Guam và Bản Tình Ca

Tác giả Bài
DongSaBang
  • Số bài : 176
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.12.2006
Guam và Bản Tình Ca - 14.07.2009 06:59:24
Guam và Bản Tình Ca

(tiêp theo: Subic Bay, Vì Sao lạc)




Chiếc C-130 đáp xuống phi trường Anderson, Guam, căn cứ không quân Hoa Kỳ chiều 20-6-1975. Phi cơ lăn bánh chậm dần và tách ra khỏi phi đạo vào một khu trống. Đoàn người tị nạn khoảng 300 nam - nữ - già - trẻ - lớn - bé, ăn mặc đủ màu, đủ kiểu với những bộ đồ rộng thềnh thoàng được phát từ trại tị nạn Subic Bay, vai mang túi xách lố nhố đứng lên khỏi ghế ngồi. Khi chiếc phi cơ ngừng hẳn, một cầu thang cao, dài được đẩy lại và áp vào thân phi cơ, đoàn người tị nạn lần lượt bước xuống bực thang.

Dưới sự hướng dẫn của binh sĩ Hoa Kỳ, đoàn người xếp thành một hàng dài ngay thẳng, bước đến những chiếc xe buýt màu vàng chờ sẳn trên sân bay. Sau khi năm ba binh sĩ Hoa Kỳ kiểm soát xong, và ra dấu hiệu đoàn người tị nạn đã lên xe, những chiếc xe buýt nối đuôi nhau rời phi trường Anderson.

Tôi ngồi trên xe với đoàn người tị nạn. Chiếc xe chạy boong boong trên đại lộ dọc theo ven biển về phương Nam của đảo Guam. Nhìn chung quanh nhà cửa thưa thớt, bóng cây thấp lòi còi. Bên đường những ngọn cỏ yếu ớt, lưa thưa trải trên lớp đất cát màu trắng đục. Đó đây một vài tiệm ăn nghèo nàn nằm bên cạnh những quán bar. Quang cảnh nơi đây trơ trụi đến hốc hác như những thị trấn ở miền Tây Hoa Kỳ trong những bộ phim Wild Wild West. Mọi người đang chăm chú nhìn quang cảnh hai bên đường thì đoàn xe buýt chạy chậm lại, và quẹo mặt vào một doanh trại bên bờ biển. Tôi đưa mắt nhìn về phía cổng, một hàng chữ trắng, lớn, đậm nét chạy trên tấm biển xanh. Tôi quay qua nói với người con gái ngồi bên cạnh:

“Đây là trại Asan của đảo Guam.”

“Sao anh biết?” Người con gái hỏi tôi.

“Ừ, thì trên bảng ghi là Camp Asan, Marine Barracks Guam kia kìa.”

Chiếc xe buýt ngừng lại trước doanh trại. Mọi người lục đục mang túi xách tay bước xuống xe. Vừa đặt chân xuống đất, tôi thấy một đám người Việt đứng cách xa khoảng vài ba chục thước, lao nhao dõi mắt nhìn về chúng tôi. Họ là những người ti nạn đến đây vài ba tuần trước, ra tìm người quen. Tiếng la tên người ơi ới vang cả khu trại. Những bàn tay đưa lên, những tiếng la đáp lại, và trong đám đông có những gương mặt mừng vui.

Trại Asan là một trong những trung tâm đón nhận người Việt tị nạn trong Chiến Dịch Đời Sống Mới (Operaion New Life) di tản sau ngày miền Nam sụp đổ.

Theo “Operation New Life April 23 – October 16, 1975” của tờ TenderTale.com:

Vào đầu tháng 4-1975, biết rằng miền Nam Việt Nam sẽ rơi vào tay miền Bắc, Hoa Kỳ ra chỉ thị dùng đảo Guam làm trạm chuyển tiếp để cứu xét những người di tản. Chiều 21-4-1975 chính quyền địa phương phát hiện một chiếc phi cơ của đội Phi Hổ đến Guam với 99 hành khách, đây là giọt nước đầu tiên của dòng thác tị nạn. Hai ngày sau đó, 23-4-1975, làn sóng tị nạn bắt đầu tràn ngập, mở màng cho Chiến Dịch Đời Sống Mới, và dòng thác tị nạn có lúc đã phun ra đến năm ngàn người di tản mỗi ngày.

Trong khi những người di tản đầu tiên tạm cư trong những căn cứ nhỏ rải rác trên đảo Guam, chính quyền nhận thấy giải pháp này không đáp ứng được nhu cầu tị nạn lâu dài, nên đã chỉ thị quân đội bắt đầu thiết lập những trại tị nạn quy mô hơn: Phố hộp (Tin City) gồm những trại lính chung quanh căn cứ không quân Anderson, và Mũi Orote (Orote Point). Mũi Orote thuộc căn cứ Hải Quân Guam được tẩy sạch hơn 500 mẫu tây hoang dã nằm bên cạnh phi đạo để dựng lên hàng trăm căn lều vải và được mệnh danh là Phố Lều - Tent City.


Kết quả, Mũi Orote là điểm đến của hàng ngàn người di tản đầu tiên. Trong nhóm người này, một phần là quân nhân và những người di tản đến đây bằng phi cơ vào ngày 30-4-1975 và những ngày trước đó. Sau ngày 30-4-1975 những phi trường miền Nam Việt Nam đều bị cưỡng chiếm và phong tỏa, nhưng nhiều người vẫn tiếp tục ra đi bằng tàu Hải Quân của quân lực VNCH hoặc những thương thuyền và tàu đánh cá.



Cũng theo tờ TenderTale.com:

Ngày 7 tháng 5, 1975 ba chiếc tàu cập vào hải cảng Apra, Guam với gần 15 ngàn người di tản. Và hai ngày kế đó, ba chiếc tàu khác đổ xuống Apra gần 8 ngàn người tị nạn. Tất cả, có trên 115 ngàn người ti nạn đi qua ngã Guam. Một con số trên cả dân số của đảo Guam ở thời đó ít nhất là 25 ngàn người. Trong khi hầu hết những người tị nạn tiếp tục con đường đến đất liền Hoa Kỳ thì có khoảng 500 người chọn Guam làm quê hương thứ hai. Chiến Dịch Đời Sống Mới chính thức chấm dứt vào ngày 16 tháng 10, 1975, nhưng thật ra mãi đến ngày 15 tháng Giêng, 1976 người di tản cuối cùng mới rời khỏi đảo Guam!

Kết thúc Chiến Dịch Đời Sống Mới có khỏang 140.000 người Việt tị nạn ra đi khắp nơi trên thế giới. Những chiếc tàu đến đảo Guam trong những ngày đầu tháng 5, 1975 gồm có chiếc thương thuyền USS Challenger của Hoa Kỳ, Việt Nam Thương Tín, Tân Nam Việt, và nhiều chiếc tàu khác thuộc Đệ Thất Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ. Những ngày kế tiếp hàng loạt những tàu khác như Long Châu, Long Hồ, Đồng Nai, và 45 chiếc chiến hạm của Hải Quân VNCH đến từ Subic Bay.



Dòng thác người tị nạn càng ngày càng đông, Orote Point không thể cưu mang nổi. Từ đó trại Asan được mở ra để đón tiếp người tị nạn. Trại Asan là hậu thân của Trạm Xá Y Tế Asan nằm trên bờ biển phía Đông đảo Guam.

Theo tờ nps.gov:

Sau khi đệ nhị thế chiến chấm dứt, biển Asan được biết với tên Trại Asan cho đến năm 1947. Trại Asan được xử dụng làm tổng hành dinh và trại lính cho tiểu đoàn công binh Seabees của Hải Quân Hoa Kỳ, tiểu đoàn này đã giúp đở tái thiết đảo Guam thời hậu thế chiến II. Và từ năm 1948 đến 1967 trại Asan được đổi thành Trại Dịch Vụ Dân Sự (Camp Civil Service). Thực chất đó là một căn cứ quân đội nhỏ với những đơn vị gia binh, rạp chiếu bóng ngoài trời, sân quần vợt và trạm cứu hỏa. Đến năm 1968 Hải Quân Hoa Kỳ biến đổi cơ sở này thành Trạm Xá Y Tế phục vụ quân nhân Hoa Kỳ bị thương từ chiến trường Việt Nam. Trạm Xá Y Tế này hoạt động được 7 năm, đến năm 1975 Trạm Xá được đổi thành trại tị nạn, đón nhận dân di tản Việt Nam. Năm 1976 một trận cuồng phong mang tên Pamela đã san bằng trại tị nạn Asan!

Tôi theo đoàn người bước xuống xe, xếp thành một hàng ngoằn ngoèo như con rắn lần lược đi vào trung tâm cứu xét hồ sơ (Processing Center). Hàng người đông, dài di chuyển chậm chạp như rùa. Rồi cũng đến phiên tôi được phỏng vấn bởi nhân viên phòng Processing Center. Người phỏng vấn là một nhân viên Hoa Kỳ và một thông dịch viên Việt Nam. Những câu hỏi đều bằng tiếng Anh và được thông dịch viên lập lại. Sau này tôi biết những nhân viên phỏng vấn người Mỹ đều biết nói và hiểu tiếng Việt rất rành, nhưng họ vẫn không nói tiếng Việt khi phỏng vấn. Câu hỏi đầu tiên là:

“Gia đình bạn có mấy người và bạn muốn đi định cư nước nào?”

“Dạ em chỉ có một mình và em muốn đi Mỹ.”

“Tại sao muốn đi Mỹ, bạn có người thân nào bên Mỹ không?”

“Dạ em không có bà con nào sống ngoài Việt Nam hết, nhưng em có nhiều người quen là sĩ quan Mỳ và một người là Bác Sĩ Mỹ.”

“Đàn ông hay đàn bà, tên gì, ở tiểu bang nào?”

“Dạ đàn ông, một anh Thiếu Úy tên Bob Beau ở Washington DC, một anh Thiếu Úy khác tên Chilldress ở đâu em quên mất, còn một người Bác Sĩ giải phẩu tên Hugh Crawford ở tiểu bang Cali. Em có tờ giấy bảo lảnh của ông Bác Sĩ đây nề.”

“Bạn quen với những người này trong trường hợp nào?”

“Dạ hồi em làm cho cơ quan USAID ở Sài Gòn.”

“Giấy tờ bảo lảnh của ông Bác Sĩ đâu cho xem.”

“Đây, anh xem xong cho lại em nhe. Ông BS gởi thư này cho em hồi tháng 2, 1975 nói chịu trách nhiệm cho em bất cứ nơi nào, sẽ bảo trợ cho em và giúp em tiếp tục đi học nên em chỉ muốn về nhà ông ấy thôi. Và đây là giấy khai sinh, thẻ căn cước, chứng chỉ Tú Tài đôi, và thẻ sinh viên của em ở Đại Học Khoa Học Sài Gòn.”

Tôi đưa hết những giấy tờ tùy thân và lá thư của người bạn BS cho người phỏng vấn xem. Xong họ trả lại tôi những giấy tờ và bức thư. Người phỏng vấn trao cho tôi, cũng như mọi người tị nạn khác, một thẻ I-94 nhỏ bằng ba ngón tay rồi bảo trở về trại. Thẻ I-94 là tấm bùa hộ mạng duy nhất mà mỗi người tị nạn Việt Nam được cấp khi vào đất Mỹ. Trên mảnh giấy I-94 có ghi ngày tháng cấp phát, tên người tị nạn được chấp nhận vào Hoa Kỳ theo chế độ “tạm trú” (Parole) và có quyền làm việc tại Hoa Kỳ.

Tôi rời Processing Center, bước chân vào trại Asan một chiều nắng cháy của tháng 6 năm 1975. Doanh trại là những căn nhà hẹp, dài, thông suốt từ đầu này đến đầu kia. Trong căn trại trống trải người ta đặt hai dãy giường bố dọc theo chiều dài của trại, mỗi giường cho một người, và chừa lối đi ở giữa. Những gia đình đông người được ở sát bên nhau, và họ lấy những tấm vải treo lên để có chút riêng tư. Những người độc thân có thể khai là bạn bè và cũng được ở chung trong một khu.

Hành trang tôi mang theo chỉ là một túi vải đựng năm ba cuốn sách giáo khoa và một cây sáo trúc. Nhưng cây sáo trúc không chịu nổi những va chạm trên đường đi nên đã bị dập, không còn phát ra tiếng sáo. Bộ sách Toán Lý Hóa và cuốn tự điển sau khi cùng tôi nhảy xuống biển Đông ngoài khơi Vũng Tàu ướt như chuột lột, giờ những trang giấy sần sùi, cong lên làm cho bộ sách có phần “mập” ra. Nhìn chung quanh những người “hàng xóm” của tôi cũng đang nhét những túi vải dưới gầm giường. Có người bật lưng ra trên giường thở dài một tiếng, có người bắt chuyện làm quen với những người “láng giềng.” Trong giây lát căn trại đầy ấp những người “cũ” đến tìm người quen, tiếng chào hỏi, nhừng câu dặn dò, tiếng cười làm cho căn trại vui hẳn lên. Tôi quay qua bên cạnh, bắt gặp người con gái ngồi bên tôi trên chuyến xe buýt từ sân bay Anderson, đang sắp xếp đồ đạt cùng gia đình. Tôi nhìn nàng, chỉ tay xuống gầm giường và nói:

“Nhờ em ngó dùm gói đồ của anh chút nhe.”



“Cái gì trong đó, quan trọng không?”

“Đối với anh thì quan trọng, còn người khác thì cho còn bị chửi nữa.”

Nàng cười dòn và nói:

“Vậy đưa đây em giữ dùm cho. Mà anh đi đâu?”

Tôi trao túi sách cho nàng rồi bước ra sân doanh trại. Bóng người đi lại trong sân rộn ràng, tôi bước đến bản thông tin chăm chú đọc từng mẫu tin nhỏ mong tìm được một vài tên quen thuộc. Không thấy. Tôi lại lang thang khắp nơi trong trại tìm nhóm người đi trên tàu Long Châu. Không gặp ai, tôi trở về phòng gieo người trên giường nằm nhìn trần nhà. Tôi thấy cũng lạ, ngày ra đi tôi chỉ đi một mình, tất cả anh em, bạn bè, Phương và gia đình đều ở lại Việt Nam. Nhưng bây giờ, mỗi lần bước chân đến trại tị nạn nào việc đầu tiên tôi làm là đến bảng thông tin tìm tên, may ra có một tên gọi là Phương! Nhưng rồi tìm đỏ mắt cũng không thấy tên Phương mà tôi muốn tìm, tôi lại lủi thủi trở về trại. Rồi mỗi lần có tin người tị nạn mới nhập trại là tôi lại lật đật chạy ra xem, may ra gặp được người thân. Chưa lần nào tôi được gặp hên, nhưng cũng chưa lần nào đoàn người mới đến trại Asan mà tôi không ra đón xem. Mà không chỉ riêng mình tôi làm điều này! Thì ra những người tị nạn khác, như tôi, cũng đang nhớ nhà, nhớ người thân.



Chiều về tôi ra xếp hàng vào nhà ăn. Hàng người dài lê thê, tôi bước ra khỏi hàng ngũ và đi từ đầu đến cuối, trong hàng người này tôi tìm và gặp lại hết những người đi trên tàu Long Châu. Nhưng Điện, người cùng tôi nhảy xuống biển Đông, không đến đây. Một lần nữa chúng tôi được hội ngộ, nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn rồi chúng tôi cũng phải chia tay, như mấy lần trước. Cuộc đời như những cánh bèo trong dòng nước. Sau này tôi biết Điện lên tàu Hải Quân Hoa Kỳ cùng với hàng ngàn người khác đến Wake.

Trong trại tị nạn có những em bé ra đi cùng cha mẹ, nhưng khi cha mẹ đưa những em bé này từ tàu nhỏ lên tàu lớn, nữa chừng tàu đầy người, rút giây thang không không cho người lên thêm. Cha mẹ chỉ biết đưa tay ra khóc, la ú ớ nhìn con đi một nơi mình một nẽo. Có em may mắn gặp lại cha mẹ trên trại, có em chỉ biết theo chân những người “cha nuôi”. Thỉnh thoảng người ta nhìn thấy những người “cha nuôi” bắt đắc dĩ dắt tay “con mình” đi lang thang trên trại như gà trống nuôi con. Bạn tôi, Sơn, 20 tuổi. Một hôm tình cờ một em bé 13 tuổi đi trong Chiến Dịch Babylift (Operation Babylift), không cha, không mẹ, không người thân, gặp Sơn, Sơn dẫn về trại. Người trong trại hỏi:

“Ai đây?”

Sơn trả lời:

“Thằng con nuôi của tui.”

Mọi người bật cười:

“Trời! Thằng con gì mà lớn hơn thằng cha rồi.”

Vậy mà “hai cha con” dẫn nhau đến Mỹ rồi cũng học thành tài như ai!

Lúc tôi đến thì trại Asan đã đông người lắm rồi. Sinh hoạt nơi đây rất nhộn nhịp. Như trên đã nói, trại Asan trước kia là một bệnh xá, có nhà ăn, sân chơi, khu chiếu bóng ngoài trời, và bãi biển nằm bên cạnh. Trại Asan có một người tên Tony Lâm làm đại diện trại. Bên cạnh Processing Center là một trụ đèn cao, trên trụ đèn có gắn hai, ba loa phóng thanh chỉa ra mọi hướng. Giống như Sài Gòn sau ngày “giải phóng” vậy, chính quyền gắn loa phóng thanh trên nhiều cột đèn khắp ngõ hẻm để nhắc nhở dân. Loa phóng thanh phát lên tùy hứng, không kỳ thị giờ giấc, bất kể sớm - trưa - chiều - tối và luôn cả lúc những người mẹ đang nhọc nhằn ru con vào giấc ngủ! Hay sáng sớm tinh sương những người lao động vẫn còn vùi trong giấc ngủ thì, tiếng loa phóng thanh vang lên, đinh tai nhức óc! Mà chuyện này vẫn còn xảy ra hơn ba mươi năm, sau khi chiến tranh chấm dứt!

Loa phóng thanh ở cột đèn Asan đưa những tin nóng liên quan đến người tị nạn, và thỉnh thoảng người tị nạn cũng nhờ ban quản trị rao tìm người thân, con em đi lạc.

Bấy giờ ở Guam có một chương trình phát thanh tiếng Việt do cô Kim Vui phụ trách. Cô Kim Vui là nữ ca sĩ tại Sài Gòn thời 50’s, 60’s, có giọng ca cao vút được thính giả ái mộ qua những bài ca của Phạm Duy. Nữ ca sĩ Kim Vui lấy chồng Mỹ và lúc đó đang cư ngụ tại Guam nên cộng tác với chương trình đài phát thanh để đưa tin cho hàng ngàn người Việt tị nạn. Ngoài ra đảo Guam còn có phát hành nhật báo Chân Trời Mới, lưu hành trong các trại tị nạn. Nhật báo Chân Trời Mới khổ nhỏ hơn báo bình thường, có 4 trang và tiếng Việt phải bỏ dấu bằng tay. Qua đài phát thanh và nhật báo Chân Trời Mới, người Việt tị nạn được cập nhật nhiều thông tin về cộng đồng người tịn nạn và các nghệ sĩ có mặt tại đảo Guam như: Phạm Duy, Võ Phiến, Vũ Khắc Khoan, v.v. Ca sĩ Khánh Ly thì ở bên đảo Wake. Nhưng tin tức bên trong Việt Nam thì rất hiếm hoi.

Mỗi buổi sáng, khi mặt trời lên cao, hàng ngàn người tị nạn đổ ra sinh hoạt nhộn nhịp. Processing Center là nơi thu hút nhiều người. Người người đi và đến Processing Center để điều chỉnh, bổ túc hồ sơ và tìm người thân tại các trại tị nạn khác. Trong trại cũng mở những lớp học Anh Văn cho người tị nạn. Những người dạy Anh Văn thường là những người tự nguyện và một số là giáo sư Anh Văn từ Sài Gòn trong đoàn người tị nạn.

Nhà ăn mở cửa sáng, trưa, chiều và lúc nào đồ ăn cũng dư thừa. Mà thường khi con người dư thừa thì hay sinh chuyện. Sữa tươi đuợc uống xả dàng, đến nổi nhiều cô mang sữa tươi về trại tắm cho da đẹp. Khi bị phát hiện thì bị cảnh cáo và từ đó sữa tươi không còn được lấy tự do nữa! Thượng vàng hạ cám, hàng ngàn người chen chúc trong một khu trại chật hẹp, khi cái ăn cái mặc đầy đủ, con người nghĩ đến cái đẹp, và nhu cầu đòi hỏi. Từ đó những bóng hồng thấp thoáng xuất hiện. Nói cho cùng thì xã hôi lớn bé nào cũng mang đầy đủ đặc tính của con người.

Những người tị nạn trong trại Asan mỗi tuần được xe buýt chở ra phố thăm chơi, mua sắm một lần, (nếu có tiền và muốn đi.)

Nhóm anh Hoàng, những người đi từ chiếc Long Châu qua, đều có mặt tại đảo Guam. Anh Hoàng, T và ông Si được chủ tàu Đồng Nai mướn ra ở và giử tàu Đồng Nai đậu tại Apra Harbor. C, người đi cùng tôi trên Việt Thủy, vì nhớ nhà quá đã xin trở về Việt Nam. Và ngày 16-10-1975 chiếc tàu Việt Nam Thương Tín rời đảo Guam chở gần 1500 người hồi hương, trong đó có C. Tôi không biết C và hàng ngàn người kia nghĩ gì, khi họ trở lại Việt Nam, thay vì ôm choàng người thân sau ngững ngày xa cách, lại đi thẳng vào trại tù. Và không biết những người cọng sản trả lời cho thế giới như thế nào về những lời hứa khoang hồng của họ trước khi Việt Nam Thương Tín rời đảo Guam! Nhưng ở đời không hiếm gì cuộc hội ngộ để rồi chia ly! Như chúng tôi, những người trên tàu Long Châu và hàng ngàn người đang sống trong căn trại Asan, ngày mai mỗi người một ngã.

Chiều tối về, Asan lên đèn và khu chiếu bóng thường chiếu những phim võ thuật của Lý Tiểu Long như Mãnh Long Quá Giang, Đường Sơn Đại Huynh, v.v. Và trên khu đất trống đêm nào cũng chật người xem.

Hằng ngày tôi thường lang thang ngoài bãi biển bên trại. Biển cạn có nhiều sỏi đá, không có ai thích tắm biển ở đây. Hay có lẽ những cảnh tượng hãi hùng trên biển làm người ta sợ mỗi khi nhìn nước biển! Tôi thường ra đây lội trong biển và bắt những con sao biển, sao biển ở đây rất nhiều. Chỉ bắt chơi cho vui, qua ngày tháng, rồi cũng trả chúng lại với biển cả. Có những buổi chiều tôi ngồi bên bờ đá nhìn xa xa ra đại dương, và bên kia bờ là quê hương, là Mẹ, là anh em, là Phương.

Và mỗi ngày, khi chiều về mặt trời lặng dần xuống bên bờ Tây của hải đảo là tiếng hát của ca sĩ Thái Thanh lại nổi lên. Chiều nào cũng vậy, cũng giờ đó, tiếng hát đó và bắt đầu từ chiếc loa trên cao của cột đèn, lời ca:

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi

Mẹ hiền ru những câu xa vời

À à ơi! Tiếng ru muôn đời

Tiếng nước tôi! …


Tiếng hát cất vang và lịm dần trong bóng đêm với hàng ngàn con tim thổn thức. Tiếng hát độc ác hay tiếng hát vô tình đã làm rơi giọt nước mắt, của tôi, và chắc của nhiều người khác, trong đêm trường!

Một tháng sau, giả từ bạn bè, tôi lại leo lên chiếc xe buýt của ngày đầu trở lại sân bay Anderson với hàng trăm người tị nạn khác. Ở tạm trong Hilton Hotel, Anderson một ngày. Nắng chiều ấm áp, tôi theo vài người xuống tắm biển bên cạnh Hilton Hotel. Một tháng trước tôi thường trầm mình trong biển trong xanh cùng với những con cá đầy màu sắc ở Subic Bay, và nghĩ rằng đây là biển tắm đẹp nhất mà tôi từng biết. Nhưng, hôm đó bước chân xuống biển Anderson tôi ngở mình đang nằm trong khúc biển blue lagoon nào! Tuyệt đẹp, biển trong xanh, cát trắng, sóng lăn tăn bên cạnh đàn cá bơi lội! Tôi ngủ lại một đêm trong khách sạn Hilton ở Anderson rồi ngày mai lên phi cơ B747 rời đảo Guam.

Khi máy bay cất cánh tôi nhìn xuống đảo Guam, Asan nhỏ dần và lời ca:

Tiếng nước tôi…!

Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui

Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi …


vẫn còn văng vẵng bên tai!

Biết đến bao giờ máy bay mới đáp xuống trại Pendleton, California? Tôi cũng không buồn muốn biết.




__________________________
Đồng Sa Băng. 10 tháng 7, 2009.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 14.07.2009 07:41:36 bởi DongSaBang >

Ct.Ly

DongSaBang
  • Số bài : 176
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.12.2006
RE: Guam và Bản Tình Ca - 14.08.2009 06:30:18
Pendleton, Người Di Tản Cuối
(Đọc sau bài: Guam và Bản Tình Ca)


     Sau hơn mười hai giờ băng qua Thái Bình Dương với đường bay gần mười ngàn cây số, phi cơ tiếp cận bờ duyên hải miền Tây Hoa Kỳ. Từ độ cao, trên tầng mây, phi cơ rơi dần. Càng lúc, mặt nước và hình ảnh những con thuyền càng rõ thêm, và trước mặt là một thành phố nhuy nga, với những cao ốc chằn chịt lộ dần trước những con mắt ngỡ ngàng của đoàn người tị nạn. Chiếc phi cơ bay xuyên qua thành phố ven biển với nhà cửa và những hệ thống xa lộ đan nhau như màng nhện! Phi cơ tiến về vùng núi trục lúc với những bụi cây lòi còi, bao quanh một thung lũng rộng lớn với cánh đồng cỏ màu vàng hung, như màu tóc của những nàng thiếu nữ vùng Bắc Âu.
 
Chiếc Boeing 747 chở trên 300 người tị nạn Việt Nam rời sân bay Anderson đảo Guam sáng ngày 20-7-1975, đảo một vòng quanh những ngọn đồi bên cạnh thung lũng và đáp xuống phi trường quân sự Camp Pendleton, California cùng ngày.
 
Tôi theo đoàn người tị nạn vội vàng rời khỏi ghế bước về cửa máy bay, mắt lức láo nhìn xuyên qua cửa sổ với nhịp đập con tim mỗi lúc một nhanh. Cửa phi cơ mở tung, trước mặt tôi là những ngọn đồi trải dài phía sau phi đạo. Những ngọn đồi sỏi đá, không cây cổ thụ, không màu xanh um, không suối nước, không như những ngọn đồi đầy ấp những đồi Sim, những bụi Chùm Chày, Mẫn Khiểng xanh tươi nơi tôi sinh ra và lớn lên. Những ngọn đồi vàng úa dưới sức nóng mặt trời nơi vùng sa mạc! Nhưng là những ngọn đồi “Miền đất hứa” của biết bao giống dân trên thế gian này!




Một lần nữa tôi cùng những người tị nạn leo lên chiếc xe buýt màu vàng rời phi trường về trại Pendleton. 

Trại tị nạn Pendleton thuộc tiểu bang California là trại tị nạn đầu tiên trong bốn trại tị nạn, nằm trong đất liền Hoa Kỳ, dùng để đón nhận người tị nạn Việt Nam di tản sau ngày 30-4-1975 trong Chiến Dịch Đời Sống Mới. Ba trại tị nạn khác lần lược được thiết lập sau trại Pendleton gòm có: Trại Fort Chaffee, tiểu bang Arkansas; Trại Eglin Air Force Base, tiểu bang Florida; Và cuối cùng là trại Indiantown Gap, tiểu bang Pennsylvania.
 
Trại tị nạn Pendleton được thiết lập bằng những lều vải màu xanh quân đội, trải dài trên một thung lũng bên cạnh những ngọn đồi. Những lều vải vuông tượng đủ lớn cho mười giường bố, mỗi giường cho một người.
 
Không hiểu những lều vải ở trại Pendleton thành lập từ lúc nào? Nhưng sau ngày gặp lại người bảo trợ, tôi hỏi:
 
“Từ tháng 2, 1975 làm sao ông biết miền Nam Việt Nam sẽ mất mà viết thư bảo lảnh cho tôi?”
 
Người bảo trợ nói rằng:
 
“Từ đầu năm 1975 đã có nhiều nguồn tin bí mật cho biết Hoa Kỳ thiết lập trại tị nạn Pendleton để tiếp nhận người miền Nam Việt Nam di tản. Một số những người có liên quan với quân đội Hoa Kỳ hay phục vụ tại Việt Nam trước đây biết chuyện này. Từ năm 1971-1973 qua là Bác Sĩ giải phẩu tình nguyện phục vụ cho quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam, vì vậy mà qua biết và viết thư đở đầu cho em từ hồi tháng 2-1975.” 
 
Tôi nghe qua câu trả lời của ông mà lòng bàng hoàng. Thì ra chính phủ Hoa Kỳ đã biết trước và có cả chương trình lập nên những lều vải này để đón nhận những người bạn một thời cọng tác với họ, sau khi quyết định cắt đứt mọi viện trợ quân sự, bỏ rơi miền Nam Việt Nam cho khối cọng sản Tàu, Nga thôn tính!
 
Dù sao đi nữa, quê hương này cũng thôi máu đổ! Nhưng dân tộc Việt Nam lại rơi vào một khúc quanh lịch sử khác. Trước năm 1975 người dân Việt Nam sống ở nước ngoài rất ít, có thể nói chỉ có ít trường hợp vì theo chồng, đi du học hoặc làm việc trong những cơ quan sứ quán.
 
Nhưng sau ngày Việt Nam thống nhất, hàng trăm ngàn người, thậm chí có cả hàng triệu người Việt Nam rời quê cha đất tổ tìm tự do ở những quốc gia thuộc chế độ dân chủ. Sự kiện này đã đi vào lịch sử thế giới loài người.
 
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, đoàn xe buýt chở đầy người tị nạn tiến vào một thung lũng chứa đầy lều vải nằm san sát bên nhau. Và một lần nữa những người tị nạn lại xuống xe, xếp thành từng hàng đi vào trung tâm thành lập hồ sơ (Processing Center) làm thủ tục nhập trại. Và cũng một lần nữa những người cũ lại nhôn nhao tìm người thân trong đoàn người mới.
 
Sau khi đăng ký, lưu lại lý lịch cá nhân và gia đình để lập hồ sơ tìm người bảo trợ, người tị nạn được đưa vào những căn lều trong cuộc sống tập thể.

 

Sau một chuyến bay dài mệt mỏi và hàng giờ xếp hàng để làm thủ tục tị nạn, tôi mệt đừ người. Đi từ Processing Center về căn lều vải, tôi gieo người trên chiếc giường bố và thiếp đi như một đứa bé. Đến khi tỉnh dậy thì trời đã tối, tôi lại tiếp tục ngủ cho đến ngày hôm sau. Những buổi sáng nơi đây như một trại lính, không có đồng hồ báo thức, không có tiếng gà gáy ban mai nhưng người ta thức dậy thật sớm. Vì mỗi buổi sáng, tiếng hát từ loa phóng thanh lại vang lên lời ca:
 
Trời hôm nay thanh thanh, gió đưa cành mơn man tà áo.
Làn mây trôi vây quanh, ánh vừng hồng chiếu xuống niềm tin…”
 
để chào đón một ngày mới. Và tôi thức dậy, mò xuống giường tìm đường ra khu nhà ăn.
 
Việc đầu tiên tôi làm vẫn là ra bảng thông tin dò tên. Dù biết rằng cơ duyên may mắn để tôi tìm được những người thân trong gia đình hay bạn bè rất mong manh, nhưng tôi vẫn dò từng tên trên những bản thông tin như dò danh sách thí sinh trúng tuyển kỳ thi Tú Tài. Cũng như những lần trước, những người tôi muốn tìm không bao giờ để tên lại trên tấm bảng đen kia. Nhưng rồi lần lượt tôi cũng tìm được hết những người anh em anh Hoàng trên tàu Long Châu. Những người tôi quen biết chỉ có bấy nhiêu thôi, trên hàng chục ngàn người ở trại Pendleton, tôi chỉ quen biết chừng mươi người trên tàu Long Châu. Ngoại trừ N và Th, hai người này khi rời đảo Guam đã đi đến trại Fort Chaffee. Nơi đây tôi cũng gặp lại Điện, người cùng tôi rời Việt Nam trên chiếc tàu đổ bộ của Hải Quân tại Căn Cứ Chuyển Vận Kho 18, Tân Thuận chiều 29-4-1975.
 
Trại Pendleton chia ra thành nhiều trại nhỏ, không cách xa lắm, tôi và nhóm anh Hoàng ở trại 8. Bên cạnh có trại 5, 6, và 7. Những trại mang số nhỏ hơn là những barracks dùng cho người Miên ở, biệt lập trên một khu riêng, có vẽ khang trang sạch sẽ hơn, và từ trại 5,6,7,8 muốn đến đó phải đi bằng xe buýt. Bên cạnh những lều vải là một căn nhà nhỏ dùng làm trung tâm thiết lập hồ sơ tị nạn (Processing Center). Ngoài ra có nhà ăn, khu vui chơi cho trẻ con, khu PX (Pacific Exchange - bán những vật dụng hằng ngày cho những ai có tiền, tôi nhớ thuốc lá như Lucky, Pall Mall ngày ấy giá 25 xu một gói.) 
 
Pendleton còn có khu nghe nhạc sống ngoài trời, có sân bóng chuyền và thỉnh thoảng có tổ chức đấu võ đài giải vui cho trại. Tôi là một vận động viên trong một trận đấu võ đài tự do gòm cả quyền Anh, Taekwondo, Việt Võ Đạo, Thiếu Lâm Tự, ai có sở trường nào dùng thứ đó. Đối thủ của tôi là một người chuyên nghiệp võ nghệ, tôi nhớ hình như anh ta tên Thước. Tôi không có ý định ra đấu võ đài, nhưng vì lời gù của Thước và những người bạn, tôi tham gia cho vui. Sở trường của tôi là Taekwondo. Trận đấu kéo dài 3 phút, Trước hàng trăm tiếng vỗ tay reo hò, cổ võ cho trận đấu, Thước tống tôi một cú xém rớt đài và tôi song phi một cú đưa Thước nằm lửng lơ trên sợi dây buộc khán đài. Kết cuộc trận đấu, không ai thắng không ai thua. Nhưng hình như võ sĩ Thước muốn dùng cơ hội đó để quảng bá cho việc dạy võ sau này của anh ta! Còn tôi, võ thuật chỉ là một môn thể thao, không hơn, không kém. 
 
Ở thời điểm tháng 7-1975 trại tị nạn Pendleton đã có hàng chục ngàn người đến và đi. Giai đoạn đầu của chương trình tị nạn, từ tháng 5 đến khoản giữa tháng 7, những người tị nạn thường được bảo trợ bằng một cá nhân hay gia đình công dân Mỹ. Nhưng chính sách này gặp phải sai lầm, là, những cá nhân hay gia đình người bảo trợ thường là những nông dân cần người làm nông trại. Nên đã bốc lột sức lao động của những người tị nạn Việt Nam trong các nông trường. Từ những than phiền của những người tị nạn bị đưa về làm việc tại nông trại, chính quyền liên ban đã chấm dứt chính sách bảo trợ qua cá nhân, và bắt đầu chương trình bảo trợ qua một nhóm người, hay cộng đồng và đặc biệt là qua hội nhà thờ, như nhà thờ đạo Tin Lành. Từ đó Church World Services được nói đến nhiều. Và những người bảo trợ đi nông trại cũng được trở về trại tị nạn để tìm bảo trợ mới.

 

Hầu hết những người tị nạn ra đi trong Chiến Dịch Đồi Sống Mới là những cá nhân hay gia đình có kiến thức học vấn cao trong xã hội miền Nam Việt Nam. Họ là những viên chức nhà nước, là những sĩ quan QLVNCH, là kỷ sư, Bác Sĩ, là giáo sư, là những sinh viên học sinh, v.v… Nói tóm lại, đất nước này đã không tốn công huấn luyện mà tận dụng một nguồn nhân lực dồi dào phong phú, đã thế còn sinh ra những lớp người ưu tú cho những thế hệ sau. Vì chính họ đã là những công dân ưu tú.
 
Một số người Việt Nam còn nặng ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp, và một số có khuynh hướng bất đồng chính kiến với Hoa Kỳ nên đã đưa đơn xin tị nạn tại các nước ngoài Hoa Kỳ như Gia Nã Đại và Pháp quốc. Nhưng cuối cùng Hoa Kỳ vẫn là miền đất hứa. Tôi có quen một anh bạn trong trại Pendleton, Thức, sinh viên Luật trước năm 1975. Anh xin được định cư ở Gia Nã Đại và anh đã được tọa nguyện. Nhưng sau khi đến Gia Nã Đại chưa được một tháng thì anh viết thư vào trại nhờ bạn bè giúp đở bảo trợ anh qua Mỹ, vì Gia Nã Đại không có ngân sách giúp đở người tị nạn Việt Nam đi học đại học. Nhưng anh ta không thể trở lại Mỹ được. Một khi đã chọn định cư tai một nước nào khác thì Hoa Kỳ không cho nhập trại trở lại.
 
Những thủ tục và nguyện vọng đi định cư ở tiểu bang nào hay nước nào đều phải làm lại tại trung tâm cứu xét hồ sơ (Processing Center.) Có những người không còn giấy tờ tùy thân chứng minh mình là ai, tên gì, mấy tuổi, nhưng vẫn được thiết lập hồ sơ và được đưa đi định cư theo ý muốn. Nhiều người vì buồn bả và mong sớm rời trại tỵ nạn để định cư làm ăn, không cần phải lựa chọn tiểu bang nào. Với những người này tìm người bảo trợ tương đối dễ và ra đi sớm.
 
Tôi vì có người quen là vị Bác Sĩ hứa giúp đở trở lại trường đi học nên đã đăng ký với Processing Center và muốn được định cư tại tiểu bang California. Sau ngày nhập trại Pendleton, Điện nhập chung hồ sơ của tôi để được cùng bảo trợ bởi vị Bác Sĩ trên. Sau ngày thành lập hồ sơ bảo trợ, vị Bác Sĩ lại đi nghĩ mát bên Âu Châu đến hai tháng mới trở về. Nhưng sau này chương trình bảo trợ không cho phép cá nhân bảo trợ nên người bạn Bác Sĩ chỉ được bảo trợ chúng tôi qua một hội nhà thờ hay một tổ chức nào đó.
 
Hồ sơ bảo trợ đã được thành lập xong, mọi người chì còn nằm chờ nhân viên Processing Center gọi lên đường, hay bổ túc một số tin tức khi cần. Và mỗi ngày số người ra đi càng nhiều. Trại Pendleton có thể nói là trại lớn nhất trong bốn trại tị nạn ở Mỹ, (và trại 8 là trại đông người nhất trong những trại ở Pendleton.) Người tị nạn đông như kiến và sinh hoạt ở đây ồn ào bắt đầu từ sáng sớm đến chiều hôm. Nhà ăn mở cửa ba buổi: sáng, trưa, chiều tối. Tôi nhớ có một hôm đứng xếp hàng lảnh đồ ăn với nhóm anh em anh Hoàng. Chúng tôi nói với người phát đồ ăn:
 
“Give me chicken legs.”
 
Và những đùi gà thơm ngon được bỏ đầy dĩa.
 
Người đàn ông đi sau thấy ngon quá cũng xin đùi gà. Nhưng không hiểu sao người phát đồ ăn cứ lắt đầu và bỏ đầy cổ gà lên dĩa đồ ăn cho người đàn ông nọ. Ông ta trả lại và nói muốn lấy đùi gà. Người phát đồ ăn lại bỏ cổ gà lên dĩa. Bực mình quá ông ta la lớn lên:
 
“Give me chicken negs.”
 
“What?” Người phát đồ ăn hỏi to.
 
“Chicken negs.” Người đàn ông lập lại.
 
“Chicken necks?” Người phát đồ ăn hỏi lại.
 
“Yes - chic - ken - negs.” Người đàn ông khẳn định.
 
Người phát đồ ăn nói:
 
“Okay, here’s your chicken necks.”
 
“Đù… thằng Mễ này nó khùng rồi ta.” Người đàn ông bực tức.
 
Anh T thấy vậy nói với người đàn ông nọ: “Anh phải nói là chicken legs chứ không phải chicken negs, chicken necks là cổ gà.” Và rồi anh T gọi chicken legs cho ông ta luôn.
 
Có những hôm trại tổ chức nhạc sống do các băng nhạc bên ngoài vô giúp vui cho đồng bào tị nạn. Và những buổi chiều, trên con đường đất đỏ, có biết bao “tài tử giai nhân” dập diều nắm tay nhau bước đi dạo mát.
 
Những ngày tháng bên nhau với bạn bè trên chiếc tàu Long Châu rất ngắn ngủi. Chúng tôi hầu hết độc thân ngoại trừ hai vợ chồng anh K và chị Th. Hằng ngày, ngoài giờ ăn ra, chúng tôi (anh Hoàng, anh T, S, H, Điện, Tâm con, và tôi) thường lang thang trên những ngọn đồi phía sau trại 8, lùng rượt đuổi những con chó sói, chồn, và đập phá những tổ ong ruồi trên cành cây. (Chó sói nơi đây rất nhiều, những buổi tối chúng thường xuống chung quanh trại kiếm đồ ăn, cắn xé và tru lên những hồi dài nghe rợn người). Đôi khi chúng tôi phát giác những tổ ong ruồi ở dưới đất, đập phá bị chúng chích, rượt chạy như đám con nít!
 
Có những hôm cảm thấy tù túng bên trong bốn bờ rào khuôn viên trại, chúng tôi chun rào lội lên đến đỉnh núi sau trại tị nạn. Con đường lên núi không gay go lắm, chỉ là những chồi cây thấp như những bụi sim, bụi móc trên rừng núi miền Trung nước Việt. Đứng trên đỉnh chúng tôi nhìn xuống chân núi bên kia, xa xa là bóng dáng thành phố với nhà cửa. Những mường tượng về cảnh nhộn nhịp bên kia chân núi và sự thèm thuồng một vài giờ sống động để bù lại chuỗi ngày tồi túng trong trại muốn xuối dục đôi bàn chân bước đi. Nhưng rồi chúng tôi đành phải ngồi trên đỉnh núi, chỉ biết nhìn và hít làn gió Santa Ana, làn gió mang theo hơi mát và mùi biển mặn của Thái Bình Dương.
 
Những buổi chiều dài lang thang trên sườn núi rồi cũng qua. Trại tị nạn càng ngày càng thưa người. Mọi người đều có một lựa chọn cho tương lai trước mặt. Hằng ngày Processing Center bận rộn với những chuyến ra đi. Có những chuyến đi chỉ là một cá nhân lẽ loi, âm thầm rời trại để hòa nhập vào cuộc sống mới. Hôm ra đi chỉ là một cái bắt tay của vài người bạn mới quen.
 
Một tháng sau khi đến trại chúng tôi cũng lần lượt chia tay. Vợ chồng anh K và chị Th chấp nhận bảo trợ và đã lên đường về thành phố Jacksonville, Florida. Anh Hoàng và anh T chọn miền Đông Bắc Hoa Kỳ và đã rời trại về thành phố Philadelphia, Pennsylvania. S và H về Akron, Ohio, miền Trung Hoa Kỳ nơi có N và Th từ Fort Chaffee đến. Ông Si, bạn anh Hoàng bay về thành phố Savannah, Georgia và tiếp tục cuộc sống nghề biển. Những buổi chia tay thật buồn, chúng tôi chỉ biết siết tay nhau và chúc những lời may mắn, rồi cuối mặt lặng lẽ bước đi.
 
Bây giờ chỉ còn lại tôi và Điện và những người tị nạn không quen biết trong khu trại này.
 
Tôi rời Việt Nam với mục đích duy nhất là muốn được tiếp tục đi học. Và sự hứa hẹn của người bạn Bác Sĩ bảo trợ giúp tôi trở lại trường chính là điểm tựa. Hằng tuần Processing Center vẫn gọi tôi lên văn phòng, hối tôi phải chấp nhận hội bảo trợ nào đó để rời trại. Mỗi lần được kêu lên Processing Center tôi luôn hỏi:
 
“Khi ra với hội bảo trợ này tôi có được vào trường học không?”
 
Nhân viên Processing Center bảo tôi:
 
“Ra đó rồi việc đi học sẽ tính sau.”
 
“Vậy cho tôi đợi khi nào người Bác Sĩ bảo trợ tôi trở lại tôi sẽ đi.”
 
“Nếu vậy thì em phải chờ ở đây nữa. Mọi người đã đi hết rồi, em không thấy buồn sao?”
 
“Dạ không. Em xin chấp nhận chờ.”
 
Và cứ thế, mỗi lần Processing Center tìm hội bảo trợ cho tôi, nhưng không cho tôi biết về tình trạng đi học, tôi lại từ chối bảo trợ, và chờ vị Bác Sĩ trở lại từ chuyến nghĩ mát ở Âu Châu.
 
Và mỗi ngày trôi qua, bóng người trong trại lại ít dần. Tôi lại thấy nhớ tiếng ồn ào náo nhiệt của thời gian qua.
 
Tôi thường lang thang ở Processing Center, nơi nhiều người đến để biết tin tức họ sẽ đi về đâu. Rồi một hôm tôi bắt gặp đôi mắt và gương mặt của một người. Người đó khoảng 15, 16 tuổi, tuổi của những đứa em gái tôi, nhưng em có gương mặt và ánh mắt của Phương. Tôi đã giựt mình khi thấy em lần đầu. Tôi thường đi bên người con gái nhỏ này, không nói, không chào, không hỏi, tôi chỉ muốn nhìn em thôi. Như tôi đang nhìn Phương! Tôi biết em đi với cha mẹ và hai đứa em nhỏ. Nhưng em làm sao biết được trong em tôi đã tìm lại những ngày thơ mộng. Có đôi lúc em nhìn tôi và nở nụ cười, có lẽ em đã biết. Nhưng rồi một ngày nọ em đã theo gia đình đi về tiểu bang Connecticut, mang theo ánh mắt và nụ cười của một người tôi thương.
 
Rồi lần lượt tất cả những người trong trại 8 đã ra đi. Chỉ còn lại tôi và Điện vẫn ngồi chờ người bảo trợ từ trời Tây. Cuối cùng trung tâm Processing Center phải dời tôi và Điện lên ở cùng với những người Miên ở trại 1 để họ tháo gở trại 8! Những trại 5, 6, 7 và 8 trở thành bãi đất màu nâu đỏ.
 
Một tuần lễ sau khi lên trại 1, Processing Center báo cho tôi và Điện biết người Bác Sĩ kia đã trở lại và liên lạc với họ. Hồ sơ bảo trợ của tôi và Điện được đúc kết giữa Bác Sĩ H. Crawford và hội nhà thờ Tin Lành, với thỏa thuận là một gia đình của nhà thờ Tin Lành cho chỗ ở cho tôi và Điện, tiền ăn của tôi và Điện thì được đài thọ bởi Bác Sĩ H. Crawford. Và ngôi trường mà tôi và Điện sẽ nhập học là Pepperdine University at Malibu, California, với bốn năm học bổng toàn phần (tiền ăn, tiền ở đại học xá, tiền sách vở và học phí).
 
Sáng ngày 16-10-1975, ngày chính thức chấm dứt Chiến Dịch Đời Sống Mới (Operation New Life), một tín đồ của hội nhà thờ Tin Lành cùng Bác Sĩ H. Crawford đến trại Pendleton gặp tôi và Điện. Sau những lời chào và những cái bắt tay cám ơn, Bác Sĩ H. Crawford nói rằng một tuần sau ông sẽ đến đưa tôi và Điện đi ăn và sẽ nói chuyện nhiều hơn. Bác Sĩ H. Crawford bắt tay mọi người, chào rồi trở về phòng mạch.
 
Vị tín đồ Tin Lành đề máy chiếc xe Station Wagon, rời khuôn viên trại 1. Chiếc Station Wagon chạy boong boong trên con đường nhựa, băng ngang qua khu đất trống rỗng, mà mấy tuần trước đầy dẫy những người trong căn lều của trại 8!
 
Chiếc xe vẫn chạy và vị tín đồ nói rằng: “Bốn tiếng đồng hồ sau chúng ta sẽ đến thành phố Thousand Oaks, California.”
 
Tôi nhìn qua cửa xe, bóng dáng của Phương qua ánh mắt và nụ cười của người em tôi chưa biết tên, và cảnh náo nhiệt của đoàn người tị nạn dường như vẫn còn đâu đó! Và tiếng ca Ngày Hạnh Phúc:
 
Ngày em lo nương khoai, dưới mưa dầm anh lo cày cấy
Dù cho bao gian lao, nhưng tình nghèo góp sức mà vui
Cầu mong cho mai sau, gió đưa thuyền tình về bến mơ…”

 
mang tôi về một phương trời xa.

______________________
Đồng Sa Băng. 12-8-2009

PS. Phải làm như vầy không chị Ct.Ly[sm=secret.gif]




<bài viết được chỉnh sửa lúc 16.08.2009 14:01:36 bởi DongSaBang >

Ct.Ly

DongSaBang
  • Số bài : 176
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.12.2006
Thousand Oaks - 21.01.2010 10:00:19
Thousand Oaks

(tiếp theo bài “Pendleton, Người Di Tản Cuối”)




Chiếc xe thùng (station wagon) trên con đường duy nhất đưa ra trại tị nạn Pendleton trưa ngày 16-10-1975. Hai bên đường là những ngọn đồi lòi còi, cây cối lưa thưa, và trùng trùng điệp điệp một màu vàng nhạt trải dài trên khắp cánh đồi. Trong chốc lát người tín đồ đã ra khỏi khu thung lũng, bắt vào Freeway 101 chạy về thành phố Thousand Oaks, California.

Xe chạy qua những nông trại rau quả ở miền Nam California. Trên những cánh đồng rau quả là hệ thống tưới nước được kéo (hay đẩy) bởi những chiếc xe nông cơ. Nhìn cánh đồng rộng bao la đang được tưới tự động, tôi lại nhớ đến những cánh đồng ở miền Trung Việt Nam. Nơi đó, hằng ngày những người nông dân lam lũ thui thủi dưới chiếc nón lá, lưng khòm kéo từng giọt nước dưới mương đổ lên ruộng bằng những cánh tay gầy, khô.

Tiết trời mùa Thu, gió lạnh. Hai bên đường những bông hoa đỏ hồng như hoa giấy chạy dài theo hai bên mặt lộ. Nhà và phố sá nối dài trên những con đường ngăn chia khu phố thành những ô vuông nho nhỏ. Những căn nhà đâu đít lại nhau, xây mặt ra mặt lộ và chạy tít lên tận chân đồi. Tôi ngồi trong xe dõi mắt nhìn theo những khu phố đang đua nhau lùi về phía sau; nhưng không thấy bóng dáng một con hẻm nào như những con hẻm ngoằn ngoèo, len lỏi giữa những khu lao động đông dân ở thành phố Sài Gòn!

Xe chạy xuyên qua thành phố Los Angeles. Có những khu nhà làm trên sườn đồi. Nhìn những căn nhà nằm cheo leo trên sườn núi, tôi lại nhớ về ngày xưa.

Quê tôi cũng nằm bên cạnh chân đồi. Từ ngôi làng nhìn ra trước mặt là một cánh đồng lúa, và tận cùng cánh đồng lúa là một ngọn đồi. Những buổi hoàng hôn đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống làng mạc, khói bay ra từ nóc nhà như một bức tranh sơn thủy, đã làm mềm lòng Cha tôi. Ngày đó Cha tôi ước mơ được xây căn nhà trên sườn đồi Gò Đồn để hóng mát. Nhưng không được, không phải vì nguy hiểm do thú dữ cọp beo nơi rừng xanh, mà vì quê hương đang trong thời “nửa sáng nửa tối”, và hằng đêm những người bên kia kiểm soát khu rừng này. Sự hiện diện của những người bên kia đã mang lại sự bất an, và không bảo đảm tính mạng cho người dân sống trên những triền đồi ở miền quê. Nên ước mơ xây căn nhà trên sườn đồi của Cha tôi ngày ấy chỉ là một giấc mơ! Mà có mấy giấc mơ được thành sự thật!

Đang mơ màng về một vùng quê xa xăm thì người tín đồ chỉ tay về phía triền núi và nói:

“Nhìn kia, đó là bản hiệu của thành phố Hollywood.”

Tôi nhìn qua cửa xe, hàng chữ Hollywood rất to, màu trắng, được gắn lưng chừng trên triền núi.

Xe đang chạy qua trung tâm điện ảnh thế giới Hollywood.

Từ xa lộ nhìn vào thành phố Hollywood là những khu nhà khang trang, đẹp mắt. Ngày xưa tôi mường tượng trung tâm điện ảnh thế giới văn minh và hùng vĩ lắm. Nhưng hôm đó chạy qua thành phố Hollywood tôi cũng dững dưng, và trong tôi không còn cái ngạc nhiên của một người đến từ một thành phố đơn sơ. Có lẽ những tháng ngày buồn bả nổi trôi trên con đường tị nạn đã làm mờ những háo hức, nên những kiến trúc vĩ đại cũng không làm tôi nôn nao. Hay có lẽ người xưa đã chí lí khi nói: “Không có gì lạ dưới ánh mặt trời.”

Chiếc xe rời khỏi thành phố Los Angeles, chạy về miền Bắc.

Từ đây Freeway 101 rộng thênh thang (hệ thống xa lộ ở California gọi là Freeway vì trên những xa lộ này xe chạy không bị đóng tiền lộ phí). Và chiều cùng ngày 16-10-1975, chiếc station wagon đã đến thành phố Thousand Oaks. (Sau này, trong một buổi tiệc giữa những người di dân và người bản xứ, tôi được nghe người ta kể rằng thành phố này có hàng ngàn cây Oaks (cây sồi) nên đã được gọi là thành phố Thousand Oaks. Thì ra cách đặt tên ở Tây cũng như Đông, nhưng chắc ở đây không có bà già trầu nhai trầu bỏm bẻm.)

Thousand Oaks là một thành phố nhỏ, thưa dân. (Thời điểm 1975 dân số chừng 53,800 người. Năm nay, 2010, dân số Thousand Oaks phỏng chừng 129,000 người.) Nằm bên lề Freeway 101 của quận Ventura. Khi đến cực Bắc thành phố Thousand Oaks chiếc xe rẽ Freeway 101 bắt vào Lynn Road để đưa vào khu cộng đồng Newbury Park. Trong giây lát vị tín đồ Tin Lành đã đưa chúng tôi đến một căn nhà trên đường South Longford Avenue, căn nhà nhỏ nằm trong một xóm yên tịnh của Newbury Park.

Xe vừa đổ tôi bồi hồi bước xuống. Một người thiếu phụ đứng tuổi, vui tươi vồn vã, đến tận cửa xe chào đón chúng tôi. Bà vui mừng bắt tay và tự giới thiệu.

Với cử chỉ ân cần, niềm nở của bà đã xóa bớt đi những nỗi băng khoăn của tôi trên đường rời trại tị nạn sáng nay.

Chúng tôi ái náy bắt tay bà nói lời cám ơn. Bà nở nụ cười tươi, ôm chòang lấy tôi và Điện và bảo rằng từ đây hảy gọi bà là Valerie, Mrs. Valerie Smith. Trong vòng tay của bà tôi thấy ấm cúng, giống như một thứ tình cảm ấm áp của người mẹ, của người chị, và của gia đình dành cho người con, mà gần nửa năm nay tôi đã đánh mất. Nhìn sự bàng hoàng hiện rõ trên tôi và Điện, bà quay qua người tín đồ nói cười vui tươi những gì tôi không thể hiểu hết; người tín đồ đến nắm tay hai đứa chúng tôi, nói lời giả biệt rồi ra xe chạy đi.

Căn nhà ấm cúng có ba tần (three levels split) với bốn phòng ngủ, và đầy đủ những phòng căn bản. Một hồ bơi nhỏ nằm sau vườn, năm ba bụi cam trái sum sê và vài bụi chanh quanh vườn. Qua mỗi căn phòng, bà giới thiệu tên đứa con nào ở trong đó. Cuối cùng bà đưa tôi và Điện đến căn phòng nhỏ nằm ở tần dưới cùng, phòng của hai đứa chúng tôi.

Căn phòng có hai giường ngủ nhỏ, xếp thành hình L. Bà đã lo đầy đủ mền, ra, nệm tươm tất và nhẳn bóng như giường ngủ nơi khách sạn. Và đặc biệt, bà đã mang từ đâu bốn cái va-ly đời xưa, rắn chắc, màu vàng, để sẳn trong phòng cho hai đứa chúng tôi. Nhìn những chiếc va-ly tôi thắc mắc, một suy nghĩ thóang qua trong đầu: không lẽ mình sẽ đi chỗ nào khác nay mai sao? Nhưng rồi tôi xua đuổi những ý nghĩ mông lung đó đi.

Chỉ chỗ ở cho chúng tôi xong, bà xuống bếp lo bửa ăn.

Và trời đã xế chiều.

Khỏang ba giờ, những chiếc xe buýt màu vàng, giống như những chiếc xe buýt chở người tị nạn từ sân bay về trại những tháng trước, ngừng lại trước nhà và thả học trò xuống. (Sau này tôi biết đó là những chiếc xe chở học trò đi và về miễn phí, một điều mà ngày xưa ở Việt Nam tôi chưa hề biết, vì chưa hề có!) Tôi ngồi trên sân cỏ trước nhà, nhìn những đứa học trò nhỏ rời xe buýt chạy tung tăng trên đường. Trong đám trẻ con có hai đứa chạy thẳng vào nhà tôi mới đến. Thấy tôi, chúng khựng lại và nói: “Hi” rồi nhăn răng bỏ chạy vào nhà. Một giờ sau lại một chiếc xe buýt màu vàng dừng lại trước nhà. Những học sinh đệ nhị cấp, ăn mặc quần áo đủ màu sắc, không đồng phục, vai đeo túi sách lần lượt xuống xe. Một vài nữ sinh trò chuyện bên nhau và trong giây lát con đường South Longford im lìm, còn lại những chiếc lá rơi lả chả trên mặt đường, và một người học trò cao ráo lại bước vào nhà. Trong khuôn viên nhà bếp, bà Valerie lần lượt giới thiệu ba người con của bà cho tôi và Điện.

Bà Valerie chỉ có ba đứa con trai. Don là đứa bé nhỏ nhất, đang học lớp 7. Kế đến là Jack lớp 8 và Jim Jr. lớp 9.

Bà bày những dĩa đồ ăn cho chúng tôi và ba đứa con mới từ trường về. Bà nhìn tôi và Điện, nói:

“Nay các con đều là con của Má, từ đây các con gọi Má là Mom như các em con cho thân thiện.”

Xong bà chỉ vào chúng tôi và nói với các con bà:

“Đây là Van Nú-dình và Zim Nú-dình, hai người anh mới của các con.”

Tôi hơi ngượng vì bà bảo tôi phải gọi bà bằng Mom (trong đầu tôi nghĩ bà còn trẻ hơn người anh cả của tôi nhiều), nhưng vừa nghe “Mom” đọc tên tôi, tôi nhịn không nổi và quên luôn sự ngượng ngùng, cười sặc sụa và nói:

“Mom, tên con không phải là Nú-dình và tên anh ấy không phải là Zim”.

Bà đặt ly nước cam trước mặt tôi, cười và nói:

“Ừ, Mom biết, nhưng Mom không thể nói như con được. mỗi lần Mom nói thử thì lưỡi của Mom nó trẹo lại.”

Tôi nhìn bà, uống ly nước cam rồi cũng cười trừ. Don lấy làm khoái chí và nói:

“Tên của các anh ngộ quá.”

Từ đó Mom đã ngang nhiên biến tên tôi thành Nú-dình mà không cần một sự hợp thức hóa nào của tôi và chính quyền. Và cũng từ hôm đó Don với mái tóc dài màu hung như màu cỏ cháy, và khuôn mặt bầu bĩnh thường quấn quít bên tôi, như một đứa em dễ thương.

Chiều tối, khi đèn đường bừng sáng thì trong căn nhà chúng tôi mới đến lại xuất hiện người đàn ông. Khi cánh cửa mở ra, một người đàn ông với bộ y phục màu đen, trên cầu vai có ba gạch ngang màu vàng, bước vào nhà. Ông James Sr. Smith chồng bà. Chúng tôi chào và cung kính gọi ông là Mr. Smith. Nhưng ông mĩm cười chào lại, và bảo chúng tôi gọi ông là Jim. Sau bửa cơm tối, ông Smith nói rằng ông từng là một phi công bay trực thăng chiến đấu, đóng ở căn cứ Chu Lai, Đà Nẵng trong những năm 1969 - 1971. Ông đã giải ngũ khỏi Không Quân Hoa Kỳ và hiện là phi công dân sự cho hãng hàng không America Airline, lái Boeing 727 bay khắp nơi trên đất Mỹ.

Những ngày kế đó Mom thường đưa chúng tôi đi nhà thờ cùng gia đình. Và dường như mỗi buổi chiều, trong suốt thời gian hai tháng tôi và Điện ở đây, người mục sư mang tên Roland đều đến nhà để truyền đạo cho tôi và Điện. Tôi biết gia đình Điện ngày còn ở quê có liên hệ với hội nhà thờ Tin Lành, nhất là sau ngày tản cư ra tỉnh.

Nhưng tôi là người ngoại đạo...

Từ nhà bà Valerie đến nhà thờ đi bộ chưa được 10 phút nhưng cả nhà bà vẫn ngồi xe hơi mỗi lần đi. Con đường đến nhà thờ một bên là khu đất lớn trống rỗng, không ai canh tác gì trên đó ngoài việc để cho cỏ mọc. Nhưng ngay cả những ngọn cỏ hoang cũng được cắt ngắn sát mặt đất như tóc nhà binh. Thoạt đầu tôi nghĩ chắc nơi đây có nông trại nuôi bò nhiều lắm, nhưng nhìn mãi vẫn không thấy con bò nào trên cánh đồng.

Hôm đi nhà thờ đầu tiên, tôi không nhớ rõ ngày nào chỉ nhớ là một ngày cuối tuần, tôi và Điện được vị mục sư giới thiệu rất ân cần trong buổi lễ. Tan lễ, chúng tôi lưu lại trong sân để được bắt tay chào đón, một cử chỉ ấm cúng và đầy tình người, mặc dù với họ chúng tôi là những người xa lạ, xa lạ ngay cả đến cái tên gọi! Trên sân giáo đường không có tà áo dài bay phất phới trong gió với hình ảnh những người thiếu nữ nắm tay nhau rời giáo đường như những lần tôi thấy trên quê hương Việt Nam. Nhưng lòng tôi vẫn thấy xao xuyến.

Một tuần lễ sau, mỗi lần đi nhà thờ tôi nói với Mom là tôi muốn dẫn Don đi bộ đến nhà thờ và khi tan lễ tôi muốn bách bộ về nhà hơn là ngồi trên xe. Có những hôm tôi lang thang trên cánh đồng cỏ hằng giờ nô đùa với Don.

Thời gian trôi qua tôi thấy buồn, nhớ. Tôi rời nhà, dạo chơi trong xóm nhưng một điều làm tôi luôn thắc mắc là, sao không thấy ai đi bộ và dạo chơi ngoài đường! Nơi đây nhà cửa và dân cư còn đông hơn nơi tôi ở ngày xưa, nhưng sao không thấy người đi bộ? Sự vắng lặng làm tôi nhớ Sài Gòn đến điên dại. Nhớ bóng người đi, nhớ tiếng nói, nhớ sự ồn ào, nhớ gia đình. Đêm về, với chiếc máy cassette cũ rích và băng nhạc duy nhất tôi nghe đi nghe lại nhão như cháo, tiếng hát Thanh Thúy cứ văng vẳng: “Tôi vượt đường xa xôi tìm em đã khắp nơi….” mà “Đường phố muôn màu sao thiếu em, về đâu làn tóc xõa bên rèm, lầu vắng không người song khép kín, nhớ em tôi gọi tên, chỉ nghe tiếng lá rơi thềm.” Hay là em đã “Mong đợi từ bao lâu giờ anh chết nơi đâu…”

Chỉ được thêm cái buồn.

Mỗi buổi sáng nhìn xe học trò đến đón những đứa em đi học, tôi thấy lòng rạo rực. Trước khi rời trại tị nạn Pendleton, tôi và Điện đã được Pepperdine University chấp nhận. Nhưng vì xuất trại sau ngày trường nhập học khóa mới một tháng, nên, chúng tôi phải ngồi chờ khóa kế, nghĩa là phải đợi đến hai tháng nữa.

Tôi, cũng như bao nhiêu người tị nạn khác, đến đây với bàn tay trắng. Không tiền không bạc không thân tích, tứ cố vô phương. Chúng tôi tuy khác hoàng cảnh gia đình nhưng lại có nhiều mẫu số chung trên miền đất hứa này. Cơm - áo - gạo - tiền và tương lai trước mặt là một thử thách lớn cho mỗi cá nhân. Bao nhiêu nỗi băng khoăng của người chịu sự giúp đở từ kẻ khác, nhiều đêm tôi cũng thao thức. Có lẽ nhìn được sự lo lắng cho một tương lai và nỗi buồn xa xứ qua những buổi chiều ngồi trầm ngâm trước sân cỏ, một tuần sau Mom đã nói với tôi và Điện:

“Ngày mai Mom sẽ đưa hai đứa đến một nhà thờ kia để gặp nhiều người mà Mom biết chắc hai đứa sẽ vui lắm. Và sau đó chúng ta sẽ đến gặp ông chủ nhà hàng Mễ Tây Cơ ở Thousand Oaks.”

Ngày tàn cuộc chiến tôi rời xa quê hương nửa vòng trái đất. Cuối cùng tôi tị nạn trong một gia đình, mà chủ nhà đã từng sống bên cạnh đồng đội ở Việt Nam, lăn lộn và chiến đấu chống Cọng trên quê hương tôi! Có những lúc chúng tôi chia sẻ những nỗi buồn chiến tranh. Và hằng tuần tôi đến giáo đường. Giáo hội này có hằng trăm giáo dân, nhưng họ quyết định để papa Smith cưu mang tôi, chắc không phải chỉ là một điều ngẫu nhiên. Có đêm cụm từ chiến tranh và hòa bình cứ lảng vảng trong tôi, và có đêm tôi nằm mơ đang nô đùa chạy chụp banh cà-na với hai em Jim Jr. và Jack trong một trận banh mà trọng tài là papa Smith.

Ngày mai, ngày bắt đầu Chiến Dịch Đời Sống Mới!

______________________
Đồng Sa Băng. 20/1/2010.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 22.01.2010 09:42:53 bởi DongSaBang >

Ct.Ly

DongSaBang
  • Số bài : 176
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.12.2006
RE: Thousand Oaks - 28.01.2010 06:43:23
Nhìn cành mai với những bông búp chớm nở, lá non đâm chồi... à! Xuân sắp về rồi. Cám ơn sis và cũng xin chúc sis một năm mơi an khang thịnh vượng.
 
Đồng Sa Băng.

DongSaBang
  • Số bài : 176
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.12.2006
Con Đường Mòn Không Tên - 05.04.2010 01:09:26
Con Đường Mòn Không Tên
 (tiếp theo bài: Thousand Oaks)

Một buổi chiều Chủ Nhật trung tuần tháng 11 năm 1975, sau hai tuần được bảo trợ về Newburry Park, Mom Valerie đưa tôi và Điện đến dự lễ tại một thánh đường hội nhà thờ Tin Lành ở thành phố Thousand Oaks. Xe đổ xuống con đường South Longford trong lá mùa Thu rơi tơi tả, Mom băng qua khu đất trống bắt vào freeway 101chạy về hướng Nam để đến thành phố Thousand Oaks. Trời tháng 11, gió lạnh và những sân cỏ trên đồi Newburry Park bắt đầu khoác một lớp áo len màu vàng, tôi kéo cửa xe lên để chận những luồng gió làm tê buốt da mặt. Và chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ xe đã đến thánh đường.

Thánh đường khang trang, lịch sự. Phòng thánh lễ được lắp đặt với những tấm kiến đủ màu sắc, có chạm hình Chúa, những con cá, chim, và hình ảnh những gia đình, cộng đồng sum họp trong giờ  ăn với đầy những bánh mì và trái cây. Giờ thánh lễ rất trang nghiêm, đầy đủ những lễ nghi từ lời giảng của Linh Mục, bài đọc của con chiên, lời thánh ca, những chiếc rỗ đan bằng nan cây được đưa trước mặt tín đồ để quyên góp cho quỹ nhà thờ; Và cuối cùng là những gương mặt và ánh mắt vui tươi, dường như họ quên đi tất cả những nhọc nhằn va chạm trong tuần, quay mặt lại ôm nhau chúc lời bình an. Tôi quay qua bắt tay chúc mừng “Chúa ở cùng bạn - God be with you”.

 
Rồi quay mặt ra phía sau, tôi bắt gặp những ánh mắt và khuông mặt quen thuộc của nhiều người Việt! Vì  hôm nay là buổi lễ đặc biệt hội ngộ của những gia đình người tị nạn Cọng Sản được “bông-so” tại thành phố Thousand Oaks. (Từ “bông-so” do chữ sponsor là người bảo trợ, mà ngày ấy người tị nạn thường dùng với tính cách trào phúng.) Một người thiếu nữ cở tuổi đôi chín trong gia đình người tị nạn đứng sau lưng tôi, với nụ cười xả giao tôi đưa tay ra nắm lấy tay nàng và nói: “God be with you.” Nàng e thẹn rút tay lại và khẻ nói: “With you too.”  Sau lễ chúng tôi được hội nhà thờ chào đón niềm nỡ, giới thiệu cho nhau để làm quen. Có lẽ hội bảo trợ nhà thờ đã nhìn thấy nỗi buồn cô đơn trên xứ người của dân tị nạn nên đã tạo điều kiện cho họ gặp nhau. Nhưng cũng lạ, chỉ trong vòng một thời gian ngắn rời xa trại tị nạn, xa người dân Việt và xa những sinh hoạt quen thuộc hằng ngày giữa những người cùng màu da, tiếng nói, đã làm nhiều người thấy nhớ!

Hôm đó tôi được làm quen với “đoàn người cũ”. Tự nhiên tôi lại thấy quý mến với một thứ tình cảm là lùng, một thứ tình cảm chưa bao giờ hiện hữu trong tôi, một thứ tình cảm dành cho những người chưa bao giờ gặp mặt, chưa bao giờ biết tên, vậy mà thấy trân trọng. Có lẽ vì những tiếng chào đón, thăm hỏi bằng tiếng Việt thân yêu, và một cái gì đó rất gần, rất quen thuộc đã thiếu vắng. Hay có lẽ bên cạnh những con người kia tôi có thể tìm được một sự đồng cảm!

“Anh ở đâu? Chị ở đâu?” Câu hỏi đầu môi của những người Việt tị nạn líu lo khi gặp một người tị nạn khác! Và “Ồ, chị cũng ở quận XYZ à! Ngày xưa tôi cũng ở nơi đó.” Những lời chân thành mộc mạc vui tươi lại xuất hiện trên gương mặt những người “tha hương ngộ cố tri”. Hình như người Việt trong những lúc chia rẽ lại đoàn kết hơn và quý mến nhau hơn!

Tan lễ, chúng tôi tề tựu trên sân giáo đường, vui mừng rộn rã ghi tên, địa chỉ và xin số điện thoại của từng người, không khác gì nỗi bâng khuâng của những người học trò trong  buổi tan trường cuối cùng, trước khi chia tay cho ba tháng Hè. Cũng trong buổi lễ này tôi gặp hai vị ân nhân là Dr. Moore và Dr. Swan, hai người giáo sư của trường Pepperdine University đã có công vận động xin học bổng cho tôi, Điện và George. George (19 tuổi, cùng tuổi với tôi và Điện) nhận làm con nuôi của một thiếu phụ người Mỹ mà bây giờ lâu quá tôi cũng quên tên Việt của George. Anh bạn này chỉ thích người ta gọi tên mình là George, và hình như cái tên cúng cơm bằng tiếng Việt của George cũng đã bị quên hẳn từ ngày theo học ngành Kế Toán tại Pepperdine University.

Ngoài George ra còn có ba gia đình khác: Một gia đình gồm cả ông, bà, cha, mẹ, anh em và con cháu, đếm trên ba chục người. Nhìn gia đình này những người bạn Mỹ phải biết nễ dân Việt! Họ là những người dân ở tuổi mới chào đời đến tuổi già nua và đã một lần rời bỏ quê cha miền Bắc di tản vào Nam, và nay, trong những ngày cuối cuộc đời lại phải rời xa quê cha một lần nữa! Một gia đình khác có hai vợ chồng và bảy người con, mà xem đi xem lại cũng chỉ toàn là “dim díp” không thôi. Trong hai gia đình này có những cô xinh đẹp đến “nghiêng thùng đổ nước.” Và một gia đình nữa chỉ có hai người bạn thanh niên “mồ côi” đi chung với nhau, giống như tôi và Điện. Hai anh này, một người thì bặm trợn một người thì hiền lành, và cả hai được hội nhà thờ bảo trợ, đang cư ngụ trong nhà vợ chồng Dr. Swan. Đó, buổi hội ngộ đầu tiên giữa tôi và những người tị nạn Viêt Nam khác tại thánh đường hội Tin Lành ở thành phố Thousand Oaks.  Có điều chắc trong chúng tôi không mấy người hiểu rõ những lời rao giảng của vị Linh Mục, nhưng dưới bóng giáo đường chúng tôi tìm lại sự bình an và tình đồng hương.        

Những giây phút mừng vui gặp lại người cùng quê hương vẫn còn đọng trên bờ môi ánh mắt thì chúng tôi phải chia tay. Tôi và Điện lên xe theo Mom Valerie đến một nhà hàng Mễ Tây Cơ nằm trên đại lộ Thousand Oaks. Nhà hàng nằm bên góc đường yên tĩnh, tường gạch được tô lớp xi-măng trắng ngà ngà và mái ngói đỏ chót, sân lót gạch bằng riếng, và rợp bóng mát từ năm ba cây sồi trắng (white oaks). Dọc theo bờ hè là những chậu hoa kiển trông rất mát mắt. Chỉ nhìn vào bề ngoài người ta cũng có thể đoán đây la một nhà hàng “hạng sang.”  Mấy tuần nay ở nhà bảo trợ ngày nào cũng bánh mì, bơ sửa, mì ống, ketchup, friend fries trông thì đở hơn “chop sui” trong trại tị nạn, nhưng tôi ngán và ngán đến cổ họng. Lâu rồi tôi thèm và nhớ đến mấy hột cơm, mấy hột cơm trắng. Nhưng hôm nay đứng trước nhà hàng sang trọng này thì mấy hột cơm trắng nhằm nhòi gì!  Chúng tôi xuống xe tiến vào nhà hàng. Tôi nghĩ hôm nay chắc sẽ được dịp “trả thù” cho cái bao tử mấy tháng nay.

Ông chủ nhà hàng trông bệ vệ, tuổi trên 40, người hòa nhả, đạo mạo, ra bắt tay và không quên hôn cái chụt lên gò má của Mom Valerie. Tôi chưng hửng và nói thầm trọng bụng “Ông này táo bạo quá, papa Smith còn đó mà không ngán chút nào ta!” Nhưng thấy Mom rất nghiêm trang, vui vẽ, tôi cụt hứng lẽo đẽo theo sau bước vào nội sảnh. Sau một hồi nói chuyện, ông chủ nhà hàng hỏi tên chúng tôi, tôi đọc tên thật chậm và rõ ràng cho ông nghe: “Sir, my -  name - is - Vân - Nguyễn.”  Ổng trợn tròn đôi mắt nhìn Mom và nói: “What, what is his name?” “Ah ha, just call him Van Nu Gent.” Mom nói trong tiếng cười và bảo ông ta gọi cậu kia là Dien Nu Gent. Vậy là xong, Mom không chỉ đổi tên tôi mà luôn cả những người bạn nào Mom gặp cũng giới thiệu tên mới của tôi, Nhưng cũng không đến nỗi tệ bằng người đi chung với tôi, từ đây tên anh ta trở thành Điên thay vì Điện! Nhưng nói đến tên ngườiViệt khi đến Mỹ này thì than ôi, nhiều tên khi đọc lên còn nghe thảm thiết lắm, có những tên họ đọc lên nghe còn đỏ mặt nữa là khác, như Dũng nè, Loan nè, Cừ nè, Cún nè, Du Mậu Nguyễn nè, v.v…

Cuộc trò chuyện đang nữa chừng thì Mom bắt tay người chủ nhà hàng chào ra về. Tôi lại chưng hửng nữa! Sao kỳ vậy, đến nhà hàng mà sao không được ăn! Đó, phải chi hồi nãy tôi đừng mơ và đặt niềm tin lớn vào những món ăn ngon ở nhà hàng này thì bây giờ đâu có thất vọng! Tôi đành xoa bụng bước ra xe! Nhưng tôi biết là ngày mai tôi và Điện sẽ trở lại đây, trở lại đây để nhận công việc, một công việc mớí, một việc làm đầu tiên trong chiến dịch đời sống mới, một người bus boy.

Trước khi về nhà Mom không quên ghé cây xăng mua cho tôi và Điên (không có dấu nặng à nhe, không phải tôi quên đâu he he!) tấm bản đồ thành phố Thousand Oaks. Rồi sau đó Mom đưa chúng tôi đến một trung tâm thương mại (Shopping Mall) sắm cho tôi cặp kiến cận mới, thay cho cặp kiến cũ kỹ mờ như câm và nặng như cái cùm tôi mang từ Việt Nam qua. Xong Mom đưa hai chúng tôi ghé tiệm cắt tóc. Tại đây Mom yêu cầu người thợ xuống hai “mái tóc thề” của tôi và Điên. Người thợ cắt tóc đã vô ý chạm kéo vào cổ làm đứt da tôi, máu chảy đỏ lòm, ông ta hoảng sợ tái mặt. Mom nhìn trấn an tôi, nhưng tôi nói không sao, chỉ vài dọt máu rồi da sẽ liền lại, tôi đến từ Việt Nam mà, những thứ lẻ tẻ này ăn nhằm gì! Tôi nhớ ông thợ cắt tóc lo lắm, cắt xong ông nhìn tôi và nói tôi khỏi trả tiền công cho ông ta. Tôi cám ơn ông ta và ra về.

Ngày hôm sau, trên tay cầm tấm bản đồ điạ phương, tôi và Điện nghiên cứu rõ những con đường nào có thể đi đến nhà hàng Mễ Tây Cơ kia bằng xe đạp. Chúng tôi nói với Mom và Papa Smith rằng chúng tôi có thể đến nhà hàng một mình. Rồi chúng tôi lên đường bằng hai chiếc xe đạp cũ, loại xe đạp xưa dùng cho người lớn tuổi chạy tập thể dục. Lăn lộn qua những con đường lớn, nhỏ, chúng tôi đạp từ Newburry Park đến Thousand Oaks. Khi đến Freeway 101 xe đạp không thể băng qua xa lộ nên chúng tôi chạy trên con đường mòn song song với Freeway 101. Con đường mòn được thành hình do những người trẻ dùng xe gắn máy, loại xe chạy trên đồi núi, tập dợt lâu ngày trở thành nhẳn bóng. Ngoài những chiếc xe máy chạy núi và những chàng thanh niên trẻ tuổi suốt ngày rồ máy cày nát lối đi đất sét này người ta không còn bắt gặp ai nữa! Nhưng từ hôm nay lại có thêm hai bóng người gò lưng đạp xe lên đồi xuống dốc, băng qua từng con suối khô cằn trên con đường mòn không tên để đến chỗ làm. Tôi nhớ con đường từ nhà Mom Valerie đến nhà hàng Mễ Tây Cơ dài 19 dặm (mile), tức khoảng 28 Km. 28 Km tôi và Điện phải mất 2 tiếng đồng hồ để đi một chiều.

Ngày đầu tiên chúng tôi được ông chủ cho làm bus boy kim waiter (chạy bàn), ông trả cho chúng tôi $2.10/giờ và cho ăn buổi trưa. Chúng tôi chỉ làm 2 tiếng mỗi ngày, từ 10 đến 12 giờ trưa. Tức là mỗi ngày tôi đạp xe đạp đi và về 4 tiếng đồng hồ, để làm 2 giờ với số lương tối thiếu của thời 1975 ở Cali. Vị chi tôi kím được $4.20 cho mỗi ngày. Chúng tôi rất vui mừng và ngày nào cũng đến nhà hàng rất đúng giờ. Nhưng câu chuyện vui cũng bắt đầu từ đây. Tôi nghĩ mình đi làm nhà hàng thì ăn cơm ở nhà hàng là chuyện bình thường, nên đến trưa ông đầu bếp bảo hai đứa tôi muốn ăn gì nói ổng làm cho. Chúng tôi nhìn thực đơn bằng tiếng Mễ Tây Cơ cũng giống như nhìn tiếng Phạn vậy, nghĩa là không biết món nào là món nào cả. Tôi bèn đưa ngón tay chạy một dọc trên tờ thực đơn và ngừng ngay tại món ăn mắt tiền nhất, cở $6.00. Tôi bảo ông đầu bếp cho tôi món đó. Hai đứa chúng tôi mang ra bàn ngồi ăn uống thoải mái, đồ ăn Mễ tuy có nhiều chất bơ (cheese), nhưng ngon. Đến ngày hôm sau chúng tôi yêu cầu đầu bếp cho món khác nhưng cũng là một trong những món mắt tiền nhất, nghĩa là cũng từ $6.00 trở lên. Tình cờ ông chủ nhà hàng đi ngang qua và ông ta liếc mắt nhìn chúng tôi ăn. Ông ta khựng lại và có vẽ không vui. Và ngày thứ hai, trước khi ra về ông chủ gọi hai đứa tôi lại và nói bắt đầu từ đây chúng tôi phải mang đồ ăn nhà theo để ăn, nghĩa là ông không cho chúng tôi ăn cơm nhà hàng nữa! Ổng làm thương mại mà, ổng trả tiền công cho mỗi đứa chúng tôi $4.20 mỗi ngày, mà mỗi bửa ăn chúng tôi xực món ăn trên $6.00, thì hỏi thử ổng phải làm sao đây? Vậy là từ đó Mom làm cho mỗi đứa chúng tôi một cái sandwhich mang theo mỗi ngày!

Một tuần sau, ra khỏi nhà hàng còn sớm quá, về nhà thì buồn nên hai đứa chúng tôi lục điện thoại gọi thăm những người Việt gặp hôm đi nhà thờ. Chúng tôi liên lạc được người thanh niên đang ở nhà Dr. Swan. Tôi hỏi đường đi đến nhà họ (cũng ở Thousand Oaks này), và sau khi đạp ngoằn ngoèo theo hướng dẫn của anh bạn mới, chúng tôi lại đứng trước một chung cư nhỏ. Tôi ngần ngại gõ cửa:

“Vô đi, cửa mở đó.” Giọng Huế của một người thanh niên.

Đẩy cửa bước vào, tôi hỏi.

“Ủa! Sao như nhà mướn vậy! Ông bà “bông xo” đâu?”

 “Như gì, nhà mướn chứ như cái gì. Hai bồ ngồi chơi đi. Uống nước gì không?”

Giọng Huế ồ ồ của Tẩu, một trong hai người thanh niên ở nhà Dr. Swan, mà tôi quen hôm ở nhà thờ Tin Lành.

“Thôi, mới uống. Ủa! Sao vắng tanh vậy. Ở một mình sao?”

“Đâu có, đông lắm nhưng họ đi làm hết rồi, chiều mới về. Bây giờ hai bồ làm gì?” Tẩu hỏi.

“Nhà hàng.”

“Vậy à, ngon hỉ, nhà hàng nào vậy?”

“Enrique’s Mexican restaurant.”

“Hay vậy, làm sao xin vô đó?”

“Tụi này nhờ bông xo giới thiệu. Ông làm gì? ở đâu?”

“Làm cho hảng dầu hỏa. Gặp cây xăng đầu ngõ hông, của tui đó, hà hà …”

“Bơm xăng thì nói bơm xăng mẹ nó đi, bày đặc.”

Một hồi trò chuyên tôi mới biết Tẩu đi chung với một người bạn quen nhau trong trại. Sau ngày đến ở nhà ông bà Dr. Swan, người bạn kia vì không rành tiếng Anh và cảm thấy cuộc sống gò bó không thích hợp nên anh ta xin ra và mướn căn phòng này với những người lính độc thân khác. Tẩu hằng ngày vẫn đi làm cho cây xăng và ở nhà Dr. Swan, nhưng thường đến đây chơi với đám độc thân. Hôm đó tôi và Điện ở lại chơi, chiều về những người trong nhà đi làm về đông đủ. Chúng tôi gặp, làm quen và trong nhóm bạn này gòm có:  Lang (người đi cùng với Tẩu), Tư, Lợi, Thuận, Dương, Quang, Điện và tôi. Lang, Tư, Lợi và Thuận là những người lính của quân lực VNCH. Tư trong binh chủng Lôi Hổ và lúc nào mặt cũng lạnh như tiền, ít nói. Thuận, người lính trẻ nhất trong bọn, lúc nào mái tóc cũng láng mượt, ruồi đậu còn trợt chưn! Chúng tôi đều ra đi một mình chỉ trừ Dương đi cùng bố và người chị gái, và Quang là người trong gia đình trên 30 người tôi gặp ở nhà thờ hôm nọ. Dương và Quang cũng như Điện và tôi đều là sinh viên năm thứ nhất ở Sài Gòn trước ngày ra đi.

Sau vài ba lần gặp nhau, và quen nhau qua những buổi nhậu chết người, chúng tôi trở thành những người bạn thân. Những người bạn chiến binh VNCH nay buông súng xuống họ trở thành những người công nhân trong mọi công sở, ngày ngày đi đi về về nơi xứ người, mà gia đình người thân là cả một nỗi niềm suy tư trong những đêm về tối, khi ly ruợu đã khô cạn và bạn bè đã ra về. Những người bạn này ai cũng có người bảo trợ, nhưng rồi trong một thời gian ngắn sau khi khi xuất trại họ lại chon cho mình một lối đi, một con đường tự lập. Người bảo trợ chỉ là điểm tựa khi cần đến, và họ cũng thường viếng thăm người bảo trợ để tỏ lòng cám ơn công cưu mang buổi ban đầu. Thousand Oaks có khoảng trên dưới 100 người tị nạn, vài ba gia đình đông con được hội nhà thờ giúp đở mướn nhà, mua xe cũ, hướng dẫn tìm việc làm và cho con em đến trường học. Còn lại là những người độc thân, hầu hết lao vào công việc lao động và đi học bán thời gian để gầy dựng tương lai.

Tôi đến Thousand Oaks được hai tuần, hằng ngày sống trong gia đình Mom Valerie và Papa Smith. Sáng chiều đạp xe đạp đi làm, lương hướng thì thật ra không là bao nhiêu, nhưng ít ra cũng có một chỗ đi cho đở buồn. Tôi và Điện được gia đình Mom lo cho chỗ ở, còn tiền ăn thì người bạn BS (Dr. Crawford) giúp mỗi tháng trong thời gian chúng tôi chờ ngày đi học. Và đến tuần thứ ba, BS Crawford từ Santa Ana lên thăm tôi, Điện, gia đình Mom và Papa Smith. Chiều lại người bạn BS đưa tôi và Điện xuống phố đi ăn. Trước khi đi ông bảo tôi có bạn bè nào không, rủ đi chung cho vui. Vậy là như cờ gặp gió, tôi gọi điện thoại nhóm bạn mới quen và hẹn nhau đi ăn nhà hàng. Tôi đưa bản đồ và chỉ đường cho BS Crawford đến rước họ tại chung cư trên Thousand Oaks. Chiếc xe station wagon của ông BS chở 7 mạng chúng tôi đến một nhà hàng nọ, không phải nhà hàng tôi làm đâu! Người bạn BS nói chúng tôi muốn ăn gì tự do gọi, vậy là một lát sau 7 dĩa New York steak được mang ra, và rượu, beer đầy bàn. Chúng tôi được ăn ngon một bửa, rồi chia tay BS Crawford, ông trở về Santa Ana. Sau đó thỉnh thoảng ông trở lại thăm chúng tôi.

Trở về việc làm thì Tôi và Điện vẫn đạp hai chiếc xe đạp cộc cạch hàng ngày trên con đường mòn dài 28 Km đến nhà hàng. Việc của chúng tôi là chạy bàn, tức là trước khi mở cửa, chúng tôi đến sớm hơn một chút lo quét dọn lau chùi bàn ghế, sắp xếp khăn muỗng nĩa trên bàn. Khi khách đến mang thực đơn ra cho khách, khách gọi gì thì ghi vào hóa đơn và vào nhà bếp bảo đầu bếp làm món đó, xong mang ra cho khách. Chỉ đơn giản vậy thôi! Nhưng. Éo le là cái chỗ nhưng này, chúng tôi đâu có rành tiếng Mễ, món ăn tiếng Mỳ mà tôi đã gọi không rành rồi. Mỗi lần đi nhà hàng muốn ăn món nào là tôi nói bằng tay nhiều hơn, cứ chỉ vào món đó và nói “this one, that one” là được thôi! Bây giờ khách xem thực đơn xong nói một tràng món ăn bằng tiếng Mễ Tây Cơ, tôi nghe như nghe sấm, vậy mà cứ Yes, yes, Okay Sir. Xong rồi chạy xuống nhà bếp kêu lộn bà chè món này qua món kia. Kết quả là sau một tuần làm bus boy cả hai chúng tôi đều bị “cách chức” xuống phụ bếp … rửa chén! Mà chén bát thì nhiều vô số kể. Tôi rửa chưa xong cái này thì một đống từ phòng ăn đưa xuống, tôi và Điện làm không xuể bằng tay nên đầu bếp bảo chúng tôi vừa rửa bằng tay vừa đưa vào máy rửa chén cho lẹ. Sướng! Có máy rửa chén rồi tôi cứ đưa hết vào đó, ai ngờ chạy máy chưa quen làm nguyên một chồng chén bay vèo xuống đất, vỡ như pháo nỗ! Kết quả, chúng tôi lại bị “thuyên chuyển nhiệm sở”. Làm gì ở đâu trong nhà hàng này nữa bây giờ? Ông chủ cũng vì nễ chỗ quen biết với Mom nên đưa hai đứa chúng tôi ra làm ngoài sân, quét lá, tưới cây!

Và hai đứa chúng tôi đã làm ở đây được một tháng trời.

Thời gian làm ngoài vườn, cơ duyên ở đâu đưa đến, là, có chị kia làm waitress (chạy bàn) trong nhà hàng và đổi ca trùng giờ chúng tôi. Chị tên Joann, lớn hơn chúng tôi cở 4, 5 tuổi. Chị người nhỏ con, mảnh mai, cao ráo và có khuông mặt thật đẹp. Chị đã có chồng. Hằng ngày thấy hai đứa tôi đạp xe đạp đến đây làm, nhìn hai chiếc xe đạp cũ kỹ, nặng nề, chị hỏi:

“Đạp xe từ đâu?”

Tôi nói:

“Đến đây từ Newburry Park.”

Chị hỏi tiếp:

“Đường nào ở Newburry Park?”

Tôi nói:

“South Longford Ave.”

“Vậy à!”

Tôi nghe hai chữ “vậy à” của chị có vẽ ngạc nghiên. Và một lát sau chị trở ra sân gặp chúng tôi, chị nói:

“Bắt đầu ngày mai hai em đến nhà chị chị chở đi làm.”

Chị đưa bản đồ, chỉ căn nhà chị ở cách nhà Mom ba đoạn (blocks) đường. Và từ đó mỗi buổi sáng chúng tôi chạy đến nhà chị Joann, bỏ xe đạp lên station wagon của chị và ngồi xe chị đi làm. Nhưng chiều về chúng tôi phải đạp xe về vì chị không ra cùng lúc với chúng tôi.

Một tháng sau, tháng 1 năm 1976, ngày khai giảng khóa học mùa Đông bắt đầu. Mom sửa soạn cho tôi và Điện một ít quần áo, đem bỏ vào bốn cái vali đời xưa, màu vàng cứng rắn. Tôi nhét vào cuốn tự điển Việt - Anh, Anh - Việt của Lê Bá Kông, bộ sách toán - lý - hóa và cuốn Giải Tích Học tôi mang theo từ Việt Nam.

Ngày Chủ Nhật hôm đó chúng tôi đi làm bửa cuối. Từ tuần trước tôi đã báo ông chủ rằng chúng tôi sẽ thôi làm cuối tuần này. Tôi biết chúng tôi không làm vừa lòng ông mấy, nhưng buổi ban đầu mà, có lẽ ngày đầu của ông trên xứ lạ này cũng vậy thôi. Chúng tôi nói lời cảm ơn ông đã giúp chúng tôi trong giai đoạn chập chửng, ông cũng vui vẽ nắm lấy tay chúng tôi và chúc lời may mắn. Đến gặp chị Joann, chị tươi cười ôm choàng chúng tôi và chúc thành công.

Nghĩ đến ngày mai, tâm trạng tôi hoang mang, và nhớ mang máng bài tập đọc đầu tiên của cậu học trò bé nhỏ Thanh Tịnh ngày xưa. Mùa Đông, tuy “ngoài đường lá không còn rụng nhiều và trên không không có những đám mây bàng bạc, nhưng lòng tôi vẫn nao nức với những kỷ niệm của ngày tựu trường”. Vì ngày mai “Tôi đi học.
___________________
Đồng Sa Băng  4-4-2010.

p.s. Nhờ sis sửa lại tên bài Thousand Oak thành Thousand Oaks (có s). Xin cám ơn sis.
<bài viết được chỉnh sửa lúc 07.12.2010 01:38:45 bởi DongSaBang >

DongSaBang
  • Số bài : 176
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.12.2006
RE: Con Đường Mòn Không Tên - 07.12.2010 01:33:43
Pepperdine University
(Đọc sau bài: Con Đường Mòn Không Tên)


  Một buổi sáng Chủ Nhật đầu tháng Giêng năm 1976, Mom Valerie thức dậy sớm. Cũng như mọi buổi sáng, Mom bày trên bàn 5 tô cereal (thức ăn dùng để ăn chung với sữa tươi), 5 ly nước cam tươi, 5 trái chuối, và 5 viên thuốc bổ cho 5 đứa con. Riêng Papa Smith và Mom thì có dĩa trứng gà ấp-la, mấy lát thịt heo ba chỉ dài và mỏng như tàu lá được chiên dòn cong queo, vài lát bánh mì nướng, năm ba cục bơ, kem dâu, và ly sữa tươi. Những bữa ăn sáng như thế này Mom Valerie đã làm và làm rất đều đặn cho gia đình. Có lẽ vì vậy mà ít khi thấy những đứa con của Mom bị sổ mũi, hay nóng lạnh. Jim Jr., Jeff và John, ba đứa nhỏ, ăn xong chào mọi người rồi bước ra con đường trước nhà đón xe buýt đến trường.

Papa Smith rời bàn ăn, khăn áo chỉnh tề, Mom Valerie trao cái mũ vải màu xanh đen có viềng mấy cành hoa dương liễu màu vàng cho Papa Smith. Trước khi bước chân ra xe chạy về phi trường, Papa Smith bắt tay tôi và Điện, nhắn nhủ vài lời lo học hành và thường xuyên về thăm gia đình. Papa Smith đặt nụ hôn lên má của Mom rồi ra đi.

Papa Smith và Mom đều kỵ câu “chúc mừng may mắn trong chuyến bay” mỗi lần lên đường cho phi vụ, nên tôi chỉ bắt tay và nói hẹn ngày gặp lại. Vẫy tay chào Papa Smith, chúng tôi quay vào nhà phụ Mom dọn dẹp bàn ăn, Mom bảo:

-“Chúng ta phải đi kẻo muộn.”

Từ hôm qua tôi đã đến thăm và giã từ bạn bè ở Thousand Oaks.

Bốn chiếc vali thời cổ lỗ sĩ màu vàng cứng như đá được đẩy lên chiếc station wagon của Mom. Chúng tôi lên xe. Một lần nữa tôi nhìn lại căn nhà ấm cúng với một “gia đình” thân yêu, tuy mới biết và hai tháng qua tôi đã sống trong đó. Khi chiếc xe từ từ lăn xuống con đường South Longford, một cảm giác không rõ giữa buồn vui lại hiện ra trong tôi. Trong căn nhà ấm cúng này tôi bắt đầu cuộc sống mới. Tình cảm của Mom, Papa Smith và ba đứa em nhỏ dành cho chúng tôi thật trọn vẹn. Mặc dầu Papa Smith ít khi trò chuyện, một phần vì ông thường bay và một phần ông có vẽ nghiêm trang, ít nói. Thỉnh thoảng Papa Smith cũng suy tư về những ngày ông đóng quân ở Việt Nam, về những người bạn cùng ông chiến đấu đã bỏ mình nơi đó. Những địa danh tiếng Việt ông phát âm hơi lạ làm tôi khựng lại và mỉm cười mỗi lần chúng tôi trò chuyện. Nhưng những câu chuyện chiến tranh thường được chấm dứt rất ngắn.

Xe chạy ngang qua nhà chị Joann, cổng sân nhà chị đóng kín, không thấy bóng người. Có lẽ giờ này chị vẫn còn lay hoay trong bếp, sửa soạn khăn gói để lên nhà hàng Mễ Tây Cơ. Tôi mỉm cười và thầm cảm mến một người chị dễ thương, yêu kiều. Chắc chắn từ đây tôi sẽ không còn cơ hội được ngồi bên chị, nghe chị nói, nhìn chị cười mỗi buổi sáng đi làm.

Rời khỏi Newburry Park, Mom bắt vào Freeway 101 chạy về hướng thành phố Los Angeles. Xe chạy xuyên qua thành phố Thousand Oaks, một lát đã đến những cánh đồng cỏ thênh thang dọc theo hai bên Freeway 101.

Đầu mùa Xuân, cây bắt đầu đâm chồi và những ngọn cỏ cũng bắt đầu xanh trở lại. Xe vẫn lao trên xa lộ và gió vẫn thổi. Mom chỉ cho chúng tôi những con đường và xóm nhà nằm cheo leo bên sườn đồi, đó là khu nhà của những người nông dân giàu có, họ sống một mình một cõi giữa triền núi. Nửa tiếng đồng hồ sau Mom rẽ Freeway 101 bắt vào Malibu Canyon road, đi về thành phố Malibu bên bờ Thái Bình Dương. Đi được nửa đoạn đường, Malibu Canyon road trở nên ngoằn ngoèo, hiểm trở. Con đường khúc khủy cong queo như con rắn, một bên là sườn núi một bên là vực sâu thăm thẳm. Nhìn qua cửa xe những chỏm núi đá kéo dài đến ngoài tầm mắt. Núi không có cây lớn, chỉ có những bụi nhỏ và đá. Mom ôm tay lái chậm chạp len qua từng kí-lô-mét. Xe chun qua một đoạn đường hầm. Ra khỏi đường hầm là đi được hơn nửa đường đèo, núi rừng trở nên xanh tươi hơn. Từ đây dõi mắt nhìn về phía trước sẽ thấy Thái Bình Dương bao la. Và xe đổ xuống đèo. Dưới chân đèo là một vùng cỏ xanh tươi như mạ non, bên tay mặt là một tảng đá to nằm bên cạnh bức tường hình cánh cung, ngắn, thấp, có ghi hàng chữ to: Seaver College.

Mom tách khỏi Malibu Canyon road vào con đường riêng dẫn vô khu đại học Pepperdine University.


Hôm nay là ngày Orientation (ngày đầu giới thiệu trường cho những sinh viên mới). Khuôn viên đại học người đông nhộn nhịp, những bãi đậu xe đều kín mít, nhiều phụ huynh và tân sinh viên dập dìu trên khuôn viên trong ngày thăm trường. Mom đậu xe, đưa tôi và Điện đến bàn thông tin đặt ngoài sân để trả lời mọi câu hỏi cho mọi người. Mom hỏi nhân viên phụ trách chúng tôi phải “trình diện” nơi đâu, vì chúng tôi không là công dân Mỹ cũng không là du học sinh từ nước nào. Trong khi Mom đang hỏi về trường hợp chúng tôi thì từ đâu Dr. Moore lù lù đi đến. Dr. Moore là người vân động cho tôi vào trường nầy. Dr, Moore bắt tay Mom và nói Mom hãy để cho ông ta đưa tôi và Điện đến nơi ghi danh lớp học. Mom vui tươi chào Dr. Moore, nhắn nhủ tôi và Điện đôi lời cố gắn học hành, rồI giã từ ra về.
 
Tôi không là du học sinh và không văn phòng nào phù hợp nhất để lo học vụ cho tôi và Điện ngoài trừ phòng học vụ dành cho sinh viên ngoại quốc, và Dr. Moore đã đưa chúng tôi đến đó. Nơi đây chúng tôi được hướng dẫn những môn, ngành, phòng học, thời khóa biểu, trao thẻ ăn để dùng mỗi ngày, và cũng nơi đây đã ghi danh tôi và Điện ở cùng một khu đại học xá.

Tôi vẫn còn trong thời gian tìm hiểu về trường đại học này, và cũng chưa đủ khả năng Anh Văn để ghi danh những “cua” cao cấp. Hơn nữa tôi được chấp nhận vào Pepperdine University như một sinh viên năm thứ nhất, nên, để dễ thở và để chuẩn bị cho những cuộc chạy đua sau này, tôi chỉ ghi những “cua” khoa học căn bản: Toán, Lý, Hóa và một lớp Anh Văn cho sinh viên ngọai quốc. Đó là những món ăn cho “trí thức”, ngoài ra chương trình đại học Mỹ còn đòi hỏi sinh viên phải lấy những lớp kiến thức tổng quát ngoài chương trình chính, gọi là elective courses. Tôi chưa rõ và không biết gì để chọn nên tôi ghi danh lớp Tennis sơ cấp. Bấy nhiêu đó tạm gọi là đủ cho khóa học đầu tiên.

 
Rời phòng ghi danh, tôi tìm đến căn đại học xá mà tôi sẽ trú ngụ cho suốt học kỳ ở đây.

 
Khuôn viên khu đại học Pepperdine nằm trên sườn núi. Đứng trên khuôn viên đại học nhìn xuống là thành phố Malibu và bờ biển Thái Bình Dương. Sau lưng khuôn viên đại học là dãy núi đá với những chồi cây nhỏ chen lẫn nhau tạo thành một màu xanh nâu.

 
Pepperdine University, một khu bất động sản thật lãng mạn, đẹp, và hùng vĩ!

Khu học chính, khu quản trị, thư viện, đại học xá, sân vận động, hồ bơi, sân tennis, và nhà ăn đều không nằm trên một mặt bằng, mà được xây trên những mặt đất được xén ra từ triền núi cao thấp khác nhau, như những ruộng thang ở Sơn La, Hà Giang. Nằm riêng biệt trên triền núi là văn phòng của viên giám đốc điều hành học vụ, gọi là Provost House dưới quyền của viên Hiệu Trưởng, với con đường đi lên quanh co giữa những chồi cây. Provost House có nuôi một đàn chó Berger để phòng kẻ trộm.

 
Khu đại học xá là một dãy nhà riêng biệt trên một độ cao thoáng mát. Con đường tráng nhựa chạy cong cong trước mặt khu đại học xá với hàng cây lá đỏ như màu Phượng Vĩ. Bên kia con đường là sân vận động, sân baseball (bóng chày), sân tennis, và hồ bơi. Và nhìn xa hơn nữa là dãy nhà dân với những mái ngói đỏ chói. Học xá tôi ở là một cụm nhà kế chót trong dãy đại học xá, nhỏ vuông tượng, hai tần, có tên là Tau (phát âm là “Thâu”), ký hiệu chữ T La Mã dùng trong toán học (sau này cụm nhà mang tên Tau được đổi thành Morgan Hall). Tôi ở căn phòng lầu dưới, nhìn ra là thảm cỏ với bông hoa và hàng cây bóng mát. Mỗi căn nhà có tám phòng, mỗi phòng dành cho hai sinh viên ở. Tôi ở chung với một tân sinh viên khác tên là Craig (không còn nhớ tên họ của Craig.)

 
Lần đầu tiên tôi cảm thấy mình như một đứa con nhà giàu, được học tại một trường nổi tiếng (học phí $400 cho mỗi tín chỉ thời 1976), đẹp, thơ mộng. Đi bên cạnh những sinh viên được cha mẹ đưa đến trường mỗi sáng thứ Hai trên những chiếc xe sang trọng như Cadillac, Mercedes hay tự lái những chiếc xe xì-po bóng loáng, mà trong túi tôi không có một xu!

 
Hệ thống trường đại học Pepperdine thời 1976 gòm có ba học viện (campus): Một ở Los Angeles, một ở Malibu city, và một ở Heidelberg Tây Đức. Ngày nay Pepperdine University có bảy campus trên khắp thế giới: Buenos Aires - Argentina; Florence - Ý Đại Lợi; Heidelberg - Đức; London - Anh Quốc; Shanghai - Trung Quốc; Lausanne - Switzerland; và Chiang Mai - Thái Lan.

 
Ngoài học viện chính tại Malibu city, Pepperdine University còn có sáu campus khác (hầu hết là bậc hậu cử nhân) nằm rãi rác trong tiểu bang California: West Los Angles Graduate Campus, Encino Graduate Campus, Irvine Graduate Campus, Silicon Valley Center, và Westlake Village Gradutes Campus. Và ngày nay khu học viện chính Malibu Campus được mở rộng rất nhiều so với thời 1976.

 
Ngày thứ Hai hôm sau là lớp học đầu tiên.

 
Sinh viên nơi đây ăn mặc tùy tiện, nhiều nữ sinh đến lớp với chiếc quần sọt cụt ngủn để lộ ra cặp đùi dài thường thược, trắng nõn. Đại học xá Pepperdine University không chấp nhận nam sinh và nữ sinh ở chung một khu học xá, nhưng những căn học xá của nam sinh và nữ sinh vẫn ở chen kẻ nhau. Mỗi căn học xá có một sinh viên làm quản lý. Sau 11 giờ đêm nam sinh không được ngồi trong học xá nữ sinh và ngược lại. Pepperdine University là một trường đạo.

 
Những buổi sáng thức dậy, đoàn người sinh viên chúng tôi ôm sách vở đi trên con đường cong cong trước đại học xá để đến nhà ăn và khu học vụ. Có những buổi sáng sương mù từ Thái Bình Dương bay vào phủ kín khuôn viên khu đại học, những cụm khói trắng bay là là len lỏi dưới những tàn cây và ôm ấp những bãi cỏ còn đọng sương mai, và năm ba bóng dáng nữ sinh vội vàng đến lớp trong bóng sương mù. Và có những buổi sáng trời trong xanh biếc, nhìn ra Thái Bình Dương với đàn cá Voi nô đùa bơi bày kỳ trên mặt nước, đôi khi chúng thở phun thành những cột nước trắng xóa trên mặt đại dương. Có những buổi chiều tôi ngồi một mình trên khuôn viên đại học nhìn ra Thái Bình Dương, xa thật xa bên kia bờ, tôi thấy nhớ ray rức.

 
Đã hơn mười tháng từ ngày miền Nam sụp đổ, tôi và hàng trăm ngàn người tị nạn khác không liên lạc được với gia đình. Từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, Việt Nam và thế giới tự do đã cắt đứt mọi quan hệ, không thư từ, không bưu điện, không có một liên lạc nào giữa người bên trong và người bên ngoài. Chính quyền Việt Nam đã đoạn tuyệt với những người ra đi tìm tự do! Và bên trong, những người còn ở lại phải đối diện với cuộc sống mới khốc liệt. Hàng ngàn gia đình phục vụ cho chế độ cũ bị đưa về “vùng kinh tế mới”, một chính sách “cái cách ruộng đất” mới. Và một số người bên trong gọi ngày 30 tháng 4 là ngày “cách mạng giải phóng!” Đúng ra hai chữ “cách mạng” tự nó đã mang ý nghĩa tốt đẹp rồi. Nhưng thật ra thì, không biết cuộc cách mạng đã mang lại điều gì tốt đẹp mà mọi người (và ngay cả cột đèn, nếu được) đều muốn ra đi.

 
Khuôn viên đại học Pepperdine cảnh đẹp nhưng chỉ có ba sinh viên Việt Nam nên buồn. Hai tuần sau, vào một buổi chiều thứ Sáu vài người bạn ở Thousand Oaks xuống trường chở tôi và Điện về chơi cuối tuần. Từ đó mỗi cuối tuần là tôi và Ðiện được trở về Thousand Oaks thăm bạn bè.

 
Ở đây những người tị nạn độc thân sống những ngày tháng theo đúng nghĩa của chữ “độc thân”, rất buồn. Những tháng ngày đầu tiên người tị nạn “bị” đưa đi rãi rác khắp nơi trên đất Mỹ, họ ít có điều kiện gặp nhau. Suốt tuần làm việc quần quật trong những nhà hàng, trạm bán xăng, cửa tiệm buôn bán hay những cánh đồng rau quả,... Trong chung cư của Lang có Lang và Lợi làm cho trại nuôi gà, Tư và Thuận làm cho xưởng chế súng. Mỗi tuần trại gà biếu cho mỗi nhân viên hai vĩ trứng gà mang về nhà. Sau một thời gian căn hộ của Lang chất đầy trứng gà, ngày nào cũng trứng gà úp-la, trứng luộc, trứng chiên, trứng xào, trứng la-cót vậy mà cuối cùng cũng còn món trứng “đầy nhà”. Nên sau này căn hộ của Lang là trung tâm cung cấp trứng gà miễn phí cho những gia đình người Việt ở Thousand Oaks! Mấy cô con gái của gia đình “Thất Long Công Chúa” và “gia đình sơ sơ ba chục người” là nguồn cảm hứng của mấy chàng độc thân ở Thousand Oaks. Nhưng trời sao phụ lòng người, trứng mấy anh mang đi cho mấy nàng nhận đủ mà cuối cùng giống như trứng ung vậy, không đâu ra đâu. Nên cuối tuần đâm ra rảnh mà cũng không biết đi đâu nên chỉ biết ngồi nhà nhậu. Mà nhậu một mình thì buồn nên chiều thứ Sáu là Lang và Tẩu lại mang xe xuống trường “xúc” tôi và Ðiện về để có bạn nhậu!

 
Có những đêm thứ Bảy đôi ba thằng vùi đầu ngủ trong cầu tiêu, vì say mèm. Chỉ riêng có Thuận bất cần đàn bà con gái, suốt ngày đầu chải Pelentine láng nhuốc, ruồi đậu còn trượt chưn, xách mấy khẩu súng lục “có vấn đề” mang từ xưởng về ngắm nghía miết mà không thấy chán. Tẩu thấy vậy chọc chơi: “Súng mày hết xài rồi!” Đặc biệt Thuận chỉ tắm một lần một tuần! Đến ngày nó tắm mà bị kẹt vì chuyện gì là coi như tuần đó nó miễn tắm. Nó đến từ Chợ Lớn, ngày sinh nhật 18 nó nhập binh chủng Lôi Hổ. Đi lính chưa được một năm thì tháng Tư đến. Nó chạy theo đơn vị. Mãi đến bây giờ mỗi đêm nhớ nhà nó vẫn thắc mắc tại sao nó lại ở đây!

 
Ba tháng trôi qua, khóa học đầu tiên chấm dứt. Tôi trở về Thousand Oaks ở ké nhà bạn bè một tuần chờ khóa học mới. Lợi nhìn Thuận lau chùi khẩu súng gãy ngày này qua ngày nọ, chán, nói: “Tụi bây đi học đại học làm cái gì cho khá hơn thằng Thuận tao xem coi.” Tôi thấy cũng mắc cười nên bỏ xuống phố (mall) dạo chơi. Tôi gặp một nàng tóc hoe, da trắng có chấm đồi mồi, cao, đang dạo chơi với mấy người con trong gia đình “Thất Long Công Chúa” ngoài mall. Tôi chận lại hỏi thăm làm quen.

 
-“Sao mấy em không đi học mà dạo ngoài này?”

 
-“Dzô ziên, người ta đi đâu, làm gì mắc mớ gì đến you!”

-“À! You guys cut class!”

 
Nàng tóc hoe nghe tôi nói “cut class” liền nói:

 
-“School breaks, man. Rediculous, what he thinks he is, my father, let’s go.”

 
Tôi nói theo:

 
-“You are so beautiful!”

 
Nàng tóc hoe quay đầu nhìn trừng trừng vào tôi một chặp, rồi đi.

 
Ði dạo mall mà trong túi chẳng có đồng xu mua cà lem ăn nên tôi chán, đành quất bộ về nhà.

 
Tuần sau tôi lại trở về trường. Khóa thứ nhì tôi tiếp tục ghi danh những lớp khoa học, và lấy lớp cởi ngựa cho môn thể thao. Bây giờ thì tôi không còn đồng xu nào dính túi, nên tôi phải tìm việc làm thêm ngoài giờ học. Công việc ở đại học xá thì giới hạn chung quanh việc làm bảo trì khu sinh viên ở và những việc lặt vặt. Tôi hỏi và xin được việc làm trên chuồng ngựa. Việc làm rất đơn giản, mỗi buổi chiều tôi chỉ cần cào dọn sạch sẽ phân ngựa trong chuồng ra ngoài và mang cỏ bỏ vào máng cho ngựa ăn, chỉ vậy thôi.

 
Việc học ở trường càng ngày càng nặng hơn trước, nhưng cái nặng nhất đối với tôi là nghe và hiểu lời giáo sư giảng dạy! Hầu như tôi hoàn toàn điếc! Những lời giảng dạy như gió cứ chun vào lỗ tai này rồi tự nhiên chun ra lỗ tai kia không một chút lưu luyến. Ðại khái là sau những giờ lectures tôi chỉ biết “mò” qua từng chữ trong trang sách, mà càng “mò” nó càng rối như đống rơm. Tôi bèn mang theo máy ghi âm và trong khi thầy giảng bài tôi bật lên ghi hết vào máy. Tối về mở ra nghe và dò lại, cũng như không vì cũng chẳng giúp tôi hiểu thêm chút nào hơn. Thôi kệ, tới đâu hay tới đó.

 
Nhưng môn cởi ngựa thì tôi học giỏi lắm, chỉ sau một tuần là tôi biết rành làm sao ra lịnh cho ngựa đi bộ, cho chạy lúp xúp, cho ngựa chạy nước đại. Và một hôm tôi biểu diễn món chạy nước đại trong giờ thực tập. Ông huấn luyện viên ngồi trên một chiếc ghế trên một cái gía nhỏ, cao, giữa sân. Tôi từ mút ngoài đầu sân đua, cho ngựa chạy như bay nhắm thẳng gía ngồi của huấn luyện viên mà đâm tới. Khi tới gần gía ngồi tôi giựt gây cương cho ngựa đứng lại, ngựa chạy hăng quá, tôi kéo cương hết ga, ngựa dũi hai chưn trước cho cà một đường bay khói trên mặt đất, dừng cách gía ngồi huấn luyện viên chừng vài gang tay!
 
-“You’re crazy!” Huấn luyện viên mặt tái xanh nhìn tôi, quát.

 
-“But you’re good”.

 
Tôi rờ tay lên trán, những giọt mồ hôi rướm từng hột!!! Con ngựa tôi chạy mới vừa ba tuổi, nó hăng như ngựa hoang!!!

 
Cuối tuần tôi lại trở về Thousand Oaks thăm chơi bạn bè, nhậu. Và la cà ngoài mall chọc ghẹo đám bạn nhà “Thất Long Công Chúa”. Những lần sau trở lại Thousand Oaks tôi tình cờ nhận cú điện thoại của nàng tóc hoe. Nàng “rủ” tôi đi chơi ngoài trời cùng gia đình nàng trong ngày đại hội hàng năm ở thành phố Thousand Oaks. Hôm đó trời trong và sáng, hàng trăm gia đình tham gia ngày hội. Tôi cùng nàng đến một ngọn đồi chung quanh đầy những cây xương rồng nho nhỏ. Trời về chiều, những tia nắng yếu dần. Nhìn xuống thung lũng, tôi hỏi nàng: “Tại sao em lại thích anh?” Nàng không nói mà ôm choàng lấy tôi đè đầu xuống những ngọn cỏ với một nụ hôn nồng cháy thay cho câu trả lời! Tôi không còn thắc mắc, nằm yên bất động nhìn trời, và những làn mây, bay chập chờn.

 
Hôm sau tôi trở về trường lòng rạo rực, hớn hở như kẻ vừa được yêu. Annet, tên nàng tóc hoe, cũng vào năm cuối của bậc trung học.

____________________

Đồng Sa Băng  5/12/2010
<bài viết được chỉnh sửa lúc 08.12.2010 00:32:34 bởi DongSaBang >

DongSaBang
  • Số bài : 176
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.12.2006
Ngựa Hoang - 26.12.2010 22:43:01
Ngựa Hoang
(Ðọc sau bài: Pepperdine University)
 
       Nước Mỹ áp dụng chế độ cưỡng bách giáo dục ở bậc trung và tiểu học. Ngoài những trường nổi tiếng và trường tư, hệ thống đại học công ở tiểu bang California gồm có hai hệ thống: UC (University of California system) như UC Berkeley, UC Davis, UCLA,… và CS (California State University system) như  CS Northridge, CS Fulleton, CS Los Angeles,… Hệ thống UC có vẽ khá và nổi tiếng hơn. Chương trình giáo dục của Mỹ khá hoàn thiện, riêng tiểu bang California lại càng ưu đãi cho ngành giáo dục hơn mọi tiểu bang khác. Ít nhất ở thời điểm của thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, hệ thống đại học công ở tiểu bang California đều miễn phí, sinh viên chỉ đóng một ít lệ phí nhập học mà không phải đóng tiền học phí cho mỗi lớp học.

Tôi đã vào trường học hơn một khóa, nhưng thành phố Thousand Oaks dường như không bao giờ rời xa tôi. Nơi đây có một sự ràng buộc hay những mảnh vụn có thể xóa lấp những giây phút buồn và nhớ gia đình. Nhưng cũng có những lúc tôi không muốn trở lại Thousand Oaks trong ngày cuối tuần nếu ngày thứ Hai kế là ngày thi, nhưng ít khi nào tôi làm được chuyện đó!

Thỉnh thoảng hội bảo trợ Tin Lành tổ chức những ngày họp mặt cho những gia đình tị nạn Việt Nam và những người di dân khác đến Thousand Oaks trước đây. Những cuộc họp mặt có tính cách hướng dẫn và dìu dắt người tị nạn làm quen để hòa đồng với cuộc sống mới. Những người tham gia thường là những gia đình thành công về học vấn hay trên con đường thương mại. Nhưng cuộc sống và xã hội nơi này rất khác với thành phố Sài Gòn, muốn hội nhập cũng đòi hỏi thời gian. Chỉ chưa đầy một năm trước, những buổi tối khi học xong năm ba chữ thấy đói bụng là, xẹt ra đầu hẻm ngồi ngâm nga bên tô phở bốc hơi, hay ngồi nhà gọi đứa bé đang gõ lóc cóc mang vào tô hủ tíu. Hay những buổi chiều cuối tuần xách xe chạy lang bang trên phố Sài Gòn tìm thăm vài người bạn, ghé thăm người tình hay cặp kè nhau đi trên phố. Không khí sôi động và nhộn nhịp của thành phố Sài Gòn nóng bỏng đã ăn sâu vào cuộc sống hằng ngày, mà khi còn ở đó người ta xem rất tầm thường, nhưng xa rồi mới thấy nhớ. Nhớ từ những việc rất đơn sơ như bóng người, sân trường với những tà áo bay phất phới, tiếng nói, và cả những cái nóng gay gắt trong những đêm Hè. Còn bao nhiêu thứ khác mà xã hội này không thể nào đáp ứng - tình cảm người thân và bạn bè.

Có hôm Tẩu rủ tôi xuống thăm vài người bạn dưới San Diego. Tôi không có xe nên đi đâu cũng nhờ bạn bè hay đi xe buýt. Ở xứ này không có xe cũng giống như cái chân bị cụt vậy, cho nên nhà nào cũng có xe hơi và sở hữu chiếc xe hơi cũng như người Sài Gòn có chiếc xe đạp vậy thôi. Tẩu sắm chiếc xe gắn máy Honda 400 phân khối để đi học và đi làm hằng ngày. Và hôm đó Tẩu đèo tôi trên lưng chiếc xe Honda xuống San Diego. Ngoài xa lộ hầu hết là xe hơi chạy như tên bay, lâu lắm người ta mới phát hiện chiếc xe gắn máy. Và để có thể chạy ngoài xa lộ được thì xe gắn máy tối thiểu cũng phải 250cc trở lên. Ngồi sau lưng Tẩu tôi chờm người nhìn về phía trước, xe phải chạy theo vận tốc xa lộ không thì bị người ở phía sau bấm còi, bực bội!  Nên Tẩu phải chạy lẹ, những làn gió thổi ngược lại đập vào mặt tôi làm cho da mặt cuộn lên từng gợn như gợn sóng trên mặt hồ! Và mỗi lần há miệng ra nói thì gió thổi lồng vào tạo thành tiếng kêu lạch bạch!

Rồi chúng tôi cũng đến thành phố San Diego. Hôm đó trời mưa lâm râm. San Diego có khí hậu tương tự như ở Sài Gòn, nắng ấm và mưa cũng nhiều. Chúng tôi vào thăm gia đình người bạn của Tẩu.  Là ngày cuối tuần nên nhiều người tụ tập lại ăn chơi. Chiều tối về họ ăn nhậu, bia, rượu và thức ăn đầy bàn. Sau cuộc ăn nhậu họ gầy sòng đánh bài. Những cuộc sát phạt không hề nương tay và khi máu ăn thua nóng lên thì người ta hay quạu, và bản chất thật sự của con người lúc đó hiện ra như trần truồng! Giữa cuộc chơi, người ta nghe tiếng khóc của đứa bé độ vài tuổi. Tiếng khóc trẻ con làm gián đoạn cuộc vui người lớn, và người mẹ vội vàng cho vào miệng đứa bé vài ngụm rượu đế. Từ đó tiếng khóc im dần và đứa bé đi vào giấc ngủ trong lòng người mẹ, bên sòng bài! Trong giấc ngủ chắc em nằm mơ cũng cám ơn cho đời, ít ra người mẹ cũng cho em cái hình hài này.

Sáng ngày hôm sau chúng tôi giả từ những người bạn ở San Diego trở về Thousand Oaks. Con đường cũng dài bấy nhiêu đó nhưng sao thấy lẹ hơn lúc đi.

Tôi trở lại trường Pepperdine.

Khóa học thứ hai sắp chấm dứt. Bây giờ tôi có khái niệm về cuộc sống nơi đây, ít nhất là làm thế nào để tương lai bản thân không gặp vất vã trong công việc mưu sinh hằng ngày. Ngày xưa ở quê nhà có đôi lần tôi theo Cha đi săn chồn với đàn chó săn, và những ngày còn nhỏ trong mình tôi dường như lúc nào cũng có cái ná bắn chim. Cái thú săn bắn bỗng trở lại trong tôi khi tôi thấy đàn chim cút mập, no tròn, hằng ngày cứ lảng vảng trên bãi cỏ bên cạnh đại học xá tôi ở. Tôi thấy đàn chim cút “lì” hết biết, nó chẳng biết sợ con người, trong khi nó mang trên mình một “khối” thịt béo mở và nhởn nhơ như trêu chọc tôi. Từ đó, những ngày làm việc trong chuồng ngựa tôi để dành một ít tiền, và lần về thăm bạn bè ở Thousand Oaks tôi mua một cây súng trường bắn đạn bi. Tôi hứa với mấy người bạn ở Thousand Oaks, rằng:

“Tuần sau tao sẽ cho tụi bây một chầu cút cụt đuôi.”

Một buổi chiều, sân trường vắng bóng sinh viên, chỉ còn lưa thưa những kẻ không chỗ đi chơi hay nhà ở xa. Nhìn cảnh vắng vẽ trên đại học xá, tôi biết đàn chim cút đang nhởn nhơ ngoài đó, nên, tôi lòn cây súng trong người, và lức láo bước ra bụi rậm. Những con chim cút rút rít đi từ bụi cây này qua bụi cây khác, vừa đi vừa giật đầu lên xuống như con gà nuốt giây thun. Tui nằm sải sòng bên bụi cây, rình và đưa súng lên nhắm. Hình hài con chim cút lọt vào vòng tròn nút rùi của đầu súng, ngón tay tôi để sẳn trên con cò, nín thở. Tui đang hồi hộp. Ðến giây phút quyết định, tui đưa tay sát cò. Ðịnh bấm cò thì có tiếng lẹt xẹt bật lên kêu liên tục, rồi những hạt nước từ sân cỏ phun lên tứ tung vào chỗ tôi nằm! Chết rồi, tôi sợ tái mặt, chắc có nhân viên bảo vệ thấy tôi bắn “trộm” chim cút nên chơi tui. Tui liền dấu súng trong người, nằm yên xem xét tình hình. Một hồi lâu không thấy ai hết, và nước cũng ngưng phun lên những ngọn cỏ. Tôi bò đến khu khác nơi đàn chim cút đang ăn. Lần này tôi sợ. Sợ nhân viên bảo vệ nhà trường bắt gặp. Nhưng tôi không chịu thua mấy con cút cụt đuôi, nó cứ nhởn nhơ trước mặt tôi! Tôi ngồi trong bụi cây, nhìn ra bốn phía xem không thấy bóng người, tôi an tâm lôi súng ra. Phải nói những con cút xứ này sao “ngu” thiệt. Ngày xưa mỗi lần tui bắn hụt là mấy con chim cu đất bay đi thật xa chứ đâu có lì như mấy con cút này. Tôi lại kê súng bên bụi rậm và nhắm bắn. Tôi quyết tâm xách một con về Thousand Oaks để khỏi bị đám bạn chê là mình dở như hạch. Tôi đang nhắm mũi súng vào đàn chim, nín thở và đặt mọi chú ý vào bộ lông màu xám biết đi trước mắt tôi. Ðến giây phút gay cấn và tôi quyết định bấm cò, thì, xẹt xẹt, những hạt nước từ dưới đất lại phun lên những ngọn cỏ, và bụi cây nơi tôi nằm. Tôi liền thâu súng dấu vào trong người, và không còn nghĩ gì đến những cục thịt béo mở đang nằm trước mặt kia nữa. Tôi nghĩ chắc bị phát giác! Thế nào cũng bị bắt. Tôi lén rời những bụi cây và đàn chim cút, rút lui về khu đại học xá. Vừa đi vừa lức láo để ý nhân viên bảo vệ. Tôi vẫn không thấy ai. Và tôi về thẳng phòng trọ.

Vậy là xong, chuyện của tôi và những con cút cụt đuôi coi như không có duyên!

Tôi bỏ súng ở nhà đi dạo bên ngoài xem sao. Đi một hồi thì thấy sân cỏ sau lưng học xá tự nhiên nước từ dưới đất phun lên, và hết khu này tắt đi thì đến khu khác nổi lên, mà không thấy một ai mở nước hay cầm ống để tưới cỏ. Tôi mới ngộ ra.

Và nhớ lại ngày xưa, nơi tôi lớn lên. Một đêm tối trời. Có hai ba người cán binh vì đói khát họ vào ngôi làng trong đêm tối. Trong màn đêm tịch mịch bỗng nhiên có tiếng kêu “quặp,… quặp quặp,…quặp.” la vang xóm nhà ông đại diện xã rồi im bặt, kế tiếp là tiếng chó sủa ầm lên. Thế là những người bảo vệ làng mang súng ra lùng xét. Những tiếng súng nổi lên xé tan giấc ngủ dân làng. Một người đang nằm dưới mương, chỉa súng lên bắn. Những tia chớp từ đầu súng lóe lên trong bóng tối làm một người khác thấy và chạy đến. Trong bóng đêm, viên đạn bay chổng lên trời và người ngồi dưới mương hỏi: “Ai đó?” Người kia không nói, tiến lại gần và ra khẩu hiệu: “Trót trót trót.” Người dưới mương liền chỉa súng bóp cò liên hồi. Người ra tiếng trót chó biết mình lầm và tiến sát vào mương chụp họng súng dơ lên cao cho khỏi bị trúng đạn. Cây súng tiếp tục nhả đạn và nòng súng nóng lên, người kia chịu nóng không nổi, buông tay ra, và viên đạn đã xuyên qua! Người dưới mương lật xác ra thấy trong người còn mang con vịt mới vừa bị vặn cổ. Sáng ngày người ta biết con vịt bị vặn cổ là của ông đại diện xã. Và thân xác người kia được trả về rừng.

Cuối tuần đó tôi trở về Thousand Oaks, nhưng không mang theo được con cút cụt đuôi nào! Tôi hẹn đi chơi cùng Annet, nhưng tôi và nàng đều không có xe nên chỉ lòng vòng ngoài mall đến hết giờ. Lần này tôi hỏi lại nàng:

“Tại sao em thích anh?”

Annet nhìn tôi:

“Vì anh nói em đẹp.”

“Chỉ vậy thôi sao?”

“Vậy thôi.”

“Không lý không còn ai nói em đẹp sao?”

“Không. Em chưa bao giờ nghe ai khen em đẹp ngoài anh, ngay cả bố mẹ em cũng chưa bao giờ nói rằng em đẹp. Cho nên hôm nghe anh khen em đẹp, em thích lắm.”

“Nhưng mà em đẹp thật mà.”

“Nhưng sao bao lâu nay người ta không nói với em điều đó!?”

“Có lẽ họ ghen tương với sắc đẹp của em.”

“Em không biết, nhưng biết có anh khen em đẹp là em vui rồi. Thôi mình đi ăn kem nhe.”

Tôi lên xe buýt đưa Annet về nhà nàng rồi trở lại căn hộ của người bạn ở Thousand Oaks. Cuối tuần đó, sau những cuộc nhậu tôi lại trở về trường.

Sau hai khóa học tôi thấy Pepperdine cho tôi đủ thứ, từ học phí đến nơi ăn chốn ở, nhưng có một điều vẫn làm tôi trăng trở, là, với mảnh bằng lấy được từ Pepperdine tôi có thể làm được những gì? Pepperdine chỉ có các ngành khoa học tự nhiên, luật và kinh tế. Những ngành này có thể giúp tôi tìm được việc làm nhưng chắc không dễ. Sau nhiều lần suy nghĩ tôi quyết định theo ngành kỷ thuật, vì tôi nghĩ, với tôi các ngành kỷ thuật sẽ dễ học và ra trường dễ tìm việc làm hơn. Nhưng Pepperdine không có phân khoa kỷ sư. Ngoài việc chọn cho mình một ngành dễ tìm việc làm, tôi còn một nỗi niềm nữa là nhớ nhà và nhớ gia đình. Gần hai năm sống một mình nơi xứ người có nhiều đêm tôi vẫn nhớ về quê hương ray rức. Ngày ra đi tôi chỉ muốn xa gia đình đi học, khi học xong tôi sẽ trở về. Nên bây giờ tôi muốn học ngành nào giúp ích tôi khi tôi trở về. Và cũng ở thời giang này những tin tức về ngành dầu hỏa, tin mỏ dầu Bạch Hổ sẽ được khai thác ngoài khơi Việt Nam đã cho tôi một quyết định. Tôi sẽ tìm trường để học kỷ sư dầu hỏa.

Thực ra tiểu bang California cũng có trường có ngành dầu hỏa nhưng chỉ là dầu hỏa biến chế. Và tôi muốn theo học ngành tìm và khoan mỏ dầu, tôi muốn trong túi tôi chứa đầy đất cát của mỏ dầu thay vì học cách biến chế. Và chỉ có Oklahoma University mới có ngành này.

Mùa Thu năm 1976 tôi tiếp tục ghi danh ở Pepperdine University và cùng lúc đó tôi đưa đơn xin học ở đại học Oklahoma. Và cũng mùa Thu năm 1976 Annet vào đại học.

Hè 1976 Annet tốt nghiệp trung học và muốn xuống Pepperdine thăm chơi mấy ngày cuối tuần. Tôi nhờ người bạn gái tên Mamuda, sinh viên du học và là con gái của đề đốc Hải Quân Nam Dương, chở Annet xuống Malibu và ở trong phòng của Mamuda. Pepperdine University có khá nhiều sinh viên du học từ Á Châu, phần đông là từ Nhật Bản, Nam Dương, Hồng Kông và Singapore. Những sinh viên du học này đến từ những gia đình khá giả và có tiếng. Tôi biết một điều là con gái Nhật hầu hết có tên tận cùng với vần “Ko”. Trong lớp Anh Văn tôi học có một người con gái tên Kaiko (cây-ai-cô). Kaiko lúc nào cũng mang nụ cười trên môi, và Kaiko cũng làm cả đám bạn cười bể nụng mỗi lần nàng phát âm câu “As a matter of fact”. Những chữ kia không có gì lạ khi Kaiko phát âm, chỉ trừ chữ  “motter fat” nàng bỏ chữ of và đã làm chúng tôi vui cười đến bể bụng. Ấy thế mà Kaiko lại thích dùng chữ  “matter fact” trong nhiều trường hợp nàng phát biểu! Và đó là điều tôi nhớ nhiều nhất về Kaiko.

Hầu hết những du học sinh đều ở trong đại học xá và hầu hết chúng tôi biết mặt nhau. Chúng tôi thường ngồi chung bàn hay chung nhóm trong những buổi ăn trưa và tối ở câu lạc bộ sinh viên. Brian cũng đến từ Nhật Bản, Brian là con trai của một đại tư bản, nhỏ con, da ngâm, miệng cười rất có duyên, và Brian thích ăn chơi hơn học. Ngoài căn phòng trong đại học xá Brian còn mướn một căn nhà riêng trên bãi biển Malibu để vui chơi. Bố mẹ Brian giàu có và chi tiền cho Brian không tiếc rẻ.Thỉnh thoảng Brian mang chúng tôi về căn nhà ngoài biển chơi. Trong nhà Brian có đủ thứ rượu bia và một dàng nhạc không khác gì một hộp đêm. Khóa đầu tiên Brian hòa đồng và thường đi chung trong nhóm sinh viên ngọai quốc, nhưng càng về sau Brian càng ít đi chung. Ðến khóa thứ nhì thì thân hình Brian tiều tụy đi nhiều. Rồi một buổi chiều người ta thấy tay chân Brian đổ máu đầm đìa, mặt xanh như tàu lá. Và đó là kết quả của những lần rượu chè, bạch phiến mà Brian vướng phải. Con ma thuốc đã hoành hành thân xác Brian trở nên điên cuồng, đập phá.

Nhưng với Andy mập và Takeo thì khác. Tôi thường về nhà Andy mập trên bờ biển chơi và dạy cho Andy mập bài ca Việt Nam. Có lần Andy mập và Takeo cùng chúng tôi lái xe lên cầu Cựu Kim Sơn chơi, trên đường về chúng tôi đồng ca bài Những Ðồi Hoa Sim. Andy mập trong giọng ngọng nghịu: “Xưa, xưa nói gì bên em . . . Một người đi chưa về mà đành lỡ ước tơ duyên.”

Annet đến thăm tôi vào mùa Hè, khuông viên trường vắng vẽ. Tôi không có xe nên chỉ đưa Annet đi chơi xung quanh trường và tôi cùng nàng lội bô qua cánh đồi cỏ xanh non để xuống thành phố Malibu, từ đó chúng tôi băng ra bờ biển. Annet trông hồn nhiên chạy nhảy trên những bãi cát. Biển Malibu hẹp, ít sóng và không có chỗ tắm nước ngọt nên chúng tôi chỉ nô đùa trên cát. Một hôm Annet nhìn lên ngọn núi sau trường và nàng muốn leo núi. Tôi chiều nàng và cùng nhau băng qua rặng đồi sau đại học xá. Một lát sau chúng tôi đứng giữa núi, bên một hố nước không sâu lắm, chỉ có đá, những bụi cây thấp, và rất nhiều hoa dại màu vàng rực rỡ như hoa dã quỳ mọc bên suối. Annet nắm tay tôi đến một tản đá. Mùi thơm hoa rừng lan tỏa trong không giang tịch mịch của núi rừng quyến rũ như mùi thơm da thịt cửa nàng thiếu nữ. Annet yểu điệu mơ màng bên những cành cây như “Trăng nằm sóng soải trên cành liễu”. Với đôi môi đỏ mộng mơ màng chỉ “Ðợi gió đông về để lả lơi”. Núi đồi hoang vu, tiếng chim ca hót, tiếng chuông giáo đường trong Chapel, tiếng côn trùng rỉ rả và ngay cả “Tiếng lòng ai nói sao im đi?”

Annet ôm cứng tay tôi trong cánh tay nàng, nhìn xuống chân đồi đầy hoa vàng, và trách:

“Sao con trai Việt các anh có cái tội cố chiếm quá vậy.”

“Em nghĩ như vậy sao?” 

“Ừ. Hình như các anh bị dồn nén trong chiến tranh lâu quá, nên không có cái nhìn thống thoáng về tình yêu. Nên khi yêu chỉ muốn chiếm đoạt thôi.”

“Có lẽ em đúng. Nhưng em thử nghĩ xem, trước một tác phẩm tuyệt vời mà tạo hóa đã tạo nên, thử hỏi bọn con trai nào lại không muốn chiếm đoạt.”

“Anh chỉ có giỏi nịnh đầm thôi.”

Annet ngả đầu vào vai tôi, đôi mắt lim dim dần theo tiếng gió trên đồi.

Chiều Chủ Nhật hôm đó tôi đưa Annet về trở về nhà. Và tuần sau nàng rời Thousand Oaks lên đường đi học.

Năm tháng sau tôi không nghe tin gì về Annet, nàng cũng ít khi trở lại Thousand Oaks.
Ðầu năm 1977 nhận được thư chấp nhận của Oklahoma University, tôi trở về Thousand Oaks thăm gia đình Mom Valeri và papa Smith. Tôi đã trình bày cùng Mom và papa rằng tôi quyết định rời Pepperdine để đi học trường khác. Mom có vẽ tiếc và nói:

“Con có biết mấy ai may mắn có được cái học bổng như Pepperdine cho con không?”

“Con hiểu. Nhưng nếu con ham và ôm cái học bổng này thì chỉ sợ sau này tìm việc làm khó mà thôi.”

Và tôi nói với Mom và papa Smith rằng tôi cũng xin được học bổng bốn năm, gồm học phí nơi ăn chốn ở, từ Oklahoma University như Pepperdine đã cho tôi. Mom và papa Smith vui mừng không còn khuyên tôi nên ở lại Pepperdine nữa.

Những ngày tháng còn lại ở Pepperdine tôi vẫn vừa đi học và làm cho chuồng ngựa. Ngoài tôi và một sinh viên khác làm trong chuồng ngựa còn có Richard là nhân viên chính. Richard không theo học ở đây, anh ta chỉ đến đây làm việc. Mỗi ngày tôi lên chuồng gựa dọn dẹp phân trong chuồng ra và mang cỏ bỏ vào máng cho ngựa ăn. Có nhiều lúc tôi cũng thấy Richard làm những công việc như tôi, nhưng Richard làm thấy dễ dãi và sướng hơn tôi nhiều. Mỗi lần xúc phân ngựa mang ra khỏi chuồng tôi phải dùng cái xẻng và mang ra bằng tay. Nhưng Richard thì khác, anh ta mang xe xúc (tractor) đặt trong lối đi nhỏ bên trong chuồng ngựa, dùng xẻng xúc phân ngựa bỏ vào xe xúc, xong Richard lái xe xúc mang phân ra ngoài đổ. Tôi thấy Richard làm khỏe quá, còn tôi thì hì hục mang từng xẻng phân nặng nhọc. Nhưng một hôm không có ai trên chuồng ngựa ngoài tôi ra. Tôi thấy chiếc xe xúc nằm ngoài sân, tôi liền leo lên lục tìm chìa khóa và đề xe nổ máy. Xong tôi lái chiếc xe một vòng trên sân, thấy không sao, tôi bắt đầu làm như Richard, mang xe vào lối đi trong chuồng ngựa. Sau khi xúc phân bỏ đầy cảng xe xúc, tôi leo lên xe và mang phân ra ngoài. Lối đi bên ngoài giữa chuồng ngựa và gò đất chật hẹp, tôi chạy một hồi thì cảng xe đụng bên này xong đụng bên kia. Tôi cố lách để mang đống phân ra, càng lách đầu này thì cảng xe đụng vào bức tường bên kia. Tôi vẫn không chiệu thua, và cố lách để mang xe ra. Cuối cùng cảng xe dính cứng vào vách chuồng ngựa, tôi lại cố lôi ra, và đùng, bức tường chuồng ngựa bị bể một lỗ to bằng cái nong làm ngựa hoảng hồn phóng ra ngoài chạy tứ tung lên núi. Tôi tắt máy xe ra ngoài đi gom ngựa về nhưng quá trể, một bầy ngựa như ngựa hoang tản lạc khắp nơi trên núi. Thôi rồi, biết làm sao đây. Tôi rầu rỉ lủi thủi trở về phòng đại học xá, chờ sáng mai ra nhân tội. Tôi biết có bán hết thân tôi cũng đền không nổi kỳ này. Và đây là lần đầu tiên tôi lái xe ở Mỹ!

Sáng ngày tôi thức dậy sớm và mò lên chuồng ngựa. Gặp ông George, người chủ trì chuồng ngựa, là người dạy tôi trong lớp kỵ mã khóa trước, và cũng là người chấp nhận cho tôi làm việc ở chuồng ngựa này. Tôi không đợi ông George lên tiếng trước, tôi đến và nói với ông rằng cái lỗ đó là do tôi gây ra và những con ngựa biến đâu mất cũng do tôi gây ra, bây giờ ông muốn phạt tôi ra sao thì cứ phạt. Ông nhìn tôi và nói không sao, mấy con “ngựa hoang” kia ông sẽ kêu nó về, nhưng ông nói từ hôm nay tôi không còn là nhân viên của chuồng ngựa nữa. Ông bảo tôi khỏi phải đền bù cho bức tường tôi làm bể, vì có đền tôi cũng không đủ tiền để đền. Tôi không nói lời nào, chỉ nói tiếng cảm ơn thật nhỏ rồi lặng lẽ bước ra khỏi khu chuồng ngựa.

Xong khóa học cuối ở Pepperdine University tôi trở về Newbury Park thăm “gia đình”. Một tuần sau, những người bạn ở Thousand Oaks đếm đâu được bảy thằng: Lang, Tẩu, Dương, Tư, Lợi, Diễn, và Quang. Chất một đống trên chiếc station wagon của Quang tiễn tôi ra phi trường Los Angeles. Chiếc máy bay rời phi trường bay về thành phố Philadelphia thăm năm ba người thân, trước khi tôi vào trường dầu hỏa Oklahoma University. Những cuộc nhậu, và tiếng cười trong căn nhà nhỏ ở Thousand Oaks từ đó vắng bóng tôi. Hay là, Thousand Oaks, “ở đây sương khói mờ nhân ảnh; Ai biết tình ai có đậm đà!”
 
Ðồng Sa Băng
17/12/2010
<bài viết được chỉnh sửa lúc 26.12.2010 22:52:06 bởi DongSaBang >

Ct.Ly

DongSaBang
  • Số bài : 176
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.12.2006
RE: Ngựa Hoang - 20.10.2011 22:12:13

Trích đoạn: Ct.Ly

Đã mang vào thư viện

Những truyện ngắn sau cùng

Chúc Đồng Sa Băng luôn vui nhe





[image]http://diendan.vnthuquan.net/upfiles/2452/193FC832F90E4D43B5DFFF1CAC703A70.gif[/image]


 
Cám ơn sis. Và còn sót lại bài nầy nữa. Ðến đây thì DCNTN tạm chấm dứt!
______________________________________________________________
 
Mùa Thu 1977
(tiếp theo bài: Ngựa Hoang)
 
        Chiếc phi cơ cất cánh từ Los Angeles đáp xuống phi trường quốc tế Philadelphia, một thành phố lớn của tiểu bang Pennsylvania thuộc miền Ðông Bắc Hoa Kỳ. Tiểu bang Pennsylvania có trại định cư Indiantown Gap chứa người tị nạn Việt Nam di tản sau ngày 30 tháng 4, 1975. Trên đường đến đại học Oklahoma tôi ghé Philadelphia thăm nhóm anh em anh Hoàng; Tôi chỉ mua vé một chiều, định quá cảnh thành phố Phila thăm chơi vài tuần xong rồi tiếp tục bay về trường dầu hỏa cho khóa học đầu tiên.

Vừa bước chân ra khỏi phi trường, một làn gió lùa qua mang theo hơi lạnh làm tôi rùng người. Khí hậu nơi đây khá chênh lệch với tiểu bang California, mới vào tháng Chín mà trời đã se lạnh! Cái lạnh của miền hàn đới chẳng mang lại cho tôi một kỷ niệm nào, ngoại trừ khơi lại những ký ức làm tôi “thương cho những chiều nắng rọi bờ sông” ở một miền quê xa lắc xa lơ. Từ vùng nắng ấm Cali tôi chỉ mặc bộ đồ mỏng, tôi thun người lại, thọt tay vào túi áo đứng ngóng chờ. Một hồi sau tôi thấy một đám người ngơ ngáo như muốn tìm ai. A ha! tôi la lên:

“Anh Hoàng, tui đây nề!”   

Hôm đó tôi gặp anh Hoàng và nhóm bạn trên tàu Long Châu ngoài khơi Vũng Tàu trưa ngày 30 tháng 4, 1975. Từ ngày chúng tôi chia tay ở trại tị nạn Penndleton mỗi người đi mỗi ngã, hôm nay mọi người đang có mặt tại thành phố này. Chúng tôi nhảy lên xe buýt chạy về thành phố Philadelphia. Xuống xe tôi theo anh Hoàng và đám bạn đến một ga xe lửa, ga Ba Mươi, lên tàu về nhà.

Cái ấn tượng đầu tiên đập vào tôi là những con đường. Những con đường từ phi trường vào thành phố và chung quanh ga Ba Mươi trông chật hẹp và cổ kính. Những căn nhà và phố xá chen chúc nhau không thua gì mặt tiền đường Lê Văn Duyệt (Cách Mạng Tháng Tám). Cái cổ kính hiện lên rất rõ qua những kiến trúc bên trong ga Ba Mươi với cột nhà to bóng loáng, kiến trúc theo lối Cathedral, lồng nhà cao ngất với nền và một phần bức tường được lót và chạm bằng loại đá cẩm thạch lâu ngày “lên men” bóng như mặt gương. Ga Ba Mươi rộng thênh thang, bên trong có nhiều quầy hàng, sạp báo, quầy sách, sạp nhật trình và những hàng ghế dài dùng cho khách ngồi chờ chuyến xe. Ga Ba Mươi nằm bên bờ sông Schuylkill là ga xe lửa Amtrak chạy xuyên bang, và cũng là ga SEPTA (Southeastern Pennslvania Transportation Authority) cho những tuyến xe lửa chạy quanh thành phố Philadelphia.

Chuyến xe lửa rời ga Ba Mươi chạy ngược vào thành phố. Con tàu lao vun vút trên đường sắt. Người ta không còn nghe gì ngoài những âm thanh xình xịch, phát ra liên thinh bất tận nối đuôi xua đuổi nhau không ngừng, từ thân con tàu cũ rích. Trong giây lát con tàu vượt cầu băng qua sông Schuylkill. Bên kia sông là một công viên, người người đi bộ và trẻ con nô đùa. Dưới sông những con thuyền nằm lững lờ trên dòng nước. Con tàu chạy xuyên qua khu dân cư, những căn nhà nằm rải rác cách xa con đường sắt. Tiếng máy kêu xình xịch đưa con tàu lướt trên đường rầy mang tôi lại với những kỷ niệm ngày còn bé. Có lần tôi đứng trên bãi Phù Sa, một bãi cát nằm bên con sông làng, nhìn con tàu lao trong sương lạnh mà lòng hồi hộp; Tôi quay đầu nhìn theo con tàu cho đến khi khuất bóng, chỉ còn thấy những cụm khói trắng phun lên nền trời sau những hồi còi mà lòng vẫn còn luyến tiếc.

Tôi quay qua hỏi anh Hoàng:

“Anh đi đâu cũng bằng xe lửa à?”

“Ừ, tụi tao dùng xe lửa và xe buýt đi học, không đứa nào có xe hơi.”

“Rồi đi chợ cũng đi xe lửa à?”

“Không. Ði bộ.”

Ngộ. Chỉ sau một ngày mà tôi đã thấy sự khác biệt. Người Việt ở miền Tây đất nước này thì thích xe mới, quần áo đẹp và đa số lao đầu vào việc làm ngay sau khi được định cư. Họ phải có những thứ mà người khác không có, những chiếc xe hơi láng cón, hàng mới ra lò. Và họ thích chạy đua trên phương diện ăn chơi, vật chất hào nhoáng. Khác với người Việt tị nạn ở miền Đông Bắc. Mà cũng đúng thôi, nơi này lạnh buốt da, đâu phải là nơi ăn chơi lý tưởng cho những người chọn nơi này làm quê hương. Nên phần lớn họ chọn học đường trong sự kham khổ.

Và ga đầu tiên con tàu ngừng lại là North Philadelphia. Ga North Philadelphia chia ra làm hai ngã, một đi về Trenton và một đi về West Chesnut Hill. Chúng tôi đi về West Chestnut Hill.

Ngồi trên chiếc xe lửa cũ cổ kính tôi có cảm giác như mình đang sống ở thời đại hòang kim. Hay ít ra cũng gợi lại ký ức cũa những ngày còn bé sống trong căn nhà người dì bên cạnh ga Hòa Hưng. Những buổi chiều ngồi trên gác nhìn đoàn xe lửa đưa người qua cổng Bà Xếp, và những lần đu xe lửa từ ga Hòa Hưng về Gò Vấp. Nhưng khác, khác nhiều lắm. Tuyến xe lửa Hòa Hưng – Gò Vấp có nhiều đoạn chạy san sát nhà dân tưởng chừng như đưa tay ra là có thể chạm nhà cửa, chạm đến sự nghèo khổ!

Sau ga North Philadelphia con tàu ngừng lại trên nhiều ga khác, và sẽ có một sân ga cho chúng tôi. Khi con tàu ghé ga Carpenter anh Hoàng nói ga kế là đến nhà. Chỉ trong vòng năm phút sau, con tàu ngừng ở ga Allen Lane. Tôi bước xuống theo anh Hoàng và những người bạn. Từ ga Allen Lane đi bộ ba đoạn đường là đến nhà. Căn nhà mang số 47.

Đó là một buổi chiều cuối tháng Tám năm 1977. Tôi bước vào nhà 47 với đầy ngỡ ngàng! Ở đây có đầy đủ “văn võ bá quan”, những người mà trưa 30 tháng 4, 1975 đều có mặt trên tàu Long Châu ngoài khơi Vũng Tàu. Lướt qua một lượt tôi điểm danh không thiếu một tên, đã không thiếu mà còn tăng thêm nhân số! Đó là bé Tina, đứa bé gái con anh Ka và chị Tê là đứa bé đầu tiên của thế hệ thứ nhì ở Mỹ được sinh ra trong gia đình 47. Bé Tina rất dễ thương nhưng trông nhỏ con, chị Tê bảo rằng khi có mang không muốn dùng thuốc bổ nuôi con trong bụng, sợ con lớn sinh đẻ khó. Chị Tê nghĩ khi sinh con ra rồi hãy nuôi đầy đủ thì con cũng phát triển bình thường thôi. Nhưng trong nhà toàn là bọn đàn ông con trai, ngoài chị Tê là đàn bà, nên chẳng ai có ý kiến ý cò gì, nhưng ai cũng tin chị Tê vì chị có bằng dược sĩ từ Việt Nam.

Mùa Hè vừa đi qua. Những thành phần trong căn nhà 47 như những con ma trơi, họ không nhất thiết đi làm và cũng không nhất thiết đi học, chỉ trừ một việc là họ vừa sửa xong căn nhà. Ðúng ra là một cửa tiệm táp hóa bị cháy như một ổ chuột làm chỗ ở. Có điều là tất cả đều không có một xu dính túi, không gia đình, không nhà cửa đang ngồi nhà ăn tục nói phét, gãi ghẻ chờ khóa mùa Thu nhập học để làm người trí thức. Cả thành phố Phila-del-phia cũng đang ầm ì chuyển động với những gia đình người Việt tị nạn ở rải rác khắp nơi trong và ngoài thành phố. Phila là một trong những thành phố tiêu biểu cho miền Ðông Bắc, là một thành phố phức tạp! Một thành phố có đầy đủ các sắc dân trên thế giới, và có muôn ngàn việc làm từ chân tay đến trí óc. Cũng vì tính tạp nhạp nên là một thành phố dễ thở, dễ sống cho những người chân ướt chân ráo đến từ các nơi trên thế giới.

Chiều cuối tuần tôi theo anh Hoàng và đám bạn leo lên tàu lửa xuống phố đi ăn đồ Việt. Chỉ có hai tiệm ăn Việt Nam trong cả thành phố Phila, và cả hai tiệm ăn này đều nằm ở nam Phiadelphia, khu chợ Ý. Anh Hoàng và đám bạn đưa tôi ghé thăm ngôi trường họ sẽ nhập học vài tuần sau. Ngôi trường chẳng có gì hấp dẫn, cũ kỷ, nằm bên cạnh trung tâm thành phố Phila, gần ga Ba Mươi. Trường Drexel University. Ðược biết Drexel University là biến thân của Drexel Institude. Ngày xưa nhà kỷ nghệ Drexel lập nên Dexel Institude để huấn luyện nhân viên cho nhà máy của ông ta. Sau này Drexel Institude phát triển và trở thành một đại học tư, chuyên về ngành kỹ thuật và được coi là trường kỹ sư sáng giá thuộc vùng Ðông Bắc, được nhiều công ty kỹ nghệ nhìn nhận và “đánh giá cao” (credited school). Mà kết quả rõ ràng nhất là tỷ lệ sinh viên nhận được việc làm sau khi ra trường. Không những có việc làm mà mỗi sinh viên có được bao nhiêu việc làm sau ngày ra trường! Sau một vòng thăm trường, chúng tôi tấp vào “nhà hàng” Việt Nam để tìm lại một chút hơi hám quê hương. Chiều về chúng tôi lại leo lên xe lửa chạy về nhà 47. Trong tiếng kêu xình xịch, và tiếng “nghiến răng” ken két của bánh xe sắt cà lên đường rầy khi toa xe ngừng lại sân ga, anh Hoàng hỏi:

“Mầy thấy sao?”

“Sao là sao, tui đâu thấy sao đâu.”

“Ý tao nói là trường Dexel đó.”

“Thì cũ, già nua giống như viện bảo tàng trong Thảo Cầm Viên ở Sài Gòn vậy đó.”

“Trường ngon lắm đó mầy, ở lại đây học với tụi tao cho vui.”

“Thôi cha, tui có trường rồi, học bổng bốn năm đàng hoàng, kỹ sư dầu hỏa tương lai đó.”

“Bộ kỹ sư Drexel dỏm hả mầy, mầy vừa xem báo cáo việc làm sau khi ra trường trên bảng thông tin ở trường đó. Hơn nửa Drexel có chương trình sáu tháng ở trường sáu tháng ngoài kỹ nghệ, đở lắm nghen mậy.”

“Học ở đây để trở thành Chúa Chổm à?”

“Nhằm nhòi gì ba thứ lẻ tẻ đó, đi học là đầu tư mà mậy. Ðầu tư quá rẽ, mỗi tháng sau khi ra trường mầy trả nợ có 90 đồng hà.”

“Dzị là tui phải cong lưng trả nợ mấy chục năm mới xong. Thôi, không ham đâu, mà Drexel đâu có ngành dầu hỏa.”

“Dầu với khí cái quái gì, bộ mầy nghĩ kỹ sư điện và cơ khí không ngon sao mậy?”

“Nhưng tui muốn về làm việc cho hảng dầu hỏa ở Việt Nam kìa, cho gần nhà kìa.”

“Bỏ đi tám. Bỏ ý định đó đi cưng. Còn lâu mầy mới về Việt Nam.”

“Sao dzị?”

“Chứ mầy không thấy à? Ngay cả gởi lá thư về thăm con bồ mầy mà gởi không thủng kìa.”

“Ủa! Sao trước khi lên đây tui nói với anh tui đi học dầu hỏa để về Việt Nam sao anh không cản mà bây giờ lại cản?”

“Thì không cản mầy mới lên đây chứ.”

“Vậy là anh gạt tui hai lần rồi.”

“Hồi nào mà hai lần?”

“Lần trước ngoài khơi Vũng tàu, anh gạt nói tàu Long Châu trở về Sài Gòn nên tui mới nhảy xuống biển xém chết, quên rồi sao?”

“Ai biểu mầy tin tao chi. Khùng sao quanh trở về.”

“Vậy lần nầy thì sao?”

“Lần nầy thì khác. Tao thấy mầy là nam nhi có chí mà nhớ nhà, nhớ ba chuyện bồ bịch nhảm nhí, tao khuyên mầy ở lại đây học cho vui thôi. Mầy nghĩ đi, một mình mầy về Oklahoma mầy nghĩ sao. Tùy mầy thôi.”

“Cậu Hoàng nói đúng đó. Ở lại đây học với tụi tui cho vui đi, xuống đó một mình buồn thúi ruột rồi làm gì, ngồi nhà ‘xúc cát’ hà!” Thằng Sơn chỉa vô nói thêm.

“Lộn xộn mậy, tuổi tác không tính nhưng tao là cậu đàng hoàng nghen mậy.” Tôi cười nhe răng ra.

Những lời đơn sơ của anh Hoàng làm tôi suy nghĩ. Bao nhiêu hồ sơ, giấy tờ tôi đã tốn nhiều công đi nộp, và nay chỉ còn chờ ngày nhập học. Tôi mơ, mơ có một ngày trở thành kỹ sư dầu hỏa và trở về Việt Nam để được gần gia đình, gần anh em, và Phương. Nhưng sao bây giờ những giấc mơ đơn sơ dường như bị lung lạc. Ðúng, anh Hoàng đã nói một điều rất đúng, là, cả một bức thư ngắn chưa bằng gang tay gởỉ về thăm gia đình mà bưu điện Việt Nam cũng không cho vào! Thì làm sao nói đến chuyện mang cái xác này về? Tôi quay qua anh Hoàng:

“Nhưng chỉ còn một tuần nữa là đến ngày nhập học của Drexel và Oklahoma University, làm sao kịp?”

“Thì mầy mang hồ sơ vào phòng học vụ xin đại xem sao.”

Ngày hôm sau tôi cùng đám bạn trở lại Drexel, tôi mang theo đầy đủ giấy chấp nhận và học bổng của Oklahoma University cấp cho tôi, và giấy báo ngày nhập học, cùng những phiếu điểm những môn tôi lấy ở trường Pepperdine và cả bằng Tú Tài tôi mang theo từ Việt Nam. Tôi vào phòng học vụ và nộp đơn xin học ở đây. Người xét đơn là một phụ nữ. Không cần nhìn vào hồ sơ tôi đưa cho bà, bà liền phán một câu:

“Too late! Next week school starts and we no longer acept applications, very sorry young man.” (Trể quá rồi! Tuần tới trường nhập học và chúng tôi không nhận đơn nữa, rất xin lỗi người bạn trẻ.)

Tôi cũng chẳng buồn, và nói:

“Well, could you take a look at my application and one way or the other please let me know in the next couple of days before I leave for Oklahoma University?” (Ôi! Xin bà xem qua đơn của tôi và bằng cách này hay cách khác xin vui lòng cho tôi câu trả lời trong vài ba ngày tới, trước khi tôi rời đây để về trường Oklahoma?)

Bà đặt xấp đơn tôi lên bàn giấy, và nói:

“Okay, I will take a look and let you know later.” (Vâng, Tôi sẽ xem đơn và cho cậu biết sau.)

Tôi bước ra khỏi phòng học vụ, với lòng không vui mà cũng chả buồn. Anh Hoàng và đám bạn bu lại:

“Sao, bả trả lời mầy sao rồi?”

“Trể quá! Bả nói chỉ còn một tuần nữa là trường khai giảng mà bây giờ còn đơn với từ cái đíu gì.”

Nghe tôi nói mọi người xìu xuống như bánh xe đạp bị đâm một lúc năm cây đinh! Vậy là tôi yên tâm lo ăn chơi, đi ghẹo đám con gái ở nhà hàng Việt Nam vài ba ngày ở đây xong rồi về trường Oklahoma để sau này làm tên kỹ sư dầu hỏa và ôm mộng về quê với Phương.

Thành phố Phila-del-phia có dòng sông Schuylkill chảy êm đềm như dải lụa màu xanh. Philadelphia có công viên Fairmount Park dài nhất thế giới, có tượng Tình Yêu (Love Status), và Philadelphia có viện bảo tàng nghệ thuật kỳ cựu nhất nước Mỹ là nơi Sylvester Stallone “leo” lên những bực tam cấp trong phim Rocky một buổi sáng mùa Ðông lạnh lẽo. Và tôi đến Phila-del-phia cũng một buổi sáng mùa Ðông. Căn nhà 47 vừa được sửa chữa, những khung cửa sổ còn mang mùi dấu mới để lộ những khe dài trống rỗng, và gió, gió rít qua từng cơn lạnh buốt nghe như tiếng sáo từ một thân tre khô bị mảnh bom xén đứt giữa cánh đồng. Trong căn phòng nhỏ ở lầu ba, những tia nắng chui qua cửa kính trần truồng soi sáng khắp căn phòng khi kim đồng hồ chỉ 7 giờ sáng. Tôi đạp mền ngồi dậy bước xuống cầu thang. Chiếc bàn tròn nằm giữa nhà bếp đã đầy người bu quanh, trên tấm lưng gầy gò của mỗi người còn khoát chiếc áo lạnh. Nhìn qua khung cửa nhà bếp, ngoài hiên nhà những lon bia bị bóp méo còn nằm lăn lóc trên mặt bàn. Sáng thứ Năm mọi người vẫn còn lừ đừ như con gà chết sau một đêm đánh chén. Chín giờ sáng tiếng điện thoại reng lên, anh Hoàng bốc lên. Bên kia đầu giây là tiếng nói của một phụ nữ:

“Cho tôi gặp ông Vân.”

“Hứ, mới tới mà có đàn bà gọi kiếm rồi. Điện thoại đây nề mầy.”

Anh Hoàng trao ống nghe cho tôi.

“Tôi là Vân đây.”

“Tôi là Janet của phòng học vụ trường đại học Drexel. Tôi muốn báo tin là đơn xin vào trường điện của cậu đã được chấp nhận, chúc mừng cậu.”

“Cám ơn bà. Và bây giờ tôi phải làm gì?”

“Thứ Hai nầy cậu có thể đến trường để ghi cua học. Nhưng đầu tiên cậu phải đến phòng tài chánh để làm thêm một vài thủ tục.”

“Thưa bà tôi có được học bổng nào của trường?”

“Có. Căn cứ vào hồ sơ và học lực của cậu chúng tôi cho cậu một học bổng toàn phần học phí cho khóa mùa Thu nầy.”

“Còn những khóa sau thì sao, thưa bà?”

“Tùy vào điểm trung bình của cậu. Nếu cậu giữ được trên ba chấm thì học bổng sẽ được tiếp tục.”

“Cám ơn bà rất nhiều. Xin hẹn gặp bà vào thứ Hai nầy.”

“Chúc mừng cậu và chúc cậu nhiều may mắn.”

Như vậy là xong, rõ ràng là tôi không có duyên với Oklahoma University. Và từ mùa Thu năm 1977 tôi dính liền với thành phố Phiadelphia, với căn nhà 47, với những nguời bạn nối khố trên con tàu Long Châu. Để rồi ba năm sau, năm 1980, tôi tốt nghiệp trường điện của Drexel University, lao vào cuộc sống trên quê hương nầy như trăm ngàn người Việt tị nạn khác. Và giấc mơ trở thành kỹ sư dầu hỏa trở về làm việc trên quê hương Việt Nam cũng mãi là một giấc mơ!

Và có lẽ dấu chân của tôi tạm dừng nơi đây.

Nhưng căn nhà 47, những người sống trong đó, những người bạn của 47, những sinh viên Việt Nam theo học ở Drexel, cộng đồng người Việt ở Phila-del-phia, và người láng giềng của 47 sẽ tiếp tục viết lên “Dấu chân người tị nạn” khác!

Nhưng họ là ai?

Là những kẻ tìm cuộc sống ngày vào ngày ra trong những hộp đêm, là những tên láo cá, là thằng cãi bướng, là người quyền uy trong xã hội ngày trước, là “cha đạo đi hoang”, là bà Phán Lợi và luật sư của Ðoạn Tuyệt, là những tên bợm nhậu, là bums. Là người bình thường như mọi người. Như người ta đã nói. Nhương nhìn qua một quang kính khác thì họ là mục sư, là nghệ sĩ, là những người con gái đáng thương, là những kẻ lang thang trên bãi biển đi tìm bắt những con cua, là những người tàn cuộc chiến cần cù đi tìm cái vinh quang cho cuộc sống trong cái đắng cay của cuộc đời, là những bông hoa của xã hội. Là người bình thương như mọi người. Cũng như người ta đã nói.

Cho nên phải viết về họ qua một ngôn ngữ khác, một tâm trạng khác – sét đánh và nhân ái.

Đâu dễ gì bắt được con cua, vì mỗi lần sờ tay ra là nó lại chạy đi. Nhưng nếu nó có nằm đó thì người ta cũng phải dè dặt, nếu không, nó kẹp đứt … tay! Cho nên cách hay nhất là cột miếng đùi gà thơm phức vào mảnh lưới, đặt xuống biển và để nó tự chun vào bẫy. Và có lẽ đó là phong cách để viết về “47 West Durham”.
                                                                            -  Hết -
Ðồng Sa Băng
18/1/2011

Ct.Ly

DongSaBang
  • Số bài : 176
  • Điểm thưởng : 0
  • Từ: 19.12.2006
RE: Ngựa Hoang - 21.10.2011 01:47:15
Ah ha... cám ơn Ct.Ly há. Nhưng mà  kỳ này chắc đổi nghề luôn cho sướng, thấy nghề phó nhòm phẻ hơn nhiều .
 
Happy day hả.