Chùa cổ vùi trong cỏ
lyenson 10.07.2009 21:40:48 (permalink)
Chùa Dạm tọa ở núi Tự, xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, Bắc Ninh là một công trình kiến trúc Phật giáo tiêu biểu thời Lý ở mảnh đất Kinh Bắc. Trải qua hơn 9 thế kỷ, do sự tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh, lại không được tu bổ nên giờ đây ngôi chùa đã bị hoang phế vùi trong cỏ dại.
 
Hoành tráng dấu tích xưa
 
Căn cứ vào những thư tịch cổ ghi lại: “chùa Dạm được vua Lý Nhân Tông (1072-1127) cho xây dựng vào năm Quảng Hựu thứ 2 (tức năm Kỷ Tị 1086). Chùa xây trong 9 năm, đến năm 1095 mới xong. Năm 1105, vua Lý Nhân Tông lại tiếp tục cho xây thêm ba tòa tháp bằng đá nữa ở chùa”. Trải qua hơn 9 thế kỷ, chùa được gọi với nhiều tên khác nhau như: chùa Đại Lãm, chùa Tấm Cám (vì ở đây có giếng Tấm Cám)... Tuy nhiên, tên chùa Dạm vẫn là cách gọi phổ thông nhất.
 
Theo sử sách ghi lại, chùa Dạm xưa có 99 gian vô cùng nguy nga, bề thế được xây tứ cấp dựa hẳn vào sườn núi. Chiều dài  nền chùa là 120m, rộng 70m (hơn hẳn chùa Phật Tích dài 100 và rộng 60m).Tổng cộng diện tích ngôi chùa lên đến 8.400m2. Bốn lớp nền (tứ cấp) được bó ghép bằng đá tảng (mỗi viên có kích thước 50x60cm), được đặt choãi chân, chếch khoảng 70 độ và cao 5-6m. Đường xuống mỗi nền cấp của chùa là 25 bậc đá.
 
Chính sự bề thế của hình hài ngôi chùa lúc ban đầu mà dân gian lưu truyền một câu ca: Mười năm trăng náu, mười sáu trăng treo, mười bảy phẩy giường chiếu, mười tám đóng cửa chùa Dạm. Có nghĩa cứ sau ngày rằm người ta đóng cửa chùa, bắt đầu từ xẩm tối đến lúc trăng lên cao mới đóng hết tất cả các cửa.
 
Chùa được đặt ở một vị trí có sự hội tụ đầy đủ huyết mạch linh khí theo thuyết phong - thủy của phương Đông. Chùa Dạm cũng là nơi bắt nguồn của truyền thuyết Tấm Cám, và cuối đời Nguyên Phi Ỷ Lan đã về ở ẩn tu hành tại đây.
 
Hoang tàn trong cỏ ngày nay
 
Chùa Dạm ngày nay đang phải chịu cảnh hoang tàn, đổ nát. Những bức tường đá, bậc đá cổ kính, nguy nga xưa đã bị vùi trong đám cỏ dại xanh tốt. Theo chúng tôi được biết, vào những năm 1946-1947 thực dân Pháp đã hành quân về đây và đóng bốt trên ngọn núi này. Nhằm làm giặc Pháp không đạt được ý đồ, chính nhân dân địa phương đã trực tiếp đốt phá chùa.
 
Đất nước hòa bình bao năm qua, vậy mà chùa Dạm chưa một lần được tu bổ, sửa sang. Điều xót xa nhất ở ngôi chùa Dạm hôm nay là hình ảnh một chiếc cột biểu bằng đá nhám cao 5m không kể phần ngọn đã bị gãy nát.
Cột biểu gồm hai phần, khối hộp vuông ở dưới gắn với lớp đá mạ và khối trụ tròn ở trên có đường kính 1,5m. Tròn và vuông là biểu trưng cho trời và đất theo quan niệm xưa. Còn xét tổng thể, cột đá này là biểu tượng của Linga (sinh thực khí)... Đó được xem là công trình kiến trúc-điều khắc kỳ vĩ với nghệ thuật chạm khắc đôi rồng đuôi giao nhau, thân uốn lượn mềm mại quanh cột, đầu rồng nghểnh cao chầu vào viên ngọc tỏa sáng đạt đến mức độ tinh xảo...
 
Nhưng nay cột biển đá đã bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm, rêu xanh bám quanh cột. Trẻ con địa phương chăn dắt trâu, bò thường lên nghịch ngợm, đập phá... Căn nhà để người dân chỉnh trang lại quần áo trước khi vào điện lễ bái Phật thì trông như một cái lán dựng tạm. Giếng Tấm Cám như một cái ao nhỏ để trẻ con đùa nghịch, tắm rửa.
 
Nhiều người cho biết dưới lòng đất chùa Dạm có rất nhiều báu vật quý như: bia, tượng cổ… nhưng hiện vẫn chưa có một công trình khảo cổ nào được tiến hành để tìm lại dấu tích xưa của ngôi chùa. Chùa Dạm đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử-văn hóa từ ngày 13-1-1964, và đến tận 25-4-1994 mới được nhận bằng di tích nhưng hiện mọi người cũng không biết đến bao giờ ngôi chùa mới được trùng tu, tôn tạo lại để lấy lại dù chỉ là một phần hình hài xưa.
 
Dù chùa hôm nay bị vùi trong màu xanh của cỏ cây, nhưng vẫn toát ra vẻ đẹp trầm mặc, cổ kính, làm xót xa thêm cho những ai đã trót một lần đến tham quan, vãn cảnh nơi này.
 

Bức tường đá cổ của chùa còn sót lại giờ cũng vùi trong cỏ cây
 

Những bậc đá lên chùa chìm trong cỏ dại
 

Cột biểu đá tượng trưng cho trời đất, sinh thực khí bị xuống cấp nặng
 

Những chi tiết chạm khắc trên cột đã bị hoen ố, rêu phong làm biến dạng
 

Cột chùa xưa được làm bằng đá giờ chỉ còn là vậy
 

Giếng Tấm Cám cổ giờ thành cái ao nhỏ cho trẻ con tắm
 

Nhà thay đồ, sửa lễ như một cái lán tạm
 

Tấm bia cổ còn sót lại thành nơi cho trẻ ngồi chơi, nghịch ngợm
 
Bài, ảnh: HẢI DƯƠNG
Nguồn
#1
    Minh Xuân 10.07.2009 22:12:54 (permalink)
    Minh Xuân từng đến chùa Dạm vài lần khi còn nhỏ. Cảnh tuy hoang tàn nhưng đây là một công trình đáng ngạc nhiên vì nhiều lý do:
    - Khó mà tưởng tượng được là thời Lý có ngôi chùa to như vậy. Chùa xây trên một quả đồi, có 3 cấp nền khá cao. Xem về nền chùa có thể thấy qui mô chùa này không kém gì chùa Bái Đính hiện đang xây ở Ninh Bình. Sự hoành tráng của ngôi chùa cho thấy đạo Phật thời Lý rất thịnh và quy mô nhà Lý không phải nhỏ. Khó mà tin là một nhà nước vừa dành được độc lập và chuyển từ vùng núi non Hoa Lư ra Thăng Long lại xây một đại tự như vậy.
    - Cùng với pho tượng A Di Đà ở chùa Phật Tich, chùa Dạm là một trong số ít chùa còn sót lại gốc đời Lý. Phải nói là các công trình điêu khắc cổ hiện nay phổ biến là đời Lê, Nguyễn. Các công trình thời Trần cũng còn nhưng rất ít. Vì thế chùa thời Lý càng ít và hãn hữu hơn. Minh Xuân từng nhặt mấy viên gạch Lý với nét rồng mềm mại ở chùa này về chơi. Chắc chắn nền chùa Dạm còn nhiều thứ nữa nhưng chưa được khai quật.
    - Về cây cột đá chùa Dạm có nhiều tranh cãi. Chưa chắc là cột bị gãy mà nguyên thủy cột đã như vậy. Cây cột chùa Dạm có phải biểu tượng phồn thực hay không cũng không thống nhất. Có người nói đó là một phần của một kiến trúc nào đó cũ (kiểu cột đình). Có người cho là biểu tượng cầu khấn mùa màng.
    - Hình rồng trên cột ẩn hiện rất sinh động. Từ đường vào đã nhìn thấy hình cây cột này nổi lên trên nền đồi. Nghệ thuật điêu khắc và xử lý hình khối trong môi trường ở đây đạt trình độ cao. Cây cột nhìn từ phía nào cũng đẹp hài hòa, ánh sáng tối hợp lý. Cây cột chùa Dạm này đã được làm lại và đặt ở sân bảo tàng Mỹ thuật ở Hà Nội như một mẫu vật về nghệ thuật điêu khắc môi trường điển hình của Việt Nam. Nếu so với các tượng đài mới làm ngày nay thì nghệ thuật điêu khắc môi trường của cột đá này còn hơn rất nhiều.
    Không biết lần này kỷ niệm 1000 Thăng Long, chùa Dạm liệu có được tu bổ, phục hồi gì không. Câu chuyện nguồn gốc nhà Lý (và ngay cả Nguyên Phi Ỷ Lan là ai) cũng còn nhiều dấu hỏi. Một di tích như chùa Dạm cần được giữ gìn.
    #2
      ngày mai 13.07.2009 09:28:18 (permalink)
       



      trích Lý Yên Sơn

      Cột biểu gồm hai phần, khối hộp vuông ở dưới gắn với lớp đá mạ và khối trụ tròn ở trên có đường kính 1,5m. Tròn và vuông là biểu trưng cho trời và đất theo quan niệm xưa. Còn xét tổng thể, cột đá này là biểu tượng của Linga (sinh thực khí)... Đó được xem là công trình kiến trúc-điều khắc kỳ vĩ với nghệ thuật chạm khắc đôi rồng đuôi giao nhau, thân uốn lượn mềm mại quanh cột, đầu rồng nghểnh cao chầu vào viên ngọc tỏa sáng đạt đến mức độ tinh xảo...



       
       
       
       
       

       Trích Minh Xuân

      Hình rồng trên cột ẩn hiện rất sinh động. Từ đường vào đã nhìn thấy hình cây cột này nổi lên trên nền đồi. Nghệ thuật điêu khắc và xử lý hình khối trong môi trường ở đây đạt trình độ cao. Cây cột nhìn từ phía nào cũng đẹp hài hòa, ánh sáng tối hợp lý. Cây cột chùa Dạm này đã được làm lại và đặt ở sân bảo tàng Mỹ thuật ở Hà Nội như một mẫu vật về nghệ thuật điêu khắc môi trường điển hình của Việt Nam. Nếu so với các tượng đài mới làm ngày nay thì nghệ thuật điêu khắc môi trường của cột đá này còn hơn rất nhiều.

       
      Kính mời quý bạn đọc thêm về tính "phôn thực" trong văn hóa Việt, ảnh hường từ Ấn Độ, văn hóa Hòa Bình, văn minh Lúa Nước, qua bài tham luận về Lão Tử của học giả Hoàng Văn Chí, và tác phẩm Trong Cõi của Giáo Sư Trần Quốc Vượng theo links dưới đây:
       
       
       
       
       
       
      Văn hóa Việt dưới thời Lý với Tam Giáo đồng nguyên, phát triển huy hoàng và rực rỡ hơn văn hóa Trung Hoa cùng giai đoạn (đời Tống). Đó là vì Lý chủ trương hòa đồng, đa nguyên, trong khi Tống Nho theo quan niệm giáo điều cứng nhắc, bắt mọi tư tưởng phải nhất nhất "quy về một mối" và thần phục triều đình Trung Hoa mà thôi. Văn hóa Trung Hoa từ đời Tống với Tống Nho giáo điều, một chiều, đã không ngừng xuống dốc cho đến tận ngày hôm nay, vẫn chưa đuổi theo kịp sự tiến bộ của thế giới .
       
      Chùa Dam và văn hóa đời Lý cần được bảo tồn, phát huy, như nét văn hóa truyền thống đặc sắc của Việt Nam .  Quan niệm "đa nguyên" theo "tam giáo đồng nguyên" và "trọng sự sống" của văn hóa Hòa Bình, văn minh Lúa Nước, cần đưọc khôi phục lại để phục hồi tinh khí, phát triển tinh hoa dân tộc, hầu mang đất nước thoát khỏi vũng lầy hiện tại vì cắm đầu theo bài bản giáo điều của Trung Cộng .
       
      Người Việt hãnh diện với bài tuyên cáo sau đây của danh tướng Lý Thường Kiệt, hai lần phạt Tống rất hiển hách:

      Nam quốc sơn hà
      Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
      Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
      Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
      Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. 
       
       Sông núi nước Nam 
       Sông núi nước Nam vua Nam ở, 
       Rành rành định phận tại sách trời. 
       Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm, 
       Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời. 
               Lý Thường Kiệt
               Danh tướng đời Lý,
               hai lần đánh bại quân xâm lăng nhà Tống của Trung Quốc .
       
      .
      <bài viết được chỉnh sửa lúc 13.07.2009 09:59:20 bởi ngày mai >
      #3
        Minh Xuân 13.07.2009 22:54:40 (permalink)
        Bạn ngày mai thân mến,
        Minh Xuân hiểu tinh thần dân tộc của bạn nhưng những trích dẫn của bạn có nhiều vấn đề phải bàn.
        Lão Tử mà là người Ấn Độ thì Tam giáo của nhà Lý còn nghĩa gì nữa? Phật giáo và Lão giáo thì của Ấn, Nho giáo thì của Tàu. Vậy đâu là văn minh Việt mấy ngàn năm?
        Có nhiều tài liệu cho rằng Lão tử chính là chuyện Chử Đồng Tử thành tiên của Việt. Đạo giáo là tín ngưỡng duy nhất của phương Đông (Hoa - Việt) vào thời kỳ xưa. Nền văn minh cổ đại phương Đông rất sớm này không thể chưa có tôn giáo. Lão Tử họ Lý, người nước Sở cho thấy chính là người Việt (Sở là một nước thuộc Bách Việt). Họ Lý nghĩa là Lửa, chỉ rõ người gốc phương nóng. Lão Tử đi về phía Tây chứ không phải từ phía Tây đến. Tức là Đạo giáo truyền từ Việt sang Ấn, chứ không phải ngược lại.
        Còn sách của GS Trần Quốc Vượng đọc qua thì có vẻ như tôn vinh văn hóa Việt nhưng suy nghĩ kỹ thì quan điểm của GS Trần Quốc Vượng bị hạn hẹp rất nhiều và đánh giá thấp văn minh Việt. Mặc dù GS phân tích khá tỷ mỷ và không phải không có lý nhưng kết luận thì hoàn toàn sai lầm.
        Ví dụ, GS viết "Trống đồng không phải của riêng của người Việt Nam", ý muốn bác bỏ văn hóa trống đồng ở Hoa Nam. Điều này sai vì khảo cổ cho thấy Bắc Việt, Quảng Tây và Vân Nam là trung tâm trống đồng, cho thấy một không gian văn hóa và chủ thể chung ở vùng này.
        Hoặc một quan niệm khác: "Giả thuyết về bộ (hay bộ lạc) Văn Lang, Gia Ninh hay Mê Linh của vua Hùng và Hai Bà Trưng là bộ CHIM, bộ Long Biên là bộ Rồng, bộ Luy Lâu là bộ DÂU, bộ Câu Lậu là bộ TRÂU, bộ Tây Vu là bộ RÙA v.v... đó là các vùng địa phương về sau tập hợp thành nước Văn Lang, nước Âu Lạc." Tức là quan niệm đời Hùng vương gồm các bộ lạc nhỏ còn "cởi trần, đóng khố", đang chăn trâu, chăn bò, tụ tập lại mà thành. "Bộ" ở đây không phải "bộ lạc" như GS diễn giải. Phải hiểu ví dụ bộ Long Biên là vùng đất quanh vịnh Bắc Bộ bây giờ, kể cả Quảng Đông. Bộ Trâu có thể là toàn bộ Quảng Tây,...
        Việc sử dụng sử liệu để thuyết phục là lịch sử Việt chỉ hạn chế ở nước Việt như ngày nay rõ ràng là phi khoa học. Phải nói tộc Việt đã làm chủ vùng Hoa Nam (không gian trống đồng như trên), với một nhà nước phân quyền cao có các nước chư hầu lân cận mới đúng.
        Lúc nào có thời gian Minh Xuân sẽ cung cấp thêm tư liệu để các bạn tham khảo về cổ sử Việt và khởi nguồn nhà Lý ở bên phòng Bình luận văn học.
        #4
          ngày mai 14.07.2009 13:56:19 (permalink)
          Chào Minh Xuân,

          Tôi đã quyết định không tham luận nhiều, nhưng vì bạn nêu vấn đề nên muốn làm rõ vài điểm:


          Minh Xuân hiểu tinh thần dân tộc của bạn nhưng những trích dẫn của bạn có nhiều vấn đề phải bàn.

          Lão Tử mà là người Ấn Độ thì Tam giáo của nhà Lý còn nghĩa gì nữa? Phật giáo và Lão giáo thì của Ấn, Nho giáo thì của Tàu. Vậy đâu là văn minh Việt mấy ngàn năm?


          1/ Giả thuyết "Lão Tử gốc Ấn" do Cố Học Giả Hòang Văn Chí đưa ra, sau khi đã sang thăm và sống tại Ấn một thời gian khá dài, với một số điều mắt thấy tai nghe, theo như những điều Cụ viết lại trong tập Duy Văn Sử Quan.  Tôi không dám nhận là tác giả của ý tửong này.

          2/ Văn hóa là điều hay đẹp đựoc truyền bá cho mọi sắc dân, không nhất thiết phải là của riêng dân tộc nào. Quan niệm "dân tộc tự tôn", cho rằng chỉ có dân tộc của mình mới văn minh nhất, các tư tửong lớn đều là của dân tộc mình, là quan niệm của hai thế kỷ trước, khi không gian còn xa xôi, nhiều biên giới, và các giống người khác nhau mới bắt đầu thực sự đụng chạm với nhiều nghi kỵ, tranh chấp theo luật sinh tồn. Quan niệm tự tôn quá khích và cứng nhắc này đưa đến cái họa Nazi của Đức Quốc Xã, Thế Chiến và bom nguyên tử súyt tiêu diệt con cháu Thái Dưong Thần Nữ và cả thế giới, Ku Klux Klan tạo nhiều đổ máu đau thưong tại Hoa Kỳ... Ngừoi Trung Hoa với bệnh "đại Hán" đã tự trói tay bịt mắt trong bao lâu nay, tự tiêu diệt cả trăm triệu ngừoi Hoa khác chủ nghỉa dù sống trong cùng một vùng đất.

          Trên thực tế, nền văn minh cao nhất là nền văn minh có khả năng đón nhận mọi khác biệt, tiếp nhận mọi tinh hoa, hòa nhập với cộng đồng thế giới và chia sẻ với tất cả mọi ngừoi, không nhất thiết phải giữ điều gì làm của riêng. Điều này đang đựoc thực tế chứng minh qua cách hòa đồng của "Hiệp Chủng Quốc", mà ngày nay cả thế giới đều thấy rằng là điều phúc lợi trước mắt cho tất cả mọi dân tộc. Ngày nay ai cũng muốn nhập vào cộng đồng thế giới, gia nhập WTO, Liên Hiệp Quốc,.., chứ không ai dám đứng riêng rẽ.

          Việt Nam là giao điểm của nhiều nền văn minh, nhờ vào địa thế của mình. Chúng ta ngày nay có thể tự hào rằng với gốc văn hóa Hòa Bình, văn minh Lúa Nước, địa thế và lịch sử tạo cơ hội cho sự gặp gỡ của nhiều văn minh khác biệt, tuy tạo ra nhiều tranh chấp đau đớn, nhưng Việt đã luôn luôn vựot qua đựoc bằng cách hóa giải và thẩm thấu các văn minh xa lạ đến với chúng ta. Từ căn bản sống còn của địa văn hóa, bản chất Việt là đa nguyên (bọc trăm trứng), đa thần (thần bếp, thần đất, thần sông, thần cây đa, thần cây đề,..., thần làng,..., cha ông chết đi thành hồn thiêng sông núi... ), đạo ông bà tổ tiên,..., chúng ta có rất nhiều nét hay trong văn hóa Việt, không cần phải cố chứng minh Lão Tử là Việt, hay Phật là Việt, hay Chúa là Việt,... những điều này hòan tòan không cần thiết.

          Cho dù Lão Tử có là ngừoi Ấn hay ngừoi Hoa, thì ngừoi Việt vẫn có nền văn hóa và văn minh Việt rất đặc sắc.

          Chính sự mở cửa để tiếp nhận mọi văn hóa trong tinh thần đa nguyên mới đích thực là tinh túy của văn minh đời Lý, là tinh thần đa nguyên từ bản chất của Việt, là sức mạnh tiềm tàng của dân tộc mà chúng ta cần khôi phục lại để phát triển cho theo kịp đà tiến bộ của thế giới.

          Thân mến,

          ngày mai
          <bài viết được chỉnh sửa lúc 05.08.2009 10:19:52 bởi ngày mai >
          #5
            Chuyển nhanh đến:

            Thống kê hiện tại

            Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
            Kiểu:
            2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9