Trung Hoa: Vạn Lý Trường Thành
HongYen 07.05.2005 12:26:08 (permalink)

Nen
...đến Trung Quốc thăm Vạn lí trường thành.
Biết bao giờ nhỉ?


Trung Hoa: Vạn Lý Trường Thành



Thứ ba, 4/1/2005, 16:21 GMT+7

Vạn lý trường thành - 'vô tiền khoáng hậu'

Truyền thuyết về "tường thành dài một vạn dặm" nhiều vô số kể. Người ta cho rằng đây là công trình nhân tạo duy nhất có thể nhìn thấy từ mặt trăng. Công trình này gợi lên ý tưởng về Trung Quốc như một vùng đất huyền bí, rộng bao la và khép kín.

Về quy mô, Vạn lý trường thành không có đối thủ. Trải dài khoảng 2.700 km theo một đường thẳng từ Shanhaiguan ở bờ biển phía Đông thuộc Hồ Bắc đến Jiayuguan thuộc Gansu ở phía Tây, nhưng chiều dài thực sự, kể cả các đoạn thành gấp đôi, gấp ba và thậm chí gấp bốn cùng các đường nhánh ở các đèo và các điểm chiến lược khác ít nhất cũng nhân chiều dài của trường thành lên gấp đôi. Nếu tính cả những đoạn lúc đầu của trường thành, chiều dài tổng cộng gần 10.000 km, lớn hơn chu vi trái đất 20%. Hiện còn khoảng 20.000 tháp canh trên trường thành và 10.000 tháp canh hay truyền tin riêng biệt khác, số gạch đá của trường thành có thể xây dựng mười bức tường dày 1 m, cao 5 m vòng quanh trái đất.

Tuy nhiên, trong thực tế, Vạn lý trường thành là một từ chung để gọi nhiều bức tường dài, xây dựng ở nhiều giai đoạn khác nhau trong lịch sử Trung Quốc. Từ đầu, trường thành không khác gì hơn là một công trình phòng thủ: đánh dấu ranh giới của nền văn minh. Đặc điểm Trung Hoa ở trường thành cũng mang đặc điểm thành phố, trường thành đánh dấu một đơn vị hành chính, tách biệt một nước Trung Hoa nông nghiệp, có tổ chức với tình trạng man rợ, vô tổ chức của các bộ tộc du mục thảo nguyên.


Một góc nhìn về Vạn lý trường thành.


Khi vị Hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa năm 221 TCN, ông ra lệnh cho viên tướng Meng jian phải nối liền và mở rộng một loạt các đoạn thành trước kia, do các nhà nước mà ông xâm chiếm xây dựng để lập thành một tường chắn liên tục chống lại các bộ tộc cướp phá ở vùng biên giới phía Bắc và Tây Bắc. Sự gian khổ và hy sinh trong việc xây dựng Vạn lý trường thành đầu tiên này được đề cập đến rất nhiều trong thơ ca và truyền thuyết. Hơn 300.000 người bị bắt lính kể cả binh lính, nông dân, quan chức bị thất sủng, tù binh và học giả bất tuân mệnh lệnh “phần thư khanh nho” (đốt sách giết kẻ sĩ). Làm việc ở những vùng núi non hay sa mạc, trong cái nóng và lạnh cực độ, không đủ lương thực hay chỗ ở, người ta nói cứ xây dựng mỗi mét thành là có một người phải bỏ mạng. Từ lâu, trường thành phản ánh sức mạnh của Trung Hoa và thái độ của nước này đối với các bộ tộc du mục láng giềng. Trong thời điểm cùng tồn tại hoà bình, người ta xao lãng và để cho trường thành hư nát, lúc ấy các láng giềng của Trung Hoa hùng mạnh và thù địch, nên mới xây dựng lại trường thành như một công trình phòng thủ đối phó với các dân tộc có tài cưỡi ngựa điêu luyện ở vùng thảo nguyên. Nhà Hán (221 TCN), mở rộng trường thành đến mức dài nhất xưa nay, xây dựng một thành vòng về phía Tây để bảo vệ hành lang Hexi ở Gasnu, lối vào Con đường tơ lụa băng qua Trung Á. Nhiều tường thành sau này do các dân tộc không phải Trung Hoa xây dựng, những người đã chiếm đóng miền Bắc Trung Hoa, muốn tự bảo vệ mình trước các đợt xâm lược mới của kẻ xâm lăng.

Hầu hết trường thành còn đến ngày nay đều được xây dựng từ thời nhà Minh (1368-1644). Uốn lượn dọc theo đỉnh núi, chiều rộng chân thành 6 m, cao khoảng 6 đến 8,7 m. Đường đi dọc theo các thành luỹ, lót bằng bốn lớp gạch, tường có lỗ châu mai xây cao để chống sườn ở cạnh ngoài, trong khi bờ công sự xây ở cạnh trong, chiều rộng đủ cho năm ngựa chạy song song.Ở các đèo và trong thung lũng, xây thêm tường thành phụ để làm công trình phòng thủ bổ sung. Tháp canh, đặt cách khoảng 70 m, được xây bậc thang bằng đá đi lên, có nhiều đường dốc đều đặn dẫn lên tường thành dùng cho ngựa.

(Theo 70 kỳ quan thế giới cổ đại)


http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/Nhin-ra-The-gioi/2005/01/3B9DA39D/
#1
    HongYen 07.05.2005 12:37:14 (permalink)
    Thứ Năm, 10/02/2005, 21:00 (GMT+7)

    Vạn lý Trường thành bị trưng dụng làm...vật liệu xây đường


    TTO - Tương tự như nàng Tô Thị ở Việt Nam bị phá vỡ rồi đem nung vôi, khoảng 100 m Vạn lý Trường thành đã bị phá hủy trong tháng qua để làm vật liệu xây đường.

    Khu vực bị phá hủy nằm ở tại làng Xinxing, thành phố Zhongwei. Khu vực tự trị Ningxia Hui được xem là "bảo tàng Vạn lý trường thành" vì đất làm nên tường thành nơi đây được xem là vật liệu xây dựng tuyệt hảo, nhưng chỉ trong vòng 2 đêm ngày 23 và 24-1, "bảo tàng" di tích này đã bị hủy hoại.

    Kết luận ban đầu của lực lượng an ninh thành phố Zhongwei cho thấy đoạn tường thành đã được trưng dụng để xây đường. Tường thành bị phá hủy cách trung tâm thành phố Zhongwei khoảng 30km, được xây dựng theo hướng từ Tây sang Đông dưới triều đại nhà Minh (1368-1644).

    Vụ việc đã được trình lên cảnh sát sau khi các chuyên gia di tích xác định gần 100m tường thành đã bị san bằng một cách cố ý.

    Dong Yaohui, phó chủ tịch của Học viện Vạn lý trường thành Trung Quốc cho biết khoảng 60 đến 70% đoạn vạn lý tường thành nằm ở Ningxia được làm bằng loại đất rất tốt. Nếu đoạn tường thành này cứ bị đối xử vô lương tâm như thế, nguy cơ biến mất là tất nhiên.

    Năm ngoái, khoảng 400 m vạn lý trường thành ở Zhongwei cũng bị phá sập nhưng cho đến nay, những người chịu trách nhiệm vẫn chưa bị trừng phạt đích đáng.

    L.TH. (Theo Xinhuanet)
    #2
      HongYen 07.05.2005 12:39:12 (permalink)
      Thứ Ba, 08/03/2005, 18:10 (GMT+7)

      "Bất đáo Trường Thành phi hảo hán"


      Một góc Vạn Lý Trường Thành
      TTO - Có lẽ không ai không biết đến Vạn Lý Trường Thành hùng vĩ. Tôi là một người hạnh phúc và may mắn, học kỳ vừa qua, trường tổ chức cho lưu học sinh tham quan đoạn Trường Thành Mộ Điền Dụ.

      Vạn Lý Trường Thành trước kia là chỉ những “đoạn” thành bao lấy các nước nhỏ. Chỉ sau khi thống nhất đất nước Trung Hoa (Trung Quốc), Tần Thuỷ Hoàng mới cho nối các đoạn này lại tạo nên một Vạn Lý Trường Thành dài một vạn dặm từ Tây sang Đông nhằm ngăn cản bước tiến của quân xâm lược (1 dặm tương đương 500 mét). Mộ
      Điền Dụ là một trong những nơi Trường Thành đi ngang.

      Xe đến nơi, bọn lưu học sinh chúng tôi hăm hở như những đứa trẻ sắp được khám phá cái gì đó rất thú vị. Những tưởng đến là có thể đặt chân ngay lên Trường Thành rồi nhưng ai ngờ đâu…bọn tôi phải leo đúng 1000 bậc thang mới lên tới nơi. Mới 200 bậc có bạn đã thở phì phò. 500 bậc có người bỏ cuộc. Những bạn thanh niên trai tráng trẻ khoẻ nhất cũng muốn đứt hơi khi lên tới nơi. Người bạn Hàn Quốc mà tôi mới kịp quen ban sáng vừa thở dốc vừa nói: “Giờ tớ mới thấm thía cái câu: Bất đáo Trường Thành phi hảo hán”.

      Lên đến nơi chúng tôi phải ngồi nghỉ cả 10 phút mới lấy lại sức để đi tiếp. Và chúng tôi được trả công xứng đáng. Lang thang suốt 3,4 tiếng đồng hồ trên dãy Trường Thành bọn tôi được chiêm ngưỡng hết cảnh núi hùng vĩ bao quanh, được “ngửi” mùi
      Những đoạn Trường Thành chưa được tu sửa
      gió lộng và quan trọng hơn biết được thế nào là Vạn LýTrường Thành. Nếu bạn có tinh thần mạo hiểm, “chịu khó” leo lên các đỉnh “tháp” (các lô-cốt to lớn) bấm máy thì chắc rằng bạn sẽ có được những pô ảnh tuyệt vời.

      Đến đoạn Trường Thành mà tôi thích nhất, nó chưa được tu sửa nhiều nên còn “tự nhiên”, lên hình đẹp hơn. Đi được một đoạn thì chúng tôi thấy tấm biển ngăn cấm “Xin dừng bước tại đây, phía sau là khu vực chưa được tu sửa, rất NGUY HIỂM”.

      Thế nhưng bọn tôi rủ nhau “vượt rào” để chụp những tấm ảnh tự nhiên hơn, “lịch sử” hơn. Ai nấy đều cẩn thận từng bước và TUYỆT, chỉ được đứng ngay trên những bậc thang gần như nguyên vẹn dấu ấn thời gian thôi nhưng ai cũng có cảm giác là làm được gì đó to tát lắm. Chụp vội vài pô ảnh bọn tôi kéo nhau về vì sợ…bị la. Quả là một chuyến đi thú vị.

      Bài& ảnh: LƯU ĐÌNH KHÁNH
      (SV học viện Hán ngữ, trường ĐH Ngôn Ngữ Bắc Kinh)
      http://www2.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=69455&ChannelID=219
      #3
        Chuyển nhanh đến:

        Thống kê hiện tại

        Hiện đang có 0 thành viên và 1 bạn đọc.
        Kiểu:
        2000-2024 ASPPlayground.NET Forum Version 3.9