tôi mẩu bánh ấy người đó hẳn là một thiên thần”.
                Mory Sanberg chính là thiên thần của những người vô gia cư đêm đêm lang thang trên đường phố Chicago.
                #23
                  Thanh Vân 05.12.2009 15:40:51 (permalink)
                  Annalena Tonelli (1943-2003)
                  “TÔI CHẲNG LÀ AI CẢ”

                  Annalena Tonelli là một luật sư người Italia. Bà cũng được cấp bằng y khoa sau các khoá đào tạo chuyên viên y tế cộng đồng. Không ở lại Italia, Annalena tình nguyện đến châu Phi. Đầu tiên bà làm việc tại Kenya sau đó sang Somalia.
                  Suốt 30 năm bà cùng người dân Somali đấu tranh với các vấn đề của họ. Bà tuyên truyền phòng chống lao, quyên góp tiền mở các phòng khám rồi thành lập một bệnh viện lao với 250 giường bệnh ở Borama, thuộc tây bắc Somalia. Bà tiếp nhận bất cứ bệnh nhân nào, từ những bệnh nhân sơ nhiễm đến những bệnh nhân bị lao đã chuyển sang ung thư. Để có 20000 đô la mỗi tháng trang trải cho các hoạt động khám chữa bệnh và nuôi bệnh nhân, bà phải huy động sự ủng hộ của cả những người thân và bạn bè của bà ở Italia. Bà cũng đứng ra thành lập một trường giáo dục trẻ em khiếm thính ở Borama bù đắp cho các em những thiệt thòi mà nhiều người Somali không quan tâm tới. Bà tổ chức các đoàn bác sĩ nhãn khoa tình nguyện tiến hành các cuộc phẫu thuật miễn phí đem lại ánh sáng cho 3700 người Somalia. Bà nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh HIV/AIDS, cung cấp dịch vụ tư vấn và chăm sóc cho những bệnh nhân AIDS. Bà vận động những tộc trưởng, những bà đỡ từ bỏ việc cắt bộ phận sinh dục của phụ nữ, một hủ tục đã tồn tại ở Somalia từ thế hệ này qua thế hệ khác.
                  Annalena dành tất cả những gì bà có cho người Somalia mà không đòi hỏi ai trả công hay đền đáp lại bà. Bà bỏ lại phía sau nếp sinh hoạt của một người châu Âu để sống như một người dân nghèo Somalia. Bà ăn thức ăn mà các bệnh nhân của bà ăn, bà trò chuyện với họ bằng ngôn ngữ của họ. Bà không sợ lây bệnh, không phân biệt màu da. Bà làm việc nhiều giờ mỗi ngày, làm việc cả trong những ngày lễ. Sau ba mươi năm lăn lộn ở Somalia mái đầu bà đã bạc trắng. Báo chí quốc tế gọi bà là người tiên phong trong các cuộc chiến chống lại căn bệnh lây ở Somalia, tôn vinh bà là người anh hùng, đề cử bà cho những giải thưởng danh giá và bà luôn từ chối những cơ hội đó. Thế nhưng bà đồng ý nhận giải thưởng Nansen Refugee Award của Cao uỷ Liên hợp quốc về người tị nạn. Bà nói: “Tôi nhận giải thưởng này để thế giới quan tâm đến cuộc khủng khoảng đã bị lãng quên ở Somalia”.
                  Chính phủ Somalia đánh giá cao sự hi sinh của Annalena cho người dân của họ, nhưng không phải người Somalia nào cũng hiểu công việc và tấm lòng của bà. Có những người dân ở Borama muốn bà đóng cửa bệnh viện. Có những người đe doạ bà, đuổi bà về nước. Một lần bà bị ném đá vì tiếp nhận một phụ nữ bị nhiễm HIV từ một quận khác vào bệnh viện của bà. Người ta không ủng hộ bà vì cho rằng bà tiếp nhận đủ loại bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm vào bệnh viện sẽ khiến địa bàn của họ không được an toàn và họ có thể sẽ bị lây bệnh.
                  Vào ngày 5 tháng Mười, Annalena đang ở trong sân của bệnh viện thì một người đàn ông đột nhiên chĩa súng vào bà. Bà bị bắn nhiều phát đạn vào đầu và trút hơi thở cuối cùng trên đất Somalia. Cái chết của bà xảy ra chỉ bốn tháng sau ngày bà nhận giải thưởng Nansen.
                  “Tôi chẳng là ai cả”. Bà để lại câu nói giản dị đó cho mỗi người trong chúng ta suy ngẫm.


                  Hope Bevilhymer Sinh năm 1978

                  CÔ GÁI MANG TÊN HI VỌNG

                  Hope Bevilhymer sinh ra ở bang Utah, nước Mĩ. Cô bị dị tật bẩm sinh ở chân phải. Dị tật này đã khiến cô rất đau đớn, khổ sở. Trong 25 năm đầu đời cô đã phải vào viện không biết bao nhiêu lần, phải thường xuyên dùng thuốc giảm đau và đã phải trải qua 29 cuộc phẫu thuật. Điều đáng buồn là không một cuộc phẫu thuật nào thành công. Không muốn phải chịu thêm nhiều phiền phức và đau đớn từ bên chân dị tật, Hope quyết định cho cắt bỏ nó đi. Tháng Sáu năm 2002, cuộc phẫu thuật cắt bỏ chân cho Hope được tiến hành. Từ đó cô sống với một chân lành lặn và một chân bị cụt đến đầu gối. Biết được hoàn cảnh của Hope, rất nhiều bạn bè và cả những người cô không quen đã gửi sự động viên giúp đỡ tới cô. Hope vô cùng cảm động khi có một số người mang đến tặng cô những chiếc chân giả. Nhờ được lắp chân giả mà Hope không những có thể đi lại thuận lợi mà còn có thể chơi thể thao. Cô muốn làm điều gì đó để đáp lại sự quan tâm mà cuộc đời dành cho cô.
                  Qua truyền hình, Hope nhận thấy trên thế giới có rất nhiều người đồng cảnh với cô. Bệnh tật, chiến tranh, tai nạn giao thông cướp đi của họ một phần chân hoặc tay khiến họ trở thành những người khuyết tật. Thương tâm hơn, nhiều người trong số họ sống trong những trại tị nạn, ở những vùng đất nghèo nàn lạc hậu nên không dám mơ tới một cánh tay giả, một chiếc chân giả để giảm thiểu những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Hope quyết định giúp những con người đó. Cô thành lập hội giúp đỡ những người cần chân hoặc tay giả mang tên Limbs of Hope. Cô vận động những người dân ở bang Utah tặng những chân và tay giả mà họ không còn dùng tới. Sự hưởng ứng của mọi người vượt trên cả mong đợi của cô.
                  Hope chọn Campuchia là điểm đến đầu tiên cho các món quà nhân đạo của cô. Đó không phải là một sự lựa chọn ngẫu nhiên. Campuchia là một đất nước phải chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. Rất nhiều vùng đất ở Campuchia vẫn còn mìn sát thương, thậm chí có những vùng cứ 3 người lại có một người bị mất chân hoặc tay do các vụ nổ mìn. Ngày 26 tháng Chín năm 2004, Hope cùng hai thành viên khác của Limbs of Hope lên máy bay sang Campuchia thực hiện chuyến phát chân tay giả miễn phí cho những nạn nhân của các vụ nổ mìn. Phối hợp với các chuyên gia y tế ở Campuchia, họ đã tiến hành lắp chân tay giả cho nhóm người khuyết tật đầu tiên cũng là nhóm người đang có nhu cầu nhất. Chuyến đi chỉ kéo dài vài tuần nhưng để thực hiện nó Hope đã phải chuẩn bị cả năm trời. Tháng Mười năm 2005, Hope thực hiện chuyến đi thứ hai đến Campuchia. Trong chuyến đi này ngoài chân tay giả cô còn mang theo những chiếc lốp xe đẩy, những chiếc bơm hơi để tặng cho những người phải sử dụng xe đẩy. Sau Campuchia, Hope đến với những người khuyết tật ở Rumani và Mexico. Với ba chuyến đi này cô đã giúp 55 người lắp được chân tay giả hay nói theo cách khác cô đã tạo ra sự thay đổi cho 55 cuộc đời. Sự hiện diện của Hope ở những nơi có những người khuyết tật cũng là một sự động viên quý giá. Với một bên chân giả cô vẫn rất nhanh nhẹn và năng động. Nhìn cô dạy các trẻ em chơi bóng rổ, mọi người có thể thấy dù mất một bên chân, hay một cánh tay, người ta vẫn có thể giúp ích cho đời và tận hưởng cuộc sống như những người bình thường.
                  Hope không muốn như ông già Noel mỗi năm chỉ mang niềm vui đến một lần duy nhất. Hope muốn quay trở lại Campuchia, Rumani, Mexico nhiều lần. Ngoài việc giúp cho những người khuyết tật được lắp chân hoặc tay giả, Hope còn muốn quyên góp kinh phí để xây dựng những trung tâm chăm sóc sức khoẻ cho người khuyết tật. Đặc biệt, cô đã lập dự án mang tên H.O.P.E, nhằm giúp những người khuyết tật tự tin hơn vào bản thân mình thông qua các hoạt động thể thao. Cô mong muốn được góp phần xây dựng các khu thể thao dành cho người khuyết tật, mong muốn được mang tới cho người khuyết tật những món quà nhỏ bé như những trái bóng, những chiếc yên ngựa, những chiếc áo thi đấu v.v… Hope cũng dự định mở một trại sinh hoạt định kì dành cho những người khuyết tật.
                  Đánh giá cao nỗ lực và tấm lòng vì người khác của Hope, năm 2005 hãng xe hơi Volvo trao giải thưởng Volvo for life award cho cô. Với giải thưởng này, Hope nhận được khoản tài trợ trị giá 50 nghìn đô la dành cho các hoạt động nhân đạo của cô. Riêng cá nhân Hope, cứ ba năm lại được tặng một chiếc xe hơi mới của hãng. Khi trao giải thưởng này, Anne Belec, đại diện cho hãng Volvo ở khu vực Bắc Mĩ đã nói: “Nỗ lực biến kinh nghiệm của mình thành cơ hội cho người khác của Hope thật phi thường”. Còn Hope thì nói: “Nhờ giải thưởng Volvo, giờ đây Limbs of Hope giảm bớt nỗi lo về kinh phí mua chân, tay giả cũng như kinh phí vận chuyển chân tay, giả đến các nước đang phát triển. Giờ đây chúng tôi có thể giúp nhiều người khuyết tật không có tiền để lắp chân tay giả, góp phần thay đổi cuộc sống của họ”.

                  HẾT

                  Đã mang vào thư viện

                  Cảm on Thanh Vân nhiều, đã góp sức cho thư viện

                  Thân thương

                  <bài viết được chỉnh sửa lúc 10.12.2009 17:35:03 bởi Ct.Ly >
                  #24
                    Thay đổi trang: < 12 | Trang 2 của 2 trang, bài viết từ 16 đến 24 trên tổng số 24 bài trong đề mục
                    Chuyển nhanh đến:

                    Thống kê hiện tại

                    Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
                    Kiểu:
                    2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9